Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Chúc Nhau

Những ngày cuối năm âm lịch, "Dế cùi bắp" của mình cứ liên tục phát tín hiệu nhận được tin nhắn chúc mừng từ người thân, con cháu, bè bạn thân hữu... nội dung khuôn mẫu có sẵn đủ loại nào l

- Năm mới Tết đến. Rước hên vào nhà. Quà cáp bao la. Trong nhà no đủ. Vàng bạc đầy hũ. Gia chủ phát tài.

- Già trẻ gái trai. Sum vầy hạnh phúc. Cầu tài chúc phúc. Lộc đến quanh năm. An khang thịnh vượng!

- Chúc mừng năm mới. Chúc 365 ngày hạnh phúc, 52 tuần như ý, 12 tháng an vui, 8.760 giờ thoải mái, 52.600 phút may mắn, và 1 Năm mới an khang thịnh vượng - phát tài phát lộc.

- Đong cho đầy hạnh phúc - Gói cho trọn lộc tài - Giữ cho mãi an khang - Thắt cho chặt phú quý...

- ... Kính chúc gia đình anh chị một chén an khang và một đĩa tài lộc...

- Chúc cả gia đình bạn vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, triệu triệu bất ngờ, không chờ cũng đến !

Được thế thì hạnh phúc quá, sung sướng tuyệt vời rồi còn gì ! Thôi thì... đọc tin muốn oải luôn. Bỗng giật mình đánh thót chợt nhớ ra lời của cụ Tú Xương mỉa mai cái sự đời... tầm thường, hám lợi, vụn vặt cách nay hơn cả thế kỷ mà vẫn còn nguyên giá trị:

 "... Nó lại mừng nhau cái sự giàu:

Trăm nghìn, vạn mớ để vào đâu ?

Phen này ắt hẳn gà ăn bạc

Ðồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu..."  

(Tú Xương - Chúc Tết)

Ngày thường "Thần tài gõ cửa" đều đặn mỗi tuần trong năm, được phát sóng hẳn hoi trên phương tiện thông tin đại chúng; nhằm đem đến cho những người đang có hoàn cảnh khó khăn một niềm tin, rằng cuộc đời này vẫn còn đó nhiều hy vọng, nhiều cơ hội mở ra đối với những người nghèo khổ để cuộc sống họ thay đổi tốt hơn nếu họ có ước mơ, có ý chí, và kiên tâm bền chí thực hiện điều đó. Hình ảnh Thần tài đã ăn sâu vào tâm thức của con người tự lúc nào không biết; những khi cơ cực, túng quẫn người ta ai ai cũng mơ ước được Thần tài viếng thăm cứu giúp. Một ước mơ bình dị, trong sáng !

Nhưng hỡi ôi ! Có lẽ chính vì lẽ đó, nên ước vọng chính đáng của con người nơi Thần tài đã dần "thực dụng hóa" theo nhịp sống đương đại. Hình tượng Thần tài đã dần biến tướng theo cuộc sống ôm đồm vội vã, đã hóa thành thần tượng bảo hộ, cầu an, vị lợi, ... len lỏi ăn sâu vào trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay: duy vật chất, duy thế tục, nặng về tánh bon chen, tham lam, vị kỷ, vô cảm, ... nhằm thỏa mãn tối đa chí hưởng thụ cá nhân như hiện nay là điều đáng để suy ngẫm lắm vậy !

NHẬN DIỆN THẦN TÀI

... Không biết tự lúc nào cái "mốt" chúc xuân này lại biến tấu đa dạng, phong phú, và dồi dào ý tưởng "thực dụng" duy vật chất đến thế. Dù gì đi nữa thì các câu chúc trên đều cùng có chung một chủ đích là cầu xin Thần tài ban cho đối tượng mà mình cầu chúc được may lành, an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc, suốt năm may mắn, vạn sự như ý... Vì thế, song song với việc sửa soạn nhà cửa đón tết Nguyên đán, thì cũng không ít con người ta cũng nhân dịp này tranh thủ sửa sang trang hoàng nơi Thần tài "ngự" ở tại tư gia, hoặc ở chỗ giao dịch, kinh doanh, mua bán... của mình. Từ quét dọn bụi bặm, lau chùi bợn dơ, rửa sạch cáu bẩn cho các Thần tài, Thổ địa cho đến; nếu như trong năm cũ làm ăn thuận lợi, thành đạt, nếu "xin được, ước có" thỏa lòng; thì cuối năm là dịp cần kíp phải thay đổi, chỉnh trang, thay mới các Thần tài, ông Địa lớn hơn các ông cũ, từ các ông bằng nhựa, sành sứ, thạch cao... chuyển đổi sang các ông bằng polymer, ceramic, gỗ hiếm, đá quý, óng ánh kim tuyến, xi mạ vàng... cho đến bằng kim loại vàng thật, đủ chủng loại to - nhỏ, lớn - bé, với đủ kiểu dáng đứng - ngồi đa dạng ... với mong ước bước sang năm mới gia đình làm ăn suông sẻ, vượng tài "đầu xuôi, đuôi lọt", "phất phát" hơn năm trước...

