Sidebar

Thứ Hai
28.04.2025

Chúa Nhật XXV TN A_4

LÒNG NHÂN HẬU
Mt. 20,1-16a 

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta hình ảnh về người chủ thuê thợ rất kỳ lạ, kỳ lạ trong cách thức thuê thợ và kỳ lạ trong việc trả lương. Theo bình thường thì ai ai cũng muốn và mong thuê được thợ làm công rẻ và người ta phải liện hệ từ hôm trước hoặc rất sớm để họ có thể làm việc sớm cho mình. Còn đây ngày lao động đã sắp hết mà ông còn ra phố chợ để thuê người làm, không những thế, ông thuê thợ suốt ngày, hình như ông không nghĩ tới phần lợi cho mình, không sợ thiệt cho mình mà chỉ sợ người ở không, không có việc làm.

Và khi trả lương, ông trả lương cho người vào làm sau cùng trước và trả lương cho họ bằng với người làm từ sáng sớm, cho nên những người thợ làm nhiều giờ đã kêu trách ông chủ. Chứng tỏ ông chủ không bình thường, vì bình thường người ta căn cứ vào mức độ làm lợi cho mình mà trả lương, còn ông chủ này không nghĩ đến mình mà chỉ hành xử theo lòng thương xót mà thôi.

Rõ ràng khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn tô đậm nét không bình thường nơi ông chủ vườn nho, làm như vậy để đặt nổi lòng nhân hậu và sự tự do của ông chủ. Ông nhân hậu từ cách thuê thợ đến cách trả lương, ông tỏ ra là người nhân hậu khác thường, ông không nghĩ đến việc mình mà chỉ nghĩ đến những người thợ thất nghiệp, nên đã thuê thợ vào bất cứ giờ nào trong ngày. Rồi khi trả lương ông không căn cứ vào giờ lao động hay số công việc hòan tất mà chỉ hành động theo lòng nhân hậu. Ông đã vượt mọi khuôn thước bình thường. Lòng nhân hậu đã làm cho ông vượt xa giới hạn công bình mà đi vào khu vực tự do nhờ tình yêu " tôi há không được dùng của tôi tùy ý tôi sao? Hay mắt bạn ghen vì tôi nhân hậu ?"(c.15). Qủa là " tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi"(Is.55,6).

Ông chủ mà Chúa Giêsu đưa ra chỉ có thể có nơi Thiên Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và tự do, Ngài mời gọi mọi người vào làm vườn nho của Ngài là do lòng nhân hậu và thưởng công cho mọi người cũng chỉ do lòng nhân hậu. Ngài mời gọi mọi người cần đến Ngài, cũng như ông chủ thuê mọi người thợ đang cần đến ông. Thiên Chúa gọi kẻ trước người sau, nhưng gọi mọi người, miễn là họ cần đến Ngài. Ông chủ khi trả lương không căn cứ vào giờ làm và việc làm. Thiên Chúa cũng thế, Ngài trả lương cho ta theo lòng nhân hậu mà thôi, nên chúng ta đừng tính công với Ngài, xét cho cùng thì chúng ta cần đến lòng nhân hậu của Chúa hơn là đến đức công bình của Ngài. Hãy cậy dực vào lòng nhân hậu của Ngài vì Thiên Chúa tự do thưởng công. Tất cả những tính tóan, những dự liệu pháp lý, những đòi hỏi, những tham vọng phải tan biến trước oai nghiêm và tự do của Đấng Tạo Hóa.

Bài Tin Mừng cũng cho chúng ta khía cạnh khác về những người thợ: Nhóm thợ vào làm đầu tiên khi thấy ông chủ trả lương cho bọn thợ vào làm một giờ, mỗi người một đồng, họ tưởng thế nào họ cũng được hơn một đồng, nhưng khi họ thấy mình cũng chỉ có một đồng, thì họ kêu trách ông chủ và dựa vào sự công bằng với công của họ. Khi lẩm bẩm kêu trách, những người thợ làm nhiều giờ muốn lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên suy nghĩ của ông chủ, họ muốn ông đừng làm người cha yêu thương mà hãy làm một người buôn bán vô tình.

