Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Chúa Nhật XXVII TN A_3

DỤ NGÔN NHỮNG TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN
Mt 21, 22-43

Trước những tiếng gào thét, phẫn nộ, căm phẫn của những người chống đối Chúa Giêsu, đám đông vẫn tỉnh bơ tung hô Chúa:" Hosanna, vạn tuế, Con Vua Đavít", Chúa Giêsu đã tiến vào Giêrusalem với tư cách Mêsia. Chúa Giêsu giảng dậy trong các Hội Đường, các thượng tế, ký lục và biệt phái thường quất rầy Người. Rõ ràng các thượng tế và kỳ lão muốn chất vấn Người lấy quyền nào để nói và hành động như vậy:" Ông lấy quyền nào mà làm những điều ấy ? Ai đã cho Ông quyền ấy"( Mt 21, 23 ). Chúa Giêsu vẫn không trả lời câu hỏi của họ khi họ cứ luôn né tránh câu hỏi của Chúa Giêsu:" Phép rửa của ông Gioan do đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ?" ( Mt 21, 24 ).

Dụ ngôn những tá điền sát nhân được đặt trong bối cảnh gay cấn và phụng vụ Chúa nhật XXVII thường niên năm A muốn khơi lên ý tưởng về việc xét xử mà Chúa Giêsu nói với những người Do Thái, những người chống đối như một lời cảnh giác cuối cùng và mạnh mẽ.


Chúa ám chỉ Người là người con được sai đến trông coi vườn nho, nhưng Người cũng bị những tá điền ám hại và giết chết.


Dụ ngôn mở đầu:" Có gia chủ kia trồng được một vườn nho...và xây một tháp canh". Rõ ràng dụ ngôn này có liên quan tới Isaia 5 nói về" bài ca vườn nho". Bài ca vườn nho bài đọc I và ngay đoạn Tin Mừng hôm nay làm chúng ta liên tưởng đến dân Do Thái, dân được Thiên Chúa tuyển chọn trong thời các ngôn sứ, nhưng họ đã không làm vừa lòng Chúa, không làm cho hoa trái sinh nở tốt tươi, nên họ bị Chúa xét xử công minh. Tin mừng mau chóng chuyển sự chú ý của con người đến những tá điền mà chủ đã trao vườn nho để họ coi sóc. Ông chủ vườn nho tới lúc sắp thu hoa lợi, đòi thu huê lợi thì những người tá điền bắt đầu giở trò, giở quẻ. Để giành giật lấy huê lợi của vườn nho không phải do tay họ tạo mà do chủ trao coi sóc và chia hoa lợi, các tá điền làm vườn nho càng trở nên hung bạo và tàn ác. Trước hết, chủ sai các đầy tớ của Ông tức các ngôn sứ nhưng tất cả những đầy tớ, các ngôn sứ đều bị những tên tá điền hành hạ, đánh đập, tống khứ và giết chết. Sự tàn ác của chúng càng lúc càng gia tăng.


Ông chủ lại sai những đầy tớ khác đông hơn trước tới vườn nho nhưng họ cũng đều bị những tên tá điền bất lương âm mưu, hành hạ, bắt trói, đánh đập và giết chết. Đúng như lời ngôn sứ Nêhémia đã viết:" ...Họ đã quăng sách Luật của Chúa đi, họ đã giết các ngôn sứ, những người đã lên tiếng bảo họ phải quay về với Chúa"( Nh 9, 26 ). Cuối cùng Ông chủ nghĩ rằng mình sai con trai của mình đến chắc chúng sẽ nể Ông chủ và sẽ thương lượng với người con này chăng ? Nhưng éo le thay, chúng đã chẳng nể mà lại còn" bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi ", vì chúng nghĩ làm như vậy là chúng chiếm trọn gia tài của Ông chủ.


Rõ ràng dụ ngôn này ám chỉ đến Nước Trời: Chúa là chủ vườn nho, con người là những tá điền. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ tới để chỉ cho dân thấy đường chính nẻo ngay, nhưng thực tế con người đã không muốn hiểu, không muốn sám hối, không biết ăn năn. Đến nỗi đoạn tường thuật này đặt vấn nạn:"Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ? ". Câu trả lời là:"


Ac giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông". Chúa Giêsu chỉ còn đưa ra điểm chính yếu của dụ ngôn:" Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi". Các Biệt phái, thượng tế và Pharisiêu hiểu ngay là Chúa ám chỉ đến họ. Do đó, họ tìm cách ám hại và giết Chúa Giêsu.


