Bài 10. PHỤC VỤ CỘNG ĐOÀN
Các bài học trước đây trình bày về mối quan tâm của Hội Thánh muốn đổi mới hình ảnh
của giáo lý viên bằng cách nâng cao phẩm chất và địa vị của giáo lý viên trong Hội Thánh.
Vì thế Hội Thánh đã xác định ơn gọi, căn tính và linh đạo giáo lý viên, để giáo lý viên luôn
luôn là người tông đồ thích hợp với thời đại hôm nay.
Trong ba bài sau đây sẽ trình bày thêm về một số vấn đề mấu chốt, nghĩa là vấn đề có ý nghĩa quyết định nhất trong hoạt động tông đồ của giáo lý viên trước hoàn cảnh xã hội hôm nay, nhất là hoàn cảnh riêng ở Á châu chúng ta.
I. Phục vụ là gì? Và tại sao phục vụ?
1. Ý nghĩa:
Phục vụ là làm một việc nào đó có ý để mưu ích cho tha nhân: như phục vụ hành khách, phục vụ khách hàng, phục vụ trong quân đội. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: "Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ" (Lc 22,27).
Tuy nhiên "phục vụ" của Chúa Giêsu có ý nghĩa sâu sắc hơn bình thường. Đó không phải là phương tiện để sinh sống, nhưng là bằng chứng của lòng yêu thương tự nguyện, muốn hiến thân để giúp ích cách khiêm hạ và vô vị lợi.
2. Lý do phục vụ:
Kitô hữu, nhất là giáo lý viên có lý do riêng để phục vụ, đó là giáo lý viên phải noi theo Chúa Kitô, Đấng đã sống như người phục vụ. Người còn truyền cho các môn đệ rằng: "Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau" (Ga 13,14). Rửa chân là cách phục vụ khiêm tốn. Giáo lý viên đã đáp lại ơn Chúa gọi để làm môn đệ của Người thì càng phải noi gương phục vụ của Người hơn những người khác.
II. Phục vụ những ai?
1. Nguyên tắc:
Tập hướng dẫn giáo lý viên của thánh bộ Phúc âm hoá các dân tộc nói rằng: "Giáo lý viên phục vụ tất cả mọi người dù họ thuộc loại nào: thiếu niên và trưởng thành, nam nữ, học sinh, sinh viên, công người khoẻ và người bệnh, người Công giáo cũng như người anh em ly khai, và người chưa chịu phép rửa".
2. Trong thực tế:
Tập "hướng dẫn" nói trên cũng cho biết rằng giáo lý viên không thể kiêm nhiệm nhiều việc một lúc: "Cần phải phân biệt giữa giáo lý viên dạy đạo cho dự tòng để sửa soạn được rửa tội với giáo lý viên chịu trách nhiệm về một xóm đạo, có bổn phận theo dõi những mục vụ khác nhau; hoặc các giáo lý viên dạy đạo trong các trường học; hoặc chuẩn bị cho các em lãnh các bí tích tại thành phố hay thôn quê...". Vì thế, "Mỗi giáo lý viên cần chăm lo cụ thể cho những người được trao phó cho mình, và luôn sẵn sàng để hiểu biết những nhu cầu riêng của họ, hầu có thể giúp đỡ họ.
III. Phục vụ từng hạng người:
1. Tuỳ lứa tuổi:
"Tập hướng dẫn" nhắc lại vấn đề dạy giáo lý tuỳ theo tuổi. Mỗi lứa tuổi có tình trạng thể lý, tâm lý và sống trong điều kiện xã hội, văn hoá khác nhau, nên cần quan tâm tới từng hạng tuổi, vì mỗi hạng tuổi có tầm quan trọng riêng: tuổi mới sinh, tuổi đi học, các trẻ không đi học, các trẻ lớn lên trong gia đình khô đạo, thiếu niên, thanh niên, thanh thiếu niên không đi học và kém thích ứng với cuộc sống, người trưởng thành cho đến người già.
"Tập hướng dẫn" mời gọi giáo lý viên đặc biệt quan tâm đến hai hạng người sau đây:
2. Bệnh nhân và người cao tuổi:
Vì tình trạng yếu kém về thể lý và tâm lý làm cho họ cần đến tình liên đới và sự giúp đỡ đặc biệt để họ biết kết hợp với Chúa Giêsu, "Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta" (Mt 8,17). Riêng người cao tuổi, giáo lý viên giúp họ hoà mình với đời sống gia đình và cảm thấy mọi người gần gũi để chấp nhận những thử thách do tình trạng mệt nhọc và cô quạnh, nhất là cảm thấy vui vì hy vọng được sống đời đời.
3. Những người đang gặp một số tình trạng khó khăn:
Những vợ chồng rối, con cái của các đôi vợ chồng ly thân, ly dị... để bày tỏ cho họ tình thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu (x. Mt 9,36).
IV. Phục vụ như thế nào?
Trong xã hội theo kinh tế thị trường ngày nay, ngành nghề nào cũng có nhiều sáng kiến trong việc tiếp thị "marketting" (như quảng cáo mẫu mã, giá cả, phẩm chất...) để phục vụ khách hàng của mình. Mặc dầu giáo lý không phải là một món hàng nhưng giáo lý viên cũng phải suy nghĩ, chọn lựa, trình bày giáo lý sao cho thích hợp với lứa tuổi, vừa giúp họ có thể hiểu được, vừa đáp ứng nhu cầu của lứa tuổi họ. vì thế để phục vụ cho hữu hiệu, giáo lý viên cần ý thức rằng:
1. Việc phục vụ của giáo lý viên không chỉ theo kiểu người đời mà còn theo gương Chúa Kitô, từ nguyện hiến thân để phục vụ cách khiêm tốn.
2. Phục vụ cho việc hiệp thông giữa các học viên với Thiên Chúa và giữa học viên với nhau.
3. Giáo lý viên phải hiểu biết hạng người mình phục vụ: biết tâm lý, nhu cầu, khả năng tiếp thu của họ để thích nghi từ nội dung giáo lý đến cách trình bày giáo lý.