Sidebar

Chúa Nhật

08.09.2024

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên A năm 2014

  1. Lời Mời Gọi Của Thiên Chúa
  2. Tiệc Nước Trời
  3. San Sẻ Niềm Vui
  4. Dự Tiệc Miễn Phí
  5. Thiên Chúa: Đấng Ưu Tiên và Tối Hậu
  6. Mặc Áo Cưới
  7. Dụ Ngôn Tiệc Cưới
  8. Tiệc Cưới
  9. Chiếc Áo Cưới Mang Nhãn Hiệu Giêsu
  10. Một Tin Mừng Cho Muôn Dân
  11. Tiệc Cưới và Chiếc Áo Mới
  12. Cần Một Tấm Lòng
  13. Tiệc Cưới và Y Phục Tiệc Cưới
  14. Tiệc Cưới, Áo Cưới
  15. Tiệc Cưới Với Bốn Nghịch Thường
  16. Tính “Ích Kỷ” Trong Hai Bữa Ăn
  17. Cần Có Y Phục Xứng Hợp Khi Dự Tiệc Hoàng Tử Giêsu
  18. Cửa Nước Trời Luôn Mở, Nhưng Y Phục Phải Xứng Hợp

LỜI MỜI GỌI CỦA THIÊN CHÚA
Mt 22, 1 - 14

Thiên Chúa là vị Vua đầy quyền năng, Ngài có thể làm được mọi sự theo ý Ngài muốn. Tuy nhiên, Ngài đã ban sự tự do cho con người để con người chọn điều tốt, làm điều lành hầu xứng đáng với phần thưởng đời đời Chúa ban.

Khi được tự do chọn lựa, con người có thể có xu hướng chọn những cái thấy được trước mắt, coi trọng vật chất hơn những ơn thiêng liêng Chúa ban, không biết thờ phượng Chúa cho phải đạo. Dụ ngôn tiệc cưới này đã nhắc nhở chúng ta biết chọn lựa đúng đắn. Thực tế cho thấy có rất nhiều người từ chối lời mời của Chúa, họ phủ nhận Thiên Chúa những vì mãi lo việc vật chất phần đời mà bỏ quên Thiên Chúa. Những khách được mời trong dụ ngôn này đã không chịu đến, sai người đến nhắc cũng không đến, Vua lại sai nhiều người khác đến mời mọc, họ cũng không đến, lại còn đối xử tệ bạc với những đầy tớ của Vua ! Thật là quá lắm!

Ông chủ trong dụ ngôn thật là tốt bụng, ông kiên nhẫn với nhóm khách được mời, tạo cơ hội cho họ đến nhưng họ cứ khăng khăng từ chối : vua lại sai các đầy tớ khác… nhưng lần này họ còn ra mặt chống đối, đánh đứa này, giết đứa kia. Chúa Giêsu kể dụ ngôn này có ý ám chỉ đến những người Do thái, họ đã được các tiên tri kêu gọi, nhắc nhở, loan báo và chuẩn bị cho việc đón nhận Chúa Cứu Thế. Thế nhưng, khi Chúa Cứu Thế đến thì họ lại từ chối và còn đối xử cách bất công nữa.… Nghe dụ ngôn chúng ta thấy bất bình với những người được chủ mời dự tiệc này, nhưng có khi nào chúng ta cũng giống như họ chăng! Tiệc của hoàng tử mà chúng ta lo là, không lo sửa soạn sẵn sàng mà lại lo tìm những thú vui giả trá chóng qua!

Thiên Chúa quá nhân từ khi đối xử với con người, Ngài có quyền nhưng cứ nhân từ, nhẫn nại, không ép buộc mà chỉ mời; còn con người lại không biết nghĩ đến Chúa, cứ một lo chuyện đời theo ý riêng. Sẽ có lúc Chúa phải xét xử công bằng với chúng ta. Ngài không để sự dữ hoành hành mãi được. Lúc đó, không ai thoát khỏi kết quả mình làm lúc còn trên dương thế. Tội của những kẻ chối từ lời mời gọi của Thiên Chúa trầm trọng lắm vì đã không tin vào Đức Kitô, Đấng vì họ mà đến trong thế gian. Chúng ta không chống đối Thiên Chúa nhưng chúng ta hay chối từ lời mời gọi của Chúa trong Giáo hội, không tuân giữ lời Chúa dạy trong Kinh thánh, chưa nghe theo lời khuyên của những người Chúa chọn, chúng ta có thể sẽ bị chúa trách cứ về điểm này.

Giáo hội trần thế hôm nay còn có người lành kẻ dữ lẫn lộn. Thiên Chúa kêu gọi tất cả hãy đến với Người, mặc lấy tâm tình xứng hợp để được vào Nước Trời. Những ai hoán cải và giữ lời Chúa dạy, làm việc lành thì giống như người có mặc áo cưới, có tâm tình và diện mạo xứng hợp để vào dự tiệc cưới. Bao lâu chúng ta duy trì đời sống công chính, gia tăng những việc lành thì chúng ta đang khoác cho mình chiếc áo cưới sẵn sàng chờ Chúa gọi.

Bữa tiệc Thánh Thể vẫn được lặp lại hàng ngày trong Thánh lễ, ai muốn tham dự phải mặc áo ân sủng Chúa và sống theo Tin Mừng. Để đi vào Nước Trời, chúng ta phải giặt áo mình trong máu Con Chiên, phải mặc lấy Chúa Kitô và thể hiện ra bên ngoài bằng đời sống tốt đẹp hơn, bác ái, quãng đại hơn…(x. Ep 4, 24).

Lạy Chúa Giêsu, con xin cám tạ Chúa đã kêu gọi con vào nhà chúa, con sẽ cố gắng đáp trả tiếng Chúa và dùng những khả năng Chúa ban để phục vụ cho Nước Chúa mau trị đến trong các tâm hồn.

TIỆC NƯỚC TRỜI
Mt 22, 1 - 14

Trong một đời người chắc chắc ai ai cũng có rất nhiều lần dự tiệc, nào là tiệc cưới, sinh nhật, bổn mạng... nhưng vì tình nghĩa chúng ta cũng rất ít lần bỏ qua. Họa hoằn làm chúng ta mới bỏ qua một lần, nhưng lần đó chỉ là những trường hợp bất khả kháng chúng ta không thể nào đi được. Cho dù buổi tiệc đó có lớn đến đâu, nhân vật quan trọng như thế nào đi nưa thì đó cũng cũng chỉ là buổi tiệc mau tàn, chóng qua. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta thấy một buổi tiệc vô giá, buổi tiệc quan trọng hơn gấp bội phần buổi tiệc của trần gian nay. Đó chính là buổi tiệc nước trời mà Thiên Chúa giống như vua kia tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử. Nước Trời có nghĩa là gia đình Thiên Chúa trên trần gian. Tiệc cưới là bàn đặt lương thực thiêng liêng. Còn mỗi người chúng ta là đầy tớ của vua cao cả. Chúa Kitô là Con của Ngài. Cha trên trời sai chúng ta đi mời mọi người chia sẻ bữa tiệc thiêng liêng do Giáo hội của Ngài khoản đãi.

Nhưng ai là người chúng ta có thể mời ? Thực tế là mọi người. Có nhiều người Công Giáo không bao giờ tham dự những ngày đại phúc, tĩnh tâm hay học hỏi về đạo. Những người công giáo lơ là về đạo ấy, chỉ cần một chút thúc giục để họ bắt đầu quay về với gia đình của Thiên Chúa. Họ hăng say tham gia vào buổi tiệc mà chính Chúa đã dọn, đã mời gọi. Chính khi họ đi dự tiệc họ cũng có thể mời gọi người khác cùng đi

Hơn nữa chúng ta cũng cần nghĩ đến những người bạn chưa hề nghe, chưa hề biết, chưa hề cầm được tấm thiệp mời, đó chính là những người bạn khác niềm tin khác tôn giáo đang tìm kiếm của ăn thiêng liêng. Chúng ta có thể gặp những người khách này ở đâu ? Họ có thể là người láng giềng, bạn học, bạn công nhân cả đến những người thân thuộc. Họ có thể là người quen biết trong cuộc chơi, ở tiệm bán hàng, trên xe buýt, ở phòng đợi bác sĩ, bạn đừng giới hạn sự mời đón vào những người gọi là đáng kính. Bạn hãy mời những người thấp kém, vô gia cư, tội lỗi. Như trong Tin Mừng hôm nay, ông vua truyền lệnh: “Hãy ra các ngả đường, mời bất cứ ai bất luận tốt xấu”.

Hãy mời họ thường xuyên tới dự thánh lễ, hay những dịp lễ dặc biệt lễ Giáng sinh, viếng máng cỏ, nghi lễ rửa tội, lễ cưới, lễ an táng hay là viếng nhà thờ trong tuần một vài lần...

Nếu có thể, bạn hãy nói trước với cha sở về những người khách ấy. Có lẽ Ngài mong được biết có sự hiện diện của họ, và có một vào người hứơng dẫn cho họ chung quanh nhà thờ. Điều này làm họ cảm thấy được cần đến và giúp sửa được ý niệm sai lầm là người công giáo chúng ta không muốn người ngoài đạo tham dự các lễ nghi.

Giả sử như họ từ chối lời bạn mời, thì bạn cũng đã một trọn bổn phận của bạn, bổn phận của lòng tin và bác ái. Bạn đang cổ động sự hiểu biết giữa những người có niềm tin khác nhau. Bạn đang tỏ ra rằng: đức tin của bạn có một ý nghĩa đối với bạn. Bạn lưu tamâ và ân cần mong muốn người khác chia sẻ bữa tiệc thiêng liêng chúng ta tham dự trong chính giờ này.

Lạy Chúa, Chỉ có tình yêu mới đáp trả được tình yêu, chỉ có lòng thành mới mới đáp trả được lời mời gọi thiết tha mà Thiên Chúa đã kêu gọi. Xin cho con biết nhân ra đâu là thánh Ý Chúa để con hăng say đáp trả bằng tình yêu và lòng nhiệt thành. Amen

SAN SẺ NIỀM VUI
Mt 22, 1 - 14

Có lần vào tiệm ăn sáng, tôi nhìn thấy hai trường hợp trái ngược nhau:

Một đứa trẻ được mẹ dắt vào quán ăn, ngồi vào bàn, được một phần ăn riêng biệt. Nhưng nó tỏ vẻ khó chịu, không biết vì lý do gì mà nó không vui, nó không nhìn đến phần thức ăn của mình. Người mẹ thì nhìn con với vẻ ái ngại, bà năn nỉ con, nhưng vô hiệu. Cuối cùng hai người đứng lên với phần ăn còn nguyên.

Một đứa trẻ khác, trên tay có một cái lon, chạy ngay lại phần ăn còn nguyên trên bàn mà người chủ đã không cần dùng đến, nó cho tất cả vào trong chiếc lon và mang ra bên ngoài, cùng với một đứa trẻ khác nhỏ hơn, tận hưởng niềm vui của một người không cần đến.

Tôi chợt suy nghĩ: phần ăn là chất bổ dưỡng, là niềm vui cho một người, nhưng chính người đó không vui khi nhận thấy phần của mình. Một người khác nhận được niềm vui không phải chuẩn bị cho mình, nhưng lại được hưởng trọn vẹn. Nếu đứa trẻ cằm chiếc lon, không biết chuẩn bị những gì cần thiết để có thể mang phần ăn ra bên ngoài tận hưởng, thì làm sao nó có thể hưởng trọn niềm vui được.

Trong dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu cho mọi người nhìn thấy viễn ảnh một tiệc cưới, những vị khách quý đã được mời, sau đó còn được nhắc lại. Nhưng những người đã được mời đó, không một ai được dự tiệc vì có người không muốn tham dự, họ không còn nhớ đến lời mời gọi trước kia, họ chỉ sống cho mình và chỉ biết có chính mình. Có người không dự được vì họ đã bị trừng phạt. Họ không muốn dự tiệc, là một việc không phải phép, nhưng họ còn hành hạ những người đến nhắc nhở cho họ về những gì họ đã hứa, nên họ bị trừng phạt. Còn những người dự tiệc, là những người đang cần đến thức ăn và có sự chuẩn bị để đón nhận thức ăn một cách xứng đáng và không phung phí nó. Những người dự tiệc là những người không cần được báo trước, nhưng họ biết sẵn sàng đáp lại lời mời gọi với lòng chân thành.

Mỗi người trong chúng ta được mời gọi sống làm người, chúng còn được mời gọi để sống trong hồng ân Chúa cách đặc biệt hơn qua việc chúng ta được lãnh bí tích rửa tội. Đó là chúng ta được mời gọi để sống đời sống một người Công Giáo. Thiên Chúa còn mời gọi mỗi người sống trong môi trường sống của mình, sống xứng đáng với địa vị trong xã hội, trong môi trường thực tế của công việc để sống theo thánh ý Chúa. Lời mời gọi đó chúng ta cũng thường được nghe nhắc nhở lại rất nhiều trong đời sống hằng ngày: kêu gọi chu toàn trách nhiệm, kêu gọi sống xứng đáng hơn, kêu gọi sửa đỗi đời sống. Nhiều lúc những lời đó làm cho chúng ta khó chịu, không muốn nghe. Có những lúc chúng ta phản ứng mạnh mẽ hơn vì những lời đó làm cho chúng ta ái ngại. Những lời mời gọi và nhắc nhở đó, những lời làm cho chúng ta khó chịu đó là những lời kêu mời chúng ta đến dự bàn tiệc nước trời. Nhưng mỗi người đáp lại như thế nào? Cứ nhìn lại đời sống, nhìn lại những hành động đã qua, xem chúng ta đáp lại lời mời như thế nào?

