THÀ MẤT ĐỂ ĐƯỢC
Mt 16, 21 - 27
"Thả con tép, bắt con tôm" dường như là cách sống của nhiều người qua nhiều thời đại. Nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay, người ta lại càng thích theo cách sống này hơn. Người ta sẵn sàng hy sinh cái nhỏ hơn để được cái lớn hơn. Dầu vậy, dường như người ta chỉ quanh quẩn bên những gì chóng tàn. Người ta quên rằng cho dù được cả thế giới này đi chăng nữa rồi cũng có ngày tiêu tan.
"Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?" , có thể nói đây là lời cảnh báo mà Chúa Giêsu muốn nói với tất cả chúng ta. Cách riêng là với những ai chỉ biết quanh quẩn với những gì chóng qua ở đời này. Chắc hẳn lời cảnh báo này ít nhiều gì cũng làm cho ta suy nghĩ.
Nhìn lên Chúa Giêsu ta sẽ thấy chỉ vì yêu thương mà Người sẵn sàng chịu mất tất cả. Là Ngôi Hai Thiên Chúa nhưng Người đã tự nguyện từ bỏ để đến sống trong thân phận con người hèn yếu. Để rồi Người đành chịu mất vinh quang mà chọn lấy thập tự giá. Quả thật, không ai trong chúng ta có thể hiểu nổi sự hy sinh cao cả đó. Bằng chứng là Phêrô đã đứng ra can ngăn không cho Người lên Giêrusalem.
Chúa Giêsu đã chịu mất tất cả cho ta được hưởng nhờ sự sống. Phần mình, chúng ta có dám chịu mất tất cả vì Chúa chăng? Nếu đã thật sự cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chắc chắn chúng ta sẽ dám hy sinh vì Chúa.
Đúng ra những gì chúng ta để mất chỉ là những gì không có lợi cho ta. Sở dĩ, một cô gái dám từ bỏ những chàng trai khác theo đuổi mình để chọn lấy một người ăn đời ở kiếp với mình chỉ vì cô muốn mãi mãi được sống bên người mình yêu. Thánh Augustinô đã nói: " Lạy Chúa, tâm hồn con băn khoăn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa". Hạnh phúc thật là được sống trong tình yêu của Chúa. Muốn được như vậy không cách nào khác là ta phải đành chịu mất những gì khiến cho ta không được sống mãi trong tình yêu của Chúa.
Nói đến con đường Chúa đã đi qua không ai dại khờ đến nỗi phải dành nhiều thời gian để hồi tưởng những nẻo đường Chúa đã đi mang tên gì, dài bao xa? Con đường Chúa đi ai cũng biết đó là con đường thập giá. Có nhiều con đường Chúa đi qua, nhưng quốc lộ của Ngài chính là con đường tiến lên đồi Golgotha để chịu án tử. Một con đường quyết định cho nhiều dự định. "Ai muốn theo ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo". Lời Chúa mời gọi sao nghe ngán ngẫm vô cùng cho những ai đã từng đi qua con đường thập giá.
Ai đã một thời nghêu ngao bài hát "Con đường xưa em đi" chắc hẳn sẽ thấy một sự đối lập giữa đường Chúa đi và đường em đi. Nếu "đường xưa em đi" ngập tràn thư tình và nắng ấm, thì con đường Chúa đi chỉ toàn là lời ngạo nghễ và lạnh giá của lòng người. Nếu "đường xưa em đi" hướng về một tương lai rạng sáng, thì con đường Chúa đi mỗi ngày như khép lại những lối bước mịt mờ. Dẫu nhiều người cho đường Chúa là mịt mờ, là đường chẳng mấy ai đi, nhưng Chúa vẫn không ngần ngại mời gọi nhiều kẻ bước theo Ngài. Bởi lẽ đường Chúa đi là con đường thật, là quốc lộ đưa đến hạnh phúc và sự sống đời đời. Con đường thập giá có nhiều hình ảnh để diễn tả. Trong bối cảnh Tin Mừng ta có thể diễn tả đường thập giá là con đường mang 3 chữ "T": Từ bỏ - Tự hiến - Tình yêu.
