Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_5

THÁNH THẦN, ĐẤNG BAN BÌNH AN
Ga 20, 19-23

Tự thâm tâm sâu thẳm của từng người, cách này hay cách khác, mỗi người chúng ta đều khát khao hạnh phúc và một trong những dấu hiệu của một tâm hồn hạnh phúc, đó là sự bình an. Bình an là một cái gì không thể thiếu trong đời sống của con người. Vì thế, chúng ta tìm mọi cách để có được bình an. Trong quá trình tìm kiếm đó đã có không ít người nghĩ rằng: tiền bạc, danh vọng có thể đem lại cho họ hạnh phúc và sự bình an. Do đó, họ tìm mọi cách kiếm cho thật nhiều tiền, nhiều quyền. Đối với họ: “Đồng tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của ông già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý. Đồng tiền là hết y”. Với sức mạnh của kim tiền, có những lúc, người ta có thể đổi trắng ra đen, nói trái thành phải. Họ nghĩ rằng có tiền, họ có thể mua được mọi sự kể cả hạnh phúc. Nhưng thực tế có đúng như vậy không? 

Với kinh nghiệm của cuộc sống, hẳn mỗi người chúng ta đều nhận ra rằng: Tiền bạc nay còn mai mất, nay trong tay ta mai ở trong tay người và quan trọng hơn: Tiền bạc không mang lại cho ta sự bình an và không những nó không mang lại hạnh phúc, mà lắm khi nó còn là nguyên nhân của biết bao nỗi bất hoà, lục đục trong gia đình: giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em với nhau. Nó còn là nguyên nhân của biết bao cuộc tranh chấp, cãi vả thậm chí dẫn đến việc người ta giết nhau, gia đình tan vỡ, anh chị em thưa kiện nhau cũng chỉ vì đồng tiền. 

Nhận ra được nỗi thao thức, khắc khoải của con người, Đấng Phục Sinh, khi hiện ra với các môn đệ, cùng với việc trao ban Thánh Thần, Ngài đã ban bình an cho các ông và cũng là cho từng người chúng ta: “Bình an cho các con”. Bình an mà Thiên Chúa ban là sự bình an nội tâm khác hẳn với bình an của con người.

1. ĐẶC ĐIỂM CỦA BỈNH AN NỘI TÂM : 

Bình an nội tâm mà Thiên Chúa ban không lệ thuộc vào ngoại cảnh, thánh Phaolô kêu gọi chúng ta: “Hỡi anh em, hãy vui mừng trong Chúa” (Pl 3, 1). Thánh nhân kêu gọi chúng ta vui trong Chúa, vì ngoại cảnh có thể không làm chúng ta vui, nhưng trong Chúa, chúng ta vẫn có thể vui và bình an. Điều này chúng ta dễ dàng nhận ra khi nhìn lại hoàn cảnh của các Tông đồ lúc bấy giờ. Sau khi Thầy của mình đã bị bắt và giết, các ông hoang mang, lo lắng, sợ hãi như lời tường thuật của thánh Gioan trong bài Tin mừng mà chúng ta vừa nghe: “Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do Thái” (Ga 20, 19). Nhưng ngay sau đó, khi gặp được Đấng Phục Sinh và nhận lãnh được Thánh Thần, các ông đã vui mừng cho dù ngoại cảnh vẫn không thay đổi, như lời thánh Gioan kể lại cho chúng ta: “Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.” 

(Ga 20, 20). Các tông đồ vui mừng vì tìm lại được Chúa là nguồn bình an. Và niềm vui thật sự và mạnh mẽ đó, các ngài đã không thể giữ nó cho riêng mình. Các ngài đã biến niềm vui đó thành một hành động thật cụ thể. Các ngài đã mạnh dạn mở tung cửa rao giảng tin mừng Phục Sinh cho mọi người như trong bài sách Tông đồ công vụ chúng ta vừa nghe. 