Chúa Giêsu đã nói câu nói này có ý nhắm đến các kỳ mục, thượng tế và Pharisiêu. Tuy nhiên, câu nói ấy cũng muốn nhắn gửi mọi người chúng ta vì đã có biết bao lần trong đời sống chúng ta cũng đã chối bỏ lời dậy, lời chỉ bảo, hướng dẫn của chính con một Người là Đức Giêsu Kitô. Rõ ràng Chúa muốn cứu độ mọi người, nhưng vẫn có những hạng người biết lề luật nhưng không biết tuân giữ lề luật. Họ chỉ nói mà không thực hành. Chúa lên án họ và Nước Trời cũng luột khỏi tay họ.


Lạy Chúa xin ban cho chúng con một tấm lòng thành để chúng con luôn chóng vánh, sẵn sàng lắng nghe và thực thi lời Chúa
.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT


SIÊNG NĂNG LÀM VIỆC

Mt 21,33-43

Bài Tin Mừng là một dụ ngôn và cũng là một ám ngôn, vì vừa hình dung vừa diễn tả sự thật, vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri. Vườn nho ám chỉ nước Chúa. Những người làm vườn nho là giới lãnh đạo, là những người đứng đầu trong dân. Các đầy tớ là hàng loạt các ngôn sứ được Thiên Chúa phái đến đều bị ngược đãi hoặc giết chết. Trước thái độ bất nhân bất nghĩa đó, nước Chúa được chuyển sang cho một quốc gia khác là Hội Thánh, một dân phổ quát và Công Giáo, sẽ lan tràn đến tất cả mọi quốc gia. 

Chúng ta thấy dụ ngôn vừa có tính cách lịch sử vừa có tính cách tiên tri, nghĩa là một đàng diễn tả những biến cố có thực, là những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với những ngôn sứ Chúa sai đến với họ. Đàng khác, nói tiên tri về đạo Chúa sẽ lan tràn khắp các dân không phải dân Do Thái. Hơn nữa, dụ ngôn cũng cho chúng ta thấy rõ thân thế và sứ mạng của Chúa Giêsu. Những người được sai đến trước Ngài, dù nổi tiếng đến đâu như Ê-li-a, Ê-li-sa, I-sa-i-a,


Giê-rê-mi-a, Gio-an Tiền Hô...cũng chỉ là đầy tớ, còn Ngài mới là con trai duy nhất của Chúa Cha. Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điều đáng lưu ý và ghi nhớ. Sau đây chúng ta tìm hiểu một điều thôi, đó là các tá điền làm vườn nho.


Bài Tin Mừng cho biết : ông chủ vừa trồng xong vườn nho, lẽ ra ông phải chăm bón để kiếm hoa lợi, nhưng ông lại cho các tá điền canh tác để đến mùa thu hoa lợi. Điều này nói lên ông chủ 
tín nhiệm các tá điền. Nhưng có những tá điền đã không làm đúng công việc của mình, họ đã lạm dụng tự do ông chủ ban cho để tìm lợi lộc riêng. Họ đã phụ lòng tín nhiệm của ông chủ. Chúng ta có thể áp dụng như sau : mỗi người chúng ta là một tá điền mà Thiên Chúa trao phó cho một vườn nho, là những ơn phúc và chúng ta có bổn phận phải đem hoa lợi về cho Chúa. Ngài để cho chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về những việc chúng ta làm.

Thực vậy, những ơn phúc Chúa ban như những tài năng tinh thần, những của cải vật chất, chúng ta phải biết sử dụng chúng để sinh lợi tối đa, tức là chúng ta phải làm việc và làm lợi cho Chúa. Mỗi người được Chúa trao ban cho một vốn liếng khác nhau về nơi chốn, thời gian, khả năng, dịp tiện. Mỗi người, không ai giống ai cả, nhưng ai cũng phải làm lợi ra với số vốn liếng Chúa ban. Chúng ta không giống nhau về khả năng, nhưng có thể giống nhau về cố gắng. Thà cố gắng mà không có tài còn hơn có tài mà không cố gắng làm lợi cho Chúa. 


Vậy mọi người chúng ta đều có một điều giống nhau, đó là đời sống để làm việc : việc lớn, việc nhỏ. Đa số chúng ta ai cũng muốn làm việc lớn, được nhiều lợi, được người khác biết đến. Nhưng Chúa bảo chúng ta hãy làm việc nhỏ. Chúng ta cần trung tín trong việc nhỏ bé trước đã. Chỉ khi nào chúng ta làm được những việc nhỏ bé, chúng ta mới có khả năng làm những việc lớn lao hơn. Những việc nhỏ chính là nấc thang đưa tới thành công lớn. Không ai có thể làm việc lớn cho Chúa nếu trước hết họ không làm được những việc nhỏ cho Ngài. Nếu chúng ta không trung thành trong việc nhỏ thì không ai tin tưởng trao cho chúng ta việc lớn hơn. Chúng ta hãy nhớ : không có việc gì quá nhỏ mà không đáng làm, và cũng không có việc gì quá nhỏ mà không đem lại lợi ích. Vấn đề là chúng ta có chịu làm hay không. 


