Anh chị em thân mến.
Trong câu chuyện lịch sử "Chiếc nỏ thần", để lại một dấu ấn trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam.
Thục Phán An Dương Vương được Thần Kim Quy tặng cho chiếc nỏ có sức công phá cực kỳ, không ai có thể chống lại được. Nhờ chiếc nỏ mà trong nước được an bình.
Ông có cô con gái tên Mỵ Châu, được chàng Trọng Thuỷ con của Triệu Đà thuộc nước lân bang đến cưới. Mọi việc hết sức tốt đẹp, mối duyên của đôi trẻ ngày càng nồng ấm.
Một hôm Trọng Thuỷ xin về thăm cha của mình. Ít ngày sau thì chiến tranh kéo đến. Nhìn thấy đoàn quân đến từ xa, An Dương Vương không lo lắng gì, ông mỉm cười tự tin, vì đã có chiếc nỏ thần trong tay. Giặc càng ngày càng gần, đến lúc cần thiết, ông mới dùng đến nỏ thần. Nhưng bất ngờ thay, chiếc nỏ không còn công hiệu như xưa, đội quân của ông không phòng thủ nỗi với sức tấn công dũng mạnh của quân thù. Oâng cùng với cô con gái thân yêu tìm đường thoát thân. Nhưng càng chạy thì nghe tiếng của địch quân ngày càng gần. Nhìn lại thì ông thấy chính đứa con mà ông yêu thương nhất lại là người làm ông thất vọng nhất. Chính cô đã để lại dấu hiệu trên đường cho giặc đuổi theo. Oâng cũng hiểu ra: chính vì đứa con mà ông yêu thương, nên kẻ thù mới lợi dụng tình yêu thương đó, cưới con ông và tráo đỗi nỏ thần, khiến cho ông phải đi vào chỗ chết. Ông yêu thương con gái mình, nên cũng rất mực yêu thương chàng rể. Nhưng những gì mà ông yêu thương đã phản bội lại ông, làm cho ông phải chết. Nếu như ông có quyền trở lại ông sẽ đối xử với chàng rể như thế nào?
Khi lòng tham đã lên ngôi, thì tình yêu thương không còn hiệu quả nữa mà bị phản bội. Lòng tham làm cho con người trở nên tàn ác, bất chấp mọi thủ đoạn, miễn làm sao lòng tham đạt được như ý muốn.
Đó là những gì của con người. Nhưng Thiên Chúa không để cho sự ác ngự trị mãi được, sự ác không thể tồn tại, ngay cả trong con người đang làm ác cũng không thể chấp nhận được cái ác.
Những người thời đó không thể chấp nhận được việc làm của những người trong dụ ngôn, hành động không có nhân tính.họ đã quên đi những gì người khác làm cho họ, họ cũng quên đi những gì họ đang có là từ đâu mà đến. Họ càng không muốn nhớ đến thời khó khăn trước đó như thế nào và làm sao mà họ thoát khỏi khó khăn như thế. Giờ đây họ chỉ còn nhìn thấy cái lợi vật chất. Họ tìm cách chiếm đoạt mà không cần biết đến cảm nghĩ của người khác như thế nào, cũng không cần biết đến hậu quả ra sao. Họ không nhìn thấy được tình yêu thương chung quanh họ, thì làm sao họ có thể sống trong tình yêu được.
"Nước Thiên Chúa sẽ lấy khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm trổ sinh hoa lợi".
Một câu nói mạnh mẽ mà Chúa Giêsu thốt lên để cảnh báo cho những người không biết đến tình nghĩa, không nhìn thấy người khác, cũng không nhận ra được chính mình.
