PHẢI THA THỨ MÃI MÃI
Mt 18,21 - 35
Chúa nhật 24 thường niên, năm A dạy người môn đệ Chúa : Thiên Chúa không tha thứ cho người không biết tha thứ cho anh em mình. Cốt lõi để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta là nếu chúng ta biết quảng đại tha thứ cho người khác. Chúa bảo Phêrô : " Phải tha thứ cho anh em không chỉ bảy lần mà thôi, nhưng phải tha thứ cho anh em đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ mãi mãi và tha thứ luôn luôn, tha thứ không ngừng ". Sở dĩ, chúng ta phải tha thứ mãi mãi, tha thứ không ngừng cho anh em chúng ta, bởi vì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và Ngài luôn tha thứ cho chúng ta dù chúng ta luôn lỗi phạm, luôn sai lỗi, luôn khuyết điểm, vô ơn, phản bội Chúa. Ngài luôn đòi hỏi người môn đệ Chúa phải tha thứ như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
Sau khi Chúa dạy chúng ta sửa lỗi nhau vì tình thương, vì muốn anh em vươn tiến, muốn anh em trở nên tốt. Hôm nay, Chúa đi thẳng vào việc tha thứ. Dân Do Thái được các kinh sư dạy phải tha thứ cho anh em, nhưng họ không thống nhất với nhau phải tha bao nhiêu lần mới đủ. Có ý kiến cho rằng chỉ có thể tha thứ cho người khác bốn lần mà thôi. Người Việt Nam ta có câu:" Quá tam ba bận " là cùng. Do đó, Phêrô mới thắc mắc hỏi Chúa Giêsu :" Thưa Thầy,nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ? " ( Mt 18, 21 ). Chúa Giêsu trả lời Phêrô :" Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy " ( Mt 18, 22 ). Chúa Giêsu nhắc nhở Phêrô là tha thứ mãi mãi và tha thứ không giới hạn, tha thứ cho anh em không ngừng khi họ xúc phạm đến mình. Và để dẫn chứng cho việc phải tha thứ, Chúa Giêsu đã dùng một dụ ngôn. Dụ ngôn ở đây muốn nói lên một bằng chứng thật rõ nét, thật rõ ràng : " Con người lỗi phạm, mắc nợ với Chúa rất nhiều, tội lỗi và việc xúc phạm, nợ nần của con người đối với Chúa thì rất nhiều và không sao kể siết, dường như không thể nào có thể tha thứ được, nhưng Chúa đã tha thứ cho con người. Còn anh em khác xúc phạm, thiếu sót đối với con người đâu có nhằm gì so với tội con người sai phạm đối với Chúa, nhưng con người lại nhỏ nhen, ti tiện, hẹp hòi không tha thứ cho anh em. Chính vì thái độ nhỏ nhen đó, con người đừng trông mong Chúa tha thứ, đừng trách Chúa. Bởi vì, đạo công giáo đòi con người phải tha thứ như Chúa đã tha thứ cho con người : phải yêu thương người khác như Chúa đã yêu thương. Tha thứ và yêu thương như Chúa. Lời này, chúng ta vẫn đọc hằng ngày trên môi miệng :" Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con tha kẻ có nợ chúng con ". Chúa dạy chúng ta một bài học để đời : Hãy tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Chúa tha thứ cho chúng ta theo mức độ chúng ta tha thứ cho người khác. Ta tha cho người khác nhiều, Chúa cũng tha cho ta nhiều. Ta tha cho người khác ít, Chúa cũng tha cho ta ít. Quả thực sống ở trần gian này, ai cũng có khiếm khuyết, ai cũng lỗi phạm, nếu chúng ta biết cảm thông, tha thứ cho người khác thì chắc chắn Chúa cũng cảm thông, tha thứ cho chúng ta. Tùy thái độ của chúng ta đối xử với người khác, Chúa cũng sẽ đối xử với chúng ta như chúng ta đã quảng đại tha thứ cho anh em.