Đường thập giá là đường từ bỏ
Từ bỏ là chủ động đánh mất điều mình đáng được hưởng. Từ bỏ cũng có nghĩa là tự ý tách lìa những gì mình đang quyến luyến để được vươn cao tới sự sống mới. Không ai dại dột bỏ hết để rồi trở nên trống không. Từ bỏ cái cũ để được cái mới hơn, từ bỏ cái nhỏ nhen để được cái lớn lao. Vẫn có quy luật quân bình trong cuộc sống nhưng con người thật khó từ bỏ vì không ai chịu gạt bỏ cái mình đang sở hữu. Người ta vẫn nói cái sở hữu không lớn bằng cái đủ vì vậy mà ai ai cũng tranh nhau ra sức kiếm tìm. Ta vẫn thích chất chứa cho đầy, dự trữ cho nhiều để tìm cảm giác an thân. Nhưng rồi càng chất đầy thì càng thêm gánh nặng, càng tích góp thì càng bị oằn vai.
Từ bỏ mình đó là từ bỏ những toan tính của con người để sống theo tinh thần của Thiên Chúa. Không phải vô cớ mà Chúa Giêsu kêu gọi từ bỏ. Phêrô muốn Thầy mình thực hiện như điều ông đã nghĩ. Oâng không muốn Thầy lên Giêrusalem, không muốn Thầy mình phải chết như thế. Ông muốn lèo lái Thầy mình đi theo con đường của ông. Nhưng đường lối của con người không phải là đường lối của Thiên Chúa. Tinh thần từ bỏ cao nhất chính là đi tìm và làm theo ý Chúa.
Đường thập giá là đường tự hiến
Đỉnh cao của sự từ bỏ là tự hiến chính mình. Từ bỏ những thứ của mình thật là đáng khen, nhưng từ bỏ ngay chính mạng sống của mình quả là điều đáng nễ phục. Chúa Giêsu thực hiện ý định Chúa Cha cách trọn vẹn chứ không theo kiểu nửa vời. Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Con đường tự hiến của Chúa đã khai mở sự sống cho nhiều người. Giá trị của sự tự hiến là tìm được sự bình an cho tâm hồn, niềm vui cho trái tim, niềm xúc cảm trong từng hơi thở.
Lịch sử phải biết ơn những con người đã mạo hiểm, những người dám giã từ cuộc sống yên ổn để dấn thân phục vụ lợi ích cho nhân loại. Nếu không có những người dám liều mình thì những phương thuốc chữa bệnh đã không thành tựu. Nếu không có những bà mẹ sẵn sàng liều mình thì chẳng có đứa trẻ nào được chào đời. Có nhiều của dâng tiến, nhưng của dâng duy nhất có giá trị hơn hết vẫn là sự sống của mỗi người.
Đường thập giá là đường tình yêu
Tự ban đầu thập giá là dấu chỉ của khổ hình ô nhục. Nhưng thập giá có Chúa Giêsu giờ đây đã trở thành thánh giá cho cuộc đời. Một con người luôn từ bỏ và tự hiến cho nhân loại đã biến khổ nhục thập giá thành biểu tượng cho tình yêu. Một tình yêu cao cả nhất trong mọi thứ tình yêu. Chúa Giêsu đã chọn sự ô nhục nhất của con người làm phương thế minh chứng tình yêu lớn lao nhất của Thiên Chúa. Chính tình yêu đã làm cho sự từ bỏ và tự hiến một giá trị cứu độ. Nếu không có tình yêu thì tôi sẽ không đi hết con đường Chúa đã đi. Không có tình yêu, con đường thập giá sẽ trở nên vô nghĩa.
