Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Chúa Nhật XXII Thường Niên B

  1. Sống Đạo Thể Hiện Tâm Tình Yêu Mến Chúa Chân Thật
  2. Phải Thờ Chúa Với Lòng Yêu Mến
  3. Chúa Nhật XXII Thường Niên.
  4. Chúa Nhật 22 Thường Niên - B
  5. Sống Đạo Có Chiều Sâu
  6. Luật Chúa Luật Người, Điều Nào Trọng Hơn?
  7. Giả Hình, Giả Dối
  8. Đừng Thêm Thắt Và Cũng Đừng Nhập Nhằng
  9. Đạo Tại Tâm
  10. Hãy Làm Sạch Cõi Lòng
  11. Tập Tục Và Lời Chúa
  12. Với Cả Tâm Tình
  13. Trọng Tâm Của Lề Luật
  14. Giữ Trọn Lề Luật
  15. Chúa Nhật XXII Thường Niên B
  16. Chúa Nhật XXII Thường Niên B
  17. Chúa Nhật XXII Thường Niên B
  18. Chúa Nhật XXII Thường Niên B
  19. Chúa Nhật XXII Thường Niên B
  20. Chúa Nhật XXII Thường Niên B


SỐNG ĐẠO THỂ HIỆN TÂM TÌNH YÊU MẾN CHÚA CHÂN THẬT
Mc 7, 1 - 8

Người Do Thái có thói quen truyền thống  giữ luật lệ rất tỉ mỉ, đặc biệt là luật thanh sạch. Họ rất câu nệ vào hình thức bên ngoài.  Đối với họ đạo là phải giữ lề luật. Thế nhưng như thế, họ không còn thể hiện tình thương, lòng bác ái khi cư xử với anh em đồng loại.

Thật thế, vì quá chú trọng đến luật lệ tỉ mỉ bên ngoài nên những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do Thái giữ đạo theo hình thức. Họ biến đạo thành một mớ nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em nghèo khổ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Chúa Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ: "Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng lại xa Ta". (Mt 15, 8; Mc 7, 6). Chúa Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Chúa Giêsu sánh ví họ với mồ mả, bên ngoài tô vôi, sơn phết đẹp dẽ nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám xấu xa.

Chúng ta đồng ý rằng: hình thức tôn giáo bên ngoài không phải là không cần thiết nhưng muốn nó có giá trị cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi tôn giáo. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thật hành vi mới có giá trị.

Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy: "Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng... Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chả có ích gì cho tôi".(1Cr 13, 1- 3)

Chúa Giêsu đã đảo ngược hoàn toàn cái gọi là tôn giáo của người Biệt phái và Luật sĩ Do Thái. Đạo không phải là thi hành những tập tục, tuân giữ các nghi thức mà chính là thể hiện một thái độ sống, sống Lời Chúa, sống yêu thương. Cái cám dỗ thường xuyên của người Kitô hữu là lấy việc đạo đức bề ngoài làm bức màn che đậy tính ích kỉ, giả dối, độc ác, tham lam,... thích được mang danh hiệu hơn là dám sống sứ mạng chứng nhân. Điều cốt yêu là phải có tấm lòng yêu mến chân thành bên trong chứ không phải là hình thức giả dối bên ngoài. Chính tình yêu bên trong mới làm cho những hình thức bên ngoài có giá trị đích thực. Thiếu tình yêu bên trong mọi việc bên ngoài chỉ là giả dối.

Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối. Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần Chúa. Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi. Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương. Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng.

Người Kitô hữu đích thật là người có lòng tin, đồng thời có những việc làm cụ thể phù hợp với đức tin của mình. Trước mặt Chúa, mọi hình thức bên ngoài không quan trọng bằng tấm lòng yêu thương tận đáy lòng bên trong bởi vì Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn. Chúng ta hãy sống chân thành, yêu thương và phục vụ tha nhân trong tinh thần của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con trái tim của Chúa, trái tim yêu thương  để  biết thờ phượng Chúa cho phải đạo và yêu người như Chúa muốn. Xin cho chúng con sống đạo bằng tâm tình yêu mến Chúa chân thật tự đáy lòng mình để chúng con đối xử bằng tâm tình đó với anh chị em chung quanh chúng con. Amen.

 PHẢI THỜ CHÚA VỚI LÒNG YÊU MẾN
Mc 7,1-8.14-15.21-23

1.LỚI CHÚA: Chúa phán: "Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm" (Mc 7,8)

2. CÂU CHUYỆN: TÊN CƯỚP ĂN CHAY

Một hôm, Cha MƠ-RÂY (Murray) đang âm thầm đi trên một phố vắng vào lúc đêm khuya để mang Mình Chúa cho một bệnh nhân sắp chết. Khi đi tới một góc phố vắng, bỗng một tên cướp nhảy xồ ra chĩa súng về phía cha ra lệnh: "Đứng lại! Mau nộp tiền ra đây, nếu không tao bắn chết! "Cha Mơ-rây sợ hãi vội vàng mở nút chiếc áo khoác đang mặc và lấy ra một chiếc ví. Tên cướp trông thấy chiếc áo đen của giáo sĩ bên trong áo khóac, trên cổ có "côn" màu trắng, thì biết là linh mục. Hắn lập tức dịu dọng và ấp úng nói: Thưa cha, con rất tiếc vì con không biết là cha. Con thành thật xin lỗi cha. Xin cha vui lòng cất tiền đi". Bây giờ cha Mơ-rây mới hòan hồn trở lại. Ngài móc trong túi ra một gói thuốc lá và mời hắn một điếu! Nhưng thật bất ngờ! Tên cướp xua tay từ chối với lời giải thích như sau: "Xin cám ơn cha, con đã dốc lòng chừa bỏ thói hút thuốc lá trong Mùa Chay này !!!".

- GIỮ ĐẠO NGOÀI MÔI MIỆNG

BÁC-CƠ-LÂY (Barclay) kể một câu truyện khác như sau: Có một người Hồi Giáo kia tìm cách giết một kẻ thù để dành quyền kết hôn với một cô gái đẹp. Một hôm, gặp kẻ thù ở chỗ vắng vẻ và nhân lúc kẻ kia không đề phòng, hắn ta rút đao chém một nhát khiến người kia bị thương vội vàng bỏ chạy. Người Hồi Giáo đã đánh lén liền tiếp tục truy đuổi quyết tâm tiêu diệt tình địch bằng được. Trong lúc đang hăng hái đuổi theo thì bỗng nghe thấy một hồi chuông báo giờ cầu kinh ban chiều, hắn ta lập tức nhảy xuống khỏi mình ngựa, trải chiếc chiếu luôn mang theo bên mình, quỳ hướng về thủ đô Méc-ca đọc bài kinh chiều thật mau, rồi lại leo lên mình ngựa tiếp tục cuộc truy đuổi !!!

3. SUY NIỆM:

+ Tên cướp công giáo trong câu chuyện thứ nhất đã quyết tâm bỏ thuốc lá để tỏ lòng sám hối Mùa Chay, nhưng lại đi trấn lột tài sản của kẻ khác. Rồi người Hồi Giáo trong câu chuyện thứ hai đã tuân giữ luật đọc kinh 5 lần mỗi ngày của đạo Hồi, nhưng lại không ngần ngại nhúng tay vào máu của kẻ thù. Còn các người Pha-ri-sêu và kinh sư Do thái trong Tin Mừng hôm nay tuy giữ nghiêm ngặt tập tục thanh tẩy tắm rửa bằng nước trước khi dùng bữa, nhưng lại coi thường điều răn quan trọng của Thiên Chúa là "thảo kính cha mẹ", khi cho phép con cái lấy của cải lẽ ra dùng để nuôi dưỡng cha mẹ, biến thành "Cô-ban", nghĩa là "của thánh đã dâng cho Thiên Chúa", rồi không buộc họ phụng dưỡng cha mẹ già yếu nữa! Cũng vậy, ngày nay có những người chỉ chú trọng làm một số việc đạo đức theo luật như đọc kinh, xem lễ Chúa Nhật, ăn chay kiêng thịt, bố thí... mà không chú trọng thanh tẩy tâm hồn, không giữ luật công bình bác ái khi ứng xử với tha nhân.

+ Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng: Truyền thống, luật lệ và các lễ nghi đối với Thiên Chúa đều tốt và cần được duy trì, nhưng không được quên điều quan trọng không kém là thực hành giới răn yêu thương. Do đó, chúng ta vừa có bổn phận thực hành các việc đạo đức đối với Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng phải sống bác ái phục vụ tha nhân. Tôn kính Thiên Chúa bằng việc dự lễ đọc kinh là bổn phận phải làm, nhưng cần làm với một "trái tim mới" và một "Thần Khí mới" (x. Ed 18,31).

+ Nguyên việc tuân giữ các việc đạo đức như dự lễ đọc kinh, ăn chay kiêng thịt, làm việc bác ái... cũng chưa chứng tỏ lòng đạo đức thực sự, vì người ta có thể làm nhằm khoe khoang công đức và muốn được người đời ca tụng... hơn là vì lòng mến Chúa, như ngôn sứ I-sai-a đã trách dân Ít-ra-en: "Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì ở xa Ta" (Mc 7,6; Is 29,13). Để chứng tỏ lòng đạo đức thực sự, chúng ta phải cầu nguyện kết hiệp với Chúa Giê-su, như thánh Phao-lô đã dạy: "Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi" (2 Cr 5,14).- "Từ nay tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2,20). Mỗi ngày chúng ta nên làm việc bổn phận như đi học, đi làm, phục vụ tha nhân... kèm theo một lời nguyện tắt như: "Lạy Chúa Giê-su. Con xin làm việc này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa và xin cho một người lương quen biết được nhận biết yêu mến Chúa".

4. THẢO LUẬN: 1)Bạn đánh giá thế nào về nếp sống đạo của người tín hữu Việt Nam hôm nay? 2)Phải chăng chúng ta nên bỏ các việc bề ngoài như: làm dấu Thánh giá, dự lễ, rước sách, ngắm nguyện, ăn chay, kiêng thịt, bố thí....mà chỉ cần "giữ đạo tại tâm" là đủ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin biến đổi trái tim con nên giống trái tim Chúa. Ước gì con nhìn mọi sự mọi người với một cái nhìn bao dung đầy yêu thương noi gương Chúa xưa. Xin ban Thánh Thần Tình yêu đốt nóng lòng con. Xin giúp con siêng năng tham dự Thánh lễ và rước lễ mỗi ngày cách sốt sắng, để kín múc được sức sống ân sủng từ nguồn mạch yêu thương vô tận là thánh tâm Chúa, để con gieo rắc tình thương của Chúa cho mọi người, an ủi những người đau khổ, chia sẻ cơm bánh cho kẻ khó nghèo, phục vụ những người bệnh tật và bị bỏ rơi... hầu nên môn đệ thực sự của Chúa.

X. Hiệp cùng Mẹ Maria

Đ. Xin Chúa nhậm lời chúng con

LM ĐAN VINH  www.hiephoithanhmau.com

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN.
Mc. 7, 1 - 8. 14 - 15. 21 - 23.

Anh chị em thân mến.
Từ trước đến giờ chắc anh chị em dự nhiều đám tang. Nếu nhớ lại, không chỗ nào giống nhau cả. Có nơi chôn ban ngày, có nơi chôn ban đêm. Tôi cũng nhận thấy có những điều hơi lạ ở một số nơi. Người chết được đưa đi đến nơi an nghĩ cuối cùng vào lúc ban đêm, có đèn đuốc để thấy đường đi, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng tôi hơi ngạc nhiên, vì có khi quan tài được mang đi giữa ban ngày mà vẫn có những bó đuốc dẫn đường. Lại còn bở ngở hơn nữa, khi mọi việc lo cho người chết đã xong, cho dù vẫn còn đêm tối, nhưng không một ánh lửa nào được đốt lên, mọi người cứ lần mò trong trong bóng đêm dầy đặt mà trở về nhà. Điều ngạc nhiên đó được giải đáp như thế nầy:

Việc đưa người chết đến nơi an nghĩ cuối cùng, dù ngày hay đêm, đều có bó đuốc dẫn đường, để người chết biết đường đi đến nơi của mình.

Còn việc những người làm xong nhiệm vụ, cho dù ban đêm vẫn không được có một ánh lửa để soi đường về, là vì sợ người chết sẽ theo ánh lửa mà quay trở về phá rối những người còn sống.

Sợ người chết quay trở về, vậy mà có rất nhiều người, sau khi chôn người chết được ba ngày, thì có một việc làm gọi là mở cửa mả. Trong những món đồ đem đến mở cửa mả có một cái thang, để cho người chết dùng leo lên trở về nhà mình. Tôi nhận thấy đó là một việc làm vô lý: sợ trở về, rồi lại tìm phương tiện cho trở về. Vậy mà trải qua biết bao nhiêu thời đại, rất nhiều người đều thực hiện cái phi lý đó.

Chúa Giêsu nhìn thấy những điều phi lý trong xã hội của Ngài thời bấy giờ, Ngài không thể lặng thinh ngồi nhìn những người mà Ngài thương yêu phải nô lệ cho những điều phi lý đó. Ngài muốn những việc làm của con người không chỉ là những cử chỉ vô tri bên ngoài, nhưng nó luôn được thực hiện bằng cả tâm tình thật sự của một con tim nồng cháy. Để việc làm có giá trị, không hệ tại hình thức bên ngoài,nhưng do tâm tình bên trong.