Cứ thường tình người ta dễ ăn miếng trả miếng với nhau. Anh chửi tôi, tôi cũng sẽ chửi lại anh. Anh đánh tôi, tôi cũng sẽ tìm cách đánh anh. Anh thù hằn tôi, tôi cũng thù hằn lại anh. Đó là lẽ thường ở đời. Người ta ít khi nhường nhịn nhau lắm. Anh to tiếng với tôi, thì tôi cũng sẽ to tiếng với anh.Tuy nhiên đã là con cái Chúa, người môn đệ của Chúa luôn phải hiểu lời này :" Nếu khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình " ( Mt 5, 23-24 ). Cái nghịch lý của Tin Mừng vẫn là :" Nếu người ta vả má bên phải thì hãy đưa cả má bên trái cho họ vả ". Chúa luôn khuyên nhủ môn đệ Chúa :" Hãy yêu thương kẻ thù ". Đó là nét đẹp của Tin Mừng. Điều trần gian cho là khôn ngoan, đối với Chúa là dại khờ. Điều thế gian cho là khờ dại, đối với Chúa lại là khôn ngoan. Thực tế, cuộc đời của con người trần gian này thường luôn thích ăn thua. Anh khôn hơn tôi thì có người lại còn khôn hơn anh. Nhưng, đã là môn đệ Chúa, người Kitô hữu thì :" Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em " ( Mt 6, 24 ). Chúng ta dễ cho nhau tiền của, thời giờ. Nhưng tha thứ cho kẻ thù, cho kẻ làm hại, ngược đãi chúng ta xem ra rất khó thực hiện. Chúa luôn dạy chúng ta :" Hãy yêu như Chúa, hãy thứ tha như Chúa ".
Đời của mỗi người vẫn là cái gì đó thật linh thiêng, thật mầu nhiệm. Thực hiện được điều Chúa dạy quả phải có ơn của Chúa thật nhiều. Người môn đệ Chúa chắc chắn sẽ thực hiện được sự tha thứ khi họ yêu Chúa và noi gương Chúa.
Cái cốt lõi của Tin Mừng vẫn là yêu thương. Sống hời hợt không đi vào cốt lõi của Tin Mừng là chưa hiểu gì về Chúa. Suốt cuộc đời của Chúa là lời cầu:" Xin cho mọi người hiệp nhất nên một ". Bởi vì, khi nên một sẽ không còn chia rẽ, không còn thù hận, không còn tị hiềm, nhỏ nhen nữa, lúc đó con người chỉ sống yêu thương mà thôi. Chính sự tha thứ sẽ đem lại sự an bình cho tâm hồn, và cũng chính sự tha thứ sẽ đem lại mùa xuân cho con người kẻ được tha cũng như người tha thứ. Đó là cái kỳ diệu của sự thứ tha. Đó cũng là mầu nhiệm của đạo Kitô giáo. Chúa muốn mọi người thấm nhuần kinh lạy cha và sống như Chúa dạy trong kinh lạy cha:" Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con " ( Mt 6, 12 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một quả tim mới, một đôi mắt của Chúa để chúng con luôn biết quảng đại, cảm thông và tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng con. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Tha thứ là luật mới mà Đức Giêsu mời gọi mọi người hãy thực hiện, Ngài muốn thay thế luật báo thù vô hạn định, một thứ luật rừng đáng nguyền rủa bằng luật tha thứ vô hạn định ( x. Kn. 4,24) nên ngay Bài Đọc I sách Huấn Ca nhắc nhở: " Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó, hãy tha thứ... thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha"(Hc.27,30-28,7), không phải tha 7 lần như Phêrô mà 77 lần 7. Thật vậy, Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi chúng ta, là tội nặng vô cùng thì tại sao lại không tha thứ cho nhau?(Mt.18,21-35), chúng ta sẽ bị Thiên Chúa xét xử như bài Tin mừng mà chúng ta vừa nghe. Muốn dễ tha thứ hãy nghe lời Thánh Phaolô dạy: " Dù chúng ta sống, dù chúng ta chết, chúng ta đều thuộc về Chúa"(Rm.14,7-9). Đúng vậy, chúng ta là con một Cha, là anh em với nhau chúng ta cùng thuộc về Ngài thì tại sao lại không " chín bỏ làm mười"?