Có lẽ chúng ta cũng cho phản ứng của họ là đúng vì nó hợp với phản ứng của chúng ta. Thực ra đó là phản ứng ích kỷ và chính ông chủ cũng cho rằng họ phản ứng không bình thường bởi lẽ: ông trả lương như thế là theo lòng nhân hậu, còn nếu căn cứ vào lẽ công bình mà bọn thợ đầu tiên đòi hỏi thì ông đã sòng phẳng với họ, còn như căn cứ vào lòng nhân hậu thì họ chẳng có quyền gì đòi hỏi cả. Những người này không nhìn ra lòng nhân hậu của ông chủ vì lòng họ ích kỷ mà khi đứng trước lòng nhân hậu của ông chủ họ đã không nhận ra và tưởng mình có quyền đòi hỏi ông chủ. Cũng do lòng ích kỷ mà chẳng những họ đã sai lầm lại còn chuốc lấy hình khổ vào thân là ghen tương, và không được hưởng hạnh phúc khi được chứng kiến " chi thể" khác được thương mến, hạnh phúc.

Cái nhìn của những người này cũng là não trạng của chúng ta, chúng ta tính toán mình giữ đạo nhiều năm, đọc kinh, dự lễ nhiều lần, làm việc lành phúc đức nhiều nhiều...và yên trí tới ngày trình diện Thiên Chúa chắc chắn sẽ được thanh tóan sòng phẳng, nếu tính công thì chúng ta nguy to, tội của chúng ta mà lấy công để trả thì chết, như lời Thánh vịnh: " Nếu Chúa chấp tội nào ai đứng vững". Sống theo não trạng này thật nặng nhọc và vô tình, vô nghĩa.

Thực ra Thiên Chúa yêu thương chúng ta theo hoàn cảnh mỗi người, người lo chu toàn công việc, người phải bối rối vì không có việc làm, người lo lắng hết ngày mà nồi cơm không gạo..., nhưng người nào cũng được Thiên Chúa ban ơn cứu độ. Nếu chúng ta ý thức được như thế, chúng ta sẽ thoải mái và hạnh phúc, nhất là cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho chúng ta và đáp lại bằng việc làm, không tính toán mà bằng cả tấm lòng.

Lạy Chúa, tư tưởng chúng con nông cạn, trí óc chúng con nghèo nàn và con tim chúng con hẹp hòi. Xin Chúa hãy mở rộng con tim, khối óc và tư tưởng của chúng con để chúng con có suy nghĩ như Chúa dạy, là biết chấp nhận những gì Chúa đã ban cho mình cũng như cho tha nhân, trong tâm tình cảm tạ, tri ân và chúng con cần đến lòng nhân hậu của Chúa hơn là đức công bình.

Sr Mai An Linh, OP

GHEN TỊ
Mt 20,1-16a

Câu chuyện dụ ngôn thuê mướn thợ làm vườn nho hình như có vấn đề gây thắc mắc : làm sao ông chủ có thể trả công đồng đều cho tất cả những người thợ làm việc ở các thời điểm khác nhau ? Ông chủ có công bằng chăng khi đối xử với những người chỉ làm một giờ ngang bằng với những người làm vất vả cả ngày ?

Thật ra ông chủ đã đối xử sòng phẳng với những người làm việc từ sáng sớm. Ông ta đã trả mỗi người một đồng đúng như đã thỏa thuận. Ông ta không bóc lột sức lao động của ai cả : có làm có trả lương tương xứng, nếu ông ta không gọi thêm thợ thì mọi chuyện bình thường, chẳng có vấn đề gì, nhưng vì có nhóm thợ làm ít giờ hơn cũng được trả lương bằng mình, nên có việc ganh tị, và nhất là đánh giá tiêu cực về ông chủ.

Câu chuyện này chúng ta thấy nổi bật hai vấn đề : Cách đối xử của ông chủ và phản ứng của những người thợ. Ông chủ vườn nho đây là hình ảnh Thiên Chúa, Ngài tốt lành vô cùng, lòng nhân từ của Ngài vượt lên trên tất cả những thứ trả công mà người đời sử dụng với nhau trong cuộc sống, Ngài rất công bằng và thương yêu vô tận. Vì vậy, ngoài sự công bằng, Ngài còn yêu thương chúng ta theo tự do và tình yêu của Ngài. Trước lời phàn nàn của những người làm sau, Ngài đã khẳng định quan điểm của Ngài, Ngài hoàn toàn tự do làm theo ý định của mình, Ngài muốn làm cách nào, lúc nào, chọn ai đều tùy ý Ngài mà không phải lệ thuộc ai cả. Tuy có quyền tự do của mình, nhưng Thiên Chúa không dùng tự do đó mà làm thiệt hại cho người khác : "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn". Thiên Chúa luôn công bằng, chỉ có con người mới đối xử bất công với nhau vì thiếu lòng nhân từ, vì cách nhìn ghen tị của mình.

