Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Chương 19: Giáo Hội Giữa Thế Giới Tân Tiến_Bài Đọc Thêm


BÀI ĐỌC THÊM

TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC CÔNG LẬP

Các trường này nhằm cung cấp các nữ đồng chí Cộng hòa cho các ông Cộng hòa. Điều này bị Giáo hội phản đối, vì từ trước đến nay, GH vẫn giáo dục các thiếu nữ sau tiểu học.

Kẻ nào nắm được phụ nữ là nắm được tất cả. Bởi vì trước hết, kẻ ấy nắm được con trẻ, rồi đến các ông chồng, không chỉ các ông chồng trẻ bị đang bị cơn bão dục vọng lôi cuốn, mà cả các ông chồng mệt mỏi thất vọng trong trường đời.

(...) Chính vì thế, Giáo hội muốn nắm lại phụ nữ và cũng chính vì thế, chế độ Dân Chủ quyết giật phụ nữ khỏi Giáo hội.

Nền Dân Chủ phải chọn lựa nếu không sẽ bị tận diệt. Phải chọn lựa hỡi các công dân. Hoặc người phụ nữ thuộc về khoa học, hoặc họ thuộc về Giáo hội.
(JC. Để đọc LSGH II,t.130)

LUẬT LỆ HỌC ĐƯỜNG

* Đạo luật 1882

Điều 1. Việc dạy ở Tiểu học gồm : Đạo đức, Công Dân giáo dục, tập đọc, viết...

Điều 2. Hằng tuần các trường tiểu học nghỉ một ngày, để cha mẹ có thể cho con em học về tôn giáo, nếu muốn, ở ngoài cơ sở học đường.

Điều 3. Nay bãi bỏ những quy định của các khoản 18 và 44 của đạo luật 15-3-1850 về việc cho phép bộ trưởng Phụng Tự quyền kiểm soát, thanh tra và chỉ thị trong những trường tiểu học công cũng như tư và trong các lưu xá.

* Đạo luật 30/10/1886

Điều 17. Trong những trường công lập mọi cấp, việc giảng dạy được ủy thác hoàn toàn cho các nhân viên dân sự.
(JC Để đọc LSGH II,t.131)

THÔNG ĐIỆP "GIỮA MUÔN ĐIỀU LO NGẠI" (1892)

Chỉ có Giáo hội Kitô đã và sẽ đang bảo tồn chắc chắn hình thái cai trị của mình.Vì được thiết lập trên nền tảng là Đấng đã có, đang có và vẫn có đời đời, Giáo hội ngay từ đầu đã nhận được những gì cần thiết để theo đuổi sứ mạng thần linh ngay giữa dòng lưu chuyển của vạn vật nhân trần.

Còn đối với các xã hội thuần túy nhân loại, thì thời gian là yếu tố biến đổi vĩ đại cho mọi sự trần gian, như một sự kiện đã ghi khắc cả trăm lần trong lịch sử, tạo nên những thay đổi sâu xa về cơ chế chính trị... Nhu cầu xã hội biện minh cho việc hình thành, xuất hiện và tồn tại những chính phủ mới... Điều này mới lạ, thực ra chỉ là thay đổi hình thái cai trị hoặc cách chuyển giao quyền hành... Việc chấp nhận chính phủ mới không những được phép, mà còn là bó buộc, vì những nhu cầu thiện ích của xã hội... Nhưng tôn trọng công quyền hiến định, không có nghĩa là phải vâng lời vô giới hạn mọi biện pháp luật định do cơ quan này ban hành.
(JC. Để đọc LSGH II, t. 132)