Tác giả Mathêu cho chúng ta hình ảnh ông chủ nợ và đầy tớ chủ nợ, ông chủ hòan tòan nhân từ, nhân từ đến độ ông không thể chấp nhận được sự độc ác nơi mình và nơi người, còn tên đầy tớ thì hòan tòan độc ác, độc ác đến độ đã được tha thứ món nợ khổng lồ không thể trả nổi, mà không thể hõan trả cho món nợ vô cùng nhỏ bé, so với món nợ mà anh được tha chứ không phải chỉ được hõan. Thánh Mathêu tô đậm sự khác biệt ấy để cho chúng ta thấy rằng: chúng ta mắc nợ với Thiên Chúa cũng như thế, nhưng Ngài tha thứ cho chúng ta với điều kiện chúng ta phải tha thứ cho nhau(c.35).
Nói thì dễ nhưng thực hành thì không dễ chút nào, có người còn nói: " sống để bụng chết đem đi", nhưng Chúa Giêsu đã làm gương " xin Cha tha cho chúng vì lầm không biết". Chúa Giêsu sống tinh thần tha thứ, tinh thần này là cách thể hiện tình yêu, coi người như mình, lỗi phạm của người cũng được mình chia sẻ một cách tự nhiên và Thiên Chúa đã làm như thế, Cứ làm như vậy chúng ta sẽ có lợi, còn " mắt đền mắt, răng thế răng và mạng đền mạng" thì sẽ không bao giờ cùng.
Tha thứ là việc của hai người: người tha và người xin tha. Trong cuộc sống có lúc chúng ta là người tha và cũng có lúc chúng ta là người xin tha. Người không chịu tha là người sống luật báo thù, người không chịu xin tha là người kiêu ngạo, đây là mối tội đầu của Satan. Muốn sống tinh thần tha thứ chúng ta phải khiêm tốn, đừng ngại xin lỗi những người nhỏ hơn mình, đừng tự ái. Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta tha thứ, đồng thời cũng khuyên chúng ta hãy biết xin lỗi. Viêc xin lỗi không phải là nhục nhã mà trái lại tăng uy tín, hàn gắn được những vết thương do những va chạm và giúp cho cuộc sống chung được hạnh phúc.
Tha thứ không vì tha nhân biết hối hận, cũng không vì mình mà vì tình yêu của Chúa, nhận biết Chúa yêu thương mình nên cần tha thứ cho người khác để đáp trả tình yêu thương của Chúa. Chúa Giêsu đã áp dụng điều này khi đưa ra dụ ngôn để dạy chúng ta rằng: hai món nợ và hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ, quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người. Thật vậy, tội chúng ta dù to lớn đến đâu nhưng khi thống hối thì Thiên Chúa cũng tha mà không đòi điều kiện nào, vì Ngài là Đấng tốt lành vô cùng, còn chúng ta qua hình ảnh người đầy tớ không biết thương xót để tha thứ cho anh em mình thì sẽ bị xét sử công bình.
