PHÊRÔ, ĐẤNG LÀM ĐẦU GIÁO HỘI
Mt 16, 13-20
Trong ba năm đi rao giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã tuyển chọn một số môn đệ đi theo Ngài. Chúa Giêsu đã dạy dỗ dân chúng, đã chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền cho dân, đã làm nhiều phép lạ. Tiếng tăm và danh thơm tiếng tốt của Ngài đã lan tỏa khắp nơi. Nhiều tiếng đồn đoán về lai lịch, sự nghiệp của Ngài. Có người cho Ngài là Gioan Tẩy Giả, có người nói Ngài là Isaia, Giêrêmia hay là một ngôn sứ nào đó. Thực tế, Chúa rất muốn biết suy nghĩ của các môn đệ về Ngài...
Chúa Giêsu tin tưởng các môn đệ và muốn biết quan điểm của các môn đệ về Ngài khi đã có rất nhiều đồn đoán của dân chúng về lai lịch của Ngài, Phêrô được Thiên Chúa Cha mạc khải, đã nhanh nhảu thay các môn đệ khác, thưa với Chúa Giêsu: " Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống " ( Mt 16, 16 ). Chúa Giêsu đã công khai khen Phêrô là người có phúc và trao trao cho Ông quyền trên Giáo Hội: " Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy " ( Mt 16, 18-19 ).
Chúa đã tuyển chọn và đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội của Ngài dưới trần gian này. Và Ngài đã đổi tên Simon thành Phêrô, tiếng Aram Phêrô, Kêpha nghĩa là Đá Tảng. Chúa đã xây Giáo Hội của Ngài trên Tảng Đá Phêrô vững chắc, trường tồn và Ngài hứa bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi cuộc tấn công của ma quỷ. Chúa Giêsu lại trao cho Phêrô chìa khóa tượng trưng cho quyền bính trên trời dưới đất. Với quyền Chúa trao ban, Phêrô cai quản, điều khiển, giáo huấn và thánh hóa Giáo Hội của Đức Kitô trong tinh thần phục vụ và yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên được Chúa trao phó.
Phêrô được Chúa thương đó, được Chúa cắt nhắc làm đầu Giáo Hội nhưng chỉ ít phút sau đó, Đức Kitô đã phải nặng lời với Ông: " Satan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người " ( Mt 16, 23 ). Phêrô yêu mến Chúa nhưng Phêrô lại rất bộc trực, nóng nảy. Chúa Giêsu biết rõ Phêrô, đã chọn Ông là một dân chài, nóng nảy, bộc trực, ít học, hay sa ngã và cả phản bội nữa. Tuy nhiên, Chúa đã nhìn tận tâm can của Phêrô, thấu suốt con người của Phêrô. Phêrô yếu đuối, sa ngã đó, nhưng Phêrô lại có tâm tình khiêm tốn tột cùng và có lòng sám hối chân thành.
Chúa Giêsu hiện ra trên bờ hồ Ghennêxarét khi Phêrô và các môn đệ suốt một đêm thả lưới, mệt nhoài, vất vả nhưng không hề bắt được một con cá nào, dù rằng Phêrô và các bạn là những dân chài chuyên nghiệp: họ biết chỗ nào cá hay ăn, chỗ nào nông, chỗ nào sâu, tuy nhiên, nghe lời Chúa bảo các Ông chèo thuyền ra xa bờ và bỏ lưới bên mạn phải thuyền. Phêrô và các bạn kéo lưới lên, một mẻ quá lớn đến nỗi lưới muốn rách và các môn đệ đã bắt được 163 con cá lớn. Phêrô không mừng, Phêrô cũng chẳng hồ hởi vì phép lạ vừa xẩy đến với Ông, với các bạn đồng môn. Phêrô nghĩ ngay tới thân phận bất xứng, tội lỗi của mình. Phêrô liền tới sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà thưa: " Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi " ( Lc 5, 8 ). Và trước sự khiêm tốn thẩm sâu của Phêrô, Chúa Giêsu đã không ngần ngại tuyển chọn Phêrô: " Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người chài lưới người ta " ( Lc 5, 10 ).
