Sidebar

Thứ Hai
16.09.2024

Chương 3: Đế quốc Rôma tòng giáo_phần 2_Bài đọc thêm


BÀI ĐỌC THÊM

 

"CHIẾU CHỈ MILAN" 313
THƯ GỬI THỐNG ĐỐC BITHYNIE

Ta, Constantinus Augustus, và Ta, Licinius Augustus đã họp với nhau cách tốt đẹp tại Milan để thảo luận đến mọi vấn đề liên quan đến an ninh và công ích, chúng tôi xét thấy rằng giữa nhiều quy định khác, trước hết phải cứu xét đến những quy định tự bản chất chúng có mục đích bảo đảm quyền lợi của đa số, quy định này bao gồm lòng tôn kính thần linh, nghĩa là cho phép mỗi Kitô hữu, cũng như mọi người, quyền tự do có thể theo tôn giáo mình lựa chọn, để thần linh trên trời khoan dung và phù hộ cho chính chúng tôi, cũng như mọi người sống dưới quyền của chúng tôi.

Vì thế chúng tôi tin rằng, với một ý định tốt lành và rất ngay thẳng, chúng tôi cần phải quyết định không từ chối quyền này với bất cứ ai, để họ có thể gia nhập tôn giáo của các Kitô hữu hay một tôn giáo nào mà người đó thấy hợp với mình hơn, ngõ hầu Đấng tối cao, Đấng chúng tôi cũng tôn sùng cách tự nhiên có thể tỏ lòng khoan dung và che chở chúng tôi trong mọi việc như thường lệ.

Vì vậy, xin ngài thống đốc hiểu rằng chúng tôi đã quyết định hủy bỏ hoàn toàn những hạn chế ghi trong các văn kiện được gửi tới quý tỉnh trước đây liên quan đến danh xưng Kitô hữu, bãi bỏ những quy định xa lạ và lỗi thời với lòng khoan dung của chúng tôi, và từ nay trở đi, cho phép tất cả những ai quyết định theo Kitô giáo, được hoàn toàn tự do thực hành đạo, không bị quấy rối cũnh như bị làm khó dễ nữa (...)
(Lactante trích trong De la mort des persécuteurs, 48,Bản dịch Sources Chrétiennes).

SINH HOẠT PHỤNG VỤ
PHÉP RỬA Ở THẾ KỶ II

Về phép rửa, hãy thực hiện như sau : Sau khi đã dạy những điều cần, hãy rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, hãy rửa trong dòng nước chảy. Nếu không có, thì rửa trong thứ nước khác ; nếu không có nước lạnh thì dùng nước nóng. Nếu không có cả hai, thì hãy đỗ nước trên đầu ba lần "nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Trước phép rửa, người ban và người chịu phép rửa hãy ăn chay cùng với tất cả những người khác nếu có thể ; tối thiểu, hãy buộc người lãnh nhận phép rửa ăn chay một hai ngày trước. DIDACHÈ, VII - JC. Để đọc LSGH I, p.54

PHÉP RỬA Ở THẾ KỶ III

Vào lúc gà gáy, trước tiên làm phép nước (...) các ứng viên cởi bỏ y phục, và người ta làm phép rửa, bắt đầu từ trẻ em. Ai có thể nói được thì tự nói. Ai không nói được thì cha mẹ hay người nhà nói thay. Tiếp đến rửa tội đàn ông và sau cùng là phụ nữ. Họ xõa tóc và tháo bỏ nữ trang vàng bạc đang mang. Đừng ai mang vật gì khác ngoài bản thân mình khi xuống nước.

Vào lúc đã định cử hành phép rửa, đức giám mục tạ ơn trên dầu để trong mình, đó là dầu tạ ơn. Ngài trừ tà một bình dầu khác gọi là dầu trừ tà. Một phó tế mang bình dầu trừ tà đặt bên trái vị linh mục và một phó tế khác mang một bình dầu tạ ơn đặt bên phải ngài.

... Khi thụ nhân đã xuống nước, người rửa đặt tay và hỏi : Con có tin Thiên Chúa là Cha toàn năng không ?" , thụ nhân đáp : "Tôi tin". Người làm phép rửa đặt tay trên đầu thụ nhân và dìm xuống nước lần thứ nhất ...
Hippolyte de Rome, La Tradition Apostolique JC. Để đọc LSGH I, p.55

CONSTANTIN VỚI GIÁO HỘI
THƯ GỬI GIÁM MỤC CARTHAGO

Trẫm cho rằng, tất cả các tỉnh ở Châu Phi cần giúp đỡ những người đã được Giáo Hội thánh thiện chỉ định và được luật pháp công nhận, nên trẫm đã gửi thư cho Ursus đặc trách về tài vụ tài Phi Châu, lấy trong kho 3.000 đồng vàng để trao cho đức cha.

