Sidebar

Thứ Hai
29.04.2024

Dấn Thân Phục Vụ - Tháng 05 năm 2007

CHỦ ĐỀ: DẤN THÂN PHỤC VỤ

I. THƯ MỤC VỤ số 6

Con người mới theo gương Chúa Giêsu phải là con người dấn thân phục vụ. Nếu việc phục vụ tha nhân có thể giúp cho người khác nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Kitô hữu, thì chính việc phục vụ đó cũng có thể giúp Kitô hữu cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách rõ nét hơn. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã khẳng định về tác động hỗ tương cần thiết này giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người. Chính khi dấn thân phục vụ anh em, chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa một cách dễ dàng hơn. Ngài viết: "Chỉ có việc phục vụ tha nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài đã yêu tôi như thế nào" (Tđ. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 18) .

Như thế, dấn thân phục vụ con người là đòi hỏi tất yếu của đức tin Kitô giáo. Đời sống đạo luôn luôn phải được đặt trên nền tảng bác ái yêu thương, vì đây là điều răn quan trọng nhất (x. Mt 22,37-39) và là dấu hiệu rõ ràng nhất khẳng định chúng ta thuộc về Chúa Giêsu: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu hương nhau" (Ga 13,35).

II. DẪN GIẢI

1. Dấn thân phục vụ có thể hiểu hiến đời mình hay để một phần đời (những tác động) để phục vụ có thể hiểu đơn sơ là để giúp người.
2.
Phục vụ người giúp cho người thấy đươc Chúa ngay chính con người của mình, lại giúp cho chính mình cảm nghiệm được tình Chúa yêu.
3.
Đức Bênêđictô XVI lưu ý mời hỗ tương (liên hệ tiếp giúp). Càng phục vụ càng làm cho mình thấy được những điều Chúa làm cho mình và yêu thương mình.
4.
Phục vụ chính là cốt yếu mà đạo chúng ta đòi thực hiện.
5.
Phục vụ là dấu chứng mình thuộc về Chúa và là môn đệ của Chúa.

III. CHUYỆN MINH HỌA

MẸ TÊRÊSA CALCUTTA, VỊ TÔNG ĐỒ HOAN LẠC

Ngay lúc sinh thời, Mẹ Têrêsa đã được nhiều người coi như một vị thánh sống vì đã tận tuỵ hiến dâng cuộc đời cho những kẻ bần cùng và những người bị bỏ rơi trên khắp thế giới. Nhưng hôm 19 tháng 10 năm 2003 này, ngày Khánh nhật Truyền giáo, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong chân phước cho Mẹ thì thực thụ Mẹ đã một bước gần hơn tiến tới bậc hiển thánh.

Theo linh mục Brian Kolodiejchuk, là cáo thỉnh viên vụ tuyên thánh, Mẹ Têrêsa không chỉ là biểu tượng của một tấm lòng từ bi nhân hậu và một vị nữ tu hoạt động xã hội, mà còn hơn thế nữa. Sau đây là trình thuật của cha Brian - các nữ tu dòng Thừa sai Bác Ái thường gọi tên cha vắn tắt như thế - ngài sinh tại Winnipeg (tỉnh bang Manitoba, Canada) năm 1956 và gặp Mẹ Têrêsa năm 1977.

Chiều sâu của lòng phục vụ đầy yêu thương của Mẹ đã được khám phá trong suốt tiến trình tuyên thánh khởi đầu từ năm 1999, chỉ hai năm sau ngày Mẹ qua đời ở tuổi 87. Suốt cuộc đời, Mẹ Têrêsa đã rất kín đáo không đề cập tới những tranh đấu nội tâm cũng như nhiệt tâm thúc đẩy thành lập Tu hội Thừa Sai Bác Ái.

Trưởng thành về nhân đức

Cha Brian nói: Trong lúc điều tra về cuộc đời Mẹ Têrêsa tôi đã khám phá ra ngay lúc còn là nữ tu dòng Loreto dạy học tại Calcutta Mẹ đã trưỡng thành trong cuộc sống tâm linh. Năm 1948, lúc 40 tuổi Mẹ rời bỏ dòng tu Loreto sau khi tu tập đã 20 năm trời và cho rằng lúc ra đi Mẹ thấy khó khăn còn hơn cả lúc rời gia đình nữa. Ngay từ năm 1942 Mẹ Têrêsa đã long trọng nhưng âm thầm khấn hứa là sẽ không từ chối Chúa bất cứ điều gì. Đó là một bước quan trọng trong sự phát triển đời sống đạo đức. Coi mình như là người hiền thê của Chúa Giêsu, Mẹ Têrêsa đã “bừng cháy một niềm yêu mến Người như chưa từng yêu Người như thế”, Mẹ đã thuật lại câu đó. Và Mẹ muốn “làm điều gì thật tốt đẹp cho Chúa”.

Khoảng năm 1946-1947 Mẹ Têrêsa đã đạt tới giai đoạn quan trọng trong tiến trình tăng tiến về nhân đức. Mẹ đã có những đàm thoại nội tâm với Chúa Giêsu và Chúa đã yêu cầu Mẹ thiết lập một nhóm người mới để phục vụ những người bần cùng nhất, theo lời Mẹ, là “để thỏa mãn lòng Chúa khát khao tình yêu và các linh hồn”.

Mặc dầu Mẹ cảm thấy không xứng đáng với trách nhiệm lập tu hội, Mẹ nghe tiếng Chúa thách thức: “Con sợ là con sẽ mất ơn gọi, sẽ trở thành người thế tục, sẽ bị đòi hỏi phải kiên trì nhẫn nại. Này con, ơn gọi của con là yêu mến, là chịu khổ đau và cứu rỗi các linh hồn, và theo đường bước đó con sẽ thỏa mãn nỗi khát khao của trái tim Cha đối với con ”. Đã nhiều lần Mẹ nghe Chúa Giêsu hỏi Mẹ có từ chối lời Người yêu cầu không. Và Mẹ đã không từ chối Người.