Đã từ rất lâu đối với người Việt Nam, tín ngưỡng Thần tài gắn liền với Thổ địa. Hầu như không có sự phân biệt rạch ròi giữa hai vị thần có nguồn gốc từ Trung Hoa này. Hiện nay theo trào lưu phong thủy, khắp nơi người ta thờ Thần tài và Thổ địa như một cặp song sinh. Thi thoảng cũng có một ít bà con nhà Đạo yếu "bóng vía" (yếu đức tin), xa đàng "lạc ngõ" cũng vọng bái kiểu tín ngưỡng "tiền tài" này nữa kia; mặc dù không tỏ lộ công khai ra bên ngoài, nhưng trong thâm tâm vẫn  đã xu thời "tín-tường" và tự trấn an với lòng rằng:

Lòng tin nhưng hổng có thờ,
Mần ăn mua bán, cậy nhờ thành quen.

Lắm người xưa dặn: đừng quên (!)
Có "thực", được "Đạo" hai bên đề huề.   
(NV)

Hi... hi..., xem ra đức tin của con nhà Đạo cũng đang "hòa nhập" cho hợp với thời buổi kinh tế thị trường đó mà ! Bởi vì hiện nay, chính đồng tiền đang phô diễn sức mạnh gần như vạn năng của nó. Đồng tiền đang ngạo nghễ lên ngôi Thượng Đế tại nhiều nơi, ngay ở lòng người như một thách đố, gây ra những xáo trộn đảo điên, với biết bao thật giả vàng thau lẫn lộn khó có thể nhận ra được một cách tỏ tường.

Căn nguyên của nền văn hóa thờ Thần tài, Thổ địa là dựa vào thuyết Ngũ hành tương sinh: Thổ sinh Kim. Thần tài thuộc mạng kim, hành kim và Thổ địa thuộc mạng thổ, đại trạch thổ. Không có tài nguyên khoáng sản nào tồn tại ngoài lòng đất, cho nên nói đến Thần tài là nói đến tiềm năng của Thổ địa vậy ! Thần đất (thổ địa) kéo theo Thần tài, tiềm năng mở ra hiện thực, đầu tư dẫn đến kết quả, nhân và quả hoạt động song hành với nhau dưới sự hỗ trợ của yếu tố nhân duyên thích hợp sẽ dẫn đến thành công. Lý luận tương sinh là như vậy !

Thế nhưng tín ngưỡng Thần tài không phải đơn nhất chỉ có một ông Thần tài như nhiều người vẫn tưởng. Người Trung Hoa thờ ba vị Thần tài khác nhau; đó là:

Thần tài Bạch Tinh Quân (hay Kim Thần tài): Là vị thần vàng bạc, tài bạch chỉ sự giàu sang phú quý. Tinh Quân là vị quán quân ở trên trời làm nhiệm vụ quán sứ các vì sao và trưởng quản của cải tài lộc cho con người. Hình ảnh vị Thần tài Bạch Tinh Quân có gương mặt trắng với bộ râu dài, tay trái cầm thỏi vàng nguyên chất, tay phải cầm quyển sách với bốn chữ là "Thần Tài Tiến Bảo", đó là vị Thần tài mang tiền bạc, ngọc ngà châu báu đến tặng cho người ta.

Nguồn gốc của Thần tài Bạch Tinh Quân có sự tích từ vị tướng tài ba lỗi lạc tên là Phạm Lãi. Ông phò Việt Vương Câu Tiễn, suốt nhiều năm nằm gai nếm mật, chịu đủ mọi khổ nhục kể cả phải nếm phẩn người, về sau chiến thắng giành được chủ quyền độc lập quốc gia và trả thù được Ngô Vương Phù Sai. Đến khi thời bình, Phạm Lãi từ quan, về ở ẩn cùng với người đẹp nghiêng nước nghiêng thành Tây Thi, vân du khắp chốn và cuối cùng về trú ngụ ở làng Đào, vùng Ngũ Hồ. Kể từ đó, người ta đặt biệt danh cho ông là Đào Công, ông trở thành thương buôn giàu sang phú quý. Sau khi ông qua đời, người ta làm hình tượng ông để tôn thờ, trong đó có đề bốn chữ "Đào Công Phất Nghiệp", nghĩa là Phạm Lãi ở làng Đào nổi tiếng về cơ nghiệp giàu sang, phú quý sau cuộc chinh chiến thành công.

