Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Chúa Nhật XVII TN A_3

KHO TÀNG TRONG LÒNG ĐẤT
Mt 13,44-52

Người Do thái thời Chúa Giêsu hẳn không xa lạ gì với khái niệm một kho tàng chôn trong lòng đất. Lịch sử nước Palestine từng ghi nhận nhiều bước xăm lăng của các đế quốc Babylon, Assyria, Ba tư, Hy lạp, Rôma và nhiều sắc tộc khác. Không những thế, nội chiến cũng thường xuyên xảy ra. Trên dải đất từng bị mất đi chiếm lại nhiều lần như thế, chuyện chôn giấu tài sản, khi không thể đem theo trên đường di tản, là việc đương nhiên đối với dân thời loạn.

Thế nhưng làm sao tránh khỏi trường hợp chủ nhân không may mất mạng trên đường tản cư, hay có người không thể nhớ ra chỗ mình chôn giấu, hoặc vùng đất bị giặc chiếm đóng lâu năm lâu tháng không thể trở về. Điều này khiến cho không ít người tình cờ đào được những kho tàng quí báu ngay trên mảnh đất nhà mình. Và theo luật thời ấy, ai làm chủ vùng đất nào sẽ được quyền thủ đắc mọi thứ nằm trong vùng đất đó.

Đức Giêsu đã dùng chính khái niệm thông thường này để nói với người ta về Nước Trời. Ngài kể: "Có người kia may mắn đào trúng một kho tàng trên một hửa đất nọ; anh ta vội chôn dấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả thứ gì mình có để mua cho bằng được miếng đất ấy."

Có lẽ anh này là một tay thợ làm công, đang cày thuê cuốc mướn để kiếm miếng ăn. Cũng có thể anh đang lang thang đào cua bắt rắn để sinh sống qua ngày. Như vậy, anh ta không phải là người giàu có gì.

Kho tàng anh gặp thấy phải là lớnlắm, khó lòng di chuyển mà không bị phát giác, chẳng vậy anh đã âm thầm mang về nhà chứ hơi đâu lấp đất che kín. Giá trị của tất cả những gì anh có cũng quá bé nhỏ so với kho tàng anh bắt gặp, nếu không anh đã chẳng dại gì bán hết mọi thứ để mua cho bằng được.

Phải chăng Chúa Giêsu muốn nhắn bảo với nhân loại rằng: không gì sánh được với giá trị của Nước Trời. Nó đáng vạn lần lớn hơn những gì người ta có. Nếu phải đánh đổi tất cả để chiếm Nước Trời cũng không đáng cho người ta phân vân hay lo buồn. Vì đó là một nguồn lợi vô cùng lớn, nguồn lợi làm nên nỗi vui mừng hân hoan khiến "anh vui mừng đi bán tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng đó" (Mt 13,44).

Một thửa ruộng có kho báu, và kho báu ấy được chôn sâu trong đất. Như thế, không phải chỉ có đi qua bước lại mà thấy được kho báu. Đúng hơn, nhờ vất vả lao nhọc mưu sinh mà rồi người ta tình cờ khám phá. Đây cũng là một thách đố cho ai đang khao khát Nước Tròi. Bởi vì không phải dễ dàng mà thấy được dưới lớp đất sinh lầy hay nức nẻ kia có một kho tàng vô giá. Lắm khi người ta phải tận lực đào bới, bền chí thi hành bổn phận hàng ngày mới có thể gặp được Nước Trời.

Nhưng Nước Trời là gì?

Nước Trời kông chỉ khác hơn chính là Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Thế nên "tìm kiếm Nước Trời", "gặp thấy" Nước Trời, và "mua được" Nước Trời, cũng chính là việc "chiếm hữu" được Đức Giêsu.

