An là một cậu bé lì lợm, bướng bỉnh, chẳng mấy khi nghe lời mẹ. Lần kia, bà sai con mang gói quà đến cho một bà hàng xóm. Cậu ta cằn nhằn, cãi lại mẹ không đi. Bà phải gắt lên:
- Con có đi không?
Không lay chuyển. Mẹ cậu đổi giọng, giận dữ hơn:
- Có đi không ?
Cuối cùng cậu đi. Nhưng không phải vì hiếu thảo, ngoan ngoãn nghe lời mẹ, mà cậu nghĩ không đi thì bà ấy cứ lải nhải, nhức óc, bực cả mình; cậu dậm chân, chạy lại giật gói qùa trên tay mẹ rồi biến vào không gian hun hút, trước sự ngỡ ngàng của mẹ. Cậu chạy thẳng đến nhà bà hàng xóm theo lời mẹ dặn. Bước vào nhà, cậu sững sờ, đứng lặng im nhìn cảnh tượng bà hàng xóm, thật nghèo kho, căn nhà trống trước trống sau, con nheo nhóc, đứa nào cũng ốm yếu tong teo, chắc hẳn suy dinh dưỡng, bà mẹ chẳng khá gì hơn, lại nghe bà ho sù sụ, sau được biết bà đang bị bệnh lao phổi. Cậu định quăng gói quà rồi biến ngay. Nhưng vứa bước ra tới cửa, bà hàng xóm gọi giật giã, xin con đứng lại để bà cám ơn mẹ con và con một lời đã. Buộc cậu phải dừng chân, sau đó cậu lao vào con hẻm sâu hun hút như chạy trốn một trận dịch. Điều hết sức bất ngờ, khiến mọi người đến kinh ngạc, kể cả mẹ cậu không hay biết. Có lẽ để mẹ bất ngờ hoặc muốn khẳng định ý thức tự giác, nên cậu đã trở lại nhà bà ấy, nhưng lần này không phải mang gói quà của mẹ, mà của chính cậu. Một bà bạn đã báo cho mẹ cậu hay, thấy con bà đến nhà bà nghèo khổ đó. Về nhà, mẹ cậu cũng thấy con mình thay đổi khác lạ, bà ngạc nhiên, chưa tìm ra nguyên nhân.
Suy cho cùng, nguyên nhân làm thay đổi nhân cách nơi cậu bé chính từ người mẹ. Không cần lời giải thích, trước khi sai con đi, bà đã học theo gương sư pham của Đức Kitô: “Con hãy về thuật lại tất cả những điều mắt thấy, tai nghe”(Mt, 11, 4). Nathanaen nói với Philipphê, giới thiệu Đức Giêsu:Từ Na-za-rét làm sao có cái gì hay được?. Philipphê bình tĩnh trả lời “Cứ đến mà xem”(Ga 1, 46). Quả thật Nathanaen đã đến và ở lại với Chúa Giêsu. Lời nói suông không có tính thuyết phục bằng hành động. Cậu bé đã tìm ra ý nghĩa sâu sắc qua lời dạy và gói quà của mẹ, sau khi cậu đã chứng kiến tận mắt hòan cảnh đáng thương của bà hàng xóm ấy. Tục ngữ có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay không thể không nói đến các ứng dụng của khoa học thực nghiệm. Những hình ảnh thực tế đã tác động mạnh nơi tâm hồn nhạy cảm của cậu bé. Chúa bảo các tông đồ: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ không có gì ăn” (Mt 15, 32). Các tông đồ cũng sẵn sàng nghe lời Chúa, giao cho Chúa bảy cái bánh và ít cá nhỏ”. “Rồi người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và môn đệ trao cho đám đông”(Mt 15, 36). Điều đáng quý nơi cậu bé, mặc dù mới chỉ một lần nghe theo lời