VỮNG VÀNG TIN TƯỞNG
Mt 15,21-28
Có một giai thoại kể rằng : Có một thanh niên thích chơi những trò chơi mạo hiểm. Hôm đó anh mang một chiếc dù lớn đến bên bờ một vực thẳm tính để chơi cho thỏa chí mạo hiểm của anh, không biết loay hoay thế nào, anh trượt chân té xuống vực thẳm, may quá anh bám được một nhánh cây chìa ra trên bờ vực. Khi đã nắm được nhánh cây kia, anh thở phào một cái, tuy dù nguy hiểm vẫn chưa qua, nhưng anh nghĩ như thế này là có hy vọng sẽ được cứu.
Anh ngước mắt nhìn lên bờ vực, không thấy có bóng dáng một ai, cúi xuống, anh thấy choáng váng mặt mày vì vực thẳm sâu, anh cũng biết rõ là không thể bám vúi như thế này mãi được, vì thế, anh nghĩ chỉ còn cách cầu nguyện. Thế là anh cầu xin : "Lạy Chúa, xin cứu con, con xin hứa con sẽ làm bất cứ điều gì Chúa muốn". Bỗng có tiếng Chúa từ trời vọng xuống : "Được, Ta sẽ cứu con, nhưng trước khi cứu con, Ta muốn biết con có thực sự tin là Ta có thể cứu con được không". Anh thưa ngay : "Lạy Chúa, con tin chứ, con tin chắc là Chúa cứu được con, Chúa cứu con ngay đi, con mỏi tay lắm rồi". Chúa nói : "Được, nếu con tin thì con cứ buông tay con đang bám vào nhánh cây đó đi". Chàng thanh niên vẫn bám chặt vào nhánh cây chứ không chịu buông tay ra, rồi chàng ngẩng nhìn lên bờ cố la lớn : "Có ai ở trên bờ không, cứu tôi với".
Giả sử chúng ta là chàng thanh niên trên đây, liệu chúng ta có dám buông tay ra không ? Đức tin của chúng ta có đủ mạnh để tin vào quyền năng của Chúa qua những nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống của chúng ta không ? Điều Thiên Chúa muốn là chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào Chúa. Lòng tin tưởng của chúng ta phải như em bé trong câu chuyện sau :
Cách đây ít lâu, báo chí tường thuật lại một sự kiện : Vào một đêm kia, một đám cháy bùng lên tại một ngôi nhà, trong khi những ngọn lửa phừng phừng bốc lên, người ta trông thấy người cha, người mẹ và mấy đứa con hấp tấp chạy ra tức khắc, họ buồn rầu nhìn ngôi nhà mình bốc cháy. Bất chợt họ nhận ra thiếu đứa con nhỏ nhất, một đứa bé trai năm tuổi. Đứa bé lúc đó chạy ra, thấy khói lửa nghi ngút, nó hoảng sợ lùi lại, rồi leo lên tầng trên. Mọi người nhìn nhau : không thể nào liều lĩnh đi vào, trong nhà bây giờ chỉ còn là một lò lửa hừng hực. Thì kìa, một khung cửa sổ trên kia mở toang, đứa bé giơ tay kêu cứu.
Cha nó thấy nó, ông quát to : "Nhảy xuống đi". Đứa bé chỉ thấy khói lửa mịt mù, nhưng nó nghe ra tiếng cha nó, nó liền đáp : "Ba ơi, con không thấy ba đâu cả". Cha nó lại quát : "Ba thấy con, nhảy đi", đứa bé đã nhảy, và đã bình an vô sự rơi vào vòng tay cha nó, vì ông kịp đỡ lấy nó.
Đứa bé đứng trong ngôi nhà bốc cháy ấy lại không phải là hình ảnh diễn tả người Ki-tô hữu đứng trước mặt Thiên Chúa sao ? Trong cơn khốn quẫn, chúng ta nghe ra tiếng Chúa bảo mình : "Hãy tin tưởng vào Ta, hãy nhảy vào vòng tay của Ta", và rất nhiều phen chúng ta đã trả lời : "Chúa ơi, con chẳng thấy Chúa đâu cả", và đã tưởng rằng Chúa bỏ rơi mình. Có bao giờ chúng ta nghĩ như thế không hay nghĩ tương tự như thế không ? Dường như Chúa đi đâu vắng trong lúc chúng ta thật cần đến Ngài.
Bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, nhắn nhủ chúng ta về giá trị của đức tin. Đức tin có sức mạnh, có khả năng đảo ngược tình cảnh trong đời người, giúp chúng ta vượt được gian khó, và làm được những việc quá sức tự nhiên của mình. Người phụ nữ ngoại giáo trong Tin Mừng đã có một đức tin như thế, nên bà đã nhận được điều bà muốn xin. Tuy con gái bà bị quỷ ám khốn cực và các thầy thuốc đã vô phương chữa trị, tức là tình cảnh của bà đã tuyệt vọng về mặt tự nhiên, nhưng bà tin Chúa có thể cứu chữa được con bà, nên bà đến kêu xin Chúa, và dù Chúa thử thách bà, bà vẫn kiên nhẫn và hết lòng tin tưởng. Chính vì lòng tin vững mạnh đó, Chúa đã làm phép lạ cứu chữa con gái bà.
Có lẽ sau đức tin của viên đại đội trưởng ở Ca-phác-na-um thì phải kể đến đức tin của người phụ nữ Ca-na-an này, là người ngoại giáo nhưng hết lòng tin tưởng vào quyền phép của Chúa Giêsu. Đây là tấm gương và bài học cho chúng ta khi cầu nguyện : Chúng ta hãy kiên nhẫn, cầu xin chưa được, cầu xin tiếp, cầu xin mãi, đừng bao giờ nản lòng, vì ai kiên nhẫn và tin tưởng cầu xin, sẽ được như ý.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt 3 bài đọc Chúa Nhật XX năm A hôm nay, đó là "qua dân tộc Do Thái, ơn cứu độ đã đến với dân ngọai". Qủa thế, ngay bài sách tiên tri Is.56,1.6-7 Ngôn Sứ đã nói đến viễn cảnh lương dân nhập đòan cùng con cái Abraham, đến bài đọc II thư gửi tín hữu Rm.11,13-15.29-32 Thánh Phaolô cũng xác định rằng Ngài được tuyển chọn là để cho dân ngọai. Và bài Tin mừng Chúa Giêsu nói tới việc Ngài được sai đến cho con cháu nhà Israel nhưng vì họ cứng lòng mà dân ngọai được mời gọi.
Chúa Giêsu đến là để tìm những con chiên lạc nhà Israel, nhưng ở đây Chúa Giêsu chữa bệnh cho con người phụ nữ Canaan. Thật ra, Ngài chỉ làm phép lạ này sau cuộc chối từ dai dẳng, như thế Ngài chỉ làm vì bất đắc dĩ mà thôi. Trước khi làm Ngài còn muốn xác quyết mạnh mẽ việc tuyển chọn Israel trước mặt các môn đệ và ngay chính dân Do Thái cứng lòng tin nhất " Ta chỉ được sai đến cho những chiên lạc nhà Israel mà thôi", phải phân phát bánh, nghĩa là Tin mừng cho "con cái" nghĩa là cho kẻ thừa tự lời hứa trước đã. Vì thế, Đức Giêsu chỉ nhượng bộ trước lời cầu xin của người đàn bà sau khi bà đã nhận ra sự chia cách do Thiên Chúa muốn giữa dân Ngài và mọi dân khác. Sự chia cách ấy bao giờ cũng linh thánh. Như vậy, Thiên Chúa lựa chọn dân Do Thái là vì dân tộc khác.
Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho dân Do Thái là để cho các dân tộc, cho nên ơn cứu độ có tính phổ quát. Chúa Giêsu nói với bà như là sự từ chối " Không nên lấy bánh của con cái mà cho lòai chó". Ngài nói như thế để cảnh cáo cho người Do Thái biết rằng : Thiên Chúa đã ưu tiên cho họ mà họ từ chối, nên ơn cứu độ sẽ được ban cho các dân tộc. Trong kế đồ cứu độ, có nhiều giau đọan, Đức Giêsu đến đào tạo một nhóm người rồi sau đó là giai đọan của Thần Linh, Tin mừng được rao giảng cho mọi dân tộc vì mọi người đều là con cái của Abraham nếu có lòng tin vào Đức Giêsu (x.Rm11,13...).
