Sidebar

Thứ Sáu
04.10.2024

Chứng Nhân Chân Lý - Tháng 10 năm 2008

CHỦ ĐỀ: CHỨNG NHÂN CHÂN LÝ

TÒA GIÁM MỤC VĨNH LONG
103 Đường 3 tháng 2
P.1 Thị Xã Vĩnh Long - VIỆT NAM

Tel : (070) 824016
Email : tgmvinhlong@gmail.com

Ngày 14.9.2008

V/đ : Sứ Mạng Làm Chứng Cho Chân Lý

Kímh gởi: Các Linh mục
Các Tu sĩ Nam Nữ
Anh Chị Em giáo dân trong Giáo phận Vĩnh Long

‘Tôi sinh ra và đến trong thế gian, là để làm chứng cho sự thật’ (Gioan 18,37).

Chân lý hay sự thật là gì ? Philatô đã hỏi Chúa Giêsu như vậy, mà chưa có câu trả lời. Điều gì quan trọng nhất cho mọi người? Chẳng phải ai cũng muốn sống, và sống hạnh phúc đó sao? Và làm thế nào để được hạnh phúc?

1. Thời đại mới, thời đại tục hóa, tin vào một cuộc sống hạnh phúc ở trần thế dựa trên danh và lợi. Cứ kiếm cho được nhiều tiền để sắm sửa, tiêu dùng, vui chơi thỏa thích, nhà cao cửa rộng, tiện nghi hiện đại, ăn sang, mặc đẹp. Ai khôn khéo thu được nhiều tài sản, thì sẽ được trân trọng. Có chức có quyền, hay có thân có thế để làm giàu. Và như thế người ta đâu còn coi trọng những kẻ tay lấm chân bùn, cũng không màng đến nhân nghĩa. Nhiều người rời bỏ đồng ruộng, vì công việc đồng áng vất vả quanh năm mà không thu được bao nhiêu. Đi tìm một công việc khác ở đô thị, để có một nếp sống tươi sáng hơn. Có người thành công, nhưng cũng có nhiều người không được may mắn, lạc lõng, dần dà rơi vào những tệ nạn.

Nếu nói rằng thứ hạnh phúc đặt trên tiền tài, danh lợi, là phù phiếm chóng qua, thì có ai tin chúng ta chăng?

2. Chúa Giêsu rao giảng sự sống bất diệt, một cuộc sống hạnh phúc, không thể mua sắm hay đánh đổi bằng vàng bạc, tài sản vật chất, nhưng bằng cách tin vào Người.

Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Người Con ấy, thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Gioan 3,16). Chính Người Con ấy đã quả quyết với người Do Thái, và cũng đang nói với chúng ta hôm nay: Đấng đã sai tôi là Đấng Chân Thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Ngài nói…Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Ngài không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Ngài” (Gioan 8,26. 28t). Nơi khác, Chúa nói với Tông đồ Tôma: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Gioan 14,6).

Con Thiên Chúa nhập thể, mang xác phàm, làm nhịp cầu cho con người có thể đến gần Chúa. Khi tự chọn cho mình gia đình Nazaréth để chào đời, Chúa nêu cao đời sống gia đình, là tổ ấm và trường học đầu tiên đã được Thiên Chúa thiết lập cho con người được sinh thành và dưỡng dục để phát triển. Trong ba năm rao giảng, Chúa không ngừng dạy cho chúng ta biết Đạo làm con của Thiên Chúa, đạo làm người. Khi đón nhận khổ hình thập giá làm chứng tích tình yêu, Chúa giải thoát con người khỏi án phạt đời đời và mời gọi chúng ta bước theo Chúa “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ tìm lại được”. (Mt 16,24-25).

3. Hội Thánh không nghĩ rằng vinh hoa có thể tạo hạnh phúc bền vững cho con người, cũng không coi thường những thực tại trần thế, mà chỉ cảnh báo con cái mình đừng để lòng tham mê của cải, đánh mất các giá trị đạo đức.

Chân Phước Gioan XXIII đã để lại cho chúng ta di chúc nầy: “Các con hãy thương mến nau. Hãy tìm kiếm điều gì hợp nhất hơn là chia rẽ. Trong giờ ly biệt hay nói đúng hơn là giờ tạm biệt, Ta nhắc cho mọi người điều giá trị nhất trong cuộc sống: Đó là Chúa Giêsu Kitô đáng mến, Phúc Aâm của Người, Hội Thánh của Người, chân lý và lòng từ ái“.

Đức BênêđitôXVI, ngỏ lời với các Bạn Trẻ Sardegna ngày 7.9.2008 tại quảng trường Yenne, Cagliari , như sau: ‘Ta phải nói gì về sự kiện trong xã hội thích hưởng thụ hiện nay, khi lợi nhuận và thành công đã trở thành những thần tượng mới mà nhiều người sùng bái? Người ta đã đi đến chỗ suy tôn người nào biết làm giàu và có được danh vọng, chớ không phải những kẻ phải phấn đấu vất vả trong cuộc sống hàng ngày… Xu hướng duy cá nhân ngày càng gia tăng và khi con người chỉ biết quy về chình mình, thì người ta đương nhiên trở nên yếu ớt, và lúc đó không còn chút kiên nhẫn để lắng nghe, thì cũng không có điều kiện cần thiết để hiểu người khác và để làm việc chung”.

Đức Thánh Cha nhắc lại ba giá trị mà Đức Gioan Phaolô II đã quả quyết trong chuyến viếng thăm đảo Sardegna 23 năm về trước: Gia đình – Sự Đào Tạo Trí Thức và Đạo Đức - một Đức Tin Chân Thành và Sâu Xa.

Phải bảo vệ Gia Đình, làm sao cho Gia đình thật sự là Hội Thánh thu hẹp, là dấu chỉ thánh thiện và hữu hiệu của tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Đức Kitôø qua Giáo Hội.

Cần phải lưu truyền cho các thế hệ mới Gia sản văn hóa và những giá trị nền tảng của xã hội. Đó là chân lý về mạng sống và phẩm giá con người, bác ái và công bằng; chỉ trong chân lý con người mới tìm được tự do: “Nếu các ông ở lại trong lời của Ta,thì các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông”.(Gioan 8,31-32).

Sau cùng là giáo dục đức tin: khi người ta đánh mất ý thức về Thiên Chúa hiện hữu, thì mọi thứ khác kể cả con người chỉ còn là phương tiện để trục lợi cho cá nhân ích kỷ.

Thế nên Đức Bênêđitô XVI tha thiết kêu gọi mọi người

Hãy mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa, hãy để cho Chúa Kitô chiếm hữu và thực hiện những việc kỳ diệu. Hãy dành cho Người quyền dạy bảo các bạn”’.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
......
Giám mục Vĩnh Long


CHỦ ĐỀ:
SỨ MẠNG LÀM CHỨNG CHO CHÂN LÝ

I. THƯ MỤC VỤ SỐ 35

Luôn ý thức về sứ mạng làm chứng cho Chân lý, Giáo Hội của Đức Kitô trải qua mọi thời đại đã góp tiếng nói của mình qua những giáo huấn mang tính xã hội. Nhờ đó, Giáo Hội chia sẻ với nhân loại “những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng’ (x.GS 1). Với giáo huấn của mình, Giáo Hội tìm cách công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống các mối quan hệ xã hội. Khi đưa ra những chủ trương và đường lối của mình trong lãnh vực xã hội, Giáo Hội thi hành sứ mạng ngôn sứ của mình trước những trào lưu đi ngược lại với giáo huấn Tin Mừng và đạo đức xã hội.

II. DẪN GIẢI

Sứ mạng có thể hiểu là bổn phận phần phải thực hiện, mặc dầu không thường xuyên, không chuyên nghiệp.

Làm chứng: có thể hiểu giáo dục bằng lời nói và bằng cả lối sống gương mẫu.

Chân lý: có thể hiểu là Phúc Âm (có bổn phận rao giảng Phúc Âm).

Phúc Âm không chuyên dạy đời, dạy xã hội, nhưng liên kết kể là khẩn thiết, với đời với xã hội.

Vì thế, phải chia sẻ lo âu, vui buồn của đời, của xã hội và tìm nêu lên cho đời, cho xã hội những sáng kiến, những lề lối, tránh những tệ hại tội lỗi và giúp cho thăng tiến.

III. CHUYỆN MINH HỌA

BỨC TRANH "BÀN TAY NGUYỆN CẦU"

Một vài nhà thờ không có cây thập giá trên bàn thờ tế lễ, thay vào đó là đôi bàn tay, chắp lại với nhau trong tư thế cầu nguyện, và chạm trong gỗ. Chúng thể hiện một bản vẽ gốc về đôi bàn tay của hoạ sĩ vĩ đại Albrecht Durer.

Albrecht được sinh ra là con thứ ba của một gia đình có mười tám người con. Vì gia đình quá đông nên Albrecht phải chăm sóc vài đứa em. Họ sống ở Nuremburg, một thành phố của nước Đức. Cha của chúng là thợ kim hoàn. Ông tha thiết muốn thằng bé Albrecht cũng trở thành thợ kim hoàn giống như ông. Tuy nhiên, Albrecht thích môn hội hoạ. Vì thế khi cậu trở thành một trang nam nhi, cậu rời nhà và gặp một thanh niên khác cũng muốn học để trở thành hoạ sĩ. Họ trở thành đôi bạn thân và mướn một căn nhà tranh nhỏ ở chung để đi học, vì họ không có nhiều tiền.

Chẳng bao lâu, Albrecht và người bạn nhận thấy rằng họ không thể kiếm đủ tiền cho cả hai người vừa đi học vừa mua thực phẩm, quần áo và tiền mướn nhà. Do đó, người bạn nói với Albrecht:

- "Này, tôi đã nhận một công việc trong nhà hàng. Tôi sẽ làm việc nhiều giờ và kiếm tiền để cho cả hai chúng ta đủ sống. Bạn hãy tiếp tục học để trở thành một hoạ sĩ. Bạn còn trẻ hơn tôi và vẽ giỏi hơn tôi xa. Sau khi bạn học thành tài, sẽ đến phiên bạn nuôi tôi để tôi có cơ hội đi học lại".

