Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Chương 4: Việc Hình Thành Kinh Tin Kính_Bài Đọc Thêm


BÀI ĐỌC THÊM

KINH TIN KÍNH CÁC TÔNG ĐỒ

Bản kinh chúng ta đọc hiện nay thường được coi là bản kinh của thánh Giám mục Césaire, Pháp, thế kỷ VI. So với bản gốc của Kinh Tin Kính các tông đồ, nhưng chữ màu xanh lá đã được thêm sau này.

"Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất / Tôi tin kính ĐCGS là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi / Bởi phép ĐCTT mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh /chịu nạn thời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác / Xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại / lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng / Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. / Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. / Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công, / Tôi tin phép tha tội / Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại / Tôi tin hằng sống vậy. Amen
(D. Rops; L'Eglise des Apôtres et des Martyrs, p 246-247).

DANH SÁCH 21 CÔNG ĐỒNG CHUNG

Nicêa (325), Constantinopoli (381), Ephêso (431), Calcedonia (451), Constantinopoli II (553), Constantino-poli III (680), Nicea II (787), Constantinopoli IV(869), Laterano I (1123), Laterano II (1139), Laterano III (1179), Laterano IV (1215), Lyon I (1245), Lyon II (1274), Vienne (1311-12), Constancia (1414-18), Florencia (1439), Laterano V (1512-17), Tridentino (1545-63), Vatican I (1869-70), Vatican II (1962-65).
Ni, Co, Ê, Ca / Co, Co, Ni, Co / La, La, La, La
Ly, Ly, Vi, Co / Flo, La, Tri, Va, Va ...

HOÀNG ĐẾ CONSTANTIN GỬI ARIO VÀ GM ALEXANDRIA

Nhằm duy trì an ninh địa phương, hoàng đế khuyên các phe tranh luận hãy làm hòa. Ông cho rằng đây chỉ là cuộc cãi cọ về từ ngữ. Do thất bại, ông sẽ triệu tập công đồng Nicea

... Chúng có thể giúp luyện trí óc, nhưng chúng phải được đóng khung trong nội bộ chúng ta, chứ không được nhẹ dạ tuyên truyền trong những buổi họp công khai, hoặc dại dột nói cho quần chúng. Thực ra mấy kẻ hiểu được một vấn đề khó khăn đến thế, và ai có thể giải thích thỏa đáng ?

Các ông đâu có gì khác nhau về các giới luật, cũng đâu thêm thắt tín điều nào mới liên quan đến việc tôn thờ Thiên Chúa. Cả hai đều cùng một tâm tư nên dễ dàng hòa hợp với nhau. Thế mà các ông cứ ngoan cố cãi vã về những chuyện không đâu, lai còn lợi dụng uy tín trong dân để kéo họ vào cuộc tranh cãi. Thật không phải lẽ và bất xứng.

Các triết gia cùng đi tìm chân lý vẫn có thể không đồng ý với nhau về nhiều điểm. Tuy nhiên, những khác biệt này không làm họ mất sự hiệp nhất để cùng tìm kiếm. Các ông là những thừa tác viên của Thiên Chúa, lẽ ra các ông phải hiệp nhất trong trong lời tuyên xưng cùng một tôn giáo mới phải... Hãy giữ sao giữa các ông có sự chân thành và thân hữu, có chân lý của đức tin, có việc tuân thủ luật Chúa. Hãy cậy dựa vào đức bác ái và đưa dân chúng trở lại hiệp nhất với nhau.
(Eusebio, Cuộc đời Constantin, II,69 - JC. Để đọc LSGH I, p.66)

NICÊA : CÔNG ĐỒNG CHUNG ĐẦU TIÊN

Các thừa tác viên ưu tú của thiên chúa đã qui tụ lại từ tất cả các Giáo Hội trong toàn cõi Châu Âu, Libye, Tiểu Á. Một ngôi nhà cầu nguyện duy nhất, như được nới rộng bởi quyền năng Thiên Chúa, đã tập họp được một số người Syrie, Cilicie, Phenicie, Ả rập, Palestine và có cả những người Ai cập, Thébaide, Libye, Mésopotamie. Giám mục Ba tư cũng có mặt tại đại hội. Scythie cũng có giám mục của mình; Pont, Galatie, Pamphylie, Cappadoce, Tiểu Á, Phrygie cũng đã gửi các đại biểu, Những người Thrace và Macédomie, Acheén và Epirote, và giữa những vị này có những vị từ xa tới; Cũng từ Tây Ban Nha, một vị giám mục danh tiếng nhất (Osius)đến dự với những vị khác; giám mục của đế đô (Roma) không dự được vì già yếu nhưng ngài cử các linh mục đại diện...