mẹ đến thăm và tặng quà của mẹ đến với bà hàng xóm đau khổ, đã biến đổi cậu. Và một cuộc biến chuyển mau lẹ đã khiến mọi người phải ngạc nhiên, kể cả mẹ cậu không thể ngờ. Cậu đã trưởng thành trong nhân cách người lớn, phải đi làm để kiếm tiền, giúp đỡ bà hàng xóm đáng thương ấy, và có thể thay thế mẹ. Và bỗng nhiên bây giờ cậu bé trở thành người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tôi còn nhớ câu chuyện về lòng bác ái, yêu thương và phục vụ của người này chuyền cho người kia, thường được nghe mẹ kể từ thuở nhỏ và mẹ cũng thường bảo tôi xúc gạo đem cho người ăn xin:
Lúc mặt trời đỏ ối, khuất dần sau rặng cây xanh. Sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, Tony hối hả lái chiếc xe cũ kỹ về nhà. Bóng đêm mịt mù bắt đầu phủ xuống, trời lại lất phất mưa và gió thổi lạnh lùng. Tony chạy chậm chậm vào một con đường nhỏ và hẹp. Chợt anh nhìn thấy bên kia đường một người phụ nữ đã luống tuổi đứng cạnh chiếc xe hơi. Không cần hỏi. Tony cũng biết nó đang bị trục trặc. Tony tắt máy, dừng lại và bước tới bên cạnh bà:
- Cháu tới để giúp bác.
Tony kiểm tra xe và thấy một bên vỏ đã bị xẹp. Tony trải áo chui xuống gầm xe. Chỉ 10 phút sau, Tony đã thay xong bánh sơ-cua. Tony đứng dậy, người lấm lem, còn tay thì trầy trụa. Người phụ nữ ấy bối rối, biết phải cám ơn thế nào cho xứng đáng nên quyết định hỏi anh lấy công bao nhiêu tiền. Bà bảo đừng ngại vì nếu không gặp được anh, bà không biết chuyện gì sẽ xảy đến với mình giữa đêm tối, đường lại vắng như thế này. Đúng là anh đang thất nghiệp, nhưng sửa xe không phải là nghề của anh và anh giúp bà chỉ vì thấy tội nghiệp mà thôi. Vả lại, trước đây có rất nhiều người hào hiệp, giúp anh trong lúc khốn khó. Nghĩ vậy Tony từ chối:
-Cám ơn bác. Nếu bác có lòng, xin hãy giúp người khác.
Xe chạy được vài dặm, người phụ nữ dừng lại và bước vào một quán ăn nhỏ bên đường. Cô hầu bàn vội lấy khăn cho bà lau mái tóc ướt sũng. Người đàn bà ái ngại nhìn cô gái, cô đang mang thai và cũng sắp đến ngày sinh nở, bà chợt nhớ tới lời Tony. Ăn xong, bà kêu tính tiền và đặt ra tờ 100 đôla. Khi cô hầu bàn đem tiền thối trở lại. Người khách đã đi mất. Trên bàn chỉ còn lại một mẫu giấy nhỏ:
- “Con đừng cám ơn ta, ta cũng từng được giúp đỡ, nếu con có lòng, hãy nhớ tới người khác”
Trên đường vế nhà, cô suy nghĩ miên man. Làm sao người phụ nữ đó biết vợ chồng cô đang gặp lúc khó khăn. Đi ngang qua công viên, cô thấy hai bóng người, một bé một lớn ôm nhau trên ghế đá. Cô hiểu ra họ lang thang không nhà ở.
- Dù sao mình có chỗ ngủ đêm, có việc làm, cô chạnh lòng nghĩ. Sau đó, cô nhẹ nhàng thò tay vào túi rút số tiền bà lão tặng, đặt xuống bên cạnh người mẹ không nhà đang dỗ con ngủ.
