Sidebar

Thứ Sáu
03.05.2024

Cổ Võ Học Lời Chúa - Tháng 11 năm 2006

CHỦ ĐỀ: CỔ VÕ HỌC LỜI CHÚA

I. HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẶC KHẢI số 26

Ước gì nhờ việc đọc và học hỏi Sách Thánh, “Lời Thiên Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh” (2 Tx 3,1), và kho tàng mạc khải, đã được uỷ thác cho Giáo Hội, ngày càng lấp đầy tâm hồn con người. Cũng như đời sống Giáo Hội được tăng trưởng nhờ năng tiếp xúc với mầu nhiệm Thánh Thể, cũng thế ta được phép hy vọng rằng đời sống thiêng liêng nhận được một sự thúc đẩy mới nhờ việc tăng thêm lòng sùng kính Lời Thiên Chùa, là Lời “tồn tại muôn đời” (Is 40,8; x. 1 Pr 1,23-25).

II. DẪN GIẢI

Hiến chế mong cho tín hữu đọc và học Kinh Thánh để Lời Chúa được phổ biến và được tôn trọng.
Hiến chế mong cho kho tàng mặc khải lấp đầy tâm hồn tín hữu.
Hiến chế nhắc chúng ta: Hội Thánh nhờ Thánh Thể mà sống lớn mạnh, thì tín hữu cũng phải nhờ Kinh Thánh giúp đời sống thiêng liêng tăng trưởng.

III. CHUYỆN MINH HOẠ

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Ngày đầu tiên trong một lớp học về Kinh Thánh tại một làng ở Columbia, có khoảng 25 người tham dự, người ta thấy trên vách tường có dòng chữ: “Thiên Chúa là tình yêu”.

Vị linh mục hỏi: “Ai đã viết câu nầy?”.
Một phụ nữ trả lời: “Thưa con viết”.
Vị linh mục lại hỏi: “Tại sao con viết câu ấy?”
Người phụ nữ đáp: “Vì vách tường trơ trụi quá!”
Vị linh mục: “Nhưng tại sao con lại có ý muốn viết câu nầy?”
Người phụ nữ:”Tại vì câu ấy rất đẹp”.
Vị linh mục: “Con tìm thấy câu ấy ở đâu vậy?”
Người phụ nữ: “Chính con nghĩ ra câu ấy! Con nghĩ rằng chúng ta, những Kitô hữu cần phải biết điều đó”.
Vị linh mục liền nói: “Bây giờ chúng ta mở Kinh Thánh, Thư Thứ I Thánh Gioan, chương 4, đoạn 8”.

Đợi cho mọi người mở đúng đoạn Kinh Thánh vừa nói, vị linh mục mời người phụ nữ đọc lớn tiếng cho mọi người nghe. Chị ta đọc: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU”.

Lời Chúa đáp ứng những đòi hỏi sâu thẳm nơi lòng con người và chỉ có Lời Chúa mới có thể giúp chúng ta giải đáp mọi vấn nạn trong cuộc đời, củng cố niềm hy vọng, đem lại sự bình an.

IV. DIỄN GIẢI

Hội Thánh cổ võ việc đọc và học Kinh Thánh bởi vì chỉ có Lời Chúa - Chúa Kitô hiện thân qua Lời của Người - mới giải đáp thỏa đáng cho những vấn nạn sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người, một lúc nào đó sẽ lên tiếng: sống để làm gì, chết đi về đâu, tại sao có đau khổ..v.v…chính Chúa Giêsu qua Kinh Thánh sẽ dạy chúng ta sự thật về cuộc đời mỗi người và khơi nguồn hy vọng cho chúng ta. “Ước gì nhờ việc đọc và học hỏi Sách Thánh, Lời Thiên Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh” (2 Tx 3,1), và kho tàng mạc khải, đã được ủy thác cho Giáo Hội, ngày càng lấp đầy tâm hồn con người” (MK 26).

