Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chúa Nhật XVIII TN A_3

PHÉP LẠ TỪ CHÍNH CHÚNG TA
Mt 14, 13-21

Ceasar Barber là một công dân Mỹ. Với số tuổi 60 và cân nặng 124 kí lô thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên ở một xứ đầy sữa và mật như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Nhưng điều đáng ngạc nhiên và phải ngạc nhiên là Barber kiện McDonald's, Burger King and KFC và các tiệm fast food về chứng béo phì cao máu dư mỡ của ông. "

Nếu mà tôi biết thức ăn họ đầy chất béo như thế này, tôi chẳng bao giờ dám bỏ vào miệng," Barber đã tỉnh bơ phàn nàn như thế. Hình như ở các nuớc Au Mỹ việc gì cũng có thể kiện được. Có một dạo các hội đồng thành phố ở Uc đã phải trả hàng khối tiền vì một vài lổ hổng trên hè phố. Hoặc như một cha xứ ở Sydney bị kiện vì một bà mẹ đón con học về vô tình vấp té trên sân truờng. Chuyện gì cũng có thể xảy ra nhưng kiện người khác vì mình ăn nhiều dầu mỡ rồi béo phì thì quả thật chỉ có thể ở xứ ... Cờ Hoa!!!

Fast food thì chỗ nào cũng có trên quả đia cầu này. Các tiệm bán food to go mọc lên như nấm. Và tuần báo TIME có lần đã đăng trên hình bìa một Big Mac với hàng chữ: "Is that a healthy thing?"

Big Mac hoặc food to go hay takeaway food có nhiều chất dinh dưỡng hay không là ngoài phạm vi của bài suy niệm này, nhưng một điều chắc chắn là mỗi khi dùng những loại thức ăn trên, chúng ta không thể nào ăn chậm đuợc. Nếu không tin, hãy nhìn thống kê này: một gia đình bốn người chỉ ngồi với nhau 8 phút khi ăn KFC, 6 phút ở Mc Donald's, và 5 phút ở Burger King. Xã hội mới với những yêu cầu đòi buộc mới đã không ít thì nhiều ảnh hưởng tới mỗi cá nhân và từng gia đình, trong các cuờng quốc tư bản và ngay tại những quốc gia còn bám víu theo chủ nghĩa đại đồng. Và hậu quả là vợ chồng không còn mấy thời giờ cho nhau. Đau đớn hơn, cha mẹ không còn nhiều thời gian cho con cái! Và đây là điều nguy hiểm. Tột cùng nguy hiểm. 

Bài Phúc Am hôm nay giải thích tại sao...Chúng ta vẫn thường quen với phép lạ Chúa hoá nhiều bánh và cá. Khuynh hướng chỉ nhìn vào những sự kiện phi tự nhiên là chuyện thường tình tự nhiên con người, nhưng phép lạ là khi chúng ta can đảm nhìn những sự kiện tự nhiên với đôi mắt đức tin, như thánh Augustine đã nhắn nhủ: "Chúng ta xem thường phép lạ xảy ra từ từ khi nuớc thấm ướt cả vườn nho rồi trở thành rượu. Chỉ khi nào trong nháy mắt Chúa biến nuớc thành rượu chúng ta mới kinh ngạc sững sờ!"Điều tự nhiên và có ý nghĩa nhất là tình yêu thương vô bờ bến của Chúa đuợc biểu hiện thật cụ thể qua sự thích ứng linh động của Người. Lý do? Phép lạ bánh và cá đuợc hoá nên nhiều chỉ xảy ra ngay sau cái chết tức tuởi của Gioan Tẩy Giả.

Phúc Am thánh Matthêô tả lại rõ rằng là khi đuợc hung tin về Gioan, Chúa Giêsu buồn bã đến vô cùng. Người lên thuyền đến một nơi xa xa thanh vắng. Nhưng đám đông dân chúng, khi hay tin, vôi vã theo Người. Và họ đi bộ. Ước muốn có một nơi chốn riêng tư để an ủi tâm hồn phải nhuờng chỗ cho ước muốn của đám đông dân chúng kia muốn đuợc theo buớc chân Người. 

