Sidebar

Chúa Nhật

28.04.2024

Danh Sách Top Ten

Được xếp vào mười hạng đầu bao giờ cũng là một danh dự. Từ em học sinh còn xanh mái tóc đến bác doanh nhân bạc đầu vì chuyện mua bán, tất cả đều sẵn sàng hao tốn công sức để lọt được vào danh sách top ten. Nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ. Không giống như "tiếng hát truyền hình", có loại top ten nếu xui xẻo thế nào mà lọt vào "chung kết" thì cứ như trúng vé số giải đặc biệt nhưng trật... đài xổ số! Đó là nhóm 10 bệnh chứng đang chiếm hàng đầu trên người đã bước qua ngưỡng cửa của tuổi 50, theo thống kê mới đây ở CHLB Đức:

- Nhồi máu cơ tim
- Cao huyết áp
- Tiểu đường
- Phì đại tiền liệt tuyến
- Hội chứng mãn kinh
- Loét dạ dày
- Cườm mắt
- Ung thư da
- Ung thư vú
- Ung thư ruột

Không chỉ được chú trọng vì con số nhiễm bệnh, 10 loại bệnh này hiện đang là trọng điểm phòng bệnh ở nhiều quốc gia có nền y tế tiên tiến do tính chất bệnh lý rất phức tạp. Nói cách khác cụ thể hơn dưới góc nhìn kinh tế, các nước "đại gia" sở dĩ chịu tốn của để phát hiện bệnh thật sớm không hẳn vì hảo tâm với người bệnh, mà chẳng qua vì trong hoàn cảnh "thắt lưng buộc bụng" hiện nay cần tiết kiệm chi phí cao gấp nhiều lần cho tiến trình điều trị và dư chứng trầm kha của các căn bệnh vừa kể. Chấp nhận tốn tiền cho biện pháp định bệnh là hình thức đầu tư đúng cách với lãi suất quá thấp. Đã vậy còn được tiếng tốt nhờ tỷ lệ nhiễm bệnh không thể gia tăng như giá xăng dầu!

Với quan điểm thông thường "tiền nào của nấy", nhiều người khó tránh định kiến là phải tốn kém nhiều mới mong nhận mặt các bệnh chứng thuộc nhóm top ten. Không hẳn phải thế, trừ khi thầy thuốc hoặc không biết cách, hoặc biết rõ nhưng không hiểu sao lại... quên! Cái khó hiện nay cho nhiều người bệnh là vì không ít cơ sở y tế trên thực tế vẫn chưa chú trọng đúng mức biện pháp chẩn đoán định kỳ trên tinh thần tiết kiệm. Đồng ý là phải tiến hành phác đồ chẩn đoán với đầy đủ xét nghiệm, nghĩa là với phí tổn cao, nhằm định bệnh chính xác khi người bệnh gõ cửa với dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng, vì đó là một trong các điều kiện cơ bản cho hiệu quả của liệu pháp. Nhưng để đánh giá nguy cơ nhiễm bệnh trên người chưa bệnh nhằm kịp thời phòng bệnh, hay ngay cả ở người tuy đã bệnh nhưng mới bệnh, nghĩa là chưa bệnh nặng, thì không cần thiết phải hạ chỉ ra lệnh từ A đến Z trên phiếu xét nghiệm. Cho dù người bệnh phải tái tê vì xót của, hình thức này vẫn còn có thể chấp nhận vì giá trị định bệnh. Tệ hơn nhiều vì vô ích là mô hình khám sức khỏe tuy được tiếng định kỳ nhưng lại thiếu mục tiêu định bệnh cụ thể, qua đó thầy thuốc là người "cỡi ngựa xem hoa", trong khi bệnh nhân phải chấp nhận kiếp "bèo dạt mây trôi" cho đến lần... tái khám!

Không có hình thức điều trị nào chủ động và toàn diện cho bằng biện pháp phòng bệnh. Thầy thuốc nào không chấp nhận nguyên tắc đó ắt hẳn phải có động cơ khác biệt với mục tiêu phục vụ người bệnh. Muốn phòng bệnh mà không tích cực phát hiện bệnh thì chỉ bằng không. Nhưng không bó buộc lúc nào cũng phải tốn kém, cũng phải thật phức tạp mới tìm được bệnh. Ngược lại là khác, nhờ các phương tiện "chẩn đoán nhanh" hiện nay càng lúc càng tinh vi, càng ngày càng chính xác, như que thử máu, que thử nước tiểu, máy đo đường huyết... Nếu biết cách linh động áp dụng một vài phương tiện chẩn đoán định tính, thầy thuốc vẫn có thể phát hiện bệnh thật sớm với tỷ lệ chính xác tương đối cao và với phí tổn không là gánh nặng cho người bệnh.

Vấn đề duy nhất còn tồn đọng chỉ là người bệnh có muốn phòng bệnh hay không? Người bệnh có sẵn sàng khám bệnh khi chưa có cảm giác bị bệnh? Câu hỏi đó sẽ rất dễ trả lời cho bất cứ ai có dịp sống qua, dù chỉ một lần thôi, trong phòng cấp cứu!

891    10-01-2011 05:55:37