Sidebar

Thứ Năm
16.01.2025

Chúa Nhật XXXII TN A_3

HÃY SẴN SÀNG ĐỂ ĐÓN CHÚA
Mt.25,1-13

"Tỉnh thức" là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ba bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay. Có tỉnh thức mới gặp được sự khôn ngoan (Kn.6,13-17). Mà khôn ngoan là điều cần thiết để có thể đối phó với mọi nghịch cảnh (Mt.25,1-13). Tuy nhiên, đừng nản lòng trong việc tỉnh thức chờ đón sự khôn ngoan để rồi sao lãng ngày Chúa Quang Lâm (1Tx.4,12-17). Tỉnh thức là trạng thái tâm hồn luôn luôn mở ra để sẵn sàng tiếp nhận những biến cố xẩy tới, là ý thức những nguy cơ tiềm ẩn, hay nói đúng hơn : Tỉnh thức là sự khôn ngoan.

Trong dụ ngôn mười cô trinh nữ, năm cô khôn ngoan là những cô biết sẵn sàng trong bất cứ tình huống nào. Như vậy khôn ngoan lại có nghĩa là thi hành ý Thiên Chúa, đó là thứ khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã ví như người khôn xây nhà trên đá, chính là nghe Lời Chúa mà thi hành và Chúa Giêsu đã từng dặn dò các môn đệ " Hãy khôn ngoan như con rắn và chân thật như chim câu"(Mt. 10,16). Ngài cũng khen ngợi ngừơi đầy tớ tín trung và khôn ngoan mà ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân mình để đúng giời phân phát lúa thóc cho họ (x.Mt.24,45). Thành ra vấn đề không ở chỗ biết khéo xoay sở hay biết chớp đúng thời cơ, mà là sự khôn ngoan thực sự trong lối sống, một sự nhận xét đúng về thực tế mình gặp và kèm theo ý chí cương quyết để linh động sau đó.


Trong khi đó năm cô khờ, họ bối rối vì đèn họ tắt, họ phải trả giá đắt cho thói cẩu thả của họ và vì quá cấp bách họ tìm cách nhờ vả " xin cho chúng em chút dầu của các chị...". Đến lúc cấp bách không ai có dư để có thể giúp người khác, vì mọi người đã đến đích không thể lấy của người này bù cho người kia được, năm cô khờ không tin tưởng và không chờ đợi nhiệt tình nên mới không chuẩn bị. Sự chuẩn bị hay tỉnh thức ở đây không có ý nói tới thể xác. Vì năm cô khôn cũng thiếp đi và họ có thể yên tâm mà ngủ, bởi họ đã cẩn thận chuẩn bị chu đáo, là lo sẵn dầu đèn để đốt. Ngược lại các cô dại dù có tỉnh thức thì chàng rể đến họ vẫn ở tình trạng không tỉnh thức, vì họ không sẵn sàng, không đủ điều kiện.


Năm cô khờ và năm cô khôn đều nằm trong thành phần đám rước, đi đón chàng rể, và là biểu tượng cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu. Như thế vào Nước Thiên Chúa không chỉ gia nhập Hội Thánh là đủ mà phải có Đức Ai là dầu đèn và sự sẵn sàng. Ngày phán xét Thiên Chúa chỉ xét đến Đức Ai và thái độ chuẩn bị. Phải biết chuẩn bị cho những cái không ngờ đến để mà đối phó kịp thời, phải liệu lấy cho mình vì không ai có thể làm thế cho ta hay cho ta vay mượn được, không sẵn sàng cửa đóng lại là vậy.


Sẵn sàng là thái độ khôn ngoan, mà khôn ngoan là sống theo ý Chúa, là thi hành điều Chúa Giêsu dạy trong Hiến Chương Nước Trời, luôn luôn sống theo điều Chúa Giêsu dạy đó chính là sẵn sàng và đó là tỉnh thức.


Lạy Chúa, chúng con là những người đang chờ đợi Chúa đến, xin cho chúng con biết kiên trì trong tin yêu, dù có phải gặp thử thách vẫn luôn khôn ngoan dự phòng đèn Đức Tin và dầu Đức Ai để được cùng hôn phu Kitô vào tiệc cưới đời đời.