Phêrô là một con người biết ăn năn hối cải, biết quay trở về với Thiên Chúa. Khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc thống khổ của Ngài, Phêrô không hiểu gì về cái chết của Chúa. Ông cứ tưởng Chúa Giêsu thiết lập Vương Quốc và khôi phục dân Israen. Phêrô không thể nào tưởng tượng được Thầy mình sẽ phải đau khổ, phải chết. Nên, Phêrô đã cản ngăn ý định cứu thế của Chúa. Chúa đã mắng Phêrô thậm tệ. Phêrô không dám cãi lại vì yêu Thầy, biết mình sai, Phêrô im lặng, âm thầm ăn năn sám hối. Trong cuộc thương khó của Chúa, trước đó Phêrô rất hăng, thưa với Chúa: " Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã ". Phêrô quả thực là con người thật mau mắn, rất chân thực, tuy nhiên ngay sau đó Ông đã phản bội Chúa, chối Chúa tới ba lần. Phêrô đã khóc khi Chúa nhìn Ông và Ông đã thật lòng sám hối ăn năn. Chúa đã tha thứ cho Phêrô, nên trong chức vị làm đầu Giáo Hội, Phêrô đã luôn củng cố đức tin của các tín hữu và rao giảng về lòng tha thứ của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết cảm nghiệm sâu xa lời khuyên bảo của Thánh Phêrô, Vị Tông Đồ Trưởng lãnh đạo Giáo Hội của Chúa: " Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em " ( Cv 3, 19 ).
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
ĐỨC KITÔ LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT
Mt 16, 13-20
Nếu chúng ta còn nhớ cách đây không lâu ở Mỹ này, nhà văn Dan Brown viết cuốn sách Da Vinci code, nó trở thành cuốn sách bestseller, được đóng thành phim, và được phổ biến khắp thế giới, trở thành «hiện tượng Da Vinci code» và làm nhiều người công giáo bị sốc. Bởi vì trong đó Dan Brown giới thiệu một Đức Giêsu hoàn toàn khác biệt với Đức Giêsu ở trong kinh thánh. Ngài là một người bình thường như mọi người, đã có gia đình, có vợ có con và giòng giống của ngài vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Và Giáo hội chỉ là một tổ chức chính trị và quyền lực hoàn toàn nhân loại. Nhiều người công giáo bị sốc và lung lay đức tin và có người đã nói rằng: mấy chục năm theo đạo, tôi đã bị lừa... bây giờ người ta find out ra thì mới biết Chúa Giêsu chỉ là một người đàn ông bình thường... vvv.
Tôi nhắc lại sự kiện đó để chúng ta thấy rằng: Câu hỏi của Chúa Giêsu với các tông đồ hôm nay vẫn còn mang tính thời sự: Người ta bảo Thầy là ai ? Thời Chúa Giêsu dư luận dân chúng cũng biết mù mờ về Ngài: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêremia hay một tiên tri nào đó". Ngày hôm nay Chúa hỏi chúng ta : Người ta bảo thầy là ai? Nhiều người mang danh là kitô hữu nhưng biết rất mơ hồ về Ngài. Chúng ta thưa : Dạ thưa Chúa: kẻ thì nói Chúa là một nhà sáng lập tôn giáo, một nhà cách mạng tinh thần... còn Ông Dan Brown bảo Chúa lấy bà Mađalêna và có quan hệ với bà nên có vợ con đề huề....
Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới bùng nổ thông tin và của thị trường tự do. Tất cả mọi thứ người ta có thể rao bán và quảng cáo. Về mặt tư tưởng cũng thế, tôn giáo và các hệ tư tưởng cũng bị biến thành thị trường cạnh tranh mua bán, và người ta cứ việc mua thứ tôn giáo nào hợp với sở thích của mình. Đức Kitô cũng nhào nặn, được make up theo sở thích và lợi nhuận của họ để rao bán khắp nơi. Nói như Cha Cantalamessa, ngày xưa Chúa bị bán bởi Giuđa, còn hôm nay Chúa cũng bị bán bởi các nhà viết sách và làm phim, mà lợi nhuận không phải ba mươi đồng bạc nhưng là cả triệu dollar!
Nhưng chúng ta phải tĩnh thức, vì đó không phải là Đức Kitô của Kinh Thánh, của niềm tin Giáo hội, mà là Đức Kitô của «người ta»: một Đức Kitô của tưởng tượng và sự hiếu kỳ của họ. Chúng ta không cần phải hoang mang và lo sợ gì!