Câu cảnh báo cho người xưa cũng là lời cảnh báo cho những người hôm nay, cho chúng ta. Mỗi người được bao bọc trong tình yêu thương, được Thiên Chúa ưu ái, ban cho một hoàn cảnh sống thật tốt đẹp. Nhưng nhìn lại, chúng ta có biết cảm tạ hồng ân Chúa, hay mỗi ngày chúng ta đòi hỏi nhiều hơn, bất mãn nhiều hơn, toan tính để được nhiều hơn cái không phải là của mình. Càng không chấp nhận được khi những gì là của mình mà bị bắt buộc phải chia cho người khác. Nên nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta giống như những người trong dụ ngôn, muốn loại trừ người khác, ngay cả tiêu diệt người khác bằng mọi cách, để có thể hưởng trọn những gì mình muốn. Những lúc đó chúng ta cũng giống như chàng Trọng Thuỷ vô tâm, đứng trước một tình yêu chân thành nhưng không biết tận hưởng, mà chọn lấy nguồn lợi riêng tư để bước vào con đường chết. Nếu chúng ta nhận ra hồng ân Chúa trong đời sống và biết cảm tạ bằng những gì trong cuộc sống đời thường, để biết chu toàn mà đền đáp hồng ân Chúa thì thật là hạnh phúc cho chúng ta.
Xin Chúa soi sáng cho mỗi người,để biết nhận ra Chúa là nguồn tình yêu, mà biết sống xứng đáng để đền đáp tình yêu thương của Chúa.
HÃY TRẢ TIỀN THUÊ CỦA BẠN
Mt 21,33-34
Trong cuộc sống có rất nhiều sự bất công, đôi khi họ đạp lên cả lẽ phải và sự công chính để thực hiện mưu đồ điều ác của mình. Hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta về người chủ nhà làm mọi cách có thể để vườn nho của ông sản xuất trái nho. Rồi ông giao cho tá điền thuê, nhưng kết quả là một sự thiệt hại về cả vật chất lẫn tinh thần. Nó được thể hiện rỏ nhất khi chủ nhà sai những đầy tớ đến thu phần hoa lợi, thì những tá điền bắt các đầy tớ mà đánh đập và giết chết. Không những thế, khi chủ nhà lại sai chính con ông thì họ cũng giết cậu. Rồi Chúa Giêsu tuyên bố rằng ông chủ nhà sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và cho những tá điền khác thuê vườn nho mà họ biết chia phần hoa lợi.
Bài học trong câu chuyện thật dễ hiểu đối với thính giả thời Chúa Giêsu. Thiên Chúa đã chọn người Do Thái làm dân riêng của Ngài, đã ban cho họ mọi sự có thể, nhưng họ bác bỏ và giết các sứ giả của Thiên Chúa và đóng đinh chính con của Ngài chết trên thập giá.
Ngày hôm nay, có nhữngtá điền mới trong vườn nho của Ngài, những công dân mới trong nước Thiên Chúa đó chính là chúng, những người được lựa chọn, những người được mời gọi. Cũng vậy, chúng ta phải làm sinh hoa lợi, phải trả một loại "tiền thuê", một loại "dịch vụ", một loại "nợ" về ân huệ gia nhập dân Thiên Chúa. Những gì Thiên Chúa muốn không phải vì Ngài thiếu. Nhưng Ngài muốn là lòng biết ơn của ta đối với Đấng đã cưu mang, điều đó được thể hiện qua việc chúng ta tuân giữ lề luật của Ngài. Thực vậy, mọi sự mà các giới răn đòi hỏi chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa, ngay như những hoa lợi mà chủ nhà đòi hỏi đã thuộc về của ông.
Khi Thiên Chúa trao vườn nho cho mỗi người, thì chúng ta phải có bổn phận đáp trả sao cho xứng đáng, có thể chúng ta đang là những tá điền gian ác, bất công.........chúng ta có những hành động đó vì những cám dỗ nơi của cải trần gian, danh lợi thế tục mà chúng ta bị che mờ, bị mù quang cứ lao đầu như con thiêu thân làm hết chuyện ác này đến điều ác khác
Các giới răn là tiền lương, tiền thuê, tiền thuế, nếu bạn muốn gọi là thế, mà chúng ta phải trả cho bổn phận trong nước Thiên Chúa. Ở đây, bây giờ, bạn hãy xin Ngài giúp bạn thi hành sự trả nộp đó, nghĩa là tuân giữ các lệnh truyền của Ngài với lòng biết ơn và yêu mến.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra mình đang là những ta điền trong vườn nho của Chúa, để con biết được thân phận hèn mọn của mình mà ca tụng Chúa mỗi ngày trong đời con. Amen
CHÚA NHẬT HAI MƯƠI BẢY THƯỜNG NIÊN
Mt 21,33-43
1. Ý nghĩa dụ ngôn những tá điền sát nhân
Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn có ý nói bóng gió về tình trạng đã, đang và xảy ra trong dân Do Thái, mà trước mắt có sự góp phần của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái là âm mưu giết Đức Giê-su. Kết cục được diễn tả trong câu cuối của bài Tin Mừng là: Dân Do Thái được Thiên Chúa dành ưu tiên trong việc vào Nước Thiên Chúa, nhưng vì họ tỏ ra không xứng đáng, nên chỗ ưu tiên của họ được nhường cho những dân tộc khác.