Chúng ta hứa vào dự tiệc, nhưng nhiều lúc chúng mãi bận rộn với những toan tính thiệt hơn hằng ngày, chúng ta mất quá nhiều thời gian với gia tài riêng tư của mình: đó là sự ích kỷ, sự hẹp hòi và cả những cố chấp trong con người của mình, nên không còn nghe thấy gì ngoài bản thân mình. Chúng ta chỉ còn biết tính toán thiệt hơn, cố làm sao mang cho mình thật nhiều những gì mình muốn, không cần biết đó là đúng hay sai, đồng thời cũng để ngoài tai những lời nhắc nhở chân thành. Như thế thì làm sao chúng ta có thể ngồi vào bàn tiệc đã dọn sẵn và đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta giống như đứa bé, ngồi trước phần ăn nhưng không chịu dùng những gì của mình.

Nếu chúng ta chu toàn trách nhiệm hằng ngày, cho dù những khó khăn vất vã, nhưng vẫn chấp nhận và can đảm vượt qua. Nếu chúng ta biết lắng nghe và nhìn lại chính mình, để nhận ra những gì sai lỗi, để làm lại cho tốt. Nếu chúng ta lắng nghe tiếng Chúa qua những việc làm tốt đẹp, những cử chỉ yêu thương, những lời nói ủi an khi cần thiết; đó là chúng ta đang bước vào phòng tiệc với chiếc áo cưới chuẩn bị sẳn sàng, và dự tiệc vui mừng với chủ.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa kêu mời, để xứng đáng dự tiệc Nước Trời.

DỰ TIỆC MIỄN PHÍ
Mt 22, 1 - 14

Một lần nọ, tôi nghe được mẫu đối thoại như sau:
- Lúc này sao “giấy báo thuế” đến liền liền. Rầu hết sức!
- Giấy báo thuế là gì?
- Là thiệp mời đi đám đó.
- Được nhiều người mời là niềm vinh dự chứ sao lại rầu.
- Biết vậy rồi, nhưng đâu phải đến ăn không rồi về được. Phải có bao thơ chứ. Mày biết không trong vòng một tháng mà có đến 5 cái thiệp mời. Hầu hết là những chỗ không thể bỏ được nên phải bấm bụng vay tiền để đi chứ làm sao có đủ!!!

Qua mẫu chuyện nhỏ trên đây, chúng ta thấy được mời dự tiệc là một niềm vinh dự. Vì niềm vinh dự ấy chúng ta phải chịu mất tiền và mất thời gian. Niềm vinh dự ấy lại tăng thêm cho chủ nhà khi những người được mời đi dự đầy đủ. Thế nhưng, thật là buồn cho chủ nhà khi tiệc đã dọn sẵn mà những người được mời chẳng thấy ai. Tâm trạng này phần nào phản ảnh tâm trạng của ông vua trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay.

Nhà vua sai đầy tớ đi tận nhà những người được mời và dặn: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! " (Mt 22, 4)

Đáng buồn thay, những người được mời họ viện đủ lý do: “Kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết” (Mt 22, 5b – 6). Họ đâu biết rằng làm như thế sẽ khiến nhà vua buồn như thế nào. Buồn ở đây không phải vì họ không ông nhưng ông buồn vì chính những người được mời này đã tự làm hại đến chính mình. Họ đã từ chối niềm hạnh phúc nhà vua chuẩn bị sẵn cho. Chắc chắn nhà vua là người giàu sang nên chẳng cần bao thơ làm chi. Nhà vua dọn tiệc và mời họ đến dự miễn phí nhưng họ lại từ chối.

Hình ảnh nhà vua này chính là Thiên Chúa của chúng ta. Thiên Chúa chuẩn bị sẵn cho chúng ta bữa tiệc Nước Trời và mỗi Thánh lễ cũng chính những bữa tiệc Thánh miễn phí. Thiên Chúa ban cho chúng ta một cách hoàn toàn nhưng không. Thế nhưng, đáng buồn thay có nhiều người lại tìm đủ mọi lý do để từ chối. Họ quên rằng khi từ chối như vậy là họ đang tự làm hại chính mình.

Hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết nhanh chóng đáp lại lời mời gọi của Chúa đến hưởng hạnh phúc Nước Trời mà Người đã dọn sẵn cho chúng ta.

THIÊN CHÚA: ĐẤNG ƯU TIÊN và TỐI HẬU
Mt 22, 1 - 14
Lm Luy Hữu Độ, CMC

Người Ba Tư kể lại câu chuyện ngụ ngôn sau:
Có một nhà hiền triết xuất hiện giữa phố chợ và nói sẽ giải đáp được mọi thắc mắc của bất cứ ai. Có một anh chăn chiên muốn hạ nhục nhà hiền triết giữa đám đông, anh cầm trong tay một con chim sẻ và đặt câu hỏi: “Thưa ngài, trong tay tôi có một con chim. Ngài là người thông thái giải đáp mọi vấn nạn, vậy xin hỏi ngài, con chim trong tay tôi còn sống hay chết”. Biết đây là cái bẫy, vì nếu nói chim sống thì tức khắc anh chăn chiên bóp nó chết trước khi mở bàn tay. Nếu nói chim chết thì anh ta mở bàn tay cho chim bay đi. Trước sự chờ đợi của đám đông, nhà hiền triết từ tốn trả lời như sau: Con chim trong tay ngươi sống hay chết là tùy ở ngươi. Nếu ngươi cho nó sống thì sống, nếu ngươi muốn nó chết thì nó chết.

Ai trong chúng ta cũng khao khát hạnh phúc, đó là niềm khao khát thâm sâu nhất của con người, nhưng chúng ta được hạnh phúc hay không là tùy ở chúng ta, giống như con chim sống hay chết là tùy ở anh chăn chiên Hạnh phúc đích thực của mỗi người chúng ta là Thiên Chúa, là Nước Trời. Phúc Âm viết Thiên Chúa mời gọi con người tới dự tiệc cưới. Tiệc cưới đó là hình ảnh Nước Trời, là nơi đem lại hạnh phúc viên mãn và vĩnh cửu. Thế nhưng người ta không đáp lại, viện cớ đi thăm trại, viện cớ đi buôn bán. Đi thăm trại, đi buôn bán tự nó không phải là việc xấu, nhưng họ đã làm một việc khờ dại là chỉ chú ý đời này mà quên đi đời sau. Đi thăm trại, đi buôn bán tựu kỳ trung là lo làm giàu. Họ nghĩ lầm: giàu sang đem lại hạnh phúc. Nhưng cái nghịch lý lớn nhất của cuộc đời là khi con người tìm cách lấy đầy tâm hồn mình bằng những của cải chóng qua thì đó là lúc con người cảm thấy trống vắng nhất trong tâm hồn.

MẶC ÁO CƯỚI
Mt 22, 1 - 14

Gm Giuse Ngô Quang Kiệt

Với tình yêu thương, Thiên chúa dọn tiệc mời.
Đọc dụ ngôn tiệc cưới, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu thương của Thiên chúa. Thiên chúa mời con người dự tiệc cưới Con của Người. Điều đó chứng tỏ Thiên chúa yêu thương con người.

Đó là một tình yêu nhưng không.

Thiên chúa là vị Vua cao sang. Ta chỉ là đám tiện dân hèn hạ. Sao Chúa lại mời ta. Theo lẽ thường ở đời người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Một bữa tiệc thường có mục đích củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời vị vọng để khi hữu sự cần nhờ. Vua Trời mời tiện dân hèn hạ thì có lợi gì. Không những hèn hạ mà còn đui, què, mẻ, sứt nữa. Ta là những hạng rác rưởi của xã hội, chẳng có gì đền đáp cho chủ nhân. Chẳng đem lại một chút vinh dự nào cho chủ nhân. Thế mà Người vẫn mời ta. Rõ ràng là do tình yêu thương của Người. Đó là tình yêu nhưng không. Người không mong ta có gì đền đáp. Người mời ta chỉ vì yêu thương ta mà thôi.

Đó là một tình yêu chia sẻ.

Thiên chúa tràn đầy vinh quang không còn thiếu thốn gì. Tại sao Người mời những con người hèn hạ vào Nước Trời làm gì cho thêm bận. Thưa vì Thiên chúa là tình yêu. Tình yêu của Người vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Người vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu mãnh liệt khiến Người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một cưới lấy bản tính loài người để nâng loài người lên. Mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với các vị thần thánh trên trời.

Chẳng có gì có thể giải nghĩa được thái độ của Thiên chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.

Tôi phải mặc áo cưới tới dự.

Tình yêu Thiên chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng tự do. Trước lời mời gọi của Thiên chúa, tôi có thể nhận lời hoặc chối từ. Khi dọn tiệc, Chúa mong tôi tới dự. Khi mở rộng cửa trời, Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Chúa mong tôi trả lời. Khi bày tỏ tình yêu, Chúa mong tôi đền đáp. Tuy nhiên, nhận lời đền đáp đòi phải có điều kiện. Đến dự tiệc phải mặc áo cưới.

Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm. Được mời vào dự tiệc cưới Con Vua, tôi không còn là phường rác rưởi của xã hội nữa. Tôi đã được Chúa trân trọng, nâng lên ngang hàng thượng khách, là khách mời của Vua. Mặc áo cưới ở đây là tự trọng, cư xử như người tự do. Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho tôi, tôi phải trân trọng giữ gìn.

Mặc áo cưới là mặc lấy tình yêu. Vì yêu thương Chúa đã mời tôi vào chung hưởng hạnh phúc với Người trong tiệc cưới. Đáp lại, tôi phải có tình yêu mến đối với Người. Tình yêu đáp đền tình yêu. Mặc áo cưới là trân trọng tình yêu của Chúa, là muốn đáp lại tình yêu của Chúa

Mặc áo cưới là mặc lấy Đức Kitô (x, Gl 3, 27). Được ơn cứu độ, ta trở thành em của Đức Kitô, vì thế ta phải noi gương Người mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha. Mặc lấy Đức Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên chúa công chính và thánh thiện (x.Ep 4, 24).

Thiên chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Đáp lại, ta phải đổi mới đời sống cho phù hợp với Nước Chúa, với tình yêu của Chúa và với địa vị mới của ta.

Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đáp lại lời Chúa mời gọi.

DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI
Mt 22, 1 - 14
Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chúa Giêsu trong cuộc sống loan báo Nước Thiên Chúa Cha đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả Nước Trời. Nước Thiên Chúa giống như tiệc cưới, viên ngọc quí, thủa vườn vv và vv…Nước Trời là Đức Kitô, là chính Thiên Chúa. Chúa nhật này, phụng vụ xoay quanh chủ đề tiệc cưới.

DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI: Đoạn Tin mừng của thánh Matthêu 22, 1-22 làm nổi bật ý nghĩa sự hân hoan, vui mừng của Kitô giáo. Chúa Giêsu đã dùng bữa tiệc để rao giảng Tin mừng của Người. Nước Trời giống như một tiệc cưới. Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới để nói lên niềm vui của Nước Trời, Chúa dùng hình ảnh này nhiều nhất để diễn tả Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu mặc cho tiệc cưới một ý nghĩa đặc biệt. Chúa đã biến nước lã thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana khi gia đình nhà đám đã hết rượu va khi cuộc vui chưa tàn. Chúa dự tiệc với Lêvi, với Giakêu và dự tiệc với nhiều người thu thuế. Những người tội lỗi, những người thấp cổ bé họng, Chúa đều đồng bàn với họ và chia sẻ niềm vui với họ. Chúa đồng bàn với người tội lỗi, Chúa không từ chối lời mời của những người Biệt phái và Pharisiêu, những người danh giá, giầu có. Chúa chia sẻ bữa ăn với chị em Martha, Maria và Lagiarô tại Bêtania. Chúa lập phép thánh thể vào chiều thứ năm tuần thánh cũng trong một bữa ăn. Khi sống lại Chúa đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmaus. Chúa hiện ra trên bờ hồ, chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Chúa cùng chia sẻ miếng bánh, miếng cá với các môn đệ.

Bữa tiệc mang ý nghĩa cao sâu nói lên tình liên đới, sự hiệp thông, yêu thương, chia sẻ. Tin mừng Matthêu 22, 1-14 gồm hai dụ ngôn, thánh sử Matthêu gồm lại thành một: vua mời dự tiệc, người được mời không có áo cưới. Vua mời dự tiệc, vua là chính Thiên Chúa. Tiệc cưới tượng trưng cho việc Thiên Chúa gặp gỡ con người. Các gia nhân đi mời khách tiêu biểu cho các ngôn sứ. Có nhiều gia nhân nghĩa là có nhiều ngôn sứ đã bị đánh đập, hành hạ, giết chết. Vua thịnh nộ sai quân lính đi tru diệt và thiêu hủy thành phố của chúng, tượng trưng cho thành Giêrusalem bị tàn phá. Sự tàn phá và tru diệt là hậu quả của sự từ khước lời mời gọi của vua. Thực khách là những người Do Thái vốn trung thành với lề luật, trung tín với Giao ước xưa, nhưng vì họ từ chối lời mời dự tiệc. Do đó, những đĩ điếm, những khách lạ ở khắp nơi được mời dự tiệc cưới. Chúa muốn qua dụ ngôn này cho nhân loại và con người hiểu rằng những thượng tế, kỳ mục, biệt phái và luật sĩ, những người có thế giá trong đạo lúc đó không chấp nhận theo Chúa, không nghe lời giảng dậy của Chúa lại còn hãm hại Chúa và những người theo Chúa. Trong khi đó, đám đông dân chúng lại theo Chúa rất nhiệt tình. Chiếc áo cưới mà những người được mời phải mặc vào khi dự tiệc cưới là những tâm tình liên đới, yêu thương, chia sẻ, gặp gỡ, trao ban, người khách phải có mới thuộc về Nước Trời.