Người đi thuyền nhưng họ đi bộ đủ chứng tỏ lòng tin mãnh liệt của họ vào Người đến thế nào. Và ủi an đám đông đang rất mệt và đói lã kia bây giờ đã là ưu tiên một, không phải chỉ riêng cho cá nhân Người. Phép lạ có phải chăng khi chúng ta đám dẹp bỏ cái tư riêng? Phép lạ có phải chăng khi chúng ta biết uyễn chuyễn linh động, hài hoà không cứng nhắc, thích ứng với những đòi buộc và yêu cầu mới của xã hội và đời sống?

Mahatma Gandhi đã nói: "Thế giới có đủ cho nhu cầu của mọi nguời, nhưng thế giới không có đủ cho lòng tham của mọi người." Phép lạ sẽ xảy ra nhưng chỉ sẽ xảy ra khi bắt đầu từ mỗi một cá nhân, khi cái ta phải luôn luôn nhường chỗ cho chúng ta. Chúa rộng lượng đến vô cùng. Nhưng khi nói "các con hãy cho họ ăn," Người ám chỉ mỗi chúng ta là sứ giả Người để ban phát sự rộng luợng hãi hà kia. Sẽ không thể có phép lạ nếu những người có năm chiếc bánh và hai con cá cá khư khư giữ lấy riêng mình. 

Khi Chúa Giêsu bảo đám đông dân chúng ngồi xuống, tức thì phép lạ xảy ra. Sẽ chẳng thể nào có phép lạ khi chúng ta nôn nóng vội vàng. Khi không dám cùng ngồi xuống chia sẻ thời gian cho nhau. Điều mà các môn đệ chỉ nhìn là thiếu thức ăn, thiếu thời giờ. Điều duy nhất mà Chúa Giêsu nhìn thấy là con nguời. Các môn đệ chỉ thấy vấn đề. Chúa Giêsu nhìn thấy cơ hội. Rồi "Người ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng và bẻ ra trao cho các môn đệ." Nghe sao giống quá lời truyền phép. 

Phép lạ sẽ đến khi bàn ăn gia đình nối liền cùng bàn tiệc thánh. Khi cả mọi người đều cùng ngồi xuống. Và vui buồn chia sẻ lắng nghe...Lần sau, thay vì ghé McDonalds', KFC, Burger King, hãy thử quay đầu xe lại. Tạt vào nơi nào đó mua cuốn sách dạy nấu ăn. Biết đâu phép lạ sẽ đến trong buổi cơm chiều.

Lm Nguyễn Khoa Toàn

ĐÓI KHÁT TÂM LINH...SOS !!
Mt 14, 13-21

Các bài đọc trong Thánh lễ 18 thường niên hôm nay phảng phất lên những phép lạ, những dấu lạ mà Thiên Chúa vẫn làm chỗ này chỗ kia trong cuộc sống hiện tại. Những dấu lạ ấy thật ý nghĩa với con người thời hiện tại.

Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta là dân chúng vì đi theo Chúa Giêsu, vì nghe Chúa Giêsu giảng nhiều quá nên rồi họ đói và họ khát. Chúa thấy hiện trạng của họ để rồi Chúa chạnh lòng thương, Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Không chỉ hoá bánh ra nhiều mà thôi mà Chúa còn chữa lành nhiều bệnh nhân của họ nữa.

Thời đại ngày hôm nay, gần nhất là con người Việt Nam đây thật sự mà nói thì cuộc sống vẫn còn đó, vẫn còn ngổn ngang những mảnh đời khó khăn thiếu thốn nhưng thật ra thì đời sống vẫn ổn hơn thời bao cấp nhiều. Ngày hôm nay thật sự mà nói thì đói khát cơm bánh thì ít mà đói khát tâm linh thì nhiều.