Có một câu chuyện ngụ ngôn, với tựa đề là "vị thiên thần dễ tính" kể lại như sau : Ngày kia, có hai người xin vị thiên thần cho họ được tham dự vào quyền vạn năng của Thiên Chúa. Vị thiên thần đồng ý. Người thứ nhất xin cho có khả năng làm được những công việc vĩ đại. Vị thiên thần gật đầu ưng thuận, nhưng lại ra điều kiện : "Ngươi sẽ được quyền lực để hoàn thành những kỳ công. Nhưng ngươi lại không có sức làm những việc thông thường". Chàng ta đọc được ý nghĩ của kẻ khác, và không ngừng chế tạo ra những phát minh vĩ đại. Ít lâu sau chàng đã trở thành tỉ phú nhờ kinh doanh những phát minh của chàng. Chàng ta rất hài lòng với những thành công đã đạt được. Nhưng chẳng bao lâu, từng người một, các bạn bè lần lượt xa lánh chàng mà chàng lại không làm gì được để giữ họ lại. Sau đó cả người vợ cũng thầm giũ áo ra đi. Chàng cũng không làm gì được để nối lại mối tình xưa. Rồi sau cùng sức khỏe cũng giả biệt chàng, thân thể trở nên bạc nhược, đến nỗi chàng không còn đi đứng được nữa, chàng bất lực, chẳng làm gì được để phục hồi sức khỏe ngoài việc ngồi trên xe lăn để đếm từng ngày cô đơn. 


Ngược lại, người thứ hai chỉ xin được có khả năng làm tốt những việc bình thường. Vị thiên thần cũng đồng ý và nhắn thêm : "Thiên Chúa sẽ không cho ngươi quyền lực nào đặc biệt để hoàn thành những việc phi thường đâu". Chàng bình thản tiếp tục sống cuộc đời của mình, hàng ngày chàng vui vẻ chu toàn nghĩa vụ của một công dân lương thiện, một người chồng chung thủy, một người cha hiền tận tụy với con cái, một người bạn, một người láng giềng quảng đại, hào hiệp, vị tha. Chàng cảm thấy đời mình thật ý nghĩa, thât vui tươi hạnh phúc. Chàng không còn ước muốn gì hơn là được tiếp tục sống trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân trong những gì bình thường nhất với một niềm tri ân sâu thẳm.


Biết nhìn ra những giá trị của những điều bình thường trong cuộc sống, con người mới có khả năng khám phá được sự cao cả phi thường mà Thiên Chúa cất giấu trong đời họ. Từ đó con người cũng sẽ kín múc được sức mạnh dồi dào để phát huy những giá trị của bản thân, của cuộc sống để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.


Tóm lại, chúng ta hãy siêng năng làm việc để chu toàn bổn phận của mình. Chúng ta hãy tận dụng tài năng, sức lực, thời giờ, của cải Chúa ban để xây dựng sự nghiệp đời này và sự nghiệp đức tin trên nước trời. 

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

VƯỜN NHO
Mt. 21,33-43

Tư tưởng xuyên suốt phụng vụ Lời Chúa, Chúa Nhật 27 hôm nay là: Thiên Chúa yêu thương dân tộc Người tuyển chọn, như người chủ yêu vườn nho của mình, nhưng họ đã không nhận ra. Vì thế, họ bị loại bỏ và Thiên Chúa trao vườn nho là Nước Trời cho một dân mới là Hội Thánh.

Từ bài đọc I đến bài Tin Mừng đều nói về vườn nho mà ông chủ yêu mến. Nhất là bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã diễn tả rất tỉ mỉ: ông thích nho nên trồng nho, rồi rào dậu để bảo vệ nó, đào hầm ép nho để dự phóng cho tương lai của nho, lại đặt người canh gác, chăm sóc nó, sau cùng còn thuê tá điền để trông coi gìn giữ. Chúa Giêsu dùng những từ liên quan đến Is.5,1-7, nên những người Do Thái hiểu ngay vườn nho chính là Israel, là dân Do Thái.


Qua dụ ngôn Chúa nói, chúng ta nghe và cảm thấy tức giận vì cách hành xử của ông chủ cũng như những người tá điền rất kỳ dị và bất bình thường nữa. Bọn tá điền không nộp hoa lợi cho ông chủ, lại còn đánh đập giết chết và ném đá những người ông chủ sai đến, rồi chẳng những hành hạ và giết hại nhóm thứ nhất mà còn thực hiện sự độc ác ấy với cả nhóm thứ hai, đến khi con trai ông chủ đến họ cũng chẳng tha.