Như thế, bằng hai cách khác nhau, thánh Gioan và thánh Luca cùng diễn tả đặc điểm của tâm hồn bình an. Đó là tâm hồn của một người không lệ thuộc vào ngoại cảnh, một tâm hồn luôn quy hướng về Chúa, có Chúa ở cùng, một tâm hồn chan chứa niềm vui. Sự bình an nội tâm đó còn được được tác giả Thánh vịnh 4 diễn tả thật cụ thể như sau: “Thư thái bình an, vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn.” (Tv 4, 9-10). Vâng, một hình tượng thật cụ thể và cũng thật súc tích: “Thư thái bình an, vừa nằm con đã ngủ”. Biết bao đêm trường chúng ta thao thức, trằn trọc cho dù tiền của, danh vọng chúng ta không thiếu. Chúng ta thao thức bởi tâm hồn chúng ta không có sự bình an. Sự bình an này không do chúng ta, nhưng là do ân ban của Thiên Chúa. Và đây mới là sự bình an thực sự. Nhưng chúng ta phải làm thế nào để nhận lãnh được sự bình an này?

2. BÌNH AN NỘI TÂM, ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH NHẬN THÁNH THẦN 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, có lẽ không phải vô tình mà Đức Giê-su trước khi thổi hơi và ban Thánh Thần cho các tông đồ đã lập lại một lần nữa lời cầu chúc “Bình an cho anh em!”. Như vậy phải chăng để nhận lãnh Thánh Thần, thì điều kiện quan trọng là phải có tâm hồn bình an? Và đồng thời bình an cũng lại là kết quả của một tâm hồn tràn đầy Thánh Thần (x. Gl 5, 22)? Thực ra, điều kiện quan trọng để nhận được Thánh Thần là phải có tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, nghĩa là phải có tâm hồn trong sạch. Chính vì thế mà Giáo Hội buộc những ai lãnh nhận bí tích Thêm Sức - tức lãnh nhận Thánh Thần - phải sạch tội, nghĩa là có ân nghĩa với Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa. Một khi đã sạch tội, sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, sống theo tinh thần của Ngài thì đương nhiên sẽ có sự bình an trong tâm hồn. 

Sống theo tinh thần của Đức Kitô hay của Thánh Thần là sống tinh thần hiệp nhất, vì như lời thánh Phaolô trong bài đọc hai tất cả chúng ta được nhận lãnh cùng một Thánh Thần để làm nên một Thân Thể. Do đó, bình an này chỉ đến với hoặc ở với những ai biết sống hiệp nhất kiến tạo hoà bình. Mặt khác, bình an này cũng chỉ được ban cho những ai có lối sống siêu thoát xứng đáng với nó. Những người chạy theo tinh thần thế tục, coi trọng tiền bạc, danh vọng, địa vị hơn tình nghĩa, sống ích kỷ, vụ lợi, tham lam… không thể có được thứ bình an sâu xa này. Do đó, thay vì nói có ân nghĩa và tình yêu đối với Thiên Chúa là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần, có thể nói cách khác: bình an nội tâm là điều kiện để lãnh nhận Thánh Thần. Thánh Thần có thể được ban cho người không có bình an vật lý hay thể lý, nhưng chắc chắn không thể ban cho người không có bình an nội tâm. 

Tóm lại, để có được bình an, mỗi người chúng ta cần có một tâm hồn trong sạch, ngay thẳng không quanh co dối trá. Vì thế, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, mỗi người chúng ta hãy dọn mình sốt sắng, để con người chúng ta xứng đáng trở nên đền thờ cho Ngài ngự đến, nhờ đó, tâm hồn chúng ta luôn được bình an và hạnh phúc. Sự bình an của một người có Chúa ở cùng. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Jn 20, 19-23

Có một báu vật được mọi thời đại trân trọng-kiếm tìm đó là Tình Yêu. Con người có thể sống nghèo, sống với tật nguyền, sống phận vô danh, nhưng con người không thể sống trọn chữ "người" khi họ không cảm nhận tình yêu trao dâng, tình yêu nhận lãnh. Chính vì thế mà trước lúc rời các môn đệ trở về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã ân trao báo vật Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. "Ngài thở hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần." (Jn 20,22). Thật vậy, Chúa Thánh Thần là Tình Yêu vỉnh cửu Thiên Chúa hằng tuôn ban trên nhân loại, đặc biệt cho thời đại chúng ta đang sống. Thời đại được mệnh danh: thời đại của Chúa Thánh Thần. Vậy bằng cách nào chúng ta nhận ra ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn trong từng biến cố cuộc đời?

