Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, các dân tộc thuộc vùng núi Cô-ca-dơ ở phía nam nước Nga, được cai trị bởi một ông vua Hồi giáo nổi tiếng là thanh liêm chính trực, ưu tiên hàng đầu trong việc chấn hưng đất nước của ông là quét sạch mọi tham nhũng, hối lộ. Ông ban hành một sắc lệnh, theo đó thì tất cả những ai bị bắt quả tang phạm tội tham nhũng hay hối lộ sẽ bị phạt đánh 50 roi trước mặt công chúng. Điều không may xảy ra cho ông, người đầu tiên bị bắt quả tang phạm tội này lại chính là mẹ ông, sự kiện này làm ông đau khổ khó nghĩ. Không có luật trừ hay châm chước nào đối với sắc lệnh mà ông đã ban hành.
Liên tiếp ba ngày liền nhà vua ngồi yên trong phòng để suy nghĩ, sang ngày thứ tư, ông xuất hiện trước công chúng cùng với thân mẫu. Ông ra lệnh cho hai người lính trói tay mẹ ông và bắt đầu xử lý theo luật định. Thế nhưng khi chiếc roi đầu tiên vừa quất xuống trên người mẹ ông, thì nhà vua liền chạy đến bên cạnh bà, ông mở trói cho bà, rồi ra lệnh cho hai người lính trói tay ông, lột áo ông ra và bắt đầu cuộc đánh roi. Đúng 50 roi đã quất xuống trên thân mình nhà vua, với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, nhà vua quay về phía dân chúng và nói : " Bây giờ thì các ngươi có thể ra về, luật đã được thi hành, máu của vua các người đã chảy ra để đền bù cho tội ác này". Kể từ ngày đó, trong đất nước, người ta không còn bao giờ nghe nói đến tội tham nhũng hay hối lộ nữa.
Hình ảnh của ông vua trên đây có thể giúp chúng ta hiểu được phần nào điều mà Giáo Hội gọi là mầu nhiệm nhập thể cứu độ. Chúa Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa hóa thân làm người đề cứu độ con người. Cũng như ông vua Hồi giáo trên đã chịu đòn thay cho mẹ và diệt trừ tham nhũng, hối lộ khỏi đất nước, Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người, trải qua tất cả những cảnh huống của con người, kể cả cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ con người.
Nói rõ hơn, Thiên Chúa yêu thương con người. Tình yêu ấy không phải là một lý thuyết trừu tượng nhưng đã trở nên hữu hình, và loài người có thể cảm nghiệm được qua con người và cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là chính tình yêu của Thiên Chúa giữa người trần, có nghĩa là vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu cho chúng ta. Ngài dùng con Ngài để thực hiện ý định yêu thương của Ngài, như thánh Gioan đã viết : " Cứ dấu này chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, là Ngài đã sai con một xuống trần để cứu chuộc chúng ta". Chúa Giêsu đã đến, Ngài đã giảng dạy, và cuối cùng, Ngài đã bị đóng đinh vào thập giá. Thập giá là đỉnh cao cuộc đời Chúa Giêsu và cũng là đỉnh cao tình yêu của Thiên Chúa, như Chúa đã nói : "Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng sống vì người mình yêu".
Nếu Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương là chính bản tính của Ngài, thì đạo của Ngài hẳn phải là đạo yêu thương. Vì thế, Chúa dạy chúng ta phải sống yêu thương và Chúa coi những việc chúng ta làm cho người khác là chúng ta làm cho chính Ngài, như bài Tin Mừng hôm nay đã thuật lại. Rồi trước khi chấm dứt cuộc đời rao giảng Tin Mừng ở trần gian, Chúa còn quả quyết : " Tôi bảo thật, những gì anh em làm cho một trong những người bé nhỏ của tôi, là anh em đã làm cho chính tôi". Như vậy, Chúa Giêsu tiếp tục nhập thể nơi người anh chị em, và Ngài tiếp tục nhập thể nơi chính mỗi người Kitô hôm nay. Ngài cần đến đôi tay chúng ta để phục vụ. Ngài cần đến môi miệng chúng ta để nói lời an ủi khuyến khích. Ngài cần đến trí hiểu và con tim chúng ta để sống tình liên đới yêu thương. Ngài cần đến đôi chân chúng ta để đến với mọi người.