Phía ông chủ, khi ông không thu được hoa lợi từ những tá điền, ông đã chẳng đuổi họ đi ngay, mà còn sai những người khác đến, người thứ nhất đến bị đánh đòn, bị giết chết, bị ném đá, cũng chẳng thấy ông nói gì. Lần thứ hai lại diễn ra như thế, ông chủ cũng vẫn im lặng và ông lại tiếp tục sai con trai của ông đến, và chính con trai của ông họ cũng bị giết.


Đưa ra dụ ngôn như thế rõ ràng Chúa Giêsu muốn thính giả của Ngài, cảm nghiệm sâu xa sự độc ác bất bình thường của bọn tá điền, đứng cạnh sự kiên nhẫn của ông chủ và lòng nhân hậu của ông, vì cậy sự tàn ác của bọn tá điền lại nổi rõ hơn nữa. Ai nghe chuyện cũng phải kinh ngạc trước hai thái độ của những người tá điền và ông chủ.


Thế nhưng cái bất bình thường ấy lại thường xẩy ra rất bình thường nơi người Do Thái, họ đã từng hành hạ các ngôn sứ, ném đá và giết các ngài. Họ đã không chỉ ngược đãi các ngài một lần mà nhiều lần, với các ngôn sứ tiền và các ngôn sứ hậu. Từ đó người nghe sẽ phải hiểu đến việc họ hành hạ và giết chết chính con của ông chủ vườn nho là ai.


Như vậy dụ ngôn vừa muốn độc giả nhận ra sự khốn nạn một cách bất bình thường của những người tá điền, để họ thấy tội ác của người Do Thái, mà người nghe lại chính là người Do Thái. Đó cũng là điều mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh để cho người nghe nhận ra sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và lòng khoan dung của Người. 


Chúa Giêsu không nói đến cách xử trí của ông chủ mà lại hỏi người nghe phải đối xử với bọn tá điền như thế nào, vì Ngài muốn thính giả nhập vai ông chủ để nhận ra sự kiên nhẫn và lòng nhân hậu của ông, đồng thời căm giận sự độc ác của bọn tá điền, và người nghe phải lựa chọn giữa việc tin vào Ngài hay không tin vào Ngài...không tin vào Ngài là chống lại kế hoạch của Thiên Chúa, kẻ làm như vậy sẽ bị nghiền nát, và Nước Thiên Chúa sẽ bị lấy đi trao cho người khác, còn nếu tin vào Ngài thì phải sinh hoa trái.


Quả là dụ ngôn Chúa Giêsu tường thuật muốn ám chỉ người Do Thái, nhưng cũng là nhắn nhủ chúng ta, vì có lẽ chúng ta cũng là những tá điền bất nhân, nên giờ đây Chúa mời gọi chúng ta hãy xác định thái độ đối với Chúa, nghĩa là phải lựa chọn theo Ngài hay không. Việc đó sẽ thể hiện qua lối sống của chúng ta.


Lạy Chúa, bổn phận của cây nho là phải sinh hoa trái, xin cho chúng con sau khi được sự chăm sóc của Thiên Chúa là những ơn thánh hàng ngày biết hấp thụ để sinh hoa trái là những việc lành phúc đức và trở thành nhưng tá điền trung tín trong vừon nho Hội Thánh.

Sr Mai An Linh, OP

KHI ÂN HUỆ CHÚA BỊ LẤY ĐI
Mt 21, 33-43

Trước sự sách nhiễu và lộng hành của nhóm thượng tế và kỳ mục Dothái, Chúa Giêsu không ngừng kêu mời nhóm lãnh đạo này duyệt xét lại trách nhiệm mà Thiên Chúa đã giao phó, đồng thời Người cũng mạnh mẽ lên án và chỉ trích những hành động cố chấp của họ sẽ lãnh nhận hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, suy niệm dụ ngôn "những tên tá điền sát nhân" hôm nay, đối tượng không hẳn chỉ có mấy ông thượng tế và kỳ mục Dothái, mà rất có thể, mỗi người chúng ta cũng nằm trong số đó...

Đọc dụ ngôn, chúng ta có thể thấy sự quan tâm lo lắng của ông chủ đối với vườn nho của mình. Trồng được nho đã khó, nhưng những công việc liên quan đến bảo vệ vườn nho, quy trình làm ra sản phẩm từ nho cũng không đơn giản chút nào. Chính vì thế, ông chủ cố gắng, bao có thể, để chung quanh vườn có được rào giậu chắc chắn nhằm bảo vệ cây nho, tránh những kẻ "đi ngang về tắt" ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Ông còn xây bồn và tháp canh để bảo vệ vườn nho hầu mong sản phẩm được làm ra sẽ được nhiều người ưa thích. Ông chủ yêu mến và trân quý vườn nho bao nhiêu, ông lại đặt niềm hy vọng của mình vào những viên tá điền- những người thay ông chăm sóc vườn nho, bấy nhiêu. Ông kỳ vọng vào họ là phải. Bởi vườn nho mà ông ra sức đầu tư cũng cần đến sự cộng góp của nhóm người này, ít nữa cũng là vì lợi ích cho chính bản thân họ. 


