Sidebar

Thứ Bảy
07.12.2024

Chúa Nhật XV TN A_4

MẢNH ĐẤT TỐT
Mt 13, 1-23 

Những ruộng lúa, những mảnh đất để gieo hạt lúa luôn phải được chuẩn bị, làm sạch cỏ, cầy nhuyễn đất để hạt giống có thể được vãi gieo không lãng phí, không uổng công. Mà thật vậy, chẳng người nông dân nào lại có thể chịu nổi cái cảnh xem ra lãng phí hạt giống như người nông phu trong đọan Tin Mừng chúng ta nghe đọc ngày Chúa Nhật hôm nay. Một nông dân cần mẫn, biết tính toán sẽ gieo hạt giống vào mảnh đất ông đã dọn sạch cỏ, đã cầy thật nhuyễn đất và ông chắc chắn sẽ thu được mùa lúa tốt tươi. Người nông dân trong Tin Mừng Mt 13, 1-23 cho chúng ta thấy lòng quảng đại của Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban phát những hồng ân dồi dào cho con người, cho mỗi người...

THIÊN CHÚA LUÔN QUẢNG ĐẠI ĐỐI VỚI CON NGƯỜI : 

Bài Tin Mừng diễn tả cảnh người gieo giống xem ra phung phí, nhưng trong chiều sâu thẩm của nó biểu lộ cử chỉ tung hạt thật quảng đại của người nông dân. Nhưng, cử chỉ này cho thấy thái độ thật quảng đại của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với con người, đối với chúng ta và đây cũng là thái độ Chúa đòi hỏi con người phải quảng đại đối với nhau. Vâng, tình yêu của Chúa thật vô biên. Con người đã lãnh nhận nơi Người biết bao nhiêu là ân huệ, biết bao nhiêu là hồng ân cao quí, nhưng nhiều khi vô tình hay cố ý, con người đã vô ơn trước tình thương lớn lao của Người. Mặc dù, lãng phí những ân huệ của Chúa, nhưng Người vẫn không so đo, tính toán, không rút lại những ơn huệ Người đã ban phát nhưng không cho con người. Trái ngược với Chúa, con người có thể nhận hoặc từ chối ân sủng của Người, và bóp nghẹt, không cho tình yêu của Người triển nở trong con người chúng ta. Tin Mừng và các bài đọc muốn dạy con người, khi con người đã nhận lãnh nhưng không tình yêu của Thiên Chúa, con người phải biết chia sẻ và quảng đại trao ban những ân huệ cao quí mà con người đã lãnh nhận nơi Thiên Chúa cho những người khác dù họ có nhận hay không lãnh nhận. Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi ( 1 Ga 4, 18 ). Tình yêu chân thật thì biết đón nhận và trao ban.Bởi vì, có những hạt lúa rơi vào sỏi đá, rơi vào bụi gai, rơi trên đường sẽ chết đi hoặc chim trời ăn mất, nhưng những hạt giống rơi vào đất tốt vẫn nhiều hơn, có hạt sinh 30, 60 hoặc 100 hay hơn nữa. Những hành động, những thái độ, những cử chỉ yêu thương được chia sẻ, được trao ban sẽ làm nẩy sinh nhiều hành động yêu thương khác. Nói cho cùng, dù hạt giống yêu thương con người gieo vào bất cứ người nào, gieo vào bất cứ thửa đất nào cũng nẩy sinh những hạt, những hiệu quả tốt đẹp.