Sr Mai An Linh, OP

KHÔN NGOAN
Mt 25, 1-13

Khi đọc đoạn Tin mừng hôm nay đến chỗ 5 cô trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể trong đêm mà không đem dầu theo, tôi lại nhớ đến vụ cháy lớn xảy ra cách đây 3 năm, vào ngày 29/10/2002, tại khu Trung Tâm Thương mại quốc tế thuộc thành phố Sàigòn. Vụ cháy này đã làm chết 61 người, cùng với hàng trăm người bị thương khá nặng, khả năng hồi phục rất khó khăn, kèm với thiệt hại về vật chất lên đến khoảng chừng 100 tỷ đồng. Khi vụ cháy xảy ra lực lượng chữa cháy của Thành phố Sàigòn đã nhanh chóng tới để cố gắng dập tắt ngọn lửa, và nhiều người đã không quản ngại hy sinh để giúp những người bị nạn.

Thế nhưng, có một vài điều làm tôi suy nghĩ: đó là có một chiếc xe mang biển số 0038 trong đoàn xe chữa lửa hôm ấy không thể tới nơi được để làm nhiệm vụ, chỉ vì một lý do rất đơn giản: xe đang chạy giữa đường thì hết nhiên liệu (Báo Tiền Phong tuần 28/10-3/11/2002; Tam hà 5/11/2002). Còn bồn nước dự phòng ở toà nhà này chỉ có 10 m3 nước, số nước mà trên lý thuyết chỉ có thể dùng để chữa cháy cho một diện tích 5000 m2 trong vòng ... 10". Vậy là lực lượng cứu hoả phải chạy ra sông Saigon cách đó 5 km để lấy nước.


Xe cứu hoả thì hết nhiên liệu, bồn nước chữa lửa thì hết nước. Tôi thiết nghĩ, nếu chiếc xe cứu hoả ấy tới kịp lúc và lượng nước tại chổ có nhiều hơn có lẽ thiệt hại về người và của có thể đã được giảm bớt. Nhưng, dù nói gì đi nữa, đây cũng là lỗi của những người có trách nhiệm trực tiếp. Họ chỉ nhìn thấy xe mà không biết trong xe có còn nhiên liệu hay không, thấy bồn nước, nhưng không đánh giá được rằng: lượng nước đó chẳng là gì đối với công việc chữa cháy. Họ chỉ thấy bên ngoài, mà không đánh giá đủ thực chất ở bên trong. Họ cũng giống như 5 cô trinh nữ trong bài Tin mừng, những người mà Tin mừng gọi là "khờ dại", cầm đèn mà không mang dầu theo. Họ thiếu sự khôn ngoan cần thiết. Nhờ khôn ngoan, chúng ta lượng định được đâu là điều chính, đâu là điều phụ; điều gì là phải làm, điều gì không nên làm để đạt được hạnh phúc thật. Do đó, dựa vào lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về đức tính này.


1. Dại và khôn theo Thánh kinh:


Theo Thánh kinh, trước hết, người khôn là người không chỉ nghe mà còn sống lời Chúa, còn người dại là người chỉ nghe mà không đem ra thực hành như lời của Đức Giêsu: "
Vậy phàm ai nghe các lời này của Ta và thi hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá... và phàm ai nghe các lời này của Ta mà không thi hành, thì ví được như người dại xây nhà trên cát." (Mt 7, 24. 26). Mạnh mẽ hơn, Đức Giêsu còn khẳng định: "Không phải mọi kẻ nói với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa" là sẽ vào được Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Đấng ngự trên trời." (Mt 7, 21)