Đó là Israel của lòng tin, Israel qui tụ những kẻ tin và trong đó chúng ta thấy có viên quan bách quản Rôma, một người phụ nữ Samari, một đám đông không kể xiết tòan những người tội lỗi, nên Chúa Giêsu không muốn lọai trừ người phụ nữ Canaan này, Chúa chỉ thách thức bà đi đến đức tin chân chính để bà có thể đến với ngài. Và chính bà cũng hiểu điều này và diễn tả niềm tin mới bằng một công thức thật cảm động, đầy niềm vui và lòng khiêm tốn " những chó con cũng được ăn những vụn bánh rơi từ bàn rớt xuống".
Bà kiên trì nài nỉ với Chúa Giêsu không hề nao núng, dù bị các môn đệ từ chối. Nhưng bà tin là Chúa Giêsu, Đấng tốt lành nên không nản chí và bà còn kêu to lên " Lạy Ngài là con vua David xin thương tôi", tước hiệu " con Đavid" có ý nói Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai đến để thực hiện lời hứa với nhà Đavit. Điều này chính ra người Do Thái phải là người loan báo cho dân ngọai, thì giờ đây người dân ngọai lại rao giảng cho người Do Thái.
Nhìn vào thái độ của người phụ nữ chúng ta hãy nhìn lại mình, chúng ta có hay than phiền về Thiên Chúa khi chúng ta gặp thử thách không ? Đức tin của chúng ta lớn bao nhiêu ? Chúng ta đòi Chúa giải quyết những công việc mà bản thân chúng ta không giải quyết được, chúng ta đòi Thiên Chúa phải ban cho chúng ta điều này điều kia mà chúng ta không xin Ngài giải thóat chúng ta khỏi sự dữ.
Người phụ nữ Canaan đã hiểu rằng không gì ngòai lòng tốt và sự thánh thiện của một ngôn sứ có thể giải phóng được bà, bà kiên trì cầu xin cả trong lúc bà không được niềm nở đón tiếp.Lạy Chúa, Chúa đã đón nhận đức tin người phụ nữ ngọai giáo để nói lên tính cách phổ quát của ơn cứu độ. Xin cho chúng con lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin mừng đến cho muôn người, để Thánh Ý Chúa được thể hiện mau chóng.
Sr Mai An Linh, OP
TIN MỪNG KHÔNG BIÊN GIỚI
Mt 15, 21-28
Đọc lại lịch sử Giáo Hội và lịch sử thế giới, chắc nhiều người trong chúng ta đều biết đến cuộc Thập Tự chinh đẫm máu chống lại người Hồi Giáo vào những năm 1095-1291, bước sang thế kỷ 16 là cuộc chiến giữa người Tin lành và Công giáo tại Âu Châu, rồi cuộc đối đầu giữa những người quá khích Ấn giáo với những người theo các tôn giáo khác tại Ấn Độ...
Và Mahamat Ganhdi, người đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách nô lệ của người Anh bằng cuộc tranh đấu bất bạo động đã bị một thanh niên Ấn Giáo hạ sát, chỉ vì anh ta không thể chấp nhận được sự kiện Ganhdi lại yêu thương và tha thứ cho người Hồi Giáo.
Những câu chuyện trên đây muốn nói lên một trong những thảm trạng đau thương của lịch sử nhân loại hiện nay. Đó là sự xâu xé do sự bất khoan dung tôn giáo gây nên. Thế đó, con người luôn bị cám dỗ nhân danh niềm tin, nhân danh Thượng Đế của mình để bách hại và loại trừ người khác.
Thời Chúa Giêsu, những người Biệt phái cũng có thái độ tương tự. Nhân danh lề luật, nhân danh Thiên Chúa, họ đã kết án và loại trừ nhiều người, nhất là những kẻ bé mọn, những người dân ngoại, những người mà họ cho là tội lỗi.
Thế nhưng khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã không loại trừ một hạng người nào. Được sai đến trước tiên cho người Do Thái. Chúa cũng đã đi đến với cả nhân loại. Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng khoan dung của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người, và muốn quy tụ mọi người vào trong gia đình của Ngài. Điều này được thể hiện rõ trong phần phụng vụ lời Chúa hôm nay.
