Sidebar

Thứ Tư
22.05.2024

Chúa Nhật XXX Thường Niên B

  1. Mù Lòa
  2. Chúa Nhật XXX Thường Niên B 
  3. Chúa Nhật XXX Thường Niên
  4. Tin, Thấy Và Đi Theo 
  5. Khát Vọng Chính Đáng
  6. Ước Ao Được Nhìn Thấy 
  7. Chúa Nhật XXX B 
  8. Xin Mở Mắt Linh Hồn Con
  9. Vỉa Hè
  10. Lạy Con Vua Đa-Vít, Xin Dủ Lòng Thương Tôi
  11. Xin Cho Con Được Thấy
  12. Đui Chột
  13. Xin Mở Cho Con Đôi Mắt Thấy Tình Yêu Kỳ Diệu Của Chúa Khắp Nơi
  14. Mù Có Phải Là Bất Hạnh?
  15. Lạy Chúa, Xin Thương Xót Tôi
  16. Thiên Chúa Thương Cứu Con Người
  17. Anh Muốn Tôi Làm Gì Cho Anh?
  18. Khi Batimê Vứt  Áo Choàng Theo Chúa
  19. Lòng Tin Của Anh Mù
  20. Thế Giới Của Chúa Giêsu
  21. Chúa Nhật 30 Thường Niên B
  22. Người Môn Đệ Đích Thực
  23. Cứ Xin Sẽ Được, Cứ Gõ Sẽ Mở Cho
  24. Thưa Thầy, Xin Cho Tôi Nhìn Thấy Được

MÙ LÒA
Mc 10, 46 - 52

Cách đây không lâu khi lớp chúng tôi đến học hỏi thực tập mục vụ tại một họ đao thuộc thành phố Cần Thơ; sau khi nghe cha sở chia sẻ về công việc mục vụ: cha lo lắng cho giáo dân từ tinh thần cho đến vật chất, cha không chỉ chú tâm xây dựng nhà thờ vật chất , mà cha còn lo xây dựng nhà thờ tinh thần trong lòng giáo dân. Nhưng điều làm tôi đánh động nhất chính là cách cha đối xử với người nghèo, người bệnh tật cô đơn... cha luôn quan tâm đến họ cách đặc biệt. Cha thật là người mục tử cho chúng tôi học hỏi và noi theo. Thì hôm nay bài Tin Mừng lại giới thiệu cho tôi một mẩu gương phục vụ tuyệt hảo hơn rất nhiều. Đó là Đức Giêsu người đã động lòng trước sự kêu xin tha thiết của người mù bất hạnh ngồi ăn xin bên vệ đường.

Anh mù hôm nay không hề thấy Đức Giêsu, nhưng anh đã nghe biết nhiều về người, Khi Đức Giêsu đi ngang thì đúng là cơ hội "ngàn năm một thuở". Lập tức anh ta đã kêu to lên để được Đức Giêsu chú ý. Chắc những người đi theo Đức Giêsu lúc đó rất khó chịu, vì họ đang nghe những lời giáo huấn của Đức Giêsu, mà anh mù này lại hét to hết sức có thể, thì đúng là một sự xúc phạm không thể chịu được. Cho nên những người đi trước "mắng bảo anh ta nín đi". Nhưng lúc này không có gì có thể ngăn cản anh ta, anh quyết phải gặp cho được Đức Giêsu con người mà bấy lâu anh hằng mong đợi. Tuy anh không thể thấy nhưng trong tâm trí anh nhìn thấy Đức Giêsu lúc này không phải là một sự mơ hồ, lờ mờ, hoặc do cảm xúc. Nhưng đây là một ước muốn thiết tha. Và cũng chính ước muốn này đã khiến cho mọi sự được thành.

Chính lòng tha thiết mà anh đã được Chúa Giêsu "dừng lại". Vì Ngài không phải là mục tử của kẻ kiêu căng ngạo mạn, mà Ngài là vị mục tử của những người bất hạnh nghèo nàn, là vị cứu tinh nhân hậu, Đặc biệt ứu ái với đám dân kém may mắn. Ngài nhìn đến con người mù lòa. Ngài đã để ý bên vệ đường và thấy tình trạng thống khổ, không ai lưu tâm, không ai lắng nghe lời của một người ăn xin, tệ hơn nữa còn muốn cho anh ta im đi. Nếu Ngài không là người quan tâm đến họ, không tinh ý thì khó có thể nghe thấy được. Việc anh mù ao ước xin chữa lành, còn đáng giá hơn ngàn lần sự cuồng nhiệt của dân chúng. Hay giấc mơ vinh quang và hy vọng tiến thân, tranh giành quyền lực địa vị không chính đáng của các môn đệ....Hình ảnh anh mù lúc này la một tấm lòng tuyệt diệu trong ánh mắt của Đức Giêsu . Ngài đả phá việc cổ vũ cuồng nhiệt bên ngoài mà trong lòng không chút gì khao khát Thên Chúa, Ngài thông cảm giữa bậc cao sang và kẻ hèn hạ, giữa người thông sáng với kẻ mù lòa, giữa người thi ân và kẻ lãnh nhận.

Nếu xét về mù lòa tâm hồn thì không những chỉ có trong đám đông theo Chúa Giêsu hôm nay, nhưng có rất nhiều người kể cả các tông đồ. Khi chữa lành người mù Đức Giêsu nói: "lòng tin của anh đã chữa anh". Ngài muốn gửi đến một thông điệp cho tất cả chúng ta, cũng như cho các tông đồ là phải có niềm tin thì mới được lành mạnh. Nhờ tin mà người hành khất được thấy ánh sáng, cơ hội này cũng là dịp cho các Tông Đồ được mở trí soi lòng và xứng đáng được tháp tùng với Ngài lên Giêrusalem. Người mù đã được sáng, lòng tin là ánh sáng mới, ánh sáng đó đã giúp phát hiện ra những thực tại bị che khuất, giúp khám phá những điều chưa ai biết. Ánh sáng này giúp khám phá những điều vượt khỏi giác quan và lý trí con người. Ai không nhìn thấy Ánh Sáng này mới chính người mù thật sự.

Điều làm cho Đức Giêsu đau lòng nhất chính là những người đang mù mà lại không biết mình mù, cứ ảo tưởng cho mình là sáng, là tốt đẹp...không cần đến ai chỉ đường cả. Thậm chí là Thiên Chúa họ cũng chẳng màng. Chính vì thế đòi buộc người tín hữu phải mau mắn thi hành chức vụ tiên tri mà mình đã lãnh nhận, có bổn phận dìu dắt chỉ đường cho họ biết tìm đến ánh sáng. Nhưng chúng ta phải làm thế nào giữa một xã hội luốn đòi hỏi những chứng cư cụ thể. Vì thể, nếu chỉ rao giảng bằng lời nói thì đó chỉ là thứ lý thuyết suôn vô bổ. Lời rao giảng đó phải được cụ thể hóa bằng hành động, bằng cuộc sống vị tha, bác ái, mới may ra giúp họ nhận ra mình đang bị mù mà nói với Chúa: "Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy"

Cuối cùng tôi xin mươn lời kinh hòa bình của thánh Phanxicô làm lời nguyện: "Lạy Chúa, xin cho con biết đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cây vào nơi thất vọng, để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn u sầu..." Amen

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN B 
Mc 10, 46 - 52

"Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh " (Mc 10,52)

Câu chuyện người mù Bactimê được sáng mắt cho thấy sức mạnh của niềm tin nó sẽ cứu chữa chúng ta khỏi đau khổ và bất hạnh. Chúa Giêsu đến để kêu gọi mọi người hãy tin vào Ngài, chính Ngài sẽ giải thoát, cũng như chính Ngài khơi gợi niềm tin trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Ai tin vào Ngài thì được cứu khỏi tội lỗi và được hạnh phúc.

Trong Tin Mừng có rất nhiều câu chuyện diễn tả về sức mạnh của niềm tin như câu chuyện đầy tớ của một đại đội trưởng Rôma (Mt 8, 5-13) với việc Chúa Giêsu chỉ phán một lời là được cứu sống và người đàn bà bị băng huyết mười hai năm khi chỉ nghĩ rằng đụng vào tua áo của Chúa Giêsu là được khỏi (Mt 9, 20-22), thật sự bà được chữa khỏi mà không cần một hành động hay lời nào của Chúa Giêsu hay người con gái của bà góa ngoại giáo xứ Canana (Mt 15,21-28), khi Chúa Giêsu thử thách bà bằng cách làm ngơ trước sự van xin tha thiết nhưng cuối cùng con gái bà cũng được chữa khỏi...còn rất nhiều câu chuyện khác trong Tin Mừng nói lên sức mạnh của niềm tin.

Ở đây, anh mù Bactinô được sáng mắt do sự kêu cứu quyết liệt và kiên nhẫn của anh ta. Anh không thấy nhưng anh nghe được, anh nghe người khác bàn tán về một ông Giêsu nào đó có khả năng làm nhiều chuyện lạ, có thể nói anh kêu cứu Chúa Giêsu một cách cầu may. Cái mù đã làm anh đau khổ một thời gian dài và hiện tại dù có nhiều người quát mắng, cản trở mình nên anh gào lên thống thiết và mãnh liệt hơn khi nghe tin Chúa Giêsu đã gần đến mình vì bây giờ là cơ hội anh được giải thoát. Chúa Giêsu đã đoái đến và cứu chữa anh.

Nơi Chúa Giêsu, khi thực hiện một việc cứu chữa, Ngài có nhiều cách để thực hiện, bằng lời nói, hành động hay ngay cả một sự thách thức để thử thách. Đó là quyền của Ngài nhưng Ngài luôn biết nhu cầu, ước muốn và suy nghĩ của con người. Ngài đến là để cứu chữa khỏi mọi bệnh tật, tội lỗi của con người, điều còn lại là nơi mỗi người chúng ta có muốn, kiên nhẫn và tin vững vàng vào quyền năng và tình thương của Chúa hay không?

Chúa Giêsu không cho thấy Ngài đã làm gì để cứu chữa anh mù này, Ngài chỉ kêu gọi hãy để anh đến gần mình và người khác đừng cản trở anh chỉ với một câu xác nhận đơn giản "lòng tin của anh đã cứu anh", anh mù Bactimê được sáng mắt, một cuộc sống mới đầy ánh sáng đã đến với anh.

Chúa luôn luôn hiện diện trong cuộc sống của con người, nơi vũ trụ vạn vật này và sâu xa hơn là Ngài ở trong chính thẳm sâu tâm hồn của mỗi chúng ta. Làm sao nhận ra, để tin, để xác tín và sống trọn vẹn với Chúa, Chúa vẫn ở ngay trước mặt chúng ta với những gì chúng ta đang có và đang sống hôm nay. Chúa cũng nói với chúng ta niềm tin của con đã cứu con, tin như nào thì được như thế ấy nhưng tất cả điều xuất phát từ nơi Chúa, ơn của Chúa và chính Chúa là Đấng ban ơn. Ơn Chúa luôn dư đầy cho những ai luôn biết mở rộng lòng mình để đón nhận, tin vào Chúa thì cuộc sống sẽ thay đổi tốt hơn trong từng ngày sống của chúng ta. Niềm tin có sức mạnh giải thoát nhưng chúng ta phải tin vào điều gì và tin vào ai? Đó là điều quan trọng.

Lạy Chúa xin cho con có được niềm mạnh mẽ và sâu xa vào Chúa để đời sống của con được biến đổi và được cứu chữa khỏi mọi tội lỗi.

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN. 
Mc 10, 46 - 52.

Anh chị em thân mến.Có lần tôi nghe bài hát được ca sỹ Nguyễn Hưng diễn tả hết tâm tình, nên tôi rất thích. Bài hát mang tên Đôi mắt, trong đó có những câu;

Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời,Để nhìn đời, và để làm duyên. 
Mẹ cho em đôi mắt mầu đen, 
Để thương để nhớ, để ghen để hờn. 
Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn,Là bài thơ hay nhất, 
Là lời ca không dứt,Là tuyệt tác của thiên nhiên.

Thật thế, đôi mắt là cửa ngỏ tâm hồn, là tuyệt tác của thiên nhiên. Nếu đôi mắt đóng lại, thì mọi hướng đi dường như cũng đóng lại và cuộc đời dường như ở vào một tình thế bất động, ở bên lề của cuộc sống.

Nhìn vào anh mù đang ngồi ở vệ đường. Đôi mắt anh ta không thể mở được, nên anh ta đành ở bên lề cuộc sống, anh ngồi bên lề đường, không thể hòa cùng mọi người để có những bước chân thong dong trên đường. Anh ta còn phải trông chờ vào những của bố thí dư thừa để nuôi sống bản thân. Anh ta cũng trông chờ những tin tức dư thừa để theo dõi tình hình chung quanh một chút ít nào đó, đôi khi còn bị ngăng cản. Anh cũng muốn hòa với mọi người bước trên đường cuộc sống, nên khi được hỏi, không cần suy nghĩ lâu, anh trả lời ngay: "Lạy Ngài xin cho tôi được sáng mắt". Anh không xin tiền bạc hay của nuôi thân. Anh đã vất tấm áo choàng là món đồ nghề của mình, nhảy chồm lên, vượt khỏi tình trạng bất động, bên lề đường, bên lề cuộc sống. Cú nhảy là bước chân đầu tiên để bước vào con đường của cuộc đời. Mặc dù đôi mắt thể chất chưa được sáng nhưng mắt tâm hồn anh đã mở ra, đã nhìn thấy Đấng mở mắt cho mình. Anh bước theo con đường mà ngài dẫn dắt.

Mỗi người chúng ta có được cái tuyệt tác của thiên nhiên, cửa ngỏ tâm hồn đó là đôi mắt. Nhưng vì chúng ta xử dụng quá nhiều để nó trở nên là cái gì quá bình thường, cho đến đỗi nhiều khi chúng ta không còn biết quí trọng nó nữa, thậm chí nhiều khi chúng ta quên mất đi sự hiện diện của cái tuyệt tác này. Khi nào mà đôi mắt có vấn đề, khi đó chúng ta mới cảm thấy phải chú ý, nhưng có khi lại quá trể để không còn có thể làm gì được nữa.

Cái cửa ngỏ của tâm hồn đó nhiều khi cũng bị chúng ta đóng kín nó lại, không cho nó nhìn thấy những điều cần phải thấy, không cho nó nhìn thấy hướng đi đúng đắn để mà đi. Chúng ta muốn ngồi bên lề cuộc sống để hưởng thụ, bất chấp những tiếng xôn xao của cuộc đời, bất chấp những bước chân của sự thật, bất chấp lời mời gọi đứng lên của Thiên Chúa. Chúng ta cố bám lấy chiếc áo choàng của sự ích kỷ để tìm tư lợi bản thân, áo choàng của sự nóng nải, cố chấp để không thể nghe được tiếng mời gọi thống thiết, áo choàng của sự ghen tương đố kỵ, để không thể bước chân trên con đường yêu thương và chấp nhận người khác ở bên cạnh. Chúng cũng không thể vượt qua được sự tự ái quá lớn của bản thân, vì chiếc áo choàng đó quá nặng nề làm trì trệ bản thân. Chính vì thế chúng ta không thể nào có được cú nhảy vọt như anh mù trong bài phúc âm mà chúng ta vừa nghe. Nhiều lần Chúa đến bên cạnh, hỏi ý kiến, nhưng chúng ta không dám mở lời xin cho được sáng mắt, vì sợ phải bỏ đi chiếc áo choàng nghề nghiệp của mình. Chúng ta cũng sợ phải bước đi theo Chúa, vì con đường của Ngài là con đường Thập Giá, con đường vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, là con đường yêu thương. Chúng ta sợ phải vất đi chiếc áo choàng bản thân mình, nên nhiều lần không nhận ra được Ngài trong đám đông qua lại của cuộc đời. Chúng ta vẫn mở mắt nhìn nhưng không thấy gì, vì chỉ thấy chiếc áo choàng của bản thân và những lợi lộc dư thừa đang chứa trong đó. Nếu như thế thì cửa ngỏ tâm hồn mình đã tự đóng lại, vậy thì cái tuyệt tác của thiên nhiên đã phí đi nơi con người của chúng ta. Chẵng lẽ con đường mà Chúa Giêsu bước đi cùng với bao nhiêu người đã từng bước theo, không phải là con đường của chúng ta sao? Chẳng lẽ chúng ta chịu ngồi lì bên lề cuộc sống mãi như thế sao? Vậy thì tương lai mai sau, kết thúc cuộc đời chúng ta cũng đành chịu ngồi bên lề cuộc sống, chứ không chịu vào con đường hạnh phúc mà Thiên chúa mời gọi mỗi người cùng chung hưởng hay sao? Như thế thì cuộc sống đời người vô ích quá.

Xin Chúa mở mắt tâm hồn để chúng ta nhìn thấy đường đi của Ngài và can đảm bước theo.

TIN, THẤY VÀ ĐI THEO 
Mc. 10, 46 - 52.
 
"Lạy Thầy xin cho con được thấy"

Các môn dệ và dân chúng gặp Chúa Giêsu, thấy Chúa Giêsu thường xuyên nhưng họ lại không nhận ra Chúa Giêsu là con vua Đavid, là Messia. Họ chỉ nhìn Chúa Giêsu bằng con mắt người thế, chỉ thấy hình dáng con người của Chúa Giêsu mà không tìm hiểu sâu hơn nữa, nên không nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế.

Có lẽ đang lúc đất nước bị đô hộ, người do thái chỉ nghĩ đến một ông vua Messia trần thế để thỏa mãn niềm tự hào dân tộc của họ chứ không nghĩ xa xôi về ơn trọng đại của Thiên Chúa sắp ban cho loài người: ơn cứu chuộc linh hồn, đem lại sự sống đời đời cho mọi người. Lý do chính khiến họ không nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế là vì họ nghĩ đến quyền lợi trần thế nhiều hơn lợi ích phần hồn, ưu tiên cho vật chất nhiều hơn tinh thần, bận tâm cho đời này hơn là đời sau.

Những người sáng mắt thể lý mãi lo nghĩ đến vấn đề vật chất, chức quyền nên khó nhận ra chương trình siêu việt của Thiên Chúa. Còn anh mù Bartimê nghe biết Chúa Giêsu bằng con mắt tâm hồn, anh đã tuyên xưng Chúa Giêsu bằng tước hiệu của Đấng Messia: Con vua Đavid. Cho dù nhiều người không muốn cho anh gặp gỡ Chúa Giêsu và nói lên lời tuyên xưng của mình nhưng anh vẫn la to : Lạy Con vua Đavid, xin thương xót tôi.

Chúa Giêsu ở giữa đám đông vây kín, nhưng Ngài vẫn nghe rõ tiếng của anh từ xa. Ngài truyền gọi anh đến. Anh tin tưởng hết lòng vào Chúa Giêsu nên vứt bỏ áo choàng là tài sản rất quan trọng của anh, bỏ vị trí quen thuộc của mình để đến với Chúa Giêsu. Anh đã được toại nguyện và đi theo làm môn đệ Chúa.