Cuộc đời Phạm Lãi từ vị tướng tài ba, sau đó trở thành thương buôn giàu sang, phất lên cơ nghiệp; khiến nhiều người hy vọng rằng: nếu chịu khó nỗ lực chân chính như ông thì tương lai giàu sang tốt đẹp nằm trong lòng bàn tay.

Ý nghĩa của vị thần này là mang hòa bình, giàu sang, thịnh vượng đến cho công việc làm ăn và kinh doanh.

Thần tài Âm Phủ: Có hình thù là vị phán quan với gương mặt đen sạm, bộ râu rậm rạp, tay cầm chiếc roi cưỡi trên lưng con cọp đen, đầu đội chiếc mũ ống cao đề bốn chữ "Nhất Kiến Phát Tài", tức là khi nhìn thấy thì phát tài ngay bởi tâm lý mọi người rất tin tưởng điều này.

Thần tài Âm Phủ có sự tích từ vị quan nổi tiếng ở Trung Hoa đời nhà Tần, tên là Triệu Công Minh. Sau khi từ quan, ông ở ẩn tu trên núi Trung Sơn, Trung Nam. Khi chứng đạo, ông được phong là Chánh Nhất Quyền Đàng Nguyên Soái với chức năng diệt trừ ôn dịch, bệnh tà, giải oan ức, cầu tài lộc, ai muốn có nhiều tiền bạc, muốn đầu tư đến đâu thắng lợi đến đó thì hãy đến vay tiền của Thần tài Âm Phủ, mua đất đai hoặc nhà cửa với hy vọng đầu tư chỉ một mà thành quả đạt mười.

Thần tài Lưu Hải: Đây là hình ảnh chàng trai trẻ tuổi tay cầm sợi dây ngũ sắc buộc vào một con cóc ba chân. Trên vai có sợi dây buộc theo những quả trứng đính kèm hàng loạt đồng tiền vàng. Văn hóa Trung Hoa xem con cóc là biểu tượng của nguồn tài nguyên tiền bạc; bởi trong chữ Hán có sự đồng âm dị từ, cóc có âm đọc là "thiềm"; "thiềm" và "tiền" lại được đọc cùng âm. Từ đó nó mang ý nghĩa phất lên, dẫn khởi niềm hy vọng về phát đạt.

Tương truyền Lưu Hải là con của tể tướng Lương Thái Tổ. Sau khi từ quan, ông sống ẩn tu và được Lữ Đồng Tân - một trong tám vị tiên, truyền bí pháp luyện vận hoàn trở thành thuốc linh đơn trường sinh bất tử, cuối cùng ông thành công phương pháp luyện đơn. Khi thờ Thần tài Lưu Hải, người ta nghĩ đến yếu tố phúc lộc trường tồn vĩnh hằng.

Như đã trình bày ở trên thì ba ông Thần tài này chung quy cần được nhìn lại một cách đúng đắn và được nể trọng là ba mẫu gương "biết thời, phải thế", biết tu thân tích đức, sống cuộc đời chân chính, có phương pháp lập nghiệp, đầu tư đúng cách, hành động cao thượng, đời sống chuẩn mực và uy tín; đáng để nêu gương cho hậu thế noi theo "tận nhân lực" mới "tri thiên mệnh"  cuộc đời của mỗi người.

KIÊN TÍN PHÓ THÁC: TÂM THỨC CẦN CÓ HIỆN NAY CỦA CON NHÀ ĐẠO

Mổ xẻ ý nghĩa biểu tượng Thần tài từ góc độ Nhân - Quả của Phật giáo thì giá trị văn hóa thờ cúng Thần tài là một niềm tin mê lầm (mê tín), cần phải quán thông hình ảnh các vị thần ban cho con người phúc lộc, gia tài, sự nghiệp, công danh, và tiền bạc.