Vì trẫm cũng biết rằng, có những kẻ tư tưởng không vững muốn lôi kéo dân chúng xa rời Hội thánh để theo giáo lý sai lầm, nên xin báo cho đức cha biết, trẫm đã ra lệnh cho Anulius và Patricius, để họ quan tâm đúng mức về mọi vấn đề, nhất là trong chuyện này, không được sao lãng. Nếu đức cha thấy kẻ nào ngoan cố trong sự điên rổ, đừng ngại gởi nội vụ đến hai quan tòa nói trên. (Eusebio, LSGH X, 6)

THƯ GỬI ANULIUS

Tất cả các giáo sĩ thuộc phạm vi tỉnh của khanh, đang thi hành chức vụ trong giáo phận của giám mục Cecilianus, trẫm muốn họ được chuẩn miễn dứt khoát và hoàn toàn, những trách nhiệm công cộng, để họ đừng vì lầm lạc mà sao lãng việc phụng sự Chúa. Trẫm không muốn họ bị quấy rầy khi tuân thủ theo luật lệ riêng của họ. Nếu họ hết lòng phụng thờ Chúa, họ đã làm lợi rất nhiều cho việc chung.
(Eusebio, LSGH X, 7)

TỪ TỰ DO TÔN GIÁO ĐẾN QUỐC GIÁO
JC. Để đọc LSGH I, p79

Luật của Hoàng Đế Constantin năm 319

"Ta cấm những thầy bói ruột súc vật và những ai có thói quen làm việc ấy không được vào nhà riêng hay bước qua ngưỡng cữa nhà người khác, dù với lý do tình bạn. Kẻ nào vi phạm luật này, sẽ bị xử phạt. Nhưng nếu ai cho rằng việc đó có ích lợi cho mình, thì hãy đến những bàn thờ hay đền thờ riêng mà làm việc đó ; Ta không ngăn làm giữa ban ngày những nghi lễ đã có từ lâu (Bộ luật Theodose IX,16,2 )

Luật của Hoàng Đế Constance, năm 356

"Những kẻ có đủ bằng chứng là đã tham dự việc dâng cúng hay tôn thờ các ngẫu tượng sẽ bị tử hình ". (Bộ luật Theodose XVI, 10, 6 )

Sắc chỉ Thessalonica, năm 380

Ta muốn rằng tất cả dân chúng sống dưới quyền cai trị nhân từ của ta, đều sống trong niềm tin do thánh tông đồ Phêrô đã truyền lại cho các tín hữu Roma và được giảng dạy cho đến nay, và kế vị ngài là đức giáo hoàng Đamasô và giám mục Phêrô ở Alexandria, như mọi người biết, giống như chính thánh nhân đã giảng dạy (...) .

Ta ra lệnh rằng : " Chỉ những ai giữ luật này, mới có quyền nói mình là người công giáo, còn tất cả những kẻ khác, là điên rổ, ngu ngốc, sẽ phải chuốc lấy sự hổ thẹn dành cho bọn lạc giáo. Chúng sẽ bị Chúa nghiêm trị trước, rồi sẽ bị ta trừng phạt sau, theo như quyết định mà Chúa đã soi sáng cho ta. (Bộ luật Theodose XVI, 1, 2)

Năm 392 : Nếu ai dâng hương tôn kính các thần tượng do tay con người làm ra (...); ai kết triều thiên vải cho cây cối; ai dựng bàn thờ bằng đất (...) họ đã xúc phạm nặng nề và nghiêm trọng đến tôn giáo. Và vì xúc phạm đến đạo, kẻ đó sẽ bị tịch biên nhà ở hay tài sản, nơi y đã tỏ ra là nô lệ cho lòng mê tín ngoại đạo. (Bộ luật Theodose XVI, 12)

THÁNH AUGUSTINÔ - TỪ THUYẾT PHỤC ĐẾN VŨ LỰC

Thư số 23, năm 392 : Như vậy tôi làm cho thính giả của tôi hiểu rằng, mục đích của tôi không phải là ép buộc ai chấp nhận một sự hiệp thông nào đó, nhưng là giúp những người tìm kiếm cách hòa bình, được hiểu biết chân lý. Vậy nếu chúng tôi ngưng dùng quân đội can thiệp, thì các ông cũng hãy thôi đừng để nông dân vũ trang gây khủng bố. Chúng ta hãyđi ngay vào việc, hãy hành động với lý trí và với sức mạnh của Thánh Kinh, chúng ta hãy xin, hãy tìm, hãy gõ trong hòa bình và trật tự, để chúng ta tìm thấy cửa mở cho ta.

