Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Chúa Nhật XX Thường Niên B năm 2015

CHÚA NHÂT 20 THƯỜNG NIÊN
Ga 6, 51 - 58

Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay dành để nói về Thánh Thể. Chúng ta hoàn toàn tin một điều rất quan trọng là Đức kitô hiện diện thật trong Thánh Thể. Tuy không phải là sự hiện diện thể chất nhưng là sự hiện diện thật. Đối với ai tin rằng Thiên Chúa hiện diện trong mọi vật và ở mọi nơi thi sự hiện diện đặc biệt của Người trong Thánh Thể không phải là một vấn đề lớn. Mặt khác, chúng ta còn có lời của Đức Giêsu : “Đây là Mình Ta… đây là Máu Ta”.

Khi chúng ta rước lễ, Đức Giêsu đến với mỗi người chúng ta một cách cá nhân, như thế moi người chúng ta là một người duy nhất trong thế giới này vào giây phút đó. Một sự liên kết tâm linh được củng cố giữa chúng ta với Người mà kết quả là chúng ta có thể đi vào sự thân mật sâu xa với Người hơn cả khi Người hiện diện bằng thể chất. Chúng ta phải dùng thời gian tuyệt diệu này để lớn lên trong sự thân mật và trong tinh bằng hưu với Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ quên rằng Đức Giêsu mà chúng ta tiếp nhận trong Thánh Thể cung là Đức Giêsu đa ban sự sống của Người cho chúng ta: “Đây là minh Thầy ban cho các con… Đây là máu Thầy se đổ ra vi các con”. Vì thế, hiệp lễ phải gợi ra tinh thần hy sinh trong chúng ta. Khi nhận lương thực này, chúng ta được nhắc lại rằng, giống như Đức Kitô, chúng ta cung phải sẵn sàng hiến dâng chính minh để phục vụ người khác.

Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi chiu lấy Mình máu Thánh Chúa thi Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đa làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tinh yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.

Khi mời gọi ta đến kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống. Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung man, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết, yêu mến và sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN.
Ga 6, 51 - 58

Có lần tôi đi xe trên đường, xe đang chạy rất tốt, bổng nhiên động cơ không chuyển động nữa và xe từ từ dừng hẳn lại. Tôi hơi ngạc nhiên, xuống xe tìm xem có gì không ổn, thử mãi , nhưng động cơ không thể nào hoạt động được. Tôi mới thử nhìn đồng hồ báo xăng, à! thì ra không còn chút xăng nào hết thì làm sao xe có thể vận hành được. Trên đường đi đến trạm xăng, tôi suy nghĩ: dù tất cả bộ phận của xe đều rất tốt, nhưng nếu không có xăng thì xe không thể vận hành được. Như vậy xăng là chất cần thiết để chiếc xe thật sự có giá trị mà thi hành hết chức năng của nó. Nếu không có xăng thì xe trở nên vô dụng.

" Ai ăn Bánh nầy sẽ được sống đời đời."

Chúa Giêsu đã truyền cho con người một sức sống, một phương thế tuyệt hảo, dấu chứng của tình yêu thương. Nhưng những người thời bấy giờ không hiểu được những gì Ngài trao ban cho họ. Họ chỉ nhìn thấy những gì chỉ là cái vỏ bên ngoài, để rồi bám vào đó. Họ tưởng như thế là đủ cho đời sống của họ. Chúa Giêsu mở mắt cho họ nhìn thấy, nhưng họ không chấp nhận, vì họ quá bám vào những gì mình hiểu biết và không chấp nhận những gì mình không biết. "Làm sao ông nầy có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được". Họ cho những điều Ngài nói là vô lý, nên họ không biết và không hiểu. Nguy hiểm hơn nữa là vì họ không muốn tìm hiểu."Mình Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống". Chính vì họ không chấp nhận được nên họ không có được sự sống mà Chúa Giêsu đã hứa ban. Họ sống nhưng họ không thể tiến bước đến nơi an toàn. Họ chỉ có cái thân xác như cái vỏ bên ngoài, nhưng là một thân xác khô cứng không sức sống, không chuyển động, vì họ không chấp nhận để cho nguồn sống đích thực vào trong con người của họ.

Trên đây là cách hành xử của những con người cách đây 2000 năm. Nhưng những con người của thời đại mới này, hành xử như thế nào trong đời sống đích thực của mình. Chúng ta cũng là những người của thời đại, những con người đang sống, cứ nhìn vào đời sống mỗi người của mình, chúng ta sẽ biết mình đang sống như thế nào.

Chúng ta đang có một cuộc sống sung túc, một đời sống mãnh liệt với một sức sống đang dâng tràn không bao giờ cạn. Hay chúng ta đang sống với một kiếp sống hờ, không biết ngày nào sự sống bất chợt bay mất khỏi tầm tay.

Nếu giờ nầy đây, chúng biết chấp nhận cuộc sống hiện tại với tất cả niềm tin, nên những hành động trong đời sống, chúng ta nhìn thấy được Thánh Ý Chúa và biết vâng theo cách tốt đẹp. Thường xuyên nhận của ăn là Mình Máu Thánh Chúa và để cho Ngài hoạt động thật sự trong con người chúng ta. Nếu trong đời sống hằng ngày, trong tất cả lời nói, hành động, những cuộc giao tiếp, chúng ta nhìn thấy được Chúa Kitô luôn ở bên cạnh, để làm cho tốt hơn với tất cả tâm tình và cũng để cho Ngài được vui. Được như thế là chúng ta có được sự sống thật của Chúa Kitô trong người của mình. Có như thế, thì chiếc xe cuộc đời của chúng ta có được chất xăng tuyệt hảo không bao giờ cạn.

Còn nếu, chúng ta luôn than phiền trách móc hoàn cảnh, chúng ta không chấp nhận được những người chung quanh, không biết lắng nghe với tất cả tâm tình, không nhìn thấy được mình mà chỉ nhìn thấy người khác, để rồi chúng ta khó chịu và bất mãn, thì coi chừng , sức sống trong con người chúng ta không còn nữa, chất xăng tuyệt hảo trong người đã cạn, và chúng ta lê lết chiếc xe cuộc đời với những bước nặng nhọc. Như thế đời sống hiện tại dường như đã chết thật rồi. Nếu như thế, giờ nầy đây vẫn còn kiệp để chúng ta quay về với trạm xăng tuyệt hảo, nguồn sống đích thực là chính Chúa Kitô. Quay về với Ngài để tìm lấy của ăn ban sự sống đời đời.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết năng chạy đến với Chúa nhận của ăn ban sự sống đời đời.

CON NGƯỜI THÁNH THỂ - KIẾN TẠO TÌNH HIỆP THÔNG
Ga 6, 51 – 58

Lm. Anthony Trung Thành

Một câu chuyện rất cảm động kể về thời chiến tranh. Giữa lúc bạo loạn giặc giã, một nhóm người đang tìm chạy trốn thoát khỏi vùng bị chiếm đóng để đến vùng tự do. Trong nhóm ấy có một cặp vợ chồng trẻ và đứa con mới sinh chưa đầy một tuổi. Trong khi đang chạy trốn, nhóm người này bị rượt đuổi, một người đã trúng đạn phải nằm lại. Đó là người vợ trẻ. Trước khi nhắm mắt, chị nói với chồng mình phải làm mọi sự để cứu đứa con. Khi nhóm người chạy trốn đang ẩn mình cạnh một cánh rừng vào lúc đêm tối, giữa lúc đám lính tuần tra đi qua thì em bé khát sữa và cất tiếng khóc. Không ai có khả năng cho em bú. Mọi người đều lo sợ, vì tiếng khóc của em bé có thể là nguyên nhân cho cả nhóm bị sát hại. Giữa lúc nguy nan ấy, người cha trẻ tuổi đã lấy một mảnh sắt rạch đứt mạch máu ở cổ tay của mình và đặt vào miệng đứa trẻ. Em bé nghĩ đó là sữa mẹ nên đã thôi khóc. Cứ thế, người cha nuôi con bằng dòng máu của mình trong đêm tối. Vào lúc tảng sáng, khi nhóm người tiếp tục lên đường, họ nhìn lại thì thấy em bé đang ngủ ngon lành bên cạnh người cha đã chết vì mất máu quá nhiều. Máu của người không chỉ nuôi sống đứa con đang đói khát sữa mẹ, mà còn cứu sống cả nhóm người đang vượt qua ranh giới của sự chết để tìm đến sự sống. (Trích bài giảng trong Thánh lễ tại Đại Hội Thánh Thể, Đan viện Thiên Tâm,Tx, Hoa Kỳ của ĐGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Người con trong câu chuyện trên đây sống sót được là nhờ chính máu thịt của người Cha. Mỗi người kitô hữu chúng ta có sự sống thần linh là nhờ Máu Thịt của Con Thiên Chúa. Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể làm lương thực thiêng liêng nuôi sống con người trong hành trình trần gian. Bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định: “Ai ăn thịt Ta và uống Máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”. Ngài còn nói thêm “Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sống nhờ Ta”.