Văn hào Victor Hugo đã khẳng định: "Thế giới không có người biết yêu thì mặt trời sẽ tắt". Khi nhìn lại thập giá đời mình, có khi ta lấy làm tự hào vì đã được đồng hành cùng khổ nạn với Chúa. Có khi ta cuộc đời như tắt lịm vì thánh giá cứ vây quanh. Sự chối từ, ngán ngẫm không phải vì thánh giá quá nặng nhưng chỉ vì ta thiếu tình yêu.
Trên thánh giá máu và nước chảy ra, là dấu chỉ ơn cứu độ tuôn tràn trên nhân loại. Từ trên thánh giá hận thù đã xoá bỏ. Từ trên thánh giá tội lỗi con người đã được tha. Từ trên thánh giá Chúa Giêsu gọi mời mỗi người cùng chia sẻ nỗi đau và sứ mệnh vơiù Ngài, bằng cách vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ngài.
Đường xưa Chúa đi khó khăn không phải vì ngăn sông cách núi nhưng vì đòi hỏi rất nhiều hy sinh. Trong đó tinh thần từ bỏ, tự hiến và con tim đong đầy tình yêu là điều kiện không thể thiếu. Dù ta có tự hào hay ngán ngẫm thì Chúa vẫn luôn gọi mời hãy vác thập giá mỗi ngày mà bước theo. Lạy Chúa, con biết con không thể làm anh hùng trong phút chốc. Xin cho con biết khiêm tốn với chính mình để tập bước đi trên con đường xưa Chúa đã đi.
Đường thập giá vẫn là cái nghịch lý mà những người Kitô hữu phải chọn lựa và chấp nhận. Ai cũng muốn tạo một cuộc sống hạnh phúc theo nghĩa trần gian, xây dựng một cuộc đời dễ dãi với những phương tiện văn minh tiến bộ. Ít có người muốn dành cho mình sự khó khăn và chông gai. Đoạn Tin Mừng Mt 16,21-27, Phụng vụ Chúa Nhật 22, năm A trích đọc cho chúng ta thấy cái nghịch lý ấy:
Vẫn là một thách đố
Theo Đức Kitô nghĩa là chấp nhận một cuộc sống của Chúa: "Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình,vác thập giá mà theo Ta ". Thập giá là thách đố, các môn đệ và những người theo Chúa phải vượt qua và dõi theo. Chấp nhận thập giá là chọn Chúa Giêsu. Cái trớ trêu vẫn là con người vừa muốn theo Chúa nhưng lại không muốn chấp nhận thập giá.Bằng chứng Phêrô,vị tông đồ trưởng sau khi được Chúa Cha mạc khải, đã nói lên lòng tin không tiền khoáng hậu của mình đối với thầy chí Thánh Giêsu : " Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống". Lời tuyên xưng của Phêrô đã làm nổi bật vai trò lãnh đạo và được Chúa cất nhắc làm đầu Giáo Hội: " Con là đá, trên đá này, Ta sẽ xây dựng Hội Thánh của Ta và cửa hỏa ngục sẽ không thắng nổi.Ta trao cho Ngươi chìa khóa nước trời,sự gì con cầm buộc dưới đất trên trời cũng cầm buộc.Sự gì con tháo cởi dưới đất,trên trời cũng tháo cởi". Tuy nhiên, sau lời tuyên xưng của Phêrô,Chúa Giêsu lại loan báo về cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúa không muốn cho Phêrô và các môn đệ sống trên chiến thắng vì lời tuyên xưng,nhưng các ông phải trở về với thực tế của con đường thập giá. Phêrô chưa hiểu gì về đường thập giá Thầy mình sẽ phải chịu theo ý Chúa Cha để cứu độ nhân loại. Nên, Phêrô đã cản ngăn đường đi của Chúa,nghĩa là ngăn con đường thập giá Chúa phải thực hiện để cứu rỗi con người. Chúa đã quở trách Phêrô là satan,là người chỉ nghĩ theo ý trần gian mà không có tư tưởng của Thiên Chúa. Đây vẫn là thách đố nặng nề của Phêrô và mọi người vì ai cũng muốn dễ dãi, sung sướng mà ít khi chấp nhận gian khổ, thử thách, chông gai.