Ai đã trải qua thời đó thì đều có cảm nghiệm, đều trải nghiệm được những khó khăn vất vả của thời ấy. Thế nhưng có điều lạ là chính trong những lúc thiếu thốn cơm bánh thể xác, cơm bánh vật chất ấy thì Thiên Chúa được con người đón nhận, tin nhận nhiều. Ngày nay thì hoàn toàn ngược lại, đời sống vật chất, sự phát triển khoa học kỹ thuật nó tỷ lệ nghịch với niềm tin. Những ngày bao cấp, sống trong cái bấp bênh của cuộc sống, sống trong cái lo lắng thiếu ăn thiếu mặc nhưng mà tình thương, tình huynh đệ, lòng tin nó cứ rực lên như lửa, nồng nàn và ấm áp dường bao.

Và như vậy, cái trống vắng, cái thiếu vắng niềm tin, cái mất mát về tình huynh đệ, cái đói khát về tâm linh nó quan trọng hơn đói khát về vật chất nhiều. Đành biết rằng vật chất, của cải, bánh ăn, nước uống cần cho đời sống con người như thế nào nhưng nó vẫn chưa là điều căn cốt của con người. Con người còn cần hơn cái lương thực, cái bánh ăn hay hư nát đó chính là Lời Chúa như trong sách ngôn sứ Isaia mà chúng ta vừa được nghe :

"Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng ? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống". (Is 55,3).

Không chỉ trong đoạn sách Isaia này Chúa mới nói về chuyện lắng tai, nghe nhưng mà chúng ta thấy phảng phất đâu đó rất nhiều trong Thánh Kinh từ Cựu Ước đến Tân Ước Chúa vẫn nhắc với dân của Ngài về tầm quan trọng của Lời, tầm quan trọng của thức ăn thiêng liêng, thức ăn tâm linh. Phảng phất rất nhiều, rất nhiều trong áng văn Tân Ước Chúa gợi lên cho chúng ta về chuyện khát Lời, khát tâm linh.

Có lẽ chúng ta hoặc là vô tình hay cố ý nên không phân biệt được lương thực nào là cần hơn cho cuộc sống chúng ta. Chúa không phủ nhận nhu cầu của thân xác để rồi hôm nay Chúa làm dấu lạ để nuôi thân xác. Nhưng bên cạnh đó Chúa muốn gửi đến cho con người dấu lạ. Vấn đề ngày hôm nay là Chúa vẫn làm dấu lạ này dấu lạ khác cho con người thời đại nhưng chuyện quan trọng là con người có nhận ra dấu lạ của Chúa, có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời này hay không mới là chuyện quan trọng.

Thời gian gần đây chúng ta thấy khá nhiều dấu lạ đấy chứ ! Không phải là dấu lạ ban cho con người được nhiều bánh như trong tin mừng theo Thánh Matthêu nhưng dấu lạ cảnh báo cho con người biết rằng con người đang thiếu về tâm linh, đang thiếu về niềm tin.

Chuyện lạ ở La Vang, chuyện lạ ở Tapao, chuyện lạ ở nhà thờ Đức Bà, chuyện lạ ở giáo xứ Bạch Lâm (Gia Kiệm) không phải là chuyện lạ nói lên đời sống tâm linh của con người ngày nay xuống dốc đó sao ? Tại sao Đức Mẹ khóc ? Tại sao Đức Mẹ nhắn nhủ phải ăn năn lần hạt Mân Côi ?

Tại vì con người ngày hôm nay đã quá tôn sùng của cải vật chất. Tại con người ngày hôm nay quá tôn sùng chủ nghĩa danh giá, chủ nghĩa bề ngoài, chủ nghĩa chức quyền, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ. 

Đáng tiếc là ngày hôm nay con người cứ mãi miết sống trong lời trách than của Đức Chúa : "Sao lại phí tiền bạc ...". Vâng ! Đức Chúa đã phán đúng như vậy, nhiều lần nhiều lúc trong cuộc sống chúng ta đã quá phí sức vào để tìm cái ăn, cái mặc, cái vật chất nuôi thân mà chúng ta quên đi tình trạng thiêng liêng của mình.

Mới đây, một người chị họ đến với tôi nhờ tôi giúp cho con của chị vì con của chị đang bị "sơ cứng" về tâm linh. Chúng gần như bỏ đạo !