Thật vậy, khi chúng ta rước Chúa vào lòng, Thịt Máu Chúa thấm nhập vào trọn vẹn con người và cuộc sống của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô Tông đồ rằng: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Chính vì vậy, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16, trong Tông huấn “Bí tích Tình Yêu” năm 2007 đã dùng thành ngữ “con người Thánh Thể” để nói về các tín hữu. Nghĩa là, Chúa Giêsu Thánh Thể và người Kitô hữu là một. Người kitô hữu khi đã trở nên con người Thánh Thể thì sống như Chúa Giêsu sống. Con người Thánh Thể có nhiều đặc tính, nhưng có một đặc tính cần phải quan tâm hơn cả, đặc biệt trong năm tân Phúc Âm hoá đời sống Giáo xứ này. Đó là đặc tính hiệp thông.

Con người Thánh Thể là con người ý thức mình là chi thể của Giáo Hội, chuyên tâm sống và nỗ lực kiến tạo tình hiệp thông giữa những người con cái Chúa, xây dựng một xã hội bình an và nhân ái.

“Hiệp là gom lại, tập hợp lại nhiều phần tử cá biệt thành một thực thể. Thông là suốt, là liên tục, là luôn luôn không ngừng. Hiệp thông là sự liên kết chặt chẽ với nhau, lưu chuyển và chan hoà cùng một tính chất giữa các phần tử riêng lẻ trong một tổng thể duy nhất, sống động. Với Ki-tô giáo thì “hiệp thông (Koinonia – Communion)” mang ý nghĩa chỉ về sự quan hệ của tín hữu với Thiên Chúa, cũng như giữa các tín hữu với nhau trong Ðức Ki-tô nhờ Thánh Thần. Phạm trù hiệp thông rất rộng, khởi đi từ mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi cho tới sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với loài người, giữa thế giới hữu hình với thế giới vô hình, sự hiệp thông giữa loài người với nhau, sự hiệp thông 3 Giáo hội (GH Lữ hành, GH Thanh luyện, GH Khải hoàn), sự hiệp thông trong mỗi gia đình Ki-tô hữu …” (Tác giả: JM. Lam Thy ĐVD)

Để sống tốt đòi hỏi đặc tính hiệp thông của Bí tích Thánh Thể, người kitô hữu phải qui hướng đời sống mình vào Chúa Giêsu. Bởi vì, chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về đời sống hiệp thông. Người đã sống hết mình vì mọi người. Người đã chết cho mọi người. Người đã hiến mình trong Bí tích Thánh Thể để trở nên của ăn nuôi sống chúng ta.

Để sống tốt đòi hỏi tính hiệp thông của bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu cũng phải bắt chước cộng đoàn Kitô hữu sơ khai: “không ai coi bất cứ cái gì có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung”(Cv 4,32). Riêng chung ở đây không hẳn chỉ là của cải vật chất, nhưng cái chính yếu là họ đã loại bỏ cả những suy nghĩ riêng, quan niệm hẹp hòi ích kỷ để cùng chung một lòng một ý trong đời sống mà việc “Bẻ Bánh” tức là bí tích Thánh Thể đòi hỏi họ.

Thánh Phaolô tông đồ quả quyết : “Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà ; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô”(Gl 3,28). Tính hiệp thông của Bí tích Thánh Thể phải được thể hiện ra trong mọi hoàn cảnh sống của người Kitô hữu chúng ta: trong gia đình, cộng đoàn cũng như trong mọi môi trường xã hội. Thư Mục Vụ Năm Tân Phúc Âm hoá đời sống Giáo xứ, HĐGMVN mời gọi mọi người kitô hữu hãy sống “sự hiệp thông trong cộng đoàn bằng cách tôn trọng, cộng tác và chia sẻ với nhau. Qua bí tích Rửa tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử”.

Để sống tốt đòi hỏi tính hiệp thông của bí tích Thánh Thể, người kitô hữu phải dẹp bỏ sự chia rẽ. Vì trong thực tế vẫn còn đó sự chia rẽ giữa các thành viên trong giáo xứ, giữa các gia đình với nhau và thậm chí có sự chia rẽ ngay chính giữa các thành viên trong cùng một gia đình: giữa cha mẹ và con cái, anh em ruột thịt với nhau...Có nhiều lý do dẫn đến sự chia rẽ, nhưng thực tế cho thấy phần lớn là do tranh chấp đất đai, của cải, tiền bạc...báo chí hằng ngày đưa tin: nào là “Đau lòng trước việc tranh giành đất đai giữa anh em ruột”; nào là “Anh giết em gái bằng 11 nhát dao vì tranh chấp đất đai”; “Tranh chấp đất đai, anh ruột đâm chết em trai”; “bố mẹ kiện con bất hiếu ra toà vì tranh chấp đất đai”...

Vì tranh giành đất đai, tiền bạc mà cha mẹ con cái, anh em ruột thịt hận thù, ghen ghét nhau và thậm chí là giết hại nhau.

Thánh Phaolô tông đồ khi hay tin có sự chia rẽ trong cộng đoàn Côrintô, ngài đã viết trong lá thư thứ nhất gửi cho họ: “Thưa anh em, thế ra Đức Kitô đã bị chia năm sẻ bảy rồi ư ?”(1Cr 1,13).

Vì vậy, chúng ta cần phải dẹp bỏ những chia rẽ, hận thù, loại trừ lẫn nhau từ trong gia đình đến các cộng đoàn lớn nhỏ, nhất là trong cộng đoàn Giáo xứ. Thánh Phaolô trong bài đọc II nhắc nhở chúng ta: hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ta dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần…Trong bài đáp ca, tác giả thánh vịnh 33 khuyên chúng ta: “Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hoà” (Tv 33, 14-15).

Thật vậy, trong đời sống chung cần hy sinh ý riêng vì việc chung. Cần hy sinh tiền bạc, của cải và những thứ khác để có sự hiệp nhất. Trước khi đến với thánh lễ, đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cần phải đến với người anh em của chúng ta trước đã, nhất là những người đang có “vấn đề” với chúng ta. Chúa Giêsu đã đòi hỏi điều đó một cách hết sức quyết liệt khi Người nói rằng : “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó, trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”(Mt 5,23).

Sau khi hiệp lễ, Chúa Giêsu sống trong ta, ta sống trong Chúa. Chúa Giêsu sống nhờ Cha, ta sống nhờ Chúa Giêsu. Chúng ta hãy trở nên những con người Thánh Thể. Từ mỗi con người Thánh Thể, chúng ta có thể kiến tạo những cộng đoàn Thánh Thể, tức là một cộng đoàn có Thánh Thể làm trung tâm, là mối giây liên kết và là ý lực sống cho mọi thành viên của cộng đoàn này. Cộng đoàn Thánh Thể lấy sự hiệp nhất yêu thương làm nền tảng, vì mọi người được nuôi dưỡng bởi cùng một lương thực, như Thánh Phao-lô nói trong thư thứ nhất Corintô : “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta chỉ là một chi thể” (1 Cr 10,17)

Xin Chúa Giêsu Thánh Thể là Bánh Trường Sinh liên kết chúng ta nên một. Mỗi chúng ta hãy trở nên những “con người Thánh Thể” để xây dựng sự hiệp nhất trong gia đình, cộng đoàn và làm cho tình thương của Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện khắp mọi nơi trong cuộc đời này. Amen

MUỐN SỐNG ĐỜI ĐỜI – HÃY ĂN BÁNH GIÊSU
Ga 6, 24 – 35
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Khởi đi từ việc thấy đám đông dân chúng theo mình, Chúa Giêsu đã "chạnh lòng thương", làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi sống họ. Họ được ăn bánh no nê nên tiếp tục tìm kiếm và đi theo Chúa. Vì không hài lòng với ý tưởng ấy, Chúa trách họ : "Các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê" (Ga 6, 26). Sau lời trách, Chúa gợi lên nơi lòng họ sự khát vọng tìm kiếm thay vì của ăn hay hư nát, thì hãy tìm kiếm lương thực trường tồn là chính Chúa (x. Ga 6). Khát vọng sống trường sinh nổi lên trong họ, Chúa mạc khải cho họ luôn : "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời" (Ga 6, 51).