Cũng theo học thuyết Nhân - Quả của Phật giáo, các vị Thần tài là không có thật, nhưng nhân quả "thiện - ác" là chuyện có thật. Giáo lý Công giáo cũng xác tín như vậy "ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy" (Gl. 5,7 tt; Cl. 3,25) và khuyên dạy rằng: "hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin" (Gl. 5,10). Vậy dù lương hay giáo, thay vì lo giàu sang phú quý về phương diện vật chất thì hãy nên làm giàu "thiện tâm" bằng nhiều việc thiện lành với động cơ chân tín, bác ái và vị tha. Thay vì cầu xin Thần tài gia hộ cho bản thân và gia đình mình, tốt nhất là hãy dùng việc thiện cách cao thượng để làm vệ sĩ và người dẫn đường cho cuộc sống của mình, để không trở ngại nào có thể làm dao động "tâm" ta được. Vì thế nhân dịp đầu năm mới, thay vì cầu xin Thần tài vào nhà thì hãy xin cho được thiện tâm có ý ngay lành, làm những việc thiện, biết rung cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân, biết mở toang cửa lòng, bước vào chỉnh trang, tu sửa lại căn nhà "trái tim" của mỗi người chúng ta:

"Chúa ơi ! xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim con
, căn nhà vừa quen vừa lạ.
Xin cho con thấy những đổi thay đời con đây,

đã bao lần chạy theo lợi danh, đã nhạt phai tình nghĩa anh em.
Xin cho con thấy những
sa lầy xuống cấp trong tâm,
đã âm thầm biến chất trong con, đã đưa con dần xa cách Ngà
i.

Chúa ơi ! xin thương đổi mới trái tim hoang dại đã bao u hoài.
Chúa ơi
! rửa sạch bợn nhơ trong trái tim con đã bao ngày qua.
Để lại cho con trái tim hiền hòa đơn sơ tư
ơi nở,
giống như trái tim tình yêu muôn đời của Chúa vẫn bao la tuyệt vời,
để lòng vui sống thảnh thơi, tình yêu mến Chúa sáng ngời đẹp tươi
!"

(Lm.Thái Nguyên - Từ Trái Tim Con)

Khi chiết tự chữ Tâm (心), Nguyễn Du đã viết "Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời". Đẹp thay hình ảnh tâm lòng (trái tim) con người được biểu trưng qua hình ảnh các vì tinh tú (trăng sao) trên trời. Chúng chiếu tỏa, trong sáng hay bị che lấp, lu mờ đều tự trong tâm lòng mà ra; trở nên cầm thú hoặc hóa thành thánh thiêng cũng từ đấy mà tượng thành !

Để đắp đầy một chữ Tâm Chân Chính, nhất là đối với những người làm lành, sống thánh khó lắm thay! Cuộc sống luôn đan xen những yếu tố thuận - nghịch, những câu chuyện vui - buồn, những công việc tốt - xấu, những tình huống may - rủi, những biến đổi thăng - trầm, ... luôn diễn ra đối lập, mâu thuẫn tự trong thâm tâm của mỗi con người trong sự chuyển dịch của năm tháng, ngày giờ: thân quen - xa lạ, thiện - ác, trung thực - dối trá, lợi danh - nghĩa tình, sa lầy - vượt thoát, xuống cấp - chỉnh chu, xa cách - gần gũi, hung ác - hiền hòa, đơn sơ - cầu kỳ, tàn héo - tươi nở, tình yêu - thù hận, thánh thiện - tội lỗi... tất cả đều xuất phát từ trong Tâm. Tâm phát sinh những suy tính (tâm tư), đắn đo, tiên liệu. Là con người, ai cũng có những lo âu, những suy nghĩ, những tính toán. Hầu hết, ai cũng lo lắng cho miếng cơm manh áo, ai cũng tìm cách kiếm ra nhiều tiền để đời sống được sung túc, dư dật, để cuộc sống được an nhàn, hạnh phúc theo như suy nghĩ thường tình của con người.

Tuy nhiên đối với con nhà Đạo, Thiên Chúa dạy chúng ta đừng quá lo lắng cho mạng sống của mình ở đời này, phải ăn gì, mặc gì, cũng đừng quá nô lệ vào tiền của vật chất chóng qua đời này: "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền của được" (Mt. 6,24) nhưng trước hết hãy lo lắng cho phần rỗi linh hồn của mình, và tin cậy vào sự quan phòng chăm sóc của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.

