Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Chúa Nhật XVIII TN A

 

TRAO BAN TÌNH THƯƠNG
Mt 14, 13 - 21

Chúng ta đang sống trong thế giới được gọi là thế giới văn minh. Thế giới ngày càng có rất nhiều tiến bộ. Những phát  minh khoa học kỹ thuật tân tiến đã đem nhiều lợi ích cho con người. Thế nhưng, còn nhiều người phải chết đói. Đói của ăn vật chất. Đói của ăn tinh thần. Theo thống kê của cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc cho biết, mỗi ngày có khoảng trên dưới 400 triệu người phải đi ngủ với bụng đói mà không có gì để ăn, và hơn 15 ngàn người phải chết đói hàng ngày. Chắc hẳn, điều này không phải vì thế giới thiếu tài nguyên, thiếu lương thực, nhưng vì người ta chưa biết thương nhau. Bài phúc âm hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Tình thương ấy đã thể hiện bằng một phép lạ của Ngài. Chúa muốn nói gì với chúng ta  

Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ngày xưa trong cuộc xuất hành trong sa mạc trên đường về Đất Hứa, dân Do Thái đã xin Chúa ban lương thực cho họ. Thiên Chúa đã ban Man na và nước uống (từ tảng đá vọt ra) cho họ ăn uống no nê để họ có sức mà tiến bước. Cũng vậy, vào thời Tân Ước Chúa Giêsu đã tỏ lòng thương xót trước cảnh dân chúng đi theo Ngài để nghe Ngài giảng dạy. Thấy họ đói, Ngài đã hóa bánh ra nhiều cho họ ăn no. Trong bối cảnh của phép lạ này, chúng ta thấy có hai thứ thương xót. Các môn đệ thấy trời đã về chiều và người ta mệt mỏi rồi, các ông tội nghiệp họ và đã xin Chúa giải tán : "Xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mua thức ăn". Đó là thứ thương xót thứ nhất. Lòng thương xót này cần thiết nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì chưa đủ. Vì thế, Chúa muốn các môn đệ tiến xa hơn: "Các con hãy lo cho họ ăn". Thật thế, có tấm lòng thương xót người khác là một điều tốt rồi và có những lời nói xót thương người khác cũng là một điều tốt rồi, nhưng chưa đủ, mà cần phải có việc làm cụ thể, phải có hành động xót thương thực sự nữa. Chúa Giêsu đã thể hiện điều đó và Ngài dạy chúng ta hãy làm như Ngài. Trước những nỗi đau của người khác, trước những túng thiếu của người anh em, chúng ta đừng có những thái độ ngoảnh mặt làm ngơ, bưng tai giả điếc "giàu điềc sang đui". Đó là thái độ không thể nào chấp nhận được. Hãy có lòng trắc ẩn hay những lời nói an ủi, khích lệ, thông cảm. Đi xa hơn nữa chúng ta biết chia sẻ, giúp đỡ...bằng những cử chỉ và hành động cụ thể, thiết thực. Chắc hẳn, Chúa không đòi chúng ta làm những việc to lớn, vượt sức của chúng ta nhưng muốn chúng ta giúp đỡ người khác những gì trong khả năng mình có, hết lòng của mình phục vụ, phần còn lại Chúa sẽ thực hiện.  

Hơn nữa, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua phép lạ hóa bánh này là sự cộng tác của chúng ta trong chương trình của Thiên Chúa. Chúa có quyền năng, chỉ cần Chúa phán một lời là có dư thừa thức ăn cho mọi người ăn. Thế nhưng Ngài muốn các môn đệ cộng tác với Ngài: "Các con hãy lo cho họ ăn". Khi các môn đệ ra công khám phá cho được 5 chiếc bánh và 2 con cá rồi thì Chúa mới làm phép lạ. Điều này nhắc nhở cho chúng ta: nhất thiết cần có sự cộng tác của chúng ta trong chương trình của Thiên Chúa đối với chúng ta. Nghĩa là bên cạnh tình thương và ân sủng của Thiên Chúa thì yếu tố quan trọng không kém là sự cộng tác của chúng ta để xây dựng cuộc đời mình. Chúa có thể làm được mọi sự, nhưng Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài bằng tất cả những gì chúng ta có, bằng thiện chí, bằng cố gắng, bằng kiên nhẫn, bằng hy sinh. Thánh Augustino nói : "Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần có sự cộng tác của chúng ta".