Nhìn lại gia đình chị, cuộc đời của chị hoá ra là gia đình chị may mắn hơn nhiều người là có của ăn của để và thậm chí dư ăn dư để nữa nhưng hiện tại đang phải đối đầu với sự đói khát tâm linh. Giàu có đó nhưng chắc gì là hạnh phúc ? Nhà lầu xe hơi bạc tỷ đó nhưng lấy gì bình an ? Hình như bên dưới sự dư dật về của cải vật chất thì gia đình chị vẫn đói, vẫn khát về tâm linh. Và chuyện đói khát tâm linh này chẳng ai có thể bù đắp cho chị, cho chồng, cho con ngoài Chúa. Linh mục, các soeurs, các giáo lý viên, các đoàn thể cũng chẳng có thể giúp gì được cho chị nếu như chị không "lắng tai và đến với Ta, hãy nghe Ta thì các ngươi sẽ được sống". Thế thôi ! Đứng trước sự lựa chọn là lắng nghe Chúa hay bôn ba vất vả đi tìm cái đời tạm này đó chính là lựa chọn không phải của riêng chị mà của mọi kitô hữu.

Lý do tại sao ? Lý do chắc ai cũng biết rồi : đó chính là không kết hợp mật thiết với Chúa. Như Thánh Phaolô tông đồ, chúng ta ai cũng biết, gần như cả đời Ngài đã không biết Chúa, Ngài đã bắt Chúa nhưng khi cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa dành cho mình Ngài đã hoán cải cuộc đời. Chính tình yêu sâu đậm giữa Ngài và Chúa thắm thiết để rồi Ngài gửi tấm chân tình của mình cho cộng đoàn Rôma mà chúng ta cũng vừa nghe : "Thưa anh em, ai có thê tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô, phải chăng là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ?" (Rm 8, 35)

Thế đấy ! Ngài nói rằng dù khốn khó, dù có đói đi chăng nữa cũng không thể tách được ra tình yêu của Chúa trong khi đó nhân loại, con người ngày nay lại được dư đầy vật chất của cải nhưng lại đói, lại khát tâm linh !

Ngài còn khẳng định với chúng ta : "Nhưng trong mọi thử thách, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta". (Rm 8,37).

Nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, Chúa yêu chúng ta lắm rồi, quá yêu, yêu cho đến chết nhưng chúng ta có tin vào tình yêu của Chúa hay không mà thôi.

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta nhận ra cơn đói cơn khát tâm linh của mỗi người chúng ta để chúng ta chạy đến Chúa kín múc nguồn mạch tâm linh từ nơi Chúa để chúng ta được mạnh sức, được bình an trên con đường lữ thứ về nhà Cha trên trời.

Nguyện xin Chúa là nguồn mạch sự sống, nguồn mạch tân linh đến và ở lại với mỗi người chúng ta để dẫu rằng trong cuộc sống chúng ta còn thiếu điều này khát điều kia nhưng chúng ta không khát về tâm linh, không khát về Chúa.

LM Anmai, CSsR

TẤM BÁNH LIÊN ĐỚI
Mt 14, 13-21

Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng rất nhiều bài học. Như về Nước Trời, về Dân Thiên chúa, về bí tích Thánh Thể. Nhưng có lẽ bài học thiết thực nhất cho chúng ta hôm nay là bài học liên đới. Đó cũng chính là bài học Chúa muốn dạy cho các môn đệ của Người.

Liên đới là biết cảm thương. Nhìn thấy đám đông, Chúa Giê su chạnh lòng thương. Đó là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ không người chăn dắt. Đám đông tội nghiệp đi tìm Chúa không phải chỉ để được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được an ủi, được dạy dỗ, được chỉ bảo. Khi chạnh lòng thương, Chúa Giê su dạy ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt liên đới. Những người này đói vì tôi đã ăn quá nhiều. Những người kia rách vì tôi đã mê mải đuổi theo "mốt". Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo. Những đứa trẻ kia rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng. Thế giới này chưa tốt một phần có trách nhiệm của tôi. Thế giới này chưa công bằng trong đó có phần lỗi của tôi.