Như vậy, nếu anh em xúc phạm đến ta thì phải tha htứ, tha thứ vô điều kiện, phải tìm đến mà làm hòa với anh em. Thái độ này xuất phát từ một tương quan nền tảng giữa ta và Thiên Chúa, nếu ta sống với Thiên Chúa như con đối với cha thì chẳng những ta phải đối với Thiên Chúa như Cha mà còn phải đối xử với mọi người như anh em. Cha đã yêu con người đến nỗi hiến Con Một mình cho con người giữa lúc con người còn là tội nhân(Rm.5,8) thế thì ta cũng phải làm như vậy(1Jn.4,10-11). Nếu ta coi Thiên Chúa là Cha thì cũng phải coi nhau là anh em. Điều ấy có nghĩa là: ta cũng có trách nhiệmvới lầm lỗi của anh em, anh em xúc phạm đến ta thì cái nhất thể nơi chúng ta bị rạn nứt. Tìm đến anh em để làm hòa tức là hàn gắn lại vết rạn vết nứt, còn không tha thứ là duy trì tình trạng rạn nứt và tất nhiên lúc ấy ta không thể gọi Thiên Chúa là Cha được. Còn báo thù là làm cho việc rạn nứt trở thành tan vỡ, duy trì sự xích mích là tiếp tục làm tôi cho hận thù, làm nô lệ cho cái tôi và sống theo qui luật của Satan. Còn tìm cách làm hòa, cố gắng hòa giải, nỗ lực tha thứ là chiến đấu trong hàng ngũ của Đức Kitô, là sống theo qui luật của con cái Thiên Chúa.
Lạy Chúa, nhân loại đã và đang sống theo "luật rừng", các chuỗi căm thù đang đầu độc mọi xung đột, nhưng Tin Mừng hôm nay dạy chúng con phải tha thứ sẽ được tha. Xin dạy chúng con biết quảng đại, mở ra theo mức độ ơn tha thứ của Chúa và thực hành những gì mà chúng con học hôm nay.
Sr Mai An Linh, OP
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta về sự tha thứ. Người Do Thái xưa được dạy cho biết phải tha thứ cho nhau, nhưng các tôn sư không đồng ý với nhau là phải tha thứ đến lần thứ mấy thì thôi. Do đó, thánh Phêrô đã thắc mắc và hỏi Chúa. Chúa đã trả lời : "Thầy không bảo là đến bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy". Nghĩa là Chúa dạy : hãy tha thứ cho nhau, hãy tha thứ thật lòng, hãy tha thứ tất cả, hãy tha thứ luôn luôn, hãy tha thứ mãi mãi.
Để làm sáng tỏ vấn đề cũng như để chúng ta hiểu rõ và nhớ kỹ bài học này, Chúa minh họa thêm bằng một dụ ngôn rất hay để đối chiếu lòng Thiên Chúa đối với con người và lòng con người đối với nhau. Nơi Thiên Chúa là một lòng đại lượng xót thương vô bờ bến, chỉ cần con người lên tiếng khẩn nài, Chúa liền nhìn đến thân phận khốn khổ và nghèo nàn của chúng ta. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta van xin Chúa, Ngài sẵn sàng tha thứ vô điều kiện, tha thứ trọn vẹn, không đòi hỏi gì nơi chúng ta cả. Ngược lại, lòng con người đối xử với nhau thì lại thật là quá ti tiện, nhỏ nhen, chúng ta hay chấp nhất nhau từng ly từng tí, chúng ta nhất định không tha tứ. Thậm chí người ta hết lời và hết lòng xin lỗi, chúng ta vẫn cương quyết không tha, không bỏ qua, có người còn khẳng khái tuyên bố : "Sống để bụng, chết mang đi". Hỏi mang đi đâu ? Mang xuống hỏa ngục chăng ? Thật là mỉa mai, chua chát, đáng trách. Vì thế, Chúa bảo chúng ta phải sẵn lòng tha thứ, tha thứ luôn mãi bao lâu người anh em còn xúc phạm đến chúng ta, bởi vì Chúa đã tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau.