Mùa hái nho cũng là mùa mà ông chủ nhận ra bộ mặt ác nhân của những tên tá điền vốn là những người được ông đặt trọn niềm hy vọng. Theo sách Lêvi, chúng ta được biết, mùa hái nho tức là vào năm thứ năm sau khi trồng nho. Theo đó trong ba năm đầu, dù nho có trái nhiều hay ít, tốt hay xấu cũng không được ăn, bởi lề luật quy định rằng, đó là hoa quả chưa "cắt bì", nghĩa là còn trong tình trạng ô uế, chưa được thanh tẩy, và do đó, chớ có đụng vào! Đến năm thứ tư, hoa trái đó phải được thánh hiến công khai, nghĩa là được diễn ra trong một dịp lễ mừng Giavê. Đến năm thứ năm, mới được phép thu hoạch để sử dụng (x. Lv 19, 23-25). Chờ đợi hoa trái trong năm năm, một thời gian không quá dài nhưng cũng không quá ngắn đối với ông chủ vườn nho. Điều đó cũng không đáng gì so với việc những tên tá điền đã trở mặt, sách nhiễu, lộng hành đối với những người được ông uỷ thác, sai đến để thu hoa lợi nhằm chiếm đoạt vườn nho do ông gầy dựng.


"Ác giả ác báo", đó là kết luận chính xác phát xuất từ miệng mấy ông thượng tế và kỳ mục Dothái. Vô hình trung, đó cũng là lời lên án, cách nào đó, họ tự kết án chính mình. Hơn ai hết, họ biết rằng họ cũng chỉ là những công cụ được sai đến để canh tác vườn nho mà thôi. Thế nhưng họ đã lợi dụng điều đó để củng cố chức vụ, củng cố quyền lực, tác quai tác quái, thu vén lợi lộc,... Nếu có ai đó trong dân chúng đứng về phía sự thật để chỉ cho họ thấy những sai trái, hầu mong họ quay về nẻo chính đường ngay, thì ngay lập tức họ "đánh đập, ném đá và giết chết". Những ai không đứng về phía họ, họ luôn tìm cách để thủ tiêu, dù cho người đó là ai, đến từ đâu, cũng mặc. Ngay cả Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, họ cũng chẳng từ.


Như đã nói, dụ ngôn hôm nay không chỉ nhắm vào những thượng tế và kỳ mục Dothái, mà còn cho mỗi người chúng ta nữa. Con cái Giáo hội ngày hôm nay hãy coi chừng trước cạm bẫy quyền lực và lợi lộc. Và, các mục tử của Giáo hội, xin nhìn lại trách nhiệm của mình để khỏi rơi vào tình trạng chiếm đoạt ân huệ của Thiên Chúa nhằm củng cố quyền lực và gia tăng lợi lộc cho cá nhân mình. Chúng ta những Kytô hữu, hãy xét mình liên lỉ để khỏi rơi vào tình trạng "Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa và trao cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi". 


Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta nhận chân giá trị này : đứng trước công trình của Thiên Chúa, hãy để Thiên Chúa thực hiện, còn chúng ta, dù là ai, cũng chỉ là công cụ bất xứng của Người. Đừng lợi dụng chức vụ, quyền lực Thiên Chúa ban và những thủ đoạn nhân loại để mưu cầu cho cá nhân hay cho một nhóm người nào đó. Hãy nhớ rằng nếu chúng ta không làm lợi cho Thiên Chúa, làm lợi cho Giáo hội, làm lợi cho hội dòng, làm lợi cho gia đình và xã hội, sẽ đến lúc ân huệ đó, Thiên Chúa sẽ lấy đi... Điều gì sẽ xảy đến khi ơn Thiên Chúa không còn ở trong Giáo hội, Hội dòng, gia đình, xã hội và mỗi người trong chúng ta ?...

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

HÃY LÀM NẢY SINH NHIỀU HOA LỢI CHO CHỦ MÌNH
Mt 21, 33-45

Tại sao những người tá điền lại nhẫn tâm"bắt các đầy tớ [của ông chủ]: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ [và còn dám cả gan].. . bắt lấy [con trai của ông], quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi" như vậy thưa bạn (Mt. 21:35,39)?