ĐÁP TRẢ LẠI TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA

Tin Mừng và các bài đọc Chúa Nhật 15 năm A, dùng dụ ngôn " Người gieo giống " để dạy con người về giá trị của Lời Chúa trong đời sống của người Kitô hữu. Chúa muốn con người biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày của mình. Tâm hồn của con người được ví như vệ đường, sỏi đá, bụi gai. Nếu Lời Chúa bị gieo vào sỏi đá, vệ đường, bụi gai, Lời Chúa sẽ không phát triển và khô cằn. Tâm hồn con người là thửa đất tốt: Lời Chúa được gieo vào đó, chắc chắn sau này sẽ là mùa lúa bội thu. Thái độ thành tâm, thiện chí lắng nghe Lời Chúa mới quan trọng, đáp trả, cho đi, chia sẻ mau mắn Lời Chúa mới có giá trị lớn lao. Chúa Giêsu nói :" Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe " ( Mt 13, 16 ). Tuy nhiên, nghe và thấm nhuần, hiểu rõ ràng Lời của Chúa không phải là chuyện dễ dàng và càng không dễ dàng tí nào khi con người đem Lời Chúa ra thực hiện trong cuộc sống của mình. Lời Chúa đã có từ lâu và Lời Chúa cũng đã được nghe, được đọc, được cắt nghĩa bằng những lời giảng dạy của các Linh mục, của những nhà truyền giáo, nhưng còn biết bao nhiêu người chưa sẵn sàng đón nhận Lời của Người để Lời của Chúa luôn trổ sinh hoa quả tốt đẹp và để cho những người khác đón nhận Lời, không những người Kitô hữu phải thành tâm lắng nghe Lời, để Lời của Chúa ăn sâu vào tâm hồn con người và rồi người Kitô hữu phải can đảm, kiên trung thực thi Lời của Chúa, nhờ đó những người khác sẽ nhận ra được Lời yêu thương của Chúa đã được người Kitô hữu thực hành và trao ban, chia sẻ cho họ. Đây là sự đáp trả tình yêu :" Tình yêu đáp trả tình yêu ".

ÁP DỤNG VÀO ĐỜI SỒNG CON NGƯỜI: 

Lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu là điều tối quan trọng của mọi người Kitô hữu. Mọi người Kitô hữu phải quí trọng kho tàng Lời Chúa như Công Đồng Vaticanô II viết:" Kho tàng Thánh Kinh đã khai mở cách dư thừa và phong phú để cung cấp cho các tín hữu " ( Hiến Chế Về Phụng Vụ, số 51 )

Do đó, người Kitô hữu phải chú ý đến các bài đọc trong thánh lễ. Hãy lắng nghe với đức tin vì khi đọc các bài Thánh Kinh trong thánh lễ là chính Đức Kitô đang nói với mọi người ( Hiến Chế Phụng Vụ, số 56-57 ).

Vì thế, Lời của Chúa sẽ được đón nhận nếu người Kitô hữu mau mắn, nhiệt thành, quảng đại gieo Lời Chúa như :" Người gieo giống quảng đại là chính Thiên Chúa ".

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp tất cả chúng con biết quí trọng Lời Chúa: Lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống của chúng con".Amen

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁI ĐỘ CỦA NGƯỜI ĐÓN NHẬN
HAY LÀ TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI GIEO?

Mt 13, 1-23 

Thoạt nghe bài Tin Mừng vốn đã quen tai là dụ ngôn người gieo giống, chúng ta không khỏi nghĩ ngay đến những thái độ khác nhau của người nghe Lời Chúa. Cũng là lắng nghe Lời, nhưng tùy thuộc vào thái độ tiếp nhận thì mới có những hiệu quả tốt xấu, ít nhiều, khác nhau. Một số nhà nghiên cứu Tin Mừng cho rằng có lẻ xuất phát bởi nhu cầu của Hội Thánh sơ khai trong việc đón nhận Lời Chúa nên các tác giả Tin Mừng đã thêm vào phần giải thích bài dụ ngôn ( parabole ) theo kiểu văn phong thể phóng dụ ( allégorie ), tức là áp dụng từng chi tiết của câu chuyện, một thể văn mà các giáo phụ thường dùng, khác với thể văn dụ ngôn, một thể văn thông dụng thời Chúa Giêsu, là thường chỉ nhắm đến một điều muốn nói.