Chúng ta đang sống trong một xã hội gọi là văn minh khoa học, con người luôn chạy đua, tìm kiếm những tiện nghi vật chất cho cuộc sống. Con người luôn tìm những hào nhoáng bên ngoài, để rồi khi nhìn lại, họ không còn thấy được con tim của mình đang ở đâu.

Thử nhìn lại xem, biết bao lần chúng ta khó chịu với những người có hành động và ý tưởng không giống như mình, thế là, chúng ta tìm đủ mọi thứ lý do để kết tội họ : nào là vô lễ, không lịch sự, không có giáo dục, kém văn minh, vô đạo đức. Nếu khi đó, có Chúa Giêsu đang nhìn thấy, Ngài sẽ bảo chúng ta như thế nào? Tôi thiết nghĩ, chắc Ngài không quá khắc khe như chúng ta. Còn những việc chúng ta làm, gọi là những việc đạo đức tốt lành, chúng ta bắt mọi người phải công nhận, noi theo. Nếu có người nào có ý kiến phê bình, chỉ trích, hay có hành động trái ngược lại, chắc là chúng ta không vui, hay tệ hơn nữa, chúng ta tìm mọi cách loại trừ kẻ ấy. Nếu khi đó có Chúa Giêsu đang nhìn thấy, Ngài sẽ bảo chúng ta như thế nào ?

Nếu giờ nầy đây, chúng để ra một ít phút suy tư, nhìn lại những việc làm đã qua của mình, chúng ta sẽ dể dàng nhận thấy : đâu là những việc làm phát xuất từ con tim biết yêu thương, còn đâu là những việc làm hào nhoáng chỉ để thỏa mản những tham vọng, như Chúa Giêsu đã nói :" Từ bên trong con người mới phát ra những ý tưởng xấu."

Biết bao nhiêu điều vô lý chúng ta đã làm trong cuộc sống, nhưng không thấy. Trái lại, chúng ta nhìn thấy những điều người khác làm, có những lúc chúng ta cho là vô lý, là không đúng chỉ theo ý muốn riêng tư của mình, không theo một nguyên tắc chung nào cả.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết hành động bằng con tim chân thật, để chúng ta biết tôn thờ Chúa không chỉ bằng môi miệng, nhưng bằng cả con tim biết yêu thương mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN - B
Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do Thái giữ đạo theo hình thức. Họ rất trọng lề luật theo bề ngoài. Họ cho rằng giữ hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do Thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế như những người mắc bệnh phong, phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ô uế là tội. Người ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.

Đức Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Đức Giêsu sánh ví họ với mồ mả, bên ngoài tô vôi, sơn phết đẹp dẽ nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám xấu xa.

Vì quá chú trọng đến luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em nghèo khổ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ : "Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng lại xa Ta".

Hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết. Nhưng hình thức bên ngoài, muốn có giá trị cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thật hành vi mới có giá trị.

Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phaolô dạy : "Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng... Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chả có ích gì cho tôi".

Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối. Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần Chúa. Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi. Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương. Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng.

Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim của Chúa để con biết thở phượng Chúa cho phải đạo và yêu người như Chúa muốn.

SỐNG ĐẠO CÓ CHIỀU SÂU
Mc 7, 1-8a. 14 - 15. 21 - 23

"Thức đêm mới biết đêm dài,
Ở lâu mới biết lòng người dở hay"
"Ngựa chạy đường dài mới biết ngựa hay"
"Có công mài sắt có ngày nên kim".

Đây là ba trong số những câu nói lên sự kiên trì và sức bền bỉ cần có của một người. Những Chúa nhật liên tiếp vừa qua, chúng ta đã cùng nhau suy niệm chương 6 Tin mừng theo Thánh Gioan. Điều chính yếu trong chương 6 này Chúa Giêsu muốn những người theo Người cần có lòng tin. Tin vào Người là Đấng sẽ ban cho Thịt và Máu để làm lương thực thiêng liêng đem lại sự sống đời đời. Việc tin vào Chúa không phải một ngày hay một bữa mà cần phải có một thời gian dài.Vì thế, tin vào Chúa cần có sự kiên trì. Sự kiên trì này cũng chắc chắn không thể dựa trên bề nổi mà cần phải có chiều sâu.

Đoạn tin mừng của Thánh Marcô hôm nay cho thấy những người Pharisêu và các kinh sư theo Chúa nhưng chỉ quan tâm đến mặt nổi bên ngoài. Do đó, khi thấy những môn đệ của Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn thì đã lên tiếng trách móc. Họ quên rằng điều cần thiết khi theo Chúa là tấm lòng bên trong. Bởi lẽ, Thiên Chúa thấu suốt mọi bí ẩn.

Chúa Giêsu nói : "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,còn lòng chúng thì lại xa Ta.Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm." (Mc 7, 6b - 9)

Những người kinh sư và Pharisêu này chỉ tuân giữ luật sạch dơ bên ngoài chứ không quan tâm đến chuyện sạch dơ bên trong. Do đó, Chúa Giêsu nói: "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người,ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc 7, 20 - 23)

Cho nên, ta có thể nói họ sống đạo chưa có chiều sâu. Ngày nay, nhiều tín hữu Công giáo cũng còn sống theo cách này. Họ quan tâm đến những nghi lễ rườm rà bên ngoài còn ý nghĩa thiêng liêng bên trong thì dường như họ xem rất thường. Đến khi gặp khó khăn thử thách trong đời sống đức tin thì họ lại kêu trách Chúa, kêu trách Giáo hội. Vì đời sống đạo của họ chưa được bám rễ sâu trong ơn thánh của Chúa. Họ giống như những người xây nhà mình trên cát.

Vì vậy, muốn đời sống đạo của chúng ta có được chiều sâu không cách nào khác là khiêm tốn để cho Chúa uốn nắn mình. Chúa sẽ uốn nắn chúng ta qua Lời của Người cũng như qua các Bí tích mà Người đã thiết lập nên.

LUẬT CHÚA LUẬT NGƯỜI, ĐIỀU NÀO TRỌNG HƠN?
Mc 7,1-8.14-15.21-23

Chúng ta biết trong thời gian Chúa Giêsu cùng các môn đệ bôn ba khắp đó đây để rao giảng Tin mừng, đã có không ít người bị cuốn hút vào lời rao giảng cũng như những việc Người làm. Thế nhưng cũng không thiếu những kẻ bước theo Chúa không ngoài mục đích để theo dõi, rình mò. Và chắc chắn trong số đó không thể không có "mật thám" của những người Pharisêu và Kinh sư được "cài" vào trong đám dân chúng để rồi sau khi "phát hiện" ra rằng các môn đệ Chúa dùng bữa mà không rửa tay theo đúng truyền thống của tiền nhân. Vì thế, họ lên tiếng phàn nàn, trách móc và chất vấn Chúa Giêsu. Trước vấn đề này, chúng ta hãy xem quan điểm của Chúa Giêsu thế nào.

Người Dothái từ lâu vẫn giữ rất cẩn thận luật sạch - dơ. Họ giữ cẩn thận đến mức lẫn lộn chẳng biết cái nào chính cái nào phụ nữa. Chung quy cũng bởi vì mấy ông lãnh đạo của họ "thừa giấy vẽ voi", vẽ rồng vẽ rắn vào đấy. Chúng ta biết rằng đạo Dothái chỉ buộc các Tư tế thuộc chi tộc Aharon rửa tay trước khi cử hành tế tự (x. Xh 30, 17-21). Ấy vậy mà những "ông kẹ" này lại áp đặt cho tất cả mọi người Dothái phải thực hiện hành vi này ngay cả trước lúc dùng bữa. Lý do vì họ nại cớ rằng mọi bữa ăn đều là hành vi tôn giáo và do đó tất cả dân Dothái đều là dân Tư tế. Để biện minh cho cách lập luận này, họ gán tất cả cho Môsê đã truyền lại. Thế là "dân đen nhà ta" cứ thế tối mắt tối mũi tuân chỉ, còn họ thì rình rình mò mò để theo dõi, để bắt bớ, để trừng phạt những ai không tuân hành.


Chúng ta biết rằng, chính điều luật Thiên Chúa đượclưu truyền mới là truyền thống đích thực, một truyền thống phát xuất từ chính Thiên Chúa tuôn chảy đến con người, chứ không phải là thứ truyền thống do con người đặt ra, và, tệ hơn nữa, đặt ra để phục vụ cho những lợi ích nhỏ nhen và thấp hèn. Vì lẽ đó, trước sự phản ứng của mấy "ông kẹ" này, Chúa Giêsu đã cho họ thấy rằng lời Ngôn sứ Isaia xưa nói về họ quả không sai "dân này thờ Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì xa Ta" (Is 29,13).


Chúa Giêsu đã chỉ cho họ thấy rằng điều căn bản nhất là điều răn của Thiên Chúa lẽ ra họ phải nhất mực tuân giữ; thì trái lại, họ lại quá chú trọng đến truyền thống của cha ông họ là những truyền thống đến từ người phàm; họ quan trọng hoá những hình thức bên ngoài mà quên mất những hành vi phượng tự xuất phát từ bên trong tâm hồn. Do đó, giáo huấn của Chúa Giêsu như một lời cảnh tỉnh, giúp họ tỉnh ngộ trước những việc làm đầy tính hình thức này.


Liên quan đến việc sạch dơ, Chúa Giêsu giải thích rõ ràng rằng không phải cái từ bên ngoài -là những luật lệ mà người Dothái tuân giữ, làm cho họ nên thanh sạch, nhưng chính là cái phát xuất từ bên trong mới làm cho con người ra ô uế. Đó là những tư tưởng, tâm tình, ý định bất chính, v.v.... Nguồn gốc làm cho con người ra ô uế chính từ bên trong "tận đáy lòng" của con người. Chúa Giêsu bắt đầu liệt kê hàng loạt những ý định xấu từ trong lòng con người phát xuất ra. Đó là nguồn gốc làm cho con người ra ô uế. Liệt kê 12 điều xấu xa của lòng người như tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo và ngông cuồng, Chúa Giêsu không gì khác hơn là nhắc nhớ họ đâu là điều cần phải tránh để khỏi làm tâm hồn họ ra ô uế.


Bên cạnh đó, Chúa Giêsu còn cho người Dothái và cả chúng ta nữa biết rằng, con người thanh sạch không hệ tại ở dáng vẻ bên ngoài, không phải là những tuân giữ luật Chúa cách máy móc, cốt cho người ta thấy; không phải là cử chỉ bên ngoài của những kẻ mang tâm địa "miệng nammô, ruột bồ dao găm" mà là xuất phát từ chính tâm hồn công chính thánh thiện. Con người thanh sạch phải là con người có trái tim phát xuất từ chính Thiên Chúa. Họ tuân giữ điều răn của Thiên Chúa không vì để "lòe" thiên hạ mà cốt để tôn vinh Thiên Chúa - Đấng mà họ mến yêu, tôn thờ. Họ tuân giữ các giới luật không bởi vì bị buộc phải làm vậy mà vì ý thức rằng những điều đó mang đến cho họ sự bình an thư thái, mang đến cho họ nguồn hạnh phúc đích thực trong tâm hồn.


Người Kytô chúng ta được mời gọi sống và giữ đạo để trở nên công chính ngay từ bên trong tâm hồn chứ không phải giữ đạo theo kiểu ngụy trang, hình thức bên ngoài. Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta phản tỉnh để xem thái độ sống và giữ đạo của chúng ta có theo đường lối và huấn lệnh của Thiên Chúa hay là như cách sống và giữ đạo của mấy ông Pharisêu và Kinh sư xưa - lối sống và giữ đạo đã bị Chúa Giêsu lên án. Hãy nhớ rằng, giới luật của Thiên Chúa là trên hết, vượt trên mọi nguyên tắc luật lệ và truyền thống của con người.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

GIẢ HÌNH, GIẢ DỐI
Mc. 7,1-8a.14-15.21-23

Rửa tay trước khi ăn, đối với người Do thái là một quốc tục, một thánh lệ. Các người Pha-ri-sêu và kinh sư nói riêng và dân Do thái nói chung, thường rất khắt khe với tục lệ này. Họ cho đó là một nghi thức truyền thống quan trọng phải tuân giữ triệt để, để tỏ ra mình thanh sạch trước mọi người. Cái tục rửa tay của họ rất phức tạp chứ không đơn giản như kiểu chúng ta rửa tay để ăn uống : rửa ngón tay, bàn tay, cổ tay. Phải đổ nước từ từ cẩn thận từng chút, từng chỗ...thật cầu kỳ, phiền phức. Khi rửa tay như vậy, họ nghĩ rằng họ đã làm đẹp lòng Thiên Chúa vì đã làm đúng luật lệ và họ tin rằng một nghi thức bên ngoài như vậy có sức làm cho họ được thanh sạch. Vì thế, khi thấy các môn đệ của Chúa ngồi vào bàn ăn mà không rửa tay, không làm theo tập tục của họ, họ bực tức khó chịu, nên đã hạch hỏi và bắt bẻ Chúa.

