CON ĐƯỜNG DẪN TỚI SỰ SỐNG
Mt 16, 21-28
Theo Chúa Giêsu, các môn đệ cứ tưởng họ sẽ được nhiều lợi lộc, nhiều đặc quyền đặc lợi. Do đó, đã có cuộc tranh luận gay gắt giữa các môn đệ về việc xem ai làm lớn, xem ai làm bé trong nội các của Chúa Giêsu. Cái trớ trêu của các môn đệ xem ra vẫn luẩn quẩn ở những việc thuộc về trần gian hơn là những việc thuộc Nước Trời. Phêrô đã nhanh nhảu tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống trong miền Xêsarê Philíp trước khi lên đường đi Giêrusalem. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã đặt cho Phêrô một tên mới, tượng trưng cho sứ mạng quan trọng Chúa trao cho Ông:" Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy". Tuy nhiên, trước lời loan báo của Chúa Giêsu về cuộc thống khổ của Người phải chịu. Phêrô và các môn đệ không hiểu gì về ý định của Thiên Chúa. Ông đã cản ngăn Chúa. Phêrô chưa biết con đường thập giá sẽ đưa Ông và nhân loại tới sự sống vĩnh cửu...
MỘT CON ĐƯỜNG. MỘT SỨ MẠNG : Chúa Giêsu đã bất ngờ nói với các môn đệ về ý định của Thiên Chúa Cha sau khi Ngài khen Phêrô đã tuyên xưng đức tin:" Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Đức Kitô đã xác quyết với Phêrô:" Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời"( Mt 16, 17 ). Phêrô đáng được Chúa khen. Tuy nhiên đứng trước lời loan báo về cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu phải chịu theo ý của Thiên Chúa Cha. Phêrô và các môn đệ chưa làm sao hiểu nổi, chưa có thể chấp nhận, chưa cảm nghiệm được. Do đó, Phêrô cương quyết cản ngăn Chúa bằng lời dân dã, tự phát:" Xin Thiên Chúa thương, đừng để Thầy phải chuyện ấy ! "( Mt 16, 22 ). Phêrô và các môn đệ nào có hiểu thế nào là con đường Thầy mình phải đi. Con đường ấy là con đường dẫn tới đồi Canvê, con đường thập giá:" Chúa phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại".Đây là sứ mạng cao cả của Chúa Giêsu: một sứ mạng tình yêu, sứ mạng cứu độ thế gian mà Chúa Cha trao phó cho Ngài. Chúa Giêsu phải thực hiện sứ mạng ấy ngang qua thập giá. Chỉ nơi thập giá mới có ơn cứu rỗi, chỉ nơi thập giá Chúa mới qui tụ toàn thể nhân loại lại với Ngài. Chúa vạch ra con đường. Chúa thực hiện một sứ mạng cao cả nhất của Thiên Chúa Cha. Chúa chỉ thực hiện được sứ mạng ấy qua thập giá. Chúa mời gọi Phêrô và các môn đệ cũng hãy vác thập giá để đi theo Người...
CHÚA MỜI GỌI CÁC MÔN ĐỆ VÀ MỌI NGƯỜI ĐI THEO NGƯỜI: Phêrô can ngăn Chúa, Phêrô trách cứ Chúa. Đối lại Chúa nghiêm khắc khiển trách Phêrô. Sở dĩ Chúa Giêsu có thái độ nghiêm nghị, cương quyết như thế đối với Phêrô vì Phêrô bỗng trở thành người cản đường Chúa. Phêrô gợi ý cho Chúa một con đường theo ý của Ông, theo ý người đời, chứ không phải theo ý Thiên Chúa. Việc Phêrô cản đường Chúa làm chúng ta liên tưởng đến một Đấng cứu thế như kiểu người Do Thái mong đợi. Họ mong một Đấng cứu thế bách chiến bách thắng, đánh Đông dẹp Bắc, một Đấng Messia làm toàn những chuyện phi thường, những cuộc phô trương lực lượng.