Mẹ Têrêsa Calcutta đã kể lại câu chuyện một lần kia mẹ đi ngang qua một gia đình Hinđu đã bị đói nhiều ngày. Mẹ cầm theo một ít gạo cho gia đình ấy. Điều xảy ra sau đó làm mẹ kinh ngạc. Không chút lưỡng lự, người mẹ trong gia đình đã chia số gạo ra làm hai phần. Rồi bà đem một nữa cho gia đình nhà bên cạnh, tình cờ là những người theo đạo Hồi. Thấy điều đó, mẹ Têrêsa nói với bà mẹ "Bà còn lại được bao nhiêu? Liệu có đủ cho gia đình bà không?". "Nhưng họ cũng đã nhịn đói nhiều ngày rồi", người đàn bà ấy trả lời.

Ngày nay Chúa Giêsu cũng nuôi dưỡng chúng ta  nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Nhận lãnh từ đó, chúng ta được mời gọi chia sẻ bữa tiệc sự sống nơi trần gian, cho anh em mình. Thiên Chúa mời gọi chúng ta chia sẻ bữa tiệc sự sống đời đời trên Thiên Đàng.

"Chúng con hãy cho họ ăn". Đó là mệnh lệnh mà Chúa truyền lại cho các Tông Đồ xưa và cũng là mệnh lệnh của Chúa cho mỗi người Kitô hữu hôm nay. Chúng con hãy cho họ ăn, chúng con có trách nhiệm không thể chạy trốn được, chúng con không thể phủi tay đổ trách nhiệm cho kẻ khác. Biết sống chia sẻ, đóng góp những gì mình có thể làm để mưu cầu hạnh phúc cho đồng loại.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con được trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn nhờ việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, cũng như qua việc chia sẻ sự sống của Chúa, xin Chúa giúp chúng con được lớn lên, được trưởng thành trong đức bác ái, sẵn sàng đóng góp phần nhỏ của mình để phục vụ anh em. Amen.

THEO CHÚA
Mt 14,13-21

Lòng quãng đại yêu thương của Thiên Chúa biểu hiện cụ thể, rõ ràng nơi Ngôi Hai là Đức Giêsu Kitô. Ngài yêu thương loài người hơn cả mạng sống của mình và Ngài biểu lộ tình yêu ấy trong cuộc đời Ngài. Tấm lòng của Người đã được dân chúng hồ hởi đón nhận. Đám đông theo Chúa Giêsu như đàn chiên khao khát lương thực lời Chúa và được Chúa cho thoã lòng. Ngài đã chữa lành họ, cả bệnh thể xác và tinh thần, Ngài dạy dỗ họ cả ngày không kể mệt nhọc và họ ở đó nghe Ngài không biết đói.

Chúa Giêsu đến để cứu chữa không chỉ phần hồn mà cho cả phần xác nữa. Ngài cho linh hồn ăn no và không để xác phải đói khổ. Ngài đã hoá bánh ra nhiều cho hơn 5000 người ăn sau khi giảng dạy lời Chúa cho họ. Ngài đã cứu giúp họ về cả hồn và xác nữa. Đối với Chúa không có chi là khó, chỉ cần con người thành tâm, phó thác thì Ngài sẽ lo cho, chỉ cần chúng ta quãng đại với Chúa thì lòng quãng đại của Chúa sẽ tỏ ra gấp bội phần, chỉ cần năm chiếc bánh nhỏ góp vào trong niềm tin có thể đủ cho bao nhiêu người ăn no nê mà còn dư dật. Tuy chúng ta tin tưởng và phó thác cho Chúa tất cả nhưng chúng ta không được tự miễn trừ những việc bổn phận trong cuộc sống hàng ngày như việc lao động kiếm sống, dưỡng nuôi con cái, cha mẹ...