Gương mẫu cuộc sống thánh thiện

Bằng một tấm lòng nao nức, Mẹ bắt đầu công tác mới phục vụ những kẻ cùng khổ nhất ở Ấn độ. Mẹ tìm thấy tấm gương khuôn mẫu nơi chị Frances Xivier Cabrini (1850-1917) một nữ tu người Ý đã phục vụ tại Mỹ. Mẹ Têrêsa viết: “Tôi đọc sách thuật về cuộc đời của thánh Cabrini, thấy rằng người đã phục vụ hết mình cho người Mỹ vì người đã hoà mình làm một người Mỹ như họ. Tại sao tôi lại không làm được ở Ấn Độ như thánh nhân đã làm ở Mỹ? ”

Giai đoạn cuối cùng trong sự tăng tiến về nhân đức của Mẹ đã tới khi Mẹ bắt tay vào công tác mới. Mẹ khổ sở vì điều Mẹ gọi là “Bóng tối”: Mẹ mong mỏi được Chúa, nhưng cảm thấy hụt mất Người.

Mẹ thú nhận: “Tôi càng mong mỏi Chúa tôi càng cảm thấy Người ít cần tôi”. Nhưng Mẹ vẫn kiên trì trong lời đã khấn hứa với Người và trung thành với kỷ luật tự đặt ra cho mình, chẳng hạn ngày nào cũng thức dậy vào 4g40 sáng để có mặt đầu tiên tại nhà nguyện. “Bóng tối” đã trở thành người bạn đồng hành với Mẹ. Mẹ hàng phục húa Giêsu bằng một đức tin thuần khiết nhưng mù quáng, tự coi mình như “cây viết chì trong tay Người”

Mẹ là chứng nhân mạnh mẽ cho điều mà nhiều người gọi là “đêm đen bao phủ tâm hồn”. Mẹ đã có lần viết: “Tôi tự hỏi khi mà trong nội tâm tôi chẳng có gì hết thì Chúa lấy gì mà nhận đây?” Trong một bức thư viết cho Tổng Giám mục Calcutta là Ferdinand Perier, Mẹ viết: “Linh hồn con có thật nhiều mâu thuẫn: con mong muốn Chúa thật sâu xa đến nỗi đau khổ triền miên, nhưng lại thấy Chúa chẳng muốn gì con, thấy bị ruồng bỏ, trống vắng, không niềm tin, không tình yêu, không nhiệt tình. Các linh hồn không còn là điều làm con hấp dẫn. Thiên đường không còn ý nghĩa, con chỉ thấy như là một nơi trống vắng. Vậy mà con lại bị hành hạ vì lòng mong muốn yêu mến Chúa. Xin cầu nguyện để con vẫn mỉm cười với Người bất chấp những chuyện đó. ”

Mẹ coi điều khổ sở nhất là nỗi khổ của những người không được yêu mến, không được chăm sóc, không được ai cần, những người nghèo nàn tâm linh mà chính Mẹ đã trải qua trong mối liên lạcvới Chúa Giêsu.

VietCatholic News ( 16/10/2003 )

IV. DIỄN GIẢI

Thư Mục Vụ mời goi chúng ta dấn thân phục vụ anh em vì Chúa: “ Con người mới theo gương Chúa Giêsu phải là con người dấn thân phục vụ. (số 6). Mà phục vụ anh em là thể hiện Niềm Tin và Tình Yêu vào Thiên Chúa của chúng ta. Và khi phục vụ thì ngoài việc chúng ta làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa thì đồng thời chính mình cũng cảm nhận được tình Chúa yêu thương. Hay nói cách khác, càng cảm nhận tình Chúa yêu thương chúng ta càng sẳn sàng dấn thân phục vụ người khác đến quên mình.

Nhưng trước hết, chúng ta thử tìm xem, theo đường lối Hội Thánh, thì phục vụ có nghĩa gì?

Theo Cựu ước, phục vụ Thiên Chúa là một hành vi Thờ Phượng. “Ông Giô-suê nói với dân: Anh em sẽ không thể phụng thờ (servir: phục vụ) ĐỨC CHÚA nếu anh em lìa bỏ ĐỨC CHÚA để phụng thờ các thần ngoại….Dân nói với ông Giô-suê: Chúng tôi sẽ phụng thờ (servir: phục vụ) ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của chúng tôi, và chúng tôi sẽ nghe lời Người. ” (Jos 24, 19-22).

Việc phục vụ Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong các nghi thức thờ phượng thôi mà còn phải thể hiện trong cả đời sống bằng việc tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa. “Vâng lời thì quý hơn mọi lễ hy sinh” (1 Samuen 15,22). Nhưng vâng lời cũng chưa phải là điều Chúa nhắm tới khi bảo chúng ta phục vụ Người, vì Chúa lại nói với Tiên tri Ôsê: “Ta muốn tình yêu chớ không cần hy lễ” (Os 6,6).

Nền tảng của việc phục vụ trong Đạo chúng ta phải xuất phát từ tình thương và vì tình thương. Chính Chúa Giêsu là mẫu gương phục vụ vì yêu thương. “Thế gian phải biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,30). Khi phục vụ Chúa Cha, Chúa Giêsu đã sửa chữa lại sự bất vâng phục của con người và dạy cho con người cách thế phục vụ Chúa Cha, đó là theo gương Chúa Giêsu hiến thân phục vụ anh em mình. “ Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình ” (Mt 20,28). Vì yêu Chúa Cha và con người mà Chúa đã hiến thân phục vụ phần rỗi chúng ta bằng cái chết khổ nhục và cuộc phục sinh vinh hiển của Người.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Huấn từ gửi Giới Trẻ Thế giới năm 1997 cũng đã nhắc nhở giới trẻ Công giáo bổn phận và lý do phải phục vụ và niềm vui của việc dấn thân phục vụ Chúa nơi mọi người:

Theo Đức Thánh Cha, việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong Bửa Tiệc Ly với lời dặn dò: “Thầy đã làm gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em ” (Ga 13,15) đã nói lên căn tính mới mẻ của đời sống người tín hữu là không chỉ yêu thương suông bằng lời, nhưng còn phải bằng hành động nữa. Ai không đón nhận điều đó, thì không thể là môn đệ của Chúa; còn ai phục vụ như thế thì đảm bảo sẽ được hạnh phúc đời đời.