Hôm nay, tiếp tục diễn từ về bánh hằng sống, Chúa Giêsu kêu gọi những người Do thái và cả chúng ta nữa, hãy đến mà ăn cho no uống cho thoả. Nếu chúng ta khao khát sự sống trường sinh, thì đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người, bởi chính Người : "Là Bánh Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống" (Ga 6,51).

Lời Chúa trong sách Châm Ngôn giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của lời Chúa Giêsu phán ở trên : " Sự khôn ngoan đã xây nhà mình… Pha rượu, dọn bàn tiệc, và sai những nữ tỳ lên các nơi cao trong thành mà công bố rằng: Hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi" (Cn 9, 1-5).

Nhưng Đức Khôn Ngoan ở đây là ai vậy ?

Theo thánh Irênê, vị giáo phụ thời danh của Giáo hội thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không phải ai khác ngoài chính Ngôi Vị Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đúng như sách Khôn Ngoan mô tả : Người tìm thấy niềm vui giữa loài người ... "Người đã làm người giữa muôn người ... Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người "(Kinh Tin Kính của Thánh Irênê).

Con người có được sự sống là nhờ Đức Khôn Ngoan nhập thể làm người thông ban sự sống ấy cho, và sở dĩ con người được hiệp thông với Thiên Chúa là nhờ Đức Khôn Ngoan ở giữa loài người, là chiếc cầu nối kết giữa con người với Thiên Chúa. Những lời cuối trong diễn từ về Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng (Ga 6, 51-58) hôm nay là bằng chứng.

Theo tác giả sách Châm Ngôn thì chính Đức Khôn Ngoan ban tặng đồ ăn thức uống cho những kẻ ngây thơ, tín thành và ban tặng sự sống cho kẻ bỏ đi sự ngây dại và bước đi theo đường lối khôn ngoan (x. Cn 9, 6). Theo thánh Gioan, Chúa Giêsu chính là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa từ trời nhập thể, đích thân mời gọi chúng ta ăn Người, để có sự sống trong chúng ta : "Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi" (Ga 6, 53). Bắt đầu đặt bút viết Tin Mừng, Gioan đã viết: " Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời" (Ga 1,1). Thiên Chúa đã dùng chính Ngôi Lời mà tạo thành vũ trụ, nay lại sai Ngôi Lời xuống thế để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Tin và đón nhận Chúa Giêsu là tin và đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Tự chúng ta không thể có sự sống đời đời được, phải cậy nhờ vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa là Chúa Giêsu. Vì thế, kết hợp cả hai dòng tư tưởng, một của thánh Gioan và một của sách Khôn Ngoan, chúng ta thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu để được sống đời đời : "Ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời" (Ga 6, 54) và hơn thế nữa còn được Người đến cắm lều ngay nơi lòng kẻ ấy : "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy" (Ga 6, 56).

Vậy, hãy nghe và thực hành lời khuyên của thánh Phaolô mà thận trọng trong cách ăn nết ở : " đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan" (Eph 5, 15). Ai bước theo đường lối khôn ngoan, và cư ngụ trong nhà Đức Khôn Ngoan đã xây dựng, ngồi tại bàn của của Đức Khôn Ngoan thì sẽ được ăn thoả thích những đồ ăn mỹ vị và uống rượu ngon do Đức Khôn Ngoan dọn sẵn cho.

Chính do sự khôn ngoan của Thiên Chúa, con cái Israel mới có Manna từ trời rơi xuống làm lương thực để ăn dòng dã suốt 40 năm trường (x. Xh 16, 1- 36 ) ; Va nhờ lòng từ bi mà Chúa sai Thiên Thần mang bánh đến cho Êlia ăn, nhờ "sức của nuôi ấy, ông đi bốn mươi ngày bốn mươi đêm mới tới Horeb, núi của Thiên Chúa" (1V 19, 8) ; Hay do chạnh lòng thương, Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho "ai muốn bao nhiêu tuỳ thích" (Ga 6, 11)

Cho dù là Manna từ trời xuống, hay bánh Thiên Thần mang đến nuôi sống người ta 40 ngày cùng lắm là 40 năm đi nữa, thì những thứ bánh đó cũng chỉ là thứ lương thực rất tạm bợ, kẻ nào ăn những thứ bánh ấy vẫn đói, vẫn khát và vẫn phải chết, nghĩa là không có sự sống nơi mình.

Hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định, Người là bánh bởi trời xuống, Người đến làm no thỏa cái đói, cái khát, nhất là cái ước vọng lớn nhất của con người mọi nơi mọi thời là sự sống đời đời.

Nếu như trong sa mạc, Manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, lương thực cứu đói tạm thời, nay Mình Máu Thánh Chúa là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức, đủ nghị lực vượt qua trần thế về tới quê trời hưởng phúc vinh quang. Chẳng có gì chân thật và an ủi hơn cho những linh hồn khát khao nên thánh, nên trọn lành hãy nhớ lời sách Châm Ngôn dạy : "Hỡi những người ngây thơ hãy lại đây… hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế" (Cn 9, 5).

Lạy Chúa, xin phái Đức Khôn Ngoan của Ngài tới đồng lao cộng khổ với chúng con, dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan, ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.

TẤM BÁNH
Ga 6, 51 – 58

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Có lẽ khi nói đến Bánh Trường Sinh, Bánh ban Sự Sống, chắc chắn nhiều người trong chúng ta sẽ rất ngạc nhiên. Ăn thịt và uống máu của con người là điều chẳng ai dám nghĩ tới. Chúa Giêsu đã quả quyết :” Tôi là Bánh ban Sự Sống “ “ Ai ăn và uống máu tôi sẽ có sự sống đời đời “.Thật lạ lùng, thật kỳ diệu ! Do đó, ngay một số môn đệ khi nghe Chúa tuyên bố như thế, đã bỏ Chúa mà đi…Còn những người Do Thái đều bửu môi không tin…Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã muốn nuôi tất cả chúng ta, tất cả nhân loại bằng chính thịt máu của Ngài. Đó mới là điều lạ lùng…

Chúa Giêsu quả thực đã nuôi nhân loại bằng cái chết trên thập giá…” Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta “ hoặc “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Ngài đã ban cho nhân loại, cho chúng ta bằng chính sự sống của Ngài. Sự sống được trao ban cho chúng ta qua cái chết tự nguyện trên thập giá và sự sống được lấy lại qua sự sống lại của Chúa Giêsu. Ngài là Tấm Bánh. Tôi là bắng hằng sống từ trời xuống ( Ga 6, 51 ) và Ngài quả quyết :” Ai ăn bánh này sẽ được sống muốn đời “. Điều lạ lùng và hết sức mầu nhiệm là “…Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống “. Chúa Giêsu chấp nhận mình là Bánh, có nghĩa là chịu mất đi. Bởi vì, là Tấm Bánh, chấp nhận bị nghiền nát để khi người khác ăn, họ sẽ trở nên mình, máu của Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu ở trong người ấy và người ấy ở trong Chúa Giêsu. Cái kỳ điệu hơn cả là khi chúng ta chấp nhận ăn Chúa, Ngài biến chúng ta trở nên Ngài và Ngài trở nên chúng ta. Đây là sự hiệp thông sâu thẳm, chìm đắm trong nhau :” Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy “ ( Ga 6, 56 ).

Chúa Giêsu, chính là Tấm Bánh : Bánh Sự Sống, Bánh Trường Sinh. Chúa Giêsu để lại chính Thịt và Máu của Người để nuôi sống nhân loại. Sự sống trần gian sẽ mau qua. Lương thực : vật chất, cơm, bánh, gạo, tiền rồi sẽ qua đi. Chỉ có Mình và Máu của Chúa mới ban Sự Sống thường tồn. Thánh Thể không chỉ là thịt máu của Chúa mà còn là Tấm Bánh Lời Chúa :” Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi người ta đọc Thánh Kinh trong Giáo Hội “ ( Pv 7 ). Chúng ta còn đọc thấy điều này trong Hiến chế Tín lý Mạc Khải :” Giáo Hội luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân Thể Chúa, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy Bánh ban Sự Sống từ bàn Tiệc Lời Chúa cũng như từ bàn Tiệc Mình Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu “ ( MK 21 ).