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP
TÌNH YÊU LÀ THƯỚC ĐO DUY NHẤT
Mt 25,31-46
Kết thúc năm phụng vụ, Mẹ Giáo hội muốn con cái mình suy niệm về viễn tượng của ngày Thẩm phán- ngày mà Con Người ngự đến trong vinh quang, triệu tập tứ phương thiên hạ đến trước mặt Người để chịu xét xử. Ngày đó cũng là ngày công - tội, thưởng- phạt phân minh rõ ràng, không còn chỗ cho địa vị, cho quyền uy, thế lực hay giàu sang phú quý tác quai tác quái. Ngày đó ai nấy, bất luận là người thế nào, sẽ thấy rõ công việc mình đã thực hiện khi còn sống trên trần gian này và, ngày đó Con Người sẽ dựa vào công trạng để xét xử, số phận được định đoạt hưởng phúc hay hưởng phạt đời đời.
Cảnh tượng ngày thẩm phán tuy được viết theo lối văn thể khải huyền nhưng thánh sử Mátthêu đã trình bày rất xúc tích, rõ ràng và dễ hiểu. Chúng ta có thể thấy đối tượng của ngày chung thẩm không dành riêng người Dothái hay những người thuộc khối Kytô mà còn cho toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc, mầu da, ngôn ngữ, giai cấp. Ngày đó là ngày đại hội toàn dân. Chính Thiên Chúa sẽ triệu tập toàn thể nhân loại đến trước mặt Con Người để chịu xét xử. Ngày đó Chúa Kytô - Vua muôn vua, Chúa các chúa, sẽ ngự trên ngai uy linh của Người để xét xử chư dân. Không một ai trong ngày đó được miễn trừ ngày trọng đại này. Cũng không một ai trong ngày đó tìm được cơ hội để thanh minh hay lập công chuộc tội vì những việc mình đã thực hiện trước đây khi còn sống trên trần gian. Vì thế, tính "nghiệt ngã" của ngày thẩm phán không phải đem ra nhằm hù doạ mà là một sự thật hiển nhiên sẽ xảy đến nếu nhân loại cố tình phớt lờ những gì mình đã gây nên cho đồng loại.
Ngày thẩm phán được sánh ví như ngày vị mục tử tách chiên ra khỏi dê, chiên ở bên phải còn dê ở bên trái. Sở dĩ cần phải tách ra như thế là vì thực tế chiên và dê tuy ban ngày cùng chung một ràn nhưng khi chiều về cần phải tách chúng ra vì dê không thể ở ngoài trời đẫm sương như chiên được. Hình ảnh chiên- dê, tay phải - tay trái mang đầy tính biểu tượng. Chúng ta biết chiên là một loài vật có giá trị, bộ lông mầu trắng của chúng tượng trưng cho sự tinh tuyền, công chính. Còn dê, trái lại, tượng trưng cho sự bất chính, không tinh tuyền; cũng vậy, nếu tay phải tượng trưng cho quyền uy thế lực và giàu sang theo quan niệm của người Dothái, thì tay trái tượng trưng cho những gì xấu xa tội lỗi và hèn nhát.
Tách biệt để thấy sự khác biệt. Tách biệt để thấy hố ngăn cách vô phương cứu chữa. Tách biệt để thấy một sự thật phủ phàng được phơi bày trong chính sự khác biệt này. Tách biệt để thấy công đức được đề cao và cũng để biết đến một hạng người không bao giờ biết đến khái niệm công đức hay việc làm phúc bố thí là gì. Thật vậy, khi tách biệt như thế, chúng ta thấy một bên được vị Thẩm phán hết lời khen ngợi : "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa"; và một bên là lời khiển trách : "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ac quỷ và các sứ thần của nó".