Anh mù Bartimê có lòng tin qua những lời người ta thuật lại cho anh về Chúa Giêsu. Anh được Chúa mở mắt và cho làm môn đệ. Còn chúng ta, chúng ta là những người sáng mắt, chúng ta có giống đám đông dân chúng: có mắt mà tâm hồn thiếu ánh sáng đức tin, không nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện bên mình, không biết rằng mình đang được diễm phúc nhìn ngắm, nghe những lời phán dạy trực tiếp từ Người và còn được sờ chạm vào Người nữa. Nếu như đôi mắt tâm hồn của họ mở thì họ đã không giết Chúa Giêsu. Nếu như đôi mắt đức tin của chúng ta mở thì chúng ta sẽ không bỏ lễ Chúa Nhật và rất ham đi lễ hằng ngày để được gặp Chúa, để lắng nghe Lời Người, để được ăn Thịt uống Máu Người trong Bí tích Thánh Thể, được rước Người vào lòng mình. Nếu đôi mắt tâm hồn chúng ta mở rộng thì chúng ta sẽ nhận ra mọi người là anh em, sẽ yêu thương tha nhân và sẵn sàng cứu giúp những người nghèo khổ xung quanh.

Ước gì chúng ta biết đến với Chúa để Chúa làm cho đôi mắt đức tin của chúng ta được sáng thêm, đời chúng ta gắn bó với Chúa hơn như anh mù Bartimê trong Tin mừng hôm nay. Như thế, mọi công việc chúng ta làm hàng ngày đều là làm với Chúa và vì Chúa. Đó là sự an ủi cho những khó nhọc hàng ngày của chúng ta, đó cũng là phần phúc của chúng ta đời này và đời sau.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn nhận ra tình thương và hồng ân Chúa trên chúng con để chúng con biết cảm tạ Chúa và hết lòng cậy trông vào ơn cứu độ của Ngài.

KHÁT VỌNG CHÍNH ĐÁNG
Mc 10, 46 - 52

Cuộc sống con người là một chuỗi những khát vọng. Có những khát vọng chính đáng, nhưng cũng có những khát vọng không chính đáng. Khát vọng làm lớn của Giacôbê và Gioan (ngồi bên tả, bên hữu Chúa Giêsu) là không chính đáng. Khát vọng được nhìn thấy của người mù Bartimê trong Tin mừng là rất chính đáng.

Những khát vọng chính đáng mà không khả thi thì cũng chỉ là mơ mộng hão huyền. Khát vọng của anh chàng mù Bartimê đã trở thành hiện thực vì anh đã gõ đúng cửa, tìm đúng nơi để tỏ bày khát vọng của mình. Và Chúa Giêsu đã đong đầy khát vọng chính đáng của anh nhờ lòng tin vào Chúa vững mạnh của anh. Con mắt tâm hồn sáng tỏ sẽ mở ngỏ cho niềm tin đi về và làm lớn mạnh niềm tin ấy.

Có thể nói, trước khi gặp Chúa, con mắt thể xác của anh chàng Bartimê bị mù, nhưng con mắt tâm hồn, con mắt đức tin của anh là rất tốt và rất sáng. Anh đã nhìn thấy được Chúa Giêsu là Con Vua Đavit và là Con Thiên Chúa, Đấng có thể đông đầy khát vọng chính đáng nơi anh: "Lạy Con Vua Đavit, xin cho tôi được thấy". Với con mắt đức tin sáng tỏ như thế khiến cho anh có sức mạnh để đến được với Chúa Giêsu dù bị ngăn cản bởi những người khác. Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng: con mắt đức tin quan trọng hơn con mắt thể xác vì khi con mắt đức tin đã sáng rồi thì mọi chuyện cũng trở nên sáng. Con mắt đức tin sẽ giúp cho con người tin nhận Thiên Chúa, Đấng là nguồn Aùnh sáng và nguồn Hạnh phúc của con người trong cuộc đời này. Cho nên, điều quan trọng trong cuộc đời chúng ta là làm sao giữ cho con mắt đức tin của mình đừng bao giờ bị mù hay bị che khuất bởi những dục vọng đen tối của mình.

Nhưng trong thực tế, có rất nhiều người dù con mắt thể xác vẫn sáng, vẫn đẹp nhưng con mắt đức tin của họ đã bị mù. Vì thế, họ không nhận ra được Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành, không nhìn thấy người khác là anh em của mình. Mù mắt đức tin sẽ dẫn đến những hậu quả đáng sợ như:

- Thấy mình là tất cả nhưng không thấy Thiên Chúa. Họ không cần ai làm người chỉ đường cho họ trong cuộc đời này. Vì thế, họ bước đi trong cuộc đời này mà không biết mình đi đâu. Nói cách khác là họ không thấy và không biết con đường mình đang đi. Chỉ biết mình đang đi nhanh, đi hết tốc độ. Và vì không biết đường cũng không thấy đường nên họ không đi tới được nơi mình muốn tới, hoặc sẽ bị sa xuống vực thẳm. Có thể nói, tâm hồn của nh?ng ng??i có tâm hồn mù tối như ly nước đã đầy, không thể rót gì thêm vào đó được nữa. Chúa có ban ơn cho họ thì cũng bằng thừa. Thiên Chúa cũng hãy còn xa lạ với họ lắm!

- Không nhìn thấy tha nhân là anh em của mình nên họ sống ích kỷ, tham lam, độc ác với đồng loại của mình. Họ sẽ nhìn người khác theo kiểu: người với người là chó sói của nhau. Ai mạnh thì thắng, ai yếu thì thua. Không có vấn đề tình yêu trong cuộc đời này. Anh mù Bartimê cũng đang bị người ta ngăn cản trong việc anh đến với Chúa Giêsu. Họ cho rằng anh mù này không đáng được xót thương. Nhưng với Chúa Giêsu thì mọi sự đã thay đổi.

- Bất mãn và hay buông xuôi với những gì xảy ra không đúng với ý muốn của họ. Vì họ không thấy được ý nghĩa của những gì mà họ gọi là "đau khổ". Đối với họ, thập giá là điều ô nhục, là dấu chỉ của sự suy tàn trong vô vọng. Họ không thể thấy và không thể hiểu hiểu: " Con đường từ Thập giá sẽ dẫn đến vinh quang phục sinh huy hoàng".

Chúng ta hãy xét lại xem con mắt đức tin của mình có được sáng hay chưa? Xin Chúa ban cho chúng ta luôn có được con mắt đức tin luôn cháy sáng, để chúng ta biết nhận ra những điều quan trọng trong cuộc đời này là Kính Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Nếu đôi mắt tâm hồn của chúng ta có bị lu mờ hay mù tối thì chúng ta hãy mau chạy đến với Chúa để được Người chữa lành cho chúng ta để chúng ta biết khao khát những chuyện đẹp lòng Chúa trong cuộc đời này, vì Chúa đã phán: "Phúc cho biết khao khát nhân đức trọn lành, vì họ sẽ được Thiên Chúa ban cho no đầy". Amen.

ƯỚC AO ĐƯỢC NHÌN THẤY 
Mc 10, 46 - 52

Một trong những nỗi khổ tâm của con người là không được nhìn thấy cảnh vật và những người đang sống xung quanh mình. Thà rằng không có đôi mắt chứ nếu có mà không nhìn thấy được thì còn bất hạnh nào hơn. Vì đôi mắt chính là cửa sổ của tâm hồn. Nếu rơi vào hoàn cảnh ấy chắc chắn ao ước duy nhất của chúng ta là được nhìn thấy.

Cũng vậy người mù Bartimê trong đoạn Tin mừng hôm nay rất ước ao được nhìn thấy. Hoàn cảnh của anh lại càng đáng thương hơn vì không những anh bị mù mà anh lại còn nghèo nữa. Vì nghèo nên anh phải ngồi ăn xin bên vệ đường ngày này sang ngày khác.

Nghe biết có Chúa Giêsu đi ngang qua, bất chấp tất cả anh đã kêu xin Người: "Lạy ông Giê-su, Con vua Ða-vít, xin dủ lòng thương tôi! " (Mc 10, 47b)

Chúa Giêsu biết nỗi khổ tâm của anh nhưng Người vẫn muốn anh xác định lại một lần nữa: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" (Mc 10, 51). Với tất cả lòng tin và phó thác trọn vẹn vào Chúa Giêsu anh tiếp tục kêu xin Người. "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được" (Mc 10, 51b). Không chần chừ Chúa Giêsu đã cho anh toại nguyện: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" (Mc 10, 52a)

Không những Chúa Giêsu cho anh được sáng đôi mắt thể lý mà Người còn ban cho anh được sáng đôi mắt đức tin. Chính đôi mắt đức tin ấy giúp cho anh quyết định đi theo Chúa Giêsu. Ðể quyết định theo Chúa Giêsu chắc chắn anh đã thấy được mình yếu đuối. Từ sự yếu đuối ấy, anh tin rằng Chúa Giêsu là nguồn sống của đời mình.

Thánh Augustinô đã một lần cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa xin cho con biết con". Biết Chúa là Ðấng yêu thương, là nguồn sống của đời con. Biết con là một thụ tạo mỏng dòn yếu đuối cần được hưởng tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Thánh nhân được sáng mắt đức tin nên ngài đã dâng lời cầu nguyện một cách khiêm tốn và chân thành như thế.

Trong thế giới hôm nay, con người ta rất dễ bị ru ngủ trong tiền bạc vật chất hay uy quyền danh giá. Do đó, người kitô hữu chúng ta không nhiều thì ít cũng bị ảnh hưởng. Bị ảnh hưởng để rồi người tín hữu không còn tin vào Chúa, họ ỷ lại vào sức của riêng mình. Ðây là điều rất nguy hiểm cho đời sống đức tin của người tín hữu chúng ta.

Tiền bạc vật chất hay uy quyền danh giá sẽ làm cho đôi mắt đức tin của chúng ta không còn biết Chúa là ai cũng như không còn biết là ai nữa. Những lúc đó chúng ta hãy mượn lời cầu nguyện của Thánh Augustinô mà chân thành khiêm tốn dâng lên Chúa. Chúng ta có thật lòng ước ao được nhìn thấy thì Chúa Giêsu mới chữa lành cho.

CHÚA NHẬT XXX B 
Mc 10, 46 - 52

Mắt là một trong những giác quan của con người. Chính nhờ mắt mà chúng ta nhân ra những vật xung quanh. Không cần phải nói chúng ta cũng biết mắt cần thiết thế nào cho con người. Vì thế mà người ta thường nói ghép kết quả của các giác quan khác với thị giác, ví dụ : nghe thấy, ngửi thấy, cảm thấy...cho nên không thể thấy được, đó là một khiếm khuyết, một thiệt thòi, một nỗi bất hạnh của con người.

Thức đêm mới biết đêm dài. Chỉ có người trong cuộc mới có thể cảm nhận được sự việc nó là thế nào. Chỉ có người mù mới cảm nhận được mù khổ như thế nào. Còn chúng ta chỉ có thể dựa vào biểu hiện của họ để có thể biết được phần nào mà thôi.

Phản ứng của anh mù này càng lúc càng quyết liệt: ban đầu anh gào to, khi bị người ta quát nạt, ngăn cản anh càng gào to hơn, khi được Chúa Giêsu gọi đến, anh liền vất áo choàng, đứng phắt dậy đến với Chúa Giêsu. Những biểu hiện đó giúp chúng ta hiểu được cuộc sống trong mù tối nó đã đày đọa anh như thế nào, Còn nữa, lời khẩn cầu thật tha thiết và quyết liệt như thể anh có thể đánh đổi cả sinh mạng để có thể được cứu chữa. Khi được nhận lời, anh vất ngay áo choàng, như thân phận đáng thương của anh để được đổi thay số phận. Chưa biết Chúa Giêsu sẽ làm gì cho anh, nhưng được thấy là tất cả những gì anh chờ đợi, mong mõi. Khi Chúa Giêsu hỏi : "anh muốn tôi làm gì cho anh", anh đã không xin gì hơn là xin được thấy. Và Chúa Giêsu đã không làm anh thất vọng. Mù thì khổ, thấy được là hạnh phúc. Đó là bài học mà thánh Maccô muốn nói với chúng ta.

Chúng ta đâu có mù, vậy bài học này có ích gì cho chúng ta ?

Phải, mắt chúng ta vẫn sáng, chúng ta vẫn còn thấy tiền, vàng, của cải vật chất. Chúng ta nhận ra lỗi lầm của người khác dễ dàng. Thế nhưng nhiều lúc chúng ta không nhận ra đâu là đúng, đâu là sai, đâu là thiện, đâu là ác, đâu là công bằng, đâu là bất công; đâu là việc phải làm, đâu là điều cấm kỵ, chúng ta không nhận ra thân phận của mình cũng tội lỗi, xấu xa, cũng rất đáng được người khác dũ lòng thương và cứu chữa.

Khổ là ở chổ đó, nguy cũng là ở chổ đó. Người biết mình bệnh thì lo chữa chạy thuốc thang, còn người không biết mình bệnh thì cứ thản nhiên mà sống, có khi lại lây nhiễm cho người khác mà không hay, để rồi đến một ngày, chết mà không hiểu lý do. Hậu quả sự mù lòa của đôi mắt tâm hồn cũng thế.

Nguyên nhân có thể vì chúng ta sống trong thế giới của những người mù nên không thể biết được thế nào là sáng. Cũng có thể do mưu ma chước quỷ làm mờ mắt chúng ta mà chúng ta không hay, nhưng cũng có thể đôi lúc chúng ta tự bịt mắt mình để không phải thấy, không phải biết, nhằm trốn tránh trách nhiệm hay để làm càng điều chúng ta muốn. Những lúc đó, chúng ta có mắt mà cũng như mù thôi.

Dù nguyên nhân nào đi nữa thì mù vẫn là mù. Mù thì phải sống kiếp khổ đau. Người mù đôi mắt thân xác thì sống khổ kiếp sống trần gian, rồi cũng sẽ qua đi, nhưng mù đôi mắt tâm hồn thì sẽ khổ muôn đời.

Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Người đã từng mở mắt trần tục cho anh mù thành Giêricô này thì người cũng sẽ mở mắt tâm hôn cho những ai kêu cầu người, bởi người đã từng tuyên bố: Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống.

Lạy chúa, xin mở mắt tâm hồn chúng con, để chúng con nhận ra thân phận đáng thương của mình, để con có thể nhìn thấy Ánh Sáng ban sự sống đời đời.

XIN MỞ MẮT LINH HỒN CON
Mc. 10, 46 - 52. 

1. LỜI CHÚA: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng bật dậy mà đến gần Đức Giê-su (Mc 10,50)

2. CÂU CHUYỆN:

Vào một buổi chiều năm 1945, tại nhà ga Ve-ro-na nước I-ta-li-a, khá đông dân chúng tập trung tại sân ga và đang náo nức chờ đón một số binh lính là người thân của họ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã. Lúc đó, một người lính trẻ bị mù hai mắt cũng đang lần mò từng bước trên sân ga. Khi tiến gần đến chỗ một phụ nữ lớn tuổi đang đứng chung với mấy người thân trong gia đình, đột nhiên anh lính mù dừng lại rồi kêu to lên: "Mẹ!", và rồi hai mẹ con đã ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Một lúc sau, khi phát hiện ra cặp mắt của con trai đã bị mù hòan tòan, bà mẹ liền hỏi: "Con ơi, mắt con đã bị mù như thế này thì sao lúc nãy con lại nhìn thấy mẹ giữa bao nhiêu người khác như vậy?". Anh lính trẻ liền đáp: "Thưa mẹ, tuy mắt con không thể nhìn thấy mặt mẹ như trước đây, nhưng chính trái tim đã mách bảo con là mẹ cũng đang có mặt tại đây để chờ đón con. Khi từ trên xe lửa bước xuống sân ga, con cứ đi theo sự mách bảo của trái tim và đến lúc con linh cảm chắc chắn mẹ đang ở rất gần bên con, thì tự nhiên con buột miệng la to lên "Mẹ!" và quả thật con đã gặp lại được mẹ đó".

3. SUY NIỆM:

+ Gặp được Chúa nhờ sự mách bảo của con tim:

Người mù thành Giê-ri-cô trong Tin Mừng hôm nay đã đến với Đức Giê-su không nhờ cặp mắt thể xác nhưng nhờ cặp mắt trái tim của anh. Tuy anh không nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng chính đức tin đã mách bảo anh và dẫn đưa anh đến được với Người. Trước đó anh đã nghe đồn Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và anh ao ước gặp Người để xin Người cho anh được sáng mắt. Vì thế khi biết có một đám đông đang tiến đến gần và nghe thấy tiếng của một vị Tôn sư (ráp-bi) đang vừa đi vừa giảng, anh mù dò hỏi và biết được vị Tôn sư đang nói kia chinh là Đức Giê-su Na-da-rét. Bấy giờ anh mù cảm thấy sung sướng vì sắp gặp được Đấng Thiên Sai. Anh liền la to lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!". Dù bị nhiều người ngăn cấm, nhưng anh mù đã bất chấp tất cả và còn tiếp tục la to hơn. khi có người cho biết Đức Giê-su gọi anh đến gặp người thì anh liền quăng chiếc áo choàng đang cầm trên tay, nhảy chồm dậy và chạy mau đến với Người, giống như anh chưa từng bị mù. Sau khi hỏi han và biết rõ mong ước của anh, Đức Giê-su đã tuyên bố: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!". Lập tức anh mù đã nhìn thấy được và đã tình nguyện theo Người đi lên Giê-ru-sa-lem.

+ "Lòng tin của anh đã cứu anh!":

Anh mù đã nghe người ta đồn về Đấng Thiên Sai, con cháu Vua Đa-vít đã xuất hiện. Người có quyền năng và đầy lòng từ bi nhân ái. Người hay cứu giúp những kẻ bệnh tật nghèo khổ như anh. Anh mù đã đặt hết niềm tin tưởng và hy vọng ngày nào đó sẽ gặp được Người để được Người chữa lành bệnh mù thể xác. Khi nghe biết Đức Giê-su Vua Thiên Sai đang đến gần, anh mù đã tuyên xưng đức tin qua lời cầu xin thống thiết, phớt lờ sự phản đối của nhiều người trong đám đông. Anh đã vượt qua rào cản để mau chóng đến gặp Đức Giê-su bằng việc đứng bật dậy bỏ lại chiếc áo choàng thiết thân, chạy mau đến xin Người cho anh ơn sáng mắt. Sau đó anh còn tình nguyện đứng vào hàng ngũ các môn đệ đi theo Người lên Giê-ru-sa-lem.

+ Quyết tâm đi theo Chúa trong cuộc sống hôm nay:

Mỗi ngày chúng ta hãy xin Chúa mở mắt linh hồn chúng ta để nhận ra Chúa hiện diện qua những kỳ công Chúa làm trong thiên nhiên, nơi bản thân và dâng lời ngợi khen cảm tạ Chúa.

Mỗi khi gặp sự khó khăn không biết con đường phài đi, chúng ta hãy xin Chúa mở mắt đức tin để lắng nghe Lời Chúa trong Thánh Kinh, phụng vụ, tìm hiểu ý Chúa muốn và mau mắn xin vâng. Khi gặp rủi ro thất bại, chúng ta hãy tín thác cậy trông vào Chúa và theo Chúa đi con đường "Qua đau khổ vào trong vinh quang" như anh mù trong Tin Mừng hôm nay.

4. THẢO LUẬN:

1)Làm thế nào để nhận ra ý Chúa muốn trong cuiộc sống hằng ngày?

2)Khi gặp phải tai nạn hay điều trái ý, bạn cần làm gì để đi con đường "Qua đau khổ vào trong vinh quang" của Chúa Giê-su?

5. NGUYỆN CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Như người mù ngồi bên vệ đường, xin Chúa hãy mở mắt linh hồn con để con nhìn thấy bản thân con với nhiều yêu hèn khuyết điểm, với lối giữ đạo giả hình bề ngòai mà thiếu chiều sâu đức tin bên trong... hầu con quyết tâm sám hối và nhận được ơn Chúa chữa lành.

Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong lòng con, để con năng tâm sự với Chúa.

Xin cũng mở mắt đức tin giúp con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thiên nhiên, để con dâng lời ngợi khen Chúa.

Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện trong thánh lễ và nơi Nhà Tạm để con năng đến nghe Lời Chúa dạy, kết hiệp mật thiết với Chúa qua việc rước lễ và chia sẻ niềm vui của Chúa cho mọi người chúng con tiếp xúc.

Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện diện nơi người chung quanh, nhất là những người nghèo hèn, khuyết tật hay đang tuyệt vọng...để con động viên an ủi và ân cần phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, hầu nên chứng nhân tình thương của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. 

X. Xin hiệp cùng Mẹ Maria
Đ. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

LM ĐAN VINH     www.hiephoithanhmau.com

VỈA HÈ
Mc. 10, 46 - 52. 

Vỉa hè là nơi mà người có con mắt thương mại buôn bán, kiếm sống; kẻ tàn tật, người mù loà, kiếm ăn hàng ngày. Người mù không nhìn thấy ông đi qua, bà đi lại nhưng nhận biết người đang tiến tới. Người mù không thể nhìn bằng mắt thường nhưng bằng cảm quan để nhận biết những gì xảy ra quanh mình. Người mù không nhìn thấy người cho đồng bạc nhưng biết hành động bác ái của người cho qua việc nghe đồng tiền rơi trong giỏ cói. Người mù qua cảm quan nhận biết sự hiện diện của người đang đứng gần kề. Người mù cảm nhận sự việc đang diễn ra quanh mình. Người mù biết sắp đến là một người hay một nhóm. Người mù cảm nhận khí trời hôm nay nắng đẹp hay mưa phùn hay bầu trời mù mây. Dù không trông thấy nhưng cảm nhận trong trí của anh ta.

Mong muốn có được cái này, cái nọ là ước mong chung của đa số. Khi có được điều ước mong lại không thích, không ưa, không hài lòng, lại muốn có cái khác vì thế mỗi chúng ta đều có những ước mong viển vông, hoặc ngay cả không biết chắc mình muốn gì, thích gì. Trong khi anh mù Batêmô dù không nhìn thấy nhưng lại nhìn rõ trong đầu điều anh ước ao, mong muốn. Anh mong tấm lòng bác ái, cử chỉ từ thiện từ người qua đường. Trong khi đó anh mong được Đức Kitô ban cho mắt sáng. Khi chưa gặp Ngài anh kêu nài


Lậy Đức Kitô, con vua Đavít, xin thương xót con'


Khi gặp Ngài điều xót thương thổ lộ rõ hơn. Anh xin cho được mắt sáng. Điều anh xin hoàn toàn trái ngược với hai người sáng mắt tuần trước nhắc đến của hai tông đồ. Họ sáng mắt thân xác nhưng lại mù mờ mắt tâm linh. Vì thế Đức Kitô nói với hai ông


Các con không biết điều các con xin Macô 10,38


Nhìn thấy mới tin là điều nhiều người mong ước nhưng không có chi bảo đảm điều bạn nhìn thấy là sự thật hay bảo đảm bạn nhìn chính xác, rõ ràng. Nếu nhìn luôn chính xác làm gì có chuyện chọn sai, mua lầm. Nếu nhìn thấy luôn chính xác thì làm gì có chuyện hối hận đã đi sai đường, lạc lối, đã phản tỉnh về nhận thức sai lầm.


Đám đông đi theo Đức Kitô lên tiếng can ngăn anh mù, không cho anh lên tiếng. Càng can ngăn, anh càng kêu to hơn. Đức Kitô dừng lại nói với đám đông để anh ta đến cùng Ngài. Tiếng của Ngài có lẽ nhỏ nhẹ, êm đềm, mời gọi. Dù là tiếng nhỏ nhẹ đó pha trộn với tiếng đám đông ồn ào, huyên náo thế mà anh mù vẫn nghe được tiếng Ngài. Không chần chừ nhưng nhanh chóng đáp lại tiếng Ngài gọi. Anh vui mừng nhảy nhón, chạy đến cùng Đức Kitô. Không phải vì anh nài nỉ dai dẳng mà Đức Kitô chữa anh mà chính là đức tin biểu lộ qua hành động. Điều này chính Đức Kitô xác nhận trước đám đông. Hành động thể hiện đức tin thầm kín trong lòng của anh biểu lộ qua hành động vui mừng nhảy múa, chạy nhanh đến và cuối cùng là đi theo Đức Kitô.


Đức Kitô sau khi cho anh mắt sáng bảo anh.


Anh hãy đi, đức tin của anh đã cứu anh.


Thay vì ra đi, anh chọn ở lại, chọn đi theo. Anh vất lại sau lưng tất cả để theo Chúa. Anh vất lại đồng tiền xin được trong ngày. Anh vất lại chỗ tốt mà anh ngồi xin bao năm qua mà nhiều người mù khác mong có được chỗ kiếm ăn tốt đó. Anh vứt lại cái khung cảnh quen thuộc và những người giầu bác ái luôn mở rộng tay phát cho anh miếng cơm. Anh vứt lại cái áo choàng duy nhất vật giữ ấm trong ngày giá lạnh. Anh vất lại lối sống cũ để mặc vào người lối sống mới, lối sống không nhà cửa, không chốn dựa đầu nhưng lại thảnh thơi, tâm tư thư thái, lòng an bình. Anh vứt lại í riêng để đón nhận í Chúa soi đường, chỉ lối đời anh.


Người ta khoe mẽ đi nhiều biết rộng đúng câu ca dao, tục ngữ: Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Người mù này không đi đâu xa, nếu có cũng chẳng nhìn thấy gì thế mà anh học được sàng khôn. Anh học được sự sống đời đời. Anh học được đức tin để tin vào Đức Kitô và chính niềm tin đó giúp anh sáng mắt. Vì thế đức tin không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong, từ con tim chân thành yêu mến. Con tim biết lắng nghe Lời Chúa và biết đêm ngày giữ trong lòng Lời Ngài. Sàng khôn nằm trong con tim, không phải nơi phong cảnh của đất trời bao la.

Lm Vũ Đình Tường

LẠY CON VUA ĐA-VÍT, XIN DỦ LÒNG THƯƠNG TÔI
Mc. 10, 46 - 52.

Con người sinh ra nơi trần thế không bị tật, không bị thương tổn một bộ phận, một cơ quan nào, chắc chắn con người đó sẽ vô cùng sung sướng. Mắt là cơ quan mong manh, nhưng rất quan trọng vì nhờ đôi mắt con người có thề thấy được vũ trụ, thấy được vạn vật, con người. Không gì buồn và đau khổ bằng hai con mắt bị đui, bị mù vv...Tin mừng của thánh Máccô cho hay anh mù Bactimê làm nghề hành khất, ngồi ở vệ đường nghĩa là anh ta ở ngoài lề xã hội...Anh ước mơ được sáng mắt.

Báctimê bị mù từ thuở lọt lòng mẹ. Anh không thấy được ánh sáng, không nhìn thấy được vũ trụ, vạn vật và con người. Cuộc đời của anh hầu như đã tàn vì suốt cuộc đời không thấy gì được thì thật là thê lương. Anh đã nghe nhiều người kể cho anh ta về ánh sáng, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, vạn vật, con người vv...Anh không thể nhìn thấy cha mẹ, những người thân thương. Nên, anh rất muốn thấy được. Anh đã nghe nói về Đức Giêsu Kitô, Đấng có quyền năng, có thể làm cho anh ta nhìn thấy được. Anh rất mong ước được gặp Chúa Giêsu. Anh tin vào Ngài và tin Ngài sẽ làm cho anh sáng mắt. Và cơ hội ngàn vàng đã tới. Chúa Giêsu hôm nay đã đi ngang qua đó hay nói một cách thi vị hơn, Chúa đã đi qua đời anh. Báctimê mù lòa không thể đi đâu xa, nên khi nghe tin đám đông và Chúa Giêsu đang đi tới. Một cơ may, một dịp hiếm vô cùng đã tới với anh. Báctimê chỉ chờ đợi giây phút này. Anh chỉ chờ giây phút này, anh đã can đảm, hết sức bình tĩnh để kêu to tiếng, anh tin tiếng kêu của anh sẽ thấu tới tai của Chúa và Chúa sẽ cứu anh. Anh tin và hoàn toàn hy vọng. Anh kêu lớn tiếng: " Lạy ông Giêsu, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi " ( Mc 47 ). Tin mừng thánh Máccô thuật lại thật rõ: nhiều người nạt nộ bảo anh ta im đi, nhưng càng nạt, càng bảo anh ta im đi, anh ta càng kêu lớn tiếng hơn: " Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi " ( Mc 10, 48 ). Báctimê dứt khoát không sợ ai, không sợ sự nạt nộ, cấm cản của những người khác. Tiếng kêu của anh đã thấu tới tai Chúa Giêsu. Tin mừng viết, Đức Giêsu đứng lại và nói: " Gọi anh ta lại đây " ( Mc 10, 49 ). Thánh Máccô chỉ rõ, Chúa Giêsu bảo gọi anh ta lại đây nghĩa là Chúa Giêsu chưa biết anh ta ở đâu vì Ngài mới chỉ nghe tiếng kêu của anh. Phần Báctimê khi biết mình được gọi, anh ta sung sướng đến nỗi vứt bỏ cả cái áo choàng vướng víu và vui mừng như một trẻ bé chạy đến với Đức Kitô. Thực sự, tuy anh chưa được Chúa Giêsu chữa mắt vì đang chạy tới để gặp Chúa, nhưng lòng của anh thực đã rõ rồi và khi đến trước mặt Chúa Giêsu, anh thưa với Ngài: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được " ( Mc 10, 51 ). Chúa Giêsu chỉ phán có một câu: " Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh " ( Mc 10, 52 ). Đúng là lời của Đấng có uy quyền. Chúa không cần phải chữa như bác sĩ, như lang y, nhưng chỉ một lời của Ngài: " Tức khắc, Báctimê nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi". Thực kỳ diệu. Thực là uy quyền tuyệt đối. Chúa yêu thương và chữa lành, cứu vớt Báctimê vì lòng tin của anh.


Tin mừng hôm nay thúc giục mọi Kitô hữu tự vấn chính mình. Có biết bao người mù, người bị bệnh hoạn tất nguyền đã đến với Chúa Giêsu ? Có biết bao kẻ mù lòa, bao người bệnh hoạn đã bị đối xử, đã bị ngăn cản như Báctimê đã bị ngăn cản ? Và có lúc chính mỗi người chúng ta cũng gây trở ngại cho biết bao người như anh Báctimê đã bị đối xứ ?


Bài Tin mừng này cũng nhằm chất vấn chúng ta xem chúng ta có tỉnh thức để nhận ra điều mà mắt chúng ta không thể nhìn thấy không ? Mù lòa về thể xác đã là điều kinh khủng. Mù lòa về tinh thần còn mệt mỏi hơn mù lòa về thể xác !


Xin được dùng lời thánh Phanxicô khó khăn để giúp mỗi Kitô hữu đem lại an bình và hạnh phúc cho những người khác: " Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con: đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn ưu sầu. Lạy Chúa, xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơm được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được nguồi hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là khi gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời ".

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

XIN CHO CON ĐƯỢC THẤY
Mc. 10, 46 - 52.

Có một anh mù đi thăm một người bạn. Trời tối khuya. Anh sợ người khác đụng vào mình nên anh đã có một sáng kiến. Anh đội đèn lên đầu để người khác trông thấy anh mà tránh. Anh hân hoan bước đi. Thình lình anh va vào một người làm cái đèn rớt xuống bể nát. Anh tức giận và chửi: "Mày mù hay sao mà không thấy đèn của tao". Người kia trả lời rằng: "Đèn mày còn sáng đâu mà tao trông thấy".

Cái đáng thương của anh mù là không biết đèn mình đã tắt. Anh chong đèn không phải để anh bước đi cho rõ mà quan yếu là nhờ ánh sáng để người khác đừng đụng phải anh. Nhưng anh đâu ngờ đèn anh đã tắt tự bao giờ! Vâng, mù đôi mắt là một bất hạnh. Bất hạnh vì đi lại khó khăn. Bất hạnh vì không còn nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của những người thân yêu, của cuộc sống quanh ta. Song song với cái đáng thương của sự mù loà thể xác còn có cái đáng thương của mù loà về luân lý, về chân thiện mỹ, đó là sự mù loà của tâm hồn. Cái đáng thương của mù loà tâm hồn là họ mù nhưng không chấp nhận mình mù. Họ vẫn bước đi trong vùng tối của tội lỗi, của đam mê nhưng không nhận ra sai trái của mình. Họ có cái nhìn lệch lạc về luân lý, về chân thiện mỹ nhưng đáng thương thay, họ vẫn cố chấp sống theo quan điểm của mình. Chính sự ngộ nhận đó đã giết chết cuộc đời họ và chắc chắn cũng gây nên đau khổ, có khi tổn thất cho những người chung quanh vì sự u tối và dốt nát của mình.


Bài tin mừng hôm nay được thánh Marcô ghi lại, có lẽ không nhằm nói về sự bất hạnh của người mù thể xác. Vì thời Chúa Giêsu cũng như thời nay người mù loà thí rất nhiều. Nhưng Chúa Giêsu chỉ chữa lành một vài trường hợp, trong đó có trường hợp chữa lành người mù thành Giêricô tên là Bactimê. Hơn nữa, những phép lạ của Chúa Giêsu thường liên hệ đến việc chữa lành tâm hồn. Anh mù Bactimê chỉ được chữa lành khi anh cố đến với Chúa. Anh quyết tâm chỗi dậy, dứt bỏ chốn xưa đã giam hãm cuộc đời anh. Anh cậy dựa vào Chúa để mong muốn thay đổi cuộc đời.


Thực vậy, anh mù Bactimê được Chúa chữa lành nhờ thiện chí của anh. Dù rằng người đời cản ngăn anh. Dù rằng thế gian muốn anh mãi mãi là người mù ăn xin bên vệ đường thành Giêricô. Anh đã mạnh dạn kêu cầu Chúa: "Lạy ông Giêsu, con Vua Đavít xin dủ lòng thương". Với thiện chí của mình anh đã dũ bỏ áo choàng ăn xin, dũ bỏ góc đường Giêricô mà bấy lâu nay anh vẫn ngồi đó để chờ bố thí, và rồi với đức tin mạnh mẽ anh đã được Chúa chữa lành, để từ nay anh trở thành một con người được tôn trọng giữa cộng đoàn, và hơn thế nữa anh còn có thể trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.


Ngày nay, loại mù về tâm hồn rất nhiều. Nguyên nhân có thể là do hoàn cảnh, do môi trường. Có thể do thiếu hiểu biết. Có thể là do đam mê, lười biếng. Có thể là vì thiếu trách nhiệm nên cố tình mù loà để hưởng bổng lộc của thế gian bố thí.


Có những bạn trẻ đã chạy theo xu hướng sai lầm của thời đại, quá tự do về giới tình, quan hệ nam nữ bừa bãi dẫn đến hủy hoại tâm hồn và thể xác. Có những cô gái trẻ đã phá đi cái thai là hậu quả của những giây phút bồng bột, lầm lỡ vì họ đã thấy trong gia đình, trong xóm làng đã có nhiều người làm thế nên mình làm theo.


Có những người trở thành những con nghiện của sì kẻ, ma túy do thiếu hiểu biết nên sa vào con đường tội lỗi và tự huỷ diệt thân xác mình mà không hay.


Có những người vì đam mê rượu chè, ham thích đỏ đen mà hủy hoại thanh danh không chỉ của mình, đôi khi còn ảnh hưởng xấu đến gia đình. Có những người vì rượu chè, cờ bạc đã đẩy gia đình đến khánh tận bần cùng mà họ vẫn trơ trẽn sống theo đam mê của mình.


Có những người vì một chút bổng lộc thế gian đã bán mình làm tôi cho ma quỷ, trở thành một Giuđa bán Chúa và làm hại anh em. Cuối cùng chỉ còn lại sự thất vọng, cô đơn và chán chường.


Hậu quả của những ngừơi mù mất ý thức này là huỷ diệt chính mình, hủy diệt thân xác và cả linh hồn. Còn đâu sự trong sáng của linh hồn là hình ảnh Thiên Chúa! Tất cả đã bị bôi nhọ bởi chính sự lầm lẫn đáng thương của chính mình.


Xem ra người mù thành Giêricô thật có phúc vì anh ý thức được sự mù loà của mình. Anh đã vượt qua mọi trở ngại để chạy đến nương nhờ lòng thương xót của Chúa. Ước gì mỗi lần chúng ta tham dự thánh lễ, với hành vi đấm ngực ăn năn, không phải là máy móc, vụ hình thức mà là sự nhức nhối của con tim đầy nuối tiếc về sự mù loà tâm linh của mình dẫn đến biết bao điều sai quấy, gây lo âu bất an cho tâm hồn, và gây đau khổ cho gia đình. Ước gì chúng ta luôn khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối của mình để cần Chúa chỉ đường dẫn lối, và chữa lành khỏi những u mê của cõi lòng, để chúng ta luôn hân hoan bước đi trong ánh sáng của tin mừng, của chân thiện mỹ, của nẻo chính đường ngay. Ước gì cặp mắt của tâm hồn chúng ta luôn đủ sáng để nhận ra đâu là thiện, là ác, để luôn hành động đúng theo lương tri của một con người. Amen.

Lm Jos Tạ Duy Tuyền

ĐUI CHỘT
Mc. 10, 46 - 52.

Chuyện kể rằng, có một thanh niên mù lòa từ thuở mới sinh. Anh phải lòng một cô gái. Càng biết cô, tình cảm anh dành cho cô ngày càng sâu sắc. Với anh, cô thật duyên dáng, thông minh và trìu mến. Từ đó, một tình yêu chân thành và đằm thắm cũng đâm chồi giữa hai người.

Cho đến một ngày kia, có người bạn nói với anh, cô gái ấy không xinh đẹp, không xứng đáng với anh... Hỡi ôi, cũng từ dạo ấy, sự quan tâm anh dành cho cô bắt đầu vơi và tương quan giữa hai người cũng trở nên hờ hững. Kể cũng tệ thật! Vì có bao giờ anh nhìn thấy cô ấy đẹp đâu? Một người mù như anh đâu có phán đoán theo dáng vẻ bên ngoài? Và với anh, để nhìn thấy, đôi mắt đâu phải là tất cả. Anh mù lòa đã đành, nhưng xem ra bạn anh và lòng anh lại đui chột hơn.


Tình yêu đâu chỉ được nhìn từ bên ngoài cũng như tự nguyên ngữ, "trừu tượng" là thuộc tính của tình yêu. Saint Exupéry thật có lý khi nói, "Điều chính yếu thì không thể thấy bằng mắt. Để thấy nó, phải nại đến con tim, nại đến tâm hồn".


Các bạn trẻ thân mến,


Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng nói đến một thanh niên mù lòa khác, tên anh là Bartimê, người đã đến với Đức Giêsu. Thánh Marcô kể, vừa nghe Ngài đang ngang qua, anh bắt đầu kêu lên: "Lạy ông Giêsu con vua Đavid, xin dủ lòng thương tôi", và lập tức quăng lại áo choàng, anh đến với Ngài.


