Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Chúa Nhật XVII TN A_4

KHO BÁU - VIÊN NGỌC QUÝ
Mt. 13,44-52

Một hôm, có một người kia gặp một nhà tu hành đi qua làng, ông vội chạy theo kêu lên : "Xin ông cho tôi viên ngọc quý trong cái bị của ông". Nhà tu hành ngạc nhiên hỏi "Viên ngọc quý nào ?". Ông ta nói : "Đêm qua tôi nằm mơ thấy có ông tiên bảo là nếu tôi được viên ngọc quý của nhà tu hành sẽ đi qua làng hôm nay, tôi sẽ là người giàu có nhất trên đời. Vậy xin ông cho tôi viên ngọc quý đó". Nhà tu hành tốt bụng móc trong bị ra và nói : "Có phải cái này không ? Tôi mới nhặt được ở cánh đồng bên kia bờ suối. Nếu ông muốn thì tôi biếu ông". 

Người ấy sung sướng cầm lấy viên ngọc quý, cám ơn rồi đi ngay về nhà, trong bụng nghĩ thầm : "Từ nay mình sẽ là người giàu có, không phải vất vả gì nữa". Thế nhưng tối hôm ấy tâm trí ông áy náy, tâm hồn ông bồn chồn, trằn trọc không sao ngủ được. Sáng hôm sau, ông cầm viên ngọc đi tìm nhà tu hành và gặp thấy nhà tu hành ấy đang ngủ ngon lành dưới gốc cây. Ông rón rén đến gần đánh thức dậy và nói : "Thưa ông, tôi xin trả lại ông viên ngọc quý này, xin ông ban cho tôi viên ngọc quý khác, tức là sự phong phú của tâm hồn, đã làm ông có đủ can đảm cho tôi viên ngọc quý này mà không tiếc xót". 

Viên ngọc quý thực sự của tâm hồn là gì để cho nhà tu hành kia có được nghị lực khước từ mọi giàu sang thế trần mà không biết tiếc xót chi cả ? Đó là điều Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng là hai dụ ngôn "kho báu" và "viên ngọc quý". Kho báu và viên ngọc quý ấy Chúa Giêsu đưa ra ở đây để tiêu biểu cho cái gì ? Thưa, đó là nước trời. Đứng vậy, cả hai dụ ngôn đều muốn nói tới sự cao quý tột bực của nước trời, không của cải nào sánh bằng. Cao quý đến nỗi khiến mọi thứ khác đều lu mờ đi, và mọi giá trị người ta từng theo đuổi từ trước đều phải nhường chỗ. 

Hai hình ảnh "kho báu" và "viên ngọc quý" vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết gía trị của chúng thì quý hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn đó, chính vì vậy mà nhiều người bị lầm. Cũng như người kia có kho báu ở ngay trong thửa ruộng của mình mà không biết, hay người có viên ngọc quý giá kia cũng thế, họ nắm trong tay mà không hay, nên họ đã để vuột mất kho báu và viên ngọc quý. 

Câu chuyện này cũng giống như câu chuyện "Ông già xứ Ba Tư", xứ ngàn năm lẻ một hay ngàn lẻ một năm. Câu chuyện như sau : ông già ấy có một nông trại rộng lớn, vườn rộng ao sâu, nhiều hoa quả và cá quý, ông ta nghe lời một vị đạo sĩ bán hết ruộng vườn để đi tìm kim cương. Ông lặn lội đi tìm hết nước nầy sang nước khác, nhưng không tìm thấy kim cương đâu cả, cuối cùng, hết tiền, đói khổ, quần áo rách rưới, cùng đường, ông đâm đầu xuống sông tự tử. Trong khi đó, người mua lại nông trại của ông đã tìm ra một mỏ kim cương khổng lồ ngay trong nông trại đó. Chúng ta thấy ông già Ba Tư ấy ngồi ngay trên mỏ kim cương, sở hữu mỏ kim cương kia mà không hề hay biết gì. 

