Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Chúa Nhật XXXI TN A_3

LỜI NÓI LUNG LAY, GƯƠNG BÀY LÔI KÉO
Mt 23,1-12

Một sơ giảng viên giáo lý đến phàn nàn với bố của một em về việc em này hay nói những tiếng "đệm" khi phát biểu trong lớp thì được ông bố trả lời rằng: "Mẹ kiếp, tôi nhắc bảo nó nhiều lần lắm rồi đấy chứ mà nó đếch chịu nghe. Sơ yên chí đi, chiều nay nó về tôi sẽ cho một trận thấy mẹ luôn..." Sơ đành "yên chí" ra về trong nỗi chán chường.

Bài Phúc âm hôm nay diễn tả việc Chúa Giêsu lên án cách mạnh mẽ nhóm Biệt phái và Pharisêu về lối sống giả hình của họ. Nói cách khác, Chúa Giêsu vạch trần khuôn mặt thật của những người này vì họ chỉ nói mà không thực hành. Họ ra những khoản luật rất khắt khe và bắt dân chúng phải tuyệt đối thi hành trong khi cuộc sống của họ thì quá bê bối. Họ giữ luật không phải vì yêu mến Thiên Chúa, nhưng để được người khác biết đến. Bởi vậy họ chỉ cầu nguyện ở những nơi công cộng khi có người khác chú ý và trong lòng họ là cả một trời bất công và vô nhân đạo.


Những lời Chúa nói với nhóm Biệt phái và Pharisêu trong bài Phúc âm hôm nay cũng rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Có lẽ chúng ta không giả hình cách trắng trợn như họ, nhưng cũng rất hay tìm cách để che đậy những thiếu sót trong việc sống đạo để ít là tránh sự chê cười của người khác. Nên nhớ rằng dù có che đậy khéo cách mấy chúng ta cũng không thể nào che được mắt Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi điều bí ẩn trong lòng chúng ta. Thiên Chúa ghét bỏ mọi hình thức giả tạo và luôn thương yêu những kẻ sống chân thành và cởi mở. Bởi vậy Chúa Giêsu khuyên bảo chúng ta luôn cố gắng để tránh lập lại những lỗi lầm của nhóm Biệt phái và Pharisêu tức là chỉ thờ phượng và yêu mến Chúa bằng môi mép mà thôi.


Nói thì rất dễ nhưng thực hành lại là một vấn đề rất nan giải. Để sống đúng với danh nghĩa là những người theo Chúa đòi hỏi chúng ta phải có một cuộc sống trung thực: có nói có, không nói không và đặc biệt là thực hành điều mình nói. Đây là một thách đố lớn lao cho hết mọi Kitô hữu vì nó liên quan đến mọi khía cạnh của cuộc sống thường ngày. Chính vì vậy mà lắm lúc chúng ta cũng chẳng ý thức được chúng ta đang sống giả hình như những người Biệt phái và ông bố trên kia qua những điều rất nhỏ mọn trong cuộc sống hằng ngày. Người ta thường nói: "
Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo." Vậy làm sao chúng ta có thể dạy dỗ con em trong khi chúng ta lại là những người sống ngược lại với điều mình dạy dỗ. Để tránh được sự chỉ trích của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải kiểm điểm lại cuộc sống của mỗi người chúng ta xem chúng ta đã sống đúng với điều mình nói hay chưa. Nói cách khác, để lôi kéo người khác về với Chúa, chúng ta cần phải có một cuộc sống rao giảng bằng chính việc làm của mình chứ không phải bằng môi mép.

Sr. Binh Huyền

THẾ NÀO LÀ SỐNG ĐẠO ĐÍCH THỰC
Mt 23, 1-12

Vào một buổi tối kia ở tỉnh Berlin có một bé trai đi lạc đường. Trong khi em đang ngơ ngác, bối rối và sợ hãi vì màn đêm mỗi lúc càng phủ dầy. Bé chợt trông thấy một bà ăn mặc rất sang trọng, vào loại quý phái, bé mừng rỡ vội vã chạy tới hỏi: "Bà ơi, xin bà chỉ dùm cháu đường đi tới Kudamm". Người đàn bà nhìn em với nét mặt nghiêm nghị và nói: "Này cháu bé, trước hết bà muốn nói với cháu ít điều: Một, Cháu không được nói với bà là bà ơi nhưng cháu phải dùng câu lịch sự "Thưa bà". Thứ hai, chỗ cháu muốn tới là Kurfuerstendamm chứ không phải như cháu gọi là Kudamm. Điều thứ ba, khi cháu nói chuyện với người lớn, cháu không được để tay ở trong túi quần nghe". Nghe tới đây cậu bé nhanh nhẹn đáp lại bà: Những điều đó phức tạp quá. Như vậy cháu thích đi lạc đường hơn. Thế là cậu bé biến dạng vào trong đêm tối.