Sự khác biệt này không đến bởi vị Thẩm phán thiên vị, nhận tiền hối lộ để làm lợi cho bên này hoặc bên kia mà đến từ việc thực thi công bình bác ái của chính đối tượng chịu xét xử. Rõ ràng chúng ta thấy Đức Vua chỉ dựa vào mỗi điều này để xét xử. Theo đó những việc được xem là "đáng được chúc phúc" được Đức Vua liệt kê khá chi tiết. Đó là : cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, tiếp rước khách lạ, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm người đau yếu và viếng kẻ tù đày. Những người được chúc phúc thật sự ngỡ ngàng vì họ cũng không ngờ những việc làm đạo đức lúc trước của mình lại có ngày được Đức Vua ghi nhận không xót một điều. Và càng ngỡ ngàng hơn nữa khi Đức Vua tự nhận khi họ làm những việc lành phúc đức như thế là làm cho chính Người. "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy".
Còn đối với "quân bị nguyền rủa" họ cũng lấy làm ngỡ ngàng vì có bao giờ họ thấy nhà Vua vi hành, xuống với thường dân để họ có cơ hội tiếp rước đâu. Cố để phân minh thôi, nhưng thật sự họ biết rõ hàng ngày có biết bao con người cần đến sự trợ giúp của họ, thế mà họ vẫn phớt lờ. Bao nhiêu kẻ túng nghèo, rách rưới, bệnh hoạn tật nguyền qua lại trước mắt họ, nhưng họ vẫn làm ngơ không đoái hoài. Như thế bị liệt vào hạng "quân bị nguyền rủa" không bởi vì họ không phải là người Dothái hay Kytô hữu mà là vì họ không có lòng nhân hậu, không biết xót thương, không giúp đỡ đồng loại. Cho hay, đối với Tin mừng Chúa Kytô, không yêu thương, không giúp đỡ anh em đồng loại là một trọng tội và hậu quả là sẽ bị liệt vào hàng "quân bị nguyền rủa" và tệ hơn nữa sẽ rơi vào lửa cực hình muôn kiếp.
Đọc và suy niệm đoạn Tin mừng về ngày Thẩm phán trong ngày cuối cùng của năm phụng vụ giúp mỗi người Kytô chúng ta duyệt xét lại thái độ sống của mình đối với anh em đồng loại. Hãy nhớ rằng điều kiện duy nhất để được vào "thừa hưởng Vương quốc" muôn đời không nằm ở việc chúng ta là ai, địa vị thế nào, thuộc giới tư sản hay vô sản mà nằm ở chỗ chúng ta đã đối xứ với anh em đồng loại như thế nào. Tiêu chuẩn của ngày Thẩm phán dựa trên tình yêu và chính điều này sẽ là thước đo chuẩn xác định đoạt số phận của mỗi người. Tình yêu mới là thước đo duy nhất xác định kẻ tốt người xấu trong ngày Con Người quang lâm.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
CHÚA VAN CHO NGƯỜI BÉ MỌN SỬ HIỂU BIẾT VỀ MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI
Mt 25,31-46
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay là một trong những lời lẽ an ủi và khích lệ nhất trong Thánh kinh. Chúa Giêsu tạ ơn Thiên Chúa Cha đã ban cho những người bé mọn sự hiểu biết về màu nhiệm nước Trời. Còn những người khôn ngoan thông thái lại không lãnh hội được. Ðiều được tiết lộ cho những người này thì lại bị giấu kín khỏi những người khác. Vậy đâu là sự khác biệt và tại sao có sự khác biệt? Việc Thiên Chúa bày tỏ cho loài người qua Thánh kinh là kho tàng chung của nhân loại, nghĩa là ai cũng có thể mua cuốn Thánh kinh để đọc, nếu có tiền.
Tuy nhiên chỉ có những người mở rộng tâm hồn, chỉ có những người khiêm tốn trước Ðấng tối cao, mới có thể lãnh hội được lời Chúa. Ðó chính là ý nghĩa lời Chúa phán trong Phúc âm hôm nay: Lạy Cha là Chúa trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan và thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn (Mt 11:25). Chẳng thế mà văn hào Pascal mới nói: Thiên Chúa của Ápraham, Ixaác và Giacóp, không phải là Thiên Chúa của các triết gia và những nhà thông thái. Pascal là nhà toán học, vật lý học và triết học mà đã nói lên điều đó.
