Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Chúa Nhật XXVII TN A_4

TÌM KIẾM SỰ KHÔN NGOAN
Mt 21, 33-43  

Ba bài đọc trong Thánh lễ hôm nay như sợi chỉ đỏ xuyêt suốt nói về sự khôn ngoan, nói về sự lựa chọn của con người trong cuộc đời này về sự khôn ngoan.

Sách các Vua quyển thứ nhất trong chương 3 mà chúng ta nghe đấy nói cho chúng ta nghe về một chuyện thật là buồn cười. Là một vị vua, lẽ ra Salômôn phải xin cho được mình được sống lâu trăm nghìn tuổi để ngồi trên ngai mà trị vì dân chúng, lẽ ra Salômôn xin cho mình được của cải đầy dư để mà lên mày lên mặt với dân chúng, với các dân các nước lân bang, lẽ ra vua Salômôn phải xin cho tất cả những kẻ thù của vua phải chết đi, phải biến mất đi khỏi nhan của vua để mà vua được ngồi trên ghế trị vì đất nước được thoải mái, lẽ ra và lẽ ra Salômôn xin nhiều điều như một số vị vua khác đã làm đó là là cho mình được thê thiếp đầy nhà đầy cửa để phục vụ cho những ham muốn của mình, xin cho mình được quân binh dũng mãnh để đối phó với thù trong giặc ngoài nhưng rồi Salômôn xin với Thiên Chúa cho ông được tài phân biệt để xét xử.


Nếu vội vã, chúng ta sẽ cho rằng Salômôn là một người nông cạn, thiếu suy nghĩ vì xin cái gì không xin, xin tiền tài vật chất không xin mà xin cái gì đó nó chẳng có giá trị gì về vật chất cả, nó là cái chi chi đấy : tài phân xử. Xem ra cái chuyện ông xin là chuyện vô ích, chẳng cần xin thì ai ai cũng có tài phân xử cả. Chẳng cần ơn cũng có thể phân xử vậy mà ông lại xin. Như thế có vô ích không ?


Chúng ta nhìn lại đời thường của chúng ta. Chuyện phân xử hình như nó dính liền với cuộc đời của chúng ta, dính liền với thái độ sống của chúng ta.


Sáng sớm, mới mở mắt thức giấc, chúng ta phải đứng trước một chuyện phân xử mà chúng ta không biết đó thôi đó là chúng ta có tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta qua một đêm yên ổn hay không ? hay là chúng ta dửng dưng trước cái ơn của Chúa đấy. Cứ tưởng là bình thường nhưng chẳng bình thường chút nào cả vì đã có nhiều và nhiều người sau khi ngủ một đêm thì lại tiếp tục ngủ giấc ngủ ngàn thu chứ không hề thức dậy chi cả. Sau khi tạ ơn ấy, chúng ta có chịu trao phó cuộc đời, có dâng ngày sống trong tay Chúa hay là chúng ta lại dâng ngày sống trong tay chúng ta, trong sự quyết định không đâu vào đâu của chúng ta. Phân xử đấy chứ ! Ai bảo là không phân ? Hoặc chúng ta đặt để cuộc đời chúng ta trong tay Chúa, trong sự quan phòng theo thánh ý Thiên Chúa, hoặc chúng ta đặt để cuộc đời chúng ta trong tay của chúng ta, trong quyết định của chúng ta ?


Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, một bông hoa, một tiếng cười hay ngược lại ?

Và rồi trải dài suốt cả ngày sống, chúng ta đước trước không biết bao nhiêu là điều phải lựa chọn, bao nhiêu là điều phải phân xử.
Đứng trước một sự cãi vả, một cuộc tranh chấp, chúng ta phải lựa chọn cái gì ? Lựa chọn sự thua thiệt hay sự hơn người khác ?
Đứng trước một quyết định về một mầm sống, chúng ta quyết định để hay là phá ?
Đứng trước một con người thấp cổ bé họng, một con người nghèo khổ túng cực, chúng ta yêu thương họ hay phỉ báng ?
Đứng trước một người giàu thái độ chúng ta như thế nào ?
Đứng trước một người nghèo thái độ chúng ta như thế nào ?
Đứng trước một con người tạm gọi là tội lỗi, khiếm khuyết, yếu đuối thì chúng ta sẽ xử họ như thế nào ?