Nếu nói kho báu là Chúa Giêsu thì thửa ruộng chứa kho báu ấy sẽ là Giáo Hội. Nơi đó, khi chịu khó lao công, bạn sẽ khám phá kho tàng. Nhưng trước hết, cần phải mua thửa ruộng ấy, tức là phải sở hữu Giáo hội bằng niềm tin và trung thành lao công trên mảnh đất Giáo hội, lúc ấy bạn mới có thể chiếm hữu trọn vẹn kho tàng Giêsu.

Thiên Chúa là Đấng quảng đại. Ngài biết "thửa ruộng" có "kho báu", nhưng Ngài vẫn sẵn lòng "bán" cho ai khát khao. Trong cuộc mua bán này, giá cả chênh lệch vô cùng, nhưng phần lời bao giờ cũng nghiêng về người mua.

Chuyện kể một phú ông kia chẳng may bị chết vợ trong ngày bà sinh hạ đứa con đầu lòng. Ông buồn phiền quá sức nhưng cũng phải kiếm vội người vú nuôi để chăm nom đứa bé và coi sóc cửa nhà.

Rủi thay, đứa bé kia cũng thiệt mạng trong một tai nạn giao thông khi chưa tới tuổi trưởng thành. Người giàu có cũng chết sau đó vài năm vì một cơn đau tim bất ngờ.

Vì không có ai là họ hàng thân thích và bởi không tìm thấy một tờ di chúc nào nên người ta chẳng biết gia tài khổng lồ sẽ đi về đâu. Cuối cùng, toàn bộ gia sản được giao cho chính quyền giải quyết.

Theo lệ thường, người ta cho trưng bày và đấu giá trứơc một số vật dụng. Sau đó vài tháng sẽ cho đấu giá toàn bộ.

Ngày đấu giá sơ khởi diễn ra. Các con buôn tụ tập rất đông. Người vú nuôi ngày xưa cũng đến tham dự, không phải để được mua sắm với giá lời, nhưng vì lòng thương nhớ gia đình chủ xưa khiến bà tìm đến để nhìn lại lần cuối các vật chứa đầy kỷ niệm.

Trong số các thứ được đem ra đấu giá, người vú nuôi chợt thấy tấm hình con ông chủ được lồng trong một khung kính đơn sơ. Bà chợt thương nhớ da diết cậu bé ngày xưa! Nước mắt bà rơi xuống. Thế rồi khi thấy chẳng ai thèm chú ý đến tấm hình, người vú nuôi liền giơ tay mua nó với giá sơ khởi là một đồng.

Bà mang tấm hình về, tháo khung ra, dự tính đặt ba tấm hình vợ chồng và đứa con của gia đình chủ xưa vào chung một chiếc khung. Nhưng lúc vừa gỡ mặt sau tấm hình cậu bé, bà thấy có mấy tờ giấy rơi ra. Xem có vẻ quan trọng, bà bèn mang chúng đến một luật sự nhờ xem giúp.

Vị luật sư sau khi quan sát kỹ các giấy tờ đã tươi cười nói với bà: "Xin chúc mừng bà! Người chủ của bà đã viết rằng: ông ta muốn giao lại toàn bộ tài sản cho người nào yêu mến đứa con của ông đến nỗi chịu mua bức hình đó, và như thế, bà được quyền thừa hưởng di chúc này."

Thật hạnh phúc muôn lần hơn cho những ai yêu mến Đức Giêsu, Con Thiên Chúa!

Yêu mến Đức Giêsu cũng có nghĩa là yêu mến Thánh Thể, yêu mến Thánh Kinh, và yêu mến Thánh Mẫu. Điều thứ ba này nghe có vẻ hơi lạ. Thế nhưng đâu có gì thái quá khi nói: trong "thửa ruộng Maria" có "kho tàng Giêsu" - trong cung lòng Đức Mẹ có Con Thiên Chúa. Muốn có kho tàng lại phải đi mua miếng đất, Chúa dạy vậy mà.

Chắc chắn khi có lòng mến yêu như thế, bạn và tôi sẽ được Chúa Cha tặng ban cho cả thiên đàng.

Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR

KHÔN NGOAN TÌM NƯỚC TRỜI
Mt 13, 44-52 

Vua Salomon nổi tiếng là vị vua khôn ngoan sáng suốt. Ông đã xử những vụ án rất khó khăn một cách khéo léo không khác gì Bao Công. Bà hoàng hậu Saba ở mãi tận phương nam cũng phải đến nghe sự khôn ngoan của ông. Nhưng khôn ngoan nhất là khi được Chúa cho chọn lựa, ông đã không xin được trường thọ hay được giàu sang, mà chỉ xin được ơn khôn ngoan. Lời cầu xin của ông rất đẹp lòng Chúa. Nên Chúa đã khen ngợi và ban cho ông mọi điều mong muốn. 

Chúa muốn tôi bắt chước vua Salomon, biết xin ơn khôn ngoan và biết khôn ngoan trong những lựa chọn. Nhất là biết khôn ngoan lựa chọn Nước Trời như những người trong bài Tin Mừng hôm nay. 

Những người trong bài Tin mừng hôm nay khôn ngoan vì thao thức đi tìm. Sự thao thức đi tìm được thấy trong thái độ bôn ba đây đó, khảo sát đất đai. Chắc phải đào bới nhiều mới thấy kho tàng chôn giấu trong ruộng. Sự thao thức đi tìm cũng thấy trong việc ra khơi thả lưới. Vất vả chài lưới rồi còn phải lựa chọn. Dù vất vả, họ quyết tìm cho ra Nước Trời. 

Họ khôn ngoan vì biết phân định. Đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị thượng vàng hạ cám, như chiếc lưới đánh bắt đủ mọi loại tôm cá. Giữa những giá trị ấy ta phải biết phân định. Lựa chọn những giá trị cao quí, tốt đẹp. Biết chọn lựa cá tốt, vứt bỏ cá xấu. Biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì dơ bẩn. Biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu. Biết giá trị của Nước Trời dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian. 

Họ khôn ngoan vì dám dấn thân. Khi đã biết được giá trị Nước Trời, họ dấn thân theo đuổi đến cùng. Dấn thân trọn vẹn nên bán tất cả những gì mình có để đổi lấy kho tàng, viên ngọc quí. Dấn thân quyết liệt vì bán hết nhà cửa rồi thì không thể quay về chốn cũ, chỉ còn gắn bó với quê hương mới mà thôi. Dấn thân tuyệt đối, bỏ hết tất cả chỉ vì một viên ngọc. Dấn thân như thế là thái độ của tình yêu, sự say mê, sự khao khát mãnh liệt. Đó chính là thái độ phải có khi đi tìm Nước Trời. 

Họ khôn ngoan vì biết từ bỏ. Bán tất cả những gì mình có là một từ bỏ lớn lao. Dứt lìa những gì mình gắn bó còn đau đớn hơn nữa. Bỏ một nơi yên thân chắc chắn để dấn thân vào một tương lai bấp bênh thì thật là phiêu lưu đến tận cùng. Nhưng không có cách nào khác. Phải bán tất cả mới đủ sức mua viên ngọc Nước Trời. Phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Luyến tiếc một chút là bất thành. Chần chừ một chút là hỏng việc. Nấn ná một chút là bị lỡ cơ hội. 

Họ từ bỏ một cách nhẹ nhàng thanh thoát. Nên từ bỏ rồi họ cảm thấy vui tươi. Họ từ bỏ một cách mau mắn vì họ đã dứt khoát với những gì xưa cũ. Lòng trí của họ chỉ gắn bó tha thiết với kho tàng mới tìm thấy. 

Đó là những thái độ khôn ngoan đáng cho ta noi theo trên con đường đi tìm Nước Trời. Biết thao thức đi tìm. Biết phân định giá trị. Biết mau mắn từ bỏ. Biết hăng hái dấn thân đến cùng. 

Lạy Chúa, xin ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chọn Chúa là nguồn mạch hạnh phúc. 