Nhân dịp này Chúa Giêsu đã dạy cho họ một bài học thế nào là bẩn hay sạch. Trước hết, Chúa trưng lời ngôn sứ I-sai-a : "Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta". Chúa nhắc lại lời này để tố cáo họ đã khoác bên ngoài
một bộ áo đạo đức để che lấp đi những hành vi xấu xa tội lỗi bên trong. Như thế là giả hình, giả dối. Họ đã coi cái vỏ quan trọng hơn cái ruột; cái hình thức hơn nội dung; cái bên ngoài cần hơn tấm lòng.

Vấn đề rửa tay trước khi ăn. Thử hỏi việc rửa tay cần hay rửa tấm lòng là cần ? Thật tình, nếu tay bẩn, chúng ta có thể dùng đũa, dùng thìa, chúng ta có ăn bốc đâu. Còn của ăn, tự nó là sạch, và được nấu nướng vệ sinh là sạch. Vì thế, Chúa nói cái làm cho bẩn là tấm lòng. Đúng vậy, lòng có đầy mới tràn ra ngoài bằng lời nói hay hành động : miệng nói ra những tư tưởng chất chứa trong lòng. Nếu đó là những tư tưởng tốt đẹp sẽ hướng dẫn con người hành động thiện hảo. Ngược lại, tư tưởng xấu sẽ dẫn người ta đến hành vi độc ác, xấu xa.


Thực vậy, chính cõi lòng mới là nguồn gốc của việc lành hay dữ, việc tốt hay xấu. Chính từ cõi lòng này mà sinh ra mười hai nết xấu Chúa kể trong Tin Mừng. Đó là mười hai tội chính và còn biết bao ác quả phụ tùng kèm theo nữa. Cho nên, người đời đã phải than rằng : "Sông sâu còn có kẻ dò. Lòng người nham hiểm ai đo cho tường"; "Lòng người thăm thẳm mù khơi. Không bờ không bến biết nơi nào dò". Tục ngữ còn nói : "Khẩu Phật tâm xà" hay "Miệng thơn thớt, dạ ớt ngâm", để diễn tả người mang mặt nạ giả danh bên ngoài với dụng ý che giấu lòng dạ hiểm độc bên trong; hạng người như hạng tú bà bị Nguyễn Du châm biếm trong truyện Kiều : "Bề ngoài thơn thớt nói cười. Mà trong nham hiểm giết người không dao". Câu truyện sau đây là một bằng chứng : Trịnh Tụ là vợ của vua nước Sở, ghen tức với một mỹ nữ đã lọt vào mắt đen của nhà vua. Bà đã nghĩ ra một kế để hạ tình địch của mình. Một hôm, bà làm ra vẻ thân mật nói với mỹ nữ rằng : "Nhà vua có tính không thích người khác thở hơi vào mình. Nên khi vào hầu vua, thì phải giữ ý bịt mũi lại". Mỹ nữ tưởng thật nghe theo. Mỗi lần tới hầu vua là lấy tay bịt mũi. Nhà vua lấy làm lạ hỏi tại sao vậy ? Trịnh Tụ mau mắn trả lời : "Dạ thưa, người ấy sợ đại vương thân thể hôi hám, nên mới có cử chỉ như vậy". Vua Sở giận truyền đem mỹ nữ cắt mũi đi. Lòng dạ con người thật nham hiểm.


Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ: loài người không dò thấu được lòng nhau, nhưng Thiên Chúa thấu suốt cõi lòng mỗi người : "Ta là Thiên Chúa, Ta thấu suốt tâm can mỗi người từng gang tấc", "Thiên Chúa, Đấng thấu suốt nơi kín nhiệm, sẽ thưởng công cho ngươi", "Loài người nhìn bên ngoài, nhưng Thiên Chúa nhìn bên trong", "Không có gì có thể che giấu được Thiên Chúa"...Lời Chúa thật rõ ràng, chúng ta không thể sống che giấu Thiên Chúa được. Chúng ta có thể sống đóng kịch, giấu diếm một số người, một số nơi, một số năm tháng, nhưng chúng ta không thể che giấu nổi Thiên Chúa.


Chúng ta hãy suy nghĩ xem : chúng ta có thường mắc phải cái tật xấu giả hình, giả dối của những người Pha-ri-sêu và kinh sư không ? Chúng ta có coi nước sơn bên ngoài quan trọng hơn thứ gỗ bên trong không ? Chúng ta nghĩ gì về một đời sống đạo đức, sốt sắng đọc kinh dâng lễ, nhưng có thể bị đánh giá là chỉ tôn kính Chúa bên ngoài môi miệng, còn lòng thì xa Chúa ? Sống với nhau, chúng ta có đối xử với nhau theo kiểu chỉ có bề ngoài không ? Lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy nhìn lại cách sống của mình. Ít nhất một bài học chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng là : cố gắng thành thật với chính mình và lo hoán cải sửa đổi bên trong hơn là lo trang điểm, trình diễn bên ngoài. Thà "xanh vỏ đỏ lòng" còn hơn là "Tốt mã rã đám".


Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng,OP.

ĐỪNG THÊM THẮT và CŨNG ĐỪNG NHẬP NHẰNG
Mc. 7,1-8a.14-15.21-23

Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa Chúa" ( Đnl 4,2 ). Trong Cựu Ước, người ta đếm được có những 248 điều truyền và 365 điều cấm, một pho luật xem ra khá đồ sộ nhưng đâu thấm gì so với các luật lệ của con nguời trong các xã hội dân sự hiện nay trên thế giới. Thế mà đã có ngài tiến sĩ luật cảm thấy oải trước khối lề luật ấy, nên đã từng có lần hỏi Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy trong sách luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?". Và Chúa Giêsu đã trả lời cách long trọng rằng: " Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình ngươi. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai giới răn ấy" ( Mt 22,36-40 ).

Tất cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật dữ kiện này và Tin Mừng Maccô và Luca lại thêm kết luận rằng người ta đã "tâm phục, khẩu phục" trước câu trả lời của Chúa Giêsu ( x.Mt 22,34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28 ). Như thế, chắc hẳn đoàn dân Chúa xưa ít nhiều cũng nhận thức được điều này. Thế mà chước cám dỗ muốn thêm bớt vẫn có đó khiến cho Môsê đã cảnh báo dân, đúng hơn là cảnh báo những người lãnh đạo, vốn là những người thường có quyền ra lề luật. Ở đây, xin được đề cập đến chước cám dỗ thêm thắt luật lệ và nhập nhằng, kiểu đánh lận con đen.


1.Cám dỗ thêm thắt luật lệ: Theo nhãn quan của thần học luân lý, xét về nguồn gốc của lề luật, thì có luật của Thiên Chúa ( thiên luật ), và luật của con người ( nhân luật ). Dù rằng luật của Thiên Chúa chỉ có hai luật chính là mến Chúa và yêu người, nhưng để triển khai và áp dụng hai lề luật ấy theo từng hoàn cảnh cụ thể, với những đối tượng cụ thể thì cần có những khoản luật thích ứng. Tuy nhiên, những người làm luật rất có thể bị cám dỗ thêm thắt nhiều khoản luật đi lệch trọng tâm và hướng nhắm của hai giới răn chính ở trên. Đã là luật của Thiên Chúa thì chỉ có mình Thiên Chúa mới có quyền ra luật. Thế mà khi chúng ta thêm thắt nhiều luật lệ đi lệch với ý Chúa hoặc sai trọng tâm mà gọi đó là luật của Thiên Chúa thì vô tình chúng ta tự đặt mình như Thiên Chúa. Các sứ ngôn đã từng nhiều lần nói thay Thiên Chúa rằng: Ta muốn lòng nhân từ chứ không muốn hy lễ; Ta chán ngấy mỡ dê bò các ngươi dâng tiến, hãy xé lòng chứ đừng xé áo các ngươi... ( x.Mt 12,7; Ge 2,13 ).


2.Cám dỗ làm nhập nhằng kiểu đánh lận con đen: Biết rằng với luật lệ của con người thì rất cần được bổ túc, thêm thắt cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Một trong những mục đích của lề luật là nhằm phục vụ ích chung, gìn giữ sự công bằng và trật tự trong đời sống xã hội, đặc biệt bảo vệ kẻ cô thế, kém phận khỏi cảnh "cá lớn nuốt cá bé, mạnh được-yếu thua". Xã hội càng phát triển thì các mối quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với tập thể, giữa tập thể với tập thể ngày càng phong phú và đa dạng, do đó cần có thêm nhiều luật lệ để gìn giữ các mối quan hệ ấy trong sự bình đẳng và hài hòa. Hình thái xã hội đã thay đổi thì các luật lệ cũng phải đổi thay cho tương hợp. Chính vì thế mà luật lệ không ngừng được chỉnh sữa, thậm chí được đổi thay. Việc có thể đổi thay cho ta thấy luật con người mang tính bất cập và bất toàn. Linh mục Gioan Bùi Thái Sơn, một chuyên gia về Giáo Luật của Tổng Giáo phận Sài Gòn đã nói rằng một trong những tính chất của luật là tính bất công. Với lối nói "ngoa ngữ", ngài chỉ muốn nhấn mạnh đến sự bất cập của lề luật con người. Luật của con người không thể và không bao giờ có thể tiên liệu hết mọi tình huống, hoàn cảnh của con người và xã hội, do đó nhân luật không thể đem lại sự công bằng cho mọi người cách đúng nghĩa, cũng như áp dụng một cách đồng đều cho mọi người.


Khi hiểu được điều này, ắt hẳn chúng ta sẽ tránh được thái độ thượng tôn và tuyệt đối hóa lề luật mà trả nó về lại vị trí của nó là một trong những phương tiện để phục vụ con người chứ không phải con người có ra vì lề luật ( x.Mc 2,27 ). Sự thường, lề luật được lập nên do những người đang nắm quyền lực trong các thể chế, tổ chức xã hội lẫn tôn giáo. Và người làm luật khó tránh được chước cám dỗ làm luật có lợi cho mình. Khi thượng tôn lề luật, biến lề luật do mình làm ra trở thành thiên ý thì vô tình hay hữu ý, lợi ích của người làm luật được bảo vệ và hợp pháp hóa, cho dù nhiều khi các lợi ích ấy là bất chính. Đây là trường hợp mà Chúa Giêsu đã cực lực phê phán khi nói rằng "các ông đã gạn lọc con muỗi để nuốt cả con lạc đà"( Mt 23,24 ). Đâu chỉ có việc rửa tiền của các tổ chức tội phạm mới là hợp pháp hóa điều bất chính, vẫn có đó nhiều người dùng một số tiền nhỏ để dâng cúng cho nhà Chúa hay để làm việc từ thiện hầu an tâm sử dụng số tiền kếch xù có được bằng cách thế gian dối, phi nghĩa. Vẫn có đó nhiều cá nhân và tập thể tìm cách ra một luật lệ nào đó, vốn dễ được xem là khách quan, để cho tài sản của mình được bảo vệ cách hợp pháp.


Trở lại với nguồn lề luật của Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta tin nhận rằng luật Chúa thì bất biến và có tính bó buộc tuyệt đối. Tuy nhiên tính bó buộc tuyệt đối và bất biến này chủ yếu ở hai luật chính là tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình. Tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự nghĩa là nhìn nhận những gì mình đang là, đang có đều do bởi Thiên Chúa trao ban và mình chỉ có thể sống, tồn tại, phát triển trong hạnh phúc viên mãn khi gắn bó với Thiên Chúa và thực thi huấn lệnh của Người.


Cầu nguyện là một hình thức căn bản để bày tỏ sự gắn bó với Thiên Chúa, thờ phượng, thần phục Người. Anh em Hồi giáo đặt việc này lên hàng đầu. Kitô hữu Công giáo chúng ta còn nhấn mạnh đến việc tham dự Thánh lễ, đặc biệt trong ngày Chúa Nhật, vì đó là đỉnh cao của hành vi thờ phượng. Và để tỏ bày lòng mến yêu đối với Thiên Chúa, thì không gì hơn là thực thi giới luật của Người. Việc anh chị em yêu thương, sống đùm bọc lẫn nhau chính là cách thế tốt nhất để tỏ bày lòng thảo hiếu đối với mẹ cha. Tương tự như thế, khi chúng ta biêt yêu thương nhau như Chúa Kitô dạy là chúng đang mến yêu Thiên Chúa ( x.Ga 15,12 ).


Yêu thương cũng có nhiều đường, nhiều cách. Với kiểu, với cách nào đi nữa, khi sống yêu thương, phải đặt nền tảng trên đức công bình và đức ái. Xin được muợn lời của Đức Khổng Tử và lời của sách Tobia để giữ đức công bình: Đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn tha nhân làm cho mình ( x.Tb 4,16 ). Xin được nhớ lại lời của Chúa Giêsu để sống đức ái: Tất cả lề luật và lời ngôn sứ đều tóm ở điều này: Hãy làm cho tha nhân những gì mà anh em muốn tha nhân làm cho mình ( x.Mt 7,12; Lc 6,31 ).