Qua Phép Rửa Tội chúng ta chúng ta được tái sinh trong đời sống mới. Sống đời Kitô hữu là sống theo con đường yêu thương của Chúa. Vì Luật Chúa chính là luật yêu thương. Như men trong bột, người tín hữu nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, dấn thân phục vụ anh em mình, trong Hội Thánh, trong gia đình, trong nghề nghiệp, nơi xã hội mình đang sống … Đó chính là thể hiện ơn Phép Rửa và Phép Thêm Sức mà chúng ta lãnh nhận để làm chứng cho Chúa. Như vậy, sống phục vụ là sống đức tin!

Phục vụ là con đường dẫn chúng ta đến hạnh phúc và thánh thiện, vì tình yêu chúng ta dành cho Chúa và anh em. Đồng thời điều đó cũng mang lại niềm vui trong sáng cho tâm hồn chúng ta. Người ta có thể phục vụ mà không thương, nhưng không thể thương mà không phục vụ. Chính lòng yêu mến Chúa thúc đẩy chúng ta phục vụ anh em mình, và khi yêu thương chăm sóc phục vụ anh em chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa hơn. Niềm vui phát xuất từ chính nơi điều nầy, cũng giống như niềm vui của chim chóc là được hót, nhưng làm sao chúng có thể tìm được niềm vui nếu chúng không thể hót được.

Phục vụ là yêu thương, mà yêu thương thật sự thì bao giờ cũng là việc cho và nhận. Việc phục vụ vì yêu thương không phải là một việc mua bán đổi chác, nhưng là sự hổ trợ giữa những người yêu thương nhau, một sự hiệp thông, chia sẻ. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã nói: “Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu của Thầy” (Ga 15, 15).

Tình yêu chân thật thì không so đo, tính toán. Chúng ta yêu thương anh em vì ý thức rằng mỗi người đều có phẩm giá của mình. Trước mặt Chúa, mỗi người đều như nhau, không có người cao trọng hơn hay kẻ thấp kém hơn. Mỗi người là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa, cần biết tạo đều kiện cho nhau phát triển và được hạnh phúc.

Tuy nhiên, cũng như giống Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, trước khi đón nhận khổ hình thập giá để phục vụ phần rỗi con người và qua hy sinh (phục vụ) Người đạt tới chiến thắng vinh quang, thì việc dấn thân phục vụ của người tín hữu cũng phải trãi qua con đường khổ nhọc hỵ sinh. Và khi chúng ta chịu khó phục vụ anh em mình, chúng ta sẽ cảm nghiệm ra tình yêu mà Chúa đã hy sinh chịu chết thay cho chúng ta.

Chỉ những ai ý thức rằng mình được yêu thương, thì đến lượt mình, mới biết thương yêu. Phêrô đã để cho Chúa rửa chân cho mình và ông đã hiểu ý nghĩa hành động Chúa làm. Chỉ những ai có đời sống nội tâm thân tình với Chúa, mới, cảm nhận được tình thương và ân ban của Chúa, mới có thể sống theo gương Chúa.

Thật vậy, khi dấn thân phục vụ anh em mình, chúng ta gặp được chính Chúa: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). Bằng việc phục vụ chúng ta mở mang vinh quang Nước của Chúa trong thế giới nầy và góp phần phát triển con người.

Phục vụ là cách thế làm chứng cho đức tin, là loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống chứng nhân của mình, nhất là tại những nơi mà chúng ta không thể rao giảng về Chúa. Điều đó đôi khi đòi chúng ta dấn bước anh dũng với tất cả tình yêu thương của mình, với ơn phù trợ của Chúa.

Theo gương Chuá Giêsu cúi xuống rửa chân cho các Tông đồ, chúng ta cũng hãy cúi xuống phục vụ Chúa qua anh em mình. Đó chính là con đường dấn thân phục vụ mà chúng ta phải đi, theo gương Chúa Giêsu và nhờ sức mạnh của Người giúp ta vượt qua những khó khăn trong đời sống dấn thân cho anh em bằng việc kết hợp với Chúa, nhất là qua việc Rước Lễ.

(Theo Pape Jean-Paul II, Journée Mondiale de la Jeunesse 1997; Cyril Brun, Le serviteur 2, 2007)

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm vui và hạnh phúc khi được phục vụ Chúa, nơi anh em chúng con. Amen

KIỂM ĐIỂM

1. Có hiểu phục vụ là gì?
2.
Có thấy phục vụ lợi ích thế nào không?
3.
Có hiểu phục vụ không phải chỉ giúp đời giúp người thôi mà cũng giúp chúng ta đến với Chúa và biết Chúa yêu chúa?
4.
Tín hữu: Không biết phục vụ thì chưa hẳn là tín hữu, vì phục vụ là thành phần cốt yếu của đạo.
5.
Biết phục vụ mới được thuộc về Chúa và là môn đệ Chúa.

V. LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Kêu mời: Anh chị em thân mến,
Chúa Kitô nhập thể, nhập thế, sống giữa trần gian, để phục vụ phần rỗi của loài người. Ngài vẫn đang hoá thân nơi các Kitô-hữu để tiếp tục sứ mạng cứu chuộc nhân loại. Sống đạo chính là “theo lối sống của Chúa Kitô”. Chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:

Chúa phán: “Ta là Thầy, mà còn rửa chân cho các con. Vậy, các con cũng hãy rửa chân cho nhau ”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, theo gương Chúa Giêsu, dấn thân phục vụ phần rỗi đời đời cho mọi người.

Kết thúc dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Chúa phán: “Anh hãy đi mà làm như vậy”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, biết vâng theo lời khuyên dạy của Chúa trong Phúc Âm, mà yêu thương giúp đỡ mọi người.

Chúa phán: “Ta đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người”. Chúng ta cầu nguyện cho các Kitô-hữu, dám hiến dâng đời sống vật chất trần gian, trở nên công cụ loan truyền ơn Chúa cứu độ cho mọi người.

Chúa phán: “Khi trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi người trong họ đạo chúng ta, biết chừa bỏ tội lỗi và nếp sống nguội lạnh; trái lại, biết sống đạo sốt sắng và giúp anh em vững tin đạo Chúa.

