Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Chúa Nhật XVIII TN A_2

TRỜI SINH VOI, TRỜI SINH CỎ
Mt 14,13-21

Lời Chúa trong Phúc Âm hôm nay cho thấy cái hình ảnh của việc Chúa quan phòng. Không những Chúa hướng dẫn loài người theo đường lối của Chúa, mà còn săn sóc đến nhu cầu vật chất của họ. Trong suốt 40 năm trường theo Chúa, dân Do Thái được giải thoát họ khỏi ách nô lệ bên Ai Cập, vượt qua Biển đỏ ráo chân. Họ làm cuộc hành trình theo Mai-Sen đi về đất hứa, dừng lại tại mỗi chặng đường để cắm trại, nghỉ ngơi, chăn nuôi, trồng cấy hầu tích trữ lương thực, rồi lại đi tiếp. Trong suốt thời gian lưu lạc nơi sa mạc, dân Chúa đã trải qua nhiều thăng trầm, họ đã nhiều lần bất trung phản nghịch cùng Chúa, bằng cách bỏ Chúa đi thờ các thần ngoại lai. Tuy nhiên Chúa vẩn săn sóc họ, còn mưa manna từ trời xuống nuôi họ. 

Bài Trích Sách Tiên Tri Isaia hôm nay chứng tỏ lòng ưu ái của Chúa đối với dân Người ghi lại: " Hỡi những ai khát nước, hãy đến mà uống, những ai không tiền bạc, cũng hãy đến mà ăn" (Is 55,1). Việc quan phòng của Chúa trong Cựu Ước chỉ là để sửa soạn cho chương trình quan phòng của Chúa cho toàn thể nhân loại chứ không riêng gì cho dân tộc nọ, dân tộc kia.

Đói khát lời Chúa đã khiến đám đông dân chúng trong Phúc âm hôm nay đi theo Chúa để lắng nghe lời Người giảng dạy. Và khi dân chúng cảm thấy đói bụng, thì Chúa lại làm phép lạ cho họ ăn no thỏa với năm chiếc bánh và hai con cá. Mỗi người đều nhận thức được cái tầm quan trọng của việc ăn uống để duy trì sự sống. Nếu thân xác đói khát, người ta sẽ cảm thấy khó lòng phụng sự Chúa. Đúng như cha ông ta thường nói: có thực, mới vực được đạo. Điều này được áp dụng cho cá nhân, gia đình cũng như xứ đạo. Nếu giáo xứ không đủ phương tiện vật chất, thì khó có thể xây dựng nơi thờ phượng, khó có thể bảo trì, và còn thiếu phương tiện hoạt động tông đồ nữa.

Đọc Phúc âm ta thấy bất cứ khi nào Chúa làm phép lạ trong những trường hợp khác là do người ta xin. Lần này, Chúa tự làm phép lạ mà không có người xin. Như vậy ta thấy việc quan phòng của Chúa được thể hiện qua lòng thương xót của Chúa, qua việc quan tâm đến nhu cầu vật chất của loài người. Việc quan phòng của Chúa còn được thể hiện trong thế gian qua việc quan tâm của người đối với người, bằng những hành động của người này đối với người khác, bằng việc quan tâm của các tông đồ khi thấy dân chúng đói lả. Hàng triệu người Việt Nam đã trải qua hai cuộc di cư vĩ đại, một lần từ Bắc vào Nam năm 1954, lần khác từ VN qua ngoại quốc năm 1975, hầu như với 2 bàn tay trắng. Thế mà qua sự quan phòng của Chúa, họ không phải chết đói, lại còn tạo dựng được nhà cửa và sự nghiệp.

Qua bài Phúc Âm hôm nay, Chúa dạy ta đừng phung phí đồ ăn. Sau khi nuôi dân chúng bằng phép lạ hoá bánh, Chúa bảo các tông đồ thu bánh còn dư lại kẻo phí phạm. Những người biết quan sát và so sánh đều thấy sống trong xã hội Mỹ có dư thừa đồ ăn thức uống. Tuy nhiên không phải vì thế mà ta phung phí thức ăn uống, trong khi có cả hàng ngàn, hàng vạn người vẫn phải chết đói trên thế giới.