Bạn nghĩ thử mà xem, khi kiếm người trông nom và quản lý tài sản trong một thời gian dài và nhất là khi phó thác số tài sản lớn của mình trong tay của người đó thì ông chủ nhất định phải khôn khéo lựa chọn những người có lý lịch trong sạch, có uy tín và thật đáng tín nhiệm chứ! Chắc chắn ông phải điều tra kỹ lắm! Thế thì tại sao những người tá điền này lại trở thành những tên sát nhân độc ác như vậy? Chắc có nhiều lý do lắm. Thế nhưng theo tôi, lý do chính khiến cho những người tá điền chất phác này trở thành những tên sát nhân ác tâm như vậy là bởi vì họ không có HOA LỢI để nộp cho chủ. 


Tôi và bạn, chúng mình đều là những tá điền, là những người quản lý trong vườn nho của ông chủ tốt lành là Thiên Chúa. Nhiệm vụ của chúng mình là phải làm sản sinh ra nhiều HOA LỢI cho Ngài. 


Tôi hỏi thật bạn nhé! Bạn đã làm ra nhiều HOA LỢI cho ông chủ của bạn hay chưa? 


Sống trong ơn gọi hôn nhân, bạn được ông chủ trao cho công việc quản lý một vườn nho trong đó toàn là những giống nho tốt, đó là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, cháu chắt của bạn.. . Nhiệm vụ của bạn là phải làm cho những cây nho này trổ sinh hoa trái ngon ngọt và sinh thật nhiều HOA LỢI cho Ngài. 


· Khi cha mẹ, vợ chồng biết hy sinh, biết dành thời gian để chăm sóc, dạy dỗ và gần gũi với nhau và với con cái và khi con cái biết kính trọng, vâng lời, và thảo hiếu với cha mẹ... thì lúc đó bạn đang tạo cho những cây nho trong vườn một sức đề kháng rất mạnh. Sức đề kháng này còn mạnh hơn là những loại thuốc trừ sâu. Khi có được sức đề kháng tốt như vậy, những cây nho này chắc chắn sẽ không bị sâu rầy tấn công. Chắc chắn chúng sẽ mang lại thật nhiều HOA LỢI cho chủ.


· Khi vợ chồng sống hòa thuận, yêu thương, kiên nhẫn, tha thứ, giúp đỡ nhau, trung tín với lời thề hứa "suốt đời chung thuỷ với nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bịnh hoạn... Là lúc đó bạn đang tạo ra những luồng gió mát và ấm áp kích thích những cây nho đơm bông kết trái thật xum xuê. Như thế là ông chủ sẽ thu được nhiều HOA LỢI!


· Khi bạn học hỏi giáo lý, học hỏi Kinh Thánh, tham gia vào những sinh hoạt của các hội đoàn trong giáo xứ, đến giúp đỡ và thăm viếng những người già nua, cô đơn, bịnh tật...là những lúc bạn đem thứ phân bón tốt nhất bón cho những cây nho trong vườn của ông chủ. Nhờ những thứ phân bón của yêu thương và bác ái này, những cây nho sẽ đem lại nhiều HOA LỢI cho chủ hơn!


Nếu bạn đang sống trong ơn gọi tu trì thì bạn và tôi chúng mình được ông chủ trao cho công khá nặng nề đấy! Chúng mình phải đứng trên những tháp canh, làm công tác bảo vệ vườn nho, trông coi những bồn đạp nho và làm đốc thúc công nhân làm việc để nhờ vậy HOA LỢI của ông chủ càng ngày càng gia tăng.


· Khi chúng mình "ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối" (2 Cor. 6:6) và khi tôi và bạn "ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ... lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau ... duy trì sự hiệp nhất ... bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với [anh chị em trong cộng đoàn với nhau]" (Eph. 4:2-3) là lúc đó chúng mình đang đem những thứ men tốt nhất trộn vào trong bồn nho. Nhờ khối lượng men thượng hảo hạng này, bồn nho sẽ sản xuất ra những giọt rượu thật trong, thật thơm, thật ngon và tuyệt hảo. 


· Khi bạn và tôi trung tín trong ơn gọi tận hiến, cố gắng phấn đấu sống thánh thiện "không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn.. . hiếu khách, yêu chuộng điều thiện, chừng mực, công chính, thánh thiện, biết tự chủ.. ." (Ti. 1:7-8) thì lúc đó chúng mình đang làm cho bầu không khí trong công xưởng làm nho của chủ vui tươi hơn, làm cho công nhân phấn khởi hơn, và nhờ thế số lượng rượu sẽ gia tăng đáng kể. Như vậy ông chủ chắc chắn sẽ thu được nhiều HOA LỢI. 


Bạn thân mến, nếu tôi và bạn, chúng mình không biết làm sinh HOA LỢI cho ông chủ thì ... căng đấy! 