Người bạn của Albrecht làm việc nhiều giờ trong công việc rửa chén, hầu bàn, và dọn dẹp sau bữa ăn để kiếm tiền nuôi Albrecht ăn học. Albrecht cố gắng miệt mài học và chẳng bao lâu anh đã trở thành một hoạ sĩ tài danh. Sau khi công thành danh toại và đã có tiền, Albrecht nói với bạn:

- "Bây giờ đến phiên tôi nuôi bạn, bạn có thể đi học trở lại để trở thành hoạ sĩ như ước mơ."

Người bạn từ bỏ công việc trong nhà hàng và bắt đầu học nghệ thuật vẽ tranh. Tuy nhiên, người bạn đã làm việc quá lâu với đôi bàn tay thường tiếp xúc với nước đến nỗi chúng không còn lanh lợi, mềm mại. Bàn tay của người bạn trở nên nhức nhối sưng phồng và cứng ngắc. Cậu ta cố gắng hết sức để trở thành hoạ sĩ, nhưng sau cùng người bạn nhận thấy rằng mình không thể nào thành công.

Albrecht quyết định cậu sẽ luôn luôn làm việc để chăm sóc cho người bạn, người đã làm việc siêng năng quá lâu vì cậu. Một ngày kia, khi trở về nhà, cậu thấy người bạn đang quỳ gối cầu nguyện một mình. Đôi bàn tay nhăn nheo đan vào nhau trong tư thế cầu nguyện. Albrecht nghĩ: "Mình không thể nào làm cho đôi tay của bạn mình khá hơn được. Tuy nhiên, mình sẽ vẽ đôi bàn tay tiều tuỵ, gân guốc như mình thấy bây giờ, để cho mọi người thấy được bạn mình đã làm việc vì mình như thế nào."

Và bức tranh "Đôi bàn tay nguyện cầu" được ra đời từ đó.

Đôi bàn tay làm việc cực nhọc nhưng nó vẫn đẹp. Người ta thích có được bức tranh hoặc nhìn bản sao chạm trổ bằng gỗ trong nhà thờ vì nó giúp họ dễ dàng cầu nguyện với Chúa.  

Lạy Chúa, con tự hỏi lòng có bao giờ cầm bát cơm ăn mà con nhớ đến đôi tay lam lũ của người nông phu vất vả trên cánh đồng lúa chín chưa?

Có bao giờ nhìn đôi tay nhăn nheo, kham khổ của người mẹ mà con nghĩ đến công lao mẹ đã vất vả dãi nắng dầm mưa nuôi đàn con thơ dại đến ngày khôn lớn chưa?

Có bao giờ con nhớ đến đôi tay mạnh mẽ chắp lại nhau trong tư thế cầu nguyện đang run rẩy đón nhận những giọt mồ hôi máu chảy xuống của Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani năm nào không?

Có bao giờ con nghĩ đến đôi tay phải vác thập giá nặng, bàn tay bị đinh đóng thâu qua trên thanh gỗ sần sùi để ơn tha thứ tuôn tràn xuống cho nhân loại không?

Có bao giờ nhìn đôi tay giang rộng trên thập giá mà con nghĩ đến tình yêu thâm sâu của Thiên Chúa bao la đến thế nào không ?

Con thờ ơ quá! hững hờ quá! Xin hãy tha thứ cho con...

Albrecht đã hứa chăm sóc cho người bạn cả đời vì đã hy sinh đôi bàn tay cho anh ta. Còn con, con phải làm gì để báo đáp những đôi bàn tay rách nát mang nhiều thương tích vì con ?

Con không biết vẽ như Albrecht nhưng con nguyện sẽ khắc ghi đôi bàn tay bị đinh đóng thâu qua trong trái tim nhỏ bé này. Xin giúp con để con biết giơ đôi tay ra trao lại ân tình đó cho tha nhân, cho anh em con. Amen.

IV. DIỄN GIẢI

“Với giáo huấn của mình, Giáo Hội tìm cách công bố Tin Mừng và làm cho Tin Mừng hiện diện trong hệ thống các mối quan hệ xã hội” (TMV số 35). Giáo Hội qua mọi thời vẫn lên tiếng bảo vệ công lý, định hướng cho nhân loại sống theo tiếng gọi của lương tâm, được khắc ghi trong lòng mỗi người, và sống theo đường lối của Tin Mừng. Cũng thế, trong chuyến thăm mục vụ xứ Cagliari, thuộc vùng Sardaigne, nước Ý, ngày 07.09.2008, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đã nói với giới trẻ xứ nầy và qua đó, cho thế giới, lối sống của người Công giáo trước những thách thức của cuộc sống hiện tại qua những ý chính như sau:

Xã hội ngày nay bái lạy những thần tượng mới là lợi nhuận và sự thành đạt. Người ta trọng những ai được xem như may mắn và có nhiều của cải chứ không phải những người phải vật lộn với cuộc sống thường ngày để có miếng ăn. Nguy cơ của lối sống hời hợt nầy khiến người ta chỉ mong đạt được thành công nhằm thoả mãn những nhu cầu trước mắt, tạm bợ và sai lầm. Điều nầy khiến khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa gia tăng, con người chỉ quan tâm đến chính mình, không biết lắng nghe người khác để thông cảm và cộng tác với nhau.

Đức Thánh Cha đã nhắc lại ba giá trị căn bản mà Đức Gioan-Phaolô II nói với giới trẻ, nhân chuyến thăm Cagliari ngày 20.10.1985, 23 năm về trước về việc xây dựng một xã hội liên đới và huynh đệ mà ngài cho là những chỉ dẫn vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay là gia đình, giáo dục và niềm tin.

Trước hết, ĐTC nhận định phải gìn giữ giá trị của gia đình như là “di sản truyền thống và linh thánh”. Trong quá khứ, xã hội truyền thống đã giúp hình thành và bảo vệ gia đình cách tốt đẹp. Ngày nay, người ta chấp nhận những hình thức sống chung với nhau, nhưng không phải là gia đình theo đúng nghĩa. Giới trẻ cần phải xác định lại giá trị của gia đình. Yêu thương gia đình không phải vì truyền thống quy định, nhưng với sự trưởng thành và suy nghĩ chính chắn. Cần học biết yêu thương gia đình mình bởi vì tình yêu không phải bổng dưng mà đến. Tình yêu chân chính vượt mọi thứ tình cảm, đó là trách nhiệm, là sự thủy chung và theo một nghĩa nào đó, là bổn phận. Tình yêu nầy có được nhờ việc thực hành bền bỉ các nhân đức Kitô giáo như: phó thác, trong sạch, từ bỏ, cầu nguyện và tin vào Chúa Quan Phòng. Chính cộâng đoàn Kitô hữu, nơi mà gia đình nhận ra phẩm giá quý trọng của mình, sẽ giúp tình yêu của người trẻ đạt tới sự trưởng thành. Công Đồng Vat. II gọi gia đình là “Hội Thánh nhỏ” bởi vì hôn nhân là một bí tích, nghĩa là dấu chỉ của sự thánh thiện và hữu hiệu của tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Chúa Kitô qua Hội Thánh của Người.

Liên quan mật thiết đến gia đình là giá trị của việc giáo dục về kiến thức và luân lý nhằm xây dựng tương lai cho bản thân mỗi người và xã hội. Xã hội sẽ gặp khủng hoảng khi không thể truyền đạt lại những di sản văn hoá và những nềân tảng cho thế hệ tương lai. Vấn đề ở đây vượt quá phạm vi học đường, bởi vì chính các cha mẹ và những nhà giáo dục phải biết chia sẻ kinh nghiệm về lòng tốt, về chân lý, mà chính họ đã sống. Mỗi người trẻ phải biết nhận ra những gì là căn bản của đời sống và những khát vọng của tâm hồn mình. Và như vậy họ thật sự tự do. Chúa Giêsu nói: “Sự thật sẽ giải thoát các con” (Ga 8,32). (Khi sống trong sự thật con người được tự do vì không bị ràng buộc bởi những đam mê, tội lỗi, những điều dối trá…!) Giải thích về câu ngạn ngữ của dân vùng Sardaigne: “người ta cần bánh mì hơn là công lý”, ĐTC nói con người có thể chịu đựng và vượt qua những dằn vật của cơn đói nhưng không thể sống thiều công lý và sự thật. Bánh vật chất không làm cho người ta thành người. Một thứ bánh khác đó là một niềm tin sâu thẳm là lương thực tối cần thiết để phát triển nhân cách của con người, gia đình và xã hội.

Giá trị thứ ba là phải có một đức tin chân thành và sâu thẳm làm nền tảng cho đời sống chúng ta. Khi chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, người ta đã giản lược tất cả mọi thực tại vào bình diện vật chất. Người ta nhìn người khác dưới khía cạnh có lợi cho mình: họ làm gì, chứ không phải họ là ai. (Chủ nghĩa thực dụng: cái gì có lợi thì làm, không có lý tưởng).

Niềm tin - trước khi trở thành đức tin – là một cảm thức nội tâm, một cách thế giúp chúng ta nhận thức về những thực tại, và giúp chúng ta suy nghĩ. Điều đó làm cho con người phong phú hơn. Hãy học với Chúa Giêsu, Đấng chia sẻ thân phận con người với chúng ta và hiện đang đồng hành với chúng ta, qua việc đọc Lời Chúa và tham dự các Bí tích, chúng ta sẽ có một cái nhìn mới, một cảm thức tôn giáo, mà xã hội không thể cho chúng ta được. Hãy nhận ra Chúa nơi vạn vật, Ngài là ánh sáng chân lý, là lời mời gọi sống yêu thương, là mối dây hiệp nhất. Đừng sợ mất tự do khi sống yêu thương. Niềm vui được chia sẻ làm cho ta không bám víu vào của cải vật chất. Nổi buồn phiền của thế giới nầy không chạm được chúng ta, vì chúng ta đau khổ về sự dữ và vui mừng về điều lành, với lòng xót thương và tha thứ. Nếu chúng ta nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta sẽ không nhìn Giáo Hội như một định chế xa lạ, nhưng như một gia đình thiêng liêng, mà chúng ta đang sống. Đó chính là đức tin mà cha ông chúng ta đã truyền lại cho chúng ta. Đó chính là đức tin mà chúng ta được mời gọi sống từng giây phút trong cuộc sống hằng ngày.

(Theo vatican.va, discours du Pape Benoit XVI à la jeunesse sarde, 7.9.2008).