Do đó, bàn Tiệc Lời Chúa và bàn Tiệc Thánh Thể liên kết mật thiết với nhau. Người Kitô hữu không thể chỉ đến để rước Mình Thánh Chúa mà bỏ qua bàn Tiệc Lời Chúa. Bởi vì, thánh lễ gồm hai phần rất quan trọng đến nỗi bỏ đi một phần là chúng ta chưa tham dự, hiệp dâng thánh lễ trọn vẹn.Người Kitô hữu đến nhà thờ mà không rước lễ thì giống như họ đi dự tiệc mà lại ngồi ngó tiệc mà không ăn tiệc. Hoặc đi tới nhà thờ người Kitô hữu không chịu lắng nghe Lời Chúa, họ giống như người đi dự tiệc mà không trang điểm, ăn mặc cẩu thả, bê bối.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Xin cho chúng con biết chuẩn bị tâm hồn sạch tội để chúng con rước Chúa ngự vào lòng chúng con. Xin cho chúng con cũng trở nên tấm bánh được nghiền nát để chia sẻ với anh chị em đồng loại. Xin cho chúng con một tấm lòng quảng đại để chúng con hy sinh cho người khác vì chính khi chết đi là khi vui sống muôn đời, chính khi cho đi là khi lãnh nhận. Amen.

TRANH LUẬN KHÔN – KHỜ
Ga 6, 51 – 58

Anmai, CSsR

Ở đời, quan trọng nhất đó là chuyện khờ và chuyện khôn. Thật sự ra mà nói, khôn khờ nó cũng là từ, cũng là nhận định chủ quan chứ khó mà đúng hoàn toàn được. Với người này, chuyện đó người này cho là đúng, cho là tốt còn với người kia thì cho rằng chuyện đó là dở, là dại. Chuyện khôn và chuyện khờ ấy diễn ra hết sức là thường ngày trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nếu gặp người nhẹ nhàng thì họ sẽ tranh luận nhẹ nhàng còn nếu gặp phải người khó chịu và to tiếng thì họ sẽ to tiếng để nói cho người khác biết là họ là khôn con người kia là khờ.

Khôn ngoan là nghệ thuật sống tốt, nó tìm tòi những gì đưa tới sự sống chứ không dẫn tới sự chết. Nó là suy tư về những vấn đề lớn của con người như sống, chết, yêu thương, đau khổ, sự dữ, tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân, cuộc sống xã hội...

Người khôn ngoan là kẻ cố gắng sống tốt, biết tìm tòi những gì có ích cho cuộc sống chứ không dẫn tới sự chết. Vì thế người khôn ngoan suy tư về những vấn đề lớn của con người như: sống, chết, tình yêu, đau khổ, sự dữ... đời người có nghĩa gì không ? ý nghĩa đó là gì ?.. Và mỗi người theo trình độ của mình, người trẻ và kẻ già, ông giáo sư và người thợ thủ công hoặc bà nội trợ, ai cũng làm triết lý, ai cũng có sự khôn ngoan và nghệ thuật sống của mình.

Với Israel, từ lúc dân tộc của họ có, họ đã tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống, họ suy tư về những vấn đề lớn và chúng ta đã thấy chẳng hạn tường thuật về tạo dựng là "một suy tư khôn ngoan". Họ đã diễn đạt những suy tư ấy ra thành châm ngôn và những lời cầu nguyện, tức là những phác thảo của những tác phẩm.

Như thế rốt cục sự thật - nguồn cội của khôn ngoan - chính là Thiên Chúa; và cách duy nhất để có được khôn ngoan chính là liên hệ mật thiết và kính cẩn với Thiên Chúa, điều mà Thánh Kinh gọi là "lòng kính sợ Chúa".

Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay hình như nói về chuyện khôn và chuyện khờ của cuộc đời. Nhẹ nhàng một chút là lời nói của Đức Khôn Ngoan trong sách châm ngôn, mạnh hơn một chút là lời khuyên của Thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Êphêsô và mạnh hơn nữa là những người Do Thái to tiếng tranh luận với Chúa Giêsu.

Sách khôn ngoan mà chúng ta vừa được nghe là: “Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột, hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn và sai các nữ tỳ ra đi. Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi: "Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây !" Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo: "Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế ! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết." (Cn 9 1-6).

Thật sự ra, để mà trích có vài ba câu như thế này thì không thể nào thấy được hết nét hay vẻ đẹp và thâm thuý nội dung của sách Châm Ngôn. Nếu có giờ, đọc lại toàn bộ tác phẩm Châm Ngôn, chúng ta sẽ thấy sách ấy cực kỳ hay, như là một chỉ nam cho cuộc đời mỗi người. Đọc và suy từng lời, từng câu, từng chữ trong sách ấy ta mới cảm nhận được sự khôn ngoan mà Đức Khôn ngoan hướng dẫn như đoạn sách ngắn mà chúng ta vừa nghe: Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống.

Trong hành trình lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, sự khôn ngoan sẽ dẫn con người ta đến đường sống và khờ dại sẽ dẫn đến sự diệt vong.

Kinh nghiệm về sự diệt vong hay sự sống đó được nhiều và nhiều người để và kể lại cho chúng ta. Cách riêng với tông đồ Phaolô. Phaolô đã cảm nghiệm một cách hết sức sâu sắc về sự điên rồ của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của con người. Với thập giá, con người cho đó chính là sự điên rồ nhưng với Thiên Chúa thì ngược lại. Phaolô cảm nhận sâu sắc đến độ trong lá thư thứ hai của mình gửi cho giáo đoàn Côrintô Phaolô không ngần ngại viết: “Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”. (1 Cr 1,22-25).

Ngài xác tín mạnh mẽ đến độ “Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,1-2).

Hôm nay, Thánh Phaolô lại mời gọi chúng ta: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí”. (Ep 5,15-18). Giọng văn của Ngài ban đầu còn nhè nhẹ nhưng sau đó hình như khẳng khái hơn: Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Vì sao Ngài khẳng khái như vậy ? Chính vì Ngài tin và Ngài xác tín vào Chúa Giêsu nên Ngài mới nói như vậy.

Nói đến Thánh Phaolô, chúng ta không nên quên những người Do Thái chính hiệu vì lẽ thánh Phaolô đã hơn một lần Ngài khẳng định rằng Ngài có nguồn gốc từ người Do Thái. Người Do Thái trong tin mừng của vài tuần nay như thế nào chúng ta đã rõ. Mấy tuần nay nếu để ý, ta nghe thấy người Do Thái xầm xì khi nghe Chúa Giêsu nói Chúa là Bánh Hằng Sống từ Trời xuống, bánh ấy không phải như bánh mà cha ông của họ đã ăn trong sa mạc và đã chết. Hôm nay chúng ta vừa nghe đấy, họ không còn xầm xì nữa và họ đã tranh luận một cách hết sức sôi nổi: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? " (Ga 6, 52). Chúa Giêsu thì chẳng lạ lẫm gì và cũng chẳng ngại ngần gì với thái độ cứng lòng của những người tranh luận với Chúa Giêsu nên Chúa Giêsu cũng nói một cách khẳng khái với họ rằng: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời." (Ga 6, 53-58)

Thiên Chúa muốn loài người được sống. Ngôi Lời nhập thể đã thực hiện Thánh ý của Chúa Cha bằng cách giảng dạy (Ga 6, 47) và ban thịt và máu của Người để thế gian ăn uống mà được sống. Thịt và Máu Người ban tặng đây không phải là thịt và máu bình thường, nhưng thịt và máu Người sẽ dâng lên Chúa Cha làm hy lễ khi Người được giương cao trên Thập giá.

Như vậy, ăn bánh của Thiên Chúa (6, 32) là tin vào Đức Giê-su (6, 47), mà còn là ăn thịt và uống máu của Đức Giê-su (6, 51). Khi ăn thịt và uống máu của Người, chúng ta kết hiệp với Người. Và, vì kết hiệp với Người, chúng ta thông phần vào sự sống của Người, sự sống mà Chúa Cha đã ban cho Người (6,56-57).