Nhiều người chúng ta cũng ở trong tình trạng đó chăng ? Rất có thể chúng ta đang gần kề hạnh phúc nước trời và những hồng ân của nước ấy mà chúng ta không biết chăng ? Đây không phải là hạnh phúc vật chất, ngắn hạn, được thực hiện ngay ở trần thế này, nhưng là hạnh phúc tâm linh, vĩnh cữu, chỉ được thực hiện trọn vẹn trong cõi sống đời đời. Đó chính là nước trời mà Chúa Giêsu muốn giảng dạy cho chúng ta biết. Nước trời như kho báu, như viên ngọc quý mà chúng ta phải cố gắng tối đa để chiếm hữu. Quả thực, mọi người Kitô chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm nước trời. Công việc tìm kiếm này không chỉ giới hạn trong một quãng thời gian hay trong một số công việc nào, nhưng suốt cả cuộc đời và trong mọi sinh hoạt. Bởi vì nước trời là cái giá trị nhất chúng ta phải tìm kiếm và chiếm hữu. Nước trời quý hơn và giá trị hơn bất cứ thứ gì chúng ta đang có hay có thể có trong cuộc sống, và nước trời sẽ ban cho chúng ta nhiều hơn bất cứ cái gì cuộc sống có thể mang lại cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải không ngừng tìm kiếm và sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì chúng ta có, kể cả mạng sống, để chiếm được kho báu hay viên ngọc quý này.

Nói cụ thể hơn, nước trời đây là phần rỗi, là sự sống đời đời của chúng ta, quý giá vô cùng, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm trước hết, tuyệt đối ưu tiên, sẵn sàng hy sinh tất cả để chiếm đoạt cho bằng được, dù phải hy sinh bao nhiêu cũng chưa đủ và chưa xong. Quả thực, khi bước vào trần thế này, chúng ta muốn mở rộng bàn tay để chiếm lấy mọi sự, nhưng khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta đành phải ra đi với hai bàn tay trắng. Xuất thân từ bụi đất chúng ta sẽ trở về với bụi đất mà thôi, chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời. Chính điều đó mới đáng cho chúng ta lao nhọc để tìm kiếm và sẵn sàng hy sinh tất cả để chiếm hữu. 

Vì vậy, chúng ta đang sống giữa những xoay chuyển của vật chất, chúng ta phải vất vả làm ăn, chúng ta phải quan tâm đến những nhu cầu cần thiết của đời sống...đó là điều chính đáng, nhưng chúng ta đừng quên : đời là tạm bợ, chúng ta cần và rất cần tìm ra giá trị vĩnh cửu ngay trong cuộc đời này kẻo quá muộn. Chúng ta hãy nhớ : đời là một dịp tiện, mỗi ngày sống là một dịp may, chúng ta có tự do và ý chí để quyết định phần giá trị cho mình. Chiếm đoạt được nước trời, tức là đạt được đời sống vĩnh cửu hay không là do chính mình. Chúng ta hãy có thái độ khôn ngoan của người tìm được kho báu và viên ngọc quý trong Tin Mừng hôm nay.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP


NIỀM VUI NƯỚC TRỜI
Mt.13,44-52

Chủ đích của Phụng Vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật 17 năm A này là : Niềm vui khi tìm được Nước Trời. Thật vậy, ngay bài đọc I sách các vua quyển nhất, vua Salomon chỉ xin được khôn ngoan để hành xử đúng ý Chúa, đó là tâm tình niềm vui của người tìm được Nước Trời (x.Ivua3,5.7-12). Sang bài đọc II, Thánh Phaolô tông đồ là chứng nhân hùng hồn của điều này khi Ngài viết thư cho Philip 3,7-8 : Tất cả những gì mà trước kia Ngài xem là một mối lợi thì bây giờ đều là thua xa với cái lợi là được Đức Giêsu Kitô, nên Ngài vui mừng mà lên tiếng cho mọi người hiểu. Đến bài Tin mừng dụ ngôn về kho báu và viên ngọc quí lại càng làm cho chủ đích trên đậm nét thêm : Khi tìm được kho tàng, được ngọc quí thì vui mừng về bán tất cả những gì mình có mà mua những thứ ấy (MT. 13,44-52).