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

ĐẠO TẠI TÂM
Mc. 7,1-8a.14-15.21-23

Khi nói "Đạo Tại Tâm", chúng ta thường hiểu theo ý nghĩa giữ đạo do tự trong lòng, chứ không hệ tại ở những việc làm bề ngoài. Chúng ta cũng thường kết án những người 'giữ đạo bề ngoài' mà tâm hồn thì trống rỗng, không thành thật; đó là "giả hình" hoặc "Pharisêu". Thật ra, "Đạo tại tâm" không phải chỉ giữ ở trong lòng mà không cần giữ các lề luật bên ngoài, dù đó là luật đạo hay luật đời; nhưng "Đạo tại tâm" là "sống đạo và thực hành các giới răn của Chúa" với cả tấm lòng của chúng ta, chứ không phải chỉ để phô trương bề ngoài. Sống đạo thực sự là yêu mến và tuân giữ các giới răn của Chúa, và thực thi lòng yêu mến đó bằng cách yêu thương giúp đỡ mọi người, nhất là những người sống trong hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Danh từ "Pharisêu" chỉ một nhóm người trong đạo Do Thái xưa. Họ thật sự là những người muốn tuân giữ chặt chẽ các lề luật Chúa do Môisê truyền lại, như chúng ta thấy trong Bài Đọc I hôm nay (Sách Đệ Nhị Luật 4: 1-2, 6-8): "Anh em chớ thêm bớt điều gì trong các điều mà tôi đã truyền cho anh em... Anh em hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa anh em... Anh em phải tuân giữ và thực hành..." Tuy nhiên, có nhiều người quá câu nệ vào hình thức bề ngoài, và cũng có nhiều người thích phô trương ra ngoài để chứng tỏ ta đây là người đạo đức, là những người biết sống theo lề luật cha ông để lại, nhưng trong lòng họ lại đầy những nham hiểm, mưu kế, dối trá, thù hận: "Họ làm mọi việc chỉ cốt để thiên hạ thấy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài!..." (Đúng là 'thích khoe quần, khoe áo!') (Matthêu 23: 25-28, Luca 11:39-44).


Những người "Biệt Phái" (tức Pharisêu) và Luật sĩ thời Chúa Giêsu thường hay rình mò và xét đoán các hành vi của Chúa và các môn đệ, và chỉ trích Chúa Giêsu và các môn đệ là những người 'phá luật lệ'. Hôm nay, trong bài Phúc Âm (Matcô 7: 1-8, 14-15, 21-23), nhóm Biệt phái và Luật sĩ chỉ trích môn đệ của Chúa là "ăn uống với những bàn tay không trong sạch vì không chịu rửa tay trước khi ăn như luật lệ dạy..." Nhân dịp này, Chúa Giêsu muốn dạy họ một bài học thực tế về việc 'giữ luật' không nên quá câu nệ vào hình thức bề ngoài, nhưng quan trọng là do tự trong lòng (Đạo Tại Tâm). Chúa Giêsu không phá luật lệ Cha Ông để lại: "Con Người đến không phải để phá bỏ luật lệ, nhưng để kiện toàn!". Cứ lo "rửa tay, rửa chén, rửa bình" mà không lo sống đạo đức thực sự thì thật là cách giữ đạo bề ngoài, là gỉa hình, như Thiên Chúa đã nói về họ qua lời tiên tri Isaia: "Dân này kính Ta bằng môi, bằng miệng mà lòng chúng xa Ta!" (Isaia 29:13). Nhân tiện, Chúa Giêsu cũng bảo họ: "Đừng bỏ giới răn Chúa để chỉ nắm giữ những luật lệ bề ngoài, vì sống đạo là thực thi giới răn Chúa, xa lánh tội lỗi như: ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, tỵ hiềm, ngạo mạn, ngông cuồng!..." (Matcô 7: 21-23).


Thánh Giacôbê trong Bài Đọc II (Giacôbê 1: 17-18, 21-22, 27) cũng nhắn nhủ chúng ta sống đạo bằng cách thực hành, đó là xa tránh tội lỗi và thực hành Đức Bác Ái: "Anh em hãy tẩy trừ mọi điều ô uế, gian ác... Anh em hãy mau mắn lãnh nhận Lời Chúa và đem ra thực hành, chứ đừng nghe xuông... Hãy giữ lòng mình khỏi mọi ô uế ở đời này... Hãy thăm viếng cô nhi, quả phụ trong cơn quẫn bách..."


Tác giả Thánh Vịnh 14 trong Bài Đáp Ca hôm nay cũng chỉ cho chúng ta biết thế nào là sống đạo thực sự: "Ai sẽ được sống trước Nhan Thánh Chúa: Đó là những người thanh liêm và và thực hiện điều công chính, trong lòng luôn suy nghĩ điều ngay, lưỡi không bịa lời vu khống, không làm điều sai trái cho người anh em, không nhục mạ những người lân cận, coi thường những kẻ bất nhân, mến yêu những người biết tôn thờ Chúa; đó là những người không xuất tiền đặt nợ thu lời, không ăn hối lộ để làm hại những người hiền lương. Những người thực thi những điều đó thì muôn đời đứng vững, không bị lung lay!"


Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện xin Chúa là Cha nhân từ tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta trong quá khứ, giúp chúng ta thật lòng ăn năn chừa cải. Xin Chúa cho chúng ta sống đạo với cả tâm hồn chúng ta, với lòng yêu mến Chúa và yêu thương mọi người. Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh là những vị đã thành tâm sống đạo và đã nên Thánh sau cuộc đời gian nan trần thế, chuyển cầu cho chúng ta. Trong "Năm Linh Mục" này, chúng ta cũng tiếp tục cầu nguyện nhiều cho các Chủ Chăn, các Linh mục luôn được lòng nhiệt thành phục vụ Chúa và mọi người. Xin đặc biệt cầu nguyện nhiều cho các Chủ Chăn, Linh Mục đang gặp nhiều khó khăn, thử thách; nhất là ở Việt-Nam hiện nay.

LM Anphong Trần Đức Phương

HÃY LÀM SẠCH CÕI LÒNG
Mc 7,1-8a-15.21-23

Sống và giữ đạo luôn phải đi song song với nhau. Đọc Tin Mừng có lẽ ai cũng phải nhận rằng đối với người Pharisêu và Luật sĩ việc giữ đạo, giữ luật lệ của họ thật ra không ai có thể sánh bằng họ...Thế mà, Chúa Giêsu lại khiển trách, mắng họ một cách thậm tệ bởi vì họ chỉ giữ luật bề ngoài, giữ những điều tỉ mỉ, những điều phụ thuộc mà quên đi cái cốt lõi là chiều sâu, là tình yêu mến, đức ái. Bài Cựu ước và bài đọc 2 trong thánh lễ hôm nay đều nhắc nhở chúng ta và mọi người điều đó. Bài Tin Mừng của thánh Marcô cho thấy những người chỉ giữ đạo bề ngoài, những hình thức xem ra hào nhoáng, bóng bảy, những tập tục bên ngoài là những kẻ giả hình.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thường đem các người Pharisêu, những Luật sĩ ra để dạy mọi người. Điều Pharisêu và Kinh sư quý trọng các tục lệ, các truyền thống của tiền nhân là một điều tốt lành. Tuy nhiên, họ lại quá chú trọng đến cái bề ngoài, quá tỉ mỉ, đến độ họ câu nệ vào những điều hết sức nhỏ nhặt, không thể chấp nhận được để cho đó là điều phải giữ, khiến họ trở thành những người giả hình, kiêu căng, tự mãn. vv...Họ tự mãn về con người của họ, nới rộng áo, để dài tua áo, đeo tùng teng thẻ kinh, tự coi mình là những con người gương mẫu, đạo đức cho kẻ khác, coi mình là giỏi, là biết luật hơn người khác nên tỏ ra khinh thường mọi người, xét nét và bắt bẻ người khác. Đoạn Tin Mừng Marcô vừa đọc cho thấy họ trách, bắt bẻ môn đệ của Chúa Giêsu không rửa tay trước bữa ăn nghĩa là không giữ tập tục của tiền nhân. Và rồi để dạy họ, Chúa đã nói thẳng với họ rằng họ chỉ lo giữ bề ngoài nhưng bên trong đầy gian ác. Dâng của lễ cho Chúa, nhưng bất hiếu, không chăm nom săn sóc cha mẹ thì cũng chẳng đẹp lòng Chúa.Chính vì thế, Chúa cảnh cáo họ giữ các tục lệ cho kỹ, tỉ mỉ, nhưng bỏ qua các giới răn của Chúa, nhất là giới răn bác ái yêu thương thì chẳng có nghĩa gì, chẳng có giá trị gì cả. Đó chỉ là thái độ sống giả hình, thái độ bên ngoài:
"Mồ mả tô vôi, nhưng bên trong đầy thối tha".

Chúa dạy mọi người, dạy chúng ta phải làm mới trái tim, làm mới cõi lòng. Bởi vì nguồn gốc của việc lành hay dữ là do cõi lòng. Thiện căn ở tại lòng ta mà. Do đó, tục ngữ ca dao vẫn nói: "
Người làm sao chiêm bao làm vậy ", " Lòng đầy mới trào ra bên ngoài " ( hữu ư trung xuất hình ư ngoại ) là thế. Chúng ta phải luôn làm mới tâm hồn, gột rửa tâm hồn và làm sáng trái tim để những điều chúng ta chất chứa trong tim, trong lòng luôn là những điều tốt lành, nhờ đó, những lời nói, việc làm của chúng ta đem lại niềm vui và tốt đẹp cho mọi người.Chúng ta hãy nhớ lời của Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia nói rằng: " Ta chán ngấy các lễ tế của các ngươi. Thôi đừng dâng lễ Ta bằng những lễ vật vô bổ nữa " hoặc " Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, nhưng lòng chúng thì lại xa Ta một trời một vực !". Nên, chúng ta phải để lòng chúng ta chất chứa những điều tốt đẹp, tránh những điều ác độc, vì những tư tưởng tốt lành sẽ hướng dẫn hành động và cuộc sống của chúng ta. Thánh Giacôbê đã nói với nhân loại, với mỗi người chúng ta: " Hãy tiếp nhận những lời mà những lời đó có sức mạnh để cứu thoát anh em.Hãy thực hành những lời đó. Nếu tất cả những gì anh em thực hiện là lắng nghe thì anh em đã tự lường gạt chính mình ".

Điều cốt lõi trong đạo của Chúa không phải là chúng ta làm được điều này điều nọ nhưng chính là tình yêu thúc đẩy chúng ta hành động, tình yêu phát xuất từ con tim để chúng ta yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân.Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô đoạn 13 đã viết:


"...
Tình yêu là vĩnh cửu. Vì thế tình yêu chính là điều anh em phải nỗ lực tìm kiếm".
Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng bao giờ quên cốt lõi của Tin Mừng là yêu thương
. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

TẬP TỤC VÀ LỜI CHÚA
Mc.7, 1-8.14-15.21-23

Có những người chẳng để ý đến lề luật, nên không tôn trọng quyền lợi người khác; nhưng cũng có những người quá để ý đến luật, đến trở thành nô lệ lề luật. Đức Giêsu trách một số người thời đó "bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người".

1. Lời Thiên Chúa và lời con người


Thiên Chúa đã ban mười điều luật cho dân Israel qua Môsê, và ông đã dạy dân Do Thái: "các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền cho các ngươi". Đừng thêm và cũng đừng bớt vào những điều Thiên Chúa dạy. Đừng làm lẫn lộn lời của con người với Lời Thiên Chúa. Chỉ có Lời Thiên Chúa mới phải giữ một cách tuyệt đối, còn lời của con người thì tùy thuộc thời đại và tùy thuộc văn hóa của mỗi dân tộc.


Tuy nhiên, có Lời Chúa nào mà không phải là lời của con người? Để con người nghe được Lời Chúa, thì Lời Chúa cũng phải là lời của con người, phải được truyền qua trung gian con người. Để dân có thể nghe được Lời Chúa, Lời Chúa đã qua trung gian là lời Môsê. Lời của Môsê nhưng không phải là lời của Môsê, nên Môsê cũng phải phục tùng Lời Chúa mà Môsê đã được trao để truyền lại cho dân.


Vấn đề chính yếu là phải nhận định được đâu là Lời Chúa và đâu là lời của con người, xét như phương tiện chuyển tải Lời Chúa. Đâu là Lời Chúa, đâu là lời của Môsê, đâu là văn hóa của thời đại chuyển tải Lời Chúa? Thập giới là Lời Chúa, và thập giới cho con người biết con người phải có tương quan như thế nào đối với Thiên Chúa. Vào thời cánh chung, Lời Thiên Chúa đã làm người. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể, nên con người cũng là Lời Thiên Chúa, vì Lời Thiên Chúa đã làm người.


2. Tập tục con người và giới răn Thiên Chúa


Con người là vật chất và tinh thần. Thân xác vật chất bị giới hạn, nên con người cũng bị giới hạn. Khi Lời Thiên Chúa nhập thể, thân xác giới hạn của con người có thể che khuất làm con người khó nhận ra chân tướng của Lời Thiên Chúa nhập thể; cũng tương tự vậy, lời con người cũng có thể làm lu mờ Lời Chúa khi Lời Chúa được diễn đạt qua trung gian lời con người.


