Sidebar

Thứ Sáu
20.09.2024

Chúa Nhật XXIII TN A_2

NHẮC NHỞ CÁCH NÀO?
Mt 18, 15-20

Anh chị em thân mến,
Bà Coritanbul, người Ba lan gốc Do thái. Thời đệ nhị thế chiến, bà đã bị giam trong trại tập trung Đức quốc xã. Sau chiến tranh, may mắn bà vẫn còn sống. Bà đi khắp châu Âu kêu gọi lòng tha thứ cho Đức quốc xã, dù trên thân thể bà đầy những tàn tích của Đức quốc xã để lại. Một hôm, một người lính Đức, trước kia đã làm nhục bà, đang đứng trước mặt bà. Nhìn thấy người đã hành khổ mình trước đây, bà như chết lặng; sự câm thù lại bùng lên. Lúc đó, bà thầm thì với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể thực sự tha thứ cho người hành khổ con. Xin ban cho con tâm tình của Chúa, để con có thể tha thứ như Chúa..." Câu chuyện của bài Tin mừng chúa nhật hôm nay cũng cùng một chủ đề như câu chuyện chúng ta vừa nghe. Ý chính: là sửa dạy anh em; nhưng căn bản của việc sửa dạy chính là sự kiên nhẫn, bác ái và thứ tha nơi người sửa dạy, và tinh thần phục thiện nơi người được sửa... Kính mời anh chị em cùng suy niệm...

a/. Mỗi người trong cộng đoàn, trong Hội thánh đều có trách nhiệm với việc sửa lỗi anh em mình. Vì mỗi Kitô hữu đều là chi thể trong Thân thể mầu nhiệm, mà Chúa Kitô là đầu, nên có mối quan hệ hỗ tương chặt chẽ; lại vừa là con cái Thiên Chúa, vừa là anh em với nhau, nên trách nhiệm sửa lỗi cho nhau càng thêm tế nhị và cần thiết. Lỗi ở đây thường là lỗi nặng và công khai, có tính cách gây gương xấu và làm tổn thương đến cộng đoàn.

Trách nhiệm sửa lỗi là trách nhiệm liên đới với đời sống đạo đức của anh em, để giúp anh em nên tốt; dĩ nhiên trước tiên bằng lời cầu nguyện, sau là bằng tình bác ái, khôn ngoan.

Cách sửa lỗi, ở đây chú trọng tới người sửa lỗi hơn là tội nhân. Thiên Chúa đòi mọi người có trách nhiệm về sự hoàn thiện của anh em. Nhưng để việc sửa lỗi có kết quả tốt, cần phải kiên nhẫn, khôn ngoan, bác ái và tha thứ...Mạch văn ở đây muốn nói về chuyện sửa lỗi, hơn là bắt lỗi. Tất cả đều được thực hiện trong tình yêu thương và kiên trì của Hội thánh. Nếu người được sửa lỗi không nghe, đó là điều bất đắc dĩ, là do chính họ...

b/. Trong việc sửa lỗi, chúng ta cần phân biệt: người sửa lỗi và người có lỗi:

  • Phía người thiện chí giúp sửa lỗi : cần kiên nhẫn, từ từ, bác ái và khôn ngoan: không phải thấy anh em mình có lỗi là đã vội lên án. Vì thế, việc sửa lỗi được thực hiện trong tình bác ái, không phải là một sự khiển trách đầy khinh miệt hay la mắng kiêu căng, nhưng với niềm hi vọng tạo điều kiện cho tội nhân có cơ hội hối lỗi và sửa mình. Cách sửa dạy này vừa có tính cách liên đới trách nhiệm, vừa có tính cách bác ái và phục vụ...
  • Phía người có lỗi : cần có tinh thần phục thiện. Người sửa lỗi cần gây ý thức, để họ biết nhận thiếu sót của mình, biết phục thiện khi bị vấp ngã. Sẽ giúp họ không cố chấp chống lại cộng đoàn, cũng không sống trong thảm nảo "gậm nhấm tội lỗi của mình", nhưng biết nhìn nhận thiếu sót, yếu đuối, đồng thời mạnh mẽ vươn lên trong niềm tin yêu và an bình...