Đúng ra thì trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa làm phép lạ nuôi dân chúng về thể xác do lòng xót thương của Chúa. Tuy nhiên mối quan tâm của Chúa còn đi xa hơn nữa, vượt lên trên cái nhu cầu của ăn vật chất của dân chúng. Thiết tưởng ta phải suy luận qua cái mạch văn để tìm ra ý nghĩa của lời Chúa được thánh Matthê-ô ghi lại. Cái nghi thức Chúa dùng trong việc bẻ bánh cũng giống như trong bữa tiệc ly: Chúa cầm bánh... ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, và trao cho các môn đệ (Mt 14,19). Thánh sử Matthê-ô trình bày cái việc Chúa làm phép lạ nuôi năm ngàn người như là một dấu hiệu tiên báo Chúa muốn lập Bí tích Thánh Thể để nuôi nhân loại bằng của ăn thiêng liêng là Mình Máu Thánh Chúa.
Lm Trần Bình Trọng USA

CHÚA HÓA BÁNH và CÁ RA NHIỀU
Mt 14, 13 - 21

Chúa Giêsu không nói suông, nhưng Ngài luôn hành động, kèm theo lời của Ngài.Những phép lạ Chúa Giêsu làm khi Ngài còn ở tại thế cùng với các tông đồ, luôn là lời chứng hùng hồn về quyền năng và uy quyền của Chúa. Đọc Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá của Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tôi vẫn cảm thấy như có một cái gì đó thực thúc bách và khơi dậy trong lòng tôi sự khát khao nóng bỏng: phép lạ và phép lạ. Chúa đã nhờ đến sự cộng tác của con người, của một đứa bé để làm cho bánh và cá hóa nên nhiều, nuôi sống hơn 5.000 người và còn dư lại 12 thúng đầy vụn bánh...

CÁI NGẠI NGÙNG CỦA MÔN ĐỆ, LÒNG CHẠNH THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU: 

Đi theo Chúa, nghe Chúa dậy bảo, đoàn lũ dân chúng quên đi tất cả: họsay sưa lắng nghe Chúa giảng, họ trút tất cả nỗi buồn phiền, sự âu lo mệt mỏi. Chúa vẫn hiểu thấu họ...Từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối, Chúa vẫn dậy dỗ và dân chúng vẫn hăng say nghe lời Chúa nói. Trời đã bắt đầu tối, Chúa muốn nuôi dân, Ngài muốn tỏ quyền năng của Ngài để làm vinh danh Chúa Cha. Một rừng người: số đàn bà, con trẻ và đàn ông rất nhiều có đến gần mười ngàn người hoặc hơn nữa. Đứng trước sự phức tạp của đám đông, các môn đệ muốn giải tán họ để họ phân tán đi nhiều làng mà mua thức ăn. Giải tán đám đông quả thật dễ dàng. Chúa truyền lệnh:" Các con hãy liệu cho họ ăn đi ". Các môn đệ thật ngại ngùng trước hàng hàng lớp lớp người. Các Ngài không hiểu ý Chúa, do đó, có môn đệ thưa với Chúa rằng:" Nơi đây hoang vu lấy gì để cho họ ăn, khi đám đông ngoài sức tưởng tượng của các ông". Một môn đệ thưa:" Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá"( Mt 13, 17 ). Giải pháp tốt nhất đối với các môn đệ vẫn là giải tán đám đông. Làm thế các môn đệ sẽ khỏe, họ sẽ phủi tay khỏi bị liên lụy, khỏi bị phức tạp. Chúa bảo:" Đem lại đây cho Thầy"( Mt 13, 18 ). Một lệnh truyền của Chúa làm đảo lộn tất cả ý nghĩ của các môn đệ. Chúa đã làm phép lạ làm cho bánh và cá hóa nên nhiều, nuôi sống trên 5.000 người ăn và số dư nhặt được 12 thúng vụn bánh đầy. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã làm phép lạ diệu kỳ trước mặt các môn đệ...Chúa chạnh thương đám đông, Chúa yêu thương họ và Chúa nuôi họ, Chúa muốn các môn đệ trao ban cho dân sau khi Chúa đã làm phép lạ...