Bằng gương lành và những huấn dụ của mình, Giáo Hội “thăng tiến con người và đời sống xã hội cách toàn diện” (QĐHĐGMVN).

Xin Chúa ban ơn trợ lực, để Giáo Hội, qua mọi thời luôn cam đảm làm chứng cho chân lý Tin Mừng. Amen

KIỂM ĐIỂM

Có quyền sống giữa xã hội như một ốc đảo không?

Xã hội nghèo, xã hội xấu, xã hội vô đạo… chúng ta không nghĩ đến? Có nhận định giúp đỡ, thi hành bổn phận của mình không? Nghĩ thế nào?

Có nhận định xã hội thăng tiến tốt là đúng chân lý, đúng Phúc Âm? Trái lại, xã hội tiến theo tiền tài, danh vọng, lạc thú… thì không tiến mà lại thụt lùi đến bại hoại, điêu tàn.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời : Anh chị em thân mến,
Trả lời trước quan Philatô, Chúa Giêsu khẳng định mình đến thế gian là để làm chứng cho chân lý. Là Kitô-hữu, giữa thế gian, khi họ làm chứng cho chân lý là họ góp phần cải hoá thế giới. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người tôn trọng chân lý:

  1. Chúa phán: “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng tôi”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn làm chứng cho chân lý, và giúp cho mọi người biết tôn trọng chân lý, hầu làm cho xã hội được an hoà.
  2. Chúa phán: “Ta đến thế gian là để làm chứng cho chân lý”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người nhận biết Chúa Giêsu, nhận biết sự thật, và biết tôn trọng sự thật, hầu tìm đến ánh sáng ơn cứu độ của Chúa.
  3. Philatô thắc mắc: “Chân lý là cái gì?”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người tìm biết chân lý nơi Hội Thánh, nơi Chúa Kitô, và tìm đến hạnh phúc trong Nước Trời.
  4. Chúa phán: “Điều gì có thì nói có, không thì nói không; thêm điều đặt chuyện là do ma quỷ”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, thật lòng vâng theo lời dạy của Chúa, tôn trọng sự thật nhằm mưu ích chung cho mọi người.

Kết thúc : Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con làm chứng cho chân lý theo lời dạy của Con Chúa. Xin ban Thánh Thần Chúa giúp chúng con nên như ánh sáng cho muôn dân, dẫn đưa anh em đến nguồn sống Nước Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

NHÂN CHỨNG ĐÍCH THỰC

Vâng lời Thiên Chúa Cha và yêu thương con người đang chìm ngập trong muôn vàn tội lỗi, ngày càng cách xa Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đến trần gian để minh chứng cho con người, cho vũ trụ vạn vật thấy tình yêu của Thiên Chúa là muôn thuở, là bao la vô cùng. Cuộc sống trần gian của Chúa Giêsu đã chứng minh điều đó. Mọi công việc Chúa Giêsu làm đều là sự vâng phục Thánh Ý Chúa Cha được minh chứng bằng việc Ngài luôn cầu nguyện trong cuộc đời và đặc biệt là trong những giai đoạn quan trọng trong hành trình lên Giêrusalem để chịu khổ hình. Cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu còn là sự minh chứng cho một Thiên Chúa tình yêu, Ngài yêu thương những người tội lỗi, những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề của xã hội… Và Chúa Giêsu đã hoàn thành tuyệt hảo vai trò làm chứng cho Thiên Chúa của mình. Vì sao Chúa Giêsu có thể hòan thành vai trò làm chứng của mình cách tuyệt hảo như thế? Và chúng ta những đứa con của Mẹ Giáo hội chúng ta có thể làm chứng cho Chúa được không?

Thông thường, một người được mời làm nhân chứng là một người phải biết rõ về người hay sự kiện mình làm chứng. Không thể có việc làm chứng theo “tưởng tượng” hay suy diễn theo ý muốn của mình. Chúa Giêsu là người làm chứng về Thiên Chúa cách tuyệt hảo bởi Ngài đến từ Chúa Cha, Ngài yêu mến Chúa Cha và Ngài hằng ở cùng Chúa Cha. Tuy nhiên, khi đọc lại trong các Sách Tin Mừng việc Chúa Giêsu đi theo đường lối của Chúa Cha không phải là một chuyện dễ dàng, phải chịu cám dỗ, chịu thử thách. Vì thế, Ngài đã năng cầu nguyện, năng liên kết với Cha mình, nhờ đó Ngài đã thể hiện được khuôn mặt của Chúa Cha trong cuộc đời mình.

Vì muốn cho muôn dân thuộc mọi chi tộc, mọi thời đại nhận thấy tình yêu của Chúa nên khi rao giảng Chúa Giêsu đã chọn các môn đệ và xây dựng một cộng đoàn để tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu khi Người không còn hiện diện hữu hình, đó là cộng đoàn Giáo hội. Giáo hội có sứ mạng tiếp tục vai trò làm nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa, làm chứng cho sự thật, một sự thật trọn hảo từ nơi Thiên Chúa cho mọi thời đại. Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nêu rõ: “Luôn ý thức về sứ mạng làm chứng cho Chân lý, Giáo Hội của Đức Kitô trải qua mọi thời đại đã góp tiếng nói của mình qua những giáo huấn mang tính xã hội. Nhờ đó, Giáo Hội chia sẻ với nhân loại “những vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” (x.GS 1). Sứ mạng này Giáo hội nhận được từ chính Chúa Giêsu khi Người bảo các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ làm chứng cho Thầy, tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Vì vậy, Giáo hội phải luôn luôn ý thức sứ mạng làm chứng của mình, đây không phải là một sứ mạng “nhiệm ý” mà là một lệnh truyền.

Muốn thực hiện được sứ mạng này đòi hỏi Giáo hội phải hội đủ điều kiện của một nhân chứng là biết rõ về Đấng mà mình làm chứng. Để có thể làm chứng cho Chân lý, cho Thiên Chúa một cách hiệu quả thì Giáo hội phải năng tìm đến với Chúa qua việc học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa trong dòng sống của Giáo hội. Mặt khác, việc làm chứng này không phải là một việc dễ dàng bởi nhiều thế lực sự dữ đang “rình rập, cắn xé”. Vì thế, Giáo hội, những người con của Giáo hội phải năng chạy đến với Chúa, múc lấy sức mạnh từ nơi Thiên Chúa để có thể mạnh dạn như Thầy Giêsu “cương quyết lên Giêrusalem” để chịu tử hình vì làm chứng cho Sự Thật, làm chứng cho Thiên Chúa. Giáo hội cũng vậy.

Giáo hội ở mọi thời, mọi nơi có thể vì làm chứng cho Sự Thật, làm chứng cho Chân lý mà phải thiệt thân. Nhưng chúng ta tin rằng khi Giáo hội bị bách hại là lúc Giáo hội nên giống Thầy mình hơn cả. Qua đó chúng ta tin rằng, bằng sức mạnh của Chúa và sự cộng tác của cộng đoàn Giáo hội, Chân lý sẽ ngày một tỏa sáng và Thiên Chúa tình yêu sẽ hiển trị trong vũ trụ này.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 33
NGÔN SỨ CỦA ISRAEL

1/ Ngôn sứ là gì?
Ngôn sứ là người đuợc Thiên Chúa sai đến để nói với dân nhân danh Ngài. Nói cách ngắn gọn: ngôn sứ là người nói thay cho Chúa. Các ngôn sứ xuất hiện nhiều nhất vào lúc đất nước bị chia đôi cho đến sau thời kỳ lưu đày.

2/ Nội dung giáo huấn của ngôn sứ nhằm những điểm chính yếu nào?
Giáo huấn của các ngôn sứ thường tập trung vào những điểm sau:
- Sự thánh thiện trong tâm hồn.
- Chỉ thờ phượng một Thiên Chúa chân thật.
- Sự công bằng xã hội.

3/ Các ngôn sứ đã thay mặt Chúa nói với dân những gì?
Các ngôn sứ đã thay mặt Chúa để nói với dân:
- Khi thì nói với họ về tội lỗi, về sự bất trung của họ.
- Khi thì giải thích cho họ biết tại sao họ lại rơi vào cảnh lầm than, hoặc tai ương nào xảy đến.
- Khi gặp cảnh khốn cùng các ngài cũng gieo niềm vui, sự tin tưởng vào Chúa và tiên báo một tương lai sáng lạn.

4/ Cựu ước có nhiều ngôn sứ không?
Có rất nhiều, có hằng trăm vị, nhiều vị không viết sách như: Na-than, Êlia, Êlisêô.
Có 04 vị được gọi là đại ngôn sứ vì viết sách dài như : Isaia, Giêrêmia, Egiêkiel và Đaniel.
Có 12 vị được gọi là ngôn sứ nhỏ, vì viết sách ngắn: Osée; Gioel; Amos; Abđya; Giôna; Giacaria; Mica; Nahum; Habacuc; Sophonya; Haggai; Malakia.

Lời Chúa : “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã nói với cha ông qua các tiên tri. Vào thời sau hết, tức là những ngày nầy, Người đã nói với ta qua một người Con”. (Dt 1, 1-2).

Cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không thể yêu mến Chúa đủ, nếu Chúa không giúp con”. (Thánh Phi-lip Nê-ri)

VIII. SỐNG ĐẠO

THÁNG MÔI KHÔI

Hội Thánh lập tháng Môi Khôi để khuyến khích tín hữu lần chuỗi tôn sùng Mẹ Maria. Việc tôn sùng này rất phổ biến. Tín hữu gần như không ai không biết lần chuỗi. Thời xưa, trong các họ đạo, sáng trước lễ lần một chuỗi; trưa hợp nhau lại nơi nhà thờ lần chuỗi thứ hai; chiều trước giờ chầu, lần chuỗi thứ ba, nghĩa là trọn chuỗi Môi Khôi (150 kinh Kính Mừng). Nếu không dự đủ ba chuỗi thì tối gia đình phải chung nhau lần một chuỗi.

Hiện nay, loài người sống theo vật chất, chạy theo tiền bạc, danh lợi, lạc thú…. lại có khi sống vô thần. Dầu vậy, việc lần chuỗi là việc tôn sùng vẫn còn phổ biến. Dĩ nhiên, trong các nhà dòng, các tu hội…. các họ đạo, vẫn còn khá nhiều người, nhiều gia đình lần chuỗi. Nhưng có những điểm chúng ta nên lo ngại: lần chuỗi như thế nào?