CHỦ TRƯƠNG TỤC HÓA HIẾU CHIẾN

Cần phải công bố lớn tiếng điều này : có sự bất tương hợp giữa Giáo hội Công giáo và ngay cả Kitô Giáo với mọi chế độ Cộng hòa. Kitô giáo là sự nhục mạ với lý trí, sự nhục mạ với thiên nhiên. Vì thế tôi tuyên bố rất minh bạch rằng, tôi muốn theo đuổi ý tưởng của Hội Quốc Ước (Convention) và hoàn tất công trình bứng gốc Kitô giáo ra khỏi nước Pháp (...) Tại sao chúng ta, những người Cộng hòa, những người Xã Hội, tại sao ta muốn bứng gốc Kitô giáo khỏi đất nước này ? Tại sao ta chiến đấu chống các tôn giáo ? Bởi vì chúng ta tin rằng, các tôn giáo là cản trở thường xuyên của tiến bộ và văn minh.
(Maurice Allard 10-4-1905)

ĐẠO LUẬT PHÂN LY (9/2/1905)

Điều 1. Nước Cộng hòa bảo đảm quyền tự do lương tâm. Nhà nước bảo đảm việc tự do phụng tự theo những quy định duy nhất sau nhằm lợi ích trật tự chung.

Điều 2. Nước Cộng hòa không nhìn nhận, không trả lương, không trợ cấp tín ngưỡng nào. Do đó, từ ngày 01-1 sau khi ban hành đạo luật này, những ngân sách của nhà nước, của các tỉnh và xã, tất cả mọi chi phí liên hệ đến việc cử hành phượng tự đều bị hủy bỏ.
(JC. Để đọc LSGH II,t.135)

Thông điệp VEHEMENTER (11/2/1906)

Luận cương về việc tách rời (phân ly) này là sự phủ nhận rất rõ rệt trật tự siêu nhiên. Vì nó giới hạn hành động của nhà nước vào việc theo đuổi sự thịnh vượng đời này, chỉ quan tâm đến lý do phụ của xã hội chính trị, không chút bận tâm đến lý lẽ chung quyết của con người là hạnh phúc vĩnh cửu (...)

THẾ CHIẾN I (JC. Để đọc LSGH II,t.137)

* Lập trường đức Bênêđicto XV

Trước tiên, điểm cơ bản là phải thay thế sức mạnh của vũ khí bằng sức mạnh đạo đức của luật pháp, từ đó đưa đến một thỏa thuận công bằng về việc giải trừ binh bị đồng loạt cho cả mọi phía... Sau đó, thay thế quân đội bằng tổ chức trọng tài với chức năng hòa giải theo những quy định được thỏa thuận về những biện pháp chế tài cụ thể với quốc gia nào không chịu chấp hành...

Về việc bồi thường thiệt hại, ta không thấy phương thế giải quyết nào bằng nguyên tắc cùng tương trợ lẫn nhau. Việc ấy hợp lý, vì biết bao lợi ích rút ra từ việc giải trừ binh bị.

* Lập trường Linh Mục Sertillanges, OP

Thưa Đức Thánh Cha, lúc này chúng con không thể chấp nhận những lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha được... chúng con nhìn nhận rằng kéo dài cuộc chiến này, dù chỉ một giờ thôi cũng là tội ác, nếu như có thể kết thúc bằng một hiệp ước bảo đảm (...)

Nền hòa bình của chúng con sẽ không là thứ hòa bình thương thảo, hòa bình ngoại giao và cả thứ hòa bình do mối tình người Cha hướng về hai phe lâm chiến ; nhưng nó sẽ là nền hòa bình sau cuộc chiến khốc liệt và theo đuổi đến cùng, nền hòa bình của sức mạnh bẻ gẫy bạo lực, nền hòa bình của người lính chiến.

CUỘC CHIẾN TÂY BAN NHA

Tôi nghĩ rằng của Binh Thánh Giá Tây Ban Nha là một trò hề, nó dựng lên cuộc tranh chấp giữa hai phe đảng chống đối nhau đã từng chạm trán theo đường lối tuyển cử, và chúng sẽ còn đụng độ nhau vô ích, bởi vì chúng không biết mình muốn gì và vì chúng lạm dụng vũ lực chứ không biết sử dụng nó (...)

