Tội lỗi và sự dữ là một thực tại thiêng liêng. Chúng đang ngự trị và tồn tại khắp mọi nơi, len lõi vào mọi tâm hồn. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để tận diệt chúng và bao giờ Thiên Chúa mới chấm dứt những điều ấy? Tin mừng hôm nay sẽ cho chúng ta lời giải đáp đó.
Có nhiều người cảm thấy bất mãn, thất vọng và đặt vấn đề là tại sao Giáo hội Chúa vẫn có những con người xấu? Đâu rồi một Giáo hội thánh thiện của Thiên Chúa? Bản chất Giáo hội là thánh, nhưng Giáo hội đang cưu mang trong lòng những con người tốt lẫn những con người chưa tốt và tội lỗi. Giáo hội chính là thửa ruộng có cả lúa và cỏ lùng đang mọc lên. Chúa là người chủ ruộng không muốn sai người tiêu diệt cỏ lùng ra khỏi lúa, vì ông sợ khi làm như thế sẽ có sự lầm lẫn! Nhưng thật ra là Thiên Chúa kiên nhẫn và chờ đợi những người tội lỗi hồi tâm trở về với Ngài. Cỏ lùn không bao giờ trở thành lúa được nhưng người xấu có thể trở nên tốt, người tội lỗi có thể trở nên thánh thiện. Đó chính là lý do tại sao Chúa lại kiên nhẫn chờ đợi con người! Sự kiên nhẫn, lòng khoan dung và nhân từ không phải là cử chỉ của sự yếu đuối, nhưng là biểu lộ một sức mạnh, sức mạnh của tình yêu.
Con người dù cho có tội lỗi hay hung ác đến đâu đi nữa thì nơi tận đáy lòng của họ vẫn có những điều tốt đẹp và thánh thiện khi nó được khơi lên. Văn hào người Nga Dostoieveski, với tác phẩm nổi tiếng như "Tội ác và hình phạt", "anh em nhà Karamazov" . . . là người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng như một phép lạ, vào giữa lúc bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh được tha. Người viết tiểu sử của ông đã kể lại như sau: "thời gian ngồi tù đã in đậm nét trên quảng đời còn lại của ông. Từ trên chiếc máy chém nhìn xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị áp bức, những người nô lệ đáng thương, dù họ có phạm tội những tội ác tày trời đi nữa, thì tâm hồn của họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội. Do đó, họ đáng được tha thứ hơn là đáng kết tội.
Khi bước xuống khỏi máy chém, Dostoievski thấy mọi sự như vô nghĩa. Điều duy nhất còn ý nghĩa đối với ông chính là tình yêu, và cho dù trong suốt 30 năm sau, cộng đoàn của ông có đắm chìm trong bùn nhơ của tội lỗi, của khốn khổ, của ô nhục, ông luôn nhìn mọi sự qua lăng kính của yêu thương. Một lần bị đưa lên máy chém cho ông hiểu rằng: con người đau khổ, tất cả mọi người đều đáng cảm thông và thương mến.
Tất cả cuộc đời của ông là một cố gắng không ngừng để diễn đạt câu nói: "Hỡi người anh em, không gì có thể ngăn cản tôi yêu thương bạn"
Nếu có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng về con người đốn mạt của chúng ta, nếu có những lúc chúng ta không còn tin tưởng ở tình người nữa, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cảm thấy ngay ánh mắt nhân từ và cảm thông của Ngài. Hãy nhớ lại Ngài đã làm gì đối với Giakêu, với Malađana, với Phêrô khi chối bỏ Ngài, với tên trộm bị đóng đinh bên phải Ngài.
Tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi, mạnh hơn sự ác. Thiên Chúa ghét bỏ tội lỗi nhưng Ngài yêu thương tội nhân. Chính vì thế mà Ngài muốn cho Con của Ngài xuống thế làm người, một con người nghèo khó để có thể liên kết với hết mọi người, với những ai được gọi là người. Cái chết của Đức Giêsu trên Thánh giá là ngôn ngữ không lời của tình yêu, diễn tả tình yêu tột cùng của Thiên Chúa dành cho con người.