Đọc lại Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ dần khám phá ra lộ trình của Chúa Thánh Thần đến với môn đệ xưa. Khi hiện ra, Chúa Giêsu "chúc bình an" cho môn đệ. Đức Giêsu muốn chuẩn bị tâm hồn các môn đệ trước khi mời họ cùng cộng tác với Ngài tiếp nối sứ mạng cứu độ, để ngay sau đó Ngài trao ban Thần Khí cùng lời truyền dạy : "Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Jn 20, 23). Như vậy, để nhận được ơn Chúa Thánh Thần đòi buộc chúng ta hai điều kiện cốt lõi: tâm hồn bình an và lòng nhiệt tâm dấn thân vì Nước Chúa. 

Tâm hồn bình an trong Đức Giêsu không dựa vào sự an ninh vật chất, điều kiện sống, sự an nhàn thư thái. Bình an của Đức Giêsu là sự tĩnh lặng sâu thẳm của một tâm hồn khiêm hạ đang sẵn sàng đón nhận ý Chúa nơi từng biến cố. Tâm hồn an bình thật loại trừ những tư kiến, tự lợi hẹp hòi, dễ dàng đón nhận thiện ý từ tha nhân, biết trọng tài năng đa dạng của những người cộng tác, như các chi thể trong cùng nhiệm thể Đức Kitô. 

Bên cạnh đó tâm hồn an bình thật còn tiềm ẩn khát vọng hướng thiện. Khát vọng đốt cháy trần gian bằng tình yêu tự hiến của Đức Giêsu. Khát vọng này trở thành hơi thở của Đức Giêsu Phục Sinh. Hơi thở đem lại Ngôi Ba Cực thánh, Đấng khai sinh Giáo Hội trong sự sống mới, "Thần khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung" ( 1Cor 12,7). Như vậy, chính nhờ chìa khóa an bình và lòng nhiệt thành vì Nước Chúa, chúng ta sẽ mở tung cách cửa tâm hồn đón nhận ánh sáng soi dẫn của Thần Khí Chúa, để Ngài đồng hành với chúng ta xuyên qua nghịch cảnh phận người cách bền bỉ, tín trung và đầy lòng yêu mến.

Lạy Chúa Thánh Thần,

Xin là ngọn lửa hồng đến tiêu hủy những thói hư, ý riêng trong con, trong cộng đoàn Giáo Xứ, và thắng sáng đức cậy - đức mến, để qua đó ánh sáng Đức Giêsu Phục Sinh được tỏa lan cho môi trường chúng con sống.

Xin là hơi thở Phục Sinh của Đức Giêsu đến dạy chúng con biết sống quảng đại, thuận hòa và liên đới với nhau xây dựng Giáo Hội Chúa ngày thêm thánh thiện.

Xin là cánh chim hòa bình trong lòng chúng con, trong lòng thế giới để hướng dẫn nhân loại đến chân trời công lý hòa bình đích thực
. Amen.

Sr Magdalena Oanh, MTGQN

QUYỀN NĂNG THA TỘI 
Ga 20,19-23

Trong một lần giáo huấn, Đức Giêsu đã quả quyết với các Tông đồ: "Sự gì các con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc. Sự gì các con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở" (Mt 18,18). Và hôm nay, sau ngày phục sinh, trong một lần hiện ra với họ, Chúa Giêsu đã phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại". (Gn 19, 22-23). Khi nói lên lời đó, Ngài chính thức thiết lập Bí tích Giải tội, ủy thác cho Hội thánh quyền năng tha thứ và cầm buộc. Quyền năng nầy không chỉ được trao ban cho các Tông đồ nhưng còn thông chuyển đến các đấng kế vị là các Giám mục và những linh mục hiệp thông với các ngài.