Cuộc chiến Tây Ban Nha là nấm mồ chôn. Đó là mồ chôn những nguyên tắc thật và giả, chôn thiện ý lẫn tà ý. Khi nào toàn bộ chúng đã bị luộc chín trong máu và bùn, các người sẽ thấy chúng trở nên thứ gì, các người sẽ thấy thứ soup mà các người đã nhúng vào. Nếu có một cảnh đáng động lòng, đó là cảnh những con người bất hạnh ngồi xỗm hàng tháng quanh nổi phù thủy, rồi mỗi người dùng xiên để găm thịt đều vênh váo về mẩu thịt của mình (đám dân nghèo). Đó là những gã Cộng hòa, Dân chủ, Phát Xít hay chống Phát Xít, thân Giáo sĩ hay bài Giáo sĩ.
Bernanos, Những nghĩa trang dưới ánh trăng,Plon 1938

CHỐNG LẠI ĐỘC TÀI (JC. Để đọc LSGH II,t.144)

* Chúng Tôi Không Cần

Chúng ta đang đứng trước toàn thể một tổng hợp gồm những xác quyết và những sự kiện chứng tỏ ý hướng, không còn gì nghi ngờ nữa, nhằm tập trung toàn thể giới trẻ, từ tuổi thiếu nhi cho đến trưởng thành cho việc sử dụng toàn bộ và độc quyền của đảng, của chế độ, trên căn bản một ý thức hệ rõ ràng đã trở thành thứ "đạo tôn thờ nhà nước" (Statolatrie) thực sự và riêng biệt, ngoại đạo, hoàn toàn chống lại những quyền tự nhiên thuộc về gia đình và những quyền siêu nhiên thuộc về Giáo hội.

Đối với người tín hữu, giáo lý Công giáo không thể nào hòa giải với chủ trương cho rằng Giáo hội, giáo hoàng phải tự hạn chế vào những thực hành tôn giáo (gồm thánh lễ và bí tích) còn vấn đề giáo dục phải hoàn toàn tùy thuộc vào nhà nước.

* Với Nỗi Lo Âu Hổi Hộp

Bất cứ ai xem chủng tộc, dân tộc hay nhà nước, hoặc hình thái nhà nước hoặc những cơ quan quyền lực (...) và thần hóa chúng bằng việc tôn thờ như ngẫu thần giáo, kẻ đó làm đảo lộn và sai lạc trật tự sự vật đã được tạo dựng và truyền phán do Thiên Chúa (...). Con người xét như là nhân vị, có những quyền nhận từ Thiên Chúa. Quyền đó phải được tồn tại chung với tập thể, bất chấp mọi vi phạm nhằm từ chối tiêu diệt hoặc khinh thường chúng.

* Thông điệp Divini Redemptoris

Chủ Nghĩa CS thì hoàn toàn hủy hoại, và người ta không thể chấp nhận cộng tác trên bất cứ lãnh vực nào với nó, nếu họ muốn cứu văn minh Kitô giáo. Nếu có ai bị dẫn dụ vào sai lầm, hợp tác cho sự thắng lợi của Chủ Nghĩa CS trong nước họ, họ sẽ là những người trước tiên thành nạn nhân thuộc về sự sai lầm đó.

TẠI SAO CHÚNG TÔI XA LÁNH CÁC NGÀI
Nghị sĩ Corbon gửi Nghị-sĩ-giám-mục Dupanloup 1877

Chúng tôi xa lánh các ngài vì từ nhiều thế kỷ nay các ngài xa lánh chúng tôi. Tôi không muốn nói các ngài từ chối "những của ăn trong đạo"... nhưng muốn nói rằng, từ nhiều thế kỷ nay các ngài bỏ rơi chính nghĩa (cause) trần thế của chúng tôi. Các ngài dùng ảnh hưởng để cản trở thay vì cổ võ việc cứu độ xã hội (rédemption sociale)... Các ngài luôn gộp chung quyền lợi các ngài với quyền lợi của một đảng phái chính trị. Nhưng đã có một thời gian trước các ngài hành động khác bây giờ, tôi vẫn thích ghi nhận điều đó, lúc các ngài hòa nhập quyền lợi các ngài với chúng tôi. Đó là thời đầu thời Trung Cổ.