Lần chuỗi theo lệ: Ông bà cha mẹ lần chuỗi, dạy mình lần chuỗi: người ta đọc mình cũng đọc theo.

Có khi thầm nghĩ: Việc lần chuỗi là việc tốt, cho nên cố gắng thực hiện, nhưng thực hiện bề ngoài, còn tâm ý không nghĩ gì, vô ý thức.

Lần chuỗi nhiều… kể mình là người đạo đức, thánh thiện, không cần những việc khác.

Do đó, không tìm hiểu giá trị và lợi ích của việc lần chuỗi.

Giá trị

Những kinh trong chuỗi Môi Khôi đều là những lời trích ra trong Phúc Âm… Kinh Lạy Cha là kinh chính Chúa đã dạy: gồm các hoài bão đối với Chúa, với mình và với mọi người.

Kinh Kính Mừng là lời Sứ thần truyền tin, lời của Thánh Êlisabeth được ơn Chúa Thánh Thần nhờ Chúa Kitô mang đến, ca tụng Đức Mẹ và ghép thêm lời cầu nguyện van xin Mẹ cho cả nhân loại.

Kinh Sáng Danh là lời ca tụng Chúa Ba Ngôi, kết thúc việc Tạo dựng, Giáng sinh và cứu chuộc.

Giá trị thật cao siêu, chúng ta không có quyền xem thường.

Lợi ích cũng rất cao siêu

Mặc dầu việc lần chuỗi lặp đi lặp lại làm cho khó giữ tâm trí, ý thức mà theo kinh đọc, nhưng vẫn giúp chúng ta nhớ Chúa nhiều hơn, lâu hơn. Lời kinh bình dân, giờ nào, nơi nào cũng được, ngồi hay nằm cũng chẳng sao.

Hiệu quả lợi ích nhất là giúp tiếp xúc và hiểu biết Chúa, sống giống như Chúa nhờ việc suy gẫm về Chúa (Vui, Thương, Mừng, Sáng). Nhờ Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu.

Cách lần chuỗi tốt

Khởi sự đọc Kinh Lạy Cha: Ý thức tiếp xúc với Chúa, xin giữ được ý thức lâu dài, xin cho lần chuỗi tốt.

Kinh Kính Mừng: Ý thức và có tâm tình theo lời kinh, (lặp đi lặp lại thường dễ bị mất ý thức), nhờ suy gẫm… nên đọc kinh trước bức hoạ về Chúa. Chúa xuống trần (truyền tin), Chúa thăm bà Êlisabeth (Mẹ mang Chúa Kitô đến…) hoặc đọc kinh vài giây rồi suy nghĩ vài giây (bất cứ hình ảnh, ý nghĩ nào, miễn là có liên hệ đến Chúa).

Kinh Sáng Danh: Ca tụng Chúa vì đã cho và giúp lần chuỗi, lại xin sống giống Chúa, theo hoài bão đã nêu khi khởi sự.

Thực tế, không phải dễ, nhưng với ơn Chúa, với thiện chí và cố gắng thì việc lần chuỗi, là một việc tôn sùng đem lại nhiều hiệu quả tuyệt vời!

NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆC TÔN SÙNG

Tôn sùng có thể hiểu là thờ đối với Chúa, cũng hiểu được là kính đặc biệt đối với các thánh. Sùng có nghĩa là hâm mộ, mà tiếng “sùng” cũng có thể hiểu hâm mộ việc nào đó, có hơi đạo đức nhưng chưa hẳn là đạo đức. Ví dụ: ham thích dùng nước thánh, nơi nào cũng có nước thánh, nơi nào, vật nào, người nào cũng rảy nước thánh. Việc như thế không nói được là tôn sùng.

Tôn sùng Thiên Chúa tạo dựng là ham thích Chúa tạo dựng mình, ham sống lệ thuộc, tuân phục Chúa… Việc thiêng liêng thường nhớ Chúa tạo dựng, nhờ Chúa tạo dựng…. Đó là tôn sùng Chúa tạo dựng tuyệt đối. Tôn sùng Thánh Tâm, đó là hâm mộ, thờ tình yêu của Chúa biểu lộ nơi Thánh Tâm nhân tính của Chúa.

Thực tế, nhiều người làm việc nói được là tôn sùng, nhưng tôn sùng thật sự đúng nghĩa có lẽ không nhiều. Tôn sùng là một việc do sở thích của mình chọn lựa, thấy khía cạnh quyền lực, tác động thương yêu của Chúa, của các thánh, mình thấy lối sống mình ham, lối đạo đức mình thích, nên chạy theo bắt chước.

Tôn sùng khác với nhiệt thành. Nhiệt thành là hăng say giữ đạo toàn diện, không xuất sắc, đặc biệt một điểm, một đức nào trong việc giữ đạo. Có thể có điểm nổi bật nhưng điểm nổi bật đó do sở thích đặc biệt hoặc ham mộ mà thực hiện, thực hiện bao quát những chi thuộc về đạo.

Trước tiên, chúng ta phải quả quyết: tôn sùng không phải là điều kiện vô bất đắc (không thể không có) để được rỗi, được hạnh phúc thật. Nghĩa là không có tôn sùng vẫn nên thánh, vẫn rỗi.

Có những việc xem ra là tôn sùng nhưng thật sự chưa phải là tôn sùng. Ví dụ: Ham đi hành hương ở TàPao, tới trung tâm Cha Bửu Diệp, ngay cả việc hành hương ở Lavang.

Đi hành hương vì thiên hạ đi đông mình cũng đi; đi theo phong trào, đi cho vui, đi cho thấy cảnh giữ đạo đặc biệt…. Đó chỉ là bề ngoài, chưa nói được là tôn sùng.

Đi hành hương hay làm việc tôn sùng chỉ để nhờ ơn trên ban cho lợi lộc thân xác - thật ra mình vẫn có quyền cầu xin và trong nhờ ơn phần xác - nhưng chỉ có thế thôi thì chưa gọi là tôn sùng. Đúng là lạm dụng bộ mặt tôn sùng.

Có những việc thật sự đạo đức. Ví dụ: ham chầu Mình Thánh Chúa mỗi ngày, nhưng nếu mình ham để tỏ ra mình là người đạo đức, người sốt sắng hơn người khác… thì không phải là tôn sùng thích đáng.

Chúa dựng nên con người, mặc dầu phải hướng về Chúa để kết hợp với Chúa, nhưng Chúa vẫn ban cho tự do, có thể tự muốn phương tiện, hay đức hạnh, hạp với sở thích của mình.

Nhờ mình thích, nên thường ham mộ, hăng say thực hiện, để vui lòng Chúa nhiều hơn, và để giúp cho cả đời sống đạo đức được thăng tiến, đến gần Chúa và kết hợp với Chúa.

Chúng ta có tôn sùng không? Có tôn sùng thích đáng không? Đời sống đạo chúng ta có thăng tiến không?

NHÂN PHẨM

Giá trị của con người: có bao giờ chúng ta suy nghĩ và nhận định về phẩm giá con người không? Dân chúng thường nói: người ta ba bảy người ta, người một tiền rưỡi, người ba mươi đồng. (một tiền rưỡi theo xưa là 90 đồng). Điều nầy muốn nói con người có cấp bực khác nhau.

Người ta cũng dùng tiền bạc, danh vọng… mà đo lường nhân phẩm, giai cấp, đưa đến chia rẻ, khinh dễ, ngay đến cả anh em ruột thịt cũng có thể tranh tụng, kình chống nhau.

Đó là theo quan niệm của con người trần tục còn theo ý nghĩ của con cái Chúa đã được mạc khải thì con người là siêu tuyệt trong vũ trụ, mặc dầu Kinh Thánh nói Chúa dùng bùn đất nặn nên hình. Có thể hiểu: Chúa dùng bùn đất là Chúa muốn cho thể xác con người Chúa đựng, quy góp mọi yếu tố vật chất vô tri trong con người. Từ vật thể vô tri đến vật thể có sự sống lớn lên và sự sống có cảm giác, sau cùng Chúa thổi hơi vào khối bùn đất nghĩa là ban cho thể xác được có một linh hồn. (Nhân chi linh ư vạn vật:Trong vạn vật chỉ con người có linh hồn).

Từ đời đời, chỉ có Thiên Chúa là hữu thể duy nhất tự hữu, ngoài ra không có hữu thể nào khác (nên khi tạo dựng các vật, thì vật phải tuỳ thuộc và hướng về Chúa). Những hữu thể vật chất dù có sự sống có cảm giác nhưng vẫn vô tri.

Vì vậy, Chúa tạo dựng con người hữu tri, mang vạn vật, thay thế vạn vật, biết lệ thuộc Chúa và quy hướng về Chúa .

Do đó, Kinh thánh nói loài người là chủ của vũ trụ. Chúa lại ban cho quyền sử dụng và hướng dẫn vũ trụ đi đúng đường lối của nó.

Hơn nữa, trên điểm hướng về Chúa, Chúa lại ban cho con người được kết hiệp với Chúa. Cho được kết hợp với Chúa, Chúa ban cho con người có sự sống giống như sự sống của Chúa: biết giống như Chúa biết, yêu như Chúa yêu, sống làm con Chúa.

Chúng ta có thể quả quyết: phẩm giá con người to tát hơn cả vũ trụ, lại là con của Chúa. Vì thế, chúng ta không có quyền khinh dễ bất cứ ai, dù nghèo hèn đến đâu, tội lỗi đến đâu, bởi vì căn bản con người vẫn là chủ vũ trụ và con Chúa. Dầu con người có cấp bực, hiểu biết….khác nhau, ít nhiều hơn kém, nhưng do phẩm giá cao siêu nên chúng ta phải tôn trọng nhau.

Phẩm giá con người như thế, Chúng ta có nghĩ đến không? Mình có quyền làm cho phẩm giá của mình nên kém không? Có bám vào tiền bạc danh vọng làm cho con người trở thành nô lệ cho vật chất không? Có bám vào những vật vô thường (không thường còn) rồi quên những chi thường còn (còn mãi).

Hãy sống đúng với nhân phẩm, tác động cho nhân phẩm được hoàn hảo.