Chúa Giêsu lại là một con người hoàn toàn khác với người ta tưởng, một vị Vua khiêm nhượng, hiền từ cưỡi trên mình lừa.Giờ đây Phêrô làm sống lại điều những người Do Thái mong chờ, Phêrô làm sống lại sự hiện diện của Satan, nhưng Chúa đã hoàn toàn thắng Satan như Chúa đã thắng sự cô đơn ở vườn cây dầu giữa lúc các môn đệ trung tín đều ngủ và đám đông đều lánh xa Người. Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả và thập giá là cái giá Chúa Giêsu phải trả để cứu độ nhân loại. Do đó, tất cả những ai muốn làm môn đệ của Chúa đều phải vác thập giá mà theo Người. Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại một mẫu mực. Người không cắt nghĩa về cội nguồn của khổ đau, nhưng Người đã đón nhận khổ đau và biến đau khổ thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá đã được Chúa biến thành biểu tượng của tình yêu. Đi theo Chúa là phải từ bỏ, vác thập giá của mình mà theo Người. Điều Chúa đòi hỏi Phêrô:" Chúa cũng đòi hỏi các môn đệ và nhân loại phải làm như vậy ". Chúa Giêsu quả quyết với các môn đệ và mọi người rằng:" Không có con đường nào khác để nhận ơn cứu độ ngoài thập giá của Người " và " cũng không có con đường nào dẫn tới sự sống ngoài con đường thập giá của Đức Kitô".
Xin cho lời Chúa và sức sống của Chúa giúp chúng ta can đảm vượt thắng mọi sự mà theo chân Chúa Giêsu.
Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Năm 1923, bảy nhà kinh doanh cỡ lớn đã gặp nhau ở một khách sạn của một nhà hàng tại một thành phố ở miền tây nước Mỹ. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh, và dường như họ nói đến một câu châm ngôn : "Có tiền mua tiên cũng được". Nhưng 20 năm sau, điều gì đã xảy đến cho bảy nhà kinh doanh giàu có này ? Người thứ nhất là giám đốc một trong bảy công ty sắt lớn nhất tại Mỹ đã chết vì bị phá sản. Trong những năm cuối đời, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay của người khác. Người thứ hai là giám đốc một công ty chuyên sản xuất vật dụng trong nhà, phải bỏ nước ra đi và chết tha phương cầu thực. Người thứ ba là giám đốc một hãng gas lớn, cũng đã bị phá sản và trở thành một nhân viên quèn. Người thứ tư là giám đốc hãng xuất nhập cảng, cũng chết ở nước ngoài, không một đồng xu dính túi. Người thứ năm là giám đốc một phòng hối đoái lớn tại Niu-Gioóc, vừa bình phục sau một thời gian dưỡng bệnh trong một nhà thương điên. Người thứ sáu là một nhân vật cao cấp trong chính phủ, vừa ra tù trong một vụ dính líu về tội phạm tham nhũng mang tai tiếng. Người cuối cùng trong danh sách bảy nhà kinh doanh thành công nhất của Hoa Kỳ trong thập niên hai mươi, cũng tự kết liễu cuộc sống của mình.
Bức tranh trên đây không hẳn là số phận tất yếu cho sự giàu có nhất. Có biết bao người giàu có đã có một cuộc sống an lành, hạnh phúc. Tiền bạc, của cải tự nó không là gì cả. Ai trong chúng ta cũng cần phải có tiền bạc để sống xứng đáng với cuộc sống của mình. Sự túng thiếu, bần cùng là một sự dữ mà Thiên Chúa không muốn con cái Ngài phải vướng mắc vào. Tuy nhiên, tiền bạc của cải vẫn luôn là con dao hai lưỡi. Nếu được sử dụng như một phương tiện, tiền của sẽ giúp cho chúng ta sống đúng với phẩm giá của mình hơn, trái lại, khi chúng ta chạy theo tiền của như một cứu cánh cho cuộc đời, nghĩa là chúng ta tôn thờ nó như thần tượng mà quên đi những giá trị khác trong cuộc sống, một lúc nào đó, sự phá sản về vật chất cũng như tinh thần là điều tất yếu.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở : "Nếu người nào được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ?", hoặc "Được tất cả mọi sự mà mất linh hồn thì ích gì ?". Qua những lời trên, Chúa muốn kéo chúng ta cho cuộc sống mai hậu, hãy đầu tư tất cả cho cuộc sống vĩnh cửu, hãy hướng tất cả mọi sự vào nước trời mai sau. Tóm lại, hãy dùng tiền của và cư xử thế nào để không những ích lợi cho đời sống hiện tại mà cho cả linh hồn và cuộc sống mai sau nữa.