Mỗi ngày, là một kẻ tật nguyền câm nín bên vệ đường, chẳng có gì lạ khi anh xin người khác dủ thương. Nhưng hôm nay, thật lạ, vì với tư cách một thanh niên, anh gọi đích danh một thanh niên khác để xin dủ lòng. Và để có thể lặp đi lặp lại một lời cầu xin khẩn thiết đến thế, hẳn anh phải tin chắc người bạn trẻ ấy có khả năng chữa lành không chỉ đôi mắt xác thể nhưng cả sự u mê dày đặc có thể có trong tâm hồn mình; người thanh niên ấy hẳn không chỉ bứng anh ra khỏi vệ đường nhưng còn đưa "anh đi theo Ngài trên con đường Ngài đi" như Tin Mừng kết thúc. Đây là cao trào của trình thuật. Thật tuyệt vời và huyền nhiệm, hẳn anh sẽ là môn đệ của Đức Giêsu.


Thật đáng cho chúng ta kinh ngạc, vì dẫu Bartimê đang mù loà thể chất, nào ngờ đâu, mắt tâm hồn của anh chẳng vẩn đục chút nào; trái lại, nó thật ngời sáng, đúng hơn, mắt đức tin của anh chói sáng.


Phần chúng ta, chúng ta đang sống trong một thế giới tranh tối tranh sáng, ở đó, bóng tối tưởng chừng như đang nuốt chửng ánh sáng, một thế giới mà khả năng nhìn thấy ánh sáng của đôi mắt đức tin thật cấp thiết và sống còn. Vì lẽ ngoài khuyết tật mù lòa thể chất, thế giới đang chứng kiến nhan nhãn bao hội chứng đui chột tinh thần. Cũng có thể mỗi người chúng ta đang mắc phải một trong những hội chứng đó.


Hội chứng ích kỷ, bức tường che chắn những nhu cầu của anh chị em.

Hội chứng vô cảm, giấy thông hành để vô cảm trước bao vết thương vô tình hay cố ý gây cho người khác.
Hội chứng tự phụ, thảm đỏ trải trên những sai sót của bản thân.
Hội chứng ghét ghen, tảng băng nổi cản lối đại cuộc.
Hội chứng duy vật, mù sương trước những giá trị tinh thần.
Hội chứng nông cạn, voan che các giá trị đích thực của một con người.
Hội chứng hợm hĩnh, man khai phủ lấp một thực tế: mọi người có nhân phẩm như nhau.
Hội chứng thành kiến định kiến, pháo đài án ngự sự thật.
Hội chứng sống hối hả, tính cách của người đánh mất muôn vẻ kỳ diệu chung quanh

Như vậy, một con tim nghèo, một đầu óc hẹp, một tâm hồn nhỏ... tất cả đều dẫn đến hội chứng đui chột, triệu báo một nhãn quan gập gãy, què quặt, phủ đầy bóng đêm lên ngày sống và... thế giới phải hẹp lại (x. F. McCarthy). Vậy thì, không chỉ đôi mắt mới làm cho thấy, chúng ta còn phải thấy bằng trí óc, qua tinh thần và nhờ con tim. Là Kitô hữu, còn hơn thế nữa, Kitô hữu thấy nhờ tin, tin vào Thiên Chúa, tin vào Đấng Ngài đã sai đến. Đấng ấy chính là Đức Giêsu Kitô, là Ánh Sáng phải đến đã đến trong thế gian mà anh mù Bartimê đã nhận ra.


Vậy là có nhiều thứ đêm tối cũng như có nhiều loại đui chột. Có thứ đêm tối phàm phu, có loại đui chột tục tử. Cũng thế, có thứ đêm tối đức tin, có thứ đui chột của lòng trông cậy. Cảnh vực thần linh còn đó, sự hiện diện của Thiên Chúa còn đây, nhưng sẽ không thấy gì, sẽ không cảm nhận gì nếu không có đức tin. Anh mù Bartimê đã có một đức tin mạnh mẽ, anh đã thấy nhờ tin. Đức Giêsu nói: "Lòng tin của anh đã cứu anh".


Đức tin là ánh quang soi dọi thế giới vô hình, chiếu sáng những điều vĩnh cửu và mặc khải những điều trên cao. Đức tin là những ngọn đèn đường dọc theo đaị lộ dẫn đến cuộc sống đời đời mà những kẻ không tin chẳng bao giờ có thể bước đi trên đó.


Thế nhưng, bạn đừng quên, những ngọn đèn ấy, những ánh quang ấy thường chỉ đủ sáng cho những ai bước từng bước thật nhỏ đang khi trên đầu, mây u ám vẫn cứ giăng mắc và dưới chân, thử thách, chướng ngại vẫn luôn rập rình. Phải chăng, Thiên Chúa để vậy hầu chúng ta chỉ biết hoàn toàn cậy trông và phó thác vào một mình Ngài, Đấng như một con đường mà ai đi trên đó, phải vừa cất bước phải vừa khám phá.


Với thánh vịnh 50, chúng ta có thể cầu nguyện. Lạy Chúa, con sinh ra trong đống tội, mẹ con đã hoài thai con trong tội. Con đui chột, mù lòa chệnh choạng, mắc phải đủ thứ hội chứng; hôm nay, xin cũng chữa lành con, cho con đầy lòng tin để thấy tình yêu Chúa đang ngời sáng trong thế giới u minh này; cho con đầy lòng cậy để thấy Chúa trong anh chị em, nhất là những anh chị em tưởng chừng như họ là con cái của sự tối tăm; cho con đầy lòng mến để con can đảm chỗi dậy sau đêm dài u mê hầu bước đi trên con đường Chúa đi, Amen.

Lm. Minh Anh

XIN MỞ CHO CON ĐÔI MẮT THẤY TÌNH YÊU KỲ DIỆU CỦA CHÚA KHẮP NƠI
Mc. 10, 46 - 52. 

Ngày còn bé, thi thoảng Mẹ và Dì dẫn lên Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Cũng thi thoảng được nghe những sáng tác của Cha Thành Tâm. Một bài hát đã đi vào lòng của mình tự bao giờ chẳng hiểu. Chắc có lẽ nhịp điệu bài hát ấy nó hơi sôi động và dễ hát nên dễ nhập tâm:

"Lạy Chúa xin mở mắt tôi biết nhìn kỳ công của Ngài

Trời xanh tinh tú long lanh, mây ngàn cùng muôn muôn thú
Đồi kia ! Ai đắp nên cao, sóng trào đại dương mênh mông.
Biết rằng: Ngài đã thương tôi thế mà tôi đâu có hay.
Ephata hãy mở ! Mở ra ! Ephata ! Hãy mở ra ! Ephata".

Giờ lớn lên một chút, thi thoảng nghe lại bài hát này thấy vẫn còn hay vì lẽ lời cầu nguyện của bài hát này hết sức mộc mạc và cũng hết sức dễ thương: Lạy Chúa xin mở mắt con !


Vâng ! Nhiều lúc mình có mắt nhưng mắt có chịu thấy đâu để rồi cũng phải xin Chúa mở ra để nhìn thấy kỳ công của Chúa đang thực hiện trên cuộc đời này. Cứ chịu khó xin đi, Chúa sẽ nhận lời nguyện xin của mỗi người chúng ta như Chúa chữa anh chàng mù thành Giêricô hôm nay trong tin mừng Máccô vậy.


Trang tin mừng về việc Chúa Giêsu chữa anh chàng mù thành Giêricô được phác hoạ như là một tiền dẫn để chuẩn bị cuộc tiến vào Giêrusalem chịu khổ hình thập giá của Chúa Giêsu.


Thánh Maccô đã khéo lép sắp xếp cách hành văn để tạo nên một sự song chiếu với trình thuật chữa người mù Betsaiđa (Mc 8, 22-26). Vì chưng câu chuyện chữa người mù thành Betsaiđa cũng đã là một thứ tiền khúc cho cuộc tuyên xưng đức tin của Phêrô (Mc 8, 27-33)


Nói cách khác, phép lạ chữa người mù Betsaiđa cũng như phép lạ chữa người mù Giêricô được Thánh Maccô trình bày như những trình thuật chuyển mạch đưa dẫn tới sự tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu Đấng Thiên sai cứu độ.


Và họ đến Giêricô. Lúc Người ra khỏi Giêricô cùng với môn đệ và dân chúng đông lắm, thì có con của Timê là Bartimê, một người ngồi ăn xin dọc đường. Nghe nói là Chúa Giêsu Nadarét đó, thì hắn lên tiếng kêu rằng: Giêsu con Đavit, xin thương xót tôi. Nhiều người quát bảo hắn im, nhưng hắn càng kêu hơn nữa: Lạy con Đavit xin thương xót tôi (c. 46-48).


Giêricô vốn là một thành cổ xưa nhất của Palestina, nằm cách Biển Chết khoảng 10 km về phía Bắc, cách Giêrusalem chừng 30 km về phía Đông Bắc. Trong Tin Mừng Maccô, đây là nơi dừng chân sau cùng của Chúa Giêsu trước khi tiến vào Giêrusalem. Cũng chính ở đây, Chúa Giêsu chữa lành cho Bartimê, một kẻ ăn xin mù lòa.


Một người mù ăn xin: Trong bối cảnh thời đại ở Đông Phương lúc ấy, bệnh mù mắt được coi như thứ bệnh vô phương cứu chữa và số phận của nạn nhân thường rất bi đát. Đa phần trong họ không có cách kiếm sống nào khác ngoài việc đi ăn xin (x. Ga 9,8). Bởi thế, một cách nào đó, bệnh tật này gợi nhớ nỗi khốn cùng tuyệt vọng của kiếp người.


Trở lại câu chuyện Tin Mừng, người mù này là con của Timê. Tên gọi Bartimê là một ngữ vựng Aram ngữ có ý nghĩa y hệt (Bar = con; Bartimê = con của Timê). Thánh Maccô vẫn có thói quen lấy lại nguyên ngữ Aram. Chi tiết này cũng là bằng chứng cho thấy thánh ký có lấy nguồn tài liệu từ một truyền thống Aram ngữ.


Người mù đó ngồi ăn xin ở vệ đường và khi nghe biết Chúa Giêsu Nadarét đi qua, anh đã lớn tiếng khẩn cầu sự trợ giúp của Người: "Giêsu con Đavit, xin thương xót tôi". Và khi mọi người quát bảo anh ta im, anh ta lại càng kêu xin lớn nữa: Lạy Con Đavit, xin thương xót tôi (x. c. 47.48).


Trong truyền thống Do Thái, tên gọi Con Đavit là một tước hiệu bình dân gán cho Đấng Thiên sai.


Người mù ăn xin đó đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Thiên sai, vốn được dân Do Thái chờ mong. Anh ta đã khẳng khái tỏ bày sự tin tưởng vào Người, bất chấp sự cản trở của dân chúng.


Cách miêu tả của thánh ký gợi lên sự kiện này: dân chúng háo hức tháp tùng Chúa Giêsu, song họ không có một đức tin chân thực, họ mù quáng về sứ mệnh Thiên sai của Người. Đang khi đó, một kẻ mù lòa ngồi ăn xin bên vệ đường lại đặt tin thác vào Người con Đavit, tức là Đấng Thiên sai được đợi trông. Chắc hẳn lòng tin tưởng đó của anh còn cần phải được soi sáng hơn, y như trường hợp người phụ nữ băng huyết đã được chữa lành và tin tưởng vào Người. Tuy nhiên, có điều chác chắn là người mù đã tin vào sự vĩ đại cũng như quyền lực của nhân vật mà anh ta van xin. Anh ta biết rằng, ít ra chính Thiên Chúa đã ban cho anh cơ hội gặp gỡ Chúa Giêsu. Bởi thế, anh đã không nản lòng van xin sự trợ giúp. Dù biết rằng Chúa Giêsu là người quê ở Nadaret (x. c 47a Giêsu Nadaret), anh ta đã không dừng lại ở gốc gác lý lịch, nhưng đã tỏ bày sự tín nhiệm không do dự: Giêsu con Đavit xin thương xót tôi.


Trong nhãn quan thần học Maccô, người mù ăn xin này nói lên mẫu gương tuyệt vời của một môn đệ dứt khoát chọn theo Chúa Giêsu trên con đường tiến về Giêrusalem, tức con đường khổ nạn.


Đứng dậy, Chúa Giêsu nói: gọi người ấy ... Hắn vứt áo choàng một bên, nhảy chồm dậy và đến cùng Chúa Giêsu. Người lên tiếng nói vói hắn: Ngươi muốn ta làm gì cho ngươi ? Người mù đáp lại: Rabbuni, xin cho tôi được thấy. Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy đi, lòng tin của ngươi đã cứu ngươi. Và lập tức hắn đã thấy được mà theo Người lên đường (c. 49-52).


Khác với nhiều lần trước, lần này Chúa Giêsu không khước từ danh xưng Thiên sai gán cho Người. Người để cho kẻ mù ăn xin lớn tiếng tuyên xưng Người là Con Đavit. Thêm một lần nữa chúng ta phải bắt nhận ra được ý nhắm thần học ở đây trong liên hệ với thần học về Bí mật Thiên sai của thánh ký Maccô. Tại sao Chúa Giêsu không còn căn dặn im lặng hay bó buộc im tiếng ? Độc giả Maccô sẽ không quên rằng Chúa Giêsu đang đi trên đường tiến về Giêrusalem mà Giêricô là trạm chót sắp vượt qua. Người đang trên đường gần kề cuộc khổ nạn thập giá: ý định của Thiên Chúa về công cuộc cứu độ sắp hoàn thành. Bởi vậy không còn lý do gì để giữ mãi những màn che Bí mật Thiên sai: tất cả sắp được tỏ lộ một cách thanh thiên bạch nhật. Đành rằng khó lòng mà tránh được mọi hiểu lầm về một Đấng Thiên Sai chính trị và và trần tục như sau này Người sẽ bị kết án như thế. Song le, không có cản trở nào làm đổ vỡ được hoạch định của Thiên Chúa. Theo ý định của Thiên Chúa cái chết của Người sẽ là con đường dẫn tới ơn cứu độ cho nhân loại. Người thực sự là Đấng Thiên Sai cứu độ, dù rằng khác với cách mơ ước trần tục ích kỷ của người Do Thái.


Người đến đem ơn cứu độ cho tất cả ai đón nhận, mà việc chữa lành người mù ăn xin là một dấu chỉ: dấu chỉ của đức tin cứu độ.


Chính vì thế, Người đã nói với nạn nhân: Đức tin của ngươi đã cứu người. Gợi nhắc sự việc y hệt Người đã chữa cho phụ nữ băng huyết khi bà bị bệnh (Mc 5,34) Và kẻ được chữa lành đã lên đường theo Người (c. 52b). Đó cũng là sứ điệp ngõ cho những ai chọn theo Người. Như đức tin vào Chúa Giêsu đã chữa lành người mù, cũng thế đức tin đưa dẫn kẻ tin Người biết chọn theo Người trên con đường khổ nạn để có được ơn cứu rỗi đích thực nơi mầu nhiệm phục sinh này.


Vấn đề ở chỗ mù là mù đức tin. Cuộc đời của khá nhiều người, mắt vẫn sáng ấy nhưng không nhìn thấy được đức tin và đức tin cũng chẳng thể nhìn bằng con mắt thường nhưng nhìn bởi con mắt của lòng tin, của sự tín thác vào Thiên Chúa. Anh chàng mù hôm nay dù đã bị ngăn cản nhưng anh đã vượt qua cái ngăn cản của con người để đến với Chúa và anh ta đã được toại nguyện.


Chúng ta, có thể được sáng mắt, không cần Chúa chữa cho mình được sáng về thể xác như anh mù nhưng có thể chúng ta bị khuyết tật, bị khiếm khuyết chút gì đó trong con mắt tâm hồn, con mắt đức tin. Và vì vậy, chúng ta nên chăng cũng bắt chước anh chàng mù để xin Chúa chữa con mắt tật bệnh của chúng ta. Lời nguyện trong Thánh Thi kinh sách thứ Năm tuần II thật hay:


Ôi lạy Chúa, xin mở cho con đôi mắt

Thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi.
Con mù loà bên vệ đường hành khất,
Xin chữa con để con nhìn thấy mặt Ngài.

Lạy Chúa Giêsu - con vua Đavít, xin chữa cho con để con nhận thấy tình yêu của Chúa thật kỳ diệu xiết bao và đặc biệt là kỳ diệu với riêng mảng đời của con. Chúa đã thương ban cho con qúa nhiều ơn lành nhưng hình như con cứ như mù loà để không nhận ra những ơn ấy. Lạy Chúa, xin mở mắt con.

Anmai, CSsR

MÙ CÓ PHẢI LÀ BẤT HẠNH
Mc. 10, 46 - 52. 

Khi nghĩ đến người mù, ta thường nghĩ đến hai chữ "tội nghiệp", "đáng thương", hay "bất hạnh". Dĩ nhiên có khi chính bản thân người mù cảm thấy bất hạnh thật vì họ không được nhìn thấy ánh sáng, không được nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên, nhất là không được nhìn thấy những người thân yêu của mình. Và ngay cả khái niệm về màu sắc, họ cũng không biết đến.

Tuy nhiên, giữa người mù và người sáng, chưa chắc ai bất hạnh hơn ai. Có khi vì mắt sáng tỏ, nên người ta bất hạnh hơn là bị mù loà. Này nha, trong các vụ án trộm cắp, lường gạt, đâm chém, hiếp đáp, ngoại tình,..., bạn có thấy thủ phạm nào là người mù không, ngoại trừ những người sáng mắt ? Trong số những dân chơi cuồng quay nơi các vũ trường ngập ngụa ma tuý, thuốc lắc, bạn có bắt gặp bóng dáng người khiếm thị nào bên cạnh những người mắt sáng ở đó chăng ? Trước vành móng ngựa xét xử các quan tham vô lại, có lẽ bạn cũng khó mà tìm được một bị cáo nào là kẻ mù loà ở đấy; có chăng chỉ toàn là những người cả hai mắt đều tỏ đều tường. Và nếu bạn cất công thắp đuốc đi tìm các tù nhân là người mù trong các trại giam, chắc chắn bạn sẽ thất vọng vì nơi đó chỉ thấy toàn những người có đủ cả hai mắt. Vậy thì ai "bất hạnh" hơn ai ? Người mù hay người sáng ? Bởi đó, khi nhìn thấy một người mù, bạn khoan đã cho rằng người đó tội nghiệp, người đó bất hạnh. Hạnh phúc hay bất hạnh không hệ tại ở việc sáng hay mù cặp mắt thể lý, nhưng là hệ tại ở việc sáng hay mù cặp mắt tâm hồn, cặp mắt đức tin.


Trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, ta thấy Bartimê là một người mù loà, hành khất bên vệ đường ngoại thành Giêrichô. Không biết anh có thuộc hội người mù nào hay không! Song thiết tưởng anh là một người lương thiện. Anh sống bằng những gì kiếm được từ lòng hảo tâm của người khác. Mặc dù nghèo, nghèo nên phải đi ăn xin, nhưng cuộc đời anh thanh thoát. Anh sống vô tư giản dị, không bon chen, giành giật, không tính toán hơn thua, không đua đòi ăn diện. Anh cũng không vợ nọ con kia, không rượu bia các thứ. Có lẽ anh cũng chưa bao giờ phạm vào những "tội đội sổ" của con người thời đại hôm nay: buôn gian bán lận, lậu thuế trốn thuế, tham ô, móc ngoặc, hối lộ, hay rút ruột các công trình xây dựng. Và chắc hẳn trong cả cuộc đời, anh cũng chưa hề lường gạt, bóc lột hay hãm hại ai. Tắt một lời, anh sống hoàn toàn ngay chính.