Nhưng Thập Giáo vẫn là con đường phải chọn
Thập giá dù là gỗ, sắt, cây hay bông vẫn nặng nề. Vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa đòi hỏi con người phải phấn đấu, hy sinh, quả cảm,từ bỏ. Quả cảm để anh dũng vác thập giá nghĩa là chối bỏ, khử trừ những thói hư, tật xấu, những đam mê, ích kỷ để bước theo Chúa Giêsu.Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi như lời thánh Phaolô nói quả thực đã thúc đẩy con người có lòng tin chấp nhận con đường của Chúa Giêsu đã chọn, con đường thập giá để thực hiện kế đồ cứu rỗi. Chúa Giêsu có thể phán một lời hay chỉ nói lên một lời là mọi sự có và hoàn tất. Nhưng Ngài không làm thế, Ngài đã chọn cách nhập thể làm người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi và đã chấp nhận kiếp sống làm người nghĩa là chấp nhận mọi rủi ro,mọi sự có thể xẩy ra trong cuộc sống làm người. Thập giá là con đường Chúa chọn để mang lại hạnh phúc và ơn giải thoát cho con người. Nên, theo Chúa là chấp nhận chọn lựa thập giá làm lẽ sống của đời mình: " Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi ".
Vẫn là cám dỗ của con người muôn thưở
Con người thích sống dễ dãi và thỏa hiệp. Đường rộng dẫn tới hư vong. Biết thế,nhưng con người muôn thuở vẫn thích sung sướng hơn khổ đau,vẫn ham giầu có hơn nghèo khó. Con người vẫn thích những gì mau chóng, dễ dàng hơn là những điều bắt con người phải suy nghĩ, nặn óc và đòi hỏi cố gắng, phấn đấu. Những thành công có tính hời hợt,danh vọng mau qua và những giải pháp mau chóng, dễ dãi vẫn là những sự việc được con người dễ chấp nhận hơn là đòi con người phải hy sinh, từ bỏ. Người ta thích trúng số, thích ăn không, thích sung rụng hơn là phải vất vả đổ mồ hôi để kiếm sống. Tất cả những điều ấy đều là những cám dỗ muôn thuở của con người.Thập giá,con đường hy sinh, từ bỏ, phấn đấu vẫn luôn là thách đố cho con người phải chọn lựa.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Cha Maurice Bertain sinh năm 1869, vốn là con trai một gia đình giầu có tại thủ đô Paris nước Pháp. Sau khi tốt nghiệp trường Bách khoa, chàng trai hăng hái gia nhập binh chủng hải quân, đi thực tập trên một chiếc tầu chiến với quân hàm trung úy. Khi cập bến Nagazaki của Nhật bản, anh tò mò tìm đường vào viếng thăm một ngôi nhà thờ của Dòng Phanxicô, trong đó có lưu giữ một số hài cốt của các thánh tử đạo Dòng Phanxicô khi sang truyền giáo tại Nhật. Tâm hồn nhậy cảm của chàng trai đã bị đánh động, từ đó chàng cứ suy tư nghĩ ngợi về đời sống của các nhà truyền giáo.
Sau đó khi quay trở về Pháp, mãn hạn nghĩa vụ, thay vì xin tiếp tục theo binh nghiệp, chàng lại xin xuất ngũ và đi tìm hiểu ơn gọi tại một tu viện Dòng Phanxicô ngay tại Paris. Cứ thế, thầy Maurice Bertain đã vượt qua giai đoạn Nhà Tập, khấn Dòng và theo đuổi các môn Thần học. Sau khi chịu chức linh mục, cha lập tức xin Bề trên cho đi phục vụ nhiều nơi như Canada, Nhật bản, Maroc...