1. Ơn cứu độ được ban cho mọi người
Để thấy rõ điều này, chúng ta cùng đọc lại các bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Trước hết, bài đọc một được trích đọc hôm nay, thuộc phần thứ ba trong sách của ngôn sứ Isaia (56, 6-7). Đoạn này được viết trong bối cảnh dân Do Thái vừa từ nơi lưu đày trở về. Tại Đất Hứa, và ngay chung quanh thành Thánh Giêrusalem đã có rất nhiều người dân ngoại sinh sống. Do đó, vấn đề đặt ra là họ phải đối xử với những dân tộc này như thế nào. Hơn nữa, những người ngoại bang này có được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa hay không? Đứng trước những vấn nạn đó, vị ngôn sứ được mạc khải của Thiên Chúa đã đưa ra cho họ một câu trả lời thật rõ ràng: "Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện, Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc". Như thế, ngay từ trong Cựu ước, mạc khải về tính phổ quát của ơn cứu độ đã bắt đầu được hé mở.
Tính phổ quát này của ơn cứu độ đã trở nên hiện thực với việc xuất hiện của Chúa Giêsu. Ngay từ khi Giáng Sinh thì một trong những người đầu tiên đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ, chính là những đạo sĩ người dân ngoại đến từ Đông Phương (x. Mt 2, 1-12). Rồi hôm nay đây, trong lúc những người đồng hương Nazareth với Chúa Giêsu đã không tin Ngài (x. Mt 13, 53-57); các Luật sĩ và Biệt phái thì dựa vào các lệ truyền của tiền nhân để huỷ bỏ chính Lời Thiên Chúa (x. Mt 15, 1-9). Họ đang tranh luận với Ngài về luật "sạch" và "dơ" (x. Mt 15, 10-20). Họ tự hào là công chính vì có lề luật, để loại bỏ những người mà họ cho là dân ngoại, là "dơ", thì ngay lúc đó, một người phụ nữ người Canaan, một thứ "dân ngoại" chính gốc đã hết lòng tin tưởng và nhận được ân ban của Đức Giêsu (x. Mt 15, 21-28). Đây là khúc mở đầu, sau khi Phục Sinh, trước khi về trời, thì di chúc cuối cùng của Đức Kitô cho các tông đồ là ra đi loan báo Tin mừng cho muôn dân (x. Mt 28, 19-20).
Vâng lời Thiên Chúa, các tông đồ đã lên đường rao giảng cho hết mọi dân tộc. Chính thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma chúng ta vừa nghe, cũng khẳng định: "Tôi là Tông đồ các Dân ngoại". Và ngài còn cho thấy, lẽ ra Tin mừng phải được loan báo cho dân Israel là dân được Chúa chọn trước, nhưng vì họ đã cứng lòng, không tin, nên giờ đây, vị tông đồ đã quay sang loan báo cho anh em dân ngoại để họ được cứu rỗi "Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót". Dù vậy, thánh nhân cũng hy vọng chính khi thấy dân ngoại tin nhận Đức Kitô và được ơn cứu độ, thì lúc đó dân Israel cũng sẽ quay lại để được ơn cứu độ "cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót".
Như vậy, ơn cứu độ không thể bị giới hạn bởi bất cứ một dân tộc nào, cho dù đó là dân Chúa chọn; hay bởi bất cứ miền đất nào, dù đó là Đất Hứa. Tuy nhiên, mặc dù là ơn của Thiên Chúa, nhưng để lãnh nhận được ơn cứu độ này, mỗi người chúng ta cũng cần thể hiện một thiện chí nào đó của mình.
2. Điều kiện để nhận lãnh được ơn cứu độ
Trước hết, chúng ta phải xác tín lại với nhau rằng ơn cứu độ là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa, như lời thánh Phaolô: "Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. (Rm 15, 29).
Kế đến, ơn cứu độ cũng đòi chúng ta một sự mở rộng cõi lòng, sẵn sàng đón nhận và hết lòng tin tưởng trong tinh thần khiêm hạ. Chúng ta có thể nhận ra được điều này trong lời cầu xin của người phụ nữ Canaan, khi bà xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái bà. Bà không hề nhân danh một điều gì khác ngoài lòng thương xót của Đức Giêsu: "Lạy Ngài, con Vua Đavít, xin thương xót tôi" Đây là một lòng tin trong sự phó thác hoàn toàn nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ không hề dựa vào bất cứ điều gì của bản thân mình. Khi Chúa nói: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó" thì bà đã đáp lại một cách tuyệt vời: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng đựơc ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống". Trước lòng tin mạnh mẽ đó, Đức Giêsu đã làm cho bà những gì bà muốn: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Có lẽ đây là một trong những lần hiếm hoi, mà Chúa Giêsu đã "thua" trong các cuộc tranh luận. Ngài đã thua trước lòng tin và sự khiêm hạ của người phụ nữ Canaan.