HÃY SỐNG ĐÚNG NHÃN HIỆU: Kitô giáo là đạo yêu thương, đạo vui mừng. Mặc áo cưới không chưa đủ. Theo đạo, mang nhãn hiệu là Kitô hữu không chưa đủ, chưa chắc để vào Nước Trời. Chúa đã từng nói:” Không phải những ai kêu lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời…”. Đạo công giáo là đạo tình thương. Người Kitô hữu phải sống cái cốt lõi của đạo là Tin mừng, chứ không chỉ sống hời hợt bề ngoài mà quên đi cái lõi tủy là tình thương của Chúa. Thiên Chúa qua Con của Ngài là Đức Kitô đã muốn ban ơn cứu độ cho mọi người. Người Kitô hữu không chỉ tự mãn cho mình là người của Giáo Hội là đã đạt được Nước Trời. Con người có là gì là do lòng thương xót của Chúa chứ không do công đức, công trạng của con người làm ra. Đi theo Chúa, lãnh nhận Nước Trời, người Kitô hữu phải có tâm hồn hoán cải, thống hối, ăn năn, trở về với Chúa, họ mới đạt được Nước Trời.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết mến chuộng, tôn kính và năng rước Chúa vào lòng, xin cho chúng con luôn biết biến cả cuộc đời chúng con thành sự gặp gỡ, chia sẻ và yêu thương, nhờ đó chúng con cảm nghiệm được cách sâu xa niềm vui của Nước Trời.

TIỆC CƯỚI
Mt 22, 1 - 14

Sr Mai An Linh, OP

Thánh Kinh Cựu Ước thường dùng bữa tiệc, nhất là tiệc cưới để diễn tả niềm vui, hạnh phúc, trong đó mọi lo toan, mọi buồn phiền đều được giải thoát, chỉ còn là vui mừng hoan lạc (Is.25,6-10a). Tiệc cưới ấy mọi người được mời gọi tham dự, bất kể giầu nghèo, tốt xấu (Mt.22,1-14). Tuy nhiên, muốn được hưởng niềm vui trọn vẹn không dễ, cần phải có ơn Chúa ban “vì tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Phil.4,12-14).

Quả là phụng cụ Lời Chúa, Chúa Nhật 28 hôm nay rất liên kết và nhất quán, từ bài đọc I đến bài đọc III và cả Đáp Ca nữa đều nói về bữa tiệc. Tuy nhiên trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn để nói với tính giả Do Thái, chúng ta thấy có những điều gây thắc mắc, đó là thái độ của ông vua lẫn khách được mời dự tiệc rất kỳ quặc, khó hiểu.

Điều khó hiểu trước tiên là thái độ của khách mời: Bình thường khi được các vị vọng mời dự tiệc, khách được mời sẽ rất hãnh diện, đi khoe mọi người. Ở đây không phải là một chức sắc nhưng là nhà vua có quyền sinh sát mời dự tiệc, và cũng không phải là tiệc bình thường mà là tiệc cưới cho Hoàng Tử. Như thế họ phải vô cùng hãnh diện, mong tới ngày đó biết bao! Vậy mà những khách được mời ở đây lại không hãnh diện và không sợ quyền hành của vua, họ đưa ra nhiều lý do rất tầm thường để khước từ : đi buôn, thăm ruộng…tệ hơn nữa, họ không đến dự tiệc lại còn hành hạ những nhân viên đi mời và giết đi.

Điều khó hiểu thứ hai là hành động của ông vua: Ông mời khách đến mấy lần, mời đi mời lại, năn nỉ họ tham dự. Ông còn tỏ ra hào phóng là thu nạp mọi người, bất luận tốt xấu, giầu nghèo. Thế nhưng khi thấy một thực khách không mặc y phục lễ cưới thì đòi ra lệnh trói chân tay, bỏ vào nơi tối tăm bên ngoài mà khóc lóc nghiến răng. Thật vô cùng khó hiểu!!!

Thật ra khi nói dụ ngôn, Chúa Giêsu cố ý đưa ra những điều bất thường khó hiểu, để những thính giả Do Thái phải phản tỉnh, nghĩ đến họ và tổ tiên họ, để nhận ra sự “ quái gở” của cha ông họ, cũng như bản thân họ. Họ cũng như tổ tiên họ được ưu đãi, nhưng đã chẳng tiếp nhận đặc ân lớn lao đó còn ngược đãi sứ giả của Đấng ưu đãi mình. Chúa Giêsu đã không nói thẳng mà dùng dụ ngôn, tạo ra những điều bất bình thường, khó hiểu gần như không thể xẩy ra trong thực tế. Điều ấy chắc hẳn Ngài muốn cho người nghe thấm cảm về sự bất bình thường của những người khách được mời. Có như thế khi biết dụ ngôn áp dụng cho chính họ, họ mới thấm thía được cái “ quái gở” của bản thân mình.

Tiệc cưới mà Chúa Giêsu đưa ra muốn ám chỉ đến Nước Trời tại thế là Hội Thánh, mọi người được mời tham dự bất luận lành dữ. Hiển nhiên kẻ không mặc áo cưới thuộc vào hạng người dữ, nên mới bị đuổi ra ngoài và ném vào nơi tối tăm, chỗ khóc lóc. Như thế áo cưới là điều cần phải có để được hưởng ơn cứu độ, đừng tưởng cứ gia nhập Hội Thánh là được hưởng ơn cứu độ đâu. Vì Hội Thánh trần gian có cỏ lùng mọc bên cạnh lúa tốt, nên sẽ có sự lựa chọn ngay trong hàng ngũ các kẻ tin. Họ đã được mời, nhưng không phải vì thế mà họ đương nhiên được vĩnh viễn cứu thoát. Số người được gọi rất đông, có nghĩa là người ta để cho nhiều kẻ đi vào mà không phân biệt ai, không đặt một điều kiện nào cả. Họ chẳng cần giữ luật Môsê, chẳng cần phải cắt bì, vì lối vào, được mở rộng thênh thang. Nhưng việc tự do gia nhập này không làm nên một bảo đảm, vào trong cộng đòan Hội Thánh chẳng có nghĩa là vào Nước Trời của thời thế mạt đâu.

Phần chúng ta, Chúa Thánh Thần là sứ giả của Thiên Chúa mời chúng ta đến kết hợp với Ngài, ta đối xử với sứ giả của Thiên Chúa như thế nào? Hàng ngày Ngài mời gọi chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh, chúng ta có thường dùng lý do này lý do nọ để thoái thác không ? Hãy sống theo Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ cảm thấy không còn luật lệ nào ràng buộc, ngoại trừ luật của tình yêu. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta vào con đường mở rộng, con đường của tự do để gặp gỡ Đấng là nguồn mạch sự sống.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ca đảm dứt bỏ mọi vấn vương thế trần, để đáp lại lời mời gọi tham dự tiệc thánh hàng ngày, để nhờ của ăn thần diệu là Mình Máu Chúa, chúng con được sức mạnh đỡ nâng trên hành trình về Trời.

CHIẾC ÁO CƯỚI MANG NHÃN HIỆU GIÊSU
Mt 22, 1 - 14

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Với dụ ngôn “tiệc cưới”, Tin mừng hôm nay muốn khép lại những thắc mắc hay đúng hơn là những hạch hỏi sách nhiễu do các thượng tế và kỳ mục Dothái đưa ra nhằm “hạ bệ” Chúa Giêsu, nhưng đồng thời đó cũng là dụ ngôn- cách nào đó, Chúa Giêsu muốn gửi đến không chỉ cho giới thượng tế và kỳ mục, mà còn cho hết mọi thành phần dân Chúa với lời nhắn : Hãy duyệt xét lại lời mời tham dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa và không ngừng chuẩn bị cho mình có được bộ y phục lễ cưới trong ngày trọng đại ấy.

Mở đầu dụ ngôn, Chúa Giêsu sánh ví Nước Trời như bữa tiệc cưới của hoàng tử diễn ra trong triều đình. Tiệc cưới trong đám thường dân đã là việc trọng đại huống gì là tiệc cưới của bậc vua chúa trong triều. Tin hoàng tử kết hôn được loan đi cùng với đó là “thiệp hồng” báo tin ngày thành hôn của hoàng tử cũng được gửi đến tất cả các bậc vị vọng trong triều đình cũng như các quan cận thần. Để tránh cho quan khách sự cố do lu bu nhiều chuyện mà quên việc đại sự, nhà vua còn cẩn thận sai đầy tớ đến từng nhà để mời họ tới. Những tưởng trước sự quý mến và hết mực tha thiết của vua, quý quan khách sẽ mau mắn đáp lại, thế nhưng họ tỏ ra ù lỳ, không chịu đến.

Trước sự khinh thường của các nhân vật hệ trọng, nhà vua không tỏ ra khó chịu, tức giận hay ngã lòng. Trái lại, ông nhẫn nại sai những đầy tớ khác đến với họ một lần nữa và lần này thông điệp ông muốn gửi đến họ là lời mời cách khẩn thiết và rõ ràng : “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến tham dự tiệc cưới”. Còn lời tha thiết nào hơn những lời mà nhà vua vừa gửi đến cho những nhân vật VIP này. Thế nhưng họ chẳng thèm đếm xỉa. Chưa hết, đã không đếm xỉa, khinh thường lời mời của nhà vua thì thôi, đàng này họ lại bắt đầy tớ vua sỉ nhục và giết chết nữa chứ. Thật là tội tày đình. Bởi thế việc vua nổi cơn thịnh nộ cũng là điều dễ hiểu.

Rõ ràng thái độ phạm thượng của đám người “ưu tuyển” này đã không vì thế làm cho tiệc cưới nhà vua đang tổ chức cho hoàng tử vắng khách. Trái lại, từ khắp các ngả đường, đủ mọi thành phần chứ không còn thành phần ưu tuyển nữa, tất cả đều được mời vào tham dự tiệc cưới. Phòng cưới chật ních khách. Thế nhưng trong bữa tiệc đó, chúng ta thấy có một người không mặc y phục lễ cưới bị nhà vua tra hỏi. Điều này xem ra vô lý vì trước đó, nhà vua cho đầy tớ ra các ngả đường gặp ai bất luận tốt xấu đều mời vào cả, vậy tại sao vua lại tra vấn anh ta vì anh ta không mặc y phục lễ cưới? Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy dụ ngôn nói đến việc anh này “câm miệng không nói được gì” trước sự tra vấn của nhà vua. Tại sao như vậy? Chúng ta có thể lý giải thế này. Hẳn nhiên anh ta không nằm trong số bị ép vào dự tiệc, vì nếu bị ép, anh ta đã lên tiếng khống chế rồi. Như thế anh là người được nhà vua mời trước, nhưng vì lôi thôi, thiếu sự chuẩn bị nên đến giờ vào tiệc cưới, chiếc áo lẽ ra đã được chuẩn bị từ lâu nay lại không có.

Nếu bữa tiệc cưới được nhà vua thết đãi tượng trưng cho Nước Trời thì y phục lễ cưới tượng trưng cho một lối sống chuẩn mực, phù hợp với công dân của nước ấy. Đành rằng “chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng qua cách ăn mặc, cách nào đó chúng ta cũng thấy được tính cách của người đó. Như thế, y phục lễ cưới mà dụ ngôn muốn nhắm đến là gì? Được Thiên Chúa mời gọi vào bàn tiệc nước Thiên Chúa là một hồng ân, nên cách nào đó, chiếc áo mà chúng ta cần phải có chính là một đời sống phù hợp với những yêu cầu đòi hỏi cơ bản mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện. Chiếc áo đó chính là đời sống của Đức Kytô như thánh Phaolô đã từng nhắc nhở các giáo đoàn của ngài. Qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta trở nên con người mới, nghĩa là con người được tái tạo trong Đức Kytô qua cái chết và phục sinh của Người. Chính vì thế, thánh Phalô khuyên chúng ta vì đã trở nên “con người mới”, nên chúng ta cần phải “mặc lấy Đức Kytô”, nghĩa là cần phải được biến đổi theo hình ảnh của Người (x. Gl 3, 27.28; Ep 4, 24). Như thế, chiếc áo mà chúng ta mặc cần phải được biểu lộ không chỉ nơi đời sống cá nhân của mỗi người mà còn phải tỏ hiện trước mặt cộng đồng nữa. Cho hay, mặc lấy Đức Kytô chính là mặc lấy sự công chính, mặc lấy sự thánh thiện và ngược lại, không mặc lấy Đức Kytô cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không thể trả lời câu chất vấn như nhà vua đã đặt ra cho anh chàng dự tiệc không mặc y phục lễ cưới trong dụ ngôn hôm nay.

Tạ ơn Chúa vì Kytô hữu- qua bí tích rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa “gửi thiệp hồng báo tin” tham dự tiệc cưới Nước Trời. Chính vì thế cuộc sống nơi trần thế là thời gian để chúng ta dệt nên “chiếc áo con người mới” và “chiếc áo mang nhãn hiệu Đức Kytô” được thêm công chính và thánh thiện. Có như thế, ngày vào bàn tiệc thiên quốc sẽ là ngày chúng ta hân hoan tiến bước, đồng bàn với Đức Vua, với Hoàng Tử Giêsu chứ không phải là ngày “câm miệng không nói được gì”, là ngày khốn cùng, bị đẩy vào nơi “khóc lóc và nghiến răng”.

MỘT TIN MỪNG CHO MUÔN DÂN
Mt 22, 1 - 14

Lm Trần Thanh Sơn

Đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe là dụ ngôn thứ ba trong loạt ba dụ ngôn mà Đức Giêsu nói với các Thượng Tế và những người đứng đầu trong dân Do Thái tại Giêrusalem. Nếu như ở dụ ngôn hai người con (x. Mt 21, 28-32) tuần 26, Đức Giêsu cho thấy việc làm theo ý Thiên Chúa là điều quan trọng; và dụ ngôn: “Tá điền vườn nho” (x. Mt 21, 33-43), tuần 27 vừa qua là lời cảnh cáo: “Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông và sẽ được ban cho một dân làm ra hoa quả” (Mt 21, 43), thì dụ ngôn “Tiệc cưới” hôm nay, Ngài cho thấy sự ứng nghiệm của lời cảnh báo đó. Những người khách được mời trước đã từ chối, thì bị tru diệt. Đồng thời, cũng từ giây phút này, một viễn tượng mới được mở ra với lệnh truyền của nhà vua: “Các ngươi hãy ra các ngã đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Như thế, Tin mừng giờ đây không còn bị giới hạn trong dân tộc Do Thái nữa, nhưng sẽ được trao cho muôn dân, cho tất cả những tâm hồn thiện chí.