"Đừng nhổ cỏ lùn ra khỏi ruộng, cứ chờ cho đến mùa gặt". Thái độ của Thiên Chúa luôn là kiên nhẫn. Ngài kiên nhẫn vì yêu thương con người. Ngài nhận thấy thấu tận con tim và tấm lòng của con người. Nên dù khi con người hành động chống lại Ngài đi nữa, Ngài vẫn yêu thương họ, vì họ "lầm không biết".
Thiên Chúa thì luôn kiên nhẫn "chờ đợi", còn con người thì nóng vội, muốn hành động mọi sự nhằm thoả mãn tính kiêu căng và ích kỷ của mình. Rất nhiều lần chúng ta có thái độ giống như hai anh em Giacôbê và Gioan ngày xưa khi Chúa Giêsu và các ông đi ngang qua làng Samaria mà người ta không đón tiếp Chúa: "Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt họ không?". Chắc chắn là khi ta hành động nóng nảy với anh em mình, muốn trả thù anh em mình, muốn loại trừ anh em mình ra khỏi cộng đoàn . . . là chúng ta hành động trái ngược với ý muốn của Thiên Chúa. Con người vốn phức tạp lắm. Chúng ta không thể hiểu được lòng của ai khác ngoài chính bản thân của ta đâu. Do đó, thái độ khôn ngoan là đừng xét đoán ai và cũng đừng kết án ai. Trái lại, ta hãy có cái nhìn như Đức Giêsu khi đối diện với những sai lỗi của anh em mình "họ lầm không biết" đó thôi; hay ta hãy có tâm tình như văn hào Dostoievesk: "dù họ có phạm những tội ác tày trời đi nữa, tâm hồn của họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội. Do đó, họ đáng được tha thứ."
Muốn tha thứ được cho người khác, chúng ta hãy tập yêu thương mọi người, nhất là những người đang sống bên cạnh chúng ta, tập nghĩ tốt về họ, nói tốt về họ, tập quên đi những sai lỗi của họ. Nước Trời chỉ dành cho những người biết chiếm lấy bằng sức mạnh. Sức mạnh đó chính là sự kiên nhẫn, tha thứ, yêu thương, chờ đợi . . . Những thứ mà loài người vẫn cho là yếu kém và nhu nhược. Chúng ta hãy tập "lấy hoa thơm lấn dần cỏ dại" trong cuộc sống vốn phức tạp và ô hợp này.
Xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của Chúa Thánh Thần để chúng ta biết hành động, suy nghĩ và phát ngôn những điều mang lại niềm vui, hạnh phúc và an vui cho mọi người, hầu góp phần làm cho Nước Cha được thể hiện từng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Amen.
Chủ ruộng không bao giờ mong cỏ lên trong ruộng lúa nhưng thửa ruộng nào cũng có cỏ. Đó là điều khó tránh khỏi. Trong thửa ruộng Chúa đã gieo hạt và sai các Thiên thần coi sóc cũng có lúa và cỏ cùng mọc lên. Tuy Chúa không muốn có cỏ mọc chen vào nhưng Ngài cũng không muốn nhổ nhầm lúa của Ngài: cứ để chúng cùng mọc lên cho đến ngày thu hoạch.
Điều khác biệt trong ruộng lúa này là: lúa xấu có thể dần dần trở thành cỏ và cỏ tốt có thể trở thành lúa. Điều lạ thứ hai là chủ ruộng vẫn đối xử với cỏ và lúa như nhau. Những đợt phân, nước, thuốc được trao cho lúa và cỏ như nhau. Thiên Chúa vẫn luôn chăm sóc, ban ơn và tỏ mình ra bằng những cách khác nhau cho thửa ruộng qua các đầy tớ, qua những ơn lành... Còn việc biến đổi bên trong tùy vào mỗi người.
Trong cuộc đời tôi có khi nào tôi trở thành cỏ lùng không ? Khi tôi phạm tội trọng và từ chối trở lại với Chúa, khi tôi giận hờn, ghen ghét một ai đó và từ chối Thiên Chúa, khi tôi để cho những dục vọng hay bản năng điều khiển cuộc đời mình... Liệu Thiên Chúa có phạt tôi ngay không ? Thiên Chúa vẫn chờ đợi cho tới một ngày, tôi không biết là ngày nào, một ngày nào đó tôi một mình đối diện với thiên Chúa. Đó là ngày phán xét. Liệu tôi có đứng vững trước mặt Ngài và được Ngài cho vào Thiên đàng không ? Nghĩ tới điều này, tôi thấy mình cần quan tâm chăm sóc cho phần linh hồn của mình hơn, biết tôi luyện chính mình, biết tập những đức tính tốt, từ bỏ những thói xấu, năng cầu nguyện với Chúa, dùng những phương thế Chúa ban để trở nên xứng đáng là người con Chúa cũng như giúp cho những người xung quanh, nhất là những người tôi có trách nhiệm quan tâm đến.
