NHỮNG ÂN TÌNH THƯỜNG TÌNH
Mt 15, 21-28
Phải vào đạo Công giáo mới được được lên thiên đàng sao ? Vâng, đúng thế. Một thừa sai cách đây gần 300 năm không chỉ xác quyết như trên mà còn nói thêm rằng mọi người không vào đạo Công giáo đều xuống hỏa ngục. Một bà vương tộc nước Việt chúng ta, người đặt câu hỏi trên đây đã nhất quyết không vào đạo Công giáo vì một chức sắc của đạo ấy quả quyết tiên tổ của bà đều xuống hỏa ngục tất. Và chính bà ta đã thẳng tay đuổi vị thừa sai ra khỏi nhà.
Cần khiêm tốn thú nhận rằng đã một thời Kitô hữu chúng ta tự nhốt mình trong tháp ngà tự kiêu chủ quan : Chỉ có đạo ta mới là đạo thật, chỉ có chúng ta mới nắm trọn chân lý, ngoài đạo ta, anh em lương dân, bà con khác đạo đều là sai lạc sạch sành sanh và không thể được cứu rỗi.
Thử hỏi chân lý ta có được do bởi đâu, phải chăng là nhờ sự truy tìm của trí khôn ? Không loại trừ sự góp phần của lý trí, nhưng nguyên lý trí vẫn chưa đủ. Chân lý ta thủ đắc là nhờ lòng tin dựa vào sự mạc khải của Thiên Chúa. Đức tin là ân sủng nhưng không do Chúa ban tặng. Thiên Chúa lại là Đấng giàu lòng từ bi, nhân ái. Người muốn mọi người nhận biết chân lý để được cứu rỗi. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định sự thật này với môn đệ Timôtê (x. Tim 2,3-4 ). Thiên Chúa, Đấng chẳng nể vì hay tây vị một ai, Đấng rộng tay cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương, chắn chắn Người chẳng hẹp hòi với bất cứ ai. Tiên tri Isaia công bố rằng mọi người sẽ được Chúa dẫn lên Núi thánh, cho họ hân hoan bước vào Nhà cầu nguyện, vì Nhà Chúa là nhà cầu nguyện của muôn dân nước ( x.Is 56,6-7 ).
Đức tin là do Chúa ban tặng. Thế nhưng đức tin không phải là một món quà cụ thể được trao ban một lần tức thời, nhưng thường là dần dần qua những điều kiện tự nhiên khách quan lẫn chủ quan. Một trong những điều kiện tự nhiên ấy chính là những mối tình chân chính bình thường của kiếp người : Tình phụ tử, mẫu tử, tình phu thê, tình bằng hữu... Một người mẹ, một phụ nữ xứ Canaan, một lương dân hay ngoại giáo đã bày tỏ niềm tin sắt đá khiến Chúa Giêsu phải khâm phục. Đấng Thiên sai cũng đã từng khâm phục lòng tin của một viên sĩ quan bách quản đến nỗi Người khẳng định rằng chưa thấy có lòng tin nào mạnh mẽ như thế trong Israel ( x. Mt 8,10 ).
Viên sĩ quan bách quản và người mẹ xứ Canaan trên đã sớm chân nhận căn tính Thiên Sai của Chúa Giêsu chăng ? Điều này chúng ta không thể trả lời cách chắc chắn. Nhưng một điều thật hiển nhiên ta có thể khẳng định, đó là tấm lòng của người phụ nữ ngoại giáo dành cho đứa con và tấm lòng của viên sĩ quan bách quản dành cho người đầy tớ thật sâu đậm và dạt dào. Vì thương con, chị phụ nữ kiên trì lẽo đẽo theo chân Thầy Giêsu. Cũng vì thương con, chị đã vượt qua chướng ngại của sự tự ái, đồng thời bày tỏ sự khiêm nhu : "Vâng, thưa Ngài, dẫu sao, chó con cũng được hưởng những mãnh vụn từ bàn rơi xuống" ( Mt 15,27 ). Vì thương người đầy tớ, viên sĩ quan bách quản không ngại ngần đến gặp Chúa Giêsu, một người Do Thái vốn là dân đang bị cai trị, đồng thời lại bày tỏ sự khiêm nhu : " Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi..." ( Mt 8,8 ).