Sự quan phòng đặt nền tảng cho lòng tin vững chắc: Vì ý định của Thiên Chúa là ý định của tình yêu. Ngài tạo dựng vũ trụ, vạn vật, và con người trong tình yêu tuyệt đối, Ngài chăm sóc mọi tạo vật và cung cấp cho chúng đúng lúc tùy theo nhu cầu (Tv. 104,27 tt; 145,15 tt). Sự chăm sóc này được xác quyết mạnh mẽ trong Thánh Kinh (G.10,12), được biểu lộ đặc biệt trong lịch sử nhưng không theo kiểu một định mệnh dồn con người vào tiền định thuyết  bảo đảm cho mọi tín hữu Kitô khỏi mọi tai nạn, rủi ro, hay thất bại, cũng không theo kiểu tình thương của một người cha dễ dãi. Nhưng sự quan phòng của Thiên Chúa đặt con người chúng ta trong Hy Vọng, vì nó đòi hỏi con người phải cộng tác với Ngài. Con người là kết quả tạo dựng của Thiên Chúa, do đó chúng ta phải làm việc để sống, nuôi dưỡng gia đình mình và góp tay vào việc làm đẹp công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa trông coi trật tự thế giới, Ngài đảm bảo sự phong nhiêu của trái đất. Chính Thiên Chúa an bài mọi sự: lành - dữ, sống - chết, nghèo - giàu, ... tất cả đều do Chúa định đặt (Hc. 11,14) - Đấng cai trị thế giới và tất cả đều thi hành mệnh lệnh của Ngài (Hc. 10,4-5; 39,31). Nếu không có Thiên Chúa quan phòng, mọi cố gắng và lo âu của con người chúng ta đều vô ích (Tv. 126,1). Nhờ Ngài là chủ chăn nhân lành, chúng ta là đàn chiên bước đi vững vàng trong bóng tối tới chốn hạnh phúc (Tv. 23). Vậy, hãy tin tưởng vào Chúa vì Người sẽ hành động (Tv. 37,5)

Sự quan phòng đòi hỏi con người chúng ta phải có tấm lòng trung kiên: Thiên Chúa không mời gọi con người thụ động hay chối bỏ tự do. Qua các thử thách, Ngài buộc mỗi người chúng ta cộng tác với ngài bằng những sáng kiến tự do của mình. Trong khi nhờ các lời hứa, Ngài khích động niềm tín thác và như thế giải thoát chúng ta khỏi mọi nỗi sợ hãi có thể làm mỗi người tê liệt trước những bất trắc của công việc cộng tác ấy, từ đó mỗi người chúng ta trở nên nhân chứng cho tình yêu của Ngài. Thánh Phaolô nói "Thiên Chúa sẽ an bài mọi sự để sinh ích lợi cho chúng ta" và không có gì, ngay cả những thử thách nặng nề nhất cũng không thể tách người tín hữu Chúa khỏi tình yêu mà Thiên Chúa đã chứng tỏ trong Đức Giêsu Kitô (x. Rm. 8,28.31-39). Trái lại, chính nhờ những thử thách ấy mà chúng ta có thể bày tỏ cho anh chị em xung quanh mình nhận thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa Quan Phòng.

 Vậy nên, "Trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: Ngày mai, cứ để ngày mai lo" (Mt. 6,33-34). Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa: Suốt đời không tội lỗi thì quả thật sung sướng, tinh thần lúc nào cũng sảng khoái, trong sạch, chính đáng; thế là đủ khoan khoái rồi; còn hơn lo bon chen vật chất, tiền tài, danh lợi mà mất linh hồn thì ích gì ?

PHẢN TỈNH TRƯỚC "THẦN TIỀN"

Ngày nay, theo dòng chảy của cuộc sống, tiền bạc được nâng lên bậc Thần tài (Thần tiền), nghĩa là nó có sức mạnh vượt bực, làm thay trắng đổi đen, bẻ công chân lý. Do đó, hơn bao giờ hết con người cần phải sáng suốt chọn lựa giữa Tiền Tài và Thiên Chúa, giữa tự do và nô lệ.