Chúa Kiôt chính là Nước Trời, là kho tàng, là viên ngọc quí. Ngài ban cho kẻ tìm kiếm Ngài một niềm vui hơn hết mọi sự và tìm kiếm không biết mỏi mệt. Ngài chính là kho tàng mà người ta vẫn thường ước mơ để có nó, kho tàng sẽ mở ra một chân trời mới mà người ta đang đặt hy vọng và dệt giấc mơ, vì thế kho tàng Nước Trời sẽ hơn hẳn tất cả những gì mà chúng ta đang sở hữu.

Dĩ nhiên kho tàng không ở sờ sờ trước mắt, mà nó được ẩn dấu, nhưng không xa chúng ta, trái lại ngay giữa chúng ta (x.Lc.17,21b). Chúng ta phải mở mắt to để nhìn để tìm kiếm, tìm kiếm không biết mệt mỏi. Kho tàng ấy chính là viên ngọc quí có sức hấp dẫn, lôi cuốn chúng ta. Chỉ những ai kiên nhẫn khám phá thì mới thấy được, và khi đã thấy thì sẽ nếm được niềm vui khôn tả không gì có thể so sánh được và sẵn sàng từ bỏ mọi sự để chiếm lấy.

Điều này được thể hiện qua những thiện nam tín nữ, khi khám phá ra con người của Đức Giêsu thì họ đã biến đổi cả cuộc đời, sẵn sàng từ bỏ những gì mà bao năm qua họ đang chiếm hữu, họ coi nó như cẩm nang đời họ, nay đã không còn đáng gía ngòai Đức Giêsu Kitô, Con Người đã lôi cuốn và cho họ nếm hưởng niềm vui tuyệt diệu.

Tuy nhiên, việc tìm ra Đức Giêsu là kho báu, thật không dễ vì còn có nhiều thứ lòe lọet hấp dẫn chúng ta, nên chúng ta nhiều khi không dám tức khắc quyết định bán hết để mua cho kỳ được kho báu ấy. Những thứ hấp dẫn chính là người sống bên cạnh chúng ta, những người chúng ta liên đới, có người tốt, có người xấu mà chúng ta không phân định được nên dễ bị người khác lôi cuốn mà quên đi cái mục đích của đời mình.

Và ở đây Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về lưới cá để thẩm định sự bất tòan của Hội Thánh mà chúng ta đang sống cùng và sống trong Hội Thánh, chúng ta cũng bị ảnh hưởng. 

Đã hẳn Hội Thánh có sứ mạng phải giải phóng thế gian khỏi sự dữ, khỏi sự ác, nhưng chưa phải là lúc kéo lưới lên để chọn lọc. Vì thế, mà còn đầy dẫy sự ác nhưng nó lại được bao bọc bởi những lớp vỏ hào nhóang để lôi cuốn chúng ta. Vì thế, mỗi người phải luôn nỗ lực khai trừ và hóan cải. Trong nỗ lực có lúc tiến lên, có lúc lùi xuống nhưng chúng ta tin tưởng rằng; Ơn cứu độ sẽ làm cho con người biến đổi từ xấu nên tốt, phải tin vào sự họat động của Chúa Thánh Thần.

Nhưmg dầu sao đi nữa, hiện nay chúng ta là những Kitô hữu, là những người dược gia nhập Nước Trời tại thế qua Hội Thánh, chúng ta hãy ra sức gìn giữ hồng ân cao cả mà Thiên Chúa đã cho chúng ta tìm thấy Nước Trời, nên hãy hân hoan vui mừng đi trong đường lối của Chúa, Chúa vẫn ở bên ta, vẫn đồng hành với ta trên con đường tiến về quê trời.

