Sidebar

Thứ Sáu
20.09.2024

Chương 6: Sáu Thế Kỷ Âu Châu Kitô Hóa_phần 1


Chương 6: SÁU THẾ KỶ ÂU CHÂU KI-TÔ HÓA
(Thế kỷ VI - XI)

I. GIÁO HỘI THỜI ROMA BỊ XÂM CHIẾM

1,1. Những ông chủ mới của đế quốc

Đầu thế kỷ V, nhiều nhóm dân German vượt sông Danube và Rhin tiến vào đế quốc. Năm 410, Alaric (Visigoth) chiếm được thủ đô Roma, rồi đưa dân đến định cư ở miền nam nước Pháp và Tây Ban Nha. Nhóm Vandale thì chiếm Bắc Phi. Năm 430, thánh Augustino qua đời tại Hippone đã bị chiếm đóng. Carthago thất thủ năm 439. Sau đó, đến lượt đạo quân Hung nô của Attila viễn chinh sang Tây phương. Năm 452 Roma thoát được tai nạn Hung nô nhờ tài ngoại giao của Đức Leo Cả, nhưng chỉ ba năm sau thì bị người Vandale của Generic từ Bắc Phi lên tàn phá.

Cuối cùng, năm 476, một thủ lãnh Man Dân là Odoacre truất phế hoàng đế Romulus Augustus. Thế giới Roma Kitô giáo chấm dứt. Đế quốc phần Đông phương vẫn tồn tại, trong khi Tây phương bị chia năm xẻ bảy thành những vương quốc Man Dân.

1,2. Thực chất việc xâm lăng

Thực ra các nhóm Man Dân không có những đội quân tinh nhuệ. Trong nhiều thế kỷ trước họ đã tạm chiếm một số khu vực vùng biên giới để ồn định đời sống cho gia đình. Họ tiến công vì thú mạo hiểm, vì tham lam sự giàu có của đế quốc, vì ước mơ nếp sống văn minh, cộng với lợi thế thực tế, trước đây họ đã hiện diện đông đảo trong quân đội Roma, đã từng được chính các hoàng đế sử dụng để lật đồ lẫn nhau.

Thế nhưng sâu xa hơn, họ chiến thắng vì sự suy yếu của Roma. Giám mục Eucher thành Lyon nói về Roma "ôn dịch, đói kém, hoang tàn và sợ hãi". Thời Roma hùng mạnh với những pháo đài kiên cố, binh sĩ kỷ luật và tài ngoại giao khéo léo đã qua rồi. Năm 395, hoàng đế Théodose chia đôi đế quốc cho hai con trai là Honorio 11 tuồi phía Tây, và Arcadius 18 tuồi phía Đông. Nội các của hai tiểu vương chia rẽ ghen ghét lẫn nhau. Các viên chức thì thiếu khả năng lại tham nhũng. Người thu thuế đông hơn người nộp thuế.

Sử gia Orosius viết : "Dân Roma nhiều người thà sống với dân Man di hơn là chịu sưu cao thuế nặng". Salvianus viết mạnh hơn : "Dân nghèo đầy thất vọng, họ mong chờ kẻ thù đến họ xin Thiên Chúa sai Man Dân đến với họ".

1,3. Tìm một định hướng lịch sử

Trước biến cố Roma sụp đồ, các giám mục có những phản ứng khác nhau. Mới đầu nhiều vị như thánh Giêronimo than tiếc, trách móc trước cái chết của Kinh Thành muôn thuở. Dần dần các vị củng cố lại niềm tin cho các tín hữu.

Có vị giải thích biến cố như hình phạt của Chúa : "Tội và nết xấu của chúng ta là sức mạnh của Man Dân". Giám mục Orens nói : "Kể lể làm chi đám ma của một thế giới đã sụp đồ theo định luật bình thường của những gì phải chết". Có vị lạc quan hơn như tác giả cuốn "Lời kêu gọi muôn dân", khi nhận định : "loạn ly làm gia tăng người xin rửa tội, làm tín hữu nguội lạnh thành sốt sắng. Các tù nhân Kitô hữu đã thuyết phục kẻ chiến thắng theo Phúc âm, cho man dân hưởng nền Giáo dục Kitô. Bởi vì không có gì ngăn cản được hiệu quả của ân sủng".