Liên đới là nhận lấy trách nhiệm. Các môn đệ đã nhìn thấy đám đông đói khát. Các ngài muốn thoái thác, phủi tay : "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thày giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn". Đó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng. Ai lo phần nấy. Thật dễ dàng. Nhưng đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận, vì thiếu tình liên đới. Chúa muốn các môn đệ Chúa nhận lấy trách nhiệm : "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn". Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ. Nhưng đã cảm thương thì phải có trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải hướng dẫn bàn tay làm việc.

Liên đới là đóng góp phần của mình. Chúa không cần những phép tính vĩ mô. Năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh ? Những tính toán lớn lao là không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế : "Ơ đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá". Thật là ít ỏi, nghèo nàn. Nhưng Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn đó : "Đem lại đây cho Thày". Có ít hãy đóng góp ít. Nhưng quan trọng là phải bắt đầu, là phải góp phần của mình. Liên đới không đòi ta phải quán xuyến mọi sự, nhưng đòi ta thật sự có trách nhiệm, góp phần của mình vào việc chung.

Liên đới là chia sẻ. Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như cho ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi của ta đã thành thiêng liêng cao quí. Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay cá và bánh ra một núi lương thực cho mọi người tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Và mọi người trao lại cho nhau. Đó là bài học lớn của phép lạ. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ. Bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao cho nhau. Bánh và cá vẫn tiếp tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau. Những tấm bánh của tình liên đới. Những đàn cá của sự chia sẻ. Chúng nhân lên theo nhịp của trái tim. Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên phong phú, dư thừa.

Thế mà các môn đệ đã vội lo. Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi người. Cũng như ta vẫn thường lo lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người. Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.

Lạy Chúa xin mở trái tim con để con biết cảm thương và chia sẻ. Amen.
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

ĐÓI VÀ CỨU ĐÓI 
Mt 14, 13-21

Trong cuốn sách Têrêxa-Biểu tượng của tình thương kể rằng: Lần kia Mẹ Têrêxa đi thăm một gia đình Ấn giáo đã bị nhịn đói nhiều ngày. Mẹ mang theo ít gạo cho gia đình ấy. Không chút lưỡng lự, người phụ nữ trong gia đình ấy đã chia số gạo ra làm hai phần. Rồi bà đem một nửa cho gia đình Hồi giáo bên cạnh. Mẹ Têrêxa hỏi người phụ nữ kia: "Bà còn lại được bao nhiêu? Liệu có đủ cho gia đình bà không? Người phụ nữ trả lời: Nhưng họ cũng đã bị nhịn đói nhiều ngày rồi!" 

Hoá ra trong cảnh cùng quẫn, nhiều khi, lòng chạnh thương của con người vẫn toả sáng bằng những hành động hy sinh, chia sẻ cao thượng, khiến ngay người có trái tim vàng như Mẹ Têrêxa cũng phải kinh ngạc. 

Hơn ai hết CGS là người có lòng chạnh thương con người. Nhất là những người khốn khổ. Vì chạnh lòng thương cho nên, khi đứng trước những đau khổ, bệnh tật của người khác, Chúa không hỏi tại sao, nhưng ngài đã ra tay chữa lành. Vì chạnh thương cho nên khi thấy dân chúng đói khát tâm linh, vất vưởng như đàn chiên không người chăn dắt, Chúa đã dạy dỗ họ, hướng dẫn họ không quản ngày đêm. Sau nữa, cũng vì chạnh thương mà ngài đã hoá bánh ra nhiều cho họ được ăn no nê khi họ đói khát cơm bánh vật chất.

Chúa muốn chúng ta cũng phải có lòng chạnh thương và biết chia sẻ như thế. Bài TM cho thấy: Trước cảnh đường xa, trời chiều, dân chúng mệt mỏi, bụng đói, các môn đệ muốn giải tán dân, thì Chúa nói với các ông: Họ không cần phải đi đâu cả. Chính anh em hãy cho họ ăn đi. Đấy không phải là lúc giải tán. Đấy là lúc mới ăn. Tất nhiên, Chúa làm phần Chúa. Nhưng Chúa muốn người phải làm phần người. Làm tức khắc. Làm ở đây. Làm lúc này. Làm cho những người này. Không cần phải đi đâu cả!

Đấy cũng là điều Chúa kêu gọi mỗi chúng ta hôm nay. Vì những người quanh ta và ngay chính bản thân chúng ta cũng đói khát lắm rồi!