Theo tiến trình tự nhiên, thì không phải nhờ đã có lòng tin nên ta biết yêu, mà ngược lại nhờ biết yêu thương thì lòng tin của ta dần dà nên vững mạnh. Chúng ta dễ nhận ra hiện thực này qua tương quan đôi lứa. Vì yêu nhau nên đôi bạn trẻ ngày càng tin tưởng nhau hơn là vì đã tin tưởng nhau nên họ yêu nhau. Như thế niềm tin thường khởi đi từ trái tim hơn là từ khối óc. Quả thật. lịch sủ Hội Thánh minh chứng rằng người ta đến với đức tin thường là do cảm nhận một mối tình, một nghĩa cử nào đó hơn là do "bị thua lý". Xét theo chiều ngược lại, khi niềm tin của một Kitô hữu ngã nghiêng, chao đảo hay khô cằn, thì lý do thường thấy là vì đời sống luân lý sa sút hơn là do thiếu hiểu biết, mặc dù ta không thể loại trừ hay giảm nhẹ vai trò của lý trí trong việc gìn giữ và củng cố đức tin.
Trong thời gian rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu thường bày tỏ tình yêu của Người qua việc thi ân giáng phúc rồi sau đó mời gọi người ta tin vào Người. Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi no đủ gần cả vạn người cũng như nhiều phép lạ khác như chữa lành người mù từ thưở mới sinh... là một minh chứng ( Ga 6,35; 9,35 ). Ngay đêm Tiệc lý, sau khi cử hành "Lễ tạ ơn" và rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu tha thiết : "Anh em hãy tin vào Thầy..." ( Ga 14,1 ).
Là những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin và được xem là người có đức tin, ước gì chúng ta biết củng cố niềm tin của mình bằng chính những nghĩa cử bác ái yêu thương. "Đức tin không có việc làm là đức tin chết" ( Gia 2,17 ). Khi khẳng định chân lý này thánh Giacôbê tông đồ trước tiên muốn nói đến hành vi bác ái mà Kitô hữu cần thường xuyên thực thi. Vì trước đó Ngài nói : "Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không có đủ của ăn hằng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ : 'Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no', nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ cần, thì nào có ích lợi gì ?" ( Gia 2,15-16 ).
Một sứ vụ gắn liền với căn tính của Kitô hữu, đó là rao giảng tin mừng, là chia sẻ niềm tin mình đã lãnh nhận. Có nhiều cách thế để thực thi sứ mạng truyền giáo, tuy nhiên cách thế xem ra thiết thực nhất, để khởi đầu việc gieo hạt giống đức tin đó là rộng tay chia sẻ tấm lòng của mình qua các mối tình nhân loại chính đáng và phải đạo. Dĩ nhiên không phải dùng của cải vật chất như chiêu bài để câu tín hữu như đã có một thời với "chuyện đạo gạo, đạo bộp bắp, bột xép...", nhưng phải phát xuất từ một tấm lòng yêu thương chân thật.
Biết yêu thương, dù với những nghĩa cử thường tình của tình nhân loại, thì niềm tin sẽ được củng cố. Được yêu thương thì niềm tin sẽ được gợi mở và dệt xây. Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận những ân tình bình thường của ta để tuôn ban ân sủng đức tin. Có đức tin thì sẽ có sự sống đời đời. Xin đừng quên lời cảnh báo của Thầy chí thánh : "Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến cùng dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac va Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 8,11-12).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
KHÔNG AI BỊ LOẠI TRỪ KHỎI TRÁI TIM CỦA THIÊN CHÚA
Mt 15, 21-28
Không ai xa lạ, không một ai bị loại trừ khỏi trái tim và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là chủ đề chính mà phụng vụ lời Chúa hôm nay muốn giới thiệu với chúng ta.