Vậy có phải Thiên Chúa giấu, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời không? Nếu Chúa xử với bậc khôn ngoan và thông thái như vậy thì có vẻ Chúa không công bình với họ vì chính Chúa đã tạo dựng nên người khôn ngoan và thông thái. Và nếu như vậy thì kể là cũng tội nghiệp cho họ. Thực sự thì Thiên Chúa bầy tỏ cho tất cả mọi người về màu nhiệm nước Trời, nhưng chỉ có những người khiêm tốn và mở rộng tâm hồn mới lãnh hội được mà thôi. Những người khôn ngoan và thông thái mà cậy mình kiêu ngạo thường không muốn tuỳ thuộc vào Chúa. Và khi người ta không muốn tuỳ thuộc vào Chúa là chính lúc mà mầu nhiệm nước Trời bị cất giấu khỏi họ. Khi mà tâm trí người ta đầy ắp những thứ mà người ta cho là của mình, thì những gì thuộc thiên giới không còn chỗ mà vào. Còn những người khôn ngoan và thông thái mà có lòng khiêm tốn và mở rộng tâm hồn thì vẫn có thể tìm đến Chúa để tiếp nhận màu nhiệm nước Trời. Họ là những người to lớn về trí tuệ, mà lại bé mọn về tâm hồn. Bé mọn theo nghĩa Thánh Kinh là đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác vào Chúa.
Ðể có thể đến với Chúa và đặt niềm tin phó thác vào Người như trẻ con phó thác vào cha mẹ, người ta cần có những đức tính của trẻ nhỏ: đơn sơ, khiêm tốn, tuỳ thuộc và phó thác. Khi lớn lên với những của cải giàu sang, sự hiểu biết sâu rộng và quyền hành, người ta có thể bớt tùy thuộc vào Chúa hay không còn muốn tuỳ thuộc vào Chúa hoặc vẫn muốn tuỳ thuộc vào Chúa tuỳ theo mức độ người ta gắn bó với của cải, quyền thế hoặc tài trí. Ðặc biệt hôm nay Chúa mời gọi loài người: Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11:28).
Có khi nào ta cảm thấy vất vả vì công việc bổn phận trong gia đình và trách nhiệm ngoài xã hội, khiến ta muốn thoát khỏi những gánh nặng của cuộc sống không? Có khi nào ta phải mang những gánh nặng của cuộc đời như bệnh tật nan trị trong thân xác hoặc những vết thương về tinh thần và tình cảm khiến tâm can ta bị hao mòn, héo hắt không? Có bao giờ ta gặp cảnh khổ đau, sầu não, phiền muộn, âu lo, sợ hãi, chán nản, thất vọng không? Có khi nào người khác thấy ta có vẻ hạnh phúc, nhưng thực sự ta đang phải mang tủi hổ về bản thân và gia đình, ta phải ngậm đắng, nuốt cay và khóc thầm trong lòng không? Có khi nào ta không có ai hoặc không tìm được ai để thổ lộ nỗi lòng cho vơi nhẹ, vì sợ không được lắng nghe và không được giữ kín không?
Nếu vậy thì hôm nay Chúa mời gọi ta đến với Chúa để bày tỏ nỗi lòng với Chúa, để trút gánh nặng của cuộc sống vào lòng từ ái của Chúa, để hoà lẫn những đau khổ của đời ta với những khổ đau của Chúa trên thập giá mà dâng lên Thiên Chúa Cha, hầu làm giá đền tội cho chính mình và cho loài người. Chúa không hứa cất đi những gánh nặng khỏi cuộc sống của ta, nhưng còn mời gọi ta mang lấy ách của Người: Hãy mang lấy ách của tôi và học với tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11:29). Vậy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng như thế nào? Lời Chúa trong sách ngôn sứ Dacaria có mô tả về Ðấng Cứu thế sẽ đến như sau: Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ (Drc 9:9). Lừa là con vật hiền lành và dễ chịu khuất phục. Khi vào thành Giêrusalem trong ngày lễ Lá, Chúa Giêsu đã thể hiện lời tiên tri về Người mà cưỡi trên lưng lừa con (Mt 21:7), chứ không cưỡi trên lưng ngựa mặc dầu có ngựa ở Giêrusalem thời bấy giờ. Ðiều đó nói lên ý muốn của Người là sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha, chấp nhận khổ hình thập giá, để làm giá cứu chuộc loài người.
