Sidebar

Thứ Bảy
18.01.2025

Chúa Nhật XXXIV TN A_2

NÀO NHỮNG KẺ CHA TA CHÚC PHÚC
Mt 25,31-46.

Người thầy thuốc giả trang Hoàng đế nước Phổ, Joseph đệ nhị, là con của hoàng hậu Marie Thérèse và vua Francois đệ nhất. Ông vốn là vị hoàng đế giầu lòng bác ái, luôn gần gũi với người nghèo. Ông mất năm 1790.

Sau đây là một trong những câu truyện được truyền tụng về ông lúc sinh tiền.


Một hôm hoàng đế giả trang làm một người thường dân thả bộ ra phố ngay giữa kinh đô Vienne. Bất ngờ có em bé chạy đến vừa khóc vừa nài xin ông bố thí cho một đồng, để em có thể chạy đi mời thầy thuốc đến khám bệnh cho mẹ em hiện đang đau nặng. Em mếu máo nói: Thưa ông, cháu đã thử đi mời nhưng bác sĩ lại đòi phải có một đồng trả tiền khám bệnh mới chịu đến nhà cháu. Vậy mà vị hoàng đề liền lấy ngay một đồng bạc đưa cho em bé, ông không quên hỏi địa chỉ nhà em. Em bé cảm ơn ông khách lạ nhưng tốt bụng, rồi vội chạy đi mời bác sĩ. Còn ông thì rảo bước đi tìm ngôi nhà người bệnh đáng thương. Khi ông bước vào bà mẹ em bé cứ ngỡ đây là bác sĩ mà con mình mời đến, nên cứ thật tình kể lể bệnh trạng của mình. Ông lẳng lặng nghe, cũng xem mạch, rồi lấy một mảnh giấy trong túi ra kê một đơn thuốc, dặn cứ thế mà mua thuốc uống. Xong xuôi ông từ biệt ra về ngay. Được một lúc thì em bé mới chạy về cùng với ông thầy thuốc thật sự. Bà mẹ ngạc nhiên vì sao lại có tới hai ông thầy thuốc đến khám cho mình. Bà vốn dĩ mù chữ nên lấy tờ giấy đơn thuốc ban nãy ra đưa cho ông thầy thuốc đến sau xem. Ông ta vừa đọc lướt qua đã vội kinh hồn la lên: "
Thôi chết tôi rồi, hoàng đế của chúng ta vừa mới ghé qua đây. Bà cứ bảo cháu bé cầm lấy tờ giấy này đến ngân hàng để nhận 250 đồng tiền vàng chi phí thuốc men và chăm sóc bồi bổ cho khoẻ mạnh. Số tiền này quá lớn, đủ để bà làm ăn buôn bán và cho cháu bé ăn học đến lớn! Còn phần tôi, tôi không dám nhận tiền của cháu bé đã trả cho tôi nữa đâu, tôi xin hoàn lại ngay. " Dứt lời ông bác sĩ tham tiền vội đưa lại đồng bạc, cẩn thận khám bệnh cho người mẹ, kê đơn thuốc đầy đủ kỹ lưỡng và từ giã ra về, hẹn sẽ còn đến chăm sóc cho đến khi người bệnh khỏi hẳn chứng ho lao. Từ đó, ông bác sĩ hồi tâm và hiểu rằng sẽ chẳng bao giờ đòi tiền trước khi chữa bệnh, nhất là những đồng tiền khó nhọc của những người dân lao động đang gặp phải cơn hoạn nạn bất hạnh.

Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Ngài sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa muốn cho ta thấy có hai lớp người trên trần gian này với hai thái độ sống cũng như hai cái nhìn dưới con mắt đức tin khác nhau. Để rồi khi triều đại của Ngài đến họ cũng sẽ được phân xử khác nhau. Vì như Ngài đã nói khi vương quốc của Ngài xuất hiện thì Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển chứ không phải là một người bình thường để cho dân chúng đội mạo ngai xỉ vả, nhạo cười, cuối cùng đã chết ô nhục trên thập giá. Nơi trần gian này, Ngài sống tàng hình dưới mọi lớp người, nếu ai hiểu biết và yêu mến Ngài thì họ sẽ có đôi mắt đức tin rất bén nhậy dễ dàng nhận ra Ngài như ông bác sĩ trong câu truyện và rồi đời sống họ sẽ thay đổi mau chóng. Để khi Con người đến trong vinh quang của Người thì những người này sẽ được chọn làm dân của Ngài như lời Ngài hứa Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi.


Xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết nhận ra Chúa nơi tha nhân để chúng ta biết nhìn ra nhu cầu của họ và tùy theo khả năng sẵn sàng giúp đỡ những người anh em trong cùng một dân nước- Đó là Nước Trời
.

Sr. Margareta Maria Hiền

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
Mt 25, 31-46

Danh từ vua xem ra không còn hợp thời với một thế giới văn minh, một nhân loại đang bước nhảy vọt không ngừng. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn còn số nước giữ ngôi vua như một danh dự, một tưởng nhớ về một thời xa xưa khi vua có nhiều quyền hành đến nỗi thần dân ra đường không dám nhìn mặt vua. Hội Thánh đã để riêng chúa nhật cuối chu kỳ phụng vụ để tôn vinh Chúa Giêsu Kitô vua vũ trụ.

Xét về mặt tự nhiên,ai mà chả thích làm lớn, ai chẳng thích quyền hành, thích làm vua với đầy quyền uy, nhiều thần dân trong tay. Chả thế, các môn đệ đã tranh luận dài dài xem ai sẽ làm lớn trong vương quốc của Chúa Giêsu, một vương quốc mà các môn đệ cứ tưởng rằng Chúa sẽ tới để thiết lập Đế Vương, rồi các môn đệ sẽ dành nhau ghế này, ghế nọ trong vương quốc ấy. Vua khi Chúa cưỡi lừa vào thành thánh Giêrusalem trước khi chịu nạn, dân chúng lót áo trải đường, trẻ nhỏ Do Thái tay cầm lá vạn tuế tung hô vị vua cứu tinh của họ, nhưng quả thực Chúa Giêsu không hề có ý nghĩ làm vua theo kiểu trần gian, theo kiểu con người trần tục dù rằng gốc gác Người là dòng dõi vua Đavít.Philatô đã chẳng tò mò hay vì muốn kiếm cớ để kết tội Chúa Giêsu khi ông hỏi Chúa: "Ông có phải là vua dân Do Thái không ?"( Mt 27, 11 ).Chúa Giêsu vẫn đương nhiên là vua vũ trụ, nhưng nước Ngài không thuộc thế gian này. Chúa Giêsu càng cho nhân loại hiểu về vai trò vua của Ngài, về giáo lý, về gốc gác của Ngài:" Khi Ta đói...Khi Ta khát...Khi Ta mình trần..Khi Ta bị tù đầy...Khi Ta không nơi trọ..". Đạo lý của Ngài là như vậy vì Chúa tự đồng hóa mình với những con người khó nghèo, người lê thứ, người rốt hết trong xã hội. Có ở trong thân phận của những con người ấy, người ta mới hiểu được Chúa-vua-vũ trụ-vua-con người. Đây là cái nghịch lý lớn lao nhất của cuộc đời, của Con-Người-Chúa, Con-Người-Vua.


Hiểu Con-Người-Vua-Kitô của Chúa Giêsu, ta sẽ cảm nghiệm được sứ mạng cao cả Chúa Cha trao phó cho Ngài. Vua là để hầu hạ, để phục vụ. Cái chết cuối cùng trên thập giá diễn tả ý cao sâu nhất:" Ta là vua ", vua để hy sinh, chịu chết:" Khi Ta bị treo lên khỏi mặt đất Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta ".Vua là để mang lại hạnh phúc cho người khác.