Đối với sự vật, người ta có thể nhìn bằng hai cách khác nhau : người giàu có thường tham lam, muốn thu tích cho thật nhiều tiền của, vì lòng tham của họ không bao giờ được thỏa mãn. Thu tích cho nhiều mà lòng vẫn không toại nguyện, bởi vì họ không còn khả năng nhận thức giá trị đích thực của đồng tiền, của sự vật nữa. Trái lại, người nghèo mà có tâm hồn thanh thoát, không ham hố tiền của, sẽ nhìn thấy giá trị đích thực của mọi sự trên đời. Dưới mắt họ, tất cả đều có giá trị, nhưng chỉ là một giá trị tương đối. Tất cả phải đặt vào một trật tự hợp lý trong tương quan với con người.
Tiền của là để phục vụ con người, để giúp con người sống và chu toàn sứ mệnh được trao phó trong hoàn cảnh mà Thiên Chúa đặt họ vào. Nhưng một khi tôn sùng tiền của, con người sẽ phá hủy giá trị và ý nghĩa của chúng, đồng thời đánh mất giá trị của chính bản thân và ý nghĩa cuộc đời mình. Thực vậy, vì tiền bạc, người ta có thể chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác; vì tiền bạc, người ta có thể chối bỏ cả niềm tin. Đó là nguy cơ mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào.
Vì thế, chúng ta cần sáng suốt để thấy được bậc thang giá trị của tiền của trong cuộc sống. Chúng ta cần can đảm để trong khi mưu tìm tiền bạc, của cải vật chất, chúng ta có đủ nghị lực khước từ mọi hành động bất chính, mọi thỏa hiệp với lừa đảo, gian trá. Chúng ta cần quảng đại để biết mở rộng cõi lòng và đôi tay mà chia sớt, san sẻ cho những người anh em túng nghèo khốn khổ hơn.
"Được lợi cả thế giới mà thiệt mất linh hồn thì ích gì ?". Chúng ta phải luôn nhắc nhở mình điều đó : không bao giờ được quên mối tương quan giữa của cải vật chất và đời sống tinh thần, không bao giờ được quên mới tương quan giữa cuộc sống đời này và đời sau : sẵn sàng hy sinh của cải vật chất để bảo đảm linh hồn chứ không bao giờ hành động ngược lại : sẵn sàng hy sinh đời này chứ không bao giờ để mất đời sau. Chúng ta cần lợi dụng từng giây phút, cần hoàn tất từng công việc, dù nhỏ mọn đến đâu, để làm giàu cho cuộc sống, để làm cho đời mình có được giá trị vĩnh cữu. Chúa không cấm chúng ta làm giàu, không cấm chúng ta có nhiều tiền bạc, của cải. Nhưng Chúa dạy chúng ta đừng chỉ lo làm giàu trước mặt người đời mà thôi nhưng còn phải lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa nữa, bằng một cuộc sống siêu thoát và thánh thiện, bằng một cuộc sống quảng đại, rộng tay chia sẻ và phục vụ. Đó là cách đầu tư bảo đảm cho gia nghiệp đời mình mai sau.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
Đây là chủ đề của phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 22 năm A này. Bài đọc I Tiên tri Giêrêmia đã thốt lên: " lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày" (Jer.20,7-9). Sứ mạng Ngôn Sứ của ông là một Thập giá vì ông bị người ta chống đối, lên án nhiều lần và còn bị người ta âm mưu sát hại. Thế nhưng ông vẫn luôn kiên trì với sứ mạng vì " Chúa đã khuyến dụ được con"(c.7). Sang bài đọc II Thánh Phaolô cũng mời gọi Tín Hữu Rôma " Hãy hiến thân mình làm của lễ sống động" (Rm.12,1-2), của lễ đẹp lòng Chúa nhất chính là bản thân mình, đồng nghĩa với lời khuyến dụ của Chúa Giêsu " Hãy từ bỏ mình và vác Thập Gía mình mà theo Ta"(Mt.16,21-27).
