Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Chúa Nhật XXXI TN A_4

ĐÓNG KỊCH
Mt 23,1-12

Tất cả chúng ta đều tỏ vẻ khó chịu và dứt khoát không chấp nhận lối sống giả hình, giả dối của người nào đó, Chúa Giêsu cũng thế thôi. Ngài thường phàn nàn và khiển trách tính cách giả hình, giả dối của những người Pha-ri-sêu và kinh sư, đồng thời Ngài cũng khuyến cáo dân chúng : hãy đề phòng và cảnh giác đối với những người ấy, cụ thể như bài Tin Mừng hôm nay.

Chúng ta thấy Chúa Giêsu phân biệt quyền giáo huấn và những người thi hành quyền đó. Ngài nhìn nhận các người Pha-ri-sêu và kinh sư có quyền giáo huấn, vì họ là những người được chính thức trao phó nhiệm vụ dạy bảo dân chúng, do đó khi họ thi hành nhiệm vụ là họ nhân danh Chúa, nên phải nghe và giữ những gì họ dạy bảo. Nhưng tại sao Chúa lại nói đừng bắt chước hay noi theo những việc làm của họ ? Phải chăng họ đã làm những việc bất chính ? Không, Chúa nhìn nhận họ có làm nhiều việc thật, bình thường thì đó là những việc tốt đáng được ca tụng, nhưng đối với Chúa thì chẳng nghĩa lý gì, vì thái độ giả hình, giả dối của họ. Lòng đạo đức của họ chỉ có tính cách giả dối, một thứ đạo đức chỉ có cái vỏ bề ngoài.


Mỉa mai hơn nữa, đáng trách hơn nữa, họ là những người có thẩm quyền giải thích luật, họ nhấn mạnh luật lệ từng chữ, từng tiếng và họ khắt khe đòi hỏi mọi người phải tuân giữ, nhưng chính họ thì lại không áp dụng cho chính mình. Như thế, họ nói mà không làm, hoặc tệ hơn nữa, họ nói một đàng làm một nẻo, như thánh Phaolô nói : "Ngươi giáo dục kẻ khác mà không giáo dục mình. Ngươi hãnh diện về lề luật mà chính ngươi lại lỗi luật", nghĩa là ngôn ngữ và hành vi của họ mâu thuẫn nhau, lý thuyết và thực hành của họ bất nhất. Họ rao truyền lời Chúa, nhưng thực ra họ lạm dụng uy tín làm thầy và địa vị làm thủ lãnh của họ. Cho nên, trong con người họ như có hai phương diện, hai nếp sống : một nếp sống giả hình trong bổn phận, còn với chính mình lại buông xuôi, buông thả. Cuộc sống đôi như vậy thật là phiền phức : cái đúng trở thành cái sai, và cái sai mới là đúng.


Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu có thái độ nghiêm khắc, đến nỗi Chúa khiển trách họ nặng lời. Ngài không bao giờ có thể chấp nhận được cái thói giả hình và thái độ kiêu căng tự phụ của họ. Chính lối sống đạo như vậy đã chuốc lấy cho họ những lời khiển trách, có thể nói là gay gắt nhất phát ra từ miệng Chúa Giêsu, Chúa đã vạch trần bộ mặt giả hình và cách sống như thế. Hãy sống thành thực, nói và làm đi đôi với nhau và trước sau như một.


Chúng ta hãy lặng tâm suy nghĩ : những người Pha-ri-sêu không còn, nhưng lối sống của Pha-ri-sêu chưa chết, vẫn còn nơi chúng ta. Nhìn vào xã hội, nhìn vào đời sống thực tế,chúng ta thấy : sự giả hình, giả dối đã thành ra như thông lệ, từ lãnh vực tình yêu đến lãnh vực văn hóa, kinh tế, tôn giáo, chính trị, người ta vẫn thường dùng cái bên ngoài mà lừa đảo nhau. Tính giả hình, giả dối ai mà không ghét, thế nhưng người ta thường đồng ý rằng :muốn được kẻ khác kính nể,cần phải giăng một bức màn dầy giữa tư tưởng và cái lưỡi, giữa tâm trạng bên trong và cách cư xử bên ngoài.