Chúa có thể ban ơn trực tiếp cho chúng ta. Tuy nhiên, Chúa thường ban ơn dồi dào cho chúng ta trong các Bí tích nhờ qua thân thể Người là Hội thánh, có khi Chúa ban ơn huệ gián tiếp qua những người thân, ân nhân nào đó. Chúng ta hãy nhận ra tình thương của Chúa trong Hội thánh, qua tha nhân và những biến cố cuộc đời và cám ơn Người. Trong những lúc đói khát, chúng ta cũng hãy tin tưởng và kêu xin Chúa. Nếu chúng ta sống theo lệnh truyền của Chúa thì sẽ được Chúa ban ơn như Chúa đã hứa: hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. (Lc 11, 9-10)

Chúa Giêsu có cái nhìn xa hơn một đám đông đói khát đáng thương này. Ngài còn thấy những đám đông khác ở những thời đại kế tiếp. Vì thế, Ngài đã thiếp lập Bí tích Thánh thể để trở nên Bánh cho chúng con trong Bí tích Thánh thể để nuôi dưỡng phần hồn, và ban ơn phần xác. Phép lạ hoá bánh hôm nay nhằm ám chỉ mà Ngài sẽ thiết lập để ở lại với loài người chúng con. Cái chết của Ngài mang lại sự sống Phục sinh cho những kẻ tin giữ lời Ngài.

Chúa thương chúng con và đã không bỏ chúng con, những người thuộc thế hệ mai sau nên đã thành lập Giáo hội, trao quyền cho các Tông đồ cử hành các Bí tích và rao giảng Tin mừng, lo cho sự sống của mỗi người trên thế giới. Không chỉ lo cho đời sống thiêng liêng nhưng phải quan tâm đến đời sống vật chất nữa: các con hãy cho họ ăn. Chúng con là những người thuộc thế hệ sau này đã được thừa hưởng trọn vẹn ơn chuá cứu chuộc. Chúng con có bổn phận tiếp tục truyền lại cho thế hệ mai sau những ơn chúng con đang được hưởng. Việc đóng góp cho Chúa 5 chiếc bánh trong Giáo hội là một trong những bổn phận căn bản của Kitô hữu. Mỗi người có quyền và bổn phận đóng góp phần mình cho Giáo hội và xã hội mình đang sống. Mỗi người có trách nhiệm với những người thuộc quyền cũng như phải bác ái với anh em xa gần với khả năng của mình. Nếu chúng ta biết san sẻ trong tinh thần đức tin, Chúa sẽ thực hiện những gì còn lại.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến và ở trong chúng con cho chúng con được no đầy ơn lành của Chúa cả hồn lẫn xác để chúng con ca tụng Chúa và biết phục vụ cho Tin mừng để Nước Chúa mau trị đến.

LƯƠNG THỰC SỐNG 
Mt 14,13-21

"Đức Giêsu thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương và chữa lành các bệnh nhân của họ". Không có gì có thể ngăn lại được tấm lòng chạnh thương của đức Giêsu dành cho con người, bởi vì Ngài là hiện thân của một Thiên Chúa tình yêu.

Bài Tin mừng mà chúng ta nghe hôm nay được đặt ngay sau hai đoạn Tin mừng thuật lại những câu chuyện buồn của Đức Giêsu. Đó là việc người đồng hương của Ngài đã không đón tiếp Ngài và không tin vào Ngài. Rồi Ngài lại nghe tin Gioan Tẩy Giả, người anh em họ của Ngài và đồng thời là người được Thiên Chúa sai đi dọn đường cho Ngài vừa bị hành quyết bởi sự ác độc của con người. Sau những biến cố ấy, Ngài cùng các môn đệ muốn tìm một nơi riêng biệt để cầu nguyện, để tìm biết thánh ý Chúa Cha và cũng để củng cố tinh thần cho các môn đệ, chuẩn bị cho các ông tinh thần để bước vào những giai đoạn khó khăn trong sứ mạng của loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, đặc biệt là việc Ngài phải trải qua cuộc khổ nạn và phục sinh để cứu độ con người.

Nhưng Tin mừng thuật lại là ngay khi Ngài vừa đến nơi định tới thì đám đông đã chờ đón gặp Ngài trước ở đó. Ngài không tỏ ra khó chịu hay bực bội vì họ. Trái lại, Ngài lại chạnh lòng thương xót họ và tiếp tục trao ban cho họ tất cả theo những nhu cầu của họ. Ngài không tiếc để trao ban chính mình Ngài cho họ, mang lại niềm vui cho họ. Đức Giêsu đã hành động theo đúng căn tính của Ngài "Thiên Chúa là Tình yêu".