Dù sao đi nữa thì Lời Chúa vẫn nguồn sống cho mọi người, mọi hoàn cảnh. Việc thiên về thái độ của người đón nhận Lời đã, đang và mãi còn chân giá trị. Ân sủng không loại bỏ tự nhiên, một chân lý mà Hội Thánh luôn khẳng định cách chắc chắn. Tuy nhiên, xin được chia sẻ một vài ý tưởng nhỏ khi nhìn ngắm tấm lòng của người gieo giống.

1. Thiên Chúa muốn mọi người nhận biết chân lý ( x. 1Tim 2,3-4 ): 

Đây là một sự thật cần khẳng định mà không sợ sai lầm. Đấng Toàn Thiện sẵn sàng cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân hẳn là Đấng không muốn bất cứ một ai phải hư mất. Chính vì thế Thiên Chúa không chỉ muốn mà còn tìm đủ cách thế, giúp mọi người nhận biết chân lý, để được sống trong hạnh phúc viên mãn. ( x. Mt 5,45; Ga 6,39 )

Có lẽ hình thức "cấy mạ" chưa hình thành và phát triển trong nghề nông vào thời bấy giờ. Ngay cả với ngành nông nghiệp hiện đại hôm nay thì cách thức gieo hạt, người Việt Nam ta gọi là "sạ lúa" vẫn còn phổ biến. Nhìn người nông phu vung tay sạ lúa giữa trời trưa, nhiều gió, chúng ta thoáng thấy một nét đẹp của sự hào phóng. 

Từng nắm lúa được tung gieo theo chiều gió. Có nhiều hạt rơi trên mảnh đất đã cày xới, cũng có nhiều hạt vung vãi trên bờ giường, bờ thuở...Bác nông phu chẳng tiếc, chẳng nao. Làm sao tránh được những hao hụt. Nhưng không sao, mùa vụ trước mắt sẽ dư đầy. Trở lại với dụ ngôn Chúa Giêsu kể năm nào. Người chỉ nêu có bốn loại hạt rơi ở bốn mảnh đất khác nhau. Giả như số hạt ấy được chia đều cho bốn loại đất, ta thử làm con tính xem sao. Mất ba, chỉ được một. Tưởng chừng như thua lỗ, nhưng vẫn còn dư lãi. Chỉ với một loại hạt rơi trên đất tốt, đã có hạt sinh một trăm, hạt sinh sáu mươi, hạt sinh ba mươi. Thế là sinh lợi bình quân trên sáu mươi. Khấu trừ cho ba loại hạt có vẻ như đã mất thì vẫn còn lãi dư.

Tấm lòng của Thiên Chúa, Đấng gieo hạt Lời từ trên, thật bao la khôn xiết. Người đã gieo Lời Người khắp cả vũ hoàn. Mỗi kỳ công tay Người tác tạo, dù chẳng một âm thanh, nhưng là mỗi Lời của Người được tung gieo ( x.Tv 18,2-5 ). Thiên Chúa gieo Lời của Người vào tận đáy lòng mỗi con người. Chẳng máy móc tân kỳ nào có thể ghi âm, nhưng hiệu quả của "tiếng lòng" ấy không ai là không chân nhận, mỗi khi lý trí đã biết xét suy. Thiên Chúa gieo Lời của Người qua các biến cố lịch sử, đặc biệt qua lịch sử một dân được tuyển chọn và đến thời kỳ viên mãn Người đã gieo Lời trọn hảo của Người qua chính Con Một làm người ( x.Dt 1,1-2 ). Rất có thể bị hao hụt phần nào, nhưng " cũng như mưa với tuyết sa từ trời không trở về trời mà không sinh hiệu quả thì Lời của Thiên Chúa sẽ không trở về với với Người nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Người, chưa chu toàn sứ mạng Người giao phó" ( x. Is 55,10-11 ).