Và rồi, cuối ngày, trước khi đi vào giấc ngủ, chúng ta có kiểm điểm lại qua một ngày sống chúng ta được không biết bao nhiêu là ơn lành của Chúa để chúng ta tạ ơn Chúa hay là chúng ta lại tỏ thái độ dửng dưng trước bao nhiêu ân huệ mà Chúa dành cho ta ? Chúng ta lại có khiêm tốn để trao phó cuộc đời chúng ta trong tay Chúa qua giấc ngủ mà chúng ta sắp chìm vào hay không ?


Đó là chuyện thường ngày nhất mà chúng ta thường gặp. Chúng ta phải có thái độ để lựa chọn. Nhiều Thánh vịnh cũng đã nhắc nhở chúng ta về sự lựa chọn, đơn cử Thánh vịnh 90 (Tv 90, 5-12) vẫn nhắc nhớ chúng ta :


Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,

như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.
Ngài thịnh nộ, chúng con phải mạng vong,
nổi trận lôi đình : thấy mà khủng khiếp !
Tội chúng con, Thánh Nhan đều soi tỏ.
Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ.
kiếp sống thoảng qua : một tiếng thở dài.
Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.
Cơn giận Ngài, ai lường được sức mạnh,
trận lôi đình, ai hiểu thấu căn nguyên ?
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.

Thế đấy ! Con người vẫn bé cái lầm là cứ tưởng rằng mình là chúa, là chủ của cuộc đời nhưng xin thưa rằng mạnh giỏi lắm thì chừng tám chục mà thôi. Tất cả những tài sản, những nổ lực, những cố gắng mà mình bao nhiêu năm đổ mồ hôi sôi con mắt tìm kiếm sẽ giao lại cho người khác. Ngay cái căn nhà, cái biệt thự, cái villa cao cấp mà mình đang trú ngụ đấy sẽ về tay người khác khi mà chúng ta đã khuất rồi.


Trang tin mừng theo Thánh Matthêu mà chúng ta vừa nghe đấy là đỉnh điểm nhắc nhở chúng ta về sự khôn ngoan, sự lựa chọn khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã nói cho dân chúng, Chúa Giêsu cũng đã nói với mỗi người chúng ta : "Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng bán đi tất cả những gì mình có để mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy".


Chúa nhắc cho chúng ta căn tính, căn cốt và cùng đích của cuộc đời chúng ta đó là Nước Trời. Cuộc đời này chỉ là đời tạm mau qua chóng tàn, là cuộc lữ hành về quê trời thôi chứ không phải là vĩnh cửu để rồi chúng ta bám, chúng ta víu vào ? Bé cái lầm là cái điều cần chúng ta lại không tìm, điều không cần chúng ta lại ấp ủ ? Phải chăng là chúng ta thiếu khôn ngoan, chúng ta thiếu cân nhắc, chúng ta thiếu phân xử như Salômôn ?


Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma Ngài cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã kêu gọi mỗi người chúng ta theo ý định của Người. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang".


Thiên Chúa quan phòng, Thiên Chúa yêu thương và Thiên Chúa đã tuyển chọn, hiến thánh mỗi người chúng ta nhưng chúng ta làm sao đấy ? Chúng ta cứ luẩn quẩn trong con người hay hư nát của chúng ta ? trong cái con người nay còn mai mất của chúng ta mà chúng ta không tìm kiếm những sự cao siêu trên trời như Thánh Phaolô đã hơn một lần nhắc nhở chúng ta.