Đối diện với vương quốc sự thật của Chúa Giêsu là vương quốc phi nhân của tà thần, của quỉ ma, của satan. Chúa Giêsu đã làm nổi bật ý nghĩa của vương quốc sự thật: hiền lành, khiêm nhượng, chân thật, bác ái, chia sẻ, quảng đại…Chúa Giêsu luôn làm nổi bật ý nghĩa vương quốc của Ngài vì rằng vương quốc của Chúa Giêsu là vương quốc thiên giới, linh thiêng, vương quốc không thuộc thế gian này.Chúa Giêsu đã biến vương quốc của Ngài thành vương quốc tình yêu.Một thế giới trong đó, vị vua là Chúa Giêsu luôn nghĩ tới mọi người, nhất là những con người nghèo hèn, bé nhỏ và bị hất hủi. Ngài nghĩ tới thần dân của Ngài, không loại trừ ai và không bỏ rơi người nào. Ngài thật là vị vua trên mọi vị vua vì Ngài yêu thương mọi người.


Lạy Chúa Giêsu,vua nhân hậu xin giúp chúng con biết sống khiêm nhượng như Chúa và biết say mê phục vụ mọi người.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA KITÔ VUA
Mt 25, 31-46

Hầu hết các dân tộc thời xưa đều mơ ước và tin rằng vua của họ là con Trời, vì chỉ có con Trời mới là toàn năng công minh, thấu suốt mọi sự, mới giúp dân, ban ơn cho dân muôn phần tốt đẹp. Họ thường nói : Vua là Thiên tử, Trời có mắt, đèn Trời soi sáng, xin Trời phù hộ.

Bên Đông Phương, Khổng Tử đã thấy rõ Vua Nghiêu, Vua Thuấn, Vũ Vương, Văn Vương làm vua theo mệnh Trời, cho nên vương quốc thời cổ đại của các ngài thật lý tưởng.Kinh Thư viết : "Trời giúp dân, đặt vua cai trị, đặt thầy dạy dỗ : Thiên hựu hạ dân, tác chi quân, tác chi sư" (Thái hệ thượng 7).


Nhận biết Trời đặt mình làm vua, các ông hết lòng, hết sức vâng theo mệnh Trời để giúp dân. Vua Vũ Vương viết " chỉ vì phục vụ Thượng Đế giúp nhân dân bốn phương : "Duy kỳ khắc tướng Thượng Đế, sủng tuy tứ phương" (Thái thượng 7). Người ta đã gọi thời đó là Hoàng kim thời đại : dân được tôn trọng : "Lấy dân làm gốc : Duy dân bang bản". "Gốc kiên cố, nước được an ninh thịnh vượng : Bản cố, bang minh". "Khắp nơi bốn bể thông thương, hòa hợp : Tứ hải hội thông" (Ngũ Tử 4 và Vũ Công 30).


Do đó về sau, các Vua Tầu, Nhật và Việt Nam đều được gọi là con Trời : Thiên Tử, Quân Tử, tuy nhiều kẻ bất xứng. Bên Tây phương, Ba Tư, Ai Cập, Hy Lạp hay La Mã, đều coi vua là con Thần Trời.


Dân Do Thái khi chưa có vua, họ đòi Tiên tri Samuel : "Thế nào cũng phải có vua cho chúng tôi" (1Sm. 8,19). Và ai được chọn làm Vua đều được thánh hiến bằng xức dầu tấn phong, trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa : Thiên Chúa nói với Sứ ngôn Nathanael : Hãy đi nói với Đavít : "Ta là cha nó, nó sẽ là con Ta" (2Sm. 7, 5.14 và Tv. 2,7). Nếu Vua trung thành thực hiện sự công chính trong vương quốc và bảo đảm thịnh vượng cho toàn dân, Thiên Chúa sẽ bảo vệ Vua khỏi tay quân thù (Tv. 20, 21 và 45, 4-8).


