Sidebar

Thứ Ba
21.05.2024

Chúa Nhật XXXI Thường Niên B

  1. Sống Mến Chúa và Yêu Người Đi Đôi
  2. Chúa Nhật XXXI Thường Niên.
  3. Thực Hành Mến Chúa Yêu Người
  4. Giới Răn Quan Trọng Nhất
  5. Chúa Nhật 31 Thường Niên, Năm B
  6. Hôm Nay Thiên Chúa Cần Người Mẫu
  7. "Ngươi Phải Yêu Mến Đức Chúa, Thiên Chúa Của Ngươi"
  8. Luật Yêu
  9. Mến Chúa Yêu Người
  10. Yêu Chúa Yêu Người
  11. Chúa Nhật XXXI Thường Niên B
  12. Thưa Thầy Đâu Là Giới Răn Trọng Nhất?
  13. Hoàn Hảo Hơn

SỐNG MẾN CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI ĐI ĐÔI
Mc 12,28b -34

Thiên Chúa là tình thương. Ngài đã yêu thương đến cùng. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua việc sai Con Một của Ngài nhập thể làm người để làm nền tảng cho lòng mến Chúa và yêu người của những người tin theo Chúa.  Vì thế, mến Chúa và yêu người là nội dung căn bản của toàn bộ lời giảng dạy và việc làm, toàn bộ cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu ở trần gian mà chúng ta lãnh nhận và thực thi.

Chúa Giêsu đã sát nhập cả hai giới răn mến Chúa và yêu người thành một giới răn duy nhất, mến Chúa thì yêu người và yêu người thì mến Chúa. Tình yêu thương tha nhân phải được thể hiện qua sự quan tâm, yêu thương, qua những hành động cụ thể như cho kẻ đói ăn, khát uống, cho người không có áo mặc, băng bó những vết thương cho những người không quen biết. Tình thương người đồng loại được diễn tả qua những cử chỉ, việc làm dù nhỏ mọn.

Theo Chúa Giêsu thì còn lớn hơn những nghi lễ, những lễ vật mà người ta muốn dâng lên Thiên Chúa để tỏ lòng yêu mến và tôn kính Ngài. Những cử chỉ của tình yêu thương có thể thay thế mọi nghi lễ. Như thế,

Yêu mến Chúa không hệ tại việc tuân giữ một cách hình thức một số lề luật, tham dự một số nghi lễ. Việc tuân giữ này không làm nên tình yêu đích thực nếu không phát xuất từ tâm tình sâu thẳm bên trong.

Yêu thương con người cũng không phải là cho của dư thừa, cho cái mình có mà là trao ban tình thương mà Thiên Chúa muốn. Vì thế, tình yêu phải là động lực, là điều kiện để chúng ta yêu người. Tình yêu bao giờ cũng phát xuất từ Thiên Chúa và đi đến tha nhân... Tuy nhiên chỉ khi nào chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, gắn bó với Ngài thì chúng ta mới có thể tôn thờ Thiên Chúa đích thực và thực sự yêu thương tha nhân đúng nghĩa nhất.

Giới luật yêu thương mà Chúa muốn các môn đệ và tất cả chúng ta thi hành giúp cải thiện mối tương quan nhân loại và là nền tảng xây dựng mối hoà bình hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa. Yêu thương người đồng loại không chỉ yêu thương kẻ sống chung quanh với mình, thích hợp với mình nhưng là một bước tiến tới với những người khác, những người có thể ở xa, có thể không phải là thân bằng quyến thuộc của mình. Bác ái vượt trên cảm tình. Nó đòi hỏi phải có sự yêu thương triệt để và tích cực. Một tình yêu chân thật dẫn chúng ta dành hết khả năng của mình để phục vụ tha nhân như Chúa Giêsu.

Vì thế, trong năm sống đức tin, đây là cơ hội để mỗi người Kitô hữu chúng ta  rà soát lại lối sống đức tin của mình, can đảm tuyên xưng đức tin bằng đời sống mến Chúa và yêu người chưa?. Chúng ta cần xác tín rằng: yêu thương tha nhân là một món nợ phải trả cho Chúa Kitô, như Thánh Gioan đã nói: "Nếu Đức Kitô đã hiến mạng sống mình vì chúng ta, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải hiến mạng sống vì anh em. Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng hãy yêu thương nhau" (1Ga 3, 16; 4, 11). Tóm lại, chúng ta hãy sống đức tin bằng tâm tình của Giáo Hội theo ý muốn của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu thương như chính Lời Chúa mời gọi. Chúng con phải yêu thương hết mọi người. Lòng yêu thương này bắt nguồn từ lòng yêu mến Thiên Chúa.Amen.

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN.
Mc. 12,  28 - 34.

Anh chị em thân mến. 
Khi đứng ngắm nhìn một ngôi nhà cao tầng, chắc mọi người không khỏi thán phục vẽ huy hoàng tráng lệ của nó. Ngôi nhà mà chúng ta đang xử dụng đây cũng thế. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những mảng tường, những gạch vụn không cùng liên kết với tổng thể, mà lại tách rời ra. Tôi chợt suy nghĩ: Ngôi nhà kia có được vẽ đẹp như thế, là nhờ những thứ dường như chẵng ra gì, nếu nó chỉ ở một mình. Chúng ta thử nghĩ, những viên đá nhỏ kia có thể làm được việc gì, chỉ là những thứ phải bỏ đi. Những hạt cát dơ bẩn kia cũng thế, nhiều khi chỉ làm cho chúng ta khó chịu vì sự hiện diện của nó bên cạnh chúng ta. Vậy mà khi chúng liên kết lại với nhau, nằm cạnh bên nhau, biết yêu thương giúp đỡ nhau, thì điều kỳ lạ đã xảy ra. Nếu có những hạt cát, hay những mãn gạch vụn tự tách lìa khỏi tổng thể đó, thì chính nó đã tự chọn con đường diệt vong, nó không thể tồn tại được. Nếu nó biết yêu thương giúp đở những bạn bên cạnh nó, thì nó cũng nhận sự giúp đở, để có thể vươn cao cùng các bạn. Nếu nó tự tách lìa, chỉ biết yêu thương có chính bản thân mình, không muốn yêu thương giúp đở các bạn ở bên cạnh, thì chẵng những nó không được yêu thương mà còn bị loại trừ ra khỏi cuộc sống.

"Điều răn trọng nhất là : Hỡi Israel, hãy nghe đây. Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Điều răn thứ hai là: ngươi phải yêu thương anh em như chính mình ngươi".

Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố như thế để xác định lại qui luật sống cho những kẻ theo Ngài. Giới luật sống chỉ tóm gọn lại trong hai chữ Yêu Thương. Ngài đã yêu thương bằng hành động cụ thể, yêu thương bằng sự hòa nhập với người mà Ngài yêu thương, yêu thương để liên kết họ lại, để xây nên lâu đài của Tình Yêu. Nếu người nào muốn tách rời khỏi lâu đài tình yêu, chẵng những họ không được Yêu thương mà họ còn tự đi tìm con đường hủy hoại chính mình.

Chúng ta những con người đang sống, đang nắm vận mạng của vũ trụ, đang tận hưởng những tinh hoa của các bậc tiền bối, đang xây dựng lâu đài để truyền lại cho thế hệ tương lai. Chúa Giêsu nhìn chúng ta, mỉm cười nói rằng: "Ngươi không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu". Nếu trong đời sống chúng ta có thể sống hòa nhập với mọi người, nhìn thấy được nhu cầu của người khác để sẳn sàng phục vụ với tất cả tấm chân tình. Nếu chúng ta biết lắng nghe những tiếng kêu than, những lời nói chân thực nhưng đôi khi khó nghe, để biết sửa đối chính mình cho tốt hơn. Nếu chúng ta biết mở mắt nhìn thấy những cảnh thương tâm, để biết mở rộng đôi bàn tay mà giúp đở, hành động những gì cần thiết. Nếu chúng ta biết nhìn lại chính mình từng ngày, từng giờ, từng phút của cuộc sống, để nhìn thấy những gì cần phải sửa đỗi cho tốt hơn và can đảm sửa đỗi. Nếu chúng ta làm được những điều đó, chúng ta rất xứng đáng nhận câu nói thấm đượm tình yêu thương của Chúa Giêsu. "Ngươi không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu". Trái lại nếu trong đời sống, chúng ta không thể hòa nhập, hay vì sợ tổn hại bản thân, mà tìm những lợi ích riêng tư, khi đó chúng ta không khác gì hạt cát, cũng như những viên đá chỉ nằm riêng lẻ, cô đơn, không ích lợi gì, nó không thể cùng các bạn vươn cao trong ngôi nhà, hay lâu đài của Tình Yêu.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa, cho những gì chúng ta đọc bằng môi miệng qua mười điều răn, cũng khắc sâu vào tâm hồn, để biến thành hành động Yêu Thương thiết thực trong cuộc sống.

Mười điều ấy, tóm lại hai điều nấy mà chớ, 
trước kính mến một ĐCT trên hết mọi sự, 
sau lại yêu người như mình ta vậy.