IX. MỤC VỤ THIẾU NHI

SỐNG SỰ THẬT

Chân lý được định nghĩa là những lý lẽ nguyên thủy chưa bị hiểu khác đi bởi những suy luận từ kinh nghiệm hay những sự kiện xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Thông thường ta hiểu cách đơn giản chân lý đó là sự thật, là điều hợp lẽ mà mọi người phải tuân theo. Sứ mạng làm chứng Đức Giêsu là gì nếu không phải là sống như Ngài đã sống. Chính Ngài là Đường là Sự thật và là Sự sống. Vì thế, sống theo Ngài là sống sự thật và làm chứng cho sự thật.

Để sống sự thật trong một môi trường còn quá nhiều cái giả tạo quả là điều không đơn giản. Những cái giả hầu như đã chiếm lĩnh và ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống hằng ngày: tiền giả, hàng giả, bằng cấp giả, ngay cả con người đôi khi cũng bị giả. Người sống theo sự thật phải chấp nhận sống “ngược đời” và “lội ngược dòng”. Sống sự thật đôi lúc bị coi là lối sống “không giống ai” nhưng đó lại là phương cách giúp tâm trí, tình cảm và đời sống con người mỗi ngày được lành mạnh.

Thật thà, thẳng thắng thường thua thiệt. Lọc lừa, lương lẹo lại lên lương. Đó là một thực tế đau buồn cho một cuộc sống còn nhiều dối gian. Nhưng cuộc sống mà vắng bóng sự thật sẽ đem lại hậu kết chẳng mấy vẻ vang, trái lại còn là một thảm bại cho những ai đang khát mong tìm về Chân - Thiện – Mỹ.

Để phát triển nội lực ta cần sống sự thật. Không sống sự thật đó là duyên cớù để những ảo tưởng thống trị chúng ta. Càng nhiều ảo tưởng ta càng trở nên yếu đuối. Sống trong ảo tưởng chẳng khác nào con người tự giết chính mình. Bởi vì những gì được xây dựng trên ảo tưởng đều không đứng vững. Sống sự thật hướng ta luôn tập trung vào chính mình để thay đổi điều ta cần thay đổi chứ không nhằm vào người khác để chế giễu hoặc gièm pha.

Người sống theo sự thật đôi khi phải trả một cái giá rất đắc. Sống thật phải chấp nhận đau thương vì luôn phải miệt mài dấn thân bảo vệ cho chân lý. Thẳng mực tàu ắt phải đau lòng gỗ. Sự trung thực đem lại sự bình an thât sự chứ không phải là thứ bình an giả tạo hay gượng ép. Sự bình tâm ta tìm được không phải vì đã tuân theo những quy chế hay những yêu cầu của xã hội nhưng nó xuất phát tự tận thâm sâu của cõi lòng. Hiểu được điều ấy, ta mới thấy rằng sống trung thực không mất mát điều gì nhưng mỗi ngày được học hỏi thêm nhiều điều bổ ích.

Sự thật nơi con người đôi lúc rất mong manh. Hôm qua người ta gọi là chân lý, hôm nay đã không còn là chân lý. Cái mà hôm nay mọi người coi là chân lý, ngày mai có thể đã khác rồi. Lý trí con người khổ sở vô cùng trong khi đi tìm chân lý. Cho đến bây giờ con người như vẫn còn nghi ngờ không biết rằng lý trí mình có thể có khả năng đạt đến chân lý hay không? Chân lý mà con người nhận thức được bằng tri thức giới hạn của mình không phải là chân lý đúng và toàn thể mà chỉ là những nhận thức có tính chủ quan và phiến diện. Vì thế, những hiểu biết của con người chẳng khác nào như những lời mô tả con voi của những người mù mà thôi.

Nhận biết chân lý là điều không đơn giản. Sống cho chân lý lại là điều khó khăn hơn. Thật là khó khi sống công bằng trong một môi trường còn nhiều bất công. Thật là khó khi tìm công lý trong cuộc sống còn nhiều cái phi lý. Thật là khó khi phải sống trung thực trong cuộc đời còn nhiều dối trá, điêu ngoa. Chỉ tìm về Thiên Chúa con người mới nhận ra đâu là chân lý cội nguồn. Ai sống trong sự thật người đó mới phản ánh cách trung thực hình ảnh của Chúa Giêsu trong cuộc sống thường ngày.

X. MỤC VỤ GIỚI TRẺ

SỐNG THEO SỰ THẬT

“Thật thà thẳng thắng thường thua thiệt; Lương lẹo, luồn lách lại lên lương”. Dường như đây là quy tắc sống cho nhiều người, nhất là cho giới trẻ trong xã hội ngày nay. Từ đó, người ta sống giả dối và lường gạt nhau cách dễ dàng, miễn sao họ đạt được mục đích của mình.

Mặc dù sống trong thời buổi có nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, nhưng chính điều đó lại khiến con người lại sống ngày càng xa nhau hơn. Nhiều người sống dè dặt và nghi ngờ nhau. Thậm chí, anh chị em ruột trong gia đình cũng không còn tin nhau.

Trước thảm trạng đó, người trẻ ngày nay không nhiều thì ít cũng bị ảnh hưởng. Căn bệnh “thành tích” đã làm cho nhiều bạn trẻ thiếu thành thật trong việc học hành và thi cử. Các bạn chỉ biết làm sao cho mình được điểm cao chứ không cần biết thực lực của mình như thế nào. Trong công việc làm ăn cũng vậy. Không cần biết người khác phải chịu thiệt thòi ra sao, miễn mình được lợi nhuận cao là được.

Thật là một tình trạng đáng cho ta phải quan tâm và suy nghĩ. Là người Công giáo một trong ba sứ mạng mà ta được trao phó khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội là sứ mạng ngôn sứ. Ngôn sứ là người làm chứng cho sự thật bằng lời nói và nhất là cách sống.

Chúa Giêsu đã nói: “Sự thật sẽ giải thoát các con” ( Ga 8, 31). Sống theo sự thật là sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chỉ khi sống theo sự thật tâm hồn ta mới có sự bình an đích thực. Chúa Giêsu cũng nói: “Có thì nói có, không thì nói không mọi sự gian dối đều bởi ma quỷ mà ra” ( Mt 5, 37 ).

Như vậy, sống theo sự thật là ta đang sống và làm chứng cho Tin mừng. Đây là một trong những điều Hội đồng Giám Mục Việt Nam hết sức quan tâm lo lắng cho các con cái của mình, cách riêng là cho các bạn trẻ.

XI. MỤC VỤ ƠN GỌI

SỐNG THÀNH THẬT

Có một lần ngồi nói chuyện với một người lương, sau khi phiếm đủ thứ chuyện anh ta hỏi tôi:

Em đi tu như vậy thì có được cưới vợ không?

Đi tu làm linh mục bên công giáo không có vợ. Tôi trả lời như thế.

Vậy thì mình giải quyết nhu cầu sinh lý như thế nào? Anh tiếp tục hỏi.

Tôi giải thích cho anh thế này thế nọ, nhưng hình như anh không tin, nên anh hỏi:

Mình có thể giải quyết bằng cách “ăn bánh trả tiền”, đâu ai mà biết! Tôi trả lời ngay:

Đúng là làm như thế không ai biết nhưngchúng tôi thề hứa độc thân, và chúng tôi giữ luật này bằng lương tâm của mình. Chúng tôi phải trả lẽ trước mặt Chúa về những việc làm của mình.

Thật sự câu chuyện chẳng liên quan gì đến đề tài của chúng ta. Nhưng tôi muốn nói ở đây, người Linh mục cần phải thành thật với chính mình và những việc làm của mình. Sau khi tôi trả lời anh như thế, thì anh nói anh rất quý điều đó.

Tự nhiên con người hướng đến chân lý. Con người biết mình phải tôn trọng và làm chứng cho sự thật: “vì có phẩm giá, mọi người được thôi thúc và có bổn phận tìm kiếm chân lý, trước tiên là chân lý về tôn giáo. Họ thấy mình phải tha thiết với sự thật ngay khi nhận biết sự thật và điều chỉnh toàn bộ đời sống theo các đòi hỏi của sự thật” (GLHTCG số 2467). Người ta sẽ không thể sống chung với nhau, nếu không tin tưởng lẫn nhau. Nhưng để có thể tạo sự tin tưởng với nhau, con người cần phải sống chân thật. Là người con Chúa, chúng ta được mời gọi sống trong sự thật vì Thiên Chúa nguồn mạch chân lý. Sống trong sự thật là một đòi buộc, làm chứng cho sự thật là một bổn phận.

Hơn thế nữa, một người lãnh đạo, một Linh mục, sống thành thật là một bổn phận phải được đặt lên hàng đầu. Vì Linh mục là người rao giảng và làm chứng cho sự thật bằng lời nói và việc làm của mình. Để có được một Linh mục như thế thì ngay từ trong môi trường gia đình, bậc làm cha, làm mẹ phải giáo dục con cái mình sống trong sự thành thật. Thành thật trong việc bổn phận, dù là rất nhỏ bé trong gia đình. Thành thật trong học tập (đây là điều cha mẹ cần đặc biệt chú ý, vì giáo dục hôm nay bằng cách này, cách khác người ta đang dạy các em sống giả dối). Và thành thật trong cách đối xử với mọi người. Cha mẹ giáo dục con cái điều này bằng chính cách sống của mình.

Họ đạo, mà trên hết là Cha sở cũng cần chú ý đến điều này trong cách giáo dục mầm non ơn gọi của họ đạo mình. Nếu có điều kiện cho các em ở trong nhà xứ (ban đêm chẳng hạn), các em sẽ có dịp sống chung với nhau. Khi sống chung như thế, Cha sở quan tâm đến các ơn gọi tương lai của mình qua việc các em thực hiện các việc bổn phận của mình, qua việc các em sống với nhau. Thường các em dự tu dễ “thần tượng” Cha sở của mình. Cuộc sống của Cha, việc làm của Cha cũng hãy là một mẫu gương cho các em học hỏi về sự thành thật.