Nhưng ngay cả Đavít được gọi là Thánh Vương và Salomon được khôn ngoan không ai bằng, vẫn đầy bất xứng, bất trung. Loài người dù Nghiêu, Thuấn, Đavít hay Tổng thống, Thủ tướng không thể làm vua xứng đáng với ơn Thiên Chúa, và sự mong muốn của nhân dân. Vì thế Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến cứu vãn nhân loại. Chỉ có Người Con duy nhất đó mới chính là vua thật của nhân loại đến muôn đời : Đó là Đức Giêsu Kitô. Vua Giêsu khác với vua thế gian ở hai lĩnh vực trần thế và nước Trời.Ở trần thế, Ngài là Vua như mục tử nhân lành, Ngài tụ họp những con chiên bị phân tán, tìm con chiên lạc, băng bó chiên bị thương tích, chữa lành chiên bị đau ốm, chăn dắt chăm sóc đoàn chiên theo đường công chính (Bài I - Êz. 34, 11-17).


Chính Đức Giêsu đã tuyên bố :
"Tôi là Mục tử nhân lành, Tôi biết chiên Tôi và chiên Tôi biết Tôi" (Ga. 10, 10. 11-14) Tôi đến để cho chiên Tôi được sống và được sống dồi dào. Tôi chính là Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên.Ngài còn là vua như tôi trung đau khổ : Ngài hạ mình khiêm tốn, nhường nhịn, dịu hiền, khả ái : "Đây là tôi trung Ta đã tuyển chọn, rất yêu dấu, rất đẹp lòng Ta. Thần khí Ta ngự trên Người. Người loan báo công lý trước muôn dân, Người không cãi vã, kêu to, chẳng ai nghe thấy tiếng Người ngoài phố xá. Người không đành bẻ gẫy cây lau đã giập, chẳng nỡ tắt tim đèn leo lét, cho đến khi Người đưa công lý toàn thắng và muôn dân hy vọng danh Người ".(Mt. 12, 18-21).

Ngài làm Vua chỉ chuyên chăm lo phục vụ và hy sinh, Ngài nói : "Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người", "chứ không như vua thế gian lấy quyền thống trị dân bắt dân phục vụ mình" (Mt. 20, 25. 27-28)


Từ hơn 700 năm trước, tiên tri Isaia đã loan báo về Người Tôi Trung đau khổ đã hy sinh đến cùng cực : "Ngài đã bị khinh bỉ như đồ phế thải, bị trừng phạt đầy đọa, bị đâm, bị tra tấn, bị nghiền nát làm hy lễ tạ tội, Ngài chịu đựng, không mở miệng, ngậm câm như chiên cừu bị dẫn đến lò sát sinh ". Ngài bị liên lụy vì tội vạ hết thảy chúng tôi để giải án tuyên công nhiều người (Is. 53, 1-11) và Thiên Chúa đã đặt Ngài làm "Cố vấn kỳ diệu, Thần anh dũng, Cha đời đời, Vua bình an, quyền binh Ngài bao la vô tận, cho nước được bền vững kiên cố từ nay cho đến muôn đời, nhờ công minh đức nghĩa Ngài" (Is. 9, 5-6)


Ở nước Trời, Đức Giêsu là vua đích thực muôn đời vì Ngài đã hạ mình xuống làm tôi trung, làm mục tử, vâng lời Chúa Cha hiến mình chịu chết trên Thập giá để cứu chuộc muôn dân, đưa muôn dân về tôn vinh Thiên Chúa Cha trong nước vinh phúc hằng sống, "chính vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài, ban cho Ngài một danh hiệu trên mọi danh hiệu để trên trời dưới đất và hỏa ngục phải bái quỳ khi nghe danh thánh Giêsu" (Phil. 2,6).