Thấy điều gì hay, điều gì phải, điều gì tốt chúng ta cũng nên bắt chước và hôm nay chúng ta cũng bắt chước vua Salômôn để rồi chúng ta không xin Chúa cho chúng ta giàu sang phú quý, thành công, bằng này cấp nọ hơn người khác nhưng xin cho chúng ta cũng như ông : xin ơn khôn ngoan, xin ơn biện phân để chúng ta biết đếm tháng ngày chúng ta sống để ngõ hầu tâm trí của chúng ta được khôn ngoan. Chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta khôn ngoan lựa chọn thái độ sống của những người tìm kiếm Nước Trời chứ không phải tìm kiếm cái thế gian mau qua chóng tàn và phù vân này.


Nguyện xin Chúa là Chúa của sự khôn ngoan đến và ở lại với mỗi người chúng ta để chúng ta luôn khôn ngoan chọn lựa thái độ sống phù hợp với thánh ý Chúa.

LM Anmai, CSsR

CÂU CHUYỆN VƯỜN NHO - CÂU CHUYỆN ĐỜI TA
Mt 21, 33-43

Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: "Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta." Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó !" Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?" Họ đáp: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông." Đức Giê-su bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

Vườn nho là một hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái. Chúa đã dùng hình ảnh quen thuộc này để thính giả dễ hiểu điều Chúa nói về Nước Trời. Ý nghĩa dụ ngôn này như sau. Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho thọat tiên được dùng để chỉ dân Do Thái. Dân Do Thái được Chúa chọn làm dân riêng. Lịch sử dân Do Thái là lịch sử tình yêu thương của Chúa. Vì yêu thương Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì yêu thương Chúa đã dành sẵn cho họ một đất nước. Vì yêu thương Chúa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của các nước lân bang. Vì yêu thương Chúa đã sai các tiên tri đến dạy dỗ họ. Quả thật dân Do Thái là một vườn nho được Chúa trồng, chăm sóc từng li từng tí. Từ rào dậu chung quanh đến xây tháp canh giữ. Từ xây bồn ép nho đến tưới bón cắt tỉa. Nhưng sự thương yêu của Chúa được đáp lại bằng sự phản bội. Người Do Thái không công nhận quyền làm chủ của Chúa. Họ giết các tiên tri được sai đến dạy dỗ họ. Họ còn giết cả Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa để chiếm lấy vườn nho làm của riêng họ. Nhưng họ có biết đâu rằng nếu để Chúa làm chủ thì vườn nho còn được bảo vệ, được chăm sóc và họ còn được hưởng hoa lợi. Nhưng từ chối quyền làm chủ của Chúa, vườn nho rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát, không còn hoa trái. Và vì thế cuộc đời họ cũng bị diệt vong.


Câu chuyện vườn nho không chỉ nói với người Do Thái mà còn nói với tất cả chúng ta, đặc biệt các sinh viên học sinh nhân dịp đầu năm học mới. Sinh viên học sinh là những cây nho được Chúa ưu ái trồng trong vườn nho của Chúa. Vườn nho đó là Nước Chúa, là Giáo Hội, là gia đình, là trường học. Các cháu thiếu nhi, các bạn thanh niên, học sinh, sinh viên trẻ trung là những cây nho non mơn mởn được Chúa chăm sóc tưới bón trong tình thương bao la của cha mẹ, trong sự tận tâm của thày cô giáo, trong sự nhiệt thành quên mình của các linh mục, tu sĩ nam nữ. Chúa đặt lương tâm như tháp canh để cảnh báo những nguy cơ đe dọa tàn phá vườn nho. Để ngăn chặn thú dữ tàn phá, trẻ con nghịch ngợm, kẻ thù quấy phá, Chúa cẩn thận rào dậu vườn nho. Rào dậu là đặt ra những qui tắc luật lệ. Kỷ luật là phên dậu vững chắc bảo vệ những cây nho còn non yếu, bảo vệ hoa lợi khỏi kẻ thù đến phá hoại. Kỷ luật giúp bảo vệ cuộc đời của các con. Không chỉ bảo vệ sự sống mà còn tất cả những hoa trái tốt đẹp của sự sống. Bảo vệ tương lai của các con. Chúa xây bồn ép nho. Bồn ép nho là nơi làm việc. Quả nho phải trải qua quá trình ép, lọc, ủ mới lên men thành thứ rượu nho thơm lừng làm đẹp cho xã hội. Cũng vậy các con phải lao động vất vả qua nhiều công đọan mới trở nên hữu ích cho Giáo Hội và cho xã hội. Có thể nói cuộc đời của mỗi người các con là một kỳ quan về tình yêu thương của Chúa. Chúa tạo dựng nên các con để các con được hạnh phúc. Chúa đã định sẵn cho các con một định mệnh tốt đẹp cao quí trong thánh ý Chúa.