Chính sự thành thật khi được giáo dục trong gia đình, nơi môi trường họ đạo, nơi mẫu gương của Cha sở sẽ là một nền tảng vững chắc cho các em. Trong sự thành thật ấy các em sẽ lớn lên từng ngày. Mai sau các em sẽ trở thành một con người thành thật, một Linh mục chân thành luôn biết chu toàn bổn phận của mình và trung thành với lời thề của mình. Có như thế thì những thắc mắc như của anh bạn trong câu chuyện trên mới được trả lời thoả đáng. Qua đó chúng ta chu toàn được sứ mạng của mình, sứ mạng sống và làm chứng cho sự thật vì Đức Giêsu đòi người môn đệ của mình phải yêu mến chân lý vô điều kiện: trong lời ăn tiếng nói của anh em, “hễ có thì nói có, không thì phải nói không” (Mt 5, 37).

XII. MỤC VỤ GIÁO LÝ

GIÁO LÝ VIÊN ƠN GỌI VÀ SỨ MẠNG

Các Bạn Giáo Lý Viên thân mến!

Các Bạn có xác tín rằng Giáo Lý Viên (GLV) là một ơn gọi không? Đây là câu hỏi được đặt ra cho tất cả những ai đã, đang và sắp dấn thân vào sứ mạng dạy giáo lý.

Qua Kinh Thánh và Giáo huấn của Giáo Hội chúng ta phần nào nhận ra trách nhiệm cao quý của người GLV.

  • GLV là một ơn gọi?

Trước câu hỏi này, đã có nhiều câu trả lời và có lẽ sẽ còn rất nhiều câu trả lời. Bởi vì khi chấp nhận dấn thân vào sứ mạng dạy giáo lý là ta đã và đang đáp lại ơn gọi ấy.

Tài liệu “Sách hướng dẫn GLV” (SHD) của Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc ban hành năm 1993, có dạy: “GLV là người giáo dân được Hội Thánh, tùy theo nhu cầu địa phương, đặc biệt giao cho trách nhiệm giúp những người chưa nhận biết Chúa Kitô và các tín hữu được nhận biết, yêu mến và đi theo Chúa Kitô.(SHD4).

Trong việc dạy giáo lý…… chỉ một mình Đức Kitô là người giảng dạy. Những người khác có làm việc giảng dạy cũng chỉ là những người phát ngôn viên của Ngài, để Ngài dùng miệng họ mà giảng dạy. Mối bận tâm thường xuyên của mọi giáo lý viên phải là thông truyền giáo lý và đời sống của Chúa Giêsu, qua việc giảng dạy và thái độ của mình (DGL6).

Từ lời dạy trên, cho phép chúng ta hãnh diện xác tín rằng GLV là người được Chúa Giêsu mời gọi. Nói cách khác, ơn gọi làm GLV là ơn gọi đến từ Đức Giêsu. Tuy dẫu ơn gọi này không được nhìn thấy rõ ràng như Bí Tích Truyền Chức Thánh (GM, LM) hay qua một nghi lễ khấn hứa của ơn gọi sống đời thánh hiến, nhưng đây lại là một “ơn gọi” được hiểu theo một nghĩa rất rộng.

  • Ơn gọi giáo lý viên xuất phát từ Chúa Giêsu

Mọi ơn gọi đều bắt nguồn từ Chúa Giêsu và ơn gọi GLV cũng thế. Ơn gọi này được gọi qua cha sở . Ngài mời gọi ta cộng tác mục vụ. Oïn gọi này được gọi qua Ban Quới chức. Ban Quới chức đề nghị ta ; Hoặc do những giáo lý viên đàn anh đàn chị dìu dắt. Và ơn gọi này cũng có thể xuyên qua một cơ hội, một hoàn cảnh nào khác. Nhưng trước hết và trên hết, chính Chúa Giêsu đã muốn dùng những cơ hội ấy để đích thân mời gọi ta như ngày xưa Người đã gọi Nhóm Mười Hai.

Tường thuật về ơn gọi của Nhóm Mười Hai diễn ra ngắn gọn nhưng thật cảm động:“ Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỷ”. (Mc 3, 13 -15).

Đức Giêsu lên núi, trước khi lập nhóm Mười Hai. Trong Cựu ước, núi là nơi gặp gỡ Thiên Chúa (x. 1V 19,8), nơi Người lập Giao ước (x Xh 19,3; 24,1.9), nơi Người mặc khải kêu gọi và quyết định…Các thành viên nhóm Mười Hai là những con người được Đức Giêsu tự do tuyển chọn. Các ông luôn đồng hành với Người. Chúa Giêsu giao cho các ông nhiệm vụ rao giảng và quyền trừ quỷ. Các ông được gọi và được sai đi làm việc đó. Như vậy, các ông được tham dự vào sứ mạng của Đức Giêsu. Chúng ta đừng bỏ qua chi tiết này, số Mười Hai thành viên của nhóm ám chỉ Mười Hai chi tộc Israel . Mười Hai môn đệ được tuyển chọn là những đại diện cho dân Israel mới, nghĩa là Hội Thánh được xây dựng nơi bản thân các ông. Và bây giờ, sứ mạng ấy được trao cho người GLV để người GLV tiếp tục góp phần xây dựng Hội Thánh.

Như thế, trách nhiệm GLV gắn liền với hai chữ Ơn Gọi thì cũng giống như nhóm Mười Hai. Nếu chúng ta chấp nhận dạy giáo lý là mỗi lần chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, thiết lập tương quan mật thiết với Ngài trong ơn gọi. Như thế, dạy giáo lý không phải như dạy một số hiểu biết về Chúa nhưng là giới thiệu với mọi người Đấng đã yêu thương và mời gọi ta. Chính Chúa Giêsu kêu gọi và tuyển chọn người Giáo LÝ Viên để làm công việc ấy.

“Sách Hướng Dẫn GLV”, số 2, dạy: “Nguồn gốc ơn gọi của người GLV, ngoài Bí Tích Rửa tội và Thêm sức, còn có một tiếng gọi đặc biệt của Thần Khí, nói cách khác “một đoàn sủng đặc thù được Hội Thánh công nhận” và được minh thị cho sự ủy nhiệm của Đức Giám Mục. Điều quan trọng là ứng viên dạy giáo lý nhận thức ý nghĩa thâm sâu và siêu nhiên của tiếng gọi này, làm sao để có được khả năng hầu đáp ứng như Ngôi Lời vĩnh cửu: “Này, con xin đến (Dt 10,7), hoặc giống tiên tri : “Này tôi đây, xin hãy sai tôi” (Is 6,8).

GLV nói tiếng “xin vâng” với Chúa Giêsu chính là nói lên niềm tin vào Đức Giêsu và vào tình yêu của Ngài. (còn tiếp)

Tài liệu tham khảo

PVGGK, Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, Tòa TGM GPTPHCM,1994
ĐGH Jean Paul II, Tông huấn Dạy Giáo Lý.
Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc, sách hướng dẫn GLV, 1993.
Tài liệu Bồi Dưỡng GLV khối Kinh Thánh, GLV khối Kinh Thánh, NXB Thuận Hóa, 1997

XIII. MỤC VỤ GIA ĐÌNH

ĐÀO LUYỆN GIA ĐÌNH ĐẦM ẤM

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền cho các tông đồ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ Nhân Danh Cha Và Con Và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.(Mat. 28,19-20). Với lệnh lên đường này, trong thư chung năm 2007, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã khẳng định: “Chúa Giêsu đã trao cho giáo hội sứ mạng lên đường dạy dỗ muôn dân. Từ đó giáo dục trở thành sứ mạng gắn liền với sự hiện diện của Giáo Hội giữa lòng thế giới…Vì thế, Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục. Sứ mạng của Giáo Hội là tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng một nền giáo dục Kitô giáo”.(Thư chung số 7). Tiếp theo gương Thầy Giêsu, Vị đạo sư lang thang rày đây mai đó, các tông đồ đã lên đường, đi tới đâu là mở trường đào luyện không cơ sở tới đó. Các ngài tận lực đào luyện những con người biết sống với nhau và cho nhau, đồng thời đào luyện những môn đệ Chúa Kitô đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh, tận tâm tận tình thờ phượng Chúa và tận tụy yêu thương tương trợ, phục vụ mọi người trong tình huynh đệ, để xây dựng một thế giới đầy sự sống, tình yêu, bình an và hạnh phúc.

Đang khi xây dựng gia đình Hội Thánh, các tông đồ không quên xây dựng các gia đình là tế bào gốc của xã hội và Giáo Hội. Cộng đoàn gia đình không bền vững, ổn định, đầm ấm, thì xã hội và Giáo Hội cũng lung lay, suy sụp. Theo gương Chúa Giêsu, Đấng xác định gia đình do Chúa Cha sáng lập, vợ chồng gắn bó, hợp nhất không phân ly: “Thiên Chúa đã làm nên người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt…Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.(Mc 10, 6-9). Lo cho cha mẹ không đủ, Chúa Giêsu còn lo cho con cái, Chúa Giêsu chúc lành cho các trẻ nhỏ mà Chúa Cha đã ban cho các cặp vợ chồng, như một hồng ân: “Cứ để trẻ em đến cùng Thầy, đừng ngăn cấm chúng…Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng”. (Mc 10,14.16).

Các tông đồ cũng giáo dục các tín hữu, Thánh Phêrô dạy các ông chồng: “Anh em nên hiểu rằng đàn bà thuộc phái yếu, hãy có lòng quý trọng”.(1Pet 3,7), Ngài cũng dạy các bà vợ: “Chị em là những người vợ, chị em hãy phục tùng chồng”.(1Pet 3,1). Thánh Phaolô dạy các bà vợ: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng như phục tùng Chúa”.(Eph 5,22), cùng một trật cũng dạy các ông chồng: “Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh…Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính mình”.(Eph 5,25.28). Ngài cũng chỉ dạy cách sống giữa cha mẹ và con cái: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa Kitô, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ…Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Eph 6,1-4).

“Hãy theo Thầy” (Ga 21,19) trên con đường giáo dục đời sống hôn nhân và gia đình, huấn quyền của Hội Thánh tìm mọi cách thế để thông tri, chỉ bảo, dạy dỗ giúp các gia đình Kitô sống đầm ấm tràn ngập yêu thương. Gần chúng ta hơn, Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới đã họp tại Roma từ 26.5 đến 25.10.1980 để bàn về gia đình. Sau Thượng Hội Đồng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban hành cho tông huấn Familiaris Consortio “Những bổn phận của gia đình Kitô hữu” ngày 22.11.1981, cho chúng ta một cái nhìn tổng hợp và những việc mục vụ về gia đình. Một điều chắc chắn các Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục đều muốn các Linh Mục và những người có trách nhiệm lo việc giáo dục hôn nhân và huớng dẫn các gia đình từ cha mẹ đến con cái. Hơn bao giờ hết, ngày nay, hôn nhân và gia đình đang bị đe doạ trầm trọng vì các bạn trẻ đua nhau sống thử trước hôn nhân, những người chung sống ngoài hôn nhân, những cặp vợ chồng đồng tính luyến ái, nạn ly dị phổ biến gia tăng khắp nơi với đủ mọi hạn tuổi, các gia đình rối đạo…Vì thế giáo dục hôn nhân và gia đình là việc cấp thiết không thể lơ là.