Câu chuyện : Trong sách tu hành xưa có kể: Có hai anh thanh niên sống không tốt lắm, họ muốn ăn năn sửa lỗi. Họ đi vào nơi thanh vắng quyết tâm ăn chay đền tội. Sau một năm trời, họ trở về. Một người thì vui vẻ, mặt mày sáng láng; người kia trái lại có vẻ ốm yếu, tâm trạng lại bi quan nữa. Khi được hỏi: người vui vẻ trả lời: cả thời gian qua, tôi nhận ra mình tội lỗi thật; nhưng tôi cũng nhận ra Thiên Chúa yêu thương tôi quá chừng, vậy chính tôi phải sống tốt, phải vui vẻ để đền bù lại tình thương của Chúa...Còn người bi quan đã trả lời: tôi thấy mình tội lỗi vô vàn, đáng bị Chúa phạt. Tôi luôn bị tội lỗi dày vò, không phúc giây nào được yên tâm, khi nghĩ mình không làm sao thoát khỏi án phạt đời đời... Qua câu chuyện này, có người sẽ hỏi: đâu là kiểu ăn năn thật sự? Thưa đó chính là sự phục thiện, tin cậy nơi Chúa của nguời vui vẻ, luôn tin vào Thiên Chúa. Dĩ nhiên người thanh niên kia không phải không có lòng ăn năn, nhưng thực tế ăn năn kiểu đó chưa đủ...

c/. Gợi ý sống và chia sẻ: Sửa lỗi nhau để giúp nhau nên tốt là điều cần, nhưng nếu việc làm đó vì phô trương, khoe khoang, sẽ không đem lại lợi ích cho ai cả; trái lại hậu quả tai hại sẽ lớn hơn nhiều. Ước gì mỗi người Kitô hữu chúng ta hiểu được rằng muốn sửa lỗi anh em, cần thiết phải thành tâm, yêu thương họ như Chúa, nhất là ý thức để Chúa hoán cải họ hơn là chính mình hoán cải...

HOÀ GIẢI
Mt 18, 15-20

Yêu thương là ước mong và làm điều tốt cho người mình yêu. Một trong những điều tốt mà chúng ta nên làm và phải làm là giúp nhau nên trọn lành, nên tốt hơn trong từng ngày sống của chúng ta. Đã mang thân phận của con người thì không ai là không có những lần lỗi phạm. Chúng ta cần hình nhận sự thật đó để can đảm giúp người khác sửa sai và giúp chúng ta khiêm tốn đón nhận những góp ý và sửa lỗi của người khác dành cho mình. Chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận rằng: nếu mình còn có người giúp sửa sai và chỉ ra lỗi phạm của mình thì hãy lấy đó làm niềm vui vì biết rằng mình còn được người khác yêu thương.

Nhưng chúng ta phải nhớ rằng: sửa lỗi người khác và giúp người khác nhận ra lỗi lầm của mình không phải là chuyện dễ. Nó là một nghệ thuật. Nếu không khéo trong việc này, chúng ta sẽ mất cả chì lẫn chài. Bởi thế, Chúa Giêsu mới dạy chúng ta một phương thế để giúp những người sai lỗi mà chúng ta nên áp dụng cách triệt để trong sự khéo léo và khôn ngoan của ta.. vì giúp nhau nên lành thánh trở nên bổn phận bó buộc đối vớI người Kitô hữu chúng ta.

1. Mạnh dạn góp ý cho người sai lỗi:

Bản chất của Hội thánh là thánh thiện, nhưng Hội thánh đang cưu mang những con người chưa thánh và tội lỗi trong đó với ước mong giúp họ nên thánh và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Chúa. Chúng ta không thể lạnh lùng khi thấy anh em mình sa ngã, bởi lẽ, tất cả chúng ta làm nên một thân thể và thông hiệp với nhau, mang những vết thương của nhau.

Chỉ ai yêu thương thật sự mới góp ý chân thật và thẳng thắn. Nhiều lúc, chúng ta chỉ dám nói sau lưng và nói quá nhiều những lỗi lầm của người khác. Hành động như thế, không lợi gì cho anh em của ta mà cũng chẳng lợi gì cho ta vì ta mang tội nói xấu anh em mình. Chúng ta không dám góp ý thẳng với anh em mình có thể vì chúng ta sợ: người khác giận mình, sợ người khác không đón nhận, sợ mất quyền lợi của mình...góp ý xây dựng là một dấu chỉ của yêu thương, chứ không phải là vạch lá tìm sâu. Nếu không phải vì đức yêu thương, ta tránh sửa lỗI người khác mà ta không có nhiệm vụ.