Thậm chí có người còn nói một cách trơ trẻn, trắng trợn rằng : ai muốn thành công thì đừng bao giờ duy trì một thái độ trước mặt cũng như sau lưng. Đừng bao giờ nên nói ra ngoài miệng như mình đang nghĩ trong bụng, dầu trong bụng có muốn tru di tam tộc người ta đi nữa, bên ngoài cũng phải làm ra vẻ ngọt ngào. Vì vậy mà trong xã hội không thiếu gì những người : "Bề ngoài thơn thớt nói cười. Mà trong nham hiểm giết người không gươm". Thành ra, để phân biệt được ai là chính trực, ai là giả hình, ai là người trung nghĩa, ai là kẻ lừa thầy phản bạn thật là khó. Chúng ta thấy có những người đóng kịch rất tài tình : bên ngoài coi lương thiện, đạo hạnh, tử tế mà thực sự bên trong là tay độc ác ghê tởm vô cùng, có những người tỏ ra đàng hoàng dưới ánh nắng, nhưng trong bóng râm tỏ ra lưu manh đáng sợ


Chúng ta hãy suy nghĩ : đời sống của chúng ta có gì là giả hình hoặc đóng kịch không ? Chúng ta hãy nhớ : chúng ta có thể sống đóng kịch, che đậy, giấu diếm người này người khác, nhưng chúng ta có thể sống mãi như thế không ? Không đâu, chắc chắn sẽ có ngày "cháy nhà ra mặt chuột". Giả như chúng ta có sống được mãi như thế suốt đời, không ai biết chăng nữa, nhưng chúng ta có thể qua mắt được Thiên Chúa không ? Chắc chắn là không. Được lòng người đời hay được người đời ca tụng, nhưng không được lòng Chúa, không được Chúa ghi công thì cũng như không, chẳng có giá trị gì. Đó là điều chúng ta cần suy nghĩ va tự nhủ mình khi làm bất cứ điều gì, kể cả những việc đạo đức.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

KINH SƯ và PHARISÊU THỜI NAY
Mt 23, 1-12

Sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục tôn giáo, truyền thống Dothái giáo đã được Chúa Giêsu tiếp thu có chọn lọc một cách tốt nhất do các vị lãnh đạo Dothái không ngừng loan báo. Tuy nhiên vì là người trong cuộc, càng ngày Chúa Giêsu càng thấy những thứ "cặn bã" đáng ghê tởm nơi các vị lãnh đạo tôn giáo này. Chính vì thế, để tránh cho dân chúng cũng như các môn đệ bước theo lối mòn nhầy nhụa này, Chúa Giêsu vạch trần thói giả hình của các đấng "ngồi trên toà Môsê"; đồng thời mở ra một giáo huấn mới cho người môn đệ.

Có thể nói Chúa Giêsu, từ thuở thiếu thời, cũng đã truy tầm học đạo từ các vị Kinh sư, và như thế, ít nhiều Người cũng đã ảnh hưởng từ lối sống đạo đức của các vị đó- tuy con số các Kinh sư đạo đức vốn rất ít ỏi lúc bấy giờ. Đến "tầm sư học đạo", Chúa Giêsu trân trọng giới Kinh sư. Lý do là vì họ là những người kế nghiệp Môsê để rao giảng giáo lý chân truyền và hướng dẫn dân chúng tuân giữ giáo lý ấy. Rõ ràng địa vị, chức vụ và uy tín của họ trong cộng đồng Dothái rất lớn. Thế nhưng, họ đã lợi dụng chức vụ và uy tín đó để làm những điều đi ngược lại với Luật Môsê và Ngôn sứ. Trong hầu hết các giải thích, họ chỉ chú trọng đến "truyền thống tiền nhân" tức là những lời nói, những giải thích của các Kinh sư đi trước để lại mà không chú trọng đến Kinh thánh. Họ xem những lời giải thích tỉ mỉ đó còn hơn cả chính luật cũng như Kinh thánh nữa (x. Mt 15, 2). Chính từ cái nhìn mất quân bình đó, họ đã làm đảo lộn mọi giá trị và thật sự thì người dân cũng không còn biết đâu là giáo lý chân truyền nữa.