(Từ thời Phục Hưng) giáo huấn đã thay đổi nhất là khi nói đến quần chúng nghèo... các ngài khuyên họ tuyệt đối tùng phục quyền bính được thiết lập... rằng làm đẹp lòng Chúa thì phải bằng lòng tuyệt đối với số phận nghèo hèn... rằng càng chịu khó sống nghèo, bị chà đạp, bóc lột trên trần gian thì càng được phần thưởng hạnh phúc ở thế giới đời sau (...) Không quan tâm đến thế giới khác, xã hội tân tiến không hoãn việc thay đổi, cứu nguy xã hội này đến ngày phán xét. Đó là lý do tại sao nó là nước Cộng hòa và Dân Chủ. Chắc chắn rằng nó không từ bỏ những nguyên tắc giải phóng và nhân đạo của Tin Mừng.
(JC Để đọc LSGH II, p 170)

CÂU LẠC BỘ THỢ THUYỀN

* Hệ thống gia trưởng bảo hộ : Gồm những bậc vị vọng bảo trợ cho những người nghèo và sự tương trợ giữa những người cùng nghề. Tiến đến nhiều Hội Bảo Trợ dạy nghề (chiếm 1/5 thợ mới ở Paris 1970). Người thợ có bổn phận yêu kính thầy dạy và người bảo trợ.

* Armand de Mélun than thở năm 1871 : "Sự thành công thuộc về những tư tưởng xã hội, vì chúng không chỉ ve vãn xua nịnh dục vọng con người, nhưng chúng được trình bày như một giải pháp, một hệ thống hoàn chỉnh ; chúng giải đáp những khó khăn của vấn đề xã hội, chúng ta không đưa ra những giảp pháp nào như thế..."

* Câu lạc bộ Léon Hamel (1829-1915) : Cho người thợ tham gia ít nhiều vào việc quản trị "Của cải của người thợ là do họ và với họ, không có của cải nếu thiếu họ và chắc chắn không thể phản lại họ". Hamel còn tổ chức cho thợ hành hương Roma và trao đổi vấn đề xã hội với Đức Leo XIII.

* Bá tước Albert de Mun (1841-1914) : Vâng lời Đức Thánh Cha năm 1892 để liên minh với phe Cộng hòa. Bá tước đã mở Câu Lạc Bộ Thợ Công giáo 1871 và sáng lập Liên Hiệp Thanh Niên Công giáo Pháp (ACJE 1886).

"Tôn giáo dạy tôi rằng những người thuộc giai cấp trên có trách nhiệm với những người hạng thấp : trách nhiệm về linh hồn họ, về sự thông minh của họ, về thân xác họ. Rằng sự trổi vượt được ban cho ta, để nhằm phục vụ điều ấy. Rằng nếu ta để mất hoặc chỉ lo vui chơi mà không làm trách nhiệm, để làm hư hỏng những người được trao cho ta, thì ta đã phản bội lại sứ mạng và ơn quan phòng.
(JC. Để đọc LSGH II.t.172)

THÔNG ĐIỆP TÂN SỰ - Đ. Lêo XIII 15/5/1891

Tôi xác quyết rằng... cần phải dùng những biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu, giúp đỡ những người thuộc giai cấp thấp kém, bởi vì phần lớn họ đang sống trong tình trạng nghèo khổ bất xứng (...) Thế kỷ qua đã tàn phá, mà không có gì thay thế, những nghiệp đoàn tương xứng xưa đã bảo vệ cho họ... phó mặc cho lòng thương hại của những chủ nhân vô nhân đạo và cho lòng tham lam cạnh tranh vô độ... Thêm vào đó, còn phải nói đến sự tập trung vào trong tay một số người nền kỹ nghệ và thương mại, đã trở thành sự chia chác của một thiểu số giàu có, sung túc của cải, họ áp đặt một sự áp bức hầu như là nô lệ trên đám đông vô kể những người vô sản.

