Sidebar

Thứ Tư
04.12.2024

Chúa Nhật XXXII Thường Niên B

  1. Sống Quảng Đại
  2. Về Ba Cách Cho 
  3. Tấm Lòng Quảng Đại 
  4. Chân Thành Giữ Đạo 
  5. Chúa Nhật XXXII Thường Niên. 
  6. Cho Con Tim 
  7. Can Đảm Cho Đi
  8. Dám Cho Ði Tất Cả 
  9. Hôn Nhân Trên Thiên Đàng
  10. Tinh Thần Người Đàn Bà Góa Nghèo
  11. Bố Thí
  12. Một Tấm Lòng Thành Dâng Chúa
  13. Đồng Tiền Quý Giá
  14. Tấm Lòng Quảng Đại
  15. Chúa Nhật 32 Thường Niên B
  16. Phẩm Giá Đời Sống
  17. Vay Dầu
  18. Thái Độ Sống Của Người Môn Đệ Đích Thực
  19. Tâm Tình Hiến Dâng
  20. Trao Tặng Chính Mình
  21. Tấm Lòng Quảng Đại

 

SỐNG QUẢNG ĐẠI
Mc 12, 38 - 44

Thiên Chúa chúng ta tôn thờ luôn đứng về phía con người. Ngài thấu suốt mọi bí ẩn. Ngài chạnh lòng thương và rộng tay ban phát dư tràn hồng ân cho con người. Như thế, tất cả những gì con người có đều do ân huệ nhưng không của Thiên Chúa ban cho. Cho nên chúng ta hãy sống tâm tình biết ơn và thái độ sống quảng đại yêu thương là cách đáp trả tích cực làm hài lòng Thiên Chúa nhất.

Những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái như luật sĩ và biệt phái tự cho mình là kẻ đạo đức hơn người nên họ dễ lầm lạc khi có thái độ tôn thờ Thiên Chúa theo kiểu con người. Họ cho rằng cứ đọc kinh nhiều, "nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo" là đặng rỗi. Họ nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Họ tưởng rằng Thiên Chúa là một vị Thần mà người ta có thể hối lộ hoặc kích thích lòng quảng đại bằng những việc đạo đức của họ. Họ áp dụng cho Thiên Chúa sự tính toán hơn thiệt dựa trên sự công bình: có vay có trả, có qua có lại của con người. Chính quan niệm ấy đã khiến nhiều người xem sự giàu sang phú quý là một chúc lành của Thiên Chúa, còn tai họa rủi ro là một trừng phạt vì tội lỗi; từ đó người ta tự phụ về những công đức của mình và khinh bỉ những người nghèo hèn và những người tội lỗi.

Họ giữ luật nghiêm ngặt, tính toán tỉ mỉ từng cử chỉ: ăn uống phải rửa tay, đi ra ngoài về phải tắm giặt, không hề đụng chạm xác chết, cố tình rình rập xem Chúa Giêsu chữa bệnh ngày Sabat để bắt lỗi...Đáng lý ra họ phải rao giảng và thực thi lòng bác ái hơn, phải đối xử nhân từ với tha nhân, bao dung với kẻ tội lỗi,...Nếu chịu khó nhìn lại bản thân, họ sẽ thấy được sự bất toàn của kiếp người, kể cả bản thân họ cũng từng hơn một lần vấp ngã, lỗi phạm...Thế mà họ không biết thông cảm và yêu thương người đồng loại. Hơn nữa, nếu chịu khó nhìn Thiên Chúa, họ sẽ thấy một Thiên Chúa đầy lòng nhân từ, sẵn sàng tha thứ và rộng rãi ban ơn cho họ. Những gì hiện họ đang có đều bởi Chúa mà ra. Nếu họ chịu khó nhìn thấy được như thế, nếu họ khiêm tốn thì họ sẽ thấy mình quá bé nhỏ, những gì họ giữ luật lệ, làm cho mình và cho người khác trở nên bé nhỏ, quá ít ỏi so với điều Thiên Chúa ban cho.

Chúa Giêsu đến để mạc khải cho con người một Thiên Chúa khác so với con người thời ấy tưởng nghĩ. Đó là một vì  Thiên Chúa yêu thương mọi người, ngay cả và nhất là những người kém may mắn nhất trong xã hội. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà người ta không thể giới hạn vào một số công thức "nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo" kia. Hơn nữa, đó là một vì Thiên Chúa mà lòng quảng đại vượt trên mọi tính toán cân lường của con người. Thiên Chúa ban cho con người hơn điều họ mong ước. Bởi vì mục đích là Thiên Chúa muốn tất cả ngững gì con người nhận được đều sinh ích cho họ. Ngay cả điều họ trao hiến cho Thiên Chúa. Như thế, Thiên Chúa luôn tôn trọng và quý mến tất cả những gì chúng ta dâng tặng cho Ngài. Những lễ vật tuy đơn sơ nhỏ bé nhưng chất chứa tình yêu và sự chân thành của chúng ta thì càng được Thiên Chúa đón nhận. Tuy nó nhỏ bé trước mặt người đời nhưng có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới thấy được hết những giá trị âm thầm, hy sinh đau khổ của chúng ta, những hy sinh hằng ngày làm nên những giá trị sáng chói trước mặt Thiên Chúa.

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài giàu có biết bao. Ngài cho chúng ta thấy Ngài trân trọng và đáng quý trước mặt Ngài biết bao, bởi vì chúng ta là hồng ân của Ngài. Vì thế, Thiên Chúa kêu gọi lòng yêu mến, quảng đại của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa lại cao sang tuyệt đối. Ngài là chủ tể mọi loài mọi vật. Tất cả những gì chúng ta có đều là do bởi Ngài mà ra. Do đó, chúng ta có đáng gì mà dâng cho Chúa đâu. Là thụ tạo, chúng ta quá nhỏ, thân phận nghèo hèn, mỏng giòn, yếu đuối trước một Thiên Chúa cao sang. Chúng ta có thể nghèo tiền của vật chất đủ thứ, thiếu thốn đủ thứ nhưng không ai trong chúng ta có thể sống mà không có trái tim có khả năng yêu thương. Đó là điều cốt lõi, là cái làm cho chúng ta nên giá trị trước mặt Thiên Chúa. Lễ dâng của chúng ta chỉ đáng Chúa chấp nhận khi nói lên lòng yêu mến và chính tình yêu của chúng ta.

Ở Bài đọc 1, Bà goá thành sareptha cũng đã dâng cho ngôn sứ Êlia một chút bột còn sót lại trong hủ, là khẩu phần cuối cùng của bà và đứa con côi cút của bà. Đối với bà trong lúc cả nước đói kém và nắng hạn, thì một chút bột này là cả một tài sản đắt giá có thể cứu được mạng sống của bà và con bà. Thế nhưng bà đã nhường lại khẩu phần cuối cùng của mẹ con bà mà cho Ngôn sứ Êlia ăn trước. Và Thiên Chúa đã trả lại cho bà bằng cách cho hủ bột và bình dầu ăn của bà không bao giờ vơi cạn cho đến khi trời hết hạn và mưa lại đổ xuống. Lòng quảng đại dâng hiến sẽ được Thiên Chúa đền bù gấp bội.

Mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa như thế, Chúa Giêsu muốn chỉ cho chúng ta một thái độ đúng đắn phải có, đó là lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy luôn luôn mời gọi chúng ta nhìn vào mọi biến cố cuộc sống với tất cả tin tưởng lạc quan. Khi có một cánh cửa nào đó trong căn nhà của cuộc sống chúng ta bị đóng lại, thì Thiên Chúa lại mở ra những cánh cửa khác. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc và bỏ rơi chúng ta; ngay cả khi đứng trước tội lỗi chúng ta, Ngài cũng không thất vọng, nhưng vẫn luôn luôn tìm một lối thoát tốt đẹp hơn cho chúng ta. Do đó, chúng ta hãy đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và phó thác vào trong sự an bài của Ngài. Đồng thời chúng ta hãy sống tình yêu thương bác ái với anh chị em chung quanh chúng ta cho thật tốt theo như ý Chúa muốn, đó là thái độ bày tỏ đức tin của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhìn về Chúa để chúng con thấy Chúa lớn lao, tình thương Chúa dành cho chúng con thật bao la, để từ đó chúng con thấy mình quá nhỏ bé, bất xứng, chỉ biết trông cậy vào Chúa. Và để chúng con luôn biết sống quảng đại với tha nhân như Chúa đã đối xử đại lượng với chúng con. Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa. Amen.

VỀ BA CÁCH CHO 
Mc 12, 38 - 44

1. LỜI CHÚA: Thầy bảo thật anh em: "Bà góa nghèo đã bỏ thùng nhiều hơn ai hết" (Mc 12,43).

2. CÂU CHUYỆN:

Một bà nọ là thành viên của một hội đoàn đạo đức chuyên đi làm công tác bác ái xã hội. Một hôm, bà nhận được giấy mời đến dự buổi họp mặt bất thường để quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai lũ lụt vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bà dự tính kỳ họp này sẽ tình nguyện đóng góp số tiền một triệu đồng. Nhưng trong buổi họp, khi thấy có nhiều Hội viên khác cũng đóng góp số tiền một triệu ngang bằng với mình, bà muốn tỏ ra quảng đại hơn người, nên khi tới phiên, bà đã ghi vào sổ vàng cứu trợ số tiền hai triệu đồng. Rồi thay vì rút bao thư chứa hai triệu, thì bà lại rút nhầm bao thư trong đó có số tiền năm triệu đồng mà bà định mang đi mừng đám cưới con trai của bà bạn thân đã từng giúp đỡ bà rất nhiều ngay sau buổi họp mặt hôm đó. Khi phát hiện ra đã đưa lộn phong bì, bà muốn đến bàn thu ngân xin lại số tiền đã góp dư kia, nhưng lại sợ bị mất thể diện trước mặt người khác. Cuối cùng bà đành chịu vậy, nhưng tự trách mình đã bất cẩn không kiểm tra phong bì trước khi nộp cho thủ quỹ. Nhiều ngày sau đó bà vẫn luôn cảm thấy tiếc về số tiền đã lỡ ủng hộ thêm ngoài dự tính kia.

3. SUY NIỆM:

1. Giá trị của một việc bác ái từ thiện căn cứ trên thiện chí của người cho. Lòng tốt của người đàn bà trong câu chuyện trên là đã quyết định giúp người bị thiên tai số tiền một triệu đồng. Nhưng thực tế bà đành miễn cưỡng ghi sổ vàng cứu trợ số tiền hai triệu do tính tự cao muốn vượt trên người khác để tìm tiếng khen... nên theo lời Chúa phán: bà đã được thưởng công rồi (x. Mt 6,2). Việc rút nhầm bao thơ năm triệu đồng là ngoài ý muốn của bà. Bà muốn đòi lại số tiền đã đưa dư kia, nhưng do sĩ diện nên đành chấp nhận. Vì thế, số tiền đóng góp thêm ấy không có giá trị về mặt thiêng liêng trước tòa phán xét sau này.

2. Về 3 cách cho: Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể phân biệt ba cách cho như sau:

+ Cho bất đắc dĩ: Do miễn cưỡng cho nên trong lòng cảm thấy khó chịu. Hạng người này thường nói: "Tôi ghét hắn ta, nhưng đành "thí" cho hắn ít tiền để hắn mau biến đi cho khuất mắt!".

+ Cho vì bổn phận: Do cho để tránh bị lương tâm cáo trách nên lòng cảm thấy không vui. Hạng người này thường nói: "Tôi bị rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan": "Bỏ thì thương mà vương thì tội!" Thôi thì đành phải giúp đỡ hắn cho xong bổn phận!".

+ Cho vì tình yêu thương: Do tự nguyện cho nên lòng thấy vui. Nếu bị trả lại thì buồn. Hạng người này thường nói: "Tôi có thể giúp gì cho bạn?" hoặc: "Tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn bạn đang gặp phải".

3. Thiên Chúa luôn nêu gương quảng đại cho đi và mời gọi chúng ta học làm theo Người:

+ Chúng ta chỉ cần một bông hoa, mà Người lại cho cả cánh rừng.

+ Chúng ta chỉ xin vài ngụm nước, mà Người lại cho cả dòng suối.

+ Chúng ta chỉ cần vài hạt cát, mà Người lại cho cả bãi biển rộng dài,

+ Chúng ta chỉ xin lương thực hàng ngày, mà Người còn cho cả Thân Mình Máu Huyết của Người.

4. PHĂNGSÍT BANPHUA (francis balfour) đã kê ra một số việc cho cách quảng đại như sau:

+ "Món quà đẹp nhất cho kẻ thù của ta chính là lòng khoan dung tha thứ,

+ Quà cho bạn bè của ta là sự trung tín chân thành,

+ Quà cho các em bé là gương sáng khiêm nhường phục vụ

+ Quà cho người cha trong gia đình là sự tôn kính vâng lời,

+ Quà cho bà mẹ là trái tim cháy lửa yêu thương,

+ Và cuối cùng, quà cho người chung quanh là nụ cười thân thiện kèm theo cái bắt tay thân ái, một lời khen thành thật và thái độ khiêm hạ phục vụ noi gương Đức Giê-su".

4. THẢO LUẬN: Trong những ngày này mỗi người chúng ta sẽ cho đi những gì thiết thực nhất theo khả năng của mình cho những người chung quanh?

5. NGUYỆN CẦU

Lạy Chúa Giê-su. Cách đánh giá của Chúa trong Tin Mừng hôm nay khác hẳn cách nhìn nhận sự việc của chúng con. Vì "Loài người thì nhìn mặt, còn Chúa lại nhìn lòng!" (1 Sm 16,7). Chúa khen bà góa nghèo đã bỏ tiền dâng cúng nhiều hơn ai hết, không phải vì số tiền nhỏ bé, nhưng vì lòng mến Chúa: "Bà đã dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống mình". Về phần chúng con: Nhiều khi chúng con dễ nản lòng khi không được người khác biết đến... Xin thanh luyện ý hướng của chúng con. Chúng con tin rằng: Nếu việc chúng con làm tốt,mà có bị nói xấu, vẫn có giá trị "tôn vinh Chúa Cha" (x Mt 5,16).

X. Hiệp cùng Mẹ Maria

Đ. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

LM ĐAN VINH    www.hiephoithanhmau.com

TẤM LÒNG QUẢNG ĐẠI 
Mc 12, 38 - 44

Câu chuyện về hai bà goá được nhắc đến trong các bài đọc hôm nay cho chúng ta hiểu thế nào về lòng quảng đại của con người. Quảng đại là dám cho đi: cho đi những gì mình đang rất cần đến; cho đi những gì mình đang quí đang yêu ...

Chúa Giêsu đã từng dạy các tông đồ: "cho thì có phúc hơn là nhận". Nói đến việc cho đi thì ta phải nghĩ đến "của cho" và "cách cho". "Của cho" xét cho cùng không quan trọng bằng "cách cho". Cho thế nào để nói lên tấm lòng chân thành của mình và nhất là làm cho người nhận cảm thấy vui lòng. Đặc biệt đối với Chúa, tấm lòng chân thành dâng hiến luôn được Chúa coi trọng: "Ta muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ".

Gần đây báo chí có đăng tin có một anh chàng Việt Kiều đại gia nào đó thích "chơi nổi". Anh ta đừng trên lầu 1 của một khách sạn sang trọng, cầm trong tay một xấp tiền đủ loại mệnh giá, ngoắc tay gọi những người ăn xin, bán vé số lại, rồi tung xấp tiền ấy lên không cho tiền bay tung toé để những người dân nghèo chen chút nhau lụm tiền giữa tiếng kêu la và chen lấn nhau. Và anh ta cảm thấy vui với cách cho tiền của mình như thế. Nhưng những người có lương tri thì cảm thấy ái ngại và xót xa trước việc làm ngông nghênh của kẻ giàu có này, và nhất là Chúa sẽ buồn lắm khi thấy con người hành động theo kiểu "bất nhân" như thế. Cho như thế chắc không đẹp lòng Chúa chút nào!

Cách cho là quan trong. Tấm lòng là quan trọng. "Ai vui vẻ dâng hiến sẽ được Chúa nhận lời". Bà goá ở Xarepta được nhắc đến trong bài đọc 1 hôm nay có vẻ miễn cưỡng, ngập ngừng và lúng túng trước khi cho, vì hoàn cảnh khốn khổ làm cho bà khó giải quyết vấn đề. Nhưng rồi cuối cùng bà cũng dám cho đi cái bà đang rất cần với tấm lòng tin tưởng phó thác và đầy tôn trọng đối với người xin bà. Còn bà goá nghèo được Tin mừng nhắc đến hôm nay có một thái độ rất anh hùng. Chúa Giêsu đã đề cao bà, coi bà như một kiểu mẫu của việc cho đi cách chân thành và không tính toán. Chúa Giêsu muốn các tông đồ nhìn vào đó đẻ học hỏi. Bà goá nghèo ấy đã dám bỏ vào thùng tiền dâng cúng "tất cả những gì bà có để nuôi sống bà", dù số tiền ấy chẳng đáng vào đâu (1/4 xu). Đó là thái độ chân thành và rất anh hùng của người có tấm lòng quảng đại. Chúa Giêsu đã nhìn thấy tấm lòng của bà đối với công việc nhà Chúa mà bà thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp vào đó. Cách cho đi của hai bà goá được Kinh thánh nhắc đến hôm nay thật đẹp, thật cao quí.; rất đáng đề cao và rất đáng cho chúng ta học hỏi.