THỰC HÀNH MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Mc. 12,  28 - 34.

1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. (30) Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (31) Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó"(Mc 12,29-31).

2. CÂU CHUYỆN:

1. LÀM SAO YÊU CHÚA KHI KHÔNG GẶP THẤY CHÚA?

Một người mẹ nói với cô con gái nhỏ về tình yêu Thiên Chúa. Cô bé tỏ ra bối rối thưa với mẹ: "Mẹ ơi, làm sao con có thể yêu Chúa được? Con chưa bao giờ gặp Người". Ít ngày sau, cô bé nhận được một món quà gửi qua đường bưu điện, trong đó có một con búp-bê có thể chớp mắt rất đẹp. Bên cạnh có tấm cart Noel ghi hàng chữ: "Chúc mừng Giáng Sinh vui vẻ. Tặng Maria thân yêu con búp bê, Dì Rosa". Bé Maria chưa bao giờ gặp dì Rosa vì sống cách nhau hàng ngàn cây số. Khi bé Maria ôm con búp bê vào lòng, em nói với mẹ rằng: "Mẹ ơi, con yêu dì Rosa quá! Dì đã cho con búp bê rất dễ thương này"  Bấy giờ mẹ bé Maria hỏi rằng: "Làm sao con có thể yêu dì Rosa khi chưa bao giờ gặp dì ?". Maria liền trả lời: "Con biết, nhưng con yêu dì, vì dì đã gởi cho con con búo bê này".

2. THƯƠNG NGƯỜI, NHƯNG LẠI SỢ NGƯỜI:

Dọc theo triền núi Trường Sơn, có một ngôi mộ lâu đời, trên bia mộ có khắc dòng chữ như sau: "Tôi thương người, nhưng lại khiếp sợ người". Đây là câu nói của Hy Thanh, người nằm trong ngôi mộ. Câu chuyện như sau: thời bấy giờ, Hy Thanh học cách tìm mạch nước ngầm nơi một ông thầy giỏi nghề. Bạn bè nói với anh rằng: "Dưới đất lúc nào mà chẳng có nước. Mày học làm chi cái nghề vô tích sự ấy". Cha mẹ anh em trong nhà cũng mắng anh: "Nếu mày cứ muốn học nghề đó thì ra khỏi nhà và đừng bao giờ vác mặt về nhà này nữa!" Hy Thanh đành phải bỏ nhà ra đi. Ban ngày anh vừa đi học vừa kiếm chỗ làm phu khuân vác để kiếm ăn. Tối đến xin vào ngủ trong nhà chùa. Anh cứ kiên trì theo học nghề tìm mạch nước ngầm ấy nhiều năm. Hai mươi năm sau, gặp lúc trời hạn hán, các giếng trong làng đều khô cạn hết. Nhiều người bị chết khát vì không kiếm đâu ra nước uống. Bấy giờ, người ta mới chợt nhớ đến Hy Thanh và cử người đến yêu cầu anh tìm mạch nước giúp dân làng. Hy Thanh đã sớm tìm ra mạch nước ngầm và khơi được nguồn nước chảy ra lênh láng. Dân các nơi khác nghe tin kéo đến xin nước uống râ71t đông. Họ vui mừng ca tụng về tài năng xuất chúng của anh. Nhưng rồi có kẻ do khát lâu ngày, đã uống quá nhiều nước bị ngã ra chết. Thế là nhiều người thay vì tỏ lòng biết ơn lại quay ra chửi bới mạt sát Hy Thanh thậm tệ. Lũ người nhà của kẻ bị chết còn hè nhau xông vào đánh đập anh đến chết. Trước khi nhắm mắt lìa đời, Hy Thanh thều thào nói: "Tôi thương người, nhưng lại sợ người".

3. SUY NIỆM:

1. MẾN CHÚA HẾT LÒNG VÀ YÊU THA NHÂN NHƯ YÊU MÌNH:

Ai trong chúng ta cũng đều ý thức về hai bổn phận yêu thương hàng dọc và hàng ngang:. Bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với tha nhân.  Tin mừng hôm nay ghi nhận lời Đức Giê-su dạy về hai điều răn quan trọng nhất là "mến Chúa hết lòng hết sức và yêu thươing tha nhân như yêu mình". Hai điều răn này tóm lược tòan thể bộ Luật Mô-sê. Tuy nhiên xem ra Đức Giê-su đặt nặng điều răn thương người hơn điều răn mến Chúa như khi Người dạy: "Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình" (Mt 5,23-24). Chính tình yêu đối với anh em là dấu chỉ chắc chắn nhất về lòng yêu mến Thiên Chúa như lời Đức Giê-su: "Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35). Thánh Gioan cũng đã khẳng định: "Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối.Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy... Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình" (1 Ga 4,20-21). Thế nhưng, chúng ta phải đối xử với anh em như thế nào?

2. KỶ SỞ BẤT DỤC, VẬT THI Ư NHÂN:

Truyền thống Do Thái có một câu chuyện như sau: Ngày kia một người tìm đến với thầy SAMAI, thuộc phái giải thích luật một cách nghiêm khắc và cho biết mình có ý định tìm kiếm chân lý. Ông hỏi:
"Thầy có thể dạy tôi tóm lược tất cả các lề luật trong thời gian tôi đứng trên một chân. Vì tôi không thể ở lại Giêrusalem lâu được". Nghe nói thế, thầy Samai nổi giận và truyền đuổi ông ra khỏi nhà mình. Không mất niềm hy vọng, ông ta tìm đến với thầy GILLEN, một người vừa thông thái, vừa cởi mở lại vừa phóng khoáng. Trước cùng một câu hỏi được đưa ra, thầy Gillen đã trả lời ngay không cần phải suy nghĩ:  "Đừng làm cho người khác điều anh không muốn họ làm cho anh. Đó là cái cốt lõi của lề luật. Tất cả những thứ khác, chỉ là để giải thích cho giới luật này mà thôi. Anh hãy đi và suy nghĩ chín chắn về điều tôi vừa nói".

Trong Cưu Ước, Tôbia cha đã khuyên Tôbia con như sau: "Điều con không thích thì đừng làm cho người khác" (Tb 4,15a). Đừng làm cho người khác điều anh không muốn họ làm cho anh. Tuy mang tính cách thụ động và tiêu cực, nhưng nếu tuân giữ cho trọn vẹn, thì chúng ta còn phải thực hành rất nhiều điều khác như: không nói xấu, không ganh tỵ, không trộm cắp và hàng lô những cái không khác nữa, nhờ đó cuộc sống sẽ được an vui và bản thân sẽ được hạnh phúc. Nhất là nhờ đó chúng ta sẽ trở nên những môn đệ đích thực của Đức Ki-tô.

Đức Khổng Tử cũng khuyên đồ đệ: "Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác". Còn Đức Giê-su dạy các tín hữu chúng ta thực hành theo hướng tích cực: ""Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó" (Mt 7,12)

3. HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY:

Yêu thương là một trạng thái tình cảm xưa như trái đất, tức là ngay từ khi có con người trên mặt đất đã có vấn đề yêu thương. Dân tộc nào cũng dậy yêu thương, tôn giáo nào cũng dậy yêu thương. Trong Cựu Ước, lề luật Do Thái cũng đã có luật yêu thương, chẳng hạn luật Môsê dạy: "Phải yêu thương tha nhân như chính mình". Tới khi Chúa Giêsu xuống thế, Ngài đã giảng dạy yêu thương, thực hiện yêu thương trọn vẹn tuyệt vời. Điều đặc biệt mới mẻ trong luật yêu thương Chúa dạy là Ngài nâng luật yêu người lên ngang hàng với luật mến Chúa, đồng thời coi những hành động yêu thương như dấu chỉ để mọi người nhận ra môn đệ Ngài và là tiêu chuẩn Ngài căn cứ vào đó để khen thưởng sau này.

Như vậy, luật yêu thương nhau không những là một lời khuyên mà còn là một lệnh truyền, một sứ mệnh của người Kitô hữu. Vậy chúng ta phải thực hành luật này thế nào? Nói khác đi, chúng ta phải yêu thương nhau thế nào?

4. THỰC HÀNH ĐIỀU RĂN YÊU NGƯỜI CỤ THỂ:

Yêu thương không phải chỉ bằng lời nói suông, hay bằng thứ tình cảm nhất thời, nhưng bằng việc làm cụ thể noi gương Chúa Giêsu như kinh Thương Người dạy. Trong đó thương xác có bảy mối và thương linh hồn có bảy mối. Thánh Giacôbê đòi tín hữu phải yêu thương cụ thể như sau: "Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?" (Gc 2, 15-16). "Nhờ hành động mà con người nên công chính, chứ không phải nhờ đức tin mà thôi" (Gc 2,24).

5. YÊU THƯƠNG CỤ THỂ LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI:

Đến ngày tận thế khi đến lần thứ hai để xét xử muôn dân, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ xét theo tiêu chuẩn bác ái cụ thể như sau: "Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn. Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm"..."Ta bảo thật: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25,34-36.40.45).