Tiếc là có nhiều người không hiểu được điều đó, nên đã chối bỏ quyền Chúa làm chủ đời mình. Vì xua đuổi Chúa nên ma quỉ đã xâm nhập cuộc đời họ. Có nhiều người đã phá bỏ tháp canh lương tâm nên không còn tỉnh thức trước những nguy cơ đe dọa tàn phá sự sống. Có nhiều người đã phá đổ những phên dậu kỷ luật, biến vườn nho tâm hồn thành bãi đất hoang mặc cho mọi người chà đạp, tàn phá. Có nhiều người đã bỏ quên bồn ép nho, không chịu làm việc, chỉ rong chơi ngày tháng nên cả cuộc đời tiêu tốn biết bao sự thương yêu, tiền bạc, công sức của cha mẹ, thày cô giáo, các bề trên trong Giáo Hội mà không sinh được hoa trái gì cho cuộc đời.

+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

ĐƯỢC HAY MẤT TẤT CẢ
Mt 21, 33 - 43
 

Đã làm việc, bất cứ là người lao động chân tay hay người làm việc lao động trí thức đều muốn mình có được kết quả khả quan. Người nông dân muốn thu hoạch được vụ lúa hoặc vụ trà, cà phê bội thu. Người kinh doanh cũng mong mình được nhiều lợi nhuận, làm ăn phát tài, phát lộc vv...Người trí thức muốn mình tạo ra được các tác phẩm giá trị, để đời. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài trao cho ai mười nén, ngài cũng muốn họ làm lợi thêm được mười nén khác. Người năm nén, người ba nén, người hai nén, người một nén, tất cả Chúa đều muốn họ làm ăn sinh lời. Dụ ngôn hôm nay :" Những người thợ làm vườn nho " mà thánh Matthêu tường thuật cũng không nằm ra ngoài ý muốn của Chúa. Chúng ta đi vào cốt lõi của trình thuật của thánh Matthêu 21, 33 - 43 để tìm ra ý Chúa muốn dạy nhân loại, dạy con người, dạy loài người. 