2. Dù đối với loài người là không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể ( x. Lc 1,37; Mt 19,26 ) :

Vệ đường, đất sỏi đá hay đất đầy gai góc, tất cả đều có thể mọc cây, đơm bông, kết hạt. Đây là chuyện không còn viễn vông đối với khoa học công nghệ hiện đại. Sa mạc biến thành vườn rau hay thành cánh đồng cây ăn trái, không còn là chuyện xưa nay hiếm. Nhiều thứ cỏ dại như cỏ cú, cỏ chỉ, cỏ tranh không còn là nan trị đối với nông gia ngày nay. Không chỉ ở thôn quê mà ngay cả ở thành thị, những con đường đã phủ đầy cây xanh. Nhưng sự khả thể ngày càng mở ra trước mắt chúng ta. Cây sẽ mọc và đơm hoa kết trái, nếu có đủ nước và khí trời.

Với quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể. Thiên Chúa đã ban tất cả cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. "Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ?" ( Rm 8,32 ). 

Vấn đề còn lại là ở mảnh đất có "sâu" đủ và "thoáng" đủ, để đón nhận nước và khí trời. Đây chính là sự khiêm nhu và lòng thành hướng thiện của mỗi người chúng ta. Nếu có sự hướng thiện và khiêm nhu chân thành thì dù cho cuộc đời ta, hoàn cảnh sống của ta như mảnh đất đầy sỏi đá hay nhiều gai góc cũng sẽ trở thành mảnh đất tốt để cho hạt giống Lời nẩy mầm, thành cây, đơm bông và kết hạt.

3. Hãy mặc lấy tấm lòng của Người gieo giống: 

Chúng ta cần có chút cẩn trọng để đừng " ném ngọc trai cho heo". Đừng làm cớ cho người ta xúc phạm đến những gì thánh thiêng một khi đã suy xét và lường trước sự việc. Tuy nhiên, việc tích cực gieo rắc Lời Chúa bằng nhiều hình thức một cách nào đó nói lên tấm lòng của ta với tha nhân và nói lên niềm tin của ta vào quyền năng của Chúa và vào sức mạnh của Lời. Thánh Tông đồ dân ngoại dạy ta : Hãy rao giảng Tin mừng khi thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi. Kitô hữu chúng ta hẳn không quên câu Lời Chúa : "Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào có ích gì" ( Mt 16,26 ), đã làm trổ sinh cho nhân loại, cho Hội Thánh một Phanxicô Xavie, vị thánh nhiệt tình rao giảng Tin mừng cho lương dân. Đoạn Tin Mừng Mt 10,7-10 đã góp phần dệt xây nên một "người nghèo của Thiên Chúa là Phanxicô khó khăn cùng với Hội Dòng anh em hèn mọn...

Người gieo, kẻ gặt, nhưng chính Thiên Chúa là Người cho mọc lên. Không ai thắp đèn rồi lấy thùng úp lên. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, hãy lên mái nhà mà rao giảng ( x. Mc 4,21-24; Mt 10,27). Dù mệt nhọc, muốn nghỉ ngơi cùng với các môn đệ, nhưng khi thấy đoàn người đông đảo, Chúa Giêsu động lòng xót thương, Người lại tiếp tục rao giảng ( x.Mc 6,34 ). Hãy có tấm lòng với anh chị em đồng loại, đồng thời tin tưởng vào sức mạnh của Lời, để nhiệt thành gieo rắc hạt giống. Vì đêm hay ngày, ta ngủ hay thức thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, trổ bông, đơm hạt ( x. Mc 4,26-29 ).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

GIEO và GẶT
Mt 13, 1-23 

Trang tin mừng theo Thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe là trang tin mừng quá quen thuộc với mỗi người chúng ta nhưng ngày hôm nay nghe lại nó vẫn có một giá trị nhất định trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, cách riêng là đời sống thường nhật đang, đã và sẽ diễn ra trong xã hội ngày hôm nay.