Tuy nhiên, để thực sự có được sự khôn ngoan này, mỗi người chúng ta cần một có một sự cố gắng liên lỷ, một nỗ lực đi ngược lại với những suy nghĩ theo sự khôn ngoan tự nhiên của con người. Tác giả sách Khôn ngoan tuyên bố: "
Những ai yêu mến sự khôn ngoan, sẽ xem nó dễ dàng, và những ai tìm kiếm nó, sẽ gặp được nó. Nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó, để tỏ mình ra cho họ trước... Vì nó chu du tìm kiếm những kẻ xứng đáng với mình". Vâng, sự khôn ngoan chỉ đón tiếp những ai khao khát nó và nó chỉ tỏ mình ra cho những ai xứng đáng với nó. Tới đây, nhìn lại bản thân mình, tôi và quý ông bà anh chị em đã có một lần nào nỗ lực để đạt được sự khôn ngoan này chưa? Nghĩa là chúng ta đã có một lần nào cố gắng để sống đúng với lời Chúa dạy hay chưa? Hay là chúng ta cũng giống như 5 cô cầm đèn mà không có dầu, giống như anh tài xế kia lái xe mà xe không có nhiên liệu? Chúng ta chỉ có cái đèn, nghĩa là có tên gọi kitô hữu, nhưng thực tế trong cuộc sống, chúng ta chưa một lần cố gắng sống đúng với tên gọi kitô hữu. Chúng ta chưa một lần, cố gắng lắng nghe và sống đúng với lời Chúa dạy. Chúng ta dùng đủ mọi lý do để biện minh cho mình: Nào là cuộc sống của tôi còn quá khó khăn, nào là hoàn cảnh không cho phép, thậm chí có những người còn tuyên bố: "Tôi chưa có ý định nên thánh. Cuộc sống còn dài. Vội gì mà phải lo đến việc linh hồn". Chúng ta nêu ra thật nhiều lý do, nhưng sâu xa nhất, có lẽ chỉ vì chúng ta lười biếng, chúng ta ngại cố gắng, chúng ta chưa ý thức đủ tầm quan trọng của việc nghe và sống lời Chúa. Chúng ta cần nhớ rằng: Mọi sự trì hoãn đều có thể đưa tới sự lỡ làng. Sự lỡ làng trong công ăn việc làm chúng ta còn có thể bắt đầu lại, còn có thể sửa chữa được. Nhưng sự lỡ làng trong chuyến xe cuối cùng của cuộc đời sẽ không còn cơ hội để làm lại nữa, và khi ấy hậu quả thật là bi thảm. Vì nếu chỉ có một tên gọi kitô hữu, nghĩa là một cái đèn không dầu, một cái xe không có nhiên liệu, chúng ta có thể nghe lời Chúa nói: "Ta bảo thật các ngươi, Ta không biết các ngươi".

Mặt khác, chính nhờ sự khôn ngoan luôn lắng nghe lời Chúa, chúng ta sẽ luôn ý thức rằng: không ai sống mãi, nhưng sẽ có ngày phải chết và ra trình diện với Thiên Chúa. Chúng ta thường cố quên đi chân lý này, không muốn đối diện với nó. Nhưng cho dù chúng ta có chạy trốn và không muốn nói đến nó, thì nó vẫn là sự thật.


2. Chàng rể đến muộn:


Tin mừng ghi lại mãi cho đến nửa đêm, đang khi các cô đi đón chàng rể thiếp ngủ vì mệt mỏi chờ đợi, mới có tiếng hô to: "
Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người". Như thế, dù muộn, chàng rể vẫn đến và những ai khôn ngoan, sẵn sàng sẽ được vào dự tiệc cưới với Ngài. Chính vì Chúa đến muộn và không biết vào lúc nào, nên các tín hữu thời sơ khai đã rơi vào tình trạng "thức lâu, chầu mỏi". Họ thắc mắc không biết liệu Chúa có tái lâm thật không? Các tín hữu đã chết có được gặp Chúa không? Đứng trước những băn khoăn đó, thánh Phaolô khẳng định: "Chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng". Vâng, là kitô hữu, chúng ta không có quyền sống như những kẻ không có niềm tin. Cuộc sống của chúng ta phải là một minh chứng cho niềm hy vọng sống lại. Cách sống của chúng ta phải nói lên cho mọi người biết rằng "quê hương chúng ta là ở trên trời" (Pl 3, 20). Và thánh Phaolô còn khẳng định với chúng ta: "những người đã chết nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người". "Đã chết nhờ Đức Giêsu", nghĩa là chúng ta không còn sống cho chính mình, nhưng là sống theo lời của Đức Giêsu (x. Gl 2, 20).

Giờ đây, để được vào dự tiệc cưới của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta hãy bắt chước 5 cô trinh nữ khôn ngoan, không chỉ cầm đèn mà còn mang theo bình dầu. Nghĩa là luôn lắng nghe và nhất là sống những điều Chúa dạy ngay trong cuộc sống đời thường, trong những việc bình thường nhất. Đối với Chúa, ít ra chúng ta hãy trả lại cho Thiên Chúa thời gian thuộc về Thiên Chúa. Mỗi tuần một Thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta hãy tham dự một cách đầy đủ, sốt sắng, đừng cắt đầu bớt đuôi, đừng so đo, tính toán với Chúa, vì biết đâu đây chẳng là Thánh lễ cuối cùng của cuộc đời chúng ta? Đối với bản thân, với những người trong gia đình và tha nhân: Chúng ta hãy sống bác ái, tha thứ, thông cảm, khiêm tốn, hãy vượt thắng những đam mê, ích kỷ, những ù lì trong đời sống thiêng liêng. Nhờ đó, khi nghe tiếng loa của Thiên Chúa, từng người sẽ được đi đón Đức Kitô và được ở với Người luôn mãi. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn


SẴN SÀNG

Mt 25,1-13

Bài Tin Mừng là một dụ ngôn của Chúa Giêsu. Chúa đã dùng một hình ảnh quen thuộc về cưới xin của quê hương Ngài để dạy chúng ta một bài học, là phải luôn sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến. Trong một đám cưới, nhân vật chính là cô dâu và chú rể. Nhưng trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại đặt trọng tâm về phía các cô phù dâu, bởi vì chàng rể ở đây là Chúa Giêsu, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại.

Dụ ngôn này trước hết nói đến tất cả mọi người phải sẵn sàng chờ đợi ngày tận thế, ngày Chúa tái giáng để phán xét toàn thể nhân loại, ngày nào Chúa trở lại thì không ai biết được, chỉ cần nhớ rằng ngày đó rất bất ngờ. Đàng khác, dụ ngôn này cũng muốn nhắc tới ngày chết của mỗi người, ngày ấy cũng rất bất ngờ, không ai biết trước được. Đời con người đã ngắn ngủi, lại có thể chết bất cứ lúc nào, cho nên đòi hỏi mỗi người phải cẩn thận và sẵn sàng.


Việc chờ đợi sẵn sàng có tính cách bản thân cá nhân mỗi người, không ai làm thay ai được. Sự sẵn sàng này phải có luôn, kéo dài mãi chứ không phải chỉ trong một thời gian nào thôi, vì Chúa đến bất ưng, Chúa có thể gọi chúng ta ra khỏi đời này bất cứ lúc nào. Cho nên, như 10 trinh nữ, sửa soạn có đèn mà thôi, đèn cháy mà thôi cũng chưa đủ, còn phải dự trữ dầu. Cũng vậy, có đạo, có đức tin mà thôi chưa đủ mà còn phải có sự nghiệp đức tin và công phúc nữa.


Dụ ngôn cho chúng ta thấy, trong mười cô phù dâu, có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Đó là hình ảnh tượng trưng cho hai nhóm tín hữu khác nhau : một nhóm những người khôn ngoan và một nhóm những người khờ dại. Khôn ngoan hay khờ dại là căn cứ vào cách sống của họ có biết sẵn sàng hay không ? Có sự nghiệp đức tin và công phúc hay không ? Năm cô phù dâu khờ dại không chuẩn bị đủ dầu, đến giờ chót đi vay mượn và bị từ chối, có nghĩa là ơn cứu rỗi của mỗi người là tự mình sắm sửa lấy cho mình. Mỗi người phải có sự nghiệp đức tin riêng. Sự cứu rỗi là của riêng mỗi người, không vay mượn được. Chúng ta không thể nhường lại cho ai khác và cũng không ai có thể nhường lại cho chúng ta được. Đàng khác, chúng ta cũng đừng cho rằng : chỉ cần sắm sửa một ít dầu vào phút chót là được. Trái lại, phải sắm sửa cả đời và suốt đời. Sự nghiệp đức tin phải sắm sửa hằng ngày cho đến chết, vì không ai biết mình chết khi nào, đừng bao giờ nghĩ rằng mình còn lâu mới chết, vì sự chết không kiêng nể ai và cũng chẳng báo trước cho ai cả.