Ở trên trời, "Ngài ngự trên ngai vinh quang, có các Thiên Thần hầu cận, để đón rước chúc phúc cho những ai cho kẻ đói ăn, khát uống, tiếp đón khách lạ, cho kẻ trần truồng mặc, thăm nom kẻ đau yếu, tù đầy. Ai có lòng trong sạch, hiếu hòa, hy sinh vì nước Trời, Ngài thưởng công cho họ được thừa hưởng vương quốc, được Cha Ngài ban phúc hưởng sự sống muôn đời. Còn kẻ không biết thương người đói khát, rách rưới, đau yếu, đau khổ, không biết hy sinh vì nước Trời bị Ngài loại bỏ, chúng phải vào chốn cực hình muôn kiếp" (Mt. 25, 31-46)


Lạy Chúa Giêsu là Vua, xin cho các vị lãnh đạo biết sống theo gương Chúa là Mục tử nhân lành và Tôi Trung đau khổ để họ sáng suốt phục vụ và hy sinh cho đồng loại. Xin cho con tận tâm chăm lo cho kẻ đói ăn, khát uống, giúp đỡ những ai rách nát nghèo hèn, an ủi những người đau khổ, bệnh tật để họ được sống lại trong tình thương muôn đời của Chúa. Amen.

Lm Vikini

 

LỄ CHÚA KITÔ VUA
Mt 25,31-46

Việc Giáo Hội long trọng mừng kính Chúa Kitô là Vua vũ trụ vào Chúa Nhật cuối của năm phụng vụ muốn dạy tất cả tín hữu rằng Ngài là tâm điểm của mọi sự vật trong lịch sử. Ngài chính là khởi điểm và cũng là cùng đích của mọi thụ tạo, là alpha và omega.

Để có thể tiến đến vinh quang phục sinh Ngài đã phải đi trọn con đường đau thương khổ gía, và chỉ có con đường đó mới dẫn đến sự sống mà thôi. Cả cuộc sống và cái chết của Ngài là một chia sẻ chân thành nhất những khốn khổ của thân phận con người. Ngài đã không bảo chúng ta phải vác
thập giá của Ngài mới có thể làm môn đệ Ngài, nhưng là vác thập giá của chính mình. Thập giá của chúng ta tuy khác với cái của Ngài, xong xuất phát từ một tấm lòng chân thành muốn cùng được tham dự vào chính thập giá của Ngài. Thập giá của chúng ta là lời mời gọi hãy thực tình chia sẻ những nỗi thương đau của bao nhiêu anh chị em đồng loại. Nếu không thực hiện lời mời gọi này trong cuộc đời, là các tín hữu đã thoái thác hay tránh né con đường khổ giá để đi con đường tắt, bưng tai bịt mắt và giả điếc làm ngơ trước những lầm than của tha nhân. Con đường đi ngang về tắt ấy khiến chúng ta đánh mất cơ hội duy nhất được chia sẻ đau khổ với đức Kitô và anh chị em đồng loại, rồi chắc chắn dẫn ta đến một cùng đích khác hơn là vinh quang phục sinh của Vua vũ trụ.

Tin Mừng hôm nay vang vọng như lời nhắc nhở và hối thúc chúng ta đừng ẩn núp xa khỏi những hoạn nạn của tha nhân, nhưng cần xông xáo đi tìm để san sẻ, xoa dịu những nỗi cám cảnh của người đồng loại, vì họ cũng là con cái yêu dấu của Thiên Chúa: "
Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." Chính lời của Ngài đã nhìn nhận và đồng hóa bản thân mình trong hình ảnh những anh em bé nhỏ nhất trong xã hội con người. Với lời xác quyết rõ ràng đó, Ngài không muốn chúng ta từ chối một linh hồn nào bằng bất cứ lý do gì.