Kết thúc: Lạy Chúa, Chúa ban Con Chúa nên gương mẫu cho trần gian sống theo ý Chúa. Xin lại ban Thánh Thần giúp chúng con can đảm xả thân phục vụ anh em, làm cho mọi người đạt tới ơn cứu rỗi đời đời. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

VI. ÁP DỤNG THỰC HÀNH

PHỤC VỤ ĐÍCH THỰC: “CHO ĐI VÌ YÊU”

Không có tình yêu đích thực thì sẽ không có phục vụ đích thực, không có phục vụ đích thực thì chưa phải là môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Trong tập sách có tựa đề “Tạ ơn Chúa”, văn sĩ Robert Jordan Mayer đã chia ra ba loại người “cho đi”: cho đi vì tức, chi đi vì bổn phận, cho đi vì lòng biết ơn. Và ông nhận định như sau:

Người cho đi vì tức thường nói: “Tôi không thích cho đi, vì kẹt quá nên đành phải làm như vậy ”. Cho đi vì tức thì cho đi rất ít, bởi món quà mà không có người cho thì không có giá trị.

Người cho đi vì bổn phận thì nói: “Tôi phải cho đi”. Cho đi vì bổn phận thì cho đi nhiều hơn người cho đi vì tức, nhưng món quà không hấp dẫn, không màu sắc.

Người cho đi vì lòng biết ơn thì nói: “Tôi muốn cho đi”.Cho đi vì lòng biết ơn thì cho đi mọi sự và làm cho thế gian nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa.

Tôi xin được phép thêm vào một loại “cho đi” nữa. Đó là cho đi vì yêu. Người cho đi vì yêu, không những cho đi mọi sự, mà còn cho đi tất cả, kể cả mạng sống. Mẫu gương cho đi vì yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình”. (Ga 15, 13).

1. Yêu là cho đi cả mạng sống.

Chính Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ và phục vụ cho đến chết, đã nói và đã thực hiện tình yêu này, trong lúc mà con người thù ghét và tìm giết Ngài. Tình yêu chân chính là tình yêu tìm kiếm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của người mình yêu, tức là muốn cho người mình yêu sung sướng bằng chính sự hy sinh cuộc đời mình. Đó mới là tình yêu cứu chuộc : Máu đổ đến giọt cuối cùng trên thập giá là dấu chỉ của một tình yêu cho đi đến tận cùng mạng sống.

2. Yêu là cảm thông.

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự ” (Phil. 2, 6 -8 ). Chúa Giêsu đã cảm thông với con người, trở nên giống con người, nói tiếng nói của con người để con người có thể hiểu tình yêu của Chúa.

Yêu là cảm thông, vì không biết thông cảm nhau và hiểu nhau mà nhiều gia đình ly tan, vợ chồng làm khổ nhau, nhiều đôi bạn thân trở thành thù địch. Nếu biết nói với người yêu bằng chính ngôn ngữ của người yêu, cảm thông với người yêu, thì đó là khởi đầu của tình yêu.

3. Yêu là van xin, là tự làm cho mình bị thương. (Yêu = yếu).

“ Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận ” (Ga 1,11). Chúa đã đến trong thế gian, nhưng thế gian không tiếp nhận Người, mà còn thù ghét và tìm giết Người. Người không muốn làm kẻ ban phát, nhưng muốn lập giao ước với con người, đi vào lịch sử của con người, và hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ của con người.

Yêu ai là tự đặt mình lệ thuộc vào người ấy. Một linh mục nhìn cảnh một ông chồng chìu chuộng vợ, bèn thốt lên: “Rõ khổ, đem thân làm nô lệ cho đàn bà !”, thì cũng “Rõ khổ”, vị linh mục có biết đâu cái mà ngài gọi là nô lệ, lại chính là hạnh phúc của người ta. Đúng vậy, yêu không phải là tỏ ra mạnh mẽ, hùng dũng, uy quyền, nhưng là có thái độ con tim, có tâm hồn thiếu thốn, cần được người khác bù đắp cho những ước vọng của mình. Yêu , phần nào đó, đồng nghĩa với yếu.

4. Yêu là tha thứ.

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. (Lc 23, 34). Tha thứ không chỉ là quên đi, nhưng là tiếp tục yêu người khác dù mình có bị xua đuổi, bị bỏ rơi. Yêu là vẫn hy vọng vào người mình yêu, mặc dù họ làm cho ta thất vọng. Yêu là sẳn sàng bắt đầu làm lại mới. Chính Chúa Giêsu đã làm như vậy. Tha thứ đối với Ngài là nhìn vào cái tốt của người khác. Từ đó, yêu cũng có nghĩa là phải có thái độ thơ ngây dại khờ, vì thái độ tha thứ thường đồng nghĩa với thái độ khờ khạo, vì luôn luôn có thể bị lường gạt, nhưng đó lại là tình yêu đích thực:Tình yêu không có tha thứ là tình yêu chết.

Không có tình yêu đích thực thì sẽ không có phục vụ đích thực, không có phục vụ đích thực thì chưa phải là môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin hãy khắc ghi thật sâu vào tâm con lời Chúa dạy về hy sinh phục vụ. Xin ban cho con ơn can đảm và trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh và ngay cả khi phải hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh em.

VII. HỌC KINH THÁNH

BÀI 17: CHÚA CHỌN DÂN NGÀI
(Xh 19)

1. Dân Israel được hình thành như thế nào? Và Môisê giữ vai trò gì đối với họ?

Dân Israel lúc đầu là một đám dân hỗn hợp, đa số thuộc dòng dõi Giacob. Nhân cơ hội con cái Israel rời khỏi Ai câp, một số sắc dân khác cũng nhập vào với dân Do thái. Họ chỉ trở thành một dân tộc khi cùng sống trong sa mạc: họ chấp nhận một nếp sống chung, một mục đích chung, một pháp luật chung, một sự lãnh đạo chung. Và như thế, Môisê đã trở thành vị thủ lãnh, thay mặt Chúa, để lãnh đạo đoàn dân nầy.

2. Ý nghĩa các dân tộc khác nhập vào dân Israel nói lên điều gì?

