Sidebar

Chúa Nhật

13.10.2024

Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_2

BIẾN ĐỔI
Ga 20.19-23

Nguồn tin Đức Gioan XXIII loan báo triệu tập công đồng đã làm cho toàn thế giới ngạc nhiên. Lúc đó hầu như không một ai chờ đoán và nghĩ tới sự kiện đó. Vì triệu tập Công đồng Vaticanô II không phải là một suy nghĩ, sáng kiến của Đức Giáo Hoàng, mà ngài được linh hứng từ Chúa Thánh Thần. Ngài gọi Công đồng này là “Một lễ Hiện Xuống Mới”. Vì lúc bấy giờ các cửa ra vào của toà nhà Giáo Hội đã khép kín với thế giới bên ngoài đều được mở tung và hướng ra cho toàn thể nhân loại. Sau Công đồng mọi cái đều được đổi mới và được mở rộng; mỗi dân tộc trên thế giới đều có thể nghe được sứ điệp của Chúa Kitô bằng chính ngôn ngữ riêng của mình. Không những từ những tình cảm nội bộ cũng được đổi mới: các vị giám mục, các giáo chủ chống đối thì nay cũng nhiệt tình hưởng ứng và cộng tác.
Một cuộc đổi mới lạ lùng hơn nữa, chính là biến cố Chúa Giêsu ban Chúa Thánh Thần cho các tông đồ cách đây hơn hai ngàn năm, Ngài đã biến đổi các tông đồ như trở thành một con người mới. Trước kia nhút nhát thì nay nên mạnh mẽ phi thường, trước kia hèn hạ bỏ trốn, thì nay sẵn sàng chịu chết vì Chúa. Trước kia các ngài u mê, chậm hiểu, mặc dù sống với Chúa suốt ba năm trời vẫn không hiểu rõ sứ mệnh của Chúa. Họ cứ lầm tưởng Chúa Giêsu sẽ tổ chức một vương quốc trần gian, và họ sẽ dự phần vinh hiển. Chính vì suy nghĩ sai lầm đó mà họ đã ghen tỵ nhau, tìm cách cầu cạnh nhằm ý đồ để được “ăn trên ngồi trước” trong nước Chúa sẽ lập. Thì nay nhờ Chúa Thánh Thần họ đã hiểu được sứ mạng thiêng liêng của Chúa Giêsu. Hay trước đây nóng nảy bốc đồng thì nay trầm tĩnh lắng nghe. Đặc biệt là các Ngài nói được cả các thứ tiếng lạ.
Cũng thế, các giáo hữu đầu tiên thời giáo hội sơ khai cũng được nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà cuộc sống trở nên thánh thiện lạ lùng. Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục che chở và đổ tràn hồng ân xuống trên Giáo Hội và mọi người ở khắp mọi nơi trên thế giới. Chúng ta cũng không thua kém các giáo hữu đầu tiên. Qua các bí tích, nhất là qua bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, Chúa thánh Thần đã đến và hoạt động trong ta; Chúa Thánh Thần thông ban dồi dào sự sống của Thiên Chúa cho ta, biến đổi ta nên người Kitô hữu trưởng thành và mạnh mẽ được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Ngài còn cho ta biết về giáo lý Chúa Kitô: “Thánh Thần sẽ nhắc nhở chúng ta” và các điều cần thiết để giữ nghĩa cùng Chúa và tiến lên trong đời sống hoàn thiện. Muốn làm được điều đó chúng ta phải sẵn lòng mở cửa tâm hồn mà đón rước Chúa Thánh Thần,lắng tai mà nghe Lời Người dạy bảo, khuyên nhủ, hãy vâng theo đường lối Ngài chỉ dẫn cho chúng ta.
Nếu chúng ta có đủ thiện chí và vâng lời, gió của Chúa Thánh Thần sẽ quét sạch mọi lo âu của trần đời thế tục để tâm hồn chúng ta được thảnh thơi tự do. Và lửa Chúa Thánh Thần sẽ thiêu đốt mọi tì vết trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta được trong sạch, tinh tuyền, xứng đáng làm nơi Chúa ngự, lửa Chúa Thánh Thần sẽ thiêu đốt tâm hồn làm cho ta cháy bỏng nhiệt tình truyền giáo.
Trong thế giới ngày nay, tâm hồn con người cũng được biến đổi rất nhiều theo đà tiến của xã hội, nhưng không phải hết nơi họ đều được biến đổi theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, mà lại lao mình theo sự cuốn hút của “Tà Thần” đi vào nền văn minh sự chết, một nền văn minh ngày càng thiếu đi tình người. Nhắc đến đây tôi mới giật mình nhìn lại, hàng ngày mình vẫn hay thường lãng quên Chúa Thánh Thần, không quan tâm đến các ơn của Ngài. Vậy, hôm nay và ngay bây giờ chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần nâng đỡ và soi sáng để mỗi ngày tâm hồn ta được biến đổi theo hướng của Ngài. Amen