Ngay cả trong việc đọc kinh-nguyện, Hiến Chế Mặc Khải cũng mời gọi chúng ta đọc Kinh Thánh để gặp được chính Chúa: “Nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc KinhThánh , để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh” (MK 25).

Chỉ có Kinh Thánh mới có thể đáp ứng những khát vọng thiêng liêng sâu xa nhất của con người, một cách rõ ràng và chân thật:

“Lời Chúa là đèn soi bước chân con, là ánh sáng chỉ đường cho con” (TV 119, 105). “Lời Ngài là sự thật” (Ga 17,17).

“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm 3, 16-17).

Cần đọc và học Kinh Thánh vì Lời Chúa đưa ra giải đáp tận căn cho những thắc mắc của chúng ta đồng thời định hướng cuộc đời chúng ta:

- Kinh Thánh giải thích nguồn gốc của muôn loài: Chính Chúa là Đấng đã dựng nên trời đất muôn vật. Vạn vật không phát sinh từ “ngẫu nhiên” hoặc từ vật chất tiến hoá mà thành. Trật tự muôn loài theo chủng loại không phát sinh từ ngẫu nhiên và vật chất vô hồn không thể là nguồn phát sinh sự sống. Sự sống chỉ có thể sinh ra từ sự sống.

“Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự…Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người” (CV 17, 24.25.28).

- Người đời hãnh diện vì gốc gác, dòng dõi của mình, thuộc hàng cao trọng trong xã hội. Kinh Thánh dạy cho biết chúng ta thuộc về gia đình của Chúa, Đấng tối cao và đầy quyền năng, Ngài là Vua Vũ Trụ.Vậy đâu là gia đình của Chúa?

“Nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống” (1Tm 3, 15). Và những ai thuộc về gia đình của Thiên Chúa là những người sống theo ý Chúa: “Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 49).

- Con người dễ thất vọng, khi không được yêu thương, không được ai quan tâm đến mình, nhất là những lúc gặp khó khăn. Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa quan tâm đến chúng ta biết chừng nào!

Ngài quan tâm đến vận mạng của chúng ta: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10, 29-31).

Ngài trực tiếp chăm sóc cuộc đời chúng ta: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Giac 1,17).

Ngài yêu thương hết mọi người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

- Giữa những chọn lựa cho mục đích đời mình, người thì chọn tiền bạc, kẻ chọn sự nghiệp, địa vị xã hội, kẻ khác lại chọn lấy lạc thú để sống đời mình…nhưng tất cả những điều đó không làm thỏa mãn khát vọng sâu xa của con người: tôi sống để làm gì? Chính Kinh Thánh trả lời cho vấn nạn sâu xa về mục đích đời người.

Thiên Chúa dựng nên chúng ta để sống và làm việc cho Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người; còn các sự khác Người sẽ ban thêm cho” (Mt 6, 33). Mục đích của đời người, theo Kinh Thánh, chính là : “Kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người” (Gv 12,13)

- Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết chính Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến trần gian, chịu chết để cứu chúng ta khỏi chết vì tội. Thực vậy, một lúc nào đó trong đời sống, con người nhận ra cảm thức tội lỗi đè nặng tâm hồn mình. Thánh Luca viết: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Con người cần ơn tha thứ, để thoát ách tội lỗi; nhưng chỉ có một phương thế duy nhất để đạt được điều đó là nhờ Đức Giêsu Kitô: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi. Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8; 1Tm 2,6; Dth 2,9; Ga 3,16).

- Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết không phải chết là hết…nhưng còn một kiếp sống bên kia cái chết, có phán xét: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dth 9, 27); có thưởng, có phạt căn vào những điều tốt hay xấu ta đã làm khi còn sống: “Vì tất cả chúng ta đều phải được đưa ra ánh sáng, trước toà Đức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác” (2Cor 5,10); và nhất là có hạnh phúc đời đời bên Thiên Chúa hằng sống: “Người dữ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người lành ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,46)

Hạnh phúc đời đời là gia tài dành để cho những ai tin vào Thiên Chúa. Họ chính là con cái Thiên Chúa. Vậy làm thế nào để trở nên con cái Thiên Chúa? Cần phải có lòng tin, sám hối lỗi lầm, xưng thú tội lỗi và lãnh nhận Phép Rửa tội (Gal. 3, 26-27; Mc 16, 15-16; Cv 2,8; Rm 1,16). Đồng thời còn phải trung thành sống theo ơn gọi làm con Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận (2Pr 1,3-11).