Thế rồi, vào năm 1929, cha đã được cử sang Việt Nam để thành lập Dòng Phanxicô khi vừa tròn 60 tuổi. Mặc dù gặp biết bao khó khăn do chiến tranh và tình trạng nghèo nàn lạc hậu, cha đã tận tụy đi khắp nơi trên đất nước Việt nam để gây dựng, để hình thành các gia đình Anh Em Hèn Mọn. Cha là một nhà tu hành thánh thiện, đồng thời còn là một kiến trúc sư tài ba, một nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Các công trình vật chất cũng như tinh thần của cha ở Vinh, Thanh Hóa, Nha trang lần lượt được gây dựng trong suốt 30 năm dấn thân phục vụ không nghỉ ngơi đang lúc tuổi cha ngày một cao, sức tàn lực kiệt.
Cha đã tạ thế ngày 8.7.1968 tại tu viện Phanxicô Nha Trang, hưởng thọ 99 tuổi, sau 71 năm khấn Dòng, trong đó đã có đến 39 năm phục vụ và hy sinh tại Việt Nam, quê hương yêu quý thứ hai của cha.
Cha Maurice đã bỏ tất cả để lên đường theo tiếng gọi của Thiên Chúa và cha đã hội đủ điều kiện phải có để theo Đức Giêsu như Ngài đã nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo... còn ai liều mất mạng sống mình vì thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy..." Phục vụ là luôn sẵn sàng ra đi không phân biệt nơi chốn, không tìm tiện nghi, không chọn dân tộc nào nhưng chỉ nhìn vào nhu cầu, sự cần thiết để lên đường dù biết điều đó có thể nguy hại đến tính mạng, phải trải qua nhiều gian nguy. Nhưng con người tông đồ không lùi bước để đạt tới lý tưởng, để thực thi ý Chúa, để bước theo dấu chân của Thầy mình. Vì Lời Thầy chí thánh luôn văng vẳng bên tai, luôn thúc giục trong tâm hồn.
Phêrô xưa đã ngăn cản Chúa vì ông sợ sự nguy hiểm, sợ mất sự sống nhưng Chúa đã cảnh cáo ông với những lời mạnh mẽ: "Xatan lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài người."
Thế nào là tư tưởng của Thiên Chúa và đâu là tư tưởng của con người. Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy rõ sự khác biệt đó nếu chúng ta biết lắng nghe lời Ngài để hiểu, để cảm nghiệm được và nhờ đó sẽ tìm ra ý Thiên Chúa và quyết tâm thi hành.
Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết đón nhận lời cảnh giác của Chúa nơi thánh Phêrô như là lời Ngài nói với chính mỗi người để chúng ta luôn hăng say ra đi phục vụ và làm cho tình yêu của Thiên Chúa được lan tỏa khắp nơi.
Sr Margareta Maria Hiền
MẤT TRƯỚC ĐƯỢC SAU
Mt 16, 21-27
Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Nhưng làm thế nào để được và không mất thì không phải ai cũng biết cách làm. Vì không phải cứ thu vào là được. Không phải cứ buông ra là mất. Trái lại rất nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều.
Đó hầu như là qui luật trong đời sống hằng ngày. Ta dễ hiểu điều này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhà đầu tư muốn được lợi nhuận cao, sẽ không giữ kỹ tiền của trong nhà, buộc chặt lại rồi đem chôn giấu đi, trái lại phải huy động hết vốn liếng hiện có trong nhà đổ vào đầu tư. Vốn lớn thì lời mới lớn.
Muốn được phải chịu mất trước. Đời sống đạo đức không đi ra ngoài qui luật đó. Đức Giê su dạy ta : Ai muốn theo Thày, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo.
Đi theo Chúa là đi vào con đường của Chúa.
Con đường của Chúa là con đường từ bỏ. Cuộc đời Đức Giêsu, Thày Chí Thánh là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống đất. Từ bỏ địa vị Thiên chúa để làm người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Đức Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Đó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ. Hình ảnh Người chết treo trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng. Không còn một chút hơi thở. Không còn một giọt máu. Không còn một chút danh dự. Không còn gì cả.