Thiên Chúa đã yêu quí dân Do Thái, điều này được diễn tả trong bài đọc I: Thiên Chúa cưng chiều dân Do Thái như một người có một vườn nho mà anh ta rất quí: «Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho» (Is 5,2a). Anh quí nó đến nỗi làm cho nó tất cả những gì mà anh nghĩ nó cần nó thích: «Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?» (5,4). Anh ta kỳ vọng rất nhiều vào vườn nho đó, nhưng vườn nho đã làm anh thất vọng: «Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại» (5,2b). Một vườn nho như thế thì người chủ nên làm gì cho nó? Thất vọng vì vườn nho ấy, anh ta đã «hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo (
) biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống» (5,5-6). Vườn nho đó được I-sa-i-a xác định: «Vườn nho đó chính là nhà Ít-ra-en; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, chính là người xứ Giu-đa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than» (5,7).
Trong dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su tiếp tục khai triển chủ đề «vườn nho» của bài đọc I (Is 5,1-7), với những ám chỉ sau đây: 1. Vườn nho ám chỉ dân Do Thái; 2. Ông chủ đất ® Thiên Chúa,3. Bọn tá điền ® Các lãnh tụ tôn giáo Do Thái; 4. Các tôi tớ của chủ đất ® Các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến; 5. Người con trai của ông chủ ® Đức Giê-su; 6. Các tá điền khác ® Dân ngoại.
Toàn bài dụ ngôn nói lên diễn tiến trong lịch sử dân Do Thái: Thiên Chúa chọn Do Thái là dân riêng của Ngài giữa mọi dân tộc. Ngài muốn họ là cầu nối giữa Ngài với mọi dân tộc khác và với toàn nhân loại. Để thực hiện mục đích ấy, Ngài đã sai các ngôn sứ đến để dạy dỗ, sửa đổi và cho họ biết ý định của Ngài. Nhưng lời nói của những ngôn sứ này thường không lọt lỗ tai các lãnh tụ tôn giáo Do Thái, vì «trung ngôn nghịch nhĩ», «lời thật mích lòng». Và kết quả là các ngôn sứ này đều bị ném đá chết dưới tay các lãnh tụ tôn giáo Do Thái. Chính ngôn sứ Ê-li-a đã phải than phiền: «Khi cầu nguyện với Thiên Chúa, ông đã tố cáo dân Ít-ra-en rằng: Lạy Chúa, các ngôn sứ của Ngài, chúng đã giết chết; bàn thờ của Ngài, chúng đã phá huỷ. Chỉ còn sót lại một mình con, thế mà chúng cũng đang tìm hại mạng sống con» (Rm 11,3; x. V 19,10.14).
Cuối cùng, Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến cũng để làm công việc ngôn sứ ấy, thì cũng bị họ giết chết một cách dã man và thảm hại. Dân Do Thái vì hèn nhát trước quyền lực nên cũng hùa theo các lãnh tụ của họ. Vì thế, dân Do Thái đã bị Thiên Chúa loại bỏ, mất quyền ưu tiên đối với Nước Trời. Và Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập - gồm những người tin theo Đức Giê-su - bao gồm những người mà người Do Thái gọi là dân ngoại, gồm đủ mọi dân tộc trên thế giới.