Thật cần thiết biết bao mỗi người có một quyển Kinh Thánh, hay ít ra việc khuyến khích đọc và học hỏi Kinh Thánh được phổ biến rộng rãi cho mọi tín hữu, để mỗi người có thể trực tiếp chạm đến Lời Chúa, đến chính Chúa, qua đó Chúa hướng dẫn mỗi người cách sống cụ thể và thực tế từng ngày, phù hợp với đường lối của người, để chúng ta sống đời mình đúng hướng, được bình an và được cứu độ.
(Tham khảo: David E. Pratte, www.gospelway.com)

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết tìm nguồn sống nơi Lời Chúa bằng cách ra sức học hỏi Lời Chúa mỗi ngày. Amen

KIỂM ĐIỂM

Tôi có đọc và học Kinh Thánh không ?
Tôi có tôn trọng và ham thích đọc Kinh Thánh không ?
Kinh Thánh đối với tôi dường như xa lạ, không liên hệ ? Tâm trạng tôi thế nào ?
Có bao giờ tôi cổ võ cho anh em tìm đọc, và ham mộ sống Lời Chúa không ?

GỢI Ý SÁM HỐI
Tôi không động viên những người trong gia đình tôi học hỏi Lời Chúa . Xin thương xót tôi.
Tôi không tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người có cơ hội học hỏi Lời Chúa.
Có những lúc tôi còn ngăn cản, hoặc cấm những khác học hỏi Lời Chúa, bằng nhiều cách.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

LỜI NGUYỆN CHUNG
Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa đã và đang phán dạy loài người nhiều lần, nhiều cách, ngay cả nhờ chính Con Một Mình, để mọi người được thực hành Lời Chúa. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho mọi người quan âm cổ võ việc học hỏi Lời Chúa:

- Chúa phán: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Chúng ta cầu nguyện mọi người trong Hội Thánh, hăng say cổ võ cho việc rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc.

- Chúa phán: “Điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, chẳng những chăm chỉ học hành Lời Chúa, mà còn dùng nhiều cách để làm cho mọi người được nghe giảng Tin Mừng.

- Chúa phán: “Các con là muối cho đời, là ánh sáng cho tràn gian”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi Kitô-hữu ham thích học hỏi Lời Chúa, và sống Phúc Âm, nên gương sáng cho mọi người cũng sống Lời Chúa.

- Chúa phán: “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Thầy”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, tạo điều kiện và giúp đỡ nhau học hỏi Lời Chúa, xứng đáng là môn đệ Chúa Kitô.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa đã dùng nhiều lần nhiều cách để giảng dạy loài người. Chúa ban Ngôi Lời Chúa cư ngụ giữa chúng con. Xin ban Thánh Thần giúp chúng con niệt tâm yêu mến Lời Chúa, hầu đáng được hưởng nguồn vui trong Nước Trời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

LỜI ĐỂ ĂN

Văn hào André Froissardù thuộc Hàn lâm viện Pháp có viết: “Kinh Thánh không phải là một cuốn sách tầm thường, mà là văn bản đầu tiên của Thánh Thể. Đó là Lời để chúng ta ăn, là yếu tố để chúng ta sống. Thiên Chúa ở chính trong thông điệp của Ngài”.

Lời Chúa là của ăn: “Ta là bánh hằng sống” (Ga 6, 35).

Lời Chúa là nước giải khát: “Đến cả đi, hỡi những ai đang khát, nước đã sẵn đây” (Is 55, 1 – 2).

Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình lắng nghe và học hỏi Lời Chúa. “Hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa, chớ cứng lòng” (Tv 95, 7-8). Giáo Hội khuyên chúng ta, là con cái, năng bẻ bánh Lời Chúa và hằng đến nguồn suối thiêng, tức là năng đọc, suy niệm và chia sẻ Lời Chúa.