Qua lời tuyên bố thiết lập Bí tích Giao hòa Chúa Giêsu muốn nói với các vị thừa tác viên đầu tiên và những người kế nghiệp rằng: một khi dưới đất họ đọc lên lời tha tội "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" thì lập tức trên trời Ngài sẽ chuẩn y, và dù tội con người có thẫm như máu đào cũng sẽ được biến đổi tinh trắng như bông.

Trong Tông thư Reconciliation and Penance, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: "Khơi dậy lòng sám hối và thay đổi tâm hồn nhân thế cùng trao ban cho con người tặng phẩm giao hòa chính là sứ mạng đặc thù của Hội thánh khi tiếp nối công trình cứu độ của Đấng Sáng Lập".

Có người đặt vấn đề: Tại sao lại phải đi xưng tội với một linh mục? Tới thẳng với Chúa không được sao?

Lẽ dĩ nhiên Đức Giêsu có trăm muôn ngàn cách tha thứ tội lỗi con người, nhưng phương cách Ngài "làm người" để cứu thế và "chọn con người" để thi hành quyền năng tha tội là một ý định tỏ tường. Tuy nhiên, bên cạnh ý định của Thiên Chúa cũng có đó một số lý do khiến cho việc xưng tội với một linh mục trở nên cần thiết.

Catholicism and Life có chỉ ra những lý do như sau:

Thứ nhất, vì "có những tội được tha và có những tội bị cầm" nên hối nhân phải xưng tội mình ra thì linh mục mới có thể xác định được tội nào được tha và tội nào bị cầm.

Thứ hai, việc xưng tội với một linh mục sẽ giúp cho con người trở nên khiêm tốn. Người ta dễ chừa tội hơn khi biết rằng nếu mình phạm, mình sẽ phải xưng.

Thứ ba, chắc chắn hối nhân sẽ đón nhận được ơn thánh hóa từ bí tích Hòa giải. Nhưng trước đó, họ sẽ nhận được những lời khuyên hữu ích từ vị linh mục, giúp họ thăng tiến hơn trên đường thiêng liêng.

Thêm vào đó, có không ít khuynh hướng nhiệm nhặt hay buông thả khiến cho có người quá khắt khe, thấy điều chi cũng tội, hay có người qua lỏng lẻo đến nỗi bao tội tày trời cũng cho là chẳng có gì ghê gớm. Thậm chí có khi còn biện minh để lương tâm thấy tội nhẹ đi hay không còn tội lỗi gì nữa. Vì vậy, nếu không có sự trợ giúp của vị linh mục làm sao người ta có thể quân bình với chính mình và chân thành với Thiên Chúa được.

Cuối cùng, khi ban ơn tha tội, vị linh mục thay mặt Chúa sẽ bảo đảm ơn tha thứ cho hối nhân. Đối với người đi "xưng thẳng" với Chúa, ai sẽ đoan quyết cho điều đó? Chắc chắn không ai hết.

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh cáo những người cho mình không cần Bí tích Giải tội như sau: "Thật là điên rồ và kiêu căng đối với những ai tự ý coi thường phương thế trao ban ơn sủng và cứu thoát mà chính Chúa Giêsu thiết lập, nhất là đối với những kẻ cho rằng không cần đến Bí tích Giải tội để được tha tội".

