Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Đắng Mới Đúng Điệu

Uống cà phê có lợi hay có hại cho sức khỏe? Đây vẫn là đề tài tranh cãi bất tận của các nhà nghiên cứu. Trong khi chờ đợi kết quả ngã ngũ thì cà phê tiếp tục được tiêu thụ với đường biểu diễn về số cầu tiếp tục vọt lên cao!

Nếu xét về mặt cơ chế tác dụng thì cà phê, nói đúng hơn, nhờ hoạt chất cafein và nhiều tác chất khác, là một loại thuốc tốt. Cà phê nhờ có tác dụng hạ đường huyết nên là thức uống nên thuốc cho người bị bệnh tiểu đường, nhưng với điều kiện không đi kèm chất ngọt! Uống cà phê mà pha đường như nấu chè, hay tuy uống đúng điệu nhưng lại đệm miếng bánh kem vừa ngọt ngây, vừa béo ngậy thì cà phê tuy cũng nên thuốc, nhưng là thuốc độc! Các nhà nghiên cứu dù có muốn bênh vực cà phê cách mấy cũng đành ngoảnh mặt làm ngơ khi cà phê uống chung với đường vừa tăng lượng đường trong máu, vừa ức chế hoạt tính của nội tiết tố insulin! Tệ hơn nữa khi người ta ghi nhận một số rất lớn bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng nhồi máu cơ tim ngay sau cử cà phê bánh ngọt! Kẹt một điểm là chính cà phê làm tăng khẩu vị thèm ngọt, theo kết quả nghiên cứu ở Na Uy!

Ngược lại, thầy thuốc ở Hà Lan đã chứng minh rõ ràng là cà phê đen, đúng điệu giọt đắng, nhưng đừng quá hai lần trong ngày, có tác dụng ổn định đường huyết cho người chẳng may có máu quá ngọt! Uống tách cà phê đen sau bữa ăn là biết cách trợ lực cho thuốc hạ đường huyết.

Cà phê làm tăng huyết áp? Không hẳn thế! Theo một công trình nghiên cứu kéo dài 30 năm, với hơn 1.000 đối tượng tại Đại học John-Hopkins, Hoa Kỳ, thì nếu đổ tội cho cà phê là oan! Trên thực tế, cà phê đúng là có làm tăng huyết áp, nhưng tác dụng chỉ kéo dài trong vài giờ. Do đó, người đang lúc cao huyết áp nên tránh uống cà phê. Ngược lại, với người có huyết áp thấp thì cà phê là biện pháp chữa cháy để bớt chóng mặt khi huyết áp tụt xuống mất tiêu! Cũng không đơn giản như thế vì tác dụng tăng huyết áp tùy thuộc vào loại cà phê, theo thứ tự từ mạnh đến yếu như dưới đây, theo nhận xét của các nhà nghiên cứu ở Thụy Sỹ:

1. Cà phê phin
2. Cà phê lược qua máy
3. Cà phê hòa tan
4. Cà phê Espresso
5. Cà phê đã loại cafein

Trong số đó, cà phê lược qua máy còn có thêm nhược điểm vì làm tăng chất mỡ trong máu.

Chưa hết, uống cà phê đúng là làm tỉnh người. Bằng chứng là các nhà nghiên cứu ở Minnesota, Hoa Kỳ, đã xác minh tác dụng chống căng thẳng của cà phê trên người bị bệnh Parkinson. Nhưng cà phê chỉ giúp thư giãn khi uống vừa phải, không quá hai lần trong ngày. Quá giới hạn đó, cà phê không những gây nghiện mà còn tăng tính háo động của ẩm khách.

Cà phê, nếu biết cách dùng, là một vị thuốc tốt. Hoạt chất trong cà phê nhờ công năng kháng oxy-hóa nên có tác dụng chống xơ vữa mạch máu và phòng ngừa ung thư. Như thế uống cà phê đâu có hại! Điểm đáng tiếc chỉ vì ranh giới giữa ứng dụng và lạm dụng lại rất mong manh! Điểm đáng tiếc hơn nữa là nhiều người uống cà phê nhưng lại quên chú trọng vào hương vị đặc biệt của cà phê! Nguyên tắc "đẹp phấn son, ngon đường mỡ" không thể áp dụng với cà phê.

Nếu phải chọn cà phê đắng vì tưởng như thế mới đúng tinh thần "thuốc đắng đã tật" thì sai! Vị đắng của cà phê khác xa thuốc đắng. Mới nếm nghe đắng nhưng quen rồi thì hậu vị lại ngọt vô cùng. Đó chính là điểm khác biệt về thuật thưởng thức giữa tao nhân sành điệu và người chọn món uống dường như là... cà phê!

743    11-01-2011 21:28:06