Lạy Chúa Giêsu, ngày này qua ngày khác chúng con vẫn miệt mài tìm kiếm Chúa, nhưng chúng con chưa có được quyết định dứt khóat ngay tức khắc, vì chúng con còn so đo hơn thiệt, còn đa mang nhiều thứ, nó làm cho chúng con nay tiến mai lùi. Chúa biết hết và biết rõ và không ngạc nhiên về những bước tiến và lùi này của chúng con. Xin cho chúng con còn hơi thở thì không bao giờ lìa xa Chúa, nhưng vui mừng hoan lạc sống trong tình yêu Chúa.

Sr Mai An Linh, OP

ĂN XIN
Mt 13, 44-52

Ngay từ nhỏ những dịp đi xa, mỗi lần xe đậu tại bến xe đò, bến phà hay ga tầu hoả, nhiều lần được nghe câu. 
Ông bà cô bác làm ơn cho xin đồng tiền, bát gạo. 
Người ăn xin bao giờ cũng nhắm đến xin người giầu có hơn mình, không xin người nghèo khổ hơn. Thực ra xin người nghèo khó hơn mình họ có gì để cho. Vì thế câu xin nhắm đến đối tượng ông bà, cô bác. Đây là bậc trưởng thượng trong xã hội, mới có dư giả để cho. Họ cũng xin rõ ràng mạch lạc. Không xin gì khác ngoài đồng tiền, bát gạo. Thực ra mấy ai đi đường mang theo gạo để sẵn có gạo mà cho. Vì thế hầu hết người ta cho tiền để người ăn xin tự đi mua gạo và nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống. Người làm việc bác ái dọc đường không cần biết người ăn xin tiêu tiền như thế nào, với mục đích gì. Họ đáp lại theo yêu cầu xin cho cơm ăn, áo mặc của kẻ nghèo khó. Người ăn xin hoàn toàn tự do chi tiêu số tiền đó theo hoàn cảnh riêng từng người.

Nên nhớ không phải tất cả những người xin ăn đều phung phí, tay trắng cả đâu. Họ cũng biết tích trữ chứ. Người ăn xin không nhà cửa ngoại trừ chỗ ngủ qua đêm, tránh mưa gió. Hẳn nhiên chỗ đó không an toàn nên có lẽ tiền xin dư hay để dành được họ phải tìm cách chôn giấu quanh đâu đó. Chỗ giấu hay nhất chính là chôn dưới đất. Chẳng may người đó mất đi nếu chủ ruộng tìm được, đương nhiên hưởng gia tài chôn dấu đó. 

Phúc âm nhắc đến dụ ngôn người tìm được kho tàng chôn dấu anh ta bán hết mọi sự tìm mua thửa ruộng đó. Kho tàng đây không phải của người mù chôn dấu. Kho tàng Đức Kitô muốn nói tới là kho tàng ai cũng nhìn thấy nhưng người tham của cải thế gian sẽ mù quáng không nhận ra. Chỉ những ai dám bán hết gia tài để mua mới nhận ra. Bán hết gia tài để được giầu hơn. Nghe có vẻ nghịch lí. Người ngoài nhận xét anh là chủ ruộng nghèo vì đã bán hết mọi sự. Ngoài ruộng ra anh còn chi. Thực tế anh giầu hơn không phải vì đất ruộng tăng giá. Anh giầu hơn vì anh có thửa ruộng cộng thêm kho tàng chôn dấu trong ruộng. 