2. Tế nhị và tôn trọng kẻ sai lỗi:

Góp ý và sửa lỗi cho người khác là một nghệ thuật. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta những bước tiến hành để sửa lỗi cho người anh em của mình. Trước hết là sự gặp gỡ của ta với đương sự một cách âm thầm và kín đáo trên nguyên tắc là tôn trọng nhau. Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp thì ta nên đem theo vài người nữa. Làm thế không phải là gây áp lực nhưng để vấn đề được sáng tỏ thêm và khách quan hơn. Nếu đương sự vẫn không nghe thì phảI đưa họ đến với cộng đoàn để cộng đoàn sửa sai họ. Nếu họ vẫn không chịu đón nhận thì có nghĩa là tự họ đã cô lập họ, tự họ tạo ra bóng đêm cho mình.

Như thế, việc góp ý nên tiến hành qua nhiều giai đọan. Thái độ và tâm tình cần có của người sửa lỗi là tế nhị, tôn trọng, yêu thương, kiên nhẫn với kẻ sai lỗi. Chúng ta cần có trái tim yêu thương của Chúa để luôn thao thức và quyết tâm đưa những kẻ lầm đường lạc lối về với Chúa: " Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống."

Hội thánh là một gia đình yêu thương và là nơi hàn gắn những bất hoà chia rẽ. Vì thế, mọi người phải có trách nhiệm liên đới với nhau để tạo sự hiệp thông liên lỉ trong Giáo hội Chúa. Mỗi người chúng ta cần trở thành sợi dây liên kết tình anh em trong cộng đoàn nơi mình sống. Một cộng đoàn trưởng thành là một cộng đoàn có khả năng ngồi lại với nhau để góp ý và giúp nhau sửa lỗi. Chúng ta cần yêu thương để dám góp ý và cần khiêm tốn để được góp ý.

Ngày nay, khi đi trên đường ở nước Thụy sĩ, người ta nhìn thấy một tấm biển lớn, trên đó có trình bày hai chiếc xe hơi: một chiếc màu đỏ, một chiếc màu xanh. Cả hai xe đi cùng chiều với nhau, những người ngồi trong hai chiếc xe ấy đang chào nhau và tươi cười với nhau. Người lái xe xanh đang ra dấu cám ơn lại bằng cách giở mũ chào.

Ở phần dưới tấm biển có ghi một hàng chữ: "Hợp tác là an toàn". Điều này muốn nói lên rằng: giúp đỡ lẫn nhau, đối xử tốt với nhau như người cộng sự bằng tình bằng hữu là một bảo đảm cho một cuộc hành trình không nguy hiểm.

Không ai là một hòn đảo. Cuộc sống của con người chỉ thực sự lớn lên và triển nở khi sống với người khác và sống cho người khác. Xin Chúa ban cho chúng ta biết nhìn ra sự thật nơi mình để luôn biết sống nương tựa nhau và giúp nhau nên hoàn thiện theo ý Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.

CHU TOÀN BỔN PHẬN
Mt 18, 15-20

Anh chị em thân mến.
Tham gia giao thông trên đường bộ, chúng ta thấy nhiều biển báo được dựng trên đường. Những biển báo đó nhắc nhở cho những ai tham gia giao thông tuân hành luật lệ quy định để bảo đảm an toàn cho mình và cho người khác. Thỉnh thoảng còn có những người làm nhiệm vụ nhắc nhở trực tiếp: những người công an giao thông, họ có trách nhiệm nhắc nhở cho những người điều khiển các phương tiện giao thông tuân hành luật lệ để an toàn tính mạng. Thế mà hằng ngày đều có những tai nạn giao thông, làm cho biết bao người rơi vào hoàn cảnh mà không ai muốn bao giờ. Chúng ta thử nhìn xem tại sao có sự kiện như thế: trước tiên là những người tham gia giao thông; được nhắc nhở cách này hay cách khác, nhưng họ không lắng nghe, nhìn thấy những biển báo, nhưng họ không thi hành, họ cứ làm theo những gì mình muốn, nên tai nạn xảy ra. Còn những người có trách nhiệm nhắc nhở thì sao? Họ không hoàn thành trách nhiệm của mình, nhưng họ lợi dụng tình hình, để tìm mối lợi riêng tư, khiến cho mọi việc trở nên khó khăn hơn. Những người được nhắc nhở không thể nào lắng nghe họ được, họ tìm cách trốn tránh và cứ làm theo những gì mình muốn. Thế là tai nạn càng trầm trọng hơn. Nếu mỗi người ý thức được công việc của mình và thi hành cho tốt thì mọi việc sẽ trở nên tốt hơn nhiều.