Còn dân Do Thái đã bị đào thải khỏi lịch sử: tháng 9 năm 70, Titus, lúc ấy làm thống soái quân đội Rôma (sau làm hoàng đế năm 79-81), đã bao vây và chiếm Giê-ru-sa-lem, giết rất nhiều người Do Thái. Kể từ đó, Do Thái bị mất nước, và dân Do Thái phải tản mác khắp nơi trên thế giới. Đến thế chiến thứ hai, dân Do Thái tại Đức đã bị Hitler giết tới 6 triệu người. Mãi đến năm 1947, sau gần 19 thế kỷ bị mất nước, Do Thái đã lập quốc trở lại tại vùng đất cũ, nhưng kể từ đó, họ phải chiến tranh liên tục với dân Palestin và Ai Cập cho đến nay.
2. Dụ ngôn đó có áp dụng cho Giáo Hội chúng ta không?
Khi tôi học Cựu Ước, giáo sư dạy Kinh Thánh cho tôi thường nói: « Israel là Giáo Hội, Israel là chính tôi». Vì thế, nếu bài dụ ngôn kia có thể áp dụng cho dân Do Thái, thì cũng có thể áp dụng cho Giáo Hội và cho chính bản thân tôi.
Do Thái giáo là một tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập qua các tổ phụ, Mô-sê và các ngôn sứ, với hàng giáo phẩm là các tư tế, lê-vi và các ráp-bi. Thiên Chúa đã trực tiếp can thiệp vào lịch sử của dân tộc, đã ra tay giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách thống trị Ai Cập, đã đích thân ban hành luật pháp cho họ, đã trực tiếp chỉ định những vì vua cai trị họ
Ngay cả Ki-tô giáo hiện nay cũng chưa được Thiên Chúa trực tiếp can thiệp như thế. Có ngôn sứ nào trong Ki-tô giáo oai hùng như I-sa-i-a, khi ra lệnh cho dân Do Thái điều gì thì đều nói: « Thiên Chúa là Chúa các đạo binh phán như thế» (x. Is 1,24; 3,15; 5,9; 10,24; 14,22-24; 17,3; 19,4; v. v
) Vì thế, dân Do Thái đã rất có lý khi nghĩ rằng tôn giáo của mình do Thiên Chúa thiết lập ắt sẽ vĩnh cửu, và sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhưng lịch sử cho chúng ta thấy họ đã lầm. Do Thái giáo đã tàn lụi, và được thay thế bằng Ki-tô giáo. Có thể nói, Do Thái giáo chính là tiền thân của Ki-tô giáo.
Ki-tô giáo hiện nay cũng đang tự hào là tôn giáo duy nhất do chính Thiên Chúa thiết lập, là tôn giáo có giá trị hơn hết mọi tôn giáo trên thế giới, nên mọi Ki-tô hữu đều tin tưởng nó sẽ tồn tại muôn đời, và sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhưng nhiều khi các Giáo Hội Ki-tô giáo chỉ biết tự hào như thế mà quên đi niềm mong ước của chính Thiên Chúa đối với mình. Liệu Thiên Chúa có phải than phiền về Ki-tô giáo như đã than về Do Thái giáo: « Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?» Ki-tô giáo đã hơn Do Thái giáo những gì?
Đức Giê-su đến để thiết lập một tôn giáo mới dựa trên nền tảng tình yêu thương, và luật của Ki-tô giáo là luật yêu thương: « Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34); «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô» (Gl 6,2); «Luật Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gc 2,8).
Luật của Tân Ước mới hẳn so với Cựu Ước của Do Thái giáo, nhưng các Ki-tô hữu đã coi trọng luật ấy đủ chưa? đã tập trung mọi cố gắng để thực hành luật ấy đúng mức chưa? Hay Ki-tô giáo lại đi vào vết xe đã đổ của Do Thái giáo, là thượng tôn nghi thức, quá chú trọng tới những lễ nghi và hình thức bên ngoài? Còn lề luật chính yếu là sống yêu thương thì lại lãng quên? Có phải hiện nay hình thức của Ki-tô giáo thì mới mẻ và khác hơn Do Thái giáo, nhưng tinh thần nệ luật, nệ hình thức thì chẳng khác gì những người Do Thái ngày xưa? Đã tới lúc chúng ta cần nghiêm túc tự hỏi: ngày nay, người ngoài nhìn vào cách sống của người Ki-tô hữu, có thể nhận ra đạo của chúng ta là « đạo yêu thương» như thời Ki-tô giáo sơ khai không? Ngày nay, lễ «bẻ bánh» có còn là một dấu chỉ của một sự chia sẻ có thực trong đời sống giữa những người đến tham dự không, hay nó đã trở thành một nghi thức thuần túy, cho dù đầy ý nghĩa nhưng không có gì là thực tế cho lắm?
