Sidebar

Chúa Nhật

08.09.2024

Chúa Nhật XXII TN A

 

CHÚA NHẬT 22 TN A
Mt 16, 21 - 27

Đọc đoạn Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy tư tưởng chính yếu được đúc kết thành những chữ: từ bỏ mình, vác thập giá mình và bước theo Chúa Giêsu.

Thật vậy, cuộc sống hằng ngày cho chúng ta một kinh nghiệm quá quý giá. Đón là chọn lựa. Cuộc sống là một chuỗi những sự chọn lựa. Chọn lựa đi đôi với từ bỏ. Chọn lấy cái này thì đương nhiên chấp nhận từ bỏ cái kia. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Vì thế, chúng ta không cảm thấy ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu bảo chúng ta: chọn lựa theo Chúa thì phải từ bỏ mình, vác thập giá mình và đi theo Chúa. Xem ra ba điều kiện này hoàn toàn đi đôi với nhau. Cái này không thể thiếu cái kia và ngược lại. Chúng ta thử nghĩ xem: từ bỏ mình, vác thập giá mà không theo Chúa Giêsu cũng không được. Hay theo Chúa Giêsu mà không tử bỏ mình thì càng không được hơn nữa. Do đó cách tốt nhất cho người môn đệ là từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày và đi theo Chúa Giêsu. Chúng ta xem xét những cụm từ này.

Trước hết, chữ từ bỏ mình nghĩa là từ bỏ những gì là của mình, từ bỏ những gì liên hệ thậm chí là gắn bó mật thiết với mình, nó là từ bỏ những gì trở nên chính mìn hay người ta gọi là cái tôi của mình. Để từ bỏ mình thì tôi phải biết mình, biết những gì làm cho tôi bám víu, trì hoãn, không phát triển được đời sống của mình. Lẽ thường, từ bỏ cho ta một cảm giác thật khó chịu, khó lòng và chắc chắn khó khăn. Khó chịu là bởi vì cuộc sống đã làm cho mình trở nên cái nếp, trở nên thói quen nên nếu có thay đổi thì làm cho ta khó chịu. Khó lòng là bởi vì những cái đi theo mình, những sản phẩm mình tạo ra mà lại từ bỏ à! Nếu không có ơn Chúa giúp, ta không muốn từ bỏ mình đâu! Hơn nữa, nếu từ bỏ những thứ đã có sẵn mà làm theo cái mới như Chúa Giêsu đòi hỏi thì quả thực là rất khó khăn.

Tư tưởng của con người là muốn mọi sự dễ dãi, tiện nghi, không vất vả. Cứ nhìn vào cuộc sống hôm nay tôi sẽ thấy rõ điều ấy. Khi xem tivi, tôi muốn ngồi một chỗ và dùng bộ phận điều khiển từ xa, dùng cái Remote, khỏi mất công đi lại điều chỉnh. Hay nếu ngại nấu ăn thì đã có mì ăn liền, có cháo ăn liền, có cà phê uống liền khỏi mất công pha chế. Muốn lên lầu cao thì đã có thang máy, không phải leo lên từng bậc vất vả...Tâm lý thích dễ dãi này tự nó không phải là điều xấu. Trái lại, nó là điều tốt vì nó thúc đẩy những phát minh khoa học để phục vụ đời sống con người nhưng điều đáng nói là người ta lại áp dụng tâm lý thích dễ dãi ấy vào chuyện Nước Trời. Người ta cũng muốn mình chiếm được Nước Trời một cách dễ dàng thoải mái như vậy. Càng ít phải cố gắng, ít phải hy sinh bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Rút ngắn giờ kinh lễ, giảm thiểu việc ăn chay hãm mình, giữ đạo một cách tối thiểu sao cho khỏi sa hỏa ngục là được...như thế là tôi còn quá ấu trĩ. Thỉnh thoảng, thậm chí là lâu lâu đi xưng tội một lần, cho ổn "tâm lý" mà thực ra chưa chuẩn bị kỹ càng, điều đó càng cho thấy đức tin yếu kém, không ý thức đó chính là bí tích, là sự sống đức tin, là niềm an bình hạnh phúc của người Kitô hữu.

Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi tôi từ bỏ mình hay đúng hơn Ngài muốn tôi trở lại con người mình, nhìn thấy rõ thân phận của mình, thân phận là một con người, một người con đã được cứu chuộc. Một nhân vị cao quý lắm thay! Nhìn nhận để thay đổi lối sống, thay đổi thái độ ứng xử, thái đổi hành vi và tập quán, thay đổi thói quen ấu trĩ, sẵn sàng nghe và làm theo tiếng nói của Chúa, của lương tâm, của lề luật, của Thánh Kinh và những giáo huấn của Giáo Hội. và càng hơn nữa, tôi càng biết từ bỏ mình, vâng theo thánh ý Thiên Chúa Cha như chính Chúa Giêsu đã làm (Mt 26, 39). Đó chính là điều kiện để trở nên môn đệ của Ngài.

Kế đến, chúng ta nhìn xem thập giá mình. Mang thân phận con người, ai ai cũng có thập giá trong đời mình. Những trái ý, những thất bại...nó chi phối cuộc đời chúng ta. Có người nhìn những trái ý ấy chính là cái khổ, là nghiệp chướng,...Tuy nhiên, Chúa Giêsu nhìn những điều đó chính là điều kiện tỏ lòng quý mến và vâng theo thánh ý Chúa Cha. Con đường Chúa Giêsu đi là con đường vâng theo ý Chúa Cha, con đường vác khổ giá. Vì thế, người Kitô hữu không thể đi khác con đường Chúa Giêsu đã đi, phải bắt chước Chúa Giêsu, chẳng những chấp nhận vác khổ giá đời mình mà còn vui lòng vác khổ giá vì Chúa Kitô. Chúa Kitô đã qua đau khổ rồi mới đến vinh quang. Sau chặng đường vất vả khổ giá vì Chúa Kitô, chúng ta sẽ được vui sướng hạnh phúc giống như Ngài, vui bằng niềm vui của ngài, sống bằng sự sống chính Ngài đã khổ công, khổ nhọc đi qua và làm nên chứng tích tình yêu của mình.

Cuối cùng là bước theo Chúa Giêsu. Rõ ràng người kitô hữu được xác định phương hướng là bước theo Thầy. Hành trình trong cuộc đời này, tôi đi với Thầy Giêsu và đi theo Chúa Giêsu. Có Chúa cùng đồng hành, tôi sẽ bình an và vui vẻ tiến bước. Dù cuộc đời cò nhiều gập ghềnh sỏi đá, có nhiều thử thách, có nhiều cam go...nhưng lòng an vui vì tôi đang bước theo và bước với Chúa Giêsu.

Từ bỏ mình, vác thập giá mình và bước theo Chúa Giêsu là những yếu tố cấu tạo nên đời sống của người môn đệ Chúa Giêsu. Những điều kiện mà Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ cũng là những điều kiện Ngài đề ra cho tôi. Thoạt nghe lúc đầu thì đây quả thật là những điều kiện không mấy dễ dàng thực hiện, tuy nhiên Chúa Giêsu loan báo khổ nạn và Ngài cũng loan báo phục sinh vinh quang. Và đó cũng là điều đã được thực hiện. Chắc hẳn ai ai cũng thích sống dễ dãi, tự do, hưởng thụ và theo lối sống của mình. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống cao cấp hơn, sống theo lời mời gọi tình yêu từ thượng giới. Đức Hồng Y  Suhard đã nói: "Chúng ta đừng bao giờ tìm Chúa Kitô mà không có thánh giá và cũng đừng tìm thánh giá mà không có Chúa Kitô".

Mỗi lần cử hành Thánh Lễ là mỗi lần tái diễn hy tế  trên thập giá của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con, khám phá ra từ mỗi thánh Lễ mà chúng con cử hành, đó là mầu nhiệm tình yêu và cứu chuộc, đồng thời chúng con biết lấy tình yêu đáp đền tình yêu, để nhờ thập giá mà chúng con kết hợp với Chúa Giêsu hằng ngày giúp chúng con đến đích điểm của cuộc đời là được phục sinh với Chúa Giêsu Kitô. Amen.