Nước Thiên Chúa đến cách âm thầm khiêm tốn. Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa kêu gọi những kẻ người chọn. Nước Trời được thiết lập cách bí ẩn, nhiệm mầu. Tôi nghĩ mình đã thuộc về Nước Thiên Chúa nhưng biết đâu một lúc nào đó tôi thiếu tỉnh thức hay cậy sức mình, mềm lòng để ma quỷ lừa gạt được tôi và biến tôi thành cỏ lùng. Tuy nhiên, tôi tin là : nếu tôi biết khiêm tốn sám hối thì Chúa sẽ lại đón nhận tôi về làm con Chúa như người Cha Nhân Hậu tiếp nhận đứa con hoang trở về. Bổn phận của tôi là sống trung thành với luật yêu thương của Nước trời và nếu có lỗi phạm thì biết sớm quay về chính lộ. Tôi sẽ không nói suông, nhưng thực hành việc kính Chúa hết lòng, bác ái vớI tha nhân và vác thánh giá hàng ngày bước theo chân Chúa. Chúng ta thấy rằng, từ những gian khó hàng ngày nơi những người theo Chúa, từ cái có vẻ như không là gì trước mặt thế gian, Chúa có thể dùng làm chuyện to tát. Ngài đã thiết lập một vương quyền hùng mạnh của Ngài từ 12 tông đồ và một ít môn đệ, đa số là những người ít học, không có danh vọng gì trong xã hội, đã được Chúa huấn luyện và biến đổi nên những người dũng cảm, làm chứng cho chân lý đến tận cùng trái đất. Đây là điều kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Hạt giống tốt gieo ở mọi nơi thì kết quả hạt lúa tốt dồi dào. Tuy nhiên, cỏ lùng có thể chen vào giữa ruộng lúa hoặc ảnh hưởng đến chúng ta bằng những cám dỗ: vật chất giàu sang, danh dự, tiện nghi... Nếu chúng ta biết canh tân chính mình mỗI ngày, chúng ta sẽ không bị biến chất. Ai quyết tâm trung thành giữ vững Đức Tin và sống cho Chúa, cố gắng không ngừng vì yêu mến Chúa thì Người sẽ không bỏ rơi nhưng luôn trợ giúp để chúng ta luôn là men muối ướp đời mà không nhiễm thói đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con đừng chiều theo những cám dỗ, nhưng biết làm chủ lấy mình. Mỗi ngày con sẽ chú ý tập luyện một tính tốt và loại trừ tật xấu để trở nên con chiên gương mẫu, nên lúa tốt và có thể giúp cỏ lùng biến đổi thành lúa trong thửa ruộng của Ngài
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, tôi muốn nói về cây cỏ lùng trong cánh đồng lúa tại Việt Nam chúng ta. Hai mươi năm nay, ai là nông dân, và có làm lúa ngắn ngày, chắc hẳn sẽ biết cây cỏ lùn khá rõ. Trước năm 1975, nói tới cỏ lùng, người công giáo hầu như chỉ biết cỏ lùng qua bài dụ ngôn trong Phúc âm mà thôi. Thực tế, người ta không biết cây cỏ lùng ra sao cả. Như trên đã nói, chỉ sau năm 75, khi làm lúa ngắn ngày, người ta mới biết cỏ lùng là gì. Đặc điểm của cỏ lùng chính là vì nó rất giống cây lúa - chỉ khác là nó xanh đen, mướt hơn, và lá dài hơn. Chỉ khi cây lúa đã già, sắp trổ bông, người ta mới phân biệt được cỏ lùng và lúa. Chúng ta cũng không biết cây cỏ lùng trong ruộng lúa ở Việt Nam hôm nay, có phải là cây cỏ lùng thời Chúa Giêsu không? Dầu sao xem ra, cỏ lùng này cũng có những đặc điểm khá giống những gì Chúa Giêsu muốn nói. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại dụ ngôn kẻ thù đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa của ông chủ.... Kính mời anh chị em cùng suy niệm.