Các nhà thần học thì khẳng định lịch sử luôn thuộc quyền của Thiên Chúa, Thánh Augustino qua cuốn "Thành đô Thiên Chúa" mở ra cho mọi người một viễn tượng mới về Nước Thiên Chúa gồm những người đã tái sinh trong Đức Kitô. Nước đó vượt qua ranh giới của đế quốc và dành cho mọi sắc dân. Đức Kitô muốn xã hội mới được tổ chức hoàn toàn dựa vào Tin Mừng. Các vua phải phục vụ công ích và công lý, phải tạo điều kiện cho nhân dân sống theo mục đích siêu nhiên của ơn cứu độ. Thành đô Thiên Chúa sẽ thay thế Đế quốc.

Khi Man Dân xâm chiếm, các giám mục được mệnh danh là những nhà bảo vệ đô thị. Thánh Germano cản Alano không phá hoại mạn Tây Gallia. Thánh Leo bảo vệ Roma khỏi nạn Attila; các giám mục Exuper, Lupo, Aignan tổ chức phòng thủ cho Toulouse, Troyes và Orléans. Nhưng khi Man Dân đã đến, các ngài bênh vực quyền lợi người dân, giúp hồi hương và chuộc lại các tù binh. Thánh Augustino khuyên các giáo sĩ ở lại với tín hữu. Các giám mục Phi-châu sẵn sàng đàm phán với các lãnh tụ Vandale. Đức Gregorio nối kết tình hữu nghị với dân Lombard. Tại Gallia, dân Roma và Bourgonde sống thông cảm thành thực là nhờ giám mục Avis ; tại Ý sự hòa hợp giữa dân và nhóm Goth cũng nhờ công của thánh Epiphan.

II. TỪNG KHỐI DÂN ĐÓN NHẬN TIN MỪNG

"Như ong làm tổ thế nào, các giám mục đã làm nên những quốc gia Âu Châu như vậy". Đó là cách mục sư Luther diễn tả đặc tính của sáu thế kỷ Âu Châu Kitô hóa, Giáo hội đã chinh phục từng miền, từng khu vực.

Giai đoạn đầu : Thường nhờ uy tín các giám mục, nhờ trung gian các nữ hoàng, đôi khi nhờ phép lạ khiến một vị vua đón nhận Tin Mừng, kéo theo cả khối dân xin rửa tội.

Giai đoạn sau : nhờ các đan sĩ truyền giáo hăng say, kiên nhẫn cảm hóa nhân tâm bằng tài thuyết phục, bằng mẫu gương đời sống thánh thiện, bằng tài tổ chức và nhất là qua sinh hoạt đan viện nâng cao đời sống vật chất cũng như văn hóa quần chúng. Dần dần hầu hết các chủng tộc Âu-Châu đón nhận Giáo lý Phúc Âm.

2,1. Khối German theo đạo

Dân Gallia : Vua Clovis, nhờ cầu nguyện với Chúa của nữ hoàng Clotilda, đã thắng quân Alaman, nên Vua quyết định theo đạo. Noel 498, Vua và 3.000 tùy tòng xin rửa tội khai mở một thời kỳ mới trong lịch sử. Hoàng đế, được coi như Constantin thứ hai, đã hỗ trợ Giáo hội Pháp phát triển nhanh chóng. Các cơ sở, thánh đường, trường học, bệnh viện mọc lên khắp nơi. Luân lý Kitô giáo do các Hội nghị Giám mục miền phổ biến, được Đức Vua phê chuẩn, có hiệu lực như đạo luật quốc gia.

Thế kỷ sau, các nhóm Ario Visigoth : dân Bourgond (500), Suève (579) lần lượt gia nhập Giáo hội. Dưới sự hướng dẫn của thánh Leandro, các Bộ Luật Tây Ban Nha ở Toledo dựa theo các qui luật của Phúc Âm. Giáo hội Tây Ban Nha nhờ đó phát triển vững chắc, đủ sức đương đầu với các thế lực Hồi Giáo sau này (711-1492).