Hơn thế nữa, trong khi rất nhiều người sáng đôi mắt thể lý lại mù loà trước ánh sáng vô hình, không thể nhận ra Chúa Giêsu là ai, thì anh mù Bartimê này lại "thấy tỏ tường" chính Đức Giêsu là ai. Anh không van xin Chúa bằng danh xưng Giêsu Nazaret mà dùng danh xưng Con Vua Đavít - một danh xưng ám chỉ tước hiệu Đấng Mêsia. Tiếng kêu lớn tiếng của anh "Lạy Con Vua Đa vít" đồng thời cũng là một lời tuyên xưng niềm tin vào chính Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng mà anh tin là sẽ phục hồi sự sáng cho anh.


Đồng ý "đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn", nhưng không phải một khi "cửa sổ" ấy bí đóng vĩnh viễn do mù loà là đương nhiên tâm hồn trở nên tối tăm băng giá như vùng bắc cực đâu. Ngược lại nữa là khác. Khi đôi mắt của họ không còn khả năng thấy được những thực tại hữu hình, thì tâm hồn họ lại rất bén nhạy với những thực tại vô hình. Bởi đó người ta bảo rằng người mù thường cảm nhận rất sâu xa về những thực tại siêu linh, và họ cũng rất nhạy bén trước những nỗi thống khổ của anh em đồng loại. Nói cách khác, người mù thường có cặp mắt đức tin sáng tỏ, như trường hợp anh mù Bartimê hôm nay.


Dẫu chưa một lần được gặp gỡ hay diện kiến Đức Kitô; chưa một lần được trực tiếp nghe những lời Ngài giảng dạy, cũng chưa một lần được chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu đã làm; anh chỉ mới được nghe người ta nói về con người của Chúa Giêsu, thế mà anh đã tin. Anh tin một cách mãnh liệt. Và nhờ niềm tin đó, anh đã gặp được hiện thân lòng nhân hậu của Thiên Chúa, hiện thân của những mối phúc thật là Đức Giêsu Kitô. Anh được Chúa phục hồi sự sáng, sự sáng của cặp mắt thể lý, và quan trọng hơn là cặp mắt đức tin nơi anh vốn đã sáng nay sáng rỡ hơn. Từ đây đời anh hoàn toàn đổi mới. Còn hạnh phúc nào bằng. Anh đã tự nguyện dấn bước theo Chúa trong niềm vui tràn trào.


Lạy Chúa, sẽ thật hạnh phúc cho con, nếu con có đôi mắt thể lý lẫn đôi mắt tâm linh sáng ngời. Ngược lại sẽ thật bất hạnh cho con nếu con có đôi mắt thân xác sáng tỏ nhưng đôi mắt tâm hồn lại mù tối như đêm 30. Con xin tạ ơn Chúa vì ngài đã ban cho con có đôi mắt thể lý chưa một lần phải đến bác sĩ nhãn khoa. Xin Người gìn giữ con để đôi mắt đức tin của con cũng luôn được tinh tường sáng suốt. Đặc biệt xin Chúa cho những người mù luôn giữ được cái tâm trong sáng để cuộc đời của họ không bao giờ là "bất hạnh", là "đáng thương" như người ta vẫn nghĩ. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

LẠY CHÚA, XIN THƯƠNG XÓT TÔI
Mc. 10, 46 - 52.

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục cuộc hành trình lên Giêrusalem để chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh như ý định của Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu lần này dừng lại ở thành Giê-ri-khô,lúc Ngài ra khỏi thành cùng với các môn đệ, có đông dân chúng đi theo Ngài, họ đang sống tâm trạng lo âu vì những biến cố họ mong manh nghe sẽ xẩy ra tại Giê-ru-sa-lem. Trong khi ấy, bên vệ đường chỗ Chúa Giêsu sắp đi ngang qua, có một người mù tên là Bác-ti-mê có lẽ anh ta đã chờ Chúa Giêsu từ lâu, anh sợ bỏ lỡ cơ hội, nên anh ta đã la to lên, cốt ý cho Chúa Giêsu nghe thấy: " Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi "( Mc 10, 47 ). Lời van lơn của anh mù càng lúc càng to, càng lúc càng tha thiết hơn như dân Israen trong cơn lầm than cơ cực đã kêu gào khẩn thiết xin Thiên Chúa đến viếng thăm và cứu thoát họ như sách ngôn sứ Giêrêmia đã đề cập tới.

Bactimê, anh mù từ thuở mới sinh đã bất chấp tất cả những ngăn cản, những lời đe dọa của nhiều người, anh đã chồm dậy như một con bần bật, như một chiếc lò xo và chỉ cần một lời truyền của Chúa Giêsu, anh đã chồm tới thật nhanh, bỏ lại chiếc áo choàng và chung quanh chỉ là màn đêm dày đặc.Anh đã tiến tới với Chúa Giêsu. Lạ lùng, kỳ diệu thay. Lời gọi mời của Chúa Giêsu khiến anh trở nên mạnh mẽ vô song, anh đã biến đổi hoàn toàn. Nếu chịu khó suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy trước đó, anh vẫn ù lì, bất di bất dịch, anh chỉ ngồi một chỗ tại một nơi nào đó để ăn xin, nhờ của bố thí thì bây giờ anh mù đã đứng lên, hiên ngang và hạnh phúc đón nhận điều anh hằng mơ ước là được thấy, được sáng mắt. Thái độ hân hoan, phấn khởi của anh mù khi được thấy cũng tựa như thái độ vui sướng của dân Israen khi được Thiên Chúa giải thoát họ, qui tụ họ và dẫn đưa họ về đất hứa.


Báctimê đã có một lòng tin sâu xa, lòng tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu. Anh tin, Chúa có thể làm cho anh sáng mắt. Chính lòng tin của anh đã cứu anh. Anh đã được Chúa Giêsu mở mắt và anh đã được Chúa cứu độ, anh đã nhận được hồng ân cao vời của Chúa là làm cho anh nhận ra ánh sáng và anh nhìn thấy tất cả. Niềm vui và hạnh phúc anh có được đến nỗi khi anh đã thấy ánh sáng, anh đã hòa nhập với đám đông theo Chúa Giêsu lên Giêrusalem, và tung hô "
Đấng nhân danh Chúa mà đến ". Hạnh phúc là anh Báctimê đã nhận được ơn cứu độ, nhận ra tình thương tuyệt vời của Chúa như dân Israen đã được Chúa cứu thoát khỏi tội lỗi đang bao trùm trên họ.

Sống ở đời: đau khổ, bệnh hoạn, tật nguyền luôn rình mò, bủa vây con người. Những đau khổ ấy dễ làm cho con người mù lòa, nổi loạn và mất hướng đi ? Làm sao để trong những cơn thử thách cùng tột ấy con người vẫn luôn vững một niềm tin. Gương của ông Gióp và biết bao vị thánh đã giúp chúng ta tìm lại phương hướng và niềm tin. Giữa những cơn thử thách đức tin vẫn là điều quan trọng nhất để chúng ta tiến bước.


Người môn đệ Chúa luôn nhìn lên Chúa vị Chúa của tình thương. Chính Chúa cũng đã phải đương đầu với những đau khổ, với sự chết, Ngài đã có lúc thưa với Chúa Cha:"
Lạy Cha, nếu có thể thì xin cất khỏi con chén đắng này nhưng không phải là theo ý con mà luôn theo ý Cha ". Chúa đã chiến thắng sự chết và đã phục sinh.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được thấy. Vâng, chỉ trong ánh sáng của Chúa, chúng con mới nhìn thấy ánh sáng
. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THIÊN CHÚA THƯƠNG CỨU CON NGƯỜI
Mc. 10, 46 - 52. 

Anh mù ăn xin, con ông Timê, hôm nay được chữa lành. Khi được Đức Giêsu gọi, anh ta vui mừng đã vứt tung cả áo choàng để có thể mau đến với Đức Giêsu. Nhờ đức tin soi dẫn, anh ta đã được sáng.

1. Thiên Chúa- Đấng thương xót con người


Vào thế kỷ VI trước công nguyên, khi dân Do Thái đang lưu đày, Giêrêmia đã nói với tư cách ngôn sứ: Thiên Chúa sẽ đem dân Israel lưu đày trở về. Thiên Chúa sẽ cứu dân Người, sống sót của Israel; ngay cả những người què và đui mù, phụ nữ với trẻ thơ, từng đoàn từng lũ kéo nhau về. Thiên Chúa sẽ an ủi dân Người khi Người đem họ về. Thiên Chúa sẽ dẫn họ tới suối nước, đi trên đường bằng phẳng kẻo họ bị vấp ngã, vì Thiên Chúa là cha của Israel.


Vì tội lỗi của dân, Thiên Chúa để dân Do Thái phải lưu đầy nơi đất khách quê người; và vì lòng nhân từ, Thiên Chúa đưa dân Israel trở về. Đây là những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho dân Do Thái trước mắt mọi dân tộc. Khi một dân bị lưu đầy giữa một dân tộc khác, họ sẽ bị kỳ thị, khinh bỉ, hà hiếp, và cảm thấy nhục nhã. Dân Do Thái đã một thời sống nơi đất khách quê người hơn bốn trăm năm, từ thời ông Giacóp và mãi đến thời Thiên Chúa dùng Môsê giải phóng dân Chúa khỏi Aicập và đưa về Đất Hứa. Lần này khi bị lưu đày ở Babylon, Thiên Chúa đã dùng vua người ngoại Kyrô đem dân Ngài trở về quê hương xứ sở. Được trở về quê hương, cũng tương tự như được giải phóng khỏi ách nô lệ, dân Chúa vui mừng dường bao!


Thiên Chúa là Đấng thương xót dân Ngài. Ngài rung động trước nỗi khổ của dân, và Ngài đáp cứu họ. Thiên Chúa tỏ cho dân biết Ngài là Thiên Chúa giầu lòng thương xót, quan tâm đến dân, muốn giải phóng dân thoát khỏi mọi nỗi khổ đau. Thiên Chúa rất gần con người, Ngài luôn ở bên con người để có thể nghe được tiếng họ kêu xin. Thiên Chúa là người kề cận, là người bạn, người anh, người cha và người mẹ đối với con người.


2. Gọi anh ta lại đây


Đức Giêsu trong cuộc đời đi rao giảng, Ngài cũng rung động trước nỗi khổ của con người. Với người nghèo đói, Ngài cho họ cơm bánh; với những người bệnh tật như người mù, người bại liệt, người phong cùi, người điếc lác, Ngài chữa lành họ. Ngài đã trải qua kiếp nghèo nên Ngài dễ thông cảm với người nghèo; Ngài đã khổ nên Ngài dễ thông cảm với những ai đau khổ; Ngài được sinh ra trong hoàn cảnh cùng khổ nhất, nên có thể thông cảm với tất cả mọi người.


Người mù con ông Timê nghe biết Đức Giêsu đi ngang qua, anh ta kêu lên: "Lạy ông Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót tôi". Người ta quát mắng bảo anh im đi, nhưng anh ta lại càng la to hơn: "Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi". Đây là tiếng kêu của người đau khổ, người cùng khốn, không biết nại vào điều gì để xin người khác ban ơn cho mình, chỉ còn biết nại vào lòng thương xót của người khác. Anh ta không có lý do gì để xin điều mình muốn xin, chỉ nhờ hoàn toàn vào lòng thương của người khác. Đức Giêsu là người cảm thương anh hơn cả; người khác quát mắng đòi anh im lặng nhưng Đức Giêsu thì khác. Người khác có thể không tin, nên đòi anh im lặng; còn anh, anh hy vọng, anh tin, nên anh càng la to hơn. Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi. Đức Giêsu dừng lại. Ngài đã nghe thấy tiếng kêu cứu, kêu xin Ngài cứu. Ngài không thể bước đi vì tiếng kêu xin này! "Gọi anh ta tới đây". Anh ta mừng, nhẩy lên, vứt cả áo choàng. Hy vọng tràn trề: Ngài đã cho gọi anh, Ngài đã nghe tiếng anh, đã quan tâm tới anh. "Anh muốn ta làm gì cho anh? Lạy thầy, xin cho tôi được sáng". Một câu quá ngắn, nhưng lại quá khó khăn đối với con người! "Lòng tin của anh đã cứu anh".


Đức Giêsu là đại diện Thiên Chúa đối với con người. Ngài sống giữa con người như những người nghèo hèn nhất, cùng khốn nhất; Ngài có thể nghe tiếng kêu cứu của con người. Ngày xưa, Thiên Chúa đã nghe tiếng dân Israel kêu cứu khi phải sống lầm than ở Aicập, Ngài đã sai Môsê đi cứu họ; ngày nay, Thiên Chúa cũng luôn nghe tiếng kêu cứu của con người. Thiên Chúa cũng sai bao người đại diện Ngài thương cứu con người hôm nay. Mỗi người đều được Thiên Chúa mời gọi trở thành tình yêu của Thiên Chúa cho tha nhân.


3. Đức Giêsu- Vị thượng tế cảm thông nỗi khổ đau của con người


Một người không thể là thượng tế theo ý mình muốn, nhưng là một ân huệ được Thiên Chúa trao tặng. Đó là một ơn gọi. Vị thượng tế cũng là một người như bao người khác, cũng yếu đuối và lỗi lầm, nên phải dâng lễ tạ tội cho dân và cho chính mình. Vị thượng tế là người thông cảm với người khác, vì chính ngài cũng cảm thấy mình mong manh mỏng dòn như người khác vậy. Vị thượng tế được chọn giữa bao người, để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người.


Tác giả thư Do Thái nhận ra Đức Giêsu Kitô là vị thượng tế; vị thượng tế này không phạm tội cho dù Ngài chia sẻ hoàn toàn thân phận con người. Vị thượng tế này rất gần con người cho dù Ngài không phạm tội, vì Ngài cũng chia sẻ tất cả những gì là con người. Ngài không là tội nhân vì phạm tội không thuộc về bản chất con người. Thiên Chúa không tạo dựng con người để con người phạm tội, nhưng tạo dựng con người để con người nên giống Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa.


Đức Giêsu Kitô là biểu lộ tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Đức Giêsu thương cảm con người, tức là, Thiên Chúa thương cảm con người. Đức Giêsu là Thiên Chúa ở với con người: Thiên Chúa hiện diện với con người trong mọi nỗi gian khổ và thăng trầm của họ trong cuộc sống, Ngài đói với người đói, khát với người khát; Ngài đau với người đau, khổ với người khổ. Ngài muốn con người nhận ra rằng: Thiên Chúa yêu con người, và Thiên Chúa muốn con người ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình thương. Ai sống yêu thương là con cái Thiên Chúa. Ai yêu thương anh em là yêu thương Thiên Chúa. Thiên Chúa thương cứu con người nhờ Đức Giêsu Kitô.

LM Phạm Thanh Liêm, SJ

"ANH MUỐN TÔI LÀM GÌ CHO ANH?"
Mc. 10, 46 - 52. 

Ở đây, theo tâm lý mà nói, quả thật Ðức Giêsu đã làm một nghĩa cử vô cùng cao đẹp, khi Người hỏi người hành khất mù :« Bác-ti-mê-ô, anh muốn tôi làm gì cho anh ?» - Ðúng vậy, chúng ta ai cũng muốn một lần nào đó trong đời được người khác hỏi như vậy. Một lần nào đó được tự do bày tỏ điều mình mong ước ! Ðôi mắt đứa trẻ sẽ mở rộng tròn xoe một cách vui sướng rạng rỡ, khi bà dì hay ông cậu đầy thương yêu nói với nó : « Cháu có quyền xin bất cứ cái gì cháu thích, bà dì ( ông cậu) sẽ cho cháu ngay ! » Ðứng trước niềm vui được tự do bày tỏ nguyện vọng và chắc chắn sẽ được thoả mãn, tâm lý những người lớn chúng ta cũng không khác tâm lý của những đứa trẻ là bao !

« Anh muốn tôi làm gì cho anh ? » Ðức Giêsu cũng hỏi mỗi người trong chúng ta như thế ! Người mù đã không thể trả lời cách nào khác hơn, là : « Thưa Thầy, xin cho tôi có thể nhìn thấy được ! » Anh ta biết mình bị mù. Và anh cũng biết là không còn gì đẹp đẽ và quan trọng hơn là anh ta lại có thể nhìn thấy được. Còn chúng ta, chúng ta trả lời thế nào câu hỏi của Chúa ?


Có lẽ đối với chúng ta, trước hết chúng ta sẽ phải bắt đầu câu trả lời : « Thưa Thầy, xin cho con biết được là con đang bị mù!" Hay: "Thưa Thầy xin cho biết là con đang thiếu thốn những gì ! » Phải chăng chúng ta không cần phải cầu xin như thế ? Chúng ta không biết mình đang bị mù, đang thiếu thốn gì sao ? Nhất thiết chúng ta phải cầu xin cho mình được thực sự sáng mắt ? Vâng, theo thiển ý, tôi nghĩ rằng đó là điều chúng ta cần phải cầu xin cùng Chúa !


Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy bực mình về con cái chúng ta, vì chúng quá kén chọn, đến nỗi nhiều bậc cha mẹ đã phải than phiền : « Ngày nay người ta chẳng còn biết phải cho con cái điều gì nữa ! » Cũng vậy, nhiều khi các ông bà nội / ngoại cũng đã than thở trước ngày sinh nhật của các cháu mình : « Ngày nay chúng nó đã có tất cả rồi, nên chẳng biết phải lấy gì làm quà cho chúng nó nữa ! » Nhưng có phải thực sự các cháu của họ đã có tất cả rồi chăng ?


« Thưa Thầy, xin cho con biết được điều con - chúng con - đang thiếu thốn ! » Dĩ nhiên, chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ : Tương lai, công ăn việc làm, sự bảo đảm an ninh khỏi trộm cắp, kiếm cho con cái một chỗ học hành gần nhà, không mắc phải những chứng bệnh nan y nguy tử, không bị tàn tật, không bị rơi vào hoàn cảnh luôn luôn phải nhờ vả kẻ khác, v.v... Vâng, đó là những nguyện vọng cần phải tỏ bày cùng Chúa. Nhưng phải chăng chúng ta chỉ thiếu thốn những điều đó thôi sao ?


Chúa đã dạy chúng ta phải cầu xin cho mình có đầy đủ lương thực hằng ngày ! Thiên Chúa sẽ không bao giờ xua đuổi bất cứ ai đang trong cơn túng cực và khó khăn mà biết chạy đến kêu xin Người. Trái lại Người còn muốn ban cho chúng ta nhiều hơn nữa, chứ không chỉ có lương thực hằng ngày mà thôi. Với lương thực hằng ngày, Người muốn ban cho chúng ta sự sống, sự sống của Người, sự sống thiên đàng tràn đầy hạnh phúc. Chúng ta có náo nức khao khát được tiếp cận Thiên Chúa và những gì Người hứa ban cho chúng ta không ? Chúng ta có ý thức được rằng tội lỗi chúng ta đã chia lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa và vì thế chúng ta phải xa tránh bằng sự ăn năn hối cải không ? Cả trong cuộc sống của những người đạo đức cũng không thiếu những mù lòa mà chính đương sự không hề biết. Vì thế, « Thưa Thầy, xin cho con nhận biết điều con đang thực sự thiếu thốn » phải luôn luôn sống động trên môi miệng mỗi người chúng ta !