Bài hát "khi yêu", dân ca Bình trị Thiên có một câu rất hay; "khi yêu thấy tiếc từng giờ, thấy không thể sống hững hờ vô tư'. Quả thật, tình yêu thôi thúc con người phải làm việc, phải hành động, phải ra đi để chia sẻ, để mang niềmvui và hạnh phúc đến cho người mình yêu. Trong con mắt của người đang yêu, không có ai là thù địch, không ai là người xấu, không có ai mà không đáng yêu cả. Ai cũng là đối tượng của Thiên Chúa tình yêu.

Mẹ Têrêsa lúc sinh thời đã từng phải cung cấp thức ăn cho 9000 người ở Calculta mỗi ngày. Chắc chắn mẹ đã không thể làm nổi việc đó nếu có sự quảng đại của nhiều người trên khắp thế giới cộng tác với Mẹ. Mẹ đã kể ra một điển hình về sự quảng đại khiến cho Mẹ có thể thực hiện "phép lạ" nuôi sống nhiều ngàn người mỗi ngày.

Một ngày nọ, có một đôi vợ chồng tìm đến ngôi nhà nơi Mẹ Têrêsa đang chăm sóc những người nghèo khổ, bệnh tật và trao cho Mẹ một số tiền khá lớn. Mẹ hỏi: "Ở đâu chúng con có số tiền lớn như vậy?" Họ trả lời: "chúng con mới lấy nhau cách đây 2 ngày. Chúng con quyết định không làm đám cưới và thay vào đó là tặng số tiền làm đám cưới để nuôi sống những ngươi nghèo". Mẹ Têrêsa lại hỏi: "Tại sao chúng con hành động như vậy?" Họ trả lời: "Vì chúng con yêu nhau và chúng con muốn bắt đầu đời sống hôn nhân của chúng con bằng một cử chỉ hy sinh". Điều đáng nói là hơn nữa là đôi vợ chồng này đều thuộc tầng lớp thượng cấp của đạo Hindus. Đó là hạng người mà theo lẽ thường là không bao giờ làm điều gì cho người nghèo cả. Đứng là "khi yêu nhau thấy tiếc từng giờ, thấy không thể sống hững hờ vô tư".

Khi thấy đám đông dân chúng đi theo mình, Đức Giêsu động lòng thương xót họ.Và ngài đã biểu lộ tình yêu ấy bằng việc chữa lành bệnh tật cho họ và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Nói cách khác, Đức Giêsu đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người bằng việc trao ban chính bản thân Ngài cho họ. Ngài không hề nghĩ đến bản thân Ngài nhưng chỉ nghĩ đến người khác. Ngài không ngần ngại hy sinh thời giờ,sức lực . . . để tìm lo hạnh phúc cho người khác. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng của Thầy chí Thánh là mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác bằng việc trao ban chính mình chúng ta cho họ. Chúng ta phải chấp nhận trở thành tấm bánh bị bẻ ra cho người khác hưởng dùng. Nhưng đây là một việc làm không dễ chút nào.

Để tập sống thân phận của của tấm bánh bị bẻ ra và trao ban, chúng ta phải tập cho đi từ những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày, biết quên đi những lời nói hơn thua, quên đi và tha thứ những lầm lỗi của anh em mình . . . có như thế, chúng ta mới có thể theo gương Chúa Giêsu trong việc trao ban chính mình cho người khác. Cho đi những gì mình có đã là một điều khó, nhưng cho đi chính mình thì càng khó khăn hơn rất nhiều. nhưng vì lòng yêu mến Chúa, chúng ta hãy cố gắng sống và tập cho đi mỗi ngày. Đây quả là một thách đố, một trắc nghiệm về lòng mến cho những người môn đệ Chúa Giêsu. Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn thuận đã nói: "Yêu người là trắc nghiệm chắc chắn nhất về lòng yêu mến Chúa của con".