Qua câu truyện thực tế trong cuộc sống cũng như những lời giáo huấn của Chúa cho chúng ta thấy, người đàn bà quý phái, là người muốn tỏ ra là người rất thông thạo sự giao tế ở đời và muốn làm bậc thầy mọi nơi, mọi lúc. Còn các kinh sư và những người Phari-siêu, họ cũng là những người thông luật, chuyên viên về luật, là những người quan trọng trong đời sống chính trị và tôn giáo thời bấy giờ, vì thế họ cũng rất có uy tín đối với dân chúng. Chính vì thế họ rất nghiên nhặt trong việc giảng dậy đạo lý chân truyền của Mô-sê. Nhưng những giải thích cá nhân của họ đã được Chúa cảnh cáo và căn dặn dân chúng phải đề phòng, phải ý thức vì lối sống của họ rất khác với giáo lý họ dậy và Chúa cũng đã mạnh mẽ chỉ trích họ: "
Vậy những gì họ nói thì anh em làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm".

Qua những tư tưởng đơn sơ trên, chúng ta hãy đọc lại bài Phúc Âm hôm nay với ánh sáng Thần Linh Chúa hướng dẫn để chúng ta lấy ra từ những mẫu người này một tấm gương cho chúng ta có thể đứng trước mà soi, nhờ sự phản ảnh đó mỗi người nhìn được rõ đời sống đạo thực tế của mình như thế nào! Chúng ta có bị xếp vào loại người sống đức tin chỉ theo hình thức như họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là rap-bi. Đó là những người rất chăm chỉ đi dự Thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày, nhưng sau đó họ sống với những lời kinh nguyện như thế nào trong gia đình, ngoài xã hội, chúng ta có đưa được con người dễ thương của Chúa Kitô đến cho người khác bằng chính cuộc sống của ta không? Đây là dịp mỗi người chúng ta hãy dừng lại trước những tấm gương trên đây để tự kiểm điểm đời sống đức tin của mình.

Sr. Margareta Maria Hiền

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN
Mt 23, 1-12

1. Tật xấu chung của con người: muốn được mọi người nể phục tôn trọng, muốn được hơn người khác

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy ngay hai phần rõ rệt diễn tả hai tinh thần đối chọi nhau. Phần đầu nói lên tinh thần «
phình to bản ngã» của người Pha-ri-siêu, thích đặt nặng «cái tôi», đưa «cái tôi» của mình lên trên «cái tôi» của người khác. Còn phần sau là tinh thần «tự hủy» của Đức Giê-su, là tinh thần từ bỏ mình, quên mình, xả kỷ, đặt «cái tôi» của mình dưới «cái tôi» của kẻ khác.

Tinh thần «
phình to bản ngã» không chỉ là tâm lý của những người Pha-ri-siêu, mà còn là tâm lý của đại đa số nhân loại chúng ta. Chúng ta thích được mọi người nể phục, ca tụng, đề cao; thích khoe những ưu điểm, thành tích của mình; thích có địa vị hay quyền lực trong xã hội hay Giáo Hội; thích được người khác phục vụ, qụy lụy; ai nói đụng chạm đến mình thì tỏ ra bực bội; thấy những người chung quanh hơn mình thì đâm ra buồn nản, ganh tức, v. v.. Tâm lý như thế là tâm lý rất bình thường, không mang tính bệnh hoạn. Nó chỉ trở thành bệnh hoạn khi trở nên quá đáng, nghĩa là ước muốn được hơn người trở thành một nỗi ám ảnh, hay biến ta thành một người đầy tham vọng, và muốn thỏa mãn những mong ước ấy với bất cứ giá nào, bất chấp phải làm những điều trái lương tâm... Tình trạng bệnh hoạn ấy sẽ khiến tâm hồn ta thường xuyên mất bình an và làm người khác khó chịu.