Thư 93, năm 408 : Các người đừng nhìn vào chính sự cưỡng ép, nhưng xem điều cưỡng ép đó tốt hay xấu. Có những người không thể tự mình trở nên tốt, nhưng do nỗi sợ phải chịu điều mình không muốn, sẽ từ bỏ được tính ương ngạnh, đi đến chỗ nhận ra chân lý mà anh ta chưa biết. Sau đó, sự sợ hãi sẽ làm y vứt bỏ điều sai trái anh ta từng bảo vệ để tìm kiếm và bảo vệ chân lý. Cuối cùng anh ta sẽ tự nguyện gắn bó với điều mà trước kia mình không muốn.

Thư 185, năm 417 : Có việc bách hại bất công của những kẻ ngoại đạo đối với Giáo hội Chúa Kitô; nhưng cũng có sự bách hại chính đáng, điều Giáo hội xử với những kẻ ngoại đạo.... Giáo hội cưỡng bách vì tình yêu, còn kẻ vô đạo bắt bớ do lòng độc ác.... Do quyền Thiên Chúa ban, nhờ các vị vua đạo đức và trung tín, nếu Giáo hội ép những kẻ ở ngoài đường vào lòng Giáo hội, kể cả những kẻ ly giáo và lạc giáo, thì mong họ đừng nghĩ đến việc bị ép buộc, mà hãy thấy nơi họ được đưa đến. Đó là yến tiệc của Chúa Kitô và sự hiệp nhất với nhiệm thể của Ngài

BÍ TÍCH THÁNH THỂ thế kỷ II

Vào ngày gọi là ngày mặt trời, tất cả mọi người từ thành thị đến thôn quê, tề tựu tại một nơi. Tùy thời gian cho phép, họ đọc sách do các tông đồ soạn và sách các tiên tri. Khi người đọc kết thú, vị chủ sự ban huấn tư để khuyến cáo và khích lệ mọi người sống theo những giáo huấn tốt đẹp đó. Tiếp đến, chúng tôi cùng đứng lên cầu nguyện lớn tiếng. Rồi (...) khi cầu nguyện xong, người ta mang bánh, rượu và nước đến. Vị chủ sự dâng lên những lời cầu nguyện và tạ ơn hết sức có thể, và dân chúng đáp lại bằng lời tung hô "AMEN". Sau đó, họ phân phát và chia sẻ cho mọi người Lương Thực đã được thánh hiến và nhờ các phó tế đem phần dành cho những người vắng mặt.

Những người dư dật và muốn tự nguyện dâng cúng, được tự do gửi tặng những gì họ muốn, chúng sẽ được trao cho vị chủ sự, ngài sẽ dùng chúng để giúp đỡ các trẻ mổ côi, người góa bụa, đau yếu, tù nhân, tiếp đón khách vãng lai... Chúng tôi họp nhau vào tất cả các ngày mặt trời, vì đó là ngày thứ nhất, ngày mà Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ cõi u minh, và là ngày Đức Giê Su Kitô Đấng cúu độ chúng tôi đã sống lại từ trong cõi chết...

Chúng tôi gọi Lương Thực này là Thánh Thể, và những ai không tuyên xưng giáo lý chân thực, không chịu phép rửa tái sinh, không sống theo luật của Đức Kitô, thì không được thông phần của ăn đó. Vì chúng tôi không coi của ăn này là bánh rượu thông thường. Như Đức Kitô, Đấng cứu độ chúng tôi, đã lấy Mình Máu Ngài để cứu chuộc chúng tôi, thì cũng vậy, của ăn được Thánh hiến do lời cầu nguyện theo như lời Đức Kitô, chính là Mình Máu Ngôi Lời Nhập Thể nuôi dưỡng chúng tôi ...
(Thư th. Justinô gửi hoàng đế Antoninô -Để đọc LSGH I, p.56)

LÃNH BÍ TÍCH GIẢI TỘI MỘT LẦN

Hermas trình bày vấn đề qua cuộc đối thoại giữa ông với Thiên Thần, tức vị mực tử :

Hermas : Tôi nghe một vài vị tiến sĩ nói rằng : " Chẳng có phép tha tội nào khác ngoài phép tha tội được ban ngày chúng ta xuống nước rửa tội, ngày mà chúng ta nhận lãnh ơn tha thứ các tội đã phạm trước.