Cho đi cách thật lòng chính là cách khôn ngoan nhất và chắc chắn nhất để ta giữ lại những gì mình có ở trần gian này. Thánh Phanxicô Assisi nói rằng: "chính lúc cho đi là khi được nhận lấy; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân". Đây không phải là chuyện nghịch lý nhưng là chuyện siêu lý của những người hiểu biết và khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa.

Có chuyện kể rằng: có một ông nhà giàu nọ căn dặn người nhà của ông bỏ vào quan tài thật nhiều vàng bạc để khi ông chết đi, ông sẽ có cái mà tiêu xài. Rồi ngày chết của ông cũng đến. Người ta làm đúng theo những gì ông căn dặn. Sang thế giới bên kia, ông nhìn thấy cái gì đựơc bày bán cũng hấp dẫn, nhất là các món ăn. Ông nghĩ rằng phen này tha hồ mà mua sắm và ăn uống thoả thích. Nhưng lạ thay, những người bán ở đây trả lời với ông rằng: tiền của ông ở đây không sử dụng được vì ở đây chỉ sử dụng đồng tiền cho đi chứ không xài tiền thu vào!

Chúng ta đang có đồng tiền loại nào? Chúng ta có dự định sẽ làm gì để có đồng tiền cho đi. Có một nhà tu đức đã nhắc nhở chúng ta rằng:

Những gì chúng ta tiêu xài sẽ tiêu tán mất, 
Những gì chúng ta mua sắm thì người khác sẽ dùng, 
Những gì chúng ta tích luỹ rồi sẽ phải để lại cho người khác, 
Chỉ có những gì chúng ta cho đi là tồn tại mãi.

Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn và tấm lòng của mỗi người chúng ta. Chúa đang xem cách thức chúng ta hành động trong việc cho đi: chúng ta có cho đi những thứ mình đang cần không? Chúng ta có dám cho đi những thứ mình đang yêu thích để chia sẻ cho anh chị em của mình chưa? Hay chúng ta chỉ cho đi những cái dư thừa, những cái bỏ đi vì không ai xài tới. . .? chúng ta có thấy trách nhiệm của mình phải đóng góp vào việc chung vủa Giáo hội không hay chúng ta chỉ là những người đứng ngoài lề, chỉ chờ Giáo hội ban phát cho mình thôi! Chúng ta hãy nhìn lại và tự kiểm điểm của cho, cách cho và trách nhiệm của mình trong thời gian qua như thế nào?!

Ước gì chúng ta hiểu được rằng: cho đi là một hạnh phúc, biết cho đi sẽ làm cho hạnh phúc của mình được nhân lên và tồn tại mãi. Hơn nữa, món quà cho đi sẽ trở nên vĩ đại ở nơi một người có trái tim quảng đại. Hãy học nơi Chúa tấm lòng quảng đại để chúng ta biết cách cho đi đẹp lòng Thiên Chúa. Xin Chúa giúp cho chúng ta hiểu rõ giá trị của những việc làm hy sinh và cho đi với con tim rộng mở và tấm lòng quảng đại theo gương Chúa. Hãy quảng đại đối với c và mọi người để được hưởng tấm lòng quảng đại của Chúa dành cho chúng ta. Amen.

CHÂN THÀNH GIỮ ĐẠO 
Mc 12, 38 - 44

Lời Chúa ghi trong Kinh Thánh được rao truyền, được giảng giải trong các bài giáo lý và trong mỗi Thánh lễ. Thế nhưng có người đọc rồi bỏ qua, có người nghe nhưng không thi hành bởi vì lòng trí đang lệ thuộc vào thế gian, đang đặt danh, lợi, thú làm trung tâm của đời sống, không dành chỗ cho lời Chúa tác động trong tâm hồn mình. Đó là một trong những lý do chính khiến nhiều người chưa theo đạo hoặc theo đạo lấy có, giữ đạo hình thức, giả hình như một số luật sĩ Chúa Giêsu trách cứ hôm nay.

Trong cuộc sống này, tiền bạc, quyền lợi tự nó không tốt cũng không xấu nhưng vấn đề là ở con người. Con người đặt mục tiêu cuộc đời mình ở nơi Chúa hay ở những thứ đó.

Nhiều luật sĩ biệt phái muốn được quyền lợi, được kính trọng nên sinh ra giả hình. Họ đọc kinh dài không vì lòng yêu mến Chúa mà vì lợi lộc trần gian, để "nuốt hết tài sản của các bà góa". Họ là những người học Kinh Thánh và có điều kiện hiểu Lời Chúa hơn những người khác nhưng họ lại sống không đúng lời Chúa dạy. Họ không nhớ rằng : Chúa cần tấm lòng chứ không phải những bản kinh dài mà tâm hồn rỗng tuếch, Chúa lòng chân thành thờ phượng chứ không phải ở kiến thức suông mà thôi .

Đối lại bọn họ, một bà góa nghèo, kiến thức không bao nhiêu nhưng có tấm lòng yêu kính Chúa. Tuy số tiền bà bỏ vào thùng chưa tới 1 xu! Nhưng là người bỏ nhiều nhất, rộng rãi và chân thành nhất: Bà bỏ vào thùng tất cả những gì mình có, bà đã hy sinh cả phần mình đang cần sử dụng để đóng góp cho nhà Chúa. Trong khi đa số những người kia, tuy số tiền nhiều gấp mấy lần nhưng là bỏ phần dư của mình.

Đây là bài học Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta. Chúa chấm công chúng ta không phải ở số lượng và hình thức bên ngoài nhưng ở lòng chân thành của chúng ta khi thi hành những việc đạo đức. Mỗi lần đến nhà thờ dự lễ nhất là lễ Chúa Nhật, chúng ta có đến vì lòng mến Chúa hay vì luật buộc. Nếu chúng ta miễn cưỡng đến vì luật buộc thì chúng ta chẳng khác gì các luật sĩ mà Chúa Giêsu trách cứ hôm nay. Vì Chúa muốn chúng ta giữ đạo vì lòng yêu mến chứ không vì miễn cưỡng. Và để giúp chúng ta giữ đạo vì lòng yêu mến, Ngài đã nêu gương cho chúng ta trước. Sống đạo hết mình, yêu mến Chúa Cha hết linh hồn hết sức lực cho đến hơi thở cuối cùng trên thánh giá. Đó là lời dạy có giá trị nhất chúng ta cũng hãy noi gương Ngài, bước theo chân Ngài trên con đường về Nước Trời. Chắc chắn, ai giữ đạo thật tình thì Chúa Cha sẽ đón nhận vào Nước Ngài hiển trị.

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN. 
Mc 12, 38
- 44

Anh chị em thân mến. 
Chúng ta cùng nhau quan sát sự vật chung quanh, những thứ gần mình nhất, xem có những gì tốt đẹp. Nếu nhìn một cái bong bóng được chứa đầy hơi, căng tròn, nó trôi lơ lững nhẹ nhàn, nó dường như muốn bay lên, không chịu bị chôn vùi xuống, nó còn tạo niềm vui cho những đứa trẻ. Nhưng nếu có một bất trắc nào, hay có vật gì chạm đến mà nó không chịu được, nó sẽ vở tan và không còn gì hết, bên trong nó chẵng có gì, nó cũng không còn gì để lưu lại.

Nếu chúng ta nhìn một hòn đá, nó nặng nề nằm sát đất, vị trí rất ổn định không lay chuyển, nó dường như cũng không đèo bồng vươn cao. Có ai đó muốn làm cho nó phải tách ra, việc đó không phải dể, vì thân thể nó không có một chỗ trống nào. Nó không cần vươn cao, nhưng những gì muốn vươn cao cách vững chắc, đều nhờ đến nó. Nó cũng không tạo niềm vui chóng qua, nhưng nó tạo một sự vui mừng vững bền cho những ai biết xử dụng nó cách chính đáng. Những hòn đá nặng nề yên lặng, không vươn cao, nhưng có giá trị vững bền.

Chúng ta vừa nhìn qua hai hình ảnh của con người mà Chúa Giêsu cho chúng ta thấy qua bài phúc âm:

Một hình ảnh hào nhoáng, sang trọng được bao nhiêu người kính phục, bái chào. Hình ảnh cao ngất ngưởng, dường như chỉ biết vươn lên giống như chiếc bong bóng đang lúc căng đầy hơi. Đó là hình ảnh giả tạo, nhở một khi không còn giử được chút hơi nào thì cái dáng vẽ bên ngoài sẽ ra sao, còn con người đó sẽ như thế nào? Họ sẽ bị kết án nghiêm khắc, vì họ hoàn toàn trống rỗng.

Một hình ảnh đơn sơ nhẹ nhàng, không ai nhìn thấy, nhưng Thiên Chúa nhìn thấy tận trong tâm hồn. Việc làm thầm kín, nhỏ bé, nhưng bằng cả một tâm hồn vĩ đại và chân thành. Tâm hồn đó khó có thể lay chuyển nỗi. Đây là một việc làm có giá trị.

Hai hình ảnh tương phản nhau. Đặt biệt lối nhận xét của Chúa Giêsu, cách nào đó cũng không bình thường như cách của loài người.

Những người bình thường vị nể và kính phục sự hào nhoáng bên ngoài, con người chỉ nhìn thấy những gì hiện ra trước mắt và thường chạy theo nó. Chúng ta những người ngồi trong nhà thờ nầy, hoàn toàn là những con người bình thường, nhưng chúng ta có để cho nó trở nên tầm thường như những con người của ngày xưa không ? Suốt cả cuộc đời, và cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn sống, vẫn nhìn, vẫn hành động. Nhưng cái sống, cái nhìn, cái hành động của mình có những lúc nó giống như chiếc bong bóng được căng đầy hơi, nó trương phình lên và bay lơ lững. Nó cũng tự hào vì mình to lớn, nhưng lại quên đi sự trống rỗng của mình, và càng không biết đến một ngày nào đó, nó sẽ nỗ tung, khi đó không có gì tồn tại, vì nó hoàn toàn trống rỗng.

Mỗi người nhìn vào chính mình. Có những lúc trong cuộc sống, chúng ta ngở mình cao sang, tài giỏi, uy quyền hơn bao nhiêu người khác, để rồi tự mãn kiêu căng, đòi hỏi điều nầy điều nọ. Nhưng thật ra, nếu nhìn kỷ lại, những gì mình hiểu biết, những gì mình đang có, so sánh với những gì mà chúng ta đòi hỏi, nó còn tệ hơn chiếc bong bóng căng đầy hơi. Nó hoàn toàn rỗng tuết và chẵng có chút gì có giá trị. Vậy mà vẫn tự hào. Có những việc làm, chúng ta ngở nó không giá trị gì: Như một chút thương cảm đối với người bên cạnh, trước sự đau khổ, chúng ta tìm cách tạo niềm vui cho họ. Có những lần chúng ta nhín chút thời gian, vì có người cần đến, cũng có những lần chúng ta cố gắng nhường nhịn một câu nói, kềm chế một hành động trả thù, cho hả cơn giận. Có lần chúng ta cố gắng vượt qua được con người yếu hèn của mình, không chìu theo những dục vọng, ước muốn bất chính để sống ngay thẳng trung thực. Đó là những lần chúng ta sống thực sự, bằng hết tâm tình của mình. Khi đó chúng ta giống như người đàn bà nghèo, đã cho tất cả, nhưng không ai nhìn thấy gì hết. Khi đó chúng ta biết tạo cho mình một nền móng vững chắc như những hòn đá và không gì có thể phá vỡ được.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết sống ngay thẳng, trung thực trước mặt Chúa, để những việc làm của chúng ta có giá trị trước Mặt Chúa vì được phát xuất bởi tình Yêu.

CHO CON TIM 
Mc 12, 38 - 44

Chuyện kể rằng có đôi vợ chồng mới cưới đi về một vùng quê xa xôi thì bị một cơn mưa dữ dội không thể đi xa hơn được nữa, họ liền rời khỏi xc và đi bộ đến hướng một ngôi nhà có ánh đèn leo lét. Trong nhà có đôi vợ chồng già. Người thanh niên trình bày tình trạng khó khăn đoạn yêu cầu: "Qúy ngài có thể cho chúng tôi trú ngụ đến sáng được không? Nằm trên sàn nhà hay trên ghế bành cũng được?" Đôi vợ chồng già đưa mắt nhìn thông cảm và nói: "Được chứ các cháu. Chúng tôi vừa có được một căn phòng trống. Nào hãy ra thu xếp đồ đạc trong xe, để tôi và chồng tôi dọn dẹp căn phòng cho tươm tất một chút".

Sáng hôm sau đôi tân hôn thức dậy sớm và chuẩn bị ra đi, vì không muốn quấy rối hai vợ chồng già. Khi mở cánh cửa thông qua phòng khách, họ bỡ ngỡ nhìn thấy đôi vợ chồng nằm trên chiếc ghế dựa, còn giường của họ thì đã nhường cho khách ngủ.

Cách cư xử của hai vợ chồng giá cũng tương tự như bà góa trong bài Tin Mừng hôm nay, không phải chỉ cho phần thừa thải mà cho tất cả những gì mình có. Như vậy trong cả hai trường hợp cho đều có điểm tương đồng là cho một cách quảng đại, cho một cách vui vẻ và tận đáy lòng. Trong cuộc sống có rất nhiều cách cho; có người cho vì bất đắc dĩ thì phải miễn cưỡng bực mình để mà cho. Người cho vì bổn phận thì cũng cho một cách miễn cưỡng vì bị bổn phận trói buộc. Còn người cho vì tình thương thì mới thật lòng. Hình ảnh hai vợ chồng già và bà góa trong bài Tin Mừng hôm nay là hình ảnh tuyệt hảo về sự trao tặng. Cả hai đều cho mà không phải bị ép buộc, hay bị bổn phận thúc đẩy, cả hai đều cho với tất cả tấm lòng.

Khi người ta đã cho vì tấm lòng thì không nghĩ thiệt hơn, không tính toán. Cho nên hành động của họ cũng không còn lố bịch nữa. Khác hẳn với bộ dạng của các luật sĩ vì họ làm việc này việc kia chỉ nhằm cho người ta thấy. Điều đó đã tố cáo họ làm việc chỉ nhằm cho bản thân chứ không phải cho Thiên Chúa... hơn nữa họ làm việc đó một cách khôn khéo do lòng vị kỷ thúc đẩy như: lễ phục lượt thượt, giả bộ đạo đức, thích được người ta đón chào... Họ ích kỷ một cách trắng trợn, thay vì phải nhắm đến giá trị cao siêu bên trong, thì họ lại lo những điều thuần túy bên ngoài.

Tấm gương và lối cư xử của các biệt phái tương phản với hành động khiêm nhường thật lòng của bà góa hôm nay. Bà góa tuy chỉ dâng cúng hai đồng tiền kẽm, nhưng việc làm của bà có giá trị hơn các việc kia gấp bội. Tính về giá trị vật chất thì không thấm vào đâu so với người khác, nhưng đối với bà thì là cả một gia tài. Còn những người khác giàu có cho dù có bố thí nhiều hơn bà thì cũng là của dư bạc thừa. Bà góa đã dâng hiến tất cả vì lòng kính phục Thiên Chúa, thế mà người ta khinh khi bà, chỉ có một mình Đức Giêsu biểu dương và tôn trọng bà.

Sự trao ban thật ra không chỉ nằm ở giá trị vật chất tiền bạc mà còn cho đi chính bản thân và thời gian nữa. Chẳng hạn như chúng ta dám hy sinh công việc nhà để đến với Chúa trong ngày Chúa Nhật. Dám hy sinh thời gian để thắm viếng người nghèo bệnh tật.... Đặc biệt là những người dám hy sinh bản thân qua việc giúp các bệnh nhân phong, họ ăn chung ở, tắm rửa cho các bệnh nhân phong mà họ không hề tính toán e dè họ đã cho đi tường lai và con người họ một cách đích thực. Họ đã bỏ vào thùng tiền dâng cúng cho đền thờ cả con người của họ. Ôi! Quý biết bao những con người cao thượng, những tâm hồn đẹp đẽ, có thể nói không còn mỹ từ nào có thể diễn tả về ho được.

Những tấm gương ấy như ngọn đèn soi cho ta bước, họ đã cho chúng ta tất cả những gì họ có. Còn chúng ta thì sao? Nếu chúng ta chưa biết cho, chưa biết trao tặng bằng con tim như bà góa nghèo trong bài Tin Mừng hôm nay, thì chúng ta hãy nghe lời Chúa Giêsu nhắn nhủ như một động lực thúc đẩy ta: "Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại, Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong lại cho enh em bằng đấu ấy.