Đói vật chất. Trên thế giới người giàu vẫn ít hơn người nghèo. Đất nước chúng ta có phát triển khá hơn trong những năm gần đây, nhưng vẫn là một nước nghèo. Để mắt nhìn quanh, thấy còn nhiều người vẫn đói ăn, thiếu mặc, thiếu phương tiện để lao động sản xuất, thiếu ruộng vườn, thiếu công ăn việc làm. 

Đói tình cảm nữa. Cái đói này phổ biến hơn là đói cơm bánh. Cái đói này không trừ ai. bất luận giầu nghèo, sang hèn, giỏi dốt. Bao nhiêu người mẹ đang cần một lời cám ơn. Bao nhiêu người cha đang cần một cử chỉ yêu thương. Bao nhiêu người vợ đang cần một lời động viên, khuyến khích. Bao nhiêu người con đang cần được chăm sóc cụ thể. Bao nhiêu đồng nghiệp đang cần một nụ cười thông cảm, một cái nhìn trìu mến. Bao nhiêu? Xã hội ta sống đang khô héo vì thiếu tình yêu và thừa bạo lực.

Trên hết là cái đói khát tâm linh. Cơn đói này là dữ dội nhất trên đất nước chủ trương vô thần và ngăn cản tự do tôn giáo lâu năm như đất nước Việt Nam chúng ta. Một lần đi Sơn La, khi chúng tôi ngồi uống nước ở một nhà ven đường, những người trong nhà biết chúng tôi là linh mục, một thanh niên đã xông ra nói với chúng tôi rằng: "Xin các cha ban cho chúng con một thánh lễ. Bao nhiêu năm rồi ở đây không có lễ. Chúng con khát lắm rồi. Lưỡi chúng con nứt nẻ như đồi núi khô hạn lâu năm rồi. Chỉ cần một thánh lễ thôi. Một thánh lễ như một giọt nước làm cho chúng con mát lưỡi" Anh vừa nói vừa ngửa cổ, há miệng, chỉ tay vào lưỡi, khiến chúng tôi hôm ấy không ai xót xa và cảm động.

Cơn đói khát tâm linh có khi thể hiện hiện ra bằng cách thánh thiện như thế. Nhưng cũng có khi nó lại hiện hình trong những thói ăn chơi trác táng, ngông cuồng. Chúng ta thấy ở Hà Nội này có những thanh niên "yêu xe hơn con, quý xe hơn bố" trong khi đó lại "đổi bồ nhanh hơn đổi xe". Họ sống không lý tưởng. Không định hướng. Nếu có thì cũng là lý tưởng viển vông. Định hướng sai lầm. 

Khi người ta không còn mối tương giao với Chúa Trời thì người ta nào biết trên đầu mình có ai! Khi chỉ còn biết đặt tất cả cuộc đời vào sự vật của thế giới này thì có bao giờ ngừời ta biết no đủ thật là gì. Tất cả những biểu hiện ngông cuồng và trách táng trong lối sống cho thấy một lỗ hổng tinh thần to lớn đang làm hỏng bao nhiêu con người, nhất là người trẻ.

Trước cảnh đói khát của con người, Chúa nói với chúng ta rằng: "Họ không phải đi đâu cả. Anh em hãy cho họ ăn đi". Thánh Phaolô cũng nói: "Mỗi người trong anh em hãy cho đi, hãy chia sẻ với nhau tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, miễn cưỡng". Cho nên, chúng ta cần phải biết cho. Không cho nhiều thì cho ít. Người xung quanh ta nhiều khi chẳng mong gì nhiều đâu. Chỉ mong một ít thôi. Có khi chỉ mong được một miếng bánh vụn vật chất, tình cảm và tâm linh thôi. Mong một cái nhìn thông cảm, một nụ cười khuyến khích, một lời khen tặng, một cành hoa, một món quà, một lá thư, một cuộc điên thoại, một chuyến viếng thăm, một lời cầu nguyện, etc. Một chút thôi cũng đủ mát lòng. Có khi đủ cứu mạng người và dẫn người bước vào một đời sống mới tốt đẹp hơn và ý vị hơn.