Trình thuật của thánh Matthêu được đọc trong Chúa nhật XXVII thường niên, năm A, nói về " Những người thợ làm vườn nho ". Những người thợ làm vườn nho nếu chỉ là bình thường như mọi người thợ làm nông, chúng ta chẳng cần nói để làm gì, nhưng ở đây dụ ngôn muốn nói rằng mỗi người thợ vườn nho là một tá điền, Thiên Chúa trao cho làm sở hữu một vườn nho, là trí khôn, khả năng, tài năng, của cải, vật chất, để mỗi người đem hoa lợi, đem lợi nhuận về cho Chúa. Ngài luôn tôn trọng con người, luôn để cho mỗi người có quyền định đoạt, sắp xếp, bố trí công việc tùy theo tài trí Thiên Chúa đã ban cho mỗi người. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do, luôn để con người, mỗi người phát triển tài năng, tỏ rõ ràng sáng kiến. Do đó, Ngài không canh chừng, không kiểm soát công việc của con người. Tin Mừng viết thật rõ và cảm động :" Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa " ( Mt 21, 33 ). Rõ ràng Thiên Chúa luôn để con người hoàn toàn tự do định liệu cuộc đời, làm lợi cho Ngài tùy sự khôn ngoan, lanh lợi của mỗi người. Mặc dù, Thiên Chúa ban tự do cho mỗi người, nhưng có những tá điền lại lợi dụng lòng tốt của Ngài, ham mê trục lợi riêng tư, không màng gì đến lời của Ngài đã chỉ vẽ trước. Chính họ đã bội tín với chủ, với Thiên Chúa, đã ngược đãi và tru diệt những đầy tớ của chủ sai tới. Họ không nghĩ, cũng chẳng suy, cái trớ trêu là ngay người con trai duy nhất của chủ được sai đến vì chủ tưởng họ sẽ nể vì con trai của chủ mà vâng lời, mà làm theo ý của chủ. Nhưng thật thảm thiết, họ đã nhẫn tâm, đánh đập và giết chết người con trai duy nhất và yêu dấu của ông chủ. Sở dĩ họ có hành động tàn ác như thế bởi vì họ chiếm toàn bộ gia tài của ông chủ. Do đó :" ...
Ông chủ sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông " ( Mt 21, 41 ).

Được sinh ra vào đời, mỗi người chúng ta là một gia tài vô giá Chúa trao ban cho nhân loại. Mỗi con người đều có chỗ đứng trong trái tim của Chúa. Mỗi người đều được Chúa gọi tên riêng. Ngài không gọi chung chung theo đám đông mà gọi tên từng người. Chúa tôn trọng con người, tôn trọng mỗi người và ban cho mỗi người muôn vàn ơn lộc cao quí để con người ca tụng, phục vụ Chúa và phục vụ anh em. Chúa không trao ban ơn huệ để con người tìm tư lợi cá nhân, danh vọng và thú vui riêng lẻ cho mình. Thiên Chúa luôn trung thành, luôn kiên nhẫn trước những lỗi phạm, sai trót và tội lỗi của con người, của mỗi người. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi mỗi người hoán cải, trở về với Ngài khi con người lỡ lầm sa ngã, phản nghịch cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa trao ban cho con người tài năng để con người sinh lợi cho phần hồn của mình, chứ không được dùng tài năng đó để sa lầy vào trong bùn lầy tội lỗi.Con người phải biết dùng tài năng vào những công việc tốt đẹp, nếu không Thiên Chúa lại cất đi và trao cho người khác như Tin Mừng đã nói:" Người có sẽ được cho thêm...Kẻ mười nén sẽ được ban cho mười nén khác. Kẻ năm nén sẽđược trao thêm năm nén vv...".Điều đó, tùy thuộc vào tấm lòng và thái độ đón nhận của con người.


Thiên Chúa ban cho con người, mỗi người tài năng, gia tài. Nhưng rồi Ngài cũng đòi hỏi con người về công việc vườn nho mà Ngài đã trao cho con người sinh lợi. Ngài cũng sẽ hỏi con người về huê lợi mà Ngài trông đợi khi trao khoán vườn nho. Con người chúng ta được hay mất là do sự định đoạt hoàn toàn tự do của chúng ta trong cuộc sống hôm nay. Đời sống của chúng ta hoàn toàn do Chúa ban, chúng ta có biết dùng thời giờ, khả năng để làm lợi cho Chúa hay không ? Tất cả đều tùy thuộc vào sự tự do của mỗi người chúng ta.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