Ngày nay Giáo Hội Việt Nam đặc biệt quan tâm Giáo dục kitô giáo, qua đường hướng thư mục vụ HĐGMVN 2008. giáo dục bác ái, yêu thương phải là giáo dục nhân bản của nền “văn minh tình thương” nhân lọai. Thánh Phaolô đã từng xác định: giả như tôi có nói được các thứ tiếng của lòai người và của các thiên thần đi nữa mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xỏang . Giả như tôi được ơn nói tiên tri, biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu hay có cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì cũng chẳng là gì. Thánh Phaolo còn quả quyết: “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”(1Cr, 13, 12-13)
Gương bác ái bằng việc làm cụ thể của những nhân chứng trên đây đã nói lên tính hữu hiệu của phương pháp giáo dục thực tiễn, có tính thuyết phục cao và điều quan trọng là cảm hóa được con người nên tốt. Để làm cho tha nhân nhận biết gương mặt ngời sáng của Chúa Kitô Phục sinh, chúng ta cần làm chứng tá bằng đời sống bác ái chân thật, tránh xa mọi chia rẽ bất bảo như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: “Thế giới đau khổ vì vắng bóng Thiên Chúa, vì không đến được với Chúa, nên ước ao biết mặt Chúa, nhưng con người ngày nay làm sao có thể nhận biết gương mặt đó của Thiên Chúa nơi gương mặt của Đức Giêsu Kitô, nếu các Kitô hữu chúng ta chia rẽ nhau, nếu người này dạy dỗ chống lại người kia, nếu một người chống lại người khác ? Chỉ trong sự hiệp nhất, chúng ta mới có thể cho thế giới thực sự thấy gương mặt của Thiên chúa, gương mặt của Chúa Kitô” (Huấn từ ngày 23. 1. 2008)
Tuy nhiên yêu là chết đi, là mất đi, có thể mang lụy vào thân. Nhưng cho đi là tiếp nhận, là sống thật, như hạt giống mục nát đi mới thành cây xanh tốt và cho cây trái xum xuê. Lời Kinh Hòa bình của Thánh Phan-xi-cô bắt nguồn từ sự chết và sống lại của Đức Giêsu luôn vang vọng trên thế giới:
- “Chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. . . ”
Thật vậy Đức Giêsu đòi hỏi người theo Chúa “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo và Chúa đề cao chân lý ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”(Mt 16, 24-26).
Từ khi Đức Kitô sống lại từ cõi thế, lời rao giảng của các tông đồ trở nên mãnh liệt hơn, hữu hiệu hơn và được nhiều người tin theo hơn, vì các ông trở thành chứng tá trung thành của lời rao giảng ấy; họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và Gioan mạnh dạn và biết rằng hai ông là người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Nhiều người đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn.
Trong đợt cứu trợ nhiều trận bão lũ miền trung chỉ trong một tháng qua, đã có nhiều tấm gương anh dũng liều chết để cứu người hết sức thương tâm và xúc động:
“Tín bị nguyên một thân cây cổ thụ chèn chết dưới khe đồi đất. Thân xác anh bị vùi trong phù sa, chỉ khuôn mặt tuy bị nước lũ chà xát, phù lên, nhưng không biến dạng; cách đó mươi mét, Tùng, bạn đồng hành với Tín, nằm dựa ngang cành cây, một chân bị kẹt giữa hai thân cây, nhưng tim còn đập”(Hiêp Thông 44 trg181).
Dường như không có phương pháp giáo dục nào mà không đòi hỏi làm gương trước. Có bạn đến chơi. cu Tí vui lắm. Thế nhưng chỉ được một lúc, Tí và bạn bắt đầu cãi nhau và xông vào giành giật chiếc ô-tô tí hon màu đỏ. Cậu bé nhất định không cho bạn mượn chơi vì đấy là món đồ nó thích nhất. Vì hiểu con và thông thạo tâm lý giáo dục Trẻ thường làm những gì chúng thấy bố mẹ mình làm, hãy làm gương nếu muốn rèn con nên người. Mẹ dạy cu Tí:
- Bố và mẹ chia sẻ tờ báo này cho nhau. Mẹ sẽ xem tin thời sự, còn bố sẽ xem mảng kinh tế. Khi đọc xong, bố mẹ sẽ đổi cho nhau”.
946 14-02-2011 10:01:39