1. TỪ MỘT LỜI HỨA :
Một Tin mừng cho muôn dân. Điều này đã được ngôn sứ Isaia báo trước cách đó hơn 600 năm. Lúc bấy giờ, dân Do Thái đang phải lưu đày tại đế quốc Babilon. Đất nước bị mất vào tay dân ngoại, đền thờ bị tàn phá, dân Chúa tưởng chừng như không còn gì để hy vọng. Niềm tin vào Giavê Thiên Chúa bị lung lay. Họ không biết Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban Đấng Messia như thế nào. Nhưng chính giữa cảnh lưu đày đau thương đó, ngôn sứ Isaia đã loan báo một tin vui, đem lại niềm hy vọng lớn lao cho họ: “Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời, Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người” (Is 25, 7-8). Không chỉ giải thoát dân Do Thái trở về, đem lại tự do cho họ, nhưng Thiên Chúa còn làm cho họ trở nên một dân lớn, và muôn dân trên khắp thế giới sẽ nhận biết Ngài là Thiên Chúa. Lúc đó, “Chúa các đạo binh sẽ thết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon” (Is 25, 6).

Như thế, Giavê Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa của một dân tộc Do Thái, nhưng là Chúa của muôn dân; và thực khách trong bữa tiệc của Ngài không chỉ là dân Israel, nhưng là toàn thể các dân tộc. Mọi dân tộc sẽ được hưởng sự chăm sóc, yêu thương của Ngài như cảm nghiệm của thánh vương Đavít trong bài đáp ca: “Chúa chăn dắt tôi, nên tôi không thiếu gì; Người cho tôi nằm trong đồng cỏ xanh tươi. Người đưa tôi nghỉ ngơi nơi bờ suối nước; Chúa dọn bàn tiệc đãi tôi trước mắt quân thù tôi” (Tv 22, 1-2. 5a).

Dù vậy, đây cũng chỉ mới là một lời loan báo, một lời hứa. Năm 587, dân Do Thái đã được hồi hương. Thế nhưng, từ nơi lưu đày trở về họ vẫn tiếp tục bị các đế quốc Ba Tư, rồi Hy Lạp, và La Mã đô hộ. Do đó, dân Israel vẫn tiếp tục chờ mong bữa tiệc thịnh soạn mà ngôn sứ Isaia đã loan báo.

2. GIÁO HỘI, LỜI HỨA ĐƯỢC THỰC HIỆN :
Với sự xuất hiện của Đức Giêsu, lời hứa của ngôn sứ Isaia đã được thực hiện. Chính Ngài là Đấng qui tụ muôn dân để thết đãi họ một bữa tiệc. Điều này được Đức Giêsu diễn tả qua dụ ngôn tiệc cưới trong bài Tin mừng hôm nay. Thực khách của bữa tiệc này, trước hết là dân Do Thái, một dân tộc đã được tuyển chọn. Thế nhưng họ đã từ chối. Tin mừng ghi lại thái độ của họ như sau: “Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến”. Thậm chí, họ còn “không đếm xỉa gì và bỏ đi”. Dân tộc Do Thái, một dân đã được vinh dự mời đến dự tiệc cưới của một vị hoàng tử, có tên gọi là Giêsu, nhưng họ đã không nhận ra hồng ân này. Họ đang còn bận rộn với những công việc thường ngày của họ: “Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán”. Họ đã từ chối Người hảo ý của nhà vua. Thậm chí, họ còn “bắt các đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”. Họ đã phải trả giá đắt cho hành vi vô ơn, bội nghĩa của mình, nhà vua đã “sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó”. Đúng là “rượu mừng không uống, lại muốn uống rượu phạt”.

Dân được chọn đã từ chối mà tiệc cưới thì không thể không có thực khách, nhà vua đã nói với các đầy tớ: “Các ngươi hãy ra các ngã đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Như thế, thực khách của bữa tiệc này đã không còn bị giới hạn. Tất cả mọi người đều được mời vào để dự bữa tiệc đã được đã được dọn sẵn. Và “phòng cưới chật ních khách dự tiệc”. Một dân mới được thiết lập để thay cho dân cũ. Dân mới này chính là Giáo Hội. Giáo Hội là dân mới được Đức Giêsu thiết lập để thay thế cho dân cũ đã từ chối Ngài. Mọi người đều được mời gọi vào Giáo Hội “bất luận tốt xấu” để tham dự tiệc cưới của Con Chiên tinh tuyền là Đức Kitô (x. Kh 19, 7-9) nơi bàn tiệc Thánh Thể.

Tuy nhiên, để thực sự xứng đáng với bữa tiệc này, mỗi người cần có “y phục lễ cưới”.

3. ĐIỀU KIỆN ĐỂ THAM DỰ TIỆC CƯỚI :
Y phục lễ cưới” chính là điều kiện duy nhất cho người tham dự bữa tiệc vui này, bất kể đó là nam hay nữ, giàu hay nghèo, bất kể màu da, ngôn ngữ, sắc tộc hay tuổi tác. Tất cả nếu muốn tham dự bàn tiệc này cần có “y phục lễ cưới”. Khi cho gọi tất cả đủ mọi hạng người vào dự tiệc cưới, nhà vua không đặt ra cho họ một điều kiện nào ngoài “y phục lễ cưới”.

Chiếc áo cưới này phải chăng là một đời sống công chính trong Đức Kitô. Mỗi người được mời gọi vào Giáo Hội nhờ phép Rửa, không đương nhiên là được cứu độ. Vào ngày lãnh nhận phép Rửa, chắc hẳn quý ông bà anh chị em còn nhớ lời căn dặn của thừa tác viên: “Con hãy nhận lấy chiếc áo trắng này và hãy mang lấy và gìn giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Như thế, muốn xứng đáng là một thực khách trong bữa tiệc của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta phải mặc lấy Đức Kitô, hay nói theo cách nói của thánh Phaolô, chúng ta phải “mặc lấy con người mới” (x. Ep 4, 24; Cl 3, 10). Giữ chiếc áo trắng ngày Rửa Tội cho thật tinh tuyền cho đến mãn đời, quả thật là điều khó, nếu không muốn nói là vượt quá khả năng tự nhiên của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta biết trông cậy vào Thiên Chúa thì lại là chuyện khác, thánh Phaolô xác tín: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”.

Mỗi lần tham dự Thánh Lễ là mỗi lần, chúng ta được mời đến dự bàn tiệc của Thiên Chúa, bàn tiệc Thánh Thể. Thế nhưng chúng ta đã đáp lại lời mời này của Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta có cảm thấy niềm vui và vinh dự khi được đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể không? Hay là chúng ta cũng như những người Do Thái vẫn dửng dưng với lời mời gọi này. Chúng ta nghĩ rằng rước lễ cũng được mà không rước cũng chẳng sao. Số phận của những người từ chối hôm nay là một lời nhắc nhở cho từng người chúng ta. Mặt khác, để có thể rước lễ một cách xứng đáng, mỗi người chúng ta cũng cần có “y phục lễ cưới”, nghĩa là giữ tâm hồn sạch khỏi mọi tội trọng và dọn mình chu đáo.

Lắng nghe lời Chúa hôm nay, ước gì mỗi người chúng ta mau chóng đáp lời mời đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Đồng thời cũng mặc lấy áo cưới là tâm hồn sạch tội. Nhờ đó, chúng ta sẽ hưởng được niềm vui sung mãn trong bữa tiệc của Thiên Chúa. Amen.

TIỆC CƯỚI và CHIẾC ÁO MỚI
Mt 22, 1 - 14

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Sống ở đời không nhiều thì ít chúng ta cũng được mời đi tham dự một lễ cưới, một tiệc cưới nào đó. Và đó là những sinh hoạt đời thường trong cuộc sống hàng ngày. Hôm nay, Chúa nhật 28 thường niên, năm A, các bài đọc và đặc biệt đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu trình bầy dụ ngôn một ông vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Nếu đám cưới như mọi đám cưới chúng ta thường thấy trong xã hội, trong thôn làng chúng ta đang sống thì chẳng cần nói làm gì. Đàng này, tiệc cưới ông vua tổ chức xem ra khác thường, từ những vị khách mời, đến cách tham dự, nhất là cách xử sự của vua, cho chúng ta thấy có điều gì không bình thường, và đó là điều chúng ta phải lưu tâm và đó là điều Chúa Giêsu muốn dạy.

MỘT TIỆC CƯỚI KHÁC THƯỜNG :
Chúng ta đã nhiều lần tham dự các tiệc cưới, những lễ nghi cưới hỏi vv…Thực tế, không có một tiệc cưới nào lại khác lạ như tiệc cưới mà dụ ngôn hôm nay trình bày. Đây không phải là tiệc cưới bình thường như những tiệc cưới khác. Nhưng, nói đúng hơn, tiệc cưới này là tiệc cưới nước trời. Ông chủ là Thiên Chúa, Đấng đã đứng ra mở tiệc để khoản đại nhân loại, khoản đại mọi người. Thiên Chúa mời gọi mọi người, Người không loại trừ bất cứ ai, miễn là khi vào dự tiệc cưới, họ phải mặc áo cưới. Thiên Chúa dọn sẵn bữa tiệc cưới linh đình, vui nhộn, vinh quang. Không có một tiệc cưới nào ở trần gian lại có thể so sánh với bữa tiệc nước trời do Ngài khoản đãi. Thiên Chúa mời gọi con người tham dự tiệc cưới qua miệng các ngôn sứ và đặc biệt qua Chúa Giêsu. Thiên Chúa mời gọi nhân loại, con người và mỗi người chúng ta sửa soạn bộ áo cưới bằng những công việc bác ái, kính Chúa yêu tha nhân. Áo cưới cũng còn có nghĩa là sự hoán cải, thống hối và trở về của con người đối với Chúa. Đó là sự sám hối chân thật.

CHÚA MỜI GỌI MỌI NGƯỜI :
Rõ ràng tiệc cưới Thiên Chúa khoản đãi mọi người và Thiên Chúa không loại trừ bất kỳ ai cả. Nhân loại nói chung và mỗi người chúng ta đã có nhiều đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa qua trung gian Con Một yêu dấu của Ngài là Chúa Kitô và Giáo Hội. Chúng ta là Kitô hữu đến dự tiệc không chỉ với tư cách khách được mời nhưng đúng hơn chúng ta là người trong gia đình Giáo Hội. Chúng ta mỗi ngày đã được tham dự vào bữa tiệc cưới ấy qua Bí tích Thánh Thể, nguồn lương thực nuôi sống linh hồn và thể xác đợi ngày cánh chung trong tiệc cưới nước trời. Thiên Chúa sai Con Một của Ngài tới trần gian để mang ơn cứu độ và ơn cứu độ không dành riêng cho một dân tộc nào, một cá nhân nào mà ơn cứu độ có tính phổ quát, bao gồm tất cả mọi người : tất cả mọi người sinh ra đều được mời gọi đón nhận ơn cứu độ, nhất là những người yếu hèn, tội lỗi. Điều này diễn tả sáng kiến do lòng thương xót, nhân từ của Thiên Chúa.

NHÂN LOẠI, MỖI NGƯỜI PHẢI ĐÁP TRẢ THẾ NÀO ?:
Ơn cứu độ Thiên Chúa mang đến hoàn toàn nhưng không. Người Do Thái đã vịn nhiều lý do để từ chối ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đối với nhân loại, đối với mỗi người chúng ta, chúng ta phải đáp trả lời mời gọi này của Thiên Chúa như thế nào ? Hay chúng ta vẫn như người thanh niên giầu có trong Tin Mừng vẫn còn thích dính bén tiền của, vật chất, danh vọng mà quên đi lời mời gọi của Chúa Giêsu. Do đó, muốn vào tham dự tiệc cưới nước trời, chúng ta phải mặc áo cưới nghĩa là có ơn thánh để vượt thắng những cản trở và trang sức cho tâm hồn. Ơn thánh là việc thống hối, ăn năn, hoán cải, phục thiện, làm những điều lành, bác ái, hy sinh. Thiên Chúa đầy tình thương, lòng của Ngài đầy xót thương và giầu tha thứ. Chúng ta phải đáp lại tình thương của Ngài thì mới xứng đáng tham dự vào bữa tiệc tình thương của Ngài. Chúng ta là Kitô hữu sống trong Giáo Hội của Chúa, được làm con của Chúa và Giáo Hội qua Bí tích thanh tẩy. Điều đó vẫn chưa đủ cho chúng ta được cứu rỗi, nhưng chúng ta còn là người được chọn. Bởi vì Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít. Chúng ta luôn được đề cao tỉnh thức, sám hối và làm những việc bác ái, đồng thời sống bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi.

ÁP DỤNG VÀO THỰC TẾ :
Thiên Chúa mời gọi con người vào dự tiệc nước trời. Tuy nhiên, đời sống con người là một cuộc chiến đấu không ngừng. Cuộc hành trình tiến về nước trời đòi phải phấn đấu, hy sinh. Con đường dẫn tới bàn tiệc nước trời là con đường hẹp, đường thập giá. Do đó, Kitô hữu phải là người luôn ý thức vai trò, nghĩa vụ của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân. Sống trong Giáo Hội chưa đủ để con người được ơn cứu rỗi, nhưng nó còn đòi hỏi mỗi Kitô hữu phải nhất quyết đẩy lùi tội lỗi, đẩy xa nhưng dính bén của vật chất, danh vọng và dục vọng, sống bền đỗ tới cùng mới nhận được phần thưởng xứng đáng là thấy mặt Chúa và được cuộc sống vĩnh viễn trên nước trời.