Và Chúa bảo đảm với ta: Ách của tôi thì êm ái, gánh của tôi thì nhẹ nhàng (Mt 11:30). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma nêu lý do tại sao ách ta vác không được êm ái, và gánh ta mang không được nhẹ nhàng là vì ta không sống theo Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8:10). Ta cảm thấy mệt mỏi trong cuộc sống khi ta dựa vào sức riêng mà không cậy dựa vào ơn Chúa giúp cho ta vượt qua. Có bao giờ ta phàn nàn rằng Thiên Chúa và đạo giáo không đem lại ích lợi gì cho cuộc sống không? Nếu đạo giáo không mang lại được gì ích lợi cho cuộc sống, thì đạo phải tới ngày tàn lụi. Tuy nhiên đạo vẫn đứng vững được cho tới ngày nay và đã đem lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống muôn vàn người tín hữu. Nếu người ta không đạt được lợi ích thiêng liêng đó, thì lỗi tại đâu?
Vậy ta cần xét đâu là động lực thúc đẩy khiến cho ách mà ta vác trở nên êm ái, gánh nặng ta mang trở nên nhẹ nhàng? Thưa chính tình yêu của Ðức Kitô đã khiến cho ách của Người trở nên êm ái, và gánh nặng trở nên nhẹ nhàng. Thánh Augustinô cũng đã nhận ra hệ quả của tình yêu khi đặt bút viết: Ðâu có yêu, đấy không còn khổ, mà giả như người ta vẫn cảm thấy khổ, người ta lại chấp nhận cái khổ đó vì yêu. Ðến với Chúa, tâm hồn ta sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng như Chúa hứa (Mt 11:29) và như thánh Augustinô đã xác nhận: Tâm hồn ta sẽ thao thức khắc khoải, cho tới khi được an nghỉ trong Chúa.
Lời cầu nguyện xin được bổ sức:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa hứa bồi bổ sức mạnh và nghị lực,
cho những ai vất vả và mang gánh nặng của cuộc sống.
Xin dâng lên Chúa những người đau khổ về thân xác và tâm hồn;
những người lo lắng sợ hãi; những người mỏi mệt và chán sống;
những người phải mang tủi hổ và mặc cảm trong cuộc đời.
Xin ban cho họ thêm can trường và hi vọng.
Còn những khó khăn và khắc khoải của đời con,
con cũng xin dâng lên Chúa với lòng trông cậy. Amen.
Lm Trần Bình Trọng
CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN: LỄ CHÚA KITÔ VUA
Mt 25,31-46
Trên thế giới ngày nay, chỉ còn một số nước có vua, nhưng vua thực ra chỉ để cho có vị và hình thức, chứ thực quyền nằm ở tay tổng thống hoặc thủ tướng mà thôi. Do đó, danh từ vua thực sự không gây được ấn tượng cho chúng ta được bao nhiêu. Bởi vì xưa thời phong kiến đã có những vị vua tàn bạo, làm khổ dân lành. Chính vì thế, lễ Chúa Giêsu Vua thoạt nghĩ, xem ra khó gây cảm hứng và ấn tượng khi chúng ta nghĩ tới những vị vua chúa đã có một thời làm mưa làm gió trên nhiều đất nước. Tuy nhiên, Chúa Giêsu Vua lại hoàn toàn khác, bởi vì Vương Quyền của Ngài không thuộc trần gian này. Chúa là Vua vì Ngài là Thiên Chúa và Ngài là Tình yêu.