Sự đời họa - phúc, được - mất, ... tùy thuộc tâm tư, cách nhìn của mỗi người, góc nhìn thay đổi thì cuộc đời cũng theo đó mà đổi thay. Câu chuyện sau đây cho thấy đặt niềm tin vững chắc vào Thần tài (Thần tiền) là hết sức bấp bênh, và vô nghĩa:

"Vào năm 1923, chín người trong những người giàu nhất trên thế giới họp nhau tại khách sạn Edgewater Beach Hotel, ở Chicago (Hoa Kỳ). Nói về tài chánh, họ có khả năng thao túng thế giới. Bất cứ điều gì họ muốn, họ đều có được. Họ trao đổi cho nhau những kinh nghiệm về kinh doanh và hình như muốn khẳng định câu châm ngôn thường tình của con người ở khắp mọi nơi là: "Có tiền mua tiên cũng được". Thế nhưng 25 năm sau, mọi sự đã thay đổi không thể ngờ với một kết cục bi thảm và hết sức phũ phàng:

- Charles Schwab, chủ tịch tập đoàn thép lớn nhất thế giới, bị phá sản. Trong 5 năm cuối cùng của cuộc đời, ông đã sống nhờ vào đồng tiền vay mượn của người khác.

- Samuel Insull, chủ tịch tập đoàn dịch vụ công cộng lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất các vật dụng cần thiết trong nhà, đã phải trốn ra nước ngoài và chết tha phương không một đồng xu dính túi.

- Howard Hopson, chủ tịch tập đoàn khí đốt tự nhiên lớn nhất Bắc Mỹ, trở nên điên loạn mất trí.

- Arthur Cutton, nhà đầu tư xuất nhập khẩu lúa mì lớn nhất của Hoa Kỳ, bị phá sản, cũng chết ở nước ngoài không một đồng xu dính túi và chưa trả hết các khoản nợ.

.- Richard Whitney, chủ tịch sở giao dịch chứng khoán New York (New York Stock Exchange), bị vào nhà tù Sing Sing và phải dưỡng bệnh trong một nhà thương điên.

- Albert Fall, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hoa Kỳ, phải vào tù vì dính líu vào một vụ tham nhũng và đã được ân xá để chết tại nhà.  

- Jesse Livermore, nhà đầu cơ giá được mệnh danh là "con gấu" của Wall Street; có một kết cục hết sức bi thảm: gia đình tan vỡ, tài chính phá sản, và đã tự sát trong tuyệt vọng.

- Ivar Kreuger, đứng đầu tập đoàn tư bản độc quyền xuất nhập cảng lớn nhất thế giới, cũng đã tự tử.

- Leon Fraser, tổng giám đốc ngân hàng thanh toán quốc tế (Bank International Settlement), cũng tự tử".

Câu chuyện trên đây không hẳn đã là số phận tất yếu của những người giàu có. Ai biết được có bao nhiêu người giàu có đã có một cuộc sống an lành hạnh phúc? Tiền bạc, của cải tự nó không phải là một điều xấu. Ai trong chúng ta cũng cần có tiền bạc, của cải để sống xứng đáng với phẩm chất giá trị của con người. Ngược lại, sự túng thiếu bần cùng cũng là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con cái Ngài phải lâm vào.

Tuy nhiên, tiền bạc của cải vẫn luôn là con dao hai lưỡi. Nếu được sử dụng như một "phương tiện", tiền bạc sẽ giúp cho con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình hơn. Trái  lại, nếu chạy theo tiền của như một "cứu cánh" trong đời người, nghĩa là con người có thể tôn thờ nó như thần tượng để quên đi tất cả những giá trị khác trong cuộc sống; thì lúc đó, sự phá sản về vật chất cũng như tinh thần là điều tất yếu không thể tránh né đối với con người.

Vâng, sống trên gian trần, trên thế giới, cuộc sống của mỗi người là một cuộc lựa chọn liên lỉ, không ngừng. Và những chọn lựa mãi mãi này sẽ giúp con người trở nên tốt hay xấu. Chọn lựa là một sự từ bỏ không tiếc nuối. Đã chọn điều này thì phải bỏ điều khác. Đã từ bỏ phải đòi hỏi nhiều hy sinh. "Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm của con người. Bấy giờ, Thiên Chúa sẽ ban khen tương xứng cho mỗi người" (1Cr. 4,5).

Hãy nhìn xem chim trên trời hay hoa huệ ngoài đồng nào chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng hằng chăm sóc, nuôi dưỡng, lo lắng, để ý đến. Cho nên, con người là đối tượng Chúa để ý chăm sóc đặc biệt vì con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh của Ngài và đã được chính Chúa Kitô cứu chuộc bằng giá máu của Ngài.

Thiên Chúa mời gọi con người hãy bền tâm, kiên trì và cầu nguyện. Chúa khuyên chúng ta đừng lo lắng, chứ không ngăn cản chúng ta lo liệu, cân nhắc, dự tính. Đừng quá lo cho ngày mai vì ngày mai chưa đến. Tất cả đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Tất cả đều là hồng ân. Tất cả đều là ơn Chúa. Chúng ta "đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó" (Mt 6, 34). "Hãy ký thác đường đời cho Chúa" (Tv. 37,5).