Lạy Chúa, xin cho con biết hành động bằng tình yêu. Vì chỉ khi nào biết yêu thì con mới dám cho đi bằng cả con tim và bản thân con. Amen

CAN ĐẢM CHO ĐI
Mc 12, 38 - 44

"Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống" (Mc 12, 44).

Khi tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ can đảm cho đi tất cả những gì mình đang sở hữu và những thứ làm cho mình tồn tại.

Sách các Vua quyển thứ nhất kể câu chuyện nạn đói xảy ra thời tiên tri Êlia, đời vua Akháp, tại Xarépta thuộc xứ Xiđôn và đối với dân Israel nó làø vùng đất của dân ngoại. Nạn đói hoành hành đến mức nguy hiểm, mọi người trong vùng sẽ phải chết đói. Tiên tri Êlia cũng không ngoại lệ nhưng Thiên Chúa đã cho ông ta gặp một bà goá mà hủ bột trong nhà bà này chỉ còn duy nhất một phần ăn, ăn xong rồi chờ chết. Êlia đến xin bà ta một phần ăn để cho qua cơn đói, một yêu cầu thật sự khó khăn cho bà goá nghèo này nhưng vì niềm tin vào Thiên Chúa và sự can đảm cho đi phép lạ đã xảy ra, hủ bột và dầu trong nhà không hề vơi. Êlia và cả gia đình bà goá được cứu sống.

Trong Tin Mừng Maccô cũng thuật lại hai thái độ trái ngược trong một việc làm. Đó là việc bố thí và thái độ của những người giàu với một người đàn bà nghèo. Một bên phô trương và cho đi những của dư thừa, một bên trong âm thầm và cho đi tất cả những gì mình có để sống. Chúa Giêsu đã đề cao việc làm và thái độ bà goá nghèo.

So sánh hai thái độ, hành động của bà goá trong Cựu Ước và Tân Ước, họ có chung một điểm đó là tinh thần can đảm cho đi và tâm hồn hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Kết quả là họ không mất gì cả mà được tất cả. Bà goá ở Xarépta được một hủ bột và dầu không hề vơi, đời sống của bà được bảo đảm và an toàn, còn bà goá nghèo trong Tin Mừng Máccô tuy chúng ta không biết kết quả sau này của bà ta như thế nào nhưng việc làm của bà lại đẹp lòng Thiên Chúa, như vậy đã đủ đối với một con người tin tưởng vào Chúa. Đây cũng là lời mời gọi cho cách sống của mỗi người chúng ta ngày hôm nay vì đời sống của người kitô hữu không phải sống là để đẹp lòng Thiên Chúa hay sao? Đó là cách sống người kitô hữu phải sốâng và thực hành tinh thần này trong mỗi ngày sống của chúng ta. Cách sống mà Chúa Giêsu đề cao như đối với bà goá nghèo.

Thiên Chúa không đòi hỏi quá sức của chúng ta, điều cần thiết không phải là cho đi bao nhiêu và cái gì. Vì cho đi bao nhiêu là đủ và làm sao đáp ứng mọi nhu cầu của người khác nhưng quan trọng là chúng ta có can đảm cho đi và cách cho của chúng ta như thế nào. Khiêm tốn, dám cho đi tất cả những gì mình có thể cho, không giữ lại cho mình điều gì, dù chúng ta đang thiếu thốn.

Đây là một bài học và tinh thần sống đòi hỏi chúng ta phải sống, rèn luyện và thực hành hằng ngày. Dù chúng ta có thể hiểu và xác tín lời mời gọi này, cho đi tất cả để được tất cả nhưng xem ra rất mạo hiểm, mất mát. Chúa không bao giờ phụ người có lòng, Ngài luôn công bằng và sẽ đền bù gấp bội những gì chúng ta dám cho đi, ngay cả những thứ chúng ta không cho.

Nhiều lúc chúng ta tưởng, chúng ta cho rất nhiều, cho cả những thứ quý giá và quan trọng nhất đời mình nhưng thật sự đối với Chúa và nhu cầu của tha nhân thì nó thật nhỏ bé.

Chúng ta vẫn biết rằng những gì chúng ta có đều là của Chúa, Ngài chỉ mời gọi chúng có chia sẻ cho những người xung quanh mà thôi. Đời sống chúng ta có Chúa thì chúng ta sẽ can đảm cho đi tất cả, không nệ hà, so đo và tính toán.

Ước gì mỗi người chúng ta dám cho đi những gì mình có, sức khoẻ, thời gian, của cải và ngay cả mạng sống mình vì lợi ích tha nhân và đó là điều mong muốn của Chúa.

DÁM CHO ÐI TẤT CẢ 
Mc 12, 38
- 44

Dường như một trong những nỗi lo lớn của con người là phòng thân. Ai cũng tranh thủ lo tích trữ chút đỉnh tiền bạc của cải để lo cho bản thân mình phòng khi có chuyện bất trắc xảy ra. Khi cần giúp đỡ ai người ta cũng dành lại chút ít chứ khó có trường hợp nào mà người ta dám cho đi tất cả. Ðó là cái nhìn bình thường và tự nhiên ai cũng công nhận.

Ðoạn tin mừng hôm nay cho ta thấy một người dám sống ngược lại với cái nhìn và suy nghĩ bình thường này. Người này đã dám cho đi tất cả. Một người đàn góa nghèo đã dám bỏ vào hòm tiền dâng cúng trong Ðền Thờ một phần tư xu. Số tiền tuy ít ỏi nhưng là cả tấm lòng của bà.

Chúng ta biết người đàn bà theo xã hội Á Ðông phải chu toàn Tam tòng Tứ đức. Người đàn bà này có thể không còn chỗ nương tựa. Bởi lẽ, bà đã xuất giá theo chồng mà chồng lại chết. Và có lẽ bà cũng không có con trai để nương tựa. Do đó, cuộc sống của bà trở nên nghèo khó.

Dầu vậy, chúng ta thấy bà nghèo tiền của vật chất nhưng tấm lòng của bà lại không nghèo. Chúa Giêsu đã ngồi quan sát những người bỏ tiền vào thùng. Ðã có nhiều người bỏ vào thùng này nhưng Người không nói câu gì. Ðến lượt bà Chúa Giêsu đã vội lên tiếng: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình." (Mc 12, 43b - 44)

Chúa Giêsu nhìn thấu cõi lòng con người. Chúa không đánh giá con người theo dáng vẻ bên ngoài. Chúa Giêsu không dựa vào tiêu chuẩn những gì con người có mà Người dựa vào tận thâm sâu tâm hồn mỗi người. Chắc chắn người đàn bà góa nghèo này có lòng tin tưởng thật sự vào Chúa nên bà mới dám cho đi tất cả. Dù rằng một phần tư xu đó là phần nuôi sống bà ngày hôm đó nhưng bà vẫn không giữ lại cho riêng mình.

Mối thứ ba trong cải tội bảy đức dạy chúng ta rộng rãi chớ hà tiện. Rộng rãi với Chúa, rộng rãi với anh chị em. Thế nhưng thực tế chúng ta thấy có nhiều người lại không dám cho đi dù là phần dư thừa. Với Chúa thì họ không dám cho Chúa thời giờ đi dự lễ ngày Chúa nhật cũng như giờ kinh hôm, kinh mai mỗi ngày. Với anh chị em thì họ sống theo châm ngôn "mọi người phải vì mình" .

Hãy xin Chúa Giêsu cho chúng ta biết dám cho đi tất cả vì Chúa và vì anh chị em. Chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ thua sự rộng rãi quảng đại của chúng ta.

HÔN NHÂN TRÊN THIÊN ĐÀNG
Mc 12, 38 - 44

Bài giải thích của cha giảng Phủ Giáo Hoàng, Cha Capuchin Raniero Cantalamessa, về các bài đọc từ phụng vụ Chúa nhật 32 thường niên   

Ngày kia, Chúa Giêsu đứng trước thùng tiền đền thờ, quan sát xem đám đông dâng cúng tiền. Người thấy một bà góa đến và bỏ vào thùng tất cả những gì bà có, hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Roma. Người quay về các môn đệ của Người và nói, "Thầy bảo thật anh em, bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.Mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó, còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống."

Chúng ta có thể gọi Chúa Nhật này là "Chúa Nhật những bà góa." Truyện một bà góa cũng được tường thuật trong bài đọc thứ nhất, bà góa thành Zarephath, kẻ đã cho tất cả những gì bà có để ăn (một nắm bột và một giọt dầu) đễ dọn một bữa ăn cho tiên tri Elia.


Đây là một dịp tốt để lưu ý đến hai bà goá đó và những ông goá vợ ngày nay. Nếu Kinh Thánh thường nói về những bà góa và không bao giờ nói về các ông góa, là vì trong xã hội ngày xưa người phụ nữ bị bỏ lại một mình là một sự bất lợi lớn hơn người nam bị bỏ lại một mình. Ngày nay không còn sự khác biệt này nữa. Thực sự, nói chung thì bây giờ xem ra những người nữ ở một mình xoay sở tốt hơn người nam.


Trong dịp này tôi muốn đề cập một chủ đề đáng quan tâm dứt khoát không những cho các bà goá và ông góa, nhưng cũng cho tất cả những ai đã kết hôn, cách riêng trong tháng này tháng chúng ta nhớ đến người chết. Có phải sự chết của một người chồng hay bà vợ, đem lại sự chấm dứt hợp pháp của một cuộc hôn nhân, cũng mang theo nó sự chấm dứt hoàn toàn hiệp thông giữa hai người? Có phải một sự gì của dây ràn buộc này đã hiệp nhất rất mãnh liệt hai người trên mặt đất, vẫn tồn tại trên trời, hay là tất cả bỉ lãng quên một khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa vào sự sống đời đời?


Ngày kia, một số người Sadducé trình bày với Chúa Giêsu trường hợp hi hữu về một người nữ vợ liên tiếp của bảy anh em, hỏi Chúa bà ấy sẽ là vợ của ai sau ngày sống lại. Chúa Giêsu trả lời: "Khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời" ( Mark 12:25).


Vì giải thích sai lạc lời nói này của Chúa Giêsu, nên một số người chủ trương rằng hôn nhân sẽ không có tiếp tục trên trời. Nhưng với sự đáp trả này Chúa Giêsu loại trừ tranh biếm họa những người Sadducé trình bày về thiên đàng, dường như trên thiên đàng sẽ tiếp tục quan hệ trần tục của vợ chồng. Chúa Giêsu không loại bỏ khả năng họ có thể tái khám phá trong Thiên Chúa dây ràn buộc đã liên kết họ dưới thế.


Theo quan niệm nầy, hôn nhân không chấm dứt hẳn lúc chết nhưng được biến đổi, thiêng liêng hóa, giải phóng khỏi những giới hạn đánh dấu sự sống trên mặt đất, cũng như những sự ràn buộc giữa cha mẹ và con cái hay là giữa bạn hữu sẽ không bị bỏ quên. Trong một kinh tiền tụng cho người chết phụng vụ công bố:" Sự sống được thay đổi chớ không mất đi." Cà hôn nhân, là thành phần của sự sống, sẽ được thay đổi, chớ không bị hủy bỏ.


Nhưng cái gì xảy ra cho những kẻ đã có một kinh nghiệm tiêu cực vế hôn nhân trần tục, một kinh nghiệm về sự hiểu lầm và đau khổ? Ý niệm giây hôn nhân không dứt cho họ lúc chết, có phải thay cho một niềm an ủi, lại là một lý do làm cho họ sợ chăng? Tình yêu đã liên kết họ, có lẽ chỉ một thời gian ngắn, vẫn tồn tại; những khuyết điểm, những hiểu lầm, sự đau khổ mà họ giáng cho nhau, sẽ tiêu tan.


Thật sự, chính sự đau khổ này, chấp nhận với đức tin, sẽ được biến đổi thành vinh quang. Nhiều vợ chồng sẽ cảm nghiệm tình yêu thật cho nhau chỉ khi họ sẽ được tái hiệp nhất "trong Thiên Chúa," và với tình yêu này sẽ có niềm vui và sự hiệp nhất trọn vẹn mà họ không biết được dưới đất. Trong Thiên Chúa mọi sự sẽ được hiểu, mọi sự sẽ được tha thứ, mọi sự sẽ được bỏ qua.


Dĩ nhiên nhiều người sẽ hỏi về những kẻ đã kết hôn hợp pháp với những người khác nhau, những ông goá và những bà góa đã tái kết hôn. (Đây là trường hợp được trình bày cho Chúa Giêsu về bảy anh em lần lượt cưới cũng một người nữ làm vợ.} Cả đối với họ chúng ta phải lập lại cũng một sự: tình yêu và sự trao thân cho nhau thực sự giữa mỗi người chồng và vợ, vì khách quan là một sự lành đến từ Thiên Chúa, sẽ không bị phá hủy. Trên thiên đàng sẽ không có sự tranh đua trong tình yêu hay sự ganh tị. Những sự này không thuộc về tình yêu thật nhưng thuộc về những giới hạn nội tại của tạo vật.

Đ.Ô. Nguyễn Quang Sách

TINH THẦN NGƯỜI ĐÀN BÀ GÓA NGHÈO
Mc 12, 38 - 44

Trọng tâm của biến cố là chính Ðức Giêsu. Người đã gọi các môn đệ lại và nói cho họ điều Người vừa quan sát thấy. Người nói cho họ về một người đàn bà góa nghèo. Bà đã đi qua gần chỗ Người đang đứng và bà đã làm một việc, mà Ðức Giêsu lấy làm tâm đắc và cho là rất đáng đề cao. Ðó là bà đã bỏ vào một trong mười ba hòm tiền quyên góp của đền thờ để gần đó hai đồng xu nhỏ. Những đồng xu được đúc bằng đồng đỏ này là những đồng tiền nhỏ nhất ở Do-thái vào lúc bấy giờ và được gọi là Pê-ru-ta. Nhưng vì thánh sử Mác-cô viết Phúc Âm này cho một cộng đoàn tín hữu không hiểu tiếng Do-thái, nên ngài đã gọi đồng tiền đó bằng tiếng Hy-lạp là Lép-ta, để khi họ nghe câu chuyện, có thể tưởng tượng được số tiền bà góa dâng cúng là bao nhiêu !

Thuộc về khung cảnh của câu chuyện còn có một điều gây thắc mắc. Ðó là câu : « Ðức Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền dâng cúng cho đền thờ » (Mc 12,41). Nhưng trên thực tế, ở trong đền thờ Giê-ru-sa-lem không hề thiết kế chỗ ngồi. Ðiều đó có thể giải thích là sau thời Ðức Giêsu việc ngồi trong đền thờ mới bị cấm, hay cũng rất có thể là thánh sử Mác-cô, một người ngoại giáo mới trở lại đạo, đã không biết rõ được tất cả những tục lệ và thói quen trong đền thờ chăng !


Một câu hỏi khác nữa, là làm thế nào Ðức Giêsu có thể biết được người ta đã bỏ bao nhiêu tiền vào hòm tiền đền thờ ? - Nhưng điều này đã tìm được sự giải thích : Trong việc dâng cúng ở đền thờ Giê-ru-sa-lem xưa kia, người ta không trực tiếp bỏ tiền vào hòm tiền đền thờ, nhưng họ trao số tiền cho vị Thầy cả đứng gần đó, vị này sẽ kiểm soát giá trị của tiền dâng cúng và nêu lên mục đích xử dụng. Sau đó số tiền mới được bỏ vào hòm tiền. Một việc làm quá quen thuộc như thế hầu như ai cũng đều có thể nhìn thấy, chứ không thể che mắt quần chúng đang đứng chung quanh được. Vì thế, khi có một người giàu có nào đến dâng cúng một số lượng tiền to lớn, thì đều được hô to lên và đương nhiên gây được sự ngạc nhiên và khâm phục của đại chúng. Còn đối với trường hợp của người đàn bà góa nghèo là cả một việc thật tế nhị ! Nếu vị Thầy cả khi nhận hai đồng xu quá ít ỏi của bà, mà biết thông cảm hoàn cảnh của bà, không rao lên mục đích xử dụng hay chỉ nói nho nhỏ, thì mới hy vọng là những người đứng đầy chung quanh không nghe biết được.


Bây giờ chúng ta quay về người đàn bà : Bà là một người góa chồng và được nói đến như là một người nghèo đói. Vâng, khác với ngày nay, xưa kia ở Do-thái những người đàn bà góa và các trẻ con mồ côi là những thành phần xã hội bất hạnh và bị mất mát thua thiệt nhất.


Trước hết, qua cách ăn mặc người ta nhận ra ngay bà là một người góa; Còn hai đồng Lép-ta thực ra chỉ có một giá trị tối thiểu. Ðó là điều không lấy gì làm ngạc nhiên cả. Bởi vì người đàn bà goá không hề có lương thưởng lợi nhuận riêng. Khi chồng bà chết, bà phải trở về nhà cha mẹ đẻ của mình. Nếu người cha đẻ của bà cũng không còn nữa, thì còn lại một cách là đi ăn mày của bố thí. Và dĩ nhiên, cuộc đời của một người đành phải ngửa tay đi ăn mày kẻ khác như thế, éo le và nhục nhã như thế nào, những người đương thời ai cũng đều biết.