Chúa Giêsu nhận ra điều đó. Và vì thế Người đã giúp cho dân chúng và các môn đệ nhận ra những "ung nhọt" đó trong giới Kinh sư và Pharisêu. Kính trọng các Kinh sư và Pharisêu, nhưng Chúa Giêsu không thể không nói thói giả hình rỡm đời của họ. "Những gì họ nói thì anh em hãy làm hãy giữ, nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm". Thói giả hình và rỡm đời của họ được thể hiện rõ mồn một ngay dáng vẻ bên ngoài từ cách đeo hộp kinh thật to, mang dây tua áo thật dài đến chỗ ưa được người ta tôn trọng nơi tiệc tùng cũng như nơi công cộng. Thật ra đeo hộp kinh và mang tua áo không có gì là xấu bởi lề luật quy định như thế nhằm nhắc nhớ họ về lời Giavê cũng như giúp họ ý thức rằng họ thuộc về dân thánh, dân dành riêng cho Thiên Chúa. Thế nhưng cái đáng trách là nó xuất phát không phải từ lòng tôn kính Giavê của họ, mà là do muốn được phô trương thanh thế bề ngoài, còn tâm hồn thì rỗng tuếch. Họ làm ra vẻ đạo đức thánh thiện, đọc kinh nhiều giờ nhưng rồi lại đi ức hiếp, chà đạp và cướp đoạt tài sản của những goá phụ (x. Mt 23, 14).


Dân chúng và các môn đệ từ nay nhận ra chân tính bộ mặt giả hình rỡm đời của giới Kinh sư và Pharisêu. Nhưng đó không phải là điều quan trọng mà Chúa Giêsu nhắm đến. Nghĩa là chỉ ra những sai trái của các vị lãnh đạo rồi nhìn nhau cười cách đắc chí. Không. Điều Chúa Giêsu muốn, là các môn đệ hãy lấy đó như một một bài học để răn mình. Bởi rồi đây chính các ông cũng sẽ trở thành những trụ cột của giáo hội sau này. Vì thế những gì các ông nhìn thấy hôm nay, sẽ là bài học quý giá cho sứ vụ của các ông mai sau. Chúa Giêsu trao trách vụ cho các môn đệ, để các ông tự do thi hành thừa tác vụ giáo huấn và lãnh đạo của mình, nhưng đồng thời Người cũng cảnh tỉnh các ông về một thứ cám dỗ quyền bính mà nếu không cẩn trọng, các ông rất dễ vướng vào. Bởi quyền bính chỉ thật sự thuộc về Thiên Chúa, còn các ông chỉ là những cộng tác viên, những cánh tay của Thiên Chúa mà thôi. Thế nên quyền bính đó chỉ thực sự hữu ích khi được đặt trong tinh thần phục vụ cách vô vị lợi, nghĩa là chỉ để phục vụ chứ không phải để "ăn trên ngồi trốc" như giới Kinh sư và Pharisêu đã làm.


Tính thời sự của Lời Chúa hôm nay vẫn còn đó. Bởi những gì Chúa Giêsu nói không chỉ đúng với thời của Người mà còn đúng trong hoàn cảnh xã hội và giáo hội hôm nay nữa. Đối tượng không còn khoanh vào giới Kinh sư và Pharisêu mà nhắm vào tất cả những ai đang mang trọng trách, cách riêng cho các vị lãnh đạo tôn giáo. Có thể nói hiện nay trong giáo hội, trong hội dòng vẫn còn đó không ít những "Kinh sư và Pharisêu thời hiện đại"- những gì mà Chúa Giêsu đã chỉ ra cho dân chúng và các môn đệ thấy. Ước mong các đấng "ngồi trên toà Môsê thời nay" luôn phản tỉnh trước Lời Chúa hôm nay để khỏi phải nghe những than phiền từ phía giáo dân, từ phía những thành viên thấp cổ bé miệng trong giáo hội, trong hội dòng về lối sống của một vài "Kinh sư và Pharisêu thời nay". Đừng để cho những thành phần này luôn khuyên nhau : "Những gì các Giám mục, các Bề trên và các Cha nói thì chúng ta hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm"! Ước mong lắm thay!