BÁNH CÁ ÁM CHỈ BÍ TÍCH THÁNH THỂ SAU NÀY

Cử chỉ cầm bánh, cầm cá tạ ơn Thiên Chúa Cha ám chỉ Bí Tích Thánh Thể, Chúa sẽ làm trong nhà Tiệc Ly chiều thứ năm tuần thánh. Cái ăn, cái mặc về phần xác quả rất cần, nhưng:"...người ta sống không nguyên bởi bánh", chỉ ra rằng còn một thứ lương thực quí giá hơn của ăn thường ngày gấp bội là Mình và Máu Chúa Giêsu. Xưa trong sa mạc, Chúa đã dùng Manna và chim cút để nuôi dân Israen, ngày nay, Ngài nuôi dân chúng đi theo Ngài bằng lương thực và lương thực ấy còn biểu lộ, loan báo bánh Thánh Thể mà Ngài sẽ trao ban cho các môn đệ, để rồi các môn đệ lại trao ban cho nhân loại...Giáo Hội được thành lập trên nền tảng các tông đồ luôn cử hành lại cuộc hy tế của Chúa Giêsu." Này là Mình Ta...Này là Máu Ta"...Lời ấy đã làm cho Bánh và Rượu trở nên Mình và Máu của Chúa Giêsu...

HÃY CHO HỌ ĂN ĐI: 

Lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ khi xưa, vẫn luôn là lệnh truyền của Chúa đối với con người muôn thời. Nhân loại luôn có người đói, người khát. Cái đói của đám đông hơn gấp bội cái đói của vài chục ngàn người trong Tin Mừng vừa nghe đọc, Chúa vẫn nói và Chúa vẫn ra lệnh cho chúng ta cho người đói ăn. Đứng trước đám đông thật đông như thế chắc chắn chúng ta không thể nào giải quyết nổi cái đói, cái khát của nhân loại mà cần có sự trợ lực, sự hỗ trợ từ trên. "Đức tin không có việc làm là đức tin chết", thánh Phaolô đã chẳng nói thế sao ? Chúng ta chỉ có thể mang lại cơm bánh cho người nghèo, khi chúng ta cũng đồng thời cầu nguyện cho họ. Với năm chiếc bánh và hai con cá, tự sức các môn đệ không thể nuôi sống đám đông như thế, nhưng xem ra không có sự cộng tác của con người với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu không thể làm phép lạ. Tôi còn nhớ khi phục vụ anh chị em Dân Tộc, tôi vẫn thấy nhu cầu lương thực thật là cần, nhưng trước sự bao la của vấn đề, tôi và mọi người cũng không thể nào giải quyết được, chỉ có một cách tốt nhất là cầu nguyện và tin tưởng. Chúa Giêsu đã chẳng dậy môn đệ và nhân loại:"...Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" đó sao ? Phép lạ vẫn có đó và phép lạ vẫn xẩy ra hằng giây, hằng phút, hằng giờ vv...

Xin cho đức tin và lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta cũng được thể hiện bằng những nghĩa cử bác ái, chia sẻ và yêu thương của chúng ta.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CỘNG TÁC
Mt 14,13-21

Trong ba năm giảng dạy của Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng kể lại hai lần Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Phép lạ kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay là lần thứ nhất, xảy ra vào tháng Tư, gần lễ Vượt Qua của năm 29, tức là vào năm thứ hai giảng dạy của Chúa Giêsu. Chúa muốn nói gì với chúng ta khi làm phép lạ này ?

Điều thứ nhất, Chúa muốn nói với chúng ta về lòng thương xót. Xưa kia trong sa mạc, trên đường về Đất Hứa, dân Do Thái đã kêu xin Chúa ban lương thực cho họ. Trước những lời kêu xin đó Thiên Chúa đã không làm ngơ và đã ban man-na cho họ. Cũng vậy, Chúa Giêsu đã không làm ngơ trước cảnh dân chúng đi theo Ngài để nghe Ngài giảng dạy ở một nơi đồng không mông quạnh mà không có gì ăn, Ngài đã hóa bánh ra nhiều cho họ ăn no, Ngài đã thương xót họ. Trong bối cảnh của phép lạ này, chúng ta thấy có hai thứ thương xót, Các môn đệ thấy trời đã về chiều và người ta mệt mỏi rồi, các ông tội nghiệp họ và đã thưa với Chúa : "Xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mua thức ăn". Đó là thứ thương xót thứ nhất, thứ thương xót nhập đề. Lòng thương xót nầy cần thiết vì là khởi điểm. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ. Vì thế, Chúa muốn các môn đệ bước qua thứ thương xót khởi điểm đó, đem thứ thương xót nhập đề vào thứ thương xót thứ hai, thứ thương xót nhập cuộc : "Các con hãy lo cho họ ăn". 