Froissard quả quyết rằng: “Lời Chúa, với người có tín ngưỡng, đó là một tác phẩm được linh ứng, có mục đích giải bày những nhận thức để gặp gỡ Thiên Chúa. Với người vô tín ngưỡng, đó là lịch sử đầy biến cố của chính bước đầu của họ trong lịch sử; khi dở những trang của quá khứ, họ sẽ nhận ra nhiều hình ảnh hiện tại của họ; rồi họ còn nhận ra rằng trên mặt đất này, nơi mà không một biến cố nào xảy ra hai lần giống nhau, chẳng có gì mới mẻ hơn là cái vĩnh cửu.

Thời đại chúng ta là thời đại ham tin tức, nên không có quyền bỏ qua cuốn sách mênh mông này, cuốn sách như dòng sông chảy từ đầu thời gian, và nước của nó, như suối mầu nhiệm, đã nuôi dưỡng biết bao tín ngưỡng, biết bao nền văn hiến.

Với sự chăm chú của những tâm hồn đơn giản và những trí khôn không vướng bận thành kiến, chúng ta hãy lắng nghe tiếng thì thào đến với chúng ta từ khi vũ trụ bắt đầu, và tiếng ấy nói về chính chúng ta đó”.

VII. HỌC KINH THÁNH

Bài 11: CHÚA CỨU MÔISÊ
(Xh 1- 2).

1/ Thời thơ ấu và niên thiếu của Môisê có những đặc điểm nào?
Thời thơ ấu và niên thiếu của Môisê có những đặc điểm như sau:
* Ông đã thoát chết khi còn bé bỏng.
* Ông được giáo dục trong cung đình Pharaon: một sự chuẩn bị cần thiết cho nhà lãnh đạo sau nầy.
* Vì bênh vực người Do thái nên ông đã giết tên Ai cập khiến ông phải trốn vào xứ Mađian (Xh 2, 11-15). Ở đó ông chăn súc vật cho gia đình thầy Cả Giêtrô (Xh 2, 16-21; 18,1).
Lời Chúa: “Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob”. (Xh 2, 24).

VIII. THÁNG 11, NHỚ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

THÁNG CÁC ĐẲNG, THÁNG HIỆP THÔNG

Khỏi đầu bằng lễ kính các Thánh, đầu ngày mồng hai lễ cầu cho các Đẳng.

Các Đẳng? -Tiếng đẳng có thể chúng ta không biết rõ, nhưng có thể hiểu: đẳng là một cấp bực cao hơn người đang sống. Ghép hai lễ gần nhau, để nhắc chúng ta trong tháng 11 hằng năm, nên chú tâm đến điểm sống hiệp thông.

Giáo lý hiệp thông nghĩa là giáo lý dạy cho chúng ta biết: các Thánh trên trời, các linh hồn trong luyện ngục, và các tín hữu đang sống nơi trần gian, hợp thành như một đại gia đình của Thiên Chúa: Liên kết nhau, hiệp thông nhau.

Các thánh, dĩ nhiên không cần nhờ chúng ta giúp, nhưng các ngài vẫn giúp chúng ta. cầu bầu cho chúng ta, nêu gương... và mong chúng ta đoàn tụ thân tình hơn với các Ngài. Phần chúng ta, cũng không được quên các ngài, thỉnh thoảng nhìn các ngài, nhờ các ngài cầu Chúa cho mình và øcũng mong được cùng các ngài chung sống trong nhà Cha trên trời.

Hiệp thông với các đẳng, vì là thành phần cần được giúp hơn nên tháng 11 được gọi là tháng các đẳng. Hội thánh muốn chúng ta đặc biệt giúp các linh hồn đã lìa trần, nhứt là những thân nhân. Việc tiếp xúc với tiền nhân đã qua đời không xa lạ với tư tưởng Á Đông. người Việt mình tin: hễ chết rồi thì hồn được lên nơi cao, nghĩa là được ở trong tình trạng trổi vượt hơn, có quyền năng hơn lúc còn sống, nên có khả năng phù hộ con cháu. Do đó, người sống và người chết vẫn tiếp xúc với nhau.