CẦN MỘT TẤM LÒNG
Mt 22, 1 - 14
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Một trong những cung cách giảng dạy của các danh sư là dùng các câu chuyện kể. Khi sinh thời, Chúa Giêsu cũng đã từng làm người kể chuyện. Cách kể chuyện của Chúa hẳn rất có duyên khiến cho đám đông thính giả say sưa nuốt từng lời, từng câu nói. Chúa Nhật XXVIII TN A này, Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu kể năm nào : “ Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử. Đến hẹn, vua sai gia nhân đi mời quan khách. Ngày xưa, đi dự tiệc cưới của hoàng cung có phải mang theo quà cáp hay phong bì chăng ? Ngày nay rất nhiều người cứ đến mùa cưới là như trong tư thế sẵn sàng đi trả nợ đời. Cứ mỗi tấm thiệp mời ăn cưới là một tờ giấy báo nợ không bằng. Tìm được cớ hợp lý để thoái thác tham dự một tiệc cưới kể như lập một chiến công, dù không trọn vẹn, vì cũng phải nhờ người gửi quà biếu, nhưng dẩu sao cũng tiết kiệm được một buổi công làm. Tuy nhiên hầu hết đây là những trường hợp “được hay bị mời”, kiểu phải đáp lễ, ít có liên hệ họ hàng hay thân thuộc.

Trở lại với câu chuyện dụ ngôn Chúa kể. Được vua mời dự tiệc cưới hoàng tử quả là một vinh dự to lớn mà nhiều người thời phong kiến hằng ước ao. Không chỉ vì mình được nhà vua sủng ái mà còn có nhiều vận hội lớn, mỗi khi được dịp vào hoàng cung, được dịp gặp gỡ bao vị quyền chức cao trọng. Hơn nữa, ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rõ sự hào phóng của đức vua : Thịt thì béo, rượu thì ngon mà khỏi phải trả đồng nào ( x. Is 25,6; 55,1 ). Thế mà những người được mời lại nỡ tâm từ chối với những lý do không chút tương xứng : đi thăm nông trại, đi buôn bán. Có kẻ lại bắt đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết ! Không thể hình dung và cũng chẳng thể hiểu được.

Chuyện hình như không thể xảy ra trong đời thường thì lại rất có thể có trong đời sống đức tin, và thực sự đã hiển nhiên với lịch sử đoàn dân được tuyển chọn ngày xưa. Israel, họ được Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến hưởng nhận bao ân phúc của Người. Chỉ là một dân nhỏ bé giữa các dân, họ chẳng có gì xứng đáng. Tất thảy chỉ vì tình Chúa bao la. Chúa sủng ái họ cách đặc biệt hơn các dân. Thế mà khi sai các đầy tớ là các sứ ngôn đến mời gọi thì họ lại chối từ và còn nhẫn tâm hãm hại các ngài. Chính sự vô tình và sự nhẫn tâm của họ đã kết án họ, đã loại họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi muôn dân khắp thiên hạ đã được mời vào dự tiệc của Thiên Chúa. Thiên hạ sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài. Người ta bị loại chỉ vì thiếu một tấm lòng.

Chúa Giêsu kể thêm một câu chuyện khác cũng về tiệc cưới của hoàng tử. Khi đức vua vào phòng tiệc thì thấy một người không mặc y phục lễ cưới. Đi dự một đám cưới mà trên người chỉ có chiếc “may – ô” và cái quần cộc hay với bộ đồ đen của “đám tang” thì quả là xấc xược với đôi tân hôn, với chủ tiệc và với cả quan khách. Lại còn ương ngạnh, không thèm trả lời khi được chất vấn, thì quả là người chẳng coi ai ra gì, đúng hơn là chẳng biết nghĩ đến kẻ khác. Đi dự một lễ hội, tiệc tùng hay đình đám thì chuyện mặc y phục gì, kiểu dáng ra sao, màu sắc thế nào…không nguyên là để làm đẹp bản thân mà tiên vàn là để tôn trọng chủ nhà, tôn trọng nội dung, bầu khí buổi lễ, buổi tiệc…Đã là người biết nghĩ, thì không ai ăn mặc hở hang, lòe loẹt đi dự đám tang và cũng chẳng có ai mặc toàn màu đen đi dự đám cưới.

Nguời không biết nghĩ đến kẻ khác thì không xứng đáng dự tiệc nước trời, vương quốc của tình yêu. Vào đạo, gia nhập Hội Thánh…mà chỉ biết lo cho bản thân mà thôi, cho dù là phần rỗi linh hồn mình, thì không xứng đáng lãnh nhận ân tình của Chúa. Chốn khóc lóc và nghiến răng là nơi dành cho những kẻ chỉ biết sống cho riêng mình.

Được làm con cái Chúa thì phải lấy danh Chúa làm trọng. Nguyện xin cho danh Cha cả sáng. Được làm tín hữu trong Hội Thánh thì phải mến yêu người mẹ sinh ta trong đức tin. Xin gìn giữ Hội Thánh Chúa trong chân lý và binh an. Được làm con dân nước Việt thì phải đồng hành với dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Xin cho quê hương được thái bình thịnh vượng trong công lý. Những lời cầu xin cũng là những ý chỉ định hướng cuộc đời ta, hành vi của ta.

Những ngày vừa qua, truyền thông đại chúng nước nhà đất Việt chúng ta đã dùng xảo kế làm méo mó chân dung một vài đấng bậc trong Hội Thánh, gieo rắc ác cảm nơi tâm hồn nhiều bà con lương dân và khác đạo. Chính quyền Hà Nội lại còn dùng bạo lực đối xử cách bất công với nhiều tín hữu Công giáo. Là người đang cùng chung bữa căn nhà Hội Thánh, chúng ta hẳn đau xót cách này cách khác. Thế nhưng, sau một vài ngày, một vài tuần, lòng ta có lại dửng dưng như chưa có chuyện gì xảy ra ? Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai tự bằng lòng với một vài lời kinh hiệp thông cầu nguyện để che dấu tấm lòng ích kỷ chỉ lo cho riêng mình, sợ bị phiền toái, sợ bị bách hại hay sợ ảnh hưởng đến đường thăng tiến tương lai.

Trước tình cảnh đất nước nhiễu nhương vì nạn tham nhũng, gian dối, bạo lực, bất công… là đồng bào, là người con cùng một dạ mẹ tổ quốc, chúng ta có dừng lại ở một vài xuýt xoa, than thở, tán gấu vĩa hè…để rồi phủi tay xem như chuyện của người khác phải lo, phải liệu, chứ không phải của tôi ? Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai đóng khung các mối lo toan bằng vòng tay của bản thân hay các cánh cửa gia đình riêng mình.

Lạy Chúa xin cho chúng con có một tấm lòng.

TIỆC CƯỚI và Y PHỤC TIỆC CƯỚI
Mt 22, 1 - 14

Anmai, CSsR

Bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ Isaia chúng ta vừa nghe đấy khá quen thuộc với Kitô Hữu chúng ta. Thường trong các thánh lễ an táng, lời ngôn sứ này được công bố để nói lên niềm tin, niềm an ủi, niềm cậy trông mà Thiên Chúa hứa ban cho con người, đặc biệt khi gia đình rơi vào cảnh chia ly, mất mát người thân yêu trong gia đình.

Niềm an ủi đấy được ngôn sứ Isaia công bố rõ rệt : “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc : tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế”. Không chỉ được đãi tiệc và rượu cách thịnh soạn mà còn : “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy. “

Và ngôn sứ Isaia lại nói tiếp với chúng ta : “Ngày ấy, người ta sẽ nói: "Ðây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ."

Lời của ngôn sứ Isaia vang vọng cách đây hơn hai ngàn năm, lời hứa của Đức Chúa qua môi miệng ngôn sứ Isaia vẫn còn tồn tại và Đức Chúa vẫn đãi tiệc cho dân của Chúa mỗi ngày trên bàn tiệc Thánh, trên cuộc lữ hành trần thế. Hình ảnh bữa tiệc thịnh soạn mà Isaia loan báo đó được hiện tại hoá mỗi ngày nơi Bàn Tiệc Thánh Thể. Bàn Tiệc Thánh Thể mà Chúa mời gọi mỗi người đến tham dự như là hình ảnh Bàn Tiệc Nước Trời mà Chúa nói trong trang Tin Mừng theo Thánh Matthêu hôm nay.

Trang Tin Mừng kể một lễ cưới long trọng cuûa một ông vua mở tiệc cưới cho hoàng tử. Câu chuyện tiệc cưới này có cái gì khác thường, từ thực khách cho đến những sự tham dự, và nhất là cách xử sự của chủ tiệc, cho chúng ta thấy có điều gì không bình thường, và đó chính là điều Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta. Trong thực tế, có lẽ chẳng có tiệc cưới nào diễn ra như thế. Đúng, đây không phải là một tiệc cưới bình thường, mà là tiệc cưới Nước Trời : đức vua mở tiệc cưới là Thiên Chúa. Hoàng tử của nhà vua là Chúa Giêsu. Các đầy tớ được sai đi mời khách là các ngôn sứ. Khách được mời lần đầu là dân Do Thái. Họ đã từ khước lời mời của Thiên Chúa và giết hại các ngôn sứ, thậm chí họ còn giết luôn cả hoàng tử Giêsu. Những người được mời kế tiếp là dân chúng ở khắp hang cùng ngõ hẻm, tức là mọi người, bất kỳ ở đâu, cũng được mời gọi vào nước Chúa.

Câu chuyện của Chúa Giêsu tưởng chừng như xa rời thực tế nhưng thật sự quá hay, quá thiết thực với mỗi Kitô Hữu.

Thử nhìn lại cuộc đời mỗi người, đành biết rằng cần phải kiếm miếng cơm manh áo để đắp đổi đời sống qua ngày nhưng xin hỏi rằng miếng cơm manh áo đấy có phải là tất cả cùng đích của cuộc đời, của con người không ? Một thân xác xem ra “nặng ký”: đẹp về ngọai hình, cân đối về thể chất, vạm vỡ về sức lực hay tròn trịa về ký lô đi nữa mà chẳng có một chút gì để cho Thiên Chúa hiện diện, chẳng có một chút gì dành cho đời sống tâm linh thì thử hỏi thân xác đó có thể làm được gì ? Đẹp, to, béo, tròn nhưng chỉ cần một cơn gió thoảng qua thôi thì cái thân xác to béo đấy cũng chỉ nằm gọn trong chiếc quan tài 4 miếng dài và 2 miếng vuông thôi.

Phải nói thẳng với nhau một thực trạng đau lòng đó là ngày hôm nay, con người ta cứ mãi miết để lo cho thân xác mình mà lại đánh mất đi cái lương thực tâm linh, lương thực nuôi hồn người ta đó chính là Bàn Tiệc Thánh Thể.

Chúa Giêsu đã hơn một lần nhắc nhở các môn đệ cũng như nhắc nhở mỗi người chúng ta :” người ta sống không nguyên bởi cơm bánh nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Ngày hôm nay, chạy theo trào lưu của xã hội, con người đã đánh mất cái cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Họ đánh mất Thiên Chúa để rồi họ chẳng cần tìm đến Thiên Chúa nữa, họ cứ tưởng rằng : họ viện cớ này, viện cớ kia cho công việc làm ăn riêng tư của họ để họ khước từ Bàn Tiệc của Chúa thì họ thanh thản và bình an.

Họ cứ cắm cúi và thậm chí hao mòn sức khoẻ để đầu tư vào những kho tàng mà sẽ bị mối mọt đục khoét, họ quên đi kho tàng của họ là ở trên trời, nơi đó trộm cướp không đào ngạch và mối mọt không đục khoét được. Nhiều người ngày hôm nay đã vịn cớ vào công ăn việc làm, vào miếng cơm manh áo để không còn mặn mà với Bàn Tiệc Lời Chúa, Bàn Tiệc Thánh Thể nữa.

Con người ngày nay không chỉ khước từ và viện cớ là bận rộn với công việc để không đến được với Bàn Tiệc Thánh, mà như Chúa nói hôm nay trong Tin Mừng là họ có thể giết luôn cả người con yêu dấu của Đức Vua. Chính cái lối sống nhiều khi là phản chứng Tin Mừng, phản bội lòng tin, lòng cậy, lòng mến mà Đức Vua mời gọi đã nói lên việc họ giết Hòang Tử. Hoàng Tử được Đức Vua sai đến loan báo một lòng tin, một lòng cậy, một lòng mến, nhưng nhiều người đã không tha thiết gì với lời loan báo ấy, bằng cách đẩy ra khỏi mình lòng tin, cậy,mến và như thế là họ đã giết hoàng tử như nhà vua tiên báo.

Cũng chẳng cần đợi đến ngày chung cuộc, chủ tiệc sẽ mời họ ra không cho dự bàn tiệc Thiên Quốc nữa. Nhưng chính ngày hôm nay, bất cứ giây phút nào trong cuộc đời, Chủ Tiệc cũng có thể mời họ về và khi này họ phải về tay không và họ mất cả chì lẫn chài. Kho tàng dưới đất mà bấy lâu nay đổ mồ hôi, sôi con mắt tìm kiếm cũng đành phải để lại cho người khác hưởng dùng.Còn họ không thể bước vào Bàn Tiệc Thiên Quốc được vì ngày mỗi ngày trong đời tạm này họ có thiết tha gì với Thiên Chúa đâu ?

Chúng ta để ý một chút, chi tiết này cực kỳ quan trọng đó là đang bữa tiệc diễn ra, đức vua phát hiện có một anh không mặc y phục lễ cưới nên đã bị vua sai đầy tớ đuổi anh ra ngoài không cho anh dự tiệc cưới nữa. Tôi trộm nghĩ rằng, anh ta là người cũng đon đả đi vào dự tiệc khi được mời nhưng anh ta không chuẩn bị một y phục của lễ cưới. Chúa Giêsu, trong trang Tin Mừng này không hề mô tả y phục của lễ cưới Nước Trời, lễ cưới của Hoàng Tử là gì nhưng ta có thể hiểu ý Chúa Giêsu rằng : anh ta đã không chuẩn bị cho mình tư cách để đi dự tiệc. Chúa hoàn toàn không đặt vấn đề gì về sính lễ, về qùa cáp như người đời thường suy tính. Chúa chỉ gợi lên là không mặc y phục lễ cưới ! Y phục ấy phải chăng là thái độ, tâm tình phải có khi đi dự tiệc cưới Con Chiên. Thái độ, tâm tình đó phải chăng là lòng mến, là tình yêu, là lòng bác ái đối với Vua và Hoàng tử. Chắc có lẽ anh chàng này đi dự tiệc cưới của Hoàng Tử nhưng còn khoác trong mình bộ áo của hận thù, ghen ghét, kiêu căng nên bị Vua đuổi ra chăng ?