Quả thực, có tấm lòng thương xót người khác là một điều tốt rồi, nhưng chưa đủ. Có những lời nói xót thương người khác cũng là một điều tốt rồi, nhưng chưa đủ, mà cần phải có việc làm cụ thể, phải có hành động xót thương thực sự nữa, Chúa Giêsu đã thể hiện như thế và Ngài dạy chúng ta hãy sống như thế. Chúng ta hãy nghĩ xem : trước những nỗi đau của người khác, trước những túng thiếu của người anh em, chúng ta thường có những thái độ nào ? Thái độ ngoảnh mặt làm ngơ, bưng tai giả điếc là thái độ không thể nào chấp nhận được, mà trong thực tế có nhiều người trong chúng ta đã có thái độ đó. Rồi có lòng trắc ẩn hay những lời nói an ủi, khích lệ, thông cảm là thái độ tốt rồi, nhưng tốt nhất vẫn là biết chia sẻ, biết san sẻ, giúp đỡ. Chúa không đòi chúng ta những việc làm to lớn, nhưng đòi chúng ta phải biết san sẻ, phải biết cho những gì nằm trong tầm tay, nằm trong khả năng của mình, phần còn lại Chúa sẽ thực hiện. Chúng ta hãy nhớ : điều quan trọng không phải là cho ít hay cho nhiều nhưng là ở chỗ biết ý thức người khác cũng là con Thiên Chúa, cũng là anh chị em của chúng ta.

Trong ý hướng đó, chúng ta hãy suy nghĩ những lời phát biểu trước quốc hội của ông Găng-đi, vị anh hùng đã áp dụng phương pháp bất bạo động để giải phóng dân tộc Ấn Độ khỏi ách thống trị của Anh Quốc. Ông Găng-đi đã nói : "Theo quan niệm của tôi thì về một ý nghĩa nào đó, chúng ta là những người ăn cắp. Bởi lẽ nếu tôi có một vật nào đó mà tôi không cần ngay bây giờ nhưng tôi vẫn giữ nó, thì đó là tôi ăn cắp vật đó từ một người khác đang cần đến nó. Tại Ấn Độ hiện nay, chúng ta có 3 triệu người mỗi ngày chỉ ăn một bữa và thức ăn của họ chỉ là một miếng bánh và một nhúm muối. Trước thực tại này, quý vị và tôi không có quyền sở hữu một vật gì mà chúng ta không trực tiếp cần đến, cho đến khi 3 triệu người này được ăn no, mặc ấm". Những lời phát biểu đó cũng là những gợi ý giúp chúng ta hiểu và sống lời Chúa hôm nay.

Điều thứ hai, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua phép lạ hóa bánh này là sự cộng tác của chúng ta trong chương trình của Thiên Chúa. Với quyền năng vô biên, Chúa chỉ cần phán một lời là có dư thừa bánh cho mọi người ăn, nhưng Chúa muốn các môn đệ cộng tác với Ngài khi Ngài bảo các ông : "Các con hãy lo cho họ ăn". Khi các môn đệ tìm được 5 chiếc bánh và 2 con cá rồi Chúa mới làm phép lạ. Điều này nhắc nhở cho chúng ta biết : cần có sự cộng tác của chúng ta trong chương trình của Thiên Chúa đối với chúng ta, nghĩa là bên cạnh tình thương và ơn phúc của Chúa, cần có sự cộng tác của chúng ta để xây dựng cuộc đời mình. 

Dĩ nhiên với quyền năng vô biên, Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài bằng tất cả những gì chúng ta có, kể cả sự dốt nát, hèn kém, vô dụng của chúng ta. Chúng ta đừng chỉ trông mong Chúa làm phép lạ, dĩ nhiên Chúa có thể làm, nhưng Chúa muốn chúng ta đóng góp bằng thiện chí, bằng cố gắng, bằng kiên nhẫn, bằng hy sinh. Đừng kể trong đời thường mà thôi nhưng cả trong ơn cứu chuộc nữa, như thánh Âu-Tinh đã nói : "Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần có sự cộng tác của chúng ta". 