Chúa Giêsu thường dùng các dụ ngôn để giảng dạy cho các môn đệ, cho dân chúng. Dụ ngôn ngày hôm nay thật là dễ thương, Chúa đã lấy hình ảnh hết sức thực tế, hết sức gần gũi trong đời sống con người để nói với mỗi người chúng ta. Chúa nói là gieo giống chứ Chúa chẳng hề nói là gieo cây nào cả, Chúa chẳng hề nói đó là lúa hay bắp, hay đậu ... Nói như thế hết sức gần gũi vì lẽ ai ai cũng có thể hiểu được vì có vùng thì trồng lúa, có vùng thì trồng đậu, có vùng thì trồng cà phê, có vùng thì trồng tiêu ... Bất cứ nghề nào chứ không phải riêng gì về nghề nông, ai ai cũng mong cho mình có lợi sau mùa thu hoạch chứ chẳng ai mong mình bị thất mùa hay bị thất thu.

Như một người gieo giống bình thường, Chúa cũng mong gặt được những hoa quả thật tốt nhưng rồi cuộc đời vẫn có điều gì đó bất thường là thi thoảng Chúa thất thu. Chúa thất thu vì lẽ người ta đã khép lòng mình lại, khép mảnh đất cuộc đời của mình lại không để cho Lời Chúa sinh sôi nẩy nở trong đời của họ. Thiên Chúa luôn luôn yêu thương, sẵn sàng cứu độ con người nhưng còn phần con người, con người có mở lòng mình ra để cho Chúa cứu hay không là chuyện khác. Chúa gieo giống tốt nhưng con người lại cố tình làm cho hạt giống đó bị hư đi đó chính là quyết định của mỗi người.

Ta có thể hiểu một cách đơn giản về dụ ngôn này : người gieo hạt là Chúa, hạt là Lời Chúa, đất chính là mỗi người chúng ta.

Hoa quả của bất cứ cây, hạt nào cũng cần có 3 yếu tố : người gieo, giống gieo và đất để gieo.

Người gieo thì khỏi phải bàn, vì Ngài là chính Thiên Chúa, Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, đầy từ bi và nhân hậu để rồi chúng ta an tâm và tin tưởng rằng Ngài là người gieo tuyệt vời. Ngài gieo những hạt mầm tốt để cho con người được phát triển, để được sống trong vòng tay yêu thương, trong sự quan phòng kỳ diệu của Ngài.

Hạt : Lời Chúa. Chúng ta vẫn thường hát với nhau : "Halleluia, Lời Chúa sáng soi con đường đi, Halleluia, Lời Chúa khác chi như giòng suối, Hallelui, Lời Chúa bánh thiêng ban nguồn sống, phúc cho người vui nghe, yêu mến gẫm suy lời luôn"

Hát thật là hay, hát thật là to, hát thật là hoành tráng nhưng hình như Lời Chúa ngày hôm nay nó cứ mờ dần, nhạt dần trong đời sống người kitô hữu thì phải. Thánh vịnh nhắc nhở chúng ta : "Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước" thế nhưng mấy ai trong chúng ta đã dùng lời Chúa để chiếu soi cuộc đời của mình.

Ngày hôm nay, giữa một đời sống quá phát triển, Lời Chúa dần dần bị người ta đẩy ra khỏi cuộc đời.

Thử hỏi các bậc làm cha làm mẹ xem, ngày hôm nay, cha mẹ, con cái trong gia đình mấy khi đụng đến quyển Thánh Kinh ? Trong khi đó Thánh Kinh chính là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, của ăn tinh thần cho gia đình.

Nhìn lại chương trình học của một đứa bé chúng ta thấy rất rõ.