Nhiều khi chúng ta cũng hãy can đảm và thẳng thắn nhìn nhận rằng vì do sự thiếu khôn khéo và nhất là do các lầm lỗi của mình mà một số các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội đã vô tình làm mai một đi nhiều vẻ đẹp và sức hấp dẫn của Giáo Hội cũng như của niềm tin Kitô giáo của chính mình trước con mắt người đời. Chúng ta không khỏi đau lòng khi nhận thấy những người lương dân khi nghe nói đến tiếng « Giáo Hội Công Giáo » là thường nghĩ ngay đến luật lệ cấm phá thai, cấm dùng các phương pháp ngừa thai nhân tạo, cấm đồng tình luyến ái, không cho phép những người ly dị được rước lễ, phụ nữ không được làm Linh mục,v.v... ! Dĩ nhiên, đó là qui luật hiện hành của Giáo Hội, nhưng Giáo Hội không chỉ quanh quẩn có bấy nhiêu ! Tất cả chúng ta đều mong muốn trở nên một Giáo Hội mà trong đó lòng thương xót của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta được rực sáng, trong đó không một ai bị cô lập, nếu như người đó nêu lên những ý kiến có tính cách phê bình và không bị loại trừ, nếu người đó không giữ vuông tròn được các luật lệ. Chúng ta hãy kính nể và biết ơn tất cả những ai đang dấn thân làm chứng nhân cho tình thương xót đó trong Giáo Hội, tức tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho con người, như bài Tin Mừng hôm nay đã loan báo, đặc biệt là những ai đang ngày đêm săn sóc và chăm nom :

  • những người già nua, những người bệnh tật,
  • những người tàn tật và những người bất hạnh, đói khổ,
  • những người ngoại kiều và những người sống ngoài lề xã hội,
  • những người bị bỏ rơi, bị tẩy chay, bị khai trừ, v.v...

Chúng ta thực sự là Giáo Hội của Ðức Kitô, nếu chúng ta biết sống trọn tình thương đó trong lòng Giáo Hội và giữa chợ đời. Vì không có dấu chỉ nào khác để cho thế gian nhận biết chúng ta thuộc Ðức Kitô hơn là sự thông cảm, tình thương và đức ái !

Dĩ nhiên, bất cứ ở đâu và trong bất thời đại nào, vẫn có những Kitô hữu sống một cách vô ý thức, thiếu hy vọng, và đầy sợ hãi khi phải đưa mắt nhìn về tương lai, hay chỉ nghĩ đến mình và chỉ sống cho mình mà thôi, v.v... Tất cả đều nói lên « mặt trái của một chiếc mề đay », những « con chiên ghẻ » trong đoàn chiên của Chúa. Ðiều quan trọng trong một trường hợp đầy thách đố như thế, là người tông đồ của Ðức Kitô càng phải nỗ lực giữ vững đức tin và không để cho những thử thách, những khó khăn của môi trường sống chung quanh làm tê liệt lòng nhiệt thành với Ðức Kitô và tinh thần phục anh em đồng loại. Thật ra, tương lai còn bao la vĩ đại, chứ không phải chỉ đi tìm sự an ninh, sự bình an và dễ dãi cho mình. Tương lai chứa đựng nhiều thách đố nhiêu khê và người ta cần phải nêu danh chúng ra, dẫu rằng điều đó có thể gây ra những chua cay và bất bình. Nhưng chính điều đó lại có thể động viên được những nguồn sức mạnh để giải quyết tận gốc những khủng hoảng và đưa ra được liều thuốc sửa trị hiệu nghiệm.


Người Kitô hữu nên biết rằng, dù cho tương lai đen tối bao nhiêu đi nữa, Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta trong mỗi tương lai ! Người là Thiên Chúa của lịch sử và là Thiên Chúa của thế kỷ hiện tại cũng như của những thế kỷ sắp tới ! Niềm hy vọng Kitô giáo giúp tôi có thêm nghị lực để bước đi những bước mới theo khả năng tôi cho phép, với sự ý thức chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ chiếu giọi ánh sáng của Người trên việc làm bé nhỏ của tôi, trên cuộc sống cụ thể hằng ngày của tôi.


Chúng ta không chỉ nài xin Chúa giúp chúng ta đạt được những mục đích quan trọng mà chúng ta cần phải hiện thực, nhưng cả đến khả năng để bước đi những bước cụ thể, nhỏ mọn và đơn sơ, mà tôi - chúng ta - có thể thực hiện được trong gia đình, trong Giáo xứ và làng mạc của chúng ta hay ở bất cứ nơi đâu. Và qua đó, thế giới sẽ trở nên tươi sáng hơn. Ðó chínnh là sứ mệnh của tất cả chúng ta !


« Lạy Chúa, xin ban cho con sự can đảm trong những bước mà con sắp sửa đi ! Và xin cho con cảm nhận được rằng Chúa hằng đồng hành với con trên mọi nẻo đường con đi ! »


Ðó là điều cần phải nài xin Chúa ban cho chúng ta. Bởi vì, có những giờ phút trong cuộc sống, Chúa để xảy đến cho chúng ta trở nên vô cảm và nguội lạnh, không còn cảm nghiệm được bất cứ điều gì nữa. Ðó là những giờ phút chúng ta hoàn toàn trở nên trống rỗng và khô cạn, như thể bị căng ra trên thập giá như Chúa xưa kia ở đồi Golgotha vậy ! Tuy nhiên, chúng ta có thể và cần phải tha thiết câu xin :


« Lạy Chúa, xin che chở con, xin che chở cộng đoàn Dân Chúa. Xin cho chúng con cảm nhận được sự gần gũi của Chúa bên chúng con ! »


Nói tóm lại, Chúa đã hỏi người mù Bác-ti-mê-ô - Người cũng hỏi bạn và tôi nữa - : « Anh muốn tôi làm gì cho anh ? » Chúng ta hãy trả lời Người với tất cả sự cảm xúc đầy mong mỏi đợi chờ mà mỗi người chúng ta hằng ấp ủ :

  • Lạy Chúa, xin cho con biết con đang bị mù!
  • Xin cho con nhìn thấy được điều con đang thiếu thốn, điều con thực sự đang thiếu thốn !
  • Xin ban cho sự can đảm trong những bước đường sắp tới, chứ đừng để con chỉ ngồi chờ đợi kẻ khác !

Và xin cho con cảm nhận được rằng Chúa luôn ở bên con !
Hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ được lãnh nhận tình thương của Chúa, như người mù Bác-ti-mê-ô : Ðức Giêsu đã sờ đến anh. Anh lại có thể nhìn thấy và anh đã theo Ðức Giêsu trên đường Người đang đi.

LM Nguyễn Hữu Thy

KHI BATIMÊ VỨT  ÁO CHOÀNG THEO CHÚA
Mc. 10, 46 - 52.

Chúa Giêsu cùng các môn đệ tiếp tục vượt chặng đường dài tiến về Giêrusalem. Giờ đây Thầy trò đang dừng chân tại thành phố Giêrikhô. Giêrikhô là một thành phố cổ, cách Giêrusalem khoảng 30 cây số về phía đông. Chính tại nơi đây, xưa kia ông Giôsuê lãnh đạo dân Dothái, vượt sông Jordan và chiếm thành (x. Gs 6). Nay chính Chúa Giêsu cũng dừng chân nơi đây, trước khi lên Giêrusalem và phép lạ cho người mù thành Giêrikhô được sáng xảy ra. Phép lạ Giêrikhô chính là lời tụng ca danh thánh Chúa Giêsu, Đấng cứu chuộc trước khi Người tiến về thành Giêrusalem chịu khổ nạn.

Thánh Máccô ghi lại rõ ràng tên của người hành khất là Batimê, con ông Timê đang ngồi bên vệ đường trong tình trạng mù loà. Tình trạng này chứng tỏ anh hoàn toàn bị gạt ra bên lề xã hội. "Ngồi bên vệ đường" diễn tả tình trạng của một con người hoàn toàn vô dụng, bị xã hội khinh chê, loại trừ. Thế nhưng, thật trái ngược, trong đám đông dân chúng rầm rộ bước theo Chúa Giêsu - họ là những người được xem là sáng mắt- lại hóa nên mù loà trước ánh sáng "vô hình" mà chỉ có anh mù Batimê thành Giêrikhô nhận ra. Thật vậy, những người sáng mắt không thể nhận biết Chúa Giêsu là ai, họ bị "mù" trước con người Giêsu Cứu thế. Trái lại, anh mù thành Giêrikhô thì lại "thấy" rõ ràng chính Chúa Giêsu là Con Vua Đavít - một danh hiệu chỉ về Đấng Mêsia. Tiếng kêu lớn tiếng của anh đồng thời cũng là một lời tuyên xưng niềm tin vào chính Chúa Giêsu - người mà anh tin là sẽ cho anh phục hồi sự sáng.


Tình trạng của anh mù khi ấy có thể sẽ tồi tệ hơn nếu như Chúa Giêsu không can thiệp. Cũng giống như trước đây, chính các môn đệ đã la mắng các em bé, không cho chúng đến với Chúa Giêsu (x. Mc 10, 13-16); nay thì chính đám đông cũng muốn gạt người hành khất mù loà này khi họ quát nạt bắt anh phải im miệng. Họ không cho anh đến gặp Chúa vì lẽ anh là một bệnh nhân bị xã hội loại trừ. Tuy thế, Batimê không chịu thua, anh càng kêu to hơn như thể phản đối đám đông đồng thời cũng tạo sự chú ý cho Chúa Giêsu. Kết quả là, Chúa Giêsu cho gọi anh đến, còn đám đông thì thay đổi thái độ từ cứng rắn sang mềm mỏng : "cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy"!


Đứng trước tiếng gọi của Chúa, người mù thành Giêrikhô vất áo choàng và đứng phắt dậy. Cử chỉ của anh mù thật ý nghĩa. "Vất áo choàng" - một biểu lộ của sự giải phóng, thoát khỏi tình trạng bị xã hội loại trừ. "Vất áo choàng" cũng đồng nghĩa với việc vất đi một thứ tài sản quý nhất của người nghèo. Nó quý không chỉ bởi được dùng vào việc ăn xin, dùng để đựng những thức ăn xin được; mà nó còn là một vật dụng được Lề luật bảo vệ. Thật vậy, trong sách Xuất hành chúng ta thấy, áo choàng là một tài sản không được đem đi cầm cố vào ban đêm (x. Xh 22, 25tt). Thấy được như thế, chúng ta mới thấy sự can đảm của anh mù thành Giêrikhô khi anh dám vất bỏ tài sản quý nhất của mình để bước theo Chúa Giê-su. Điều này trái ngược hẳn với những gì mà người thanh niên giàu có đã không dám bán tài sản của mình, cho người nghèo để theo Chúa (x. Mc 10, 17-22). "Đứng phắt dậy" là một hành động diễn tả thoát khỏi một tình trạng xấu, chuyển sang một tình trạng tốt. Anh mù thành Giêrikhô giờ đây không còn trong tình trạng "ngồi bên vệ đường" nữa, mà "đứng phắt dậy" để hoà nhập vào cuộc sống xã hội.


Chính Chúa Giêsu đã thực hiện điều kỳ diệu này khi lệnh truyền cho anh "Hãy đi". Anh mù thành Giêrikhô giờ đây không còn bị loại trừ nữa, anh hoà chung vào dòng người đông đảo để bước theo Chúa Giêsu. Anh không chỉ "đi theo" - một kiểu nói quen thuộc đối với môn đệ Chúa Giêsu, mà còn hơn thế nữa. Thánh Máccô cho chúng ta biết là anh đi "trên con đường" Chúa Giêsu đi. Nghĩa là từ nay, chính anh là người cùng với Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem để chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Chúa khi Người đón nhận cuộc khổ nạn, chịu chết và phục sinh. Điều này cũng có nghĩa là anh chứ không ai khác sẽ là chứng nhân Tin mừng về Chúa Giêsu, bước theo Chúa và chấp nhận con đường của Chúa. Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta không ngừng phản tỉnh. Phép lạ Giêrikhô là một bài học lớn cho chúng ta. Theo gương anh mù Batimê, để được chữa lành khỏi mù loà, chúng ta cần phải vất bỏ "áo choàng" chính là những ràng buộc do bởi những tham vọng, những ước muốn thấp hèn, làm cản trở bước đường theo Chúa. Con mắt đức tin của chúng ta cần được Chúa chiếu soi, thoát khỏi cảnh tăm tối mù loà để có thể bừng sáng như anh mù Batimê, nhờ đó chúng ta được Chúa thúc đẩy, hăng hái ra đi, rao giảng tình yêu của Chúa cho muôn người.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

LÒNG TIN CỦA ANH MÙ
Mc. 10, 46 - 52.

Người mù là một kẻ bất hạnh và khổ sở triền miên. Tất cả thế giới sinh hoạt chung quanh như khép kín, đóng cổng trước mặt họ. Cả một đời họ phải chấp nhận sống lệ thuộc vào những người khác. Cho nên, tâm lý của người mù là họ dám làm bất cứ chuyện gì để được sáng mắt. Chẳng hạn như anh mù Ba-ti-mê trong bài Tin Mừng, dám coi nhẹ mọi người, bất chấp tất cả, anh kêu gào xin Chúa Giêsu cứu chữa khi Ngài đi ngang qua thành Giê-ri-khô về Giê-ru-sa-lem.

Có một người mù, một đêm kia đến thăm một người bạn thân. Hai người trò chuyện thân mật với nhau cả mấy tiếng đồng hồ. Trời đã khuya, khi chia tay nhau, người bạn sáng mắt tặng anh một cái đèn lồng để đi đường cho an toàn. Nhưng người mù nói : "Tôi không cần đèn. Đối với tôi, tối và sáng như nhau". Người bạn trả lời : "Tôi biết anh không cần đèn để soi đường, nhưng nếu anh không cầm một cái đèn thì trời tối xe cộ có thể chạy đụng vào anh, nguy hiểm lắm, anh nên cầm đi". Nghe hợp lý, anh mù ra về với chiếc đèn lồng trong tay. Đi được một quãng đường, đột nhiên anh bị một người đi xe Hon-đa đụng phải. Với vẻ buồn lẫn tức giận, anh mù nói : "Coi kìa, người nào kỳ vậy, đui hay sao mà không thấy đèn của tôi ?". Người kia đáp : "Xin lỗi anh, đèn của anh tắt rồi nên tôi không thấy. Mong anh thông cảm". Anh mù tưởng mình "thấy", còn người kia không thấy đèn. Nhưng ngược lại, chính anh mù mới không thấy đèn mình tắt. Tác giả câu truyện kết luận : "Con người thường tưởng mình thấy nhiều chuyện, nhưng lại quên hay cố ý quên nhiều cái mình không thấy".


Anh mù Ba-ti-mê trong bài Tin Mừng lại khác : anh thấy nhiều cái mà người sáng mắt không thấy : anh thấy Chúa Giêsu là con vua Đa-vít, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Anh thấy bằng lòng tin, và chính vì lòng tin này, Chúa Giêsu đã thương anh, cứu chữa anh, cho anh được sáng mắt.


Chúng ta hãy tìm hiểu thêm : đám đông ồn ào tấp nập đi theo Chúa Giêsu trên đường, còn anh ta ngồi ăn xin bên lề đường. Anh hỏi người ta có chuyện gì mà ồn ào vậy ? Người ta nói cho anh biết có Đức Giêsu đi ngang qua. Có lẽ anh đã nghe nói về lòng từ bi và uy quyền toàn năng của Chúa Giêsu chăng, nên anh liền kêu to lên : "Hỡi ông Giêsu, con vua Đa-vít, xin thương xót tôi". Người ta chỉ nói cho anh biết, đó là Đức Giêsu, nhưng anh lại kêu xin "Con vua Đa-vít". Như vậy anh đã nhận ra Ngài là Đấng Mê-si-a, Đấng Thiên Sai. Anh mù nhưng anh lại thấy rõ hơn những người sáng đi theo Chúa Giêsu.


Chắc anh phải kêu to lắm. Còn đám đông lại bắt anh im đi. Nhưng vô ích đối với anh, đây là dịp may hiếm có của hy vọng bừng lên. Thế là anh càng kêu gào to hơn cho Chúa nghe được : "Hỡi con vua Đa-vít, xin thương xót tôi". Anh kêu đúng tên và tước hiệu của Chúa trong Kinh Thánh. Nghe thế Chúa Giêsu dừng chân và truyền gọi anh ta lại. Thế là đám đông thay đổi thái độ. Trước đó họ bắt anh im đi, bây giờ họ lại khuyến khích anh. Anh liền vứt bỏ áo choàng, vui mừng nhảy cẫng lên đến với Chúa. Chúa hỏi : "Anh muốn tôi làm gì cho anh ?". Chúa hỏi như vậy không phải để biết anh muốn gì, xin gì, nhưng là để tăng thêm lòng tin cho anh, và cũng là dịp để anh tỏ lộ lòng tin công khai. Anh trả lời : "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được". Anh mù, mắt anh không thấy Chúa, nhưng lòng anh đã thấy Chúa, vì anh có lòng tin, như Chúa đã xác nhận : "Lòng tin của anh đã cứu anh". Bằng một lời đó thôi, Chúa đã thay đồi cuộc đời của anh : từ nay anh không còn ngồi bên lề đường nữa. Lòng tin đã đưa anh lên đường. Anh được sáng mắt ngay lúc đó và đi theo Chúa trên đường. Anh sáng của Đấng Thiên Sai còn giấu ẩn trong Đức Giêsu Na-da-rét đã tỏa ra trên anh, trên đôi mắt anh. Anh là ngọn đèn Chúa đã thắp lên cho mọi người được nhìn thấy Ngài.


Nói rõ hơn, đám đông đang đi với Chúa Giêsu trên đường, nhưng thực ra là họ đang ở bên lề đường, vì họ đi trên cùng một con đường nhưng chưa đồng hành với Chúa, chưa đi theo Chúa. Họ sáng mắt, nhưng họ chỉ thấy Giêsu người Na-da-rét, chứ không thấy gì hơn. Cũng như họ chỉ thấy một người mù ngồi ăn xin, chứ không thấy lòng tin của anh. Còn anh mù, anh đã thấy Ngài là Đấng Thiên Sai, con vua Đa-vít. Anh đã thấy bằng lòng tin khi anh còn mù, và bây giờ anh đã thấy Ngài tận mắt. Anh đi theo Ngài.


Lòng tin của anh mù đã cứu chữa anh và là bằng chứng để người ta tin vào Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta là những người đã có đức tin, chúng ta đang đi theo Chúa. Nhưng đức tin của chúng ta thế nào ? Và chúng ta có làm cho người khác nhận ra đức tin của chúng ta qua đời sống chúng ta không ?


Đối với chúng ta, ngoài việc tuyên xưng đức tin trong thánh lễ, thì trong mọi sinh hoạt hằng ngày chúng ta cũng phải tuyên xưng đức tin nữa bằng những việc từ thiện bác ái và sống cởi mở với những người chung quanh. Nếu chúng ta chỉ tuyên xưng đức tin một cách trọng thể, trong những lễ lạc, trong nhà thờ...mà chúng ta không có một cử chỉ bác ái đối với những người ngoài là chúng ta chưa thực sự sống niềm tin ấy. Xin Chúa cho chúng ta biết sống và thể hiện đức tin trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

THẾ GIỚI CỦA CHÚA GIÊSU
Mc. 10, 46 - 52.