Mỗi Ki-tô hữu - nhất là những người có trách nhiệm hướng dẫn, lãnh đạo tôn giáo - cần tự vấn: Thiên Chúa hay Đức Giê-su có hài lòng với tình trạng Ki-tô giáo hiện nay không? Còn những người lãnh đạo tôn giáo cần tự vấn thêm: Tôi có giống như những vị lãnh đạo Do Thái giáo xưa, chẳng những không thèm nghe mà còn sẵn sàng bạc đãi hoặc bách hại những tiếng nói ngôn sứ vào thời đại của mình không? Hay ít ra khi họ bị bách hại vì đã chu toàn chức năng ngôn sứ của họ, tôi đã im lặng, làm ngơ, để mặc họ bị bách hại như thể tôi cũng đồng ý với sự bách hại ấy?
Không khéo Ki-tô giáo của chúng ta chẳng hơn gì Do Thái giáo, khiến Thiên Chúa cũng sẽ phải đối xử với chúng ta như đã đối xử với dân Do Thái: « Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi»!
Cầu nguyện
Lạy Cha, Ki-tô giáo hiện nay thế nào, chính con - cũng như bất kỳ Ki-tô hữu nào - đều có phần nào trách nhiệm. Xin cho con biết sống đạo Chúa Ki-tô đúng với với tinh thần yêu thương của Ngài. Xin cho con rút ra được bài học lịch sử của dân Do Thái để tránh được vết xe đã đổ .
John Nguyễn
Bóng tối và ánh sáng vẫn đan xen nhau hoài hoài và mãi mãi. Cuộc chiến giữa bóng tối và ánh sáng càng lúc càng trở nên gay gắt,quyết liệt. Chúa Giêsu trong cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để hoàn tất sứ mạng cứu chuộc của Ngài, đã phải đương đầu với bóng tối, với các lực lượng của sự dữ. Bóng tối ở đây, trong các dụ ngôn Chúa Giêsu trưng ra trong các chúa nhật vừa qua, đã chỉ ra rằng Chúa Giêsu cũng phải đương đầu với những khó khăn, thử thách, những cạm bẫy xem ra hết sức nguy hiểm. Ngài ám chỉ đến các biệt phái, các người Pharisiêu, những thượng tế và những người lãnh đạo tôn giáo thời đó. Chúa Giêsu phê bình những người Pharisiêu từ chối đón nhận sứ điệp Tin Mừng Ngài mang lại và Chúa nhắm tới việc Ngài thiết lập Giáo Hội của Ngài.
Sứ điệp Đức Kitô loan báo cho nhân loại là tình yêu cứu độ. Chúa chọn dân ưu tuyển là dân tộc Do Thái. Cả lịch sử dân Chúa luôn được Chúa ân cần săn sóc, giữ gìn. Lịch sử của dân Israen là lịch sử tình yêu, Chúa tuyển chọn dân Israen để yêu thương họ và làm cho họ nên một dân tộc thánh thiện.
Tuy nhiên, như bài đọc I cho thấy : chính con một Thiên Chúa đã đến trong lịch sử dân được tuyển chọn,nhưng họ không tiếp nhận Ngài. Họ và đích xác họ đã giết Ngài trên thập giá. Các ngôn sứ của Chúa những người đi trước cũng đã bị họ loại trừ và giết chết: " như vậy máu của những người công chính đã đổ xuống đất, từ máu ông A-bel, người công chính đến máu ông Giakari
".