3. Chúng ta hôm nay
Lắng nghe lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta cũng phải tự nhìn lại chính mình. Có khi chúng ta đang đi vào vết xe cũ của những người Biệt phái xưa kia. Chúng ta tự hào mình là một kitô hữu, được rửa tội từ bé, mình là "đạo dòng, đạo gốc" rồi loại bỏ những người khác. Đây quả thật là một điều nguy hiểm, vì nếu chúng ta không có được một đức tin, lòng khiêm hạ và sự kiên nhẫn như người phụ nữ Canaan trong bài Tin mừng, thì nguồn gốc đó không thể cứu được chúng ta. Điều thứ hai chúng ta rút ra được từ lời Chúa hôm nay đó là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài không loại trừ ai. Vì thế, để được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy biết tha thứ và sống bao dung với người khác, đón nhận người khác không phân biệt lương giáo, kể cả những người không cùng ý kiến với chúng ta như lời kinh Lạy Cha chúng ta vẫn đọc hàng ngày: "Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.".
Đối với các em thiếu nhi, các con cần tập sống lòng bao dung đó ngay từ bây giờ, cụ thể là không cãi nhau, đánh nhau, và sẵn sàng chơi với hết mọi bạn, nhất là những bạn không có ai chơi cùng. Các con hãy luôn giữ nụ cười trên môi đối với hết mọi người.
Nếu tất cả cộng đoàn chúng ta sống đức tin cách cụ thể như vậy, nghĩa là, luôn mở rộng vòng tay đón nhận người khác đến với chúng ta. Lúc đó, chắc chắn chúng ta cũng nhận được lời hứa của Chúa: "Này con, con có lòng mạnh tin. Con muốn sao thì được vậy". Amen.
Lm Trần Thanh Sơn
LÒNG TIN CỦA NGƯỜI NGOẠI GIÁO
Mt 15, 21-28
Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, con người không khỏi nửa cười nửa khóc, hoặc ngạc nhiên đến lạ lùng trước thái độ của Chúa Giêsu. Có lúc Chúa tỏ ra rất nghiêm khắc nhưng có lúc Ngài cũng mềm lòng trước tâm tình dễ thương của con người, trước thái độ kiên trì, lời khẩn khoản thật khiêm tốn của con người. Tin Mừng của thánh Matthêu 15, 21-38 hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó. Người đàn bà ngọai giáo xứ Canaan nhận mình nhỏ bé như "chó con" được ăn" những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống ". Đây là thái độ hết sức khiêm tốn của người đàn bà ngoại giáo này. Thái độ của một người cầu nguyện với hết tâm hồn, với hết đức tin của mình.
Bài Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giêsu chữa đứa con gái của người đàn bà ngoại giáo xứ Canaan bị quỉ ám. Ngưới đàn bà này bị dân Do Thái coi như ở ngoài, nghĩa là không thuộc về phe họ, do đó, đối với dân Do Thái bà là đồ bị chúc dữ và bị kinh bỉ.
Đức Kitô thương yêu mọi người, Ngài không loại trừ ai, không bỏ rơi ai, miễn là họ biết mở lòng ra, biết khẩn cầu Ngài và thật lòng muốn được Ngài cứu chữa. Con gái của người đàn bà Canaan bị quỉ ám, đang ở vào tình trạng hết sức tuyệt vọng: các thầy thuốc giỏi, danh tiếng đều bó tay, vô phương cứu chữa. Bà đã hoàn toàn tuyệt vọng theo mặt tự nhiên. Chính đức tin diễn tả ra nơi bà qua lời khẩn khoản nài van, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương xót và đã chữa lành con của bà được khỏi ngay lúc đó. Đức tin mạnh mẽ của bà cũng như đức tin của Viên Bách Quản khiến Chúa thay đổi ý định của Ngài. Bởi vì, Chúa Giêsu chỉ được Chúa Cha sai tới với con cái Israen, một dân tộc tự kiêu, tự hào vì là dân riêng của Chúa. Họ hãnh diện về đức tin của cha ông và của chính họ. Tuy nhiên, trước lòng tin mạnh mẽ và thái độ khiêm tốn cầu nguyện của người đàn bà, Chúa đã làm phép lạ để cứu chữa một người bị quỉ ám, không phải là dân Do Thái, là dân ngoại bị dân Do thái khinh chê và coi là đồ chó. Bà đã kêu xin Chúa thương xót cứu chữa con gái của bà. Rồi bà quỳ mọp xuống đất trước mặt Chúa Giêsu xin Ngài thương cứu giúp con bà, và với một thái độ hết sức khiêm tốn chấp nhận lời so sánh hết sức tủi nhục, so sánh mình với đồ chó. Bà đã có một đức tin rất mạnh mẽ như Viên Bách Quản, một đức tin son sắt thúc đẩy bà khẩn cầu hết lời, hạ mình chấp nhận những hất hủi, những tủi nhục, những khinh miệt có thể gọi được là tột độ đến thế. Bà đã có một đức tin sâu sắc để có thể chấp nhận những thử thách của Chúa Giêsu ban đầu. Bà không bực tức, không chán nản, không thất vọng, bà luôn chứng tỏ niềm tin mạnh mẽ và kiên trì.