Con đường của Chúa là con đường thánh giá. Người đã ôm lấy thánh giá và vác. Không phải chỉ là thánh giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, nhưng là thánh giá cuộc sống trải dài suốt đời người. Thánh giá kiếp người. Thánh giá kiếp nghèo. Thánh giá bị chống đối. Thánh giá bị hiểu lầm. Thánh giá bị bỏ rơi. Thánh giá bị phản bội. Thánh giá thách thức. Thánh giá thất bại. Thánh giá oan ức. Thánh giá tủi nhục. Thánh giá cô đơn. Thánh giá nặng lắm nên nhiều lần Người ngã xuống. Thánh giá ghê sợ lắm nên Người muốn chối bỏ. Nhưng rồi Người lại đứng lên tiếp tục vác đi cho đến cùng, cho trọn con đường.
Nhưng nếu đường của Đức Giê su chỉ dừng tại đây thì đó là một con đường bế tắc. Nếu định mệnh của Đức Giê su kết thúc tại Núi Sọ thì đó là một định mệnh diệt vong. Không con đường của Chúa còn là con đường phục sinh. Định mệnh của Chúa là một định mệnh vinh quang.
Con đường thánh giá là con đường dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Thánh Phao lô đã hiểu biết tường tận con đường của Đức Giêsu nên đã nói : Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" (Pl 2:6-11).
Cũng thế, khi mời gọi ta bước theo Người, Người không muốn ta đi vào tàn lụi diệt vong, nhưng muốn ta triển nở đến viên mãn. Nên Người nói tiếp : Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.
Như thế từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.
Thánh Phanxicô Khó Nghèo đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ : Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình để được chính Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của con.
Gm Giuse Ngô Quang Kiệt
MẶT TRÁI CỦA TIN MỪNG CHÚA KITÔ
Mt 16, 21-27
Tại Xêdarê Philípphê, ngay sau khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các môn đệ biết "mặt trái của Tin mừng"- điều mà các ông không hề hay không muốn nghĩ đến, bởi nó đi ngược lại cách suy nghĩ thông thường của con người. Mặt trái của Tin mừng là gì nếu không phải là việc vinh quang nước Thiên Chúa chỉ được thiết lập trên thập giá thông qua khổ hình và cái chết của Chúa Giêsu. Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn các môn đệ hiểu rõ chân lý nền tảng này hầu các ông hiểu rằng bước theo Thầy là bước theo thập giá, là vác lấy thập giá, là từ bỏ chính mình chứ không phải bước trên con đường thênh thang trải đầy hoa hồng, được lát gạch danh vọng, vinh hoa và phú quý...
Việc Chúa Giêsu cho các môn đệ biết hành trình lên Giêrusalem chịu khổ hình đánh dấu một giai đoạn mới trong sứ vụ của Người ở trần gian. Chắc hẳn từ sau khi Phêrô tuyên xưng niềm tin và được Chúa Giêsu đặt tên mới đồng thời được cất nhắc lên làm viên đá tảng có đủ quyền "cầm buộc và tháo cởi", ông cũng như các môn đệ khác đang say đắm, đang ngụp lặn trong ánh hào quang quyền uy và danh vọng. Các ông nghĩ rằng đã đến lúc Thầy của mình "dấy binh khởi nghĩa", thâu tóm quyền bính, đánh đuổi quân xâm lược, đem lại nền thái hoà thịnh trị cho dân tộc Israel. Và khi đó, dù không nói ra nhưng các ông biết là, các ông sẽ có đầy đủ vương quyền và vinh hoa phú quý để cùng với Thầy cai trị nước Israel vĩ đại.