Chập chững biết đi một chút thì vào nhà trẻ, sau đó vào cấp 1 và từ từ tiến vào đại học. Bên cạnh đó cha mẹ chúng lo lắng cho chúng quá nhiều về các kỹ năng như đàn, vi tính, học bơi. .. học ngày không đủ và tranh thủ cả học đêm nữa. Đành biết những môn đấy rất cần cho cuộc đời nhưng nó chỉ là cần chứ không phải là đủ, là căn cốt của cuộc đời này. Một thực trạng đau lòng ngày hôm nay là số lượng giáo lý viên trong các giáo xứ cứ vơi dần. Không chỉ giáo lý viên vơi dần mà các em nhỏ học giáo lý cũng vắng dần trong các lớp giáo lý. Khi hỏi đến thì cha mẹ và ngay như chính các em cũng tìm hết mọi cách để lý giải cho mình về chuyện bỏ bê học Lời Chúa mà chỉ mãi đi tìm cho mình tri thức của xã hội.

Cũng buồn cười ! Chắc có lẽ đi học cái gì càng đóng tiền cao họ càng thích đi chứ đi học Giáo lý miễn phí nên chẳng ai thèm đi học cả. Cũng nực cười hơn nữa khi chính cái học miễn phí ngày hôm nay, ngày các cháu còn trẻ chính lại là cái kho tàng vô giá, là hành trang các cháu mang theo khi vào đời. Học cao hiểu rộng biết nhiều là tốt đấy nhưng thực ra không ít người đang phải trả một giá quá đắt cho chuyện đầu tư tri thức chứ không đầu tư cho Lời Chúa.

Lời Chúa cứ theo năm tháng mờ nhạt dần trong đời sống kitô hữu.

Mảnh đất : mảnh đất để mà Lời Chúa có thể sống và phát triển chính là cuộc đời của mỗi người chúng ta. Vì ham chạy theo sức hút của cuộc đời, ngày hôm nay con người ta không còn dành cho Lời Chúa phát triển trong đời mình nữa. Các kiến thức về khoa học, về tin học, về xã hội nó đã chiếm hết mảnh đất của đời ta rồi thì còn gì chỗ để mà cho Lời Chúa phát triển nữa.

Mới đây, một người quen nhờ tôi giúp cho hai đứa con của chị khi chị thấy chúng dường như nói quá đáng là bỏ đạo ! Nghe chị nói xong tôi cảm thấy ngao ngán làm sao đấy ! Gia đình chị thuộc dạng khá giả, chồng chị là một người có tiếng trong giới hội họa - mỹ thuật nhưng gia đình chị đang đứng trên bờ vực của sự dữ, sự mất lòng tin, dự đánh mất Thiên Chúa ra khỏi gia đình.

Chẳng dám trách ai, chẳng dám trách chị, chẳng dám lên án ai và cũng chẳng dám lên án chị.

Có lẽ cái hậu quả, sự bi đát mà gia đình chị đang chịu lấy không phải ngẫu nhiên mà đến với gia đình chị. Nó chính là hậu quả của nhiều tháng nhiều năm mà gia đình chị chính là tác giả. Là một gia đình Công giáo hẳn hoi nhưng Lời Chúa chẳng bao giờ có cơ hội để mà sống trong gia đình của chị. Vợ chồng con cái cứ mãi miết đi tìm con chữ, đi tìm tri thức mà không tìm Lời Chúa. Chúa nhật vẫn tham dự Thánh lễ tạm gọi là cho có với người ta chứ vợ chồng con cái có để cho Lời Chúa thấm nhập vào gia đình chị đâu mà con cái chị có đời sống đạo tốt ! Tôi khẳng định một điều rằng chính vợ chồng con cái chị là người đã tạo nên hậu quả ngày hôm nay. Ngày hôm nay, dẫu rằng anh chị sống trên một đống tiền mà có thể nói là tiền tỷ đấy nhưng có hạnh phúc thật hay không hay nó chỉ là cái giả tạo ở bên ngoài về mặt xã hội thôi còn về tôn giáo, về lòng tin, về Thiên Chúa hình như chỉ là vá víu tạm bợ mà thôi.