Chúng ta tưởng rằng chỉ có người Do Thái ngày xưa thời Chúa Giêsu mới tranh luận với Chúa về vấn đề khôn ngoan và khờ dại, về Bánh Trường Sinh và man-na về sự điên rồ của thập giá và sự khôn ngoan của con người. Chúng ta ngày hôm nay không tranh luận ngoài môi ngoài miệng nhưng thái độ thờ ơ, nguội lạnh của chúng ta với Bí Tích Thánh Thể còn cay đắng hơn là tranh luận. Người Do Thái họ chỉ không tin vào Chúa Giêsu nhưng tin vào Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đôi khi còn bi đát hơn họ là chẳng tin vào Chúa Giêsu mà cũng chẳng tin vào Thiên Chúa. Hậu quả của những kẻ kém lòng tin như thế nào hẳn chúng ta đã biết.

Làm sao mà đầu óc chúng ta có thể khôn hơn một Thiên Chúa toàn năng và quyền phép được. Đừng tranh luận với Thiên Chúa nữa.

Thôi thì hãy quay về với Thiên Chúa, trở lại với Ngài và đừng cứng lòng tin nữa, đừng tranh luận nữa mà hãy ngoan nguỳ sống theo lời mời gọi của Thánh Phaolô: Anh em hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha”.

MẦU NHIỆM ĐỨC TIN
Ga 6, 51 – 58

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Một giáo lý viên muốn chơi khăm ông cha phó mới ra lò: “Thưa cha, Hội Thánh dạy rằng phải kiêng thịt mỗi ngày thứ sáu. Vì thế, hôm nay ngày thứ sáu, con không dám rước Chúa vì rước Chúa là ăn thịt, uống máu Chúa Giêsu. Mà ăn thịt là lỗi luật Hội Thánh dạy.” Chắc hẳn ông cha phó dù mới ra lò cũng có đủ cách, đủ kiểu để thoát cạm bẩy của mấy tay giáo lý viên ngổ nghịch ấy. Tuy nhiên, qua câu chuyện vui này, chúng ta có lẽ dễ thông cảm với người Do Thái xưa thấy khó chịu khi nghe Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” ( Ga 6,51 ). Tin mừng tường thuật rằng họ đã tranh luận sôi nổi với nhau rằng: “làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” ( Ga 6,52 ).

Kho tàng các chuyện dân gian về tình mẫu tử hay tình hiếu thảo vẫn có đó nhiều mẫu gương các bà mẹ cho con “uống máu”mình hay những người con hiếu thảo cắt thịt để nuôi mẹ già. Dù vậy, khi nghe đến các từ ăn thịt và uống máu người, thì chúng ta vẫn thấy gai gai, rờn rợn chút nào đó. Thế nhưng, có thể nói rằng tất cả mọi người đều đã từng ăn uống thịt máu người để được sống. Cứ vào mỗi dịp chuẩn bị cho các em xưng tội rước lễ lần đầu, tôi thường nói lên sự thật này đó là con người chúng ta thoặt sinh ra hầu hết đều nhờ chính thịt máu của mẹ qua dòng sữa để sống và lớn lên. Đã từng một thời, nhiều bà mẹ không ý thức tầm quan trọng của dòng sữa mình trong việc nuôi con thưở con mới lọt lòng và khi con còn thơ bé. Nhờ khoa học tiến bộ và cũng nhờ các phương tiện thông tin đại chúng, ngày nay người ta biết khôn ngoan hơn khi nhìn nhận: sữa mẹ là sữa tốt nhất cho trẻ sơ sinh và các trẻ nhỏ” Qua hình ảnh dòng sữa mẹ, xin được chia sẻ đôi điều về chính Thịt Máu Chúa Kitô là quà tặng nhưng không, là phương dược kháng bệnh tuyệt vời và là nguồn ban sự sống đời đời.

Thánh Thể: Quà tặng nhưng không. Nói rằng nhưng không thì có thể là thừa, vì đã nói là quà tặng thì không đòi hỏi phải trả tiền hay công sức. Tuy nhiên, không nói thì cũng có thể thiếu vì trong thực tế đằng sau nhiều quà tặng vẫn có đó hậu ý “bánh ít trao đi, bánh nhì trả lại” hay chuyện trả nợ đời của những bữa tiệc cưới hỏi, đám đình. Dòng sữa mẹ trao ban cho con thơ thì như là tuyệt đối nhưng không, nghĩa là tất cả chỉ vì con và cho con, ngay cả khi con chưa cất tiếng khóc vì khát sữa. Thiên Chúa được nhân cách hóa bằng Đức Khôn ngoan đã bảo “ Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế ! Đừng ngây thơ khờ dại nữa…” ( Cn 9,5 ). Ngôn sứ Isaia cũng đã từng khẳng định: “Ngày ấy trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon…”( Is 25,6 ) và ngài đã nói thay Thiên Chúa rằng: “Đến cả đi, hỡi những ai đang khát, nước đã sẵn đây ! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mà mua mà dùng; đến mua rượu, mua sữa, không phải trả đồng nào” ( Is 55,1 ). Thánh Thể là quà tặng miễn phí, nhưng không. “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không” ( Mt 10,8 ).

Thánh Thể: Phương dược kháng khuẩn, phòng bệnh tuyệt vời. Khôn ngoan hơn người xưa, các bà trẻ ngày nay ý thức tầm quan trọng của những “giọt sữa trong” của mình khi đứa con vừa chào đời, là một linh dược giúp đứa trẻ kháng bệnh tật cách tuyệt vời. Chúa Kitô minh nhiên phán: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” ( Mt 26,27-28 ). Mẹ Hội Thánh còn dạy chúng ta: “ Việc rước lễ giúp chúng ta xa lánh tội lỗi. Chúng ta rước lấy Mình Chúa Kitô, ‘đã phó nộp vì chúng ta” và Máu “đã đổ ra cho mọi người được tha tội”. Vì thế, bí tích Thánh Thể không thể kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, nếu không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi” ( GLCG chung số 1393 ).

Thánh Thể: Nguồn ban sự sống thần thiêng, nhờ được kết hiệp nên một với Chúa Kitô. Qua dòng sữa, đứa trẻ ngày càng khắng khít với người sinh ra nó. Nhờ dòng sữa, cái tình giữa người mẹ và đứa con thêm đậm đà. Chúa Kitô đã từng khẳng định: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hiệp với Tôi, và Tôi luôn kết hiệp với người ấy”. Đời sống trong Chúa Kitô có nền tảng nơi bí tích Thánh Thể: Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” ( Ga 6,57 ) ( GLCG chung số 1391 ).

Không ai tự nhận là người khờ dại. Chúng ta đều muốn là những người khôn ngoan, nhưng có thể là “khôn ngoan của con cái thế gian”. Người khôn ngoan kiểu này thì tìm mọi cách thế để có được những thiện hảo đời này kể cả những cách thế phi nghĩa ( x.Mt 16,1-8 ). Không chối cãi rằng vẫn có đó những bậc hiền triết và khôn ngoan đáng trân trọng. Tuy nhiên khôn ngoan theo kiểu này vẫn chưa đủ bảo đảm cho sự sống đời đời vì người ta có thể ỷ lại vào luận lý nhân loại để khước từ Đấng là bánh hằng sống từ trời xuống ( x.Mt 11,25-56; Lc 10,21 ). Ngoài sự khôn ngoan chính đáng thì cần phải có lòng tin. Dù luận suy thế nào đi nữa thì Bánh hằng sống là nguồn ban sự sống đời đời, là phương dược xóa tội và giúp chống lại chước cám dỗ, là quà tặng nhưng không, mãi luôn là mầu nhiệm của đức tin.

Nói đến đức tin thì chúng ta nhìn nhận đó là hồng ân Chúa ban và cũng là sự dấn thân đáp trả của chúng ta. Sự đáp trả này đòi hỏi nhiều sự từ bỏ. Một trong những sự từ bỏ phải có, đó là chấp nhận sự hạn chế của lý trí trước các thực tại siêu nhiên, vì đối tượng của đức tin không minh nhiên rõ ràng theo sự luận lý của trí khôn nhân loại. Vì Chúa Kitô là Đấng có lời quyền năng trên bệnh tật, trên sự chết, trên cả thiên nhiên và Người là Đấng từ bi, nhân hậu, đầy lòng xót thương, nên chúng ta tin nhận những gì Người mạc khải.