Câu chuyện sau đây minh họa cho điều đó : Một nhà văn Ki-tô giáo đã dựng một vở kịch diễn tả vụ hành quyết một tên trọng phạm tại một thị trấn nhỏ thời Trung cổ. Theo phép nước, chỉ có một lối thoát chết cho tử tội là nộp đủ 1000 đồng tiền vàng để chuộc mạng. Nhà vua tỏ ra hào hiệp tặng hết số vàng 700 đồng mang theo trong một chuyến tuần du qua đây, hoàng hậu theo gương có 200 đồng cũng giúp hết, các cận thần đi theo cũng dốc túi. Người ta đếm được 999 đồng, còn thiếu một đồng. Công lý không thể nhân nhượng, đành phải thi hành pháp lệnh. Toán hành quyết tròng giây thừng vào cổ tên tử tội thiếu may mắn. Khi sắp sửa rút giây thì có một tiếng kêu lớn : "Khoan đã, lục soát người nó đi. biết đâu đấy", tên đao phủ lần mò khắp người tội nhân và móc ra được một đồng hắn giấu trong lưng quần từ hồi nào mà hắn cũng không nhớ nữa. Thế là đủ 1000 đồng, tên tử tội được thoát chết. Có lẽ chúng ta đều hiểu câu chuyện này phải không ? Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta, Mẹ Maria đã trợ giúp chúng ta, các thánh cũng trợ giúp chúng ta, và chính chúng ta cũng phải góp phần. 

Tóm lại, dù chúng ta là ai, dù chúng ta hèn kém thế nào, chúng ta hãy cố gắng với hết khả năng của mình, Chúa sẽ trợ giúp chúng ta. 

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP


NƯỚC TRỜI TƯƠNG LAI
Mt.14.13-21

Toàn bộ Lời Chúa hôm nay muốn trình bầy cho chúng ta một Nước Trời mai hậu, nên từ bài đọc I ( Is. 55,1-3). Tiên tri Isaia tha thiết mời gọi mọi người đến ăn đồ bổ mà không phải mất tiền, thứ món ăn mỹ vị, món ăn ấy chỉ có thể có ở một Vương Quốc bình an. Đến thư Thánh Phaolô Ngài nhấn mạnh đến tình trạng khi đã kết hợp với Đức Kitô thì không có sức mạnh nào có thể tách rời được, đó chính là tình trạng trong Nước Trời ( Rm. 8,35.37-39). Còn bài Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu nuôi dân một cách lạ lùng, trong lúc các môn đệ hòan tòan bó tay. Nhưng chỉ năm chiếc bánh và hai con cá với số lượng người " năm ngàn đàn ông không kể đàn bà con nít" mà " mọi người đã ăn no...còn thu được mười hai thúng đầy bánh vụn"( Mt. 14,13-21). Chúa Giêsu chính là Nước Trời mà họ đang được hạnh phúc tiếp cận.

Thật vậy, khi trời đã về chiều, Ngài muốn lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha, nhưng những người trong thành ùn ùn kéo đến. Nhìn thấy họ "Ngài chạnh lòng thương" (c.14), họ tín nhiệm Ngài nên đi tìm và Chúa Giêsu đã không tránh né sự tìm kiếm này: "Ngài dạy dỗ và chữa lành"(c.15) và Ngài cũng không muốn đám đông dân chúng phải đói và chết. Ngài nuôi dưỡng họ về phương diện vật chất, mà không cần xét đến các lí do khiến họ nghèo đói, cũng không có một lời trách móc hay một lời khuyên nhủ. Qua hành động ấy, Ngài muốn nêu bật sự kiện này : Việc Nước Thiên Chúa đến có nghĩa là tất cả mọi sự đều đổi mới, bởi ngài là Chúa trời đất. Việc can thiệp đầy uy quyền của Ngài cho thấy việc Nước Trời đến bao hàm từng chữ một.

Đây không phải là một phép lạ, nghĩa là một dấu chỉ lạ lùng để gây ngạc nhiên, để tạo áp lực đòi hỏi con người, nhưng là một dấu chỉ có tính cách tiên tri của Nước Trời, được hòan thành để xoa dịu cứu chữa tình cảnh khốn khổ của con người, những ai được cứu thóat khỏi nỗi nghèo hèn túng cực như thế cũng được hướng tới niềm hi vọng được giải thóat khỏi tội lỗi.