Lời khẩn cầu của người đàn bà xứ Canaan thật khiêm tốn nhưng đầy tin tưởng và mạnh mẽ,kiên trì, phó thác. Do đó, Chúa Giêsu không nỡ từ chối. Đức Kitô đã ban cho người đàn bà Canaan được thỏa lòng mong ước, đồng thời công khai khen ngợi lòng tin của bà trước mặt các môn đệ. Chúa Giêsu muốn dạy con người về mẫu gương cầu nguyện : khiêm tốn, kiên trì và phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Mẫu gương về lời cầu nguyện và đức tin của người đàn bà ngoại giáo này gợi cho chúng ta xét lại thái độ cầu nguyện của chúng ta và đức tin của chúng ta ra sao mỗi lần chúng ta gặp những bất trắc, những thử thách nơi trần gian này. Liệu đức tin của chúng ta có mạnh mẽ hay thua kém nhiều người ngoại giáo và nhiều người lương ? Đức tin là một ơn nhưng không Thiên Chúa ban tặng cho con người. Tuy nhiên để diễn tả đức tin và để chứng tỏ đức tin, chúng ta :" Phải quỳ gối cầu xin "( Pascal ). Trong mọi trạng huống của cuộc đời, dù cầu xin chưa được, chúng ta vẫn cứ kiên trì để cầu xin và khiêm tốn, van nài, tin tưởng và phó thác như người đàn bà Canaan. Chắc chắn Chúa sẽ nhậm lời chúng ta:" Cứ xin thì được. Cứ gõ thì mở. Cứ tìm thì gặp ". Chúng ta thực sự tin tưởng vào tình thương vô biên của Chúa.
Người đàn bà Canaan đã hoàn toàn tin vào sức mạnh quyền năng của Chúa. Bà tin, bà nhận được hồng ân cao quí của Chúa. Chúa đã chữa con bà ngay lúc bà tin khẩn khoan nài van. Và đây là một kinh nghiệm trong đời sống đức tin. Chúng ta đã có kinh nghiệm về đức tin như người đàn bà Canaan chưa ? Khi gặp khó khăn trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có đủ sáng suốt, can đảm, tin tưởng, phó thác xin Chúa cứu giúp không ? Chúng ta có coi Chúa là tất cả khi chúng ta cầu xin không ?
Lạy Chúa xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
"DÂN NGOẠI" CÓ LÒNG TIN MẠNH HƠN QUÂN "GIUDÊU"
Mt 15, 21-28
Tất cả những người "bén duyên" với việc rao giảng tin mừng trong lãnh vực giúp giáo lý dự tòng cho những "người ngoại" ắt hẳn sẽ có rất nhiều kinh nghiệm tuyệt vời từ những "người ngoại" tìm đến Chúa. Với xã hội phát triển vượt bậc về kinh tế như ngày nay tưởng chừng con số gia nhập Kitô giáo sẽ chựng lại hay chỉ vài người nhưng thật may mắn khi còn nhiều và còn nhiều người "ngoại" bỗng nhiên cảm mến Chúa, cảm mến Đạo để tìm đến các lớp Dự Tòng của các giáo xứ để học giáo lý. Trong những người đấy thật sự là có những người học vì phải theo đạo vợ đạo chồng nhưng cũng trong những số ấy, không ít người "ngoại" xuất phát từ niềm tin thật trong lòng của họ.
