Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Đào Tạo Giáo Lý Viên_Phần 03_Bài 7


Bài 7. ĐƯỜNG LỐI TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG CỦA CHÚA GIÊSU

Giáo lý viên phải nắm vững những nguyên tắc căn bản rất đơn giản mà Chúa Giêsu đã dùng xưa trong việc loan báo Tin mừng của Ngài.

1. Chúa Giêsu trực tiếp nói với dân chúng: Tâm hồn Chúa Giêsu luôn hướng về Chúa Cha, đặc biệt là những giờ khắc cầu nguyện nhưng Chúa vẫn là người của quần chúng. Bất cứ ở đâu Ngài cũng nói về Nước Thiên Chúa với họ: trên núi, trên biển, trong hoang địa, trong Đền Thờ, ngoài đường... và nói với mọi hạng người: vua quan, binh lính, trẻ em, biệt phái, thu thuế, phụ nữ, người lớn...

2. Chúa Giêsu trình bày sống động, đối thoại vừa tầm người nghe:

     a. Đa số thính giả của Chúa Giêsu là người bình dân, thiếu học, đơn sơ chất phác. Chúa hiểu biết họ, đặt mình vào hoàn cảnh của họ, trình bày những mầu nhiệm bằng ngôn ngữ dễ hiểu, hình ảnh dễ tiếp thu, giải đáp những thắc mắc... đến nỗi dân chúng phải thốt lên: "Chưa thấy ai giảng giải như ông này".

     b. Gặp người học cao hiểu rộng, Chúa sẵn sàng lý luận tranh cãi để cố gắng trưng bằng cớ phi bác luận điệu sai lầm của họ, Ngài trích dẫn Kinh Thánh, luật Môisen để thuyết phục.

3. Dựa vào sự việc cụ thể để giải thích mầu nhiệm Nước Trời.

     a. Bất cứ sự việc nào trong đời thường cũng trở thành dịp cho Chúa nói về Nước Trời.

     b. Chúa Giêsu hay dùng ví dụ để giảng dạy: Chân lý được gói ghém trong câu chuyện. Cái trừu tượng khó hiểu được diễn đạt bằng câu chuyện cụ thể.

4. Chúa Giêsu thường đúc kết bài giảng bằng những câu gọn ngắn, dễ nhớ sau khi diễn giải đức tin.

Ví dụ:

Sau bài giảng về cầu nguyện, Chúa Giêsu đúc "Ai xin sẽ được, ai tìm sẽ gặp, ai gõ sẽ mở...".

     -  Hay là: về tinh thần phục vụ, Chúa đúc kết: "Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc...".

     -  Hay giảng về kiên tâm bền đỗ trong đức tin, Chúa đúc kết: "Kẻ được gọi thì nhiều, kẻ được chọn thì ít...".

5. Chúa Giêsu lặp lại dưới nhiều hình thức khác nhau về cùng một chân lý; để dễ nhớ, dễ hiểu nhưng không nhàm chán.

Ví dụ: Nói về lòng thương xót Chúa: Chúa dùng ba hình thức:

     -  Con chiên lạc.

     -  Đồng bạc bị mất.

     -  Đứa con phung phá.

6. Tiến từng bước theo nhịp điệu hiểu biết của người nghe: Chúa vén tỏ mầu nhiệm Nước Thiên Chúa theo từng bước, bổ túc và đào sâu thêm.

Ví dụ: Quan niệm về Đấng Cứu Thế gọi là Mêsia.

7. Chúa Giêsu thường trích dẫn Kinh Thánh để minh chứng lời giảng: Để thính giả dễ tin và hiểu sâu về sứ mạng của Ngài.

8. Cảm hoá con người: Lời giảng của Chúa vừa trình bày lời Thiên Chúa, vừa có sức cảm hoá lòng người.

Ví dụ: Với phụ nữ xứ Samaria, với ông Giakêu.




2895    24-03-2011 15:26:56