Lạy Chúa, con tin, nhưng xin củng cố đức tin cho chúng con ( x. Mc 9,24 )

ĐỨC KITÔ – MẪU GƯƠNG TÌNH YÊU
Ga 6, 51 – 58
Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Ngày 24/6/2009, tại phòng trọ ở thành phố Tuy Hòa, 2 bình gas loại du lịch đã phát nổ khiến Tuyên và một bạn cùng phòng bị bỏng. Với tình trạng bỏng nặng tới 65%, các bác sỹ đã dự đoán cô gái này khó có thể qua khỏi, đặc biệt là ở thời điểm sau 10 ngày nằm viện, Tuyên được chẩn đoán là bị nhiễm trùng máu khá nặng.

Thương con, người cha là Lê Thanh Tuấn đã năn nỉ các bác sỹ lóc da đùi của mình để cấy ghép vào phần da bị mất do bỏng của con, dù chuyện này rất có thể sẽ đem đến biến chứng nguy hiểm cho người bị huyết áp cao như ông. Nếu những chuyên gia phẫu thuật của bệnh viện Chợ Rẫy không từ chối, thì có lẽ ông Tuấn đã sẵn sàng để họ lấy cả phần da từ bụng, ngực… trên người mình để đắp sang con.

Sự hy sinh của người cha đã được phần nào đền đáp khi sức khỏe của ‘bé Út’ dần khá hơn. Cô nữ sinh đã tỉnh táo hơn và có thể trò chuyện được đôi lời. Còn ông Tuấn, sau nhiều ngày rất khó khăn trong từng bước đi vì toàn bộ lớp da hai bên đùi đã bị lấy hết, cũng đã dần ổn định và có thể cử động được.

Đến phòng bệnh tại khoa Bỏng của Bệnh viện Chợ Rẫy vào những ngày này, gần như ở thời điểm nào trong ngày, người ta cũng sẽ nhìn thấy cảnh một cô gái băng bó trắng toàn thân nằm trên giường. Bên cạnh cô là người cha bó quanh đùi bằng những sợi băng y tế bị nhuộm đỏ. Ông luôn ngồi đó, động viên chăm sóc cho cô con gái vẫn mang trong mình mong muốn được thi đại học, khối C.

Vâng, nếu chúng ta được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh đó, có lẽ chúng ta cũng để cho dòng nước mắt của tình người dạt dào tuôn trào nơi chúng ta. Nước mắt cảm thông. Nước mắt của trái tim hoà nhịp với trái tim yêu thương của người cha lóc thịt cho con. Khóc vì ngưỡng mộ một con người giầu lòng quảng đại. Yêu tha nhân không chỉ yêu như chính mình mà còn quên cả bản thân. Một tình yêu quá cao vời. Nước mắt đồng cảm với một con tim không chỉ biết nói lời yêu thương mà còn thể hiện bằng tình yêu trao ban chính thịt máu mình để cấy trồng lại sự sống cho con.

Đó cũng là tình yêu mà Đức Giê-su đã thể hiện trong cuộc sống của Ngài. Chính Ngài đã hiến dâng mạng sống cho con người được sống và sống dồi dào. Chính Ngài đã sống vì cuộc sống của nhân loại. Ngài đến trần gian để cứu độ nhân loại. Ngài sống không phải vì mình mà cho thế gian được ơn cứu độ. Ngài yêu thương thế gian đến nỗi còn muốn trao ban chính mình làm của ăn của uống cho nhân loại. Chính Ngài đã xác quyết rằng “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”. Ai ăn và uống Mình và Máu Ngài không chỉ được sống hạnh phúc mà còn hơn thế nữa là được sống muôn đời. Ngài là bánh trường sinh. Dân Do Thái đã từng được ăn Mana từ trời nhưng rồi cũng chết. Còn ai ăn và uống Mình Máu thánh Ngài sẽ được sống muôn đời.

Tình yêu luôn phát sinh những điều kỳ diệu. Có tình yêu sẽ có sáng tạo. Tình yêu đã làm phát sinh biết bao nghĩa cử cao đẹp mà con người dành cho nhau. Từ lời nói đến hành động luôn biết làm đẹp lòng nhau. Người ta chắt chiu từng lời nói, từng việc làm để cho người mình yêu được vui lòng. Tình yêu là một quà tặng vô giá mà chúng ta dành cho nhau. Không có tình yêu sẽ không có tặng ban. Món qùa được trao tặng không có tình yêu chỉ là một thủ đoạn, lừa dối và nhẹ hơn chỉ là sự trao đổi qua lại theo lẽ công bằng với nhau.

Thế giới hôm nay rất cần tình yêu để con người được sống trong an vui và hạnh phúc. Sự sống còn của nhân loại hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng yêu thương của chính con người. Hàng ngày trên thế giới có hàng triệu người đã chết bởi sự thiếu tình yêu của đồng loại. Bởi thù hận người ta giết nhau bằng súng đạn, gươm giáo. Bởi thiếu trách nhiệm người ta giết nhau bằng sự bỏ rơi và dửng dưng.

Thế giới không có tình yêu sẽ hoang tàn đổ nát tựa như cơn lũ đã tàn phá môi trường chỉ để lại sự dơ bẩn và chết chóc. Đó chính là thảm cảnh mà chúng ta đang phải đối diện. Bởi thiếu vắng tình yêu đã đẩy sự dữ ngày một gia tăng. Sự dữ ẩn chứa khắp nơi. Sự dữ luôn đe doạ hủy diệt địa cầu bất cứ giờ nào. Kẻ dữ luôn gia tăng sự ác. Kẻ lương thiện ngao ngán sự đời. Kẻ khôn ngoan né tránh. Người dại dột thì lãnh đủ. Người ta nói rằng: “Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Biết thì sống”. Biết để né tránh. Biết để thủ thế. Biết để an phận thủ thường. Một lối sống “biết để sống” đến nỗi bỏ quên đồng loại, chỉ lo toan cho mình nên không có sự sáng tạo trong yêu thương. “Biết để sống” dẫn đến đa nghi nên thế giới chẳng ai tin ai. Thế giới đã chết vì thiếu vắng tình yêu.

Mỗi lần chúng ta rước Chúa là được đón nhận chính sự sống và tình yêu của Chúa. Ước gì tình yêu Chúa tuôn chảy trong con tim của chúng ta để chúng ta dám hiến dâng chính mình vì sự sống của tha nhân. Ước gì mỗi người biết hy sinh cho nhau, và biết kiến tạo hạnh phúc cho nhau, chắc chắn cuộc sống này sẽ đẹp hơn. Ước gì mỗi người chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu trở thành quà tặng mang lại cho anh em niềm vui và hạnh phúc. Xin cho chúng ta luôn cảm nghiệm rằng “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Amen

THỊT TA LÀ CỦA ĂN
Ga 6, 51 – 58
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Nói đến máu thịt là nói đến những gì thâm sâu nhất trong con người. Thâm sâu vì máu thịt chính là sự sống. Thâm sâu vì máu huyết thuộc hệ di truyền. Ta thường nói: máu huyết của cha, thịt xương của mẹ. Yếu tố “gen” là thứ sâu xa trong bản tính con người. Là lực lượng âm thầm điều hướng định mệnh con người. Như thế máu thịt không những làm thành con người thể lý bên ngoài mà còn làm thành con người ở chiều sâu tâm sinh lý nữa.

Máu thịt là thứ thiết thân nhất trong con người. Thiết thân vì nó gắn bó chặt chẽ với bản thân ta, gắn bó với sự sống của ta. Lấy nó ra khỏi con người thì đau đớn lắm. Thiết thân vì ta yêu mến nó. Yêu máu thịt của mình cũng như yêu mạng sống mình là một điều hết sức tự nhiên.

Hôm nay khi nói ban Máu Thịt cho chúng ta, Chúa Giêsu ban cho ta những gì thâm sâu nhất trong bản thân Người. Người không chỉ ban Máu Thịt mà còn ban cho ta cốt lõi của bản tính Thiên Chúa. Thánh Gioan Tông đồ định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu:. Khi ban cho ta Máu Thịt, Chúa Giêsu ban cho ta chính tình yêu của Người.