THÔNG ĐIỆP BỐN MƯƠI NĂM - Đ.PIO XI 15/5/1931

(...) Nơi một số người chai cứng lương tâm đến mức cho rằng với mọi phương tiện đều tốt nếu nó làm gia tăng lợi nhuận riêng... Chế độ kinh tế mới khởi từ giai đoạn chủ nghĩa duy lý tràn lan, đã tách rời khỏi luật đạo đức và phó mặc tự do cho tham vọng của con người... Vật chất bất động ra khỏi xưởng thợ được trau chuốt nên tốt đẹp, đang khi con người trong đó kiệt quệ và bị hủy diệt.

Các chuyên viên trong lãnh vực Khoa Học Xã Hội lớn tiếng kêu mời lập lại trật tự trong sinh hoạt kinh tế sao cho hợp lý. Nhưng trật tự này rõ rệt là không hoàn chỉnh... nếu nó không thể hiện sự thống nhất kì diệu theo chương trình Thiên Chúa... Đó là trật tự hoàn bị mà Giáo hội không ngừng rao giảng và chính lý trí ngay thẳng đòi hỏi.

DUY TÂN THUYẾT

* Loisy : Loisy bị cấm năm cuốn sách năm 1903, vị linh mục tùng phục, nhưng quả quyết không thể tự phá hủy những kết quả nghiên cứu.

Ngũ kinh trong tình trạng chuyển đến ta không thể của Moisen

Các chương đầu Sáng Thế không chứa đựng lịch sử chính xác và thực sự về nguồn gốc nhân loại. Các sách Cựu Ước, các phần mỗi cuốn không có cùng giá trị lịch sử.Đối với Khoa Chú Giải độc lập, các Sách Thánh, trong những điều kiện liên quan đến khoa học tự nhiên, không vượt trên những quan niệm thông thường thuộc về thời Thượng Cổ.
(Ngày mãn khóa 1892-93/ Études Bibliques 1894, t.79)

* Khoa chú giải cổ điển giải thích về tiên tri Giona

Linh mục Glaire, trưởng khoa thần học Paris chú giải chuyện Gionas : không có gì là không thể với Đấng Tạo Hóa vũ trụ.

Trước hết chúng ta lưu ý rằng, Kinh Thánh không xác định loại cá đã nuốt Giona vào bụng. Nếu đó là cá mập (Requin) thì mọi khó khăn đều biến mất... Điểm duy nhất còn gây thắc mắc là làm sao Giona có thể sống trong bụng cá ba ngày được ? Tôi cho rằng đó là một phép lạ, và không có gì nghịch lý. Thiên Chúa quyền phép có thể trì hoãn qúa trình tiêu hóa của các chất a-xít trong bao tử loại động vật ăn thịt này... cũng như xưa ngài làm trì hoãn ngọn lửa thiêu đốt ba thanh niên trong lò lửa...

Còn về việc Giona không thể thở... Thiên Chúa toàn năng có thể làm cho máu của vị tiên tri nghỉ ngơi không cần thở, giống như nhiều loài vật sống hang tháng dưới đất mà không cần thở... Như trẻ thơ trong lòng mẹ cũng không cần không khí để thở... Những điều này vượt lên trên những quy luật bình thường và vì thế phải nói là thuộc phép lạ.
(JC Để đọc LSGH II, t.176)

KHÔNG NÊN LẨN TRÁNH CUỘC ĐỜI NHÓM NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO
(1905)

Theo hai LM Laberthonière và Portal :