XIN CHÚA THƯƠNG
Mt 16, 21-27

Sau khi thay mặt các Tông đồ trả lời rất đúng về Đức Giêsu là ai :" Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống", Phêrô được Chúa khen và được Chúa hứa sẽ đặt ông làm nền tảng để xây dựng Giáo hội của Chúa. Có lẽ vì đó mà Phêrô tự thấy mình có vai trò bảo vệ Thầy mình và cố vấn cho Thầy trong mọi sự. Hôm nay, Chúa Giêsu bắt đầu nói cho các Tông đồ biết sứ mạng của Ngài và cách thức thi hành sứ mạng ấy: " Đi Giêrusalem, chịu đau khổ, bị giết nhưng sẽ sống lại." Phêrô không thể chấp nhận đường hướng đó nên "cố vấn" Chúa đừng đi vào con đường đau khổ đó:' xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp chuyện ấy" nhưng Chúa Giêsu đã quở trách ông cách thẳng thừng: Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy!" vì quá nhiệt thành nhưng nông nổi và hàm hồ, Phêrô đã "dám" đi trước Thầy mình. Khi hành động như thế, Phêrô vô tình là viên đá cản lối Thầy, làm Thầy suýt ngã.

Cũng như bao nhiêu con người khác, Đức Giêsu bước vào cuộc đời này và gặp biết bao những cám dỗ vây quanh. Cám dỗ nào nghe cũng ngọt ngào, hấp dẫn. Ma quỉ cám dỗ Ngài trong sa mạc, trong suốt 40 đêm ngày; đám đông đòi Ngài cho xem phép lạ từ trời rồi thách thức Ngài xuống khỏi thập giá... trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy chính Phêrô, người mà Ngài đã chọn làm nền tảng cho Hội thánh cám dỗ Ngài chọn lựa con đường dễ dãi để thực thi sứ mạng của mình. Cơn cám dỗ này có thể nói là cực kỳ nguy hiểm, vì nó đến từ tình thương chân thành của người môn đệ thân tín. Nhưng Đức Giêsu đã mạnh mẽ chống lại cơn cám dỗ ngọt ngào này. Ngài đã nói với Phêrô cùng một gịong điệu gay gắt như nói với Satan trước đây: " Satan, lui lại đằng sau Thầy".

Chuyện kể rằng, vua nước Thục bên Tàu có tính tham lam, ham mê của cải. Vua Huệ Vương bên Tần muốn xâm chiếm nước Thục nhưng vì khe núi hiểm trở, không thể đem quân sang đánh. Huệ vương sai lấy đá tạc hình con trâu để gần địa giới nước Thục, mỗi ngày bỏ vàng sau đuôi con trâu, rồi phao tin đồn rằng: " trâu đãi ra vàng". Tiếng đồn ấy đến tai vua Thục. Ông liền sai xẻ núi lấp khe và cho 5 người lực sĩ vào rừng kéo con trâu về.

Huệ vương sẵn lối đi, đem quân tiến đến cướp nước Thục. Vua nước Thục vừa mất nước, vừa hại mình, để lại trò cười cho thiên hạ. Thế chẳng phải là tham chút lợi nhỏ mà mất cái lợi to lớn sao?

Sống ở đời này ai cũng tranh phần được và sợ mất đi quyền lợi của mình. Nhưng vấn đề là phải cân nhắc và xác định đâu là cái được thật sự, lâu bền và trọn vẹn, đâu là cái quan trọng tuyệt đối ? Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách thế để được trọn hảo ấy. nhưng trước hết người ta phải biết chấp nhận những cái mất tạm thời: mất công, mất của, mất thời giờ, mất uy tín, mất tương lai và kể cả mất đi mạng sống nữa. Nếu ai vì Đức Giêsu mà chịu mất tất cả những gì mình có ở đời này thì sẽ có lại tất cả. Mất những cái tạm để có được và giữ được những cái mãi mãi. Kitô hữu đích thực là những người say mê những điều vĩnh cửu, say mê một tương lai huy hòang do chính Thiên Chúa ban tặng. Các thánh tử đạo là những người say mê sự sống phục sinh đến nỗi dám chấp nhận cái chết, dám coi cái chết nhẹ như lông hồng.