TỪ VƯỜN NHO ĐẾN CÁC TÁ ĐIỀN: HÃY LÀ CHÍNH MÌNH
Mt 21, 33 - 43
 

Sau khi nghe câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về "những tá điền sát nhân", các Thượng Tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ và họ tìm cách bắt Người. Dân Chúa xưa, đặc biệt những người lãnh đạo, những người được gọi là đạo đức hẳn thuộc nằm lòng bài ca về vườn nho của Ngôn sứ Isaia ( Is 5 ). Mẹ Hội Thánh lại trích cho chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật này. Trong khi Ngôn Sứ Isaia nhấn mạnh đến vườn nho là đoàn dân Chúa xưa, thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến những tá điền là những người lãnh đạo mà Chúa trao phó quản lý vườn nho. Dù là vườn nho hay là người quản lý thì điểm chung hướng đến, đó là : hãy trở nên chính mình. Nói nôm na là nho thì ra nho, quản lý thì ra quản lý.

Nho ra nho : Ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rằng vườn nho chính là đoàn dân Chúa xưa và chúng ta có thể hiểu thêm mỗi người chúng ta là những cây nho, là những cành nho ( x. Ga 15 ). Các khâu canh tác như làm cỏ, bón phân, tỉa cành sâu bệnh...thì chủ vườn nho là Thiên Chúa đã vuông tròn. Vấn đề còn lại là chính cây nho phải sinh hoa trái tốt tươi, ngọt ngào. Theo kinh nghiệm nông gia, khi đã đủ đầy các điều kiện tự nhiên và sự chăm bón thì chuyện sinh hoa kết trái của cây trồng, hệ tại ở khả năng cây "hấp thụ dinh dưỡng" từ đất, từ trời và hệ tại ở việc cây "giảm phát sinh để tăng phát dục", nghĩa là giảm đâm cành, mọc lá mới để tăng ra hoa, kết trái.


Đề hấp thụ dinh dưởng từ trời đất thì chính chúng ta, những cây nho, tiên vàn phải gắn bó, kết hiệp với Thiên Chúa. Cầu nguyện là một trong những phương thế tuyệt hảo để kết hiệp với Thiên Chúa. Để gia tăng hoa trái tốt lành thì việc hãm mình hy sinh là điều không thể thiếu. Như thế để nho ra nho nghĩa là sinh hoa trái ngọt ngào thi Kitô hữu chúng ta cần chuyên chăm cầu nguyện và hy sinh hãm mình. Hằng năm cứ đến mùa Chay thánh thì đề tài ăn chay cầu nguyện được nhấn mạnh và chúng ta nghiệm thấy ngay các hoa trái trổ sinh.


Quản lý ra quản lý : Người quản lý là người được trao phó một sự gì đó. Một việc gì đó để bảo quản, giữ gìn, chăm nom và dĩ nhiên theo tiêu chí mà người chủ yêu cầu. Các tá điền trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể được hiểu như là những người quản lý. Và tiêu chí người chủ đưa ra là đến kỳ thu hoạch, vườn nho phải sai hoa, mộng trái. Theo chiều kích xã hội thì những người quản lý là những người được giao phó các chức vụ của công quyền. Họ được trao phó đoàn dân của một tập thể, của một đất nước... Theo chiều kích tôn giáo, thì những người quản lý là những vị mục tử. Họ đuợc trao phó đoàn chiên là các tín hữu của tôn giáo mình. Dù là các mục tử trong Hội thánh này Hội thánh kia hay là những người nắm giữ công quyền trong xã hội thì chỉ một mình Thiên Chúa là người chủ duy nhất. Thánh Phaolô minh định điều này khi nói rằng các chính quyền hợp pháp đều là do Chúa đặt định ( x.Rm 13,1 )


Trong khoảng thời gian chờ đến mùa vụ, thì ông chủ thỉnh thoảng sai gia nhân của mình đến nhắc nhở những người quản lý về bổn phận và trách vụ của họ. Và bên cạnh đó chắc chắn có sự đánh giá về những gì mà những người quản lý đang thực thi. Tốt thì khen và khích lệ. Xấu thì chê và phê bình sửa sai. Trong lịch sử dân Chúa xưa, các ngôn sứ chính là những gia nhân mà ông chủ vườn nho đã sai đến. Thay vì nghe những ý chỉ của Thiên Chúa qua các sứ ngôn thì những người tá điền là nhưng người quản lý đã bách hại các ngài.