Quả thật, Ông chủ vườn nho được tự do dùng tiền của mình, thì tại sao Thiên Chúa lại không được tự do trong việc yêu thương ? Ông chủ trả lương rộng rãi với nhóm người này mà vẫn giữ công bằng với nhóm kia, thì Thiên Chúa trải rộng tình thương của Ngài đến mọi người mà không cần theo tính toán của người đời. Cách xử sự của Thiên Chúa khác xa với cách xử sự của mọi người. Có lẽ khó gặp được chuyện này trong cuộc sống hằng ngày, nhưng lại xảy ra hằng ngày trong đời sống thiêng liêng : Thiên Chúa ban ơn nhiều hơn lòng mong đợi của con người. 

Thiên Chúa rất nhân từ và tốt lành, Ngài ban ơn cho mỗi người và mọi người mà không tính toán thời điểm, tuổi tác. Chỉ có con người là hẹp hòi, ích kỷ đối với nhau qua hình ảnh những người thợ làm vườn nho. Những người làm từ đầu, làm nhiều giờ hơn, không vui mừng khi thấy ông chủ trả lương cho những người vào làm sau, làm ít giờ hơn cũng bằng họ, họ đã ghen tị đến đấu tranh với ông chủ, đó là tâm trạng chung của con người chúng ta : hay so đo, tính toán, thắc mắc, phân bì, ghen tị, ganh ghét. 

Chúng ta hãy nhớ : ghen tị là một trong bảy mối tội đầu, là tội nặng. Kẻ ghen tị là người không muốn ai hơn mình, mà nếu có ai hơn mình thì tỏ ra khó chịu, buồn sầu, tức bực và oán ghét với những thành công của người khác. Người ta ghen tị về đủ mọi mặt : của cải, tài ba, nhan sắc, thanh công, nhân đức. Người ta ghen tị nhau vì không lượng đúng giá trị những gì mình có, không thỏa mãn với hiện trạng của mình, không nhận ra vị thế của mình, lúc nào cũng thấy núi khác cao hơn. Người ta ghen tị nhau vì kiêu ngạo, vì ích kỷ, không muốn ai thành công hơn mình, đạo đức hơn mình, phục vụ hơn mình. Càng liên hệ thân thiết với nhau người ta càng ghen tị nhau. Thường thường những người ở trong cùng hoàn cảnh, cùng gia tộc, cùng một tình thân như bạn bè mới ghen tị nhau, chẳng hạn chị em ghen tị nhau, nhà giáo, nghệ sĩ, hàng thịt hàng cá...ghen tị nhau. 

Chúng ta có thể cười người khác khi thấy họ ghen tị và chúng ta cho đó là thái độ trẻ con, nhưng chính chúng ta cũng nên phải tỉnh lại xem : chúng ta có hơn trẻ con không ? Khi thấy người khác đau khổ, chúng ta dễ chạnh lòng thương, an ủi, giúp đỡ họ. Cho nên, thường thường chúng ta hay đi chia buồn hơn là đi chia vui. Có ai vui một cách thành thực khi anh em mình được may mắn, thành công chăng ? Hay là chúng ta tủi thân, rồi mỉa mai, bôi bác họ ?

Chúng ta hãy nhớ : ghen tị sinh ra nhiều tai hại : ghen tị sinh ra ghen ghét, ghen ghét sinh oán thù. Ghen tị thường đi đến chỗ nói xấu, nói hành, dèm pha, bôi nhọ, xét đoán bừa bãi. Ghen tị làm mất tình bác ái và gây nên bao gương mù gương xấu. Vì thế, chúng ta phải tốp ngay, phải ngưng ngay cái tật xấu ghen tị này. Chúng ta phải biết đánh giá trị đúng của anh em mà vui cùng kẻ vui. Chúng ta phải tránh sự ghen tị như tránh rắn độc. 

