Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Chương 22: GHVN Thời Hiện Đại_Bài Đọc Thêm

BÀI ĐỌC THÊM

THÁI ĐỘ GIA LONG VỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO

Ngày 22.7.1802, vua Gia Long tiến vào Thăng Long giữa tiếng hoan hô của dân cố đô. Để tỏ tình đối với đạo Công giáo, nhà vua tuyên bố hủy bỏ các chiếu chỉ cấm đạo, đồng thời cho các giám mục, linh mục, ngoại quốc cũng như bản quốc, được tự do giảng đạo, xây cất nhà thờ, nhà xứ, các cơ sở giáo dục và bác ái.

Chín ngày sau, đức cha Longer Gia và thừa sai Eyot Nhân được vua Gia Long tiếp kiến tại điện Kính Thiên. Vua mời các ngài dùng trà và nói chuyện rất lâu về tình hình Châu Á và Châu Âu. Gia Long còn ân cần hỏi thăm sức khỏe các thừa sai, hỏi thăm các ngài nhờ đâu thoát được cuộc bách hại của Tây Sơn. Đức cha Longer đáp : "Chúng tôi đã phải ẩn trốn trong rừng, nhưng điều đã cứu sống chúng tôi chính là sự trung thành của anh em công giáo".

Nhân dịp này, các thừa sai ngỏ ý xin nhà vua ra một chiếu chỉ bênh vực đạo Công giáo, nhất là cấm các lương dân thâu tiền giáo dân vào những dịp lễ tế thần. Gia Long hứa làm như các ngài xin. Nhưng chỉ hai tháng sau, một làng thuộc trấn Sơn Nam Hạ bắt giáo dân đóng góp vào việc cúng tế, giáo dân không nghe, một người bị giết. Ở Nghệ An, nhiều người công giáo không chịu đóng góp vào việc cúng tế, bị đẩy xuống sông. Việc này đến tai Gia Long, vua liền ban hành một chỉ dụ cấm mgười lương dân từ nay không được bắt giáo dân đóng góp tiền bạc vào việc tế thần nữa:

"Phải chăng người công giáo không phải là thần dân nước Việt ? Họ cũng đóng thuế như các thần dân khác. Nếu có người tin tưởng vào các thần linh, được lắm, không ai cấm đoán họ. Nhưng có những người không tin tưởng, thì cũng không nên bắt buộc họ thông công vào việc tế tự các vị thần mà họ không tin tưởng".
(Bùi đức Sinh, ĐMTĐV, I, tr 118-119 )

GIA LONG CHỌN MINH MẠNG

Năm 1816, trái với tục lệ quốc gia, Gia Long chọn hoàng tử Đảm, con bà thứ phi làm thái tử nối ngôi. Việc đặt hoàng tử Đảm lên ngôi là vì đông cung Cảnh, con trưởng của Gia Long đã mất năm 1801, rồi thái tử Hy tử trận năm 1803. Theo lệ thường thì con trai của đông cung Cảnh được thay vào địa vị chí tôn này, nhưng Gia Long thấy cháu đích tôn của mình còn nhỏ, e không đủ sức giữ gìn ngôi báu, nên để hoàng tử Đảm nối ngôi mình.

Khi hai đại thần là tả quân Lê Văn Duyệt và trung quân Phạm Đăng Hưng ngỏ ý can ngăn, thì nhà vua đáp : "Khi có nợ, thì người ta cứ con mà đòi, chứ không đòi cháu". Sự thực Vua ấu trĩ thì dễ bị các đại thần thao túng, có khi loạn chính sự. Gia Long lo xa không phải vô lý, nhất là vì mới chiếm được ngai vàng, ông lại càng cẩn thận hơn, huống hổ ông, từ quân sự đến chính trị vốn là con người rất kỹ tính. Ngày 25.01.1820, Vua Gia Long băng hà, hoàng tử Đảm lên ngôi vua, hiệu Minh Mạng. Trong di chiếu, Gia Long trối cho con đừng cấm đạo Công giáo, trước là để tỏ lòng biết ơn đức giám mục Bá Đa Lộc, sau là để tránh những khó khăn về ngoại giao. Vua Gia Long còn trối cho con phải cắt một đội 50 binh sĩ canh mồ đức cố giám mục, tức "Lăng Cha Cả".
(Bùi đức Sinh, ĐMTĐV, I, tr 123-124 )

