Sidebar

Thứ Tư
24.04.2024

Chương 7: Bối Cảnh Phát Sinh Chính Thống Giáo_Bài Đọc Thêm


BÀI ĐỌC THÊM

CHƯ HẦU VÀ PHONG KIẾN

* Chế độ chư hầu : Vị chủ tướng, sau khi chiến thắng, thường chia đất cho các tướng lãnh của mình. Những vị này hoàn toàn chỉ là chư hầu : Cuộc cải cách Bênêficium của Charlemagne xác định họ không có quyền trao đất cho con cái mình, họ phải tuyên thệ trung thành, hứa dự các hội nghị khi được triệu tập và đóng góp quân lính khi được yêu cầu.

* Chế độ phong kiến : Các chức vị được phân ra nhiều cấp như công, hầu, bá, tử, nam. Một hiệp sĩ chẳng hạn, khi tuyên thệ trung thành với một bá tước, anh chỉ vâng lời ông ta, không cần để ý đến ai khác dù là người có chức vị cao hơn.

Một người có lãnh thổ riêng, quen được gọi là lãnh chúa. Ông có toàn quyền về kinh tế, chính trị, tôn giáo, là chủ cả ao hổ, núi rừng. Ông có quyền đánh thuế chợ, thuế đánh cá, thuế chăn nuôi... Khi chết ông có quyền chia đất thừa kế cho con cháu

HỒNG Y ĐOÀN THẾ KỈ X

Thực chất hồng y đoàn thế kỷ X chỉ là hàng giáo sĩ Roma khoảng 40 vị : 7 hồng y giám mục, 7 hồng y phó tế, còn lại là các hồng y linh mục. Ngày 13.4.1059 thời đức Nicolas II, các vị xác định văn bản sau:

"Chúng tôi quyết định, khi giáo hoàng qua đời, các hồng y lo tìm người kế vị rồi mới thông báo cho mọi người (và hoàng đế) biết. Sẽ chọn người ở Roma, nếu không ai có khả năng mới chọn người ở vùng khác"

BA GIAI CẤP XÃ HỘI PHONG KIẾN

Xã hội tín hữu chỉ có một hạng người, nhưng trong quốc gia thì có đến ba. Vì trong luật khác, luật của con người, được phân chia thêm hai hạng người khác nữa : qúy tộc và nông nô không cùng chung một quy chế. Hai nhân vật đứng trên hết : đó là vua và hoàng đế; nhờ sự cai quản của các vị mà quốc gia được bảo đảm bền vững. Có những người khác có địa vị đặc biệt, đến nỗi họ không bị bất cứ quyền lực nào chi phối, miễn là họ tránh các tội phạm. Đó là các chiến sĩ, những người bảo vệ Giáo hội; họ là những người bảo vệ dân, cả lớn lẫn nhỏ, tất cả, đồng thời bảo vệ an toàn bản thân.

Giai cấp khác nữa là hạng nông nô : những kẻ khốn khổ này chỉ có những gì do công sức lao động đem lại. Ai có thể dùng bảng cộng mà đếm nỗi bao lo toan của họ, bao chặng đường dài, bao công việc vất vả ? Tiền bạc, quần áo, thức ăn, đều do nung nô cung cấp cho mọi người ; không một người tự do nào có thể sống nếu không có hạng nông nô.

Nhà Chúa, mọi người đều tin là chỉ có một, nhưng được chia làm ba : người này cầu nguyện, kẻ khác chiến đấu, kẻ khác nữa lao động. Ba thành phần cùng sống chung này không thể tách rời nhau được ; công việc của thành phần này là điều kiện để hai thành phần còn lại hoạt động; mỗi thành phần theo lượt mình có nhiệm vụ nâng đỡ toàn thể. Như thế cộng thành ba thành phần này không thể thiếu một ; chính nhờ đó luật pháp được tôn trọng và thế giới an hưởng thái bình".
(Adalbéron, Poème au Roi, l'An Mille, p224 - JC. Để đọc LSGH I tr. 136)