Người xưa dùng hình ảnh viên ngọc quí và hình ảnh chủ ruộng là hình ảnh của khôn ngoan. Chỉ người khôn ngoan mới có khả năng tậu viên ngọc và có tiền làm chủ ruộng. Đại đa số đều làm thuê, công nhân. Viên ngọc quí và kho tàng chôn trong ruộng là hai hình ảnh Đức Kitô dùng chỉ về nước trời. Người giầu có là người có Lời Chúa làm chủ cuộc đời. Người khôn ngoan là người được Lời Chúa soi sáng trong đời. Muốn được Lời Chúa làm chủ cuộc đời người đó cần bán bỏ tất cả những chủ khác để chọn một chủ duy nhất. Chọn như thế anh sẽ một lòng trung thành với chủ. Đầy tớ trung thành với chủ là đầy tớ khôn ngoan. Khôn ngoan không phải do anh học được mà do giáo huấn chủ giáo dục, hướng dẫn biến anh trở thành người đầy tớ khôn ngoan. Nói cách khác khôn ngoan anh có được là do chủ ban cho. Anh giầu có không phải vì miếng ruộng, mảnh vườn. Anh giầu có vì gia tài anh có không bị mối mọt đục khoét, không hư hao, mất giá vì thời gian. 

Chọn Chúa là Đấng duy nhất làm chủ đời mình và chọn lời Chúa làm kim chỉ nam soi đường là người sống có mục đích, biết rõ con đường mình đang đi tới, mục đích mình muốn đạt. Từ đó mọi suy nghĩ hành động đều qui hướng về mục đích cao cả đó. Đây chính là trường hợp của vua Salomon trong bài đọc một hôm nay.

Cựu ước ghi lại ơn khôn ngoan của vua Salomon khi ông biết ông non dại, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, không thể làm tròn trách nhiệm Chúa trao nên ông xin.

Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Đavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước. Tôi tớ Chúa đang sống giữa dân Chúa chọn.... Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ... 1V3,7-12

Chúa ban cho điều Salomon xin và còn cho hơn cả những điều ông không biết để xin. Lí do nào Chúa làm thế? Vì Salomon không xin lợi riêng cho mình nhưng xin ơn làm tròn sứ vụ Chúa trao. Vì thế Chúa ban cho dư đầy. Xin như thế là xin Chúa làm chủ đời mình nên Chúa ban cho Solomon nhiều sự lành. Ngài cho ông trở nên công chính và khôn ngoan. Người lãnh đạo khôn ngoan và công chính mang lợi ích cho muôn dân, làm sáng Danh Thánh Chúa.

Muốn trở nên giầu có phải biết học cho đi. Muốn trở nên khôn ngoan phải biết học khôn từ lời Chúa.

Lm Vũđình Tường

KHO BÁU ẨN DẤU và VIÊN NGỌC QUÝ
Mt 13, 44-52

Sống là một hành trình tìm kiếm và chọn lựa liên lĩ. Tìm kiếm chân thiện mỹ, chọn lựa tốt xấu, lành dữ.

Trong tác phẩm nổi tiếng "la Pensées", Pascal (triết gia công giáo pháp) cho rằng có ba thứ bậc của sự cao trọng. Bậc thứ nhất liên quan đến vật chất hay con người: nó đề cao những ai giàu có, những ai có sức khoẻ hay dung nhan xinh đẹp. Bậc này có một giá trị không thể xem thường, nhưng nó chỉ ở cấp thứ nhất.

Bậc thứ hai cao trọng hơn là bậc của tài năng siêu việt mà các triết gia, khoa học gia, nghệ sĩ và các nhà thơ nắm giữ. Đây là một bậc có một phẩm chất khác. Giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, không thêm không bớt điều gì từ những thiên tài. Trước họ chúng ta phải ngưỡng mộ, nhưng nó chưa phải là bậc cao nhất. 

Còn có một thứ bậc cao hơn, đó là thứ bậc của tình yêu, của lòng tốt mà Pascal gọi đó là thứ bậc của thánh thiện và ơn sủng. Gounod cho rằng: "Một giọt thánh thiện đáng giá hơn một đại dương tài năng". Đẹp hay xấu, học thức hay dốt nát không thêm hay bớt đi điều gì khỏi một người thánh thiện, một vị thánh. Sự cao cả của ngài thuộc về một thứ bậc khác, vượt trên cả hai bậc kia. Điều này rất phù hợp với quan niệm của người Việt Nam: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (Nguyễn Du, Truyện Kiều). 