Thánh Matthêô trong Tin Mừng (Mt 21,33-43) đã ghi lại dụ ngôn những người tá điền thuê mướn vườn nho,từ chối đóng huê lợi cho ông chủ. Và đã thực hiện mọi thủ đoạn như giết các đầy tớ được ông chủ sai tới. Chúng còn đương nhiên,ngang ngược khi thấy ông chủ sai chính con một của mình tới, chúng nói: "đứa con thừa tự, nào chúng ta giết nó đi và chiếm đoạt tài sản của chủ". Lời đe dọa và âm mưu thủ đoạn của bọn tá điền gian ác đã phải lãnh hình phạt thích đáng. Ông chủ sẽ tru diệt bọn tá điền hung ác và cho người khác thuê mướn vườn nho để sau này nộp huê lợi cho ông chủ. Chúa Giêsu đã ám chỉ bọn Pharisiêu, thượng tế, ký lục và biệt phái qua hình ảnh các tá điền. Họ đã giết chết các ngôn sứ mà Chúa gửi tới, sau cùng chính bọn họ đã giết chết con một Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô bằng chết khổ hình trên thập giá. Họ đã kết án Chúa bằng một bản án vô cùng bất công.Nhưng Chúa đã nói: " khi nào Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta ".
Qua dụ ngôn chủ thuê thợ làm vườn nho, Chúa Giêsu đã vạch đích danh bọn Pharisiêu và giới lãnh đạo tôn giáo thời đó sẽ phải lãnh nhận trách nhiệm về hành vi của họ, họ sẽ bị tước hết quyền và chỗ trong lịch sử cứu độ, chỗ đứng đó sẽ được trao cho Giáo Hội của Chúa, cho dân mới của Chúa nghĩa là dân Israen còn sót lại, cho những người mà giới lãnh đạo tôn giáo Israen đã loại bỏ, khử trừ một cách tàn nhẫn, không thương tiếc và những người dân ngoại mà dân Do Thái khinh khi, ghen ghét, ghép vào thành phần vô đạo. Chúa Giêsu đã không coi họ là người nhà vì tính cách phản bội của họ. Giờ đây địa vị người nhà được trao cho một dân mới: " Phiến đá thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường
". Một dân mới xuất hiện và một Hội Thánh do Chúa thiết lập đã ra đời.
Giáo Hội mà Chúa Giêsu đã thiết lập luôn vững bền giữa trăm chiều thử thách.Vì Chúa đã hứa: "Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế". "Hoặc không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được ". Chúa vẫn hiện diện trong Giáo Hội. Chúa Thánh Thần luôn soi sáng, hướng dẫn.
Tuy nhiên, Giáo Hội gồm những người thánh, nhưng vẫn đan xen những người tội lỗi. Bóng tối và ánh sáng vẫn tranh nhau sinh tồn. Giáo Hội Chúa cũng có lúc bị thử thách, cũng có khi muốn đi vào vết cũ của những người Pharisiêu muốn tìm vinh danh cho mình mà quên đi con đường theo Chúa là con đường hẹp, con đường thập giá. Giáo Hội Chúa vẫn có những Phêrô, cương quyết theo Chúa,nhưng yếu đuối lại chối Chúa, vẫn có những Tôma đòi Chúa chỉ đường đi rồi mới theo.Giáo Hội Chúa vẫn có những Gioan và Giacôbê nói nhỏ với mẹ, tới xin xỏ Chúa được ngồi bên hữu và bên tả Chúa. Họ có biết đâu vương quyền của Chúa phải kinh qua cay đắng, khổ cực. Giáo Hội Chúa vẫn có sự tranh dành ngôi vị như các tông đồ trên đường đi với Chúa, đã tranh cãi xem ai làm lớn, ai làm bé trong vương quốc của Thầy mình.
Chúa Giêsu muốn mọi thành phần Giáo Hội hãy thực hiện: " Bất cứ gì anh em học được nơi Tôi,anh em hãy đem ra thực hành"( Bài đọc 2 ) hay "Thầy là cây nho đích thực,các con là cành.Cành lìa cây sẽ khô héo và chết. Không có Thầy chúng con chẳng làm được gì" ( Ga 15 ).