Nếu như khi các cháu còn bé, anh chị biết dạy dỗ, hướng dẫn các cháu sống Lời Chúa cùng với các anh chị thì ngày hôm nay anh chị không phải lo lắng gì cả. Thử hỏi một ngày Chúa ban cho anh chị và các cháu được 24 giờ đồng hồ nhưng anh chị và các cháu dành được bao nhiêu phút để ngồi lại với nhau đọc kinh chung với nhau thôi chứ đừng nói là đọc lời Chúa và suy niệm Lời Chúa ?

Lo đi tìm thế gian thì thế gian sẽ tràn ngập gia đình, đó là quy luật tất yếu của cuộc đời chứ có gì đâu mà chị phải lo âu và thắc mắc. Nếu như anh chị và các cháu đi tìm Lời của Chúa thì chắc chắn Chúa sẽ là vua, là Chúa là chủ của gia đình anh chị.

Nhớ đến hình ảnh gia đình của chị tôi trộm nghĩ rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài cho chúng ta tự do lựa chọn thái độ sống với Ngài. Ngài không hề ép buộc chúng ta bất cứ điều gì cả. Lời Chúa vẫn có đó, Lời Chúa vẫn còn đó nhưng còn đón nhận, làm cho phát triển lại tùy thuộc vào mỗi người chúng ta. Chúng ta có để cho Lời Chúa trở nên nguồn sống, nguồn ánh sáng, nguồn suối cho cuộc đời chúng ta hay không chính là cách đáp trả của mỗi người chúng ta.

Nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mở lòng mình ra để đón nhận Lời Chúa và để cho Lời Chúa sinh hoa kết quả trong cuộc đời mỗi người chúng ta để ngày sau Chúa gặt được những cây "lúa", những cây "đậu", những cây "cà phê" đầy hoa và trĩu quả.

Anmai, CSsR

SỨC MẠNH CỦA LỜI CHÚA
Mt 13, 1-23 

Với dụ ngôn "người gieo giống" rất quen thuộc, phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta tới một chủ đề nền tảng, đó là: Sức Mạnh của Lời.

Chúng ta sẽ tập trung suy nghĩ ba điểm chính yếu của dụ ngôn: người gieo giống, hạt giống và những thửa ruộng khác nhau.

1. Thiên Chúa, Người gieo trong hy vọng

Trước hết, dụ ngôn nói về người gieo làm ta ngạc nhiên bởi vì sự phung phí của ông. Ông hành động như kẻ không chuyên nghiệp, vung vãi hạt giống khắp nơi, và hầu như không để ý tới chúng sẽ rơi vào đâu: trên vệ đường, trên sỏi đá, trên bụi gai, cuối cùng là trên đất tốt. Người gieo giống là biểu tượng về một Thiên Chúa của hy vọng: spes in semine (gieo trong hy vọng), của sự quảng đại quá mức đến độ "phung phí" trong việc ban phát các ân sủng và Lời của Người cho chúng ta. Một Thiên Chúa yêu hết mọi người và muốn Lời của Ngài đến với tất cả. Hay nói như Thánh Phaolô: «Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và đạt tới sư nhận biết chân lý» (1 Tim 2,3-4). Và như thế trong thế giới này và trong các nền văn hóa dù chưa được được tin mừng hóa, người ta vẫn tìm thấy những chân lý và những giá trị mà chúng có nguồn gốc và sự viên mãn trong Thiên Chúa là Cha của tất cả và cũng là Người ban phát mọi sự thiện hảo. Thiên Chúa đó ban cho chúng ta Lời Chân Lý, Lời Sự Sống. Lời đó là kim chỉ nam và là luật sống của chúng ta. Lời đó cũng là hạt giống gieo vào lòng chúng ta.