6. THẢO LUẬN:

1. Tập sống vị tha bác ái, dấn thân hy sinh và quên mình phục vụ tha nhân là lối sống của Đức Giê-su, đã được thánh Phan-xi-cô tóm lại trong Kinh Hòa Bình mà mỗi tín hữu chúng ta cần năng đọc hằng ngày và dùng làm nguyên tắc ứng xử với tha nhân. Vậy bạn đã học thuộc kinh Hòa Bình chưa và đã quyết tâm sống ra sao?

2. Để thực hành lối sống yêu thương cụ thể nói trên, bạn cần tập sống tình mến Chúa yêu người theo phương cách nào hữu hiệu nhất?

7. LỜI CẦU:

- Lạy Cha. Thế giới hôm nay cũng như hôm qua, vẫn có những người bơ vơ lạc hướng vì không tìm được một người để tin theo; Vẫn có những người đã chết từ lâu mà tưởng mình còn đang sống; Vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế: ô uế do bạc tiền, do nhục dục, do hám danh; Vẫn có những người mang nhiều bệnh hoạn: bệnh trong cách nhìn, cách nghĩ, cách sống; Vẫn có những người đang sống bên lề xã hội, dù không phải là người phong cùi...

- Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ và biết chạnh lòng thương họ như Con Cha là Đức Giê-su. Nhưng trước hết, xin cho chúng con nhìn thấy bản thân chúng con để xin Cha thanh luyện và ban ơn giúp chúng con ngày một nên hòan thiện noi gương Con Cha là Đức Giê-su Ki-tô (Viết theo Rabbouni ).

LM ĐAN VINH  www.hiephoithanhmau.com

GIỚI RĂN QUAN TRỌNG NHẤT
Mc 12, 28b - 34

Sống trên trần gian phải có một tấm lòng. Đó là điều kiện thiết yếu và quan trọng để con người đối xử tốt với nhau. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, con người phải tôn kính, yêu mến Ngài hết linh hồn, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình. Sách Ngũ Thư tóm gọn hai giới răn đứng đầu trong 613 khoản luật. Các bài đọc Chúa nhật 31 thường niên, năm B sẽ cho chúng ta hiểu đâu là giới luật quan trọng nhất của Đạo Công Giáo.

Yêu là trao hiến, hy sinh chính mình để sống cho người khác.Tình yêu đích thực không dễ dàng như nhiều người lầm tưởng bởi vì chính Chúa đã làm gương cho nhân loại, cho mỗi người về việc hy sinh, xả thân trao hiến: " Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu mến " ( Ga 15, 13 ). Tình yêu của Chúa là tình yêu cao vời, tình yêu vô vị lợi. Chết mới nói lên lời. Trên Thập giá Chúa đã trao hiến chính mạng sống mình làm giá chuộc cho mọi người. Tình yêu của Chúa luôn thúc bách chúng ta và hạch hỏi thái độ sống của chúng ta. Tin Mừng của thánh Máccô cho chúng ta hay, một kinh sư đã tới gặp Chúa và hỏi Chúa: " Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều nào đứng đầu ?". Đức Giêsu trả lời: " Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó " ( Mc 12, 29-31 ). Đối với con người, sống điều răn thứ nhất là hoàn toàn dành ưu tiên cho Chúa, tất cả hướng về Chúa vì Chúa là gia nghiệp, là thuẫn đỡ cho đời mình, để Chúa chiếm trọn đời mình. Điều răn thứ hai là yêu người thân cận như chính mình. Người thân cận là mọi người không trừ ai, bởi vì tất cả đều là hiện thân của Chúa. Chỉ trong Chúa chúng ta mới nhận ra anh em của mình là tất cả mọi người chúng ta phải yêu thương. Chúa đã đồng hóa Người với những kẻ khó nghèo, đói, khát, trần truồng vv...Yêu người sẽ gặp Chúa và yêu Chúa sẽ gặp người. Như thế, chúng ta nghiệm ra rằng mọi điều răn, mọi giới luật đều qui chiếu về lòng kính mến Chúa và yêu thương con người. Nếu điều răn kính chúa và yêu người còn còn mang ý nghĩa như thế, thì quả thực nó không còn giá trị gì. Bởi vì, đạo mà Chúa Giêsu thiết lập là đạo tình yêu, lời của Chúa rao giảng là Tin Mừng cứu độ. Tất cả đều gắn kết với Chúa Giêsu qua biến cố Nhập thể của Người. Nên, nói yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương con người là chúng ta nói láo. Chính vì thế, giới kính Chúa, yêu người là hai giới răn nhưng xét cho cùng lại chỉ là một giới răn. Hai mà một, một mà hai là như thế.


Bài Tin Mừng của thánh Máccô nhằm nêu lên một giáo huấn quan trọng trong toàn bộ Phúc Âm. Nó đòi hỏi chúng ta tự vấn lương tâm xem chúng ta đã đối với Thiên Chúa như thế nào và đối anh em ra làm sao ? Tin mừng của thánh Máccô hôm nay cho thấy: " Nếu chúng ta nói kính mến Thiên Chúa mà lại khinh khi anh em " quả thực chúng ta chỉ là những người nói dối, ba hoa chích chòe. Chúa Giêsu đã trả lời vị kinh sư: giới răn đứng đầu, mối quan tâm số một của người Kitô hữu là tình yêu.


Vâng, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vấn đề kính mến Chúa xem ra chúng ta dễ thực hành còn thương anh em xem ra chúng ta dễ bỏ qua một bên. Đời sống Kitô hữu giữ đạo xem ra dễ nhưng đi đến tận cùng của việc giữ đạo là thực hành lời Chúa bằng việc yêu thương tha nhân như chính mình xem ra khó thực hiện.


Lạy Cha,

Thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con ( Trích trong Rabbouni ).
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN, năm B
Mc 12, 28b - 34

Cuộc đời của con người luôn xoay vần, luôn chuyển xoay theo thời gian Xuân, Hạ, Thu, Đông. Sống là phấn đấu, sống là đấu tranh để bảo vệ sinh tồn. Đời con người có hỉ, nộ, ai, ố, có tham sân si, có yêu thương, có ghen ghét, có hận thù. Luật của Môsê trong Cựu Ước qui định về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người rất khắt khe: " Nghe đây, hỡi Israen: Đức Chúa, Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Chúa của ngươi, hết lòng, hết dạ, và hết sức ngươi. Những lời này ta truyền cho ngươi hôm nay, ngươi phải ghi lòng tạc dạ " ( Đnl 6, 6 ). Chúa Giêsu đến, Ngài đã tái xác nhận lại luật Cựu Ước, nhưng làm cho nó hoàn thiện hơn: "Yêu người thân cận như chính mình ". Đây là luật mới, luật Tân Ước: Giới luật yêu thương.

Chúa Giêsu đã nối kết hai nội dung yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, nên một luật mới là kính Chúa yêu người. Luật yêu thương của Chúa liên kết thật chặt chẽ với nhau bởi vì đã kính mến Chúa thì phải yêu thương con người, yêu thương tha nhân. Giới răn này rất chặt chẽ với nhau đến nỗi ai bảo kính mến Thiên Chúa mà không yêu thương anh em thì họ là người nói láo ( 1 Ga 4, 20 ). Đối với Chúa, Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau như Ngài đã yêu. Trước hết, chúng ta hãy yêu thương những người thân thương trong gia đình của chúng ta, những người thân thiết nhất đối với chúng ta. Nếu, chúng ta đã không yêu thương những người thân thuộc trong gia đình chúng ta thì chúng ta cũng không thể nào yêu thương những người khác được. Ngộ giả không yêu thương những người khác thì chúng ta cũng không thể nào kính mến Thiên Chúa được. Đó là nghịch lý quan trọng trong đời sống con người. Nên, yêu thương người sẽ gặp Chúa và yêu thương Chúa sẽ gặp con người. Đây có thể gọi được là chân lý của Đạo Đức Kitô. Chúng ta có tử tế, có yêu thương nhau trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ, trong khu xóm, làng thôn, gương ấy mới tỏa lan đến mọi người và đến với người khác được. Tục ngữ Việt Nam có câu trứ danh: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Ngạn ngữ Trung Hoa cũng có câu: "Hãy tử tế khi còn gần nhau, để sau này khỏi hối hận khi đã xa nhau". Vâng, trong sa mạc của cuộc đời nhiều chuyện đã làm cho con người chới với, nhiều vấn đề đã làm cho con người mệt mỏi, nếu chúng ta biết thông cảm, chia sẻ, yêu thương nhau, nở nụ cười cảm thông chắc chắn đời sống sẽ nở hoa, sẽ tốt đẹp hơn. Những cử chỉ yêu thương, bác ái chắc chắn sẽ làm cho đời đáng sống, thích sống hơn. Tình yêu giữa con người với nhau là thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. Thánh Gioan đã nói đi nói lại: "
Hãy yêu thương rồi làm gì hãy làm". Trên hành trình cuộc sống, biết bao cảnh đau thương tang tóc do chiến tranh, thiên tai, do bệnh hoạn gây ra, tình thương, bác ái sẽ giúp con người vơi đi nỗi đau khổ.