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO
Mt.23,1-12

Tư tưởng xuyên suốt trong 3 bài đọc Chúa Nhật 31 Thường Niên năm A hôm nay là : Người có trách nhiệm lãnh đạo dân phải là gương mẫu một, đừng như thời tiên tri Malakhi (Ml.1,14-2,8-10), các người lãnh đạo tôn giáo đã chỉ quan tâm đến những lễ nghi bề ngoài nhằm tư lợi, mà không màng tới tinh thần của con dân, nên đã phát sinh nhiều tật xấu, đặc biệt là nền luân lý, vì thế tiên tri đã cảnh cáo họ. Những tệ nạn ấy kéo dài tới thời Chúa Giêsu, những luật sĩ, biệt phái chỉ hám danh, kiêu căng và áp đặt dân chúng (Mt.23,1-12). Còn Thánh Phaolô đã thực thi lời răn dạy, Ngài đã trở nên mọi sự cho mọi người", với tinh thần phục vụ người nghèo trong yêu thương.(1Tx. 2,7-9.13)

Thường những người lãnh đạo dễ rơi vào tình trạng quan liêu, khoe khoang mà quên đi bổn phận phải mưu tìm ích lợi cho dân, phải phuc vụ dân, họ quên điều Chúa Giêsu dạy: "Ai muốn làm lớn phải làm đầy tớ mọi người". Chúa Giêsu đã hiến thân phục vụ, quên mình " cúi xuống rửa chân cho các môn đệ", Người đã "thí mạng vì bạn hữu". Chúa Giêsu quả là mô hình của người lãnh đạo gương mẫu. Người yêu thương những kẻ thuộc về mình và đến để phục vụ chứ không để được phục vụ.


Còn người luật sĩ và pharisiêu thì trái ngược, cái họ không mang nổi thì lại chất lên vai người dưới quyền mình. Cái mà luật Moisê bảo họ phải làm để nhắc nhở họ tuân giữ luật thì thì họ lại " kéo dài thẻ kinh, may dài tua áo" cốt để khoe khoang mình là người giữ luật, thế nhưng nếu không ai thấy thì họ không làm hay làm cẩu thả. Thích đứng ngã tư đường cầu nguyện cốt ý cho người ta khen mình đạo đức, nhưng để tra ngón tay lay thử một lề luật nhỏ thì họ cũng không làm, nếu không có ai nhìn thấy.


Đối diện với Lời Chúa hôm nay có lẽ chúng ta cũng thường sống như những người luật sĩ và pharisiêu này, đã từng biến địa vị để phục vụ người, thành phương tiện bắt người khác phục vụ mình. Chúng ta đừng quên lời Chúa dạy: Thiên Chúa thấy hết mọi sự, ở mọi nơi và Người thưởng công cho ta. Vậy hãy cố gắng luôn sống dước cái nhìn của Chúa, làm gì dù có người thấy hay không, việc to hay nhỏ, chung hay riêng hãy luôn làm vì muốn đẹp lòng Chúa, đừng làm như người muốn trình diễn, đừng lạm dụng địa vị mà bắt người ta tôn trọng mình, đừng đòi hỏi người khác phải có cách sống khác, vì như thế là chất thêm gánh nặng trên người ta, trong khi chính mình không tự kiểm được mình.


Phải để Chúa Giêsu dùng chúng ta khi Người muốn, như Người muốn để dạy dỗ anh chị em, vì chúng ta chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa. Cũng như tiếp nhận lời dạy dỗ của Người qua anh chị em. Như thế chúng ta đều là anh chị em có chung một ông Thầy là Đức Kitô, có chung một vị chỉ đạo là Thần Khí của Người.