Có thể nói rằng đức tin Kitô giáo thuộc về bậc thứ ba này, bởi lẽ cốt lõi của Đạo chúng ta là Tình Yêu, và mời gọi đạt tới sự Thánh Thiện. Hay nói đúng hơn, những ai đã được rửa tội, là kitô hữu đều được mời gọi sống cho Tình Yêu và sự Thánh Thiện này, ngay trong chính đời sống của mình. 

Lời Chúa hôm nay cũng nói tới sự cao cả và lời mời gọi này: Vua Salômon trong bài đọc I không xin Chúa cho được giàu có, sống lâu, nhưng ông chỉ xin cho tâm hồn khôn ngoan để lãnh đạo dân Chúa và phân biệt lành dữ. Điều ông xin đẹp lòng Chúa và Chúa ban cho ông được khôn ngoan và có tất cả. 

Dụ ngôn "kho báu giấu ở thửa ruộng" và "viên ngọc quí" diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, mà không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. "Kho báo" và 'viên ngọc quý" ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn, bởi được tìm biết Đức Kitô, có Ngài chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta "những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh", trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô.

Khủng hoảng lớn nhất của con người hôm nay là khủng hoảng về các giá trị, các bậc sống bị đảo lộn. Tiền bạc lên ngôi, trở thành tiên, thành phật; sự thánh thiện và tình yêu trở thành một thứ secondhand, "hàng ế"! Thiên Chúa bị loại ra khỏi đời sống. Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI nói rất chính xác rằng: "Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi sợ không tên, và một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng" (Bài giảng ở Sydney 2008). Nếu cuộc sống chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa không được tìm kiếm và quy chiếu như sự thiện tuyệt đối, như là mục đích tối hậu của đời người, thì chúng ta sẽ bị vong thân, cuộc sống đánh mất nền tảng căn bản.

Như hai người trong Tin Mừng tìm kiếm kho báu và viên ngọc quí, tất cả chúng ta đều được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa như là kho báu, là viên ngọc quí, là mục đích tối hậu trong cuộc đời mình. Trong gia đình, chúng ta đừng đánh giá nhau chỉ dựa trên tiền bạc của cải. Các bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ rằng, tình dục là tất cả để tìm kiếm, để hưởng thụ. Có một sự bận tâm cao hơn đó là "tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Trời"; có những giá trị còn lơn lao hơn, đó là hãy sống thánh thiện và tìm kiếm Thiên Chúa là chân thiện mỹ của đời ta. Amen!

Lm Pietro Nguyễn Hương

VIÊN NGỌC QUÝ
Mt 13, 44-52

Chúa Giêsu trong ba năm cùng với các môn đệ đi khắp mọi nơi rao giảng Tin Mừng. Ngài đã giới thiệu Nước Trời, loan báo Đấng Thiên Sai đã đến. Chúa đã làm nhiều phép lạ. Dân Do Thái đã thấy. Người Pharisêu và Kinh sư cũng đã thấy nhưng họ không tin,không chấp nhận Ngài. Nhưng, dù con người tin hay chối từ, Chúa vẫn nói về Nước Trời. " Nước Trời giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy " ( Mt 13, 42-45 ).