Các dân tộc khác được qui tụ làm một với dân Israel trở thành dân riêng của Chúa để tiên báo rằng: mọi dân tộc trên mặt đất cũng sẽ được kêu gọi trở thành dân riêng của Ngài (x. Is 49, 12; Lc 13, 28 tt).

Lời Chúa: “Tôi nói cho các ông hay: từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các Tổ phụ Abraham, Isaac và Giacob trong Nước Trời”. (Mt 8, 11).

Cầu nguyện:Xin cho con biết sống xứng đáng hơn trong tước vị được làm con Chúa. Amen

VIII. NĂM SỐNG ĐẠO

SỐNG ĐẠO BẰNG TÌNH CẢM

Tháng năm chúng ta kính nhớ lời thưa vâng của Mẹ Maria, và cũng thấy tác động của Giuse tuân phục, lãnh sứ mạng. Hai Ngài có phải vì cảm tình, ham làm Mẹ Chúa, làm Đấng bảo trợ Chúa… cho nên Vâng và Phục. Cả hai Đấng đều đòi dấu, chứng lý lẽ thích hợp mới lãnh nhận.

Trong vấn đề sống đạo chúng ta cũng phải tìm thấy khía cạnh hợp lý, nếu chỉ do tình cảm thôi, thì nói được giữ đạo chưa mấy tốt, và cũng có thể không có nền tảng vững chắc.

Chúng ta hãy thử tìm nhận định, thế nào là giữ đạo theo tình cảm? Phải đặt vấn đề, vì thực tế có thể quả quyết đa số tín hữu Việt Nam thường là giữ đạo theo tình cảm. Cho đến nay trong chúng ta có mấy ai đặt vấn đề. Tại sao tôi tin có Chúa? Nhờ đâu tôi được hiện hữu ở đời, và tôi sống để làm gì, đi về đâu, vì lẽ nào mà tôi phải tuân giữ luân lý.v.v… Đa số chúng ta không mấy ai đặt vấn đề nhưng vẫn giữ đạo. Tại sao giữ đạo?

1. Vì mình là con nhà có đạo, cha mẹ đạo thì con cũng đạo, thế thôi.

2. Khi còn bé, mẹ cho bú, cho ăn để sống; bé không biết gì; cha mẹ đi nhà thờ đọc kinh, mình theo đó sống, không biết gì! Thấy làm sao, thì làm theo như vậy. Lớn hơn một ít, cha mẹ bảo quét nhà, thì quét nhà, không nghĩ tại sao quét nhà, quét nhà để làm gì?

3. Đến giai đoạn dậy thì (có thể nói là giai đoạn lý trí, ý chí bắt đầu tác động) nhận định phân biệt được lành, dữ, tốt, xấu, chưa vận dụng lý trí, ý chí đúng mức. Thấy người lành làm việc lành, thì ham bắt chước. Đó là chỉ theo tình cảm. Thanh niên nam nữ mới gặp nhau, không biết do đâu mà nảy sinh ra tiếng sét ái tình (yêu nhau tha thiết) tình cảm lay động mạnh!

Hình ảnh cuộc sống tự nhiên giúp chúng ta nhận định về sống siêu nhiên.

Sống tình cảm
1.
Nói được là sống vô ý thức, ấu trĩ.
2.
Sống chưa trưởng thành, chưa tràn đầy là con người, vì chưa dùng lý trí, ý chí.
3.
Ít nhiều còn là nô lệ, giữ luật vì người ta dẫn, người ta bắt buộc.
4.
Giữ đạo theo tình cảm thì thiếu nền tảng "vô tri bất mộ". Tình cảm phai nhạt có thể đưa đến nghịch cảm (khác thiện cảm), rồi đến đổ vỡ.
5.
Chúng ta nhớ dầu là tình cảm cũng phải có lý do để cảm, để yêu (le coeur a des raisons que la raison ne connait pas!)

Kết luận

Thường nên kiểm điểm đời sống của mình, lối sống đạo của mình.
Không nên dựa vào những cảm tình trong lối giữ đạo mà cho mình là tốt, là sốt sắng. Cảm tình, động lòng trong lối giữ đạo chưa phải là đạo chính đáng.
Cố gắng tím hiểu sâu về đạo và thấy được những lý do tin Chúa, lý do giữ đạo. Giữ đạo không những với tình cảm, mà cũng phải sống với lý trí.

IX. THÁNG NĂM, THÁNG KÍNH ĐỨC MẸ

TÔN SÙNG MẸ MARIA

Tháng năm, Hội Thánh dùng để khuyến khích tín hữu tôn sùng Mẹ Maria. Và thực trạng trong thế giới, các tín hữu đều tôn sùng Mẹ Maria .

Đất Việt chúng ta trong việc tôn sùng, lại chứa đựng những vẻ vui tươi phấn khởi nữa!

Nhưng thử hỏi chúng ta tôn sùng như thế nào? Có tốt đẹp không hay chỉ bề ngoài? Có lạm dụng việc tôn sùng không? Và có thể việc tôn sùng biến thành việc dị đoan?

1. Chúng ta hiểu việc tôn sùng như thế nào?

Có thể hiểu khi mình nhìn một đấng Thánh thấy hạp với sở thích nên mình ham làm việc sùng kính đấng Thánh đó đặc biệt là nhờ đấng Thánh cầu bầu cho mình nhiều hơn, nhất là muốn sống giống như Ngài.

Chúng ta cũng biết tôn sùng không phải là khẩn thiết hoàn toàn, nghĩa là nếu không tôn sùng là không rỗi.

Tuy nhiên, đối với việc tôn sùng Mẹ Maria có thể phần nào quả quyết là một điều cần kiếp, vì chính Chúa đã trối cho nhân loại (nầy là Mẹ con). Vả lại Mẹ là trung gian siêu việt (kể sau chúa Kitô) các ơn, lại là từ mẫu. Chúa dầu là Chúa tình yêu là Cha hay thương xót, nhưng cứ trên lý, con chạy tới mẹ bề nào cũng có vẻ dễ hơn, nhỏng nhẻo với Mẹ vẫn được. Ngoài những ơn phần hồn, Mẹ cũng thường lo cho phần xác. Chúa đã muốn cho Mẹ tỏ tình thương con cái rõ rệt qua nhiều nơi trên khắp thế giới (Lộ Đức, Fatima, La Vang, Tà Pao…) quy tụ con cái để nâng niu, cải tạo, dạy dỗ.