Tiệc cưới của Hoàng tử này ta nên nhớ là mời tất cả mọi người khắp hang cùng ngõ hẻm, không phân biệt giàu nghèo. Chủ tiệc sai đầy tớ đi mời tất cả những người phải nói là đầu đường xó chợ vào dự tiệc thì chắc chắn rằng chiếc áo mà chủ tiệc nói không phù hợp với tiệc cưới đây không phải là chiếc áo bằng vải, bằng vật chất mà thực khách khi dự tiệc phải mang. Cái áo cưới ở đây được nhà vua nhắc đến chính xác là chiếc áo tâm hồn, là tấm lòng của thực khách mà chỉ duy nhất Nhà Vua - Thiên Chúa quyền năng - nhận ra mà thôi.

Rồi đây, ngày tận thế cũng sẽ đến và như lời Chúa đã hứa : bất luận ai đi nữa, giàu hay nghèo cũng được mời để vào dự tiệc cưới Hoàng tử. Chuyện quan trọng hôm nay Chúa nói rồi, Chúa nói cho mỗi người chúng ta là chúng ta phải chuẩn bị y phục như thế nào để khi vào dự tiệc cưới chúng ta sẽ không bị chủ tiệc đuổi ra ngoài. Y phục mà Chúa muốn, y phục mà Chúa cần mỗi người có không phải được dệt bằng lụa là gấm vóc, không phải được mua từ cửa hiệu Việt Tiến, may Nhà Bè hay thun Cá Sấu đắt tiền nhưng y phục ấy chính là lòng khiêm hạ, lòng tin, lòng cậy, lòng mến Chúa và nhất là lòng mến đối với anh chị em đồng loại là những người đang sống chung với chúng ta.

Chúng ta đang sống trong cuộc lữ hành trần gian, chúng ta đừng quên rằng quê hương đích thực của chúng ta ở quê Trời. Chúng ta cũng đừng quên rằng tiệc cưới quan trọng nhất, cùng đích nhất của chúng ta chính là tiệc trên Trời. Những tiệc cưới trần gian này ta đi dự sao cũng được, thậm chí ta không đi dự cũng được nhưng chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội như nhiều người đã khước từ trong trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe Thánh Matthêu thuật lại.

Dâng Thánh lễ hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta được tận hưởng trước tiệc cưới trên quê trời. Muốn chung vui với chủ tiệc lòng chúng ta phải thanh sạch, chúng ta phải dẹp bỏ mọi oán hờn ghen ghét để dự bàn tiệc Thánh Thể. Cũng thế, muốn tham dự bàn Tiệc Nước Trời, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trang bị cho lòng chúng ta những bộ y phục xứng đáng với y phục mà Chúa mong muốn.

Nguyện xin Chúa Giêsu là Chúa, là Vua của chúng ta đến giúp mỗi người chúng ta biết chuẩn bị y phục theo lòng Chúa mong muốn để ngày sau, chúng ta được cùng vào hưởng tiệc cưới Nhà Vua dọn sẵn trên Nước Trời.

TIỆC CƯỚI, ÁO CƯỚI
Mt 22, 1 - 14

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Đọc xuyên suốt Tin Mừng Chúa Giêsu, chúng ta hiểu được thế nào là Nước Trời mà Ngài luôn công bố. Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để nói về Nước Trời. Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu ví: “ Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình “ ( Mt 22, 2 ). Tin Mừng cho thấy ý nghĩa sâu xa của dụ ngôn.

Tiệc cưới trong đoan Tin Mừng Matthêu 22, 1-14 có một cái gì thật khác lạ, có một cái gì đó lạ đời bởi vì Ông chủ tức Vị Vua mở tiệc cưới cho hoàng tử nhưng các khách được mời đều kiếm lý do để từ chối, người lý do này kẻ lý do khác, thậm chí họ còn sỉ nhục các đầy tớ vua sai đi mời và giết đi. Rồi sau cùng, vua sai đầy tớ đi mời tất cả mọi người bất kể tốt xấu vào dự tiệc cưới vua đã dọn sẵn. Vua đi vào quan sát và thấy một thực khách vào dự lễ cưới nhưng lại không mặc áo cưới. Vua ra lệnh cho gia nhân: ” Trói chân tay nó lại quăng nó ra chốn tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! Vì kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít “ (Mt 22,14 ).

Tại sao những khách được mời tới dự tiệc trong dụ ngôn lại từ chối lời mời đến dự tiệc cưới, lời mời của một vị vua ? Dụ ngôn muốn ám chỉ đến Kinh sư, Pharisêu và những người chống đối Chúa Giêsu, những người đã bất mãn với thái độ thân tình của Chúa Giêsu đối với những người thu thuế và những người tội lỗi. Thực tình, họ đang chế diễu Chúa Giêsu, không muốn chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Thế. Những hạng người này đang âm mưu giết Chúa và khi đứng dưới chân Thánh Giá, họ cười nhạo Ngài.

Chúa Giêsu đã dùng bữa ăn để nói lên những giá trị cao quí nhất trong đời sống con người. Bữa ăn là nơi gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, vui mừng, hân hoan. Vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa đã dùng bữa ăn, tiệc cưới để nói lên những thực tại Nước Trời. Chiếc áo cưới là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui mừng, phấn khởi con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.

Chiếc áo cưới cũng có nghĩa là chiếc áo trắng mỗi Kitô hữu đều mặc ngày lãnh nhận Bí tích rửa tội. Chiếc áo trắng là tâm hồn trong trắng, đơn sơ, thanh khiết của những môn đệ Chúa đã được thanh tẩy bằng máu Chúa Kitô và được thanh luyện bằng Lời Chúa. Chiếc áo trắng là tâm hồn thánh thiện, đạo đức khi người Kitô hữu lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô.

Cuộc đời người môn đệ Chúa không bao giờ được đóng khung trong cái nhãn hiệu mình là người Công giáo mà lại quên đi những thực tại trần gian này rồi sẽ qua mau, cuối cùng chỉ còn lại sự sống vĩnh cửu và Nước Trời mà Kitô hữu luôn khát khao tìm kiếm. Chúa phán “…Nếu người ta được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ?” ( Mt 16, 26 ).

Có những người sau hết sẽ lên trước nhất và những người trước hết sẽ nên sau hết. Điều này, quả thực rất đúng với người Do Thái vì họ được Thiên Chúa tuyển chọn nhưng họ đã chối từ Chúa, không tin nhận Chúa là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Người Kitô hữu là người đã mặc chiếc áo trắng ngày lãnh nhận Bí tích rửa tội, họ mặc lấy Đức Kitô, mặc lấy con người mới, nghĩa là họ tin tưởng, tín thác nơi Chúa và tin tưởng ơn cứu chuộc do Chúa mang đến cho họ.

Người môn đệ Chúa sẽ mất Nước Trời, nếu họ chỉ nói “ Lạy Chúa ! Lạy Chúa “, nhưng không mặc lấy Đức Kitô và không lắng nghe và thực thi Lời Chúa trong đời sống của mình.

Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội.
Nào có ai đứng vững được chăng ?
Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ,
Lạy Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en ( Tv 129, 3-4 ).

Lạy Thiên Chúa toàn năng, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy ( Lời nguyện nhập lễ, Chúa nhạt XXVIII thường niên, năm A ).

TIỆC CƯỚI VỚI BỐN NGHỊCH THƯỜNG
Mt 22, 1 - 14

LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

Cách đây 3 năm, 29-4-2011, Hoàng tử William của hoàng gia Anh và công nương Kate Middleton đã trao đổi lời thệ ước hôn nhân tại Đại Thánh đường cổ kính Wesminter. Đây là lễ cưới cung đình.

Hai ngàn năm trước, Chúa Giêsu cũng đã ví Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Chuyện từ 20 thế kỷ trước, ta tưởng như chuyện đời xưa mà lại không cũ chút nào, vì mới diễn ra gần đây.

Mùa xuân 1947 cả thế giới chú ý đến hàng tít lớn trên trang nhất của báo chí cho biết công chúa Elizabeth của nước Anh sẽ sánh duyên cùng hoàng tử Philip gốc Hi lạp. Cuộc tình duyên này quan trọng vì công chúa Elisabeth sẽ lên ngôi kế vị vua cha trị vì không những vương quốc Anh, Bắc Ai-len và còn đứng đầu khối Thịnh Vượng Chung gồm trên 50 nước lớn nhỏ (Ấn, Canada, Úc…). Lễ được tổ chức tại Thánh đường Wesminter cổ kính ngày 20/11/47. Người ta không những nhìn xem hai nhân vật chính là cô dâu chú rể nhưng còn chăm chú điểm danh những nhân vật quan trọng từ quốc trưởng, tổng thống, vua chúa... đến các nhà quí tộc, tài phiệt. Không ai được mời mà muốn vắng mặt trong lễ cưới, trong tiệc mừng long trọng như vậy. Đó là chuyện bình thường dễ hiểu.

Nhưng dụ ngôn của Chúa hôm nay ví Nước Trời như một chuyện bình thường : vua mở tiệc cho hoàng tử, nhưng lại mang đầy những chi tiết không bình thường chút nào, nếu không nói là nghịch thường quá khác lạ. Ta nhận ra được ít là bốn khác lạ nghịch thường so với một đám cưới tương tự trong đời thường : dửng dưng – đổ máu – mở rộng – thanh trừng.

1. Dửng dưng
Đám cưới của Hoàng tử tức con vua ai lại chẳng muốn tham dự, vì một miếng đầu làng đã bằng một sàng xó bếp, huống gì là một miếng ở cung đình, một chỗ ngồi chung quanh vua lại mang vinh dự biết bao cho kẻ được mời. Đó là chưa kể có thể có những chức tước được ban, những cơ hội phát đạt… . Thế mà trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói, khách không thèm đến. Một lần giấy mời từ trước, hai lần sai gia nhân, họ đều dửng dưng để ngoài tai. Dụ ngôn nói rất rõ: Vua sai đầy tớ đi gọi những kẻ đã được mời, nhưng họ không đến. Vua lại sai đầy tớ khác dặn, hãy nói với khách mời, tiệc sẵn rồi, heo đã quay, bò đã thui, lẩu đã sôi… Họ vẫn dửng dưng, và đưa ra những lý do chảng có tầm cỡ chút nào: người thì nói mắc đi thăm trại (thăm lúc nào chẳng được), kẻ thì nói đi buôn (buôn quanh năm chứ đâu một ngày), một lần thiếp mời cộng với hai lần sai hai nhóm đầy tớ khác nhau tới mời, khách vẫn dửng dưng.

2. Đổ máu
Khi toán đầy tớ thứ nhất tới nài nỉ khách đi dự tiệc, vì mọi sự đã sẵn, thì có nhiều khách đã không những không thèm đến dự mà còn “bắt các đầy tớ của vua, hành hạ rồi giết luôn.” Máu đã đổ ! Chuyện rất lạ. Và vua khi nghe được thì cũng trả đũa không kém khác thường : sai quân lính đi giết bọn sát nhân đó (mạng đổi mạng) và thiêu hủy luôn thành phố của chúng. Sự trả đũa quá tay ! Máu đổ nhiều trong ngày cưới. Năm 1989, tháng 11, tại Saigon, cô Hồng Cẩm còn mười ngày nữa là đám cưới của cô. Cô dựng xe trước nhà bị hung thủ đến cướp xe đâm chết. Máu đã đổ. Điều càm động là trong tang lễ, người ta mặc áo cưới cho cô. Đó là một chuyện lạ, lạ mà cảm động. Còn trong dụ ngôn cũng lạ, khác lạ, nhưng lạ của tàn sát tập thể ngay trong ngày cưới.

3. Mở rộng
Khi khách được mời không thèm tới, khi kẻ xứng đáng chẳng đoái hoài, thì vua mở rộng cửa phòng cưới, mời tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, đui què, tàn tật và không phân biệt cả tốt xấu, thánh nhân lẫn quỉ sứ : mời tất tần tật vào, cũng là một chuyện lạ. Thánh Luca thuật dụ ngôn tương tự như Matthêu hôm nay kể tới hai lần sai đầy tớ đi mời : mời lần đầu, chỗ còn trống, phải mời thêm một lần nữa : lượm lặt khắp hang cùng ngõ hẻm cho đầy bàn tiệc cưới. Thật ra vào thời Chúa Giêsu đã xảy ra một chuyện gần tương tự, được ghi lại trong sách Talmud : ông Bar Majan người thu thuế giàu có đã tổ chức một tiệc lớn chiêu đãi chức sắc trong thành, những vị này từ chối lời mời. Thế là thay vì nhìn mâm cỗ bị hư, ông cho mời những người nghèo tới dùng bữa. Dụ ngôn của Chúa Giêsu không dừng lại ở đó mà còn mở ra một chuyện khác lạ nữa: đó là thanh trừng.

4. Thanh trừng
Mời đột ngột, người ta đang đi ăn xin cũng mời vào, đang quét rác cũng kéo vô thì làm sao chuẩn bị y phục đàng hoàng. Vậy mà vua vào thấy một kẻ không mặc áo cưới thì nổi giận. Đáng lẽ đuổi ra là cùng, đàng này vua ra lệnh: trói chân tay nó lại, ném vào nơi tối tăm, ở đấy đầy khóc lóc và nghiến răng. Chuỵện quá lạ ! Người ta đã tìm cách giải thích nhiều kiểu cho đỡ lạ kỳ như áo cưới sẵn có nơi tiền đình, trước khi vào phòng tiệc thì khoác vào thôi. Nhưng lời giải này cũng bị bác vì chẳng hề có tục lệ đó nơi người Do thái bấy giờ. Người ta còn tìm nhiều giải thích khác như hai dụ ngôn tiệc cưới và áo cưới riêng biệt được ghép chung lại, nên nhiều khi không khớp. Nhưng dầu sao thanh trừng quá đáng như thế vẫn là một chuyện lạ !