a/. Chúng ta thử nghe lại cách giải thích của Chúa Giêsu về dụ ngôn cỏ lùng gieo trong ruộng: Chúa nói: hạt giống tốt là con cái Nước Trời - Người gieo giống chính là Con Người (Chúa Giêsu) - ruộng là thế gian - cỏ lùng là con cái ác thần - kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ - mùa gặt là ngày tận thế - thợ gặt là các thiên thần.
Chúa nói tiếp: Khi đến mùa gặt, sẽ không gặt lúa trước, nhưng ông chủ bảo thợ gặt lo nhổ cỏ lùng trước, rồi đốt đi. Hình ảnh Nước Trời ngày tận thế cũng vậy, Chúa sẽ sai thiên thần tập trung mọi kẻ xấu tống ra khỏi Nước Trời, cho họ vào lò lửa... còn kẻ lành sẽ được vinh quang trong Nước Trời...
b/. Có hai điều rút ra từ bài học Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay:
* Hình ảnh Nước Trời: được ví như hạt giống tốt được gieo trong ruộng là tâm hồn chúng ta. Hạt giống lúc đầu rất bé nhỏ âm thầm, như hình ảnh hạt cải, chỉ bé xíu thôi; nhưng hạt giống Nước Trời có sức mạnh vô biên, có thể sinh hoa kết quả.... Hình ảnh của một viên men, chỉ có 28grs, có thể làm cho một thúng bột độ 7 kg 500, đều dậy men... cũng chính là hình ảnh nói lên sức mạnh Nước Trời. Dỉ nhiên Nước Trời không phải là hạt giống, cũng không phải là viên men; đó chỉ là hình ảnh tượng trưng mà thôi...
Hình ảnh Nước Trời: ta thử nhìn vào lịch sử Kitô giáo, lúc đầu vào thời Giáo hội sơ khai, chỉ là một nhóm nhỏ gồm 12 tông đồ, một số môn đệ và ít người tin Chúa. Ngay thời đó, Giáo hội bị bắt bớ đủ điều. Rồi trải qua 20 thế kỷ, hầu như không lúc nào Giáo Hội không bị bắt bớ, có lúc hầu như người ta tưởng sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn. Vậy mà ngày nay trên thế giới, có lối 1 tỷ người Kitô hữu. Hầu như cứ 8 người thì có một người tin vào Thiên Chúa. Chúng ta không nói đến sức mạnh của tổ chức xã hội Kitô giáo, nhưng là nói đến sức mạnh của Hạt giống Lời Chúa, là ân sủng Chúa. Sức mạnh này có giá trị vô biên, mạnh hơn cả sự chết...
* Chúa muốn con người cộng tác vào việc phát triển Hạt giống Nước Trời: Hạt giống Nước Trời tuy có sức mạnh vô biên, nhưng hạt giống đó phải được gieo trên đất tốt. Hạt giống được gieo trong bụi gai, bên vệ đường sẽ không sinh hoa kết trái được. Viên men muốn làm cho thúng bột dậy lên, phải được người đàn bà trộn trong bột. Hạt cải muốn thành cây, phải được con người gieo trồng cẩn thận, và phải được chăm sóc chu đáo....
Qua lịch sử của Hội thánh, các thánh hiển tu, cũng như các vị tử đạo, họ là những con người đã hết lòng vì Nước Trời. Chính vì thế, họ cộng tác hết sức chặt chẻ để mong cho Hạt giống Nước Trời lớn lên; họ luôn tỉnh thức cầu nguyện, lấy Lời Chúa và Thánh Thể làm sức sống. Họ cũng là nhân chứng của Tin mừng, luôn xây đắp yêu thương và tha thứ...
c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Qua những điều suy niệm kể trên, ta thấy được sức mạnh vô biên của Hạt giống Lời Chúa, vậy ta có sẵn sàng cộng tác vào việc xây dựng Nước Trời bằng cách như Chúa mong muốn không?
QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA
Mt 13, 24-43
Ngay từ lúc tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Người mà làm nên mọi sự. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa cũng vậy, Người đã dùng quyền năng của mình mà làm cho muôn loài muôn vật được phát triển. Cho dù con người có nhìn nhận sự hiện diện cũng như quyền năng của Thiên Chúa hay không thì Thiên Chúa vẫn có đó và quyền năng của Người vẫn bao trùm trên mọi loài thụ tạo.
Trong bài Tin mừng chúng ta được mời gọi suy niệm hôm nay, Chúa Giêsu đã kể ba dụ ngôn để cho thấy quyền năng thật sự của Thiên Chúa trên mọi loài. Tuy nhiên, quyền năng Thiên Chúa là để thực thi tình yêu của Người trên muôn loài, để tha thứ và để mời gọi trở về chứ không phải là để đánh phạt hay tiêu diệt.
Trong ba dụ ngôn, chúng ta thấy nổi lên tư tưởng chủ đạo đó là: Quyền năng của Thiên Chúa tuy ẩn tàng khó thấy nhưng mạnh mẽ như hạt cải, như nắm men đã làm cho cả khối bột dậy men, đã sinh trưởng thành những cây cải thật to... nhưng quyền năng ấy lại được thể hiện trong thầm lặng trong đợi chờ như người chủ đợi chờ ngày thu hoạch, đợi chờ ngày có sự phân biệt rõ ràng giữa lúa và cỏ lùng để không làm hại lúa cũng như chờ cỏ lùng có thể biến đổi để trở thành lúa. Ông chủ ruộng vẫn biết nếu để cỏ lùng trong ruộng lúa của mình có thể nó làm hại cho lúa, làm cho lúa có thể khó phát triển. Ông biết rằng mình có đủ sức mạnh để làm cho ruộng lúa của ông sạch bon cỏ lùng nhưng vì lòng ưu ái ông dành cho lúa, lòng nhân từ ông dành cho cỏ lùng nên ông chờ cho đến cơ hội cuối cùng.
Thiên Chúa là chủ ruộng đầy lòng nhân từ, vẫn biết rằng mảnh đất ven đường, mảnh đất sỏi đá, mảnh đất gai góc không thể nào làm cho hạt giống phát triển nhưng chủ ruộng là Thiên Chúa vẫn gieo Lời của Người vào tâm hồn của tất cả mọi người, Người không chọn lựa cũng không kỳ thị một ai. Bài tin mừng hôm nay cũng thế, vẫn biết rằng cỏ lùng khó có thể biến đổi trở thành lúa thế mà chủ ruộng này vẫn kiên trì chờ đợi, cho cơ hội đến phút cuối cùng... Thiên Chúa cũng đối xử như thế đối với những người tội lỗi.
Nhìn vào lịch sử dân Israel chúng ta có thể dễ dàng thấy được lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ. Bốn chữ "Tội - Phạt - Hối - Cứu" vẫn luôn đồng hành với dân Israel. Thiên Chúa dùng quyền năng của Người để biểu lộ tình yêu, để thông chia tình yêu, nhưng khi dân từ chối tình yêu này thì họ đã đi vào con đường lầm lạc, họ tự nhận lấy án phạt do chính họ mang đến. Nhưng khi họ quay trở lại với Chúa thì Người vẫn không từ chối họ, cho họ được trở lại làm con cái Chúa. Quả là Thiên Chúa vẫn một lòng xót thương.
Suy niệm bài tin mừng hôm nay xin Chúa cho chúng con nhận biết được quyền năng của Thiên Chúa vẫn luôn ấp ủ chúng con, hướng dẫn và làm cho cuộc đời chúng con nên tươi sáng, xin Chúa cũng cho chúng con luôn biết quy hướng về Chúa để cái đổi đời sống và luôn chạy về trong vòng tay đầy tình thương của Chúa.