Các giám mục tiến vào trong đại sảnh và ngổi ghế theo thứ bậc của mình... Ngay khi nghe báo hiệu Hoàng đế đến, tất cả các giám mục đứng dậy,và đúng lúc đó, nhà vua tiến vào giữa những bậc vị vọng. Ông xuất hiện như thiên thần của Chúa. Ông làm cho mọi người chóa mắt bởi long bào đỏ rực, bởi vàng ngọc trang sức chói ngời.

(Cuối công đồng) Lễ kỷ niệm 20 năm trị vì của Hoàng đế được cử hành trong mọi tỉnh thành, với những lễ hội tưng bừng trọng thể. Hoàng đế mời các thừa tác viên của Chúa dự tiệc. Tất cả các giám mục đều tham dự. Không lời lẽ nào diễn tả nỗi biến cố này. Tại tiền sảnh của cung điện, đội vệ binh và quân lính được bố trí đứng chung quanh, với gươm trần trên tay. Không chút sợ hãi, những người của Chúa đi qua giữa quân lính tiến vào cung điện. Một số vị ngổi chung bàn với Hoàng đế. Những vị khác tùy nghi an vị trên những giường được xếp vòng tròn. Họ có cảm tưởng như được nếm trước hương vị Vương quốc Chúa Kitô, và những gì xảy ra có vẻ là mơ hơn thực. Sau bữa tiệc huy hoàng đó, Hoàng đế một lần nữa chứng tỏ sự hào phóng của mình bằng việc ban thưởng cho mỗi người hiện diện tùy theo công trạng và phẩm tước của người đó.
(Eusèbe, Cuộc đời Constantin III,15,16 - JC Để đọc LSGH I,p.97)

GIÁM MỤC PAPHNUCE TẠI CÔNG ĐỒNG NICEA
VỚI VIỆC ĐỘC THÂN GIÁO SĨ

Socrate (380-440), luật gia ở Constantinople. Trong tác phẩm "Lịch sử Giáo hội", đã tiếp nối sử gia Eusèbe thuật lại các biến cố tôn giáo từ năm 305-439. Vì ông sao chép tài liệu đúng từng chữ, nên đây là nguồn thông tin vô giá.

"Paphnuce là giám mục của một thành phố vùng Thebaida - thượng. Ngài có lòng đạo đức trỗi vượt, làm nhiều phép lạ. Trong thời bắt đạo, ngài bị móc mất một mắt. Hoàng đế đặc biệt tôn kính ngài, thường mời vị giám mục và cung điện và hôn lên con mắt đã mất ... Khi các linh mục thỏa thuận định ra luật mới buộc các Giám mục, linh mục và phó tế sống cách ly người vợ mà họ đã kết hôn khi còn là giáo dân.

Khi được xin ý kiến, Paphnuce đứng lên giữa các Giám mục, yêu cầu không nên đặt một gánh nặng đến thế lên vai các giáo sĩ, linh mục, vì hôn nhân đáng qúi trọng và việc chăn gối không có gì xấu ; luật quá khắt khe có thể làm hại đến Giáo hội, không phải ai cũng có khả năng tiết dục hoàn hảo và còn những người vợ của họ sẽ không giữ được đức khiết tịnh. Đức khiết tịnh ở đây hiểu là việc chăn gối hợp pháp. Dĩ nhiên, những ai đã nhập hàng Giáo sĩ thì không được kết hôn nữa đúng như truyền thống cổ kính của Giáo hội, nhưng không nên buộc những kẻ đã kết hôn khi còn là giáo dân phải bỏ vợ.