Muốn nên thánh, ta phải vượt lên trên tâm lý bình thường ấy. Nếu ta thắng vượt được tâm lý đó, thì ta đã trở nên hơn người bình thường một bậc. Và lên được bậc này là lên được bậc căn bản nhất để nên thánh rồi. Thật vậy, không ai có thể nên thánh nếu vẫn còn trong tình trạng tâm lý coi «
cái tôi» của mình là «cái rốn của vũ trụ», là hơn hết mọi người, và coi ý riêng, ý kiến, quyền lợi mình cao hơn ý riêng, ý kiến, quyền lợi người khác.

2. Coi chừng kẻo thứ đạo đức của ta đang được xây dựng trên tâm lý muốn «phình to bản ngã»


Khi ta tự đặt ta cao hơn người khác hoặc những gì của ta cao hơn của người khác thì ta cũng mong muốn, thậm chí đòi hỏi người khác phải coi ta hơn bản thân họ, hoặc những gì của ta hơn của họ. Một người luôn đặt nặng «
cái tôi» của mình như thế vẫn có thể được mọi người coi là đạo đức, thậm chí là «đạo cao đức cả», nhờ tuân giữ chi tiết và hoàn hảo các luật lệ tôn giáo, hoặc làm được những việc phúc đức lớn lao như những người Pha-ri-siêu thời Đức Giê-su. Họ sẵn sàng tuân giữ mọi quy luật tôn giáo, làm những hành động tốt, không phải vì mến Chúa yêu người, mà vì muốn được mọi người chung quanh nể phục, ca tụng, coi mình là người đạo đức, và nhờ đó, tín nhiệm mình, tôn mình lên những địa vị cao trong xã hội hay Giáo Hội.

'Nhưng trước con mắt Thiên Chúa, tinh thần «
phình to bản ngã» ấy làm hỏng tất cả những gì có vẻ tốt đẹp của họ. Tinh thần ấy đã biến những hành vi đạo đức như đọc kinh cầu nguyện, làm phúc bố thí, có vẻ yêu thương… thành những hành vi vị kỷ. Vì những hành vi ấy không xuất phát từ động lực yêu thương. Trước mặt Thiên Chúa, giá trị đạo đức của một hành động phần rất lớn hệ tại động lực thúc đẩy: càng vị tha, càng vì yêu thương thì càng có giá trị, còn càng vị kỷ thì càng giảm giá trị. Điều này thánh Phao-lô nói rất rõ: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Những hành vi ấy, cho dù vĩ đại, có vẻ đầy tình thương, hay đem lại lợi ích cho rất nhiều người khác, nhưng vì không được thúc đẩy bởi động lực yêu thương, nên chẳng có giá trị trước Thiên Chúa, và chẳng đem lại lợi ích tâm linh cho ta. Khi làm vì ta, thì ta đã đạt được những lợi ích trần thế, nghĩa là «đã được phần thưởng rồi» (Mt 6,5b).

Chính trong viễn ảnh này mà câu Kinh Thánh sau đây trở nên dễ hiểu: «
Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?... Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,22-23). Việc nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, tự bản chất đều là những việc đạo đức, nhưng nếu làm với động lực vị kỷ chứ không phải vì yêu thương, thì chẳng có giá trị gì về tâm linh. Nếu dựa vào những việc đạo đức kém giá trị ấy để lên mặt tự hào và khinh khi người khác, thì những việc ấy lại trở thành tội ác! Vì thế, muốn nên thánh, ta cần phải thường xuyên thanh luyện động lực khi làm những điều thiện, những việc đạo đức.

3. Sự thánh thiện đích thực được xây dựng trên nền tảng tự hủy, quên mình, xả kỷ, yêu thương


Thứ đạo đức của người Pha-ri-siêu được xây dựng trên nền tảng «
phình to bản ngã», nên đó là thứ đạo đức giả, có thể được người đời lầm tưởng mà đánh giá cao, nhưng trước mặt Thiên Chúa chẳng có giá trị gì. Đức Giê-su muốn chúng ta, những kẻ theo Ngài, là những người đạo đức thật sự. Nghĩa là đạo đức của ta phải được xây dựng trên nền tảng tự hủy và yêu thương. Ngài khuyên chúng ta đừng ham được mọi người gọi mình là «ráp-bi», là «cha», là «thầy», là «người lãnh đạo»... nghĩa là đừng ham được mọi người nể phục, kính trọng, đề cao, đừng khao khát quyền lực, địa vị... Hãy tự coi mình là một số không, chẳng có gì đáng tự hào, đáng cậy công... Vì xét cho cùng, ta chẳng có một điều gì có giá trị do tự ta làm ra cả. Tất cả những gì có giá trị nơi ta đều đến từ Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói: «Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?» (1Cr 4,7).