Lắm người ở đời này tưởng mình được tất cả với những suy tính của mình nhưng lại mất đi tất cả. Câu chuyện của vua nước Thục trên đây là một ví dụ điển hình. Chúng ta hãy nghiêm túc suy nghĩ sâu sắc về cái được và cái mất để có những quyết định đúng đắn và kịp thời kẻo bỏ mất nhiều cơ hội và bỏ mất tất cả.

Đức Giêsu đã mất tất cả và đã được lại tất cả. Đó là động lực, là lý do khiến chúng ta dám từ bỏ và hy sinh, dám vượt lên trên lối sống thực dụng và ích kỷ. người dám hy sinh và cho đi sẽ tìm lại bình an, niềm vui, tự do và yêu thương không phải sau khi chết mới thấy được nhưng sẽ được chúng ngay ở đời này.

Xin Chúa thương đến thân phận con người yếu đuối của chúng ta để ban sức mạnh giúp ta hòan thành ơn gọi của chúng ta theo đúng ý muốn của Thiên Chúa. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng ta biết chọn lựa và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời ngay khi còn sống ở trần gian này.

ĐIỀU KIỆN THEO CHÚA GIÊSU
Mt 16, 21-27

Con người bản năng dễ có khuynh hướng vỊ kỷ và tìm sự dễ dãi trong cuộc sống, không muốn cực khổ. Tuy nhiên lý trí và ý chí chúng ta lại có xu hướng vươn lên cao, muốn chinh phục cả những cái xem ra vượt quá sức mình, vượt qua mọi trở ngại và giới hạn của chính mình để đạt tới một tầm vóc cao hơn, siêu vượt thế giới vật chất đầy giới hạn này. Chúa Giêsu biết rõ bản tính con người với những ưu khuyết điểm, Ngài không đến để huỷ bỏ bản năng con người nhưng muốn chúng ta dùng lý trí hiểu biết và ý chí để làm chủ và thăng tiến bản thân, mỗi ngày một nên thánh thiện hơn, tương xứng với tầm vóc làm con Thiên Chúa. Để đạt được tầm vóc ấy, Chúa Giêsu đưa ra điều kiện : từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy Chí Thánh.

Trước nhất, chúng ta thấy Chúa Giêsu là người vác Thánh giá đi đầu trong đoàn người tiến về nhà Cha. Mục đích Ngài xuống trần gian là để phục vụ loài người! Thiên Chúa mà lại hạ mình làm người để giúp đỡ, để cứu chuộc loài người khỏi kiếp nô lệ tội lỗi và sự chết. Đối với tình yêu Thiên Chúa thì con người chỉ chỉ biết ca tụng luôn mãi mà thôi. Tình yêu Chúa ban cho chúng ta không có gì sánh bằng, nhân loại không thể làm gì để đền đáp tương xứng được. Thật hạnh phúc cho chúng ta vì Chúa chỉ cần chúng ta yêu mến Ngài, thể hiện qua việc vâng phục, sống theo lời Chúa dạy để được ơn cứu độ. Chúng ta không được phí phạm ơn Chúa, nhưng phải cố gắng hết sức để làm phát triển những ơn ban của Chúa nơi cuộc sống trần gian này. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta quá đỗi, Ngài không chỉ đến ở với loài người mà còn hy sinh lãnh lấy tội của loài người nữa, bao nhiêu tội lỗi nặng nề Chúa chịu hết, bao nhiêu sỉ nhục con người đáng phải chịu thì Chúa Giêsu Kitô đã mang lên cây thập giá, không than trách mà bằng lòng chịu vì chúng ta cho đến chết!