Extra ecclesiam nulla salus? (Ngoài Giáo hội không có sự cứu rỗi?)
Ngày xưa, Giáo Hội Công giáo chúng ta cũng có quan niệm rằng: "Extra ecclesiam nulla salus: ngoài Giáo Hội thì không có ơn cứu độ" (san Cipriano). Quan niệm này đã bị hiểu cách méo mó và cũng đã tồn tại trong Giáo hội rất lâu hàng thế kỷ. Phải chờ đến Công Đồng Vatican II mới cho ta một cái nhìn quân bình và mới mẽ về ơn cứu độ của những người ngoài Giáo hội.
Trong hiến chế Lumen Gentium Ánh Sáng Muôn Dân, số 16 nói đến những người sau đây dù không thuộc về Giáo hội một cách hữu hình nhưng vẫn hy vọng được cứu độ: trước hết phải kể đến những người tin nhận Thượng Đế và tôn thờ Người như là đấng Tạo Hóa của đời mình, họ là những người Do thái và Hồi giáo. Kế đến là những người vô tình không biết Tin Mừng Đức Kitô và Giáo hội, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và sống theo tiếng lương tâm ngay thẳng, thì có thể được cứu độ. Một cách vô hình họ cũng thuộc về Giáo hội.
Cái nhìn này có nền tảng Kinh thánh và thần học rất vững chắc: Thiên Chúa muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ (1 Tm 2,4). Thiên Chúa có những cách thế riêng để cứu độ họ.
Và đây cũng là cái nhìn của Lời Chúa hôm nay: ở bài đọc I, Isaia cho biết: Thiên Chúa không chỉ muốn cứu độ Israel - Dân riêng, Ngài còn muốn đón nhận và cứu độ tất cả những ai "giữ luật và thực thi công bình", cả những người "ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và yêu mến danh Người vì "nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc". Nói như Thánh vịnh là: Thân Lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài (Tv 66,6). Thánh Phaolô quả quyết: "Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc" (Rm 11, 13-15).
Đức Giêsu trong bài Tin Mừng cũng xác nhận Ngài được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel, nhưng Ngài cũng đến để cứu độ Dân Ngoại, khi Ngài công khai khen ngợi đức tin của người đàn bà Canaan và nhờ đức tin mạnh mẽ và kiên nhẫn của Bà, Chúa chữa lành con gái của bà bị quỷ ám. Đức tin đó mang lại ơn cứu độ, Đức tin đó khiến Chúa thực hiện những điều kỳ diệu cho Bà.
Vâng, chúng ta phải xác tín rằng: ý định của Thiên Chúa là cứu độ hết mọi người, ơn cứu độ của Đức Kitô mang đến là cho tất cả, không lại trừ ai, không giới hạn bởi khu vực, chủng tộc, quốc gia. Đức Kitô chết cho hết mọi người không loại trừ ai. Đó là niềm hy vọng lớn lao nhất cho tất cả chúng ta và cho những ai không thuộc về Giáo hội. Thiên Chúa không loại trừ ai, chỉ có con người loại trừ nhau. Thiên Chúa không có kỳ thị và phân biệt ai, chỉ có con người mới kỳ thị nhau và tạo ra những hàng rào ngăn cách. Vì thế hôm nay, tất cả chúng ta được mời gọi mở rộng cái nhìn của mình theo cách nhìn của Thiên Chúa, là biết kính trọng và biết đón nhận sự khác biệt và sự đa dạng phong phú của những người khác, của tôn giáo khác. Đồng thời tất cả chúng ta cũng được mời gọi truyền giáo và rao truyền những gì tốt đẹp của Tin Mừng cho những người xưng quanh, nhất là những người chưa biết Chúa.
Câu chuyện sau đây cũng diễn tả được điều mà chúng ta vừa nói: Ngày nọ, Chúa đến một hội chợ, không phải hội chợ thương mại, mà là Hội chợ Tôn giáo. Nhưng những người tham dự luôn tỏ ra hung bạo và tuyên truyền ầm ĩ.