Còn chúng ta, theo lời Chúa dạy: chết rồi, con người không bị tiệu diệt hoàn toàn; xác thì tan rã, còn hồn phải qua một cuộc phán đoán; tùy chính cuộc sống của mình đã qua mà Chúa phán định: cho lên thiên đàng ngay, hay phải trãi qua giai đoạn thanh luyện. Đó là những linh hồn chúng ta vẫn tôn xưng là các đẳng.

Các ngài vì ở trong tình trạng định rồi. Định nghĩa là Chúa xử và định án rồi không chạy chữa đâu được nữa cho nên chỉ còn nhờ chúng ta gíup. Đối với thân nhân, ân nhân, cầu giúp là phận sự, còn với mọi người ít nhiều cũng kể là phận sự bác ái. (Chúng ta có thể cầu nguyện, hãm mình, bố thí, dâng lễ v.v xin cho các ngài được mau chấm dứt thời gian thanh luyện).

Phần các đẳng, dầu đang thanh luyện các ngài cũng có thể van nài nguyện xin cho chúng ta: hiệp thông. Riêng chúng ta dĩ nhiên phải hiệp thông với các Thánh, hiệp thông với các đẳng mà cũng phải hiệp thông với nhau. Mình là một thành phần của đại gia đình của Chúa, không có quyền sống biệt lập như một hòn đảo giữa biển, không có quyền sống cho riêng mình. Tội lây vạ tràn, phước lưu tử tôn (cũng chó thể nói lưu cho hậu thế).

Nếu không được như tu sĩ sống hiến thân cho Chúa, cho mọi người, thì cũng phải nhớ mình liên kết với mọi người, không làm chi hại đến họ đạo, sống tốt để kéo ơn Chúa xuống cho mọi người. Hiệp thông hơn nữa là khuyến khích nhau, cộng tác với nhau trong các việc đạo đức, từ thiện, đau với người đau, vui thú với anh em vui thú nên một trong ChúaKitô.

Chúng ta nghĩ thế nào về tháng 11, muốn sống tháng 11 thế nào?. Hay... ngày tháng như nước chảy qua cầu ? !

IX. TẢN MẠN

CỔ VÕ HỌC LỜI CHÚA

Hội Thánh mong mỏi cho chúng ta tìm đọc và học hỏi Lời Chúa... càng mong mỏi cho chúng ta được ham mộ và sùng kính, lại còn muốn cho chúng ta khích lệ cổ võ cho người khác nữa! Nghe như thế anh bạn tôi nghĩ sao ? Phần tôi... bất ngờ,... tôi có phần lúng túng đấy!

Cổ võ có thể hiểu là đánh trống nhảy múa...để kích động cả hội trường. Khổ nỗi không biết đánh trống, không biết nhảy múa, giả như liều... thì đánh trống như vỗ vách vỗ bung, còn nhảy thì có khi như khỉ, hay nhảy cóc nhảy nhái thôi.

Còn như bạo phổi áp đặt cho thiên hạ!... thiết nghĩ như thế thì giống như cả vú lấp miệng em, em chưa đói, chưa khóc, chưa đòi... nhưng vì muốn cho đỡ khổ, muốn khỏi nghe khóc, nghe đòi,... nên cứ nhét vào miệng bé cho êm! Hiệu quả thế nào? Có thể nó ọc sữa hay phát phì... bề nào cũng có chổ không hay!

Đến những chuyên viên Kinh Thánh phấn đấu nhét vào đầu người những hiểu biết sâu rộng, cũng có thể chỉ lối hành động. Còn dạy cho biết mộ mến, tôn sùng, có thể cũng nên đặt vấn đề. Bây giờ phải làm sao?