Lạy Chúa, xin khắc ghi trong tâm trí chúng con mẫu gương phục vụ, khiêm tốn của Chúa để lời nói và hành động chúng con luôn phù hợp với đường lối Chúa dạy, hầu có thể hoàn thành trach nhiệm với Chúa và với tha nhân một cách tốt đẹp.

Sr Mai An Linh, OP

BÍ QUYẾT TRỞ NÊN NGƯỜI CAO CẢ
Mt 23, 1-12

Đã là người, ai cũng muốn nâng mình lên, muốn khẳng định mình, muốn nâng cao giá trị bản thân. Tại sao mọi người đều cùng có chung một khát vọng như thế? Có thể nói rằng chính Thiên Chúa đã đặt vào lòng chúng ta khát vọng muốn vươn cao như thế để thôi thúc chúng ta vươn lên, để "trở nên người thành toàn, đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô". Chính Chúa Giê-su cũng mời gọi mọi người vươn tới những giá trị cao cả: "Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện." (Mt 5, 48) Như thế, khát mong trở nên con người thành toàn là một khát vọng rất chính đáng và tự nhiên. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người nhắm đạt đến lý tưởng nầy bằng những hình thức hư ảo. Vậy ta có thể vươn tới lý tưởng nầy bằng cách nào?

1.Những phương thức sai lầm


Những luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giê-su muốn nâng cao giá trị của mình bằng cách làm những việc đạo đức bề ngoài cốt để cho người ta thấy; họ "đeo những hộp kinh lớn hơn người khác trên trán, mang những tua áo dài hơn mọi người chung quanh, ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm những hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và mong được thiên hạ gọi là thầy." Các môn đệ Chúa Giê-su có lúc cũng muốn nâng cao giá trị của mình qua nhiều cuộc tranh luận để xác định giữa các ông, ai là người lớn nhất. (Mc 9,33-37. Lc 9,46-47) Và rồi một bữa nọ, tưởng lầm rằng mai đây Chúa Giê-su sẽ được lên ngôi cao, hai anh em Gioan và Giacôbê cùng với mẹ là Bà Dê-bê-đê đến nài xin Chúa Giê-su cho mình được ngồi bên hữu và bên tả ngai vinh hiển của Người. Nghe vậy, mười môn đệ kia bất bình ra mặt với Gioan và Gia-cô-bê, vì chưa gì mà hai anh em nầy đã toan tính nắm giữ hai chiếc ngai mà họ cũng đang ngấp nghé. (Mc 10, 35-41) Trong xã hội hôm nay cũng thế, ai cũng muốn được trọng vọng, được tôn vinh, được nâng cao bằng cách nầy hay bằng cách khác.


2. Đâu là phương cách thực sự mang lại giá trị cho đời người


Giá trị con người không tuỳ thuộc vào của cải hay địa vị xã hội như những người biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giê-su tưởng lầm. Họ tưởng rằng hễ "đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài, được ngồi vào chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm được hàng ghế đầu trong hội đường, được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy..." là có giá trị trước mặt mọi người. Thật ra, giá trị con người không do những thứ nêu trên đem lại. Giá trị con người cũng không tuỳ thuộc vào ghế cao, ghế thấp, vào địa vị công danh như hai môn đệ Gioan và Giacobê lầm tưởng, nhưng giá trị đó tuỳ thuộc vào phẩm chất và lòng đạo đức của con người. Qua Công Đồng Vaticano II, Giáo Hội minh định: "Giá trị con người không tuỳ thuộc nơi "tôi-có" (= bản thân ta và những gì ta sở hữu) mà tuỳ thuộc nơi "tôi-là" (= bản chất đích thật của ta)".


Biệt thự của ta, xe hơi sang trọng của ta, chức vụ và quyền hạn lớn lao của ta... không làm cho ta có giá hơn những người không nhà, không xe, không địa vị, không chức quyền. Chỉ có phẩm chất cao đẹp và lòng đạo đức (nếu có) của ta mới có thể làm cho ta có giá trị hơn người khác mà thôi.