Tại quầy hàng của người Do thái, người ta treo quảng cáo: "Chúa là Ðấng thương xót và dân Do thái là dân được Ngài tuyển chọn. Ngoài những người Do thái, không ai khác được chọn như họ".
Tại quầy hàng của người Hồi giáo, thì rao rằng: "Chúa đầy lòng khoan dung và Mohammed là ngôn sứ duy nhất của Ngài. Sự cứu độ đến nhờ việc nghe ngôn sứ duy nhất của Chúa".
Tại quầy hàng của người Kitô giáo, thì trưng bày: "Chúa là tình yêu và không có sự cứu độ ở ngoài giáo hội. Hoặc gia nhập Giáo hội hoặc là mất linh hồn đời đời".
Trên đường trở ra, có người hỏi Chúa: "Ngài nghĩ gì về những điều nói về Chúa?"
Chúa trả lời: "Ta không tổ chức hội chợ đó. Ta thấy xấu hổ ngay cả khi đến thăm nó"!!!
Lm. Phêrô Nguyễn Hương
LÒNG TIN VỮNG MẠNH CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ NGOẠI GIÁO
Mt 15, 21-28
Đức tin là một hồng ân cao vời, nhưng không của Thiên Chúa trao ban cho con người. Có thể nói được không có đức tin, con người không thể nhận biết Thiên Chúa, con người không thể tìm và đạt được Nước Trời. Người đàn bà ngoại xứ Canaan, hết lòng tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, do đó, con bà được Ngài chữa khỏi quỷ ám...
Đức tin cần được biểu lộ ra bề ngoài bằng lời cầu nguyện. Thánh Phaolô đã viết: " Đức tin không có việc làm là đức tin chết ". Đức tin có sức mạnh đảo ngược tất cả. Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy, lòng tin của viên sĩ quan. Viên bách quản này có thuộc hạ dưới tay, Ông truyền cho thuộc hạ làm cái này thì nó làm, truyền cho người kia đi là họ đi. Nhưng Ông đã hoàn toàn khiêm nhượng, tin tưởng vào Chúa, Ông đã không dám mời Chúa tới nhà của Ông vì Ông cho rằng Ông không xứng đáng. Ông đã thưa với Chúa: " Lạy Ngài tôi không xứng để Ngài tới nhà của tôi. Nhưng xin Ngài chỉ phán một lời thôi, tôi tin thầy nhỏ của tôi sẽ bình phục ". Người đàn bà Canaan trong Tin Mừng hôm nay, đã được Chúa Giêsu đáp ứng lời nguyện xin bởi vì bà đã khiêm nhượng, hết lòng tin vào Chúa. Chính vì thế bà đã nhận được điều bà muốn xin. Tuy Chúa đã từ chối lời xin của bà: " Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israen " ( Mt 15, 24 ). Chúa còn hết sức nặng lời với bà: " Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con " ( Mt 15, 26 ). Cuối cùng, lòng tin tuyệt vời của bà đã chinh phục được lòng yêu mến và quảng đại của Chúa: " Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn sao thì sẽ được như vậy " ( Mt 15, 28 ). Người phụ nữ Canaan quả thực khiêm tốn, kiên trì và phó thác nơi quyền năng tuyệt đối của Chúa, nên Ngài đã không nỡ từ chối lời bà khẩn xin, nguyện ước. Chúa Giêsu đã ban cho người đàn bà xứ Canaan điều khẩn khoản mong ước của bà nhưng Ngài còn đề cao và khen ngợi vì lòng tin mạnh mẽ, kiên vững của bà.
Tin Mừng hôm nay và ý lực Chúa nhật XX thường niên năm A, minh chứng người có lòng tin và người không có lòng hệ tại ở lòng tin, đức tin của họ, chứ không chỉ là danh hiệu bề ngoài.Người tin là người tín thác vào bàn tay uy quyền và quyền năng vô biên của Chúa. Tin là phó thác vào Chúa, vào tình yêu nhưng không, cao vời, tuyệt mỹ của Ngài. Tin là tin vào sự có mặt của Chúa trong lịch sử, trong đời người và như thế, con người tin cuộc đời này thật có ý nghĩa, tình người quả thực cao siêu và như thế, con người gặp gỡ được chính Chúa.