Có nhiều người vì ý thức lệch lạc nên coi thường xưng tội, nhưng cũng có không ít người vì đánh mất cảm thức về tội nên không còn thấy cần đi xưng tội nữa. Thậm chí có người xấu hổ ngại ngùng khi phải thú nhận tội mình với kẻ khác. G.K. Chesterton, một nhà văn trở lại Công giáo đã viết: "Không việc gì phải xấu hổ về những dại dột của mình... Đã là con người không ai không có lỗi lầm, nhưng lỗi lầm kinh khủng nhất của con người là cho mình không có lỗi". Thánh Gioan Tông đồ viết thẳng thừng hơn: "Nếu ta nói: ta không có tội là ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta" (1 Gn 1,8). Trái lại, "Nếu ta xưng thú tội lỗi mình thì Người trung tín và công chính đủ để tha thứ tội lỗi cho ta,và tẩy ta khỏi mọi bất chính" (1 Gn 1,9).

Một điều luôn gắn liền với Bí tích Giải tội là "ấn tòa" mà tất cả mọi linh mục phải tuân giữ. Không một điều gì nghe trong toà mà cha giải tội lại được phép nói ra cho người thứ ba, dù tính mạng của mình bị đe dọa hay an ninh quốc gia được bảo toàn.

Lịch sử Giáo hội ghi nhận biết bao hình ảnh hào hùng của những con người dám lấy máu đào bảo vệ đức tin, trong đó cũng có hình ảnh của những linh mục dám lấy mạng sống bảo vệ "ấn tòa giải tội".

Cha Gioan Nepomucene là mẫu gương tiêu biểu trong thế kỷ 14. Ngài là cha giải tội của Hoàng hậu Jane, nước Bohemia. Vua Wenceslaus là người đa nghi và ghen tuông. Vì muốn biết Hoàng hậu đã làm điều chi thầm lén nên vua yêu cầu cha Gioan thuật lại những gì nàng xưng ra với Ngài.

Tưởng rằng quyền lực và uy thế của mình có thể khui được ít nhiều bí mật nơi miệng cha Gioan, nhưng vua đã lầm. Vị linh mục của Chúa nhất quyết không hé lộ bất cứ điều gì. Kết quả, ngài bị nhốt vào hầm tối, và một đêm kia, bị nhận nước cho đến chết.

Ba trăm năm sau, khi khai quật lăng mộ cha Gioan, những người hữu trách ngỡ ngàng chứng kiến thân thể ngài mục hoàn toàn, ngoại trừ chiếc lưỡi vẫn nguyên vẹn như lúc còn sống. Ngày nay, trên chỗ ngài bị giết người ta dựng lên một tượng đài, phía dưới chân có khắc dòng chữ: "Nơi đây vị chứng nhân của Ấn toà Giải tội đã nằm xuống".

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao ban cho các Tông đồ món quà vô giá là Chúa Thánh Thần và quyền năng tha tội. Sứ mạng của các ngài và những người kế vị sẽ là việc làm nảy sinh hoa trái cho toàn nhân loại. Biết khiêm tốn mở lòng đón nhận ơn tha thứ, con người sẽ tìm thấy bình an và sự sống đích thực, dù thần chết có đang hăm he rình chờ. Biết tìm đến cùng tòa cáo giải, tâm hồn sẽ được chữa lànhvà ngập tràn hân hoan.

Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR

LỄ NGŨ TUẦN - MỘT CUỘC BIẾN ĐỔI MỚI 
Ga 20, 19-23

Như lời cầu trong lòng tin, như lời tạ ơn chân thành phát xuất từ tận đáy thẳm sâu tâm hồn dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời cầu gói trọn tình thương trong mầu nhiệm chết, sống lại và lên trời của Đức Giêsu Kitô. Lời khẩn nguyện chân thành với đôi mắt rộng mở, với con tim đơn hèn, với đôi tay giơ cao trong hiến lễ ban chiều. Tội lỗi của con người đã được máu Chúa Kitô tẩy xoá để xứng đáng lãnh nhận ơn làm con Chúa phục sinh. Trong hương thơm ngào ngạt của hiến lễ sáng nay, với ánh nến phục sinh rực sáng, biểu trưng cho chính Chúa kitô phục sinh khải hoàn.Chúa đã về trời để thực hiện lời hứa ban Chúa Thánh Thần. Và hôm nay,biến cố ngày lễ Ngũ Tuần mang lại cho các tông đồ và Giáo Hội một luồng sinh khí mới, một cuộc lột xác, một cuộc đổi đời. Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy tìm hiểu biến cố ngày lễ 50 như dấu chỉ muôn thời mở nước Thiên Chúa.