Vì thế, Ðức Giêsu đã can thiệp. Người giải thích cho các môn đệ điều Người vừa quan sát thấy. Nhưng Ðức Giêsu lại không đưa ra một lời kết luận rõ rệt về câu chuyện này. Cả đến một hướng dẫn thực dụng về đạo đức cũng không. Chúng ta còn nhớ trong câu chuyện người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, Người đã nói : « Ngươi hãy đi và cũng hãy hành động như vậy » (Lc 10,37). Còn ở đây, Ðức Giêsu lại không hề khuyên các môn đệ của Người hãy hành động giống như bà góa nghèo kia, tức đem trút hết số tiên bạc họ có vào trong hòm tiền đền thờ ! Hơn nữa, Người cũng không hề phê bình những người giàu có dâng cúng tiền cho đền thờ, trái lại chúng ta còn có cảm tưởng là Người cũng coi việc những người giàu đổ tiền vào đền thờ là một việc chính đáng !


Vậy, chúng ta phải nghĩ gì về sự việc đó ? Sự việc là có kẻ thì tiền bạc dư thừa, còn có kẻ khác lại hầu như chẳng có gì cả ! Phải chăng những số tiền to lớn được dâng cúng cho đền thờ là không nhất thiết quan trọng ? - Ở đây, câu trả lời đã quá rõ ràng : Mục đích được xử dụng đã được ghi rõ rệt; tất cả mười ba hòm tiền chứa đựng tiền bạc dâng cúng của khách thập phương là cốt để phục vụ đền thờ và để trang trải những tốn kém trong việc thờ phượng trong đền thờ. Nói cách khác, việc dâng cúng tiền của cho đền thờ là một việc chính đáng, cần thiết và rất đáng khuyến khích. Vậy, chỉ còn lại sự khác biệt thuộc lãnh vực tinh thần. Ðức Giêsu biết rõ điều đó, nhưng Người không nêu danh ra. Ðó là ý nghĩ và tâm tình của người dâng cúng.


Nhưng nếu bảo người đàn bà góa nghèo đã dâng cúng nhiều hơn những người giàu có, thì người ta phải hiểu điều đó như thế nào ? Rất có thể Ðức Giêsu cho rằng trước mặt Thiên Chúa, giá trị thực sự của một lễ vật không nằm trong số lượng hay giá trị tiền bạc do người đời thiết định, nhưng ở một chỗ khác !


Nếu người ta không thể căn cứ vào tiền bạc để phân biệt giữa giàu nghèo, thì có lẽ tư cách và phẩm chất của người dâng cúng mới đáng được đánh giá ? Trong câu chuyện chúng ta đề cập tới ở đây, có lẽ nhà triết học Erich Fromm đã phẩm định rất đúng, là : Một người có một cái gì đó, còn một người khác là một cái gì đó ! Chắc chắn Ðức Giêsu cũng có một ý nghĩ tương tự. Trên thực tế, Người đã không đòi hỏi các môn đệ của Người : Các con cũng hãy hành động như bà góa nghèo ! Nếu không, điều đó sẽ có nghĩa là : Khi các con đã dâng cúng mọi sự cho đền thờ, bấy giờ các con mới là môn đệ đích thực của Thầy ! Theo thiển ý, tôi nghĩ rằng Ðức Giêsu có thể kết luận câu chuyện : Các con hãy trở nên giống như bà góa ! Bà đã chứng tỏ cuộc sống của bà hoàn toàn thuộc về một mình Thiên Chúa. Bà không có của cải gì cả để có thể dâng cúng cho đền thờ Thiên Chúa. Thực ra, bà không cần phải lo dâng cúng gì cho Thiên Chúa nữa cả, bởi lẽ bà đã thuộc về Người hoàn toàn rồi. Bà cho đi một cách thảnh thơi và trọn vẹn, không san sẻ, vì bà không lo sợ trước cuộc sống, v,v... ! Ðúng vậy, Ðức Giêsu có thể lý luận một cách tương tự. Nhưng trên thực tế, Người đã không nói gì cả !


Chúng ta đã từng đọc thấy trong Phúc Âm là trong mỗi giờ giáo huấn Ðức Giêsu thường nêu lên một đòi hỏi gì đó về việc đạo đức hay đưa ra một hướng dẫn cụ thể về luân lý, để giúp con người định hướng được đời mình một cách đúng đắn ! Thế nhưng, trong câu chuyện người đàn bà góa nghèo này, người ta không cần phải áy náy lương tâm, không cần phải nóng nảy thúc bách gì cả. Chỉ cần phải bình tĩnh kiểm điểm lại tư cách và trạng thái của tâm hồn mình trước mặt Thiên Chúa.


Câu chuyện người đàn bà góa dâng cúng tiền vào hòm tiền đền thờ này được kết thúc không bằng một lời dạy luân lý, cũng không bằng một lời khuyên cụ thể về phương thức hành xử nào cả. Tuy nhiên qua câu chuyện, người ta có thể tự đoán biết Ðức Kitô muốn nhắc bảo ta điều gì : Con hãy sống và hành động chân thành, nhiệt tâm và bền vững. Nếu con giúp đỡ ai, con hãy giúp đỡ cách thành tâm và hết lòng, theo khả năng con cho phép. Nếu dâng cúng tiền của hay bất cứ điều gì cho Thiên Chúa và Giáo Hội Người, con hãy dâng cúng theo khả năng của con, nhưng phải dâng một cách thành tâm. Bởi vì trước mặt Thiên Chúa, của lễ cũng như số lượng của lễ hoàn toàn không quan trọng. Chính tâm tình con thảo và tấm lòng trung hậu của con người mới là điều Thiên Chúa muốn và vì thế mới là yếu tố có tính cách quyết định.

LM Nguyễn Hữu Thy

BỐ THÍ
Mc 12, 38 - 44

Nói đến bố thí người ta nghĩ ngay đến cho đi những gì thuộc về vật chất như: tiền bạc, cơm ăn, áo mặc.
Xin ông bà làm ơn, làm phước cho con xin đồng tiền bát gạo.
Câu xin này khiến chúng ta liên tưởng đến của cải, vật chất khi bố thí. Thực ra việc bố thí bao la hơn câu trên. Bản chất của bố thí là cho đi với lòng yêu mến, vì chạnh lòng thương. Cho vì thương người nghèo khó, túng quẫn. Cho vì lòng mến Chúa thương tha nhân. Cho bao gồm của cải, vật chất, nhà cửa, ruộng vườn, việc làm, thời giờ, sự hiểu biết, tinh thần hoặc ngay cả tình yêu.

CHO HAY BIẾU


Tùy theo đối tượng nhận mà việc cho mang tên thích hợp. Cha mẹ để ruộng vườn, tài sản cho con cái gọi là đất hương hỏa. Con cho cha mẹ thì thành của biếu. Cùng một món quà nếu vua cho dân gọi là lộc vua; dân cho vua phải gọi là tiến vua; bạn bè cho nhau thành quà tặng; giầu cho nghèo biến thành bố thí; giáo dân cho Giáo Hội là dâng cúng. Giáo Hội cho giáo dân là ban ơn. Mang hoa cho Đức Mẹ gọi là dâng, tiến hoa. Cho tiền xây cất tượng đài hay thánh đường gọi là ủng hộ. Bỏ tài lực và công sức phục vụ coi là hy sinh.


CÁCH NHÌN KHÁC NHAU


Phúc âm nhắc việc bà góa bỏ tiền vào nhà thờ. Có hai cách nhìn khác nhau. Ta nhìn bên ngoài để nhận định sự việc. Chúa đánh giá tấm lòng bên trong. Ta nhìn giá trị vật chất đo lường lòng hảo tâm người cho. Chúa nhìn vào giá trị sâu thẳm trong tâm hồn để định lượng sự việc. Ta nhìn vào số tiền dâng cúng đem lòng kính trọng. Chúa nhìn vào tình yêu, lòng mến tỏ lòng quý mến.


'
Lắm người giầu bỏ thật nhiều tiền. Bà góa nghèo bỏ hai đồng. Chúa khen bà: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết.' Vì

'
mọi người lấy tiền dư bạc thừa của họ và đem bỏ vào đó, còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.'

Chúa nhìn thấy nội tâm còn chúng ta làm sao biết được lòng người. Chấp nhận lập luận này đồng nghĩa với chấp nhận tránh phán đoán vì không rõ lòng người. Với Chúa kẻ bố thí nhiều không phải là cho nhiều tiền mà cho với nhiều tâm tình. Tâm tình đó đến từ lòng mến, chân thành. Chúa khen bà góa vì bà cho của túng thiếu, tiền dùng mua cơm chiều nay nhưng bà dốc cạn túi dâng cúng.


BỐ THÍ ÂM THẦM


Có nơi vì mong đạt mục đích muốn thực hiện hoặc do quá sốt sắng biến vật chất thành chính, tâm tình hiến dâng thành phụ. Dùng Danh Cha làm sáng danh con. Xấp bạc biến người đó thành ân nhân ưu hạng của cộng đoàn dân Chúa. Ân nhân loại cao cấp được thưởng ba hồi chuông trong ngày lễ an táng, trọn đời hưởng lễ đặc biệt dành cho. Nên nhớ lời Chúa hứa chắc chắn hơn ngàn lần lời cha hứa. Chúa dậy khi làm phúc bố thí đừng khua chiêng gõ mõ. Trong khi đó cha nêu danh cho bá tánh biết để noi gương. Lời hứa khó thực hiện. Khi cha xứ đổi đi nơi khác bàn giao 'ân nhân' cho người thừa kế dù người này không hứa. Đôi khi không bàn giao lời hứa. Chúa không bao giờ nuốt lời hứa nhưng cha hứa đôi khi phải xét lại vì cha cũng có tính mau quên.


Chúa hứa dù cho một chén nước Ngài cũng không quên. Xin nhớ câu tiếp theo 'vì Danh Chúa'. Bố thí vì Danh Chúa sẽ không bị lãng quên, nhưng bố thí cho danh con cả sáng, sổ vàng ân nhân thì lại khác vì đã được đồng đạo ca tụng ban khen.


'
Vậy khi bố thí, đừng có khua chiên đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em'. Mat 6,1-4.

Cần nơi thờ phượng khang trang sạch sẽ là điều tốt. Nhà của Chúa nên phải coi trọng. Còn Đền Thờ Chúa Thánh Thần thì sao? Cũng phải coi trọng. Anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần vì thế mà việc bố thí cho kẻ đói ăn, khát uống, lạnh cho áo mặc, rét run sưởi cho ấm, cô đơn đến ngồi bên, bệnh tật cho thuốc uống, quan trọng ngang với xây dựng nhà Chúa. Nhà Chúa nguy nga phản lại đền thờ Chúa Thánh Thần rách nát. Hãy chăm sóc đền thờ sống động nhiều hơn, quan tâm đến đền thờ biết đi, biết xin, biết đói, biết khổ nhiều hơn vì điều đó làm đẹp lòng Chúa. Ngày phán xét Chúa cũng chỉ hỏi có bấy nhiêu.


Hy sinh mong được tiếng sẽ mất tiếng. Hy sinh không cần tiếng lại nổi tiếng. Đó là trường hợp của Thánh Phanxicô thành Assissi, của Vinh Sơn Đệ Phaolô, của Mẹ Têrêsa thành Calcuta, Mary Mc Killop của Úc. Tất cả đều cho đi trong âm thầm khi chết người vang lời ca tụng.


Không ai phủ nhận cho đi là cách làm giầu tốt nhất. Nhưng phải cho đi theo tinh thần của bà góa cho tiên tri Elia (1V 17,10-16) miếng bánh. Đây chính là đền thờ sống động. Cho đi trong tinh thần bà góa Chúa nhắc đến trong phúc âm Mc 12,41-44. Đây chính là đền thờ gỗ đá, nhà Chúa. Cả hai đều tốt vì cả hai đều làm âm thầm, khiêm nhường và yêu mến.

Lm Vũđình Tường

MỘT TẤM LÒNG THÀNH DÂNG CHÚA
Mc 12, 38 - 44

Chúng ta không biết số phận người đàn bà nghèo khó trong Phúc Âm hôm nay sẽ ra sao, sau khi bà ta bỏ hết số tiền mình có vào thùng dâng cúng: "Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma,... Còn bà này đã túng thiếu lại bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân." Liệu sau đó bà chết đói không? Tuy nhiên người đàn bà goá trong bài đọc một hôm nay lại được Thiên Chúa thưởng công: "hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất." Chẳng là vì bà đã hy sinh nắm bột cuối cùng để nuôi sống tiên tri Elia, người của Thiên Chúa. Chúng ta tin chắc Chúa Giêsu không để bà goá ở đền thờ Giêrusalem chết đói. Nhưng chúng ta nghĩ thế nào về những hành khất chung quanh mình? Liệu họ có phải tử vong vì lòng hẹp hòi của chúng ta? Xin đừng môi miệng suông, nhưng xin hãy thực tế. Người xưa đã nói: "Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc giúp cho một người." Ngày nay trên thế giới còn ức triệu người vô danh tiểu tốt, nửa sống nửa chết vì thiếu thức ăn. Liệu chúng ta dám bớt phần phung phí để giúp họ? Liệu chúng ta nghe thủng lời giám mục Herder Camara Châu Mỹ La Tinh: "Giảng về người nghèo thì dễ, sống như họ mới khó", nó đòi hỏi ơn thánh và sự can đảm. Chúng ta rao giảng về sự nghèo khó nhiều rồi, nhưng sống được bao niêu? Hay chỉ khua môi miệng khoác lác. Sống nghèo là một điều kiện cần thiết để theo Chúa.

Trong Cựu Ước săn sóc người nghèo khổ là điều bắt buộc thành luật: "Tuyệt nhiên giữa anh em không có người nghèo"(Đnl 15, 4) nhưng cho đến bây giờ luật này thường bị coi nhẹ bởi những kẻ chỉ lo cho bản thân mình. Cho nên chẳng lạ gì chúng ta được nghe câu truyện hôm nay. Nó nhằm cảnh tỉnh những thính giả của Chúa Giêsu. Chúa muốn nói gì? Thường thường người ta nhắc đến đồng xu của bà goá, khi muốn ca ngợi hay tán dương một tấm lòng rộng rãi. Tuy nhiên nó có nghĩa, việc đóng góp dù nhỏ thế nào cũng có giá trị, nhất là khi người ta đóng góp bằng ngân sách nhỏ bé của mình.


Nhưng câu truyện bà goá dâng cúng được đặt ngay sau lời chỉ trích của Chúa Giêsu về các kinh sư: "Anh em phải coi chừng các ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi chỗ nhất trong bữa tiệc. Họ nuốt hết tài sản cuả các bà goá. Lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ." Chúng ta khó mà tưởng tượng quí vị kinh sư này lao động cực nhọc trong các bộ áo dài. Coi chừng đó cũng là hình ảnh của các đấng bậc ngày nay, khi họ tìm kiếm những lợi lộc trần gian.


Than ôi, liệu chúng ta có thể tránh khỏi lời khiển trách của Chúa Giêsu không? Nếu cứ tiếp tục nếp sống hiện nay? " Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn", bởi vì họ nuốt hết tài sản của các bà goá. Các đồng tiền dâng cúng có lẽ sẽ rơi vào gia đình họ hết thảy vì cầu nguyện lâu giờ. Hoặc họ lợi dụng các của cải nâng đỡ người nghèo khổ trong dân mà lo cho bản thân, còn càc bà goá để mặc lây lất giữa dòng đời: sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Lòng tham lam của con người luôn luôn như vậy, bất chấp lề luật và lời khuyên răn. Liệu bạn có thể tưởng tượng ra lời kết án nào nặng nề hơn lời Chúa Giêsu hôm nay? "Nuốt hết tài sản các bà goá". Nghĩa là họ dùng đủ mọi mánh khoé để có cuộc sống sung túc trên lưng các người nghèo khổ. Nghe câu truyện chúng ta phải mủi lòng: "tất cả những gì bà có để nuôi thân. Liệu có phải đó là điều Thiên Chúa muốn nhắm tới những phung phí trong các bữa tiệc, dạ hội, agape của quan chức Giáo Hội?


Trong nội dung bài Tin Mừng Chúa Giêsu đặt song song hai nhóm người. một, các thày tiến sĩ luật ăn sung mặc sướng, nổi danh giữa đám đông lam lũ. Chúng ta có thể nghe văng vẳng bên tai lời chúc tụng ca khen. Tiếng chào đáp lại sang sảng với nụ cười tươi tắn trên môi. Những xoa đầu thăm hỏi lấy lệ. Họ được mời lên hàng đầu, chỗ danh dự trên cả những ông già bà cả. Tôi còn nhớ như in một linh mục trẻ được mời đến dự tiệc lễ quan thày của một giáo họ nhỏ. Ong bà trùm vì còn líu tiú với các khách khứa khác nên chậm tiếp đón linh mục. Ong tức mình bỏ về với lý do bận việc. Than ôi, môn đệ Chúa rao giảng hùng hồn giữa thánh đường về lòng khiêm nhường, kiên nhẫn giống Chúa Giêsu! chúng ta cũng chẳng hơn đâu. Tuy nhiên không phải Chúa Giêsu kết án tất cả các kinh sư. Tuần trước chúng ta được nghe Ngài khen ngợi một kinh sư khôn ngoan: "Ong không còn xa nước Thiên Chúa đâu." Hôm nay Chúa tập trung vào một loại kinh sư "đặc biệt" tham lam và giả hình. Loại kinh sư quên bẵng ơn kêu gọi của mình là phụng thờ Thiên Chúa chân thật và phục vụ tha nhân khốn khổ.