CHUYỆN GIÁM MỤC Ở MANS THẾ KỈ X

Lãnh Chúa Mainard giám mục (951-971) thuộc hàng quí tộc, anh em với tử tước thành Mans. Sống giữa đời ông có nhiều con trai và con gái. Không ai coi ông là giáo sĩ mà chỉ là một giáo dân thường. Thế nhưng, vì thành phố đã lâu thiếu giám mục và vì nhiều người muốn bỏ tiền ra mua chức vị, nên vị tử tước liền chọn điều yếu đuối để quật ngã kẻ mạnh, chọn Mainard làm giám mục, dù biết rõ ông mù chữ và dốt nát, để hợp như lời kinh thánh : quê mùa mà khiêm tốn giá trị hơn hiểu biết mà kiêu ngạo. Với sự đồng ý của nhà vua và hàng giáo sĩ Ông được chọn làm giám mục vì sự khiêm tốn và đơn sơ

Sau khi giám mục Mainard qua đời, ông Sifroi, kẻ có đời tư đáng trách về mọi mặt đã chiếm tòa giám mục. Ông làm tiêu tan những gì vị tiền nhiệm đã xây dựng. Mà thực ra, ông đã phá giáo phận từ trước khi thụ phong. Ông tặng cho bá tước Foulques thành Anjou một phần đất của giáo phận, để nhờ vị này can thiệp với vua Pháp cho ông làm giám mục !

Đến sau, khi nhận thức những lỗi lầm của mình, ông tỏ ra khóc than về tội mình. Nhưng than ôi ! Ông lại phạm tội nặng hơn nữa khi quan hệ với một phụ nữ ... Bà cho ông một cậu con trai tên là Aubri, khi cậu đã trưởng thành, ông trao cho cậu toàn bộ tài sản của địa phận.
(Xc Latouche, Le film de l'histoire médiévale. JC, Để đọc LSGH I,p.135)

ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO HỘI THỜI PHONG KIẾN

1/ Chính sách hòa bình : Với đề nghị của nhiều giám mục, các lãnh chúa nhiều nơi chấp nhận quyền nhận hay không nhận lời thách đấu của các thành phố hoặc hiệp sĩ; cấm đánh lén và phải báo trước để đối phương chuẩn bị.

2/ Ngày hưu chiến : Đức Gioan XV là người đầu tiên đưara sáng kiến về ngày hưu chiến trong cuộc chiến giữa vua Anh và ông hoàng Normandie. Tuy khi đó thất bại, nhưng ngài đã mở ra một truyền thống mới

- Công đồng Elne 1017 buộc ngưng chiến từ 9 giờ sáng thứ bảy đến 1 giờ sáng thứ hai để mừng Chúa sống lại

- Công đồng Nice 1041 : buộc ngưng chiến từ chiều thứ tư đến rạng sáng thứ hai.

- Công đồng Narbonne kêu gọi ngưng chiến thêm mùa vọng, mùa chay, các tuần bát nhật và các đại lễ kính Chúa hoặc Đức Mẹ.

Tuy luật hưu chiến thường bị vi phạm, nhưng cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ giúp người chiến sĩ nhận thấy sự phi lý của chiến tranh.

3/ Phong trào hiệp sĩ : Từ thế kỷ XI, các hiệp sĩ đều được hướng dẫn sử dụng năng lực của mình để cứu nhân độ thế. Để gia nhập hàng ngũ hiệp sĩ, các chàng trai thường phải qua nhiều cuộc thử nghiệm năng lực và đức tính . Rồi sau một đêm canh thức cầu nguyện, anh sẽ có một nghi thức long trọng thánh hiến, được trao kiếm và áo giáp. Anh sẽ tuyên thệ bênh vực những người cô thế cô thân, cô nhi quả phụ, tuyên thệ góp phần trừ gian diệt bạo. Tinh thần hiệp sĩ tạo nên một lớp người "quân tử - võ sĩ đạo" tại thế giới Âu Châu.