Vậy từ bỏ mình và vác Thập Giá theo Chúa là những điều kiện cho những ai muốn làm môn đệ Chúa. Từ bỏ tự nó đã là một qui luật và cần thiết : Muốn mặc áo mới phải bỏ áo cũ, muốn đến nơi kia phải bỏ nơi này, muốn hóan cải thành người tốt phải bỏ những gì xấu xa...Sự từ bỏ là điều thiết thân với cuộc sống, nên muốn làm môn đệ Chúa Ngài cũng ra điều kiện, mà điều kiện tiên quyết là từ bỏ.
Chúng ta từ bỏ cha mẹ, người thân, từ bỏ tài sản và quê hương xứ sở để làm môn đệ Chúa, điều đó tốt và hẳn nhiên, mặc dù những từ bỏ ấy cũng làm cho chúng ta đau sót vì phải chia lìa những gì đã gắn kết với chúng ta nhiều năm. Sự từ bỏ ấy qủa là anh hùng và đáng thưởng như Chúa Giêsu đã trả lời cho Phêrô khi ông hỏi : " Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì?" Chúa Giêsu nói: " Chúng con sẽ được cai trị 12 chi tộc Israel"(Mt.19,28). Thế nhưng điều quan trọng là phải từ bỏ mình vì từ bỏ mọi thứ mà không từ bỏ mình thì kể như không từ bỏ gì cả.
Thật vậy, khi từ bỏ mọi sự mà không từ bỏ mình thì chúng ta sẽ từ từ lấy lại tất cả những gì chúng ta từ bỏ. Chỉ khi cái phần "mình" được bỏ đi, lúc ấy cái phần "Chúa" mới lấp đầy. Càng từ bỏ phần mình bao nhiêu thì phần Chúa càng gia tăng bấy nhiêu. Chúa Giêsu đòi hỏi người môn đệ của Chúa từ bỏ mình hòan tòan để trở nên một Kitô khác như lời Thánh Phaolô nói: " Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi". Từ bỏ mình tức là khước từ lòng tự ái, sự nuông chiều bản thân và từ bỏ mọi thói hư tật xấu.
Từ bỏ mình còn mang ý nghĩa là vác Thập Giá mình, là hòan tòan vâng phục Thánh Ý Chúa trong mọi sự, là chấp nhận đồng số phận tôi tớ với Thầy trong cuộc sống và cái chết. Lời mời gọi này đòi hỏi người môn đệ Chúa một đàng phải liên tục và kiên nhẫn thanh tẩy đời sống và thánh hóa bản thân, đàng khác phải mỗi ngày mỗi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô hơn.
Từ bỏ mình vác Thập giá theo Chúa là đi con đường của Chúa, con đường hiến thân phục vụ, đó là con đường của tình yêu, cho đi chính mình, sự hiến thân mang ý nghĩa tự nguyện như Đức Kitô, vâng phục Thánh Ý Chúa Cha, hiến thân làm của lễ đền tội. Trong ý nghĩa này người môn đệ cũng dám liều mạng sống vì Chúa và vì anh em. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã nói: " yêu là trao ban chính mình". Trái tim chúng ta được tạo nên để mở ra, để yêu thương, nhưng nên nhớ rằng chúng ta không thể yêu thương nếu chúng ta không trao ban chính mình.
Con đường Thập Giá của Đức Kitô đã trở thành cửa ngõ dẫn vào cuộc sống sung mãn nên Ngài mời gọi chúng ta " Ai liều mạng sống mình Thầy sẽ tìm lại được nó"(Mt.16,25). Như người ta kể rằng : Có hai người đi trong sa mạc tuyết, họ phải dựa vào nhau mà đi để tìm hơi ấm kẻo bị chết cóng. Đang đi trong giá lạnh, siêu vẹo thì cả hai đều nghe tiếng rên khe khẽ đâu đây...thì ra một người bị rét cóng quị xuống không lê gót được nữa, nằm chờ chết. Người này bàn với người kia : " chúng ta khiêng anh cùng đi" nhưng người kia nói : " Mình cũng sắp chết đến nơi rồi mà còn đòi giúp ai, hãy đi mau cho kịp qua sa mạc này" và người đó cứ đi còn người kia được thúc đẩy bởi tình yêu đồng lọai, anh đến vực người đó lên vai và đi, đi trong sương tuyết. Nhưng nhờ vác anh ta mà hơi ấm của anh lan tỏa vào mình, và vì phải dùng sức mạnh nên sức nóng tóat ra, anh đã vác người gặp nạn khỏi sa mạc tuyết, cả hai cùng sống, còn người kia vì không chịu nổi cái lạnh giáđã nằm chết cóng tự bao giờ.