LỘT XÁC
Ga 20, 19-23

Nhận xét về quyển sách Tông Vụ Tông đồ, Jerome Crowe đã nói: “Quyển sách thứ 2 của thánh Luca được coi là một loạt những lễ Hiện xuống” (His second volume can be regarded as a series of Pentecosts). Chúa Thánh Thần hiện xuống với các tông đồ (Cv 2, 1-4), hiện xuống với nhóm môn đệ (Cv 4,31), hiện xuống với lương dân (Cv 10, 44), hiện xuống với nhóm môn đệ của Gioan Tẩy giả khi Phaolô đặt tay trên họ (Cv 19,6).

Quả thật, khi đọc sách Công vụ tông đồ, chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước công trình của Chúa Thánh Thần thực hiện cho Giáo hội thời sơ khai. Với biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo hội của Chúa Kitô chính thức được khai sinh, và cũng từ đấy, Giáo hội không ngừng lớn mạnh và lan tràn khắp nơi. Với tác động, hướng dẫn và soi sáng của Chúa Thánh Thần, các tông đồ được biến đổi cách lạ lùng. Có thể nói, các ngài đã đi từ thái cực này đến thái cực kia: từ nhát đảm, sợ hãi đến dũng cảm, hiên ngang; từ quê mùa, dốt nát trở thành trí thức, khôn ngoan và hùng biện tài tình. Đây là một cuộc lột xác của các tông đồ trong Chúa Thánh Thần.

Như vậy, có nhiều người thắc mắc rằng: ngày nay, Chúa Thánh Thần có còn hiện xuống với Giáo hội nữa hay không? Đâu là những tác động và biến đổi của Ngài trên cuộc đời chúng ta?

Là những tín hữu đích thực, chắc chắn chúng ta đã được nghe nói, được giảng dạy về Chúa Thánh Thần, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm sức, nhưng rất có thể Ngài vẫn còn là Đấng quá xa lạ đối với chúng ta. Rất có thể, Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm đẹp trong nhiều biến cố xảy ra trong đời sống hằng ngày của chúng ta mà thôi. Bí tích Thêm sức không làm cho chúng ta ý thức về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta và sai chúng ta đi làm chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô.

Đâu rồi những tác động của Chúa Thánh Thần trên cuộc đời của chúng ta? Có lẽ, chúng ta đang chờ đợi Chúa Thánh Thần đến làm những chuyện “kinh thiên động địa” nơi chúng ta hay sai chúng ta đi một cách trực tiếp để làm những chuyện “dời non lấp bể”!

Chúa Thánh Thần không ở xa mỗi người chúng ta đâu. Ngài luôn có mặt khi chúng ta chân thành mở sách thánh để đọc Lời Chúa, rung động trước một đoạn Lời Chúa và muốn sống Lời Chúa trong đời thường. Ngài có mặt khi chúng ta âu ếm gọi tên Chúa Giêsu trên môi miệng chúng ta (1Cr 12,3) hay gọi Thiên Chúa là Cha đầy lòng từ ái (Rm 8,15). Ngài có mặt khi chúng ta quyết tâm hoán cải sau một lỗi lầm hay khi ta muốn tiến lên một bước mới trong đời sống cầu nguyện và đời sống thiêng liêng.