Vì thế, bổn phận của chúng ta là phải luôn sẵn sàng, lúc nào cũng chuẩn bị trước cho mình một sự nghiệp nước trời theo gương nhân vật trong câu chuyện sau : Bá tước Hen-ri-đơ Ba-vi-e, người sau này trở thành hoàng đế nước Đức, và Giáo Hội đã phong thánh cho ngài. Ngài thường cầu nguyện bên mộ thánh Uôn-gang. Một hôm thánh Uôn-gang hiện ra với ngài và chỉ cho ngài một dòng chữ viết trên mộ : "Sau sáu..." chỉ có hai chữ đó thôi, rồi thánh nhân biến đi. Hen-ri suy nghĩ mãi, không hiểu "Sau sáu..."nghĩa là gì ? Ngài nghĩ rằng có lẽ Chúa muốn cho ngài biết sau sáu ngày nữa mình sẽ chết chăng ? Ngài liền dọn mình chết cách nghiêm túc. Nhưng sau sáu ngày vẫn không có sự gì xảy ra. Ngài cho rằng : sau sáu tuần chăng ? Ngài lại dọn mình chết trong sáu tuần. Sáu tuần lại qua đi vô sự. Ngài lại nghĩ sau sáu tháng chăng ? Sáu tháng lại qua đi. Ngài lại nghĩ sau sáu năm chăng ? Ngài kiên trì sống tốt lành, làm thật nhiều việc đạo đức. Sáu sáu năm ngài được chọn làm hoàng đế. Dầu vậy ngài vẫn không thay đổi cách sống, luôn chuẩn bị sẵn sàng chết. Vì thế, ngài đã trở thành một hoàng đế gương mẫu và hơn nữa là một vị thánh.


Chúa Giêsu ân cần nhắn nhủ chúng ta : hãy khôn ngoan như năm cô trinh nữ đem đèn và trữ cả dầu. Chúng ta phải có đèn, đèn muốn hữu dụng phải có dầu, dầu đốt mãi cũng phải hết, do đó, chúng ta phải trữ dầu, trữ càng nhiều càng tốt. Dầu đây là đời sống thiện hảo của mình, loại dầu này nếu có trữ lượng phong phú, việc phòng ngừa và cẩn thận của chúng ta mới thành hiện thực. Dụ ngôn 10 cô trinh nữ, chúng ta thấy cả khôn cả dại đều ngủ, đâu phải chỉ có những cô dại mới ngủ, nhưng cái làm cho 10 cô trở thành khôn dại khác nhau ở chỗ biết chuẩn bị sẵn sàng. Năm cô khôn đã ngủ nhưng ngủ trong sự sẵn sàng, còn năm cô dại đã ngủ trong một thái độ chểnh mảng, việc đâu hay đó, nhưng đến khi "hay" được thì đã quá muộn.


Chúng ta hãy nhớ : một ngày nào đó cuộc đời chúng ta sẽ chấm dứt, chúng ta không biết ngày đó là ngày nào, nên chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, chúng ta phải lo tính cho linh hồn mình, phải luôn sẵn sàng tối đa bằng cách luôn sống tốt lành. Bởi vì chỉ có những ai biết sống như thế mới bảo đảm được hạnh phúc đời đời.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

10 CÔ TRINH NỮ ĐƯỢC MỜI DỰ TIỆC CƯỚI
Mt 25, 1-13

Chúa Giêsu thường kể chuyện những bữa tiệc, những đám cưới, những bữa ăn thanh đạm, mà đám nào cũng có những sự cố không vui. Một hôm trong một bữa tiệc cưới khách mời lại không tới, nên chủ tiệc sai các đầy tớ ra đường mời bất cứ người nào gặp thấy vào ngồi dự tiệc cưới. Một hôm khác, Chúa Giêsu đem ra ví dụ trong một bữa tiệc một người ham ngồi ghế nhất bị chủ kéo xuống bàn chót. Lần khác, Chúa kể chuyện một người đi ăn tiệc, không ăn mặc đúng kiểu, đúng mốt, nên bị đầy vào chỗ tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Thật là những bữa tiệc, những đám cưới thật kỳ khôi, bao giờ cũng có sự cố.