2. Hạt giống

Hạt giống biểu tượng những gì là nhỏ bé nhưng lại chứa đựng một sức mạnh, một mần sống kỳ lạ nhiều lúc không thể tin được! Hạt giống cũng là biểu tượng của Lời Chúa, Lời được viết ra trong Sách Thánh. Nhưng hạt giống cũng chính là Đức Kitô Giêsu, vì Người là Lời sống động của Thiên Chúa, Lời nhập thể làm người, và là Lời viên mãn của Nước Trời. Lời đó làm tăng trưởng các giá trị hiện có trong các nền văn hóa, thanh tẩy chúng và đưa chúng tới sự hoàn hảo. Bởi thế, Giáo Phụ Giustino (+165) gọi những giá trị trong các tôn giáo và trong các nền văn hóa là "semi Verbi", các hạt giống của Lời. Người, Lời hiệu quả của Cha, như mưa xuống trên đất đai (Bài đọc I), tưới gội đất đai, làm cho đất đai màu mỡ, và làm mọc lên những hoa quả tốt tươi tô đẹp cho đời. Hạt Giống thần linh này có một sức mạnh vô tận: là ban tặng ơn cứu độ cho tất cả, bất kỳ nơi đâu, bất kỳ ai, kể cả những lúc thất vọng nhất, sức mạnh đó không có hàng rào nào có khả năng ngăn cản được. Thế giới này là cánh đồng của Chúa Cha, luôn đẹp đẽ, đáng chiêm ngắm như Thánh vịnh hôm nay nói tới, không có những con người hay những thực tại mà không thể không cứu rỗi được. Đó là nền tảng của niềm hy vọng về ơn cứu độ kitôgiáo (Spes salvi, như ĐHG Benedetto XVI nhấn mạnh). Hãy cam đảm vươn tới những chân trời bao la của hy vọng, vượt trên cả mồ hôi, nước mắt và tuyệt vọng của kiếp người!

3. Những thửa ruộng khác nhau

Dụ ngôn nói tới những thửa ruộng khác nhau, ám chỉ những thực tại của thế giới và lòng mỗi người chúng ta. Thiên Chúa ban Lời và ân sủng cách quãng đại cho hết mọi người. Nhưng Người không có ép ai phải theo. Ai có tai để nghe thì hãy nghe. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của chúng ta. Hay nói đúng hơn, Thiên Chúa mời gọi chúng ta cộng tác với Người. Những mãnh đất khác nhau là lòng chúng ta có khả năng đón nhận hoặc từ chối hạt giống Lời và Ân sủng. Con người có khả năng chọn cho mình là vệ đường, là rỏi đá, là bụi gai, hay là mãnh đất tốt trước Lời Chúa. Và kết quả của hạt giống được gieo vào đất tốt làm chúng ta ngạc nhiên: hạt 30, hạt 60 và hạt 100! Sự khác nhau này không tùy thuộc vào người gieo mà lại tùy thuộc vào phẩm chất của đất, chính là thái độ đón tiếp Lời và thực hành Lời của mỗi người chúng ta.

Bài học áp dụng

- Hãy yêu mến Kinh Thánh và siêng năng đọc, tìm hiểu và áp dụng Lời Chúa vào trong cuộc sống hằng ngày.

- Hãy chuẩn bị cho lòng mình là mãnh đất tốt để Lời Chúa dễ bắt rễ, và thấm sâu vào tâm hồn, và hãy để cho Lời đó uốn nắn và biến đổi suy nghĩ, phán đoán và hành động của chúng ta.

- Hãy quảng đại và rao giảng Lời Chúa khi thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, ngay cả những hoàn cảnh xem ra không còn hy vọng gì nữa vì Lời đó là Lời cứu độ con người. Amen!

LM Phêrô Nguyễn Hương (nguồn vietcatholic.org)

1308    07-07-2011 06:04:51