Sidebar

Thứ Hai
16.09.2024

Chứng Cứ Niềm Tin

Niềm tin của người Kitô hữu dựa vào bằng chứng nào và ở đâu? Bằng chứng ngôi mộ trống và ở nơi gặp gỡ của mỗi người Kitô hữu với Chúa.

Bằng chứng, ngôi mộ trống. Thật mong manh, niềm tin dựa vào mộ bằng chứng chẳng có gì cả, chỉ là ngôi mộ trống. Giả thiết người ta đem xác Chúa đi chôn ở đâu mất từ ban đầu người ta đã phao tin như thế.

Vậy ngôi mộ trống chẳng có thể nói lên điều gì, thế nhưng lại nói lên nhiều điều:

Quả trứng đã nở, người ta chỉ thấy cái vỏ chứ không thấy con gì đã nở và đã ra khỏi vỏ trứng ấy. Cái vỏ trứng chỉ xác định là con gì đó đã nở ra từ ấy thành một sự sống mới. Trong văn hóa, ở Tây Phương, vào dịp lễ Phục sinh, người ta tặng nhau những quả trứng, vì tin rằng trong quả trứng hàm chứa một mầm sự sống mới. Ở Việt nam, trong những ngày kỵ giỗ hay tang lễ của người quá cố, người ta đặt quả trứng và chén cơm trắng ở bàn thờ. Người Việt tin rằng chết là bước vào đời sống mới, một đời sống tiềm ẩn trong trái trứng, họ sẽ dùng một lương thực tinh tuyền mới biểu hiện qua chén cơm trắng. Niềm tin vào sự sống khiến người Việt như linh mục L. Cadière nhận xét: "Người Việt sống, nói cho đúng là trong một thế giới siêu nhiên". Quá cố không phải là mất mà biểu lộ sự hiện diện khác trong gia đình. Bởi thế, công to, việc nhỏ gì trong gia đình đều cần làm lễ kính cáo tổ tiên.

Ngôi mộ, tượng trưng gửi người chết vào trong lòng đất mẹ để chờ tái sinh trong cuộc sống mới. Ngôi mộ bề ngoài được đắp ụ như quả trứng, chính trong ngôi mộ ấy đang ấp ủ tiềm ẩn sự sống khác. Ngay trong thời hiện tại, dù có lúc đem người mất hỏa táng, chỉ còn lại ít tro, người ta cũng đặt vào những hòm bia nhỏ để vào nơi thờ kính, và cũng tin rằng ngày nào đó thần xác mới được thành hình từ những tro tích ấy.

Bằng chứng ngôi mộ trống nói đến một tương lai, như trong thị kiến của Edêkiel về cánh đồng xương khô sẽ chỗi dậy (Ed 37) mặc lấy thân xác mới, bỏ lại những ngôi mồ vật chất như chiếc vỏ trứng để lại.

Kinh nghiệm gặp gỡ.

Bằng chứng ngôi mộ trống là khởi điểm cho một gặp gỡ kinh nghiệm cá nhân. Đây mới là điều chắc chắn nơi mỗi người nhận biết Chúa Giêsu phục sinh. Những nhân vật đầu tiên gặp gỡ cho thấy:

Bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na cứ đinh ninh rằng xác Chúa Giê-su đã bị đánh cắp (Ga 20,13-15) nhưng ngay sau đó Chúa gọi tên bà, bà đã nhận ra Chúa Phục sinh.

Ông Phê-rô thì rất đỗi ngạc nhiên vì sự việc đã xảy ra (Lc 24,12) và chính Phêrô cũng gặp gỡ Chúa Giêsu Tibêria và nhận lãnh sứ vụ từ nơi Người (Ga 21).

"Người môn đệ Chúa Giê-su thương mến" thì tin chắc rằng Chúa Giê-su đã sống lại như lời Người đã tiên báo (Ga 20,9).

Toma cần được xỏ ngón tay vào thì mới tin (Ga 20, 24 - 29)

Hai môn đệ trên đường Emmau nhận ra chúa khi Người bẻ Bánh (Lc 24, 13 - 35)

Phaolô chưa biết Chúa Giêsu là ai nhưng đã gặp gỡ Chúa Kitô Phục sinh trên đường Đamát và trở thành môn đệ của Chúa (Cv 9). Thánh Phalô sánh ví mình như đứa con sinh non (1Cor 15, 8).

Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa mỗi người đều khác nhau nhưng lại có một điểm quy tụ duy nhất, chính các ngài dám lấy cả mạng sống của mình ra mà loan báo: Chúa Giêsu, chúng tôi đã theo Người, sống với Người, Người đã chịu chết và đã sống lại (Xem Cv 2). Không thể thiếu kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu phục sinh. Gặp gỡ để trở thành nhân chứng cho Người.

Ngày nay, người Kitô hữu cũng cần có kinh nghiệm cá nhân như thế. Mỗi người kinh nghiệm về Chúa Kitô Phục sinh của mình trong đời sống cầu nguyện, tham dự các bí tích được cử hành trong Giáo Hội. Qua việc gặp gỡ này với lòng yêu mến Thiên Chúa, người Kitô hữu lớn lên trong đức tin. Chứng tích của niềm tin cũng đã minh chứng bằng máu các Thánh Tử Đạo. Lấy giá máu để bảo đảm niềm tin còn mạnh hơn tất cả những bằng chứng khác.

Trong đời thường của người Kitô hữu, khi năng tham dự các bí tích cử hành trong Giáo Hội, chính họ cũng đã đang làm chứng cho Chúa Kitô qua sự hiện diện. Cứ thử so sánh với các cuộc mời gọi tập hợp khác của xã hội, người ta hô hào gân cả cổ, bắt ép hết thế này thế khác, phát tiền, phạt vạ... mới có cuộc tập họp lèo tèo, nghe phát biểu, nghe đường lối chính sách. Trong khi đó, tại các nhà thờ, trong nhiều thời điểm của mỗi ngày, giáo dân đến tham dự thánh lễ, các bí tích, đông đảo và trật tự, cung kính. Thử hỏi điều nào đã làm nên những cuộc tập họp ấy, nếu không phải họ đến để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang thực hiện cuộc đời của họ, Đấng đang hướng dẫn, đồng hành với họ trên mọi nẻo ngược xuôi trần thế.

Chính Chúa quy tụ dân của Người trong mỗi cá nhân, Người đích thân đến gặp gỡ. Đó là dấu chứng niềm tin chắc chắn nhất mà mỗi người kinh nghiệm về Thiên Chúa.

Ngôi một trống và kinh nghiệm cá nhân là những chứng tích quan trọng của niềm tin vào Chúa Phục sinh. Chúa đã sống lại, chính Người đang sống trong tôi, trong anh, trong chị, trong tất cả con người chúng ta. Chính Người cũng bảo đảm sự sống lại từ trong ngôi mồ sẽ nở thành những sự sống mới.

Tác giả Hoàng Kim Toan, Lm (nguồn dunglac.org)

1018    27-04-2011 15:41:46