Nhóm người thứ hai là bà goá, trẻ mồ côi. Họ đứng tương phản sắc nét với các kinh sư, ký lục. Chẳng ai để ý tới họ. Chẳng ai chào hỏi một lời. Họ sống như những chiếc bóng giữa lòng xã hội: yên lặng và nghèo đói. Nguời thì bị bóc lột, kẻ bị các kinh sư nuốt hết gia tài, kẻ khác làm thuê làm mướn được chút lương ít ỏi như bà goá trong đền thờ hôm nay. Dù có ít đi nữa thì họ cũng đóng góp để nuôi sống kinh sư và bảo trì đền thờ. Thời ấy mỗi khi bỏ tiền vào thùng, người ta dơ cao món tiền trước mặt các tính hữu, rồi buông tay, tiền rơi kêu 'xoảng' vào đống tiền khác có trong thùng. Bà goá nghèo khó này chắc chắn ngần ngừ lâu lắm, có thể là đến mấy ngày, vì số tiền ít ỏi, chỉ có hai đồng kẽm là một phần tư xu Rôma. Cuối cùng bà mạnh dạn bỏ vào. Chúa Giêsu trông thấy vì bà cũng phải dơ cao lên cho thiên hạ xem. Xấu hổ chưa? Đúng là người đàn bà đạo đức, làm tròn bổn phận tôn giáo. Các kinh sư ngồi quanh đấy bĩu môi khinh bỉ. Còn Chúa Giêsu khen. Oi nhân tình thế thái. Giả như bà bỏ mấy đồng vàng, hẳn được danh giá. Nhưng không có nên bỏ tất cả những gì để nuôi thân. Trước mặt Thiên Chúa, hy sinh của bà đáng giá hơn các đóng góp to lớn khác của người giàu có.


Chúng ta đang tiến tới kết thúc năm phụng vụ, ít lâu nữa sẽ được nghe Chúa Giêsu nói về ngày cánh chung. Sự an toàn và nơi tin cậy của chúng ta xưa nay sẽ được lật tẩy và lượng giá lại. Liệu chúng ta sẽ bị xét xử khi thế giới của mình sụp đổ? Nếu chúng ta đặt tin tưởng vào vật chất, khinh thường Lời Chúa, chúng ta sẽ bị án phạt. Ngược lại, nếu vâng theo những giá trị Chúa dạy bảo trong các dụ ngôn, chúng ta sẽ được khen thưởng. Câu truyện hôm nay nhắc nhớ tín hữu phải thực hành tôn giáo từ cõi lòng mình với tinh thần ngay thẳng chân thật, chứ không giả đò hoang tưởng. Tinh thần ấy khiến cho mọi người phục vụ lẫn nhau, tìm ích lợi cho nhau trong hy sinh và quảng đại. Thái độ của Pharisêu và kinh sư cảnh tỉnh chúng ta đừng bao giờ lợi dụng kẻ khác. Đạo đức mà không có yêu thương chỉ là lừa dối. Chúng ta thuộc về nhóm nào trong hai hạng người nói trên? Thực tế nên xét lại trong các cộng đoàn tu trì, giáo dân, nhà thờ, giáo hội xem chúng ta sống theo tiêu chuẩn nào? Bày tỏ danh dự và trọng kính đối với ai? Những kẻ nặng túi hay người khố rách áo ôm? Chúng ta săn đón ai? Kẻ nhiều tiền lắm bạc hay hành khất ăn xin? Nếu chúng ta ưu ái tiền bạc hơn nghèo khó thì lúc ấy theo như Tin Mừng hôm nay, cộng đoàn chúng ta có vấn đề. Chúng ta bỏ lỡ lời dạy của Chúa Giêsu về người đàn bà nghèo khó ở tiền đình đền thờ Giêrusalem.


Trong hoàn cảnh của giáo xứ, tôi muốn biểu dương những công việc và hy sinh của các thành viên bé mọn. Họ là những ca viên, cậu giúp lễ, nhóm quét nhà thờ, người giật chuông, ông trùm bà trương, ông già bà cả đọc kinh sáng tối. Những nhân viên bác ái xã hội, người giúp đỡ các kẻ liệt, các đoàn thể. Họ là những linh hồn phục vụ theo khả năng của mình. Không có họ, giáo xứ không sao sinh hoạt nổi. Những đóng góp của họ dù là tiền bạc, dù là công sức rất giá trị trước mặt Đức Chúa Trời và Hội Thánh của Ngài. Ngoài ra còn các bà goá, già cả tật nguyền, cha mẹ một mình. những lao động chân tay trí óc, những lo toan kiếm sống. Tất cả đều cống hiến để xây dựng bộ mặt Chúa Kitô. Chắc chắn Chúa cũng nhìn đến công lao của họ và cũng khen thưởng như khen thưởng bà goá nghèo ở Giêrusalem: "Thầy bảo thật anh em, bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết."


Nếu không liên hệ với toàn bộ câu truyện, đoạn trích bài đọc một hôm nay có vẻ rời rạc, không đầu không đuôi. Số là đất nước Israel thời vua Akhap bị nạn hạn hán ba năm sáu tháng. "Ông Elia, người Títbê, trong số dân cư ngụ tại Galaat nói với vua Akhap rằng: có Đức Chúa Thiên Chúa hằng sống của Israel, Đấng tôi phục vụ: trong những năm tới sẽ chẳng có mưa có sương, nếu tôi không ra lệnh" (1V 17,1). Vị tiên tri chạy trốn nhà vua và hoàng hậu Idaven. Thiên Chúa hưá cho một bà goá nuôi ông. Như vậy mặc dù tài ba và danh tiếng, nhà tiên tri cũng phải hoàn toàn dựa vào Thiên Chúa để sống còn. Chúa nuôi sống ông bằng một bà goá nghèo khó. Cuộc sống của bà và đứa con trai đang bị đe doạ. "Có Đức Chúa Thiên Chúa của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi luợm vài thanh củi rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết." Vị tiên tri nài nẵng bà cho ăn. Ông biết Thiên Chúa dùng bà với phương tiện nhỏ bé để nuôi sống ông. Qua câu truyện chúng ta chứng kiến đức tin sắt đá của dân tộc Do Thái. Thiên Chúa nhìn rõ những nhu cầu của tuyển dân và đã dùng tiên tri để báo trước Ngài sẽ ra tay cứu giúp, bằng những phương tiện hết sức tầm thường, có thể nói là rất bé mọn thấp hèn. Vậy thì tại sao chúng ta lại sống kênh kiệu, khinh khi kẻ nghèo khó, tâng bốc kẻ có nhiều tiền lắm bạc? Thiên Chúa cứu chữa chúng ta qua những điều rất nhỏ mọn, không mấy ai quan tâm.


Ngài vẫn tiếp tục nâng đỡ sự nghèo khó của chúng ta qua các bí tích, nhất là Thánh Thể. Đừng coi thường một hành vi cử chỉ nào của phụng vụ, làm cho qua lần xong việc. Còn bao nhiêu bận bịu khác? Nhất là chúng ta phải có tinh thần chân thành thờ phượng và tạ ơn Chúa ban cho cuộc sống chúng ta muôn vàn ơn huệ, có khi ngộ ra được, nhiều khi không. Người đàn bà goá nghèo hôm nay dâng cúng để nuôi sống các kinh sư, tư tế thì chúng ta cũng được Chúa nuôi dưỡng bằng những phương tiện nhỏ bé như vậy. Đến lượt chúng ta phải nhận ra và giúp đỡ những kẻ nghèo hèn, bên lề, côi cút chung quanh mình, cũng bằng những của cải ít ỏi. Thiên Chúa chẳng hề thua lòng quảng đại của bất cứ ai. Ngài sẽ rộng rãi hoàn lại cho chúng ta gấp bội. Nếu chúng ta chỉ lưu ý đến kẻ giàu sang, danh tiếng, thượng lưu trang hoàng vàng bạc đầy mình. Lúc ấy chúng ta đi chệch con đường Chúa chỉ vẽ và cuộc sống đạo đức của chúng ta có vấn đề. Ước chi mỗi người tín hữu đều tốt lành cả trong các tháng cuối năm này. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP

ĐỒNG TIỀN QUÝ GIÁ
Mc 12, 38 - 44

Có một ông nhà giàu gặp một vị đạo sĩ ngồi ở gốc cây bên lề đường, liền hỏi : "Ông ngồi đây làm gì vậy ? Nhà tôi đang cần người giúp việc, về làm cho tôi ông sẽ có tiền". Vị đạo sĩ trả lời : "Cám ơn ông tôi rất sợ tiền bạc, vì ở đâu có tiền bạc ở đó có tội ác". Ông nhà giàu nói : "Ông rất lầm nên mới yếm thế bi quan. Thế gian có tiền là có tất cả. Có tiền mua tiên cũng được, khắp đông tây đều công nhận như vậy". Vị đạo sĩ trả lời : "Ông càng lầm hơn tôi, tiền bạc mở được mọi cửa trừ cửa thiên đàng. Đó là câu nói của các nhà đạo đức phương tây. Còn đông phương thì cho rằng : tiền bạc mua được tất cả nhưng không thể mua được lương tâm của người quân tử". Ông nhà giàu lại nói : "Ông biết chứ, lịch sử chứng tỏ tiền bạc đi tới đâu thì ở đấy phồn thịnh. Có phải tiền bạc đã biến đổi thế giới khổ cực thành xa hoa sung sướng không ?". Vị đạo sĩ trả lời : "Ông chỉ thấy tiền bạc có một mặt, ông không thấy mặt trái của nó, lịch sử cũng ghi rõ : tiền bạc đi tới đâu thì gieo chia rẽ giàu nghèo, gây nên cảnh bất công, ghen tương, tranh chấp và chết chóc". Ông nhà giàu không nói thêm gì nữa.

Cuộc đàm thoại giữa ông nhà giàu và vị đạo sĩ trên đây chỉ xác nhận những điều mà có lẽ tất cả chúng ta đều đã biết và công nhận như vậy. Bởi vì tự nó tiền bạc chỉ có một giá trị rất nhỏ. Theo cách đánh giá này thì tờ 500 đồng cũng giống như tờ 1 đồng, chỉ là một tờ giấy có in hình khác nhau, đáng giá vài xu do tiền giấy và công in. Nhưng theo giá trị định ước, thì tờ 500 gấp 500 lần tờ 1 đồng. Chính vì giá trị định ước này mà tiền bạc dù rách, dù hôi, nó vẫn được quý trọng, dù đẹp dù xấu, dù mới dù cũ, nó vẫn được người ta dành cho nhiều cảm tình. Nó được chuyền qua biết bao nhiêu bàn tay và được sử dụng vào muôn vàn việc khác nhau.


Tiền bạc là phương tiện giúp cho người ta trao đổi để dễ dàng sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Nên tiền bạc tự nó không xấu mà trái lại là đàng khác. Nhưng nó trở nên tốt hay xấu là do con người sử dụng nó. Nó có thể được dùng vào những việc gian manh, bất lương, xảo trá, gây nguy hiểm và tai hại cũng như được dùng vào những công việc bác ái, xây dựng tình yêu, tạo nên tình bạn hay đem lại những lợi ích vật chất và tinh thần.


Như vậy, tất cả chúng ta đều nhất trí rằng : tiền bạc tự nó là tốt và luôn luôn có giá trị rất thực tế theo như định ước người ta gán cho nó. Tờ 1000 đồng chắc chắn phải hơn tờ 50 đồng, tờ 100 đồng, tờ 500 đồng. Nhưng tại sao trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu lại nói hai đồng tiền kẽm, chỉ đáng một phần tư đồng xu Rô-ma của người đàn bà góa nghèo bỏ vào thùng tiền dâng cúng ở đền thờ lại quý hơn những số tiền lớn của những người giàu ?


Xét về số lượng thì chắc chắn hai đồng tiền của bà góa thua kém xa số tiền của những người khác. Nhưng xét theo tỉ lệ tương quan, nghĩa là về hoàn cảnh, về lý do, về mục đích thì người đàn bà này đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn, bà ấy đã cho nhiều hơn hết, vì bà không dâng những thứ dư thừa mà dâng những cái rất cần thiết để nuôi sống. Có thể số tiền đó chính là một ổ bánh mì, một lon gạo, một bó rau đủ để nuôi sống bà trong ngày hôm đó. Nhưng không, bà không lo đến tương lai, không lo ngày mai sẽ ra sao, bà chỉ biết phụng sự mà không biết lợi dụng tôn giáo hay lợi dụng Thiên Chúa. Trái lại, những người dâng cúng nhiều chỉ khoe khoang để tìm danh vọng tiếng khen. Số tiền họ dâng cúng tuy nhiều nhưng so với cơ nghiệp và gia tài của họ thì có thấm thía gì. Họ chỉ mất một ít tiền bạc nhưng lại được lời về danh giá và tiếng khen. Cho nên, thực sự họ chẳng cho hoặc dâng hiến được bao nhiêu. Đó là một cuộc đầu tư một vốn bốn lời. Đó là một sự lợi dụng tôn giáo và bác ái chứ không phải phục vụ. Chính vì lý do đó mà Chúa Giêsu đã đánh giá bà goá nghèo dâng cúng nhiều hơn mọi người.


Hơn nữa, đối với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là bao nhiêu, nhiều hay ít, miễn là với tất cả tấm lòng. Ngài không ham của cải Ngài đã ban cho loài người, nhưng chỉ muốn lòng thành thực của con người mà thôi. Cho nên, người ta có thể dâng thật nhiều cho Thiên Chúa, nhưng bao lâu người ta chưa dâng chính mình hay ít nữa những gì thuộc về bản thân, những gì liên hệ tới chính con người của mình thì kể là người ta chưa dâng hiến gì cả.


Qua bài Tin Mừng với việc làm của người đàn bà góa nghèo, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta biết ý nghĩa và giá trị của tiền bạc đối với người sử dụng nó và qua đó chúng ta rút ra được một bài học, đó là hãy biết cho đi. Bởi vì thương yêu là cho đi. Càng cho nhiều là dấu càng yêu thương nhiều, nhất là cho đi với một lòng thành thực thiết tha. Nhưng không phải chỉ cho những gì là vật chất như của cải, tiền bạc mới là cho. Chúng ta có thể cho những gì là siêu nhiên cao quý như lời cầu nguyện; và cho những gì là tinh thần như một nụ cười, một cái nhìn thiện cảm, một lời nói vui vẻ hiền hòa hay những lời an ủi chân thành...

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

TẤM LÒNG QUẢNG ĐẠI
Mc 12, 38 - 44

Thường con người ở trần gian luôn dựa vào bề ngoài như danh vọng, tiền của để đo lường sự hơn thua giữa người này với người khác, giữa tập thể này với tập thể khác. Nhưng đối với Chúa, đối với người đạo đức thì không, Chúa nhìn tấm lòng hơn là dựa vào cái mác, cái nhãn hiệu bên ngoài. Người đàn bà hóa ở Sarepta thật nghèo khó, nhưng tấm lòng lại vô lượng vô biên. Theo sách các vua cuốn thứ nhất trích đoạn I V 17, 10 - 16 ghi lại:" Bà góa ở Sarepta chỉ còn một chút bột, một chút dầu để mẹ con cùng ăn một bữa ăn cuối cùng cho đỡ đói, rồi cùng nhau chấp nhận chết đói. Thế nhưng, bà goá ấy đã quảng đại sẵn sàng nhường phần ăn của mẹ con bà cho ngôn sứ Ê-li-a, người của Thiên Chúa. Cử chỉ yêu thương, rộng lượng của bà đã gặp được lòng thương xót, quảng đại của Thiên Chúa. Suốt mùa hạn hán ở xứ sở, quê nhà, hũ bột của bà không bao giờ cạn và dầu trong bình nhà bà không bao giờ vơi. Nghĩa cử này, thánh sử Marcô cũng thuật lại về việc một bà già nghèo bỏ hai xu nhỏ vào hòm tiền nhà thờ và Chúa đã ca ngợi lòng quảng đại của bà.