Tại Ý, dân Lombard chiếm Roma năm 568 và xin theo đạo đầu thế kỷ sau. Nhưng vì những bất đồng về chính trị, họ xâm chiếm lãnh địa của giáo hoàng. Vua Pháp Pépin đem quân giải cứu, sau đó tặng Giáo hoàng lãnh địa Pherô, Ravenna và năm tỉnh khác. Đó là nguồn gốc Nước Tòa Thánh (756-1870), một thế lực và cũng là nỗi khổ lâu dài của Giáo hội.

Với nước Anh, Đức Grêgorio đã đào tạo một số nô lệ Anglo để phái về quê giảng đạo, nhưng thất bại. Sau ngài cử thánh Augustino viện phụ (+605) cùng 40 đan sĩ đi truyền giáo. Ngài đưa ra các chỉ thị khôn ngoan về thích nghi : "Đừng phá các chùa chiền, chỉ cần dời những tượng thần, rảy nước thánh hóa, xây bàn thờ và đặt xương thánh lên trên. Với các đền thờ kiên cố, chỉ cần chuyển việc thờ thần qua việc phụng tự Thiên Chúa... Người dân sẽ dễ dàng tụ tập tại những nơi cha ông họ thường lui tới". Chỉ trong vài chục năm (597-680) bảy nước thuộc Anh đã tòng giáo.

Ái Nhĩ Lan, đảo các thánh, ghi đậm dấu chân thánh Patricio (+461) kiên nhẫn thuyết phục các tù trưởng, thày pháp và các thi sĩ. Thánh Columban (+615) hoàn tất việc truyền giáo tại đây, lập nhiều đan viện, cung cấp nhiều vị thừa sai cho Châu Âu lục địa, để cùng với các đan sĩ Anglo hoạt động tại Ý, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy...

Riêng Đức quốc, luôn ghi nhớ công ơn thánh Bonifacio (+755). Nhờ tài tổ chức thánh nhân đã biến những đồng lầy thành làng mạc trù phú, chọn vị trí đặt Tòa giám mục và Đan viện. Chẳng bao lâu các vùng đó trở thành những đô thị lớn và quan trọng.

Dần dần ở Tây Âu, văn hóa Kitô giáo ngoài yếu tố Hy La, thu nhận thêm các đặc tính German. Số giáo xứ miền quê gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng đến niềm tin "bình dân" của tín hữu : các lễ cầu mùa, khẩn cầu phép lạ, thờ kính các thánh...

2,2. Khối Slaves theo đạo

Ngay khi khối Slaves vừa định cư ở Đông Âu (T.kỷ VIII) cả hai phía Hy lạp - La tinh đều chung sức đem Tin Mừng đến cho các dân tộc này. Các thừa sai Đức từ Bavière đến truyền giáo ở Bohême và Moravie. Trong khi đó, giáo chủ Constantinopole, theo yêu cầu của một ông hoàng xứ Moravie, đã gửi đi hai anh em quê thành Thessalonica biết rành tiếng Slaves là Mêthodo và Cyrillo (863).

Đến nơi hai vị này sáng lập mẫu tự Slave theo Hy ngữ, dịch Kinh Thánh và Phụng vụ ra ngôn ngữ địa phương. Các giám mục Bavière phản đối vì cho rằng phụng vụ chỉ được phép cử hành bằng ba ngôn ngữ ghi trên đầu Thánh Giá là Do thái, Hi lạp và La tinh (Ga 19,20). Hai anh em liền về Roma và được đức Gioan VIII cho phép. Theo ngài thì "chớ gì Lời Kinh Thánh được hoàn tất, chớ gì mọi ngôn ngữ đều chúc tụng Thiên Chúa". Thánh Cyrillo qua đời tại Roma. Thánh Methodo được đặt làm tổng giám mục Moravie. Sau khi ngài qua đời, các giám mục German xúi giục đức Stephano V kết án phụng vụ Slave (năm 885).