Bài Tin mừng hôm nay của Đức Giêsu nói đến bữa tiệc cánh chung, ngày cùng tận, ngày tận thế. Chúa Giêsu đã tránh không trả lời trực tiếp câu hỏi của các môn đệ:"
khi nào những sự việc ấy sẽ xẩy ra ? ". Chúa Giêsu đã kể ra những dấu hiệu báo trước biến cố, Người ân cần giải thích cho các môn đệ phải chuẩn bị, phải tỉnh thức, phải cầu nguyện như thế nào. Các dụ ngôn về sự tỉnh thức mà các chủ nhật trước trình bầy cho chúng ta là những minh họa về việc đó. Chúa dùng câu chuyện lụt đại hồng thủy và ông Noe để so sánh( Mt 24, 37-42 ). Qua câu chuyện này chỉ mình ông Noe biết trước đại hồng thủy để chuẩn bị. Chúa dùng dụ ngôn về kẻ trộm đêm, Người quả quyết:" nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu".Và kết luận:" cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến". Chúa liên kết dụ ngôn này với dụ ngôn người đầy tớ trung tín:" Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy". Chúa Giêsu tiếp tục kể câu chuyện về mười cô trinh nữ đi dự tiệc cưới. Đây là câu chuyện rất bình thường ở Palestine thời đó: cô dâu phải ở nhà cha mẹ, chờ chú rể cùng với bạn bè tới rước. Chú rể đến cách long trọng để đón cô dâu về nhà mình để tổ chức đám cưới cùng với đám rước linh đình, đưa cô dâu tiến vào tận phòng cưới. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy có nhiều chi tiết thật kỳ quặc. Mười cô trinh nữ đợi chàng rể đến mòn mỏi, đến nỗi các cô đều thiếp ngủ cả.Đèn thì cái có dầu, cái không. Có cô dự trữ dầu, có cô không dự phòng dầu. Tất cả chi tiết đều hết sức kỳ cục, nhưng cái kỳ quặc lớn nhất vẫn là không thấy bóng cô dâu đâu cả. Tuy nhiên đây lại là chi tiết quan trọng nhất. Cô dâu ở đâu ? Tại sao cô dâu lại vắng mặt trong tiệc cưới ? Các thính giả và độc giả nghe Chúa Giêsu kể chuyện, hẳn là những người rành Kinh Thánh: dụ ngôn với bối cảnh một bữa tiệc cưới này gợi nhớ đến giao ước của Thiên Chúa với Dân Người. Cô dâu vắng mặt ấy chính là dân tộc Israen, mà các ngôn sứ hay đem so sánh với một nàng dâu. Còn tiệc cưới ám chỉ Vương quốc của Thiên Chúa. Việc vào Vương quốc mở rộng cho mọi dân, mọi nước, cuối cùng sẽ là bữa tiệc cưới tình nghĩa giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đây là một ngày vui cho toàn thể nhân loại.

Dụ ngôn mười cô trinh nữ được Chúa gửi tới các thính giả Do Thái vẫn có giá trị đối với mọi người muôn thời. Chúa thôi thúc con người phải tỉnh thức, vì nhân loại không thể biết giờ chú rể đến, ngày Chúa trở lại. Cũng như mười cô phù dâu ở đây, các cô được mời, không có nghĩa là được dự tiệc cưới. Là Kitô hữu không chưa đủ mà còn phải biết nghe và thực thi lời Chúa. Mang danh có đạo không vẫn chưa đủ, nhưng người Kitô hữu phải biết giữ và sống đạo với tất cả lòng tin của mình. Cl. Tassin viết một câu rất chí lý:"
Để được dự vào bữa tiệc có một không hai này, được mời mà thôi không đủ, còn phải chuẩn bị sẵn sàng nữa ". Chuẩn bị sẵn sàng là đức tính khôn ngoan của Kinh Thánh.

Xin Chúa ban cho chúng ta biết tỉnh thức và khôn ngoan như năm cô trinh nữ khôn ngoan để đón chờ chàng rể đến.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT


CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN A

Mt 25,1-13

1. Mô tả lại dụ ngôn

Theo phong tục của các dân tộc, khi cô dâu về nhà chồng, cô thường kêu thêm những cô gái đồng trang lứa làm phù dâu, để cùng tiễn đưa cô về nhà chồng cho có bạn. Theo phong tục Do Thái, những cô phù dâu này ngoài việc trang điểm và mặc quần áo đẹp còn phải mang theo đèn, vì chàng rể thường đến đón dâu vào buổi tối, là đầu ngày (ngày của Do Thái bắt đầu từ 6 giờ tối). Các cô phù dâu sẽ cùng cô dâu đi về nhà chồng để dự tiệc cưới. Khi chàng rể đến, các cô sẽ cầm đèn thắp sáng trong suốt hành trình đi đến chỗ dự tiệc. Vì thế, đúng ra các cô hễ đã mang đèn thì phải lo liệu mang dầu đi. Khi nghe báo tin chàng rể đến, mấy cô không đem theo dầu mới khám phá ra đèn mình không có dầu, và phải ra tiệm mua dầu. Trong khi các cô ra đi thì chàng rể đến, năm cô đã sẵn sàng theo chú rể đi dự tiệc cưới. Khi các cô kia mua dầu về thì đã quá trễ. Các cô tới chỗ dự tiệc thì cửa đã đóng, không vào được nữa. Sự thường mà nói, mấy cô này quả thật là khờ dại: chỉ vì không biết lo liệu mà lỡ chuyện của mình. Công trang điểm, mặc quần áo đẹp, chờ đợi... trở thành «
công cốc»!