Thiên Chúa, người chủ vườn nho vẫn kiên trì nhẫn nại đến cùng. Người đã sai chính Con Một đến với hy vọng là những người quản lý kia sẽ nể mặt mà nghe theo. Thế nhưng sự tham lam đã làm cho tâm hồn những người quản lý thành ác độc. Họ đã nhẫn tâm giết chết Người Con Một của ông chủ. Tưởng rằng sẽ từ vị thế quản lý trở thành chủ nhân của vườn nho, nhưng họ đã lầm. Ông chủ sẽ tru di họ và trao vườn nho cho những người khác.


Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã làm chột dạ những vị lãnh đạo DoThái giáo thời bấy giờ. Chuyện dụ ngôn này cũng đã ứng với nhiều triều đại vua chúa các nước trên thế giới. Chuyện dụ ngôn này cũng ứng với những chính phủ nắm giữ công quyền của các quốc gia. Và chuyện dụ ngôn này cũng đáng làm cho các vị mục tử giật mình tự kiểm.


Nho ra nho, quản lý ra quản lý. Nếu không thực là mình thì sẽ đến lúc phải bị loại trừ. Cành nho nào sinh hoa trái sẽ được chăm bón để trái hoa xum xuê thêm nhiều. Cành nào không sinh trái thì phải bị chặt đi. Nó sẽ khô héo và người ta sẽ bỏ nó vào lửa mà thiêu đốt đi ( x.Ga 15,6 ). Người quản lý nào chuyên chăm cứ đến giờ mà phân phát lúa thóc cho kẻ ăn, người ở, thì sẽ được ân thưởng khi chủ về. Trái lại viên quản lý nào chểnh mảng, mãi mê chơi bời ăn uống mà bỏ bê bổn phận, thậm chí còn hành xử bạo lực với người dưới quyền, thì sẽ bị chung số phận với quân bất lương, ở nơi phải khóc lóc và nghiến răng ( x.Lc 12,41-48 ).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa


MỖI NGƯỜI LÀ MỘT TÁ ĐIỀN LÀM VƯỜN NHO
Mt 21, 33-43

Ca nhập lễ thánh lễ Chúa nhật XXVII thường niên, năm A viết: " Lạy Chúa, Chúa an bài mọi sự theo thánh ý của Ngài, mà không ai cưỡng nổi.Ngài tạo thành vũ trụ cùng muôn loài hiện hữu dưới bầu trời. Chính Ngài là Chúa Tể càn khôn ". Các bài đọc hôm nay, đặc biệt đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại dụ ngôn " Những người thợ làm vườn nho ". Chúa trao cho chúng ta mỗi người một vườn nho để chúng ta làm việc sinh hoa lợi và Ngài còn tôn trọng chúng ta, để chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công việc và trẩy đi phương xa...

Điều quý trọng nhất của con người, tức là tá điền được Chúa trao phó cho một vườn nho và Ngài để cho con người tùy theo sáng kiến với khả năng, với của cải để định đoạt công việc. Tác giả Tin Mừng Matthêu viết: " Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi phương xa " ( Mt 21,33 ). Ông chủ tin tưởng tá điền, không cần ở đó để canh chừng, kiểm soát. Ông tôn trọng con người. Tuy nhiên, có những tá điền, có những con người đã không tuân lệnh Ông chủ, đã lạm dụng sự tin tưởng, tín nhiệm của Ông chủ mà tìm kiếm lợi lộc riêng. Họ đã phụ lòng tín nhiệm của Ông chủ. Những tá điền này đã ngược đãi, đánh đập, sát hại các đầy tớ mà Ông chủ sai đến. Cuối cùng, Ông chủ sai chính con của mình đến, nhưng những tá điền cũng hoàn toàn không nể vì Ông chủ, họ đã đang tâm làm điều gian ác, đang tâm sát hại, giết chết đứa con trai duy nhất, yêu quý của Ông chủ. Những tá điền làm như thế cốt chiếm lấy gia tài của Ông chủ để vinh thân phì gia, để lợi lộc riêng tư vv...Hậu quả thật đáng kinh tởm, gớm ghê đến nỗi: " Ác giả ác báo, Ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho Ông " ( Mt 21, 41 ).