2. Thực tế chúng ta thể hiện việc tôn sùng Mẹ Maria như thế nào?

Rất nhiều tín hữu thường lần chuỗi tôn kính Mẹ. Trong những buồn khổ, tai ương hoạn nạn chạy đến Mẹ. Ngay những hoài bão phúc lạc ở đời cũng vòi vĩnh Mẹ. Không những cho riêng mình mà cho mọi người, mình cũng nhờ Mẹ Maria ban ơn phù giúp.

Thích trang điểm hoa đèn những nơi có Mẹ. Ham thích phấn khởi tham gia những cuộc hành hương đến những địa điểm Đức Mẹ đã ít nhiều tỏ ra tính linh thiêng thương mến con cái.

Thể hiện những công trình như thế thử ai lại không khen tặng là người tôn sùng Mẹ Maria! Nhưng chúng ta không nên tự phụ.

a. Tôi có dựa vào những lý do chính đáng để tôn sùng Mẹ Maria không? Hay tôi chỉ thấy người ta làm rồi bắt chước. Hồi nhỏ cha thầy bảo lần chuỗi, thì lần thế thôi! Người ta hành hương mình ở nhà hoài cũng buồn, đi theo cho vui. Hành hương cũng có thể có những mục văn nghệ giải trí coi cũng được! Cha sở bảo đi thì đi cho vui lòng ngài.

Chưa ý thức thì chưa nói được là tôn sùng.

- Tôn sùng để được những ơn cho phần xác, được khỏi bịnh hoạn tật nguyền, khỏi sầu muộn, được may mắn giàu có và dừng lại ở đó, cũng không nói được là tôn sùng, lạm dụng là đúng hơn. Khổ nỗi có thể đó là tâm trạng của khá nhiều tín hữu, bên ngoài vẫn có nhiều việc, kể là tôn sùng Mẹ Maria, nhưng bên trong chỉ nhờ Mẹ hộ phù cho sống thể xác, ít nhớ đến sống nội tâm, sống siêu nhiên, có thể rơi vào tình trạng quên nhờ Chúa!

- Kể nơi hành hương là nơi linh thiêng, Mẹ thường rộng ban nhiều ơn, mình đến vì tự nhận hèn kém, mong nhờ lòng bao la của Mẹ cũng tốt. Nhưng nếu tin tưởng nơi đó có hiệu lực (múc nước, hái lá..cũng kể là có hiệu lực) thì ít nhiều cũng có hơi dị đoan.

Nhìn qua những việc tôn sùng của mình, có thể thấy được những điểm không đẹp và cũng có thể nói được là dị đoan.

Kết luận

Việc tôn sùng là:

a. ham mộ mong nhờ Đấng Thánh cầu Chúa cho chúng hưởng được nhiều ơn Chúa (tự thấy mình hèn kém, cầu nguyện khó được hiệu quả).
b.
Nhờ Đấng Thánh hướng dẫn chúng ta sống tốt, sống đức hạnh giống chính đấng Thánh, và nhất là sống giống Chúa.
c.
Mục đích sau cùng của tôn sùng là nhờ Đấng Thánh đưa ta đến găp Chúa, kết hợp với Chúa (Per Maram et Jesum).

Việc tôn sùng chúng ta thế nào?

Hãy cố gắng kiểm điểm và cải tạo. Thực tế nhờ Mẹ Maria dẫn dắt, nâng đỡ giúp chừa tội, chừa tính xấu, làm việc lành, xưng tội tốt, xem lễ tốt, lần chuỗi tốt, gắng càng ngày càng giống Chúa Giêsu, gặp được Chúa, kết hợp với Chúa.

ƠN GỌI ƠN THIÊN TRIỆU

Chúa nhật IV Phục Sinh, nêu lên hình ảnh Chúa chăn chiên từ hậu. Hội Thánh nhận thấy hiện nay ít có người theo ơn gọi cho nên nhắn bảo khuyến khích cầu nguyện cách riêng để Chúa ban cho nhiều người nghe tiếng Chúa sống đời tận hiến.

1. Ơn gọi là gì? Thiên triệu là gì?

Ơn gọi là một ơn Chúa đặc biệt kêu mời, muốn đề cao thì dùng từ Thiên triệu có nghĩa là Chúa vời về để trao cho một sứ mạng.

Mặc dầu trao cho sứ mạng, chúng ta cũng thấy rõ Chúa trọng tự do của con người. Nói trao cho sứ mạng, nhưng đúng ra là đề nghị. Không phải là định luật. Dầu là định luật chúa cũng không bắt buộc đè ép

Vì không có luật buộc cho nên:

a. Không theo ơn gọi thì không tội.
b.
Tìm ơn gọi mà không gặp được, không đạt được, có thể quả quyết không có chi hại mà lại có lợi: qua đời sống tu luyện biết Chúa nhiều hơn, khi sống đời thế gian sống tốt hơn.
c.
Nhưng vì tự do mà không theo ơn gọi hay phá ơn gọi… thì cuộc sống đạo khó ổn thỏa, vì thiếu ơn Chúa hay ít ơn Chúa (grace d’état: ơn cho trách vụ), cũng có thể Chúa cảnh cáo bằng những thử thách.
d.
Lạm dụng ơn gọi? Để đạt địa vị, để sống hưởng nhiều tiện nghi, để hơn người… như thế thì không nói được là theo ơn gọi. Có thể Chúa cũng kiểm tra.
e.
Theo ơn gọi. Chúa kêu mời kêu mời để trao sứ mạng nhiệm vụ, thì cũng quả quyết được: Chúa đòi (không theo ơn gọi thì thôi, thì cũng được, nếu theo thì…) phải tận hiến cả đời sống cho Chúa, cho Hội Thánh, cho nhân loại. Tất cả là ơn Chúa!