Tóm lại, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta hai điều : Thứ nhất, chúng ta phải luôn khiêm nhường nhìn nhận mình không là gì cả, lúc nào cũng phải nương nhờ vào ơn Chúa, vì tất cả những gì chúng ta đã có, đang có hay sẽ có đều là do Chúa ban, Chúa là Đấng tốt lành vô cùng. Thứ hai, mỗi người hãy bằng lòng với hiện trạng của mình, bằng lòng với những gì mình đang có, đừng nhìn vào người khác mà phân bì ghen tị. Ghen tị làm mất tình yêu thương và gây nên những gương mù gương xấu. Xin Chúa cho chúng ta biết đánh giá trị đúng về mình và về anh em, để chúng ta không phân bì, kể công với ai và cũng không phân bì, ghen tương ai.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

THIÊN CHÚA CÓ BẤT CÔNG?
Mt 20, 1-16

Người Dothái và đặc biệt là nhóm Pharisêu và Kinh sư thường hay tự hào họ là dân ưu tuyển của Thiên Chúa. Và dĩ nhiên, họ đòi Thiên Chúa phải ban cho họ một số quyền lợi hơn những người tội lỗi và dân ngoại. Vì cho rằng mình có đặc quyền, đặc lợi bất khả xâm phạm, nên họ không ngừng rình mò, chỉ trích, ghen tỵ và chống đối trước những hành vi cao thượng mà Chúa Giêsu đã đối xử với những người nghèo khổ, những người thu thuế và tội lỗi. Dụ ngôn "Thợ làm vườn nho" mà Giáo hội muốn con cái mình suy niệm hôm nay không chỉ trả lời cho nhóm Pharisêu và Kinh sư mà còn cho hết những ai vẫn còn đó lòng đố kỵ ghen tương trước tấm lòng nhân ái vô bờ bến mà Thiên Chúa dành cho những người khốn khổ đói nghèo.

Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu như ông chủ bảo người quản lý trả tiền công cho những người vào làm vườn nho lúc tảng sáng (khoảng sáu giờ sáng) đến người vào làm lúc giờ thứ muời một, tức khoảng năm giờ chiều để họ lần lượt ra về. Đàng này ông lại bắt những người vào làm việc lúc tảng sáng, giờ ba, giờ sáu và giờ chín "chứng kiến" việc trả tiền công bắt đầu từ những người vào làm sau hết. Rắc rối nảy sinh từ đây. Thật sự khi chứng kiến người vào làm chỉ có một giờ được viên quản lý trả cho một đồng, những người vào làm việc trước đó khấp khởi mừng. Lý do để họ hy vọng là vì người vào làm có một giờ đâu phải chịu nắng nôi vất vả như họ, thế mà anh ta được một đồng, thì họ phải hơn thế chứ, bởi công bình mà! Thế nhưng đến lượt họ, cũng chỉ có một đồng mà thôi. 

Tại sao chỉ có một đồng? Sao lại bất công như vậy? Quả thật, đọc qua dụ ngôn này, dường như chúng ta cũng có cái nhìn trách móc ông chủ như những người làm công trên đây và dường như chúng ta cũng đồng ý với những người này khi họ mong được ông chủ trả nhiều hơn. Và dường như, cách nào đó, chúng ta khó chịu trước cách hành xử "bất công" của ông chủ và xem những con người kia như những nạn nhân của sự bất công. Bởi chúng ta vẫn thường quan niệm công bình tức là trả cho mỗi người điều gì thuộc về họ tuỳ theo sức lao động và giá trị đóng góp của họ. Đó là loại công bình của loài người, với Thiên Chúa, không phải như vậy...

Ông chủ trong dụ ngôn có bất công không? Thưa rằng không. Bởi lẽ ông thực thi công bình theo đúng kiểu của con người, tức đã thoả thuận trước. Thế việc ông "phân biệt đối xử" trong việc trả tiền công thì sao? "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?(...) Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?". Như thế đã rõ, ông chủ không chỉ công bình mà còn hào phóng và rộng rãi nữa. Bởi việc ông đối xử với người vào làm chỉ có một giờ xuất phát từ lòng quảng đại và tình yêu vô bờ bến của ông chứ không xuất phát từ cái nhìn ở khía cạnh thời gian. Ông nhìn nhận nếu cứ xét công bình theo kiểu nhân loại, cuộc sống của người vào làm vườn nho có một giờ và cả gia đình anh sẽ ra sao? Chính vì thế, chúng ta thấy ở đây tình yêu của ông vượt trên mọi lý lẽ công bình như người đời vẫn quan niệm. 