Bạn có tin rằng khi không có hoa lợi nộp cho chủ, chúng mình sẽ lâm vào cảnh "đói ăn vụng túng làm liều." Lúc đó tôi và bạn không chừng sẽ trở thành những tên sát nhân còn nhẫn tâm và ác ôn hơn là những tên tá điền trong dụ ngôn của bài Tin Mừng hôm nay!


Nếu chúng mình thấy chưa có HOA LỢI để nộp cho ông chủ thì hãy nhanh tay lên, phải khẩn trương lên, bạn và tôi vẫn còn thời gian để làm cho HOA LỢI của ông chủ nảy sinh thêm. Đừng để cho ông chủ nổi giận và "tru diệt bọn chúng [mình], và cho các tá điền khác canh tác vườn nho" (Mt. 25:41). 


Chúng mình hãy cầu nguyện cho nhau để bạn và tôi sẽ trở thành những người quản lý thông minh và khôn khéo, biết làm cho hoa lợi của ông chủ nảy sinh gấp bội. Làm được như vậy chắc chắn ông chủ sẽ rất hài lòng! 


Tôi bảo đảm, nếu chúng mình làm nảy sinh nhiều HOA LỢI cho vườn nho của Chúa thì Ngài sẽ tươi cười và nói với chúng mình trong ngày sau hết: "Khá lắm! hỡi [những] đầy tớ tài giỏi và trung thành! ... Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ [các] anh!" (Mt. 25:21).

Lm Ansgar Pham Tĩnh

HÃY NỘP HOA LỢI
Mt 21, 33-43
 

Trong ngôn ngữ hàng ngày có một tiếng mà chúng ta rất hay sử dụng khi nói chuyện với người khác: đó là từ " của". Cái nhà của tôi, ghe thuyền của tôi, tiền của tôi, các con của tôi... và nhiều cái của khác nữa. Điều đó cho thấy ý thức về quyền sở hữu rất mạnh trong mỗi người chúng ta. Chúng ta làm lụng vất vả phải chăng là để được sở hữu, được làm chủ thật nhiều? Chính vì thế, chúng ta cảm thấy khó chịu khi thấy người khác có điều chúng ta không có. Và chúng ta tìm mọi cách, kể cả những phương thế bất công để có được điều đó. Chúng ta vẫn nghĩ rằng chúng ta là chủ nhân thật sự của những gì đang có trong tay chúng ta.

Thế nhưng, phụng vụ lời Chúa hôm nay lại cho chúng ta thấy rằng: chính Thiên Chúa mới là người làm chủ thật sự, còn mỗi người chúng ta chỉ là người quản lý của Thiên Chúa, đến mùa phải nộp hoa lợi cho Ngài.


Trước hết, chúng ta cùng đọc lại bài Tin mừng. Dụ ngôn mô tả có một ông chủ lập một vườn nho. Ông đã chuẩn bị cho vườn nho này thật kỹ lưỡng, ngõ hầu có thể thu hoạch được những chùm nho chín mọng, những ly rượu thật nồng như lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc một: "
Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho". Ông đã làm tất cả những gì có thể làm được để có một vườn nho xanh tốt như lời ông tâm sự: " Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm?". Kế đó, ông đã tin tưởng giao vườn nho mà ông đã để hết tâm huyết tạo dựng cho những người tá điền canh tác để trẩy đi phương xa.

Lãnh một vườn nho đã được chuẩn bị kỹ như thế để canh tác, đúng ra những người tá điền phải làm cho nó sinh lợi thật nhiều như lòng mong ước của ông chủ. Thế nhưng, "Nó lại sinh toàn nho dại.". Không những thế, những người được giao cho quản lý vườn nho của ông chủ, lại còn có dã tâm muốn chiếm đoạt luôn vườn nho của chủ làm của mình. Tin mừng thuật lại: "
Đến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác". Thậm chí, cuối cùng, ông chủ đã sai người con một yêu dấu của mình đến, những người tá điền này cũng không tha mà còn giết luôn người con đó. Chúng nói với nhau: "Đứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó". Đúng là một hành vi vô ơn và độc ác. Họ đã bắt bớ, hành hạ và giết chết biết bao tôi tớ của chủ là các vị ngôn sứ được sai đến với họ. Họ đã quên đi công ơn của chủ, người đã chuẩn bị mọi sự và đã cho họ làm vườn nho của ông. Họ cũng đã phụ lòng tín nhiệm của chủ khi ông giao cho họ toàn quyền trên vườn nho mà ông đã vất vả xây dựng, vun trồng. Cũng thế, những người lãnh đạo trong dân Do Thái đáng lẽ phải nộp hoa lợi cho chủ, nghĩa là họ phải chuẩn bị một dân sẵn sàng để đón nhận Đấng Messia của Thiên Chúa là Đức Giêsu. Thế nhưng, chẳng những họ không đón nhận, mà họ còn là cớ vấp phạm, ngăn cản người ta đến với Đức Giêsu. Và giờ đây, họ đang tìm cách giết Ngài.