Lạy Chúa, chúng con là những người tình nguyện sống theo Chúa, xin giúp chúng con luôn hướng lên Chúa như động lực thúc đẩy chúng con vượt thắng bản thân và mọi thử thách trong đời sống Kitô hữu, dám chấp nhận đánh đổi mọi sự dù là cả bản thân để được chính Chúa. Như thế chúng con mới có thể trở nên môn đệ đích thực của Chúa.
Sr Mai An Linh, OP
CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ
Mt 16, 22-27
Có lẽ không mấy ai trong chúng ta thích nói đến thập giá, và nếu có nói đến thì cũng là để than thở: "Sao mà thập giá của tôi nặng nề thế!". Vâng, thập giá quả là đáng sợ. Hình phạt thập giá là một khổ hình nặng nề và ô nhục nhất dành cho các phạm nhân thời Chúa Giêsu. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi tín hữu Corinthô cũng đã nói, thập giá chính là: "cớ vấp phạm cho người Do Thái, là sự điên rồ đối với dân ngoại" (1 Cr 1, 23), nhưng thánh nhân cũng đã xác tín: "Lời giảng Thập giá, đối với những kẻ đang hư đi, là một sự điên rồ; còn đối với chúng ta, những người đang ở trên đường cứu thoát, lại là quyền năng của Thiên Chúa." (1 Cr 1, 18). Và hôm nay, Đức Giêsu lại khẳng định: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy" (Mt 16, 24). Điều đó, cho thấy, nếu muốn trở thành người môn đệ đích thực của Đức Giêsu, chúng ta không thể đi con đường nào khác hơn con đường thập giá, con đường mà Đức Giêsu, vị Thầy của chúng ta đã đi.
Do đó, trong giờ chia sẻ hôm nay, tôi muốn cùng quý ông bà anh chị em tìm hiểu đôi nét về con đường thập giá của Đức Kitô.
1. CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ CỦA ĐỨC GIÊSU :
Ngay sau lời tuyên tín của thánh Phêrô: "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" mà chúng ta vừa nghe trong tuần vừa qua. Hôm nay, Tin mừng tiếp tục thuật lại lời Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn sắp tới của Ngài. Khi loan báo điều này, Đức Giêsu muốn đánh tan ảo tưởng cũng như những suy nghĩ sai lạc của các tông đồ về sứ mạng của Ngài. Ngài đến để giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, chứ không là một Messia Quân Vương giải thoát dân Israel về mặt chính trị.
Và để làm điều đó, Ngài phải đi con đường thập giá. Đó là con đường của sự vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha cho dù phải chịu đau khổ, sỉ nhục. Ngài nhắc nhở Phêrô: "Con chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người". Tuy nhiên, thập giá không là cùng đích của Chúa Giêsu, nghĩa là Đức Giêsu không tìm đến cái chết, nhưng là ngang qua cái chết để đạt đến một sự sống mới trong Thiên Chúa như lời Ngài quả quyết: "ngày thứ ba thì sống lại". Chính nhờ tình yêu mến nồng nàn, lòng vâng phục tuyệt đối, cùng với sự khiêm hạ thẳm sâu, Đức Giêsu đã biến thập giá, một công cụ của hình phạt trở thành Thánh giá, một biểu tượng của ơn cứu độ.
Như thế, con đường thập giá, một con đường xem ra thất bại trước mắt người đời, nhưng lại là con đường đưa tới sự sống vĩnh cửu. Vì thế, Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta cùng đi vào con đường này để nhận được sự sống đó.