Paphnuce bênh vực ý kiến này mặc dầu không những ngài chưa bao giờ lấy vợ, mà ngài cũng không hề biết đến phụ nữ, ngài được giáo dục từ nhỏ trong tu viện và sáng chói về nhân đức khiết tịnh. Tất cả các Giám mục đồng ý với ngài, không bàn thêm nữa, để cho những Giáo sĩ đã lập gia đình tự mình quyết định.
(Socrate, Lịch sử Giáo hội I,11)

CÔNG ĐỒNG CONSTANTINOPLE (381)

Trong những danh xưng dành cho Thiên Chúa, có danh xưng nào không phù hợp với Chúa Thánh Thần ?... Đó là khi chúng ta dùng tất cả những từ ngữ về TC để giảng dạy, khi ta còn thêm một tên gọi khác để kêu cầu ngài là Đấng Bầu Chữa đệ nhị, (Paraclet, Ga 14,16) như thể là Thiên Chúa đệ nhị, đang khi họ biết rằng xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là tội duy nhất không được tha ; khi biết hình phạt nặng nề mà Anania và Saphira phải chịu vì lừa dối Thánh Thần tức là lừa dối Thiên Chúa chứ không phải lừa dối loài người (Cv 5) ;

Như vậy bạn nghĩ chúng ta công bố Thần tính của Chúa Thánh Thần hay công bố điều gì khác ? Nếu bạn nghi ngờ chân lý này và nếu người ta còn phải dậy bạn điều đó nữa thì trí óc bạn hẳn là quá mê muội và bạn đã xa với Thánh Thần đến như thế nào !

THẦN HỌC NGOÀI ĐƯỜNG

Những vấn đề trên được bàn đến khắp nơi trong thành phố: từ đường mòn, ngã tư đến công trường, đại lộ. Nơi những người bán quần áo, kẻ đổi tiền, người bán tạp hóa. Nếu bạn hỏi một anh đổi tiền y sẽ trả lời bạn bằng một tiểu luận về "được sinh ra và không được sinh ra". Nếu bạn hỏi giá cả bánh mì, anh bán bánh mì sẽ trả lời: "Chúa Cha lớn hơn Chúa Con, Chúa Con phải dưới quyền Chúa Cha". Nếu bạn hỏi nhà tắm đã sẵn nước chưa, anh quản lý sẽ tuyên bố Chúa Con được dựng nên từ hư vô . Tôi không biết gọi thứ bệnh này bằng từ ngữ gì, cuồng nhiệt hay điên loạn (...)
(Gregorio Nyssen :"Về Thần Tính Chúa Con và Chúa Thánh Thần" )

GIÁM MỤC TRANH LUẬN

Gregorio de Naziano, Giám mục Constantinople cố gắng làm cho các Giám mục nhất trí về những điểm đang tranh cãi, nhưng vô hiệu.

"Các Giám mục huyên thuyên ríu rít như đàn sáo họp bầy. Như tiếng ổn ào của trẻ con, âm thanh của một xưởng thợ mới mở, như cơn gió lốc, và như cơn bão táp thật sự. Các vị tranh cãi nhau vô trật tự, và như bầy ong vò vẽ, các ông châm chích thẳng vào mặt nhau, ngay cùng một lúc. Các vị cao niên đáng kính , thay vì kiềm chế bớt các vị trẻ , lại theo đuôi hùa vào . "
(Gregorio de Naziano, Poème sur sa vie, V.1680 )

CÔNG ĐỒNG EPHÊSÔ THEO SỬ GIA ĐƯƠNG THỜI

Hoàng đế lập tức ban chỉ dụ triệu tập công đồng tại Ephêsô. Ngay sau khi lễ phục sinh, Nestorio đã đến với đông đảo dân chúng, tại đây ông gặp gỡ nhiều giám mục khác. Cyrillo, giám mục Alexandria thì chậm hơn, khoảng lễ Hiện xuống mỚi đến. Juvénal, giám mục Giêrusalem đến sau lễ Hiện xuống năm ngày. vì giám mục Antiokia là Gioan cố tình trì hoãn chuyến đi nên các giám mục khác bắt đầu xôn xao bàn tán.