Chúa Giêsu nói đến trách nhiệm và bổn phận để giúp cho anh em được tốt qua bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe. Hãy nhắc nhở anh em trong tình bạn chân thành, để ngươi lợi được người anh em. Sự chân thành sẽ làm cho mọi người dể chấp nhận. Với sự chân thành sẽ dễ làm cho người khác nhận được những gì mình cần phải làm. Nếu vì một lý do nào khác mà không có sự chân thành thì người nghe sẽ khó chấp nhận hơn, nếu sự chân thành càng ít thì kết quả sẽ càng kém đi. Nếu với tất cả sự chân thành, bằng mọi phương pháp có thể thực hiện mà vẫn không kết quả, thì một tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, vì khi đó người nghe nhưng như không nghe gì, thấy cũng như không thấy gì, họ chỉ biết hành động mà không biết mình đang làm gì.

Thật khó chịu khi có người nào đó dám chỉ ngay vào vào những khuyết điểm hay tật xấu của mình. Càng khó chịu hơn nữa, khi việc làm của một người không muốn cho ai biết, lại có người dám đến chỉ ngay vào việc bí mật đó và bảo hãy thay đổi. Câu nói: nhân vô thập toàn, mỗi người đều biết. nhưng cái biết và đi đến chấp nhận thì thật là xa vời.

Có lúc nào trong cuộc sống, chúng ta chợt suy nghĩ và nhìn lại con người của mình, xem hiện tại của ngày hôm nay như thế nào, để nhìn lại quá khứ mà so sánh xem chúng ta có dám tự hào về hôm nay của mình không? Ngày hôm nay có tốt hơn ngày hôm qua? Có tốt hơn một năm về trước? Nếu so sánh nhiều hơn nữa thì niềm tự hào về tưổi đời của một người đối với chúng ta như thế nào? Nếu ngày hôm nay chúng ta thấy mình nhẹ nhàn hơn, vui vẽ hơn, dễ chấp nhận người khác hơn và biết giúp đỡ mọi người nhiều hơn thì thật là hạnh phúc cho chúng ta. Khi đó, trong cuộc sống chúng ta biết lắng nghe, biết chấp nhận và biết thay đổi những gì cần thiết. Còn nếu chúng ta chỉ biết tự hào về tuổi đời của mình, để quá bảo vệ bản thân mà không muốn ai chạm tới cho dù là lời nói, thì khi đó, chúng ta đã già rồi:

Già vì đôi mắt chúng ta mờ nên không còn nhìn thấy gì nữa, không còn nhìn thấy điều tốt để thực hiên cũng không còn nhìn thấy điều không tốt để tránh xa. Kể cả bản thân cũng không thể nhìn thấy để biết phải sống thế nào cho đúng.

Chúng ta già vì đôi tai chúng ta không còn khả năng lắng nghe, kể cả những lời hay, đẹp chúng ta cũng không thể nghe. Những lời dạy bảo chúng ta cũng không để lọt tai được, thì làm sao chúng ta có thể nghe được những lời kêu than chỉ trích những việc làm sai trái của chính mình được. Như thế thì những hành động, những việc làm tốt làm sao chúng ta có thể thực hiện được?

Nếu chúng ta biết lắng nghe, biết nói những điều hữu ích và thực hành những việc làm tốt thì thật là hạnh phúc.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa soi sáng cho mỗi người chúng ta để biết sống theo thánh ý Chúa.

CỘNG ĐOÀN LIÊN ĐỚI
Mt 18, 15-20

Rõ ràng Chúa Giêsu sau khi tỏ vinh quang của Người cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Taborê, Người đi tới Capharnaum, tại đây, Người đã loan báo diễn từ thứ tư theo cách diễn tả của thánh sử Matthêu:" diễn từ về đời sống Hội Thánh". Chúa Giêsu đã hướng dẫn cộng đoàn do Người thiết lập họa lại, phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa Cha.