Một học trò cũ đã bộc bạch với tôi : "Thưa Cha ! Thoạt đầu, vì anh ấy con đi học giáo lý để tìm hiểu về Chúa nhưng rồi sau khi đi học con thấy con tin Chúa nhiều lắm ! Nhất là sau khi rửa tội, con thấy con bình an hơn, cuộc sống của con thanh thản hơn trước. Con đã bớt đi tính tranh giành, hơn thua, ghen ghét. Hiện giờ thì anh ấy không quen con nữa nhưng con cảm ơn anh ấy vì chính anh ấy là người dẫn con đến với Chúa và Mẹ. Con nghĩ rằng anh là người dẫn đường cho con. Vẫn biết rằng chia tay với anh ấy con rất buồn nhưng con thấy con được rửa tội để theo đạo là con hạnh phúc rồi. Những tối khó ngủ, con đeo chuỗi Mân Côi mà đứa bạn tặng con trong ngày rửa tội (13.07.2008 tại nhà nguyện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn) con thấy con ngủ ngon !". Tôi không nghĩ ra và không ngờ học trò đã nói rất thật, thật tự đáy lòng và lương tâm của mình. Phải chăng đây là lòng tin kiên vững của một "dân ngoại" thời hiện đại.
Nếu có dịp, ai muốn "tai nghe mắt thấy" thì có thể đến với các lớp giáo lý dự tòng trong đó có lớp giáo lý ở Dòng Chúa Cứu Thế. Không phải Dòng Chúa Cứu Thế dạy hay hay nổi tiếng nhưng Ban giảng huấn ở đây đã thu thập tất cả các chứng từ, các cảm nghiệm thật đơn sơ, thật chân thành tự đáy lòng của những "dân ngoại" khi họ tìm đến Chúa. Những lời chứng ấy, những niềm xác tín đấy hiện đang còn lưu giữ như lời chứng hùng hồn niềm tin vào Chúa giữa một thế giới mà dường như người ta muốn đẩy Thiên Chúa ra bên lề đời họ.
Với Cha Trương Bửu Diệp, Ngài khá nổi tiếng vì sự tử đạo của mình nhưng nổi tiếng hơn khi Ngài đã làm nhiều và nhiều dấu lạ cho mọi người. Khi đặt chân đến viếng Ngài ở Tắc Sậy, những người mà tôi được tiếp xúc, hỏi thăm đều cho biết : "Cha Bửu Diệp mắc cười lắm ! Ngài hay làm dấu lạ cho nhiều người nhưng đặc biệt Cha làm dấu lạ cho những người "lương" ("ngoại giáo") không à ! Còn những người Công Giáo được ơn của Cha rất ít". Đúng như lời những người ở đây nói khi tôi đi tham quan một vòng nhà thờ cũng như phần mộ của Cha. Hàng ngàn cái ghế đá dâng kính Ngài trong khuôn viên nhà thờ như nói lên lòng biết ơn Cha Bửu Diệp được đề tên nhưng đa số là của "người ngoại" vì có tên người dân nhưng không có tên Thánh như những con nhà "có đạo" mà ta thường thấy.
Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Cha Bửu Diệp đã ban ơn cho "dân ngoại" nhiều hơn con nhà "có đạo". Nhiều người hàm hồ bảo rằng Thiên Chúa bất công, thiên vị, cho người ngoài chứ không cho con cái trong nhà !
Ở vùng đất Cần Giờ nhỏ bé nghèo nàn cũng thế ! Vị linh mục đặc trách đã, đang bị "ném đá" vì ngài đã cứu đói người ngoại nhiều hơn là con cái trong nhà ! Lẽ ra con cái trong nhà phải hiểu cho tấm lòng của vị mục tử khi quan tâm, chia sẻ cho "người ngoại" đàng này chia bè chia phái làm vơi đi cái lòng mến cha - con thuở ban đầu. Giờ này đây linh mục đặc trách khá đau đớn trước cách phân chia của mình. Ngài làm theo cách của Chúa Giêsu làm trong bài tin mừng mà chúng ta vừa nghe thánh Matthêu thuật lại.