Chúa Giêsu ngày nay vẫn tiếp tục trao ban chính mình Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu, của lòng quảng đại bao la của Thiên Chúa dành cho con người. Chúa Giêsu trao ban chính mình cho chúng ta qua nhiều phướng cách khác nhau, nhưng Bí tích Thánh Thể là cách thế tuyệt đỉnh của việc trao ban đó. Phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống đám đông dân chúng ngày xưa là hình ảnh báo trước của Bí tích Thánh Thể ngay nay. Và đến lượt mình, Bí tích Thánh Thể là hình ảnh báo trước tiệc Nước trời mai sau.

Ước gì mỗi người chúng ta biết quí trọng và ý thức khi tiếp nhận Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng. Xin cho chúng ta biết có tấm lòng chạnh thương trước những hoàn cảnh khốn khó của con người để không bao giờ từ chối chia sẻ với họ. Làm được như thế, chúng ta sẽ trở thành tấm bánh được bẻ ra để nuôi sống người khác, trở thành lương thực sống cho những người chung quanh chúng ta. Đó chính là tinh thần chính yếu nhất của phép lạ Hóa bánh ra nhiều mà Chúa Giêsu đã thực hiện ngày xưa.

CƠM BÁNH TÌNH THƯƠNG 
Mt 14,13-21

Anh chị em thân mến,

Câu chuyện sau đây là của Đức Cha Phêrô Nguyễn văn Nhơn, Giám mục giáo phận Đà lạt, đã kể trong bài giảng Tĩnh tâm cho các linh mục giáo phận TP. HCM, năm 2003, về công việc truyền giáo cho người Thượng. Đức Cha nói: Người Thượng ở đây, họ rất nghèo, lại không biết phòng xa, vì vậy một năm họ đói cả 3 tháng. Ngay lúc giáp hạt, giữa hai mùa lúa, họ nhịn đói, vì lúa cũ đã hết, lúa mới chưa có. Họ đói cả tháng...Vì vậy truyền giáo cho họ phải nhắm đến 3 điểm: phát triển - y tế - và giáo dục. Thứ nhất phát triển: là phải nói ngay đến chuyện ăn. Phải cho họ ăn. Khi họ đến nhà thờ đi lễ, phải cho họ ăn. Có những làng ở xa nhà thờ, nên khi đi lễ, họ phải đi từ chiều thứ bảy, vì vậy phải cho họ ăn bữa chiều đó; rồi sáng Chúa nhật lo cho ăn sáng; lễ xong phải cho họ ăn nữa, họ mới ra về. Nếu không cho ăn, có khi họ phải... đói xỉu dọc đuờng....Câu chuyện trên đây xem ra sao cũng giống câu chuyện Tin mừng của ngày Chúa nhật hôm nay. Kính mời anh chị em cùng suy niệm...

Qua bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu muốn nói gì?

  • Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, bằng tấm lòng hết sức chân thành . Câu chuyện Phúc âm hôm nay là một bằng chứng. Chúa không chỉ yêu thương lo lắng cho linh hồn chúng ta mà thôi, Người còn lo lắng cho ta, ngay trong những chuyện hết sức tầm thường: lo cái ăn cái mặc, Chúa sợ dân chúng đói. Hóa ra Chúa không chỉ bận tâm lo cứu rỗi linh hồn, Người còn bận tâm lo chuyện ăn uống đói khát vật chất nữa. Lẽ ra Chúa có thể để dân chúng giải tán, tự mua thức ăn, tự lo cho mình như lời các môn đệ nói. Thực ra, chính Kinh Lạy Cha, cũng nhắc nhở cho ta điều đó: xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày...Rõ ràng ta thấy Chúa Giêsu dù là Thiên Chúa Ngôi Hai, dù là Đấng Cứu thế, Người không "siêu" đến nỗi chỉ biết có linh hồn mà thôi. Cũng chính điều này cho ta thấy: Chúa Giêsu, dù là Thiên Chúa, nhưng trong bản tính nhân loại, người lại rất là người.Cũng chính vì đó, cái chết của người trên thập giá mới thực sự đem lại ơn cứu rỗi.....
  • Chúa muốn các tông đồ, là Hội thánh, cộng tác với Chúa, để lo cho dân chúng ăn: Chúa mời gọi các tông tham gia vào việc lo cho dân chúng. Dĩ nhiên không có Chúa, các ông chẳng làm nên việc gì; nhưng ở đây, Chúa muốn các ông cộng tác với Chúa...Ta thấy rõ điều đó ở câu: Chúa trao bánh cho các môn đệ, và họ phân phát cho dân chúng...