Tại Bungari, vua Boris theo đạo năm 864, nhưng có khuynh hướng Giáo hội độc lập. Năm 866 đức Nicolas I cử hai giám mục Formosus và Paulus, đặt tòa ở Bungari. Năm 870, Vua lại xin Byzantin đặt nhiều giám mục Hy Lạp. Sau 885, Vua tiếp nhận các môn đệ thánh Methodo tị nạn và phổ biến phụng vụ tiếng Slave. Thái tử Vladimir dự định đưa dân trở lại thần giáo, vua liền truất quyền và truyền ngôi cho con thứ. Sau cùng vua Simeon hoàn tất việc lập tòa giáo chủ tại Achrida năm 918.

Tại Ba Lan, khi tướng Miezko (960-992) xin rửa tội theo vợ là Dombrowska năm 966, cả nước cùng theo đạo. Kế vị ông, Boleslas I đã xin lập tòa giám mục năm 1000. Nhưng sau đó, ở BaLan có phong trào trở lại thần giáo cho đến khi Vua Casimir I tổ chức Giáo hội ồn định năm 1040.

Hungari theo đạo muộn hơn (năm 1001), nhưng phát triển nhanh và vững chắc nhờ vua thánh Stêphano. Nhà vua và con trai Emeric, sau được đức Gregorio VII suy tôn hiển thánh.

Riêng tại nước Nga Kiev, nữ Công Tước Helena Olga đã được rửa tội tại Constantinople năm 957. Bà không ngừng cầu xin cho dân Nga được ân thánh cảm hóa. Năm 988, cháu nội của bà là Wladimir đã hô hào toàn dân xuống sông Dniepr để tiếp nhận lễ rửa tội. Vua Wladimir tự chọn theo giáo chủ Byzantin vì ưa thích phụng vụ Constantinople hơn, và vì muốn học theo văn minh của khu vực này, đang khi tình hình chung của Tây Âu bị xuống dốc.

III. GIÁO HỘI THỜI CAROLO

3,1. Hoàng đế Charlemagne

Sau khi Charles Martel đẩy lùi quân Ả-Rập ở Poitiers năm 732 và Avignon năm 737, ông bắt đầu triều đại Carolingien (751-987) thay thế triều đại Mérovingien. Con trai ông là PépinLe Bref được đức Stêphano II xức dầu năm 754 tại nhà thờ Saint Denis, sẽ đem quân cứu Roma khỏi quân Lombard và tặng cho ngài Nước Tòa Thánh. Giáo hoàng trở thành vua dưới sự bảo trợ của Vua Pháp.

Hoàng đế Charlemagne (768-814) hoàn tất tham vọng của tổ tiên là tái lập đế quốc Tây phương. Hoàng đế đuồi người Ả-Rập khỏi vùng Bắc Tây Ban Nha, cưỡng bách dân Saxe theo đạo (785). Đức Leo III, sau khi nhờ Charlemagne minh oan đã gởi Hoàng đế chìa khóa Đền thờ Pherô và hiệu kỳ Roma.

Năm 800, ngài đặt vương miện vàng cho Hoàng đế trước mộ thánh Phêrô, đưa ông lên đỉnh cao danh vọng. Biến cố đánh dấu việc Roma thoát ly khỏi ảnh hưởng chính trị của Byzantin. Tòa Thánh bắt tay với nhà Carolo. Một xã hội mới bắt đầu với hai thủ lãnh là Giáo hoàng và Hoàng đế, cùng đại diện Thiên Chúa để phục vụ con người.

3,2. Tổ chức, sinh hoạt Giáo hội

Charlemagne đồng hóa tôn giáo với chính trị. Ông coi truyền giáo là mở rộng biên cương và bênh vực đạo là bảo vệ xã tắc. Dân phải trung thành với Hoàng đế lẫn Giáo Hoàng. Vua chọn các giám mục và đan viện trưởng như các viên chức cao cấp của triều đình. Giáo hội chỉ giữ hai đặc quyền : đặt vương miện cho hoàng đế, quyền đề cử và truyền chức. Dân chúng tại Saxe bị cưỡng bách giữ đạo, dù rằng họ sẽ bỏ đạo, khi triều đình không còn mạnh như trước.