Chúa vẫn hiện diện giữa nhân loại, giữa con người. Ngài ban muôn vàn hồng ân xuống cho con người, để con người biết làm lợi cho Chúa và làm lợi chia sẻ cho anh chị em. Ngài không ban riêng cho con người để con người tìm danh lợi, làm giầu cho bản thân và tìm cách làm thỏa mãn cho cá nhân mình. 


Chúa luôn trung thành, kiên nhẫn với những lỗi lầm, xúc phạm của con người và luôn tạo cơ hội để con người quay trở về, chứ không phải để họ càng ngày càng sa lầy trong tội lỗi, yếu hèn, xa Chúa. Vâng, xưa Chúa đã sinh ra, lớn lên và đi rao giảng, dân Do Thái và nhiều người đã được nghe Chúa rao giảng, đã chứng kiến các phép lạ Chúa làm nhưng họ vẫn chống đối Ngài. Chúa luôn hướng tới người nghèo, thương xót người tội lỗi, Ngài đã thực hiện các phép lạ trong cả ngày Sabbat, hưu lễ, nên càng làm cho giới lãnh đạo tôn giáo và Biệt phái, Pharisêu căm phẫn, chống đối. Ơn cứu độ Chúa ban là ơn cứu độ phổ quát, nhưng không cho con người, không trừ ai, miễn con người biết mở rộng tấm lòng để lãnh nhận ơn của Ngài. Chúa trao phó cho con người những nén bạc, khả năng là để con người làm lợi cho Ngài, chứ không phải để con người cất giấu và không biết xử dụng ơn huệ Ngài trao ban. Con người sẽ được Chúa chúc lành, gia ân giáng phúc nếu họ biết sử dụng tài năng, của cải Chúa ban nhưng không cho họ. Nếu không Chúa sẽ cất hết, rút lại hết và sẽ bị Chúa khiển trách: " Hỡi đầy tớ lười biếng...".


Chúa sẽ đòi chúng ta tính sổ với Chúa vào một lúc nào đó trong đời sống hoặc là chúng ta làm lợi như người năm nén làm lợi được năm nén khác hoặc như người được chủ trao một nén đã chôn vùi xuống đất, không biết làm lời cho chủ nên bị chủ rút hết số vốn một nén và trao cho người đã có năm hoặc mười nén. Người có sẽ được cho thêm và người không có đã bị lấy đi là như thế !


Hôm nay, Giáo Hội Việt Nam cũng cho phép được mừng kính trọng thể lễ Mẹ Mân Côi. Mẹ Maria được Giáo Hội Việt Nam và các tín hữu Việt Nam đặc biệt tôn kính mến yêu. Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nhưng Mẹ cũng là Mẹ của mỗi tín hữu. Chắc chắn Mẹ yêu Chúa thế nào, Mẹ cũng yêu mến mỗi người chúng ta như vậy. Chúng ta hết lòng tôn kính Mẹ và nghe lời Mẹ dạy bảo là năng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày trong nhà thờ, trong gia đình và ở nơi nào có thể được.


Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người: xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắn rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Amen.
 ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa nhật XXVII thường niên, năm A ).

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT (nguồn vietcatholic.org)

1539    29-09-2011 10:34:52