Trở lại câu chuyện truyền giáo cho người Thượng, Đức Cha Đà Lạt nói: Truyền giáo nhắm đến 3 điểm: phát triển - y tế - và giáo dục. Ba điểm này phải thực hành song song, cùng một lúc. Muốn cho đời sống họ phát triển, không phải chỉ cho họ ăn, xây nhà xây cửa cho họ là đủ, phải đi kèm với việc giáo dục. Vì họ kém văn hóa, nhưng lại cũng lười nữa nên cần phải lo giáo dục họ. Một buôn Thượng nọ cách xa nhà thờ chỉ 3 cây số. Đám thanh niên người Kinh muốn giúp họ nuôi tầm vì tầm đang có giá. Họ lựa con giống và chở lên tận nơi cho họ, chỉ sơ cách thức nuôi tầm. Hai tuần sau trở lên, đám tầm giống vẫn còn để y nguyên một chổ. Hỏi ra họ không biết phải làm sao, dù được chỉ dạy nhưng quên cả rồi. Vì sự việc trên, từ năm 1995, Đức Cha đưa ra "chương trình 25 đô la" = 400.000$, cho các trẻ em Thượng đi học, khởi đầu từ Mẫu giáo. Chương trình này phải được tiếp tục trong vòng 7 năm. Tiền thì Tòa Giám mục lo. Các họ đạo đăng ký, thực hiện và theo dõi...

Câu chuyện truyền giáo cho người Thượng trên đây cho ta thấy, yêu thương họ không phải chỉ cho họ ăn, cho nhà họ ở, mà còn chính là cộng tác với Thiên Chúa, làm sao giúp họ phát triển đời sống đi lên ngang với mọi người trong xã hội. Đó cũng chính là cộng tác với Chúa nuôi sống dân chúng và yêu thương họ bằng chính tình yêu Chúa Kitô.

Gợi ý sống và chia sẻ:

Bài Tin mừng hôm nay tường thuật, Chúa thấy dân chúng đói, nên Người động lòng thương mà cho họ ăn. Dù vậy Chúa không chỉ chia sẻ cơm bánh, mà Chúa còn chia sẻ cả bản thân mình Chúa, sự sống của Chúa để cho nhân loại được sống nữa. Là người Kitô hữu, ta có sẵn sàng chia sẻ cơm bánh, cả khổ đau vất vả với anh em xung quanh ta không? 

CỘNG TÁC VỚI CHÚA 
Mt 14,13-21

Anh chị em thân mến.

Vào buổi sáng sớm, khi mọi người còn yên giấc, nếu có dịp, anh chị em đi một vòng thành phố, anh chị em nhìn thấy những điều mà khi mặt trời lên thì không bao giờ nhìn thấy được: Những người không có nơi nương tựa, họ phải tá túc nhờ vào những mái hiên. Những ngôi nhà cao tầng, bên trong yên lặng với niệm ấm chăn êm, thì bên ngoài, ngay trước cửa nhà họ, có những con người nằm co ro chống chọi với cái lạnh thấu xương. Những dãy nhà đồ sộ nhưng yên lặng đến vô tình, đứng nhìn những con người lang thang không nơi nương tựa. Những thứ bỏ đi bên lề đường đang chờ người ta đến đem đi, vẫn là niềm hy vọng của bao nhiêu người đến tìm để sinh sống. Một xã hội văn minh, sao vẫn còn những con người khốn khổ đến như thế, sao có biết bao nhiêu nhà hảo tâm, biết bao những việc làm xoá đói giảm nghèo mà vẫn còn những cảnh thương tâm như thế? Thưa vì vẫn còn những người chưa nhìn thấy được những gì chung quanh mình, họ vẫn sợ ách giữa đàng mang vào cổ, nên vẫn còn nhiều người là nạn nhân của sự sợ hãi đến vô tâm đó.