Riêng Giáo Phận Vĩnh Long chúng ta, cần làm gì để ngày Đại Hội Gia Đình hằng năm 1/5 có kết quả thực tế? Mỗi họ đạo hay liên họ đạo có thể tổ chức những buổi học hỏi về hôn nhân và gia đình để xây dựng những gia đình đầm ấm không? Xin Quí Cha, Quí Tu Sĩ và anh chị em giáo dân suy nghĩ, góp ý cho Ban Mục Vụ Gia Đình, Toà Giám Mục Vĩnh Long. Mọi người đều được học hỏi trong Giáo Hội có sứ mạng giáo dục.

NGỌC HAY ĐÁ

Nước sở có người họ Hòa, được một hòn ngọc ở trong núi, đem dâng vua Lê Vương. Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “ Đá, không phải ngọc”. Vua cho người họ Hòa là nói dối, sai chặt chân trái.

Đến khi vua Vũ Vương nối ngôi, người họ Hòa lại đem ngọc ấy dâng, Vua sai thợ ngọc xem. Thợ ngọc nói: “ Đá, không phải ngọc”. Vua lại cho họ Hòa nói dối, sai chặt nốt chân phải.

Đến khi vua Văn Vương lên ngôi, người họ Hòa ôm hòn ngọc, khóc ở chân núi Sở Sơn suốt ba ngày ba đêm đến chảy máu mắt ra. Vua thấy thế, sai người đến hỏi. Người họ Hòa thưa: “ Tôi khóc không phải là thương hai chân tôi bị chặt, chỉ thương về nỗi ngọc mà cho là đá, nói thật mà cho là nói dối”. Vua bèn sai người xem lại cho rõ kỹ, thì quả nhiên là ngọc thật, mới đặt tên gọi là “ Ngọc bích họ Hòa”. (Ngọc Bích Họ Hòa,trang 146, Cổ học tinh hoa, NXB Văn Học )

Thật đáng thương cho số phận viên ngọc. Là ngọc quí, thế mà không ai nhận ra giá trị thật của nó! Nhưng cũng mừng cho viên ngọc, vì cuối cùng nó cũng được mọi người công nhận đúng giá trị thật của nó!

Thế nhưng, ở đây còn có cái quí hơn cả giá trị của viên ngọc nữa, đó là tinh thần quyết tâm bảo vệ chân lý. Dù phải tan xương nát thịt vẫn quyết tâm bảo vệ sự thật, không vì sợ hãi, không hùa theo đám đông, cũng không khuất phục cường quyền mà đổi trắng thay đen cho đến khi sự thật được tỏ bày.

Nước trời cũng giống như viên ngọc ở trong núi vẫn còn rất nhiều người chưa biết rõ giá trị thật của nó. Vậy ai sẽ là người minh chứng cho nó ?

Nhiệm vụ đó thuộc về mọi Kitô hữu, bởi trước khi về trời Chúa Giêsu đã bảo: “ Cả anh em nữa, anh em sẽ làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Jn. 15,27)

Là Kitô hữu chúng ta đựơc biết rõ ràng hạnh phúc Nước Trời là một giá trị không gì sánh bằng và chỉ qua con đường Giáo Hội mới đạt được nó. Chúng ta cũng khẳng định với những người khác như thế. Thế nhưng chỉ nói mà thôi thì ai tin, chỉ khi nào chúng ta dấn thân sống những điều đó thì lời nói của chúng ta mới có giá trị. Mahatma Gandhi rất tôn kính Chúa Giêsu nhưng ông đã không trở thành Kitô hữu chỉ vì người Kitô hữu đã không làm theo lời Chúa dạy.

Viên ngọc Nước Trời vẫn chưa được người ta biết đến giá trị thật của nó và nó cần chúng ta minh chứng. Nếu chúng ta không ngại khó khăn gian khổ, không sợ hy sinh bản thân để minh chứng thì chắc chắn mọi người sẽ nhận ra sự thật, còn nếu chúng ta không quảng đại dấn thân, chối từ trách nhiệm làm chứng hay thậm chí quẳng nó đi như một thứ vô giá trị, thì mãi mãi nó vẫn còn bị coi là một viên đá tầm thường và chúng ta cũng bị coi như là những kẻ nói dối.
XIV. MỤC VỤ QUỚI CHỨC

Tìm Hiểu SẮC LỆNH TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN

Chương IV: Các Phương Thức Hoạt Động Tông Đồ

15. Nhập đề

Giáo dân có thể thực hiện việc tông đồ hoặc từng người hoặc liên kết thành cộng đoàn hay hội đoàn. 9*

16. Tầm quan trọng và những hình thức của việc tông đồ cá nhân

Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện bắt nguồn từ mạch sống phong phú đích thực Kitô giáo (x. Gio 4,14). Đó là căn bản và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập thể và không gì có thể thay thế việc đó được.

Việc tông đồ cá nhân này rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh chỉ có hoạt động tông đồ này mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi người giáo dân, dù thuộc thành phần nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng để cộng tác trong các hội đoàn đều được kêu gọi và hơn nữa phải làm việc tông đồ cá nhân.

Có nhiều hình thức tông đồ mà người giáo dân dùng để xây dựng Giáo Hội, thánh hóa và làm sống động thế gian trong Chúa Kitô.

Hình thức đặc biệt của hoạt động tông đồ cá nhân là giúp giáo dân làm chứng bằng cả đời sống phát xuất từ đức tin, đức cậy, đức ái. Đó là dấu chỉ rất thích hợp trong thời đại chúng ta để biểu lộ Chúa Kitô sống động trong các tín hữu của Người. Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa.

Hơn nữa, là những người công dân trong thế giới ngày nay, người công giáo khi cộng tác vào những việc liên quan tới việc xây dựng và quản trị trật tự trần thế, họ phải thấu triệt dưới ánh sáng đức tin những lý do cao cả để hành động trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội và tùy dịp bày tỏ cho người khác nữa. Người giáo dân cũng phải ý thức rằng họ trở nên những người cộng tác với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa và như vậy làm vinh danh Thiên Chúa.

Sau cùng giáo dân làm cho đời mình sống động bằng đức ái và tùy sức biểu lộ đời sống đó bằng chính hoạt động của mình. Mọi người phải nhớ rằng nhờ việc phụng tự công cộng và cầu nguyện, nhờ sám hối và tự ý chấp nhận công việc cũng như những khổ cực của cuộc đời làm cho họ nên giống Chúa Kitô đau khổ (x. 2Cor 4,10; Col 1,24) họ mới có thể ảnh hưởng tới mọi người và đem ơn cứu độ cho toàn thế giới.

Gợi ý giải thích:

(9*) Tới đây, Sắc Lệnh tổng hợp hai hình thức hoạt động tông đồ giáo dân: cá nhân và tập thể. Các Nghị Phụ đã bàn cãi nhiều khi nói về Công Giáo Tiến Hành. Nhiều vị không muốn đề cập rõ về "Công Giáo Tiến Hành" hay một hình thức hội đoàn đặc thù nào khác, nhưng chỉ nói một cách tổng quát về các "hiệp đoàn". Trái lại có nhiều Nghị Phụ khác muốn dành một chương đặc biệt về Công Giáo Tiến Hành vì tầm quan trọng, sự cần thiết, bản tính, cơ cấu, sự điều hành của nó v.v... Cuối cùng, Thánh Công Đồng chấp thuận một cách diễn tả dung hòa như chúng ta thấy ở Sắc Lệnh.

Trước hết Sắc Lệnh nói tới việc tông đồ cá nhân, kết quả tự nhiên của cuộc sống Kitô hữu thực sự thấm nhuần đức tin, cậy, mến. Việc tông đồ cá nhân này thực thi:

- bằng chứng tích đời sống Kitô giáo.

bằng sự cộng tác như công dân của trần gian vào việc kiến tạo và điều hành trật tự trần gian: đời sống gia đình, nghề nghiệp, văn hóa và xã hội.
bằng lời cầu nguyện riêng tư, việc đền tội, chấp nhận làm việc và chịu vất vả do cuộc sống để nên giống Chúa Kitô Đau Khổ. Tất cả những nhân đức này giúp họ có khả năng đạt tới mọi người trong tinh thần tông đồ.

Như vậy:

Việc Tông Đồ cá nhân hay tập thể, đều bắt nguồn từ Chúa Kitô: Jn 4,14: “Còn ai uống nước tôi sẽ cho, thì muôn đời sẽ không khát. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.
Ở đâu và lúc nào thì việc Tông Đồ cá nhân có hiệu quả nhất?
Có những hình thức nào mà người giáo dân dùng để hoạt động Tông Đồ? Làm chứng bằng cả đời sống, bằng lời nói, khi người Công giáo cũng là công dân cộng tác xây dựng trật tự trần thế, họ phải dựa theo ánh sáng đức tin, hoạt động Tông Đồ bằng đức ái Kitô-giáo.
Các việc phụng tự, cầu nguyện, sám hối và nên giống Chúa Kitô đau khổ, cũng là cách hoạt động Tông Đồ cá nhân.

Gợi ý thực hành:

Quới Chức là một giáo dân ưu tú, được tuyển chọn giữa nhiều người khác, vậy họ phải hoạt động Tông Đồ cá nhân một cách trổi vượt hơn các giáo dân khác.
Mỗi Quới Chức đang nhờ việc làm nào, đang dùng hình thức nào để hoạt động Tông Đồ cá nhân của mình?
Quới Chức có làm việc bác ái nào, gương tốt nào?
Quới Chức có làm việc đạo đức nào để làm việc Tông đồ?

XV. TẢN MẠN

CHIẾN DỊCH “3 T"

Đối với người Kitô hữu, có lẽ ai cũng biết 3 kẻ thù nguy hiểm của đời sống đức tin là ma quỷ, xác thịt và thế gian.