Bốn chuỵện lạ trong dụ ngôn : dửng dưng của khách được mời; đổ máu quá nhiều trong ngày cưới, mở rộng quá đáng cánh cửa cho mọi người vào, rồi lại thanh trừng khắt khe kẻ chưa kịp mặc áo cưới. Tất cả các chuỵện lạ đó chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng của lịch sử –lịch sử dân Israel và lịch sử cứu độ-, chứ không thể hiểu được trong khung cảnh tiệc cưới.

Những kẻ dửng dưng, đó là dân Israel chính tông chẳng đoái hoài gì đến con vua là Giêsu Kitô: vị tân lang chàng rể.

Đổ máu là họ, dân Israel đã giết các tiên tri, đổ máu những người được Chúa sai đến báo tin vui cho họ.

Mở rộng là ơn cứu độ của Chúa dành cho mọi hạng người bất kỳ đen trắng vàng đỏ, nô lệ, tự do, nam hay nữ, kể cả trung tính…

Thanh trừng là, một khi được mời tới phải biết mặc lấy Chúa Kitô là áo cưới, mặc lấy con người mới, không thể khác.

Dụ ngôn với những chuyện lạ nhắm vào người Do Thái Pharisêu, nhưng cũng có thể nhắm vào chúng ta. Ta được thánh tẩy ngay từ nhỏ, tức được mời dự tiệc cưới từ đầu, nhưng biết đâu ta lại dửng dưng, coi chừng sẽ bị Chúa “mửa” ra. Cũng có thể ra mới được thánh tẩy, là Đạo Mới, tức mới được “thu gom” để vào phòng cưới, nhưng ta lại không mặc áo cưới –coi chừng sẽ bị thanh trừng. Không thể chỉ dựa vào lý lịch : tôi là con cháu các thánh tử đạo oai hùng Việt Nam.

Xin Chúa cho chúng ta kẻ được mời trước hay là kẻ đến sau đều biết giữ gìn chiếc áo trắng thánh tẩy ngày nhận Phép Rửa Tái Sinh, đó chính là chiếc áo cưới mà Chúa đòi hỏi để ta được vào dự tiệc cưới Nước Trời đời đời. Amen.

TÍNH “ÍCH KỶ” TRONG HAI BỮA ĂN
Mt 22, 1 - 14

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

 “Khi nghe tin Gioan bị chém đầu, Chúa Giêsu rút vào nơi hoang vắng…”
Chỉ với câu mô tả đó nằm đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, gợi nhớ cho chúng ta 2 bữa ăn trộn với hai biến cố: Gioan bị chặt đầu trong bữa ăn linh đình tại dinh Hêrode, và bánh hoá nhiều trong bữa ăn nuôi 5000 người giữa nơi hoang vắng. Nét chung của hai bữa ăn là chủ đề suy tư hôm nay.

1. Bữa ăn sang trọng : Tại bữa tiệc ở cung điện của vua Hêrôđê với các quan khách sang trọng quí phái, tất cả mọi sự trên đời: quyền hành, danh vọng, tiền bạc, sắc đẹp, lạc thú, cao lương mỹ vị, rượu ngon thỏa thích, vũ nữ duyên dáng… đều có, và có cả hận thù, ích kỷ, cho nên có luôn máu đổ đầu rơi !

Vài tuần lễ trước khi chết, một phóng viên đã phỏng vấn Elvis Presley – nổi tiếng là vua của nhạc Rock :

-Elvis, khi anh bắt đầu chơi nhạc, anh đã nói anh muốn có được ba điều trong cuộc đời. Anh muốn giàu sang. Anh muốn nổi tiếng. Và anh muốn sống hạnh phúc. Giàu sang và nổi danh chắc chắn là anh đã có. Thế còn hạnh phúc, không biết anh thực sự có hay không, Elvis ?” Chàng ca sĩ trả lời

-“Không, tôi sống cô đơn như ở trong hỏa ngục”.

Presley kết hôn với Priscilla Beaulieu 1967. Năm sau có con gái. 1973 ly dị. Năm1977 Presley chết 42 tuổi. Không biết khi chết gia tài bao nhiêu, nhưng giỗ thứ 25, (2002) báo Forbes xếp anh vào loại nghệ sĩ có để lại lợi tức cao nhất: 37 triệu đô 1 năm.

Giàu sang. Danh vọng. Những người hâm mộ vây quanh gồm đủ mọi hạng người, các giai nhân tài tử tuyệt trần, vậy mà Elvis diễn tả cuộc sống của anh như hỏa ngục ! Thật lạ lùng ! Như thế, cuộc sống của vua Hêrôđê với tiệc tùng sang trọng nào có khác chi !

2. Bữa ăn Giêsu : hóa bánh ra nhiều : tại bữa ăn nơi hoang vắng với đám dân nghèo, họ chẳng có gì, ngoài sự tin tưởng, hy vọng vào tình thương và sự chia sẻ của Chúa Giêsu. Nhưng nếu tiệc Herode có “ích kỷ,” thì sự thiếu thốn về vật chất cũng dễ làm cho con người trở nên “ích kỷ.” Họ không muốn đóng góp sự gì, mà chỉ mong mỏi từ Đấng khác.

Vì thế, đây không chỉ là phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều nhưng còn là phép lạ thay đổi dân chúng ích kỷ trở nên quảng đại nhờ sự hiện diện và tiếp xúc với Chúa Kitô. Chúa sẽ không làm phép lạ, nếu không có 5 chiếc bánh và hai con cá (chắc là cả hai cùng bé, cá bé và bánh bé, vì là của một em bé). Làm gì mà một người mẹ trong gia đình khi đi với chồng con vào nơi hoang vắng lại chẳng quơ vội ổ bánh, chai nước, vài ba viên kẹo, để lỡ con mình đòi ăn liền có, đòi uống, đưa ngay. Ấy vậy mà cho đến chiều tối, không ai chịu đưa ra. Không đưa ra, không có phép lạ ! Không góp phần của chính mình, không hưởng ơn !

Minh hoạ cho điều này, ta có thể nhờ tới một nhà văn Kitô giáo đã dựng vở kịch diễn tả vụ hành quyết một tên trọng phạm tại một thị trấn nhỏ thời Trung Cổ. Theo phép Nước, chỉ có một lối thoát chết cho tử tội là nộp đủ 1000 đồng tiền vàng để chuộc mạng. Nhà vua tỏ ra hào hiệp tặng hết số 700 đồng vàng mang theo trong một chuyến tuần du qua đây ; hoàng hậu theo gương có 200 đồng cũng giúp hết ; các cận thần đi theo cũng dốc túi. Người ta đếm được 999 đồng, còn thiếu một đồng. Công lý không thể nhân nhượng, đành phải thi hành pháp lệnh. Toán hành quyết tròng dây thừng vào cổ tên tử tội thiếu may mắn. Khi sắp sửa rút dây thì có một tiếng kêu lớn : “Khoan đã, lục soát người nó đi, biết đâu đấy”, đao phủ lần mò khắp người tội nhân và móc ra được một đồng hắn giấu trong lưng quần từ hồi nào mà hắn cũng không nhớ nữa. Thế là đủ 1000 đồng, tên tử tội được thoát tử.

Có lẽ chúng ta đều hiểu câu chuyện này. Chúa Giêsu đã cứu chuộc chúng ta 700 đồng tiền vàng, Mẹ Maria đã trợ giúp chúng ta 200, các thánh cũng góp vào 99, và chính chúng ta cũng phải đưa ra. Tóm lại, dù chúng ta là ai, dù chúng ta hèn kém thế nào, chúng ta hãy cố gắng với hết khả năng của mình, Chúa sẽ trợ giúp chúng ta. “Để dựng nên ta, Chúa không cần chúng ta. Nhưng để cứu ta, Ngài cần ta góp phần.” Thánh Âu-Tinh đã nhận xét như vây.

Đừng bao giờ nghĩ rằng với một chút của mình làm chi nên chuyện. Không có mợ chợ vẫn đông mà. Không, không mợ chợ mất đông (hết một người) !

Vào một đêm đông, người đàn ông rút cây nến nhỏ từ trong ngăn kéo ra, thắp nó lên, và bắt đầu bước lên chiếc cầu thang dài hình trôn ốc. Cây nến hỏi người đàn ông : “Ông đi đâu vậy ?” Ông trả lời : “Đi lên chỗ cao hơn nóc nhà nơi chúng ta ”.

“Và ông sẽ làm gì ở đó ?” cây nến hỏi.

-“Tôi sẽ chỉ cho những con tàu ở biển khơi biết đâu là hải cảng”, vì chúng ta đang ở ngay lối vào hải cảng, và một số con tàu ngoài biển khơi đang gặp bão táp, có thể tìm thấy ánh sáng của chúng ta”.

“Không có con tàu nào nhìn thấy ánh sáng của tôi cả”, ngọn nến nói “tôi quá nhỏ bé mà”.

“Mặc dù ánh sáng của ngươi nhỏ bé”, người đàn ông đáp, “cứ hãy thắp sáng nó lên, đừng e ngại, hãy để phần còn lại cho ta tính”. Rồi người đàn ông trèo lên những nấc thang cho tới đỉnh của ngôi nhà hải đăng, cầm cây nến nhỏ bé, châm lửa vào những cái đèn vĩ đại đã đứng sẵn ở đó với những tấm gương phản chiếu bóng láng ở phía sau. Một cây nến nhỏ cũng có thể làm nên một vùng sáng lớn.

Có hai bữa ăn : cả hai cùng có một điểm chung : ích kỷ

-Herodia ích kỉ, nghĩ đến mình, mong yên chuyện (bậy) : lấy em chồng làm chồng, (em chồng là vua, còn chồng mình chỉ là quan nhỏ) trong khi chồng mình còn sống, bị Gioan trách cứ, muốn yên thân (=ích kỉ) chỉ có cách bịt miệng Gioan. Bịt hay nhất là chặt đầu.

-Herode, vì nghĩ đến mình, đến danh dự (hão) của mình, đã lỡ hứa rồi, (xe lỡ mua, nhà lỡ xây, điện kế lỡ lắp…) lỡ hứa rồi, cho nên chết ai mặc kệ, miễn là bản thân được tiếng “khen” kẻ giữ lời.

Bữa tiệc đó có ích kỷ ngự trị, nên kết cục là đầu rơi

Bữa ăn Chúa khởi đầu cũng có ích kỉ, ai cũng giữ cho riêng mình, nhưng rồi gương em bé quảng đại, làm cho quảng đại lây lan và thế là phép lạ bánh hoá nhiều

Khi Mẹ Têrêsa Calcutta đi ngang qua một gia đình Hin-đu (Ấn Giáo) đã đói nhiều ngày. Mẹ cầm theo một ít gao cho gia đình ấy. Điều xảy ra sau đó làm mẹ kinh ngạc. Không chút lưỡng lự, người mẹ trong gia đình Hinđu đã chia số gạo ra làm hai phần. Rồi bà đem một nửa cho gia đình nhà bên cạnh, tình cờ là những người theo Hồi giáo.

Thấy điều đó, mẹ Têrêsa nói với bà mẹ Hinđu “Bà còn lại được bao nhiêu ? Liệu có đủ cho gia đình bà không ?”.

“Nhưng họ cũng đã nhịn đói nhiều ngày rồi”, người đàn bà ấy trả lời.

Phép lạ hóa bánh ra nhiều ấy còn được gọi là phép lạ của lòng quảng đại. Trước hết là lòng quảng đại tuyệt vời của cậu bé, vì với món quà của cậu là năm chiếc bánh nhỏ và hai con cá con mà phép lạ mới được thực hiện. Nếu ta muốn hưởng ơn cứu độ, nếu ta muốn được Chúa làm phép lạ ban ơn cứu độ cho ta, đừng ích kỷ, nhưng quảng đại góp phần, dù nhỏ bé chẳng là chi. Amen.

CẦN CÓ Y PHỤC XỨNG HỢP KHI DỰ TIỆC HOÀNG TỬ GIÊSU
Mt 22, 1 - 14
Jos. Vinc. Ngọc Biển

Theo truyền thống, phong tục của nhiều dân tộc xưa, mỗi khi nhà vua cưới cho hoàng tử, thì các đại thần được ưu tiên mời, đồng thời mọi người dân cũng được hưởng ân lộc đó của nhà vua.

Còn với chúng ta hiện nay, không nhiều thì ít, hẳn mỗi người cũng đều được mời đi dự tiệc cưới của một ai đó.

Hôm nay, bài Tin Mừng cũng trình thuật câu chuyện Vua mở tiệc cưới cho Hoàng Tử. Một đám cưới rất đặc biệt cho cả người thiết đãi lẫn khách dự tiệc! Cách hành xử của Vua cũng như quan khách lại rất khác thường!

1. Ý nghĩa dụ ngôn

Trong dụ ngôn, chúng ta thấy Đức Giêsu đã khéo léo trình bày dung mạo của Thiên Chúa với lòng bao dung, độ lượng; đồng thời thấy được sự ích kỷ của khách mời. Mặt khác, Đức Giêsu còn mặc khải cho chúng ta biết rằng: hết mọi người đều được mời đến tham dự tiệc Nước Trời. Tuy nhiên, khi được mời thì cần phải có y phục xứng đáng.

Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của dụ ngôn:

Trước tiên, ông Vua chính là Thiên Chúa Cha: “Ðức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25, 6). Người luôn chuẩn bị sẵn sàng: “Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng". Tuy nhiên, không chỉ những người ưu tuyển, mà Người còn quan tâm, để ý đến mọi người: “Hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới".

Qua hình ảnh này, thần dân sẽ cảm thấy Người là vị Vua nhân hậu, hay thương xót và quảng đại với hết mọi người.