2. LỜI MỜI GỌI ĐI CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ CỦA CHÚA GIÊSU :
Sau khi đã cho Phêrô thấy rõ ý tưởng của ông chẳng phải là ý tưởng của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã lên tiếng mời gọi chúng ta: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mà theo Thầy" (Mt 16, 24). Mời gọi chúng ta theo Ngài, Đức Giêsu đã không hứa cho chúng ta giàu sang phú quý, hay danh vọng, nhưng là mời gọi "vác thập giá mà theo Thầy". Một lời mời gọi xem ra chẳng thích hợp chút nào với con người thực dụng hôm nay, nhưng lại là một chân lý vĩnh cửu.
Thật vậy, con đường thập giá là con đường ô nhục, khờ dại trước mắt người đời. Hay nói theo cách nói của con người hôm nay, đó là con đường của những người không "cù lần", thì cũng "man man". Bước đi theo con đường thập giá là chấp nhận việc đi ngược với mọi lề thói suy nghĩ của mọi người. Vì thế, người môn đệ của Chúa đôi khi cảm thấy thật lẻ loi, cô đơn. Ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc một đã cảm nghiệm thật sâu sắc điều này khi ông nói: "Suốt ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi... Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày.". Dưới áp lực của cuộc sống, và sức nặng của thập giá, người môn đệ cũng có lúc chao đảo như muốn buông xuôi tất cả. Trong đời sống của mình, chắc cũng có lần chúng ta có cùng tâm sự với ngôn sứ Giêrêmia: "Tôi đã nói rằng: "Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa".
Quả thật, với sức riêng mình, chúng ta không thể vác nổi thập giá. Thế nhưng, với ơn Chúa, chúng ta sẽ có thể đi trọn con đường thập giá như lời tạ ơn của tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca: "Chúa đã ra tay trợ phù tôi, để tôi được hoan hỷ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn tôi bám thân vào Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người tôi" (Tv 62, 8-9).
Ngày hôm nay, có lẽ không ai trong chúng ta phải đưa vai ra vác một khúc gỗ thập giá, nhưng Thập giá của chúng ta hôm nay, chính là việc bổn phận hàng ngày. Khi chúng ta chấp nhận người khác làm phiền, làm mất giờ của chúng ta, những khi chúng ta bị hiểu lầm, chống đối...Thập giá đó còn là gánh nặng trong đời sống gia đình: thập giá có thể là một người chồng say sưa, là một người vợ lắm điều, là đứa con khó dạy. Thập giá cũng còn là công việc làm ăn thất bại thua lỗ. Thập giá đó còn là việc rớt một kỳ thi, là trắc trở trong đường tình duyên... và còn nhiều, nhiều nữa. Nhưng trong hết mọi sự, chúng ta hãy kiên trì phó thác cho Chúa, bởi vì Ngài đã hứa: "Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm" (Mt 16, 27). Đồng thời, chúng ta cũng hãy vác đỡ thập giá cho nhau bằng sự cảm thông, nâng đỡ trong cuộc sống hàng ngày.
Đức Giêsu đã đi con đường thập giá và đã trở nên hiến tế đẹp lòng Chúa Cha, đồng thời đem lại ơn cứu độ cho tất cả chúng ta. Do đó, khi đi con đường thập giá của mình chính là lúc chúng ta theo chân Đức Kitô, hiến thân mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa như lời thánh Phaolô mời gọi chúng ta: "Anh em hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa." (Rm 12, 1a). Không những thế, thánh nhân còn khẳng định: "Đó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm."(Rm 12, 1b).
KẾT :
"Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo theo Thầy"
Kính thưa quý OBACE. lời mời gọi này của Chúa Giêsu không chỉ được gởi đến cho các tông đồ cách đây hơn 2000 năm, nhưng còn là một lời mời gọi được gởi đến cho từng người chúng ta, đang hiện diện nơi đây. Hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi từng người chúng ta vác thập giá mình mà theo Chúa. Ý thức sự giới hạn và yếu đuối của mình, giờ đây hướng về Thánh Thể, chúng ta xin Chúa ban ơn trợ lực để chúng ta có đủ can đảm gánh lấy thập giá đời mình, bằng cách chu toàn những việc bổn phận hàng ngày. Ngõ hầu, vào ngày sau hết, tất cả chúng ta cũng được sống lại vinh quang với Chúa trong Nước của Ngài. Amen.
Lm Trần Thanh Sơn (nguồn vietcatholic.org)
1396 25-08-2011 07:02:24