Các môn đệ cũng tìm cách trốn chạy, khi nhìn thấy một đám đông quá sức mình, các ông muốn để cho mọi người tự lo, các ông cũng sợ trách nhiệm đến với mình, khi thấy công việc mà mình không thể làm gì được, chỉ còn cách trốn chạy. Nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận thế, Ngài bảo các ông đối diện với thực tế và hành động: "Các con hãy cho họ ăn". Một việc làm quá sức các ông, những gì các ông có trong tầm tay không thể làm gì được. Nhưng mọi việc đã trở nên có thể vì các ông biết vâng phục, các ông biết lắng nghe, các ông dám bỏ ra phần nhỏ bé của mình mà không ngần ngại. Cùng với Chúa Giêsu, mọi sự đều trở nên có thể; các ông cũng đi phân phát phần nhỏ bé của mình khi đã trao vào tay Chúa, các ông đã hành động vì biết lắng nghe lời Chúa, nên phép lạ đã được thực hiện. Nếu các môn đệ lo sợ mất đi những gì mình có, nếu các ông e ngại trước đám đông, nếu các ông không tin tưởng vào Chúa cho đủ, mà sợ mất uy tín khi không thực hiện được điều cần thiết thì làm sao phép lạ có thể thực hiện được?

Trong cuộc sống đời thường nếu chúng ta chịu nhìn thì không biết bao nhiêu phép lạ đã xảy ra hằng ngày, đồng thời cũng có rất nhiều phép lạ không thể thực hiện được vì rất nhiều lý do:

Những lúc chúng ta nói tiếng không với những người có nhu cầu khi họ chạy đến chúng ta, để họ phải thất vọng ra đi mà không nhận được gì. Những lúc chúng ta sợ mất đi những gì mình đang có, nên không dám cho đi, cho dù chúng ta thấy người khác đang cần. Những lúc chúng ta nhận lấy một cách bất công những điều không phải của mình, khi đó chúng ta làm cho người khác phải vất vả hơn. Những lúc chúng ta lười biếng không thể cho đôi chân mình chuyển động, cũng không thể cho đôi tay có cơ hội ban phát vì chúng ta lo sợ cho bản thân. Những lúc chúng ta để cho tính ích kỷ trong con người nổi dậy và điều khiển cuộc sống của mình, không còn biết nghĩ đến ai, chỉ còn nhìn thấy có chính mình và những lợi ích của bản thân. Những lúc chúng ta chỉ biết cho đi những cái khoát tay và những cử chỉ lắc đầu xua đuổi, nếu có mở miệng nói thì chỉ là tiếng "không" khô khan; những lúc đó, chúng ta làm cho phép lạ của Chúa không thể thực hiện được trong cuộc sống của mình.

Nếu có lần nào trong cuộc sống, con tim chúng ta thổn thức trước một lời kêu xin và sẵn sàng đáp ứng; nếu đôi mắt chúng ta nhìn thấy cảnh thương tâm và đôi tay chúng ta hành động theo con tim mách bảo, để cho người khác có được một chút gì no lòng. Cho dù chúng ta không xứng đáng gì, nhưng khi nhìn thấy những người đang thất vọng nản chí, chúng ta cũng cho họ những lời khuyên, những lời động viên an ủi để cho họ thêm sức sống. Chúng ta cũng không ngại giúp đỡ người khác khi cần thiết, cho dù tốn chút ít thời gian, sức lực hay cả tiền của. Những lúc đó, chúng ta dùng chút công sức của mình, giống như năm chiếc bánh được mang đến cho Chúa, để phép lạ được thực hiện. Nếu trong cuộc sống mà thực hiện được nhiều lần như thế thì thật là hạnh phúc cho chúng ta và cả cho những người chung quanh.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn soi sáng cho mỗi người được biết lắng nghe lời Chúa và thi hành những gì Chúa dạy bảo.

QUẢNG ĐẠI
Mt 14,13-21

Mẹ Têrêsa Calcutta đã kể lại câu chuyện một lần kia mẹ đi ngang qua một gia đình Hin-đu đã đói nhiều ngày. Mẹ cầm theo một ít gạo cho gia đình ấy. Điều xảy ra sau đó làm mẹ kinh ngạc.