2. Tại sao phải cầu nguyện?

a. Là ơn Chúa thì dĩ nhiên tự mình không thể có được. Chúa cũng không cần kêu gọi. Còn mình cũng không có quyền đòi Chúa kêu gọi. Chỉ có van nài Chúa ban cho (cầu nguyện).
b.
Nhờ cầu nguyện, chính Chúa quyến rũ và chiến thắng tự do của con người, làm cho con người ưa thích, mê say theo Chúa.
c.
Cầu nguyện nói được là đúng ý Chúa. Chúa bảo hãy xin Chúa Cha ban cho có nhiều thợ gặt. Sứ mạng của Chúa, Chúa không muốn thực hiện một mình, mà Chúa đã muốn chia sớt, muốn có nhân viên cộng tác. Vả lại sứ mạng của Chúa là thành lập Nước Chúa, nghĩa là quy tụ nhân loại nên một đại gia đình cho Thiên Chúa. Nước Chúa, gia đình Chúa rộng lớn mênh mông nên xem ra Chúa cần không những có người cộng tác, mà phải có nhiều nữa.

Chiến thắng và chinh phục nhất là trong yêu tận hiến siêu nhiên chỉ có Chúa mới có thể thể hiện. Phần chúng ta làm được gì?

3. Cầu nguyện lợi ích gì?

Một việc lành là (cầu nguyện cho người nói được là bố thí thiêng liêng) một việc theo ý Chúa, theo ý Hội Thánh. Nhưng có gì lợi cho chúng ta không?

Mặc dầu làm việc lành, sống theo ý Chúa, chúng ta thường phải bỏ tánh cách tự kỷ, ích kỷ nhưng nghĩ xa hơn thì những việc như thế, bề nào cũng có lợi cho mình.

Chúng ta nhớ giáo lý Hiệp Thông: Chúa chiu chết là nguồn ơn lưu thông cho mọi người; còn chúng ta theo ý Chúa, phải là phần mình Mầu Nhiệm của Chúa và do đó chúng ta là một phần thân thể của nhau; một cơ thể mạnh thì các cơ thể khác cũng được nhờ.

Cầu nguyện cho có được nhiều ơn gọi, thể hiện cuộc sống hiến thân, đó là cầu nguyện cho có nhiều thành phần trong Hội Thánh thụ nhận được Ơn Chúa dồi dào. Hội Thánh tăng trưởng sống thánh và dĩ nhiên chúng ta cũng thông phần sống thiện hảo kiên vững..

Vậy không chỉ có ngày chúa Nhật IV Phục Sinh mà cả đời chúng ta ít nhiều cũng phải thường khẩn nguyện cho trong Hội Thánh được có nhiều người nghe tiếng Chúa, sống theo ý Chúa và trung thành giữ vẹn sứ mạng Chúa trao ban.

X. TẢN MẠN

50 NĂM DÒNG CHÚA CHIÊN LÀNH ĐẾN VIỆT NAM

Ngày 20.3.2007 Dòng Chúa Chiên Lành mừng kỷ niệm 50 năm đến Việt Nam 1957-2007. Vĩnh Long hân hạnh là cửa ngõ đón tiếp những bước chân đầu tiên của các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành. Thánh lễ đồng tế tại NTCT được cử hành trong bầu khí thánh thiện và không kém phần long trọng, không hoành tráng tấp nập nhưng ấm áp và lắng đọng đủ cảm nhận thân thiện vui tươi đối với những ai hiện diện trong buổi lễ. Dường như đó là phong cách riêng của dòng, từ nếp sinh hoạt bấy lâu nay cho đến cách tổ chức những buổi lễ là thế.

Khoảng 30 năm trở lại đây, giáo dân hiếm người biết đến dòng Chúa Chiên Lành, một cái tên còn khá xa lạ so với các dòng khác trong giáo phận. Nhân dịp lễ kỷ niệm này chúng ta hướng một cái nhìn kính trọng đến dòng Chúa Chiên Lành.

I . THÀNH LẬP DÒNG

Dòng tu nào cũng có đấng sáng lập, ở đâu, lúc nào, linh đạo của dòng là gì? Đó là những nét cơ bản để chúng ta tìm hiểu về dòng Chúa Chiên Lành.

Phát xuất từ dòng Đức Bà Bác Ái, được cha Gioan Eudes sáng lập năm 1641, tại thành Tours nước Pháp. Qua những thăng trầm thời cuộc nước Pháp lúc bấy giờ, các nữ tu buộc phải trở về với gia đình. Mãi đến năm 1814, một số nữ tu lớn tuổi cố gắng gầy dựng lại Hội Dòng bằng cách lập ra những trụ sở nhỏ để âm thầm chăm sóc các phụ nữ lỡ lầm. Tìm ra một nữ tu trẻ khó biết bao! Tuy vậy, sự quan phòng kỳ diệu của Chúa thể hiện nơi chị Rose Virgine. Sau khi vượt qua sự chống đối từ phía gia đình, ngày 9.9.1817, chị Rose Virgine xin gia nhập dòng Đức Bà Bác Ai lúc chị vừa tròn 21 tuổi. Khi vào nhà Tập, chị đổi tên là Marie Euphrasie. Lúc 29 tuổi, chị được bầu chọn làm Bề Trên với một phép chuẩn đặc biệt, vì chưa đủ 40 tuổi theo luật định.

Theo tinh thần của thánh Gioan Eudes, các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành giữ 4 lời khấn: Vâng phục, khiết tịnh, khó nghèo và nhiệt thành. Dấn thân chu toàn sứ vụ mình để lo phần rỗi cho các linh hồn, nhất là những phụ nữ lỡ lầm muốn trở về với cuộc sống bình thường.

Nhờ lòng nhiệt thành không ngại khó khăn, Mẹ Euphrasie đã khai sinh dòng Đức Bà Bác Ái Chúa Chiên Lành, được sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng Grêgoriô XVI, ngày 14.1.1835. Mẹ Euphrasie đã nói với các chị em của dòng mình: “Sự nhiệt thành của chúng ta phải bao trọn cả thế giới; Từ nay tôi không muốn nói tôi là người Pháp, người Ý, người Anh, người Đức … Tôi thuộc về mọi quốc gia trên thế giới, nơi nào còn có những người nghèo khổ cần được giúp đỡ”.