Chúng ta đừng tìm bảo đảm nơi tiền tài của cải trần gian này, mà phải tìm điều căn bản cho cuộc đời trước đã, còn các thứ khác Thiên Chúa sẽ ban cho sau. Con người có lo lắng mấy đi nữa thì cũng chẳng giải quyết được gì. Dù có lo lắng cỡ nào đi nữa, hỏi có ai trong chúng ta kéo dài đời mình thêm được gang tấc nào không ? (x. Lc. 12,25). Tín thác vào Chúa không có nghĩa là "khoán trắng" cho Chúa lo liệu tất cả, còn chúng ta cứ ngồi không mà thụ hưởng.

Chúa nói: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người..." (Mt. 6,39) nghĩa là chúng ta hãy đặt đúng vị trí, đặt đúng công việc: việc nào trước, việc nào sau, việc nào kế tiếp... Thiên Chúa muốn chúng ta chọn Ngài là ưu tiên trước hết trong cuộc sống của mình rồi sau đó là mọi sự khác, để đời ta chiếm hữu được hạnh phúc thật.

HÓA THÂN THẦN TÀI SỐNG

"Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân" (Gv. 1,2);
Lạy Chúa:
"Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan" (Tv. 90,12)

Nếu đã xác tín như thế, thay vì "thỉnh" tượng Thần tài về thờ kính, rồi mỗi ngày nguyện xin phù hộ cho ta được mua may bán đắt, thành tựu sự nghiệp thì mỗi người chúng ta hãy chủ động trở thành một Thần tài "sống" biết đem tài lộc đến cho người khác qua lời nói, việc làm; biết giúp đỡ cuộc đời, và giúp những người bất hạnh vượt qua những nghèo khổ, bệnh tật thông qua các hoạt động chia sẻ trong công tác từ thiện, bác ái xã hội. Mỗi hoạt động từ thiện, bác ái xã hội là điều-kiện-cần (necessary conditions) giúp ta trở thành Thần tài !

Việc từ thiện có thể thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau: Cả ba việc, làm phúc bố thí, chay tịnh, và kinh nguyện đều là cột trụ của việc thực hành sống Đạo (x. Mt. 6,1-18). Khi khuyên các môn đệ thực hành các việc trên Đức Giêsu đòi hỏi các ngài cũng như chúng ta ngày nay phải làm với một tinh thần hoàn toàn vô vị lợi, không chút khoe khoang (Mt. 6,1-4), không mong đáp lại điều gì (Lc. 6,35; 14,14), cũng không tính toán (Lc. 6,30). Thật ra, người ta không nên tự mãn đã đạt đến "barème" theo luật định, cho dù rất cao đi nữa.

Điều mà Đức Kitô chờ đợi nơi các môn đệ Người và chúng ta ngày nay là đừng làm ngơ trước bất cứ lời kêu van nào (Mt. 5,42), vì người nghèo luôn sống giữa chúng ta (Mt. 26,11); và nếu một khi chúng ta không còn có gì để cho người khác (x. Cv. 2,44 tt), thì hãy nhớ rằng chúng ta vẫn còn có bổn phận là phải thông ban ân sủng và phước lành của Đức Kitô cho họ (x. Cv. 3,6) và luôn ra sức làm việc để có thể giúp đỡ những người đang túng thiếu (Ep. 4,28).

Sở dĩ việc thi ân, làm phúc cho tha nhân trở nên bổn phận chính yếu đối với các Kitô hữu như thế, chính vì nó có ý nghĩa trong đức tin vào Đức Kitô;

- Chính vì qua tha nhân mà chúng ta đạt đến chính con người của Đức Kitô: Điều gì chúng con làm cho một trong những người bé mọn này, là các con làm cho chính Ta (x. Mt. 25,31-46).