Bài đọc I của sách các vua quyển thứ I, đoạn 17, 10-16 đã nói lên tất cả những gì Chúa đòi hỏi nơi con người. Việc hai mẹ con bà goá mở rộng lòng với ngôn sứ Ê-li-a nhường phần ăn cuối cùng của hai mẹ con cho người của Thiên Chúa đã được Thiên Chúa yêu thương, chấp nhận và ban ơn. Nhờ ân huệ của Chúa, phép lạ làm cho hũ bột luôn đầy và bình dầu luôn có sẵn là bằng chứng tình yêu của Chúa đối với những người có tấm lòng quảng đại và thương xót kẻ khác. Đoạn sách các vua hôm nay cũng dẫn con người đi vào tình thương cứu độ của Chúa Giêsu. Ngài là tư tế muôn đời, Ngài chỉ hiến dâng có một lần đủ để cứu độ muôn người khác với chức tư tế tạm thời của dân Do Thái xưa. Chúa yêu thương nhân loại, chạnh thương đám đông đói khát đi theo Ngài, nghe Ngài giảng dậy, Ngài nuôi họ bằng bánh và cá tiên trưng cho Mình Máu của Ngài sẽ đổ ra để cứu chuộc loài người. Hệ luận này đưa nhân loại đi vào cốt lõi của đoạn Tin Mừng thánh Marcô 12, 38-44 : " Bà goá trong đoạn Tin Mừng hôm nay cũng giống như bà goá Sarepta. Bà nghèo của, nhưng giầu lòng. Bà ít tiền, nhưng quảng đại ". Lòng quảng đại của bà đã khiến Chúa mủi lòng. Việc bà bỏ hai đồng xu nhỏ là cả gia tài để bà sống có giá trị hơn vàng bạc, ngọc ngà, châu báu của những người giầu có dư tiền, lắm của. Những người nhỏ bé, khiêm nhu, nghèo khó thường giầu lòng. Mẹ Maria cũng là người nữ hiền lành, khiêm nhượng và nhỏ bé trước mặt Chúa, nhưng Mẹ đã trở nên lớn nhất giữa mọi người nhờ :" Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ những điều trọng đại.."( Lc 1, 49 ). Chính lòng rộng lượng và trái tim nhạy cảm của hai bà goá đã nhận được lòng quảng đại của Thiên Chúa.


Đánh giá bề ngoài, dựa vào tiền của để xác định tiêu chuẩn ngôi thứ :" Tiền là Tiên, là Phật... là cái đà danh vọng...Tiền là hết ý ". Thước đo và tiêu chuẩn dựa vào tiền của, danh vọng, ngôi thứ trong xã hội chỉ là cái nhìn bề ngoài chưa phải là chính yếu. Chú chồn hoang khi từ giã Hoàng Tử Bé ( Petit Prince ) đã nói với Hoàng Tử :" Bí quyết thật đơn giản, người ta chỉ nhìn thấy tất cả với con tim của mình chứ không bằng đôi mắt ". Đồng tiền, danh vọng, phẩm hàm không phải là những cái không có giá trị, nhưng nếu chỉ dựa trên những tiêu chuẩn như thế để đo lường, để định vị con người, chắc chắn tất cả những cái đó chưa đủ nói lên tất cả. Hai đồng tiền nhỏ của bà goá nghèo dâng cúng không là gì đối với những người khác bỏ vàng, bỏ bạc vào hòm tiền dâng cúng. Nhưng Chúa Giêsu nhìn vào cõi lòng sâu thẳm của bà goá và cử chỉ khiêm nhượng, âm thầm của bà goá khi bà dâng cúng. Đức Kitô không quan tâm nhiều lắm tới bề ngoài của người dâng cúng, nhưng Ngài chú ý tới cõi lòng và cử chỉ, thái độ của người dâng cúng. Nói như thế không có nghĩa là Chúa phủ nhận tất cả những gì người ta dâng cúng nhưng Ngài không chú ý đến lễ phẩm và của dâng nhiều lắm, nhưng Ngài quan tâm tới cách dâng và cử chỉ dâng. Người đời thường nói:" Hữu ư trung xuất hình ư ngoại " ( Trong lòng có mới lộ ra ngoài ). Đúng lòng đi trước rồi của lễ đi sau. Chúa không bao giờ từ chối điều gì tốt con người tiến dâng cho Ngài, nhưng " bà goá đã hiến dâng tất cả những gì mình có để nuôi sống bản thân mình ". Điều Chúa đòi nhân loại, con người là quảng đại chia sẻ cả những cái mình có, chứ không chỉ những của dư thừa. Mà chia sẻ đòi hỏi không giới hạn và không tiếc xót. Đây là bài học quí giá mà phụng vụ Chúa nhật 32 thường niên, năm B đòi hỏi mỗi người chúng ta.


Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con trái tim mở rộng để chúng con biết chia sẻ với những người cần chúng con giúp đỡ. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN B
Mc 12, 38 - 44

Đóng góp là điều quan trọng cho việc xây dựng chung. Đối với Giáo Hội, người Kitô hữu cũng có bổn phận sống bác ái, chia sẻ và góp sức xây dựng nhà Chúa, giáo họ, giáo xứ ngày càng khởi sắc, ngày càng đi lên, ngày càng tốt đẹp. Nói thì dễ, thực hiện nhiều khi cũng có những lấn cấn, khó nói, khó làm. Các Kinh sư, Biệt Phái, Pharisiêu là những con người tự hào là thông suốt luật lệ, nhưng họ chỉ sống bề ngoài, hô hào to mồm, lớn tiếng nhưng thực tế họ chẳng đóng góp, chẳng chia sẻ mà chỉ bắt người khác làm theo những điều luật họ bầy vẽ thêm ra.

Chúa Giêsu hôm nay đã đưa ra trường hợp của một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm tiền trong đền thờ và Chúa đánh giá bà là người bỏ nhiều nhất vì bà đã đóng góp cả tài sản của bà vào đền thờ, vào nhà Chúa, vào Giáo Hội.


Ở đây ta thấy: Vẫn là cái hì hợm, cái ngộ nghĩnh nực cười và hết sức lố bịch của những người Biệt Phái, những Kinh Sư những người Pharisiêu, những nhà thông luật theo cái nhìn của Chúa Giêsu:


Tin Mừng của thánh Marcô 12, 38-44 chia ra làm hai phần thật rõ rệt: Chúa Giêsu ngay tại Giêrusalem, kinh đô tôn giáo của các Biệt Phái, Pharisiêu và các nhà thông luật quản lý, điều khiển, đã lên án gay gắt các hạng người này vì họ chỉ lớn tiếng, to mồm, hô hoán đủ thứ và bầy biện ra đủ mọi thứ khoản luật xem ra rất chi li hòng chất lên vai người khác, chứ chính họ không đưa ngón tay lay thử. Thánh Marcô rất dí dỏm khi viết về các Đấng, các Bậc này rằng: họ xúng xính trong bộ áo thụng, đeo thẻ kinh rỏng rẻng ở tua áo, ưa được bái chào người đường và thích ngồi chỗ nhất trong các đám tiệc tùng. Họ hám danh, hám lợi và lợi dụng chức vị để làm tiền những người nghèo khổ: họ giả bộ đọc kinh dài để nuốt tài sản các bà góa. Họ gài bẫy, giăng giây để kiếm cớ bắt bẻ, ám hại Chúa Giêsu nhân danh các tập tục, truyền thống họ tự nhận có quyền phải bảo vệ. Đi sâu vào tâm địa, vào cõi lòng ác độ của họ, nhiều lần Chúa Giêsu đã lột mặt nạ của họ. Thay vì bảo vệ các bà goá, những cô nhi, những kẻ nghèo hèn, thấp cổ bé họng, các kinh sư, biệt phái đã hùa nhau "nuốt hết tài sản của họ", nên cuộc sống của những người càng lúc càng trở nên bi đát hơn, quả những người tự xưng bảo vệ tập tục, truyền thống, bảo vệ tôn giáo càng lúc càng trở nên bỉ ổi, đê tiện ! Do đó, Chúa Giêsu đã kết án bọn luật sĩ cách nặng nề và cảnh tỉnh mọi người lưu tâm, để ý, xa lánh bọn luật sĩ này vì họ là những mục tử thật gian ác, vô tâm, không có lòng tốt.


Trong phần hai của đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đề cao cử chỉ đẹp của người đàn bà góa nghèo.Chúa Giêsu đã đi từ một sự quan sát thực tế khi Ngài để ý xem những người bỏ tiền vào thùng tiền trong nhà thờ. Chúa đã thấy những cử chỉ, những điều mà kẻ khác không thể thấy vì vô tình hay do cõi lòng đã quen đánh giá sai lạc những sự kiện, những việc người khác làm.


Đối với Chúa Giêsu, sự việc thực tế diễn ra ngay trong đền thờ là một bài học Ngài dậy các môn đệ và mọi người. Đây là một câu chuyện thực có tính tương phản, đối nghịch: một bên là những người giầu có, lắm của nhiều tiền, một bên là bà goá nghèo.Tính cách tương phản được hiện lên rõ nét: khi các người giầu bỏ nhiều tiền nhưng là của dư thừa vào hòm tiền; còn bà goá bỏ một phần tư xu, tức hai đồng " tiền còm", nhưng đó là tất cả gia tài chắt chiu cho cuộc sống của bà. Chúa Giêsu đã không chú ý đến số lượng, bề ngoài, dáng vẻ đạo đức, y phục, thẻ kinh, tua áo, sách kinh nặng trịch hay chỗ cao chỗ thấp trong Hội Đường, mà Ngài nhìn đến tấm lòng, cử chỉ đẹp, ý nghĩa của đồng tiền và thái độ của người dâng cúng. Chúa Giêsu đã chú ý đến thái độ âm thầm khiêm tốn của bà góa khi dâng cúng số tiền nhỏ, nhưng là gia tài dùng để nuôi thân, độ nhật của bà. Chúa Giêsu đã định giá trị của việc dâng cúng:" thiện căn ở tại lòng ta" và " của ít lòng nhiều ". Bài học khác được rút ra nữa là lòng quảng đại chia sẻ thì vô giới hạn. Điều Chúa nhắm tới là chia sẻ, chứ không phải làm phúc. Chia sẻ với người khác không những của dư thừa ta có mà còn cho đi cả những điều cần thiết ta có để khỏa lấp nỗi túng quẫn và đau khổ của con người, nhất là những người nghèo khổ, neo đơn, thất vọng.


Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim nhạy cảm, quảng đại để chúng con luôn biết chia sẻ theo ý Chúa
.

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

PHẨM GIÁ ĐỜI SỐNG
Mc 12, 38 - 44

Bài Phúc Âm hôm nay có thể chia hai phần:
Phần 1: Chúa Giêsu chê những người luật sĩ kênh kiệu, giả hình và ham danh. Trong xã hội Do Thái bấy giờ đang bị thống trị bởi ách đô hộ ngoại bang Roma có ba lập trường khác nhau:
a. Lập trường cộng tác với chính phủ ngoại bang của các gia đình quý phái tư tế, giữ các chức vị Thượng tế, cai quản đền thờ và bè Sadoc.
b. Lập trường chống đối của các nhà ái quốc tự mệnh danh là nhiệt thành như Yuda người Galilê đã cầm đầu nổi loạn và bị đàn áp cách tàn nhẫn hồi Chúa Giêsu còn bé, hay Baraba được dân xin Philatô cho phóng thích (Mt 27,21).

c. Lập trường hàng phục thụ động của biệt phái, ký lục và luật sĩ. Đám dân đen còn lại thì bị hoang mang bơ vơ như "đàn chiên không người chăn dẫn" (Mc 6,34). Đám luật sĩ bị Chúa Giêsu chỉ trích trong bài Phúc âm hôm nay thuộc phe hàng phục thụ động ngoại bang để vớt vát những tư lợi của cá nhân mình. Đồng thời họ lại là những kênh kiệu ham danh, giả hình. Họ giống như "những mồ mả tô vôi mã ngoài đẹp đẽ nhưng bên trong thì đầy xương cốt thây ma xú uế" (Mt 23,27).


Phần 2: Chúa Giêsu khen sự dâng cúng quảng đại của một bà góa nghèo vì tuy chỉ bỏ có hai đồng tiền nhưng thực sự đã dâng cúng nhiều hơn hết vì "những người khác bỏ của mình dư thừa còn bà này đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống" (Mc 12,44).


Như thế phẩm tính đời sống con người và nhất là lòng đạo đức không thể được thẩm định bằng cách sống hình thức bên ngoài nhưng chính là bằng sự cố gắng và thành tâm bên trong. Chính Chúa Giêsu đã dạy: "Không phải kẻ chỉ kêu lạy Chúa mà vào được nước thiên đàng, nhưng là kẻ thực thi Thánh ý Chúa" (Mt 7,21). Vì thực thi Thánh ý Chúa mới là yêu mến Chúa thật: "Ai yêu mến Ta thì tuân giữ giới luật Ta" (Ga 14,05).


Nhân đọc bài Phúc âm này chúng ta phải xét lại việc sống đạo của chúng ta: giả hình bên ngoài hay thực tâm bên trong.


Lạy Chúa, tuần này con quyết tâm xa tránh cách sống phô trương giả hình bên ngoài.

Lm. Bênađô Nguyễn Tiến Huân

VAY DẦU
Mc 12, 38
- 44

Vay dầu là việc rất thường trong giới nông dân. Dầu dùng đốt đèn không mua nhiều. Một năm đi chợ vài lần, mỗi lần mua một lít, dùng hết lần sau đi chợ mua tiếp. Nhà mua hai lít vừa có dầu dùng quanh năm lại có dầu dư dự trữ coi như là giầu, thuộc giới trung lưu.

Gia đình nghèo thường tối thắp đèn mới biết là hết dầu. Trường hợp khẩn cấp như thế mẹ sai con mang cái chai vay mượn dầu, đốt tạm, qua đêm, khi nào ra phố chợ mua dầu về trả lại. Không may nhà kia cũng hết dầu, đành phải sang nhà khác mượn tạm. Dân quê không phải chỉ vay dầu mà đôi khi còn vay cả mỡ, nước mắm, muối. Sau này tình trạng nghèo đói khổ sở hơn nên có thêm tình trạng vay gạo. Không mấy ai vay đường, cafe hay rượu vì chúng thuộc vào hàng xa xỉ, hàng ăn chơi. Thiếu thì chịu khó nhịn, đi vay sợ thiên hạ chê cười. Thiếu ăn uống đã thấy khổ; thiếu ánh sáng, sống trong tối tăm, xem ra khổ sở hơn.


Dầu đốt đèn mang lại ánh sáng cho cả nhà, mặc dù lu mờ nhưng đủ soi sáng trong một vùng giới hạn nào đó. Ánh sáng đèn dầu mang lại tượng trưng cho sự khôn ngoan, ánh sáng trong tâm hồn. Gọi là ơn khôn ngoan vì ơn đó dẫn tâm hồn đến với Chúa. Ơn khôn ngoan soi sáng cho biết tâm hồn ta khao khát Chúa và chỉ trong Chúa linh hồn mới no thoả. Để tâm hồn no thoả không gì bằng sống vâng phục thánh ý Chúa vì thánh ý luôn hướng dẫn ta tới điều thiện hảo. Có thiện hảo là có niềm vui. Niềm vui có được vì tâm hồn bình an, hoan lạc. Tâm hồn an vui no thoả vì được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, không còn đói khát chi.


Ơn khôn ngoan cần cho cả xã hội lẫn Giáo Hội. Ngoài xã hội ơn khôn ngoan giúp ta sống công chính, việc phải làm, điều phải tránh. Ơn khôn ngoan giúp suy tính hơn thiệt và biết chọn lựa điều tốt lành, ngay cả việc bảo vệ công lí.


Ơn khôn ngoan trong Giáo Hội giúp ta tiến trên đàng nhân đức, đàng lành thánh. Ơn khôn ngoan còn giúp ta biết vững lòng cậy trông vào Chúa khi hoạn nạn, tìm ủi an trong đau yếu bệnh tật, phó thác khi đối diện với gian nan, thất bại trên trường đời. Quan trọng nhất là ơn khôn ngoan giúp ta biết dâng lời cảm tạ khi thành công, mạnh khoẻ, cũng như khi gian nan, khốn khó. Nên nhớ mọi ơn đều do Chúa ban, ngay cả sức khoẻ, sự sống. Không dâng lời cảm tạ là sống vô ơn. Gặp gian khó luôn phó thác, không than phiền, phàn nàn nhưng kết hợp đau khổ đời ta với đau khổ thập giá Đức Kitô để cùng chia sẻ chén đắng với Ngài.


Phúc âm nhắc đến hai nhóm người cùng có chung mục đích là dự tiệc cưới, cùng chịu chung hoàn cảnh, chờ chàng rể đến trễ. Năm cô được liệt vào sổ khôn ngoan vì khi đi mang đèn có dầu kèm theo; năm cô liệt vào số khờ dại vì khi đi chuẩn bị mang đèn mà không mang dầu. Dầu cạn, các cô không biết tìm đâu ra nên bị loại, không được tham dự tiệc cưới. Hình ảnh đèn sáng trong tay trái nghịch hình ảnh cầm đèn hết dầu, u mê, tối tăm. Phải chăng hình ảnh đêm tối gắn liền với thất bại. Lấy gì sưởi ấm, soi sáng lúc mây mù che phủ cuộc đời. Thiếu ánh sáng sao biết đường thoát nạn khi cuộc đời gặp hoạn nạn, lúc gian nan. Mặc dù đèn hết dầu vô dựng mà vẫn phải cầm đèn không thể quẳng nó đi. Đèn hết dầu không giúp ích chi còn trở nên tai vạ, mang kè kè bên mình.