Các môn đệ lúc đầu vì chưa hiểu nên còn tranh nhau những sự phù vân ở đời này, họ còn mong danh vọng và hạnh phúc chóng qua. Chúa Giêsu phải nhắc nhở họ, hướng họ đến thực tại cao hơn. Để được vinh quang thật sự, các môn đệ phải chấp nhận vác thánh giá, đi trên con đường hẹp dẫn đến Nước Trời. Đức Giêsu đã tỏ cho các môn đệ biết: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, thượng tế và kinh sư gây ra. Chúa Giêsu chịu thiệt ở đời này vì yêu chúng ta. Ngài đã chết để cho chúng ta hiểu tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người và chứng tỏ cho chúng con thấy giá trị thật của loài người, giá trị của hạnh phúc bất diệt đời sau.

Chúng ta không bám vào cuộc sống đời này: ngắn ngủi, mau qua, không bền vững. Chúng ta phải ý thức về sự thật này luôn luôn và chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Xưa kia Phêrô không chấp nhận sự hy sinh của Thầy ở đời này, ông đã ra sức ngăn cản nhưng Chúa Giêsu đã quở trách ông về tư tưởng phàm trần này. Ngài tiếp tục dạy cho các môn đệ biết đường về nhà Cha: Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai dám liều mình vì Thầy sẽ được sống.

Người đời thường tham sinh huý tử nhưng người kitô hữu có niềm tin thì thắng vượt cái thường tình này, không cố bám víu cuộc sống này. Cuộc sống trần gian vốn bất toàn chóng qua chóng mất. Đó là qui luật của vật chất. Chúng ta không chỉ có thân xác vật chất, mà còn có linh hồn thiêng liêng bất tử, thân xác chúng ta chóng già cỗi nhưng linh hồn không như vậy. Vậy chúng ta phải làm sao? Chúng ta hãy làm theo lời dạy của Thầy Chí Thánh để tìm về căn nguyên của mình, cố gắng về quê thật của mình và sẽ được Cha chúng ta ban cho gia tài không thể tàn phai nhưng có giá trị vô cùng. Lúc đó, chúng ta được hạnh phúc tràn trề, không sợ phải đau khổ nữa. Từ hôm nay, tôi sẽ sống đúng lời Chúa dạy để tâm hồn luôn được an bình ở đời này và hạnh phúc viên mãn đời sau. Thiên Chúa công bằng vô cùng, Ngài sẽ thưởng phạt công minh xứng với việc chúng ta đã làm ở trần gian.

Lạy Chúa Giêsu, cách nhìn của chúng con còn đầy giới hạn, thiển cận, chưa biết bám vào Chúa, chưa đầu tư đúng mức cho cuộc sống mai sau. Xin Chúa thứ tha và mở trí cho mỗi người chúng con biết nhìn ra sự thật, dám bỏ mình, vác lấy Thánh giá Chúa trao mà bước trên con đường về nhà Cha, đến nơi Chúa đã dọn sẵn cho chúng con trên Thiên Quốc và được cuộc sống viên mãn bên Ngài mai sau.

CON ĐƯỜNG THEO CHÚA
Mt 16, 21-27

Anh chị em thân mến,
Một người bên lương nhìn lên thấy cây thập giá có tượng Chúa Giêsu treo trên đó; bức tượng này về mặt mỹ thuật khá đẹp, diễn tả được phần nào đau khổ Chúa phải chịu, anh ta liền nói với người bạn cũng là bên lương: "Nè anh, cái ông này làm gì, phạm tội gì mà phải bị đóng đinh ghê gớm vậy, trộm cắp hay cướp vợ con người ta?" Bạn ông nghe vậy liền la lên: "Đừng nói bậy! Đó là Chúa Giêsu của người công giáo. Tôi không hiểu lắm, nhưng tôi nghe người công giáo nói: ông là Chúa, là nguời tốt lắm. Ông không có tội gì cả, nhưng đã sẵn sàng chết để đền tội cho mọi người. Cái chết của ông chính là cái chết vì tình yêu; vì tình yêu mà ông đã chết cho nhân loại, để mọi người biết yêu thương nhau, tha thứ cho nhau..." Câu chuyện của Tin mừng chúa nhật hôm nay cũng muốn nói lên điều đó: con đường của Đức Kitô đi qua, chính là con đường thập giá. Và người kitô hữu khi muốn theo Chúa Kitô cũng phải đi qua con đường đó...Kính mời anh chị em cùng suy niệm...