Vâng, đức tin của viên bách quản, lòng tin của người đàn bà ngoại giáo Canaan là tấm gương cho mọi người noi theo. Trong cuộc hành trình đức tin trần thế, người Kitô hữu không phải lúc nào cũng gặp may mắn nhưng con thuyền Giáo Hội và con thuyền dòng đời của mỗi người sẽ gặp sóng gió, sẽ gặp thử thách khó khăn, chúng ta được mời gọi nâng cao đức tin, như Phêrô chúng ta mau mắn thưa với Chúa: " Xin Thầy cứu vớt con ". Giữa một thế giới mà niềm tin nhiều khi bị lu mờ, người Kitô hữu được kêu mời sống yêu thương và thắp sáng tin yêu. Giữa một thế giới hầu như đang thất vọng, nếu không nói được là tuyệt vọng, chúng ta được mời gọi thắp lên niềm hy vọng.
Cầu nguyện đòi hỏi phải kiên trì. Hãy cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Cầu nguyện một lần chưa đủ, cầu nguyện nữa, cầu nguyện liên lỉ, cầu nguyện không ngừng. Lời cầu nguyện miệt mài với lòng tin thẳm sâu, chắc chắn sẽ được Chúa nhận lời. Thánh Anphong Rodriguez viết: " Khi tôi cảm thấy một nỗi đắng cay, tôi đặt nó giữa Chúa và tôi, và tôi cầu nguyện ch tới khi Chúa đổi nó thành dịu ngọt ".
Lạy Chúa xin gia tăng đức tin cho chúng con để chúng con không bao giờ nản chán, không bao giờ tuyệt vọng nhưng luôn biết khiêm tốn phó thác vào bàn tay uy quyền và quyền năng tuyêt đối của Chúa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Nếu mỗi lần muốn sao được vậy có lẽ cuộc đời sẽ không lắm ưu phiền vì muốn thế nào thì được như thế ấy. Suy nghĩ như thế có vẻ không ổn thoả chút nào vì điều ước muốn thì vô vàn, không bao giờ cùng. Những gì vô cùng thì không thể thoả mãn. Vì thế tư tưởng muốn sao được vậy có lẽ làm cho cuộc đời phiền toái nhiều hơn là làm cho cuộc đời đơn giản hơn. Cái nghịch lí thứ hai trong việc muốn sao được vậy là vấn đề ai đủ khả năng thoả mãn điều ước muốn. Ngoài Chúa ra, mọi người phàm đều có giới hạn nên điều ước muốn không thể thực hiện. Vừa lo thoả mãn ước muốn của mình vừa lo thoả mãn ước muốn của người quả là một việc làm ngoài khả năng.
Ước muốn vì thiếu thốn, khao khát, muốn có điều chưa có hay có nhưng chưa cảm thấy đủ. Ước muốn theo nghĩa đó nói lên cái nghèo nàn trong cuộc sống hay cái nghèo trong tâm hồn hoặc cả hai cùng. Nghèo từ trong ra ngoài. Một khi đầy đủ thoả mãn, đâu cần ước muốn. Trường hợp bà mẹ thành Canaan là trường hợp bà ước muốn điều cao thượng. Cao thượng vì bà không ước muốn cho chính mình nhưng vì tình thương mến cho người con. Lòng mến của bà mãnh liệt đến độ không nề hà, sẵn sàng van nài nơi công cộng. Bà dẹp bỏ tự ái, danh dự cá nhân vì hạnh phúc của người con. Phúc âm thuật lại bà van nài mãi mà Đức Kitô không đáp lại. Lời van nài khẩn thiết, dai dẳng đến độ các tông đồ không vì ngại ngùng cũng vì ngượng ngập, hoặc ngay cả muốn được yên thân. Cũng có thể các ngài nghe lời van xin cảm động chạnh lòng thương lên tiếng xin dùm bà ta.
Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi.c.23
Đức Kitô giải thích lí do tại sao Ngài không đáp lại lời bà kêu cầu, van nài.
Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel.c.24
Câu trả lời khá mạch lạc, rõ ràng. Bà không phải là chiên lạc nhà Israel nên chưa đến lượt bà xin. Bà là dân ngoại. Ưu tiên một dành cho chiên lạc nhà Israel.
Nghe lời đó bà không nản lòng, chán nản, tiếp tục van xin. Từ van xin câu chuyện chuyển sang đối thoại. Sự việc diễn tiến có nhiều hy vọng hơn. Từ im lặng không đáp, chuyển sang đáp. Từ đáp chuyển sang đối thoại. Từ đối thoại chuyển sang giúp chỉ còn là một bước nhỏ.
Nơi đây chúng ta tìm gặp một tấm lòng chân thành, khiêm nhường hết mực. Bà đáp, Thưa Ngài đúng lắm. Ưu tiên một dành cho con cái trong nhà, chiên lạc nhà Israel. Mẹ con chúng tôi không dám xin chia phần dành riêng đó. Chúng tôi chỉ dám xin mảnh vụn, phần dư thừa, phần không dùng đến cũng chẳng để lại tích trữ. Phần đó xin dành cho mẹ con chúng tôi.
Điểm thứ hai, ngôn từ bà xử dụng cho biết bà có một tâm hồn trong sáng, kính trọng người khác hết lòng. Bà luôn đáp lại Đức Kitô bằng câu 'Thưa Ngài', 'Lậy Ngài'. Từ nói lên lòng kính trọng, tôn kính.
Điểm thứ ba, 'Lậy Ngài', xin cứu giúp tôi. Bà vừa bái, lậy, vừa xin cứu vừa xin giúp. Chỉ một câu ngắn gọn trên cho chúng ta hình dung ra một người đàn bà, trên đường phố, giữa đám đông người chân quì, tay chắp bái, lậy, miệng van xin điều muốn xin.
Thứ tư, đau đớn, bệnh tật, khổ sở của con bà được bà coi như của chính cá nhân mình. Bà không phải xin cứu giúp con bà nhưng xin cứu giúp tôi. Chữ tôi cho biết bà sẵn sàng mang lấy bệnh tật, khắc khoải của con bà.
Thứ năm, Đức Kitô nhìn bà với con người đức tin, người có lòng tin mãnh liệt, vững vàng trong cơn thử thách. Cơn thử thách đây lại đến từ chính Đức Kitô.
Bấy giờ Chúa trả lời cùng bà ấy. Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy. Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.c.28.
Bà là người ngoài, là dân ngoại không thuộc vào chiên lạc nhà Israel. Những người ngoài Israel không được Đức Kitô cứu chữa. Nhưng trường hợp của bà Đức Kitô cứu chữa. Như vậy câu hỏi đặt ra cho chúng ta. Ai là người Israel? Thưa dân Israel là dân Chúa chọn. Một dân Chúa mong muốn họ sống đời sống hết mực khiêm nhường, đầy yêu thương, giầu bác ái. Một dân đặt trọn niềm tin vào Chúa. Bà phụ nữ thành Canaan đang từ dân ngoại biến thành dân Israel, dân Chúa chọn, nên Ngài chữa bệnh cho con bà theo lời bà cầu xin.
Như thế dân Israel là bất cứ ai sống đời sống hết mực khiêm nhường, đầy yêu thương, giầu bác ái và có lòng tin vững mạnh đều là dân Chúa chọn. Những người đó khi kêu cầu Chúa sẽ nhận lời cầu xin. Chúng ta cầu xin sống trung thành điều Chúa mong muốn, mời gọi.
Lm Vũđình Tường (nguồn vietcatholic.org)
1994 11-08-2011 10:03:06