Chúa Thánh Thần là tình yêu trọn hảo của Chúa Cha và Chúa Con. Ai biết sống yêu thương tha thứ, cho đi và hi sinh thì sẽ được tháp nhập vào tình yêu trọn hảo ấy để sống trong sự sống của Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần chẳng ở xa Giáo hội hôm nay. Ngài luôn hiện diện và thổi những luồng sinh khí mới cho Giáo hội. Ngài làm cho Giáo hội được hiệp nhất và bình an bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều người để họ phục vụ lợi ích chung. Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo Giáo hội, nhưng Ngài cũng có mặt nơi những nhóm giáo dân, như xưa kia, Ngài đã hiện xuống trên các tông đồ, trên nhóm môn đệ và trên cả lương dân vậy. Ngài đang hiện diện trong các Bí tích, trong mỗi Thánh lễ. Ngài thánh hoá bánh rượu để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội; không có Ngài, Giáo hội chỉ là cơ cấu đáng nghi ngờ.

Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần tự do hoạt động trong chúng ta. Hãy mở tung các cánh cửa nơi tâm hồn chúng ta để Chúa Thánh Thần thổi những luồng sinh khí mới vào lòng chúng ta. Chúng ta sẽ thấy những biến đổi kỳ diệu khi chúng ta trở nên mềm mại hơn để cho Ngài dẫn dắt; khi chúng ta bớt cứng cỏi để cho Ngài canh tân; khi chúng ta không dập tắt tiếng nói của Ngài nơi cõi lòng của chúng ta.

Chúa Thánh Thần vẫn đang hiện xuống trong mỗi khoảnh khắc của cuộc đời chúng ta.

ĐỔI MỚI
Ga 20, 19-23

Anh chị em thân mến.

Khi chúng ta trải qua đêm dài trong tăm tối, trong đêm tối mọi người đều phải lo chuẩn bị mọi sự: cửa nhà lo đóng kín, mọi công việc lo cho yên nơi yên chỗ, kể cả con người chúng ta cũng nằm yên bất động. Trong đêm tối nhiều người còn sống trong sự lo sợ, vì bóng đêm không nhìn thấy được sự vật chung quanh, những nguy hiểm cũng lợi dụng bóng đêm mà đến với con người bất cứ giờ phút nào.

Khi mặt trời bắt đầu ló dạng, mọi sự dường như được chuyển mình. Vạn vật mỉm cười đón ánh nắng mới, một sức sống mới cùng với ánh mặt trời mang dến cho vạn vật. Con người cũng thế, mọi người vui mừng hoạt động trở lại với những công việc mới. Cùng với ánh mặt trời, không ai có thể nằm yên bất động như trong đêm tối, mà mọi người đều đứng lên, mở cửa nhà mình ra và cùng hoạt động với sức sống mà ánh mặt trời mang lại cho họ. Nếu ánh mặt trời đến mà có người còn nằm yên bất động, thì đó là những người vô ích, ngày giờ kết thúc cuộc đời của họ đã đến.

Các Tông Đồ đang sống trong đêm tối của sự lo sợ và cô đơn, các ông vào trong nhà, đóng kín cửa lại. Các ông lo sợ người khác làm hại đến mình, vì các ông vừa chứng kiến cảnh đau thương của thập giá. Cảnh dau thương làm cho các ông sụp đổ hoàn toàn, các ông mất đi những ước mơ và hy vọng vọng bấy lâu nay, trong thời gian mà các ông theo Chúa Giêsu, các ông hy vọng rất nhiều, ước mơ rất nhiều. Nhưng giờ đây mọi sự không còn gì hết. Những lời Chúa Giêsu nói với các ông, dạy bảo, nhắc nhở, tất cả không còn gì hết. Các ông đóng kín cửa, thu mình lại trong nỗi lo sợ. Nhưng Chúa Giêsu lại đến trong lúc các ông đang lo sợ, Ngài vẫn vào nhà trong lúc cửa các ông vẫn đóng kín, ngài mang bình an đến cho những con người đang sống trong bất an. Ngài còn trao cho các ông một sứ mạng quan trọng là đem bình an đến cho những người khác: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con…” Ngài đến như vầng thái dương xuất hiện, không cho các ông ngồi yên trong sự sợ hãi nữa, không cho các ông đóng kín cửa tâm hồn của mình nữa, mà bảo các ông hãy ra đi.

Các ông đã nhận được sức mạnh, đã đứng lên và đã hành động. Các ông đã sống trong ánh sáng, các ông đã can đảm thi hành sứ mạng trong sự đỗi mới của một ngày mới. Đêm tối của các ông qua đi, giờ đây các ông đang sống và hoạt động dưới ánh sáng ban ngày, ánh sáng của Chúa Kitô Phục Sinh.

Ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh đã làm cho các Tông Đồ đổi mới. Ánh sáng đó cũng làm cho rất nhiều người được đổi mới qua suốt 2000 năm lịch sử. Nhưng ánh sáng đó có đổi mới được những con người của ngày hôm nay, có đổi mới được mỗi người trong chúng ta không?

Mỗi người để một ít phút thinh lặng, nhìn lại cuốn phim cuộc đời. Trải qua bao nhiêu năm, từ ngày lãnh Bí Tích Rửa Tội, Bí tích Thêm sức, biết bao hồng ân chúng ta nhận được qua các Bí Tích. Chúng ta mang danh là người công giáo, nhưng chúng ta chỉ là người công giáo trên danh nghĩa hay là một người công giáo thật sự.

Nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn cứ sống theo những gì mình thích, làm những gì mình muốn làm, nói những gì mình muốn nói, mà bất chấp đến những người chung quanh, không cần biết phản ứng của họ như thế nào, cho dù họ có đau khổ, cho dù họ có kêu than, cho dù họ có van xin, chúng ta cũng không cần biết đến. Chúng ta chỉ ung dung tự tại miễn sao mình được lợi ngày càng nhiều, đường mà chúng ta gọi là danh vọng, ngày càng nâng cao, như thế là đủ. Vậy thì những lần đến nhà thờ, những lời kinh chúng ta đọc hằng ngày, những lời giảng dạy và lệnh truyền của Chúa Giêsu, đối với chúng ta không hiệu quả gì sao? Chúng ta không thể đổi mới để thi hành lệnh Chúa cho tốt được sao? Không lẽ sức mạnh của ánh sáng Phục Sinh không mở được cánh cửa lòng đóng kín của chúng ta được sao?

Nếu chúng ta nhìn thấy được trách nhiệm hằng ngày trong cuộc sống, nhìn thấy được những điều cần làm và phải làm, cho dù phải vất vả khổ nhọc, chúng ta vẫn không từ chối vì biết đây là điều tốt. Khi đó, chúng ta đang được đỗi mới nhờ ơn Chúa.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban sức mạnh của Thánh Thần Chúa sức đổi mới tâm hồn và cuộc sống của mỗi người chúng ta.

SỨC MẠNH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Ga 20,19-23

Lời hứa ở cùng Hội Thánh cho đến tận thế của Chúa Giêsu được thể hiện cách rõ nét qua vai trai trò tác thánh của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh. Thiên Chúa là duy nhất, nhưng có Ba Ngôi. Ở đâu có sự hiện diện của Một Ngôi Thiên Chúa, thì ở đấy cũng đồng thời có mặt cả Ba Ngôi. Chúa Giêsu về trời, giao lại sứ mạng cứu chuộc các linh hồn cho các Tông đồ và Chúa cũng ban Thánh Thần cho để giúp đỡ, củng cố các ông. Biến chuyễn lạ lùng đã xãy đến cho các Tông đồ khi các ông nhận lấy Chúa Thánh Thần trong Ngày Lễ Ngũ Tuần: “Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Thánh Thần, và bắt đều nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần abn cho họ” (Cv 2,4). Thật ra, Ngày Phục Sinh Chúa Giêsu đã ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ rồi (x. Ga 20,21-23). Nhưng ngày Lễ Hiện Xuống Chúa Thánh Thần đến một các long trọng và là ngày chính thức khai sinh Hội Thánh mà Chúa Giêsu đã thành lập.

Với sự hiện diện đầy năng lực của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh Chúa không ngừng phát triển.

Thực vậy, lệnh truyền “hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19) xem ra khó thực hiện vì nhiều lý do: các tông đồ là những người ít học, thuộc tầng lớp xã hội thấp, tiếng nói không nặng ký, lại xuất thân từ một đất nước bé nhỏ, ít ai biết đến…

Thế mà, khởi từ Ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các ông, Thần Khí Chúa đã thúc đẩy các ông ra đi, tạo những biến chuyễn thời cuộc qua các cuộc bách hại tại xứ Palestine khiến các ông phải đi tứ tán khắp nơi, thêm cơ hội để truyền bá Tin Mừng. Và kể từ đó đến nay trải qua 21 thế kỷ, với biết bao khó khăn, cho đến độ chúng ta có thể nói, mỗi trang sử của Hội Thánh Công Giáo đều được viết bằng máu của các chứng nhân Tin Mừng, Hội Thánh không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, từ con số 12 tông đồ của buổi ban đầu, đến nay đã có hàng tỷ người Tin vào Đức Giêsu Kitô. Đó chẳng phải là minh chứng hùng hồn cho sự hiện diện của Chúa Kitô trong Hội Thánh? Đó chẳng phải là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần hằng “gìn giữ, hướng dẫn, thánh hoá và canh tân” Hội Thánh cho đến tận thế sao?

Tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh và trong tâm hồn mỗi người, chúng ta dâng lên Chúa lời cảm tạ và cầu xin Chúa thêm ơn đức tin, để chúng ta vững bước theo Chúa trong đời sống hằng ngày.

CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Ga 20, 19-23

CHÚA THÁNH THẦN LUÔN hiện diện và đồng hành với con người. Ngài hiện diện cách sống động và xuyên suốt trong cuộc đời mỗi người nhưng nhiều khi danh Ngài không được nhắc đến với đầy đủ ý thức của con người. Qua giáo lý ta biết Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa. Đôi khi vô tình ta đóng khung Ngài trong 7 ơn mà ta lãnh nhận trong ngày chịu Bí tích Thêm sức. Trong các giờ kinh cũng thế, ta chỉ kêu cầu danh Ngài lúc khởi sự nhưng về sau thì không khi nào nhắc đến danh Ngài nữa. Nếu như ta chỉ nhớ và kêu cầu Chúa Thánh Thần cách vắn tắt ở đầu giờ kinh hay chỉ giới hạn hoạt động của Chúa Thánh Thần trong một vài Bí tích đó là điều vô cùng thiếu sót.

Chúa Thánh Thần đã xuất hiện ngay từ buổi đầu cuộc tạo dựng. Trong suốt lịch sử dân Chúa, Ngài luôn hiện diện, trong cuộc đời Chúa Giêsu Ngài luôn đồng hành, và nhất là trong hội thánh Ngài luôn hoạt động, dạy dỗ, ủi an, đổi mới con người. Bài Tông Đồ Công Vụ trình bày sự kiện Chúa Thánh Thần xuất hiện cách bất ngờ và biến đổi cuộc sống các tông đồ đến tận gốc rễ. Tiếng gió ùa mạnh vào cả căn nhà, những hình lưỡi lửa lần lượt đậu trên đầu các ông, ai nấy đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần.

Ngày nay mỏ dầu, mỏ than là nhưng nguồn năng lượng đang cạn dần trên thế giới và sẽ biến mất đi. Nhưng gió và lửa là nguồn năng lượng vật chất vô cùng phong phú, không bao giờ cạn và luôn mới mẻ. Gió và lửa là biểu tượng cho những nguồn sức mạnh tinh thần, là ơn lành của Chúa Thánh Thần trao ban. Chúa Thánh Thần đến để làm mới lại bộ mặt trái đất. Đổi mới tâm hồn con người để họ rao truyền Nước Thiên Chúa. Hoạt động của Ngài liên lĩ không lúc nào gián đoạn, nghỉ ngơi.

Chúa Thánh Thần đổi mới ý chí các tông đồ.

Từ ngày Chúa Giêsu bị bắt và bị giết chết, các tông đồ sống trong sợ hãi. Các ông đã chối thầy và đã trốn chạy. Cửa nhà lúc nào cũng khoá chặt, đóng kín. Chúa Thánh Thần xuất hiện, giờ đây các ông mạnh dạn mở toang cửa phòng, ra đi rao giảng Tin mừng Phục sinh cho hết mọi người. Bị bắt bớ, các ông không sợ. Bị đánh đòn các ông vẫn kiên trung. Sau cùng các ông đã dùng chính máu mình làm chứng cho nhưng lời rao giảng. Chúa Thánh Thần hoạt động thật lạ lùng nơi những con người yếu đuối.