Chúng ta vẫn còn nhớ rất kỹ trong vụ án của Chúa Giêsu. Philatô sau khi trao đổi với người Do Thái ngoài phủ đường. Ông vào trong và cho truyền điệu Đức Giêsu Kitô đến. Ông hỏi Chúa Giêsu :" Ông mà lại là Vua dân Do Thái ? ". Câu hỏi này của Philatô minh chứng Ông đã biết trước điều mà người Do Thái cáo tội Chúa Giêsu. Đối với Philatô cũng như trong bản cáo trạng của người Do Thái đã tố Chúa Giêsu, thì tước hiệu " Vua Do Thái " mang ý nghĩa chính trị. Đáp lại lời của Philatô, Chúa Giêsu đặt câu hỏi :" Tự mình ông, ông nói thế, hay có ai khác đã nói với ông về Tôi ? ". Chúa Giêsu muốn phân biệt từ Vua về tôn giáo và từ Vua có nghĩa chính trị. Nếu Philatô hiểu theo nghĩa chính trị, Chúa Giêsu sẽ phủ nhận, còn nếu Philatô hiểu theo nghĩa tôn giáo, tức là Vua Mêsia của dân Do Thái, thì Ngài sẽ nhận. Chúa Giêsu nói rõ cho Philatô biết Ngài có một Nước, nhưng nước Ngài không thuộc thế gian này.Nước của Chúa Giêsu không mang sắc thái chính trị như Philatô và người Do Thái nghĩ." Nếu Nước Tôi thuộc về thế gian này, thì bộ hạ của Tôi đã cố chiến đấu không để Tôi bị nộp cho người Do Thái ". Philatô hỏi tiếp:"Vậy thì ông là Vua sao ? ". " Ông nói đó : Tôi là Vua !". Đây là lời khẳng định hết sức long trọng và quan trong của Chúa Giêsu vì Ngài xác nhận :" Tôi là Vua ".Chúa Giêsu cứ từ từ giải thích cho Philatô ý nghĩa Vương quyền của Ngài :" Chính vì lẽ này mà Tôi đã sinh ra, và chính vì lẽ này mà Tôi đã đến trong thế gian : Ấy là để làm chứng cho sự thật. Phàm ai thuộc về sự thật, thì nghe được tiếng Tôi "( Ga 18,37 ). Đức Giêsu là Thiên Chúa bởi vì chính Thiên Chúa đã sai Ngài đến thế gian:" Quả vì Thiên Chúa đã yêu mến thế gian như thế ( đó ) đến nỗi đã thí ban Người Con Một, ngõ hầu phàm ai tin vào Ngài thì khỏi phải hư đi, nhưng được có sự sống đời đời" ( Ga 3, 16 ). Đức Giêsu là Thiên Chúa độc nhất, vô cùng thánh thiện, vô cùng công minh, Ngài luôn chạnh thương và giầu lòng thương xót.
Thánh Gioan đã nói " Thiên Chúa là Tình Yêu ". Chúa Giêsu là Vua, nhưng là Vua khiêm nhượng, hiền từ, Ngài ngồi trên lưng lừa để vào Giêrusalem. Ngài tạo lập một Vương Quốc toàn Kitô hữu sống tình yêu. Ngài là Vua Tình Yêu, Vua phục vụ, không ai trên thế gian này yêu thương như Ngài. Bởi vì yêu thương nhân loại tội lỗi, Đức Giêsu đã gánh hết tội cho thế gian, chết cho thế gian để nhân loại được giải thoát, được ơn cứu độ :" Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu" (Ga 15, 13 ). Chúa Giêsu yêu thương như người cha đón nhận người con hoang đàng, phung phá trở về ( Lc 15, 11-13 ). Chúa hy sinh cho đàn chiên, bảo vệ đàn chiên ( Ga 10, 11 ). Ngài đến cho chiên được sống và sống dồi dào ( Ga 10, 10 ). Ngài yêu thương tha thứ cả người tội lỗi bị con người kết án tử hình ( Ga 8, 1-11 ).Chúa Giêsu yêu thương cả kẻ thù ( Mt 5, 43-48 ). Chúa Giêsu quảng đại tha thứ và tha thứ không giới hạn, tha thứ không ngừng. " Tôi đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ mọi người " ( Mc 10, 42-45 ). Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Ngài là Thiên Chúa duy nhất như trong mười giới răn, Ngài dạy nhân loại :" Thờ phượng một Thiên Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự " ( Giới luật thứ I ). Tuy là Thiên Chúa tối cao, nhưng Ngài đã hủy mình ra không, nhận kiếp người phàm, ngọai trừ tội lỗi ( Philip 2, 6-8 ). Chúa Giêsu chính là Tình Yêu vì Ngài luôn vâng lời Thiên Chúa Cha, tự nguyện phục vụ nhân loại, rửa chân cho các môn đệ. Chúa là Tình Yêu nhưng Ngài luôn muốn mọi người đáp trả lại Tình Yêu của Ngài.