Khi ta tự hào với người khác về đạo đức, tài năng, lòng can đảm... thì điều ấy giả thiết rằng ta đã tự coi những thứ tốt đẹp ấy là do ta chứ không phải do ai khác. Thế là ta đã trở thành kẻ vô ơn đối với Thiên Chúa, vì không gì ta có mà không phải do Ngài ban. Gio-an Tẩy giả nói với những người Pha-ri-siêu: «
Đừng tự hào rằng : "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham» (Mt 3,9). Cũng vậy, Thiên Chúa có thể biến những kẻ vô dụng, hèn kém nhất trong thế gian này, những kẻ mà ta đang khi rẻ thành những kẻ đạo đức và tài năng hơn ta. Và Ngài cũng có thể giảm các ân huệ Ngài vẫn ban cho ta, lập tức lúc đó ta trở thành kẻ không ra gì. Biết bao người đang được mọi người coi là cao cả mà chỉ vì bị mất ơn Chúa đã trở thành kẻ tầm thường! Như vậy, người hiểu biết và khôn ngoan đích thực sẽ không bao giờ dám tự hào về mình điều gì. Thánh Phao-lô khuyên: «Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa» (1Cr 1,31; x. 2Cr 10,17).

Một người đạo đức thật sự sẽ không «
làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy» (Mt 23,5), «cốt để người ta khen» (Mt 6,2) như những người Pha-ri-siêu, mà trái lại sẽ làm theo lời khuyên của Đức Giê-su: «Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm» (Mt 6,3); «khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo» (6,6). Những việc tốt đẹp ấy nếu ta không làm vì ta, để vinh danh ta, mà làm vì yêu thương, vì ích lợi của tha nhân, thì dù nhỏ mọn, chúng vẫn có giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa. Còn nếu làm vì ta, để được khen, được nể phục, thì việc ấy dù có lớn lao đến đâu, cũng trở nên vô giá trị trước Thiên Chúa, bất chấp chúng được người đời ca tụng thế nào. Vậy chính tinh thần tự hủy, quên mình, xả kỷ, vị tha khi hành động mới làm cho hành động của ta có giá trị, và giúp ta nên thánh thật sự.

Cầu nguyện


Tôi nghe Thiên Chúa nói với tôi: «
Cha dựng nên con từ hư vô, và dựng nên người khác cũng từ hư vô. Tự bản chất và tự bản thân con, con chẳng hơn người khác một chút nào. Ngược lại người khác cũng chẳng hơn con chút nào. Con có hơn người khác được điều gì, thì do chính Cha đã ban đủ ơn để con hơn được như vậy. Thế thì con có lý do gì để lên mặt với những kẻ thua kém con? Rất có thể một lúc nào đó, Cha sẽ lại cho những kẻ kém con, những kẻ con khinh thường ấy hơn con. Tốt hơn là con hãy quên con đi, đừng tự coi mình là gì cả. Chính thái độ ấy làm cho con trở nên cao cả trước mặt Cha, làm đời sống con hạnh phúc và tốt đẹp biết bao! Cha mong con có thái độ ấy».

John Nguyễn

THEO GƯƠNG ĐỨC GIÊSU TÔI TỚ CHỨC VỤ LÀ ĐỂ PHỤC VỤ...
Mt 23, 1-12

Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành. Người luôn chạnh lòng thương xót, cảm thông, tha thứ cho con người. Tuy nhiên, các người Do Thái, các người Biệt phái, luật sĩ, các vị thông luật, các thượng tế luôn tìm cách làm hại Người. Họ tìm đủ cách để gày bẫy Chúa Giêsu. Nhưng Người đã hoàn toàn bẻ gẫy âm mưu thâm độc của bọn họ. Người đã cương quyết lật tẩy họ vì họ là những người chỉ khoe khoang, chỉ lên mặt dậy đời, nhưng lòng dạ họ thì hoàn toàn xấu xa. Chúa đã có lần xua đuổi kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Chúa khó chịu với những kẻ bao giờ cũng xưng mình là lớn, là có quyền, đi dự tiệc thì đòi ghế nhất, đi đâu cũng xưng mình là thầy, là người chỉ đạo. Chúa nói:" chỉ có một thầy duy nhất là Thiên Chúa ".

