Bài 5. NỘI DUNG CỦA GIÁO LÝ
Nội dung của giáo lý là toàn bộ mầu nhiệm Kitô giáo, đặc biệt là mầu nhiệm cứu rỗi (là giao điểm mầu nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm con người).
I. Những ý lực của nội dung giáo lý:
Phải trình bày toàn bộ mầu nhiệm Kitô giáo và một cách mạch lạc, cấu trúc, vì các mầu nhiệm này liên lạc với nhau nhịp nhàng và liên tục như sau:
1. Ý định cứu rỗi của Thiên Chúa Ba Ngôi:
Từ mầu nhiệm này phát sinh các mầu nhiệm khác, xét vì mấu nhiệm này có tính cách:
+ Nội tại: giữa Thiên Chúa Ba Ngôi.
+ Ngoại tại: mỗi người được mời gọi qua Đức Kitô gia nhập gia đình Chúa Ba Ngôi.
2. Lịch sử cứu rỗi:
Ý định của Thiên Chúa Ba Ngôi được thực hiện từng bước trong thời gian nhất định: Người can thiệp vào lịch sử con người để phục hồi con người. Điều đó nó tạo nên lịch sử cứu rỗi.
Lịch sử này diễn tiến theo nhiều giai đoạn liên tục:
+ Chuẩn bị: đó là thời gian trước khi Ngôi Lời làm người.
+ Thực hiện: là từ khi Ngôi Lời làm người trở về sau gọi là Tân Ước.
+ Thời kỳ phân phối ơn cứu rỗi: thời Giáo hội hay thời Linh Giáng (Chúa Thánh Thần).
3. Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử cứu rỗi:
+ Mầu nhiệm Chúa Kitô: gồm con người của Ngài, Ngài là "Emmanuel"; giáo huấn của Ngài tóm trong hai mệnh đề sau: Thiên Chúa là ai? Ngài muốn gì? Công cuộc của Ngài là thực hiện lời hứa của Thiên Chúa. Đó là ơn cứu rỗi.
+ Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử: như văn hào Pascal đã mô tả cách khéo léo: "Cựu Ước đã ngoảnh nhìn Đức Giêsu như sự hoàn tất của mình; còn Tân Ước nhìn Đức Giêsu như khởi điểm của mình".
4. Mầu nhiệm Phục Sinh:
- Là trung tâm cuộc đời Chúa Giêsu, như lời Ngài đã nói: "Con Người phải chịu đau khổ, bị đánh đòn và giết chết, nhưng sau ba ngày sống lại".
- Là nền tảng lòng tin Kitô giáo, như thánh Phaolô dạy: "Nếu Đức Kitô không sống lại thì lòng tin của chúng ta ra vô ích".
- Là nguồn sống mới của Kitô hữu: con người được sống trong ơn sủng được làm Con Thiên Chúa.
5. Chúa Kitô hiện đang tiếp tục hoạt động trong trần thế:
Ngài hoạt động qua Thánh Thần và Giáo hội: cả ba mầu nhiệm: Nhập thể, Phục sinh và Linh giáng còn đang tiếp diễn; Đức Kitô vô hình, nhưng không khuyết diện (vắng bóng).
6. Nhiệm tích phân phối đời sống mới:
Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn sống mới và mỗi nhiệm tích là nguồn suối mang đời sống mới đến. Trong mỗi nhiệm tích ta gặp gỡ chính Chúa Kitô và nhận được sự sống của Ngài. Nhờ các nhiệm tích, ơn cứu rỗi được hiện tại hoá.
7. Con người đáp ứng được đời sống mới:
Bằng thực hành các giới luật qua Tám Mối Phúc Thật, các nhân đức, nhất là nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến.
8. Chúa Kitô tái lâm:
Bấy giờ, cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa được nên viễn mãn, Kinh Thánh gọi là "Trời mới, đất mới", trong đó những người được cứu rỗi sẽ đời đời hát lên bài ca mới: "Hallêluia".
II. Quy luật trình bày nội dung giáo lý:
Phải trình bày theo hai nguyên tắc:
1. Tôn trọng tính duy nhất và liên tục của công cuộc cứu rỗi.
2. Tính thời sự: khuôn mặt siêu lịch sử của Chúa Kitô phải chiếu sáng rực rỡ: "Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi muôn đời".
III. Những phương thức trình bày nội dung giáo lý:
Có bốn phương thức chính:
1. Trình bày theo diễn tiến của lịch sử cứu rỗi: Phương thức này hợp với tuổi thiếu niên.
2. Trình bày theo diễn tiến của Phụng niên (năm Phụng vụ): Phương pháp này hợp với trẻ nhỏ.
3. Trình bày theo phối hợp giữa lịch sử cứu rỗi với Phụng niên: Phương pháp này cũng hợp với trẻ nhỏ.
4. Trình bày phương cách theo hệ thống: Nghĩa là từng vấn đề lớn của đức tin, phương cách này hợp với người lớn tuổi.