NƯỚC TRỜI ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN LÒNG KIÊN NHẪN
Mt 13, 24 - 43
Tiếp theo dụ ngôn người gieo giống, Chúa nhật hôm nay chúng ta được tiếp tục suy niệm các dụ ngôn về Nước Trời. Chúng ta cùng nhau dừng lại nơi dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Ngày nay, người ta muốn diệt cỏ thì rất dễ dàng. Chỉ cần một bình xịt thì không bao lâu cỏ mà ta muốn diệt sẽ chết hết. Ngày xưa và nhất là nơi vùng đất Do thái không được như thế. Do đó, khi phát hiện trong ruộng có nhiều cỏ lùng người đầy tớ đã tức tốc chạy báo cho ông chủ. Đồng thời, anh cũng xin chủ cho mình ra ruộng nhổ và gom đi những cỏ lùng đó. Thế nhưng, ông chủ với thái độ bình thản và kiên nhẫn trả lời: "Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi." (Mt 13, 29 - 30)
Thiên Chúa của chúng ta là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và rất mực khoan dung (Tv 103, 8 ). Người không muốn một ai trong chúng ta phải hư mất. Chúa Giêsu đã nói: "Ta không đến để kêu gọi người công chính nhưng kêu gọi người tội lỗi" ( Mt 9, 13 ). Thiên Chúa không dung túng cho tội lỗi nhưng Người rất thông cảm cho sự yếu đuối và mỏng dòn của con người.
Chúng ta nhớ thời Cựu ước, dân Do thái không biết bao nhiêu lần bội nghĩa thất trung nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi họ. Những Tông đồ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi cũng là những người thất học, thậm chí có người tội lỗi công khai. Dù vậy, chính những người đó lại là nền tảng để xây dựng Giáo hội. Đúng như lời của một ai đã nói: "Không thánh nhân nào mà không có một quá khứ tội lỗi. Cũng như không có một tội nhân nào mà không có một tương lai rực sáng".
Có lẽ nhiều lúc chúng ta tự hỏi tại sao còn nhiều kẻ ác vẫn còn sống thoải mái. Thậm chí họ còn làm hại nhiều người lành nữa. Trời đất sao tiêu diệt những hạng người đó cho xong. Suy niệm dụ ngôn hôm nay chắc phần nào chúng ta sẽ tìm được câu trả lời. Thiên Chúa không bao giờ muốn ai trong chúng ta bị hư mất. Hãy cám ơn Chúa vì biết đâu có lúc chính ta lại là những cỏ lùng. Thiên Chúa vẫn luôn kiên nhẫn trông chờ chúng ta có thể trở thành cây lúa tốt.
KIÊN NHẪN và CHỜ ĐỢI
Mt 13, 24-43
Chúa nhật 16 thường niên, Giáo hội tiếp tục mời gọi con cái mình suy niệm loạt bài "dụ ngôn ven biển về nuớc trời" của Chúa Giêsu. Nếu ở Chúa nhật trước, qua dụ ngôn "người gieo giống", chúng ta tìm hiểu về thái độ tiếp nhận hạt giống Lời Chúa như thế nào, thì hôm nay, liên tiếp ba dụ ngôn dẫn chúng ta đến một thái độ khác cần phải có không chỉ là sự kiên nhẫn đối với những kẻ được liệt vào hạng "cỏ lùng" mà còn là sự kiên nhẫn đối với sự lớn mạnh của nước trời.
Người nông dân không lạ gì về một loại cỏ vẫn thường mọc lên cùng với cây lúa trong đồng ruộng của mình. Loại cỏ này thật lạ, nó không khác gì cây lúa từ mầu sắc, thân hình đến cách phân chia thân để lớn lên. Người nông dân chỉ có thể phân biệt cỏ này với lúa nếu như họ dùng phương pháp cấy, nghĩa là cấy mạ theo thứ tự với một khoảng cách nhất định. Khi đó nếu thấy cây nào mọc sai vị trí, có thể đó là loại cỏ quái ác kia. Tuy nhiên cũng không dễ vì nhiều lúc loại cỏ này "chen" vào cùng mọc lên với cây lúa cùng một vị trí, nên không dễ phân biệt. Nhưng nếu dùng phương pháp xạ như trường hợp trong bài Tin mừng thì đành chịu, phải chờ cho đến khi cây lúa trổ bông, loại cỏ này mới lộ diện. Từ thực tế này, Chúa Giêsu muốn hướng dân chúng về tình trạng nước trời ở trần gian trong đó người lành kẻ dữ lẫn lộn không dễ phân biệt.