I.SỰ KIỆN CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NHƯ MỘT CUỘC BIẾN ĐỔI MỚI :

Chúa về trời vừa làm bỡ ngỡ tất cả các tông đồ và toàn dân Galilêa khi họ cứ đăm đăm nhìn lên trời với vẻ tiếc nuối đợi chờ. Chúa về trời để thực hiện lời hứa ban Chúa Thánh Thần để củng cố niềm tin của các môn đệ và tăng cường sức cho các tông đồ để các ông có lòng quả cảm, sự dũng mạnh mà ra đi rao giảng Tin Mừng. Sự kiện Chúa phục sinh ban Thánh Thần được tường thuật cách rõ ràng, tỉ mỉ trong sách tông đồ công vụ đoạn 2, 1-11 như sau:” Thần khí Chúa hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ tụ họp nhau đầy đủ để cầu nguyện và suy nghĩ về biến cố Giêsu kitô về trời. Lúc ấy, Thánh Thần Chúa hiện xuống và tuôn đổ trên các môn đồ “ ( Cv 2,1).

Những hình ảnh:”gió rào rào như cuồng phong, lưỡi lửa đậu trên mỗi người “( Cv 1, 2-3 ), ám chỉ Thần khí Thiên Chúa ngự xuống. Sự kiện Thánh Thần hiện xuống làm cho các môn đệ mạnh dạn và nói đủ thứ tiếng của muôn dân thiên hạ ( Cv 2,4 ).Các môn đệ lãnh nhận thần khí, thêm can đảm, sức mạnh tăng phi thường đến nỗi họ dạn dĩ rao giảng lời Chúa, làm cho mọi người đều sửng sốt và ngạc nhiên vì ai cũng nghe họ nói tiếng bản xứ mình “ ( Cv 2, 5.11 ).Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cộng đoàn tín hữu corintô đoạn 12 câu 3b đã đề cập tới vai trò của thần khí như sự duy nhất của Thiên Chúa, đến nỗi ai tuyên xưng Đức Kitô là Chúa đều do Thánh Thần hướng dẫn và dù con người sống được đặc ân nào thì cũng đều do thần khí độc nhất làm nên ( 1co 12, 11 ).Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, sống trong sự duy nhất của Ba Ngôi, nên sự kiện duy nhất của Thánh Thần, đánh dấu sự duy nhất của Thiên Chúa, đồng thời giúp cho các môn đệ của Chúa sức mạnh, lòng trung kiên và tình thương để rao giảng nước Thiên Chúa. Sự kiện Thánh Thần hiện xuống, còn được diễn tả cách khác trong Tin Mừng của Thánh sử Gioan 20, 19-23. Chúa hiện đến với các môn đệ khi các Ngài còn hoang mang, sợ sệt, Ngài chúc bình an cho các môn đệ và trao sứ vụ cho các Ngài, Ngài nói :”…Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các Ngươi “ ( Ga 20,21 ) và Chúa Giêsu thổi hơi trên các môn đệ và nói với họ:” Hãy chịu lấy Thánh Thần. Các Ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha. Các Ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ “ ( Ga 20, 22-23 ).