Trong lịch sử, Lời Thiên Chúa đã được con người giải thích, với mong ước con người hiểu biết hơn về Lời Chúa, để có thể sống theo Lời Chúa. Tuy nhiên, vì có quá nhiều những lời giải thích nên người ta không còn nhận ra đâu là điểm chính yếu mà lề luật hay Lời Chúa muốn nói. Rồi tới một mức độ nào đó, người ta lấy những lời dạy của con người và coi đó như là tuyệt đối quan trọng (như thể đó là Lời Chúa). Đó là lý do tại sao Đức Giêsu nói: "Dân này sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người. Vì các ngươi bỏ qua giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người".


Con người phải được thanh tẩy liên tục để có thể nghe được Lời Chúa nói với mỗi người, và giữ mình khỏi bị ràng buộc bởi những lời giải thích Lời Chúa và luật Chúa. Truyền Lời Chúa lại cho con cháu, đó là bổn phận mà mỗi người thực thi. Tuy nhiên, con người phải phân biệt Lời Chúa và những giải thích về Lời Chúa. Cần thiết phải giữ Lời Chúa, chứ không phải giữ tập tục của con người. Thiên Chúa luôn muốn điều tốt lành cho con người, nên Lời Thiên Chúa làm con người được giải phóng khỏi mọi ràng buộc, giúp con người tự do và sống hạnh phúc với Thiên Chúa; ngược lại, tục lệ con người làm người ta trở thành nô lệ. Không được nhân danh Lời Chúa để bắt con người trở nên nô lệ cho những điều thuộc trần thế.


3. Thiên Chúa Đấng ban luật lệ cho con người


Luật Thiên Chúa ban cho con người, không phải để cưỡng ép con người, nhưng để giúp con người được tự do thực sự. Con người có thể bị ràng buộc bởi lòng ham mê tiền bạc, lòng ham mê sắc dục, sợ chết, v.v. Mười Lời (thập giới) được ban cho con người, giúp con người nhận ra mình bị nô lệ khi thấy mình đã vi phạm thập giới. Luật Chúa là dấu chỉ cho con người biết về chính mình.


Đấng ban luật cho con người, là Đấng muốn con người được tự do. Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muốn loài, Ngài là chủ, là vua. Ngài không nô lệ bất cứ điều gì nhưng tự do với tất cả để yêu thương. Thiên Chúa yêu thương, và muốn con người nên giống Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người làm chủ tất cả, tự do với tất cả. Thiên Chúa muốn con người sống hạnh phúc như Thiên Chúa.


Khi con người còn quy tất cả về chính mình, thì con người chưa thể yêu thương thật sự. Khi con người muốn đặt mình trên tất cả, thì con người chưa thực sự được tự do. Yêu thương và phục vụ, là dấu chỉ của một người đang trở nên giống Thiên Chúa. Hạnh phúc không thể có được chỉ bằng thỏa mãn những nhu cầu vật chất của con người. Hạnh phúc đòi hỏi điều gì thâm sâu hơn, và chính Đức Giêsu đã sống hạnh phúc trong chính cuộc đời dương thế của Ngài. Hạnh phúc của Đức Giêsu, liên hệ đến tất cả con người của Ngài, và là tình trạng mẫu mực con người phải đạt. Khi đó con người sống an bình và hòa hợp với Thiên Chúa.

LM Phạm Thanh Liêm, SJ

VỚI CẢ TÂM TÌNH
Mc 7,1-8a.14-15.21-23

Truyện thiền kể có hai nhà sư xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một thiếu nữ đứng bên vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư liền bế thiếu nữ vượt qua vũng nước. Trở về gần đến chùa, nhà sư kia trách bạn: "Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế ?". Nhà sư trả lời: "Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa".

Câu chuyện ý nhị trên đã minh hoạ rõ nét về hai lối sống đạo. Lối sống đạo theo hình thức và lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành. Ông đã hoàn toàn giữ luật theo hình thức bề ngoài mà không xét đến nội tâm của mình.


Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những luật lệ theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Đặc biệt là luật thanh sạch. Người Do thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Để tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.


Chúa Giêsu chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Chúa Giêsu đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa.


Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Đọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Chúa Giêsu đã nặng lời chỉ trích họ: "Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta".


Những hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết. Nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị, cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị.


Đạo Chúa không phải là hình thức. Đạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phao-lô dạy: "Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1Cr 13, 1-3).


Vì thế, khi làm việc gì, điều cần thiết là cho cử chỉ phản ánh trung thực tâm hồn. Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối. Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần gũi Chúa. Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi. Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương. Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng.


Với tất cả tâm tình, những nghi thức mới trở nên có hồn, thành thực. Với tất cả tâm tình, ta mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa ta đến gần Chúa.


Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

TRỌNG TÂM CỦA LỀ LUẬT
Mc 7, 1-8a.14-15.21-23

Trong đời sống của con người không thiếu gì những chuyện xem ra mâu thuẫn và buồn cười. Thời Chúa Giêsu, các người Pharisêu tỏ ra họ là những người chu toàn lề luật một cách hoàn hảo, đồng thời họ cũng cho mình là mẫu mực của việc thực thi lề luật. Nhưng xem ra họ lại tỏ ra quá lố bịch, và hì hỡm vì giữ luật bề ngoài, giữ luật một cách thật máy móc. Đức Giêsu lại có một quan niệm khác về việc tuân giữ lề luật, Ngài không đã phá việc giữ lề luật, và hủy bỏ lề luật nhưng theo Ngài cốt lõi của Đạo là Tình Yêu, cốt lõi của việc giữ lề luật, thực thi lề luật cũng là Tình Yêu.Vì thế, quan niệm và đường hướng của Chúa Giêsu là một cuộc cách mạng đối với Do thái giáo...

Câu chuyện hôm nay khởi đi từ một việc nhỏ: các môn đệ của Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn. Đối với người Pharisêu, khi đi ra phố chợ về nhà dứt khoát phải rửa tay, bởi vì tay ô uế sẽ làm đồ ăn ra ô uế, và đồ ăn ô uế sẽ khiến cả con người ra ô uế. Chúa Giêsu đã khẳng định, đã minh xác một cách công khai, minh bạch rằng: " Không có gì vào trong con người lại khiến con người ra ô uế " ( Mc 7, 15 ). Lời xác quyết của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Ngài là một con người tự do, Ngài vượt ra khỏi những cấm kỵ, những cản ngăn, những bức tường xem ra rất vô lý của những người Pharisêu và những người Do Thái lúc đó. Chẳng hạn họ cấm cản việc ăn thịt heo, ở gần những người phụ nữ đang thời ở cữ, không được đụng vào xác chết, không được sờ vào người cùi, không được đồng bàn với người tội lỗi, những người ngoại giáo vv...Tât cả những trường hợp đó đều bị cấm kỵ. Chúa Giêsu đã phạm vào nhiều điều cấm của những người Pharisêu và đạo Do thái. Chúa đã đến với những người nghèo, những người lang thang vất vưởng, những người bị cho là tội lỗi, những người thu thuế và gái điếm. Chúa đến với những hạng người ấy để làm cho họ nên tốt, trở nên sạch.


Chúa Giêsu không phản đối việc rửa tay. Rửa tay để cho tay sạch sẽ là điều tốt cần phải thi hành. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu thấy những người Pharisêu giả hình, rửa tay vì sợ, vì giả hình là một điều cần phải tránh. Chúa muốn con người thực thi lề luật vì yêu thương. Ngài dạy chúng ta phải tẩy sạch trái tim, nghĩa là làm sạch bên trong. Do đó, Chúa kể ra 12 tội xấu phát xuất từ bên trong, phát xuất từ trái tim của con người chẳng hạn như tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng ( Mc 7, 21-22 ). Chúa mời gọi con người, kêu gọi chúng ta tẩy sạch trái tim, trở về với trái tim nghĩa là dám nhìn nhận những sai trái, những lớp vỏ, mặt nạ của mình. Trở về với trái tim nghĩa là không bôi sáp, không trét phấn...Trở về với cõi lòng nghĩa là biết sám hối ăn năn để làm cho cõi lòng trở nên trong sạch, trở nên tinh tuyền. Ngôn sứ Êdêkiên đã viết một câu rất chí lý: " Hãy tạo một trái tim mới cho mình ". Tuy nhiên, không phải con người, không phải chúng ta dễ dàng thay tim, không phải chúng ta dễ dàng làm cho tim nên trong sạch nếu không có Chúa: " Ta sẽ thanh tẩy các ngươi.Ta sẽ ban cho các ngươi một trái tim mới " ( Ed 36, 25 tt ). Vâng, trở về, làm đẹp bên trong, đổi mới trái tim là làm được mọi sự.


Chúa căn dặn chúng ta lề luật, tập tục, truyền thống cũng rất cần thiết, nhưng đừng nệ vào luật bề ngoài, tuân giữ và thực thi một cách máy móc lề luật mà quên đi lời Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia: " Dân này thờ ta ngoài môi miệng, còn lòng dạ chúng thì quả thực xa Ta ". Như vậy điều cốt lõi trong đạo Công giáo không phải chúng ta làm việc này việc nọ, nhưng chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy. Việc làm, điều chúng ta thực thi, hành động phải phát xuất từ tình yêu: yêu Thiên Chúa và thương tha nhân.


Chúng ta hãy suy gẫm lời của thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô: " Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư ? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng ? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư ? Rồi cũng chẳng còn " ( 1 Co 13, 2-8 ). " Anh em hãy cố đạt cho được đức mến, hãy khao khát những ơn của Thần Khí, nhất là ơn nói tiên tri " ( 1 Co 14, 1).


Lạy Chúa Giêsu, xin tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết yêu Chúa và thương người. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

GIỮ TRỌN LỀ LUẬT
Mc 7, 1-8a.14-15.21-23

Dân Chúa luôn hãnh diện vì có lề luật. Họ hạnh phúc và tự cao vì lề luật phát xuất từ Thiên Chúa và Môsê đã theo lệnh Chúa truyền lại cho dân. Lề luật gồm những điều khoản buộc dân Chúa phải giữ để họ có thể trung tín với Giao Ước mà họ đã ký kết với Thiên Chúa Giavê. Tuy nhiên, luật vẫn là luật, nhưng từ từ dân Chúa, đặc biệt các Biệt phái, luật sĩ, thượng tế và các vị lãnh đạo tôn giáo lúc đó đã làm lề luật bị biến dạng. Bài Tin mừng của thánh Marcô hôm nay nó lên tính cách biến dạng ấy.

LUẬT CỦA CHÚA NHẸ NHÀNG:


Bài đọc thứ nhất trích từ sách đệ nhị luật nhắc nhở dân Chúa phải tuân giữ các giới răn, các lề luật, các huấn lệnh tượng trưng cho sự khôn ngoan, trong sáng và sáng suốt của dân Chúa giữa muôn dân muôn nước. Thực ra, luật của Chúa chỉ gồm tóm trong hai giới răn là" mến Chúa" và" yêu tha nhân ", đã từ từ biến dạng theo thời gian trở thành đủ mọi thứ tập tục khiến lề luật không còn nhẹ nhàng và trở nên gánh nặng chất trên vai dân của Chúa. Thiên Chúa, qua ngôn sứ Isaia đã nói:" Ta đã chán ngấy các lễ tế của các ngươi. Thôi, đừng dâng lên Ta những lễ vật vô bổ nữa" hay " Dân này chỉ thờ Ta ngoài môi miệng nhưng lòng của nó thì lại ở xa Ta ". Xem ra Chúa ban lề luật là để con người tuân giữ để trung thành với Chúa. Chúa ban tự do cho con người tin hoặc không tin, giữ luật hay không giữ luật. Chúa đã từng nói : " Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" hoặc " Ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng ".Nơi khác Chúa nói: " Ngày hưu lễ được đặt ra cho con người chứ không phải con người vì ngày hưu lễ ". Lề luật của Chúa trong sáng, nhẹ nhàng, con người tuân giữ với đức tin và lòng mến. Bởi vì cốt lõi của lề luật là tình yêu. Luật không do tình yêu là luật chết. Giữ luật cho qua, cho xong là bóp chết lề luật. Luật khô cằn, chà đạp nhân phẩm con người là luật chết. Chúa thiết lập lề luật dựa trên tình yêu vì chính Chúa là tình yêu.