Không chỉ có những đầy tớ trong Tin mừng hôm nay tỏ ra khó chịu trước sự có mặt của loại cỏ quái ác trong ruộng lúa chủ mình mà hết những ai trong hoàn cảnh này cũng hết sức lo lắng. Bởi thực tế cho thấy, loại cỏ này có bộ rễ rắn chắc, cắm sâu vào lòng đất nên bao nhiêu dinh dưỡng phân bón, nó đều hút hết. Vì thế đến mùa trổ bông, người nông dân mới giất mình, hoá ra cây mà họ tưởng là lúa tốt thì giờ lộ diện là một tên ăn bám- một giống cỏ, còn cây lúa thật thì ốm o gầy còm, suy dinh dưỡng và có trổ bông cũng chỉ lác đác vài hạt do thiếu dưỡng chất. Mặc dù thế, ông chủ vẫn không cho nhổ loại cỏ này. Lý do hết sức đơn giản là ông sợ làm "bật rễ lúa", cũng có nghĩa là làm cho lúa vốn đã suy yếu càng thêm suy yếu, không có lợi cho việc trổ bông, dù ít ỏi.
Trước một thế giới trong đó vàng thau lẫn lộn, người ngay kẻ dữ chung sống cùng nhau, Thiên Chúa không vì thế mà chán nản, trái lại Người luôn luôn kiên trì, nhẫn nại và chờ đợi. Chúng ta có thể hiểu câu nói "Cứ để cả hai cùng lớn lên" của ông chủ trong Tin mừng như là một sự kiên nhẫn và thời gian chính là yếu tố cần thiết để nước trời lan rộng hầu nhiều người được hưởng ơn cứu độ. Điều này được thể hiện rất rõ trong hai dụ ngôn về hạt cải và nắm men mà Chúa Giêsu cách nào đó muốn cổ xúy việc Thiên Chúa vẫn luôn kiên trì không nao núng.
Dụ ngôn về hạt cải và nắm men không hẳn chỉ nói đến mối tương quan, nói đến tỷ lệ không cân xứng giữa một bên là hạt cải bé nhỏ và chút men chẳng đáng là gì và một bên là chim trời đến nương thân và cả một khối bột dậy men, v.v... mà còn là việc hướng chúng ta đến chủ đề chính của Tin mừng hôm nay: hãy kiên nhẫn và chờ đợi. Vâng, có kiên nhẫn và chờ đợi trong khiêm tốn, hạt cải vô cùng bé nhỏ kia, nhúm men xem ra chẳng có gì đặc biệt lại trở nên một thành tố không thể thiếu cho chim trời đến nương ẩn và làm say nồng bao nhiêu người thưởng thức. Hạt cải và nắm men cũng như cây lúa mọc lên cùng cỏ lùng tuy âm thầm, chịu đựng nhưng nhờ kiên trì dưới cánh tay nâng đỡ của ông chủ Tình Yêu, chắc chắn kết quả sẽ mỹ mãn hơn sự mong đợi.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta củng cố niềm tin còn non yếu của mình để thấy rằng, dù bất xứng nhưng chúng ta cũng tự hào vì mỗi người chúng ta được Chúa kêu mời trở nên hạt cải, trở nên nắm men và là hạt lúa cho cánh đồng truyền giáo hôm nay. Chớ gì niềm tự hào đó được lớn lên mỗi ngày ngõ hầu nước Chúa được rộng mở và mọi người nhờ đó được hưởng nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa tình yêu.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
Bài Tin Mừng thuật lại ba dụ ngôn của Chúa Giêsu : cỏ lùng, hạt cải và men. Nghe Chúa nói ba dụ ngôn, nhưng các môn đệ lại chỉ xin Chúa giải thích một dụ ngôn cỏ lùng, và Chúa đã giải thích : người đi gieo giống tốt là Thiên Chúa, hạt giống là người ta, là con người, là con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi sinh sống, làm việc, phục vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, mùa gặt là ngày chết hay ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần, lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức là những người tốt lành, công chính, thánh thiện thì được thưởng, còn cỏ lùng là những người xấu, người dữ thì bị tống vào hỏa ngục.