MỘT SỐ CHỈ DỤ CỦA MINH MẠNG

Ngày 12-2-1825, Minh Mạng hạ chỉ dụ:

"Tà đạo Tây phương làm hại lòng người, đã lâu nay nhiều chiếc tàu của Âu châu sang đây buôn bán thường để lại những đạo sĩ, bọn người này làm mê hoặc lòng dân và phá hoại phong tục. Như thế chẳng phải là cái họa lớn của nước ta sao ? Vậy ta nên ngăn cấm điều bậy bạ ấy để dân ta quay về chính đạo".

Để tập trung các đạo trưởng vào một nơi, Minh Mạng đã lấy cớ từ khi hai ông Chaigneau và Vannier về Pháp, không còn ai làm thông dịch viên trong triều, nên cần phải nhờ đến các thừa sai ngoại quốc, đồng thời họ còn được ủy thác việc phiên dịch các sách Tây sang Hán tự. Các thừa sai đã hiểu ý nhà vua, nên bảo nhau ẩn tránh hoặc thoái thác. Tuy nhiên, cũng có ba thừa sai thuộc giáo phận Đàng Trong đã có mặt tại Huế, đó là các cha Taberd Từ, Gagelin Kính, và Odorico Phương (Ofm). Ba cha được ở trong cung quán, nơi dành cho các đại sứ. Mỗi cha có sáu người giúp việc, lương bổng ngang với một quan chánh nhị phẩm, đấy là một cách giam lỏng các thừa sai.
(L.-E. Louvet: Sđd. Q.II, tr. 41.)

TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT CAN THIỆP

Tháng 12-1827, Lê văn Duyệt về Huế tâu trình vua Minh Mạng nghe hành động của nhà vua là trái với lẽ phải, trái với đường lối chính trị rộng rãi khôn ngoan của vua cha, đồng thời trình bày những văn bản Gia Long đề cao công ơn của đức cha Bá Đa Lộc đối với nhà Nguyễn :

"Tâu Hoàng thượng, chúng ta định bắt bớ các đạo trưởng người châu Âu, trong khi chúng ta còn nhai cơm do các vị đó cung cấp cho chúng ta sao ? Ai đã giúp hoàng thượng lấy lại đất nước này ? Hình như hoàng thượng muốn mất nước ? Tây Sơn chém giết người công giáo, Tây Sơn đã mất ngôi. Vua xứ Pégu (Miến Điện) vừa đuổi các linh mục ra khỏi nước, liền bị xô khỏi ngai vàng. Hình như hoàng thượng không còn nhớ đến công ơn của các thừa sai. Hình như mộ của thượng sư Phêrô (Bá Đa Lộc) không còn ở giữa chúng ta ? Không được ! Bao lâu thần còn sống, hoàng thượng sẽ không làm điều ấy. Khi thần chết rồi, hoàng thượng muốn làm gì thì làm".

CHIẾU CHỈ 6.1.1833

"Minh Mạng Thánh tổ Hoàng đế, có lời cùng toàn thể thần dân

Đã từ lâu người Tây Dương đem vào truyền bá đạo Datô, lừa dối ngu dân, dạy chúng về thiên đường, địa ngục. Chúng không thờ Phật, chẳng thờ tổ tiên, thiệt là quân vô đạo. Hơn thế nữa, chúng dựng nhà thờ riêng, trai gái ra vào lẫn lộn, mục đích là để quyến rũ đàn bà con gái, chúng còn móc mắt người ốm đau để làm bùa ngải. Thật là một điều trái với luân thường đạo nghĩa."