LỀ LUẬT BỊ BIẾN DẠNG TRỞ THÀNH GÁNH NẶNG CHO DÂN:


Đọc Kinh Thánh chúng ta không khỏi nực cười vì những ông Pharisiêu xúng xính trong bộ áo thụng, tay đeo thẻ kinh, huênh hoang ra đường, cho ta là thông luật, nhưng thực tế lại bầy ra đủ mọi thứ luật tỉ mỉ đến không còn biết tới ai, họ bầy ra, họ không giữ mà bắt người khác giữ, như thế họ đã chồng chất lên vai người khác gánh nặng mà họ không lấy ngón tay lay thử thực tệ hại và buồn cười. Đoạn Tin Mừng của thánh Marcô 7, 1-8a.14-15.21-23 cho thấy cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân.Thực ra, tập tục rửa tay trước kia có một ý nghĩa rất thanh cao, thánh thiện, các tư tế rửa tay trước khi dâng của lễ lên Thiên Chúa. Đây là tập tục quí hóa. Sau này dân chúng bắt chước rửa tay trước khi cầu nguyện. Với ý nghĩ cao đẹp này họ đã rửa tay trước bữa ăn, vừa giữ vệ sinh, vừa có ý nghĩa tôn giáo. Tuy nhiên, người biệt phái quá vụ hình thức mà quên điều thiết yếu, họ phán đoán người khác dựa trên hành vi rửa tay trước bữa ăn, coi người khác xấu hay tốt dựa trên những hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đã trả lời cho những người biệt phái vụ hình thức ấy như sau:" Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm". Chúa muốn con người đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Người. Chúa muốn con người đặt lề luật vào đúng vị trí của nó. Điều quan trọng là thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch trái tim, chứ không phải chỉ rửa tay, rửa các đồ vật bên ngoài, đừng lẫn lộn ý muốn của con người và ý muốn của Thiên Chúa, tập tục của phàm nhân và lề luật do chính Thiên Chúa ban bố. Chúa đến không phải phá bỏ lề luật mà làm cho lề luật nên trọn hảo. Cái cốt lõi của lề luật vẫn là tình yêu. Giữ những việc, những điều lệ, tập tục do con người lập ra mà quên cái cốt lõi lề luật là mến Chúa yêu người. Đó là sự giả hình, Thiên Chúa không bao giờ chấp nhận.


Người Kitô hữu hôm nay có thể cũng đang bị cám dỗ giữ những hình thức bề ngoài nhưng lại quên đi điều căn bản nhất là sống Tin Mừng. Người ta có thế áy náy vì quên không đọc kinh, không ngắm đàng thánh giá, không giữ 9 ngày thứ sáu đầu tháng liên tiếp, nhưng người ta lại ung dung không hề áy náy khi người đói xin ăn, người khát xin uống, kẻ mình trần xin mặc mà họ lại cố tình làm ngơ. Điều cốt yếu ở đây là thanh tẩy nội tâm, tẩy sạch tâm hồn và rửa sạch trái tim để con người thực sự thi hành, tuân giữ lề luật với tình yêu mến. Không có tình yêu công việc bề ngoài dù hay tới đâu cũng chỉ như tiếng phèng la vang dội, hay tiếng não bạt chùm cheng.


Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng biết làm mọi việc vì vinh danh Chúa và yêu thương anh em
. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN B
Mc 7, 1-8a.14-15.21-23

Truyện thiền kể có hai nhà sư xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một thiếu nữ đứng bên vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư liền bế thiếu nữ vượt qua vũng nước. Trở về gần đến chùa, nhà sư kia trách bạn : "Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế ?". Nhà sư trả lời : "Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa".

Câu chuyện ý nhị trên đã minh hoạ rõ nét về hai lối sống đạo. Lối sống đạo theo hình thức và lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành. Ông đã hoàn toàn giữ luật theo hình thức bề ngoài mà không xét đến nội tâm của mình.


Những người Biệt phái và Luật sĩ trong đạo Do thái cũng giữ đạo theo hình thức như thế. Họ rất trọng những luật lệ theo hình thức bề ngoài. Họ cho rằng giữ những hình thức bề ngoài là đủ. Theo họ, đạo là lề luật. Giữ trọn lề luật là giữ đạo. Ðặc biệt là luật thanh sạch. Người Do thái có nhiều cấm kỵ ô uế. Bị coi là ô uế những người mắc bệnh phong, những người phụ nữ sau khi sinh con, người ngoại đạo. Ai tiếp xúc với những người ô uế sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ngay cả những đồ vật bị người ô uế động đến cũng trở thành ô uế. Ai động đến những đồ vật đã bị ô uế cũng sẽ bị lây nhiễm ô uế. Ô uế là tội lỗi. Những người bị ô uế sẽ không được dâng lễ vật cho Chúa. Ðể tránh ô uế, người Do thái luôn rửa tay, rửa bát bên ngoài cho sạch.


Ðức Giê-su chê trách họ là giả hình. Vì họ chỉ lo giữ sự trong sạch bề ngoài mà không lo giữ sự trong sạch bề trong. Họ lo rửa tay chân mà không lo rửa lương tâm. Họ sợ tiếp xúc với người bệnh nhưng họ vẫn ấp ủ những ý đồ xấu xa trong tâm hồn. Có lần Ðức Giê-su đã sánh ví họ với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi, sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa.


Vì quá chú trọng đến những luật lệ tỉ mỉ bên ngoài, họ biến đạo thành một mớ những nghi thức trống rỗng vô hồn. Ðọc kinh cho đủ bổn phận mà không cầu nguyện. Ăn chay để giữ đúng luật hơn là để hạn chế tính mê tật xấu. Làm việc bác ái để phô trương hơn là để chia sẻ với người anh em cơ nhỡ. Tệ hại nhất là họ giữ đạo mà không thật lòng yêu mến Chúa. Nên hôm nay, Ðức Giê-su đã nặng lời chỉ trích họ : "
Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta".

Những hình thức bên ngoài không phải là không cần thiết. Nhưng những hình thức bên ngoài, muốn có giá trị, cần phải phát xuất từ tâm tình bên trong. Nội tâm con người là nguồn mạch của mọi hành vi. Nội tâm có tốt thì hành vi mới tốt. Nội tâm có chân thật thì hành vi mới có giá trị.


Ðạo Chúa không phải là hình thức. Ðạo Chúa là tình yêu. Tình yêu chân thật phát xuất từ đáy lòng. Giữ hình thức mà không có tình yêu thì chưa phải là giữ đạo. Làm những việc lớn lao mà không có tình yêu cũng chỉ là vô ích, như lời thánh Phao-lô dạy : "
Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi" (1Cr 13, 1-3).

Vì thế, khi làm việc gì, điều cần thiết là cho cử chỉ phản ánh trung thực tâm hồn. Tất cả mọi việc làm lời nói ra bên ngoài phải phát xuất từ tâm hồn chân thực. Nhất là phải làm sao cho mọi nghi thức tôn giáo phát nguồn từ trái tim yêu mến chân thành. Việc từ thiện phải phát nguồn từ một tình yêu mến huynh đệ, thành thực muốn chia sẻ. Lời cầu nguyện phải phát xuất từ một trái tim yêu mến của người con hiếu thảo đối với Cha trên trời. Việc ăn chay phải khởi đi từ ý muốn chế ngự các nết xấu. Nghi thức thanh tẩy phải cử hành trong tâm tình sám hối. Có như thế, khi môi miệng đọc kinh, lòng ta mới gần gũi Chúa. Khi ăn chay, tâm hồn ta mới tan nát vì tội lỗi. Khi làm việc bác ái, ta tránh được thói phô trương. Khi rửa tay, tâm hồn ta mới được thanh tẩy nên trong trắng.


Với tất cả tâm tình, những nghi thức mới trở nên có hồn, thành thực. Với tất cả tâm tình, ta mới thực sự sống đạo. Với tất cả tâm tình, đạo mới đưa ta đến gần Chúa.


Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng yêu mến Chúa.

Gm. Giuse Ngô Quang Kiệt

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN B
Mc 7, 1-8a.14-15.21-23

Ngày nọ vào hồi 2 giờ sáng, Cha Murray thấy chuông điện thoại báo và nghe có tiếng rên rỉ :"Ông nội con ở trong nhà thương sắp chết, xin cha đến giúp". Vì cách nhà thương có 2 block, cha Murray quyết định đi bộ tới thăm bệnh nhân. Đang đi, thình lình một người lạ mặt từ trong bóng tối nhảy ra chìa súng vào cha quát lớn: "Đưa hết tiền đây cho tôi". Vị linh mục trả lời: "Chiếc ví của tôi ở trong áo coat". Tên cướp phanh áo ngài để tìm chiếc ví tiền, chợt nhìn thấy chiếc cổ áo trắng linh mục: "Trời ơi, Tôi không biết đây là ông cha. Xin cha tha tội cho tôi và cha giữ lấy liền". Với lòng biết ơn, vị linh mục tặng cho anh ta một điếu xì gà, nhưng anh ta lắc đầu từ chối: "Xin cám ơn cha, tôi kiêng hút thuốc trong mùa chay".

Tên ăn cướp này cũng giống như người Pharisiêu. Họ cặn kẽ giữ những điều luật nhỏ mọn, nhưng lại bỏ qua những giới răn rất quan trọng. Họ giữ những lề luật bề ngoài, nhưng họ căm ghét kẻ khác không giữ một cách sâu đạm trong trái tim. Họ tuân giữ những nghi thức bề ngoài này và được đánh giá là họ đạo đức, biết phụng sự Thiên Chúa mà khinh miệt những người khác. Cũng như kiêng không hút thuốc trong mùa chay, nhưng lại đi ăn cướp. Vì thế Chúa Giêsu thường phê bình họ khiến họ rất ghét Ngài, theo dõi để bắt bẻ, gài bẫy và công kích Ngài. Ngày nay cũng còn có những thứ người Pharisiêu tân thời như họ. Thí dụ: họ đi lễ trễ mà nếu có ai phê bình thì họ tức tối và cho rằng thế là hạ nhục họ đang khi họ không biết đi lễ trễ là xúc phạm đến Chúa và làm chi trí cho những người khác. Đến nhà thờ, họ tươi cười bắt tay những người bắt tay họ, nhưng lại không biết nói, không biết chào hỏi Thiên Chúa trên bàn thánh. Điều đó cũng như đi dự tiệc mà chỉ trò chuyện với khách mà không hề biết chào hỏi chủ tiệc. Cũng vậy, người khác đi dự tiệc chỉ biết chê trách, bắt bẻ chủ nhà rằng: Khăn bàn xấu, ly chén không sạch, đồ ăn nguội không ngon... nhưng chính họ chỉ toàn nói những chuyện thiếu thanh tao, kéo kẹt, cũng chẳng bao giờ dâng cúng cho chủ tiệc, cho Chúa lấy một đồng. Người khác đi ra ngoài gặp ai thì luôn miệng "Cám ơn, xin lỗi" rất lịch sự, nhưng về nhà lại chẳng hề biết nói một lời nhỏ nhẹ, lịch sự với vợ với con. Nếu trái tim chúng ta chất đầy những nỗi chua chát hoặc kiêu căng thì tất cả những nghi thức bề ngoài trước mắt thế gian cũng sẽ chẳng làm cho chúng ta nên thánh thiện trước mặt Chúa. Tất cả họ là những pharisiêu chỉ biết phô trương và giữ luật trước công chúng để được ca tụng, được tôn kính... Nhưng khi sống riêng tư thì lại bê bối, bỏ luôn cả những điều quan trọng nhất trong đời sống. Xin Chúa đừng để chúng ta là một pharisiêu như vậy.

Lm. Thu Băng

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN B
Mc 7, 1-8a.14-15.21-23

Người ta kể rằng: Hồi trước năm 1960 ở Sàigòn, các tiệm ăn thường có tấm bảng đề mấy chữ sau đây: "Cấm không được khạc nhổ xuống sàn nhà". Một hôm, có một chàng thanh niên ngang tàng đọc bảng cấm đó, tức bực lắm, anh ta đã ngạo nghễ khạc nhổ lên vách tường quán ăn trước mặt mọi người. Các thực khách tại các bàn ăn khác xôn xao khó chịu. Chủ tiệm vội chạy tới, định cảnh giác anh ta, nhưng anh ta giơ tay chỉ vào tấm bảng và nói: "Tôi đâu có nhổ xuống sàn nhà". Người chủ tiệm rất tức bực, nhưng cũng đành chịu vậy, bỏ đi. Khi nhìn luật lệ như những điều trói buộc, thì người ta sẽ tìm ra những kẽ hở để phá luật.

Lái xe trên xa lộ, mà người tài xế không tuân giữ luật giao thông, sẽ gây ra biết bao tai nạn, làm xáo trộn trật tự xã hội và gây nguy hại cho sinh mạng con người. Từ hơn một tháng nay, trên đường đi tới tòa thị sảnh thành phố Springfield, chúng ta thấy ở góc đường ngay phía tay phải, một chiếc xe hơi bị tai nạn hư hỏng 100% cắt đôi ngay chỗ tài xế ngồi, ở dưới để một tấm bảng sơn ghi rõ sự bất tuân luật cấm uống rượu trong khi lái xe... Vậy, luật giao thông có phải là một cấm đoán bất công, hạn chế sự tự do của cuộc sống con người, hay nó là phương tiện giúp con người hưởng được sự an toàn?


I. NIỀM HÃNH DIỆN CỦA DÂN DO THÁI


Bài sách Đệ Nhị Luật hôm nay, chúng ta thấy thật có lý khi dân tộc Do Thái hãnh diện được các dân tộc khác khen ngợi: "
Thật dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan sáng suốt". Tại sao vậy? Vì: Không một dân tộc nào có diễm phúc được các thần minh ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa ở bên cạnh họ khi họ kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính và bộ luật là Thánh Kinh như dân Do Thái không?

Như chúng ta biết: Do Thái là Dân Riêng Chúa tuyển chọn. Chúa luôn xuất hiện với các tổ phụ họ, để truyền ban các huấn lệnh và lề luật cho dân tuân giữ. Chúa còn luôn che chở, bênh vực họ trong mọi bước đường họ đi; Người dùng cánh tay uy hùng, làm nhiều phép lạ để giải thoát họ khỏi ách nô lệ, bênh chữa, trợ giúp họ chiến thắng quân thù cách oanh liệt, khiến các kẻ thù của họ phải bàng hoàng kinh sợ.