Mở đầu cuộc tranh luận, Cyrillo hùng hổ tấn công với lời lẽ mạnh mẽ để làm rối trí người mà ngài không ưa là Nestorio. Trong khi đa số các giám mục tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, thì Nestorio lại nói với Cyrillo: "Tôi không thể gọi con người đã từng là đứa trẻ hai ba tháng là Thiên Chúa, vì vậy tôi vô tội về máu của ngài, từ nay tôi không họp chung với ngài nữa".

Từ đó, Nestorio họp riêng với các gám mục theo khuynh hướng của ông. Các giám mục còn tiếp tục họp công đồng với Cyrillo đòi Nestorio phải ra tòa xét xử. Nestorio trì hoãn không đến, cho tới khi giám mục Gioan d'Antiokia đến dự công đồng. Cyrillo và các vị khác cứu xét các bài giảng có liên quan đến vấn đề này của Nestorio, các vị phán quyết là chúng có nội dung nghịch đạo và chống báng Chúa Kitô, họ liền cất chức ông. Các giám mục phe Nestorio liền họp riêng và kết án Cyrillo và giám mục Êpheso là Memmon. Gioan thành Antiokia đến sau đó, trách cứ Cyrillo đã gây nên xáo trộn vì hấp tấp, Gm Gioan tuyên bố cất chức Cyrillo. Vị này hợp với GM Juvénal trả đũa bằng việc cất chức Gioan.

Khi Nestorio thấy cuộc tranh luận đi quá xa đến chỗ ly giáo, ông tỏ ra hối tiếc về chuyện đã xảy ra và nói : "Muốn gọi đức Maria là Mẹ Thiên Chúa thì gọi, miễn là đừng cãi nhau nữa". Nhưng dù Nestorio đã đổi quan điểm, không ai đón nhận ông trở lại, ông bị đày đi Oasis, hiện vẫn sống ở đó...
(Socrate, LSGH, VII,34 - JC Để đọc LSGH I, p.102

ĐỊNH TÍN CỦA CĐ. CHALCÊDONIA (415)

Nhờ ơn Chúa, bản tuyên tín (Credo) Nicea - Constantinopoli thực là sáng suốt và bổ ích, đủ để giúp hiểu biết trọn vẹn và củng cố đức tin chân thật... Nhưng vì có những kẻ ra tay phá hoại việc giảng dạy chân lý, do những sai lạc đặc biệt về tín lý, họ đã đưa ra những lý thuyết vô ích ; Có những kẻ dám giải thích sai lạc mầu nhiệm Nhập thể của Chúa chúng ta, khi họ từ chối tước hiệu Théotokos (Mẹ Thiên Chúa) được dành cho Đức Nữ Trinh ; kẻ khác đưa tới sự "lẫn lộn, pha trộn", khi điên khùng nghĩ rằng xác phàm và thần tính chỉ còn là một bản tính duy nhất và quan niệm một cách quái gỡ rằng vì có sự pha trộn, bản tính thần linh của Chúa Con duy nhất có thể đau khổ.

Vì những sự ấy đang âm mưu chống lại chân lý, Đại Công Đồng chung hôm nay họp tại đây, dạy lại giáo thuyết vững chắc đã được giảng dậy từ thuở ban đầu, trước hết quyết định rằng đức tin của 318 nghị phụ (công đồng Nicea) phải được tôn trọng cách hoàn toàn nguyên vẹn. Công đồng cũng xác nhận giáo huấn được ban hành sau đó về bản chất của Chúa Thánh Thần do 150 nghị phụ họp tại Đế Đô (Constantinopoli năm 381) để đối phó với phái chống Thánh Thần: Các ngài cho mọi người biết là các ngài không thêm gì vào giáo huấn của các vị tiền nhiệm như thể giáo huấn trước đây còn thiếu sót, nhưng các ngài diễn tả minh nhiên suy nghĩ của các ngài về Chúa Thánh Thần dựa vào chứng từ của Kinh thánh, để chống lại những kẻ phủ nhận Thánh Thần là Thiên Chúa...