Gm Giuse Ngô Quang Kiệt

BỎ ĐI ĐỂ ĐƯỢC SỞ HỮU
Mt 13, 44-52

Lịch sử dân tộc Israel còn ghi lại câu chuyện "ước gì được nấy" của vua Salômôn. Tại Ghípôn, Giavê Thiên Chúa báo mộng cho Salômôn rằng Người sẽ cho ông bất cứ điều gì ông ước xin. Salômôn không ước gì ngoài một điều vỏn vẹn trong hai từ "khôn ngoan". Chắc hẳn sẽ có người cho rằng Salômôn đúng là một tên khờ. Bởi lẽ cơ hội ngàn năm có một ai lại đi xin một điều chả thực tế tí nào cả! Thế nhưng, xét cho cùng, ông quả là người biết "nhìn xa trông rộng" và điều này được chính Thiên Chúa tán dương. Bởi một điều hết sức đơn giản, khôn ngoan chính là đầu mối, là nền tảng, là nguồn gốc cho tất cả. Chính nhờ khôn ngoan mà Salômôn có tất cả mọi sự. Tin mừng hôm nay cách nào đó cũng hướng chúng ta về đường khôn ngoan đó khi sánh ví nước trời như người phát hiện ra kho báu, phát hiện ra viên ngọc đẹp để bằng mọi cách chiếm được nó làm sở hữu cho riêng mình.

Dụ ngôn kho báu khiến người nghe cảm thấy người đã tìm ra kho báu sao mà "khờ" thế. Sao lại phải chôn lại, cứ ôm về nhà có phải hơn không? Chúng ta biết vấn đề không đơn giản như vậy. Bởi bối cảnh thời đó lệ thuộc vào ít nhất là hai luật lệ, một của Rôma và một của Dothái. Theo đó, ai phát hiện được báu vật thì quyền sở hữu thuộc về người đó chiếu theo luật Rôma, còn luật Dothái không nói rõ nhưng xem ra có phần ngược lại, nghĩa là thuộc về quyền sở hữu của chủ đất. Vả lại, Chúa Giêsu đang nói với dân chúng Dothái, nên dĩ nhiên luật Dothái có hiệu lực hơn cả. Thế nên, chúng ta hiểu người phát hiện ra kho báu, anh ta đâu dám "rinh" về nhà vì như thế sẽ phạm luật trộm cắp. Do đó anh lẳng lặng "ngó trước nhìn sau" chôn lại rồi tìm cách mua cho bằng được thửa ruộng ấy. Thế nhưng, nếu chúng ta xét về luân lý, thì chắc chắn anh này "dính đòn". Bởi, lẽ ra anh phải thông báo cho chủ đất biết thì đàng này anh lại tính toán có lợi cho mình. Tuy nhiên dụ ngôn trên không đặt nặng vấn đề luân lý cho bằng việc đề cao giá trị cao quý của nước trời cũng như niềm hân hoan vui mừng của người phát hiện ra chân lý.

Nước trời được sánh ví như kho báu, như viên ngọc quý và như thế trong tâm thức của bất cứ ai, luôn mong ước có ngày mình sẽ sở hữu được nó. Tuy nhiên, để sở hữu, con người cần phải ra sức kiếm tìm và, quan trọng hơn, là phải biết "đầu tư" đúng chỗ, đúng điều mình cần thì mới đạt hiệu quả như mong đợi. Cả hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý cho chúng ta thấy điều đó. Khi phát hiện được kho báu cũng như ngọc quý, người phát hiện không chỉ vui mừng sung sướng mà còn tìm mọi cách để có thể sở hữu được nó. Để làm được điều ấy, họ phải cần "bỏ đi". Đây là điều hết sức quan trọng. Bởi nếu không bỏ đi những gì mình có, mình không thể sở hữu vật tìm thấy. Bỏ đi cũng chính là để nhận; bỏ việc nhỏ để đầu tư cho việc lớn; bỏ cái tầm thường để được cái cao quý; bỏ những gì thực dụng để đổi lấy những gì xem ra chẳng thực tế tý nào; bỏ tất cả để mua lấy khôn ngoan như vua Salômôn đã làm. Và đó mới là khôn ngoan đích thực, khôn ngoan đến từ Thiên Chúa.