Cử chỉ của Chúa Giêsu cho thấy quyền năng của ngài trên các yếu tố vật chất là bánh và cá, quyền năng ấy ở nơi Ngài trong thế gian được tạo dựng bởi ngài và cho Ngài (Cl.1,16), cử chỉ ấy đúng là một cử chỉ sáng tạo như Thiên chúa Cha, mặc dù chúng ta thấy hình ảnh Môsê ẩn hiện khi đọc trình thuật hóa bánh ra nhiều của Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu không chỉ là Đấng trung gian như Môsê tiếp nhận Manna của Đức Giavê, trái lại chính Ngài là Đấng phát sinh ra Manna mới qua lời uy quyền của Ngài, nên rõ ràng Chúa Giêsu là Nước Trời mà con người muốn sống phải tìm tới.

Qua trình thuật hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ : " các con hãy cho họ ăn đi" (c.17), rõ ràng ngài coi trọng tình cảnh khốn khổ về vật chất của đám đông dân chúng, cũng như sự thiếu thốn về mặt tinh thần. Vì thế, Ngài không cho phép Hội Thánh của Ngài bỏ qua các vấn đề cụ thể với cuộc sống cũng như trốn tránh các vấn đề được đặt ra từ một hòan cảnh kinh tế nhất định nào đó. Ngài cũng không cho phép Giáo Hội biện minh việc khoanh tay ngồi không vì bất lực, hay bởi túng thiếu như nói : " chúng con chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá".

Người môn đệ Chúa Kitô phải để ý lo lắng cho nhu cầu vật chất của đòan chiên, phải làm hết sức mình để xoa dịu nỗi thống khổ vật chất của họ. Điều ấy trở thành bổn phận quan trọng nhất của người Kitô hữu : " hãy đến đây hỡi những kẻ Cha Ta đã chúc phúc..."(Mt.25,34-35). Nghèo chăng ? Cần gì nếu chỉ 5 chiếc bánh và 2 con cá, ta hãy cứ ban phát đi Chúa sẽ làm phần còn lại. Cho dù chúng ta ít khả năng, văn hóa kém, sức khỏe yếu....nhưng chúng ta dâng chính mình cho ngài, Ngài sẽ làm được nhiều việc phi thường qua chúng ta, vấn đề là khiêm nhường dâng Ngài cái ta đang có.

Hôm nay Ngài vẫn tiếp tục hóa bánh ra nhiều nuôi sống dân chúng bằng chính thân xác của Ngài, ngài vẫn tiếp tục làm trung tâm của dân tộc mới, mà Ngài qui tụ lại trong chiếc tàu của Phêrô để ban phát Bí Tích Thánh Thể, sức mạnh niềm hi vọng và tình yêu Thánh Lễ mà chúng ta cử hành là thân mình của Chúa Giêsu, được chia sẻ cho nhiều người. Thánh Thể thúc đẩy chúng ta bẻ cuộc đời chúng ta thành từng miếng cho kẻ khác.

Lạy Chúa Giêsu, việc cứu độ của Chúa là để phục vụ con người, xin cho chúng con biết bắt chước Chúa mà phục vụ tha nhân, biết tìm kiếm Nước Trời ngay đời này qua việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể để chúng con được no thỏa, không bao giờ đói khát.

Sr Mai An Linh, OP


KHI 5 CỘNG 2 LỚN HƠN 5000
Mt 14, 13-21

Tin Gioan Tẩy Giả bị tên bạo chúa Hêrôđê Antipa tống giam và giết chết không chỉ vì ông bảo vệ chân lý mà còn do một lời thề mê muội trong ngày sinh nhật của Hêrôđê, làm cho Chúa Giêsu tạm lánh vào nơi hoang vắng. Chính nơi đây, phép lạ về năm chiếc bánh và hai con cá nuôi sống trên năm ngàn dân mà Chúa Giêsu thực hiện như chứng thực chính Người là vị Mục tử đích thực nhằm quy tụ và dẫn đưa đoàn chiên đến nơi suối mát và đồng cỏ xanh tươi để tất cả được no thoả tràn đầy không còn thiếu thốn âu lo.