"Chúng ta ai cũng có gì đó để chia sẻ. Chúng ta không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho". Mẹ Têrêxa bảo vậy. Chúng ta cũng nhận ra rằng tự mình chúng ta đầy đủ. Ai trong chúng ta cũng thiếu thốn một cái gì đấy. Vì vậy, chúng ta cần đến nhau. Trời muốn chúng ta xoá đói giảm nghèo cho nhau. Muốn lắm! Bây giờ chúng ta có no đủ hay không là tuỳ ở chúng ta. Chúa dựng nên con nguời không cần hỏi ý kiến con người. Nhưng cứu độ con người thì cần sự cộng tác của con người. Thánh Augustino nói vậy. Mưu sự tại thiên, thành sự tại nhân. Thành sự tại nhân nhé! Thành hay không là ở người đấy thôi. Chúng ta có xoá đói giảm nghèo cho nhau được hay không là tuỳ ở thái độ và hành động bác ái của chúng ta. 

Mỗi lần đi thăm chùa Trần Quốc bên Hồ Tây, nhìn những tháp mộ cổ kính trong vườn, tôi tưởng nhớ đến những vị sư đã từng ở đây. Ai đạo cao đức trọng, đắc đạo tột đỉnh, khi viên tịch, tháp mộ được xây chín tầng. Số chín là số viên mãn và đẹp nhất. Mỗi tầng tháp mộ còn được gọi là một bậc phù đồ. Nhớ lại truyện thơ Quan Âm Thị Kính dân mình nói rằng: "Dù xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phúc giúp cho một người". Biết giúp đỡ cho một người, một người thôi, cũng đủ làm cho chúng ta đắc đạo. Đắc đạo hơn cả vị sư tu đắc đạo nhất.

Kinh thưa cộng đoàn. Ai đó nói rằng, "chúng ta không thể làm được mọi sự. Nhưng chúng ta hãy làm những gì có thể trong tầm tay". Còn thánh Phaolô nói "Bác ái là chu toàn lề luật. Xin Chúa cho chúng ta được chu toàn lề luật và đắc đạo nhờ biết cứu giúp người khác xoá đói giảm nghèo. Amen.

Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

CHÚA CHẠNH LÒNG THƯƠNG
Mt 14, 13-21

Chúa Giêsu trong ba năm đi giảng đạo cùng với các môn đệ, Ngài đã đối diện với đám đông dân chúng. Ngài đã hiểu rõ dân cần gì, dân khao khát gì. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã không dạy giáo lý với những lý thuyết xa vời, khô khan. Ngài đã không cho dân chúng những lời nói cứng nhắc, hay những tư tưởng cao vời, những khái niệm trừu tượng, trên mây trên gió. Chúa luôn thực tế, Ngài chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền, xoa dịu những người đau khổ, khó khăn. Ngài thương dân chúng bơ vơ, lạc lõng không có người chăn dắt. Hôm nay, Chúa thấy đám đông dân chúng đi theo Ngài, nghe Ngài giảng dạy, Ngài sợ họ đói, họ khát, nên " Ngài chạnh lòng thương " ( Mt 14, 14 ).

Lịch sử dân Do Thái còn rõ rành rành cho nhân loại và bài học Thiên Chúa nuôi dân Do Thái đi trong sa mạc về đất hứa xưa luôn là bài học để đời. Môsê đã cầu khẩn Chúa khi dân chúng không có lương thực, không có nước uống trong sa mạc tiến về hứa địa. Lời khẩn cầu của Môsê luôn được Chúa chấp nhận. Ngài đã ban Manna cho họ. Hôm nay, trước một đám dân đông đúc, Chúa thương họ. Dù rằng các môn đệ cũng thương dân nhưng các Ngài vẫn chưa hiểu thấu nỗi lòng của những người dân trong hoang địa hiu quạnh, xa vắng, không có gì ăn. Nên, lòng thương xót của Chúa quả thực cao vời, Ngài đã làm cho bánh và cá hóa ra nhiều để nuôi dân chúng. Và chỉ với năm chiếc bánh, với hai con cá, Chúa đã làm phép lạ để nuôi " năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà trẻ con " ( Mt 14, 21 ) được ăn no nê và còn dư dật. Chúa thực hiện phép lạ này để minh chứng lòng thương xót của Chúa đối với đám đông, đối với nhân loại, đối với mỗi người chúng ta. Nếu giải pháp các môn đệ đưa ra là " giải tán đám đông " được coi là ổn thì quả thực lòng thương xót chưa phải là thật vì đó mới chỉ là thương xót nói trên đầu môi, chóp lưỡi. Chúa thực hiện phép lạ ấy để dạy chúng ta hãy làm như Chúa, hãy sống và đối xử, có thái độ như Chúa trước nhu cầu thiết thực của con người.