Thiết nghĩ trước tiên mình phải nhìn nhận mình không có khả năng chỉ còn biết van nài Chúa cho mình biết tác động. Tác động thế nào, cũng phải mong nhờ nơi tia sáng Chúa soi dẫn! Có thể chúng ta khuyến khích tín hữu yêu mến chúa nhiều, thì cũng dễ yêu Kinh Thánh. Yêu Kinh Thánh nhiều thì lại giữ tình yêu Chúa thấm thía nồng nàn hơn.

Có một cậu thanh niên tình cờ bị một luồng sét ái tình... anh này đêm ngày nhớ đến người yêu, mong nghe giọng oanh của người yêu... rình nhìn qua cửa sổ để ngắm người yêu. Mê mệt được tiếp xúc ngồi kề, tỉ tê với người yêu. Xin cho luồng sét của Chúa tuôn vào nhiều người, để họ mê Kinh Thánh, hầu được nghe Chúa nói, nhìn được Chúa ở gần hơn...

Việc mộ mến Kinh Thánh là ơn Chúa ban. Những gì chúng ta chưa có, chúng ta không thể chia sẻ trao cho người khác được. Tiếp xúc với Chúa, nghe Chúa, nhìn Chúa... thấy được cả tâm hồn, cả phẩm giá, cả tình yêu vô tận của Chúa...có thể có được một tiếng sét tình yêu.

Khi cơn lũ đi qua !
Khi cơn lũ đất trời đi qua, nó cuốn phăng tất cả: sự no ấm, bình yên, những ước mơ, nụ cười….
Khi cơn lũ của dòng đời cuốn tôi, sự mệt mỏi chán chường cứ đè lên đôi vai, chờ buông xuôi, nhận chìm!
Trong cơn lũ đất trời, ta thấy sự vượt lên của những sinh linh bất hạnh, những tấm lòng nhân ái, và sự hy sinh cao cả.
Trong cơn lũ cuộc đời, lúc khó khăn tôi thấy được lòng người, nghiệm ra lẽ sống.
Lũ của đất trời rồi cũng sẽ rút đi, chỉ còn đọng lại phù sa, cây cỏ lại xanh tươi, kết trái…
Cơn xoáy cuộc đời rồi cũng qua, lòng ta lại bình yên, thanh nhàn…
Hãy biết chống chọi với lũ! Ta sẽ có phù sa và sự yên bình tâm hồn, và sẽ thấy nó không phải lúc nào cũng vô ích hoàn toàn. (Hoài Bảo)

X. NGHỆ THUÂT SỐNG

Chim đại bàng trong cơn bão
Bạn có biết rằng chim đại bàng biết trước khi nào bão sắp đến không?
Tôi nghe kể rằng, khi một chú chim đại bàng biết sắp có bão, nó sẽ bay tới một chổ nào đáo thật cao và chờ gió tới. Khi cơn bão ập đến, đại bàng mở rộng cánh, và chính cơn gió đầy nguy hiểm ấy, sẽ nâng đại bàng lên cao, cao hơn cả bão. Trong khi mưa bão gầm gừ giận dữ ở bên dưới, thì đại bàng đang sảy cánh ở bên trên. Đại bàng không đi trốn cơn bão, đại bàng lại dùng cơn bão để nâng nó lên cao hơn, vì nó cưỡi trên những cơn gió mang bão tới. Có lẽ chính vì vậy mà đại bàng mạnh mẽ, oai hùng và được coi là vua của các loài chim chăng?

Trong cuộc sống cũng có những cơn bão và ai trong số chúng ta cũng phải trải qua. Nhưng chúng ta có thể vượt trên những cơn bão đó bằng nghị lực và niềm tin của chính mình. Hãy nhìn những cánh đại bàng mà xem!

XII. LỜI HAY Ý ĐẸP

ĐỨC GIÊSU NÓI VỀ CHÍNH MÌNH

“Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” (Ga 9,5)
Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.” (Ga 11,25)
“Anh em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa.” (Ga 13,13)
Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào.” (Ga 10,7)
Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu! " (Ga 8,58)
Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35)

827    20-04-2012 14:50:48