"Năm ngoái, trẫm đã phạt hai làng theo tà đạo này, làm thế là để thần dân biết ý của trẫm, và để mọi người xa lánh tội ác này và trở về đàng ngay. Thần dân hãy nghe lời trẫm : có nhiều kẻ chỉ vì ngu dốt mà bị lôi cuốn theo đàng tà, tuy nhiên chúng còn lương tri để biết phải trái trở về chính đạo, nên trẫm muốn dùng lời giảng khuyên răn chúng. Trường hợp chúng còn cố chấp, trẫn sẽ dùng đến hình phạt."

"Vì vậy trẫm truyền cho tất cả những ai theo tà đạo này từ quan chí dân, nếu còn biết sợ quyền uy trẫm, thì hãy thật lòng cải tà quy chính. Các quan phải kiểm soát các đạo đổ trong địa hạt mình xem chúng có tuân thượng lệnh hay không, và bắt chúng giày đạp thập tự. Các đạo đường, đạo quán phải triệt hạ hết. Sau này, còn ai theo đạo ấy thì phải nghiêm trị, vì trẫm muốn tiêu diệt tận gốc tà đạo. Đó là thánh ý của trẫm, thần dân phải nghe theo và thi hành. Ngày 12 tháng 11 âm lịch, năm thứ 13 của triều đại trẫm" (ký tên và đóng ấn son)

THẬP ĐIỀU CỦA MINH MẠNG

Ngày 15-7-1834 Minh Mạng phổ biến 10 điều răn gọi là: "Thánh dụ Huấn địch Thập điều".

1- Đôn nhân luân (luân lý)
2- Chính tâm thuật
3- Vụ bản nghiệp (chăm chỉ làm ăn)
4- Thượng tiết kiệm (biết dàng dụm)
5- Hậu phong tục (giữ gìn lề thói)
6- Huấn đệ tử (dạy con em)
7- Sùng chính học (đạo Khổng)
8- Giới dâm thắc (cấm tà dâm)
9- Thận thủ pháp (giữ luật nước cẩn thận)
10- Quảng thiện hạnh (cổ võ điều thiện).
(Bùi Đức Sinh, Đa Minh trên đất Việt I, tr 146-147)

THƯ Đ. GRÊGORIÔ XVI KHÍCH LỆ TÍN HỮU VIỆT NAM (1839)

"Các con yêu dấu trong Đức Giêsu Kitô,

Những tin mới nhất về Giáo hội trên đất nước chúng con làm cha vừa đau lòng, vừa được an ủi mừng vui... Vui mừng vì cha thấy một lần nữa Giáo hội đang chiến thắng những âm mưu phá hoại của ba thù, vui mừng vì Giáo hội được thêm nhiều anh hùng tuẫn giáo, những đấng cha không sợ quá đáng khi ca tụng về sự thánh thiện và lòng dũng cảm. Đồng thời, cha cũng phải buồn sầu ứa lệ, khi nghĩ đến các con đang lâm cảnh khốn khổ nhục nhã của cấm cách, vì thế, dù phải lo việc chung của cả Hội thánh, cha cũng không thể quên chúng con, gửi đến chúng con những người giầu lòng hy sinh bác ái, để chúng con khỏi thiệt về phần linh hồn.