Nghe hay đọc dụ ngôn này cùng với sự giải thích của Chúa, chúng ta thấy dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Thế gian này có người tốt người xấu, người lành người dữ sống bên nhau, sống cùng nhau là chuyện bình thường. Chẳng có nơi nào toàn là những người tốt và cũng chẳng có nơi nào toàn là những người xấu. Nhưng có một điều khác biệt : cỏ lùng, vì bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu, cho nên vạn đại nó cũng không thể nào biến thành lúa tốt được. Cũng thế, cây lúa thì lúc nào nó cũng là cây lúa, chỉ có điều là nó cho nhiều hay ít hạt lúa, chứ không bao giờ biến thành cỏ lùng được.
Đối với con người thì không như vậy : bản tính con người được Chúa tạo dựng là tốt lành : "Nhân chi sơ tính bản thiện" : khi sinh ra, con người vốn tốt lành, nhưng với thời gian lớn khôn, con người vẫn tốt hay trở thành xấu, nghĩa là con người tốt hay xấu là do thêm vào hay mất đi. Có người trước kia là lúa tốt, bây giờ là cỏ lùng, ngược lại, có người trước kia là cỏ lùng, bây giờ là lúa tốt. Dĩ nhiên cũng có những người luôn luôn là lúa tốt và những người lúc nào cũng là cỏ lùng, hoặc có những người khi thì là lúa tốt khi thì là cỏ lùng hoặc ngược lại. Điều quan trọng là tới khi chết, người ta đang ở trong tình trạng nào : cỏ lùng hay lúa tốt ? Đó là trách nhiệm của mỗi người.
Chính vì yếu tố trách nhiệm này, vì khả năng biến đổi tốt thành xấu và xấu thành tốt nên chúng ta phải cố gắng làm giảm bớt đến mức tối đa, tức là mức thấp nhất những gì là xấu xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức tối đa, tức là mức cao nhất, nhiều nhất những gì tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt. Hơn nữa, trong đời sống hằng ngày, ngoài việc cố gắng bớt cỏ lùng, thêm lúa tốt, tức là bớt tư tưởng, lời nói, việc làm xấu và gia tăng những việc phúc đức, mỗi người còn phải cố gắng làm sao để được nhắm mắt xuôi tay, kết thúc cuộc đời trong tình trạng đang là lúa tốt.
Ở đời này, thường chúng ta ít thấy công lý thắng gian tà, nhưng ở đời sau, thì tất cả mọi nợ nần đều phải trang trải, mọi bất công sẽ được san phẳng : lúa tốt, tức là người tốt, sẽ được nâng niu thu góp vào kho lẫm, tức là được thưởng công xứng đáng. Còn cỏ lùng, tức là người xấu, sẽ bị ném vào lửa để thiêu hủy. Câu chuyện cỏ lùng giữa lúa tốt quả quyết với chúng ta về sự báo oán công minh ở đời sau : người tốt sẽ được thưởng, người xấu sẽ bị phạt muôn đời. Như vậy, tốt hay xấu, được thưởng hay bị phạt là do chính mỗi người chúng ta. Vì thế khi kết thúc dụ ngôn Chúa nói : "Ai có tai thì nghe", nghĩa là Chúa muốn nhắc chúng ta rằng : chúng ta có đầu óc, có trí khôn, chúng ta biết phân biệt phải quấy, chân giả, đúng sai, tốt xấu thì đừng có sống đóng kịch hay sống bất chính, chúng ta phải biết sống đúng là con Chúa, chúng ta phải sử dụng đầu óc, trí khôn để sống theo luật Chúa. Chúng ta sống làm sao Chúa sẽ căn cứ vào đó để thưởng hay phạt chúng ta.
Tóm lại, trong cánh đồng màu mỡ là con người yếu đuối của chúng ta, lúa tốt và cỏ lùng, tức là nhân đức và tội lỗi, đức tính và tật xấu ... luôn luôn chèn ép nhau, giành giật nhau. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu để loại trừ cỏ lùng, tội lỗi và tật xấu, đồng thời bảo vệ lúa tốt, nhân đức và công phúc của chúng ta. Có như thế đến mùa gặt, tức là khi chúng ta nhắm mắt xuôi tay, chúng ta sẽ được Chúa nhân từ âu yếm nói với chúng ta : "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng sự vui mừng với Chúa ngươi". Xin Chúa cho chúng ta biết sống theo lời Chúa để chúng ta đều được nghe những lời đầy thân thương trên đây của Chúa.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
3059 15-07-2011 21:03:45