Tính cách tha thứ của Kitô giáo là tha thứ như mình đã được tha thứ, phải thương xót người khác như mình đã được Chúa xót thương. Như vậy, sự tha thứ không những là một nhiệm vụ luân lý mà còn là một đòi hỏi của lương tâm, một nhân đức đối thần, kéo dài tới tha nhân ơn tha thứ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có nhiều sai sót, những khuyết điểm, những tật xấu. Chúng ta cần được tha thứ, vì vậy chúng ta phải khiêm tốn xin lỗi Chúa và xin lỗi nhau. Có như thế lời kinh Lạy Cha : "Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" mới trở thành một lời kinh quý giá và cụ thể.
Trong một căn nhà lụp xụp tại một xóm nghèo thuộc vùng ngoại ô thành phố, một người đàn bà đáng thương phải sống những ngày hẩm hiu với đàn con thơ dại. Chồng bà là một người cha tục tằn thô bạo, chỉ biết ăn chơi nhậu nhẹt và cờ bạc, không thiết chi đến bổn phận đối với gia đình. Ông vắng nhà suốt ngày, các con của ông chỉ thấy ông trở về mỗi buổi tối trong cơn say mèn hoặc trong trận lôi đình đập đánh chửi rủa. Những lúc như thế, bà vợ chỉ biết đem các con giấu đi để bảo đảm tính mạng cho chúng. Ngày ngày bà cực nhọc vá may, hoặc vất vả giặt giũ từ nhà này sang nhà khác để kiếm tiền nuôi con. Trong thinh lặng, bà nhẫn nhục cam chịu mọi bạc bẽo và những trận đòn oan ức của chồng.
Vào một buổi tối kia, ông trở về nhà muộn hơn thường lệ, nhưng tỉnh táo và ít say sưa hơn. Vừa bước tới hè nhà, ông nghe tiếng thì thầm từ trong nhà vọng ra. Một nỗi nghi ngờ xâm chiếm tâm hồn ông. Máu ghen bừng bừng nổi dậy và nghĩ rằng : "thật vô phúc cho kẻ nào rơi vào tay ta". Ông đứng lại trước cửa và ghé tai vào vách, trố mắt nhìn qua khe hở : quanh ngọn đèn dầu leo lét, ông thấy các con nhỏ quây quần bên cạnh vợ ông, ông nghe rõ tiếng bà nói với các con : "Các con hãy đọc thêm một kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho người cha tốt lành của các con".
Trước khung cảnh đầm ấm tình mẫu tử đó, bỗng chốc lửa hung ác trong trái tim ông như tắt ngúm, tâm hồn cứng cỏi của ông trở nên như sáp ong mềm ra trước hơi nóng, mắt ông như bừng sáng sau một cơn mê ngủ dài, ông đã nhận ra tấm lòng tốt và tình yêu quãng đại của vợ ông, người mà từ trước đến nay ông vẫn ngược đãi. Vợ ông không những đã tha thứ mà còn tìm cách xóa bỏ hình ảnh xấu về ông bằng cách in vào tâm trí các con mình hình ảnh tốt lành của ông như một người cha. Ông cảm thấy như có cục than hồng đốt cháy trên đầu ông, và từ ngày đó ông nhất quyết trở nên một người cha tốt lành, người chồng chung thủy và có tinh thần trách nhiệm như vợ con ông hằng nghĩ tốt về ông.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy đâu là sức mạnh của lòng tha thứ. Tha thứ đổi mới tâm hồn, làm phát sinh sự sống mới, gây thêm lòng can đảm, để bắt đầu con đường sống mới. Tha thứ là lời mời gọi để tình yêu lớn lên. Tha thứ là cửa ngõ để mọi người có cơ hội làm lại mối giây liên hệ đã dập gãy. Tình thương và mọi mối giây liên hệ trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, giữa cha xứ và giáo dân, giữa những phần tử trong một nhóm, được phong phú hóa bởi tha thứ.