Các kẻ chống đối, âm mưu hại Chúa đã giăng nhiều bẫy hầu ám hại Chúa.Những đối thủ của Chúa đã ê chề sau ba cuộc tranh luận với Chúa Giêsu. Họ ' không còn dám hạch hỏi Chúa điều gì nữa ". Chính những kẻ trước đây hạch hỏi Chúa Giêsu về nhiều chuyện, nay bị bẽ mặt và chính Chúa hạch hỏi lại họ. Chúa không bao giờ có ý khinh mạn quyền bính của những kẻ có chức có quyền, những kẻ "ngự toà Môsê " và những người có quyền giải thích lề luật, Chúa chỉ có ý vạch trần sự bất nhất giữa lời nói và hạnh động của những kẻ cắt nghĩa luật lệ:" họ nói mà không làm". Những kẻ có thế giá, lợi dụng chức quyền giải thích lề luật cách quá tỉ mỉ, máy móc nhưng quả thực họ chỉ bắt người khác giữ luật mà chính họ lại không đưa ngón tay lay thử theo kiểu nói mỉa mai của Tin Mừng. Chúa Giêsu hoàn toàn có thái độ trái ngược với họ. Người chu toàn lề luật nhưng lại khoan dung với những ai phải mang gánh nặng nề ( Mt 11, 28-30 ).Những người Biệt phái và Pharisiêu luôn tô vẽ cái vỏ bề ngoài, xây dựng địa vị xã hội, giả hình sống đạo đức, nhưng kỳ thực lời nói và việc làm không đi đôi với nhau. Danh vọng, tiền của, địa vị là những thứ họ thèm khát, họ ước mong:" họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy".

Thánh sử Matthêu khi viết Tin Mừng, muốn thuật lại những câu chuyện về Chúa Giêsu, bằng cách thời sự chúng lại cho các cộng đoàn Kitô hữu đang gặp chống đối và bách hại từ phía các hội đường Do Thái.

Những cộng đoàn ấy đang có nguy cơ lây nhiễm men Biệt phái và một số vị lãnh đạo của các cộng đoàn này đang tỏ ra những thái độ kẻ cả rỗng tuếch. Thánh Matthêu sau khi đã gom góp những câu chuyện, những lời nói của Chúa Giêsu đối với những người Biệt phái và luật sĩ giả hình. Thánh sử liền thuật lại những điều Chúa dậy để xác định đâu là những nét căn bản, đặc thù" các môn đệ" của Người phải giữ khi thi hành quyền bính trong cộng đoàn:


Tình huynh đệ:"
tất cả anh em đều là anh em với nhau". Tất cả Tin Mừng Tân Ước xuyên suốt dùng chữ anh em để nói lên tình huynh đệ trong cộng đoàn Hội Thánh. Do đó, trong Hội Thánh, tất cả đều là anh em với nhau, không có tinh thần kẻ cả, tính tự kiêu, tự đại vv...

Lòng đơn sơ, chân thành:" Anh em chỉ có một Vị Thầy là Đức Kitô...anh em chỉ có một Cha, Đấng đang ngự trên trời ". Chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền chỉ đạo và có quyền năng tuyệt đối nhưng Người là kẻ phục vụ.


Tinh thần phục vụ: quyền bính, địa vị, danh vọng, đều chỉ là những trách nhiệm phục vụ. Chỉ trong phục vụ, chúng mới có lý do tồn tại:"
Người lớn nhất trong anh em, phải là người phục vụ". Tất cả những chức tước, địa vị chỉ có thể là danh hiệu của tình yêu,là phản ánh sự cao cả và uy quyền của Thiên Chúa. Do đó, mọi quyền bính trong Giáo Hội phải theo gương Đức Giêsu. Người là Thầy và là Chúa, nhưng lại hạ mình xuống và làm tôi tớ phục vụ anh em của Người." Người đến để phục vụ chứ không để được hầu hạ"

Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con một tấm lòng hiền lành, khiêm nhượng để chúng con luôn phục vụ mọi người trong tình yêu
.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT (Nguồn Vietcatholic.org)

1667    27-10-2011 09:26:21