Họ chạy đến kêu cầu cứu, chị em bạn xin lỗi không thể giúp. Hãy lo liệu cách khác thì tốt hơn. Không tin tưởng vào Chúa lúc loài người lắc đầu, bó tay chạy vào đâu. Rơi vào tình trạng của các cô khờ dại, nửa đêm hết dầu. Người có ơn khôn ngoan chạy đến cùng Thiên Chúa nhận ơn trợ lực. Nhờ soi sáng, hướng  dẫn, đong đầy dầu vào tâm hồn.


Mọi tư tưởng hành động dẫn ta xa Chúa đều không phải do ơn khôn ngoan soi sáng. Bởi vì tư tưởng đó dẫn đến đường cụt, đường cùng, không lối thoát khi gặp nguy biết kêu cầu, chạy đâu tìm nơi nương tựa. Ai cũng có ngày phải chết, tránh không được. Ngày buồn phiền đó sớm muộn gì cũng tới nhưng kẻ tin vào Chúa được Chúa biến ngày đó thành ngày vui hội ngộ. Ngày niềm tin sáng tỏ, ngày hy vọng được toại nguyện.


Vì nếu chúng ta tin Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người 1Tx 4,14


Vậy anh em hãy dùng lời đó mà an ủi nhau khi người thân ra đi. Chúng ta cũng xin ơn khôn ngoan, biết chuẩn bị cho tương lai như năm cô khôn ngoan, mang đèn có kèm theo dầu, vì chúng ta không biết ngày giờ nào đèn của mình sẽ tắt.

Lm Vũđình Tường

THÁI ĐỘ SỐNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC
Mc 12, 38 - 44

Trong việc giảng dạy, Chúa Giêsu luôn tỏ ra là một nhà sư phạm tuyệt vời. Phương pháp Ngài sử dụng rất sống động, và bài học cũng rất thiết thực. Hôm nay, bài học mà Ngài muốn dạy những kẻ đi theo Ngài, đó là thái độ sống đích thực của người môn đệ Chúa Kitô. Vậy cụ thể đó là thái độ nào ?

Chắc chắn đó không phải thái độ sống của những người Biệt Phái: thái độ háo danh, hám lợi: "Thích được người ta chào hỏi nơi phố chợ, ưa chiếm chỗ nhất trong các hội đường..."; thái độ tham lam tiền bạc: "Muốn nuốt hết tài sản của các bà goá..."; thái độ giả hình giả bộ: "Làm ra vẻ đọc kinh dài dòng...". Đây là thái độ mà Chúa Giêsu cho biết sẽ bị kết án nặng nề. Chắc chắn đó cũng không phải là thái độ sống của những người giàu có, keo kiệt. Họ chỉ dâng cúng tiền dư bạc thừa. Và nếu có dâng cúng nhiều đi chăng nữa cũng chỉ vì họ thích phô trương công đức hơn là vì lòng yêu mến Chúa.


Nhưng đó là thái độ sống của bà goá nghèo: dám sống bằng cả tấm lòng của mình. Một tấm lòng quảng đại: bà đã cho đi tất cả những gì bà có để nuôi sống mình. Hai đồng xu chính là sự sống của bà. Một tấm lòng tín thác: tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa và đặt trọn sự sống của mình cho Thiên Chúa định đoạt. Đức Giêsu đã khen ngợi tấm lòng của bà và Ngài đã nêu lên cho các môn đệ thấy để bắt chước thái độ của bà, thái độ sống của người môn đệ đích thực.


Đây chính là thái độ sống phản chiếu hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã trao ban tất cả mạng sống của mình và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa Cha trong tâm tình xin vâng.


Chúng ta đang sống thái độ nào của người môn đệ Đức Kitô ? Phải chăng là thái độ háo danh, ham lợi, chuộng hình thức như những người Luật sĩ và Biệt phái ? Phải chăng là thái độ tính toán hẹp hòi của những người giàu có ích kỉ ?


Ước gì trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chúng ta luôn có thái độ quảng đại biết cho đi với tất cả lòng yêu mến và tín thác trọn vẹn như bà goá nghèo trong Tin mừng hôm nay.

LM Giuse Nguyễn Thành Long

TÂM TÌNH HIẾN DÂNG
Mc 12, 38 - 44

Người ta vẫn thường bé cái lầm với nhau là những người khá giả, giàu có thì dễ dâng hiến, dễ trao tặng hơn người nghèo nhưng không, thực tế hoàn toàn trái ngược. Những người nghèo, những người hơi kha khá một chút thì lại dễ biết chia sẻ, biết dâng hiến hơn những người giàu. Chuyện thực tế ấy ngày hôm nay được vẽ nên bởi hai bức tranh của hai bà goá: một bà thời Cựu Ước và một bà của thời Tân Ước. Hai bức tranh, hai hình ảnh, hai bà goá ấy nhưng tựu trung chỉ có một đó là tâm tình dâng hiến của một con người nghèo, một con người mà thường thì bị xã hội xếp vào hàng thứ yếu.

Bà goá ở cái thành Xarepta ngày xưa thật là hay. Có sao nói vậy, bà đã nói với "kẻ xin ăn" là Êlia rằng bà chỉ còn có một nắm bột trong hũ và một chút dầu trong vò. Dầu và bột đó có chăng chỉ đủ cho một bữa cho hai mẹ con thôi. Bi đát nhất cái câu của bà là "chúng tôi sẽ ăn rồi sẽ chết". Quá bi đát bởi vì thời đó đang bị hạn hán, chẳng có gì mà ăn hết. Mẹ goá con côi chỉ có chút bột, chút dầu ấy vậy mà một chàng thanh niên đến để xin ăn. Sức khoẻ của chàng thanh niên ấy mà ăn mớ bột và dầu được làm thành bánh thì chắc hai mẹ con chẳng còn gì để mà ăn nữa.


Sau khi nghe lời trần tình của chàng thanh niên, bà goá đã chia sẻ bánh cho chàng thanh niên và rồi hũ bột không vơi và bình dầu không cạn như lời Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Êlia.


Với trang Tin mừng theo Thánh Maccô hôm nay thật là hay. Nơi trình thuật này, Maccô đã khéo léo vẽ lên một hình ảnh đẹp của bà goá nghèo ở đền thờ.


Trình thuật nhỏ này cũng được ghi lại nơi Luca 21,1-4, song không thấy nơi Matthêu. Điều này cũng dễ hiểu, vì đối với Thánh Matthêu, những cuộc tranh luận của Chúa Giêsu về phe ký lục giữ một tầm vóc quan trọng. Nên chi, thánh ký bỏ đi câu chuyện về bà goá nghèo này. Đang khi đó, Tin Mừng Luca lưu ý nhiều đến góc cạnh xã hội. Như vậy, câu chuyện này sẽ luôn là một thứ chủ đề hấp dẫn.


Trở lại với Maccô, câu chuyện hấp dẫn này được phác hoạ như một hình ảnh đối chọi lại với cuộc sống ích kỷ và giả tạo của ký lục mà Chúa Giêsu vừa phác họa.


Xét về nguồn tài liệu, câu chuyện đại loại như thế khá quen thuộc trong truyền thống Do Thái và cả thế giới ngoại giáo. Khiến chúng ta nhớ lại câu chăm ngôn quen thuộc mà các bậc khôn ngoan thởi đó ưa sử dụng: "Hai con chim câu được hiến dâng bởi một kẻ nghèo khó có giá trị hơn 1.000 hy lễ của vua Agrippa"


Có một câu chuyện rất phù hợp với bản văn Maccô như sau: ngày kia có một người đàn bà nghèo đến dâng một nắm bột bé nhỏ. Vị tư tế nhận lễ vật với thái độ khinh bỉ và sau đó ông ta đã ném đi. Ban đêm trong giấc ngủ, ông nghe có tiếng quở trách: "Đừng khinh bỉ bà ta. Đó dường thể bà ấy đã dâng hiến cả cuộc sống mình".


Ngồi đối diện với hòm tiền. Người xin dân chúng bỏ tiền vào hòm tiền như thế nào. Lắm người giàu có bõ nhiều. Bà góa nghèo khó nọ cũng đến và bỏ vào hai trinh, tức một xu (c. 41-42).


Hòm tiền: Hồi đó ở khu tiền đường phụ nữ, người ta xây một "phòng Hòm tiền" gồm 13 hộc, như thể thứ hộc bỏ thư ở bưu điện. Đây là nơi dành cho việc dâng cúng của các tín hữu Do Thái.


Cũng theo thông lệ thời đó, các khách hành hương Đền thờ sẽ không tự ý bỏ vào đó tiền bạc hay lễ vật. Họ trao của dâng cúng cho vị tư tế phụ trách và vị tư tế này sẽ đặt lễ dâng vào một trong các hòm tiền, tùy theo ý lễ.


Bởi thế, Chúa Giêsu có thể ngồi đó và quan sát được số tiền hay lễ vật dâng cúng. Người thấy bà góa nghèo đến bỏ vào hai trinh, tức một xu (c. 42).


Hai trinh, tức một xu.


Thời đó 1 lepton là đồng tiền nhỏ nhất được lưu hành. Nó bằng ½ kodrantes.


Hạn từ kodrantes dịch từ La ngữ quadrans. Như vậy 2 lepta khoảng 1 quadrantes. Lương công nhật của người thợ trung bình là 64 quadrans tức là 128 lepta.


Như vậy, hai trinh của bà góa là một số tiền quá ít oi bé nhỏ.


Người gọi môn đệ lại mà nói: Quả thật, Ta bảo các ngươi, bà góa nghèo khó ấy đã bỏ vào nhiều hơn hết thảy. Vì mọi người đều lấy của dư bỏ vào, còn bà ấy lấy túng thiếu mà bỏ vào mọi sự mình có, tất cả của độ thân (c. 43-44)


Hơn... hết thảy Người phụ nữ góa và nghèo này được Chúa Giêsu đánh giá cao nhất: Bà đã dâng cúng hơn mọi người khác, đang khi mà nếu xét theo cái nhìn của người đời, thì 2 trinh của bà là ít nhất. Vì chưng, bà đã "lấy túng thiếu mà bỏ vào mọi sự mình có"; Bà dã dâng hiến tất cả của độ thân.


Lồng kết vào trong nhãn quan thần học Maccô, sự dâng hiến đó của người góa phụ là biểu tượng của một thứ lòng đạo hạnh đích thực, khác hẳn với phe ký lục và các thành phần Do Thái tự mãn khác. Vì bởi, sự đạo đức đúng nghĩa là một sự phó thác toàn vẹn cho Thiên Chúa, một thái độ mà qua đó người ta để cho Thiên Chú hoàn toàn thu xếp, không giữ lại sự tính toán nào.


Y hệt như hình ảnh người phụ nữ lấy ngay cả sự túng thiếu của mình mà hiến dâng.


Cách diễn tả đó gợi nhắc đến giới luật trọng nhất mà Chúa Giêsu nêu lên ở trước: yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực. Và yêu đồng loại như chính mình (Mc 12,29-31).


Trong truyền thống Do Thái, thành ngữ hết sức lực ám chỉ tới mọi nguồn lợi vật chất mà kẻ ấy có.


Bà góa chỉ có 2 lepton. Nếu bà muốn giữ lại 1 lepton chẳng hạn, chẳng ai trách cứ gì bà. Song le, bà đã cho đi tất cả, cho đi chính mình. Một con người như thế ắt sẽ dễ dàng nhìn thấy khổ đau và thiều thốn của đồng loại và cũng sẽ yêu thương đồng loại như chính mình.


Đến đây, chúng ta có thể hiểu rằng: bà góa còn là một thứ biểu tượng của kẻ dám hiến dâng tất cả, dám hy sinh cả mạng sống cho Thiên Chúa cho đồng loại.


Trong bối cảnh kết thúc sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu với viễn tượng tử nạn cận kề, hình ảnh của bà góa phải chăng là sự gợi nhắc trước đến sự hiến dâng mạng sống của Người cho Thiên Chúa ngõ hầu cứu độ nhân loại.


Trong đời sống thường ngày, Thiên Chúa luôn luôn mời gọi con người biết cho đi, biết trao tặng và cũng phải nói rằng có quá nhiều quá nhiều cơ hội để cho đi, để trao tặng. Khi cuộc sống đầy đủ, dư giả mà trao tặng ắt hẳn sẽ không có ý nghĩa cho bằng khi cuộc sống vẫn còn đó trong cái cảnh thiếu trước hụt sau.


Một anh chàng nghèo, vợ mới sinh con đầu lòng được vài tháng cầm 200.000 đồng vào biếu cha để phụ Cha sửa chữa trường cho các em khuyết tật trong giáo điểm của anh. Ngày hôm nay, 200.000 ấy chẳng thấm là bao so với công trình sửa chữa nhưng tấm lòng của anh chàng ấy quá lớn. Chàng thanh niên ấy sống đắp đổi qua ngày với cái nghề buôn bán quần áo sida. Vì hoàn cảnh sinh nhai, chàng thanh niên phải lội ngược lội xuôi về Sài Gòn mua quần áo rồi chạy mãi ra các khu công nghiệp như Nhơn Trạch, Bình Dương để bán. Do đi lại như vậy chàng ít có thời gian ở nhà nhưng ngày nào có ở nhà là ngày ấy chàng đi dự lễ.


Hôm ấy, chàng về đúng cái ngày mà cha đang sửa nhà cho các em khuyết tật, thế là chàng ghé nhỏ vào tai cha: Cha cho vợ chồng con phụ với cha một ít để cha lo cho các em !


Không nỡ cầm 200.000 của chàng thanh niên nghèo nên đã từ chối nhưng không thể nào từ chối được trước cái lòng thành của anh.


Hình ảnh của anh chàng bán quần áo si-da phải chăng là hình ảnh của bà goá nghèo hôm nay trong Tin mừng ? Anh chàng đã cho số tiền thật sự chẳng là bao so với xã hội bây giờ nhưng anh cho với hết cả tấm lòng của anh.


Trong cuộc sống đời thường, có thể nói tâm tình hiến dâng là một tâm tình hết sức là đẹp. Chưa nói đến chuyện dâng hiến cho Chúa mà chỉ cần nói đến chuyện dâng hiến cho nhau. Vợ có dám dâng hiến tất cả những gì mình có cho chồng cho con hay không ? Chồng có dám dâng hiến tất cả những gì mình có cho vợ cho con hay không ? Con cái có dám dâng hết tất cả những gì mình có cho cha mẹ không ?


Khi nói đến dâng hiến, người ta sẽ bảo là người ta đâu có gì để mà dâng hiến để biện luận, để bào chữa cho thái độ ích kỷ của người ta. Có đấy chứ nhưng không chịu dâng hiến đấy thôi. Chẳng lẽ ai trong chúng ta không có sức khoẻ, không có thời gian và không có tiền bạc. Chúng ta có cả một cái quỹ về thời gian, về sức khoẻ, về tiền bạc nhưng chúng ta cứ khư khư giữ cho mình mà chúng ta không dám mở lòng ra để mà dâng hiến, để mà chia sẻ đấy thôi.


Gọi là không có cũng được nhưng chẳng lẽ chúng ta không có tấm lòng ? Chúng ta cứ dâng hiến, chúng ta cứ cho đi tấm lòng của chúng ta cho những người sống chung quanh chúng ta. Mỗi khi chúng ta dốc hết "hầu bao" để dâng hiến cho anh chị em đồng loại chính là lúc chúng ta dâng hiến cho Chúa vậy. Chúng ta cứ quảng đại mở lòng ra dâng hiến cho Chúa như hai bà goá hôm nay trong bài đọc cũng như trong Tin mừng, chúng ta sẽ được Thiên Chúa sẽ ghi nhận cũng như sẽ ban những ơn lành cần thiết cho mỗi người chúng ta.


Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng từ bi nhân ái đến và ở lại với mỗi người chúng ta, mở lòng chúng ta ra để chúng ta cũng biết quảng đại để dâng hiến, để trao dâng tất cả những gì mình có cho Chúa như bà goá ngày hôm nay trong Tin mừng vậy.

LM. Anmai, CSsR

TRAO TẶNG CHÍNH MÌNH
Mc 12, 38 - 44

Vương quốc Israel và Giuđa không có một quy tắc luật lệ đáng kể. Thực ra, đa số những luật lệ đó là những thất bại thảm hại. Ngay cả ngày nay, những nhà lãnh đạo chuyên chế và lệch lạc cũng thường gây ra không ít những khốn khó cho đất nước họ đang điều hành - nhất là với những người bần cùng. Điều đó lẽ ra không phải đường lối cho Israel và Giuđa; những nhà lãnh đạo đáng ra phải trung thành với Lời Chúa. Nhưng đa số những nhà lãnh đạo lại bất tín với Lời Chúa nên Ngài gởi các ngôn sứ đến kêu gọi họ trở về sự công chính. Elia là một ngôn sứ như thế, người phát ngôn của Thiên Chúa, không chỉ kêu gọi người lãnh đạo nhưng cũng kêu gọi tất cả những ai đã quay qua tôn thờ thần ngoại và những nghi lễ ngoại bang. Như sự trừng phạt cho tội bất trung với Thiên Chúa, vùng đất đã phải chịu một cơn đói kém, như chúng ta đọc thấy trong bài trích sách các Vua quyển I hôm nay.