Tôi còn nhớ hồi nhỏ, khi học giáo lý vỡ lòng, tôi được dạy rằng: quỷ trông đáng sợ lắm. Chúng là một con quái vật đen thui, mình đầy lông, răng nanh co quắp, mắt xanh cháy lửa, đuôi dài thọc . . . Những hình ảnh ấy làm cho tôi một thời khiếp sợ và cảm thấy rùng mình khi phải đi trong bóng đêm hay khi phải ở lại nhà một mình. Giờ đây, tôi tự hỏi rằng: Nếu ma quỷ mà như thế thì làm sao chúng cám dỗ ai được nữa, vì mới trông thấy chúng là người đã bỏ chạy thục mạng hay ngất xỉu mất rồi. Thôi thì cứ cho đó là chuyện ma quỷ thời xưa đi. Còn “ma quỷ thời đại @” ngày nay thì khác lắm rồi. Chúng không còn mang dáng dấp của những con quái vật xấu xí kinh tởm nữa, nhưng chúng hiện thân trong những nam thanh, nữ tú với diện mạo trông hấp dẫn tuyệt. Có như vậy thì ma quỷ mới có thể thực hiện thành công chiến thuật của mình được.

Quả thật ngày nay, có không biết bao nhiêu những anh chàng, cô nàng bảnh bao và xinh đẹp nhưng sống buông thả, dâm ô, xảo trá, độc ác, nham hiểm, hung hăng như mãnh thú . . . Những con người đó không phải là ma quỷ nhưng bị ma quỷ khống chế và sử dụng để làm tay sai cho chúng. Ma quỷ là cha đẻ của sự gian trá và độc ác. Khi chúng sử dụng chiến thuật tinh xảo như thế, thì chúng đã dụ dỗ được rất nhiều người theo chúng bằng lối sống đắm chìm trong tội lỗi, đam mê trong những ham muốn thấp hèn và dâm dật, quên mất phẩm giá cao quý của mình, sống không có tình người nữa và sống xa cách Thiên Chúa.

Ý thức được sự ảnh hưởng và tác hại to lớn của tinh thần thế tục, các dòng tu, các Chủng viện, đã và đang thực hiện chiến dịch phòng chống “3T” cách quyết liệt. “ 3 T” ấy là Tình, Tiền và Tửu. Những người sống đời tận hiến cho Chúa rất cần sự thánh thiện và thanh thoát nên việc không để cho họ bị vây nhiễm tinh thần thế tục là điều cần thiết và cấp bách. Chiến dịch chống “3 T” này mới nghe có vẻ quá “cổ lỗ sĩ” và phi lý . Không ít người đã lý luận rằng: Đi tu cũng cần có tiền chứ! Không có tiền thì làm sao sống, làm sao làm việc tông đồ được?! Hay đi tu mà không biết yêu thì đi tu để làm cái gì chứ? Hoặc người tu cũng cần biết uống rượu chứ. Uống rượu để hội nhập, để truyền giáo cho người ta mới được. “Nhậu Mục vụ mà !” . . .

Những lý luận đại loại như thế nghe qua có vẻ rất hợp tình hợp lý. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế. Không phải người tu không cần tiền, không yêu ai hay không biết đến giọt rượu nào, mà là không đam mê chúng, không lệ thuộc vào chúng. Bởi lẽ, khi dính bén vào tiền, vào tình và vào tửu rồi thì lý tưởng của người tu, của người linh mục sẽ bị biến chất, và sớm hay muộn gì cũng rơi vào cạm bẫy mà ma quỷ đã giăng ra để bắt lấy những con người đam mê chúng.

Kinh nghiệm cho thấy: một Chủng sinh, một tu sĩ, một linh mục nào mà ham mê Tiền bạc thì sẽ đánh mất căn tính của mình vì chỉ lo đi kiếm tiền, chỉ kết thân với những đại gia, chỉ hân hoan đón tiếp Việt kiều. . . còn dân nghèo thì bị bỏ quên ngoài xó cửa, bị khinh thị và bị làm khó dễ khi họ có chuyện đến nhờ linh mục giải quyết những vấn đề của họ.

Vấn đề tình cảm cũng vậy. Không phải Giáo hội đang cố gắng biến những trái tim của những người tu thành gỗ đá, nhưng vấn đề là phải yêu thương hết mọi người mà không giữ lấy riêng ai cho mình, và không muốn giành giựt ai nhất là những người khác phái về phía và thuộc về mình ngoài Chúa.

Vấn đề “Tửu” cũng thế. Đai Chủng Viện không cấm các thầy không được đụng đến một giọt rượu nào hay ly bia nào, nhưng là hãy làm chủ mình, hãy biết tác hại của rượu bia khi uống quá nhiều và hãy ý thức cương vị của mình. Biết bao chuyện cười ra nước mắt đã xảy ra từ chuyện uống nhiều rượu bia vào. Chắc chắn, không một giáo dân nào nể phục một chủng sinh, một tu sĩ hay một linh mục uống quá nhiều rượu bia!

Ơn gọi của người Kitô hữu nói chung và của những người sống đời tận hiến nói riêng là nên thánh và giúp nhau nên thánh. Vì thế, chúng ta hãy tỉnh thức và canh phòng luôn với những cám dỗ, những kẻ thù nguy hiểm “đang rảo quanh tìm mồi cắn xé”. Những ai đã chọn cho mình con đường tận hiến cho Chúa và cho các linh hồn hãy ý thức trách nhiệm nặng nề của mình trong việc làm gương sáng và chu toàn những phận vụ mà mình đã tự nguyện thề hứa khi lãnh nhận.

Những ai càng sống thanh thoát, càng quyết tâm theo đuổi những mục tiêu cao cả thì họ càng là những con người tự do và càng sống an vui hạnh phúc. Ước gì những người sống đời sống tận hiến cho Chúa trở thành những chiến sĩ tiên phong trong việc sử dụng và làm chủ những phương tiện trần thế để nêu gương sáng cho mọi người đang sống chung quanh mình.

XVI. MỘT LỐI SỐNG

BUỔI TRÌNH DIỄN KHÔNG ĐẠT

Một nghệ sĩ trẻ tuổi đang trình diễn đàn dương cầm trước cử tọa ngồi chật cả thính phòng. Tất cả đều im lặng như nín thở để theo dõi từng nốt nhạc.

Theo lời quảng cáo, thì đây là lần trình diễn đầu tiên để giới thiệu một tài năng mới. Những ngón tay đẹp của nghệ sĩ không ngừng di động trên các phím đàn, hòa điệu với những âm thanh trầm bổng của dòng nhạc.

Bản đàn vừa chấm dứt, tất cả mọi người đứng dậy vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Và nhiều giọng nói yêu cầu của cử tọa xin trình diễn tiếp thêm nữa. Phải, tất cả mọi người đều đứng dậy bày tỏ lòng hâm mộ. Nhưng chỉ trừ có một cụ già ngồi ở hàng ghế đầu có thái độ khác. Cụ không đứng dậy vỗ tay tán thưởng, mà vẻ mặt lại để lộ chút không vui.

Trong khi đó trên sân khấu chàng nghệ sĩ trẻ tuổi rời dương cầm, bước ra ngoài tấm màn lớn đang từ từ kéo lại, cúi sâu chào khán thính giả, rồi vội vàng ẩn mình vào trong .

Chàng đến nhanh bên ông giám đốc tổ chức cuộc trình diễn, nói nhỏ:
- Không, tôi trình diễn chẳng hay gì cả, tệ lắm.

Ông giám đốc trả lời:
- Anh lầm rồi, mọi người vỗ tay hoan hô anh lâu như thế, mà anh bảo trình diễn dở nghĩa là làm sao?

Chàng nghệ sĩ trẻ nói tiếp:
- Không, tôi trình diễn không đạt. Ông có biết cụ già ngồi ngay hàng ghế đầu đấy không? Cụ là thầy dậy của tôi đó. Cụ không đứng dậy hoan hô, mà vẻ mặt còn có chút buồn nữa. Đó là dấu hiệu cho tôi biết chắc chắn là tôi chưa trình diễn hay đủ.

Có thể so sánh cuộc đời mỗi người chúng ta với cuộc trình diễn của chàng nghệ sĩ này.

Thiên Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta những tài năng khác nhau, và đã ban cho nhiều ơn, nhiều phương thế để huấn luyện ta sử dụng những tài năng ấy cho tốt đẹp, làm trổ sinh những hoa trái bổ ích. Cách này hay cách khác, mỗi người chúng ta đã sử dụng những tài năng đó phục vụ anh chị em chung quanh. Có thể anh chị em lên tiếng khen tặng ta, kính phục ta, hoan hô ta, như những khán thính giả từ ngoài nhìn vào.

Nhưng, như chàng nghệ sĩ kia chỉ nhìn vào thái độ của thầy mình để xem mình đã trình diễn đạt hay chưa, thì mỗi người người chúng ta cũng vậy, chúng ta cần nhìn lên Chúa để xem mình đã sống cuộc sống của mình một cách thành đạt chưa.

Chỉ có phán xét của Thiên Chúa là công bằng, không thiên tư. Ngài là vị Thiên Chúa ẩn khuất, nhưng Ngài thấu suốt mọi sự, mọi hành động của chúng ta. Chỉ mình Ngài mới đánh giá đúng từ bên trong. Chúng ta cần qui chiếu về Ngài, về những lời dạy của Ngài được ghi trong sách Phúc Âm, để có thể biết mình đã sử dụng những tài năng Chúa ban cách tốt đẹp nhất chưa.

Ước chi mỗi ngày, mỗi giây phút trong cuộc sống, chúng ta đặt mình trước nhan Ngài sống trong sự hiện diện của Ngài và dâng mọi hành động lớn nhỏ cho Ngài.

Mỗi người chúng ta hãy nhớ rằng, vào phút cuối đời, khi chúng ta xuất hiện trước nhan Ngài cách vĩnh viễn, thì lúc đó, như trong Phúc Âm đã kể, Ngài sẽ phán xét các hành động của ta theo mẫu mực của lối sống yêu thương.
(Theo R. Veritas)

XVII. SỐNG LỜI CHÚA: Mt 21,28
Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha.

1330    21-04-2012 15:34:21