Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Cuối Năm Bói Bệnh

Như đã ghi rõ trong bài học vỡ lòng ngày xưa, mỗi bộ phận của cơ thể đều có chức năng chuyên biệt, như lỗ rốn dùng để... thoa dầu cù là! Tương tự như thế, móng tay không chỉ là dụng cụ để tự vệ, để cào, để cấu... mà còn dùng để trang điểm cho các bà, các cô, khi thì sơn màu có pha kim tuyến, lúc lại vẽ hình trái tim... cho mềm lòng người đối diện. Sau này, học thêm mới biết móng tay là tấm gương phản chiếu chức năng biến dưỡng và khả năng kháng bệnh của cơ thể.

Trước hết, móng tay có cấu trúc bằng chất sừng, nghĩa là không dễ bị tổn thương. Do đó, tình trạng thường bị nhiễm trùng ở kẽ móng, hay nhiễm nấm trên mặt móng tay là dấu hiệu cho thấy sức đề kháng của cơ thể đã có nhiều điểm yếu. Nói cách khác, gặp bệnh ở móng tay thì liệu mà truy cho sớm bệnh ở nơi khác.

Kế đến, cấu trúc của móng tay rất thường khi bị thương tổn do chính lỗi của gia chủ, như ở người phải tiếp xúc quá thường với nước rửa chén, thuốc lau nhà, hóa chất gia dụng, hóa chất nông nghiệp... Một số không ít người than phiền sao móng tay quá mềm hay dễ gãy mà quên là do rửa tay quá thường. Giữ vệ sinh là đúng, nhưng thái quá thì không đúng bao giờ. Bên cạnh đó, một trong các nguyên nhân khiến móng tay phải mòn là do người có tật hay cắn móng tay. Có ăn có chịu là vậy.

Vì vai trò phản ánh thế giới bên trong của móng tay, người bệnh không nên sơn móng tay khi đến khám bệnh, trừ khi muốn giấu thầy thuốc. Mặt móng khô nhám nứt nẻ là triệu chứng cho thấy cơ thể đang chịu đựng độc tố nào đó, hoặc của rượu bia, cà phê, thuốc lá, chất béo trong thịt mỡ, phosphat trong thực phẩm công nghệ, đường hóa học trong nước giải khát, hay acid-oxalic trong trà... Mặt móng có nhiều đường sọc, dù ngang hay dọc, là dấu hiệu cho thấy chủ nhân của bộ móng đang tiêu dùng đến giọt cuối của kho dự trữ sinh tố và khoáng tố. Điều đó, có thể vì cuộc sống căng thẳng, hay vì căn bệnh nào đó kéo dài, hoặc vì dùng thuốc quá lâu như thuốc ngừa thai, thấp khớp, an thần...

Trong mọi trường hợp móng tay không bền, không đẹp là dẫn chứng cho thấy gia chủ phải có trục trặc nào đó trong khâu dinh dưỡng, thí dụ:

Thiếu hai khoáng tố vôi và silicium vì hai khoáng tố này giữ vai trò quyết định cho cấu trúc vững chắc của móng tay.

Không đủ lưu huỳnh, nhân tố cơ bản trong cấu trúc của nhiều loại chất đạm cần thiết cho sự tăng trưởng của móng tay. Xà lách soong, cá biển, trứng là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần của người biết thương móng tay.

Nhưng cho dù móng tay có bền mà thiếu sắt thì móng vẫn khó đẹp. Có khó gì đâu với đĩa cải luộc nhiều lần trong tuần.

Thêm vào đó, nhớ uống thêm thuốc đa khoáng tố mà quên biotin, sinh tố thuộc nhóm B giữ chất keo để khoáng chất gắn chặt vào móng, thì cũng bằng không.

Cũng trên cơ chế tương tự, với chế độ dinh dưỡng thiếu sinh tố D để bảo đảm quy trình hấp thu chất vôi và chất đạm keratin như lớp sơn bóng tráng đều mặt móng thì không có gì lạ nếu móng tay cứ hăm he chia tay cùng gia chủ.

Xem móng tay đoán bệnh là chuyện thường tình, dù không hiếm khi thầy thuốc giả vờ xem tới xem lui không vì móng tay, mà chỉ vì tò mò muốn biết nữ thân chủ mang nhẫn hột xoàn mấy ly mà sao sáng thế! Trong thời buổi lúc nào cũng căng thẳng thì còn gì tiện hơn một công hai việc. Nếu thầy thuốc gỡ mối tơ vò khi định bệnh bằng cách dựa vào hình thái của móng tay người bệnh, thì bệnh nhân cũng nên thừa dịp đó nhờ thầy ngửa nhẹ lòng bàn tay nhân ái để "khách hàng" lướt qua chỉ tay của thầy! Nếu "trí đạo" của thầy quá ngắn thì chỉ ngại nhiều năm rồi vì quá bận rộn với cuộc sống nên thầy không có giờ tu nghiệp hay đọc thêm sách chuyên khoa! Nếu "tâm đạo" của thầy quá cạn, lại thêm râu tia như xương cá thì chỉ e con số 30 trên toa thuốc của thầy không có nghĩa là 30 mi li gam hay 30 viên, mà là... 30% huê hồng! Tệ hơn nữa là khi "sinh đạo" của thầy đứt khúc nhiều lần. Liệu có ích gì với quyết định theo đuổi liệu pháp lâu dài khi người sớm "gãy gánh giữa đường" biết đâu lại là... thầy?!

Bao giờ cũng thế, có qua có lại mới toại lòng nhau.

1384    10-01-2011 06:08:48