Chúa Giêsu, thoạt đầu cũng nói thẳng với bà : "không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con". Phải nói rằng Chúa Giêsu ví von nghe sao mà sốc quá ! Người ta đến với mình, hạ mình xuống để xin mình chữa cho con của họ mà họ là phụ nữ nữa chứ ! Cho không cho thì thôi, còn ví von này nọ, còn đem hình ảnh của những miếng bánh cho chó ! Chúa Giêsu kỳ quá ! Không ! Chúa Giêsu không kỳ, Ngài dùng lời lẽ đó để thử lòng tinh của người phụ nữ "ngoại giáo" này ! Thử thì thử nhưng lòng tin của người phụ nữ "ngoại giáo" này đã phá vỡ được sự "cứng cỏi" của Chúa Giêsu. Ta có thể nói rằng trong ván cờ này Chúa Giêsu thua 1-0. Thua 1-0 nhưng thật ra là thắng ! Thắng vì lẽ Chúa Giêsu đã thu lợi được một con người, một lòng tin từ người "ngoại" này vào Thiên Chúa. Thua như thế cũng đáng thua chứ cũng chẳng mất mát gì. Không chỉ thua mà Chúa Giêsu còn minh chứng, còn công bố cho những người gặp gỡ Chúa hôm ấy rằng : "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được như vậy". Lòng tin của người phụ nữ "ngoại giáo" này được Chúa bù đắp một cách mỹ mãn.
Như trong bài đọc thứ nhất chúng ta vừa nghe : Đây Thiên Chúa phán: "Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ tỏ hiện. "Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc".
Đức Chúa hứa với những người ngoại bang sẽ trở thành tôi tớ Chúa vì họ trung thành với giao ước và được Đức Chúa dẫn lên núi thánh. Còn chúng ta, chúng ta được gọi là "con nhà có đạo", là quân "Giudêu". Có đạo chục năm, vài chục năm, thậm chí bảy tám chục năm nhưng rồi lòng tin của chúng ta đang ở mức độ nào ? Nó còn nồng thắm như cái "thuở ban đầu lưu luyến ấy" khi mới theo Chúa hay không ?
Phải nói rằng như người ta vẫn nói : "gần chùa gọi bụt bằng anh". Nhiều khi cứ đi lễ đi nhà thờ như một thói quen chứ niềm tin thì cứ nhạt dần nhạt dần. Người ta có thể cân đo đong đếm thóc lúa tiền nong chứ làm sao mà đo được lòng tin. Thế nhưng, dẫu không đo được lòng tin cao bao nhiêu ? sâu baon nhiêu ? rộng bao nhiêu ? không cân được lòng tin của anh, của chị, của chúng ta được bao nhiêu ký nhưng qua lối sống, qua hành vi, tương quan của mỗi kitô hữu với những người xung quanh có thể biết được người ấy tin Chúa ở mức nào, sống kết hợp với Chúa như thế nào ?
Đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện là nền tảng của đời sống kitô hữu nhưng sau khi suy gẫm, sau khi cầu nguyện ta diễn tả niềm tin vào Chúa như thế nào chứ đâu phải cứ ngày ngày, giờ giờ ngồi bên Chúa là hay đâu. Có những người chăm chăm chú chú, ngày ngày giờ giờ cầu nguyện nhưng sau khi cầu nguyện xong trở lại đời sống bình thường thì cư xử khó có ai đón nhận được ?
Chẳng nói đâu xa, trong giới "luật sĩ và biệt phái" thời hiện đại cũng thế thôi. Cũng mang trong mình cái áo của "luật sĩ và biệt phái" đấy nhưng cách cư xử chẳng ra làm sao cả. Chính "luật sĩ và biệt phái" không sống lòng tin chân chính vào Chúa, không diễn tả lòng tin thật của mình vào Chúa mà chỉ sống cái hình thức bên ngoài thì làm gì mà đòi hỏi giáo dân sống niềm tin tinh tuyền.
Hình ảnh người phụ nữ "ngoại giáo" hôm nay là cơ hội để chúng ta xét lại niềm tin của chúng ta vào Chúa. Từ "luật sĩ và biệt phái" thời hiện đại cho đến giáo dân xét xem mình còn tin Chúa hay không ? Nếu còn tin Chúa thì chắc chắc Chúa sẽ ban ơn lành cho chúng ta. Thiên Chúa bao dung, Thiên Chúa quãng đại, Thiên Chúa hào phóng nhiều hơn là chúng ta tưởng.
Chúng ta - quân "Giudêu" - có dám tin vào Chúa như người phụ nữ "ngoại giáo" hôm nay không ? Nếu chúng ta tin thật vào Chúa như "người ngoại" thì bảo đảm Chúa cũng phải mềm lòng với những kẻ cứng đầu cứng cổ, chầy cối van xin Chúa như người ngoại đạo hôm nay trong Tin mừng.
Anmai, CSsR (nguồn vietcatholic.org)
1995 11-08-2011 10:06:43