Điều đáng tiếc là những người được kêu mời vào làm vườn nho từ rất sớm đã không nhận ra tình yêu và lòng quảng đại của ông chủ. Những người này có thể là những Pharisêu, những Kinh sư hay những ai có cách nhìn thiển cận về tình yêu của Thiên Chúa. Những người này tự đặt ra một thứ công bình theo kiểu loài người và họ áp đạt loại công bình này cho Thiên Chúa. Họ bắt Thiên Chúa làm theo ý họ, theo tiêu chuẩn mà họ đặt ra. Theo đó, Thiên Chúa có làm gì, làm cho ai và cho bao nhiêu, nhất nhất phải theo thứ luật mà họ đã bày sẵn, ngoài phạm vi này, họ liền xầm xì ta thán, lên án chỉ trích,... Họ chưa hiểu rằng bài học ở đây chính là, công bình không thôi chưa đủ, cần phải có tình yêu để phủ lấp thứ công bình gò bó hạn hẹp theo quan niệm của con người. Bởi xét cho cùng, công bình chỉ có giá trị trong tương quan giữa người với người, còn Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi lý lẽ và công bình, Người chỉ hành động bằng tình yêu mà thôi. Và đây chính là chìa khoá để lý giải cách ông chủ đã đối xử với người vào làm vườn nho trong giờ cuối cùng của ngày.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng có cái nhìn thành kiến, hạn hẹp trước tình yêu và ân sủng mà Thiên Chúa đã thương ban cho những người "đến sau" chúng ta trong vườn nho Giáo hội. Vô hình trung, chúng ta đang theo bước chân của những người Pharisêu và Kinh sư- những người không chấp nhận Thiên Chúa tỏ tình yêu của Người cho người khác. Chúng ta tưởng rằng khi Thiên Chúa tỏ tình yêu và tặng ban ân sủng của Người cho người khác sẽ làm chúng ta thiệt thòi và thua kém, nhưng kỳ thực không phải như vậy, điều Thiên Chúa muốn là tất cả mọi người, không phân biệt mầu da chủng tộc, đều được hưởng tình yêu thương hải hà và ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa Tình yêu.

"Giới hạn của tình yêu là yêu vô giới hạn". Câu nói thời danh của Thánh Bênađô giúp chúng ta hiểu thấu hơn về tình yêu vô giới hạn của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta khi đối xử với anh em đồng loại cũng hãy dựa trên tình yêu và lòng quảng đại như Thiên Chúa đã đối xử với dân Người.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb


DỤ NGÔN THỢ LÀM VƯỜN NHO
Mt 20, 1-16

Ngôn sứ Isaia đã kêu lên:" Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần...". Thiên Chúa là Đấng công bình, Người không xét xử theo công trạng của con người mà là do lòng tốt của Người. Chính vì thế, dân Do Thái trước kia đang sống trong cảnh lầm than cơ cực, đang sống trong cảnh làm tôi đòi cho dân Ai Cập. Họ có cảm tưởng như Chúa bỏ rơi họ hoặc họ đã lãng quên Chúa. Lời mời gọi của Isaia:" hãy trở về với Chúa và hãy tìm kiếm Chúa " là một lời mời gọi khẩn thiết.

Đối với tôi:" sống là Đức Kitô "thánh Phaolô đã thốt lên như thế. Tin Chúa, tìm Chúa, sống gắn bó với Chúa là lẽ sống của người Kitô hữu. Đoạn Tin mừng Mt 20, 1-16 cho chúng ta thấy lòng nhân từ, trái tim đầy thương xót của Chúa...

Chúa Giêsu sống trong xã hội Do Thái lúc đó, Người thường bị các người biệt phái, luật sĩ, các vị lãnh đạo tôn giáo, các người xấu rình mò, nhắm tới, chĩa mũi dùi vào Chúa Giêsu. Tất cả họ là những người giả hình, những người vụ hình thức, những người giả dối, sống hời hợt bề ngoài nhưng tâm hồn xa thực tế, trái tim khô cứng, họ không có lòng đạo đức, họ giữ luật Môsê tỉ mỉ bề ngoài, nhưng giữ luật một cách máy móc và thiếu trung thực, thiếu tình thương. Họ chống đối Chúa Giêsu vì những lời nói, những việc làm của Ngài đầy tình yêu thương, đầy lửa mến. Họ chỉ trích Chúa Giêsu vì Ngài yêu thương, gần gũi những kẻ nghèo hèn, những kẻ tội lỗi. Họ tị hiềm với Chúa vì Chúa luôn gần gũi với những kẻ thấp cổ bé họng, những kẻ bị đẩy ra khỏi xã hội. Đứng trước thái độ xấu xa của những người Do Thái, Chúa kể dụ ngôn người thợ làm vườn nho để gián tiếp chỉ về Ngài, chứng minh Ngài là Người vô cùng nhân hậu. Người chủ vườn nho đi thuê thợ làm vườn nho và thoả thuận trả giá một đồng cho mọi người vào làm vườn bất cứ giờ nào trong ngày.