2. Ý nghĩa dụ ngôn


Dụ ngôn trên là một minh họa nói về những người đang thực hiện một mục đích nào đó, nhưng không hề ý thức về những gì mà mục đích ấy đòi hỏi, nên cuối cùng trở thành «
sôi hỏng bỏng không», «nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì». Dụ ngôn trên có khác gì chuyện một học sinh chuẩn bị đi thi mà không hề nghĩ tới chuyện phải chăm lo học hành, nên khi vào phòng thi chẳng có một kiến thức nào trong bụng. Hay như một người chuẩn bị nấu cơm mà không hề nghĩ đến chuyện phải có gạo mới nấu được, chỉ biết lo tìm củi lửa, nồi nấu... để rồi tới lúc phải nấu thì chẳng có gạo để nấu. Hay như người sắp lên máy bay để đi du hành mới khám phá ra mình quên mua vé. Dụ ngôn hay các minh họa trên có thể áp dụng cho việc nên thánh hay cho cuộc lữ hành về Nước Trời của chúng ta.

Rất nhiều Ki-tô hữu lúc nào cũng ngưỡng vọng về hạnh phúc đời sau, và thường cầu xin cho mình được «
ái mộ những sự trên trời» (Kinh Môi Khôi). Họ khá ý thức rằng mình đang trên đường lữ hành về Quê Trời. Nhưng trong số những Ki-tô hữu ấy có được bao nhiêu người tự hỏi xem những điều kiện cốt yếu nhất để vào Nước Trời là gì, để rồi thực hiện cho bằng được những điều kiện ấy, hầu chắc chắn đạt được mục đích mình nhắm tới? Vì quả thật, có biết bao Ki-tô hữu đang cố gắng thực hiện đủ mọi thứ chuyện chẳng đâu vào đâu hầu vào được Nước Trời, mà chuyện cốt yếu nhất để có thể vào đấy thì lại chẳng làm! Họ có thể là những Ki-tô hữu được tiếng là đạo đức, vì họ ngày nào cũng đi dự thánh lễ, sáng tối nào cũng đọc kinh cầu nguyện, hội đoàn nào cũng tham gia, thậm chí họ bỏ cả bổn phận chính yếu nhất của mình để thực hiện những điều ấy! Vì thế, rất có thể vào ngày phán xét họ sẽ bật ngửa vì ngạc nhiên khi nghe Chúa phán: «Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7, 23). Để tránh tình trạng đáng tiếc này xảy ra cho mình, chúng ta cần phải nắm thật vững những điều kiện cốt yếu không thể thiếu để vào Nước Trời là gì.

2. Nước Trời là một nơi hoàn toàn hạnh phúc chỉ dành cho những người biết yêu thương, sống vị tha


Nước Trời hay Thiên Đàng được định nghĩa là một tình trạng vĩnh cửu, hoàn toàn hạnh phúc, một nơi không còn đau khổ, được dành cho những người biết thật sự yêu thương: yêu Chúa thương người. Định nghĩa ấy rất hợp lý. Để hiểu sâu xa điều ấy, ta thử đặt vấn đề: khi về nơi lý tưởng ấy, liệu người ta có thể hoàn toàn hạnh phúc khi phải sống chung với những người ích kỷ, không biết yêu thương không? Nếu những người trên thiên đàng vẫn còn ích kỷ, còn ác ý, còn lãnh đạm, còn hẹp hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù chỉ một chút xíu, thì họ có thể hoàn toàn hạnh phúc và làm cho những người chung quanh họ cũng hoàn toàn hạnh phúc cho đến đời đời, không hề gây ra một chút đau khổ nào không? Chưa hoàn hảo, chưa đủ khả năng yêu thương mà đã vào Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền - không vương chút đau khổ - của Thiên Đàng rồi, và biến Thiên Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng nữa. Do đó, Thiên Đàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn vị tha, tràn đầy tình thương, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân. Nếu còn chút gì là ích kỷ, ghen ghét, hận thù. .. thì chưa thể vào được, và cần phải được thanh luyện ở luyện ngục cho đến khi nào trở nên hoàn toàn vị tha, tràn đầy tình yêu thương với mọi người mới vào được Nước Trời.