Lòng tha thứ quãng đại và vô điều kiện của người vợ trong câu chuyện trên là phản ánh lòng thương tha thứ vô biên của Thiên Chúa được mặc khải cho chúng ta qua Kinh Thánh, nhất là nơi bản thân Chúa Giêsu, là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta chia sẻ sứ mệnh của Ngài. Mỗi Kitô hữu cũng là một ơn tha thứ mà Thiên Chúa muốn trao tặng cho người khác. Mỗi ơn tha thứ là một cuộc biến đổi, Chúa Giêsu kêu mời chúng ta cùng với Ngài thực thi sứ mệnh trao ban ơn tha thứ hầu biến đổi anh chị em chúng ta nên người con thật tốt lành và đáng yêu của Chúa Cha, cũng như chính chúng ta đã được tha thứ và biến đổi.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA
Mt 18, 21-35
Vẫn trong loạt bài giảng về đời sống cộng đoàn, Tin mừng hôm nay đề cập đến một vấn đề do Phêrô nêu ra không chỉ liên quan đến những ai chọn đời sống chung mà còn cho hết mọi người. Vấn đề đó là, chúng ta phải tha thứ cho người anh em xúc phạm đến chúng ta bao nhiêu lần? Chúa Giêsu sẽ giúp Phêrô và mỗi người chúng ta giải quyết vấn đề này.
Nêu lên vấn đề này với Chúa Giêsu, chắc hẳn Phêrô cũng hiểu rằng việc tha thứ mà các vị Kinh sư đem ra dạy trong đạo Dothái chỉ có thể tối đa ba lần mà thôi. Riêng với Thầy, ông thấy dĩ nhiên Thầy mình "ăn đứt" mấy vị Kinh sư kia về đường nhân đức, cách giáo huấn cũng như thực thi công bình bác ái. Thế nên Phêrô nghĩ Thầy mình sẽ hào phóng mà tha thứ cho kẻ xúc phạm bảy lần một ngày là hoàn hảo và trọn vẹn lắm rồi. Bởi đây là cách tha thứ hào phóng và quảng đại nhất từ xưa đến nay chưa ai đạt tới, ngay cả các Kinh sư cũng chỉ dừng lại ở con số ba mà thôi. Ngỡ ngàng với Phêrô về điều mà ông cho là hào phóng nhất thì với Chúa Giêsu chẳng đáng là gì. Bởi Chúa Giêsu không tha thứ ba lần như các Kinh sư đã dạy, cũng chẳng tha thứ đến bảy lần như Phêrô đề nghị mà tha thứ đến "bảy mươi lần bảy"! Tuy lời Chúa Giêsu về việc tha thứ 77 lần hay 70 lần 7, tức 490 lần vẫn chưa nhất thống, bởi các giáo phụ khi viện dẫn và đối chiếu lời Chúa Giêsu hôm nay (Mt 18, 22) với sách Sáng thế (St 4, 24), các ngài thấy có sự khác biệt giữa hai bản văn Kinh thánh Hípri và bản Kinh thánh Hylạp, tức bản LXX, nhưng dù thế nào đi nữa, điều Chúa Giêsu muốn là hãy tha thứ cách quảng đại, vô điều kiện, vô giới hạn với người anh em xúc phạm đến mình. Lòng tha thứ vô giới hạn này được Chúa Giêsu diễn giải qua dụ ngôn "tên mắc nợ không biết thương xót".