Cha khuyên chúng con đừng nản lòng trước những thử thách sẽ qua đi mau chóng, vì chính những thử thách ấy sẽ đem lại cho chúng con cuộc sống vĩnh cửu. Chúng con hãy đưa mắt nhìn lên Chúa Giêsu là Đấng rất thánh, là Chúa đức tin của chúng con và là Đấng giải thoát chúng con khỏi quyền lực tối tăm, để nhận biết ánh sáng là đạo thánh Người. Sau hết là Đấng đã tự nguyện nhận lấy cái chết khổ nhục trên Thánh Giá cho chúng con được ơn cứu độ. Chúng con hãy theo gương các đấng bậc đã bằng lòng chịu khổ chịu chết vì sứ mạng, đã sống giữa chúng con..."
(Louvet, La Cochinchine Religieuse, Q.II, tr 117)

THƯ CỤ CHÍNH PHÊ GỬI CÁC NỮ TU (13-6-1791)

Phaterê (Frater) chính Phê, dòng ông thánh Duminhgô, [...] giáo phận Đông trong nước Annam, gửi lời thăm các mụ các chị em dòng Hãm Mình ông thánh Duminhgô, cùng các chị họ Mến Câu-rút (Cruz) ở bên Đông này, xin cho được mọi sự lành, cùng ra sức giữ lề luật riêng chị em cho giọn.

Trước hết, Thày truyền cho chị em, cứ lề luật mình mà ăn ở cho cẩn thận. Vậy lề luật chị em Hãm Mình và lề luật chị em Mến Câu- rút dù khác nhau mặc lòng, song cũng tóm lại sự hãm mình cả. Vì kẻ Mến Câu-rút thì phải hãm mình và kẻ hãm mình cho được phúc thì phải hãm mình vì Mến Câu-rút. Ấy vậy cho nên hai lề luật cũng có nhiều điều phải giữ như nhau, và cũng có một ý cho chị em làm những việc lành phúc đức, cho đáng được Đức Chúa Lời thương đời này và đời sau vô cùng...
(Trích trong bản LỀ LUẬT NHÀ MỤ 1865,
Dòng Đaminh Tam Hiệp dịch từ bản chữ nôm, tr.20)

THÁNH ANRÊ DŨNG-LẠC (1795-1839)

Sinh ra trong một gia đình ngoại giáo tại Bắc Ninh, Trần An Dũng theo cha mẹ vào kẻ chợ, Hà Nội. Tại đây vì nhà nghèo, cậu được gán cho một thày giảng nuôi nấng dạy dỗ và rửa tội với tên thánh Anrê. Ít lâu sau, cậu xin vào chủng viện Vĩnh Trị, làm thày giảng rồi lãnh chức linh mục năm 1823.

Trong mười sáu năm linh mục, cha Dũng sống rất nghiệm ngặt. Cha giữ chay suốt mùa chay và các ngày thứ sáu trong năm. Cha hết mình với nhiệm vụ chủ chăn, không ngại bất cứ việc gì. Cha có lòng ưu ái đặc biệt với người nghèo. Có được của cải gì cha đều chia cho họ hầu hết.

Cha bị bắt ba lần. Lần đầu, khi dâng lễ tại Kẻ Roi, quân lính ập đến, nhưng cha nhanh chân lẫn vào trong các tín hữu dự lễ. Ông tổng Thìn bỏ ra sáu nén bạc để chuộc ngài về. Từ đây cha đổi tên là Lạc. Lần thứ hai, cha đến xưng tội với linh mục Thi tại xứ Kẻ Sông thì cả hai bị bắt. Quân lính đòi tiền chuộc 200 quan. Các tín hữu ở đó chỉ góp được một trăm, nên chỉ cha Dũng-Lạc được thả. Thế nhưng trên đường về, vì mưa gió, thuyền của cha ghé vào bờ trú ẩn... và cha bị bắt lần thứ ba.

Đức cha Retord Liêu và các tín hữu tìm cách chuộc cha về, nhưng cha gửi thư, nói đến chuyện thánh Phêrô xưa hai lần thoát ngục, đến lần thứ ba định chạy trốn khỏi Roma, thì gặp Chúa đi vào thành... và thánh nhân đã quay trở lại để chịu tử đạo. Tuy là tù nhân, nhưng cha Dũng Lạc được quan huyện Bình Lục tiếp đãi lịch sự, các tín hữu theo tiễn biểu lộ cảm tình cách đặc biệt, và lính canh cũng đối xử cách tử tế...