Giáo Hội là mỗi người Kitô hữu đã lãnh nhận bí tích rửa tội làm con Chúa. Người Kitô hữu đích thực là người sống lời Chúa và đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống. Người Kitô hữu dễ rơi vào cái mác, cái nhãn người nhà, người ở trong mà cuộc đời mình chẳng ra gì vì họ đang lâm vào con đường của người biệt phái. Giáo Hội sẽ luôn đứng vững khi Hội Thánh sống Tin Mừng, sống đúng giáo lý chân chính của Chúa để lúc nào vườn nho của Chúa cũng kết trái đơm hoa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết sống Tin Mừng cứu độ của Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
NƯỚC THIÊN CHÚA SẼ TRAO CHO DÂN TỘC KHÁC
Mt 21,33-43
Chúa Giêsu dùng dụ ngôn những người làm vườn trong bài Tin Mừng hôm nay, để rao giảng về sự tương phản giữa tình yêu của Thiên Chúa với sự bất trung của những người phản bội tình thương ấy.
Vì tình yêu, Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta và ban cho mỗi người chúng ta một đời sống. Chúa cũng ban tự do để chúng ta sống một đời sống có ý nghĩa và thánh thiện. Nhưng loài người đã không dùng sự tự do đúng theo ý nghĩa đó và đã chống lại Chúa. Chính vì thế, Đức Chúa Cha đã sai Con Một mình là Đức Giêsu xuống thế để cứu chuộc chúng ta. Và vì tình yêu đối với con người, Chúa Giêsu đã chết và sống lại để hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại. Mặc dầu chương trình cứu rỗi của Chúa được thực hiện, nhưng cũng đòi hỏi sự cộng tác tích cực của con người bằng sự đón nhận ơn cứu rỗi của Ngài.
Là người Kitô hữu, chúng ta phải ý thức tình yêu thương của Chúa trao ban cho chúng ta và chúng ta có bổn phận đáp trả lại cho Ngài bằng cách biết cộng tác với ân sủng của Ngài. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ ưu tư của ngài trong 'Đường Hy Vọng': " Nhiều người Công giáo khoán trắng việc cứu rỗi cho Thiên Chúa. Họ không ý thức được rằng, Chúa trao việc cứu rỗi trần thế cho họ cộng tác... Giáo dân là người phải xác tín rằng, Chúa ban sự cứu rỗi, nhưng Chúa đòi sự cộng tác của con người". Chúng ta không như những người muốn lại bỏ Chúa và tuyên bố "Thiên Chúa đã chết". Không, Thiên Chúa vẫn còn, hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi! Nước Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục lan rộng, Giáo Hội Chúa vẫn tiếp tục phát triển vì đã có những tâm hồn vẫn còn kiên trì yêu mến dấn thân phục vụ Ngài và Giáo Hội.
Phần mỗi người chúng ta thì sao? Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta phải luôn kiểm điểm đời sống đạo của chúng ta. Chúng ta có nhận thức được rằng Thiên Chúa đã yêu thương săn sóc và ban cho ta nhiều ơn lành để rồi mưu ích cho phần rỗi ta và tha nhân không? Bởi vì mỗi người chúng ta là một người thợ làm vườn nho mà Thiên Chúa trao cho một miếng đất là các tài năng tự nhiên, thể xác, tinh thần, của cải... Một ngày kia ta phải đem hoa lợi về cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy xét xem, ta đã cộng tác ơn Chúa ban thế nào? Ngày phán xét đến, ta có hoa lợi gì để trình với Chúa khônâng
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết, Chúa đã ban nhiều hồng ân cho mỗi người chúng con, để kiên trì cộng tác với Chúa. Xin cho chúng con sự can đảm và lòng quảng đại để biết đáp trả lòng yêu thương Chúa đã dành cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết luôn cảnh tỉnh để thời gian tới đây, và nhất là trong giờ cánh chung, chúng con không nghe Chúa nói " Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các con để trao cho người khác." Xin cho chúng con được cộng tác với Chúa, và hoàn tất tốt những gì Chúa đã bắt đầu. Amen.
Sr MaryAnn, MTGQN (nguồn vietcatholic.org)
1223 29-09-2011 10:35:26