ĐAN SĨ NICÉTAS PHÊ BÌNH PHÍA LATINH

Những ai ăn bánh không men là vẫn sống dưới bóng luật cũ, là ăn tiệc Do thái chứ không phải dùng lương thực thiêng thánh của Đức Kitô (...). Làm sao các bạn hiệp thông với đức Kitô, Đấng hằng sống khi ăn bánh không men của Cựu ước, chứ không phải là men mới của Tân ước (..) Ai dám dạy người ta cắt đứt hôn nhân của linh mục (...).

Vậy thưa các bạn, các bạn hãy phân xét kỹ lưỡng vấn đề, xem chúng có theo nguồn mạch Do thái không ? Tôi muốn nói đến các cơn dịch cần loại bỏ là : ăn bánh không men, giữ chay thứ bảy và buộc linh mục độc thân.
(JC. Để đọc LSGH I, p.138)

BẢN KẾT ÁN CHÍNH THỐNG

Do Hồng y Humbertô soạn năm 1054

... Còn về Michael, kẻ tiếm quyền giáo chủ và những kẻ thông đồng với cơn điên rổ của y, quả là đầu mối gieo rắc mỗi ngày các thứ lạc thuyết tại Constantinople. Như kẻ mại thánh, họ buôn bán ơn Chúa... Như nhóm Nicolaisme, họ cho các thừa tác viên bàn thánh cưới vợ... Như nhóm chống lại Thánh Linh, họ chối Thánh Linh nhiệm xuất bởi Chúa Con. Như bè Manikê, họ tuyên bố bánh có men mới có sinh khí ... Hơn nữa họ cho linh mục để tóc để râu, từ chối hiệp thông với thói quen tại Roma cạo râu và hớt tóc.

Vì thế, không thể chịu nỗi những sỉ nhục vô lý đối với đệ nhất tông tòa ... chúng tôi ký bản vạ tuyệt thông cho Michael và đồng đảng. Vạ do thánh giáo hoàng tuyên bố chống lại họ, nếu họ không hối cải, rằng : Michael, kẻ chiếm nhậm chức vị giáo chủ...và những ai theo y trong các tội kể trên đều bị vạ tuyệt thông, maranatha (?) với bọn mại thánh. Amen. Amen. Amen.
(JC,Để đọc LSGH I,p139. - Theo Jugie, Le chisme Byzantin)

TUYÊN NGÔN CHUNG Đ.PHAOLÔ VI VÀ Đ.ATHENAGORAS
07.12.1965

"Giữa những trở ngại cho việc phát triển tình liên đới huynh đệ, lòng tín nhiệm và quý mến giữa Công giáo và Chính thống, có bóng dáng những kỉ niệm buồn, những quyết định và văn bản năm 1054, các bản vạ tuyệt thông.

Đức giáo chủ Phaolô VI và giáo chủ Athenagoras trong hội nghị đã cùng nói lên ước muốn được nhau cùng phục vụ công lý và hợp nhất đức ái các tín hữu của mình, đã nhắc lại lời của Chúa :"Khi con đến bàn thờ dâng lễ vật ..." (Mt 5,23t), hai vị cùng tuyên bố như sau :

"a. Hối tiếc về những lời xúc phạm, những lời trách cứ thiếu nền tảng và những hành vi đáng lên án của cả hai phía, trong và sau những biến cố đáng buồn đó.

b. Hối tiếc và xin xóa đi trong ký ức những bản vạ tuyệt thông lẫn nhau. Nó vốn đang là trở ngại chính cho việc xích lại gần nhau trong đức ái, chớ gì chúng được quên đi.

c. Hối tiếc về những điều đáng buồn trước đó và những biến cố sau này, chịu tác động bởi nhiều nguyên cớ, nhất là vì thiếu hiểu biết và coi thường lẫn nhau đã đưa đến việc cắt đứt mối hiệp thông của Giáo hội."