Xa-rep-ta, một thành phố ở Phi-ni-xi, là vùng đất của dân ngoại, ở đó dân chúng thờ thần Ba-an. Hoàn cảnh của người đàn bà thật sự tuyệt vọng cho chính bà và con của bà. Bà có thể là một người dân ngoại nhưng Thiên Chúa đã biết nhu cầu của bà. Elia đã an ủi người góa phụ nghèo khổ nhưng, thật ra, có vẻ ích kỷ khi yêu cầu bà làm cho ông một chiếc bánh. Điều tích cực ở đây là phong tục hiếu khách của người Trung Đông - áp dụng với cả người nghèo nhất không có gì, nhưng miếng ăn, cái uống cuối cùng của họ cũng dành cho người qua đường. Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu xin cái bánh là lời hứa Thiên Chúa sẽ cho bà ấy no đầy trong suốt thời gian hạn hán.


Thiên Chúa có thể thực sự làm được như thế, là cung cấp thức ăn cho chúng ta khi mà dường như không còn sự cứu trợ nào? Câu chuyện của Elia quả là một niềm an ủi cho dân lưu đày Do Thái đang sống ở Babylon. Họ đã được khuyến khích tin tưởng vào thông điệp của ngôn sứ: Thiên Chúa có thể kết thúc "cơn hạn hán" của họ - ban cho họ tất cả những gì họ cần trong suốt thời gian lưu đày và cuối cùng chấm dứt tình trạng lưu này, đưa họ trở về quê cha đất tổ. Bà góa và con trai bà đã có đủ thực ăn cho đến "ngày Thiên Chúa cho mưa xuống trên mặt đất." Dân bị lưu đày cũng sẽ không bị hủy diệt ở trên vùng đất ngoại bang, vì Thiên Chúa sẽ cứu thoát họ, như Ngài đã giải thoát cha ông họ khỏi người Ai Cập.


Cái gì bảo đảm cho dân lưu đày này; điều gì bảo đảm cho chúng ta trong thời gian hạn hán? Điều mà họ và chúng ta có được là Lời của Chúa: một lời hứa được nói qua miệng ngôn sứ ngay trong cơn hạn hán: Thiên Chúa sẽ phù trợ chúng ta và Ngài sẽ trợ giúp chúng ta cho đến cùng. Câu chuyện về bà góa trong bài đọc thứ nhất đưa chúng ta đến với chuyện kể về bà góa trong bài Tin mừng. Cả hai câu chuyện nói cho chúng ta rằng Thiên Chúa biết những điều không ai thấy, không ai biết, những điều bị làm ngơ. Thiên Chúa cứu những người thấp cổ bé miệng và những ai "bé mọn" trong xã hội và trong Giáo hội.


Đức Giêsu ở trong đền thờ cùng với đám đông và Người quan sát kẻ qua người lại. Ở phía sảnh dành cho phụ nữ có một cái thùng cho người ta bỏ tiền dâng cúng. Bà góa tiến đến và bỏ vào thùng "hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư xu Rôma." Đức Giêsu tận dụng cơ hội này dạy cho các môn đệ một bài học. Người gọi các ông đến và bảo các ông quan sát điều vừa mới xảy ra.


Thông điệp Tin mừng mang một bối cảnh là: Đức Giêsu đã tranh luận với những người Pha-ri-sêu và những nhà lãnh đạo tôn giáo. Người đã lên án họ vì họ củng cố quyền lực và sự giàu sang trên lưng những người nghèo kẻ khổ, Người trách họ vì họ đã nuốt hết "tài sản của những bà góa." Dù họ có làm thế, họ vẫn đọc những lời nguyện dài lê thê và tỏ ra mẫu mực trong việc thực hành những điều luật tôn giáo tỉ mỉ. Bà góa nghèo đóng góp phần tiền đó là để tu sửa đền thờ. Chẳng quá đáng lắm sao! Những người lãng đạo tôn giáo và đầy quyền lực sẽ trích phần lợi tức và cấp dưỡng từ chính những người nghèo như bà góa của chúng ta.


Trong bài Tin mừng hôm nay đức Giêsu ngưỡng mộ sự quảng đại của bà góa "đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân." Điều đó có vẻ như một gương mẫu và sự khích lệ cho những ai bé nhỏ từ bỏ nhu cầu của họ - nếu như tách tình tiết câu chuyện bà góa và phần đóng góp của bà ra khỏi bối cảnh ấy. Nhưng phải lưu ý điều mà ngôn sứ Giêsu nói với đám đông: Người nghiêm khắc phê phán thói phô trương đạo đức của những kinh sư, "trong những bộ áo thụng", muốn cho những người nơi cộng cộng biết, ngồi ghế danh dự phía trên trong các hội đường và trong các bữa tiệc. Chúa Giêsu còn thêm rằng họ "nuốt chủng tài sản của các bà góa" trong khi vẫn lải nhải những lời nguyện dài lê thê.


Đức Giêsu lên án những ai chỉ lo theo đuổi địa vị tôn giáo và những lời ca tụng nhưng lại làm gơ hay thậm chí bóc lột người nghèo. Những tâm hồn nhiệt thành và đạo đức đáng nể đó thực chất lại là những người chiếm đoạt tài sản của bà góa nghèo này, mà việc dâng cúng của bà có thể làm bà thêm cùng cực. Chúng ta có cho rằng Đức Giêsu khen ngợi cách trao tặng khiến cho một người đã sẵn thiếu thốn thành ra không còn gì? Theo sách luật và các ngôn sứ, cô nhi quả phụ có một vị trí rất đặc biệt trong trái tim của Chúa. Niềm tin Dothái giáo đã dạy rằng người hèn yếu trong xã hội phải được bảo vệ. Những ai làm tổn hại đến họ thì đáng bị quở trách.


Câu chuyện của bà góa trong bài Tin mừng hôm nay thường được chúng ta sử dụng như cách thức để bắt đầu những chiến dịch kinh doanh hay xây dựng. Thông điệp là, "Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có sẵn lòng trao tặng cho đến cùng không?" Trước khi định soạn bài bài giảng hôm nay về việc cho đi, khích lệ lòng quảng đại khi giỏ được chuyền tay trong nhà thờ, tôi muốn chắc rằng mọi người một lần nữa nghe rõ sự quan tâm của đức Giêsu đến những người nhỏ nhất trong xã hội và làm thế nào mà một người đạo đức lại có thể mất đi tầm quan trọng của người nghèo khổ trong con mắt đức Giêsu. Hãy cứ để những người đó xem xét liệu họ có còn lòng quảng đại hay không; còn chúng ta hãy chắc rằng những người nghèo khi bước vào "đền thờ" của chúng ta thì phải được lưu tâm và được phục vụ.


Những lời của đức Giêsu hôm nay dường như không giống lời khen ngợi bà góa cho bằng một lời than vãn. Người chỉ muốn khuyến cáo các tông đồ về những con người có lòng đạo mà nuốt mất tài sản của những bà góa. Khi người để ý đến bà góa, có vẻ Người muốn nói rằng "Hãy nhìn, đây là một mẫu gương khác của một người nghèo cho đi tất cả những gì bà có vì lợi ích chung." Dù là than vãn nhưng lời của đức Giêsu cũng chứa đựng tin mừng, vì Người cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa thấu suốt cảnh khốn khổ của người nghèo. Người nghèo có thể bị tổ chức tôn giáo bỏ quên nhưng Thiên Chúa biết hoàn cảnh của họ. Chúa biết sự khác biệt giữa những gian lận tôn giáo và lòng đạo đức đích thực, và Thiên Chúa đã thực hiện điều gì đó qua đức Giêsu. Người vô tội gặp phải cảnh trắng tay; nhưng Thiên Chúa thấy được lòng bà và đã khen ngợi bà. Cũng vậy, khi những nhà lãnh đạo tôn giáo băng hoại kia trục lợi từ lòng quảng đại của bà, qua đức Giêsu, Thiên Chúa cũng đã thực hiện điều gì đó với họ.


Dĩ nhiên mẫu gương quảng đại của bà góa là một lời nhắc nhở và đòi hỏi chúng ta về lòng quảng đại. Nhu cầu trong thế quanh ta là rất lớn. Chúng ta đã từng bị đòi hỏi phải cho đi, không chỉ những dư thừa của chúng ta, mà từ chính nhu cầu của chúng ta chưa? Và đó không chỉ là tiền của: có lẽ tài sản quý giá nhất chúng ta có là thời giờ của chính chúng ta. Chúng ta có quá ít thời gian. Đôi lúc cho đi ít tiền lại là điều dễ thực hiện hơn; cái khó là cho đi chính tài năng và khả năng của chúng ta. Như một người kế toán bận rộn, tôi biết ai giúp những gia đình nghèo chuẩn bị thuế của họ. Quảng đại - chẳng phải là những gì chúng ta được đòi hỏi cho đi trong mối tương quan bạn bè, hôn nhân, gia đình và những người thân cận hay sao? Đức Giêsu để ý đến bà góa nghèo, lòng trắc ẩn của Người dành cho bà góa cũng gợi lên trong ta một lòng trắc ẩn tương tự cho những "bà góa nghèo" mà hằng ngày chúng ta bắt gặp.


Đức Giêsu đưa ra hình ảnh bà góa như một ví dụ về người đã đóng góp hết tất cả những gì mình có. Trong tháng này, chúng ta tưởng nhớ những người đã qua đời. Chúng ta đã mừng lễ Các Thánh và Kính nhớ những tín hữu đã qua đời. Khi chúng ta mừng lễ nhớ những người quá cố chúng ta cũng biết rằng ngày nào đó mình cũng sẽ chết; chúng ta cũng sẽ được yêu cầu từ bỏ tất cả những gì thuộc về chúng ta để đặt mình trong bàn tay nhân từ của Thiên Chúa. Chúng ta không thể mang theo vàng hay danh vọng. Như bà góa, chúng ta dâng hiến tất cả những gì thuộc về chúng ta trong sự tín thác. Chúng ta sẽ làm gì để chuẩn bị cho giây phút đó? Chúng ta sẽ chết theo cách mà chúng ta đã sống. Khi chúng ta theo đức Giêsu lên Giêrusalem, chúng ta cũng được mời gọi cho đi cuộc sống của mình theo cách Người đã làm, để phục vụ anh chị em chúng ta. Điều này đòi hỏi nhiều lần chết từng chút trước khi chúng ta đối diện với cái chết cuối cùng của mình. Có lẽ đó là cách mà chúng ta chuẩn bị cho giờ chết của chúng ta. Từng bước trong suốt cuộc hành trình, với ân sủng trao ban chính mình của đức Giêsu, chúng ta cũng hãy bỏ đi tất cả những gì ngăn cản chúng ta phụng sự đức Kitô: trao tặng chính mình cho những ai chúng ta được mời gọi để phục vụ họ. Một tinh thần tông đồ như thế là một lời "Xin vâng" suốt đời trên cuộc hành trình, để chúng ta có thể nói, trong niềm tin, lời "Xin vâng" tại cuối cuộc hành trình lên Giêrusalem cùng với đức Giêsu.


Nói đến "đồng xu" - tôi mới giảng tại một giáo xứ ở đó có một thùng quyên góp đề là "Tiền lẻ cho người nghèo." Trong các lớp giáo lý, trẻ em được dạy về sự nghèo khó và được khuyến khích đóng góp những đồng tiền lẻ của chúng - đó là một bài học vỡ lòng thật tốt vầ lòng bác ái. Trong khi đó, cha sở không ngừng nhắc nhớ cộng đoàn về cái thùng ở cuối nhà thờ và đảm bảo với họ rằng tất cả số tiền thu được sẽ trao thẳng cho người nghèo; không lấy đồng nào cho việc tu sửa nhà thờ, cho việc quản trị, hay thuế giáo phận, ... Sẽ có những khoản thu khác cho những nhu cầu này! Mỗi tháng thu được khoảng 500 đến 900 đô la trong thùng "Tiền lẻ cho người nghèo." Tôi hỏi cha sở: "Chỉ tiền lẻ thôi ư?" Ngài trả lời: "Không. Người lớn cũng đóng góp cùng với trẻ em, vì họ biết chúng tôi dùng tiền đó để giúp đỡ những ai cần giúp: người thất nghiệp, những bà mẹ độc thân, người bệnh, ..." Đó là một mẫu gương khác mà giáo xứ thực hiện: như đức Giêsu, họ quan sát những người nghèo bước vào đền thờ. Amen.

Lm. Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ Quốc Vinh, OP

TẤM LÒNG QUẢNG ĐẠI
Mc 12, 38 - 44

Câu chuyện người đàn bà góa nghèo nàn đoạn Tin Mừng của thánh Marcô thuật lại hôm nay, gây nhiều ấn tượng cho con người, cho nhiều người. Bởi vì, đồng xu nhỏ bà góa bỏ vào hòm tiền trong nhà thờ là tất cả sản nghiệp của bà. Đây là số tiền bà dành dụm để nuôi sống chính bản thân của bà. Chúa nhật 32 thường niên, năm B muốn nói gì với tất cả chúng ta ?

Bài Tin Mừng này cho chúng ta hiểu rõ hơn bài đọc I trích sách các vua quyển thứ 1:" ...
Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và cho con trai tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết ". Bà góa trong bài đọc I đã sống trong cảnh lầm than cùng cực, chỉ còn một chút dầu, một chút bột để làm bánh nuôi sống con trai và bản thân, nhưng bà lại có tấm lòng vàng, tấm lòng cao cả nhường cho người của Thiên Chúa ăn và sẵn sàng chờ chết. Vâng, hai người đàn bà: bà góa ở Sarepta và bà góa trong đoạn Tin Mừng đều là hai mẫu người có tấm lòng thật cao cả, tấm lòng vàng. Bà góa bỏ vao hòm tiền dâng cúng hoàn toàn khác với những đồng tiền của những người giầu. Người có của dâng cúng nhiều tiền, nhiều vàng, còn bà góa bỏ vào hòm tiền đồng tiền nhỏ nhoi ít ỏi, tuy nhiên, Chúa chứng kiến và đáng giá, đồng tiền của bà góa nghèo lại là đồng tiền lớn vì bà đã bỏ cả gia sản của bà vào hòm tiền cho Chúa, cho nhà thờ. " Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết " ( Mc 12, 43 ). Chúng ta không thể đánh giá chính xác lòng người khác nhưng chính từ câu chuyện Tin Mừng của thánh Márcô 12, 38-44, chúng ta nghiệm ra rằng trần gian này thật có những người nghèo tiền, nghèo của cải nhưng lại giầu lòng hảo tâm, giầu tình thương. Và như thế, của dâng hiến quà tặng không quan trọng bằng tấm lòng dâng hiến, và thái độ trao tặng. Trên thế này, có những người cho rất nhiều, dâng hiến bao la nhưng chưa đụng tới chút nào gia sản của họ, chỉ là của dư của thừa vv...Còn nắm bột, chút dầu, đồng xu nhỏ nhoi của hai bà góa lại là " tất cả những gì mình có để nuôi sống " ( Mc 12, 44 ).

Chúa dạy một bài học thật lớn, thật ý nghĩa. Làm việc, dâng cúng, trao tặng mà không có tấm lòng, dâng cúng nhiều để khoe khoang, để ghi sổ vàng nhưng tấm lòng lại khô cứng, của cải thì chưa đụng tới cả cái sản nghiệp to lớn, dâng cúng, trao tặng mới như như hạt cát. Chúa không tán dương những hạng người này. Người nghèo thật nhiều đang ở chung quanh chúng ta. Người đau khổ, bơ vơ vất vưởng đang ở xung quanh chúng ta. Liệu có ai biết ghi ơn họ khi họ dâng cúng, trao tặng những món tiền nhỏ nhoi, nhưng là những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ.


Chúng ta cần có những suy nghĩ thật đứng đắn, thật công bằng. Lẽ dĩ nhiên giầu mà có tấm lòng vàng thì thật đáng khen ngợi. Giầu mà có tinh thần nghèo khó thì cũng đáng tán dương biết bao. Giầu nghèo là điều thường tình trong cuộc đời, nhưng sống có nghĩa có tình, có tấm lòng vàng, tấm lòng cao cả như hai bà góa, như nhiều người trong đời sống chúng ta đã gặp. Đó là điều Chúa muốn và Chúa mời gọi...


Chúng ta hãy luôn tâm niệm "
của ít lòng nhiều ". Đó là tấm lòng của những con người hảo tâm.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một con tim biết quảng đại để chúng con không đang tâm đóng chặt tấm lòng trước những người nghèo, những người đau khổ, những người bị tật nguyền
...Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Nguồn vietcatholic.org

8113    08-11-2012 09:38:23