Tới giờ phát lương vào buổi chiều, người chủ đã trả y giá đã thỏa thuận cho những làm thuê là một đồng mỗi người. Dù rằng ai trong đám thợ cũng tưởng mình sẽ được trả giá cao hơn. Nhưng tất cả đều nhận được chỉ có một đồng theo giá đã thỏa thuận. Do đó có tiếng xì xào, oán trách chủ. Tuy nhiên, chủ đã ôn tồn trả lời:" Nào tôi có làm thiệt hại bạn đâu, bạn hãy lãnh lấy phần bạn đã thỏa thuận và ra về"... Chúa Giêsu muốn đưa nhân loại lên tầm cao mới, chiều sâu mới. Con người phải có cái nhìn bằng tình yêu mới có thế nghiệm ra lòng thương xót của Chúa. Chúa yêu thương con người, Ngài làm, hành động vì tình yêu. Tất cả công việc của Chúa đều phát xuất từ trái tim độ lượng của Ngài.

Đối với Chúa không có sự giao hoán nào cả. Khi Ngài ân thưởng cho ai, Ngài cũng làm vì lòng tốt, vì tình yêu của Ngài. Do đó, con người không thể đòi hỏi Thiên Chúa, không thể nói tay đôi với Ngài được. Ngài có cách nhìn, có cách thẩm định của Ngài. Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu. Ngài thi ân và giáng phúc. Nên, con người chỉ hoàn toàn phó thác và cậy trông vào Chúa mà thôi. Con người và Thiên Chúa được đặt trên mối quan hệ ân sủng. Đây là giáo huấn căn bản của dụ ngôn và là đối tượng đích thực. Chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền thi ân, tha thứ cho con người. Ngài có quyền ban thưởng cho ai là do lòng tốt của Ngài. Con người không có quyền kết tội người khác vì chỉ mình Chúa mới có quyền xét đoán và thứ tha tội khiên, Ngài gánh tội và xóa tội cho nhân loại, cho con người. Ngài ban cho ai điều gì là do tấm lòng nhân hậu, từ bi và đại lượng của Ngài.

Chính vì thế,con người hoàn toàn tin cậy, phó thác vào Chúa vì họ biết chắc chắn Chúa sẽ thương yêu họ ngoài sức lượng định của họ. Gương của các thánh đã cho nhân loại càng hiểu rõ hơn lòng từ bi nhân hậu và trái tim đầy nhạy cảm yêu thương của Chúa. Chúa luôn yêu thương kẻ bé mọn vì họ là những người nghèo, là những Anawim của Chúa. Một Têrêsa Hài Đồng Giêsu bé nhỏ, một Têrêsa Calcutta khó nghèo, một Saviô nhỏ tuổi. Tất cả các Đấng đều được ân thưởng vì tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết tìm kiếm Chúa vì Chúa là Tình Yêu của chúng con.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN A
Mt 20, 1-16

Theo cách giải thích truyền thống, bài Tin Mừng này muốn nói tới tính «nhưng không» của Nước Trời: người ta được vào Nước Trời hoàn toàn do ân sủng của Thiên Chúa ban nhưng không, chứ không phải do công lao của họ, mặc dù người ta vẫn phải có sự cộng tác của riêng mình. Vì thế, sẽ có những người theo Chúa từ khi vừa chào đời, những người này được cứu rỗi là một điều dễ hiểu. Nhưng cũng sẽ có những người đã sống suốt cả một cuộc đời tội lỗi hoặc không biết Chúa, mãi tới cuối đời mới giác ngộ, mới biết Chúa và theo Chúa. Cuộc đời họ chỉ theo Chúa vào những giây phút cuối cùng, có thể một vài năm, mà cũng có thể chỉ một vài phút trước khi chết (như trường hợp người trộm lành cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su trong Lc 23,39-43). Những người này cũng được ơn cứu rỗi y như những người đã theo Chúa suốt cuộc đời. Rất có thể những người sống đạo tốt đẹp suốt cả đời sẽ ganh tỵ với những người ấy. Dụ ngôn này trả lời cho những người ganh tỵ ấy.