Vương Quốc của Chúa Giêsu là Vương Quốc của sự thật, công lý. Do đó, mỗi Kitô hữu được mời gọi để trở nên một bí tích tình yêu cho Vương Quốc của Chúa Giêsu, trở nên một dấu chỉ cho thế giới về những gì mà Vương Quốc sự thật của Thiên Chúa làm trong trần gian này.Vương Quốc của Chúa Giêsu thuộc về mỗi Kitô hữu, và chính Vương Quốc của Chúa Giêsu sẽ mang lại cho con người, cho mỗi Kitô hữu, cho Giáo Hội sự sống mới, sự sống hoàn hảo khi Chúa Kitô đến lần sau hết trong vinh quang của Ngài. Do đó, Chúa nhật Chúa Kitô Vua mời gọi mọi Kitô hữu, mời gọi Hội Thánh trung thành với Đức Kitô.
Lạy Chúa Kitô Vua, xin cho chúng con được trung thành với Ngài.
Xin cho chúng con nhận biết Vương Quốc của Ngài là Vương Quốc Tình Yêu, Sự Thật và Ân Sủng.
Xin cho chúng con càng lúc càng nhận ra Vương Quốc của Ngài là Vương Quốc của Sự Thánh Thiện và Vương Quốc của Sự Sống, Vương Quốc của Bình An, Công Bình và Chân Lý. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Hằng năm vào ngày Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng vụ, giáo hội hiệp với toàn thể vũ hoàn suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô, Người Con chí ái của Thiên Chúa (x.Col 1,16). Khi suy tôn Chúa Kitô là Vua Vũ Trụ, giáo hội muốn khẳng định chân lý mà thánh tông đồ dân ngoại đã nói với tín hữu Côlôxê, đó là mọi sự trên trời cùng dưới đất đều được Thiên Chúa tạo thành nhờ Đức Kitô và cho Đức Kitô. Chúa Kitô không chỉ là nguyên lý và là cứu cánh của mọi hiện hữu mà Người còn là khuôn mẫu của mọi vật mọi loài, vì người là Trưởng tử của mọi loài thọ sinh.
Loài người là loài cao trọng nhất trong các loài thọ tạo hữu hình. Thánh Kinh minh định chân lý này qua việc bàn bạc của Thiên Chúa trước khi tạo dựng con người và sự lao nhọc của Thiên Chúa khi dựng nên con người. Các loài thọ tạo khác thì Thiên Chúa chỉ phán một lời thì liền "xẩy ra như vậy". Sự cao trọng của con người còn được khẳng định khi nó được dựng nên "giống hình ảnh" của Đấng Tạo Thành và được trao quyền làm chủ vũ trụ vạn vật (x.St 1,26-29). Hình ảnh của Đấng vô hình nay đã được mạc khải cách hoàn hảo và rõ nét nơi chính Đức Kitô (x.Col 1,15).
Suy tôn Chúa Kitô là Vua vũ trụ, giáo hội không chỉ khẳng định quyền tối thượng của Chúa Kitô trên mọi loài mà còn tuyên xưng Chúa Kitô chính là khuôn mẫu, là lẽ sống của mọi hiện hữu, nhất là của loài người. Qua các bài đọc của Chúa Nhật XXXIV TN C mà giáo hội cho trích đọc chúng ta nhận ra khuôn mẫu, lẽ sống mà Đức Kitô tỏ bày đó là hiện hữu cùng và hiện hữu cho.
"Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai và người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Mt 1,23). Khi vào trần gian, Đức Kitô đã mạc khải cho nhân loại chúng thấy ý nghĩa của các hiện hữu là hiện hữu trong tương quan. Mọi thụ tạo, nhất là loài người, không ai là một hòn đảo. Ta chỉ là ta trong tương quan với người. Có người thì mới có ta. Trong mối tương quan gia đinh dòng tộc, cha ông chúng ta có câu ngạn ngữ rất tượng hình: có con rồi mới có cha, có cháu rồi mới có ông, có bà.