"Ta vẫn tưởng thế giới trí thức đang tấn công ta... Nhưng rõ ràng ta đang ở trong nhà thuộc thế giới đó. Sắp đặt để các tâm hồn khỏi nhiễm tân thuyết là điều không thể được, nó đã tràn đến với mọi nơi và làm chủ với mọi sự. Nó là thế giới mà ta đang sống trong đó (...) Vì thế không còn vấn đề tự vệ, kháng cự, giương cao những rào chắn nữa... vấn đề là phải làm nó hoán cải (convertir) như xưa những tín hữu ban đầu đã mời gọi được thế giới Hy-La. Chúng ta đang trở lại thời các Tông đồ.
(JC.Để đọc LSGH II, t.180)

THÔNG ĐIỆP LAMENTABILI Đ. PIO X 3/7/1907, KẾT ÁN 65 MỆNH ĐỀ

20. Mạc khải là ý thức đắc thủ do con người trong tương quan với Thiên Chúa.

36. Sự Phục Sinh không đúng nghĩa là biến cố lịch sử mà là sự kiện siêu nhiên mà lương tâm Kitô hữu dần dần diễn dịch ra từ những sự kiện khác.

65. Đạo Công giáo ngày nay không thể nào nối kết được với khoa học trừ khi phải biến đổi thành thứ Kitô giáo không còn tính cách tín điều.

THÔNG ĐIỆP PASCENDI 8/9/1907

Nhìn tổng quát cả hệ thống, có ai còn ngạc nhiên khi ta xác định nó là điểm hội ngộ của tất cả mọi lạc thuyết chăng ?... Những nhà duy tân thuyết không những hủy diệt đạo Công giáo mà là mọi tôn giáo, như ta đã từng nhấn mạnh.

PHONG TRÀO HÀNH ĐỘNG PHÁP

* Mauras Sáng Lập Viên : 1912

"Tôi dấn thân chiến đấu với chế độ Cộng hòa. Nhà nước Cộng hòa tại Pháp là sự cai trị thuộc ngoại bang. Tinh thần Cộng hòa làm tan rã việc bảo vệ quốc gia và cổ võ những trào lưu tông giáo thù nghịch với đạo Công giáo cổ truyền. Cần phải trả lại cho nước Pháp một chế độ phù hợp (...) Vì thế, tương lai duy nhất của chúng ta là chế độ Quân Chủ, chế độ được hiện thân qua người thừa kế của 40 vị vua suốt 1000 năm, đã làm nên Pháp Quốc.

* Bản án do Đức Pio XI

Người Công giáo không được tham gia bất cứ cách nào vào những tổ chức trường phái đặt quyền lợi đảng phái lên trên tôn giáo... Không được phép nâng đỡ, khuyến khích và đọc những tờ báo mà các bài viết tách rời khỏi tín lý và luân lý chúng ta.
(Pio XI- Diễn từ ngày 20-12-1926 tại Cơ mật viện)

NON POSSUMUS (Chúng tôi không thể)

Thực đau lòng xiết bao cho những người Công giáo chân thành trong hoàn cảnh chúng tôi. Thực cực lòng khi những đứa con phải chống lại các mệnh lệnh của cha (...) Người cha đòi đứa con phải giết mẹ, hoặc để cho mẹ mình bị giết cũng vậy thôi, ông có thể được lắng nghe cách thành kính, nhưng đứa con không thể nào vâng phục. Từ chối vâng phục, chúng tôi vẫn không ngừng là người Công giáo tốt ; bằng việc vâng lời chúng tôi không còn là người Pháp tốt nữa (...) Chúng tôi sẽ không phản bội quê hương chúng tôi. Non possumus (24-12-1926).