a/. Bài Tin mừng hôm nay nằm ở vị trí quan trọng trong Phúc âm, đồng thời cũng là chủ đề then chốt của Tin mừng. Tuần rồi Chúa tự mạc khải cho các môn đệ biết bản tính siêu việt của người: bản tính Thiên Chúa; rồi Người lại nói cho họ rõ hơn nữa; sứ mạng của Người (dù là Thiên Chúa) là phải trải qua đau khổ, phải chấp nhận con đường thập giá. Đó chính là con đường cứu rỗi nhân loại, vì yêu thương. Các môn đệ lúc đó đã không hiểu được lời nói của Chúa Kitô. Họ không hiểu con đường đó cũng chính là con đường họ phải đi..,

b/. Đức Kitô đã đi qua con đường nào, người kitô hữu cũng phải đi y con đường đó: Đó chính là con đường thập giá, con đuờng đau khổ. Trước hết phải xác định: Chúa Kitô hay người công giáo không yêu thập giá, yêu đau khổ, vì đau khổ tự bản chất là điều xấu. Trên đời này có ai không muốn được sung sướng, hay không muốn tránh đau khổ? Nhưng rõ ràng đau khổ là một sự thật gắn liền với thân phận con người, không thể tách rời. Vậy chối bỏ đau khổ, hay diệt khổ là một chuyện không thể làm được. Ngược lại, Chúa Kitô sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì tình yêu, và biến đổi nó thành niềm vui, thành hạnh phúc. Vì vậy dù là vô tội, Người lại tự chấp nhận đau khổ để đến nỗi phải chết trần trụi trên thập giá. Thật là một mầu nhiệm! Nếu không phải vì yêu, Chúa Kitô sẽ không chấp nhận con đuờng thập giá đâu... Vì thế người kitô hữu khi muốn bước đi với Đức Kitô, sẽ không thể chọn con đường nào khác hơn...

Thánh Phanxicô Xavier tháng 09 năm 1549 đã đem Tin mừng đến cho người Nhật. Vậy mà 40 năm sau, đã có trên 200.000 người tin Chúa Kitô. Năm 1597, một cuộc bắt đạo dữ dội xảy đến. Số người bị bắt truớc tiên là 26 vị: có 6 tu sĩ Phanxicô; 3 tu sĩ dòng Tên và 17 giáo dân. Trong số đó có 3 em giúp lễ và thầy Phaolô Miki, 33 tuổi. Nhà vua ra lệnh cắt tai, cắt mũi các ngài, rồi đem đi đóng đinh vào thập giá tại Nagasaki . Thấy các ngài bị gông cùm, mà mặt mày đầy máu không ai là không thương cảm. Phaolô Miki truớc khi chết, thầy được một thị kiến. Thầy nói: "Tôi là người Nhật, thuộc dòng Chúa Giêsu. Tôi bị án tử hình vì đã rao giảng Tin mừng. Tôi vô cùng cám ơn TC vì đã ban cho tôi ơn cao trọng này." Đó là câu chuyện thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo, lễ kính ngày 06. 02 hàng năm. Các thánh thực sự cũng đã chọn và đi qua chính con đuờng Đức Kitô đã đi.

c/. Gợi ý sống và chia sẻ:

Con đường của Đức Kitô đi qua chính là con đường đau khổ, con đường thập giá. Dĩ nhiên đó không phải con đường trơn tru, dễ dàng; ngược lại nó đầy chông gai thử thách, đòi hỏi nhiều hi sinh. Chúa Kitô đã đi con đường đó. Vậy những ai muốn theo Chúa, sẽ không có thể chọn lựa con đường nào khác. Chúng ta là kitô hữu, chúng ta có tin nơi Chúa không? Chúng ta có sẵn sàng theo Chúa bằng con đường này không?

1981    25-08-2011 07:11:58