Lm. Phero Tran Van

CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ
Mt 25,31-46

1. Viễn cảnh cánh chung: phân biệt chiên và dê

Bài Tin Mừng cho thấy một viễn cảnh sẽ xảy ra vào ngày cánh chung, nghĩa là vào thời điểm tận cùng của thời gian, cũng là của trần thế này. Ngày ấy, Thiên Chúa sẽ phân mọi người trên trần gian thành hai loại: một bên là những kẻ thật sự tin theo Ngài, bên kia là những kẻ không tin, hay những kẻ tự xưng là tin Ngài bằng lời nói, nhưng qua hành động lại tỏ ra không tin. Để ám chỉ hai hạng người này, bài Tin Mừng dùng hình ảnh
chiên, là hình ảnh mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng (x. Ed 34,17-24). Vì chiên và dê là hai loài thú cùng được chăn nuôi chung trong một đồng cỏ, ở chung với nhau trong một ràn. Chỉ đến thời kỳ xén lông thì người ta mới phân rẽ chúng theo loại. Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) cũng cho thấy hai loại cây cùng sống chung với nhau - không phân biệt được - trên cùng một thửa ruộng. Cả hai cùng lớn lên bên cạnh nhau cho tời mùa gặt, chỉ tới lúc đó chúng mới bị phân rẽ: «cỏ lùng thì bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm» (13,30). Tương tự, chỉ tới ngày cánh chung, kẻ tin và không tin, kẻ thật sự tin và kẻ có vẻ tin mới được phân chia và tách biệt. Chúng ta hãy thử tự xét xem, vào ngày đó, mình thuộc loại nào?

2. Tiêu chuẩn để phân loại


Chỉ có Thiên Chúa, với trí tuệ sáng suốt vô cùng, nhìn thấu suốt tâm can con người, mới có thể xét từng người để xếp họ vào loại nào. Tin Mừng cho ta thấy:


- ngày ấy, toàn nhân loại chỉ được phân ra thành hai loại: chiên và dê, tượng trưng cho người hiền và người dữ, kẻ tin và không tin Thiên Chúa, không có loại thứ ba.


- ngày ấy, Thiên Chúa phán xét theo hành động chứ không theo lời nói của con người. Vấn đề là có làm hay không và làm như thế nào, chứ không phải là có nói hay không, có tuyên xưng hay không, hay nói và tuyên xưng thế nào.


- ngày ấy, Thiên Chúa chỉ phán xét và phân loại dựa theo một tiêu chuẩn duy nhất: cách mỗi người đối xử với tha nhân chung quanh mình.


Dường như không có một tiêu chuẩn nào khác: Thiên Chúa không cần phân biệt ai là giáo hoàng, ai là giám mục, ai là linh mục, ai là giáo dân; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai có địa vị ai là thường dân; thậm chí không cần biết ai đi lễ nhiều, ai đọc kinh nhiều, ai lần chuỗi nhiều, ai hành hương nhiều, ai cúng vào nhà thờ nhiều, v. v... Ngài chỉ xét có một điều: mỗi người đã
làm gì không làm gì cho tha nhân. Như thế, chính hành động của chúng ta - chứ không phải lời nói hay cái gì khác - quyết định chúng ta thuộc loại này hay loại kia.

3. Đó là tiêu chuẩn thực tế để phán xét ai tin và ai không tin


a) Tin vào Đức Giê-su là điều kiện để được cứu độ


Trên nguyên tắc, ai tin vào Đức Giê-su thì sẽ được cứu độ (x. Cv 16,31; Rm 10,9; 10,13), và người ta được nên công chính là nhờ đức tin (x. Rm 1,17; 3,22.26.30; 9,30; 10,4) chứ không phải nhờ việc làm (x. Rm 3,28; 9,32; Gl 2,16; 3,11; ). Thật vậy, người ta không trở nên công chính nhờ vào việc làm, hay nhờ việc tuân giữ nghiêm chỉnh các điều luật dạy. Thật vậy, rất nhiều người có những hành động rất tốt, rất thiện hảo, thậm chí rất vĩ đại, nhưng không phát xuất từ đức tin hay tình yêu thương, mà từ một động lực vị kỷ, nhằm lợi lộc cho mình. Nhiều nhà tỉ phú bỏ tiền ra xây bệnh viện, trường học để phục vụ người nghèo với điều kiện là bệnh viện hay trường học đó phải mang tên mình, để mình được lưu danh muôn thuở là người đạo đức, biết yêu thương người nghèo. Hành động bố thí như thế không làm cho người ấy nên công chính, vì không phát xuất từ đức tin hay tình thương.