Không chút lưỡng lự, người mẹ trong gia đình đã chia số gạo ra làm hai phần. Rồi bà đem một nữa cho gia đình nhà bên cạnh.

Thấy điều đó, mẹ Têrêsa nói với bà mẹ "Bà còn lại được bao nhiêu? Liệu có đủ cho gia đình bà không?". Người đàn bà ấy trả lời."Nhưng họ cũng đã nhịn đói nhiều ngày rồi".

Chắc chắn bà mẹ nghèo cho người kia không thể nhiều được, nhưng bà đã cho người khác bằng cả tấm lòng, bằng cả con tim và sự hy sinh, chỉ có những ai có lòng quảng đại thật sự mới có thể thấy được điều đó.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều cũng được gọi là phép lạ của lòng quảng đại. Trước hết là mẫu gương cậu bé cho năm chiếc bánh và hai con cá, cái cậu có không phải là nhiều, chắc chắc giờ đó cậu ta cũng rất đói, nhưng vì lòng quảng đại cậu cho luôn cả cái mình đang cần. Điều quý nhất nơi người cho không phải là của cho nhưng chính là cách cho. Vì vậy của cậu bé cho không quý bằng tấm lòng cậu bé biết quan tâm đến người khác, một tấm lòng quảng đại cao thượng , biết chia sẻ đến người khác.

Nói đến từ quảng đại thì ai cũng có thể nói được, nhưng để thực hiện nó thì thật là khó khăn và nhất là khi cần phải quảng đại với những người ta không thích, không ưa nhất là với kẻ thù thì lại càng khó hơn nữa. Đến với những người khác khi không gặp sự phiền nhiễu nào là một việc dễ dàng. Nhưng đang khi mệt mỏi, buồn phiền mà phải gặp những chuyện khó khăn bực tức, thì khi đó lòng quảng đại lại càng khó mà thực hiện hơn. Lúc đó chúng ta phải biết bỏ mình đi mà hướng đến người khác. Chính Đức Giêsu đã làm như thế. Người vừa mới biết tin người anh họ là Gioan Tẩy Giả đã bị giết chết. Người cần được yên tĩnh và thinh lặng. Đó là lý do khiến Người vừa bước ra khỏi thuyền, Người thấy đám đông dân chúng chờ Người. Hẳn Người có thể tức giận và giải tán họ. Thế nhưng, Người không chút tỏ ra bực tức, nhưng lại quên mình để lo cho dân chúng. Cũng nhờ lòng quảng đại tuyệt đối, người đáp ứng cơn đói của dân chúng. Người không chỉ cho họ ăn, nhưng còn cho mỗi người nhiều hơn họ cần, và còn dư mười hai thúng đầy.

Lòng quảng đại không phải là lúc nào nào cũng biếu đồ vật. Điều đó thật dễ dàng vì mình chỉ cho đi môt phần quá nhỏ trong cuộc sống, có thể nói mình chỉ mới cho đi một phần chẳng thấm vào đâu so với những gì mình đang có, hay có thể nói là mình chỉ mới cho đi một chút chi thể trong một thân thể to lớn. Ở đây Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều là một hình thức tiên báo về Bánh Hằng Sống chính là Thân Thể Người. Vì vậy, cho chính mình không bao giờ dễ dàng, nhưng chính Đức Giêsu đã làm điều đó, Người đã ban chính mình cho dân chúng bằng nhiều cách khác nhau.

Hằng ngày Đức Giêsu vẫn không ngừng ban cho chúng ta Bánh Hằng Sống, Chỉ ở nơi Chúa, chúng ta mới có được sự nuôi dưỡng và tâm hồn chúng ta được thoả lòng ao ước. Trong Thánh Lễ chúng ta được nuôi dưỡng với Lời Chúa và Bánh Sự Sống. Đó là hình ảnh bữa tiệc thiên đàng trong tương lai.

Lạy Chúa, Chúa đã sẵn sàng chia sẻ cho chúng con bằng cả Thân Mình Chúa. Xin cho chúng con biết sẵn lòng chia sẻ cho những người khác không phải chỉ bằng vật chất nhỏ nhoi, nhưng bằng cả tâm hồn, thân xác và cả con người chúng con. Amen.

1746    27-07-2011 21:17:16