Đời sống của nhiều Kitô hữu đọc kinh, đến nhà thờ thì dễ nhưng đến với những người nghèo, những người hoạn nạn khổ đau, họ lại không thể làm được việc đó. Bởi vì Chúa Giêsu đã tự đồng hóa với những em bé, những người tàn tật, những người bơ vơ, vất vưởng, những người khổ đau. Chúa đang chờ chúng ta gặp Ngài nơi những người đó. Yêu thương chính là cho đi. Yêu thương chính là quên mình, hy sinh, từ bỏ, thua thiệt mà.


Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta được mời gọi để sống yêu thương, để sống như Chúa đã yêu. Chúa Giêsu đã sống để yêu, đã chết vì yêu. Ngài đã sống tận cùng đời sống của Ngài. Do đó, thánh Gioan đã có nhận định rất chí lý: "
Ai nói yêu Chúa mà lại ghét anh chị em mình, họ là kẻ nói dối".

Chúa nhật hôm nay, Hội Thánh dùng để mừng lễ các thánh Nam Nữ trên trời. Các vị thánh này là những người gần gũi chúng ta, có khi là ông bà, cha mẹ, những người thân thương của chúng ta. Chúng ta xin các thánh nam nữ cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa để chúng ta được nên thánh như các Ngài.


Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, xin cho chúng con luôn bắt chước gương Chúa sống để yêu và chết cũng chỉ để yêu
. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

HÔM NAY THIÊN CHÚA CẦN NGƯỜI MẪU
Mc 12, 28b - 34

Tin mừng theo thánh Mác-cô cho thấy Đức Giêsu trích lời Kinh Thánh trong sách Đệ Nhị Luật: "hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết trí khôn hết sức lực, và yêu anh em như chính mình". Đây thực sự là giới răn đem lại hạnh phúc cho con người.

1. Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng


Từ thời Môsê, khoảng thế kỷ 13 trước Công Nguyên, dân Do Thái đã nhận lãnh giới luật yêu mến Thiên Chúa: "Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Anh em hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực anh em". Đến thời Đức Giêsu, khi một ký lục hỏi Đức Giêsu: "Thưa thầy, giới răn nào trọng nhất?" Đức Giêsu đã trả lời bằng cách lập lại giới răn Môsê đã truyền cho dân Do Thái ngày xưa: "Đây là giới răn thứ nhất: hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực ngươi. Giới răn thứ hai: hãy yêu tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn những điều này".


Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực- nghĩa là- đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, chọn Thiên Chúa trên tất cả, lấy Thiên Chúa là đủ cho mình và không ao ước gì ngoài Thiên Chúa. Làm sao để điều này thành hiện thực khi con người chạy theo tiền tài danh vọng? Làm sao để những người cho rằng Thiên Chúa là một từ ngữ có một tương quan tình yêu thiết thân với Ngài? Con người được mời gọi nhận biết và cảm nghiệm Thiên Chúa là Đấng yêu thương, và Ngài sẵn sàng làm tất cả để được con người. Điều này, không phải con người làm nhưng chính Thiên Chúa làm cho con người; Thiên Chúa đang dùng con người để giúp Ngài làm cho con người nhận ra tình yêu của Ngài đối với họ.


Đức Giêsu được sai đến để thực hiện điều này: làm sao để con người yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực. Đức Giêsu đã làm mọi cách: đã nói cho con người biết Thiên Chúa là ai, Ngài yêu thương con người đến độ nào, và Ngài chờ mong con người trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng luôn săn sóc con người; Ngài sẵn sàng ban tất cả cho con người, ngay cả chính Con Ngài. Lời của Thiên Chúa mang trọn vẹn ý nghĩa khi con người, cụ thể nơi các tông đồ, nhận ra Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Chỉ với biến cố phục sinh, con người mới nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, và rồi, con người mới biết Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào.


2. Con người tự do chọn lựa


Con người là hữu thể tự do. Con người được tạo dựng để thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đặt để nơi con người một ước vọng hướng về Ngài như nguồn chân thiện mỹ. Con người luôn được mời gọi để hướng về Ngài, chọn Ngài qua những thực tại trần gian. Chọn điều tốt, chọn điều thiện hảo, chọn yêu thương tha nhân, là chọn chính Thiên Chúa. Chọn điều tốt lành thiện hảo, chọn Thiên Chúa, sẽ làm con người được bình an hạnh phúc.


Làm sao con người có thể chọn điều thiện hảo tốt lành, khi mà thân xác con người cảm thấy cần tiện nghi vật chất, cần tiền bạc để thỏa mãn những nhu cầu vật chất? Thánh I-nhã Loyola cho rằng khi người ta có cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa và tạo vật, khi người ta bình tâm trước tạo vật và chỉ đi tìm Thiên Chúa và ý định của Ngài, thì con người được hạnh phúc đích thực. Đức Yêsu nói với các tông đồ: "giầu có khó vào được Nước Trời; lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa". Nhưng làm sao để người ta nhận ra rằng điều đó là đúng, và làm sao để người ta chọn điều người ta thấy là đúng?


Tình yêu giúp người ta nhận ra sự thật. Tình yêu sẽ đưa người ta vào chính đạo. Tình yêu sẽ giúp người ta trở về với Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa tác động trên con người, trên những trung gian con người mà Ngài dùng, đồng thời trên mỗi người để khao khát tiềm ẩn nơi họ được bừng sáng, để họ nhận ra con đường đích thực giúp họ bình an hạnh phúc. Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến con người, sẽ làm con người được bình an hạnh phúc. Những người sống trong tình yêu sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi phục vụ anh em mình.


3. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn


Con người được gì khi yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực mình? Thiên Chúa là chân thiện mỹ; nếu một người chọn Thiên Chúa, chọn chân thiện mỹ, là chọn anh em mình. Nếu một người chọn Thiên Chúa, thì sẽ tôn trọng quyền lợi của tha nhân. Người chọn Thiên Chúa và tha nhân sẽ sống an bình và hạnh phúc với tha nhân. Một người chọn tiền bạc danh vọng, sẽ dùng tha nhân và ngay chính anh em như phương tiện để đạt được mục đích của mình; như vậy họ gây khổ não cho tha nhân và ngay cả anh em họ. Nếu một người chỉ chọn họ và không để ý tới quyền lợi của tha nhân, người đó không thể sống hạnh phúc với người khác.


Yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực, là đặt thực tại trần gian vào đúng chỗ của nó. Với những người này, Thiên Chúa và ý định yêu thương của Ngài đối với con người phải là trên hết, tha nhân phải được tôn trọng; và khi sống như vậy, chính người "yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn hết trí khôn và yêu anh em như chính mình" sẽ là người sống hạnh phúc, sống an bình và thuận hòa với chính mình và với người khác xung quanh họ.


Yêu mến Thiên Chúa trên hết và yêu mến tha nhân như chính mình, không chỉ là lề luật phải giữ mà còn là khuôn vàng thước ngọc, giúp người ta sống an bình hạnh phúc. Với những người chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, thì phải diễn đạt điều lề luật Do Thái nói trên bằng "mỗi người phải chọn chân thiện mỹ trên tất cả, tôn trọng và yêu mến tha nhân như chính mình". Để đạt được điều trên, mỗi người cần ơn trên soi sáng và giúp đỡ; và trong mức độ con người, Thiên Chúa vẫn cần những con người cộng tác với Ngài để giúp con người hôm nay ý thức và sống lề luật này. Thiên Chúa cần những người mẫu cho con người hôm nay.

LM Phạm Thanh Liêm, SJ

 "NGƯƠI PHẢI YÊU MẾN ĐỨC CHÚA, THIÊN CHÚA CỦA NGƯƠI"
Mc 12, 28b - 34

ROME - Cha Capuchin Raniero Cantalamessa, giảng Phủ Giáo Hoàng, giải thích về các bài đọc từ phụng vụ ngày Chúa Nhật 31 thường niên B như sau:

Một ngày kia có một người trong các kinh sự đến hỏi Chúa Giêsu trong mọi điều răn điều nào đứng đầu và Chúa Giêsu trả lới, trưng những lời trong luật: "Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi." Nhưng Chúa Giêsu liền nói thêm có điều răn thứ hai giống như điều răn đó, là phải "yêu người thân cận như chính mình."


Nếu chúng ta muốn hiểu ý nghĩa câu hỏi của vị kinh sư và câu trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta cần ghi nhớ điều sau đây. Trong Do Thái giáo thời Chúa Giêsu có hai khuynh hướng đối nghịch.


Một đàng có một khuynh hướng nhân số mãi những điều răn và những lời giáo huấn của luật, tạo ra những qui tắc và những bắt buộc cho mọi chi tiết nhó nhất của sự sống. Đàng khác có sự ước muốn tím gặp dưới đống lộn xộn ngạt thở những qui tắc, những điều thật sự có giá trị cho Thiên Chúa, tinh thần của tất cả các điều răn.