Thứ đến, Hoàng Tử chính là Đức Giêsu. Hôn Thê là Giáo Hội. Đây là hình ảnh đẹp tuyệt vời diễn tả tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Hoàng Tử sẽ sống hết mình vì Hôn Thê. Chàng Rể này vì vâng lời Cha và yêu Hôn Thê của mình, mặc dù nhiều khi Hôn Thê phản bội, cố chấp, do sự hận thù, ích kỷ, bảo thủ, bất trung, bội nghĩa. Nhưng vị Hoàng Tử đặc biệt này đã sẵn sàng đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả, yêu thương tất cả, đến nỗi chết cho người mình yêu.

Tiếp theo, khách được mời là dân Dothái, tuy nhiên họ đã khước từ và lấy lý do: “Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi”, vì thế, nhà Vua đã quyết định mời hết mọi người, không phân biệt. Ngày cưới là ngày chung cuộc, ngày phán xét, ngày Vua tập hợp tất cả mọi người trên mọi nẻo đường, mọi thành phần tốt cũng như xấu, và đến giờ, nhà Vua mới tiến vào và phán xét mọi người để phân biệt đâu là chiên và đâu là dê!

Cuối cùng là y phục lễ cưới: tiêu chuẩn để không bị xét xử là phải mặc y phục của lễ cưới. Nếu không sẽ bị đuổi ra ngoài.

Y phục mà Đức Giêsu muốn nói đến ở đây chính là sự đổi mới. Đổi mới là từ bỏ lòng ích kỷ cá nhân để mặc vào lòng bác ái vị tha. Từ bỏ sự hiềm khích, vô ơn, bất chính, để mặc vào tình yêu thương chân chính và lòng biết ơn. Từ bỏ sự hờ hững, vô tâm để mặc lấy lòng nhiệt thành, liên đới, cảm thông.

Vì thế, mặc y phục lễ cưới là mặc lấy tinh thần mới, lối nhìn mới và cách sống mới. Tuy nhiên, thật tiếc thay, điều kiện của Vua thì rất là dễ, nhưng lại trở thành quá khó đối với một số người cố thủ trong ích kỷ, biếng nhác, tham lam và ghen ghét. Vì thế, họ bị đuổi ra ngoài: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".

Như vậy, qua bài Tin Mừng, Ðức Giêsu trình bày dung mạo một vị Vua hiền hậu lạ lùng: Ông tự ý mở tiệc và cho các đầy tớ hết lớp này đến lớp khác đi mời, dù khách được mời không thèm đến, lại còn giết các sứ giả được sai đến với họ.

Dung mạo vị Vua càng hiền hậu bao nhiêu thì càng làm nổi bật sự vô ơn bất xứng của khách được mời bấy nhiêu. Họ tỏ ra khinh mạn, hỗn xược với tấm lòng quảng đại của nhà Vua.

2. Thái độ của chúng ta trước lời mời gọi của Chúa

Trong đời sống Đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi không khác gì những người Dothái. Nên vẫn còn đó tình trạng: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”; hay không quan tâm đến việc sống đạo, mà chỉ quan tâm đến chuyện bề ngoài; hoặc không muốn nghe những lời giáo huấn của Chúa qua các đấng bậc trong Giáo Hội.

Tất cả đều khởi đi từ sự kiêu ngạo và ích kỷ. Họ để cho cái tôi quá lớn và coi mình đã đạo đức đủ nên không cần nghe và cũng chẳng có gì phải sửa!

Vì kiêu ngạo, nên không thể chấp nhận sửa sai, dù đó là Lời Chúa dạy.

Vì ích kỷ nên khó lòng chấp nhận ngồi lại với nhau để làm việc... bởi nghĩ rằng người anh chị em chúng ta không xứng tầm với mình, nên chẳng cần quan tâm.

Những người như vậy, họ như ly nước đã đầy, nên không thể tiếp thêm cho dù chỉ một giọt nước. Hay như mảnh đất quá khô cằn, nhưng khi mưa xuống thì họ lại che đậy lại, khiến nước mưa không thể tiếp xúc...

Sự hóng hách, khinh thường, chê bai, chỉ trích, bè phái... luôn luôn thường trực trong trái tim vốn đã hóa đá của họ, vì thế, nơi họ, không ai lấy đi được khỏi mắt họ cặp kính râm, vì thế họ nhìn mọi sự trước mắt đều là màu đen... tiêu cực.

Quả thật, họ đâu nhận ra tình thương của Thiên Chúa dành cho mình, nên việc khước từ ơn Chúa đến như những người được mời dự tiệc mà không hề để ý đến thiện tình của ông chủ là lẽ đương nhiên nơi những con người này.

3. Sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đến tham dự bàn tiệc Nước Trời. Một cách cụ thể, đó là chúng ta được mời đến tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Chúa hằng ngày nơi thánh lễ. Tuy nhiên, chúng ta đã đáp trả như thế nào? Thờ ơ lãnh đạm như dân Dothái xưa không đi dự tiệc vì quá nhiều bận rộn trong đời sống, hay chúng ta đi dự tiệc mà không mặc y phục lễ cưới là phẩm hạnh của bàn tiệc mà Đức Giêsu đòi hỏi như: y phục của lòng tin, cậy, mến; y phục của lòng ăn năn sám hối và sự kính trọng đối với Thiên Chúa; y phục của tình yêu thương, liên đới và chia sẻ với người nghèo!

Mỗi khi chúng ta hiệp dâng thánh lễ, ấy là lúc chúng ta được Thiên Chúa mời gọi vào dự bữa tiệc của tình yêu, chia sẻ, hiệp nhất. Khi được mời gọi như thế, hẳn chúng ta phải có một tâm hồn trong sạch để xứng đáng với hồng ân cao trọng này.

Đồng thời mỗi người chúng ta khi tham dự tiệc Thánh Thể, cần mặc lấy tinh thần tự hủy, liên đới vì tha thân để noi gương Đức Giêsu yêu thương hết mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con khi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa thì cũng được biến đổi, để ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa và đủ điều kiện để một ngày kia tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc. Amen.

CỬA NƯỚC TRỜI LUÔN MỞ, NHƯNG Y PHỤC PHẢI XỨNG HỢP
Mt 22, 1 - 14

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Lại một dụ ngôn khác về Nước Trời được trình bày cho chúng ta với chủ đề sâu xa tương tương như các Chúa nhật trước. Thiên Chúa luôn đi bước trước, “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ” (Tv 22) “đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon” (Is 25, 6); “ Đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa ” (x. Tv 22) “theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô” (Pl 4, 12). Nước Trời luôn rộng mở cho hết thảy mọi người, bất luận tốt xấu, miễn là phải có y phục xứng hợp: “Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới ” (Mt 22, 9).

Lời mời gọi phổ quát

Qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã mời gọi dân Ngài đi vào trong giao ước, chia sẻ tình yêu với Ngài. Nhưng tiếc thay, con người luôn đáp lại một cách khác, ngược đãi, xua đuổi các tiên tri. Giao ước không được đáp trả. Nhưng Thiên Chúa vẫn một mực trung thành, tiếp tục mở tiệc mời con người tới dự tiệc giao ước mới và đó chính là niềm vui cho mỗi người chúng ta.

Những người đầu tiên được đức vua mời đến dự tiệc cưới, nhưng viện cớ lấy lý do “như đi thăm trại…đi buôn bán” để từ chối (Mt 22, 5-6). Vì họ từ chối, nên những người khác được mời vào chia sẻ niềm vui với gia đình hai bên và đôi bạn trẻ.

Khác với những người được mời trước, những người được mời sau chẳng có công gì cũng được mời dự tiệc cưới. Họ chỉ có cơ may là được các người đầy tớ gặp ở ngã ba đường. Họ thuộc đủ mọi thành phần, bình thường không ai để ý tới.

Chúng ta tự hỏi: Liệu họ có hy vọng, có trông đợi mình được mời dự tiệc cưới kia không ? Isaia trả lời. Mọi người đều sống niềm hy vọng vì trong con người có một sự chờ đợi vô song. “Này đây Chúa chúng ta…nơi Người, chúng ta đã tin tưởng…vì ơn Người cứu độ” (Is 25). Họ hy vọng và chờ đợi chứ.

Hy vọng vào lời mời gọi phổ quát này, giả thiết không có một điều kiện tiên quyết nào, cũng không phải là lời mời của những người có lên hệ với nhà vua: “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ…”, cho hết mọi người (Tv 22). Thật khó có thể tưởng tượng, hoặc tin rằng Thiên Chúa ban ơn ơn cứu độ nhưng không cho hết mọi người. Đây chính là Tin Mừng Thiên Chúa kêu gọi chúng ta.

Hạnh phúc vì được mời

“Tiệc cưới Con Chiên” được sách Khải Huyền mô tả (19, 7, 9) hàm chứa một ý nghĩa sâu xa: “Phúc cho những ai được mời dự tiệc cưới của Chiên Con! ” Thật hạnh phúc cho chúng ta, phúc này vượt quá những gì chúng ta có thể nếm hưởng trên trần gian, đây là yến tiệc Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Sau Chiên Thiên Chúa linh mục mời gọi: “Đây Chiên Thiên Chúa…phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” (Thánh lễ). Lời này gửi đến tất cả những ai sẽ tham dự vào tiệc cưới Con Chiên. Mỗi Thánh lễ là một lời loan báo và tham dự trước vào yến tiệc Nước Trời, tiệc của Hoàng Tử, Con yếu dấu của Chúa Cha, tiệc của Đức Kitô kết ước với nhân loại. Thánh Têrêsa Avila nói: “Lạy Chúa vị Hôn Thê của con, giờ đã đến, giờ con hằng mong đợi, giờ chúng ta gặp nhau. Ôi lạy Thiên Chúa là tình yêu duy nhất của con! Này là giờ con ao ước từ lâu, tâm hồn con vui sướng khi được kết hợp với Chúa! ” Chúng ta không thể gần Chúa mà không mặc lấy tâm tình của Chúa.

Nhưng phải có y phục lễ cưới

Có một điều khiến người đọc không khỏi thắc mắc và tìm lời giải đáp cho người được mời không mặc y phục lễ cưới, họ vào và bị đức vua ra lệnh: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! " (Mt 22, 13). Họ đang ở ngã ba đường, đầy tớ đức vua tình cờ gặp họ, mời họ vào bất luận họ là ai, sao lại đòi họ phải có y phục lễ cưới ?

Áo cưới mà Tin Mừng nói tới ở đây là áo nào ? Có phải các bí tích không ? Hay là Phép Rửa tội ? Vì không chịu phép Rửa tội, không ai có thể đạt tới Thiên Chúa được, nhưng có một số người lãnh nhận phép Rửa tội, không đến cùng Thiên Chúa... Có thể là bàn thờ hay điều người ta lãnh nhận từ bàn thờ không ? “Vì kẻ ăn và uống, mà không phân biệt được Thân mình, tức là ăn và uống án phạt cho mình” (1Cr 11, 29). Vậy thì là cái gì ? Ăn chay ư ? Những kẻ gian ác cũng làm thế. Đi nhà thờ ư? Những kẻ gian ác cũng đi nhà thờ như bao người khác … Vậy áo cưới này là áo nào?

Ở đây, người vào dự tiệc cưới không thụ động, chấp nhận vào thì phải tìm cách thể hiện mình xứng đáng, và đó là áo cưới. Ơn cứu độ là phổ quát, đồng ý để được cứu độ là chấp nhận sống theo những đòi hỏi của Nước Trời, áo cưới vừa thể hiện sự đồng ý, vừa chứng tỏ trách nhiệm của chúng ta.

Đời sống luân lý không phải là điều kiện duy nhất để được cứu độ, Maria Mađalêna, Giakêu và nhiều người khác được mời, họ đã hoán cải để trở nên xứng đáng với Chúa hơn. Áo cưới là những điều tốt, người dự tiệc phải có. Thánh Phaolô nói: “Ðiều lời truyền dạy phải nhằm đưa tới đức mến, phát tự tấm lòng trong sạch, lương tâm thiện hảo, và đức tin không giả hình” (1Tm 1, 5). Đây là y phục lễ cưới.

Người được mời đến dự tiệc cưới không đơn giản chỉ ăn, nhưng chia sẻ niềm vui với họ hàng hai bên, mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, nên phải có y phục xứng đáng.

Chúng ta là những tội nhân được Thiên Chúa mời dự tiệc Nước Trời. Chắc chắn ai cũng muốn mặc chiếc áo cưới tinh tuyền, không vương tội lỗi. Giáo hội Chúa không phải là một xã hội hoàn hảo, gồm có tội nhân, nhưng ý thức được tội lỗi của mình và mong muốn được tha thứ: “mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3, 27), chấp nhận hoán cải, thanh tẩy chính mình “để sao cho xứng với Chúa, mà làm đẹp lòng Ngài trong mọi sự ” (Cl 3, 10). Giờ đây hãy chúng ta hãy nghe lời Chúa: “Mọi sự đã sẵn sàng hãy đến !”

Lạy Chúa, ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy. Amen.

ận rội với công việc làm, với gia đình mà không dành giờ cho Thiên Chúa, không dành giờ cho Nước Trời, không dành giờ lo đến linh hồn mình. Bận rộn chỉ là tấm ảnh dựng nên để che đậy những lười biếng, những tiêu cực của mình. Đừng hỏi tôi có bận hay không, nhưng hãy hỏi tôi có muốn hay không? Vì lòng muốn sẽ thắng vượt mọi trở ngại, mọi bận rộn.

Thiên Chúa không phải là bông hoa để trang trí cuộc đời. Thiên Chúa là một Đấng tối cần không thể thiếu vắng trong cuộc đời chúng ta. Hạnh phúc Nước Trời không phải là một con bài trong Casino, thua con bài này ta đánh con bài khác. Hạnh phúc Nước Trời là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và can hệ vì chỉ có một lần thôi: Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa thì muôn đời tôi được, trái lại từ chối thì tôi đánh mất đời đời.

Vậy thì Thiên Chúa phải là Đấng ưu tiên và tối hậu trong cuộc đời chúng ta. Ngài phải ỡ trên mọi lý do bận rộn, trên mọi của cải đời này. Và hạnh phúc Nước Trời là một thứ suốt đời tôi chuyên tâm tìm kiếm.

Nguồn vietcatholic.org

1497    10-10-2014 15:27:17