II . ĐẾN VIỆT NAM

Với một lòng nhiệt thành không giới hạn và một tình yêu thương không biên giới, các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành đến Việt Nam vào năm 1957 do các nữ tu người Ai Len, mở Trung Tâm Bảo Trợ cho phụ nữ tại Vĩnh Long. Sau đó một thời gian, Trung Tâm thứ 2 cũng được khánh thành tại Bình Triệu, Sài Gòn năm 1971.....

Mãi đến năm 1992, các nữ tu Chúa Chiên Lành trở lại Việt Nam thành lập Trung Tâm Dạy Nghề cho phụ nữ tại Sađéc, tỉnh Đồng Tháp. Các nữ tu quan tâm đặc biệt đến các thiếu nữ nghèo, phụ nữ lỡ lầm, giúp hồi phục phẩm giá và trở về với cuộc sống bình thường. Nhờ ơn Chúa Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, dòng mở rộng tầm hoạt động đến nhiều nơi, và ơn gọi từ ít đến thêm nhiều hơn.

Thêm ý nghĩa cho buổi lễ, khi có sự hiện diện của 2 nữ tu người AiLen, là những người đầu tiên đến Vĩnh Long cách nay 50 năm. Dấu chân đầu tiên được tiếp nối bằng nhiều dấu chân khác đi khắp nẽo đường theo chân Chúa Chiên Lành để xoa dịu những nổi đau cho người bất hạnh.

XI. NGHỆ THUẬT SỐNG

Trừng phạt hay cải tạo ?

“ Đáng đời hắn!”. Đó là điều phần lớn chúng ta sẽ nói khi một tên tội phạm bị ném vào tù. Chúng ta mừng vì hắn bị trừng phạt. Lòng dạ ta không chịu mềm đi để tha thứ.

Nhưng Elisabeth Fry có một tâm trạng khác khi đứng bên ngoài nhà tù Newgate, nhìn nhà tù chứa nhiều tội phạm. Elisabeth Fry cảm thấy mình có trách nhiệm phải giải phóng họ. Nhưng giải phóng khỏi cái gì ? Khỏi những xiềng xích ràng buộc trí óc họ với những điều xấu xa, độc ác. Và làm thế nào cô có thể giúp họ được?

Elisabeth quyết định dành thời gian cảm hoá họ bằng tình cảm. Các tội phạm ở nhà tù Newgate hầu như không được cho ăn đây đủ, không được chăm sóc khi bệnh hoạn, và phải sống trong những xà lim dơ bẩn, lạnh ngắt, trần trụi. Họ cần có niềm hy vọng. Điều này có thể thực hiện được bằng cách cho ho thấy có người quan tâm đến họ. Và Elisabeth Fry quyết định mình sẽ là người đó.

Nhưng khi bước vào bên trong nhà tù, Elisabeth rất sợ. Cô lấy hết can đảm để tiến tới. Cô cần phải thật dũng cảm để chăm sóc cho những người có vẻ như sẳn sàng giết chết cô. Tiếng la hét, tiếng chưởi thề, tiếng cười say xỉn tràn ngập lối đi bằng đá lạnh lùng, mùi mồ hôi và phân bốc lên nồng nặc… tất cả ngoài sức tưởng tượng của cô. Trong khi cai tù dẫn cô đi qua, những gương mặt ở sau song sắt nhìn cô cách hung dữ. Khi đó Elisabeth làm một việc thật sự dũng cảm: cô yêu cầu cai tù cho cô bước vào trong xà lim. Họ tưởng cô bị điên. Họ nói rằng nếu cô thực sự muốn thế, họ sẽ để cô vào, nhưng họ không chịu trách nhiệm về sự an toàn của cô. Họ bảo bọn tù nhân sẽ xé cô ra từng mảnh!

Nhưng Elisabeth Fry vẫn cương quyết. Và khi cô bước vào trong xà lim, đám tù nhân kinh ngạc. Họ nhìn cô bằng ánh mắt độc ác và căm thù. Cô nhìn lại với ánh mắt khôn ngoan, bình tỉnh và cương quyết. Gương mặt của cô có nét dịu dàng, tự trọng và uy lực. Đám tù cảm thấy kính nể. Cô không muốn họ sợ mình. Cô muốn làm bạn với họ và nói chuyện với họ về những điều ích lợi cho họ, về tương lai của con cái họ, về một cuộc sống không có tội ác.

Cô cũng nói với họ về trường học cho con cái họ. Họ cần được giáo dục để thay đổi lòng dạ. Để bắt đầu trường học tại nhà tù, Elisabeth muốn có các phụ nữ giúp đỡ. Những phụ nữ vui vẻ nhận lời làm việc này vì quan tâm đến con cái của mình. Elisabeth Fry muốn cho họ xoá đi những mặc cảm tội lỗi. Cô đặt lòng tin nơi họ, cho họ thấy rằng họ có khả năng làm việc tốt. Thế là đám tù nhân chọn ra trong số họ một người thầy để dạy học cho con cái họ. Elisabeth cung cấp sách và học cụ.

Rồi Elisabeth chuyển sang nữ tù nhân và dạy nghề cho họ, để giúp họ kiếm sống. Họ sẽ không còn sống bằng tội ác nữa. Cô dạy họ may và cung cấp những vật liệu cần thiết. Cô đem sản phẩm họ làm ra bán cho các cửa hàng. Số tiền thu được, cô gửi tiết kiệm cho họ, để dành cho ho, chờ ngày họ được trả tự do.

Elisabeth Fry xuất thân từ một gia đình khá giả, cô có thể tự hưởng thụ cuộc sống mà không cần phải quan tâm đến những tù nhân. Nhưng cô có một tấm lòng bao dung nhân hậu, muốn được làm điều gì đó tốt đẹp cho những người tù tội lỗi, bị xã hội xa lánh. Và cô thật lòng cho đi, không mong đợi được đền đáp lại.

Tuần Thánh 2007

XII. SỐNG LỜI CHÚA

- “Cũng như con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộou65c muôn người” (Mt 20,28)

- “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13)

1633    21-04-2012 09:45:15