Tuy nhiên, ta có thể giải thích dụ ngôn này theo một kiểu khác, để áp dụng tinh thần yêu thương một cách vô vị lợi, ít vị kỷ và bớt tính toán, so đo, hơn thiệt với mọi người. Nhất là để tập quan niệm, suy nghĩ theo cách của Thiên Chúa, cách vị tha, khách quan, không qui về mình.

1. Hai thứ công bằng: của trần gian và của Nước Trời

Mới đọc bài Tin Mừng, ai cũng cảm thấy ông chủ làm vườn nho đối xử như thế với những người làm thuê là không công bằng: người làm ít cũng như người làm nhiều đều nhận một mức lương bằng nhau. Vì theo suy nghĩ bình thường của người đời, người làm nhiều phải hưởng lương cao hơn người làm ít. Nghĩ như thế là hoàn toàn đúng và hợp lý. Nhưng với tình thương, người ta có thể suy nghĩ khác, cao hơn, mà vẫn hoàn toàn hợp lý.

Thật vậy, nhân loại sau này có một lý tưởng rất cao cả mà cho tới nay vẫn chưa thực hiện được, đó là làm theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. Nghĩa là hưởng lương nhiều hay ít tùy theo nhu cầu của mình nhiều hay ít, chứ không tùy theo mình đã làm nhiều hay ít. Lý tưởng này ai cũng cho là hợp lý và đầy tình thương hơn lối hành xử thường tình làlàm và hưởng thụ theo khả năng. Biết bao người đã say mê và sống chết cho lý tưởng ấy: Làm theo khả năng, nhưng hưởng thụ theo nhu cầu. Trong lịch sử con người, nếu lý tưởng này có được thực hiện, thì nó đã được thực hiện trong cộng đồng Ki-tô hữu nguyên thủy, một cộng đồng hữu kiểu mẫu cho mọi cộng đồng Ki-tô hữu về sau.

2. Công bằng của Nước Trời: công bằng có tình thương

Dụ ngôn này diễn tả Nước Trời, vì nó khởi đầu bằng câu: «Nước Trời giống như…», chứ không phải nó áp dụng cho thế gian này. Nước Trời là nước của tình thương, trong đó mọi người đều đối xử với nhau bằng tình thương, và có như thế Nước Trời mới là nước của hạnh phúc. Do đó, sự công bằng ở trong Nước Trời là một thứ công bằng có tình thương, chứ không phải là thứ công bằng vô tâm như ở trần gian. Sự công bằng kiểu trần gian này nếu được thực hiện thì cũng là phúc cho trần gian, nhưng ngay cả thứ công bằng này nhiều xã hội cũng chẳng thực hiện được. 

Tuy nhiên, dẫu được thực hiện, sự công bằng trần gian vẫn gây nên biết bao nhiêu chênh lệch. Những người có tài năng, có sức khỏe thì luôn luôn làm được nhiều hơn nên được hưởng lương cao hơn những người yếu đuối, kém tài năng, bất chấp những người yếu đuối này có thể có nhu cầu lớn hơn hay nhiều hơn. Vì thế, người có tài có sức thường giàu có, còn người ít tài kém sức thường nghèo khổ. Như thế, nhu cầu của tôi dù có lớn đến đâu, nhưng nếu tôi làm được ít, thì tôi chỉ được hưởng ít, cho dù hưởng ít như thế thì tôi sẽ rất thiếu thốn và đau khổ. Còn nhu cầu của anh dù rất ít, nhưng nếu anh làm được nhiều, thì anh vẫn được hưởng nhiều, cho dù hưởng nhiều như thế anh sẽ dư thừa một cách vô ích. Đó là điều hợp lý theo lẽ thường của trần gian, và ở trần gian này dường như không thể nào làm khác hơn được. 

Còn công bằng theo kiểu có tình thương kia, nếu áp dụng ở trần gian đầy ích kỷ này thì sẽ có cái dở là làm cho nhiều người đâm ra lười biếng: vì có làm chăm thì cũng chỉ được hưởng bằng người lười. Cứ nghĩ như thế thì sẽ chẳng còn ai hứng thú trau giồi tài năng của mình làm gì, vì có tài thì chẳng ích lợi gì cho mình hơn không có tài. Ai cũng có tính ích kỷ, không ai muốn hy sinh một cách vô vị lợi cho ai cả. Ai cũng muốn dùng tài năng hay những lợi thế mình có được để phục vụ mình, để làm lợi cho mình trước đã, không mấy ai muốn ưu tiên cho tha nhân, cho những kẻ hèn kém, yếu thế, dù họ có nhu cầu nhiều hơn mình. Nếu có tài năng mà không đem lại ích lợi cho mình, thì tài năng để làm gì? 