Lễ Hiện Xuống của Tin Mừng Thánh Gioan và của Sách Tông Đồ Công Vụ chỉ có một ý, nói lên sự duy nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần. Nên, thương khó, sống lại, lên trời và Thánh Thần Hiện Xuống là một mầu nhiệm phục sinh của việc tôn vinh Chúa Giêsu Kitô và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại cho nhân loại. Chúa Thánh Thần là ân huệ cao cả nhất của phục sinh. Thánh Thần nối kết các môn đệ luôn mãi gắn chặt vào Chúa phục sinh, Ngài tái hợp nhất họ lại với nhau và chính Ngài đổi mới họ qua tác vụ tha tội cho nhân loại, cho tha nhân.Vì thế, qua biến cố Ngũ Tuần, các môn đệ nắm một sứ mạng quan trọng:” rao giảng Tin Mừng cho mọi dân, mọi nước”. Công việc loan báo Tin Mừng của các tông đồ và Hội Thánh của Chúa ( Ga 4, 38 ), được chính Thánh Thần hướng dẫn và thúc đẩy ( Ga 1, 33; Cv 2, 1t ).

II.Ý NGHĨA CỦA VIỆC THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG :

Thánh Thần hiện xuống đem lại cho các tông đồ nguồn sinh khí mới, biến đổi cả một Giáo Hội sơ khai đang rụt rè, sợ sệt và mệt mỏi. Thánh Thần đã làm cho các môn đệ từ tình trạng hoang mang, sệ sệt trở thành những chứng nhân anh hùng của Thiên Chúa. Nhờ Thánh Thần tuôn đổ trên các môn đệ, niềm tin của các Ngài mãnh liệt hơn, sứ mạng rao giảng Tin Mừng của các Ngài có ý nghĩa tốt đẹp hơn. Các Ngài không còn sợ chết, sợ bắt bớ, tù tội, mà các Ngài đã minh chứng cách anh hùng về sự kiện Giêsu Kitô chịu chết và phục sinh. Thánh Thần ấy cũng đã tuôn đổ trên Giáo Hội Chúa, muôn thời, muôn thế hệ. Vì “ chỉ có một thân thể và một thần khí…chỉ có một Chúa…một Thiên Chúa thôi “ ( Eph. 4, 4t ). Nhờ Thánh Thần, Giáo Hội và mọi người có thể dạn dĩ tuyên xưng Giêsu Kitô là Chúa và làm vinh hiển cho Thiên Chúa Cha ( Ga 12, 3 ) và chính trong thần khí mà chúng ta cầu xin Thiên Chúa ( Rm 8, 26 ) và gọi Ngài bằng chính tên của Ngài ABBA “ CHA “. Thánh Thần Chúa luôn tác động trong Hội Thánh, trong mỗi người chúng ta, khiến ta có thể luôn là con Chúa và luôn được Ngài nâng đỡ, hộ phù.

III. XÂY DỰNG NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ QUA TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH THẦN:

Đức Giêsu Kitô Kitô chịu đau khổ, chịu chết, sống lại, lên trời và ban Thánh Thần để nói lên sự duy nhất của Hội Thánh ở trần gian. Là chi thể của Chúa phục sinh, ta hãy sống trong tình thương và tung vãi niềm tin yêu, sự bình an hoa quả của Thánh Thần cho mọi người, để muôn người nhận ra Chúa phục sinh nơi cuộc đời, nơi thế giới :

-Chúa phục sinh hiện ra, ban an bình cho các môn đệ và ân huệ phục sinh Chúa ban cho họ là niềm vui, hạnh phúc sung mãn. An bình và niềm vui là hoa quả của Chúa Thánh Thần ( Gal 5, 22 ).

-Là con Chúa, chúng ta cũng cố gắng chu toàn nghĩa vụ của người con thảo, trung thành với kinh nguyện hàng ngày, trung thành với các bí tích, phụng vụ hàng tuần. Ngoài ra, chúng ta còn cố gắng học hỏi Kinh Thánh, giáo lý, chăm lo đời sống đạo đức cho gia đình, cho con cái. Chu toàn đời sống kitô hữu mỗi ngày vì tất cả những điều đó là hoa trái của Chúa Thánh Thần.

Lạy Chúa Thánh Thần xin Ngài ngự đến…Xin Chúa ban cho các tín hữu, là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn. Xin ban cho họ được huấn nghiệp nhân đức, được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

1569    09-06-2011 20:43:10