Giữa nơi hoang vắng, ngày lại sắp tàn và với một lượng người quá đông đã khiến các môn đệ lo lắng. Các ông lo lắng là phải. Bởi các ông biết rằng đối với đám đông, các ông cũng có một vai trò nhất định nào đấy. Một điều dễ hiểu là để lời Thầy được thính giả lãnh hội thì công việc của các môn đệ trong vấn đề tổ chức chẳng dễ dàng gì. Chính vì thế, giữa đồng không hiu quạnh, các ông lo cho số phận của năm ngàn con người sẽ ra sao khi đêm về mà không có gì lót dạ. Lương thực dự trữ bấy giờ chỉ vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. Thật chẳng thấm vào đâu với số người quá đông như thế. Vì thế, theo các ông, cách tốt nhất là giải tán đám đông, cho họ về nhà, nhẹ gánh nặng, thầy trò còn có thời gian nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc. Hợp lý quá đi chứ. Nhưng Chúa Giêsu không nghĩ như vậy. "Chính anh em hãy cho họ ăn". Tâm trạng của các ông có lẽ bực bội hơn là ngạc nhiên. Chúng con cho họ ăn ư? Ồ không đâu, thưa Thầy. Chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá? Chỉ còn cách là chúng con đành phải lặn lội vào nơi gần nhất để mua lương thực cho ngần ấy người mà thôi. Chúa Giêsu không để các ông phải khổ sở với suy nghĩ rất ư bình thường như vậy. Điều Chúa muốn các ông là hãy bảo đám đông quy tụ từng nhóm năm mươi người, nằm ngã xuống và phân phát bánh cho họ.

Khi đám đông dân chúng đã ngã mình trên đồng vắng, nghĩa là như Israel xưa trong sa mạc, họ không còn lạc lõng, bơ vơ, tản mát nữa, tất cả đều được quy tụ trở thành cộng đoàn cùng nhau dự tiệc- một hình ảnh loan báo cho một dân tộc mới được mời gọi vào dự Tiệc cánh chung của Thiên Chúa, khi đó kẻ nghèo sẽ được ăn uống thoả thuê- Chúa Giêsu mở đầu bữa tiệc này theo đúng phong tục của người Dothái, nghĩa là bằng lời chúc tụng. Một điều thú vị là nếu đối chiếu với bản văn Tin mừng hôm nay với bản văn bữa Tiệc ly và bữa tiệc Emmau, chúng ta sẽ thấy 4 động từ sau đây như là nét đặc trưng của việc dâng lễ tạ ơn. Đó là việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ. Có khác chăng là ở đây là lời chúc tụng, còn trong bữa Tiệc ly là lời Tạ ơn (x. Lc 22, 19;24, 30). Như thế, phép lạ hoá bánh ra nhiều không chỉ cho thấy Chúa Giêsu chính là vị Ngôn sứ vượt trên mọi ngôn sứ của thời đại, như ngôn sứ Êlia xưa đã nuôi 100 người bằng 20 chiếc bánh lúa mạch (x. 2V 4, 42-44) mà còn có quyền năng trong việc quy tụ và nuôi sống dân Thiên Chúa. Chúa Giêsu còn cho chúng ta thấy chính Người là hình ảnh của Thiên Chúa đến trần gian để yêu thương con người, săn sóc và nuôi dưỡng họ bằng phương cách họ không thể ngờ. Hôm nay chính Người đã ban tặng cho họ ân huệ cao vời, đã nuôi sống họ cách dư dật.

Như ngôn sứ Êlia xưa, Chúa Giêsu hôm nay cũng dựa trên năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của đám dân nghèo hiến dâng để nuôi sống họ. Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự mỗi ngày cũng vậy. Chính chúng ta cũng phải tiến dâng năm chiếc bánh và hai con cá, tức là những hy sinh, những đau khổ, bình an và hạnh phúc của cuộc đời lên cho Thiên Chúa. 

Sẽ là khập khiễng khi sánh ví năm chiếc bánh và hai con cá với đám đông trên năm ngàn con người, nhưng với Thiên Chúa, đó lại là điều tối cần cho một phép lạ. Năm chiếc bánh và hai con cá thật chẳng đáng là gì trước một đám đông đang đói lả, nhưng đó lại chính là phương tiện cần thiết để Chúa thi ân giáng phúc. Chúng ta thấy phép lạ xảy ra khi con người quan tâm và lo lắng giúp đỡ lẫn nhau. Cũng vậy, với quyền năng, Chúa Kytô sẽ biến đổi, hiến thánh sự đói nghèo của chúng ta, Người sẽ tiến dâng lên Chúa Cha cuộc sống và những việc làm dù rất nhỏ bé của chúng ta trở nên điều thiện hảo mưu ích cho muôn người.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb (nguồn vietcatholic.org)

1895    27-07-2011 21:09:47