Niềm tin của chúng ta vào đức Kitô được gói ghém trong câu hỏi thứ hai của Chúa Giêsu "Còn các con bảo Thầy là ai?" Anh chỉ Em và tôi bảo Đức Giêsu là ai? Câu này mới là quan trọng. Nhân danh tất cả Phêrô trả lời: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Đây là mạc khải và là trung tâm điểm niềm tin chúng ta vào Đức Kitô và kể từ năm 325 (Công Đồng Nicée) trở thành định tín kitô học của Giáo hội mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh tin Kính: «Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng. Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Cha, nhờ người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thể... ». Nghĩa là Đức Kitô đó là Thiên Chúa thật và người thật, vrai Dieu et vrai homme. Ngài cũng biết khóc biết cười, ngài cũng có nhu cầu ăn uống và nghĩ ngơi, Ngài giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ tội lỗi thôi. Nhưng Ngài là "Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống", nghĩa là ngài là chính Thiên Chúa. Ngài nhập thể để cứu độ chúng ta nên Giáo hội tuyên xưng Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất và phổ quát của nhân loại. Và nói như thánh Gioan : Ai tin vào con của người thì cứu độ (x. Ga 3,14). Chỉ nhờ Ngài mà chúng ta được cứu độ. Chỉ qua Ngài chúng ta tới Thiên Chúa.
Đức tin đó không phải là một sự hiểu biết suông, nhưng là một sự gắn bó đời mình với Đức Kitô. Người kitô hữu là người xây dựng cuộc đời và những dự phóng đời mình trên Đức Kitô, lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm của cuộc sống. Bởi vì nơi Ngài chúng ta tìm được tất cả những giải đáp cho những thắc mắc, những khát vọng sâu thẳm nhất về ý nghĩa cuộc đời. Đó là một đức tin trưởng thành, mang tính cá vị và không bị lung lay trước thử thách.
LM Phêrô Nguyễn Hương
ĐÁ TẢNG THẬT, ĐÁ TẢNG DỎM
Mt 16, 13-20
Lẽ thường tình, khi mà khoa học - kỹ thuật - công nghệ phát triển thì phẩm chất cũng tăng theo nhưng hình như ngược lại. Nói không biết có quá đáng hay không nhưng hầu hết các kết qủa của công trình thời hiện đại này đều kém chất lượng. Thử nghĩ xem từ giáo dục, y tế, xây dựng... cho đến tình người với người trong cuộc sống hiện tại nó cứ làm sao đó !
Với giáo dục thì không thể nào biết được là Việt Nam có bao nhiêu cái bằng giả và bao nhiêu cái bằng thật. Và trong cái đống bằng thật có đó nhưng chắc có mấy cái có chất lượng, mấy cái đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Theo thống kê thì chỉ có 30% sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu của các công ty, các đơn vị sử dụng lao động. Vậy thì 70% những bác sĩ, kỹ sư và thậm chí là tiến sĩ, thạc sĩ sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp, sau khi cầm bằng trong tay ? Phụ huynh ngày nay không còn đơn giản là chạy cơm chạy áo nữa mà còn phải chạy trường !
Y tế thì có ai vào bệnh viện mới hay ! Chẳng hiểu sao những ai vào bệnh viện về đều chỉ xin một điều là "xin Chúa cho tôi ra đi nhanh chóng chứ đừng để tôi phải vào bệnh viện". Hỏi lý do thì chẳng ai chịu nói cả. Chỉ có ai vào viện mới hiểu được lý do mà thôi.
Tình người với người ngày hôm nay quả là một thực trạng thật đáng buồn thật bi đát. Người ta không còn yêu nhau, đến với nhau bằng mối tình thật nữa nhưng mà bằng tình dỏm. Nó cũng giống như con chuồn chuồn vậy : khi vui thì đậu - khi buồn thì bay. Tình yêu đôi lứa, tình cảm trong gia đình cũng thế, nó nhạt nhạt, nhẽo nhẽo làm sao đó ! Có khi nhìn bề ngoài rất đẹp nhưng mà bên trong đang đứng trước bờ vực của ly tan mà người ngoài không tài nào thấy được.