Điều tích cực nhất của Charlemagne là đẩy mạnh phong trào văn hóa. Ông mở hàn lâm viện ở Aix la Chapelle mà đa số thành viên là các đan sĩ. Các vị này là cố vấn Hoàng đế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến luật lệ trong nước. Thế nhưng Thánh Benedicto d'Anian phải cố gắng lắm để lấy lại được truyền thống bầu đan viện trưởng. Ngoài ra Charlemagne còn buộc dùng La ngữ trong các trường. Giáo hội ủng hộ ông và đi tiên phong trong việc giáo dục, tổ chức đào sâu hơn về Kinh Thánh, Giáo Phụ và Phụng Vụ. Thần học nhờ đó tái xuất hiện.

Phụng vụ Giáo hội có một số thay đổi : thống nhất cử hành bằng La ngữ dù dân không mấy người hiểu. Họ tham dự như dự những cuộc lễ bí mật, long trọng và thiêng thánh. Các nghi thức chữ đỏ đều thành luật như việc dùng bánh không men, linh mục dâng lễ quay lên (hướng Đông). Việc xưng tội riêng được các đan sĩ Ái Nhĩ Lan phổ biến.

Ngoài lợi tức ruộng đất, Giáo hội còn có ngân khoản thuế thập phân (1/10 lợi tức) thường được chia ba : cha sở một, giáo xứ một, còn lại để giúp người nghèo. Giáo hội, nhất là các đan viện, đảm nhiệm nhiều cơ sở cứu tế xã hội và bảo đảm công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng.

Tuy nhiên, càng liên kết với nhà Carolo, hai Giáo hội Đông - Tây càng xa nhau hơn, vì phía Constantinople chỉ coi Charlemagne là kẻ tiếm quyền.

TOÁT YẾU

1. Đầu thế kỷ V, đế quốc Tây Roma bị xâm chiếm bởi các sắc dân phía Bắc (German : Franc, Anglo-Saxon, Suève, Lombard...) và phía Đông (Hung Nô). Thế kỷ VIII, các sắc dân Slave (Russo, Tiệp, Bungar...) ồn định tại Đông Âu. Năm 476, Odoacre truất phế hoàng đế Romalus. Đế quốc Đông phương vẫn tồn tại đến thế kỷ XV.

Trong hoàn cảnh đó, các Giám mục có vai trò rất quan trọng để định hướng cho lịch sử. Từ những nhà bảo vệ đô thị, các vị ồn định nhân tâm, bênh vực người khốn khổ hoặc trung gian hòa giải với những ông chủ mới.

2. Từng khối dân đón nhận Tin Mừng.

Giáo hội đã cảm hóa từng dân tộc : giai đoạn đầu nhờ uy tín các Giám mục, nhờ trung gian các nữ hoàng hoặc do phép lạ khiến nhà vua đón nhận Tin Mừng kéo theo cả khối dân theo đạo; giai đoạn sau nhờ các đan sĩ nhiệt tình, cảm hóa nhân tâm bằng tài thuyết giảng, bằng gương sáng và nhất là qua tổ chức đan viện nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của họ.

3. Giáo hội thời Carolo

Năm 800, Charlemagne được xức dầu phong hoàng đế mở đầu một giai đoạn mới. Từ nay Giáo hội Tây Âu có hai thủ lãnh là Giáo Hoàng và Hoàng đế. Hoàng đế xen vào nội bộ, chức sắc Giáo hội, ngược lại Giáo hội có hoàn cảnh đóng góp đặc biệt trong mọi tổ chức văn hóa lẫn kinh tế. Latinh trờ thành ngôn ngữ chính thức.

CÂU HỎI

1. Kể sơ lược các khối Man Dân chính ?
2. Lý do khiến Man Dân tuy yếu vẫn thắng ?
3. Vai trò các Giám mục trước xâm lăng của Man Dân ?
4. Khái quát phương pháp truyền giáo thế kỷ V - X
5. Bản đổ tôn giáo thế kỷ VIII
6. Tại sao Giáo Hoàng cấm phụng vụ Slave ?
7. Vì sao nước Nga lại liên kết với Byzantin ?
8. Lợi, hại việc Giáo Hoàng liên kết với Charlemagne.


2229    01-02-2011 08:54:15