b) Đức tin ấy phải đích thực, được chứng tỏ bằng việc làm


Người ta chỉ trở nên công chính nhờ đức tin. Nhưng đức tin làm cho người ta nên công chính phải là đức tin đích thực: «
Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính» (Rm 10,10). Đức tin đích thực không phải là loại «đức tin rẻ tiền», là thứ đức tin chỉ được tuyên xung ngoài môi miệng mà không đi vào cuộc sống, không được chứng tỏ bằng việc làm hay hành động. Hàng rẻ tiền thường là hàng giả. Đức tin đích thực phải là thứ «đức tin đắt giá», không chỉ được tuyên xưng ngoài miệng, mà được chứng tỏ bằng hành động, bằng những hy sinh cụ thể theo sự đòi hỏi của đức tin. Đức tin của chúng ta luôn luôn đòi hỏi một thái độ, một sự lựa chọn thích hợp. Vì không thể vừa tin, mà lại vừa có đời sống trụy lạc, hèn nhát, tham lam, ích kỷ... Thánh Gia-cô-bê xác định: «Đức tin không việc làm là đức tin chết» (Gc 2,14.17).

c) Việc làm của đức tin là việc làm gì?


Tin ở đây là tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giê-su. Mà bản chất của Thiên Chúa chính là Tình Yêu, và Đức Giê-su chính là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa giữa nhân loại. Do đó, những ai thật sự tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giê-su, ắt phải yêu mến Ngài và trở nên giống Ngài, nghĩa là trở nên một hiện thân của tình yêu giữa những người chung quanh, gần gũi với mình nhất, đặc biệt với những người đau khổ, túng thiếu, bị áp bức, bất công, cần lòng thương xót. Như vậy, muốn biết ai tin vào Ngài, thì cứ xem cách người ấy cư xử với những người chung quanh, những người gần gũi nhất (vợ con, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết...), và những người nghèo khổ cần được cứu giúp. Nếu tin Thiên Chúa đích thực, người ấy ắt sẽ phải cư xử với họ bằng tình thương, cụ thể qua sự hy sinh, chấp nhận mất mát đau khổ vì họ.


Vả lại, những người chung quanh ta, đặc biệt những người đang đau khổ cần được ta nâng đỡ, cứu giúp, chính là hiện thân của Thiên Chúa hay của Đức Giê-su bên cạnh chúng ta. Đức Giê-su xác định rõ điều ấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Vì thế, yêu Ngài thì ắt nhiên cũng phải yêu hiện thân của Ngài bên cạnh chúng ta. Do đó, tới ngày phán xét, Ngài chỉ cần dùng một tiêu chuẩn để xét xem chúng ta có tin vào Ngài không, là dựa vào cách cư xử của chúng ta với tha nhân.


Để tóm gọn lại cách nên thánh cho chúng ta, Đức Giê-su nói: «
Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,34-35). Tóm lại, yêu thương tha nhân chính là tiêu chuẩn để phân biệt giữa môn đệ đích thực của Đức Giê-su với những người khác.

Cầu nguyện


Tôi nghe Đức Giê-su nói với tôi: «
Anh tin Thầy và sống đạo của Thầy thế nào, Thầy chỉ cần dựa vào cách anh đối xử với những người chung quanh anh là Thầy biết ngay. Chắc chắn anh không thể tin Thầy đích thực khi anh đối xử với những người chung quanh anh không ra gì. Họ chính là hiện thân của Thầy bên cạnh anh. Anh đối xử với họ thế nào là đối xử với chính Thầy như vậy. Anh yêu họ chính là anh yêu Thầy. Anh làm điều gì cho họ, chính là anh làm điều đó cho Thầy».

John Nguyễn

(Nguồn vietcatholic.org)

1413    18-11-2011 15:42:47