Chúa Thánh Thần đổi mới những toan tính bất chính

Làm môn đệ Chúa Giêsu, các ông đều ấp ủ cho riêng mình những ước mơ trần tục. Theo Chúa để được chức trọng quyền cao, theo Chúa để được ngồi bên tả, bên hữu. Ai cũng muốn là người lớn nhất, quan trọng nhất. Các ông theo thầy mà không yêu mến thầy, trái lại chỉ yêu chính bản thân mình. Từ khi được ơn Chúa Thánh Thần các ông đã không còn tranh giành hơn kém, cao thấp nữa. Từ nay các ông hoạt động cho Thiên Chúa và sẵn sàng chết đi vì yêu mến Chúa. Chúa Thánh Thần đã hướng những ước mơ thấp hèn nơi các ông thành những ước mơ cao thượng. Biến đổi những trái tim chai đá thành trái tim bằng thịt. Biến đổi những trái tim chỉ biết yêu mình giờ đây biết yêu rung động yêu thương người khác.

Chúa Thánh Thần biến đổi trí khôn các tông đồ.

Các ông là những người chài lưới, ít học, một chữ cắn đôi cũng không biết. Suốt những năm theo thầy, các ông được dạy nhiều điều nhưng hiểu thì chẳng bao nhiêu. Chúa Thánh Thần hiện đến, trí khôn các ông như bừng tỉnh sau cơn mê kéo dài. Các ông hiểu biết về Chúa, hiểu biết về giáo lý của Chúa và có thể ra đi giảng dạy cho nhiều người thuộc mọi dân tộc khác nhau. Chúa Thánh Thần cho các ông có khả năng nói nhiều tiếng lạ. Các ông say sưa rao giảng đến nỗi nhiều người bảo “họ đầy rượu rồi”. Các ông không say rượu nhưng là đang say Chúa, đang say sưa rao giảng Tin mừng Nước Chúa. Người ta nghĩ các ông điên dại nhưng thực ra các ông đang tràn đầy Chúa Thánh Thần.

Anh chị em thân mến, Giáo hội được khai sinh từ ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo hội đã có một trang sử kéo dài đã 20 thế kỷ rồi. Giáo hội vẫn tiếp tục cần những luồng gió mạnh của Chúa Thánh Thần ùa đến, lùa vào để đổi mới mọi sự. Mỗi dịp mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một dịp khai sinh mới của Giáo hội. Qua làn hơi, Chúa Thánh Thần trao ban sự sống cho chúng ta. Qua hình lưỡi lửa Chúa Thánh Thần tẩy xoá tâm hồn ta khỏi mọi tội lỗi. Đồng thời Ngài ban sức mạnh để ta trở nên những chứng nhân của Chúa đến tận cùng trái đất.

Ngày nay, Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động và biến đổi không ngừng bộ mặt trái đất. Như xưa Ngài biến đổi các tông đồ thế nào, thì hôm nay Chúa Thánh Thần tiếp tục làm cho cuộc sống con người thêm mới bằng cách biến đổi cuộc sống từng người.

Các tông đồ từ chỗ không hiểu biết gì, Chúa Thánh Thần cho các Ngài hiểu biết tất cả. Chúa Thánh Thần cùng sẽ mở trí khôn để ta hiểu biết Lời Chúa, nhận biết thánh ý của Thiên Chúa.

Các tông đồ từ chỗ nhát đảm, sợ sệt, suốt ngày cửa đóng then cài. Khi Chúa Thánh Thần xuất hiện các Ngài đã mở tung cửa và đi rao giảng. Chúa Thánh Thần cũng sẽ thôi thúc ta thi hành điều tốt đẹp cho người khác, mạnh dạn làm chứng cho Chúa ở trần gian.

Các tông đồ từ một trái tim chỉ biết sống cho mình, Chúa Thánh Thần cho các tông đồ một trái tim biết sống cho Chúa và cho người khác. Chúa Thánh Thần đến biến đổi trái tim chúng ta luôn biết yêu thương, gắn kết với hết mọi người trong niềm vui, niềm hy vọng và sự cảm thông.

Anh chị em, cho dù ta muốn hay không muốn, tin hay không tin thì Chúa Thánh Thần vẫn đang hoạt động trong Giáo Hội và biến đổi từng người. Chớ chi ta biết mở mắt tâm hồn để nhận ra bao cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Thần trong đời mình. Biết mở rộng tâm hồn để sống theo ơn Ngài thôi thúc hầu cuộc sống được Chúa Thánh Thần không ngừng đổi mới trong yêu thương, sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng Nước Chúa ở trần gian.

1432    09-06-2011 20:42:53