Ngoài đời là thế ! Gia đình là thế ! Còn trong nhà tu thì sao ? Thật ra nhà tu ngày nay do ảnh hưởng của tục hoá tràn ngập vào bốn bức tường của tu viện để rồi tình cảm của những người đi tu, của những người dâng hiến không còn tinh tuyền, không còn đẹp như xưa nữa. Chuyện này là chuyện hết sức tế nhị và nhạy cảm, không nên nói ra. Chỉ có mỗi người tự vấn trước mặt Chúa và trước mặt lương tâm thì mới thấy mà thôi. Và cười ra nước mắt khi nói đến chuyện Chúa và lương tâm. Hình như "gần chùa gọi bụt bằng anh" hay sao đó nên ở gần Chúa nên người ta quá xem thường Chúa và coi Chúa ngang hàng ngang lứa. Nếu có Chúa thật thì tu sĩ, linh mục đâu có cư xử như thế với anh chị em cùng đi tu với mình, cùng dâng hiến với mình như thế !
Một lãnh vực hết sức gần gũi với con người đó là chuyện xây dựng. Nhan nhản các công trình bị rút ruột, bị ăn sắt, ăn thép nên chất lượng chẳng ra làm sao cả. Có những phóng sự trình chiếu trên tivi thật nực cười : cọc bê tông nhưng ở trong thay vì cốt thép người ta làm bằng tre !
Một lần đang ngồi học trong nhà dòng, cả thầy và cả trò giật bắn người khi nghe một tiếng nổ cái "đùng". Tưởng cái gì, hoá ra là gạch dưới nền chẳng hiểu sao bỗng nhiên bị nổ tung lên hết. Mọi người đến xem, hoá ra là ở dưới nền người ta trộn hồ toàn là cát chẳng thấy xi măng đâu cả. Ngước mắt nhìn lên toà nhà tu viện được xây trước ngày "miền Nam hoàn toàn giải phóng" sao mà nó vững chải thế, sao mà nó kiên cố thế ! Lẽ ra với máy móc hiện đại, kỹ thuật tiên tiến thì phải tốt hơn ngày xưa chưa có nhiều máy móc như bây giờ chứ !
Thì ra là ngày hôm nay, người ta đánh mất cái nền tảng, cái đá tảng của căn nhà, của tâm hồn và của cuộc đời.
Trang tin mừng khá ngắn mà Thánh Matthêu vừa thuật lại cho chúng ta thấy rõ sự chọn lựa, sự cắt đặt của Chúa cho nền tảng của Giáo Hội.
Sở dĩ Giáo hội luôn bền vững và tồn tại dù trải qua không biết bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu bão tố là vì Thiên Chúa đã biết và đã chọn đúng nền móng cho toà nhà Giáo Hội. Thiên Chúa là một chủ đầu tư thật tuyệt vời, Chúa không phải như những nhà đầu tư trần gian đã không biết "chọn mặt gửi vàng". Chúa nhìn người và Chúa biết người, dẫu rằng một Phêrô thật mong manh và mỏng dòn, nóng tính và vồn vập nhưng Phêrô đã sống trọn vẹn niềm tin của mình vào Chúa và vẹn tròn niềm tin của Chúa đặt nơi Ngài.
Vì sao như thế ? Vì chính Thánh Phaolô trong thư của Ngài gửi tín hữu Rôma một lần nữa minh xác cho chúng ta rằng : "Sự giàu có, sự khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được ? Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ?" (Rm 11, 33-35). Chính vì Thiên Chúa khôn ngoan và thông suốt, Ngài thấy rõ lòng của con người nên Ngài quyết định. Ngài đã ra nghị quyết nào là nghị quyết ấy thật chính xác, thật khôn ngoan chứ không phải ra rồi lại đổi. Ngài giàu lòng thương xót, chậm bất bình và giàu ân sủng. Thiên Chúa đã tin Phêrô và giao con thuyền Giáo Hội cho Phêrô. Thiên Chúa khôn và Phêrô cũng khôn. Nếu như Phêrô tự cao tự đại, tự mãn thì Phêrô không kê cuộc đời của mình vào Chúa nhưng đàng này Phêrô đã tín thác vào Chúa và để cho Chúa quan phòng cuộc đời của mình. Thật sự "đá tảng" Phêrô đã quá tuyệt vời, đã quá khôn ngoan để dựa cuộc đời mình vào cuộc đời của Chúa. "Đá tảng" Phêrô đã quá khôn ngoan để dựa vào "viên đá thợ xây loại bỏ đã trở thành đá tảng góc tường" là chính Chúa Giêsu.
Chính "viên đá thợ xây loại bỏ" mà Phêrô đặt vào là viên đá thật làm cho nền tảng Giáo hội được bình an, được vững chắc !