Hơn ai hết, người Kytô là những người khôn ngoan. Bởi chúng ta đã tìm thấy kho tàng đức tin vô cùng cao quý mà Thiên Chúa -qua Chúa Thánh Thần, đã phú ban. Kho tàng đức tin đó mời gọi chúng ta, thúc giục chúng ta hãy mau mau tìm cách để sở hữu cho bằng được. Mỗi chúng ta đều có thể sở hữu được nó nếu chúng ta biết từ bỏ, biết cắt tỉa những gì rườm rà, cản trở, không cần thiết cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Kho tàng đức tin đó sẽ ở trong tầm tay nếu chúng ta biết tuân giữ những huấn lệnh của Thiên Chúa, biết làm chứng cho chân lý và sẵn sàng để cho Chúa hướng dẫn. Có như thế, hành trình tìm đến với đức tin của chúng ta không trở nên vô ích, trái lại sinh nhiều hoa trái thiêng liêng và mưu ích cho tâm hồn.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta hân hoan vui mừng vì chúng ta đang sở hữu một báu vật trong tâm hồn, đó chính là kho tàng Lời Chúa và Thánh Thể. Mong sao kho tàng ấy luôn mãi hiện diện với chúng ta và càng làm cho đời sống chúng ta thêm sức mạnh và phong phú ngõ hầu kho tàng đó, qua chúng ta, toả ánh sáng và ngào ngạt hương thơm đến muôn người.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

DỤ NGÔN KHO TÀNG, VIÊN NGỌC, LƯỚI CÁ 
Mt 13, 44-52

Nước Trời mà Đức Giêsu rao giảng không là gì ngoài Người. Do đó, khi đã khám phá ra Người, nhân loại sẽ bỏ hết tất cả để chỉ đạt được Người mà thôi. Nhận ra Đức Giêsu Kitô hay nhận ra Nước Trời, con người đã trở thành tạo vật mới, con người mới đến nỗi họ rũ bỏ hết những gì là lỉnh kỉnh, những gì là thần tượng, những gì là ám ảnh, trở nên hoàn toàn trống rỗng, tay trắng sạch tinh để nhận lãnh nơi Thiên Chúa hiện tại và tương lai của đời mình...

Dụ ngôn kho báu và viên ngọc Tin Mừng thánh Matthêu trưng ra hôm nay có nội dung na ná như nhau." Mất mát là được lợi lộc, cho là được nhận lãnh, chết là được sống". Nghịch lý ấy vẫn đeo đuổi con người của Chúa Giêsu từ Bêlem cho tới đỉnh đồi Golgotha..Cái chết và phục sinh của Đức Kitô là bằng chứng hùng hồn nói lên cái nghịch lý lạ lùng ấy. Nước Trời quí giá đến nỗi người ta phải bán tất cả để chiếm cho bằng được nó. Chúa Giêsu đã không dùng lý trí, dùng lời nói suông, dùng lý thuyết để cắt nghĩa, giải thích Nước Trời. Người đã cương quyết, mạnh mẽ khi nói với các môn đệ, các người mà Người tuyển chọn:" Hãy theo Ta ". Các môn đệ nhất nhất đã bỏ mọi sự mà theo Người. Còn với người thanh niên giầu có, Chúa Giêsu cũng nói với anh một cách không khoan nhượng."...Anh không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu, hãy về bán tất cả những gì anh có, phân phát cho người nghèo khó, rồi trở lại đi theo Ta" ( Mt 19, 21 ). Các môn đệ đã đi theo Chúa Giêsu vì họ nhận ra tiếng Ngài ( Ga 10, 14 ). Chúa Giêsu là tất cả đối với họ. Chúa Giêsu là biểu hiệu, là hiện thân của Nước Trời. Nơi Ngài, các một đệ nhận ra kho tàng quí giá nhất, viên ngọc vô giá mà chỉ theo Ngài, họ mới có Ngài. Chúa Giêsu đã ỏ với các môn đệ và Ngài cho họ sự sống viên mãn, sự sống dồi dào. Các môn đệ tìm và ở lại với Chúa vì họ nhận ra Ngài là sự sống, sự sống dồi dào. Còn đối với dụ ngôn chiếc lưới thả xuống biển, kéo lên với đủ mọi loại cá, Chúa Giêsu muốn con người luôn phải có thái độ bao dung, kiên nhẫn đối với Hội Thánh do Ngài thiết lập. Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người chỉ hoàn tất vào thời tận thế như Tin Mừng Matthêu đoạn 25, 31-46 tường thuật...

Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô thiết lập ở trần gian này là Giáo Hội duy nhất, thánh thiện và tông truyền. Một Hội Thánh thánh thiện tự bản chất nhưng lại gồm nhiều con người tội lỗi, yếu hèn. Người Kitô hữu luôn phải ý thức mình sống trong Hội Thánh, sống với mọi người thánh nhưng bản chất của mình là yếu đuối, tỗi lỗi, luôn phải biết mở lòng đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa Giavê và của anh chị em trong Hội Thánh. Ý thức sự yếu hèn là trở nên thánh thiện. Thái độ kiêu căng, tự mãn như những người Biệt Phái thường được nhắc tới trong Tin Mừng là thái độ Chúa Giêsu lên án gắt gao. Con người chỉ có thể tìm được Chúa, nhận ra Nước Trời khi họ nhanh nhảu bước theo Đức Kitô như các môn đệ khi xưa. Thái độ ham của cải như người thanh niên giầu có và ham hưởng thụ như ông nhà giàu mà Tin Mừng có lần đề cập đến sẽ là thái độ bị Chúa loại trừ và lên án. Cái chết khổ hình trên thập giá của Chúa Giêsu nói lên tất cả sự thật về lòng thương xót, cứu rỗi của Chúa Giêsu đối với con người.

Con người vào một lúc nào đó trong cuộc đời đã gặp được kho báu, viên ngọc, nhưng thái độ của họ có sẵn sàng mua bằng được kho báu, viên ngọc ấy hay không ? Hay là con người cũng chỉ hời hợt à ơi, sống cho có lệ, giữ đạo một cách máy móc để che lấp tất cả những gì là xấu xa bên trong ? Tôi còn nhớ một hôm khi các Sơ đã nhận đủ số học sinh cho năm học mới, không còn chỗ để nhận thêm một em Dân Tộc ở vùng sâu vùng xa xin nội trú để đi học. Sơ Bề Trên nói với mẹ của em bé Cơho:" Nhà Sơ hết chỗ cho em bé trọ nội trú rồi. Thôi đem con về sang năm Sơ sẽ lưu tâm nhận em". Bà mẹ của em bé Coho trả lời với Sơ Bề Trên:" Thưa mẹ, về làng cũng có trường học, nhưng con sợ rằng em bé không có cơ hội được nghe, được chỉ bảo về Chúa". Nghe như thế, tôi đã nói nhỏ với Sơ Bề Trên nhận ngay em bé ấy vào nhà nội trú. Đúng là Nước Trời, đúng là người ta muốn tìm Chúa... Ở đâu học cũng được, nhưng học về Chúa phải có nơi.

Xin Chúa giúp chúng con luôn tìm kiếm Chúa và biết Chúa là gia nghiệp của đời chúng con để chúng con luôn hạnh phúc vì có Chúa cùng đồng hành. Xin cho chúng con luôn biết sống cái nghịch lý lạ lùng của Nước Trời: chết là được sống, cho là nhận lãnh...

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT (nguồn vietcatholic.org)

1346    21-07-2011 06:16:58