Đọc qua dụ ngôn, hẳn mỗi người chúng ta tự hỏi : Tên nô lệ nào mà lại mắc nợ nhà vua món nợ khủng khiếp như thế? Đây không phải là tên nô lệ bình thường mà là một quan đại thần trong triều đình. Bởi miền Trung cận đông xưa, các quan đại thần được xem là những "tên nô lệ" của nhà vua. Và do đó, việc quan "nô lệ" này mắc nợ nhà vua đến 10.000 nén vàng có thể hiểu được. Thế nhưng đây lại là số nợ ngoài sức tưởng tượng của con người mà quan nô lệ này vướng phải. Chúng ta có thể làm một phép tính để thấy được món nợ lớn khủng khiếp như thế nào. Nếu mỗi nén vàng thời xưa là 6000 quan tương đương với 6000 ngày công thì 10.000 nén vàng sẽ tương đương với 60 triệu (60.000.000) ngày công. Nếu mỗi năm tương đương với 365 ngày thì 60 triệu ngày sẽ tương đương với 164.383 năm vẫn còn dư 205 ngày! Sở dĩ phải tính toán như thế để chúng ta thấy rằng việc nhà vua bất ngờ tha hết món nợ khủng khiếp, không bán tên nô lệ, vợ con và tài sản để trừ nợ vì lời van xin của anh ta nói lên lòng tha thứ hải hà và quảng đại vô bờ bến của nhà vua. Lòng đại lượng tha thứ vô bờ bến của nhà vua một lần nữa lại gây bất ngờ không chỉ cho viên quan nô lệ mà còn cho hết mọi người chúng ta. Không bất ngờ sao được khi chỉ trong nháy mắt từ thân phận một con nợ mắc một món nợ kếch sù không còn lối thoát, anh ta được vua xoá sạch nợ nần, vẫn còn nguyên vợ con, tài sản và thậm chí cả chức tước nữa.
Thế nhưng đến lượt mình, tên quan nô lệ này lại không làm được điều mà chỉ mới đây thôi nhà vua đã làm cho anh ta. Chúng ta thấy bạn anh ta có lẽ cũng là quan đại thần trong triều đình, chỉ mắc nợ anh ta có 100 quan, vậy mà anh ta tiến đến túm lấy và bóp cổ anh bạn tội nghiệp này. Chưa hết, anh ta lại còn tống giam người bạn vào tù trước lời van xin của bạn. 100 quan có đáng là gì so với 10.000 nén vàng, vậy mà anh ta đã quên mất lòng tha thứ vô bờ bến mà nhà vua đã ban tặng cho anh ta. Tên quan nô lệ này quả là dại dột. Hắn đã được nhà vua tha thứ, xoá sạch nợ nần, vậy mà hắn lại không mảy may động lòng trắc ẩn trước lời van xin của bạn. Hắn đã không biết tha thứ cho người bạn của mình. Kết quả của hành vi phi nhân tính này, tên quan nô lệ này phải trả giá cho điều hắn đã đối xử với người bạn của mình.
Mỗi người trong chúng ta không ai là không mắc nợ Thiên Chúa cũng như mắc nợ bố mẹ, thầy cô và những người sống chung quanh mình. Chắc một điều, lòng yêu thương, sự nhẫn nại và lòng quảng đại tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn nhiều so với nhà vua trong Tin mừng. Điều Thiên Chúa muốn là hoa trái của lòng yêu thương và tha thứ cũng được trỗ sinh trong lòng mỗi người chúng ta, để đến lượt mình, chúng ta cũng hãy bắt chước lòng yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa đối với anh em mình.
"Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình". Hãy nhớ rằng lời Chúa Giêsu vẫn còn đó như một mời gọi...
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
Ở đời người ta vẫn thường ăn miếng trả miếng. Ít ai chịu thiệt về mình. Ai cũng muốn mình là trung tâm của vũ trụ. Ai cũng muốn mình hơn người khác. Yêu thương người yêu thương mình là việc dễ làm. Nhưng yêu thương kẻ làm ta khó chịu, bực bội, những kẻ ta ít thiện cảm, những kẻ làm hại ta thì thực là khó. Tấm lòng của Thiên Chúa bao la đại hải. Tấm lòng của con người thì hạn hẹp và có giới hạn. Cựu Ước có luật:" Mắt thế mắt răng đền răng". Chúa Giêsu lại nói nghịch lại :" yêu thương người như Chúa yêu thương". Tha thứ mãi và tha thứ không ngừng...Yêu thương cả kẻ thù.