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, nhân loại và mọi người có lòng tin như được cuốn hút bởi vô số phép lạn kỳ diệu mà Đức Kitô đã thực hiện trong cuộc đời truyền giáo của mình. Những phép lạ tuyệt vời của Chúa Giêsu khơi lại lòng tin và lời cầu xin của con người đặt vào lòng thương xót của Chúa, do đó, những phép lạ đã xẩy ra trong lịch sử cứu độ. Nếu chỉ nhìn vào các phép lạ của Chúa Giêsu mà thôi để hân hoan, thoả mãn vì Đấng cứu thế có uy quyền đã ra tay cứu vớt con người khỏi tật nguyền, bệnh hoạn thì quả thật chưa đủ, nhưng phép lạ luôn đòi hỏi sự cộng tác và lòng tin sâu xa của con người.

NGÔN SỨ GIÊRÊMIA LOAN BÁO CÔNG VIỆC CỦA ĐẤNG THIÊN SAI:


Ngôn sứ Giêrêmia đã đánh tan mọi ảo vọng của những người đương thời với ông về sự bất khả xâm phạm của Sion. Giêrêmia quả quyết, vì tội bất trung với Thiên Chúa Giavê, thành Giêrusalem sẽ bị thất thủ, rơi vào tay kẻ thù. Lời của vị ngôn sứ Giêrêmia đã được ứng nghiệm vì vào năm 587 trước công nguyên, sự việc đã xẩy ra đúng như lời ngôn sứ này đã loan báo trước. Tuy nhiên, khi đánh tan những mơ ước, ảo vọng của người đương thời, ngôn sứ Giêrêmia cũng đã loan báo những lời đầy hy vọng, đầy tin tưởng :" Thiên Chúa sẽ ra tay cứu dân do lòng thương xót của Ngài đồng thời Thiên Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới với dân. Dân sẽ được Thiên Chúa giải thoát và họ sẽ sống trong hòa bình, hạnh phúc". Chính sự giải thoát của Thiên Chúa về mặt xã hội, chính trị cũng sẽ là sự giải thoát tâm hồn và những ân huệ của Thiên Chúa tuôn đổ trên dân do giao uớc mới này đem lại :" Chúa đã cứu dân Người, cứu phần còn lại của Israen " và " trong bọn chúng có kẻ đui mù, có kẻ què quặt, có kẻ mang thai, có người ở cữ, chúng trở về, cả một đoàn người đông đảo". Ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo về dấu chỉ của Đấng thiên sai khi Ngài tới. Và trong trích đoạn Tin Mừng của thánh Marcô 10, 40-46 ghi lại việc phép lạ Chúa Giêsu chữa cho anh mù Bactimê thấy được. Thánh Marcô đã nhấn mạnh vì tin sâu xa vào Chúa Giêsu nên người mù đã được thấy và khi thấy được mọi người, thấy được vũ trụ vạn vật, nhất là thấy được Chúa Giêsu, Đấng cứu chữa mình, người mù đã đi theo Chúa Giêsu. Bài đọc 2, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Do Thái 5, 1-6 đã so sánh tư tế Melchisêđê, nói lên tính ưu việt vĩnh cửu của chức tư tế và Đức Kitô quả thực là tư tế muôn đời. Chúa Giêsu là vị tư tế muôn đời đã hiến mạng sống mình trên thập một lần và chỉ một lần thôi đã cứu rỗi muôn người. Chính vì vậy, lời tiên báo của ngôn sứ Giêrêmia về Đấng thiên sai đã được thực hiện trong thời Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ để xua trừ ma quỉ, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền cho nhiều người, đem lại bình an cho con người và đem lại hạnh phúc cho biết bao nhiêu người. Chúa Giêsu đã làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ mù loà lại thấy, kẻ què quặt đi được, kẻ chết sống lại. Đức Kitô là Đấng thiên sai, là Đấng cứu thế đã đến trong nhân loại, đã đến nơi thế giới con người. Đức Giêsu đã cho anh Bactimê được thấy, đã đem lại ánh sáng cho anh, đã giải thoát anh. Chính ánh sáng đã đem anh vào cuộc sống lạ lùng, mới mẻ mà chỉ có ai mang cảnh mù loà mới hiểu được tâm trạng của anh. Đời anh đã được đổi mới hoàn toàn từ đây. Trong ánh sáng chan hòa nhận được nơi Chúa Giêsu, anh mù Bactimê đã thấy tất cả, đã hiểu mọi sự. Anh đã được sống lại từ trong cõi mù loà. Anh hoàn toàn đi vào một cuộc sống mới từ đây.


ĐỨC TIN GIÚP NGƯỜI KITÔ HỮU NHẬN RA CHÚA, NHẬN RA CUỘC SỐNG MỚI:


Không phải bất ngờ mà Phêrô và Phaolô đã được đổi mới, đã được đổi đời. Phêrô cương quyết đi theo Thầy Giêsu, nhưng trước khi gà gáy, Phêrô đã chối Thầy ba lần. Tội của Phêrô quả thực nặng nề, nhưng từ trên pháp đình, chúa Giêsu nhìn xuống Phêrô. Chúa biết tất cả, Ngài thấu suốt tâm hồn Phêrô. Phêrô quay lại nhìn Chúa. Anh mắt nhân từ, tha thứ của Chúa đã hoán cải Phêrô. Phêrô ăn năn khóc lóc, sám hối, chừa cải và đời Phêrô đã được đổi mới. Còn Phaolô, kẻ bắt bớ Giáo Hội, đồng lõa với những kẻ ném đá Stêphanô. Phaolô bị Chúa đánh cho té ngựa, mắt như bị mù loà hoàn toàn. Ông nghe tiếng Chúa gọi và sẵn sàng đi theo chúa:" Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ?". Phaolô đã trở về với Chúa. Đời Phaolô được Chúa đổi mới từ đây. Ông đã trở nên vị tông đồ dân ngoại rất nhiệt thành. Người Kitô hữu nhờ đức tin, Chúa Giêsu đã đưa họ vào cuộc sống mới, đi vào một thế giới hoàn toàn mới, thế giới của Đức Kitô. Thế giới của tình yêu và lòng nhân từ. Đức tin của người tín hữu là một cái nhìn của người đã được đổi mới. Qua đức tin người Kitô hữu nhận ra thế giới của Chúa Giêsu là thế giới của hòa bình, yêu thương và hiệp nhất. Do đó, họ nghiệm ra rằng họ như ở trong sự mù loà nhận ra ánh sánh chan hòa của niềm tin, của yêu thương và hạnh phúc. Như anh mù Bactimê khi đã được thấy, cả cuộc đời anh như được thay đổi hoàn toàn. Chính nhờ đức tin tuyệt đối, một đức tin hết sức sâu xa đặt vào quyền năng của Thiên Chúa mà anh mù Bactimê đã thấy được tất cả. Anh thấy Đức Kitô, vị cứu tinh của anh. Anh đã hết sức vui mừng đi theo Đức Kitô. Người Kitô hữu cũng vậy, nhờ đức tin kiên vững, họ không thể nào không theo Đức Kitô vì họ đã được thấy và nhận ra Chúa, đồng thời nhận nơi Ngài biết bao ân sủng tuyệt vời. Không bước theo Chúa, người Kitô hữu sẽ càng ngày càng lùi dần vào bóng tối như kẻ bị mù loà không thấy gì được. Như thế, đòi hỏi theo Chúa hoặc khước từ Chúa là một sự lựa chọn hết sức gay gắt.


Lạy Chúa Giêsu, xin đánh tan cái dằm nơi con mắt của mỗi người chúng con để chúng con biết nhận ra hình Chúa đang sống động nơi mỗi người anh em chúng con
. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN B
Mc. 10, 46 - 52.

Mù nghĩa là không thấy. Mọi sự, mọi vật, mọi loài đối với người mù đều không có nghĩa gì vì khi bị bẩm sinh mù, người mù sẽ không hề có một khái niệm gì về sự vật, về vũ trụ và ánh sáng vv...Mù là tê liệt, là ù lì ngồi yên và nằm yên một chỗ... Mù có thể so sánh với nô lệ, bị áp bức. Tiên tri Giêrêmia đã nói ngôn sứ về Sion, về Giêrusalem vì bất trung sẽ bị thất thủ và quả thực điều đó đã xẩy ra năm 587 trước công nguyên. Tuy nhiên ngôn sứ lại nói những điều đầy hy vọng cho tương lai của dân Chúa. Thiên Chúa sẽ cứu, sẽ giải thoát dân và ký kết với dân một giao ước mới.Dân sẽ được giải thoát và được hạnh phúc. Ngôn sứ Giêrêmia cũng loan báo thời cứu chuộc, thời Thiên Chúa cứu dân của Ngài:"kẻ đui mù, người què quặt, kẻ mang thai, người ở cữ" cũng được chữa lành, cứu thoát. Tin Mừng của thánh Marcô 10, 46-52 nói đến việc cụ thể một người mù tên Bactimê được chữa lành. Những dấu lạ điềm thiêng như mù được thấy, què đi được, điếc nghe được...là những dấu chỉ Nước Thiên Chúa và của Đấng Mêsia.

CHÚA CHỮA ANH BACTIMÊ KHỎI MÙ TỪ LÚC BẨM SINH
:

Người mù con ông Timê, tên Bactimê là một người bị mù từ bẩm sinh. Anh ta sống trong thất vọng. Mọi vật, mọi sự đối với anh đều hoàn toàn u tối. Từ khi sinh ra cho đến ngày nay anh đang làm nghề ăn xin, anh chưa thấy được gì. Đó là nỗi thống khổ của anh, cũng như của bố mẹ anh. Nên, hôm đó, Chúa Giêsu cùng các môn đệ và đám đông dân chúng ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì anh Bactimê đang ngồi ăn xin bên vệ đường kêu lên với Chúa Giêsu"
Lạy ông Giêsu, con vua Đavít,xin dủ lòng thương tôi" (Mc 10, 48 ). Anh mù đã thực sự đến với Chúa Giêsu, gặp gỡ Ngài. Còn nhiều người chỉ nhìn Chúa vì tò mò, hiếu kỳ. Họ bàn tán Chúa Giêsu là người làng Nadarét; họ nhìn Chúa với ánh mắt con người, họ không gặp được Chúa. Anh mù gọi Ngài là Giêsu, Con vua Đavít, là Đấng Thiên sai, là Đấng Thiên Chúa sai đến, là Đấng mà ngôn sứ Isaia đã loan báo, Đấng sẽ làm cho người mù thấy được, kẻ què đi đượcvv...( Is 29,18; 35, 5; 61, 1 ).Chúa Giêsu rất tế nhị hỏi anh mù muốn xin gì. Đây là một cử chỉ ưu ái, lưu tâm của Chúa Giêsu đối với một con người có lòng thành tâm, thiện chí. Anh mù quả có chỗ đứng trong con tim của Chúa Giêsu. Anh mù lần này không xin tiền, xin bạc, không xin của bố thí mà anh xin được chữa lành. Lời cầu xin của anh phát xuất tự đáy lòng của một con người khiêm tốn, tin tưởng, phó thác như Chúa Giêsu đã nói sau khi chữa lành cho anh:" Lòng tin của anh đã cứu chữa anh"( Mc 10, 52). Anh mù đã tin nên được Chúa chữa lành, cho anh được thấy (Mc 10, 52 ). Và Tin Mừng Marcô nói tiếp: Bactimê được thấy, và đi theo Chúa Giêsu trên đường Ngài đi ( Mc 10, 52 ).Chính đức tin nơi anh mù Bactimê đã giúp anh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗi bất hạnh đang đè nặng trên anh. Dân chúng càng ngăn cản, càng dọa nạt anh, càng bịt miệng anh, anh càng la to cho tới khi Chúa nghe thấy và cho gọi anh lại để hỏi ước muốn của anh. Thì ra, đức tin mới làm cho con người gặp gỡ được Chúa Giêsu và được Ngài cứu thoát, chữa lành.

CHÚA MANG LẠI ÁNH SÁNG CHO ANH MÙ BACTIMÊ VÀ NHÂN LOẠI
:

Anh mù được Chúa mang lại ánh sáng, đổi đời cho anh, đưa anh vào một cuộc sống mới, cuộc đời mới mà chỉ có anh trải qua thương đau, mù lòa, tối tăm mới cảm nghiệm được ánh sáng quí trọng như thế nào ? Anh sáng nhận được từ Đức Giêsu Kitô cứu độ, Bactimê đã thấy tất cả, mọi sự đều bừng sáng, đều thức dậy trước mắt anh và nói một cách nào đó, anh đã được sinh ra trong một cuộc sống mới, cuộc sống hoàn toàn có ý nghĩa. Tội lỗi đã vùi dập loài người. Sự dữ đã làm lu mờ đời sống của con người. Chính vì để qui tụ, đổi mới, tái sinh và cứu độ mà Chúa Giêsu đã được Chúa Cha sai tới trần gian.Nên, tất cả những ai đặt lòng tin vào Chúa Giêsu đều có thể được giải thoát, được cứu rỗi. Nhân loại nhờ tin vào Chúa Giêsu, Ngài đã đưa con người vào thế giới mới của Ngài, một thế giới loài người đã được đổi mới bằng ánh sáng đức tin và ân sủng của Đức Giêsu Kitô. Đức tin là một một khám phá, một sự đổi mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, là một cái nhìn mới của một con người đã được tái sinh, chan hòa ánh sáng như TV 36 viết:"...
và nhờ ánh sáng của Chúa, chúng tôi nhìn thấy ánh sáng" và " Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người". Thế giới ấy là thế giới mới của Chúa Giêsu vì nơi Chúa ơn cứu độ chứa chan, ơn cứu rỗi lan tỏa ra mọi người khi tất cả đặt niềm tin nơi Chúa. Anh Bactimê được Chúa chữa lành, liền theo Đức Giêsu( Mc 10, 52). Được sáng mắt, đi theo Chúa Giêsu đối với Bactimê là một điều thường, là một sự tự nhiên. Nhân loại, người Kitô hữu, môn đệ không thể nào không bám sát, không theo Chúa Giêsu. Theo Chúa Giêsu, người tín hữu càng sáng hơn, càng thấy tỏ tường hơn con đường họ phải đi để làm môn đệ Chúa. Trong con đường theo Chúa Giêsu, người tín hữu không được đứng nhìn lơ đễnh, bàng quang: họ phải dứt khóat chọn hoặc đi theo Chúa hoặc từ khước Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết khiêm tốn để kiên trì chờ đợi gặp Chúa. Và xin Chúa dủ thương chữa lành: " Lạy Chúa, xin thương xót con
".

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC
Mc. 10, 46 - 52.

Tin tức trên báo chí (theo VietCatholic News ngày 22/9/2000) về chàng thị trưởng đẹp trai của thành phố Ficarra, mới 34 tuổi, đã lặng lẽ từ nhiệm để đi tu, đã gây chấn động toàn nước Ý. Hôm 20/09/2000, Antonio Mancuso đã chính thức đến trình diện tại một dòng tu ở Milan, bắt đầu cuộc đời một tu sĩ. Antonio cho biết anh đã thấy mình có ơn gọi linh mục từ ngày còn là cậu bé giúp lễ, đã suy nghĩ trong bao năm về vấn đề này và trằn trọc rất nhiều sau khi theo dõi các bài thuyết giảng của Đức Thánh Cha trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lần Thứ 15. Antonio bỏ lại sau mình chức vụ thị trưởng, căn nhà do cha anh để lại, một mẹ già, hai anh em, và thành phố Ficarra xinh đẹp với 2.000 cư dân dưới quyền. Quyền thị trưởng Franco Tumeo đã xác nhận quyết định của Antonio với thông tấn xã ANSA. Ông nói: "Quyết định mà thị trưởng chúng ta đã chọn cần phải được hoàn toàn tôn trọng và hy vọng rằng không ai lợi dụng chuyện đó. Chẳng cần phải nói, chúng ta cầu chúc cho Antonio Mancuso những điều tốt đẹp nhất với xác tín rằng quyết định của anh là hoa trái của những suy nghĩ trong nhiều năm qua". Quyết định từ nhiệm của anh sẽ khiến cho thành phố Ficarra phải bầu cử lại sớm hơn, có lẽ vào tháng 6/2001. Tạm thời một ủy ban đặc biệt sẽ thay thế công việc của nguyên thị trưởng. Với bằng chính trị học ưu hạng, Antonio đang là một ngôi sao sáng chói của đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo Ý. Anh đã là thị trưởng trẻ nhất của quốc gia này, lúc mới 27 tuổi, từ 1992 đến cuối tháng 9 vừa qua. Ngày 14/09/2000, một tháng kể từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Lần Thứ 15, sau nhiều đêm không ngủ, Antonio đã từ giã tòa thị trưởng chẳng nói với ai một lời nào. Thư từ nhiệm đã được gởi đến văn phòng 2 ngày sau đó qua đường bưu điện.

1. Nhìn thấy Đấng Mêsia


Câu chuyện chàng cựu thị trưởng-tân tu sĩ dễ thương vừa thấy là một phiên bản mới của câu chuyện Tin mừng hôm nay. Trong bản văn này, chỗ đứng của việc chữa lành rất nhỏ bé: không một lời nói hay một cử chỉ thần thông nào cả. Phải chăng Máccô muốn quên để nhấn mạnh một phép lạ thuộc loại khác, phép lạ mà ông sẽ cho thấy đặc tính trong ngôn ngữ của riêng ông. Đúng thế, bản văn nằm trong một văn mạch nói về việc Đức Giêsu tiến lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, đằng sau là nhóm môn đệ miễn cưỡng theo Thầy. Người đã ba lần loan báo sự cố đau thương sắp xảy đến, nhưng các ông vẫn không muốn hiểu, không muốn chấp nhận. Trong viễn tượng thần học này, phép lạ làm cho đôi mắt Báctimê mở ra có giá trị như một dấu chỉ và việc anh ta bước theo Đức Giêsu lập tức có ý nghĩa như một bài học.


Cuộc chữa lành ấy quả là một thiên phóng sự sống động. Từ giữa đám đông, một anh mù la lớn, người ta bảo anh im lặng, anh càng la to hơn nữa và động đến tâm can Đức Giêsu. Đức Giêsu chờ đợi các tiếng kêu nầy. Người lắng nghe đức tin của chúng ta, Người rung động khi nó mạnh mẽ: "Gọi anh ta lại đây". Đám đông, đúng là đám đông, lập tức thay đổi thái độ. Mới quát nạt anh đó, giờ lại khuyến khích anh: "Cứ yên tâm! Đứng dậy! Người gọi anh đấy!" Tất cả những gì chúng ta gọi là việc tông đồ đều nằm trong sự thúc đẩy này: "Đứng dậy, Người gọi anh đấy".


Thiên Chúa muốn chúng ta biết nói: "Người gọi anh", biết làm trung gian tốt nhờ luôn thấy nỗi khát khao Thiên Chúa trong những tiếng kêu của con người. Nhưng ước gì chúng ta cũng biết nghe khi ai đó - hay một cuốn sách, một tiếng nội tâm- nói với ta: "Người gọi anh".


Báctimê vất áo choàng vướng víu để nhảy tới Đức Giêsu. Ở đây cũng thế, hình ảnh thật sống động. Rũ bỏ những cái ngổn ngang, đứng dậy từ cuộc sống ngồi lì, gỡ mình khỏi những gì giữ ta xa Chúa. Cái áo choàng ấy là vật duy nhất mà người nghèo sở hữu. Vất bỏ nó, Báctimê đã thực hiện điều mà Đức Giêsu đã không làm được với chàng thanh niên giàu sang: anh đã bỏ mọi sự mà đi theo Người. Đi theo cách nào? Anh nhảy lên, đứng phắt dậy. Cú nhảy trong đêm tối là cú nhảy đức tin vì mắt anh vẫn còn mù.