- Kế đến là để chúng ta học theo sát tấm lòng quảng đại của Đức Kitô là: Đấng giàu có đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta, để chúng ta được giàu có nhờ sự khó nghèo của Ngài (x. 2Cr. 8,9)

- Và sau cùng là làm chứng cho sự trọn toàn của tình yêu của Thiên Chúa qua việc chúng ta giúp đỡ người lân cận: Làm sao tình yêu Thiên Chúa lại có thể ở nơi kẻ đóng kín cửa lòng mình lại trước sự túng thiếu của anh chị em mình ? (x. 1Ga. 3,17; Gc. 2,15). Hoặc làm sao cử hành Bí tích Hiệp Thông Thánh Thể mà lại không chia sẻ của cải của mình cho người khác trong tình huynh đệ ? (x. 1Cr. 10,20 tt)

Vậy nên, khi chi tiêu cho việc nghĩa thiện, giúp đỡ ông bà, cha mẹ, người thân cận, thực hiện công tác bác ái, từ thiện xã hội cũng đồng nghĩa với việc ta mang tài lộc và tình thương đến cho người khác. Một cách chắn chắn là nếu dùng tiền tạo ra tiền, thông qua việc thực thi bác ái thì phước sẽ tạo phước là lẽ đương nhiên.

Quả thật, nhiều người có cái nhìn lệch lạc. Thay vì quan tâm đến nguyên nhân, chúng ta chỉ nghĩ đến kết quả. Chẳng hạn như ta sợ bệnh tật, nhưng lại chẳng thèm quan tâm đến sức khỏe. Ta chỉ chăm chỉ lo làm giàu, mà không thèm quan tâm đến phúc lợi xã hội. Ta muốn con cái ngoan ngoãn, mà chẳng thèm quan tâm để ý đến bản thân mình cư xử với gia đình, người thân, và mọi người xung quanh như thế nào.

Xin hãy nhớ cho rằng, không có cách đúng để làm một việc sai. Một căn bệnh không thể chữa khỏi được bằng cách loại bỏ các triệu chứng của nó. Muốn chữa khỏi hẳn hoàn toàn, phải điều trị tận gốc.

KẾT

Để người Kitô hữu hóa thân trở thành Thần-tài-sống thiết thực và hữu ích trong cuộc sống bằng nhận thức phải làm việc gieo phúc, tạo lộc cho người khác qua những lời nói an ủi, động viên, khích lệ; qua những việc làm, hành động từ thiện, bác ái hết sức cụ thể và chân thực cho người nghèo khổ, bất hạnh; thiết tưởng hơn bao giờ hết mỗi người chúng ta phải tìm lại sở thích nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa được Hội Thánh trung thành truyền lại, và bằng Bánh Hằng Sống, được trao ban để nâng đỡ tất cả những ai là môn đệ của Người (x. Ga. 6,51).

Quả thật, giáo huấn của Chúa Giêsu vẫn còn vang dội trong thời đại chúng ta với cùng một cường độ: "Ðừng làm việc vì lương thực hay hư nát, nhưng vì lương thực có thể tồn tại đem đến sự sống đời đời" (Ga. 6,27) (...) Nhờ đức tin, sự sống mới này hình thành toàn thể cuộc sống con người theo thực tại mới mẻ hoàn toàn của sự sống lại.

Tùy theo mức độ tự nguyện sẵn sàng, các tư tưởng và tình cảm, não trạng và thái độ của con người được thanh luyện và biến đổi từ từ, trên một con đường không bao giờ được hoàn tất ở đời này. "Đức tin hoạt động qua đức ái" (Gl. 5,6) trở thành một tiêu chuẩn mới để hiểu biết và hành động, thay đổi toàn thể cuộc sống của con người (x. Rm. 12,2; Cl. 3,9-10; Ep. 4,20-29; 2Cr. 5,17)

(...) Như thế, chỉ nhờ tin mà đức tin tăng trưởng và trở nên vững mạnh; không có cách nào khác để đạt được sự chắc chắn về chính cuộc đời của mình nếu không phó thác mỗi ngày một hơn, trong tay của một tình yêu càng ngày càng có vẻ lớn lao hơn vì bắt nguồn từ Thiên Chúa (...) Chính đức tin là điều giúp chúng ta có khả năng nhận ra Đức Kitô, và chính tình yêu Người thúc đẩy chúng ta giúp Người, mỗi khi Người trở thành người lân cận của mình trong cuộc hành trình của đời sống.   (Thông tư Porta Fidei các số 3;6;7;14)

Nguyện xin cho mỗi người Kitô hữu hôm nay hãy kiên trì tiến-bước-vững-tin nơi Chúa, không chút hoài nghi, do dự (x. Gc. 1,6).; vì luôn xác tín rằng chính Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin cho mọi tín hữu Chúa (x. Dt. 12,2), chính là Đấng sẽ ban thưởng cho những ai kiếm tìm Ngài ! (x. Dt. 11,6).

Cát Biển

937    18-02-2013 12:57:43