Khi ban Máu Thịt cho ta, Chúa Giêsu phải chịu đau đớn. Mạng sống là quý nhất. Nhưng Người yêu ta còn hơn yêu mạng sống của mình. Vì thế, Người hiến mạng sống cho ta như lời Người nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Mạng sống là thiết thân. Nhưng đối với Người, ta còn thiết thân với Người hơn cả mạng sống của Người nữa. Người chịu tiêu hủy mình đi để trở nên thiết thân với ta. Khi hiến mình làm lương thực, Người chấp nhận chịu nghiền tán, chịu đớn đau để trở thành thịt máu của ta, để trở thành thiết thân với ta, đến nỗi ta không thể tách Người ra khỏi ta được nữa. Thật là một tình yêu lạ lùng. Thật là một sáng kiến tuyệt vời.

Khi ban Mình Máu Thánh cho ta, Chúa Giêsu mong ước ta sống kết hiệp mật thiết với Người. Khi chịu lấy Mình máu Thánh Chúa thì Chúa ở trong ta và ta được ở trong Chúa. Đây là một biến đổi sâu xa. Chúa Giêsu đã làm người để ở với ta, làm tấm bánh để ở lại trong ta. Chúa mong ước ta ở lại trong Chúa. Vì thế khi rước lễ, ta phải biến đổi đời sống cho xứng đáng và phù hợp với Chúa. Ở trong Chúa không phải là ở trong không gian vật lý nhưng ở trong không gian thiêng liêng, trong ảnh hưởng của Chúa, trong tình yêu của Chúa, trong lề luật của Chúa, trong tinh thần của Chúa. Như thế ở trong Chúa có nghĩa là sống như Chúa, suy nghĩ như Chúa, hành động như Chúa, yêu thương như Chúa.

Khi mời gọi ta đến kết hiệp với Người, Chúa mong muốn cho ta được sống. Chúa chính là nguồn mạch sự sống. Ở trong Người là ở trong sự sống. Kết hiệp với Người là kết hiệp với sự sống. Sống nhờ Người là hít thở sự sống của Người, hấp thu sự sống của Người. Người là sự sống vĩnh cửu, sự sống sung mãn, sự sống hạnh phúc. Được sống bằng sự sống của Người ta sẽ được sự sống dồi dào, hạnh phúc không bao giờ tàn phai.

Lạy Chúa, xin cho con hiểu biết, yêu mến và sống bí tích Thánh Thể trong cuộc đời con. Amen.

CHÚA GIÊSU – LƯƠNG THỰC NUÔI SỐNG CON NGƯỜI
Ga 6, 51 – 58
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, con người chúng ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, khám phá sự lạ lùng này tới sự lạ lùng khác. Con người chúng ta như bị thu hút bởi một con người rất người, rất thực tế nhưng lại là một Đấng siêu việt, khiến chúng ta phải tạ ơn, cúi đầu khâm phục vì muôn việc kỳ diệu Ngài đã làm trong Tin Mừng cho nhân loại, cho con người.Đức Giêsu Kitô quả thực là một con người rất thực tế, Ngài đã chăm sóc dân, đã băng bó, đã chữa lành các vết thương, các bệnh hoạn tật nguyền của con người, Ngài còn mạc khải cho con người về lương thực nuôi sống con người, của ăn trường tồn, vĩnh cửu là chính thịt máu của Ngài.

Đức Giêsu Kitô yêu nhân loại, yêu con người chúng ta đến nỗi Ngài đã ban cho chúng ta thịt máu của Ngài. Đây là điều thật khó hiểu và hết sức ngỡ ngàng đối với mọi người.Ai dám ăn thịt và uống máu người mình yêu, người mình thương mến. Bởi vì, chẳng ai dám ăn thịt người yêu.Nhưng Đức Giêsu Kitô lại khác, Ngài muốn nuôi nhân loại, nuôi mọi người bằng chính thịt máu của Ngài. Đây là một điều hết sức kỳ diệu, lạ lùng và hết sức cao quí.Đây là mầu nhiệm đức tin.Cái chết trên thập giá, cái chết hy sinh tự nguyện gánh tội nhân loại của Chúa Giêsu đã minh chứng Ngài thực hiện sứ mạng cứu rỗi nhân loại và nuôi sống con người bằng chính thịt máu của Ngài. “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu” ( Ga 15, 13 ). Đức Giêsu là tấm Bánh ( Ga 6,48.51). Đức Giêsu ban cho nhân loại, ban cho con người tấm Bánh ( Ga 6, 51 ). Tấm Bánh mang sự sống và tấm Bánh ban sự sống. Chúa Giêsu mạc khải Ngài là Tấm Bánh. Bánh có nghĩa là chịu mất đi cho người khác, cho nhân loại.Bánh như thế mới có giá trị.” Chúa Giêsu là Đấng chịu người khác ăn đi “.Đây là ý nghĩa đích thực của Tấm Bánh Giêsu. Khi chúng ta ăn Ngài, chúng ta trở nên Ngài và Ngài trở nên chúng ta. Đây là sự hiệp thông sâu xa, thẳm sâu của Bí Tích Thánh Thể. Chúa ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa:” Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy “ ( Ga 6, 56 ). Theo cách nói của người Do Thái “ thịt “ có nghĩa là con người toàn diện. Thịt và máu chỉ con người toàn thể. Nên, theo thánh Gioan, cụm từ “ Ngôi Lời hóa thành nhục thể “. Chúa trở nên con người lịch sử thì điều này cũng đúng với Bí Tích Thánh Thể. Chúa sống lại và tràn đầy vinh quang. Chúa mang trong người sự sống mới, Ngài cũng làm cho chúng ta được sống mãi như Ngài.

Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc, một Bí Tích Thánh Thể. Và để lãnh nhận Mình Máu của Chúa Giêsu, chúng ta phải sốt sắng cử hành bàn tiệc Lời của Chúa. Đức Giêsu sống nhờ Thiên Chúa Cha, chúng ta sống nhờ Chúa Giêsu ( Ga 6, 57 ).Chúa Giêsu đã từng nói: ” Ta là cây nho, chúng con là nhành “. Nhành chỉ có thể sống và sống tốt nhờ liên kết với thân nho. Con người chúng ta chỉ có thể sống tốt và sống dồi dào nhờ tháp nhập với thân là Đức Giêsu. Do đó, ăn và uống máu Chúa sẽ giúp chúng ta, sẽ giúp nhân loại tránh được sự hủy hoại của cái chết và được sự sống đời đời.

Con đường dẫn con người, dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa để có sự sống trường sinh, để được mọi người đón nhận ta như là anh em của họ, đòi hỏi chúng ta phải sống như Chúa: ” yêu như Chúa yêu “ ( Ga 15, 12 ) và “ sống không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Bởi vì, ngay nhiều người Do Thái đã sống với Chúa, đã gặp Chúa, hay như các môn đệ đã sống thân tình với Chúa, nhưng “ việc ăn thịt và uống máu Chúa Kitô “ đối với họ cũng không phải là điều dễ hiểu.Đối với con người thời đại việc nhận lãnh Mình và Máu Chúa Kitô đòi hỏi con người phải chuẩn bị tâm hồn và sống đức tin, vì rước Mình và Máu Chúa Kitô luôn thúc đẩy con người sống tột cùng điều Chúa đòi hỏi: ”…Thịt Tôi là của ăn đích thực, và máu Tôi là của uống đích thực.Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì sống mãi trong Tôi và Tôi sống mãi trong người ấy “.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho Lời Chúa luôn soi dẫn đường lối chúng con đi. Xin cho Mình Máu Chúa luôn nuôi dưỡng hồn xác chúng con. Amen.

CHÚA GIÊSU – BÁNH BỞI TRỜI
Ga 6, 51 – 58

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Khi Chúa Giêsu bôn ba đó đây rao giảng Tin mừng, chúng ta thấy dân chúng đi theo Người rất đông nhưng không hẳn vì họ thán phục giáo lý hay những phép lạ Người đã làm; họ đến với Chúa Giêsu chỉ để giải quyết vấn đề “bao tử” vốn đang cồn cào trong họ (x. Ga 6, 26). Chính vì thế, tại hội đường Caphácnaum, Chúa Giêsu hướng họ đến một thứ lương thực trường cửu khi Người đề cập đến chính Thịt và Máu Người làm của ăn Thần linh dưỡng nuôi họ.