PHONG TRÀO THANH LAO CÔNG

JOC, Với Bán Nguyệt San Công Nhân Trẻ, Lời Jean Mondange, báo ngày 15-11-1929

"Tương lai của đoàn Thanh Lao Công là sự phát triển bình thường nhờ hoạt động chuyên sâu của phong trào JOC chúng ta, nhằm nâng đỡ giới thợ thuyền, là làm sao cho đời sống người thợ, văn hóa người thợ và tay nghề người thợ, sẽ thành cái gì đó được nhìn nhận và chiếu tỏ như một chân lý được nhận thức cách tự do (...) tương lai phong trào JOC sẽ được thể hiện, khi nào nền văn minh thợ thuyền Kitô giáo là một sự kiện (tương tự nền văn minh phong kiến xưa). Tương lai phong trào JOC sẽ là lúc toàn thể công nhân sống trong môi trường thánh hóa tâm hồn và bảo vệ thân xác, che chở từng các nhân và các gia đình. Tương lai phong trào JOC, đó là lúc giới thợ thuyền thuộc về Chúa Kitô.

VIỆC THÁNH HÓA MÔI TRƯỜNG - Đức Pio XI

(...) Để đưa trọn vẹn những giai cấp khác nhau này về với Chúa Kitô, cần phải chọn lựa và huấn luyện ngay trong lòng những giai cấp này các trợ tá cho việc mục vụ Giáo hội, những trợ tá hiểu được giai cấp mình, biết những khát vọng và biết nói vào tâm hồn họ trong tinh thần bác ái, dịu hiền và huynh đệ. Những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của công nhân phải là những công nhân, những tông đồ của thế giới kỹ nghệ và thương mại phải là những người xuất thân từ môi trường này.

CẦN DUYỆT LẠI PHƯƠNG PHÁP TÔNG ĐỒ (Godin và Daniel)

Không phải chỉ những kẻ bát nháo, những cô gái sa ngã và các võ sĩ quyền anh là không thể hội nhập vào công đoàn giáo xứ... Mà cả những cô công nhân nghành dệt, anh trưởng nhóm thợ hãng Renault... Nhưng trong cuộc truyền giáo mới, việc chinh phục những người vô sản là một công việc gay go và có thể là khó khăn lâu dài ; nó đòi hỏi những ai nghĩ đến đại cuộc, phải xả thân toàn diện ... Những nhà truyền giáo phải chấp nhận bị coi là đồng lõa (do cả những anh em mình)...

Chúng tôi sẵn sàng mở đường vào giới vô sản, còn các ngài, giám mục, các vị có sẵn sàng chưa để đón nhận vào giới Công giáo những tân tòng do chúng tôi mang lại ? Toàn bộ cuộc nghiên cứu này trả lời rằng : không. Giáo hội Pháp chưa sẵn sàng cho ngày mai, chưa có những tổ chức và có lẽ, cả tinh thần cần có nữa.

ĐẠI HỘI TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN LẦN THỨ HAI Đ. Pio XII (1957)

Mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới đòi phải có sự năng động của tông đồ giáo dân. Việc thánh hiến trần gian trong cốt yếu, chính là công việc của người giáo dân, là những người hòa nhập cách chặt chẽ vào đời sống kinh tế xã hội.

Ngày 20/2/1946, Đức Pio XII nói với Hồng Y đoàn : "Những người giáo dân có vị trí tiên phong trong đời sống Giáo hội. Nhờ họ mà Giáo hội trở thành nguyên lý sống động của xã hội nhân loại. Vì thế họ phải ý thức rõ rệt hơn rằng mình chẳng những thuộc về Giáo hội mà còn chính là Giáo hội".

THÔNG ĐIỆP MẸ VÀ THẦY
Đ. Gioan XXIII 15/5/1961

"Giáo hội hôm nay phải đương đầu với một trách nhiệm lớn lao : đem sắc thái nhân bản và Kitô giáo vào trong nền văn minh hiện đại, sắc thai nền văn minh này đòi hỏi nhằm lợi ích phát triển và tồn tại. Giáo hội chu toàn trách vụ ấy, đặc biệt nhờ các tín hữu, những người cảm thấy mình dấn thân vào việc thực hiện những hàng động nghề nghiệp như là một dịch vụ, một nghĩa vụ mà họ thực hiện trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, trong Đức Kitô, để làm vinh danh Ngài".


1558    02-02-2011 07:56:55