Mục tử : Anh đã nghe đúng, sự thực là thế. Người đã nhận lãnh ơn tha tội trong phép rửa không được phạm tội nữa, mà phải sống tinh tuyền (...) Nhưng Thiên Chúa, Đấng thấu suốt cõi lòng và biết trước mọi sự, đã thấy trước sự yếu hèn của con người và sự gian ác của ma quỉ (...) Do lòng từ bi lớn lao, Thiên Chúa xót thương tạo vật của Ngài và đã lập ra bí tích giải tội và ban cho tôi quyền tha tội. Vậy tôi xin tuyên bố cho anh biết : nếu sau cuộc xá tội cách trọng thể đó, ai đó bị ma quỉ cám dỗ và sa ngã, anh ta có thể được tha tội một lần nữa. Nhưng nếu anh ta lại phạm tội rồi ăn năn thì phép giải tội chẳng ích gì cho anh ta nữa ...
Hermas, Sách "Mục Tử" 31,1-6 - Để đọc LSGH I, p.59

THỬ THÁCH DÀNH CHO HỐI NHÂN

Lần tha tội thứ hai và duy nhất này, càng phải hạn chế trao ban thì lại càng phải đòi hỏi một thử thách nặng nề chừng đó. Không chỉ là hành vi nội tâm mà còn phải được diễn tả bằng hành động. Hành động này (...) là lời thú nhận qua đó, chúng ta xưng thú tội mình với Chúa (...) Đó là kỷ luật dành cho các tội nhân, đòi anh ta phải phủ phục và tự hạ và chỉ định cho anh ta một lối sống đem lại cho anh ơn tha thứ. Về cơm ăn áo mặc, kỷ luật này đòi tội nhân ngủ trên bao bị và tro bụi, anh ta hãy mặc áo quần rách rưới và màu tối, hãy đau đớn trong lòng, hãy tu sửa tội lỗi quá khứ bằng những khổ chế nghiêm ngặt (...)

Hối nhân thường thêm vào lời cầu nguyện bằng ăn chay hãm mình, bằng than van khóc lóc, kêu cầu lên Chúa đêm ngày, phủ phục dưới chân các linh mục, quì gối trước các tôi tớ Chúa, để xin anh em mình góp sức khẩn cầu.
(Tertullien, traité de la pinétence )

CÁC THỪA TÁC VIÊN LƯU ĐỘNG

Các tông đồ, tiên tri và tiến sĩ đề cập đến trong đoạn này phải hiểu theo nghĩa của 1Cl 12,28t. Đoạn văn này có thể rất gần thời các tông đồ.

" Đối với những gì liên quan đến tông đồ và các tiên tri hãy hành động theo luật của Tin Mừng như sau : khi một tông đồ đến nhà, hãy đón tiếp ngài như đón tiếp Chúa. Nhưng vị đó sẽ chỉ ở lại một ngày, hay khi cần, chỉ ngày thứ hai. Nếu ở đến ba ngày, đó là tiên tri giả. Vị tông đồ ra đi sẽ không nhận gì cả, ngoại trừ lương thực đủ dùng để kiếm được chỗ trú chân. Nếu lại đòi tiền, đó là tiên tri giả

Mọi tiên tri thật, muốn ở lại nhà anh em thì đáng ăn công (Mt 10,10). Cũng vậy, vị tiến sĩ thật cũng xứng đáng hưởng của nuôi thân như người thợ (...)

Vậy anh em hãy bầu lên những giám mục và phó tế xứng đáng phục vụ Chúa, những người vô vị lợi, trung thực và được thử luyện, vì chính các ngài sẽ thực thi tác vụ tiên tri và tiến sĩ cho anh em. Đừng khinh thị các ngài, vì cùng với các tiên tri và tiến sĩ, các ngài là người đáng được anh em kính trọng.
( Didaché XI, XIII, XV - Để đọc LSGH I, p.63)

THÁNH ANTÔN - TỔ PHỤ CÁC ẨN SĨ

Thánh Antôn lui vào nơi cô tịch, sống ngày càng nhiệm ngặt hơn, ngài chịu đựng và chiến thắng cách anh hùng nhưng tấn công của ma quỉ...