Thánh Matthêu đã thu tập nhiều diễn từ và tập họp nhiều lời nói khác nhau của Chúa Giêsu nói về cộng đoàn. Chúa Giêsu đã tâm sự, đã nói với các môn đệ rất nhiều điều thật thân tình, nhất là những ngày Người bỏ Galilêa chuẩn bị đi Giêrusalem. Chúa Giêsu quả thực đã chuẩn bị cho các môn đệ của Người hiểu được tình thương mến nhau. Người nói:" Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con " hoặc " Cứ dấu này người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy là các con yêu mến nhau". Chúa chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ để các môn đệ chìm sâu trong tình thương, trong sự hiệp nhất, đón nhận cơn thử thách lớn lao là phải lìa xa nhau sau cuộc thống khổ của Người. Chúa chuẩn bị trước như thế để các môn đệ luôn biết sống quảng đại, luôn biết gắn bó với nhau, luôn quan tâm tới những kẻ bé mọn, luôn tha thứ cảm thông cho nhau bất chấp cuộc đời có ra sao đi nữa. Tinh thần này Chúa ước muốn phải tràn lan trong cộng đoàn. Những lời của Matthêu viết ra luôn có hiệu nghiệm, luôn có giá trị vì rằng cộng đoàn mà Chúa Giêsu nhắn nhủ gồm những người Kitô hữu gốc Do Thái, lẫn gốc dân ngoại, thuộc mọi giai cấp khác nhau. Cộng đoàn này có lúc cũng gặp khó khăn, thử thách. Chính vì thế, cộng đoàn nhóm 12 vẫn có những vấn đề của nó và những lời của Chúa vẫn luôn có hiệu nghiệm, thực tế. Cộng đoàn các môn đệ được miêu tả như một cộng đoàn luôn quan tâm tới những kẻ bé mọn, những Kitô hữu mà đức tin còn rất yếu, mỏng manh và lo lắng cho những con chiên lạc, những con chiên xa ràn. Chúa Giêsu trình bầy, loan truyền một cộng đoàn sống động, thực hành sự nâng đỡ và tha thứ lẫn cho nhau. Người gợi lên thái độ của anh em cộng đoàn phải có đối với người lỗi phạm. Thái độ này là thái độ phải có khi anh em có sự bất hòa, xung khắc lẫn nhau.

Chúa Giêsu vạch ra việc sửa lỗi anh em. Đây là một việc làm có tính Tin mừng. Chúa không cho biết tội đó là tội gì nhưng chúng ta cũng hiểu lời của Chúa cho hay tội đó là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, và cũng là tội xúc phạm đến một người anh em trong cộng đoàn. Đó cũng là tội liên quan đến Giáo Hội và cộng đoàn Kitô hữu. Thay vì kết tội vội vã, có khi phạm phải sai lầm. Thánh Matthêu nhấn mạnh đến sự đòi hỏi của Tin Mừng: sự nâng đỡ, lòng thương xót và sự tha thứ lẫn cho nhau. Do đó, việc sửa lỗi người anh em phải đi qua ba giai đoạn. Bước thứ nhất là gặp riêng người phạm lỗi, giúp họ nhận ra lỗi lầm của họ để họ sửa đổi. Nếu bước một không thành công thì gặp gỡ người lầm lỗi cùng với hai hay ba nhân chứng. Sự hiện của các nhân chứng bảo đảm cho tính khách quan, đồng thời cách kín đáo đem vào đó yếu tố cộng đoàn. Bước thứ ba: nếu họ không nghe, không sửa, ta đưa họ ra trước cộng đoàn Giáo Hội. Nếu trước cộng đoàn Giáo Hội họ cũng không nghe nữa, Tin Mừng trong trích đoạn Mt 18,15-20 cho thấy:" ta hãy coi họ như người ngoại và người thu thuế". Ở đây, ta cũng hiểu rằng tự họ muốn tách lìa ra khỏi cộng đoàn, ra khỏi Giáo Hội. Nhưng Chúa đầy lòng tha thứ, đầy lòng thương xót vẫn chờ đón họ quay trở về nhờ ơn thánh biến đổi họ. Sửa lỗi anh em lỗi phạm đòi hỏi từ đầu tới cuối một sự nhẫn nại không ngừng và bằng lời cầu nguyện thiết tha của cộng đoàn. Điều này minh chứng lời Chúa phán:" Ở đâu có 2, 3 người tụ họp nhân danh Ta, có Ta ở giữa họ ". Chính Đức Kitô sẽ liên kết mọi người lại trong việc sửa lỗi lẫn nhau và việc sửa lỗi này chỉ có kết quả khi cộng đoàn tha thiết cầu nguyện nhân danh Đức Kitô.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con hiểu được sự yếu hèn của chúng con để chúng con dễ dàng cảm thông cho anh em chúng con.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT

SỬA LỔI HUYNH ĐỆ
Mt 18, 15-20

Đoạn Tin mừng mà chúng ta vừa nghe được trích từ Tin mừng theo thánh Matthêu 18, 15-20. Theo bố cục của thánh Matthêu, thì đoạn này nói về: "Sinh hoạt trong Hội Thánh". Một Hội Thánh vừa được thành lập sau lời tuyên tín của Phêrô. Mọi sinh hoạt của Hội Thánh này được đặt trên nền tảng của tình yêu. 

Mở đầu đoạn 18, Đức Giêsu cho biết "muốn vào Nước Trời, phải trở nên như trẻ nhỏ" (Mt 18, 1-5). Vì đời sống của Giáo Hội được xây dựng trên tình yêu nên Ngài nhắc nhở chúng ta đừng làm cớ vấp phạm cho bất cứ người nào, cho dù là một người bé mọn nhất ở giữa chúng ta (x. Mt 18, 6-11). Tình yêu đó còn được thể hiện qua hình ảnh người Mục Tử đi tìm con chiên lạc (x. Mt 18, 12-14). Và cũng trong tình yêu đó, hôm nay, Đức Giêsu hướng dẫn chúng ta cách sửa lỗi huynh đệ. 

Có lẽ một trong những điều khó khăn nhất của chúng ta khi cư xử với người khác đó là việc sửa lỗi nhau. Đây quả là một việc làm rất tế nhị. Vì ranh giới giữa việc sửa lỗi huynh đệ và chỉ trích, phê bình chỉ là một sợi chỉ nhỏ. 

1. SỬA LỖI, MỘT BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU : 

Sửa lỗi anh em không là một việc làm tuỳ ý muốn của chúng ta, nhưng là một lệnh truyền của Thiên Chúa: "Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó". Trong lệnh truyền này của Thiên Chúa, chúng ta nghe Chúa nói: "nếu anh em ngươi", nghĩa là trong Giáo Hội của Đức Kitô, mọi người đều là anh em với nhau. Tình huynh đệ này của chúng ta không chỉ dựa trên tình máu mủ, nhưng là do việc chúng ta cùng được tái sinh nhờ một phép Rửa và cùng nhận một Thiên Chúa là Cha. Do đó, ngay từ đầu, danh từ "anh em" đã trở thành một danh xưng thông thường để chỉ các kitô hữu. Và nếu là anh em, chúng ta có nhu cầu tự nhiên muốn cho anh em mình được trở nên tốt hơn. Do đó, với tư cách là một kitô hữu, việc sửa lỗi, hay nói cách khác, việc giúp cho anh em được hoàn thiện là một việc làm tự nhiên. 

Hơn nữa, việc sửa lỗi này còn là một bổn phận như lời ngôn sứ Ezékiel: "Nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình: thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi.", nghĩa là chúng ta cũng có trách nhiệm liên đới với những lỗi lầm của anh chị em mình. Chúng ta không có quyền thờ ơ, hay vì muốn yên thân, hoặc vị nể mà không dám nói tới những điều sai trái của người anh em. Chúng ta có thể không sửa sai ngay, nhưng điều quan trọng, chúng ta phải nhớ là chúng ta có bổn phận xây dựng cho anh em cũng như anh em có bổn phận xây dựng cho chúng ta. Hay nói theo cách nói của thánh Phaolô trong bài đọc hai, mỗi người chúng ta đang mắc nợ anh chị em mình, một món nợ tình yêu: "Anh em chớ mắc nợ ai, ngoài việc phải yêu mến nhau". Mà yêu nhau thì luôn muốn cho nhau nên tốt, mà muốn cho được tốt thì phải uốn nắn, sửa chữa những sai lầm của nhau, nếu có.