Tới đây, có lẽ trong lòng mỗi người chúng ta đều dậy lên một tình cảm xót thương cho ông chủ tốt bụng, nhưng đã gặp quân phản phúc. Ông đã "
nuôi ong tay áo". Đồng thời, chúng ta cũng thầm kết án những tá điền được giao cho lãnh vườn nho. Chúng ta chắc cũng đồng ý với cách xử lý mà người Do Thái nêu lên trong bài Tin mừng: "Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ đúng mùa nộp phần hoa lợi". 

Kính thưa ...


Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa giao cho canh tác một vườn nho. Vườn nho đó là những tập thể mà chúng ta phải chịu trách nhiệm; đó còn là gia đình, là anh chị em, là những người chúng ta gặp gỡ... Đặc biệt, vườn nho đó còn là chính bản thân chúng ta. Mỗi người chúng ta là một vườn nho của Thiên Chúa. Ngài đã dùng lời của Ngài và các bí tích để vun xới, rào giậu vườn nho này. Thiên Chúa đã làm tất cả những gì có thể làm để giúp cho đời sống của chúng ta phát triển sung mãn, như lời Ngài phán trong sách ngôn sứ Isaia: "Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm?". Như ông chủ vườn nho đã sai con của ông đến với các tá điền. Thiên Chúa cũng đã sai Người Con Một yêu dấu của Ngài xuống thế để cứu chuộc chúng ta như lời Đức Giêsu đã khẳng định với Nicôđêmô: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi" 


(Ga 3, 16). Chính thánh Phaolô cũng đã khai triển vấn đề này trong thư gởi tín hữu Roma: "Còn Thiên Chúa thì lại thi thố lòng yêu mến của Người đối với ta thế này: là Đức Kitô đã chết vì tội ta ngay khi ta còn là tội nhân" (Rm 5, 8). Thế đó, ngay khi chúng ta còn là tội nhân, nghĩa là đang còn trong tình trạng chống đối Thiên Chúa, thì Đức Giêsu đã chết vì chúng ta. Thật đúng với lời tâm sự của Ngài: "Còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm?". Ngay cả Người Con Một mà còn chẳng tiếc, vậy thì còn có điều gì có thể làm cho chúng ta mà Ngài đã không làm? Vì thế, Ngài muốn mỗi người chúng ta hãy nộp hoa lợi vườn nho cho Ngài. Tất cả đều do Thiên Chúa ban. Tất cả đều thuộc quyền Thiên Chúa. Chúng ta hãy ý thức rằng, mình chỉ là người quản lý. Do đó, chúng ta hãy trả lại phần hoa lợi cho chủ.


Trước hết, hoa lợi đó chính là một đời sống công chính, ngay thẳng như lời Thiên Chúa phán trong sách ngôn sứ Isaia: "Ta trông mong nó thực hành điều chính trực,... Ta trông mong nó thực hành đức công bình". Thánh Phaolô cũng khẳng định điều này trong lời mời gọi các tín hữu thành Philipphê: "Hỡi anh em những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy nghĩ tưởng những sự ấy.". Vâng, tất cả những điều ấy là hoa lợi mà Thiên Chúa muốn thu hoạch nơi đời sống của chúng ta. 


Điều kế tiếp mà chúng ta cũng cần lưu ý, đó là nếu Thiên Chúa là chủ chúng ta là quản lý, thì tại sao chúng ta lại tiếc xót khi phải đóng góp, chia sẻ thời giờ, của cải cho công việc chung hay trong việc giúp đỡ các anh chị em mình? Nếu Thiên Chúa là chủ thời gian, thì tại sao chúng ta lại tính toán với Chúa thời giờ làm việc thờ phượng Ngài, nhất là ngày Chúa Nhật? Chúng ta cắt đầu, cắt đuôi, đi trể về sớm ... Phải chăng, chúng ta cho rằng của cải, thời giờ là của chúng ta, chúng ta dâng cho Chúa bấy nhiêu là nhiều lắm rồi? 


Lắng nghe lời Chúa hôm nay, và nhờ sự trợ lực của Thánh Thể, ước gì mỗi người chúng ta luôn ý thức rằng mọi sự đều là của Chúa, để chúng ta có thể sống công chính, ngay thẳng, biết mở rộng lòng chia sẻ với tha nhân. Đồng thời, cũng biết dành thời gian để tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật một cách trọn vẹn và xứng đáng, để vào ngày Chủ đến, chúng ta không bị tru diệt như những tá điền bất lương trong bài Tin mừng hôm nay. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn (nguồn vietcatholic.org)

2713    29-09-2011 10:31:29