II. ĐÁNG LỜI CHÚA QUỞ TRÁCH


Được vinh dự là Dân Riêng của Chúa, nhưng dân Do Thái có sống xứng đáng với ơn Chúa ban, bằng việc tuân giữ các huấn lệnh và lề luật Chúa truyền qua Maisen, khi ông thừa lệnh Chúa nói với họ: "
Các ngươi phải tuân giữ và thực hành các điều Chúa truyền dạy, vì đó là sự khôn ngoan sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân". Nhưng dân Do Thái có tuân giữ lệnh truyền đó không?

Lịch sử đã chứng minh sự bất trung và phản bội của dân tộc Do Thái. Chính vì thế mà qua bài Tin Mừng hôm nay, họ đã bị Chúa Kitô nặng lời quở trách: "
Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng xa cách Ta. Chúng sùng kính Ta cách giả dối, bởi chúng dạy những giáo lý và những lề luật do loài người bày tạo ra".

Dầu vậy, họ vốn tự cao tự đại lên mặt dạy đời, bằng cách sai những người Pharisiêu, biệt phái, luật sĩ là những bậc thầy trong dân đến nhòm ngó, rình rập, để bắt bẻ hạch sách Chúa về các hành động của các môn đệ Người: "
Tại sao các môn đệ Ngài lại không tuân giữ các tập tục của tiền nhân, mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Chúa đã cho họ một bài học khi nói với họ: "Các ngươi đã bỏ qua giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của loài người". Chúa còn trịnh trọng bảo dân chúng rằng: "Hết thảy các ngươi hãy nghe và hãy hiểu rõ lời Ta. Không có cái gì bên ngoài vào trong con người, mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những cái từ trong con người xuất ra, chính cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí, người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở bên trong mà ra, đã làm cho người ta ra ô uế".

III. CÔNG GIÁO, DÂN RIÊNG CỦA CHÚA


Là thành phần của Giáo Hội Công Giáo, chúng ta làm nên Dân Riêng Chúa tuyển chọn, như một dân Do Thái mới. Chúa muốn chúng ta hãy là những người con ngoan thảo, vui lòng lãnh nhận các huấn lệnh và thánh chỉ của Chúa qua các Thánh Luật của Người truyền dạy và đem ra thực hành trong đời sống. Vì luật pháp là nơi chứa đựng thánh ý Thiên Chúa. Tuân giữ luật pháp là sống theo thánh ý Thiên Chúa, như lời Thánh Giacobê Tông Đồ nhắn nhủ: "
Anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh Lời đã gieo trong lòng anh em, Lời có sức cứu rỗi linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi Lời đã nghe, chớ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình".

Ngày nay, chúng ta vốn còn phải thú nhận cái sự thật đau lòng này, là nhiều người trong các Tín Hữu cũng chẳng hơn gì những người Pharisiêu, biệt phái, luật sĩ Do Thái xưa, họ đọc kinh nhiều, tham dự các giờ phụng vụ, đền tạ, các cuộc biểu dương Đức Tin, ghi tên vào nhiều đoàn thể; nhưng họ lại rất ít quan tâm đến việc sống những tinh thần của các lời kinh, lơ là việc tuân giữ các điều luật của các hội đoàn họ gia nhập, không thực thi Đức Bác Ái Huynh Đệ... Tệ hơn nữa, họ còn tin kiêng dối trá, mê tín, dị đoan và cặn kẽ giữ các tập tục cha ông lưu truyền, phản lại cả những giới răn của Chúa, giáo huấn và luật lệ của Giáo Hội: Chẳng hạn họ cứ bắt buộc con cái phải chu toàn luật tang chế, do tập tục xã hội cổ truyền bày tạo, trong khi sa phạm luật Chúa và Giáo Hội thì họ chẳng quan tâm, chẳng kể là gì. Ví dụ: Chồng đã chết, bố mẹ cứ bắt con gái phải để tang chồng đủ ba đã, rồi mới được tái hôn. Trong khi đó, con gái sa ngã, mang bầu, sinh con rồi, mà vẫn không được phép tái hôn. Họ kết án con cái là hư thân mất nết, nhưng chính họ đã không khôn ngoan đề phòng để con cái lỗi phạm giới răn Chúa, gây nên gương xấu làm hổ mặt cho dòng họ, bởi bắt con cái giữ tập tục của tiền nhân, mà không màng tới giới răn Chúa và Giáo Hội. Tội lỗi đó, ai phải chịu trách nhiệm?


Kết Luận


Là con cái Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng: "
Sống theo luật Chúa là chúng ta sống cho Chúa" (Qui Regulae vivit, Deo vivit). Chúng ta đã được Chúa Thánh Linh chúc phúc: "Phúc cho những ai tiến thân trong luật pháp của Chúa". Vì Luật Chúa là khuôn vàng thước ngọc, là lẽ sống, là kim chỉ nam, là vị hướng đạo soi sáng hướng dẫn cho chúng ta sống theo thánh ý Chúa, giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu, để chúng ta có thể quả quyết được như lời Thánh Kinh: "Luật Chúa là đèn dọi bước chân tôi".

Thánh Phaolô còn quả quyết: "
Yêu mến và chu toàn lề luật, là yêu mến và chu toàn thánh ý Chúa". Chu toàn thánh ý Chúa, sẽ được Chúa chúc phúc: "Phúc cho những ai suy ngắm luật Chúa đêm ngày" (Prov 29:18). Vậy chúng ta hãy ghi nhớ và làm cho Lời Chúa được thấm nhuần và chi phối mọi tư tưởng, lời nói, việc làm trong cuộc sống chúng ta, theo giáo huấn Chúa dạy: "Con hãy ghi tạc lề luật vào lòng con, thích trên trán con, đặt trước mắt con, buộc vào ngón tay con" (Prov 7:2-3).

Lm. Minh Vận, CMC

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN B
Mc 7, 1-8a.14-15.21-23

1. Quan niệm của các kinh sư Do-thái về sự công chính

Đọc bốn sách Tin Mừng, tôi phải nể phục sự nghiêm túc giữ luật của các kinh sư Do-thái: họ giữ luật Môsê cẩn thận từng chi tiết, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ngoài những điều khoản của lề luật, họ còn giữ cả những chi tiết nhỏ mọn trong truyền thống Do-thái giáo. Bài Tin Mừng hôm nay cho biết: «
Người Pharisêu cũng như mọi người Do thái đều giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng». Họ hành động như vậy vì họ cho rằng sự công chính và thánh thiện hệ tại việc giữ luật và tuân theo truyền thống tôn giáo cho thật cẩn thận. Càng giữ luật kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhặt thì càng công chính hay thánh thiện.

Chắc chắn trong họ có những người nghĩ và thực hành như vậy một cách rất chân thành, với mục đích rất tốt lành là nên công chính hay nên thánh. Họ nghĩ rằng tất cả những ai thánh thiện thì đều phải giữ luật như họ. Nếu có ai thánh thiện hơn họ, ắt người ấy phải giữ luật và những tập tục truyền thống một cách nhiệm nhặt và chi ly hơn họ. Chính vì thế, họ ngạc nhiên khi thấy các môn đệ của một thầy dạy đạo như Đức Giêsu lại không giữ luật và truyền thống như họ. Họ hỏi Ngài: «
Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa

2. Sự công chính và thánh thiện theo quan niệm của Đức Giêsu


Nhưng Đức Giêsu đã cho họ - và cả ta nữa - thấy rằng sự thánh thiện không hệ tại việc giữ luật một cách chi tiết như thế, hay giữ theo hình thức bên ngoài, mà hệ tại một cái gì đó sâu xa hơn nhiều. Cái đó ở trong nội tâm, chứ không phải ở bên ngoài. Người ta vẫn nói: «
Đạo tại tâm!». Cái đó chính là cái quan trọng nhất trong lề luật, là cốt tủy của lề luật.

Điều đáng tiếc là những người đặt nặng những chi tiết hay những hình thức bên ngoài của lề luật, thì lại thường coi nhẹ cái cốt tủy của lề luật. Đức Giêsu đã tố giác điều ấy: «
Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng (=tức những điều phụ thuộc), mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ» (Mt 23,23). Như vậy, theo Đức Giêsu, ba điều quan trọng nhất trong lề luật, tinh thần của lề luật, cũng là cốt tủy của sự thánh thiện, chính là chân lý, công lý và tình thương.

Thiết tưởng người Kitô hữu không nên đi vào vết xe đổ của người Do-thái là cứ quan trọng hóa những điều phụ thuộc, mang tính bên ngoài, như giữ cho thật kỹ lưỡng đến từng chi tiết luật này luật nọ, mà coi nhẹ cốt tủy của lề luật, vốn là tinh thần ở bên trong. Điều thiết yếu là phải có tinh thần hay cốt tủy đó ở bên trong đã, rồi tinh thần đó sẽ tự nhiên thúc đẩy ta thể hiện nó ra bên ngoài thành thái độ hay hành động.


3. Hãy nắm vững cái cốt tủy và ưu tiên thực hiện cốt tủy ấy trước


Nếu chỉ có những hành động giữ luật bên ngoài mà không có tinh thần cốt tủy bên trong, thì việc giữ luật đó sẽ ít giá trị trước Thiên Chúa. Còn những người mà luật Chúa thì không giữ, lại chỉ lo giữ những tập tục tôn giáo truyền thống, chẳng hạn một số thói quen quen được gọi là «
việc đạo đức», những nghi thức do con người sáng tạo, việc rước sách đình đám... thì việc giữ những tập tục ấy lại càng ít giá trị hơn. Nên nhớ: tất cả những tập tục này đều tốt, nhưng không phải là cốt tủy: thực hiện được thì tốt mà không thực hiện được cũng chẳng sao. Đức Giêsu đã chỉ cho những người này thấy cái sai của họ: «Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: "Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân"(Is 29,13). Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm».

Tôi thấy trong nhiều hội nghị Kitô hữu, người ta thường tuân thủ những qui ước minh nhiên (= được qui định rõ ràng) hoặc mặc nhiên (= tự nhiên phải hiểu, phải biết, không cần nói ra). Chẳng hạn như: vấn đề thuộc phạm vi của người nào thì chính người ấy phải nêu lên để bàn. Tuân thủ những qui định ấy là điều rất tốt để bảo vệ trật tự trong hội nghị. Nhưng có những trường hợp mà những vấn đề rất quan trọng có liên quan đến lương tâm của cả hội nghị thì lại không được đem ra bàn, lý do là người có trách nhiệm chính vì một lý do nào đó không chịu đưa ra bàn. Những người khác tuy bị lương tâm thúc giục phải đưa vấn đề ra, nhưng lại vị nể hay quá tôn trọng quyền ưu tiên của người có trách nhiệm chính, nên cuối cùng vấn đề lương tâm cần thiết phải bàn lại bị cho «
chìm xuồng», vì thế công ích bị thiệt hại nặng nề. Khi vị nể hay tôn trọng qui ước kiểu ấy phải chăng người ta đã coi qui ước của phàm nhân quan trọng hơn cả luật của lương tâm, cũng là luật của Thiên Chúa? Đạo đức kiểu đó là đạo đức gì?

4. «Đạo tại tâm». Đúng rồi! nhưng coi chừng... tâm giả!


Tuy nhiên, nhiều người lại đi đến một thái cực khác là không thèm làm những thể hiện tốt đẹp bên ngoài. Họ ngụy biện rằng «
Đạo tại tâm». Họ cho rằng họ đã có cái cốt tủy của lề luật ở bên trong, nên đủ giá trị trước Thiên Chúa rồi. Nhưng thánh Giacôbê tố cáo họ: «Đức tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,17.26). Nếu tinh thần cốt tủy kia không được thể hiện ra thành những hành động bên ngoài, thì đó là một nghịch lý, mâu thuẫn. Hãy coi chừng cốt tủy kia chỉ là cốt tủy giả hay tâm giả.

5. Điều quan trọng là bên trong chứ không phải bên ngoài


Đức Giêsu nói: «
Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình... Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế». Ngài cho thấy: yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bên ngoài. Chính ý hướng ở bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài có giá trị hay không. Nhiều người có những hành động rất tốt nhưng lại làm vì những động lực ích kỷ hay gian ác, thì hành động ấy trở nên xấu. Chẳng hạn những hành động giả nhân giả nghĩa nhằm được một lợi lộc nào đó, như bố thí thật nhiều để được khen, để có tiếng là đạo đức hầu lừa đảo người khác, hay làm việc tích cực chỉ nhằm để được lên chức, để nắm được quyền hành hầu thao túng lũng đoạn tập thể. Ngược lại, có những người «tình ngay mà lý gian», hành động thì có vẻ như xấu, bị kết án, nhưng ý hướng thì tốt lành, nhằm ích lợi cho tha nhân. Họ tuy bị người đời kết án, nhưng lại được Thiên Chúa chúc lành.