Tin mừng Mattêu 18, 21-35 cho ta thấy câu hỏi của Phêrô và câu trả lời của Chúa Giêsu. Phêrô muốn sống trọn lành, Phêrô muốn nên giống Chúa. Vẫn với thái độ nhanh nhảu, con người chất phác, đơn sơ, dân dã, Ông đã hỏi Chúa Giêsu:" Lạy Thầy, khi anh em con xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không ?( Mt 18, 21 ). Xem ra câu hỏi của Phêrô hết sức đơn sơ, nhưng lại bao gồm ý muốn sống trọn hảo, ý muốn muốn nên giống Chúa Giêsu. Phêrô quả không dùng ngôn từ" kẻ thù xúc phạm " nhưng dùng từ" người anh em" lỡ phạm đến Ông, Ông phải tha thứ mấy lần có phải bảy lần không ? Chúa Giêsu hiểu rõ tâm hồn, hiểu rõ tấm lòng của Phêrô, nên Người nói:" Không phải bảy lần mà phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy", nghĩa là tha thứ mãi mãi và tha thứ không ngừng. Chúa Giêsu muốn làm rõ ý nghĩa của việc tha thứ, Người đã dùng dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót. Chúa tự ví Người như một Ông Vua nhân từ, đầy lòng thương xót. Chúa muốn nhắc lại cho nhân loại, cho chúng ta về một biến cố lịch sử hết sức quan trọng. Biến cố Chúa đến trần gian để gánh tội lỗi cho con người và ban ơn tha thứ cho con người. Do đó, Người đòi hỏi các môn đệ, các người đi theo Chúa phải tha thứ, phải yêu thương quyết liệt, yêu thương như Chúa yêu thương con người. Đây là đòi hỏi rất khó khăn và gắt gao. Chúa lại nêu gương của Thiên Chúa Cha để nói với nhân loại, nói với con người. Thiên Chúa Cha yêu thương mọi người, Ngài làm cho tất cả mọi người được hưởng ánh sáng và nước mưa. Chúa Giêsu còn dùng chính gương của Người để nêu gương tha thứ. Cái chết của Người trên thập giá nói lên tất cả ý nghĩa ấy. Ơn cứu độ của Chúa được trao ban cho mọi người chứ không theo cái lối giải thích vòng vo của những người Biệt phái và Luật sĩ.
Chúa Giêsu đã yêu thương con người và yêu thương nhân loại cho đến chết trên thập giá. Người đã tha thứ cho những kẻ xỉ nhục, làm khổ, làm hại Người. Bị con người làm nhục, hành hình, đóng đinh vào thập giá, Chúa xin Chúa Cha tha thứ cho bọn lý hình. Chúa không hề hờn giận hay thù oán bất kỳ một ai. Lòng tha thứ của Người quá sức kỳ diệu. Con người không thể làm gì được. Đứng trước lòng xót thương, cảm thông, tha thứ của Chúa, con người phải đáp trả lại tấm lòng bao la yêu thương của Chúa. Nếu con người sống trong hận thù, sống trong hờn căm, con người sẽ chuốc lấy cơn thịnh nộ của Thiên Chúa:" Tên đầy tớ độc ác kia, Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao ?"( Mt 18, 32-33 ) và Chúa ôn tồn nói như một lời phán xét:" Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình"( Mt 18, 36 ).
Chúa đòi con người phải tha thứ như Chúa. Yêu thương sẽ gặp Chúa và như thế, tha thứ như Chúa con người cũng sẽ được gặp Chúa. Hãy quên đi và vui sống. Hãy tha thứ để được thứ tha. Lời kinh của thánh Phanxicô khó khăn là kim chỉ nam cho con người sống vui, sống hạnh phúc:" Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hoà vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm".
Lạy Chúa xin ban cho chúng con một quả tim mới để chúng con biết yêu thương và tha thứ cho nhau như Chúa đã yêu thương và tha thứ.
Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT (nguồn vietcatholic.org)
2422 09-09-2011 07:32:09