Trước giờ hành quyết, người lý hình đến nói với cha : "Chúng tôi không biết các thày tội gì, chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên, xin các thày đừng chấp". Cha Dũng-Lạc tươi cười trả lời : "Quan đã truyền thì anh cứ thi hành" rồi nghiêng đầu cho lý hình chém. Hôm đó là ngày 21.12.1939, tại bãi gần Ô Cầu Giấy (Hà Nội). Nhớ đến thánh Dũng Lạc, phải nhớ đến những vần thơ tâm sự trong thư viết trong ngục gửi cho linh mục bạn rằng:

"Lạc rầy đã rõ chốn quan quân,
Bút chép thơ này gửi thở than,
Lòng nhớ bạn, nỗi còn vất vả,
Dạ thương khách chạy chữa yên hàn.
Đông qua tiết lại thì xuân tới,
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an,
Làm kẻ anh hùng quản chi khó,
Nguyện xin cùng gặp chốn thiên đàng".

THÁNH THÉOPHANE VÉNARD VEN

Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris (1829-1861)

Tạp chí "Những người ra đi", số dành riêng cho Hội Thừa Sai Paris, đã phác họa chân dung vị thánh Tử đạo trẻ trung Théophane Vénard Ven như sau :

"Phải nói rằng, khi anh chào đời, một đóa hồng nở trên môi, một cánh chim cất tiếng líu lo bên tai. Bởi vì khi anh diễn tả ý mình, lời anh tràn ngập những hình ảnh dễ thương dịu dàng, duyên dáng. Những mối tình thân từ thời thơ ấu cũng như sau này, anh vẫn duy trì ngày càng đậm đà, ngọt ngào và thánh thiện.

"Đời anh là một bài ca trong lúc vui, lúc buồn. Từ những biến cố thời học sinh cho đến lòng sốt sắng khi gia nhập hàng tư tế. Anh hát lên khi rời đất Pháp, anh hát lên khi thấy đất Việt Nam...

Trong những lá thư dài và thường xuyên, anh kể lại từng chi tiết anh gặp trong đời. Đối với anh, đời tông đồ sao mà thoải mái, vui tươi, dễ yêu đến thế ! Anh thi vị hóa tất cả : với anh việc cực nhọc hóa nhẹ nhàng, gánh nặng nên nhẹ nhõm, bệnh tật không làm anh nản chí, anh coi như cơ hội thưởng nếm những giây phút nghỉ ngơi, các cuộc hành trình qua đồng lầy núi cao hay trên đường sỏi đá, anh diễn tả dưới màu sắc tươi mát như những buổi đi dạo mùa Xuân. Anh quả là cây huệ có sức mạnh của cây sổi.

"Chúng ta chỉ có thể đoán ra những cực hình anh chịu, vì anh mô tả chúng đàng sau những cánh hoa kỳ diệu, mà anh không ngừng gieo trồng, tung vãi mọi nơi cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Những cánh hoa đó nở rộ trong công việc của anh, nở trong những cực hình, nở trong cũi gỗ, nở trên những dụng cụ tra tấn và nở ngay trên mảnh đất thấm máu đào của anh. Quan tòa cũng trở thành bạn hữu, lý hình cũng phải tỏ lòng ngưỡng mộ. Đối với anh, nhát gươm chém đầu định mệng, chỉ là "ngắt nhẹ cánh hoa tuyển lựa để trang hoàng trên bàn thờ... "
Trích Uống Nước Nhớ Nguồn, trang 32-33

THÁNH BERRIO-OCHOA VINH

Giám mục, Dòng Đaminh (1827-1861)