Ngày nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta góp phần nhỏ bé và hết sức âm thầm của mình cho anh em đồng loại, đặc biệt cho những người nghèo chung quanh chúng ta. Chúa đợi chờ chúng ta một chút tế nhị, một chút tình thương. Chắc chắn, qua cử chỉ bác ái, qua tình thương của chúng ta đối với những người nghèo, những người gặp khó khăn, nhiều người sẽ nhận ra bộ mặt đầy nhân từ và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Vâng, những người nghèo sẽ không đáng chết vì thế giới còn biết bao nước giầu, thế giới còn biết bao lương thực, tài nguyên chưa được phân phối đồng đều. Tin Mừng cho thấy, người phú hộ giầu có đâu có biết chạnh thương người nghèo Lazarô ăn xin.Thế giới còn nhan nhản những người giầu ăn không hết, của cải không biết bỏ đâu, nhưng họ không biết cho đi, chia sẻ và làm việc từ thiện. Nhiều nước giầu đã đem lương thực đổ ra biển vì sơ quá hạn xử dụng. Thế giới quả không thiếu lương thực nhưng chỉ thiếu những người biết chạnh lòng thương. Lương thực rất cần thiết để sống nhưng con người rất cần tình thương để tồn tại. Chúa Giêsu đã thấu hiểu điều đó, nên Ngài đã truyền lệnh cho các môn đệ: " Chính các con hãy cho họ ăn ".

Biết bao nhiêu gương của những vị thánh, của những con người có lòng tốt, có lòng chạnh thương đã để lại cho nhân loại sự kính phục, trân trọng vì nhờ họ mà bao nhiêu người được chia sẻ, được cứu sống. Chân phước Têrêsa Calcutta đã làm say đắm và thán phục cả thế giới vì gương bác ái của Mẹ. Biết bao vị thánh đã trao ban chính bản thân của mình để cứu nhiều người. Bạc tiền, lương thực cần thật đó, nhưng lòng thương sâu xa sẽ giải thoát và cứu sống con người. Thánh Phaolô đã nói: " Cho thì có phúc hơn nhận lãnh ". 

Thế giới này, nhân loại này sẽ đẹp, sẽ tốt hơn, sẽ ấm áp hơn nếu con người có lòng chạnh thương và biết cho đi, biết trao ban. Chúa Giêsu đã làm gương cho nhân loại khi Ngài trao ban chính Mình Máu của Người làm lương thực nuôi sống con người. Tình yêu vô vị lợi, tình yêu xả kỷ của Người được thể hiện nơi Thập Giá. Chính cái chết của Chúa Giêsu nơi Thập Giá là lời chứng hùng hồn nhất về tình yêu xả kỷ, tình yêu trao ban Chúa để lại cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta.

Trao ban sẽ được lại và cho đi sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại tình yêu cao vời nhất, tình yêu hoàn hảo nhất: " Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu " ( Ga 15, 13) và Ngài nói: " Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói. Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ " ( Ga 6, 35 ).

Lạy Chúa, Chúa không ngừng ban ơn phù trợ và lấy bánh bởi trời bồi dưỡng chúng con; xin tiếp tục chở che nâng đỡ để chúng con xứng đáng hưởng nhờ ơn cứu chuộc muôn đời ( Lời nguyện hiệp lễ, Chúa Nhật XVIII thường niên, năm A ). 

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT (nguồn vietcatholic.org)

2495    27-07-2011 21:08:46