Nhưng ma quỉ, kẻ thù của sự thiện và hay ganh ghét, không thể chịu nổi khi thấy một người trẻ tuổi sống tốt như thế... Trước hết nó cám dỗ ngài thôi sống hãm mình bằng cách gợi lại những kỷ niệm xưa về của cải, nỗi lo lắng về người em gái, những quan hệ gia đình, lòng yêu tiền bạc, lòng ham danh vọng, thú vui ăn uống và bao điều dễ chịu của cuộc sống, và cuối cùng nó gợi lên sự đắng cay của nhân đức với bao lao nhọc phải chịu (...)

Ban đêm quỉ hiện hình phụ nữ, bắt chước các điệu bộ để cám dỗ Antôn, nhưng Antôn, luôn mang Đức Kitô trong lòng, suy niệm về phẩm giá cao qúi Chúa ban và sự thiêng liêng của linh hồn đã dập tắt lửa dục tình lừa đảo của quỉ ma(...) Đêm đến, quỉ làm ổn ào rung chuyển cả nơi Antôn ở. Vách nhà như vỡ ra, ma quỉ dưới hình thú dữ, rắn rết tràn vào ; khắp nơi đầy dẫy bóng sư tử, gấu, beo, bò rừng, rắn rết, bò cạp, chó sói. Mỗi thú dữ một kiểu, đe dọa Antôn. Sư tử gầm lên như muốn tấn công ngài, bò rừng chừng như đưa sừng lao tới, rắn rết bò quanh nhưng không tới gần, chó sói lao đến nhưng bị giữ lại... tất cả gây ổn ào khủng khiếp và cảnh tượng thật dữ dằn (...)

Tinh thần trong sáng, ngài không bao giờ cau có vì phiền muộn, cũng chẳng lộ vẽ hoan lạc khi vui thú ; ngài không cười hay khóc, đám đông không làm ngài xao động, vạn kẻ cúi chào cũng chẳng khiến ngài quá mừng vui : ngài luôn bình lặng và tự chủ. Chúa đả dùng ngài chữa lành nhiều người đau bệnh trong thân xác và thanh luyện nhiều tâm hồn khỏi quỉ ma. Thánh Antôn được Chúa ban ơn biết an ủi người khổ sầu và hòa giải những xung đột. Ngài nói với họ đừng coi sự đời này trọng hơn Đức Kitô. Bắng cách khuyến khích nghĩ đến của cải mai sau, đến Tình yêu Thiên Chúa, đấng đã không dung tha chính Con mình, nhưng đã phó nộp Con vì chúng ta, ngài đã thuyết phục được nhiều kẻ sống tịnh liêu, và thế là các tu viện mọc lên trên các vùng đổi núi, và hoang mạc nay có đông đảo bóng dáng những nhà tu hành, những người đã từ bỏ mọi sự để ghi têm mình vào Thành thánh trên trời (...)
(JC. Để đọc LSGH I, p 89)

LUẬT BIỂN ĐỨC - VỀ TU VIỆN TRƯỞNG

Viện phụ là kẻ xứng đáng cai quản đan viện, phải không ngừng nhớ đến danh xưng mình mang và qua hành động, phải thực thi danh hiệu ấy. Thật vậy, người ta coi ngài giữ vai trò của Chúa trong tu viện, nên ngài mang danh hiệu dành cho Chúa (Abbé do chữ Abba là Cha) như lời thánh Tông đồ : Anh em nhận lấy Thần Khí nghĩa tử, Đấng kêu lên "Lạy Cha" (...)

Mỗi khi đan viện có điều gì quan trọng phải quyết định, viện phụ sẽ mời tất cả cộng đoàn và chính ngài sẽ trình bày vấn đề. Sau khi đã thu thập ý kiến anh em, ngài tự mình quyết định và làm điều gì ngài xét là lợi nhất. Lý do khiến chúng ta phải tham khảo ý kiến của anh em, chính là vì Thiên Chúa thường mạc khải những điều kỳ diệu nhất cho những kẻ bé mọn nhất (...)
(JC. Để đọc LSGH I, p 91)


1786    26-01-2011 10:57:17