Tuy sống gian khổ như thế, Đức Cha Vinh đã không một lời rên rỉ, không một tiếng thở than. Cái "chương trình" thánh thiện trong vui tươi xả kỷ của anh chàng chủng sinh thợ mộc "vừa học vừa làm" thời niên thiếu, giờ đây, ngài vẫn trung thành thực hiện. Ta có thể thấy điều đó trong một thư gửi cho mẫu thân vào tháng 08-1860 :

"Mẹ chí yêu của lòng con,

"Mẹ hỏi con sống thế nào, ăn uống làm sao ? Mẹ quí mến của con ơi ! Con sống tươi lắm, con làm giám mục cơ mà ! Còn thức ăn ngày nào cũng có. Đứng lo mẹ ạ, chúng con chẳng đói đâu. Nhưng mẹ tưởng hễ làm giám mục là phải ngổi ngựa à ? Không đâu, chúng con con tuột giày ra giữa đêm hôm tăm tối, nhoài lết chỗ lội này đến quãng lầy nọ. Vây mà cứ vui thôi. Một hôm, con lội sáu dặm đường, trên mưa tuôn, dưới bùn trơn, con ngã soành soạch không biết bao nhiêu lần. Tuy là giám mục, con cũng ướt như chuột và lấm bùn be bét. Nhưng giáo hữu ở đây tốt lắm, về tới nhà, con đã thấy họ đổ nước cho con tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị dâng lễ...

"Ồ có lẽ mẹ bảo : Vinh nhỏ của mẹ ơi, sống thế xìu lắm ! Không, chả buồn chả xìu chút nào. Ở đây người ta sống mạnh, sống tươi, nhanh nhẹn lắm. Chúa cũng an ủi con trong lao nhọc. Coi tuy là "giai già" mà vẫn nhảy qua vũng lội lẹ như sóc ấy. Mẹ ạ, Vinh trước đã là đứa con nhảy nhót qua núi đồi, thì nay bộ mặt đầy râu của nó, cũng sẽ làm những tên quỷ già nhất trong hỏa ngụa phải run sợ... " (Thư 116).

Quả thực, phải có tâm hồn tươi trẻ và siêu nhiên mới có được thái độ và lời lẽ như vậy, vừa dí dỏm vừa tươi vui pha chút đùa bỡn nữa. Những lá thư như thế phản ảnh được sự bỏ mình và nét tươi trẻ của vị giám mục tử đạo 34 tuổi xuân này. Thực là cái vui của những vị thánh, của những tâm hồn đầy Chúa.
Trích Uống Nước Nhớ Nguồn tr. 314-315


THỐNG KÊ Giáo Hội Việt Nam năm 1933 - Theo Giáo Phận

(Bùi Đức Sinh, LSGH, II, tr.357t)


Giám mục

Thừa sai

Lm Việt

Tu sĩ

Thày giảng

Nhà thờ

Giáo dân

Hà Nội

2

35

148

459

410

721

168.800

Hưng Hóa

1

24

36

53

78

343

50.283

Phát Diệm

2


93

216

120

400

99.236

Thanh hóa

1

36

58

10

82

180

45.000

Vinh

1

24

173

12

130

550

148.328

Bùi Chu

1

31

168

692

599

872

326.967

Hải Phòng

1

21

66

145

100

380

86.650

Bắc Ninh

1

15

52

89

99

309

40.265

Lạng Son

1

10

6

37

14

19

3.249

Huế

1

26

109

611

30

330

72.102

Qui Nhon

1

28

71

271

60

362

60.662

Kontum

1

14

15

6

160

134

19.808

Saigon

1

30

116

897

137

281

99.743

Nam Vang

1

34

78

447

136

217

76.135

Tổng số

16

328

1.188

3.945

2.055

5.098

1.297.228




Web GiaophanVinhLong





Mọi thư từ, bài vở, tin tức,

xin gởi về địa chỉ:

1782    02-02-2011 08:51:05