Nhân dịp nầy, Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ, các luật sĩ và biệt phái và cho cả chúng ta biết phương thế đích thực để làm cho mình nên cao trọng. Đó là hạ mình phục vụ tha nhân như người tôi tớ: "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em" (Mc 10, 43. Mt 23,11) Lời dạy nghe thật ngược đời, khó được mấy ai chấp nhận, nhưng đó là chân lý!


Cuộc đời Mẹ Tê-rê-xa Calcutta minh chứng điều đó. Mẹ Tê-rê-xa sinh ngày 26 tháng 8 năm 1910 tại An-ba-ni nhưng trải qua phần lớn đời mình trên mảnh đất Calcutta của An-độ, từ đó, Mẹ được mang danh hiệu Tê-rê-xa Calcutta. Mẹ đã hiến thân làm tôi tớ phục vụ những mảnh đời cùng khổ nhất trên thế gian nầy nên Mẹ trở thành người phụ nữ được trọng vọng và yêu mến nhất trên thế giới. Năm 1975, kỷ niệm 25 năm mẹ Têrêxa lập Dòng Thừa Sai Bác Ái, các vị đại diện của18 tôn giáo đã họp nhau tại Calcutta để tham dự tuần lễ cầu nguyện, cảm tạ Thượng Đế vì sự đóng góp của một người phụ nữ mang danh "Thừa Sai Bác Ái". Năm 1996, quốc hội lưỡng viện của Hoa Kỳ nhất trí phong tặng mẹ danh hiệu "Công Dân Danh Dự" của Hoa Kỳ. Mẹ là nhân vật thứ tư trên thế giới được ban tặng danh hiệu nầy. Ngày 5-9-1997, Mẹ Têrêxa qua đời tại Calcutta, Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ tổ chức an táng trọng thể Mẹ Têrêxa theo nghi thức quốc táng, một vinh dự từ trước tới nay chỉ dành cho các lãnh tụ hàng đầu của đất nước có nhiều công trạng với quốc gia. Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được Giáo Hội nâng lên hàng Chân Phước. Mẹ là người được phong Chân Phước nhanh nhất trong lịch sử Giáo Hội từ trước đến nay: chỉ 6 năm sau ngày qua đời! Trước Mẹ, hai vị được phong chân phước nhanh nhất là Thánh Gio-an Bosco và Thánh Maximilian Kolbe cũng phải mất đến 30 năm. Cuộc đời và sự nghiệp của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta minh chứng lời dạy của Chúa Giê-su là chân lý.


Ước gì mỗi người chúng ta thôi tìm kiếm vinh quang cho mình bằng những hình thức hư ảo của những hạng người nông nổi, nhưng biết dấn thân phụng sự tha nhân theo lời dạy của Chúa Giê-su và theo gương Chân Phước Tê-rê-xa Calcutta để cho thế giới nầy được ấm lên bằng lửa yêu thương và hạnh phúc hơn bằng tinh thần phục vụ.

LM Inhaxiô Trần Ngà

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN, NĂM  A
Mt 23, 1-12

Nếu không dẫn đường chỉ lối thì thôi. Nếu là người dẫn đường thế nào cũng có ngày lạc đường, ngoại trừ chỉ đi những con đường quen thuộc. Đi con đường quen thuộc ít bị lạc vì là đường quen, đi thường xuyên. Lạc đường xảy ra khi phải đi những con đường lạ, đường chưa quen, hoặc có lần đi qua, chỉ nhớ mài mại, không nhớ rõ. Trong trường hợp đó lạc đường có thể xảy ra.

Không muốn đứng đường, phải tìm đường. Tìm về đúng đường cần định rõ vị trí nơi đang lạc mới có thể định hướng về. Định đúng hướng phải biết cách nhìn hướng. Nhìn hướng có nguyên tắc nhìn. Không biết cách định hướng, coi như phó mặc cho may rủi. May thì tìm được đường về. Rủi sẽ vất vả, khổ sở hơn, đói khát và sợ hãi ập đến. Đó là chưa kể đến sợ ngủ đêm giữa rừng, sợ gặp rắn độc, thú dữ, sợ chết không ai biết để cứu.