Noi theo các Thánh phụ, tất cả chúng tôi đồng thanh dạy chỉ có một và cùng một Chúa Con, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, chính Ngài toàn hảo trong thần tính và cũng chính ngài toàn hảo trong nhân tính, cũng chính ngài là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm một linh hồn có lý trí và một thân xác, đồng bản tính với Chúa Cha theo thần tính, đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, sinh ra bởi Chúa Cha từ trước muôn đời xét về thần tính, nhưng vào những ngày sau hết, "vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, đã sinh bởi Đức Maria Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa (Théotokos) xét về nhân tính, chỉ một và cùng một Đức Kitô, là Chúa Con, là Chúa, là Con duy nhất mà chúng tôi nhìn nhận nơi Ngài có hai bản tính, không lẫn lộn, không thay đổi, không chia cắt, kơông phân ly; Sự khác biệt của hai bản tính hoàn toàn không bị tiêu tan bởi sự phối hợp, nhưng ngược lại các thuộc tính của mỗi bản tính vẫn được nguyên vẹn và gặp gỡ nhau trong một ngôi vị (hypostase) duy nhất (...)
(P.Th Calelot Lịch sử các Công Đồng chung)

TỔ CHỨC CỦA GIÁO HỘI THEO NICÊA năm 325

4. Giám mục được đặt lên do tất cả các giám mục trong tỉnh. Trong trường hợp cấp bách hoặc vì đường xá xa xôi, thì ít ra cũng phải có ba giám mục hiện diện và cử hành nghi lễ đặt tay, với giấy ủy quyền của những vị vắng mặt. Tại mỗi tỉnh, tổng giám mục sẽ phê chuẩn việc tấn phong đó.

6. Chớ gì tập quán cổ truyền đang áp dụng tại Ai cập, Libie và Pentapole được duy trì, nghĩa là giám mục Alexandria giữ quyền tài phán trên tất cả các tỉnh này, vị giám mục Roma cũng có quyền như thế. Giáo hội Antiokia và các giáo hội của những tỉng khác cũng giữ những quyền đã có trước đây.

15. Vì có nhiều bất ỗn và chia rẽ, tốt nhất là bãi bỏ tập quán trái luật ở một vài vùng, nghĩa là cấm các giám mục, linh mục và phó tế chuyển đổi từ thành phố này sang thành phố khác. Ai đi theo lầm lạc cũ, chống lại luật này thì viậc chuyển đỗ của họ vô hiệu, và buộc kẻ đó phải trở về giáo hội cũ, nơi đương sự đã được phong chức để phục vụ.

THEO CONSTANTINOPOLI năm 381

2. Các giám mục "khu vực" không can thiệp vào những giáo hội không thuộc quyền mình, cũng không được gây bất ỗn cho giáo hội đó, nhưng cứ theo luật, giám mục Alexandria chỉ điều hành công việc ở Aicập, các giám mục Đông phương thì chỉ điều hành công việc ở Đông phương ; vẫn giữ những đặc quyền dành cho giáo hội Antiokia theo các điều khoản của công đồng Nicea ; các giám mục ở Tiểu Á chỉ điều hành công việc ở Pont, các vị ở Thrace thì lo việc của Thrace ...

3. Giám mục Constantinople có quyền danh dự kế sau giám mục Roma, vì thành phố này là Roma mới.

KHOẢN 28 CALCÊDONIA năm 451

Theo toàn thể các sắc lệnh của các Thánh phụ, công nhận khoản luật của 150 giám mục (của CĐ.Constantinopoli) vừa được đọc, chúng tôi quyết định và biểu quyết giống như thế về các đặc ân dành cho Giáo hội rất thánh ở Constantinople là Roma mới. Các nghị phụ quả đã chấp nhận cho Roma cũ những đặc quyền của nó, bởi vì đó là đế đô.

Nay cũng vì lý do đó, 150 giám mục rất đáng kính đã chấp nhận những đặc quyền tương đương cho Tòa rất thánh của tân đế đô, xét một cách hợp lý rằng : thành phố này có sự hiện của hoàng đế, của thượng viện, và thừa hưởng cùng những đặc quyền như cố đô Roma; Do đó, thành phố này đóng vai trò quan trọng trong các việc của Giáo hội, chỉ sau Roma ... (JC. Để đọc LSGH I, p.107)


2639    01-02-2011 08:36:01