Mối tương quan "cùng-với" này vừa nói lên sự tuỳ thuộc vừa nói lên sự liên đới giữa các hiện hữu. Nhiều muông thú hay vật nuôi như chim, gà, mèo, chó..., khi được nuôi riêng một mình thì chúng vẫn phát triển thành chúng, trái lại, con người không thể lớn lên, phát triển thành người cách đúng nghĩa khi sống một mình. Hiện tượng "người rừng" đó đây, không có khả năng nói, không có khả năng giao tiếp với đồng loại...là một minh chứng. Chúng ta làm người, chào đời, có mặt ở trần gian này là nhờ ai đó và với ai đó. Vì thế có thể nói rằng một trong những mục đích và ý nghĩa nền tảng của sự hiện hữu của con người đó là sống cùng, sống với và sống cho.
Cả cuộc đời của Đức Kitô trên trần gian, rõ nét nhất là quảng thời gian rao giảng Tin mừng và đích diểm là cái chết trên thập giá khẳng định cho chúng ta về mục đích ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Đức Kitô là Đấng đi đến đâu thì giáng phúc thi ân đến đó (x.Cvtđ 10,38). Và chính Người đã minh định rõ ràng: "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28).
Trên đỉnh đồi Gôngôta, dù có thể tự cứu mình khỏi án hình thập giá, nhưng Chúa Kitô đã không tự cứu mình. Dù không tìm cách tự cứu mình thế mà Người đã hứa ban hạnh phúc Thiên đàng cho người bị treo bên phải Người, đồng thời xin Chúa Cha tha cho những người đang phỉ nhổ, hành hạ và giết mình mà trong số đó chắc chắn có cả người gian phi bị treo bên trái Người (x.Lc 23,39-43).
Hình ảnh của một vị minh quân theo quan niệm người xưa đó là người lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ. "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Hình ảnh vị minh quân này đã được Chúa Kitô thể hiện bằng vị mục tử nhân lành sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì đàn chiên và vì từng con chiên một. Xuất thân từ một người chăn chiên, Đavít đã được chọn gọi để làm vua Israel. Dù còn nhiều thiếu sót và lỗi lầm tày trời, nhưng Đavít chính là một hình ảnh tiên báo cho vị Mục Tử Nhân lành, vị Vua Công chính là Đức Kitô, Đấng đã dùng tình yêu của mình để dẫn đưa mọi thụ tạo, nhất là loài người về với sự thật căn bản: chúng ta là loài thụ tạo, chúng ta sẽ chỉ là mình khi hiện hữu đúng với thánh ý Đấng Tạo Thành đó là sống cùng và sống cho tha nhân.
Dỏng dạc trước Philatô, Chúa Kitô minh nhiên công bố: "Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật, thì nghe tiếng tôi"(Ga 18,37). Và sự thật ấy được tỏ bày cách hoàn hảo bằng một Con Người chịu treo trên thập giá, với trái tim bị đâm thâu, hầu đưa toàn thề nhân loại đi lên và những ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời (x.Ga 3,14-15), đồng thời làm cho muôn vật muôn loài được hòa giải với Thiên Chúa (x.Col 1,20).
Suy tôn Chúa Kitô là Vua tức nhìn nhận quyền tối thượng của Người trên đời chúng ta, là đón nhận lẽ sống, quy luật hiện hữu mà Người đã ban ra. Chúng ta có thể nhận ra quy luật ấy qua lời khẳng định của Chúa Kitô: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy...( Mc 8,34-38; Mt 16,24-28; Lc9,23-27).Và đến ngày tận thế, chính Đấng là Vua Vũ Trụ, khi "ngự trên ngai vinh hiển của Người" sẽ thẩm xét chúng ta dựa trên tiêu chí là thái độ sống cùng, sống cho tha nhân của chúng ta, đặc biệt cho những người anh em "bé mọn" (x.Mt 25,31-46).
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa (Nguồn vietcatholic.org)
1673 18-11-2011 15:39:32