Câu hỏi của kinh sự và câu trả lời của Chúa Giêsu được đặt gần những điều thiết yếu của luật, trong sư ước muốn không để mất trong hàng ngàn những giáo huấn tùy thuộc khác. Chính bài học này về phương pháp mà hơn hết chúng ta phải học từ bài tin mừng này. Có những sự trong đời sống là quan trọng nhưng không khẩn cấp (có nghĩa là không gì sẽ xảy ra nếu chúng ta để chúng qua một bên); và ngược lại, có những sự khẩn cấp mà không quan trọng. Nguy hiểm là chúng ta muốn hy sinh cách có hệ thống những điều quan trọng để theo đuổi những điều khẩn cấp nhưng thường là thứ yếu.


Làm sao chúng ta tránh được nguy hiểm này? Một câu truyện sẽ giúp chúng ta hiểu cách nào. Một ngày kia người ta xin một giáo sư già nói chuyện như một nhà chuyên môn với một số hiệp hội lớn Bắc Mỹ về sự quản lý thời giờ cá nhân.


Ong quyết định thử một thí nghiệm. Đứng trước một nhóm sẵn sàng ghi chú, ông kéo ra từ dưới bàn một bình thủy tinh to lớn, trống trơn. Ông bỏ một tá viên đá cỡ banh tennis trong bình đó cho đến khi đầy. Khi ông không còn khả năng thêm những viên đá nữa, ông hỏi những kẻ hiện diện:" cái bình xem ra đầy đối với các anh phải không?" và họ trả lời "Phải!" Ong chờ một lúc và sau đó hỏi: "Các anh chắc không?"


Ong lại khum mình xuống và kéo một bình đầy sạn từ dưới bàn và cẩn thận trút những viên sạn vào trong bình, lắc cái bình một chút cho những viên sỏi có thể chạm những viên đá ở dưới đáy. Ông hỏi: " Lần này cái bình có đầy không?"


Thính giả của ông, trở nên khôn hơn, bắt đầu hiểu và nói: "Có lẽ chưa." Rất tốt!" vị giáo sư già phúc đáp. Ông lại khum mình xuống và lần này rút ra một bao cát và đổ vào trong bình cẩn thận. Càt nhét đầy những không gian giữa những viên đá và những viên sạn.


Rồi ông hỏi lại: "Bây giờ cái bình đầy không?" Và tất cả mọi người trả lời không do dự: "Không!" "Chắc chắn là thế," vị giáo sư già nói và, như họ trông đợi, lấy bình nước từ trên bàn và đổ nước vào trong bình cho tới miệng.


Lúc này ông nhìn thính giả của mình và hỏi: " "Thí nghiệm này dạy chúng ta chân lý lớn nào?" Người gan dạ nhất của nhóm, suy nghĩ về chủ đề đường lối hành động--sự quản lý thời gian-- trả lời: " Điều này chứng tỏ cho chúng ta rằng cả khi chương trình làm việc đã đầy, với một chút cố gắng chúng ta luôn có thể thêm một công việc khác, một sự gì khác để làm."


"Không," giáo sư trả lời, "Không phải vậy. Thí nghiệm chỉ cho chúng ta một cái gì khác. Nếu các anh không để những viên đá lớn trong bình trước hết, thì các anh không bao giờ có thể để chúng vào sau."


Có một lúc yên lặng và mọi người hiểu rõ sự khẳng định này.


Giáo sự nói tiếp: "Cái gì là những viên đá lớn, những ưu tiên, trong đới sống các anh? Sức khoẻ? Gia đình? Bạn hữu? Bảo vệ một vấn đề? Hoàn thành điều gì gần tâm hồn các anh ?


"Điều quan trọng là để những viên đá lớn này trong chương trình nghị sự các anh trước hết. Nếu các anh dành ưu tiên cho hàng ngàn việc nhỏ khác-những viên sạn, cát-đời sống các anh sẽ tràn đầy sự vô nghĩa và các anh sẽ không bao giờ có giờ hiến mình cho những việc thực sự quan trọng hơn.


"Như vậy, đừng bao giờ quên đặt câu hỏi này cho chính các anh: 'Những điều quan trọng trong đời sống của tôi là gì?' hãy đặt những sự này trên đầu chương trình nghị sự của các anh."


Lúc đó, với một cử chỉ thân hữu giáo sư già chào tạm biệt thính giả của mình và rời phòng.


Với 'những viên đá lớn" do giáo sư nhắc tới-sức khoẻ, gia đình, các bạn hữu-chúng ta cần thêm hai cái khác, to nhất trong tất cả, hai điều răn lớn nhất: hãy yêu mến Thiên Chúa và người thân cận.


Thật vậy, yêu mến Thiên Chúa, còn hơn một giới răn, là một ưu tiên, một sự nhượng bộ. Nếu một ngày chúng ta gặp Người, chúng ta sẽ không thôi tạ ơn Chúa đã truyền chúng ta phải yêu mến Người và chúng ta sẽ không muốn làm gì khác hơn là bối đấp tình yêu này.

Đ.Ô. Nguyễn Quang Sách

LUẬT YÊU
Mc 12, 28b - 34

Tư tưởng xuyên suốt trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay đó là giới răn YÊU. Vâng, nhân loại được dựng nên là do Thiên Chúa yêu con người, vì thế trong Cựu Ước ông Moisen đã dạy dân điều răn trọng nhất là yêu mến Chúa(Đnl.6,2-6), với tâm tình yêu mến thiết tha như Tv.130 diễn tả ( Đáp ca). Nhưng rồi các Luật sĩ, Pharisiêu...đã chú giải thêm làm cho luật YÊU ấy trở thành hình thức với những luật lệ khuyên làm và cấm làm tới 613 luật, làm cho dân chúng không biết cái nào là chính, cái nào là phụ, và chính họ cũng bị rối, nên câu hỏi mà chúng ta vừa nghe trong bai Tin Mừng" điều nào răn nào trọng nhất?", tuy để thử Chúa Giêsu nhưng cũng để họ nhận định lại. Chúa Giêsu đã lợi dụng dịp may này để chấn chỉnh lại giới răn yêu bằng câu trả lời " yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn và yêu tha nhân như chính mình" (Mc.12,28b-34). Chúa Giêsu đã đặt tình yêu người và tình yêu Chúa ngang nhau.

Con người được sinh ra là do tình yêu giữa cha- mẹ, lớn lên cũng nhờ tình yêu và sống được cũng phải có tình yêu. Đứa trẻ bị còi cọc và không trở thành người trưởng thành được cũng vì chúng bị thiếu tình yêu hay không có tình yêu. Yêu là tình cảm cao đẹp trong con tim mọi người và là nhân đức cao trọng nhất trong mọi nhân đức. Yêu thương là cho đi, cho đi chính mình. Người Do Thái cũng có luật yêu người " thương người cận nhân" và họ hiểu thân cận là là người cùng dân tộc, cùng tín ngưỡng, cùng quê...họ đã hiểu sai lề luật nên Chúa Giêsu phải sửa sai : yêu mọi người, cho dù khác ngôn ngữ, mầu da, tôn giáo...yêu người chưa hề quen biết và yêu cả kẻ thù, yêu bất cứ ai chúng ta gặp trên đường đời, Chúa Giêsu đã dạy một tình yêu không biên giới.


Chúng ta thường vẽ ranh giới cho tình thương, đặt hàng rào cho tình thương: ai ở trong ranh giới và trong hàng rào đó thì yêu hết mình, còn ai ở ngoài thì là người dưng, không cần phải yêu. Vì thế, Chúa Giêsu phá bỏ hàng rào ngăn cách đó " yêu mọi người như mình thì hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ". Chúng ta có thể yêu mến Chúa nhiều lắm nhưng nếu không yêu thương bằng Chúa thì chúng ta không khác gì người ngoại. Chúng ta yêu những người thân, những người họ hàng thân thích mà chúng ta không coi mọi người là người thân, để yêu thương thì chúng ta cũng như người ngoại và có khi còn tệ hơn người ngoại. Chúng ta hào phóng dâng cho Chúa những bàn thờ rất đẹp, rất quí, những quả chuông ngoại đắt tiền, những hoa nến đầy các bình, và cả nhưng hi sinh hãm mình .... Mà chúng ta không yêu mến tha nhân thì những của lễ ấy chả có giá trị gì " Thiên Chúa thích tấm lòng hơn của lễ". Thiên Chúa là tình yêu và là nguồn mạch tình yêu, nếu yêu Thiên Chúa thật thì cũng phải yêu người. Yêu Chúa mà không yêu người là kẻ nói dối, vì anh em ngươi là người ngươi trông thấy mà không yêu thương thì làm sao có thể yêu Thiên Chúa mà ngươi không thấy (x.1Ga.4,20).