Qua việc công khai tha thứ cho nhau, đức Phaolô VI, thượng phụ Athenagoras và hội nghị đều ý thức rằng chưa đủ để chấm dứt những dị biệt xưa và mới đây. Nhưng dưới tác động của Thánh Linh, những dị biệt ấy phải được vượt qua, nhờ sự thanh luyện tâm hồn; nhờ ý thức những sai lầm lịch sử và nhờ ước vọng được hiểu biết và diễn tả chính xác hơn niềm tin các tông đồ."
(JC,Để đọc LSGH I,p.140)

THỜI ĐIỂM 1054

Thời điểm 1054 là dấu nối đặc biệt giữa hai giai đoạn Trung cổ. Phía đông phương, triều đại huy hoàng của các vua Macêđoan vừa sụp đỗ, đồng thời Chính thống giáo được dứt khoát thành lập. Ngược lại bên tây phương, sau sáu thế kỷ mò mẫm, một giai đoạn mới của văn minh tây âu được hình thành.

1054 : chấm dứt thời cảm hóa man dân, các chủng tộc xa lạ như Goth, German, Vandal ... trở thành anh em, hầu hết các nước Âu châu đã được Kitô hóa.

1054 : Thời đại phong kiến hỗn độn đang chuyển dần sang hệ thống tập trung quyền hành vào một số vị vua Anh, Pháp, Đức, TBNha...

1054 : Các chủng tộc định cư bắt đầu bước vào thời xây dựng, chấm dứt thời đại đen tối, khởi sự thời hoàng kim mà Justiano và Charlemagne đã từng mơ ước nhưng thất bại.

1054 : Cũng là chuyển đoạn trong lòng Giáo hội, các giáo hoàng thoát ly quyền bảo hộ của các hoàng đế, công cuộc đổi mới các dòng tu và giáo sĩ đưa đến việc cải tổ toàn diện.

1054 : Công cuộc truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội sinh hoa kết trái, tạo ra nền văn minh Kitô giáo cho xã hội mới là Nước Kitô.

Sáu thế kỷ đã trôi qua, công trình của Giáo hội là kết quả của sự kiên nhẫn lâu dài

Trong bão tố xâm lăng vẫn không thất vọng, tin tưởng vào sức mạnh của tin mừng, yêu thương những anh em đô hộ và thu phục họ cho Đức Kitô.

Cách âm thầm nhưng kiến hiệu, Giáo hội đã rửa tội cho từng khu vực, nhân bản hóa các tục lệ phong kiến, tạo thế quân bình giữa các thế lực, cổ võ nền luân lý lành mạnh của Phúc âm và duy trì các kho tàng văn hóa cổ thời.

Cộng tác với thế quyền, tuy cũng có một số điều đáng tiếc, Giáo hội phục vụ hạnh phúc của con người.

Và như vậy, suốt sáu thế kỷ, cả những lúc bi thảm nhất, khi bị giới quí tộc Lamã chi phối, Giáo hội vẫn không hề thất vọng, biết vận dụng mọi cơ may nhân loại trên một mục đích duy nhất là "Nguyện Nước Cha trị đến".

Dù man dân xâm lấn, dù nhiều đứa con của ánh sáng đôi khi đồng lõa với bóng tối, dù có những đại diện tối cao của Giáo hội không đáp ứng nỗi những đòi hỏi của thời đại, thì hạt cải nước trời vẫn lớn lên cho muông chim đến ẩn náu. Sự phát triển của Giáo hội không chỉ dựa trên những tiêu chuẩn phàm nhân mà dựa vào những tiêu chuẩn của đức tin và đức cậy.

Sáu thế kỷ nhìn lại, Giáo hội không phát triển do chính sách khôn khéo của những con người mà do chính Thiên Chúa nâng đỡ . Tuy không thiếu những nhân vật tài ba, nhưng sức mạnh của Giáo hội vốn ở những vị thánh như Antôn, các giáo phụ, Biển đức, Bonifacio... những con người nhận Đức Kitô là đường là sự thật và là sự sống làm thủ lãnh, và đã quảng đại dấn thân không mệt mỏi để giúp tha nhân nhận ra điều ấy.


2450    01-02-2011 09:58:27