"Thầy phải lên Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại". Lời loan báo của Chúa Giêsu khác nào gáo nước lạnh tạt thẳng vào bộ mặt đang rạng rỡ, đang ngập ánh hào quang của các môn đệ khi vừa mới đây thôi, câu nói của Thầy vẫn còn đó. Đây qủa là đại hoạ, các ông nghĩ thế. Bởi lên Giêrusalem khác nào đi vào chỗ chết vì nơi đó là kinh thành, là cơ quan đầu não của các kỳ mục, thượng tế và kinh sư - những người vốn chẳng ưa thích gì cách giáo huấn của Thầy mình. Cần phải can thiệp thôi trước khi quá muộn. Phêrô chắc bẩm rằng lời khuyên của mình đương nhiên là lời khuyên của kẻ "cầm buộc và tháo cởi" nên chắc cũng có trọng lượng trong lúc này. Vì thế ông dõng dạc lên tiếng, mượn danh Thiên Chúa để xin Thầy suy nghĩ lại, đừng để chuyện ấy xảy đến.
Chúng ta thấy, nếu câu nói đầu của Phêrô là lời tuyên xưng, là lời của Thần Khí thì câu nói sau lại là lời của loài người, lời cản trở và cám dỗ. Câu nói trước đưa Phêrô lên tột đỉnh vinh quang, còn câu nói sau đưa ông trở về đúng với thân phận của một người bước theo Thầy. Chúa Giêsu gọi Phêrô là Xatan, bởi lời can ngăn của ông gợi lại câu chuyện xảy ra trong hoang địa- nơi Chúa Giêsu bị Xatan cám dỗ để thờ lạy nó (x. Mt 4, 1-11). Xét cho cùng, tội Xatan cản lối của Phêrô cũng xuất phát từ tấm lòng nhiệt thành và lối suy nghĩ rất con người - một lối suy nghĩ xuất phát từ tính ích kỷ mang đậm nét của ý tưởng loài người và, vô hình trung, đó cũng là đường lối mà Xatan ưa thích để khuyên dụ con người.
Chúa Giêsu không chỉ khiển trách Phêrô, Người còn minh thị rõ ràng về điệu kiện cần phải có để theo Chúa. Theo đó, những ai muốn bước theo Chúa, cần phải từ bỏ chính mình và vác lấy thập giá. Chúng ta chú ý đến hai động từ "đi theo" và "vác". Trước hết người môn đệ cần phải đi theo Chúa bởi nơi Chúa, họ mới tìm thấy một vị tôn sư đích thực- điều không hề tìm thấy nơi các vị kinh sư Dothái lúc bấy giờ; họ đi theo Chúa bởi chính Người đã chọn gọi họ để họ cộng tác với Người, làm chứng cho chân lý và cùng nhau xây dựng một trời mới đất mới. Thế nhưng đi theo kiểu như thế cũng chưa đủ mạnh, cần phải bỏ mình và "vác" thập giá của mình nữa. Vác thập giá là gì nếu không phải là từ bỏ cái tôi ích kỷ, những tư lợi nhỏ nhen thấp hèn để mặc lấy chiếc áo của sự công chính và tình yêu hầu có thể hiến thân phục vụ tha nhân cách vô vị lợi; Vác thập giá là gì nếu không phải là chấp nhận những sỉ nhục, những hiểu lầm, những mất mát hy sinh, những khốn khó của cuộc đời để cho danh Chúa được hiển vinh; và, cuối cùng, vác thập giá là gì nếu không phải là hướng đến cùng đích cuối cùng là sự sống hiển vinh, là cùng với Chúa Kytô sống lại trong vinh quang của Người.
Cùng đích của người Kytô chính là cuộc sống hạnh phúc trên nước Trời sau khi trải qua cuộc đời lữ thứ này. Chúng ta tạ ơn Chúa vì hôm nay, Chúa cho chúng ta biết được chìa khoá đích thực để mỗi người có thể tự mở lấy cánh cửa thiên đàng mai sau. Chìa khóa đó là chúng ta được Chúa kêu mời bước theo Chúa. Chìa khóa đó là từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mỗi ngày. Chìa khóa đó là "mặt trái của Tin mừng"- vinh quang của những người trung thành bước theo Chúa Kytô. Chìa khoá đó đang nằm trong tay chúng ta. Vấn đề là, chúng ta có biết cách để mở lối vào thiên quốc hay không...
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb (nguồn vietcatholic.org)
1957 25-08-2011 07:05:14