Chúa Giêsu đến trần gian là vì yêu dạy con người yêu, yêu Thiên Chúa và yêu con người. Nhưng để có thể yêu như Chúa yêu chúng ta phải thực tập yêu, trước tiên là yêu những người trong gia đình, cha mẹ, anh chị em ...những người thân thiết liên hệ với chúng ta. Nếu chúng ta không yêu được những người trong gia đình, trong giòng tộc thì chúng ta không thể yêu người khác và cũng không thể yêu mến Thiên Chúa được, vì thước đo tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là tình yêu của chúng ta đối với tha nhân. Thánh Phaolô cho chúng ta thấy rằng " yêu thì nhân hậu, yêu là phục vụ, không ba hoa, không tự mãn, không khiếm nhã, không ích kỷ, không nóng giận, nhưng hết lòng tha thứ, kính tin, trông cậy và kiên nhẫn"(1Cor.13,4-7) và yêu là trao hiến bản thân như Chúa Giêsu đã trao ban chính mình vì yêu.


Chúa Giêsu sống đến cùng hai giới răn Chúa dạy, Ngài sống yêu, dạy yêu và chết vì yêu, nên ngày phán xét Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta về tình yêu (x.Mt.25...) yêu Thiên Chúa bằng tất cả con người mình, ưu tiên một cho Chúa trong mọi ưu tiên, đừng để phải hối tiếc như Thánh Augustinô yêu Chúa quá muộn, hay yêu Chúa quá ít và không yêu tha nhân. Tình yêu thực sự với Thiên Chúa phải đưa chúng ta đến với anh em và tình yêu anh em đòi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, để kín múc nguồn sức mạnh mà tiếp tục hiến trao, nghĩa là trong Chúa chúng ta nhận ra tha nhân là anh em con một Cha, hay đúng hơn chỉ có một tình yêu: yêu anh em trong Chúa và yêu Chúa nơi anh em.


Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết xóa bỏ hận thù, chia rẽ, kỳ thị chủng tộc, những âm mưu bá chủ quyền lực bằng chiến tranh hạt nhân, hóa học...thay vào đó là sự yêu thương, hiệp nhất để mọi người được sống trong cảnh thái bình thịnh vượng, hầu xây dựng một thế giới tốt đẹp đúng ý Chúa.

Sr Mai An Linh OP

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Mc 12, 28b - 34

Đạo của Chúa là đạo tình yêu, vì chính Ngài là tình yêu. Ngài muốn cho tất cả và mời gọi tất cả nhân loại vào sống trong tình yêu với Ngài. Ngài đã làm tất cả cho dù phải hy sinh con yêu dấu của Ngài để tỏ lòng yêu thương chúng ta. Ngài chỉ muốn có một điều là chúng ta kính mến Ngài và bắt chước Ngài yêu thương anh em.

Mến Chúa và yêu người tuy không đồng hạng nhưng phải đồng hành với nhau một cách khắng khít. Nói mến Chúa mà không yêu người hay yêu người mà không mến Chúa đều là những kiểu nói không thực. Hai điều này "giống nhau" ở tầm quan trọng chứ không phải ở bản chất và đối tượng. Không thể đồng hóa mến Chúa và yêu anh em là một. Nhưng cũng không thể mến Chúa mà lại ghét anh em hay ngược lại. Chính ra phải nói rằng : nếu tôi mến Chúa thì nhất thiết tôi phải yêu anh em, nếu không tình yêu của tôi đối với Chúa đáng ngờ lắm. Mọi tình yêu phải phát xuất từ Chúa. Chúa Giêsu không làm lại luật, nhưng chỉ làm sáng tỏ luật yêu thương được chứa đựng trong các sách lề luật và các ngôn sứ. Chúng ta có một tấm gương tuyệt hảo về lòng mến Chúa yêu người, đó là cái chết thập giá của Đức Ki-tô. Ngài chết vì mến Chúa Cha và vì yêu thương chúng ta.


Kính nhớ Chúa Giêsu chịu chết và sống lại trong hiến tế Thánh Thể chính là kính nhớ đến tình yêu của Ngài và qua đó nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Do đó, cử hành Thánh Thể chính là cử hành tạ ơn : Tạ ơn Đức Ki-tô và nhờ Ngài tạ ơn Chúa Cha. Nhìn ngắm Đức Ki-tô và mến Cha trên trời và yêu thương tha nhân như Ngài đã làm gương cho chúng ta.


Như vậy, lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu, hãy sống như Chúa Giêsu : mến Cha trọn vẹn và yêu nhau tròn đầy. Chắc có người muốn hỏi : làm sao có thể yêu thương một người làm thiệt hại đến của cải của mình, xúc phạm đến danh dự của mình ? Lời Chúa không cho phép chúng ta thắc mắc như thế. Không được phân biệt đối tượng yêu thương. Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống yêu mến một cách trọn vẹn. Với người tốt, tình yêu được diễn tả như những người cùng ở trong nhà Cha, sống trong tình yêu của Thiên Chúa Cha. Với người xấu, tình yêu được diễn tả qua việc giúp người ấy trở về nhà Cha. Như thế, cho dù người khác có bất cứ thái độ nào, người Ki-tô hữu chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là yêu mến. Vấn đề là ở chỗ diễn tả tình yêu ấy ra ngoài bằng thái độ nào cho xứng hợp. Đây phải là ưu tư hàng đầu của người Ki-tô hữu khi phải đụng chạm với thực tế cuộc sống.


Có nhiều người tưởng rằng yêu mến Thiên Chúa dễ hơn yêu thương anh em. Bởi vì theo họ, anh em là những con người đầy giới hạn, đầy khuyết điểm, trờ trờ trước mắt, nên dễ làm chúng ta khó chịu. Còn Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành, chẳng có gì là không đáng yêu. Thiên Chúa ở xa nên không đụng chạm, còn anh em ở gần thì đụng chạm hoài. Thiên Chúa dễ để cho mình "hối lộ", cứ dâng lễ, cầu kinh rồi Ngài xí xoá mọi chuyện.


Cũng không phải yêu anh em dễ hơn yêu Chúa, nhưng yêu thương anh em là việc cụ thể nhất mà Thiên Chúa chờ đợi ở nơi chúng ta. Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ lời Ngài. Không yêu thương anh em là không giữ lời Thiên Chúa, tức là không yêu mến Thiên Chúa. Rút cục thì hai điều khó như nhau, vì không thể thiếu một trong hai, không thể tách rời để chỉ giữ một trong hai.


Cái hợp lý theo suy lụân của loài người là : Ngài yêu tôi thì tôi phải yêu Ngài. Nhưng Thiên Chúa đâu cần ai yêu Ngài. Muốn trả ơn Ngài thì tôi phải yêu anh em. Đó là cái hợp lý đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa không đến chinh phục tôi cho Ngài, nhưng chinh phục tôi cho anh em tôi. Ngài yêu thương tôi là để mời tôi nhập vào tình yêu của Ngài : cùng với Ngài yêu anh em mình : "Nếu Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế, thì đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau".


Tóm lại, đừng nhân danh Thiên Chúa để hủy diệt con người, cũng đừng nhân danh con người để hủy diệt Thiên Chúa. Tình yêu đối với Thiên Chúa không tiêu diệt tình yêu đối với con người, nhưng làm cho tình yêu nơi mỗi người phát triển tới mức cao nhất, trọn hảo nhất. Tình yêu ấy được diễn tả trong mỗi thánh lễ khi lãnh nhận Lời Chúa, Mình Thánh Chúa và khi trao ban bình an cho nhau. Xin cho mỗi thánh lễ chúng ta dâng, không kết thúc tại nhà thờ nhưng kéo dài trong cuộc sống. Tình yêu Chúa được nung đốt ở nhà thờ phải được tỏa lan đến từng gia đình, từng cá nhân tin vào Ngài.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

YÊU CHÚA YÊU NGƯỜI
Mc 12, 28b - 34

Trong cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu, đặc biệt ba năm đi rao giảng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu luôn bị những người lãnh đạo tôn giáo lúc đó hạch hỏi có ý để gài bẫy bắt bớ Ngài. Họ đã hỏi Chúa tại sao lại xua đuổi những người buôn bán ở đền thờ Giêrusalem ? Có được nộp thuế cho vua Cêsarê hay không ? Bài Tin Mừng của thánh Marcô 12, 28b - 34 hôm nay cho biết một ông kinh sư Do Thái nào đó đã hỏi Chúa:" Điều răn nào là quan trọng nhất "?.