3. «Đức tin đắt giá» và «đức tin rẻ tiền»


Theo Kinh Thánh, để vào được Nước Trời thì phải là người công chính. Mà người công chính là người có đức tin, vì «
người ta được trở nên công chính nhờ đức tin» (Rm 3, 22); «Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính» (4, 3). Chúng ta, những Ki-tô hữu, đều được coi là đã tin vào Thiên Chúa, vậy có phải chúng ta đều là những người công chính không? Thưa không chắc, vì có hai loại đức tin. Theo thánh Gia-cô-bê thì đó là «đức tin có việc làm» và «đức tin không việc làm». Còn theo nhà thần học D. Bonhoeffer, thì đó là «đức tin đắt giá» và «đức tin rẻ tiền».

«
Đức tin đắt giá» là đức tin được chứng tỏ bằng hành động, là đức tin có việc làm. Đây mới chính là đức tin đích thực, mới làm cho người ta nên công chính. Gọi là «đắt giá» là vì để có được đức tin ấy, người ta phải trả một giá rất đắt là sự hy sinh bản thân, chấp nhận mất mát, không chỉ thời giờ, của cải hay những thứ ngoài mình, mà thậm chí cả mạng sống, hay bản thân mình nữa. Còn «đức tin rẻ tiền» là đức tin không phải trả giá bằng hành động, bằng việc làm, bằng sự hy sinh. Đó là thứ đức tin chỉ được tuyên xưng ngoài miệng, có thể được tuyên xưng hết sức mạnh mẽ, có vẻ như đầy xác tín, nhưng lại không được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể. Thánh Gia-cô-bê nói về hai loại đức tin này như sau: «Có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Đức tin không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,14.17). «Đức tin không có hành động là đức tin vô dụng» (2,20).

Đức tin đích thực phải được thể hiện thành tình yêu, thành những hành động yêu thương. Ngay cả tình yêu cũng có hai loại: «
tình yêu đắt giá» và «tình yêu rẻ tiền», nói cách khác: tình yêu có việc làm và tình yêu ngoài môi miệng. Thánh Gia-cô-bê cũng nói về thứ tình yêu đãi bôi: «Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?» (Gc 2,15-16).

Tóm lại, để vào được Nước Trời, chúng ta cần tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giê-su Ki-tô, nhưng phải tin bằng thứ đức tin đích thực, được chứng tỏ bằng việc làm, tức thứ «
đức tin đắt giá». Mà hễ đã là đức tin đích thực, tất nhiên nó sẽ phải được thể hiện thành tình yêu thương thật sự, bằng những hành động yêu thương cụ thể. Chính vì thế, tới ngày phán xét cuối cùng, Thiên Chúa chỉ phán xét về tình yêu đích thực của ta đối với tha nhân mà thôi (x. Mt 25,31-46). Vì tình yêu đích thực hay tình yêu được trả giá đắt đó chứng tỏ một đức tin đích thực. Không ai có thể thật sự tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giê-su mà lại sống không có tình thương. Tại sao? vì kẻ tin Ngài thì ắt phải giống như Ngài, mà Ngài, tự bản chất, chính là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16a).

Vậy cái «
» cần thiết đến mức không có không được để vào Nước Trời chính là tình yêu đích thực. Không có tình yêu đích thực, chúng ta đừng mong vào được Nước Trời. Đó chính là «đèn có dầu» để chúng ta - những «cô phù dâu» - thắp sáng lên khi đón «chàng rể» - là Đức Ki-tô - vào «tiệc cưới Nước Trời».

Cầu nguyện


Lạy Cha, Cha chính là Tình Yêu. Vì thế, để kết hiệp với Cha, con cũng phải là tình yêu, là hiện thân của tình yêu, đặc biệt giữa những người sống chung quanh con. Nếu con không thể hiệp nhất với họ bằng tình yêu, làm sao con có thể hiệp nhất với Cha được? Nếu những người cùng bản chất với con mà con không hiệp nhất với họ được, làm sao con có thể hiệp nhất với Cha được? Xin Cha hãy tăng cường tình yêu nơi con, để con hiệp nhất được với mọi người
. Amen.

JKN (Nguồn vietcatholic.org)

5588    04-11-2011 06:12:21