Nói đến bánh từ trời xuống, không ai trong dân Dothái thời đó lại không hiểu tường tận câu chuyện của hơn 1250 năm trước trong sa mạc khi Giavê Thiên Chúa đã dùng Manna và chim cút nuôi dưỡng cha ông họ (x.Xh 16). Ngày đó, trên hành trình về đất Hứa, dân Dothái phải trải qua nhiều khó nhọc, gian khổ trăm bề. Những gian khổ đó có đáng là gì so với thời họ còn là nô lệ bên Aicập. Thế nhưng họ quên mất điều đó. Họ chỉ biết có mỗi một điều là trước đây họ được ăn no tuy bị kìm kẹp trong vòng nô lệ. Còn bây giờ, tuy được tự do nhưng lại phải đói khát. Vì thế họ kêu trách Môsê và lẩm bẩm than trách Giavê Thiên Chúa. Ngày đó, Giavê Thiên Chúa đã cho “kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần/Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực” (Tv 77, 25). Manna chính là hình ảnh tiên trưng, chuẩn bị cho việc mạc khải bánh đích thực từ trời là chính Đức Kytô hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha qua cuộc khổ nạn của Người.

Những dấu lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu cũng không gì khác hơn là muốn hướng họ đến một thứ lương thực trường tồn. Thế nhưng dân chúng vẫn không hiểu được ý nghĩa ấy. Họ chỉ biết rằng theo ông Giêsu thì được ăn bánh no nê và chỉ dừng lại ở đó. Điều Chúa Giêsu muốn là họ cần phải tìm một thứ lương thực nuôi sống không chỉ cho thân xác vốn mỏng giòn chóng qua mà còn để nuôi sống linh hồn họ nữa. Chúa Giêsu nhắc đến thân mình Người chính là của ăn quý giá ấy. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây”(c.51).

Rõ ràng điều Chúa Giêsu muốn là loài người được hưởng sự sống dồi dào từ chính máu thịt của Người. Lẽ dĩ nhiên máu và thịt ở đây không phải là máu thịt bình thường như người Dothái vẫn xầm xì : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ấy được”(c.52), mà là Máu Thịt chính Chúa Giêsu sẽ hiến dâng làm của lễ dâng lên Chúa Cha khi Người bị treo trên thập giá. Như thế, chúng ta thấy, lương thực thần linh từ trời ban xuống cho nhân loại không chỉ dừng lại ở việc tin vào Con Thiên Chúa xuống thế làm người mà còn là việc lãnh nhận chính Mình và Máu của Người. Khi chúng ta ăn Thịt và uống Máu thánh Chúa Kytô là chúng ta được kết hiệp mật thiết với Người, được ở lại trong Người và nhờ đó, chúng ta có được sự sống từ chính nơi Chúa Cha. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (c.56).

Hiệu quả của việc lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kytô không chỉ là việc Chúa Kytô ngự trị trong tâm hồn chúng ta và ngược lại, nhưng còn là việc chúng ta hưởng trọn vẹn sự sống vĩnh hằng trong nước Thiên Chúa. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c. 54). Chính vì tầm quan trọng của việc lãnh nhận linh dược vô giá này, mà Giáo hội đòi buộc mọi tín hữu cần chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng, nếu không, hậu quả sẽ khôn lường. Điều này được thánh Phaolô ghi lại rất rõ ràng. “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa… Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11, 27.29).

Chúng ta dễ dàng nhận ra đây là một trình thuật gần như tương xứng với trình thuật về việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể. Phần chúng ta, muốn được cư ngụ cùng với Chúa Giêsu, muốn được cùng Người chung hưởng sự sống Thần linh, không gì tốt hơn cho bằng qua đức tin, giúp chúng ta đón nhận mầu nhiệm Thánh Thể, chính là tặng phẩm Thần Linh của Chúa Giêsu – qua việc hiến tế chính mình trên Thập giá- ban tặng cho chúng ta mội ngày trong bàn tiệc Thánh.

CHÚA KITÔ, LƯƠNG THỰC NUÔI SỐNG
Ga 6, 51 – 58

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Qua những Chúa nhật trước, Chúa Giêsu đã nói về Bánh ban sự sống để dọn lòng con người về một mạc khải quan trọng và trung tâm: bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hoàn toàn vén lộ bức màn đã lâu nay che mắt con người, ẩn dấu con người, hôm nay, Chúa tỏ lộ rõ ra: Bánh trường sinh chính là Thịt, Máu của Ngài nuôi sống nhân loại và ban cho con người sự sống vĩnh cửu, sự sống đời đời :” Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” ( Ga 6, 51 ).

Khi Chúa Giêsu tuyên bố những lời trên hay nói cách khác Chúa mạc khải về Mình Máu của Ngài thì người Do Thái tranh luận rất sôi nổi giữa họ với nhau. Họ ngờ vực lời Chúa, có nhiều người tuyên bố lời của Chúa sao sống sượng đến thế, họ không tin và nhiều người trong họ đã bỏ đi, ngay chính các môn đệ giờ phút đó vẫn chưa hiểu thâm ý của lời mạc khải của Chúa. Tuy bị phản đối, bị nghi hoặc, bỏ đi, Chúa Giêsu vẫn không thay đổi ý định và Ngài còn nhấn mạnh lời mạc khải mạnh hơn nữa, rõ ràng hơn nữa, khiến con người không thể chối từ lời của Ngài:” Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết “ ( Ga 6, 53-54 ). Thật thế, dân Do Thái khi nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường Capharnaum, họ đã không hiểu gì về lời của Chúa. Họ đã không có đức tin vì đức tin là đôi mắt trong sáng để thấy Chúa như lời thánh Phaolô:” Đức tin là bảo chứng cho những gì chúng ta thấy, là bằng chứng cho những gì chúng ta không thấy “. Phải có đức tin mới nhận ra Chúa và tin vào phép bí tích Thánh Thể. Hồi xưa thời Chúa Giêsu cũng như hôm nay thời chúng ta sống cũng có nhiều người sống xa vắng Thiên Chúa, cũng không muốn hiểu hoặc cho rằng những lời nói của Chúa chỉ là biểu tượng, chỉ là lời nói xuông. Tuy nhiên là Kitô hữu chúng ta tin lời của Chúa là lời chân thật. Khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa là chúng ta thông phần vào sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Sự sống mới của Chúa tuôn tràn trong mỗi người chúng ta. Ăn có nghĩa là nghiền nát, là nuốt sống chính Thịt và uống Máu của Chúa. Ăn thịt và uống máu của Chúa sẽ có sự sống đời đời. Lời của Chúa được công bố công khai trong hội đường Capharnaum và Chúa sẽ không bao giờ rút lại lời của Ngài.

Bí tích Thánh Thể quả thực là mầu nhiệm đức tin. Chúa Giêsu truyền thông cho chúng ta sự sống của Đức Chúa Cha. Ngài thông truyền cho ta sự sống đời đời qua mình và máu của Ngài dưới hình thức bánh và rượu nho. Chịu lấy mình và máu Chúa là chịu lấy sự sống ngay hiện tại trong cuộc đời của mỗi Kitô hữu. Chính vì thế, khi chịu phép rửa tội sự sống mới của Chúa đã ở trong ta và ta được trở nên con của Chúa. Trở nên con của Chúa là ta được kết hiệp với thân thể sống động của Đức Kitô: ngôn sứ, tư tế và vương đế. “ Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” ( Ga 6, 56 ). Khác với dân Do Thái xưa khi đi trong sa mạc tiến về đất hứa, họ đã được Chúa ban Manna và chim cút, nhưng họ vẫn chết. Họ muốn định cư lâu dài nơi đất hứa để ổn định cuộc sống cho họ vàcho con cái, cháu chắt. Nhưng con người khi lãnh nhận mình máu Chúa Kitô sẽ ở trong Chúa và Chúa ở trong họ như nhành nho dính liền với cây nho và như tân nương với tân lang. Đây là sự kết giao mật thiết, con người chỉ có được nơi bí tích Thánh Thể. Như vậy, bí tích Thánh Thể cũng là bí tích tình yêu. Tình yêu tự hiến, tình yêu cao vời:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” ( Ga 15, 13 ). Con người chỉ có thể hiểu được bí tích tình yêu qua đức tin sâu đậm, qua đôi mắt sáng ngời niềm tin vì Chúa đã phán: “ Như Chúa Cha là Đấng hằnng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” ( Ga 6, 57 ).

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban thêm đức tin và củng cố đức tin chúng con để chúng con luôn nhận ra Chúa không những nơi bí tích Thánh Thể mà còn nhận ra Chúa nơi mỗi anh chị em của chúng con. Amen.

Nguồn vietcatholic.org

 

2027    15-08-2015 09:16:59