Sở dĩ ông kinh sư Do Thái tới hỏi Chúa Giêsu câu hỏi xem ra hốc búa và khó nuốt. Bởi vì luật Do Thái gồm có 613 điều, chia ra 248 điều tích cực buộc phải làm, và 365 điều tiêu cực cấm không được làm. Đây là những điều luật mà những vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái, các kinh sư, Pharisiêu bầy đặt ra nhằm chất trên vai gánh nặng cho những người dân, còn chính họ không hề lấy ngón tay lay thử. Tuy nhiên, chính các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái cũng không đồng ý với nhau được điều nào là chính, điều nào là quan trọng nhất. Sách đệ nhị luật chứa đựng phần chính yếu nhất của luật Môsê và bài Tin Mừng hôm nay lại là đoạn quan trọng nhất trong sách đệ nhị luật:" ...Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí, và hết sức lực ngươi "là tột đỉnh của tôn giáo độc thần, là nội dung cốt lõi của Giao ước và một điều nữa của sách Lêvi:" Ngươi phải yêu mến người lân cận như chính mình". Chúa Giêsu khi đưa ra điều thứ hai là yêu người, Ngài kiện toàn luật cũ, Ngài xác định giá trị của giới luật cũ:" Mến Chúa" và gắn chặt giới răn :' Mến Chúa " với giới răn thứ hai là :" Yêu người". Ngài liên kết hai giới răn đến nỗi mến Chúa thì phải yêu người và như thế, yêu người trở thành một bằng chứng, một dấu chỉ, một điều kiện để mến Chúa. Chúa Giêsu xác nhận điều răn quan trọng của đạo công giáo là mến Chúa và yêu người. Đây là hai mặt của tình yêu, đến nỗi bỏ một điều tức là bỏ cả hai vì đã mến Chúa phải yêu thương anh em. Thánh Gioan đã bảo :" Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối"(1 ga 2, 9 ) hoặc "Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô"( Gl 6, 2 ).Nơi khác thánh Phaolô viết:" Vì tất cả lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình"( Gl 5, 14 ). Yêu Chúa sẽ gặp con người và yêu người sẽ gặp Chúa.


Mến Chúa xem ra dễ dàng hơn vì đã theo Chúa, nhận biết Chúa chắc chắn con người dễ mến Chúa hơn. Đây là một điều hết sức tự nhiên và đương nhiên phải như thế vì Chúa ở xa con người nếu con người quan niệm Chúa ở trên cao, ở xa con người. Còn giới luật thứ hai là yêu người nhất là con người cụ thể bằng xương bằng thịt chúng ta vẫn tiếp xúc hàng ngày. Con người cụ thể là con người có những giới hạn và những khiếm khuyết không sao tránh nổi. Yêu người xem ra là một điều luật khó thực hành nhất là những con người cụ thể chúng ta ít có thiện cảm hay họ đang là những chướng ngại cho chúng ta. Yêu người nói cho cùng nhiều khi cũng là thử thách đức tin của chúng ta. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại nâng yêu người lên hàng đầu của đòi hỏi Tin Mừng và gọi yêu người là " điều luật mới" hay " điều luật hoàn hảo". Luật mới vì Chúa mặc cho nó một ý nghĩa thâm sâu đến nỗi không thể tách rời một vế trong hai vế:" yêu người" và " mến Chúa" hoặc ngược lại. Con người tất cả đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Do đó, con người đều có nhân phẩm và cần phải được tôn trọng vì tất cả đều họa lại hình ảnh của Thiên Chúa Giavê. Yêu mến Chúa nghĩa là cũng yêu thương con người vì Thiên Chúa đang sống trong con người. Chính Chúa Giêsu đã tự đồng hoá mình với những người bé nhỏ, người đói, người khát, người bị tù đầy vv...( Mt 25, 31 -46 ). Ai cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng kẻ tù đầy là làm cho chính Chúa. Như vậy, yêu người đòi hỏi chúng ta một thái độ đức tin, nhìn nhận Chúa đang hiện diện nơi tha nhân, nơi những người anh em. Thái độ đức tin vượt lên trên ác cảm, hằn thù, ghen ghét...để dễ thương người đồng loại hơn. Thánh Gioan cũng nối kết rất tuyệt vời :" Ai bảo yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình là kẻ nói láo". Xem ra đó là một tình yêu nhưng hai đối tượng.


Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết yêu mến anh em chúng con và nhận ra Chúa đang hiện diện trong anh em chúng con. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN B
Mc 12, 28b - 34

Đạo là đường. Con đường của tình yêu dẫn con người tới Chúa. Người ta có thể đi trên con đường của đạo nhưng vẫn không gặp được Chúa vì đi đạo, theo đạo là một chuyện mà gặp được Chúa lại là chuyện khác.Chúa vẫn đi bước trước để tới với con người, gặp gỡ, yêu thương con người. Ngài đã tự giới thiệu: "Ta là Đường, là sự Thật và là sự Sống". Theo Chúa có nghĩa là chấp nhận con đường của Ngài mà con đường của Ngài là con đường của đức tin. Tin là nhận Chúa với tất cả con người của Ngài. Chúa Giêsu đã vạch ra một con đường, đã thiết lập một đạo gồm tóm trong hai giới răn, qui lại thành một:" Mến Chúa, Yêu người". Yêu người sẽ gặp Chúa và mến Chúa sẽ gặp người. Đi theo Chúa, liệu con người có chấp nhận giới răn:" Mến Chúa, Yêu người" như là lẽ sống của đời mình hay không ?

Đây là vấn nạn được đặt ra cho mọi người mọi thời, mọi lúc và mọi nơi: Người luật sĩ đồng ý với Chúa là phải mến Chúa và yêu người đồng loại. Tuy nhiên, cái lẩn quẩn, lấn cấn ở đây vẫn "phải hiểu người đồng loại là loại người nào?".Theo hiểu biết của người Do Thái thì người đồng loại có nghĩa là người cùng phe, người ở trong chứ không phải người ở ngoài: người Do Thái là người Do Thái. Người đồng loại là mọi thành phần của dân Chúa, tức là người Do Thái với nhau. Người không phải là Do Thái không được kể là người đồng loại: họ được coi là người ngoại và không bắt buộc phải yêu thương. Còn đối với Chúa Giêsu, Ngài đã có một cái nhìn hoàn toàn mới về người đồng loại: Ngài qui tụ, tìm kiếm, chứ không loại trừ. Đối với Chúa Giêsu tất cả đều là anh em, đều là người đồng loại vì mọi người đều có một Cha chung ở trên trời. Chúa bỏ chín mươi chín con chiên để tìm một con chiên lạc...


Chúa đã đảo ngược quan niệm của người Do Thái về người ở trong và người ở ngoài Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về người Samaria nhân hậu để trả lời cho người luật sĩ đặt câu hỏi với Ngài:" ai là người đồng loại của tôi" quả là một đảo lộn hoàn toàn với cái nhìn của người Do Thái.


Giới luật:"
Mến Chúa, Yêu người" quả thực bao gồm toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu về con đường tình yêu, về đạo Kitô do Ngài thiết lập, do Ngài mạc khải. Đạo của Chúa là đạo tình thương được diễn tả ra bằng chính lời rao giảng, các phép lạ, các việc làm, cuộc sống và cái chết của Ngài trên thập giá: " Khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta ".Chúa đã vén lộ tình thương của Thiên Chúa qua việc sai Con Một của Người nhập thể trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria và làm người để sống với con người, mang lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho con người, làm nền tảng cho lòng mến Chúa và yêu người của những người tin vào Chúa. Với những dụ ngôn Chúa dùng để giáo huấn, dậy dỗ và trình bầy nước trời như dụ ngôn:" người Samaria nhân hậu", " người con hoang đàng" hay" ngày phán xét cuối cùng", Chúa Giêsu muốn trình bầy một giáo lý gồm tóm hai giới răn:" Mến Chúa và Yêu người" thành một giới răn duy nhất. Mến Chúa sẽ gặp người và yêu người nhất định sẽ gặp Chúa. Chúa đồng hóa mình với người nghèo, người đói, người khát, người bị tù tội, người rách rưới. Làm những việc như cho kẻ đói ăn, băng bó vết thương cho kẻ bị thương chính là làm cho Chúa. Yêu thương người đồng loại hay nói cách khác những cử chỉ làm cho những người đồng loại cho dù nhỏ nhặt nhất vẫn có giá trị lớn hơn cả những lễ vật, những nghi lễ vì nơi những kẻ bé mọn Chúa Giêsu được tôn vinh và chính Chúa cũng muốn nâng cao những kẻ bé mọn:" Lạy Cha là Chúa trời đất con xưng tụng Cha vì Cha đã mạc khải nước trời cho những kẻ bé mọn" hay như Đức Trinh Nữ Maria cất cao lời trong kinh ngợi khen Magnificat:" Linh hồn tôi ngợi khen Chúa... Ngài đã nâng cao kẻ bé mọn, khó nghèo". Chúa Giêsu qua cái chết đã minh chứng cho nhân loại rằng tình yêu hy sinh, từ bỏ, xả kỷ đã thắng tất cả và chỉ có tình yêu vô biên, vô giới hạn mới nói lên tất cả lòng mến gói trọn " Mến Chúa và Yêu người" thành một:" Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu"( Ga 15, 13 ). Thánh Gioan cũng đã liên kết chặt chẽ lòng mến Chúa và yêu người:" Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình. Đó là kẻ nói dối".