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có rất nhiều nghịch lý, chẳng hạn đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu trưng dẫn hai thí dụ có nội dung na ná giống nhau, Ngài muốn đề ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Thiên Chúa, con người phải bán đi tất cả, phải mất mát, phải hy sinh. Cái trớ trêu của Nước Trời là gì hay Nước Trời là gì mà con người muốn đạt tới thì phải mất đi tất cả ? Người thương gia chắc chắn hiểu rất rõ về giá trị của viên ngọc vô cùng quý giá, tuy nhiên, người bán thì không hề hay biết gì. Do đó, ông đã đánh đổi tất cả sản nghiệp của mình để mua cho bằng được viên ngọc quý giá ấy bởi vì gia tài ông đang có không là gì đối với viên ngọc quý ấy cả. Nước Trời quá giá trị, quá quý hóa, Chúa Giêsu không cần phải trình bầy dài dòng, biện luận với những lý thuyết khô khan. Ở thế gian này, có nhiều người xem tiền tài, của cải, danh vọng là viên ngọc quý, nên bỏ ra biết bao công sức nhưng cuối cùng cũng trở về tay không, không thể mang được bất cứ một thứ gì xuống suối vàng khi họ nhắm mắt xuôi tay, phải chăng họ chẳng khờ dại lắm sao ? Có những người coi thú vui xác thịt, đam mê khoái lạc, họ coi trần gian này là kho báu, là viên ngọc quý, họ cố lòng, cố sức thụ hưởng để rồi suốt đời sau sẽ phải khóc lóc nghiến răng, họ không phải là những kẻ ngu si, đần độn lắm sao ? Chúa Giêsu không nói vòng vo tam quốc, nhưng Ngài đã nói với các môn đệ như một lệnh truyền: " Hãy theo Ta " và các môn đệ đã bỏ mọi sự để theo Ngài, phó thác sinh mạng cho một mình Ngài. Đối với người thanh niên giầu có trong Tin Mừng, Chúa Giesu mời gọi: " Hãy về bán tất cả những gì anh có mà phân chia cho kẻ nghèo khó, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi anh hãy đến theo Tôi " ( Mc 10, 21 ). 

Người thanh niên giầu có đã không dám làm theo lời đề nghị của Chúa. Các môn đệ đã dám liều vì Chúa, nên họ đã được Chúa, đã có được Nước Trời. Chúa cũng mời gọi chúng ta và ra lệnh cho chúng ta: " Hãy đi theo Ngài ". Bởi vì Ngài là hiện thân của Nước Trời, Ngài là viên ngọc quý, là kho tàng quý giá nhất người Kitô hữu phải tìm kiếm. Chính Ngài là sự sống và là sự sung mãn của Thiên Chúa. " Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào " ( Ga 10, 10 ). Người môn đệ, người tín hữu được kêu gọi để sống với Ngài. Được đi theo Chúa, sống với Chúa, và nhận Ngài làm gia nghiệp, đó là tư cách của người môn đệ Chúa.

Theo đạo Công giáo, có nghĩa là theo Đức Kitô vì Kitô hữu là thuộc về Chúa Giêsu, chọn Chúa làm sản nghiệp và sẵn sàng đánh đổi mọi sự để sống cho Ngài và chết cho Ngài như thánh Phaolô đã xác tín sâu xa: " Tôi sống không còn là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi ". " Hãy mặc lấy Đức Kitô ". Vâng, một cuộc sống như thế chắc chắn sẽ đòi hỏi con người phải hy sinh, từ bỏ, mất mát rất nhiều.

Chúa cũng đã nói trước với các môn đệ: " Môn đệ không lớn hơn Thầy " hoặc " Vì danh Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ ". Chúa cũng nói: " Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình đi, vác Thập Giá của mình mà theo Thầy " Hay " Ai muốn cứu lấy mạng sống của mình thì sẽ mất, ai liều hy sinh mạng sống vì Ta thì sẽ lấy lại được nó". Đó là cái nghịch lý xuyên suốt của Tin Mừng theo Đức Kitô. Theo Chúa Giêsu sẽ bị người đời chống đối và loại trừ. Cái trớ trêu của Tin Mừng là mất mát là được lại, cho đi là nhận lãnh, chết là được sống muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con dám: " Từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mà theo Chúa ". Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT (nguồn vietcatholic.org)

3449    21-07-2011 06:13:44