Vì thế, trong đời sống tâm linh, người ta phải tu dưỡng cái «
tâm» ở bên trong trước: phải có tâm ngay thẳng, thành thật, luôn tôn trọng sự công bằng, biết yêu thương mọi người không phân biệt sang hèn tốt xấu. Khi đã có tâm tốt thật sự, những việc làm của người ấy sẽ tự nhiên đẹp lòng Chúa. Thánh Âu Tinh nói: «Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm!» (Ama et fac quod vis). Khi tâm đã quanh quéo, ích kỷ, sẵn sàng hại người, thì bất kỳ việc làm do tâm ấy thúc đẩy - dù bên ngoài có tốt lành đến đâu - cũng đều mang dấu ấn của tâm ấy, nên không mấy giá trị trước Thiên Chúa.

Cầu nguyện


Lạy Cha, xin cho chúng con hiểu rằng sự thánh thiện hệ tại tình trạng tốt đẹp tâm hồn hơn là tại những hành động bên ngoài. Xin cho chúng con biết quan tâm đến việc tu tâm dưỡng tánh, nghĩa là có một tâm hồn ngay thẳng, luôn thành thật, luôn tôn trọng và bênh vực công lý, luôn yêu thương mọi người. Tâm tốt lành ấy mới chính là điều cốt yếu làm nên sự công chính thánh thiện của chúng con, hơn là việc giữ luật lệ một cách chi tiết hay việc làm cho thật nhiều những hành động tốt
.

John Nguyễn

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN B
Mc 7, 1-8. 14-15. 21-23

Tôi nhớ trong một buổi lễ nọ, khi đoàn đồng tế đang đi rước, thì chợt trong đám đông có tiếng nhận xét đầy hãnh diện của một người nào đó: "Lễ hôm nay các cha đông như ma vậy". Tôi chẳng biết là ma có bao nhiêu con, nhưng chắc là cũng nhiều lắm, vì hôm đó, các cha cũng thật đông. Khi nói các cha đến đông như vậy, người này có ý muốn nói buổi lễ hôm đó thật long trọng. Nhận xét của người này, tôi thiết nghĩ, cũng là của nhiều người trong chúng ta, vì chẳng biết từ bao giờ, trong tâm trí của chúng ta có một suy nghĩ, cứ lễ nào có đông các cha, rước xách linh đình, rầm rộ thì đó là lễ trọng, có giá trị hơn các lễ khác. Chúng ta chỉ dừng lại ở những nghi thức bên ngoài mà quên đi đời sống nội tâm bên trong.

Tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một cái nhìn khác với cái nhìn của chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta có một lòng yêu mến chân thành đối với Ngài. Và chính lòng yêu mến đó sẽ chỉ cho chúng ta biết phải làm gì đối với Thiên Chúa. Do đó, dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, tôi muốn cùng quý ông bà anh chị em nhìn lại đời sống đạo của mỗi người chúng ta.


1. Từ việc giữ đạo ...


Khi nói đến đời sống tôn giáo, thông thường chúng ta nghĩ ngay đến một số các luật lệ và nghi thức. Và chúng ta cũng thường có khuynh hướng đánh giá mức độ đạo đức của một người qua số lần người đó tham dự các lễ nghi, và giữ các luật lệ. Chính vì thế mỗi khi thấy có người nào, không giữ như chúng ta, chúng ta liền phê bình và cho là "
khô đạo". Đó cũng chính là quan niệm của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu. Ngay khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu dùng bữa mà không rửa tay theo luật, lập tức các người Biệt phái liền chất vấn Ngài: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?". Như vậy, thắc mắc của những người Biệt phái không phải là vấn đề vệ sinh, nhưng là "tập tục của tiền nhân". Chúng ta biết rằng: Đối các người Biệt phái, trước khi ăn, họ phải rửa từ khuỷu tay trở xuống hai lần. Lần thứ nhất vì tay bẩn, và lần thứ hai là để tẩy rửa nước của lần rửa thứ nhất đã bị bẩn vì đã dính vào tay bẩn của mình.

Đứng trước chất vấn của họ, một chất vấn chỉ dựa vào nghi thức bên ngoài, Đức Giêsu đã lên tiếng cảnh cáo họ: "
Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lí về các ngươi, như lời chép rằng: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta..."". Đức Giêsu còn tuyên bố rõ rằng: chỉ có những gì từ bên trong ra mới làm cho con người ta ra ô uế, chứ không phải là những điều từ bên ngoài vào: "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho con người ta ra ô uế".

Những người Biệt phái đã cắt nghĩa và thêm vào thật nhiều chi tiết tỉ mỉ, trong khi đó, điều quan trọng là giới luật yêu thương của Thiên Chúa, thì họ lại bỏ qua. Họ quên mất lời nhắc nhở của Môisen trong sách Đệ Nhị Luật: "
Các ngươi chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền dạy các ngươi". Họ đã thêm quá nhiều điều phụ và chỉ dừng lại ở đó mà quên đi điều chính yếu. Họ quên mất rằng: Đối với Thiên Chúa, Ngài muốn từng người chúng ta đến với Ngài bằng cả tấm lòng, và trọn vẹn con người của chúng ta, chứ không chỉ là những nghi thức rầm rộ ở bên ngoài.

Chỉ dừng lại ở những nghi thức, lề luật nơi Nhà thờ mà quên đi việc phải sống Lời Chúa trong cuộc sống hàng ngày cũng là điều mà tôi và quý ông bà anh chị em rất dễ mắc phải. Thực ra, có lẽ chúng ta chẳng muốn sống giả hình, nhưng vì giữ những nghi thức đó xem ra dễ hơn là sống những đòi hỏi của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ mới
giữ đạo, chứ chưa sống đạo. Chúng ta chưa để Tin mừng của Chúa biến đổi cuộc sống của chúng ta; chính vì thế, chúng ta vẫn còn phải nghe những nhận xét thật đau lòng của anh chị em chưa tin: "Tin đạo chứ không tin người có đạo". Họ không tin chúng ta vì chúng ta chưa thật sự sống điều chúng ta tin.

2. ... đến việc Sống đạo
:

Nếu chỉ lo giữ những nghi thức bên ngoài, mà không có một tấm lòng chân thật bên trong, những nghi thức này sẽ không bền vững, thậm chí, chúng còn dẫn chúng ta đến một thói xấu khác là kiêu căng, tự phụ và dễ kết án người khác. Ý thức điều đó, Môisen đã nhắc nhở dân Israel: "
Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà ta dạy bảo các ngươi phải thực hành để được sống". Môisen nhắc cho dân biết rằng để mãi mãi được sống trong tình yêu của Thiên Chúa và được Ngài giữ gìn, thì họ phải sống điều Thiên Chúa dạy, chứ không chỉ nghe xuông, hay là chỉ giữ những gì con người nghĩ ra.

Như thế để được sống, chúng ta không chỉ nghe, nhưng cần đem Lời Chúa ra sống ngay trong cuộc sống hiện tại hàng ngày của chúng ta cách cụ thể, như lời thánh Giacôbê: "
Anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh Lời đã gieo trong lòng anh em ... Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách, và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này"

Không những bản thân chúng ta sống Lời Chúa, nhưng mỗi người còn có bổn phận thông truyền và giúp đỡ cho người khác cùng sống Lời Chúa, nhất là những người thân trong gia đình của chúng ta, như lời dạy của Môisen: "
Các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy".

Sống Lời Chúa chính là sự bảo đảm cho chúng ta có được một tâm hồn bình an và nhất là giúp chúng ta ngày càng đến gần với Chúa hơn. Chính tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca, với kinh nghiệm sống của mình, cùng với sự soi sáng của Thánh Thần đã khẳng định điều đó, khi nêu lên câu hỏi: "
Lạy Chúa, ai được cư ngụ trên núi thánh của Chúa?". Và tác giả cũng đã đưa ra cho chúng ta câu trả lời: "Đó là người sống thanh liêm và thực thi công chính, và trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống; người không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận". Chúng ta cần tin tưởng và sống theo Lời Chúa, lời của Đức Kitô, bởi vì đây là con đường duy nhất đưa chúng ta đến sự sống đời đời, như lời Ngài đã khẳng định: "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy".

Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, là cơ hội để mỗi người chúng ta kiểm điểm lại cuộc sống của mình trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta nghe Lời Chúa mỗi tuần, thậm chí là mỗi ngày, nhưng chúng ta đã có lần nào can đảm sống những đòi hỏi của Chúa chưa? Mỗi lần tham dự Thánh lễ, là mỗi lần chúng ta tham dự vào hiến tế tình yêu để lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thế nhưng, khi trở về nhà, chúng ta vẫn nói hành, vẫn sống gian dối, vẫn còn chia bè, lập phái, và chưa sẵn sàng để tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Như thế, phải chăng chúng ta đang tự lừa dối chính mình và người khác, như lời thánh Giacôbê: "
Anh em hãy thực thi Lời đã nghe, chớ đừng nghe xuông mà lừa dối chính mình". Chớ gì, với sự trợ lực của Thánh Thể, khi rời ngôi Thánh Đường này, để trở về nhà, từng người chúng ta luôn sẵn sàng thực hiện những điều Chúa dạy chúng ta trong từng ngày sống của mình. Amen.

Lm. Phêrô Trần Thanh Sơn

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN B
Mc 7:1-8, 14-15, 21-23

Luật Chúa được ban ra nhằm hướng dẫn đời sống con người, thăng tiến hoá con người, và nhắc nhở cho loài người bước đi theo đường lối chính trực. Tuy nhiên những người Biệt phái và kinh sư trong Phúc âm hôm nay đã đi lạc đường. Trong Phúc âm Chúa cảnh giác thái độ giả hình của người Biệt phái và kinh sư vì họ chỉ giữ luật vì luật. Họ giữ luật theo hình thức bên ngoài, nhưng tâm hồn họ xa Chúa, và họ còn sống đời bất công. Những người Biệt phái quan sát một số môn đệ của Chúa dùng bữa mà không rửa tay trước. Mối bận tâm của họ không có liên quan đến vấn đề vệ sinh, nhưng chỉ là hình thức đạo đức bề ngoài. Họ nhấn mạnh đến việc rửa tay bên ngoài, mà không quan tâm đến việc tẩy rửa tâm hồn bên trong. Vì thế việc rửa tay bên ngoài của họ là một việc làm trống rổng, không có ý nghĩa và không có giá trị thiêng liêng.

Trong bài trích sách Đệ Nhị Luật, Môi-sen đã dạy họ:
Hãy tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi ( Đnl 4:2). Đến hôm nay Chúa cảnh giác những người kinh sư và Biệt phái vì họ bỏ qua giới răn Chúa để bám víu lấy những tập tục của tiền nhân (Mc 7:8). Và Chúa trích lời tiên tri Isaia để quở trách họ: Dân này chỉ thờ ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta (Mc 7:6).

Chúa cũng dùng cơ hội này để cảnh giác dân chúng và các môn đệ là
Chỉ có gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất ra những ý định xấu xa: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ bánh, kiêu ngạo, ngông cuồng (Mc 7:21-22). Ta có thể tự mãn về một vài việc đạo đức bên ngoài, đến độ quên mất những vấn đề quan trọng và thiết yếu hầu để duy trì đức tin và thực hành đức ái. Vậy ta cần dùng những cơ hội có thể để tự xét và tự kiểm. Kết quả về việc tự xét và tự kiểm về đời sống thiêng liêng, có thể làm ta hài lòng hay không hài lòng. Tuy nhiên ta phải trung thực với lòng mình, nghĩa là phải biết chấp nhận sự thực về mình dù sự thật có đau lòng. Nếu tự xét, ta có thể khám phá ra cái thái độ giả hình của người Biệt phái và kinh sư cũng có thể ăn rễ sâu trong đời sống đạo đức của ta. Ta có thể tuân giữ luật Chúa mà không do nội tâm, không do lòng mến thúc đẩy, như là giữ luật Chúa vì sợ tội, giữ luật Chúa để được tiếng khen là mình đạo đức chứ không phải vì lòng mến. Hôm nay, ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa là Đấng thông biết mọi sự, Chúa thấu suốt lòng con. Chúa là Đấng đáng tôn thờ, chúc tụng, ngợi khen và cảm mến


Xin tha thứ
* những lần con chỉ thờ Chúa bằng môi miệng bên ngoài, mà lòng con xa Chúa,
* những lần con cầu nguyện cách máy móc mà thiếu tâm tình xác tín.
* những lần con chỉ đóng vai trò bàng quan mà không thực sự tham dự vào việc thờ phượng.
* những lần con tiếc rẻ thời giờ với Chúa bằng cách luôn đi lễ trễ và ra về sớm

Xin tha thứ
* những lần con quá quan tâm đến lỗi lầm của ngưòi khác
* những lần con nhạo cười người khác khi họ bày tỏ đức tin bằng lòng đạo đức chân thành
Lạy Chúa, xin thương xót con theo lượng từ bi của Chúa.
Xin giúp con thiết lập được mối liên hệ gần gũi với Chúa đễ những lời cầu nguyện và ca tụng của con được đi đôi với việc làm.
Xin Chúa đến ngự trị trong tâm hồn con. Xin Chúa là niềm vui, niềm hi vọng và là nguồn ơn cứu độ đời con.


Lm. Trần Bình Trọng, USA

Nguồn Vietcatholic.org

4612    30-08-2012 19:30:40