Nhưng Nước Trời không phải là nước trần gian, hay ít ra không phải là trần gian như đang có trong hiện tại. Nước Trời được định nghĩa như một xã hội hoàn hảo, trong đó mọi người đều được hạnh phúc. Để được hạnh phúc như thế thì mọi người phải yêu thương nhau, và yêu thương một cách cụ thể là phải quên mình đi để lo cho tha nhân. Khả năng hay tài năng của mỗi người là để phục vụ tha nhân, để lo cho lợi ích chung, chứ không ai dùng tài năng chỉ để vun quén cho mình. 

Một gia đình hạnh phúc - vì mọi người trong nhà đều yêu thương lo lắng cho nhau - là một hình ảnh rất cụ thể và sống động về Nước Trời. Những người lớn, có nhiều khả năng, thì đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Những em nhỏ tuy không đi làm, nhưng vẫn phải ăn, học, và do đó phải tiêu một món tiền không nhỏ. Nếu trong nhà có một người đau yếu, bệnh tật, thì người bệnh này có thể không làm ra được một đồng nào, nhưng lại có thể tiêu một số tiền lớn nhất trong nhà vì tiền thuốc, tiền bác sĩ rất mắc. Trái lại, người làm ra nhiều tiền nhất trong nhà có thể lại tiêu xài tiền ít nhất, vì có ít nhu cầu nhất. Nhưng anh ta vẫn không lấy thế làm bất công, mà cảm thấy như thế là hợp lý. Anh cho rằng số tiền trong gia đình phải được chia tỷ lệ với nhu cầu của mỗi người chứ không phải tỷ lệ với số tiền mà mỗi người kiếm được. 

Chỉ những gia đình sống theo tiêu chuẩn hưởng thụ theo nhu cầu mới có hạnh phúc. Còn những gia đình chủ trương theo tiêu chuẩn hưởng thụ theo số tiền mình làm ra thì sẽ phát sinh nhiều đau khổ ê chề. 

3. Bạn thích sống theo thứ công bằng nào?

Trong dụ ngôn người chủ vườn nho trả tiền theo nhu cầu chứ không theo giờ làm thật là hợp lý nếu xét theo lý luận của tình thương. Những người làm từ sáng sớm hay những người chiều mới vào làm, người nào cũng đều có vợ con phải nuôi, một gánh gia đình phải cưu mang. Người vào làm sau, sở dĩ họ vào làm trễ chỉ vì họ không có may mắn có việc để làm từ sáng sớm, cho dù họ rất muốn có. Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn cho thấy một đặc tính của Nước Trời, cũng là lý tưởng của mọi xã hội trần gian, là tình thương. Sự công bằng trong Nước Trời không dựa trên tính vị kỷ của con người, mà dựa trên tình thương phải có đối với nhau. Và sự công bằng dựa trên tình thương ấy mới là sự công bằng đẹp lòng Chúa, sự công bằng mà Chúa muốn làm gương mẫu cho chúng ta trong xã hội. 

Đương nhiên sự công bằng ấy chưa thể áp dụng một cách phổ biến trong một xã hội mà các thành viên còn quá ít tình thương. Nhưng ít ra nó có thể áp dụng và cần phải áp dụng trong các gia đình Kitô hữu, trong các cộng đoàn Kitô giáo, nhất là trong các cộng đoàn cơ bản. Gia đình bạn, cộng đoàn Ki-tô hữu nhỏ bé của bạn đã nỗ lực trở thành một nước trời nho nhỏ chưa? Sự công bằng được áp dụng trong đó là thứ công bằng nào? Của thế gian hay của Nước Trời?

Cầu nguyện

Lạy Cha, thế giới này chưa thể áp dụng một cách đại trà thứ công bằng có tình thương theo kiểu Nước Trời được. Nhưng trong những cộng đoàn Ki-tô hữu nhỏ bé như gia đình Ki-tô hữu của con, trong cộng đoàn cơ bản của con, trong đó mọi người coi nhau như anh chị em ruột thịt, con sẽ cố gắng cổ võ việc áp dụng sự công bằng ấy, để mọi người trong đó phần nào hưởng nếm trước hạnh phúc của Thiên Đàng, một thứ hạnh phúc được xây dựng trên tình thương và do tình thương tạo nên. Amen.

John Nguyễn (nguồn vietcatholic.org)

2353    15-09-2011 08:26:18