Lạc đường đời là thế. Lạc đường tâm linh còn nguy hiểm hơn. Nguy hiểm nhưng không thấy lo lắng, sợ hãi vì nỗi sợ tâm linh không đến dồn dập. Người chỉ đạo đi sai coi như là lạc đạo. Tình trạng lạc đạo tồi tệ hơn lạc đường gấp bội. Lạc đường nếu chết cũng chỉ chết về thân xác, thể lí, linh hồn chưa chắc đã chết; trong khi lạc đạo chết cả thể lí lẫn tâm linh. Tệ hơn nữa người lãnh đạo đi lạc không lạc một mình mà lạc bầy, đàn, phe nhóm. Lạc đường do thành tâm, không cố ý lạc. Lạc đạo do gây nên bởi ngoan cố, cố tình, chủ ý, gây bè, kéo phái rủ nhau đi lạc. Cá nhân đi lạc thường lo lắng sợ sệt; trong khi phe nhóm đi lạc to tiếng, ồn ào, hiếu động mục đích vừa tìm vây cánh vừa gây tiếng vang làm át tiếng nói chân chính. Nước cờ của nhóm lạc đạo là lên tiếng chỉ trích, chê bai người lãnh đạo. Nếu không chê người lãnh đạo kì thị thì cũng ghép tội thiếu hiểu biết lắng nghe hoặc gán cho tiếng xấu để đề cao việc lạc đạo của phe nhóm mình. Nhóm lạc đạo lợi dụng tính khoan dung, nhân từ của Giáo Hội để lung lạc, làm yêu sách. Khi đạt được một vài điều đòi hỏi, ước mong nhóm đó coi là chiến thắng, thành công. Nếu yêu cầu của nhóm không đúng sẽ không được đáp ứng, được đáp ứng như thế là bề trên sai, mình đúng.


Bài Phúc âm Đức Kitô vạch rõ trần tâm lí khát khao lãnh đạo, thích hư danh, ảo vọng, tiếng vỗ tay, tiếng ca ngợi, lời khen. Họ thích phô trương công việc họ làm để thiên hạ thấy mà ngợi khen họ. Thích được gọi là thầy và vui mừng vì là người chỉ đạo, lãnh đạo nhóm.


Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là Thầy Mt 23,7


Chương đầu sách tiên tri Malaki cho biết kẻ lãnh đạo lạc đạo nếu không hối cải sẽ bị chúc dữ. Điều lạ là ngay những điều chúc lành, lời cầu xin của người lãnh đạo lạc đạo cũng biến thành lời chúc dữ.


Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của các ngươi M l2.2


Lạc đạo không chỉ ảnh hưởng đến người đó mà còn ảnh hưởng đến đời con cháu nữa. Họ ca tụng, tán thưởng, khuyến khích, ban khen cho nhau. Người biết chuyện nhìn vào lại khinh chê, bài bác. Cuối cùng mọi chuyện bị lật tẩy họ bị khinh rẻ trước mặt người đời.


Đức Kitô kết luận:


Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên Mt 23,12

Để tránh lạc đạo chỉ có con đường duy nhất dẫn ta đến cùng Chúa. Con đường đó là con đường chính Đức Kitô mặc khải:

Thầy là đường, là sự thật và là sự sống Gn 14,6


Bởi vì chính Ngài là đường, không phải người dẫn đường mà là đường. Con đường chẳng bao giờ đi lạc chỉ có người đi trên con đường đó bị lạc. Đức Kitô là đường nên đường Ngài dẫn đi là con đường công chính, không bao giờ sai lạc. Để đi trên con đường đó, đi đúng đường, tiếng nói chân chính nơi trần thế là tiếng nói của Giáo Hội Chúa trên dựng trên con đường hoàn thiện là Đức Kitô. Chống đối, chê bai Giáo Hội là từ chối đi trên con đường toàn thiện là Đức Kitô.

Lm Vũđình Tường (Nguồn Vietcatholic.org)

1580    27-10-2011 09:22:15