Và đó là một đức tin sắt đá. Như mọi người, Báctimê biết Đức Giêsu là ông thợ mộc làng Nadarét. Nhiều kẻ đã vì đó vấp ngã. Phần anh, lớn tiếng bày tỏ đức tin, anh là kẻ đầu tiên cao giọng tuyên xưng người Nadarét ấy là con Đavít, Đấng Mêsia. Đã ở trong ánh sáng, anh mù kêu: "Thưa Thầy! Xin cho tôi nhìn thấy được" Đằng sau khát vọng được nhìn thấy ánh sáng, Đức Giêsu đã nhận ra nơi anh khát vọng được biết nhiều hơn về Đấng Mêsia, được nhìn thấy thực tại tối hậu ẩn khuất dưới dáng vẻ bề ngoài. Chính nhờ một đức tin như thế mà quyền năng của Đức Giêsu đã có thể đảo lộn anh toàn bộ. Câu cuối cùng của bài Tin mừng là câu phải tác động chúng ta hơn hết: "Anh ta đi theo Người".


2. Bước theo Đấng Tử Nạn


Quả vậy, điều mà câu "Lòng tin của anh đã cứu anh" muốn nói, đó chính là ơn cứu rỗi ta đi vào khi bước theo Đức Giêsu. Báctimê tìm lại được thị quan và nhiều hơn thế nữa: đôi mắt để thấy Đức Giêsu quá rõ đến nỗi đã muốn nên môn đệ Người.


Đức Giêsu đã không lầm khi nghe tiếng kêu đức tin mạnh mẽ ấy. Đó chưa hẳn là đức tin đầy đủ sẽ triển nở sau Phục sinh. Nhưng Báctimê đã chắc chắn mình đứng trước Đấng Mêsia rồi, đã chắc chắn rằng chính sức mạnh của Thiên Chúa sắp tác động đến anh trong Đức Giêsu và khi điều đó xảy ra, anh chẳng ngập ngừng một phút: nếu Đức Giêsu là sức mạnh của Thiên Chúa thì phải theo Người.


Đó là tấm gương cho các môn đệ, đó là tấm gương cho người đã được thánh tẩy, được soi sáng nhờ gặp gỡ Đức Kitô. Báctimê đi theo Người trên con đường Người đi, con đường lên Giêrusalem, con đường dẫn đến thập giá.


Tóm lại, nghệ thuật của Máccô đạt đến đỉnh hoàn thiện ở đây. Hai hình ảnh thật trái ngược nhau: hoàn cảnh ban đầu của Báctimê (ngồi ở vệ đường, mù lòa, ăn xin) và hoàn cảnh kết thúc (đứng, nhìn thấy, đi trên đường và đem Tin mừng đi) là nhằm nói lên một biến chuyển quan trọng. Đặt trình thuật này vào lúc Đức Giêsu lên Giêrusalem, dẫn theo bạn bè và đám đông tiến về "ánh sáng" soi rõ hơn thân thế và sứ mạng của Người, rõ ràng tác giả muốn dùng câu chuyện như một minh họa cho thấy nhờ đâu, người ta mới trở nên "môn đệ đích thực". Môn đệ cần phải để Thầy dẫn đến sự giác ngộ của đức tin. Phép lạ chữa anh mù ở Bétsaiđa (8,22-26) đã thúc đẩy môn đệ Đức Giêsu khám phá Người là Đấng Mesia. Giờ đây, với phép lạ chữa anh mù ở Giêricô, Đức Giêsu lại mời gọi họ -những kẻ muốn đi theo Người- hãy mở rộng đôi mắt tâm hồn để đón nhận Đấng Mêsia đau khổ và khải hoàn, trong đức tin.


Phần chúng ta, những kẻ biết về Đức Giêsu nhiều hơn Báctimê, phải chăng chúng ta có đôi mắt để nhìn Người? Đến độ cảm thấy dâng lên trong mình cái ước vọng từng làm nảy sinh các thánh: "Lạy Chúa, con muốn đi theo Ngài", cái ước vọng đã khiến ông thị trưởng trẻ tuổi Antonio Mancuso bỏ cả một tương lai chính trị đầy triển vọng để gia nhập một dòng tu.


Trong thực tế, Đức Giêsu thường bị vây quanh bởi nhiều môn đệ mù tối, còn lề đường thì lại đầy những người mù sáng mắt. Nhóm trước bị khép kín trong những bảo đảm vĩnh viễn, bị ràng buộc bởi những tham vọng và vướng mắc nhỏ nhen, bị khống chế bởi nọi sợ hãi gian khó hay sợ hãi thế quyền. Dầu mang danh kitô hữu, thậm chí lãnh đạo kitô hữu, họ có thể sống như chẳng hề là môn đệ của một Tôn sư đã dám chịu đau khổ và bị giết chết vì sự thật và tình yêu. Nhóm sau thì có lòng khiêm nhường và tin tưởng, có đức khôn ngoan để biết luôn luôn lắng nghe, đón nhận những bất ngờ của Thánh Thần và những từ bỏ có sức giải thoát, có lòng yêu mến sự thật đến độ sẵn sàng chấp nhận gian khổ vì bênh vực công lý. Dầu có thể chưa phải là kitô hữu, không là môn đệ Đức Kitô trên phiếu lý lịch, họ đã theo Người trên con đường của Người rồi. Vào Nước Trời đâu phải là những kẻ chỉ mở miệng "Lạy Chúa! Lạy Chúa!"

Linh Mục Phêrô Phan Văn Lợi

CỨ XIN SẼ ĐƯỢC, CỨ GÕ SẼ MỞ CHO...
Mc. 10, 46 - 52.

Cả ba bài đọc của Chúa Nhật hôm nay đều có thể áp dụng không ít thì nhiều trong cuộc sống hằng ngày của người Việt tha hương chúng ta.

Bài đọc 1: Lời Chúa qua miệng tiên tri Giêrêmia: "Ta sẽ dẫn dắt chúng từ đất bắc trở về... có kẻ đui mù, què quặt, mang thai và sinh con... họ vừa đi vừa khóc..." nhưng là khóc trong vui mừng và tưởng như trong giấc mơ. Như chúng ta đã biết là không một ai muốn sống xa quê hương xứ sở của mình lâu ngày vì mỗi người đều có nơi "chôn nhau cắt rốn", có làng mạc, có quê hương, có quê cha đất tổ. Dù cho là lên tỉnh học, tu nghiệp hay du học nước ngoài thì cũng mong có ngày trở về làng cũ thăm lại quê cha cũng như họ hàng láng diềng. Nếu không là vinh qui bái tổ thì ít lắm cũng gây dựng được sự nghiệp gì đó để làm nở mày nở mặt gia đình và cả dòng họ cha mẹ mình nữa. Còn dân Israel xưa bị đầy biệt xứ và làm nô lệ cho nước Babylon trong tủi nhục và lao động cực khổ cả ngày đến độ không còn có thì giờ để tế lễ cho Chúa cũng giống như người Việt tha hương chúng ta hôm nay bị đầy biệt xứ vì tự do: tự do nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí và bình luận... Chúng ta ước mong có một ngày trở về trong thanh bình, trong no ấm và hoàn toàn tự do. Là con cháu Lạc Việt, chúng ta sẽ cất cao giọng hát hòa bình để ca tụng Thượng đế xưa đã không bỏ rơi Dân Người thì nay chẳng chóng thì chầy Ngài cũng giải thoát con dân Việt Nam chúng ta khỏi cảnh lưu đầy biệt xứ này. Hãy tin tưởng, hãy nguyện cầu... cho quê hương và cho Giáo Hội Việt Nam.


Bài đọc 2
: Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta là "các vị thượng tế được chọn giữa loài người... người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy." Nhiều giáo dân không thể nào (tưởng tượng) hay chấp nhận các linh mục hay các vị chủ chăn của mình có khuyết điểm nọ kia. Thực ra nếu đã là người thì ai ai cũng đều có ưu hay khuyết điểm mặc dù các ngài được nhiều ơn Chúa để dẫn dắt con chiên tránh những dịp tội. Nếu có khi vấp phạm thì cũng có nhiều ơn trên để chóng trở lại với Chúa hơn. Cả hai xét đoán tiêu cực này đều không tốt: một là thần tượng hóa các ngài (coi như không thể nào vấp ngã) hoặc khi các ngài vấp phạm thì kết án gắt gao và có khi lấy làm vấp phạm (bỏ đạo) nữa. Có người hỏi tôi: "các cha có phải đi xưng tội hay không?" Đáp: "Có chứ, vùng chúng tôi ở đây thường thì các cha xưng tội ba tháng một lần, cũng có khi một tháng một lần... với những các cha khác." Bởi vì tất cả chúng ta không ít thì nhiều đều là những con người dòn mỏng, yếu đuối dễ sa ngã... nhưng điều này không quan trọng bằng việc nhận biết mình để xin Chúa thứ tha và khi chúng ta trong sạch với lương tâm mình và với Chúa thì chúng ta có khả năng lãnh nhận ơn Chúa và nghị lực dồi dào hơn để thăng tiến và giúp đỡ người khác tích cực hơn.

Bài đọc 3: Chúa chữa người mù thành Giêricô


Anh chàng mù này không như thời đại chúng ta là có xã hội chăm sóc mà anh ta phải đi ăn xin thì mới có ăn, lại thế hồi đó người ta còn tin rằng "bệnh hoạn" là hình phạt của Thượng đế... cho nên anh bị dân chúng và xã hội hất hủi khinh miệt. Nhưng Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi những người kêu cầu đến Chúa và nhất là tin tưởng nơi tình yêu thương của Ngài. Cho dù đám đông nói anh ta "im miệng" lại vì nơi chốn đông người này làm gì mà Chúa nghe thấy, và lại bao nhiêu người đang cần đến Ngài thì đừng nên làm rộn người khác. Nhưng anh ta vẫn không nản lòng vì anh tin rằng thế nào Chúa cũng thương đoái đến anh... mà thật thế, Chúa Giêsu dừng lại, truyện vãn với anh và Ngài còn khen anh có một đức tin mạnh mẽ không sờn lòng trước nghịch cảnh.


Xin Chúa cho chúng ta có được đức tin như anh này dù chúng ta cứ tưởng như Chúa ít khi nghe lời chúng ta khấn xin nhưng Chúa nói: "Cứ xin sẽ được, cứ gõ sẽ mở cho..."

Lm. Joseph Vũ Mộng Thơ

THƯA THẦY, XIN CHO TÔI NHÌN THẤY ĐƯỢC
Mc. 10, 46 - 52.

Vào đầu năm nay, một thay đổi lớn đã xảy ra, tôi chuyển đến sống ở bang Texas. Người dân rất dễ mến, địa thế cũng đáng yêu, nhưng đường xá thì ôi thôi! Một số người bạn chu đáo đã tặng tôi thiết bị "GPS" (hệ thống định vị toàn cầu) đặt trong xe, vì biết rằng tôi sẽ phải chật vật với những con đường xa lạ và bối rối trên những đường cao tốc ở Texas. Nếu không quen, thì đây là cách sử dụng nó. Bạn nhấn vào nơi bạn đang ở và nơi bạn muốn đến, hệ thống sẽ kích hoạt. Một bản đồ xuất hiện trên màn hình và dò tìm lộ trình khi quý vị lái xe đến nơi muốn đến. Trước khi khởi động, quý vị có thể chọn một "lộ trình có cảnh đẹp", hay "lộ trình ngắn nhất". Và, một chút bất ngờ... có một giọng nói cho biết phải làm gì ở mỗi bước tiếp theo trên đường. Quý vị có thể chọn trực tiếp giọng nói mà mình muốn nghe. Tôi đã chọn giọng của "Julie", vì cô nói giọng Anh. Ngay cả khi tôi đi xe một mình, "Julie" cũng ở đó, sẵn sàng hướng dẫn tôi: "Rẽ phải ở ngã tư kế tiếp". Ngạc nhiên hơn nữa là khi tôi quên rẽ "Julie" nhắc nhở và "Tính toán lại". Cô chỉ cách làm sao quay lại. Tiếp đến, cô ấy lại chỉ cho tôi những hướng mới. Cho dù tôi đã làm rối tung lên, nhưng giọng nói vẫn cứ dịu dàng và điềm tĩnh, tự tin và không phiền trách chút nào về lỗi của tôi. Thật là một người bạn đồng hành hoàn hảo! "Tính toán lại".

Không phải quý vị mong cuộc sống được trang bị với hệ thống hướng dẫn sao? Quý vị có thể nhấn vào nơi đang ở lúc này và đích điểm đời mình. Thế nên, ví dụ, đầu tiên đánh vào hàng chữ "Về nhà Chúa" và rồi lắng nghe những hướng dẫn - khi nào phải rẽ phải, khi nào phải rẽ trái và đi thẳng. Giọng nói sẽ luôn phát ra ở đó, hướng dẫn ta từng bước một - hôm nay, ngày mai và ngày sau - "Về nhà Chúa". Khi quý vị phạm sai lầm và đi sai hướng, trong một chuyến đi dù ngắn hay dài (như thỉnh thoảng chúng ta có nguy cơ), thì giọng nói vang lên và rõ ràng, "Tính toán lại". Kế đó quý vị sẽ có những hướng dẫn mới, hầu có thể quay lại đúng đường - "Về nhà Chúa".


Trải nghiệm khó khăn hẳn đã dạy chúng ta rằng chẳng có thiết bị nào như thế, chẳng có con đường nào dễ dàng, chẳng có thiết bị cài đặt hướng dẫn từng bước một sẵn sàng xuất hiện theo yêu cầu của chúng ta. Ngay cả người giàu nhất thế giới cũng không thể mua được nó; nó không tồn tại. Chúng ta phải tiếp tục lên đường với tầm nhìn và sự hiểu biết hiện có. Chúng ta về "Nhà" bằng việc lần bước trên đường Đức Giêsu đã đi qua - và bây giờ đang đi cùng chúng ta. Nếu bị lạc, Người giúp chúng ta "Tính toán lại".


Vâng, chúng ta kết bạn trên đường, chào đón anh Batimê vào cuộc sống chúng ta. Anh không thể nhìn bằng mắt, nhưng chúng ta có nhiều điểm chung với anh ấy lúc này, hay trong quá khứ, bởi vì chúng ta hiểu bị thế nào là mù lòa hay mờ mắt. Bao lần chúng ta đã thừa nhận mình không thấy rõ? Thực vậy, rất nhiều lần chúng ta đã phải thừa nhận: "Chắc hẳn tôi đã mù! Làm sao tôi lại làm hay nghĩ như thế!


Chúng ta tìm thấy anh Batimê ở chỗ nào trong câu chuyện Tin mừng hôm nay? Anh đang ngồi bên vệ đường, mù lòa và xin ăn. Như chúng ta, anh Batimê là một gã lang thang và là một kẻ hành khất. Vào thời Đức Giêsu, nếu một người không giàu có, không may mắn, hay có thể là bất lương, thì họ sẽ phải vật lộn với nghèo đói, như hàng tỉ người nghèo trong thế giới hôm nay vậy. Một người mù, tàn tật hay đau bệnh có cơ hội nào trong hoàn cảnh khốc liệt như vậy? Không nhiều! Anh Batimê, người chẳng thể thấy đường để đi - quay lại làng, về nhà, hay thậm chí theo Đức Giêsu - đã làm tất cả những gì có thể trong điều kiện của mình. Anh đã dừng bên vệ đường và xin người qua kẻ lại.


Ra như anh Batimê không làm được gì cả. Không phải thế - Anh ta có thính giác. (Người ta nói rằng người mù có thính giác rất nhạy bén). Người ăn xin mù cần thính giác tốt, hầu có thể nghe được tiếng dép hay tiếng chân trần của khách bộ hành, và kịp thời kêu xin và chìa tay ra. Thính giác tốt có thể giúp cho người ăn xin mù lòa cơ hội kiếm sống.


Vào chính ngày đặc biệt này, quả thực anh Batimê chắc chắn đã nghe rất rõ. Hôm ấy, anh đã nghe thấy ĐứcGiêsu đang đi ngang qua. Vì thế, anh sử dụng "chiêu thức" hữu dụng khác của giới ăn mày - Anh đã kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi". Chúng ta có ấn tượng rằng anh Batimê biết Đức Giêsu có nhiều thứ cho anh ta hơn là một vài xu. Thính giác đã giúp anh rất nhiều. Phải chăng anh ta đã nghe nói về Đức Giêsu rồi? Đức Giêsu đã chữa bệnh cho dân chúng như thế nào? Đức Giêsu giúp cho dân chúng thấy đường đưa họ về Nhà ra sao? Người mang sự nghỉ ngơi đến cho những tâm hồn mỏi mệt ra sao? Mang bình an cho họ, láng giềng họ và đưa họ đến với Chúa?


Cho dù anh Batimê vẫn còn bị mù đi chăng nữa, nhưng anh có thể thấy, vì anh đã biết Đức Giêsu là: "Con vua Đavít". Anh gọi Đức Giêsu là Đấng Mêsia và, khi có cơ hội, anh đã xin Đức Giêsu một ân huệ lớn, được nhìn thấy.


Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta như đã hỏi anh Batimê: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh Batimê mà chúng ta chào đón vào cộng đoàn niềm tin, cho chúng ta lời đáp đơn giản và trực tiếp. Đó chính là "Lời nguyện xin của Batimê" - "Thưa Thầy, tôi muốn được thấy". Cái nhìn của chúng ta được khởi đi bằng phép rửa, khi mắt chúng ta mở ra và bắt đầu tin. Tuy nhiên, hành trình đức tin của chúng ta vẫn chưa kết thúc.


Gần đây, có một thanh niên nói với tôi: "Con được nhiều phúc lành lắm". Và quý vị biết anh ta đã kể ra những gì không? "Cha mẹ, anh chị, vợ và hai con gái tôi". Để ý, anh ấy đã không gọi nhà lầu hay xe hơi mới là "phúc lành". Anh ta đã mở mắt để thấy sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, trong các mối tương quan. Anh ta thấy!


Vì vậy, chúng ta tự hỏi: chúng ta cần được sáng hơn ở chỗ nào? Làm sao để mở mắt thấy những sai lỗi của mình? Những lời chúc lành?...những thất bại?... Những nhu cầu của tha nhân?... Làm sao cái nhìn của chúng ta lại bị lu mờ bởi một thành kiến này khác?


Hãy điền vào chỗ trống. "Tôi muốn thấy..."

Khi tôi chọn lựa điều ảnh hưởng đến tôi và gia đình tôi.
Những dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa dành cho tôi trong mỗi ngày đời.

Tôi nên chọn lối đi nào cho thời gian tới, khi tôi quyết định lập gia đình... Công việc mới... Trường học... Bạn bè... Giải trí, vv.

Chúa ở cùng tôi, khi tôi phải điều trị bệnh, dẫu cho đó là tin xấu.

Chúa ở cùng tôi, khi tôi ngày càng già đi và những thứ trước đây tôi đã làm dễ dàng, nay lại quá khó khăn.

Những người bị gạt ra bên lề, những kẻ nghèo khó và những người bị đối xử như "không như con người".
Lời cầu xin của anh Batimê - cách nào đó cũng là lời cầu nguyện của chúng ta: "Thưa Thầy, tôi muốn được thấy".

Lm Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ: Anh em HV Đaminh Gò Vấp

Nguồn vietcatholic.org

1628    26-10-2012 10:10:04