Nhìn lại những thực tại của xã hội, của con người chúng ta thấy đau đau làm sao đó trong cõi lòng, đau nhưng mà không nói được và có nói ra thì cũng bị người đời xỉ vả dèm pha thôi. Lý do thực tế nhất đã đưa đẩy xã hội, đưa đẩy con người, đưa đẩy người kitô hữu, đưa đẩy tu sĩ linh mục sống mất phẩm, mất chất phải chăng là đã không biết đặt cuộc đòi của mình vào tảng đá thật là chính Chúa.
Thay vì đặt vào đá tảng thật là Chúa thì con người lại đặt cuộc đời của mình vào những tảng đá như quyền lực, danh vọng, địa vị, tiền bạc ... Với con người, cứ tưởng chừng đá tảng tiền bạc, địa vị, danh vọng là đá tảng thật nhưng thật ra tất cả là đá dỏm. Tin hay không tin còn ở quan niệm của mỗi người. Có ai mang được quyền lực, tiền bạc, địa vị mà bao nhiêu năm tháng đổ mồ hôi, sôi con mắt và thậm chí phải thức trắng đêm để mưu mô tính toán chiếm đoạt được của người khác xuống mộ phần chăng ?
Một câu chuyện có thật được một Cha trong Dòng kể lại sau khi đi Tây về kể lại là có an viện nọ ở bên Pháp. Chẳng hiểu sao mà du khách đến đan viện thấy cảnh trong tu viện buồn tẻ và u uất đến thế ! Thấy cảnh tượng như thế ai cũng buồn nản. Đan Viện Trưởng bắt đầu cải tổ lại đời sống trong đan viện bằng cách lấy lại đời sống thiêng liêng, đời sống đạo đức, cầu nguyện thì tình hình bắt đầu thay đổi. Từ ngày ấy các vị ẩn sĩ thay đổi đời sống, họ yêu thương nhau hơn và chính tình yêu của họ đã lan toả đến tất cả những người đến thăm đan viện.
Lý do chính để đánh mất đi cái bầu khí yêu thương hiệp nhất trong đan viện đó chính là vì các đan sĩ đã không còn bám vào Chúa nữa. Khi và chỉ khi người ta đánh mất Chúa, đánh mất đá tảng thật của mình thì mới đâm ra đố kỵ, hơn thua, tranh giành, chà đạp, nói hành nói xấu nhau. Nếu có Chúa thật ở trong mỗi đan sĩ của đan viện thì chắc có lẽ không xảy ra tình trạng bi đát trước kia.
Ngày nay đan viện ấy khá nổi tiếng với nhiều du khách khi đặt chân đến thăm viếng đan viện. Đan viện ấy không phải nổi tiếng vì sầm uất, vì hoành tráng nhưng đan viện ấy nổi tiếng vì đã có một đời sống mật thiết gắn kết với Chúa.
Là giáo dân, tu sĩ hay linh mục cũng mang trong mình cái phận người mỏng dòn, mong manh và yếu đuối như Phêrô nhưng chúng ta có biết chỗi dậy sau những lần vấp ngã, sau những lần chối Chúa như Phêrô hay không ? Chúng ta có dám thỏ thẻ với Chúa như Phêrô đã từng thỏ thẻ với Thầy : "Thầy ơi, tin con đi con yêu mến Thầy, tình con tuy phôi pha nhưng chân thành thiết tha !".
Với Chúa, với anh chị em đồng loại cũng vậy, nếu như chúng ta sống với nhau bằng một lòng tin chân thành, một lòng tin thiết tha thì dù tình chúng ta có phôi pha đi chăng nữa nhưng cuối cùng Chúa cũng như anh chị em đồng loại sẽ tin và yêu chúng ta như Chúa vẫn tin và yêu Phêrô như vậy. Chỉ ngại chăng là chúng ta cứ theo cái thói tục của thế gian là sống không chân thành với anh chị em đồng loại đã đành mà còn không chân thành với Chúa nữa mới chết !
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt cuộc đời chúng ta vào đá thật hay đá dỏm.
Nguyện xin Thánh Phêrô giúp chúng ta biết bắt chước như Ngài là đặt cuộc đời chúng ta vào đá tảng là Thầy Chí Thánh như thánh nhân đã từng đặt.
Nguyện xin Chúa Giêsu là viên đá góc, viên đá tảng giúp mỗi người chúng ta biết đặt cuộc đời chúng ta vào đá tảng thật là Chúa.
LM Anmai, CSsR (vietcatholic.org)
1846 20-08-2011 20:42:12