Tuy nhiên, để việc sửa lỗi này không phải là dễ dàng, muốn có hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta các bước tiến hành thật cụ thể như sau:

2. SỬA LỖI THEO TINH THẦN TIN MỪNG : 

Trước hết, "Nếu anh em người lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi". "Riêng ngươi với nói thôi". Vâng điều này thật chí lý và cụ thể. Cha ông chúng ta vẫn thường khuyên dạy: "đóng cửa bảo nhau". Trong cuộc sống đời thường, với kinh nghiệm bản thân, chắc hẳn quý ông bà anh chị em cũng nhận ra rằng: có những chuyện nói riêng sẽ dễ giải quyết và mang lại hiệu quả tích cực hơn rất nhiều so với khi đưa ra tập thể. Chính nhờ gặp gỡ riêng tư cách tâm tình, chúng ta dễ cởi mở với nhau hơn. Nhờ đó, chúng ta biết rõ sự việc, hiểu rõ hoàn cảnh của tha nhân, dễ dàng thông cảm với nhau, tránh được những chỉ trích phê bình phiến diện. 

Đồng thời, khi gặp riêng, chúng ta cũng giữ được sự kín đáo, bảo vệ được danh dự của người sai lỗi. Nhờ đó, việc sửa lỗi sẽ dễ dàng hơn.

Kế đến, Đức Giêsu dạy chúng ta: "Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hay ba nhân chứng". Mời thêm người không phải để làm áp lực, nhưng là để sự việc khách quan hơn. Đồng thời, cũng giúp cho người sai lỗi nhận ra tầm quan trọng của họ ở giữa cộng đoàn. Họ đang được sự quan tâm của rất nhiều người.

Bước thứ ba là đưa ra cộng đoàn để cùng nhau xây dựng. Và cuối cùng: "Nếu nó cũng không nghe họ, hãy kể nó như người ngoại giáo và người thu thuế". Khi nói điều này, Chúa không dạy chúng ta loại trừ người anh em, nhưng Ngài muốn chúng ta cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa để Ngài hoán cải họ. Vì Đức Giêsu cũng đã nhiều lần đến đồng bàn với những người ngoại giáo, thu thuế và đĩ điếm, những người tội lỗi bị mọi người khinh bỉ. Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy thật ý nghĩa, khi phần sau của bài Tin mừng nói về việc hiệp nhất cầu nguyện trong cộng đoàn.

Tóm lại, khi sửa lỗi đòi hỏi người sửa lỗi phải dẹp đi tính tự ái kiêu căng, cho rằng mình là người đạo đức, tài giỏi hơn đi dạy dỗ người khác. Người sửa lỗi cần có cái gọi là "tâm thành" hay nói một cách khác cần có một tình yêu thương thật sự với anh chị em mình. Góp ý với anh em là để anh em trở nên tốt hơn và nên ghi nhớ: những gì mình góp ý với anh em, cũng là những điều mình cần sửa sai, vì chúng ta dễ dàng nhận ra nơi anh em những sai lỗi mà mình thường hay lỗi phạm nhất.

Còn phần người được sửa lỗi, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường, lắng nghe với thiện chí như lời mời gọi của tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca: "Ngày hôm nay nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng" (Tv 94).

Cuối cùng, trong mọi việc, kể cả việc sửa lỗi, chúng ta cũng hãy nhớ tới "Luật vàng" của Đức Kitô: "Điều anh em muốn người ta làm cho mình, thì hãy làm cho người ta như thế" (Mt 7, 12).

Sống Tin mừng hôm nay trong đời sống gia đình, vợ chồng cần khiêm tốn lắng nghe và giúp đỡ nhau sửa sai những khuyết điểm. Khi có những ý kiến bất đồng, chúng ta cần "đóng cửa bảo nhau" như kinh nghiệm cha ông chúng ta đã dạy và cũng là điều Đức Giêsu hướng dẫn chúng ta: "riêng ngươi với nó". Trong khu xóm, xứ đạo khi có những xích mích, chúng ta cũng cần lắng nghe và khiêm tốn sửa sai với nhau. Mỗi người đều có những yếu đuối, lỡ lầm, điều quan trọng là chúng ta biết lắng nghe và sửa lỗi. Và một trong những điều chứng tỏ lòng quyết tâm sửa sai là chúng ta hãy mau chóng đến với bí tích Giao Hoà mỗi khi lầm lỡ.

Giờ đây, ý thức thân phận yếu đuối của mình, chúng ta cùng dọn mình sốt sắng lãnh nhận Thánh Thể, để nhờ sức mạnh Thần lương nâng đỡ, chúng ta đủ can đảm chỗi dậy sau mỗi lần sa ngã. Nhờ đó, chúng ta ngày càng sống xứng đáng là một thành viên trong Giáo Hội của Chúa Kitô. Amen

Lm Trần Thanh Sơn (nguồn vietcatholic.org)

1375    01-09-2011 07:09:56