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết thực thi giới răn: "
Mến Chúa, yêu người" với tất cả đức tin của chúng con.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THƯA THẦY ĐÂU LÀ GIỚI RĂN TRỌNG NHẤT?
Mc 12, 28b - 34

Vào thời Chúa Giêsu, các Luật sĩ Do Thái truyền dạy không phải chỉ giữ 10 giới răn mà là 613 khoản luật. Trong số này có 365 luật truyền, luật tích cực, tương ứng với số ngày trong năm, và 248 luật cấm, luật tiêu cực, tương ứng với con số bộ phận trong cơ thể theo suy luận của người Do Thái. Đối với các luật sĩ thời Chúa Giêsu thì giới răn nào cũng quan trọng, bỏ 1 điều là bỏ cả lề luật.Thế nhưng trong thực tế,chẳng người Do Thái nào có thể giữ được tất cả 614 khoản luật. Vậy, làm sao có thể trở nên trọn lành? Người ta đã phải tìm xem khoản luật nào quan trọng hơn để cố gắng tuân giữ triệt để, còn khoản luật nào kém quan trọng thì giữ được chừng nào hay chừng ấy.

Tin Mừng hôm nay Thánh sử Marcô ghi nhận lại cho chúng ta một sự việc trớ trêu. Một luật sĩ, giới người này thường tự hào về sự hiểu biết về luật, và có quyền giải thích luật lại đi hỏi Chúa Giêsu mà đối với người Do Thái không thuộc nhóm luật sĩ. Vì thế câu hỏi: "thưa thầy đâu là giới răn trọng nhất " của luật sĩ này mang tính tra vấn xem Chúa Giêsu theo phe nhóm nào hơn là tìm kiếm chân lý.Phần Chúa Giêsu, bất chấp ý đồ của người hỏi, Ngài hướng mọi người nghe lời Ngài đến một điểm then chốt của lề luật, là Thánh ý Thiên Chúa:"Mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình" và Chúa Giêsu nhấn mạnh thêm:"không có giới răn nào lớn hơn các giới răn ấy".


Xét một cách tổng quát, câu hỏi của luật sĩ trong Tin Mừng hôm nay cũng là câu hỏi quen thuộc của rất nhiều người vụ hình thức và ưa số lượng.


Đối với những việc phải làm, những điều phải tuân giữ, họ thường xét xem có quan trọng hay không. Nếu không quan trọng thì không làm, không giữ, hay chỉ làm và tuân giữ khi nào thuận tiện. Những công việc mà họ biết là quan trọng, thì họ còn cẩn thận xem xét tuân giữ và làm bao nhiêu là đủ, bỏ qua bao nhiêu lần thì không mắc tội trọng. Cách sống đạo như thế có khác gì luật sĩ và biệt phái thời Chúa Giêsu. Biết bao nhiêu người đi dự lễ Chúa nhật thản nhiên đến nhà thờ sau bài đáp ca hay vội vã ra về khi cộng đoàn còn đang rước lễ vì lý luận rằng: chưa mất một phần quan trọng của Thánh lễ.


Đối với những điều luật cấm cũng vậy. Cố gắng lắm họ mới không phạm đến những điều họ biết là tội trọng. Còn nếu biết là chỉ mắc tội nhẹ thì họ yên trí. Chỉ nguyên đặt vấn đề:" làm việc này, việc kia có tội hay không " đã là một bất xứng đối với một Kitô hữu chân chính rồi.


Thưa anh chị em, Lời Chúa dạy chúng ta sống mến Chúa yêu người và mọi người chúng ta đều thuộc lòng giới răn đó. Nhưng trong chúng ta vẫn có những người sống đạo như biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu. Lý do là vì họ thiếu tình yêu, hay đúng hơn họ chỉ yêu mình chứ không yêu Chúa và yêu thương người khác.


Vì không yêu Chúa nên người ta chỉ thi hành những điều Chúa dạy một cách miễn cưỡng, tắc trách, qua lần chiếu lệ.


Vì không yêu mến Chúa nên người ta không sợ làm phiền lòng Chúa trong những điều ít quan trọng. Có tránh phạm tội trọng chẳng phải là để kính sợ Chúa mà là vì sợ chết sa hoả ngục.


Vì lòng không yêu người cho nên trong cuộc sống không cần tôn trọng quyền lợi, danh dự, phẩm giá của bất cứ ai. Điều ngăn cản để người ta không xúc phạm đến anh em, không sa phạm vào tội ác, cũng chỉ là vì sợ phải sa hoả ngục. Còn nếu không tin có hoả ngục, thì dầu còn tin vào Thiên Chúa, người ta vẫn dám phạm đủ mọi loại tội trái nghịch với đức bác ái và yêu thương.Đó là một hậu qủa của một lòng đạo thiếu trái tim, thiếu tình yêu, không muốn tuân giữ giới răn mến Chúa và yêu người.


Tóm lại: chỉ trong Thiên Chúa, mỗi chúng ta mới có thể yêu thương đến vô cùng. Chỉ trong Thiên Chúa, mỗi chúng ta mới cảm nhận phẩm giá đích thực của một người, dù đó là một thai nhi, một phạm nhân hay một người mất trí. Tình yêu thực sự đối với Thiên Chúa sẽ đưa mỗi chúng ta về với anh em. Tình yêu anh em đòi mỗi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa để múc lấy nơi Ngài sức mạnh hầu tiếp tục yêu tha nhân trong Chúa và yêu Chúa nơi tha nhân.

Lm Việt Toàn

HOÀN HẢO HƠN
Mc 12, 28b - 34

Chúa Giêsu đã từng phán: "Ta đến không phải để phá luật lệ mà để làm trọn". Phụng vụ Lời Chúa hôm nay minh chứng điều đó: "Luật mới hoàn hảo hơn luật cũ."

Phúc Âm, (bài đọc 3) kể lại người luật sĩ kia, có vẻ lúng túng vì luật lệ đạo cũ quá nhiều và phức tạp, đến hỏi Chúa Giêsu rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?" Và Chúa Giêsu, sau khi kê hai giới răn, mến Chúa, yêu người, đã thêm rằng: "Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó." Chúa không đưa ra điều răn nào mới lạ cả. Điều răn thứ nhất rút ra trong sách Đệ nhị luật (bài đọc 1) ông Môisen bảo dân Do Thái: "Hỡi Israel, hãy nghe đây. Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Người hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi..." Điều răn thứ hai rút trong sách Lêvi (19,18): "Ngươi sẽ không báo oán cừu hờn với các dân ngươi, nhưng ngươi sẽ yêu mến đồng loại ngươi như chính mình..." Có điều mới lạ chăng? Là Chúa ráp hai giới răn đó lại làm một: vì quan trọng như nhau và không tách rời nhau. Hễ mến Chúa là phải yêu người. Càng mến Chúa thì càng yêu người. Yêu người, không những bà con bạn hữu mà lại cả kẻ thù nghịch nữa. Chính ông luật sĩ cũng đã tán đồng ý tưởng Chúa: "Đúng lắm! Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình và yêu người như chính mình, thì hơn mọi lễ hy sinh".


Trong thơ gởi tín hữu Do Thái (bài đọc 2), Phaolô cũng minh chứng Giao Ước mới hoàn hảo hơn Giao Ước cũ. Thánh nhân lấy ví dụ người tư tế. Theo Cựu Ước, người tư tế và lễ vật hiến tế khác nhau. Theo Tân Ước, Tư tế và lễ vật cũng là một. Chúa Giêsu vừa là Thầy Tư tế vừa là Lễ vật. Chúa tự dâng mình làm lễ tế thượng tiến Chúa Cha. Xưa phải có nhiều tư tế: vì các tư tế hay chết, nên phải có nhiều để tuần tự nối tiếp nhau mà tế lễ. Nay một mình Chúa Giêsu, vì Người không chết nữa, là thượng tế đời đời. Lễ Misa hằng ngày cũng là lễ tế xưa Chúa truyền lại để nhắc đến Người: "Các con hãy làm việc này để nhớ đến Ta". Vậy Phaolô quả quyết rằng: "Người làm việc ấy chỉ có một lần, khi hiến dâng chính mình. Vì lề luật thì đặt nhiều người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng Tế đến muôn đời". Cho nên Lễ tế mới hoàn hảo hơn Lễ tế cũ.


Có xưa mới có nay, có cũ mới có mới, luật cũ, luật mới cũng đều do Chúa ban ra cả. Chúa dùng Môisen truyền rao luật cũ, Chúa sai Con Một mình là Đức Kitô rao truyền luật mới. Chúa dùng vật chất cụ thể đưa lần người ta đến trừu tượng thiêng liêng. Tân Ước chính là viên mãn Cựu Ước mà Chúa là tác giả chính: Vì chỉ có mình Chúa mới có quyền ra lề luật cho nhân loại.


Tân Ước hay Cựu Ước đều là Lời Chúa hay ban sự sống. Chúng ta có bổn phận phải lĩnh hội để được sống. Như Chúa Giêsu đã phán: "Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra". Ý thức như thế, âu là được Chúa cũng sẽ bảo như đã bảo ông luật sĩ: "Ông không xa nước Thiên Chúa bao nhiêu".

Lm. P. Huỳnh Ngọc Tiên

Nguồn vietcatholic.org

3935    03-11-2012 08:11:23